Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức
HongYen 17.05.2004 11:23:07 (permalink)

Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức Texas, USA
#1
    HongYen 17.05.2004 11:25:09 (permalink)
    Hỏi đáp y học trực tiếp với bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

    Kể từ ngày 18 tháng 5 năm 2004, ngoài chương trình Hỏi Đáp Y Học thường lệ, vào nửa cuối của chương trình phát thanh từ 10 giờ đến 11 giờ đêm ngày thứ ba hàng tuần, chúng tôi sẽ có một tiết mục mới, để thính giả có thể nói chuyện trực tiếp với một bác sĩ y khoa để được giải đáp các thắc mắc về các bệnh thuộc chuyên khoa tổng quát.

    Muốn tham gia chương trình này, xin quý vị liên lạc với Tổng Đài Quốc Tế số 110, xin gọi collect nói chuyện với Dương Ngọc Hoán ở số 202-619-3774, từ 10 giờ 30 đến 10 giờ 50 phút tối thứ ba hàng tuần. Vì thời gian hạn hẹp, đề nghị quý vị chuẩn bị trước câu hỏi càng ngắn gọn càng tốt. Chúng tôi sẽ nối đường dây để quý vị nói chuyện trực tiếp với bác sĩ Nguyễn Ý Đức, chuyên khoa gia đình, lão khoa và sức khỏe tâm thần. Phần hỏi đáp sẽ được phát ngay trong chương trình phát thanh.

    Xin nhắc lại số điện thoại là 202-619-3774, và giờ liên lạc là từ 10 giờ 30 đến 10 giờ 50 tối, giờ Việt Nam ngày thứ ba mỗi tuần.
    #2
      HongYen 17.05.2004 11:26:46 (permalink)
      #3
        HongYen 26.05.2005 15:10:33 (permalink)
        Trúng Nắng

        Nắng là anh sáng mang thêm sức nóng cuả mặt trời trực tiếp chiếu xuống. Bình thường thì nắng bức tăng dần từ sáng đến tối cao độ là trưa, rồi giảm dần tới chiêù và ban đêm. Nhiệt độ trong không khí thường thấp hơn sức nóng mà ta cảm thấy vì ảnh hưởng cuả độ ẩm tương đối. Độ ẩm không khí càng cao ta càng cảm thâý nóng khó chiụ hơn.

        Cơ quan khí tượng đã lập ra một biểu đồ sức nóng (Heat Index Chart) trên đó có ghi nhiệt độ không khí và độ ẩm tương đối. Giao điểm đường nối cuả hai số naỳ là nhiệt độ thực cảm thấy (Heat Index).

        Thí dụ nhiệt độ đo trong không khí là 90 độ F, độ ẩm 80 thì sức nóng thật sự cảm thấy cao hơn, 113 độ F. Khi Heat Index dưới 90 độ F thì cơ thể còn chiụ đựng đưọ7c chứ trên 100 độ thì nhiều tai nạn do hơi nóng sẽ dễ dàng xảy ra.

        Khi ta sống trong không gian quá nóng thì cơ thể sẽ có một số phản ứng để làm bớt nóng. Mạch maú giản nở, maú dồn nhiều tới da khiến nhiệt phân tán đi. Các hạch mồ hôi hoạt động mạnh, mồ hôi tiết ra nhiều, bốc hơi làm giảm nhiệt trong cơ thể.

        Khi nhiệt độ thay đổi mà các cơ chế baỏ vệ thân nhiệt không điều hoà thích nghi đuợc khi có những nguy cơ tăng, giảm nhiệt khác thì một số bệnh liên quan tới sức nóng sẽ xaỷ ra. Đó là chuột rút, ngất xiủ, kiệt sức (heat exhaustion) và nhất là Trúng Cảm Nhiệt (Heat Stroke). Heat Stroke là một cấp cứu sinh tử, nạn nhân cần được điều trị ngay taị bệnh viện, nếu không thì nguy cơ thiệt mạng có thể xẩy ra. nạn nhân thường đổ mồ hôi nhiều, nhiệt đọ cơ thể lên cao, da nóng, tim đập nhanh, huyết áp giảm. Trường hợp nặng có thể đưa tới tổn thương naõ bộ, kinh phong, liệt bán thân, hôn mê.



        BS NYĐ
        #4
          HongYen 30.05.2005 05:45:01 (permalink)
          TƯƠNG QUAN THẦY THUỐC-BỆNH NHÂN

          Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

          Tuổi dù cao mà không bệnh hoạn, thì sức khỏe tương đối vẫn còn khả quan. Tuy nhiên, cơ thể về già cũng như cái máy xe hơi chạy trên trăm ngàn dặm, sẽ có những bất thường.

          Chẳng hạn như:

          Ta sẽ mất đi một số khả năng thích ứng với ngoại cảnh và bệnh tật. Nên khi đã đau thì thường trầm trọng hơn và kéo dài lâu hơn.

          Dấu hiệu bệnh không giống như ở người trẻ. Khi sưng phổi thì ta hay than phiền mệt mỏi, yếu sức toàn thân, rối loạn tâm thần, còn người trẻ thì có triệu chứng rõ ràng như ho, nóng sốt.

          Phản ứng của ta với bệnh tật cũng khác. Nhiều người có bệnh mà không nói ra vì tính quen chịu đựng. Đôi khi họ nghĩ là dù có khai với bác sĩ, ông ta lại bảo tại già nó vậy. Có người lại ngại bác sĩ sẽ thực hiện nhiều thử nghiệm, lấy máu phiền phức.

          Một số người cao tuổi có nhiều bệnh, uống nhiều thuốc khác nhau do nhiều bác sĩ cho toa. Họ cũng thường đi khám bác sĩ nhiều hơn người ở các tuổi khác.

          Những khác với thông thường đó khiến cho các vị cao niên đôi khi bối rối, cần tham khảo ý kiến người có hiểu biết. Đó là người thầy thuốc đáng tin cậy của mình.

          Và từ đó vấn đề tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân được nêu ra để sao cho đôi bên đều thỏa mãn trong tình nghĩa "phúc chủ, lộc thầy".

          Người thầy thuốc

          Với bệnh nhân, thầy thuốc là người sẽ tìm ra bệnh, làm giảm sự đau đớn, cho biết diễn tiến bệnh, phục hồi khả năng đã mất, và phương cách ngừa bệnh tái phát.

          Người bệnh, khi đã lựa được thầy thuốc thích hợp, thì đặt mọi tin tưởng vào vị đó và mối tương quan sẽ tốt đẹp.

          Để lựa một lương y, ta cần biết về thành tích chuyên môn cũng như đức độ của họ.

          Ngày nay, bác sĩ y khoa đều được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế với 4 năm dự bị, 4 năm y khoa rồi từ 3 tới 5 năm chuyên khoa để được coi như tinh thông y nghiệp.

          Người bác sĩ đầu tiên mà ta tiếp xúc mỗi khi đau ốm là thầy thuốc riêng của gia đình. Vị này có thể là chuyên ngành y khoa gia đình, nội khoa, nhi khoa , phụ khoa hay giải phẫu tổng quát.

          Họ được huấn luyện để khám và trị căn bản, rồi sau đó nếu cần sẽ gửi đi chuyên khoa riêng biệt. Họ còn giúp ta phòng ngừa bệnh tật, như chích ngừa, làm thử nghiệm tìm ung thư tử cung, nhiếp hộ tuyến, thử máu kiểm soát lượng cholesterol, đường trong máu. Những tiểu giải phẫu như khâu vết thương, mổ một mụn nhọt cũng được họ thực hiện ngay tại phòng mạch. Họ cũng chữa các bệnh thông thường về ngũ quan.

