QUÁN KHÔNG ĐƯỜNG
Thay đổi trang: << < 161718 > >> | Trang 17 của 35 trang, bài viết từ 241 đến 255 trên tổng số 517 bài trong đề mục
Đông Tà 28.08.2006 12:41:33 (permalink)
0


Trích đoạn: lá chờ rơi
TỰ MÃN

Quả đất ta nay đã lắm người
Trăm giành nhau tới một vừa lui
Nhà xây muôn nóc sinh không chỗ
Ðất chở ba tầng tử có nơi
Kẻ dại nghe tiên chừa nết nhậu*
Người ngông hỏi bụt có gì chơi
Bụt cười không nói nhưng ngầm bảo
- Vui chẳng đâu hơn dưới cõi đời !
Lá chờ rơi

*lý sự nầy chỉ nói chung chung, nhưng tình cờ trúng vào Đông Hòa bảo là đang cai rượu.
cứ lai rai nhậu lại là tránh được thôi !

Hí họa

Tội quá đi..

Tửu phùng tri kỷ có..ba người
Tự nhủ phen này chết chẳng lui
Cứ nghĩ lai rai nào một chỗ
Suy rằng choáng váng phải vài nơi
Ngờ đâu Bác Lá : ăn không nhậu
Lại đến lão Hoà : uống hổng chơi!
Chỉ tội Tà tui sao khó bảo
Chưa say chửa thấy thú trên đời

28/08/2006
CSL

Bác Lá còn ruợu được chút chút chứ như lão Hoà chán quá đi,vài giọt là muốn lăn ra rồi.Oải quá hehe..
Đông Hòa 28.08.2006 13:47:27 (permalink)
0

Bác Lá còn ruợu được chút chút chứ như lão Hoà chán quá đi,vài giọt là muốn lăn ra rồi.Oải quá hehe..


Chời....hôm ấy tui còn đưa chú về tận nhà...mà còn nhớ chổ hằn hoi...say sao được bạn mình ui......chùi ui...chậc.....tui uống hơi dở thui chứ đâu tệ thế...hởi lão Tà ui
Đông Tà 28.08.2006 13:59:01 (permalink)
0
Thì anh lăn ra đất 1hồi fải tỉnh chứ hìhì..quên cảm ơn anh đã chở Bác Lá về nhà,thanks nhe.Sau lễ rảnh rảnh 2anhem mình xuống..xông nhà Bác Lá tan tành fát nhé.:-)
lá chờ rơi 30.08.2006 11:25:44 (permalink)
0

TRƯỚC LÚC ẤY

Trước lúc ấy, ta không là chi cả
Bụi thiên hà lơ lửng giữa không không
Khắp vũ trụ đâu cũng đều xa lạ
Trong không gian nối tiếp đến vô cùng.

Trước lúc ấy ta chẳng là chi cả
Không là mây là gió giữa lưng trời
Không là đất hay sương mờ băng giá
Không giận hờn không thương nhớ xa xôi.

Rồi bỗng có một vì sao chớm nở
Trong quay cuồn trong cuộn hút mênh mông
Ta bỗng thấy mình đang nằm bở ngở
Trong vòng tay âu yếm mẹ yêu bồng.

Rồi ta theo cơn lốc cuộc đời
Làm được gì ? ích lợi cho ai ?
Hay chỉ làm chứng nhân cho dâu bể
Nhìn núi sông nhân thế đổi dời ?

Trăm năm nữa ta đi vào bụi cát
Bánh xe lăn đời vẫn tiến không ngừng
Như hạt mưa chìm giữa đại dương
Có ta hay không, không gì thêm bớt

Vui khi sống thản nhiên về cõi chết
Về nơi mà trước đó đã đi ra
Kiếp con người ta có một cái “ta”
Khi hết kiếp cái “ta” nầy trả lại

Ta trở lại với mình khi trước ấy
Là bụi trời trong vũ trụ bao la ?
Là vì sao trong một giải thiên hà ?
Hay tất cả là ta, ta là tất cả ?!

