Mừng tuổi 70
Mới đó mà nay đã bẩy mươi
Thời gian lặng lẽ mỉm môi cười
Thân còm hơn trước - gân săn chắc
Cứng vẫn như xưa - mắt rạng ngời
Lúc hứng gieo vần nâng cạn chén
Khi vui xướng họa rít tròn hơi
Dưỡng sinh đều đặn ngày đôi lượt
Lạc gót vườn tiên sướng cuối đời
Laonong
Hồ Văn Thiện
___________________________________
( Đã có sửa khi đối chiếu với nguyên bản )
曲江其二
朝回日日典春衣,
每日江頭盡醉歸。
酒債尋常行處有,
人生七十古來稀。
穿花蛺蝶深深見,
點水蜻蜓款款飛。
傳語風光共流轉,
暫時相賞莫相違。
(Khúc Giang (nhị thư)
Khúc giang kỳ 2
Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
Ðiểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
Tạm thời tương tống mạc tương vi.
Đỗ Phủ
Sông Khúc kỳ 2
(Người dịch: Tản Đà)
Khỏi bệ vua ra cố áo hoài
Bến sông say khướt, tối lần mai
Nợ tiền mua rượu đâu không thế ?
Sống bảy mươi năm đã mấy người ?
Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn
Chuồn chuồn rỡn nước lửng lơ chơi
Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi
Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.
(Xem tiếp) Không hiểu sao cả người Trung hoa và người Việt nam lẫn người của Kinh Thánh đều lấy cái mốc 70. Người Trung hoa và Việt nam thì nói :”Nhân sinh thất thập cổ lai hy” nghĩa là hiếm ai sống được bảy mươi tuổi. Còn Kinh Thánh thì nói : Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.
Nhưng ngày nay nhờ khoa học tiến bộ, đặc biệt là ngành y học, nên tuổi thọ đã được nâng lên rõ ràng, thay vì thất thập thì người ta phải gọi là “bát thập hay cửu thập” cổ lai hy bằng chứng là hôm nay cũng có cụ được mừng thọ tám mươi và chín mươi. Tuổi thọ trung bình của con người đã tăng lên một cách nhanh chóng : từ 25 tuổi vào thời cổ Hy lạp, tuổi thọ đã tăng lên đến 50 tuổi vào đầu thế ký 16 ở Âu châu. Hiện nay ở nước Pháp, tuổi thọ trung bình của đàn ông là 72 và phụ nữ là 80. Nó nhích lên từ từ, gần đến tuổi thọ tối đa (khoảng 120 tuổi) khi các điều kiệân kinh thế xã hội thuận lợi...
...
Tuổi trẻ qua đi không bao giờ có thể trở lại như người ta nói :”Xuân bất tái lai”. Cái kỳ diệu và cũng bi đát của con người là con người sống trong hiện tại nhưng lại có thể mơ ước tương lai và kéo cả quá khứ tới. Đúng như Disraeli nói :
Tuổi trẻ là thời vấp váp,
Tuổi trung niên là thời vật lộn
Tuổi già là tuổi hối tiếc
Có hối tiếc cũng chẳng làm gì được nữa, cái gì đã qua thì qua luôn như triết gia Héraclite nói :”Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông”. Chỉ còn cách là chú trọng vào hiện tại, sống những ngày còn lại cho xứng đáng, xứng danh là tuổi già đáng kính, là cây cao bóng cả che mát cho đàn con cháu. Xin chúc cho các cụ sống :
Làm như cây quế trên non,
Trăm năm khô rụi vẫn còn thơm tho.
(Ca dao)
Phải làm một cái gì để lại cho hậu lai, đừng để cho cuộc sống mình trôi đi trong vô ích. Người Ấn độ có một câu ngạn ngữ rất hay :”Trước khi chết, nếu anh trồng được một cây để lại, thì đời anh kể là đã có ích”. Cây đây có thể hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng chúng ta nên để ý đến nghĩa bóng của nó, nghĩa là chúng ta phải sống để làm ích cho người khác, nếu chỉ biết sống co cụm lại, chỉ biết tìm lợi ích cho bản thân mình thì cuộc đời mình sẽ trở nên vô ích. Cây đây phải hiểu là cây đức hạnh, phải có một cuộc sống gương mẫu để lại cho con cháu :
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời mai sau
(Ca dao)
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm công.
( Ca dao)