          Với kiến thức tổng quát rộng, họ sẽ là người phối hợp việc trị bệnh của ta với các bác sĩ chuyên khoa từng bộ phận, giải quyết những ý kiến khác nhau về cách điều trị. Thường thường, họ rất dè dặt trong việc trị bệnh.

          Các bác sĩ chuyên môn riêng biệt đều được huấn luyện thêm vài năm về một bộ phận của cơ thể.

          Có bác sĩ chuyên về ngoài da, dị ứng, đường ruột, tim mạch, tiết niệu, xương khớp. Họ thường phải qua một kỳ thi để được chính thức công nhận và giới thiệu tước vị chuyên môn với bệnh nhân.

          Ngoài kiến thức rộng, cập nhật hóa về bệnh, họ còn xử dụng các kỹ thuật khám phá, truy tầm nguyên nhân bệnh tân kỳ hơn, cần khéo tay, kinh nghiệm hơn. Chẳng hạn kỹ thuật thông tim; cắt một nhúm tế bào ở thận, ở phổi, ở gan; nhìn vào ống phổi, ruột non, ruột già, hay khâu vết thương nhỏ trên võng mạc...

          Ta cần các bác sĩ này khi có một bệnh hiếm hay biến chứng mà bác sĩ gia đình ngần ngại giải quyết; hoặc sau thời gian điều trị, bệnh không thuyên giảm; hoặc ta cần những thử nghiệm ngoài phạm vi của bác sĩ gia đình. Chúng ta đừng e dè khi gợi ý xin tham khảo chuyên môn vì bác sĩ gia đình thường rất vui vẻ giới thiệu. Hơn nữa họ cũng không muốn bị liên luỵ pháp lý nếu có chuyện gì xẩy ra cho người bệnh.

          Từ vài thập niên vừa qua, đã có một số bác sĩ chuyên về lão khoa, hoặc qua vài năm huấn luyện chính thức, hoặc do kinh nghiệm điều trị người già. Số bác sĩ này vẫn còn rất ít, nên thường được xử dụng trong việc săn sóc người cao niên yếu đuối với nhiều bệnh khác nhau. Họ thường phối hợp với một nhóm chuyên viên về lão bệnh như người làm công tác xã hội, y tá, dinh dưỡng viên, chuyên viên phục hồi, dược sĩ. Tất cả sẽ thảo luận để đánh giá khả năng sinh hoạt, tình trạng sức khoẻ của người già yếu đuối, đề nghị một chương trình săn sóc, điều trị ngõ hầu phục hoạt một số chức năng cho các vị này.

          Vấn đề y đức

          Nói đến đức độ, thì ta lại nghĩ đến câu "lương y như từ mẫu".

          Người mẹ hiền đức ngọt ngào, nhẹ nhàng với con, nhưng không quá nuông chiều, hiểu con, sẵn sàng cho con, chỉ dậy cho con từ đường đi nước bước, sao cho con trở nên người. Một lương y cũng cần có một vài đức tính của người mẹ hiền, vì khi đau ốm, ta trở nên bất lực và phụ thuộc, như đứa trẻ thơ.

          1. Kinh nghiệm

          Kinh nghiệm thâu lượm qua sự việc đã gặp, đã làm. Một bác sĩ tốt gặp một bệnh mới, phải tham khảo suy nghĩ trưóc khi định bệnh, rồi ra đơn thuốc. Gặp bệnh đó vài lần, họ trở thành có kinh nghiệm, lần sau thấy là chẩn đoán, điều trị tức thì. Cũng như một bác sĩ giải phẫu giầu kinh nghiệm, một mình trên bàn mổ, có thể thay đổi chiêu thức đường dao để hoàn thành trường hợp mổ khó khăn.

          Tuổi tác không phải là bảo chứng của kinh nghiệm, vì người thầy thuốc già vẫn có thể phạm cùng lỗi lầm nhiều lần. Vì thế, khi có bệnh khó, ta nên đến bác sĩ được biết có kinh nghiệm về bệnh đó, ta sẽ được săn sóc đúng thầy đúng thuốc.

          2. Danh tiếng

          Nổi danh có thể hoặc xấu hoặc tốt.

          Nổi danh về y nghiệp, về y đạo, về giao tế nhân sự. Nổi danh do nhận xét của bệnh nhân, của đồng nghiệp, của nhân viên hợp tác. Có những nhận xét công bằng, thì lại cũng có nhận xét thiên lệch, vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng nhận xét nào được nhiều người nhắc đi nhắc lại thì chắc là đáng tin cậy hơn.

          3. Sẵn sàng phục vụ

          Bệnh đến bất thường, kêu điện thoại cho bác sĩ gia đình, chỉ thấy tiếng máy trả lời bác sĩ đi nghỉ hè, xin liên lạc với bác sĩ trực phòng cấp cứu nhà thương, thì thực là quá thất vọng.

          Bác sĩ đông khách, muốn xin hẹn phải đợi cả tháng, thì cũng bất tiện. Đâu còn cứu bệnh như cứu hỏa.

          Thành ra, khi lựa bác sĩ, nên hỏi rõ vài chi tiết như: chẳng may đau ban đêm, tôi sẽ phải liên lạc với ai; bác sĩ nào trong nhóm sẽ trực khi có khẩn cấp; khi nhập viện, bác sĩ có vào coi bệnh mỗi ngày; khi cần khám giữa kỳ hẹn, tôi có được gặp bác sĩ hay người khác.

          Thường thường một nhóm nhỏ bác sĩ hợp tác với nhau , họ thay phiên trực thì ta dễ có cơ hội gặp bác sĩ gia đình hay bác sĩ quen khi có khẩn cấp. Nhờ đó nhu cầu trị bệnh được thỏa mãn dễ dàng.

          4. Tác phong

          Như một từ mẫu, thầy thuốc thường được bệnh nhân hy vọng là sẽ đối sử với mình chu đáo, hiểu biết, chịu đựng.

          Thầy thuốc tốt sẵn sàng dành thêm chút thì giờ giải thích rõ bệnh trạng, diễn tiến, biến chứng, phương cách trị liệu, đề phòng tái phát bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Bệnh nhân sẽ thỏa mãn hơn nếu được bác sĩ yêu cầu góp ý kiến vào việc trị bệnh.

          Bác sĩ cũng đối xử không quá nghiêm khắc, lạnh nhạt, kiêu kỳ, coi nhẹ nhân vị bệnh nhân.

          Khi bệnh nhân không vui lòng với thầy thuốc thì họ đi kiếm bác sĩ khác, đổi bảo hiểm, lơ là với chỉ dẫn của bác sĩ. Nhiều lúc bệnh nhân già ta cũng dễ dàng chấp nhận sự bẳn tính của người thầy thuốc cao tuổi nhưng tận tâm và có khả năng.

          tiếp...
          #5
            HongYen 30.05.2005 05:52:45 (permalink)
            tiếp...

            Bổn phận của người bệnh


            Đã có những đòi hỏi của bệnh nhân với thầy thuốc, thì ngược lại thầy thuốc cũng có vài yêu cầu mà ta cần đáp ứng. Vì sau khi đã lựa được vị bác sĩ vừa ý, ta đã trở nên thân chủ của họ.

            Là người bệnh, người hưởng thụ chăm sóc y tế, ta có những trách nhiệm phải thực hiện để việc đi khám bác sĩ mang lại kết quả tốt đẹp.

