Củ súng chữa di mộng tinh
mickey 07.05.2004 00:46:01 (permalink)
Củ súng chữa di mộng tinh




Dân gian thường lấy củ súng làm thuốc, gọi là khiếm thực nam, dùng mỗi ngày 10-20 g sắc, tán bột hoặc làm viên uống. Nó được sử dụng làm thuốc bổ, an thần, chữa bạch đới, tê thấp và đặc biệt là di mộng tinh. Hầu hết các đơn thuốc chữa di mộng tinh đều có vị này.


Những người mắc chứng di mộng tinh do tâm hỏa vượng (biểu hiện: mộng thấy giao hợp rồi xuất tinh, đầu mặt xây sẩm, lưng đau, người mỏi mệt, gầy yếu, chất lưỡi đỏ) có thể dùng bài thuốc có khiếm thực nam (củ súng) sau: Khiếm thực nam, hạt hòe, hạt sen mỗi thứ 16 g, quả dành dành (sao đen) 12 g, tâm sen 8 g, thục địa và đậu đen sao vàng mỗi thứ 20 g. Cho các vị vào ấm, đổ 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia làm hai lần uống trong ngày.

Củ súng cũng được dùng làm món ăn bài thuốc để tăng sức khỏe, mạnh gân cốt, chữa di mộng tinh, bồi bổ khí lực. Nguyên liệu gồm:

- Củ mài (hoài sơn) tươi, rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước 2 giờ, đồ lên, thái lát để nấu. Nếu mua củ khô bán ở các hiệu thuốc cũng phải ngâm 2-3 giờ cho hết chất chua (vì củ mài chế thành hoài sơn có ngâm nước phèn và diêm sinh).

- Hạt sen: Bóc vỏ, thông tâm.

- Củ súng: Rửa sạch, thái lát.

- Vừng đen: Làm sạch, sao qua cho có mùi thơm.

- Đậu đen: Rửa sạch.

Các vị trên lượng bằng nhau, đem nấu cháo, ăn thay cơm lúc còn nóng. Mỗi tháng ăn từ 2 đến 4 lần, dùng lâu càng tốt.

BS Hoàng Lan, Sức Khỏe & Đời Sống
#1
    mickey 07.05.2004 00:47:54 (permalink)
    Khiếm thực là bộ phận của cây hoa súng?



    Cây khiếm thực

    "Người thân của tôi dùng bài thuốc Đông y chữa bệnh thần kinh suy nhược, trong đó có vị khiếm thực. Tôi được biết đây là vị thuốc lấy từ cây hoa súng, nhưng có người lại bảo không phải. Xin bác sĩ cho biết thêm về vị thuốc này và cách dùng".


    Trả lời:

    Khiếm thực còn có tên là kê đầu, khiếm. Tên khoa học Euryale ferox Salisb; thuộc họ súng Nymphaeaceae. Ở Việt Nam hiện nay dùng hai vị thuốc mang tên khiếm thực, vì vậy cần chú ý để phân biệt.

    1. Hạt phơi hay sấy khô (Semen Euryales) của cây khiếm thực nói trên. Vị này mới đúng là vị khiếm thực nhưng còn phải nhập của Trung Quốc vì nước ta chưa thấy cây này.

    2. Thân, rễ, củ phơi hay sấy khô của cây củ súng nhỏ Nymphaea stellata Wild, cùng họ Súng (Nymphaeaceae). Nhiều người và nhiều nơi vẫn dùng vị này với tên khiếm thực.

    Mô tả cây khiếm thực chính thức: Là một loại cây mọc ở đầm ao, sống hàng năm, lá hình tròn rộng, nổi trên mặt nước, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím. Mùa hạ, cành mang hoa trồi lên trên mặt nước, đầu cành có một hoa sáng nở chiều héo. Quả hình cầu, là chất xốp màu tím hồng bẩn, mặt ngoài có gai, đỉnh còn đài sót lại, hạt chắc, hình cầu, màu đen.

    Ngoài công dụng làm thức ăn, trong Đông y, khiếm thực được coi là một vị thuốc bổ, làm săn (thu liễm), có tác dụng trấn tĩnh, dùng trong các bệnh đau nhức dây thần kinh, tê thấp, đau lưng, đau đầu gối. Nó còn có tác dụng chữa di tinh, tiểu nhiều, phụ nữ khí hư, bạch đới.
    Liều dùng: Ngày uống 10-30 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hoặc bột.

    Theo tài liệu cổ, khiếm thực vị ngọt, chát, tính bình, vào 2 kinh tỳ và thận, có tác dụng bổ tỳ, ích thận, chỉ tả, sáp tinh; chữa di tinh, bạch đới, đại tiện lỏng, tiểu tiện không chủ động.

    Để chữa thần kinh suy nhược, di mộng tinh, hoạt tinh, lỵ mãn tính, viêm ruột mãn tính, lấy khiếm thực và kim anh tử hai vị bằng nhau, tán nhỏ, thêm mật làm thành viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3-5 g. Uống với nước nóng.

