(url) Trần Dần - (1926-1997)
Ngọc Lý 06.06.2006 05:04:15 (permalink)
.


TRẦN DẦN
(1926 - 1997)
Thủ lãnh
của tinh thần tự do sáng tạo


Bi kịch của Trần Dần là bi kịch của
một nhà cách tân,
có lẽ là nhà cách tân lớn nhất và sâu sắc nhất
trong văn học miền Bắc Việt Nam nửa thế kỷ qua.
(Phạm Thị Hoài)



Chỗ nào ông cũng thổi
một sự sống khác thường
vào những con chữ,
chỗ nào cũng dành cho ta một
bất ngờ.
Biết bao giờ số đông
người đọc Việt Nam mới
dọn lòng,
dành cho tài năng ghồ ghề
jờ joạcx này
một chỗ?
(Phạm Thị Hoài)




Trần Dần và vợ -
người bảo bọc, chở che,
giúp đỡ ông suốt cuộc đời.



1926

- Trần Dần sinh ngày 23/8 (tức 16/7 năm Bính Dần) trong một gia đình khá giả tại phố Năng Tĩnh, thành phố Nam Định.

- Học tiểu học, cao đẳng tiểu học và đậu bằng Thành Chung tại Nam Định.

- Học trung học tại Hà Nội, đậu Tú Tài Pháp. Bắt đầu làm thơ. Yêu thích thơ Baudelaire, Verlaine và phái Tượng Trưng.

1939

- Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Tinh huyết của Bích Khê xuất bản. Tản Đà qua đời.

1940

- Thơ say của Vũ Hoàng Chương, Lửa thiêng của Huy Cận. Hàn Mặc Tử qua đời.

1941

- Nhật thực của Arthur Koestler xuất bản.

1942

- Thi nhân Việt Nam 1932-1941 của Hoài Thanh và Hoài Chân xuất bản.

- Mao Trạch Đông nói chuyện tại hội nghị Diên An với các nhà văn Trung Quốc về đường lối văn nghệ phục vụ chính trị. Đinh Linh bị kiểm điểm vì bài viết nhân Ngày Phụ Nữ 8/3/1942.

1943

- Trần Dần bắt đầu quan hệ với nhóm văn nghệ cánh tả xung quanh nhà xuất bản Hàn Thuyên: Trương Tửu (tức Nguyễn Bách Khoa), Lương Đức Thiệp...

- Viết Chiều mưa trước cửa (thơ).

Trường Chinh công bố bản Đề cương văn hoá Việt Nam.

1944

- Tháng 9, Hồ Chí Minh từ Trung Quốc (Quảng Tây), trở về Việt Nam (Cao Bằng).

- Tô Hoài, Nam Cao vv...gia nhập Hội Văn Hoá Cứu Quốc do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

- Trần Dần viết Hồn xanh dị kỳ (thơ).

1945

- Chiến tranh thế giới II kết thúc.

- Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội.

- Ngày 2/9, Cách Mạng Tháng Tám thành công, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

1946

- Ngày 18/4, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), bộ trưởng bộ ngoại giao Chính Phủ Liên Hiệp dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đến Hội Nghị Đà Lạt. Cùng tham dự có Huy Cận với tư cách «chuyên viên canh nông».

- Tháng 8, BCHTƯĐCS Liên Xô ra nghị quyết phê phán Soshtshenko, Achmatova, Eisenstein, Pudovkin, Shostakovitsh, Prokofiev...

- Trại thú của G. Orwell xuất bản.

- Chùa Đàn của Nguyễn Tuân xuất bản.

- Trần Dần lập nhóm thi sĩ tượng trưng cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương... Viết Về nẻo thanh tuyền (thơ, in lại trong tập Thơ Mới 1932-1945, NXB Hội Nhà Văn, 1999).

- Tạp chí Dạ Đài ra số 1 ngày 16/11/1946, đăng bản tuyên ngôn của phái Tượng Trưng do Trần Dần viết. Số 2 chưa kịp ra mắt thì kháng chiến bùng nổ.