            1. Đã có hẹn, thì giữ hẹn. Tới sớm một chút để có thì giờ ngồi nghỉ, ôn lại những điều cần khai với bác sĩ. Nếu không giữ được hẹn, nên thông báo trong vòng 24 giờ để bệnh nhân khác có thể được thay thế vào hẹn của mình.

            2. Viết sẵn chi tiết bệnh với triệu chứng. Tập trung vào điểm chính yếu, những thắc mắc muốn hỏi. Nếu có thể ghi những bệnh quan trọng mà thân nhân đã hoặc đang có.

            3. Mang tất cả các dược phẩm đang uống để bác sĩ coi, tránh trường hợp cho thuốc giống nhau. Có thân nhân đi cùng cũng tốt vì người này nhắc ta câu hỏi bị quên, hay nhắc ta lời chỉ dẫn của bác sĩ.

            4. Trình bầy chính xác, rõ ràng về bệnh trạng của mình. Thí dụ đau, thì đau ở đâu, từ bao giờ, đau như thế nào, làm gì để bớt đau. Đặt câu hỏi cho tới khi hiểu rõ bệnh trạng, cũng như trả lời câu hỏi đầy đủ. Yêu cầu bác sĩ giải thích theo ngôn từ bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ.

            Sự hài lòng với săn sóc y tế tùy thuộc phần lớn vào hiệu qủa sự thông cảm, đối thoại giữa thầy thuốc và bệnh nhân.

            5. Về nhà, dùng thuốc, ăn uống, nghỉ ngơi đúng theo chỉ dẫn. Liên lạc với bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường hay tác dụng không muốn của dược phẩm.

            6. Giữ đúng hẹn để theo được theo dõi kết qủa việc trị liệu.

            Trên đây là tương quan điều trị , khoa học, giữa người có bệnh với người làm bớt bệnh.Gần đây, khía cạnh tôn giáo trong tương quan này đã được nêu ra.

            Một công trình nghiên phối hợp của nhiều trung tâm y học uy tín ở Mỹ đã đi đến kết luận là: tôn giáo có nhiều ảnh hưởng tích cực vào sức khỏe của người cao tuổi, nhất là về sức khỏe tâm thần; và thầy thuốc nên thảo luận về tôn giáo với bệnh nhân, đôi khi cùng cầu nguyện, khi được yêu cầu.

            Người cao tuổi thường tin tưởng vào tôn giáo và hay đi lễ. Có người cho thân xác mình là của Thượng đế. Mọi lạm dụng ( như ghiền rượu, thuốc ), hay lơ là chăm sóc là ngược với giáo lý, đức tin, nên đi trị bệnh là làm bổn phận đối với Thượng Đế.

            Cũng có người quá tin lại nghĩ bệnh là do sự trừng phạt của đấng vô hình vì những tội lỗi đã phạm. Họ sẽ chịu đựng sự trừng phạt mà không đi chữa trị, hoặc chờ khi được tha thứ thì hết bệnh.

            Vì tính cách quan trọng của tôn giáo với người cao tuổi, nên đã có đề nghị trong chương trình đào tạo bác sĩ sẽ thêm phần nói đến ảnh hưởng đó trong việc trị liệu, và nhấn mạnh tới liên quan giữa niềm tin và sức khoẻ.

            Kết luận

            Mối tương quan thầy thuốc- bệnh nhân ngày nay chịu nhiều chi phối bởi các nhóm tài phiệt, thương mại.

            Thầy thuốc bị giới hạn trong việc trị bệnh, ngưòi bệnh bị hạn chế quyền được chăm sóc y tế. Lương y trở thành người cung cấp dịch vụ, thân chủ là giới thụ hưởng.

            Mối giao hảo trở nên lỏng lẻo, sòng phẳng, đôi khi căng thẳng vì sơ hở là đôi bên đáo tụng đình, làm giầu cho nhóm người nhiều mưu mẹo pháp lý.

            Nhưng, để sinh tồn, đôi bên vẫn phải tương quan tốt với nhau, để một bên hưởng lợi nhuận kinh tế, một bên có sức khoẻ bình an.

            Ngõ hầu cùng mong được an hưởng tuổi vàng.

            Vài mẩu đối thoại ở một phòng mạch :

            Ø Cụ đau ở đâu ?Bao lâu rồi ?

            Ø Ấy cái hơi nó cứ chặn ở ngực từ hồi cháu còn ở Cali cơ.

            Ø Độ vài tháng?

            Ø Ba, bốn năm rồi. Ông bác sĩ Tuân cho cháu mấy viên thuốc con nhộng uống là hết liền.

            Ø Cụ nhớ tên thuốc không?

            Ø Cháu chẳng nhớ. Viên nó dài như hạt đậu, mầu xanh đó. Thôi bác sĩ cứ cho cháu thuốc đó là cháu hết ngay à.




            Ø Bác sĩ à, chắc chân thận tôi nó yếu.

            Ø Sao cụ biết?

            Ø Ấy, ông cụ Vinh nói vậỵ Ông ta cũng đau như tôi, ông ta uống mấy viên Viagra là bớt liền. Bác sĩ cho tôi vài viên nhé!!

            (nói nhỏ riêng Bạn có cần cũng nên xin vài viên dưỡng già......Lời kẻ post)

            Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
            #6
              HongYen 25.06.2005 20:28:05 (permalink)
              Câu Chuyện Thầy Lang:
              Cập Nhật về Rối Loạn Cương Dương

              Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

              Từ 27 tháng 5 năm 2005 vừa qua, truyền thông cũng như giới y khoa Hoa Kỳ đều sôi nổi đưa tin, thảo luận về trường hợp lão nhân Jimmy Grant bị mất thị giác mắt phải vì dùng Viagra. Ông ta đã kiện công ty sản xuất thuốc này. Cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ đang điều tra sự việc. Nhà sản xuất thuốc dự trù sẽ in thêm lời cảnh báo trên giấy giới thiệu dược phẩm để lưu ý người tiệu thụ và tránh trách nhiệm pháp lý. Trong khi đó thì mấy vị thầy cãi đã vội vàng đưa các vụ kiện tập thể hãng bào chế ra ba tòa quan lớn. Gọi là để bảo vệ người dùng thuốc cũng như có dịp làm giầu cho chương mục ngân hàng của mình.
              Cũng trong tháng 5, 2005, Hội các bác sĩ tiết niệu Hoa Kỳ đại hội ở San Antonio, Texas, và đưa ra một hướng dẫn mới về điều trị rối loạn cương dương. Vì rối loạn này đang là mối lo tâm phúc cho cả mấy trăm triệu người trên thế giới.
              Coi vậy thì mất khả năng giao hợp của nam giới là vấn đề khá quan trọng. Lang tôi xin cùng quý thân hữu cập nhật lại cái sự rối loạn này cũng như phương thức cứu chữa.
              Bất lực sinh lý của người nam thực ra không phải là vấn đề mới lạ. Nó đã được nói tới từ thuở xa xưa.
              Danh y Ba Tư Avicenna vào thế kỷ thứ X đã lưu ý là bệnh tiểu đường có thể gây ra bất lực. Sách y học cổ Trung Hoa đã ghi nhiều loại thuốc để kích thích khả năng làm tình.
              Nguyên nhân tâm lý của bất lực đã được S. Freud diễn tả từ năm 1912.
              Năm 1926, bác sĩ T. W. Hughes ở Atlanta, Georgia đã kể ra tới hơn mười nguy cơ đưa tới bất lực như mộng tinh và xuất tinh quá độ, bệnh lậu, co hẹp miệng dương cụ, thủ dâm, lo âu, trầm buồn, quá bận bịu với công việc, hoang dâm vô độ hoặc tiết dục quá lâu, bệnh của trứng dái...

