Du lịch trong nước nè các bạn !
winter star 18.05.2006 11:52:57 (permalink)
QUÊ TÔI NÈ CÁC BẠN.



Nghệ An là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá và truyền thống cách mạng. Với vị trí chiến lược quan trọng, Nghệ An luôn là "phên dậu của nước nhà", là "thành đồng ao nóng", là "then khoá của mọi thời đại". Từ những thế kỷ trước, Nghệ An là vùng biên viễn của nước Đại Việt, cũng là nơi dân tộc ta đi tiếp cuộc hành trình mở mang bờ cõi về phương nam. Xa trung tâm, nên sự quản lý, ràng buộc của Nhà nước Đại Việt đối với vùng đất này còn khá lỏng lẻo. Suốt cả một thời gian dài, các triều đại phong kiến chưa đủ sức quản lý chặt chẽ và giữ vững an ninh trật tự ở vùng đất này. Vì thế, các cộng đồng dân cư ở đây phần lớn phải tự bảo vệ cho sự bình yên của mình. Mặt khác, do thường xuyên phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt (nắng nóng, bão lụt, thiên tai…) nên con người ở đây đã phải vươn lên bằng sức mạnh của ý chí và nghị lực để tồn tại và phát triển. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên nét gia phong của người Nghệ An.
Gia phong, theo "Từ điển Hán học" của Đào Duy Anh thì đó là thói nhà, là sự khẳng định của những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của một cộng đồng gia đình về văn hoá gia đình đã kéo dài qua nhiều thế hệ, được mọi người trong gia đình công nhận, tuân theo, thực hiện một cách tự giác để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của cộng đồng gia tộc ấy. Gia phong được hình thành từ kinh nghiệm cuộc sống của nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn, ý thức tư tưởng của nhiều vùng, nhiều miền, chịu ảnh hưởng của nhiều học thuyết tôn giáo như: Phật giáo, Đạo giáo và đặc biệt là Nho giáo. Gia phong bao gồm nhiều phương diện của tư đức, thuộc mọi quan hệ trong phạm vi gia đình, gia tộc, quan hệ huyết thống xa gần, quan hệ thế thứ, giới tính, lứa tuổi…
1. Những yếu tố cấu thành nên gia phong: Muốn có gia phong phải có gia giáo, gia pháp, gia huấn, gia lễ, gia phả.
- Gia giáo: Hay còn gọi là gia đạo, tức là một nền giáo dục theo truyền thống tốt đẹp của gia đình và đảm bảo gia đạo.
- Gia phả: Ghi nguồn gốc của tổ tiên và thứ tự các ngôi thứ của các đời, năm sinh, năm mất, công đức, nơi đặt phần mộ của tổ tiên, của những người trong họ. Ghi gia phả để con cháu biết được quá trình tạo dựng của dòng họ, của tổ tiên và cành nọ, chi kia. Trong gia phả còn có những lời khuyên dạy con cháu ăn ở sao cho hiếu thảo, đức độ, giữ lấy nếp nhà, giữ đúng đạo gia tộc, đạo làm người. Gia phả họ Dương (Quỳnh Đôi) chép: "Vạn sự sinh ra bởi sự chung đúc của thiên nhiên, loài người sinh ra bởi sự tài ba của tổ tiên, đại phàm trong việc chép gia phả phải chú ý tinh thần, giữ gìn nghĩa lý để vun đắp thêm vào sự tích luỹ tổ tiên, trưng bày sự tường, lược, phải trái, từ đó mới gìn giữ được sự lâu dài về luân thường trước sau, thứ bậc trên dưới, tình nghĩa anh em, kẻ thân người sơ, và cũng từ đó, mọi việc đều được đầy đủ. Cho nên xem phổ ký để biết dấu tích đã qua thì lòng nối noi càng nặng, xét căn nguyên từ trước thì nghĩa hoà mục càng dày, rạng đời trước để đời sau, trăm đời còn mãi".
- Gia huấn: Là những bài học về luân lý, những lời dạy bảo con em trong nhà về vấn đề tu thân để sống cho phải đạo làm người như: chào hỏi, ăn uống, đi đứng, đối xử với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Đó là những bài học về đối nhân xử thế, hướng dẫn cho con cháu về đạo lý, về sự nghiệp. Gia huấn có thể thành văn hoặc chỉ là truyền miệng và theo thiên thất ngôn hay văn xuôi. ở Nghệ An, các bài gia huấn thường được viết theo thể vè để làm bài hát ru con, ru cháu cho dễ nhớ, dễ thuộc, dễ lưu truyền.
- Gia pháp: Là những phép tắc, luật lệ trong gia đình, gia tộc buộc mọi người phải tuân theo để không làm điều sai trái. Gia đình có gia pháp như nước có quốc pháp. Gia pháp duy trì kỷ cương cho gia đình nhưng không cứng nhắc, kết hợp giữa lý và tình một cách nhuần nhuyễn, có khen có chê, có thưởng có phạt nhưng thường là bằng lời hoặc đòn roi. Chính nhờ có gia pháp mà gia đình giữ được gia phong.
Gia giáo, gia pháp, gia huấn, gia lễ, gia phả… được coi là những yếu tố cơ bản để hình thành nên gia phong. Nhưng điều quan trọng là ông bà, cha mẹ phải sống mẫu mực, phải luôn luôn làm gương cho con cháu và luôn luôn nhắc nhở con cháu sống theo điều hay lẽ phải, tránh những điều xấu điều ác theo những quy định cụ thể của gia phong.
2. Những nội dung cụ thể của gia phong Nghệ An.
Tuỳ theo hoàn cảnh sống, tuỳ theo nghề nghiệp, theo truyền thống mà gia phong ở những gia đình có những nét khác nhau: gia đình khoa bảng, trí thức khác gia đình quan chức, võ quan; gia đình nông dân khác gia đình ngư dân, thương nhân… Nhưng nhìn chung đều có những quy định đạo đức phổ biến: đó là lòng biết ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ, lòng hiếu để, sự chung thuỷ vợ chồng, sự cần kiệm, chịu thương, chịu khó. Đó là tình làng, nghĩa xóm, lòng yêu quê hương, đất nước…
- Gia phong trong gia đình Nghệ An trước hết là việc thờ phụng tổ tiên theo đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Con chim có tổ con người có tông", không coi nhẹ việc thờ cúng tổ tiên với tấm lòng thành kính "tế tại tâm", "lễ bạc lòng thành". Chú trọng việc lập từ đường, lập gia phả, xây cất mồ mả tổ tiên ông bà…
- Biết đối nhân xử thế, làm đúng bổn phận của mình đối với gia đình, họ tộc:
- Sống có đạo đức, có tình có nghĩa, có hiếu với cha mẹ, phải đối xử thật tốt với cha mẹ ngay từ khi còn sống vì đó là những người có công lao rất lớn:
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".