Lá chờ rơi
lá chờ rơi 30.08.2006 11:27:37 (permalink)
0
TUỔI VÀNG 77

Bảy bảy rồi đây hỏi mãi chi ?
Tám năm đời tặng "cổ lai hy"
Ăn trên ngồi trước nào ai sánh
Trẻ dạ già vâng mấy kẻ bì
Con cháu hỏi han ừ lại hử
Bạn bè chăm chút đến rồi đi
Tiêu dao ngày tháng cùng thơ, bạn
Thế sự ra sao đáng kể gì !
Lá chờ rơi

họa ngược vần TUỔI VÀNG 77

Bảy bảy xem ra đã thấm gì
Răng còn cắn mạnh bước còn đi
Cờ tiên cờ tục chưa nhường bước
Thư giận thư vui chẳng lộn bì
Hữu ý mây mưa chờ mịt mịt
Vô tình con cái tiếu hi hi *
Tay chân mặt mũi tuy già cả
Còn chút riêng nầy trẻ đó chi ? **
Lá chờ rơi

* Tiểu nhơn đắc chí tiếu hi hi, Ðại nhơn đắc chí tiếu hì hì

** Già thì già mặt già mày, Tay chân già hết nhưng chỗ này còn non !

Một cô gái lai Pháp, ngõ lời làm mai mẹ cô với tôi. Khi tôi trả lời là đã già rồi thì cô ta đọc ngay ra hai câu trên**, và dùng tay chỉ luôn vào cái “chỗ này” !

Kể lại cho các bạn nghe cầu vui, nhưng đừng đánh giá thấp cô gái ấy.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.09.2006 07:10:22 bởi lá chờ rơi >
lá chờ rơi 02.09.2006 07:09:00 (permalink)
0

Ghẹo để ai hỏi thì trả lời. Nhưng không ai hỏi nên cũng đành phải giải thich cho khỏi hiểu lầm :

Hai câu :

** Già thì già mặt già mày, Tay chân già hết nhưng chỗ này còn non !

thường được các ông dùng để ghẹo cho các bà hiểu lầm ở hai chữ "chỗ này" !

Còn đúng nghĩa thì hai câu ấy muốn nói rằng : bất chấp thời gian cái tình vẫn mãi còn. Cô gái lai lúc nói đến hai chữ "chỗ này" thì chỉ vào ngực trái nơi có quả tim.

Bởi thế nên cùng một ý ấy là câu :

"Còn chút riêng này trẻ đó chi ?"

cũng như các câu thơ sau đây của Trần Huyền Trân :

Tóc sẽ bạc phơ phơ màu tuyết lạnh
Ngày lại ngày phất phất gió xa xa
Thời gian bay trên tấm lòng hiu quạnh
Nhưng tình ta muôn thuở mãi không già !

lá chờ rơi 02.09.2006 07:12:43 (permalink)
0

Xin có đôi giòng tưởng niệm anh Tạ Ký.
Những bài thơ của anh đã cho tôi có đủ tự tin để học làm thơ.
LCR

THÌ TRANG TÌNH SỬ . . .

Có người thường hỏi thăm tôi
Viết trang tình sử tới hồi chót chưa ?
Có trăng vàng ngập phên thưa ?
Có đêm chăn gối nghe mưa ngoài trời ?
Thưa rằng : không viết nữa rồi
Một trăm câu chuyện trên đời giống nhau !