              Và có một thời kỳ, người ta tin rằng bất lực là do đấng vô hình trừng phạt hoặc do kẻ thù trù ếm nên đã có chuyện đi cầu nguyện thánh thần hoặc xin giải bùa chuộc lỗi.
              Danh từ Rối Loạn Cương Dương (Erectile Dysfunction) được y giới sử dụng từ năm 1992 để thay thế cho từ ngữ Bất Lực Tình Dục (Impotence).

              Theo nghĩa thông thường, bất lực là để chỉ một người thiếu sức mạnh, quyền lực hoặc sinh lực.
              Với y khoa, bất lực diễn tả vấn đề khó khăn trong đời sống sinh lý người đàn ông, không hoàn tất được việc giao hoan vì sự yếu mềm của dương cụ.
              Được gán cho từ này, người nam thấy như có một mặc cảm trách nhiệm về một sự kiện ngoài ý muốn đồng thời cũng làm giảm phần nào cái hùng tính đàn ông của họ. Vì chữ bất lực hơi có tính cách thành kiến, chê bai. Trong khi đó, Loạn Cương Dương nhẹ nhàng và hướng tới khía cạnh khoa học về một bệnh mà người nam chẳng may vướng mắc như có thể mắc phải các bệnh khác.
              Loạn cường dương có thể xảy ra cho bất cứ người nào, hoặc lâu dài hoặc tạm thời ngắn hạn. Người bệnh có thể a)hoàn toàn không cương được; b)khi cương khi không hoặc c)chỉ cương thoảng qua. Như vậy rối loạn không phải là chuyện bình thường nhất là ở tuổi già. Nhiều người có một chút khó khăn nhưng vẫn có khả năng phòng the nhè nhẹ, vẫn có con và một số rối loạn có thể vượt qua.

              Xưa kia, bệnh nhân chỉ âm thầm chịu đựng chứ không giám khai nói với ai, ngay cả với thầy thuốc gia đình vì ngại ngùng, mắc cỡ. Cũng nhiều người nghĩ là vô phương chữa chạy. Nó là một sự thực không được vui lắm cho nạn nhân cũng như người bạn đường. May mắn là bệnh ít khi đưa tới nguy hiểm cho tính mệnh. Và một số người có thể an phận với rủi ro vì họ không có nhu cầu thỏa mãn thú vui xác thịt.
              Bệnh được chẩn đoán bằng y sử, siêu âm coi máu tới dương cụ nhiều ít, đo cương cứng khi ngủ (noctural penile tumescence), đo lượng testosterone, prolactin trong máu.
              Cũng xin ôn lại “cương dương” là gì”.
              Đây là một phản ứng vô ý thức (involuntary reaction) để đáp ứng lại với sự kích thích, khêu gợi tình dục. Người nam không thể có cương cứng (erection) chỉ vì anh ta muốn, kiểu “trên bảo dưới nghe”, mà cần một mời chào, mơn chớn. Các khuyến dụ này thúc đẩy não bộ, hệ thần kinh, trái tim, mạch máu, các kích thích tố cùng ngồi lại với nhau làm việc để đưa máu vào dương cụ. Máu tràn ngập hai phần xốp của cơ quan này khiến chú em vừa dài lớn vừa cương lên. Thế là ta có erection để làm tình.

              Trở ngại do loạn cương dương

              Loạn cương dương có thể gây ra một số trở ngại cho cuộc sống người đàn ông.
              Trước đây, vì không giao hợp được, họ có thể mất khả năng làm cha. Cũng nên phân biệt sự mất khả năng giao hợp này với sự vô sinh, không có con được của người đàn ông (sterility). Nhưng với sự tiến bộ của y khoa học hiện đại, với thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong phòng thí nghiệm, thì vô sinh được giải quyết dễ dàng.
              Loạn cương dương có thể đưa tới căng thẳng cho sự hòa hợp của đôi vợ chồng. Người chồng thì bực bội với sự yếu kém khả năng giao hợp của mình, trở nên e dè, lo âu, buồn chán. Người phối ngẫu thì tuyệt vọng trước vấn nạn của người chồng, đôi khi có ý nghĩ bất trung với tình lang do nhu cầu đòi hỏi sinh lý cá nhân.
              Người có loạn cương dương thường cũng có những vấn đề sức khỏe trầm trọng như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ảnh hưởng tới công việc làm ăn. Họ trở nên kém tập trung, kém suy xét, kém sáng kiến vì ám ảnh với rối loạn của mình. Họ cũng chi phí nhiều tiền cho các môn thuốc được giới thiệu là “cải Lão hoàn Đồng”, “Đêm bẩy ngày ba”.
              Nhiều người vì bất lực sinh lý, trở nên hung bạo hoặc tự cô lập, thụ động. Có chứng minh cho thấy sự thỏa mãn tình dục làm con người hung dữ trở nên thuần hậu hơn.
              Người cao tuổi cũng thường có vấn đề với khả năng làm tình nên đời sống của họ không được xuôi xả cho lắm.

              Nguy cơ đưa tới Loạn Cương Dương

              Trong Nhiễu Loạn Cương Dương, nguyên lý chính yếu là do trở ngại trong việc lưu chuyển máu tới dương vật hoặc rối loạn thần kinh chuyển tín hiệu kêu gọi sự cương của bộ phận này. Theo các nhà y học, từ 80-90% rối loạn phát xuất từ tổn thương thế chất; 10- 20% có nguyên nhân tinh thần.

              Sau đây là một số nguy cơ đưa tới Loạn Cương Dương.
              1-Trở ngại lưu thông máu có thể là do động mạch dẫn máu vào dương cụ bị thu hẹp, cứng, nghẹt. Thuốc lá thường làm động mạch co nên hút nhiều thuốc lá có thể là một nguy cơ.
              2-Ảnh hưởng tới thần kinh như rượu, dùng ít thì làm cho hăng hái nhưng nhiều thì ỉu xìu. Shakespeare đã có nhận xét: “Rượu khơi động sự ước muốn nhưng lấy đi khả năng diễn xuất làm tình”.
              3-Crack, Cocaine, thuốc phiện dùng ít thì kích thích nhưng dùng nhiều đến ghiền cũng là nguy cơ đưa tới không cương. Cần sa làm giảm số tinh trùng chứ không ảnh hưởng mấy tới sự cương.
              4-Một vài dược phẩm như các thuốc về tim mạch Aldomet, Inderal, Lopressor, Serpasil; thuốc an thần, trị trầm cảm Valium, Librium, Thorazine, Equanil, Elavil, Tofranil; các thuốc chống dị ứng, thuốc ngủ Barbiturates; thuốc bao tử Tagamet; do tác dụng phụ của bức xạ trị liệu cũng đều đưa tới yếu xìu sinh lý.
              5-Giải phẫu chấn thương chạm tới dây thần kinh điều khiển sự cương dương, giải phẫu cắt bỏ tuyến nhiếp hoặc do chấn thương cột sống.
              6-Vài bệnh của hệ thần kinh như Đa Xơ Cứng (Multiple Sclerosis), u bướu não, bệnh tổng quát cơ thể như tiểu đường, thận suy đều là nguy cơ của bất lực sinh lý.
              7-Các chứng tâm lý như lo âu, trầm cảm, bất đồng xô xát trong tình nghĩa vợ chồng, mặc cảm e ngại kém tài nghệ.
              8-Cho tới bây giờ, nhiều người vẫn còn tin là thủ dâm cũng đưa tới bất lực và mộng tinh. Ðó chỉ là hiểu chưa tới mức.
              9- Huyền thoại nói già là hay bị rối loạn cương dương. Điều này cũng có một phần nào đúng, nhưng không có nghĩa là già thì bất lực hoặc bất lực là hậu quả của sự hóa già. Tuy nhiên người cao tuổi thường mắc một số bệnh như tiểu đường, tim mạch nên có thể có biến chứng kém khả năng cương cứng. Và nếu không có các bệnh này thì các cụ vẫn “phòng the” được như thường cho tới tuổi thật già.

