Giải phẫu thẩm mỹ
HongYen 01.05.2004 10:54:57 (permalink)
Giải phẫu thẩm mỹ

LTS: Hút mỡ độn ngực giả, lifting, cấy tóc... ngày càng nhiều người tìm đến các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, và không chỉ có phụ nữ, nam giới ngày nay cũng chú trọng đến vẻ đẹp bên ngoài nhiều hơn xưa, và thậm chí họ còn xem điều đó như là thước đo của thang giá trị thành đạt trong cuộc sống nghề nghiệp của mình! Tuy nhiên, đây là sự tiến bộ của xã hội hay thể hiện mối nguy hiểm ẩn mình nào đó?

Cái đẹp – trên tất cả
Để trả tiền cho bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, Isabelle đã không ngần ngại hy sinh món tiền tiết kiệm quý giá của mình. Người đàn bà xinh đẹp 40 tuổi này tâm sự: “Một số người dốc túi 5000 Euro để tậu một chiếc tivi digital đời mới màn hình plasma, nhưng tôi không tiếc một nửa số tiền tiết kiệm để độn bộ ngực lên”.

Với đồng lương tháng 1.500 Euro và nuôi hai con, liệu quyết định giải phẫu thẩm mỹ có là điều xa xỉ đối với Isabelle không? “Ngược lại, đó là cách để không bị rơi vào bất hạnh”. Isabelle đang mơ ước một thế giới tưởng tượng, trong đó “một hệ thống công cộng và miễn phí sẽ giúp cho tất cả mọi người tiếp cận được ngành phẫu thuật này”.

Không chỉ có Isabelle, mà ngày càng có nhiều người tư vấn: “Tại sao tôi không được?” Nếu tin vào cuộc điều tra được tiến hành mới đây, tại Pháp có 6% phụ nữ tìm đến bác sĩ hay phẫu thuật thẩm mỹ. Nhu cầu này cứ gia tăng đều đặn từ 2 thập niên nay -bằng chứng cho một xu hướng sâu xa. Thành ra thị trường bán các bộ phận nâng ngực hiện nay đã tăng từ 5 đến 10% một năm. Bằng chứng là vào năm ngoái đại gia trong lãnh vực này, Inamed (nhãn hiệu McGhan), đã tung ra thị trường Pháp khoảng 15.000 bộ phận chỉ dùng thuần túy trong thẩm mỹ.

Đứng đầu danh sách các can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ được yêu cầu nhiều nhất – đó là hút mỡ. Nguyên tắc là đưa vào dưới da một ống kim loại được chọc thủng một lỗ để hút mỡ. Đứng thứ hai là thủ thuật xóa vết nhăn lifting: phần da được cắt lại nơi tiếp giáp với tóc, bóc ra, sau đó được kéo thẳng lên và kẹp lại. Cuối cùng đến những can thiệp thay đổi hình dạng ngực, sửa mũi, bụng và thanh toán chứng... hói đầu đáng ghét! Các “đơn đặt hàng” loại này ngày càng trở thành miếng bánh khổng lồ mà các bác sĩ thẩm mỹ không muốn bị mất phần.

Đối với một số người thì xu hướng này là một tiến bộ của xã hội, nhưng lại là sự lầm lạc nguy hiểm đối với số người khác. Cuộc tranh luận giữa hai thái độ này cứ mãi giằng co và cuối cùng không ai băn khoăn để biết giải phẫu thẩm mỹ có thật sự tốt hay không. Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng đã kéo theo giá cả lên cao. Thủ thuật lifting yêu cầu trung bình 4000 Euro, cũng như sửa mũi. Còn giải phẫu đối với làn da, giá xoay quanh 2000 Euro. Nhưng giá cao thì mặc giá cao, chị em nhà ta cứ vẫn dốc túi ra mà nộp cho các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.

1/10 là... đàn ông!
Và nếu như còn lại một người không chịu con dao mổ, chắc chắn người đó sẽ là... một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Các chuyên gia về nghệ thuật sắc đẹp này đã tỏ thái độ lạnh lùng đến không ngờ khi vấn đề đụng chạm đến con người họ. Bác sĩ Jean Marie
Faivre, 45 tuổi, nói: “Tôi không phải loại người can đảm. Trong một thời gian dài tôi luôn tự nhủ mình phải tự hút mỡ. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Da tôi không còn đủ trương lực để mang lại kết quả mỹ mãn”.