- Ngày 19/12, Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Ngày 20/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

- 1947 Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan v.v... gia nhập Đảng CSĐD.

- Khái Hưng mất tích. Nguyễn Tường Tam sang Trung Hoa.

- Trần Dần về Nam Định tham gia kháng chiến, đảm nhận công tác tuyên truyền. Nam Định thất thủ.

- John Steinbeck sang thăm Liên Xô.

1948

- Trần Dần gia nhập Vệ Quốc Đoàn, lúc đầu tham gia chiến đấu ở Thượng Lào và biên giới Tây Bắc, sau làm công tác tuyên truyền, địch vận cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Địch.

- Trường Chinh đọc bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam ở Hội Nghị Văn Hoá toàn quốc lần thứ 2 tại Việt Bắc.

- Đại Hội Văn Nghệ lần thứ nhất tại Việt Bắc.

- Tito ly khai với Stalin.

- Những bàn tay bẩn thỉu của J-P.Sartre xuất bản.

- Đại Hội văn hóa vô sản thế giới tại Breslau với sự tham dự của A. Nexö, I. Ehrenburg, M. Frisch, F. Léger, P. Picasso..., tổng thư ký hội nhà văn Liên Xô A. Fadejev công kích trí thức phương Tây (Sartre).

1949

- Trần Dần được phân công phụ trách văn công ở trung đoàn Sơn La và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (Ngày 3/3/1951 đổi thành Đảng Lao động Việt Nam).

- Vẽ và viết cho các báo Sông Đà, Giải Phóng...

- Tháng 9, Tố Hữu đọc tham luận Xây dựng nền văn nghệ nhân dân, Nguyễn Đình Thi đọc tham luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa tại hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc.

- Ngày 1/10, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời.

- Trong bức thư nổi tiếng gửi Fadejev, nhà văn Mỹ U. Sinclair viết: „Ở Liên Xô, ai dám phê phán những khuyết điểm của chế độ hiện hành, giống như tôi đã công kích những mặt bất cập tại chính đất nước tôi, là lập tức bị xử bắn như hàng ngàn người khác.“

- 1984 của G. Orwell xuất bản.

1950

- Trần Dần tham gia sáng lập nhóm Văn Nghệ Quân Đội đầu tiên: nhóm Sông Đà, với Trần Thư, Hoài Niệm... Tranh vẽ bộ đội theo lối lập thể và thơ bậc thang của Trần Dần bị chê là khó hiểu. Do bất đồng ngày càng rõ ràng với các cán bộ chính trị ở trung đoàn, ông xin chuyển công tác về Phòng Văn Nghệ Quân Đội thuộc Tổng Cục Chính Trị.

- Thành lập chính phủ Bảo Đại.

- Trung Quốc thôn tính Tây Tạng, tiến hành chỉnh phong và cải cách ruộng đất.

1951-1953

- Trần Dần tham dự các khoá tuyên huấn toàn quân và chỉnh huấn chính trị. Về nhận công tác mới tại cục Quân Huấn và Ủy Ban Trung Ương Hội Văn Nghệ Quân Đội, phụ trách các lớp đào tạo và tập huấn chính trị cho văn công trong quân đội.

1951

- Nam Cao chết trên đường công tác.

1952

- Đinh Linh đoạt giải thưởng Stalin loại nhì với tác phẩm Mặt trời chiếu trên sông Tang Càn.

- Stalin ra lệnh xử bắn 26 văn nghệ sĩ Do Thái.

1953

- Luật cải cách ruộng đất được ban hành.

- Stalin qua đời.

- Ngày 17/6, nổi dậy tại CHDC Đức, B. Brecht và J.R. Becher phê phán chính sách văn nghệ chuyên chính của Đảng và nhà nước.