              Giải quyết vấn nạn

              Từ nhiều ngàn năm, con người đã khổ công tìm kiếm môn thuốc công hiệu để làm giảm vấn nạn này. Cổ nhân ta đã có những bài thuốc “Nhất dạ lục giao”, những Tam Tinh Hải Cẩu”. Trong dân gian Đông Tây đã có những tin tưởng rằng một vài sinh vật, cỏ cây có tác dụng cường dương, kích dục. Nào là thực phẩm có hình dạng giống cơ quan sinh dục như con sò, quả chuối; rồi dương vật cá xấu, chó, dê hầm thuốc bắc; tắc kè, cá ngựa, cá hồi ngâm rượu; “mị dược chi vương” dâm- dương- hoắc (vua các thuốc quyễn rũ ái ân), nấm cục, rau hẹ. Ngọc hành huơu đã được Hyppocrates coi như món ăn trợ dương, ích tinh.

              Nhưng mọi phương thức dường như cũng không mang lại kết quả như ý muốn.
              May mắn thay, với sự tiến bộ của y khoa học hiện đại, “nỗi buồn nam giới” này đã được làm sáng tỏ và đã có nhiều phương tiện để giúp phục hồi, tránh bực bội, bối rối, căng thẳng. Nhờ đó, nhiều nạn nhân đã hùng dũng nhập cuộc mây mưa rồi sau đó cao giọng ngâm:
              “ Đời không ái ân, đời vô vị.
              Kiếp sống không yêu, kiếp sống thừa”. Xuân Diệu(?).


              Nhưng cũng xin thưa trước rằng, không có một giải pháp nào thích hợp cho mọi người, mọi tuổi. Cho nên ta cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên về tiết niệu có kinh nghiệm với Rối Loạn Cương Dương để ước định rồi chữa chạy khó khăn của mình.
              Và trong đại hội tại thành phố San Antonio, Hội Tiết Niệu Hoa Kỳ đã đưa ra một hướng dẫn để thầy thuốc hội viên điều trị rối loạn cho bệnh nhân. Hướng dẫn này đề nghị ưu tiên dùng các thuốc viên mới bào chế rồi mới áp dụng phương thức khác.
              Thực vậy, sự xuất hiện của thuốc viên Viagra vào tháng 3 năm 1998, Levitra vào tháng 8 năm 2003 rồi Cialis vào tháng 11 năm 2003, đã mang lại một cuộc cách mạng trong việc điều trị loạn cương dương và đem nhiều niềm vui cho hầu hết những nạn nhân của bệnh.
              Khi chưa có các thuốc viên này thì người bệnh được bác sĩ đề nghị mua máy hút máu cho Nó to lên, gắn chim nhựa, nhét thuốc vào ống tiểu, chích thuốc giãn nở mạch máu vào dương cụ.

              Máy hút có mục đích đưa nhiều máu về cơ quan sinh dục rồi cột phía dưới bằng dây cao su để tiếp tục cương. Dùng đúng chỉ dẫn, dụng cụ này an toàn, có thể giữ cương cứng đủ thời gian giao hợp, nhưng không nên lâu quá 30 phút kẻo dây cột gây bế tắc máu lưu thông. Phương pháp cũng ít tốn tiền hơn giải phẫu hoặc thuốc uống. Tuy nhiên có người than phiền khi giao hợp thì thấy đau, tê, trầy da đôi khi không có xuất tinh.
              Gắn chim giả có nhiều loại: loại hơi cứng với hai miếng silicone được gắn vào dương cụ, nên bộ phận này luôn luôn cương; loại bơm dung dịch lỏng: hai ống co giãn gắn vào dương cụ, nối với bình chứa dung dịch gắn trên bụng, có một bơm nhỏ. Khi muốn cương, bơm cho dung dịch vào hai ống. Giao hợp xong, mở khóa, dung dịch trở về bình chứa. Chín mươi phần trăm người gắn chim giả cho biết rất thoải mái, công hiệu. Nhưng phí tổn giải phẫu hơi cao, cả dăm bẩy ngàn mỹ kim. Phương pháp này thường chỉ dùng cho người không đáp ứng được với các trị liệu khác, vì nó vô hiệu hóa bất cứ khả năng cương cứng còn sót lại của người bệnh.

              Hồi tháng 6 năm 2005, bác sĩ Jonathan Lazare ở Nữu Ước giới thiệu phương pháp gắn một thiết bị vào túi ngọc hành và dương cụ. Khi muốn làm tình chỉ cần bơm thiết bị là có cương dương.

              Theo kinh nghiệm của nhiều người đã dùng, thuốc chích rất công hiệu vì cương lực xẩy ra sau khi chích mươi phút, máu dồn đầy dương cụ và có thể kéo dài cả ngày, thỏa mãn được nhiều đối tượng. Tác dụng phụ rất ít ngoại trừ đôi khi bị cương cứng kéo dài quá lâu, rất đau (priapism), cần giải phẫu. Nhưng cứ nghĩ đến việc phải chích vào chỗ đó khiến nhiều người đã ngại vì đau. Thuốc chích thường dùng là Aprostadil, Caverject, Edect, papaverine.
              Thuốc nhét ống tiểu MUSE (Medicated Urethral System for Erection) cũng tốt nhưng mau tàn (mươi phút) và đắt (hơn hai chục đô xanh một huờn).
              Về các thuốc viên

              Ba thuốc Silenafil (Viagra), Vardenafil (Levitra) và Tadalafil (Cialis) có thể coi như cứu tinh của những người bị Rối Loạn Cương Dương. Thuốc vừa dễ dùng vừa kéo dài hiệu lực mà giá cả cũng vừa phải (mươi đồng tiền Mỹ một viên). Nhưng muốn công hiệu, thuốc cần sự hợp tác của con người: lòng ước muốn ái ân của người nam và sự hỗ trợ, khêu gợi của người nữ. Chứ không phải khơi khơi nuốt vội một viên rồi lên giường nằm chờ là cương cứng xuất hiện.

              Xin nhắc lại là để có cương dương, cần có sự phối hợp của lòng ước muốn tình dục, của tế bào xốp, các mạch máu ở cơ quan sinh dục và của một chuỗi những phản ứng hóa học tạị chỗ.

              Tín hiệu ước muốn tình dục từ não bộ được chuyển xuống “thằng nhỏ” khiến nó tiết ra một hỗn hợp hóa chất GMP. Hóa chất này làm lớp tế bào xốp ở dương cụ nở ra, máu theo động mạch mở rộng tràn ngập cơ quan khiến nó cương lên cho tới khi máu rút lui qua tĩnh mạch, sau khi ái ân đã thỏa mãn.