Ngày nay, những người trải qua phẫu thuật thẩm mỹ không còn bị coi như những con vật kỳ lạ. Vậy mà điều oái oăm lại nảy sinh: họ không dám “phô diễn” bản thân như trước kia! Không giống như người Mỹ và người Brazil, tuyệt đại đa số người Pháp cẩn thận che giấu các phần cơ thể được giải phẫu chỉnh trang” của mình. Từ chối làm chứng cho các phương tiện truyền thông hay chỉ xuất hiện với bộ mặt bị che kín. Họ chỉ thấy mừng khi sự “thay đổi” đó khó nhận ra đối với người chung quanh. Đặc biệt cẩn trọng che giấu chuyện mình đi “phẫu” là đàn ông: hiện chiếm 1/10 “lực lượng”. Mi mắt bị sưng vù sau lần phẫu thẩm mỹ để “trẻ hóa cái nhìn”, Alexandre đứng ngồi không yên để tìm “chiêu” mà quay trở lại văn phòng làm việc, bởi vì hôm đó là ngày có cuộc họp quan trọng. Mang kính đen viện cớ bị đau mắt chăng – như thế chẳng hóa “lạy ông tôi ở bụi này” càng khiến đồng nghiệp săm soi thêm.
Thái độ bối rối của Alexandre tiết lộ tính giả đạo đức của xã hội về vấn đề này. Ai cũng biết cái đẹp chân thật là món quà của tự nhiên. Trả tiền cho chuyên gia thẩm mỹ, đó là hành vi gian lận. Alexandre thừa nhận: “Đúng là như thế, tôi sợ tuổi già lắm. Tôi dã dùng mẹo để còn chiếm được cảm tình người khác, biết thế nhưng tôi chưa dám công khai chuyện giải phẫu của mình.”

Các chuyên gia lãnh vực phẫu thuật lại không hề ngượng ngùng như trường hợp một bác sĩ ở Paris liệt kê list các thủ thuật thẩm mỹ có khả năng thực hiện trên một tấm biển nhỏ để tên và địa chỉ ông ta, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, xếp thành chồng để trong phòng chờ dành cho khách hàng. Các bác sĩ không được quảng cáo, nhưng chuyện đó chẳng hề gì. Các khách hàng thiếu trí tưởng tượng có thể lựa chọn trong đó các biện pháp can thiệp thẩm mỹ, tổng cộng là 18, từ các biện pháp sửa chữa cổ điển cho đến các “chiêu thức” dùng dao mổ “chạm đến bộ phận sinh dục” khá là hiếm hoi. Sau khi được hướng dẫn kỹ lưỡng, khách hàng tùy chọn mở rộng hay kéo dài dương vật, thu nhỏ âm đạo và hai môi nhỏ!

Được liệt kê một dọc như thực đơn nhà hàng, các thủ thuật thẩm mỹ xem ra có vẻ vô hại đối với một số người. Ấy vậy mà chúng ta quên béng đi rằng đấy là những cuộc giải phẫu thật sự. Đương nhiên phải gây mê, bệnh nhân tỉnh dậy bị nôn mửa, rồi đến sự săn sóc hậu phẫu chẳng êm ái chút nào! Trong một bệnh viện ở Paris diễn ra cuộc phẫu “bộ ba”: hút mỡ, kéo da đùi và chỉnh trang mí mắt. Khách hàng là cụ bà Anne Marie 62 tuổi! Bác sĩ rạch lớp da dưới nếp đùi. Một ống que đầu tròn được ấn sâu vào lớp da như người ta thọc cây dao xuống lát bơ! Như một nhạc sĩ vĩ cầm kéo cung, bác sĩ thong thả kéo dụng cụ của mình... đi tới, đi lui. Một chất dịch màu vàng gần như liền sau đó chạy vào ống chui ống túi chứa có khắc độ. Cái túi dần dần đẩy lên một hỗn hợp gồm mỡ, máu và bạch huyết, hai lít rưỡi hỗn hợp chất lỏng đó được rút ra từ đùi cụ bà Anne Marie. Lượng máu bị mất đi không phải nhỏ. Bác sĩ thẩm mỹ nắn chân bà cụ rồi quyết định dừng lại ở đó. Bây giờ đến công đoạn kéo căng lớp da mềm nhão của bệnh nhân nằm phía trên đùi. Điều nguy hiểm là ống tuýp được đưa vào miệng để thông khí nhân tạo. Chuyên viên gây mê liền bật đèn xanh cho nhà phẫu thuật thẩm mỹ. Tổng cộng ca mổ kéo dài 5 giờ đồng hồ.
Cũng may là bây giờ khách hàng của các bệnh viện thẩm mỹ được cảnh báo về các nguy cơ đầy đủ hơn quá khứ. Trong hai mươi năm, bác sĩ tâm thần Gérard Le Goues, khoa phẫu thuật tạo hình bệnh viện Rothschild, Paris, chứng kiến tình hình thay đổi. “Lúc mới vào nghề, tôi tiếp nhận các nhân vật tiếng tăm trong làng biểu diễn và các cô thợ may muốn tìm đến thời trang mới nhất. Bây giờ tôi gặp nhiều phụ nữ có đời sống hoạt động trong xã hội, được thông tin đầy đủ và có thời gian để suy gẫm”. Khoa thẩm mỹ đã nhắm đến trạng thái tâm lý khách hàng muốn “tu sửa”, để ý đến tâm sự và cá tính của họ.

