"Đất thiêng" của rùa biển
mickey 12.05.2004 23:17:23 (permalink)
"Đất thiêng" của rùa biển


TTCN - Rời đầm Nại ở xã Trí Hải, đi men theo con đường nhỏ ven biển hướng về xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận), ta bắt đầu cảm nhận một miền đất thật hoang sơ.


Rùa biển được gắn thẻ đánh số để theo dõi

Về mặt khí hậu, đây là một trong những nơi khô khan nhất VN. Dù vậy, nơi đây đang trở thành một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, liên quan tới một sinh vật biển quen thuộc: rùa biển.

Chỉ vài năm trước đây cả vùng Vĩnh Hy cho tới Mỹ Hòa ở Vĩnh Hải, người dân coi rùa biển là món ăn quen thuộc. Người ta cứ việc ra bãi hốt ổ trứng rùa về luộc, ra biển bắt rùa về làm thịt - các hoạt động bình thường đến vô tình - mà không ai biết rằng mình đang sát hại một loài động vật biển hết sức quí giá. Và họ càng không hiểu rằng những bãi biển hoang vu kia của quê mình chính là điểm cư trú và sinh sản hiếm hoi của rùa biển trên đất liền.

Nhưng nay đã khác, tất cả người dân từ những ngư phủ “chuyên sát rùa” tới những em bé tiểu học ở Vĩnh Hải đều coi rùa là sinh vật quí hiếm của quê hương mình. Còn du khách đến Vĩnh Hải đều hiểu rằng họ đang đặt chân lên “đất thiêng” của rùa biển. Đến đây ai cũng muốn thăm nơi rùa đẻ trứng. Đó chính là các bãi biển đẹp lộng lẫy như bãi Ngang, bãi Thịt được hình thành giữa biển bao la và núi cao hùng vĩ. Rất khó khăn con người mới có thể đặt chân tới nơi này. Phải chăng đó cũng là lý do để loài rùa tinh khôn suốt hàng trăm năm qua vẫn tới miền đất này để làm công việc duy trì nòi giống (từ lúc sinh ra cho tới 30 năm sau, nếu sống sót rùa mới trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình).


Cá trong rạn san hô ở Vĩnh Hải

Không chỉ tham quan nơi rùa đẻ, bơi thuyền hay lặn thám hiểm các rạn san hô ở đây cũng cực kỳ thú vị. Rạn san hô Nhơn Hải vô cùng phong phú với 42 giống thuộc 17 họ, trong đó có 37 giống san hô sừng; 92 loài thuộc 56 giống và 25 họ cá sinh sống trong các rạn san hô cùng hải sâm, ốc đụn, tôm hùm, ốc tù và... Có lẽ sau vịnh Nha Trang thì vùng biển Ninh Hải là nơi có những rạn san hô đẹp và lớn như vậy.

Chưa hết, chính nét hoang sơ, khô cằn lại tạo cho Ninh Hải có những nét tương phản đến kỳ thú. Biển thì quanh năm xanh biếc tới tận chân trời, rừng lại là rừng hoang mạc, cây rừng cằn cỗi như bonsai. Và đá, có lẽ không có nơi nào đá lại được thiên nhiên bày ra nhiều trò chơi tạo dáng, tạo thế dữ dội như ở đây. Hàng nghìn tảng đá nhiều kích cỡ, hình thù được dựng đứng, xếp, chồng đủ kiểu và đặt chơi vơi trên chóp núi. Có tảng to hàng trăm tấn mà chỉ trụ trên cái đế nhỏ xíu. Có chỗ cây sà thấp tạo nền cho đá dựng vươn cao. Khắp nơi đá hiện muôn hình vạn trạng kỳ thú. Nếu ngược lên phía tây, nơi có đỉnh núi Chúa (nay đã thành rừng quốc gia), du khách lại đến với khu rừng nhiệt đới nguyên sinh hoang sơ nhất VN, chưa từng bị con người tàn phá (do đường lên núi quá hiểm trở).

Trong khi ở phía dưới rừng thật khô khan thì ở độ cao 1.000m núi Chúa hứng hết toàn bộ lượng mưa nơi đây nên rừng trên núi Chúa thật phong phú các loài thực vật và động vật.

Đến với biển Ninh Hải du lịch đúng nghĩa là một cuộc thám hiểm rừng biển khá “gian khổ”, nhưng bù lại thiên nhiên lại hào phóng thưởng cho du khách quá nhiều cái đẹp!

LÊ ĐỨC DƯƠNG (tuoitre.com.vn)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9