- Trần Dần bị phê bình là giảng sai chính sách văn nghệ của Đảng trong các khoá đào tạo cán bộ văn công do ông phụ trách.

1954

- Ngày 13/3, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu.

- Trần Dần tình nguyện tham gia chiến dịch cùng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, thủ trưởng đơn vị là tướng Trần Độ.

- Cái chết của Tô Ngọc Vân trong chiến dịch tác động mạnh mẽ đến Trần Dần. Ông viết một hơi tiểu thuyết Người người lớp lớp, cuốn tiểu thuyết duy nhất của văn học Việt Nam thời kỳ đó về Điện Biên Phủ (xuất bản cùng năm, NXB Quân Đội Nhân Dân).

- Ngày 7/5, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

- Cải cách ruộng đất đợt I.

- Ngày 20/7, Hiệp Định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại hội nghị Genève.

- Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tại Sài Gòn.

- Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân,... di cư vào miền Nam. Trong 700000 người miền Bắc di cư có các nhà văn miền Nam sau này: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, ...

- Tháng 7, Hồ Phong công bố bức thư ngỏ gửi BCHTƯĐCS Trung Quốc phê phán "năm lưỡi dao" đâm vào óc các nhà văn cách mạng.

- J-P. Sartre và S. de Beauvoir sang thăm Liên Xô.

- Ngày 10/10, chính phủ kháng chiến tiếp quản Hà Nội.

- Gia đình bà Bùi Thị Ngọc Khuê (vợ Trần Dần) di cư vào miền Nam.

- Trần Dần được cử sang Trung Quốc viết truyện phim Điện Biên Phủ, cùng đi có Đỗ Nhuận. Ngày 10/10 khởi hành. Ngày 14/10 đến Nam Ninh. Sau đó đi Bắc Kinh.

- Viết Anh đã thấy (thơ), Tiếng trống tương lai (thơ, đã trích đăng trong Văn Nghệ Quân Đội số... 1954).

- Ngày 12/12, Trần Dần trở về Hà Nội.

1955

- Tháng 1, Hồ Phong công khai tự phê bình. Tháng 5/1955, Hồ Phong bị bắt và bị kết án lao cải.

- Sartre và Beauvoir sang thăm Trung Quốc.

- 63 nhà văn Hung-ga-ri lên tiếng phản đối chế độ độc quyền.

- Tháng 3, Trần Dần tham gia phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

- Tháng 4, Trần Dần cùng Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Tử Phác đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội.

- Trần Dần viết đơn giải ngũ và đơn xin ra khỏi Đảng, đồng thời quyết định kết hôn với bà Bùi Thị Ngọc Khuê bất chấp sự phản đối của các cấp lãnh đạo.

- Từ 13/6 đến 14/9, Trần Dần bị giam theo quân kỷ để kiểm thảo.

- Viết Cách mạng tháng Tám (thơ), Nhất định thắng (thơ).

- Từ 2/11 đến giữa tháng 2/1956, đi tham quan cải cách ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh.

1956

- Cuối tháng 1, trong lúc Trần Dần ở Bắc Ninh, Hoàng Cầm cho đăng bài thơ Nhất định thắng trong Giai Phẩm Mùa Xuân. Tờ tạp chí bị tịch thu.

- Giữa tháng 2, Trần Dần trở về Hà Nội. Hội Văn Nghệ tổ chức hội nghị phê bình bài thơ Nhất định thắng với 150 văn nghệ sĩ tham dự. Trần Dần bị kết án là đồ đệ của Hồ Phong, mất lập trường giai cấp và đi ngược lại đường lối của Đảng và bị giam 3 tháng tại Hoả Lò, Hà Nội.

- Ngày 24/2, Đại Hội 20 ĐCS Liên Xô chống Stalin. Fadejev tự tử. Phục hồi danh dự cho các văn nghệ sĩ bị giết và kết án dưới thời Stalin.