Quan điểm mới của chuyên môn này? Con dao mổ là một phương thuốc “độc chiêu” sửa chữa cái đau tinh thần... “Phẫu thuật thẩm mỹ là biện pháp giải phẫu tâm hồn hơn là thể xác”, bác sĩ Gérard Flageul nói đến ngành này như một liệu pháp.

Thanh Tâm
#1
    HongYen 01.05.2004 11:00:06 (permalink)
    Chữa trị mối hoài nghi bản thân
    Dẫu sao thì việc tu sửa một khuyết điểm hình thể thường phục hồi lại niềm tin vào bản thân vốn bị sứt mẻ do những lời lẽ nhận xét khó lọt tai và sự phản ánh quá trung thực của chiếc gương soi. Ví dụ trường hợp của Anne Marie: mặc dù bị những cơn đau tiếp tục hành hạ thêm 2 tuần nữa, nhưng bà cụ rất mãn nguyện trước kết quả “tuyệt vời”. Sự đau đớn vẫn không ngăn cản được bà cụ ý muốn mổ lần thứ hai để “có cái bụng như con gái”. Bà cụ cho biết: “Đôi chân tôi cứng như hai cây cột, không thể gập gối lại được do bị các bọc máu. Tôi có dáng đi khòm như thằng Gù nhà thờ Đức Bà vậy, vì sợ rằng các vết sẹo phía trên đùi bị toác ra”. Nhưng đến ngày mổ, bà cụ Anne Marie bắt đầu “trao gởi” tâm sự của mình. Tuổi tác và tính phàm ăn đã khiến bà tăng trọng thêm 10kg trong vòng 2 năm. “Tôi đã làm cho chồng tôi thất vọng. Đối với ông ấy, người phụ nữ không có quyền buông trôi”. Sau đó là vần đề hợp với tình huống: “Khi một đồng nghiệp của ông ấy tiến hành cho vợ mình giải phẫu, ông ấy tự hỏi: tại sao mình không làm được như thế?”

    Thật tình thì bà cụ Anne Marie tìm đến với con dao mổ chẳng qua chỉ để chữa trị mối hoài nghi bản thân quá lớn của mình. Nếu thế thì ca mổ đã thành công, ít ra thì ông chồng ấy cũng chỉ phán xét kết quả không như ý muốn mà thôi... Tuy nhiên, theo các bác sĩ tâm thần, không ít người tìm đến chuyên gia thẩm mỹ vì những động cơ phức tạp hơn nhiều, mà thường là vô ý thức. Bác sĩ Goues phân hạng giải phẫu sửa thẳng sống mũi và tăng kích cỡ bộ ngực phụ nữ nằm trong hạng mục các thủ thuật thẩm mỹ đặc biệt “khó xơi” và nguy hiểm cao. Theo ông, chiếc mũi là biểu hiện quan hệ dòng máu, cho nên động chạm đến nó khác nào như tự mình xích gần lại hay tách khỏi gia đình dòng họ như thế nào đó mà bản thân không hay biết. Còn bộ ngực mang hình ảnh nữ tính kế thừa từ người mẹ.