Ai làm cho tóc bạc đầu ?
Cho câu kỳ ngộ thành câu giả từ ?
Ðã đành là việc riêng tư
Ðã đành là để tờ thư võ vàng
Ðã đành lắm chuyến đò ngang
Sông sâu khá dễ ... nên sang một mình
Làm trai mơ khúc Hậu Ðình
Trách chi thương nữ mang tình bán rao !
Ðời đem vàng đọ yêu đào
Cho nên son phấn dự vào gió sương
Góp tài hoa dựng đoạn trường
Ba trăm năm nữa ai thương chúng mình ?
Nói chi chuyện nhục cùng vinh
Giai nhân thất thểu, thư sinh thẫn thờ
Chẳng thà liều một thế cờ,
Ðem thân trai đổi những giờ thịnh suy
Chẳng thà liều một chuyến đi
Ðể đôi người bạn chờ khi trở về

Còn hơn nhìn mãi vết xe,
Còn hơn nhớ mãi trăng thề năm nao ?
Còn hơn cháo múc tiền trao,
Tóc xanh bạc tóc môi đào héo môi.
Chong đèn khuya viết chuyện đời,
Tình xưa sử nến hỡi ơi còn gì !
Mười lăm năm : một Kiều nhi,
Ba mươi năm hỏi làm chi bây giờ ?
Tâm tình : lỗi một đường tơ
Thế tình : loạn giữa hai bờ lợi danh
Nhân tình khi rách khi lành
Thì trang tình sử lại đành dở dang.

Tạ Ký
(trích trong Tuyển tập thơ "Quảng Nam chưa mưa đà thắm")

Đông Hòa 02.09.2006 07:16:54 (permalink)
0
Bài thơ của chú và luận về trái tim rất cao siêu.....đọc xong rất đã....và thư giản tâm hồn

chúc chú sức khoẻ
Dh
lá chờ rơi 03.09.2006 09:11:22 (permalink)
0

SỰ ĐỜI
(thân tặng những ai đang trách vợ trách chồng)

Dã tràng xe cát để mà chơi
Thế thái nhân tình gẫm mấy mươi
Hiểm hóc kẻ gian lừa kẻ độc
Ngây ngô thằng ngốc cõng thằng lười
Sứt môi khéo vá nhìn không thấy
Rỗ mặt siêng dồi ngắm cũng tươi
Chớ trách sự đời như mõm chó
Trót thương đem chín bỏ làm mười.
Lá chờ rơi

DUY GIANG 04.09.2006 23:29:16 (permalink)
0

SỰ ĐỜI

(thân tặng những ai đang trách vợ trách chồng)

Dã tràng xe cát để mà chơi
Thế thái nhân tình gẫm mấy mươi
Hiểm hóc kẻ gian lừa kẻ độc
Ngây ngô thằng ngốc cõng thằng lười
Sứt môi khéo vá nhìn không thấy
Rỗ mặt siêng dồi ngắm cũng tươi
Chớ trách sự đời như mõm chó
Trót thương đem chín bỏ làm mười.

Lá chờ rơi


kính họa

CHUYỆN RIÊNG

đã lấy vợ rồi hết thói chơi
tuổi đời dâng hết chết mười mươi
tiền lương tới tháng không còn biết
công việc luôn tay chẳng thể lười
sớm tối chăm con ăn với học
đêm về vỗ vợ kẻo không tươi
trách chi mộng ước tròn như muốn
than thở trần ai khổ cả mười

DUY GIANG.


kính chào BÁC LÁ.hôm nay cháu mới phát hiện ra nhà bác LÁ ở đây....mong BÁC VUI NHÉ - nay vào đây cho đỡ ồn ào ở trang bản nháp nhiều người làm lời thơ cổ quá chúng cháu làm sao theo được
chúc bác LÁ vui và mạnh khoẻ
lá chờ rơi 09.09.2006 09:13:43 (permalink)
0

CHUYỆN RIÊNG

đã lấy vợ rồi hết thói chơi
tuổi đời dâng hết chết mười mươi
tiền lương tới tháng không còn biết
công việc luôn tay chẳng thể lười
sớm tối chăm con ăn với học
đêm về vỗ vợ kẻo không tươi
trách chi mộng ước tròn như muốn
than thở trần ai khổ cả mười

DUY GIANG.