Vì thế nên:
"Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".


Sau đạo hiếu là đạo vợ chồng. Vợ chồng phải sống chung thuỷ, yêu thương tôn trọng nhau, phải sống hoà thuận với nhau bởi vì "Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn".
Quan hệ anh chị em trong nhà phải giữ lễ "kính trên nhường dưới", yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ nhau theo tinh thần "anh em như thể chân tay", "chị ngã em nâng".
- Sống có tình có nghĩa, khoan dung, độ lượng, cởi mở, trung thực, phải biết lấy tình nghĩa làm chất keo sơn gắn bó mọi thành viên trong gia đình, tạo nên sự đồng lòng để vượt qua mọi thử thách. Tình nghĩa làm bền chặt các quan hệ từ gia đình đến xã hội.
- Sống phải khí khái, trong sạch, coi thường danh vọng tiền tài "đói cho sạch, rách cho thơm", "giấy rách phải giữ lấy lề". Có thể nói, sự khí khái đã trở thành một phương diện cá tính đã in dấu trong gia phong của nhiều gia đình xứ Nghệ. Đôi khi, nó còn chứa đựng cả cái "gàn", nhưng không phải là thứ gàn dở thông thường đáng ghét mà là một hình thức đặc biệt để bao bọc nhân phẩm con người.
- Phải cần kiệm, biết chịu đựng gian khổ, nhưng quyết không chịu nhục, biết tính lo xa bởi vì cuộc sống quá nghèo thiếu và bởi những bất trắc và hiểm hoạ luôn luôn rình rập, đe doạ. Phải biết chi tiêu hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của mình.
- Gia phong ở Nghệ An rất chú ý giáo dục, xây đắp truyền thống yêu nước và cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc, dám xả thân vì nghĩa lớn.
- Nét tiêu biểu rất đáng quý và trân trọng, được cả nước biết đến và kính nể trong gia phong xứ Nghệ là nêu cao truyền thống hiếu học, coi trọng mục đích và hiệu quả của việc học. Tinh thần hiếu học, ý chí sắt đá, thái độ tôn sư trọng đạo là những nếp gia phong cổ vũ người xứ Nghệ khổ học thành tài để làm nên nghiệp lớn. ở Nghệ An có rất nhiều gia đình đã để lại cho đời những tấm gương khổ học thành tài, ví như trường hợp nổi tiếng của gia đình họ Hồ Tông Thốc ở Yên Thành: "Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà".
- Điều quan trọng của gia phong là con cháu giữ được nếp nhà, phải nối nghiệp được cha ông, không làm điều xấu để nhục đến cha ông. "Đếm nhục gia phong" là điều tối kỵ và cũng là tội ác. Phải tiếp tục cho được cái truyền thống, cái vinh dự mà ông cha đã tạo nên. Phải làm điều lành, tránh điều ác, tích phúc đức cho đời sau. Làm điều tốt là vinh hạnh cho cả gia tộc, làm điều xấu sẽ mang tiếng cho cả họ.
- Gia phong ở Nghệ An được hun đúc nên từ gia phong các dòng họ, nên người trong họ phải thường xuyên yêu thương đùm bọc nhau "một giọt máu đào còn hơn ao nước lã" hay "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Phải làm sao để người ngoài thấy được sự vững vàng lâu bền của dòng họ.
- Từ gia đình, dòng họ, gia phong còn được mở rộng ra quan hệ với xóm giềng, với xã hội. Tình làng, nghĩa xóm là một nét đặc sắc trong gia phong. Hầu như ở đâu gia phong cũng đều nhấn mạnh: "Bán anh em xa mua láng giềng gần".
Như vậy, gia phong đã trở thành cơ sở đạo lý của con người, nó tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, dòng tộc, mở rộng ra là tình làng nghĩa xóm, là lòng yêu quê hương, đất nước. Có thể nói, gia phong là những công thức thuần lý, nó là tiếng nói tình cảm chân thành mộc mạc, dễ thấm vào lòng người từ khi còn nằm trên nôi qua lời ru của mẹ, đến lời kể của bà mà trở thành nếp sống của mỗi con người, của mỗi gia đình, của mỗi dòng tộc. Giữ gìn gia phong đã trở thành bổn phận của mọi thành viên. Sự gương mẫu của người lớn, sự học hỏi rèn luyện của cháu con sẽ làm cho gia phong ngày càng bền vững, có sức mạnh chống trả và đẩy lùi những gì phi đạo lý, phản nhân tâm, làm cho gia đình hạnh phúc, gia tộc phát triển, xã hội văn minh, tiến bộ.
http://www.nghean.gov.vn
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9