              Trong diễn tiến này, ở người loạn cương dương, một phản ứng hóa học xảy ra tại chỗ với chất enzyme phosphodiesterase-5 (PDE-5) làm GMP tan hàng, khiến tế bào xốp không nở đủ lớn để ngăn chặn sự thất thoát máu qua tĩnh mạch. Hậu quả là đứa nhỏ xìu xuống mau lẹ. Chính ở chỗ khó khăn này mà bộ ba Ngự Lâm Pháo Thủ ra tay hành hiệp: chúng ngăn sự hủy hoại GMP, máu sẽ vào nhiều mà không thoát đi nên dương cụ cương lâu hơn. Đó là cơ chế tác dụng của các thuốc này. Các thuốc có một số đặc tính giống nhau cũng như khác nhau. Khác nhau về phân lượng, về thời gian hiệu lực và vài tác dụng ngoại ý.

              Viagra rất công hiệu nhưng cũng có vài trở ngại. Nhà bào chế lưu ý bệnh nhân là không nên dùng nếu đang chữa bệnh đau thắt tim bằng thuốc Nitroglycerin, sợ rằng có thể làm hạ huyết áp quá mức. Ngoài ra cũng nên cẩn thận khi mới hồi phục Tai Biến Động Mạch Não, Nhồi Máu Cơ Tim hoặc đang bị cao huyết áp, lở bao tử, ruột, ung thư máu, các bệnh của võng mạc. Tác dụng ngoại ý của Viagra gồm có nhức đầu, nóng mặt, khó tiêu hóa, nghẹt mũi, tiêu chẩy, thay đổi nhìn mầu sắc.

              Tác dụng thay đổi nhìn mầu sắc được xác nhận sau khi một tai nạn rơi máy bay mà các điều tra viên muốn biết có liên quan tới Viagra không. Máy bay do một nam tài tử Mỹ lái gặp nạn khi ông ta đáp xuống phi trường. Chính quyền yêu cầu thử nghiệm coi xem ông ta có uống Viagra. Theo nhiều báo cáo thì thuốc có ảnh hưởng tới khả năng nhìn mầu sắc của phi công khiến họ không phân biệt được mầu xanh và xám là màu của đèn dùng trên phi đạo và trong phòng lái. Hãng bào chế thuốc cũng cho hay là trong thời gian thử nghiệm thuốc ở đàn ông, có 3% người nói có khó khăn khi phân biệt hai mầu này.
              Rồi ngày 27 tháng 5, 2005, một tác dụng ngoại ý quan trọng của Viagra được loan báo.

              Lão nhân Jimmy Grant ở Mỹ cho hay là sau khi dùng Viagra từ năm 1998, mới đây ông thấy mất thị giác một bên mắt. Đồng thời cũng có hơn bốn mươi trường hợp mất thị giác tương tự được công bố. Cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ đang nghiên cứu vấn đề để đưa ra biện pháp thích hợp. Nhà bào chế thì đã nghĩ tới chuyện ghi thêm lời cảnh báo người dùng Viagra về rủi ro này trong giấy giới thiệu thuốc. Gọi là để tránh trách nhiệm pháp lý. Nhưng các vị thầy cãi đã mau chân hơn và đã quảng cáo mời “nạn nhân của Viagra” cùng nhau kiện tập thể hãng thuốc.

              Cũng nên lưu ý là trên thị trường có những thuốc với tên nhái gần giống như Viagra. Chẳng hạn thuốc Veagra, khiến người tiêu thụ dễ nhầm lẫn. Và cũng có thuốc cùng hoạt chất nhập cảng lậu vào Mỹ như Powergrov, Pesagra, Caverta, Penagra.
              Nên nhớ là Viagra giảm hiệu lực nếu ăn uống quá thịnh soạn hoặc ăn thực phẩm nhiều mỡ béo.

              Đang hân hoan với Viagra thì vào ngày 19 tháng Tám năm 2003, Cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ lại chấp nhận cho ra đời thuốc viên mới toanh Levitra. Đây là đối thủ đáng kể của Viagra trong thị trường dược phẩm và mang lại rất nhiều lợi nhuận cho chủ ông nhân. Thế là từ nay các cụ có thêm một lựa chọn để mang lại mùa xuân cho mình và vui vẻ người bạn tâm tình. Công hiệu của Levitra cũng bắt đầu từ 20 tới 40 phút sau khi uống, bụng đói hoặc no cũng được và cũng kéo dài tới 4 giờ . Tác dụng ngoại ý tương tự như Viagra với nhức đầu, nóng mặt, khó tiêu, xây xẩm nhưng chưa có báo cáo nào về rối loạn thị giác như Viagra.

              Xin nhắc lại là Viagra có mầu blue, hình bầu dục; còn Levitra thì mầu cam.
              Tin vui lại liên tục đến vào cuối năm 2003 khi các cụ có thêm một lựa chọn thứ ba. Đó là thuốc Cialis với công dụng kéo dài từ những 24 tới 36 tiếng đồng hồ và tác dụng ngoại ý rất ít với nhức đầu và khó tiêu, nhức lưng, nghẹt mũi. Nghe mà mừng. Mừng vì tha hồ mà giao hoan. Nhưng cũng lo. Lại khối người “Hoang dâm Vô Độ” . Và cũng nhiều lão bà “Gớm, hồi này sao mà ông nó dai sức thế, làm sao tôi chịu nổi”.

              Có điều cũng xin lưu ý là các thuốc này không phải là có thể áp dụng cho mọi người. Nếu đã bị cơn suy tim, tai biến não, rối loạn nhịp tim trong sáu tháng vừa qua hoặc đang uống thuốc có hoạt chất Nitrate (Nitroglycerine) cho angina thì không nên dùng. Nitrate và ba thuốc làm nở mạch máu và đưa tới hạ huyết áp quá mức bình thường.
              Ngoài ra, cũng xin nhắc tới vài loại thuốc cỏ cây với mệnh danh là “Viagra Thiên Nhiên” được giới thiệu là làm tăng khả năng cương cứng. Một trong nhóm là chất yohimbine triết từ vỏ cây Coryanthe yohimbe mọc nhiều tại rừng nhiệt đới Tây Phi châu. Từ lâu chất này được biết tới như có công dụng tăng cường sinh lực và khả năng phòng the. Thuốc làm giãn nở mạch máu ngoài da và niêm mạc do đó làm hạ huyết áo và tăng máu tới mặt ngoài của dương cụ. Như vậy thuốc làm giãn nở mạch máu toàn thân chứ không phải chỉ riêng dương cụ như Ba Chàng Ngự Lâm. Dùng phân lượng quá cao có thể đưa tới rủi ro cho sức khòe nhất là khi bị thấp huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, gan, thận, bệnh tâm thần hoang tưởng, lo âu. Cơ quan Thực Phẩm Dược Phẩm Hoa Kỳ không coi đây là chất an toàn khi dùng.
              Nói thêm là nhiều người cho rằng dùng thêm sinh tố E hoặc testosterone làm tăng khả năng tình dục. Cũng như các sinh tố khác, sinh tố E cần thiết cho cơ thể nói chung chứ không chỉ riêng cho chức năng cương cứng của cơ quan sinh dục.
              Với testosterone, khi thiếu thì ước muốn tình dục có thể giảm. Dùng thêm có thể tăng ước muốn chút đỉnh chứ không làm “quý tử” cang cường hơn. Và dùng quá nhiều lại có rủi ro ung thư nhiếp tuyến.

              Kết luận
              Hiện nay còn nhiều thuốc trợ giúp cho Rối Loạn Cương Dương đang được nghiên cứu, trình bày công hiệu và an toàn với chính quyền. Hy vọng là thuốc sớm hoàn tất để giúp nam nhân giải quyết được một trong nhiều vấn nạn ái ân.
              Thực là khoa học quá chu đáo. Lo đến cả cái chuyện phòng the riêng tư của con người.

              Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

              Số: 3735
              Ra Ngày: 24/6/2005
              http://www.vietbao.com/
              Texas-Hoa Kỳ
              #7
                HongYen 23.07.2005 12:34:47 (permalink)
                Câu Chuyện Thầy Lang: Tình Bằng Hữu-Bạn Già

                Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

                Tục ngữ Mỹ có câu nói: ”Tiếp tục kiếm thêm bạn mới nhưng hãy duy trì bằng hữu cũ, vì bạn mới là bạc mà bạn cũ lại là vàng”.

                Cụ Nguyễn Đình Chiểu của chúng ta trang trọng bạn xưa với:
                "Trong đời mấy bậc cố tri,
                Mấy trang đồng đạo, mấy nghì đồng tâm"


                Nhà thơ Lê Đại Thanh viết:
                “Bạn là một nửa bản thân tôi
                Nửa da thịt, nửa trái tim, khối óc”


                Còn sau đây là diễn tả tình bạn trong Nhị Độ Mai:
                “Nghĩa bằng hữu bậc trung trinh,
                Thấy hoa mai bỗng động tình sót xa”


                Nhiều vị tuổi cao cũng có ý nghĩ rằng khi về già, ngoài việc có một sức khỏe tốt, một gia đình êm ấm, thì tình bạn lâu năm là một hành trang quý giá mà họ đã mang theo được cho tới giai đoạn cuối của cuộc đời.

                Vậy thì bạn hữu là gì?

                Hiểu theo nghĩa thông thường, bạn là một nhóm người thường thì không có liên hệ ruột thịt, gắn bó với nhau qua những tương đồng về hoàn cảnh sinh sống.
                Họ đến với nhau trong tâm đầu ý hợp, bằng kết nối những tâm tư, những nguồn giao cảm gần giống nhau.

                Họ thân với nhau để chia xẻ vui buồn, để cùng thực hiện những hoài bão chung, để nương tựa lẫn nhau.

                Họ hiểu nhau, tin tưởng nơi nhau, thích nhau. Đây là một gắn bó của sự thủy chung và thương yêu vị tha và lâu dài. Với nhau, họ là người đồng hành, là người tin cậy.
                Bạn hữu khác với người quen biết, gặp nhau trong công việc hàng ngày như ở sở làm, trong cộng đồng, ngoài lối xóm. Đó chỉ là những tiếp xúc trong một thời gian giới hạn và cần thêm nhiều lôi cuốn, kết nối khác nữa để chuyển sang tình bằng hữu.
                Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi người ta đã lạm dung chữ bạn. Mới gặp nhau vài lần mà đã nói đó là bạn tôi, cứ như là thật. Ông bà chủ lấy lòng nhân viên, sai bạn ơi làm hộ tôi cái này, cái kia sao mà ngọt như mía lùi. Ðể rồi lay off nhau cũng mau như cắt.

                Bạn hữu thường tập trung vào mấy nhóm.

                Một số người có tinh thần độc lập, tự cho là không cần đến ai. Không phải họ sống cô độc. Nhưng, với họ, những giao tế qua lại thường nhẹ nhàng, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Rồi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhu cầu, nếu cần thì giao tiếp, nếu không có thể quên đi dễ dàng. Họ sống với hiện tại và thỏa mãn với những người mà họ mới gặp hay đã có sẵn. Cho nên khi mất một giao hữu, họ cũng chẳng tiếc mấy.
                Những người kỹ tính, lựa bạn mà chơi thì có gắn bó sâu đậm đặc biệt với một số người mà họ coi là rất thân. Nên họ buồn tiếc khi mất. Còn những liên hệ khác thì chỉ là những thiển giao, quen biết nhiều hơn là kết bạn. Họ sống nhiều với bạn xưa và không muốn tìm bạn mới khi tới tuổi cao.

                Người hiếu bạn có nhiều bằng hữu hơn: bạn quen từ những năm trước, bạn mới tạo ra sau này. Họ là những người sống với cả quá khứ, hiện tại trong tình bạn và sửa soạn cho tương lai với nhiều bạn bè. Họ luôn luôn dùng giao tế nhân sự để kiếm thêm bạn mới.
                Nhiều nhà xã hội học phân biệt bằng hữu tương nhượng, bằng hữu tiếp thu và bằng hữu trong hợp tác.
                Khi đôi bên cho nhau lòng trung thành và tình thương yêu thì có sự cân bằng của tình bạn, đôi bên nương tựa lẫn nhau.
                Khi chỉ có một bên cống hiến tất cả và bên kia không đáp lễ thì chỉ có tình bạn một chiều.
                Khi chỉ hợp tác vì một quyền lợi, một mục đích mà không có thương yêu, chung thủy thì giao tế không bền và rất giới hạn.

                Đặc điểm của bằng hữu.

                Khác với tình anh em, vợ chồng, bạn hữu có những sắc thái riêng biệt. Đây là một giao hảo có tính cách tự nguyện, một ràng buộc riêng tư do đôi bên hiểu ngầm thương lượng, một liên hệ qua lại trong tinh thần bình đẳng tràn đầy thiện tâm, thiện ý.
                Vì tự nguyện với có quyền lựa chọn và được chọn lựa nên không ai bắt buộc ai phải là bạn. Nó cũng không có ràng buộc pháp lý như tình nghĩa vợ chồng, hoặc lễ nghĩa huyết tộc như tình anh chị em ruột thịt.

                Cho nên dù có liên hệ huyết mạch, người cùng lối xóm, cùng sở làm mà không có tương khí tương đồng thì cũng không trở nên bằng hữu được. Ta có thể tỏ ra hết sức lịch sự với người cùng phòng, cùng sở nhưng không có điều gì bắt buộc ta phải thích và là bạn người đó. Ta không thể tự coi là bạn của một người khi ta không biết người đó có sẵn sàng nhận ta là bạn không. Tác giả người Pháp J Delille đã nói: “Cha mẹ là do số phận, bạn bè do lựa chọn”.

                Bình đẳng vì tình bạn xây dựng trên cá nhân mỗi con người. Nó không đòi hỏi sự bằng nhau tuyệt đối về học vấn, về địa vị trong xã hội, về sự giàu tiền, lắm bạc như nhau, thành công như nhau. Đã có nhiều tình bạn rất đẹp nẩy nở giữa chủ và thợ, giữa thầy và trò, giữa người giàu và người nghèo.

                Tình bạn cũng tôn trọng tính cách độc lập của nhau: mỗi bên có nếp sống riêng tư, tự do quyết định cho đời sống của mình mà không bị bên kia can thiệp. Không có sự áp đặt chủ -nô hoặc khuất phục như lãnh chúa độc tài với thần dân.
                Trong tình bạn, đôi bên dành cho nhau những cảm tình tốt, những chăm sóc, quan tâm tận tình, những giúp đỡ khi cần và sự rộng lượng, sẵn sàng với nhau. Thiện ý này không đưa đến sự lợi dụng nhau hoặc phụ thuộc nhau. Người giúp thấy thoải mái làm mà không cho là có bổn phận hoặc bị bắt ép phải làm, mà người nhận không bị ám ảnh là đã đòi hỏi quá nhiều ở bạn.

                Vì khi đã phụ thuộc vào nhau thì sự tự do, bình đẳng không còn nữa. Một tình bạn đích thực không những chỉ cởi mở để cho mà còn vui vẻ để nhận.
                Tình trạng sẵn sàng với nhau cũng là căn bản của bằng hữu và trong tình bằng hữu, không có sự ghen tị mà còn cần thành thật với nhau, không mầu mè, che đậy.