kính chào BÁC LÁ.hôm nay cháu mới phát hiện ra nhà bác LÁ ở đây....mong BÁC VUI NHÉ - nay vào đây cho đỡ ồn ào ở trang bản nháp nhiều người làm lời thơ cổ quá chúng cháu làm sao theo được
chúc bác LÁ vui và mạnh khoẻ


Chào Duy Giang,

Bên nầy thì chấp nhận thơ "không đường" chung với thơ "có đường".
Việc ở trang kia thì bác có ý nghĩ như sau :

Phàm là tôn sư của một trường học, một trường phái hay tác giả một quyển sách chỉ dạy về một vấn đề gì, thì vị tôn sư nào cũng muốn có những nét riêng. Vì nếu dạy giống với người khác, hay rập khuôn theo sách, thì cũng hơi mất mặt bầu cua. Họ phải có một cái gì đặc thù, mới mẻ, hoàn toàn riêng một mình họ.
Dĩ nhiên phần lý thuyết chính yếu phải tôn trọng, chỉ có cách giải thích và chi tiết là được phép khác nhau.
Cụ thể là phép "niêm" của thơ Ðưởng hiện hành, có đến 3, 4 cách trình bày khác nhau, mà kết quả vẫn là một thứ.
Rồi thì trong sự phân tách nghiên cứu tìm tòi riêng, mỗi người tìm ra được một khía cạnh đặc biệt nào đó của âm thanh, nên đưa ra dạy môn đồ. Có lẽ do đó mà chữ thứ 5 trong câu bị gạt ra ngoài tính chất "bất luận" căn bản của tiền nhân để lại.
Theo bác, nếu lấy những trường hợp đặc biệt dùng làm quy luật chung, thì hai chữ thứ 1 và thứ 3 cũng vẫn không hoàn toàn là "bất luận" theo ví dụ sau đây :

Khi họa bài Tự Mãn của bác, thì ông bạn-thầy của bác ban đầu viết rằng :

NHẤT ĐỜI
(họa Tự Mãn)

Ai đã đem ta ném giữa đời
Giang-hồ mã thượng mặc rong chơi
Bến-Tre Bến-Nghé len từng ngách
Biển Á Biển Âu quậy khắp nơi
Mỗi ả mỗi nghề vui lại đến
Một mình một chiếu ngự rồi lui
Trời cho ngày tháng Xuân cho tuổi
Tao ngộ nàng thơ nhất cõi người !

Châu-Anh Ðỗ-Ðơn-Chiếu

Câu thứ 4 bác nghe không êm tai nên bác xin đổi cho hai chữ có thanh Bằng. Sau đó tác giả sửa lại là "Bờ Á bờ Âu quậy khắp nơi" thì bác nghe ngọt ngào hơn với nhiều chất "thơ".
Ðây là vấn đề thẩm âm của mỗi người. Có thể có nhiều người không đồng ý với bác. Nhưng chắc chắn là vẫn có một số người cùng nghĩ như bác.

Nhưng không thể vì thế mà gạt bỏ chữ 1 và chữ 3 ra khỏi tính chất "bất luận", vì đây chỉ là những trường hợp đặc biệt, ngoại lệ.

Muốn xét kỷ phải nói về quy luật "âm thanh".
Bác chỉ nêu một điểm căn bản là :

"Khi hai âm thanh đi liền nhau, nếu tần số của chúng cho một tỷ số đơn giản thì nghe êm tai, nếu tỷ số nầy phức tạp với nhiều số lẻ thì nghe chói tai".

Một câu thơ Ðường có 7 chữ, nên sự phối hợp âm thanh rất là phức tạp nhiều cách.

Do đó theo bác nên coi đây là việc riêng của từng cá nhân, tùy theo cái lỗ tai thẩm âm của họ. Và thơ của mỗi người đọc nghe êm hay khổ độc, đó là màu sắc riêng của mỗi tác giả.

Tóm lại bác nghĩ là chỉ cần học phần căn bản cách làm thơ Ðường Luật, trong bài của sis VDN tải về.
Những sự góp ý, đề nghị cao siêu hơn thì ta đành để "hậu xét", khi đã hoàn toàn nắm vững căn bản, và có nhiều kinh nghiệm với thơ Ðường Luật.