    Mổ thẩm mỹ như trò may rủi, khi rời phòng mổ một số bệnh nhân vừa ý, còn số khác thì không. Isabelle, nữ nhân viên của công viên giải trí Disneyland, coi việc mổ xẻ đã làm “đảo lộn cuộc đời mình”. Chị khẳng định một lần nữa đã tìm được người đàn ông che mát cho cuộc đời mình. Ngược lại, sau khi “nâng cấp” bộ ngực, Astrid không dám bước chân ra đường nữa! Bây giờ có bao nhiêu người cắn móng tay cầu cứu đến bác sĩ thẩm mỹ? Ít nhất 1/20, con số này thay đổi không chừng tùy theo nguồn. Thống kê cho thấy không ít người trở thành nạn nhân của những thất bại về kỹ thuật. Theo các nghiên cứu khoa học quốc tế, 5% các sự can thiệp phẫu thuật có kết quả tồi tệ: ví dụ để lại trên mắt những vết sẹo phình to, những bộ ngực mất cân đối hay những mí mắt đã không còn khép lại được nữa!

    Dorothée, hội viên của Arches (Hiệp hội về những thành công và thất bại trong giải phẫu thẩm mỹ), nằm trong trường hợp này. Dorothée hết sức khó chịu với chiếc mũi khó coi của mình sau giải phẫu thẩm mỹ. Lúc 20 tuổi, Dorothée đã qua lần mổ đầu tiên thành công với chiếc mũi thanh tú xinh xắn. Nhiều năm sau, lúc đã 41 tuổi, do muốn chỉnh sửa lại tí chút khuyết điểm - chỉ là một cục u nhỏ xíu trên xương - mà chị đã rước phải điều tệ hại không ngờ! Hai lần mổ liên tiếp do hai bác sĩ phẫu có tiếng tăm đảm trách chỉ tạo ra chiếc mũi mới mà chị cho là “gớm ghiếc”! Trên lý thuyết, sai sót này có thể chữa được . Nhưng càng sửa lại một cơ quan nào đó, kết quả càng bấp bênh!

    Cũng không thể gạt qua một bên vấn đề biến chứng. Năm nào cũng có bệnh nhân mất mạng chỉ vì muốn làm đẹp thêm hay được trẻ ra. Luật sư bảo hiểm chính của ngành này, bà Georges Lacoeuihe, thống kê mỗi năm có 4 hay 5 đơn kiện tội phạm vô tình giết người. Ngày 29 - 10 - 2002, tòa phá án đã bác đơn chống án của bác sĩ Jacques Ohama. Ông ta bị buộc tội đã mạo hiểm tiến hành nhiều ca mổ - kéo căng da, chỉnh mí mắt, chữa cằm đôi, hút mỡ và lifting đùi - đối với một phụ nữ đã 64 tuổi tên là Madeleine Piques. Thế nhưng nữ bệnh nhân cao tuổi này đã có biểu hiện chống chỉ định trầm trọng – máu lưu thông kém trong hai chân. Kết quả bà Madeleine Piques đã từ trần vì bị nghẽn mạch phổi, tức là một cục máu đến bít kín động mạch tưới cho hai lá phổi.

    Tuy nhiên, không phải tất cả những sự tranh chấp đều dẫn đến trước tòa án, ví dụ như các bộ phận lắp vú giả chứa đầy sérum sinh lý có đặc điểm sẽ xẹp dần đi theo thời gian. “Sau 10 năm, có khi sớm hơn, chúng sẽ bẹp dí đi”, Francois Branchet cho biết - ông đã bảo hiểm cho 600 bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ thông qua công ty Ireland Medical Insurance Company. Mỗi năm người ta xử lý khoảng 3 chục vụ tranh chấp về đề tài này và kết quả thường là hòa giải. Có mấy ai biết rằng vấn đề thẩm mỹ tạo nên nhiều vụ án hơn các chuyên môn giải phẫu khác. “Cứ trong vòng 7 năm, các hội viên của chúng tôi có một vụ kiện, điều đó làm nên một tần số cao”, Francois Branchet nói.