                Để có bằng hữu


                Tình bạn có thể được xây dựng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào của con người.
                Căn bản là ít nhất họ có cùng một thôi thúc tình cảm, có sự chia xẻ trao đổi những ý nghĩ giống nhau, có cùng sở thích, quyền lợi. Trong tình bạn tuy cũng có những khác biệt nhưng khác biệt này bổ túc cho nhau. Nếu hoàn toàn giống nhau thì đâu còn đối thoại, đồng cảm.

                Bạn thường tìm thấy trong các nhóm có chung sinh hoạt: học cùng trường, ở cùng khu phố, làm cùng nghề, cùng thú vui giải trí, cùng lui tới cơ sở tôn giáo. Nó nẩy sinh ở những lứa tuổi khác nhau. Nhóm trung niên có lợi điểm là có bạn ở mọi lứa già trẻ trong khi người già có bạn ở cùng lứa tuổi hoặc trẻ hơn.
                Về giống tính thì thường thường đàn ông đàn bà đều có nhiều bạn như nhau, nhưng chồng thì không hay tâm sự nơi bạn mà tin cẩn vợ hơn, còn vợ thì có nhiều bạn gái để tâm sự ngoài chồng mình.

                Bằng hữu nẩy sinh trong những thôi thúc tình cảm giữa hai người. Thôi thúc càng cao thì bằng hữu càng sâu đậm.

                Một câu hỏi thường được nêu ra là tại sao ta có ước muốn gắn bó với đối tượng này mà lại hững hờ với đối tượng khác. Có những tình bạn xuất hiện như tia chớp trên nền trời xanh: mới chỉ gặp một vài lần, chưa biết quá trình, hiện tại của nhau nhưng đã dành cảm tình cho nhau, đã muốn được có bạn và được nhận là bạn. Ý thức chưa thấy gì, nhưng tiềm thức đã nhận ra và tiên đốn là nhiều triển vọng tình bạn sẽ nẩy nở sau này.
                Sự bá vai, chèo kéo, nài nỉ không đưa tới tình bạn, như các cụ ta thường nói: “Thấy sang bắt quàng làm họ”.

                Đồng nghiệp, đồng sở không đương nhiên thành bằng hữu vì đây chỉ là giao tế khách quan, không vượt qua lãnh vực nghề nghiệp.
                Một vấn đề tế nhị là sự xét đốn và chấp nhận trong tình bạn: nhận xét một cách khách quan về việc làm của bạn hoặc chấp nhận và hỗ trợ vô điều kiện. Đa số đều kỳ vọng có sự chấp nhận không phê phán từ bạn mình. Một số khác lại tin cậy ở nhận xét của bạn để quyết định và để học cách hành xử trong hoàn cảnh mới. Như vậy mặc dù con người không thích bị đánh giá, nhưng một nhận xét chân thành của bạn có thể có ích cho họ.

                tiếp...
                #8
                  HongYen 23.07.2005 12:38:47 (permalink)
                  tiếp...

                  Bạn Già

                  Giống như lúc mới sinh và trong thời còn thơ ấu, tuổi già đôi khi chịu một số phận không mấy vui là phải phụ thuộc vào người khác nhất là sau khi đã có nhiều mất mát.
                  Nhưng, thay vì vươn ra khỏi sự phụ thuộc như lớp tuổi thơ thì người già lại đi sâu vào vòng phụ thuộc. Họ không còn làm việc, bị giảm lợi tức, con cái đi ở riêng, mất dần bạn bè, người thân yêu, kém sức khỏe, bệnh hoạn. Cho nên về già mà có được những bạn cố tri thân thiết hoặc tạo thêm ra những bạn mới để nương tựa lẫn nhau là một điều rất an ủi.

                  Nhiều người cho rằng dù họ hàng thân thuộc có giúp đỡ nhưng bằng hữu thường gần gũi nhau hơn, dễ nói với nhau hơn. Và có nhiều điều mà chính người phối ngẫu cũng không cung ứng được bằng những bạn cố tri. Họ đã cùng vui buồn có nhau khi xưa mà bây giờ già rồi vẫn còn bên nhau. Họ nương tựa lẫn nhau để có bầu có bạn, hiểu nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể lại cho nhau những kỷ niệm, những việc đã cùng làm. Họ đối xử, xưng hô thân mật như mấy chục năm về trước.

                  Thường thường người già muốn có bạn cùng lứa tuổi, có hoàn cảnh như nhau, sở thích kinh nghiệm như nhau, sống gần nhau để thuận tiện qua lại. Nhưng họ cũng có khuynh hướng là tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn cùng tuổi sẽ lần lượt ra đi. Cũng có người già tập trung nuôi dưỡng bạn cố tri, giới hạn tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và để tránh gặp những trái ý không cần thiết.
                  Về già cũng có một số hoàn cảnh khiến cho tình bạn gặp trở ngại.

                  Kém sức khỏe đưa đến không cùng nhau sinh hoạt. Quá phụ thuộc vào bạn trong các công việc hàng ngày. Nếu sự phụ thuộc quá nhiều thì đôi khi bạn cũng thấy khó chịu, xa dần. Rồi người già rơi vào cảnh cô lập, nhất là khi giảm khả năng đối thoại với tai nghễnh ngãng, mắt kèm nhèm.

                  Cũng nhiều người già không có thì giờ dành cho bạn bè vì bận rộn chăm sóc cho sức khỏe của mình hoặc để nghỉ ngơi. Ngoài ra, có trường hợp khi dư giả thì bạn bè năng tới lui, mà nghèo khó thì lại thưa vắng qua lại. Như tình huống của Nguyễn Hữu Chỉnh: “Ðã hẳn ai là mặt cố tri; Giầu sang tìm đến, khó tìm đi”
                  Tình nghĩa vợ chồng già dù như đũa có đôi, nhưng cũng nên có những bạn riêng để phòng hờ thời gian đơn côi, góa bụa.
                  Khi mất người phối ngẫu, lão nam cảm thấy lẻ bóng nhiều hơn vì đã mất người bạn đầu gối tay ấp cả dăm ba chục năm.

                  Bình thường quý lão bà có nhiều bạn tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng khi bạn hiền ra đi, thì cụ bà thấy quan hệ với bằng hữu cũ của vợ chồng giảm dần. Cũng may là họ dễ dàng tạo thêm bạn mới, giao hảo mới bằng cách tham dự vào nhiều sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo. Đa số bạn của cụ bà khi đó là cô quả cùng cảnh ngộ, chỉ có một số nhỏ có gia đình. Cho nên khi còn sống với nhau mà bà vợ không chịu giao tế tạo bạn cho mình thì khi ở góa sẽ có nguy cơ cô đơn. Nhất là khi chẳng may khả năng tài chánh lại không được dồi dào.

                  Kết luận


                  Mặc dù có thể có những căng thẳng, những thay đổi ngoài tầm kiểm sốt, tình bạn vẫn giúp người già cảm thấy vui lên rất nhiều. Cho nên mất một bạn cố tri là một tai biến vì nhiều người già cảm thấy không còn đủ thời gian để thay thế cái khoảng trống tình cảm đó.

                  Hơn nữa, như Simone de Beauvoir đã viết:” Cái chết của người bạn thân thiết là sự đoạn tuyệt đột ngột với quá khứ của mình. Chúng ta không những mất một sự hiện diện mà còn mất cả một phần của cuộc sống mà chúng ta đã gửi gắm nơi họ”.

                  Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
                  Texas-Hoa Kỳ

                  Số: 3763
                  Ra Ngày: 22/7/2005
                  http://www.vietbao.com/
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9