Sẵn đây bác nói luôn về những thể thơ "cầu kỳ" mà những người có khả năng làm chơi, mỗi người một ít trong đời làm thơ của họ. Những bài ấy được làm với "kỹ thuật" nhiều hơn là với "cảm xúc", nên không có công dụng phổ thông của thơ, là dùng để diễn đạt mọi tình cảm, sự việc.

1/ thơ "thuận nghịch đọc" loại thông thường thì cháu vừa thấy qua. Tuy hay thật nhưng nó bị giới hạn rất nhiều về ý nghĩa, vì phải viết sao cho đọc xuôi đọc ngược đều có nghĩa.
Trang thơ riêng của bác Từ có thấy khá nhiều.
Còn đây là một bài thơ xưa được lưu truyền :

PHONG CẢNH TÂY HỒ
(thuận nghịch đọc)
đọc xuôi :

Ðầy vơi thực lạ cảnh Tây Hồ,
Trước tự Trời kia khéo vẻ đồ.
Mây lẫn nước xanh màu đúc ngọc,
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu.
Cây là tán rợp tầng cao thấp,
Sóng gợn cầm tâu nhịp nhỏ to.
Bầy sẵn thú vui non nước đủ,
Tây-Hồ giá ấy dễ đâu so !

đọc ngược :

So đâu dễ ấy giá Hồ-Tây !
Ðũ nước non vui thú sẳn bầy.
To nhỏ nhịp tâu cầm gợn sóng,
Thấp cao tầng rợp tán là cây.
Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt,
Ngọc đúc màu xanh nước lẫn mây.
Ðồ vẻ khéo kia Trời tự trước,
Hồ Tây cảnh lạ thực vơi đầy !

Nguyển-huy-Lượng

2/ thơ "thuận nghịch đọc" khó hơn là :
- đọc xuôi cả 7 chữ, đọc ngược cả 7 chữ
- đọc xuôi 5 chữ đầu, đọc ngược 5 chữ đầu
- đọc xuôi 5 chữ chót, đọc ngược 5 chữ chót

như hai bài sau đây của vua Tự Ðức và Hàn Mặc Tử :

VÔ ÐỀ (đọc xuôi 7 chữ)

Gương tà nguyệt xế đã ngoài song
Héo hắt sao trông quá sức trông
Thương bấy thiết tha lòng héo liễu
Nhớ thêm vàng vỏ má phai hồng
Vương sầu xiết tưởng chi ngôi bắc
Ðoạn thảm xui buồn vã chạnh đông
Chàng hỡi biết chăng ai bực bội
Loan hàng viết thảo tả tình chung.
Tự Ðức

- đọc ngược cả 7 chữ, từ dưới chót

Chung tình tả thảo viết hàng loan
Bội bực ai chăng biết hỡi chàng
Ðông chạnh vã buồn xui thảm đoạn
Bắc ngôi chi tưởng xiết sầu vương
Hồng phai má vỏ vàng thêm nhớ
Liễu héo lòng tha thiết bấy thương
Trông sức quá trông sao hắt héo
Song ngoài đã xế nguyệt tà gương.

- đọc xuôi 5 chữ đầu,

Gương tà nguyệt xế đã
Héo hắt sao trông quá
Thương bấy thiết tha lòng
Nhớ thêm vàng vỏ má
Vương sầu xiết tưởng chi
Ðoạn thảm xui buồn vã
Chàng hỡi biết chăng ai
Loan hàng viết thảo tả.

- đọc ngược 5 chữ đầu, từ dưới chót

Tả thảo viết hàng loan
Ai chăng biết hỡi chàng
Vã buồn xui thảm đoạn
Chi tưởng xiết sầu vương
Má vỏ vàng thêm nhớ
Lòng tha thiết bấy thương
Quá trông sao hắt héo
Ðã xế nguyệt tà gương.