    Thực tế chẳng vui vẻ là nhiều nạn nhân của giải phẫu thẩm mỹ không biết đến phía bảo hiểm hay tòa án. Những người đó không bị “bóp méo” đi. Thậm chí họ còn quyến rũ hơn khi rời bệnh viện thẩm mỹ so với lúc bước vào. Tuy nhiên, họ cứ luôn thấy khó chịu trong lòng. Trong số 200 người được mổ thẩm mỹ năm 1999, 20% bảo rằng họ bất mãn trước kết quả phẫu thuật, theo một nghiên cứu được tiến hành trong 3 bệnh viện ở Paris. Thậm chí tỉ lệ này còn leo đến 35% trong một cuộc điều tra khác nhằm vào 500 bệnh nhân của thẩm mỹ, do Aine (Hiệp hội thông tin y khoa về thẩm mỹ) tiến hành qua Internet. Chủ tịch Hiệp hội, bác sĩ Francois Perrogon, nhận định: “Đối với những người này, giải phẫu thẩm mỹ chỉ bán giấc mơ. Nó hứa hẹn một sự tự tin mạnh mẽ đối với những người bị ngược đãi thời thơ ấu hay trong cuộc đời”. Và nhà quan sát độc lập này còn gửi đến các bệnh nhân và các bác sĩ phẫu thẩm mỹ một thông tin: “Ảo tưởng được duy trì hết sức khéo léo, như trường hợp các loại kem làm gầy thân thể mà người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất dường như rất tin vào điều đó.”

    Cỗ máy được bôi trơn rất tốt và không một hạt cát nhỏ bé nào có thể gây khó chịu cho nó. Thế nhưng, phẫu thuật hiếm khi là giải pháp duy nhất cho các vấn đề của một bệnh nhân. Ví dụ, liệu pháp tâm lý là con đường ít nguy hiểm nhằm cải thiện hình ảnh “không được đẹp” của bản thân. Nhưng ai sẽ đề nghị cho bệnh nhân một giải pháp phải chọn? Dám chắc người đó không là bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ – vì lợi nhuận ông ta bỏ túi tỉ lệ thuận với số ca mổ! Quyết định của bệnh nhân thể hiện quyền tự do cá nhân. Đó là cơ thể của chị ta, tiền của anh ta và họ phải làm điều họ muốn. “Nếu tôi biết được nhiều chuyện như hôm nay, không chắc tôi sẽ đi mổ nữa”, Marie Dallée kết luận sau lần chịu thủ thuật lifting, nhưng may mắn là thành công. Thông tin thì có đầy, nhưng phải chịu khó đi tìm, đó là chuyện của 800 người lên site Internet của Aime.

    Những “con cừu non” đi tìm cái đẹp trong giải phẫu thẩm mỹ hãy còn hiếm hoi tìm đến văn phòng các nhà liệu pháp tâm lý. Dịch vụ của bệnh viện Rothschild được coi như là một trong những địa điểm tốt đối với việc đánh giá tâm lý bệnh nhân. Một số người đã từ bỏ ý định “làm đẹp” sau khi rời địa điểm liệu pháp tâm lý như thế này. Qua trao đổi với chuyên gia liệu pháp tâm lý, họ hiểu rằng vấn đề không nằm trong thể hình bị khiếm khuyết của họ, mà có thể ví dụ như một trạng thái trầm uất mơ hồ đã xảy ra hay một trận xung đột với chồng.

    Có một số phụ nữ kết hợp cuộc phẫu thuật này đến các vụ mổ khác, trong một hành trình tìm kiếm giống như là sự trốn chạy lên phía trước. Soraya, người phụ nữ xinh đẹp 32 tuổi có mái tóc dài hoe vàng ôm gọn khuôn mặt trái xoan dễ thương, cho biết cô đã “làm lại” bộ ngực của mình cách đây 5 năm, ngay sau khi sinh bé gái. “Tôi không có cơ may sống bên cạnh người đàn ông trong thời gian mang thai. Tôi sống một mình với đứa con và rất thèm thỏa mãn cho chính mình”. Mới đây Soraya đã tìm lại được vóc dáng tuổi đôi mươi của mình với thủ thuật hút mỡ thừa.

    Có còn các dự án khác không? Soraya đang tìm hiểu về các bộ phận giả cấy mông. Cô cũng thích tu sửa hàm răng của mình để có được “nụ cười Hollywood”. Nhưng tất cả nha sĩ được yêu cầu đều từ chối ca mổ “quái đản” này!...

    Thành Tâm
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9