    Nhiều người ở ta vẫn dùng củ súng với tên khiếm thực. Thực tế hai cây khác hẳn nhau, lá cây củ súng có cuống dính vào đáy lá, lá không tròn, lại xẻ. Bộ phận dùng cũng khác nhau, một bên là hạt (khiếm thực thật), một bên là thân rễ (củ súng). Tuy nhiên, cả hai đều có chất tinh bột, các hoạt chất khác chưa rõ. Nhân dân ta nhiều người vẫn dùng củ súng thay khiếm thực. Ngay cả Trung Quốc cũng mua củ súng của ta với tên khiếm thực.

    GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khoẻ & Đời Sống
    < Sửa đổi bởi: mickey -- 5/6/2004 8:48:31 PM >
    #2
      Asin 12.05.2004 13:22:20 (permalink)
      Di mộng tinh hay còn gọi là di tinh là một hiện tượng xảy ra đôi khi bình thường , nhưng hầu hết là xảy ra trong trạng thái mệt mỏi của cơ thể , sự suy yếu của hệ thần kinh và cơ quan... Theo báo Sức khoẻ và đời sống thì có thể chữa di mộng tinh bằng Y học cổ truyền.

      Đây là các bệnh của 3 tạng: tâm, can, thận. Bình thường, tinh dịch chỉ được xuất khi việc giao hợp đạt đến ngưỡng khoái cảm cực độ. Nếu các tạng trên bị bệnh, tinh có thể ra không theo ý muốn. Tình trạng này được Đông y chia làm 2 loại: di tinh và hoạt tinh.

      Các nguyên nhân chủ yếu gây 2 bệnh trên bao gồm:

      - Quân hỏa, tướng hỏa quá vượng, làm cho mối quan hệ giữa quân hỏa và tướng hỏa mất thăng bằng khiến thận tinh bị ảnh hưởng, gây hoạt tinh.

      - Thận hư không bế tàng: Thận âm hư thì hỏa thịnh, ảnh hưởng đến cơ quan bế tàng tinh gây ra di tinh. Tình trạng âm dương lưỡng hư, khí hạ nguyên quá suy yếu cũng gây hoạt tinh không cầm được.

      - Thấp nhiệt hạ tiêu uất lại, làm nhiễu động tâm thận gây di tinh.

      Một số thể bệnh và cách chữa trị:

      1. Hoạt tinh do quân hỏa, tướng hỏa quá vượng:

      Triệu chứng: Tinh ra cả ngày và đêm, ra không phụ thuộc cảm hứng. Bệnh nhân ngủ ít, ngủ không yên, đầu choáng, mắt hoa, hồi hộp, đánh trống ngực, có khi thỉnh thoảng đau nhói vùng tim. Chất lưỡi đỏ. Phép điều trị là định tâm, an thần, cố tinh.

      Bài thuốc: Nhân sâm, bồ hoàng, viễn chí, táo nhân mỗi thứ 8 g; phục linh, phục thần, mạch môn, khiếm thực, kim anh tử mỗi thứ 16 g; long nhãn 15 g. Viễn chí chế bỏ lõi, mạch môn bỏ lõi. Các vị trên (trừ long nhãn) sao giòn, tán mịn. Long nhãn nghiền với mật. Tất cả làm thành viên. Mỗi ngày uống 60 g, chia đều 4 lần, uống trong ngày.

      2. Di tinh do thận hư không bế tàng:

      Triệu chứng: Di tinh chủ yếu về đêm, hồi hộp, mất ngủ. Nếu âm hư, bệnh nhân đau lưng, ù tai, mệt mỏi, gầy yếu, đầu choáng, mắt hoa, họng miệng khô, tiểu tiện sẻn, lưỡi đỏ, rêu vàng. Nếu dương hư, bệnh nhân đau lưng, ù tai, chân tay lạnh, phân nát, có thể kèm theo hoạt tinh, liệt dương.

      - Nếu âm hư, phép điều trị là tư âm, bổ thận, cố tinh. Dùng hoàng bá, tri mẫu, khiếm thực, kim anh tử mỗi thứ 16 g; thục địa, quy bản mỗi thứ 30 g. Các vị trên (trừ thục địa) sao giòn, tán mịn. Thục địa nghiền mịn, chưng với mật mía. Tất cả làm thành viên bằng hạt nhãn, sấy khô, ngày uống 80 g, chia đều 4 lần, uống trong ngày.

      - Nếu dương hư, phép điều trị là ôn bổ thận dương, sáp tinh. Dùng thục địa 32 g, lộc giác giao 24 g, thỏ ty tử 16 g; phá cố chỉ, bá tử nhân, phục linh mỗi thứ 12 g. Phá cố chỉ tẩm muối sao; thỏ ty tử, bá tử nhân, phục linh sao giòn, tán mịn; thục địa nghiền nát chưng với mật mía. Tất cả làm thành viên bằng hạt nhãn, sấy khô. Uống mỗi ngày 80 g, chia đều 4 lần, uống trong ngày.

      Lưu ý: Tùy theo từng thể bệnh, có thể kết hợp uống thuốc và châm cứu.

      BS Trần Văn Bản, Sức Khoẻ & Đời Sống
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9