- đọc xuôi 5 chữ chót,

Nguyệt xế đã ngoài song
Sao trông quá sức trông
Thiết tha lòng héo liễu
Vàng vỏ má phai hồng
Xiết tưởng chi ngôi bắc
Xui buồn vã chạnh đông
Biết chăng ai bực bội
Viết thảo tả tình chung.

- đọc ngược 5 chữ chót, từ dưới chót

Chung tình tả thảo viết
Bội bực ai chăng biết
Ðông chạnh vã buồn xui
Bắc ngôi chi tưởng xiết
Hồng phai má vỏ vàng
Liễu héo lòng tha thiết
Trông sức quá trông sao
Song ngoài đã xế nguyệt.

CỬA SỔ ÐÊM KHUYA
(đọc xuôi 7 chữ)

Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nợ vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.
Hàn Mặc Tử

(cũng đọc theo cách trên thì ra 6 bài)

3/ Lại có những bài đọc xuôi là "hán văn", đọc ngược với nghĩa "nôm" :

ÐỀ MỸ NHÂN ÐỒ
(đọc xuôi là hán văn)

Thanh xuân tỏa liễu lãnh tiêu phòng
Cẩm trục đình châm ngại điểm trang
Thanh dạng đỗ liên phi phất lục
Ðạm hi tạn cúc thác sơ hoàng
Tình si dị tố liêm biên nguyệt
Mộng xúc tằng liêu trướng đính sương
Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bận
Oanh ca nhật vĩnh các tiêu hương.
Phạm Thái

(đọc ngược với dịch nghĩa văn nôm)

Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh
Bận mối sầu khêu gượng khúc tranh
Sương đỉnh trướng gieo từng giục mộng
Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình
Vàng thưa thớt cúc tan hơi tạm
Lục phất phơ sen đọ dạng thanh
Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm
Phòng tiêu lạnh lẽo khóa xuân xanh.

XUÂN HỨNG
(đọc xuôi là hán văn)

Thi đàn tế liễu lộng hoa hài
Khách bộ tùy sương ẩn bích đài
Kỳ cục đả thanh phong áp trận
Tửu biều khuynh bạch tuyết hòa bôi
Sơ liêm thấu nguyệt hương lung cúc
Tuyết án lăng hoa vị áp mai
Phi phất thảo am đầu tĩnh điếm
U tình cố nại thuộc quyên ai.
Tự Ðức

(đọc ngược với dịch nghĩa văn nôm)

Ai quen thuộc nấy có tình ư
Ðiếm tĩnh đầu am cỏ phất phơ
Mai ép mùi hoa lừng án tuyết
Cúc lồng hương nguyệt thấu rèm thưa
Chén hòa tuyết trắng nghiêng bầu rượu
Trận áp phong thanh đánh cuộc cờ
Rêu biếc in sương theo bước khách
Hài hoa lỏng lẻo tới đàn thơ.

4/ Ngoài ra còn nhiều sự "cầu kỳ" khác như :

* loại điệp tự và song thanh điệp tự :

VÔ ÐỀ

Ngất ngất ngơ ngơ cũng nực cười
Cằm cằm cụi cụi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không lo chết kiếp
Khôn khôn dại dại ngoẳn xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi.
Nguyễn Thượng Hiền

CỬA SỔ ÐÊM KHUYA (?)

Nguyệt khuyết lờ mờ nửa cửa soi
Lơ thơ cỏ tỏ nét tươi cười
Âm thầm giận phận lôi thôi mãi
Bức rức phiền duyên lẩn thẩn hoài
Lác đác sương vương cành liễu yếu
Lai rai gió bổ đóa mai phai
Bâng khuâng tưởng tượng về quê cũ
Vẳng vẳng lâu đâu trống gióng hồi.
Hàn Mặc Tử

* Loại độc âm (tứ tuyệt) :

VUI THÚ ÐIỀN VIÊN

Cui cút cùng cây cỏ cận kề
Cung cầm cứng cỏi cũng cò ke
Cuộc cờ cao kém cơn cười cợt
Cái cốc cô ca cứ cặp kè.
Nguyễn Khoa Vy

TRÁCH BẠN ÐA TÌNH

Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa
Chín chìu chua chát chán chê chưa
Cha chài chú chớp chơi chung chạ
Chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ.
Nguyễn Khoa Vy

* Loại thơ nói lái (tứ tuyệt) :

ÐÊM KHUYA ÐỢI TÌNH NHÂN

Nực cổi chi ra nỗi cực lòng
Dòng châu lai láng dỉa dầu chong
Khó đi tìm hỏi nhau khi đó
Công khó chờ nhau biết có không ?
Nguyễn Khoa Vy

ÐI CHƠI THUYỀN Ở ÐẬP ÐÁ (Huế)

Ðập cũ thuyền đưa đủ cặp rồi
Trời cho sức khỏe lắm trò chơi
Có đôi khi rảnh lên côi đó
Cười ngả nghiêng vui ngất cả người.
Nguyễn Khoa Vy

Chỉ ví dụ thôi, vẫn chưa kể đủ hết các loại thơ cầu kỳ.
Nhưng như thế cũng tạm đủ để thấy là Rừng thơ khá mênh mông, với nhiều cái hay, cái đẹp khác nhau.
Muốn làm thơ hay thì phải học và tự rèn luyện về ngữ vựng (phải có cái bồ chữ càng to càng tốt), về kỹ thuật (phải chịu khó tìm chọn chữ, cách đảo trang), cũng như phải lắng nghe những âm thanh do câu thơ mình tạo ra, để nếu cần, thì vẫn phải sửa những chữ vốn được coi là "bất luận" (1, 3, 5).

Thân mến chào cháu. Gặp lúc đang bận nên chậm trả lời.
LCR
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.09.2006 09:16:26 bởi lá chờ rơi >
DUY GIANG 11.09.2006 20:57:21 (permalink)
0
KÍNH CHÀO BÁC LÁ .

lúc đầu vào thư quán chaú cứ tưởng thơ có <ĐƯỜNG VÀ THƠ KHÔNG CÓ ĐƯỜNG > như là tính từ chỉ thơ hay và không hay. bây giờ BÁC phân tích như vậy cháu hiểu nhiều lắm. cháu cũng đọc và xem kỹ từng cách xướng họa của mọi người .hình như có người còn đối chuẩn từng từ từng chữ trên dưới theo luật bằng trắc...eo ơi...hãi quá BÁC LÁ ơi
THÔI THÌ cứ theo BÁC tý toáy làm quen BÁC À.

cháu cảm ơn BÁC NHIỀU LẮM VÀ CẢ KIM GIANG VÀ ANH TRẦN MẠNH HÙNG.
ai cũng chỉ bảo tận tình...chúc BÁC VÀ CẢ NHÀ MẠNH KHỎE và mãi vui
DUY GIANG 11.09.2006 21:18:32 (permalink)
0

TỰ MÃN

Ai bảo ta nay đã cuối đời ?
Chớm tròn bảy bảy chỉ chơi chơi
Sống lâu ai gánh thân không vợ ?
Chết gấp ai đền nợ mấy nơi ?
Dồi chó dương gian vừa nhắc tới *
Chân vào nước chúa vội đòi lui
Ðời yêu giữ lại cho thêm tuổi
Ðược đến như ta dễ mấy người.
Lá chờ rơi


phúc đời

mặc kệ tuổi cao kệ cuối đời
dẫu cho tám chục vẫn ham chơi
vợ đi về trước hầu tiên tổ
ta một mình vui -con mấy nơi
đứa bắc mời CHA ăn thịt chó
thằng nam du lịch chẳng cho lui
cái vui trăm tuổi mà ta có
khi chết chẳng than -một kiếp người .

DUY GIANG
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.09.2006 21:19:33 bởi DUY GIANG >
lá chờ rơi 12.09.2006 03:13:13 (permalink)
0

KÍNH CHÀO BÁC LÁ .

lúc đầu vào thư quán chaú cứ tưởng thơ có <ĐƯỜNG VÀ THƠ KHÔNG CÓ ĐƯỜNG > như là tính từ chỉ thơ hay và không hay. bây giờ BÁC phân tích như vậy cháu hiểu nhiều lắm. cháu cũng đọc và xem kỹ từng cách xướng họa của mọi người .hình như có người còn đối chuẩn từng từ từng chữ trên dưới theo luật bằng trắc...eo ơi...hãi quá BÁC LÁ ơi
THÔI THÌ cứ theo BÁC tý toáy làm quen BÁC À.


Ðó là cách nói giởn chơi ghẹo chọc cả hai nơi : gọi "có đường" là thơ Ðường Luật, khó khăn, hay bị bắt bẻ, "không đường" là các loại thơ khác, nhưng vẫn bảo là nó cũng rất "ngọt" để khỏi mích lòng. Và sự thật vẫn đúng là như thế. Thể nào cũng có "hay" và "dở", tùy tài ba và sự cố gắng của mình thôi.

Ðối chan chát, cùng tự loại, mà vẫn hay thì có các câu :

Lìa Ngô - bịn rịn - chòm mây bạc
Về Hán - trao tria - mảnh má hồng
Son phấn - thà cam - dày gió bụi
Ðá vàng - đâu để - thẹn non sông
(Tôn Phu Nhơn qui Thục - Tôn Thọ Tường)

Nhưng nhiều khi đối chan chát quá, thì câu thơ cứng nhắc, nghe như máy móc, kém hay. Nên có trường phái chủ trương chỉ đối vừa phải mà "hay".

Chúc cháu không lùi bước trước cái khó, và luôn hăng say với thơ.

*****

Xướng : thân mời

CÒN CHÚT TÌNH THƠ

Còn chút tình thơ trải gió đông
Thơ cuồng bay loạn giữa cuồng phong
Nhân tình khó thấy sau như trước
Thế thái đừng so bể với sông
Nhớ thuở ban sơ oanh học nói
Thương giờ vượt thác cá thành rồng
Trăng sao thấm lạnh lòng cô lẻ
Còn chút tình thơ gửi gió đông.
Lá chờ rơi


Mấy bữa rày trời nóng quá, nên cảm phiền chọc ghẹo cho mùa đông đến sớm tí.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.09.2006 03:23:51 bởi lá chờ rơi >
DUY GIANG 15.09.2006 16:53:20 (permalink)
0

CÒN CHÚT TÌNH THƠ

Còn chút tình thơ trải gió đông
Thơ cuồng bay loạn giữa cuồng phong
Nhân tình khó thấy sau như trước
Thế thái đừng so bể với sông
Nhớ thuở ban sơ oanh học nói
Thương giờ vượt thác cá thành rồng
Trăng sao thấm lạnh lòng cô lẻ
Còn chút tình thơ gửi gió đông.
Lá chờ rơi


NHỚ CHỒNG ĐÊM ĐÔNG

chăn đơn lẻ gối với đêm đông
cửa đóng mà sao có quẩn phong
tê tái nỗi sầu hoen lệ đổ
đìu hưu như bến lẻ bên sông
nhớ xưa duyên ấm tình chăn gối
cảnh cũ lứa đôi mộng nước rồng
đêm vắng lệ tuôn thương mộng cũ
góc buồn gió quẩn khóc đêm đông.

DUY GIANG.

trời nóng cố giữ sức khỏe BÁC À..ăn đồ lỏng và ăn nhẹ chịu khó đi bộ hay tập dưỡng sinh..
mong BÁC luôn khỏe
kính mong.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.09.2006 16:55:23 bởi DUY GIANG >
Thay đổi trang: << < 161718 > >> | Trang 17 của 35 trang, bài viết từ 241 đến 255 trên tổng số 517 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9