- Ngày 7/3, báo Văn Nghệ số 110 đăng bài Vạch trần tính chất phản động trong bài thơ „Nhất định thắng“ của Trần Dần của Hoài Thanh.

- Trần Dần dùng dao cạo cứa cổ định tự tử trong tù.

- Trần Thị Băng Kha, con gái đầu lòng của Trần Dần ra đời.

- Tháng 4, dư luận Hà Nội bất bình về việc trao giải thưởng văn nghệ 1954-1955. Ngày 26/5, Mao Trạch Đông phát động chiến dịch Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng.

- Ngày 28/6, nổi dậy tại Poznan (Ba Lan).

- Tháng 7, hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc.

- Tháng 8, lớp học 18 ngày của Hội Văn Nghệ Việt Nam về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân Stalin tại Liên Xô.

- Ngày 29/8, Giai Phẩm Mùa Thu tập I xuất bản, có đăng bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi.

- Tháng 9, hội nghị lần thứ 10 BCHTƯĐ về sửa chữa sai lầm trong CCRĐ.

- Ngày 15/9, báo Nhân Văn ra số 1, do Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy làm thư ký toà soạn, Minh Đức xuất bản, ban biên tập gồm Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm, có đăng bài Con người Trần Dần - Tiến đến việc xét lại một vụ án văn học: Trần Dần của Hoàng Cầm.

- Ngày 30/9, báo Nhân Văn ra số 2.

- Ngày 2/10, ban thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam ra thông cáo thừa nhận sai lầm trong việc phê bình bài thơ Nhất định thắng.

- Ngày 8/10, tái bản Giai Phẩm Mùa Xuân với bài thơ Nhất định thắng. Ngày 15/10, báo Nhân Văn ra số 3.

- Giai Phẩm Mùa Thu tập II xuất bản.

- Đất Mới số 1 (số duy nhất) xuất bản.

- Tướng Nguyễn Sơn („ông tướng văn nghệ Khu IV“) qua đời.

- Tháng 10, 11, nổi dậy tại Hung-ga-ri, chính phủ dân chủ Nagy tuyên bố Hung-ga-ri trung lập. Liên Xô can thiệp vũ trang vào Hung-ga-ri. Laxness, Sartre, Beauvoir, Vercors... phản đối.

- Tháng 10, nhóm văn học Sáng Tạo ra đời tại Sài Gòn với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ...

- Ngày 5/11, báo Nhân Văn số 4 xuất bản.

- Ngày 20/11, báo Nhân Văn số 5 xuất bản.

- Tháng 12, Giai Phẩm Mùa Đông xuất bản

- Ngày 9/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về chế độ báo chí.

- Ngày 15/12, ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Số 6 (số cuối cùng) của Nhân Văn không được in.

- Boris Pasternak hoàn thành Bác sĩ Shivago.

1957

- Ngày 20-28/2, Đại Hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 tại Hà Nội với gần 500 đại biểu. Trường Chinh nói chuyện, kêu gọi đấu tranh đập nát luận điệu phản động Nhân Văn-Giai Phẩm. Thành lập Hội Liên Hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

- Ngày 1-5/4, Hội nghị thành lập Hội Nhà Văn Việt Nam, Tô Hoài làm tổng thư ký, cơ quan ngôn luận là báo Văn, do Nguyễn Công Hoan làm chủ bút, Nguyễn Tuân phó chủ bút, Nguyên Hồng tổng thư ký toà soạn.

- Ngày 10/5, báo Văn ra số 1.

- Tháng 7/8, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài tranh luận nhân việc báo Học Tập (cơ quan lý luận của BCHTƯĐCSVN) phê phán báo Văn.

- Ngày 27/9, báo Văn số 21 đăng bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán.

- Ngày 15/11, báo Văn số 28 đăng bài thơ Hãy đi mãi của Trần Dần.

- Trần Dần viết Bài thơ Việt Bắc (trường ca, xuất bản năm 1991)

- Đinh Linh bị khai trừ khỏi ĐCS Trung Quốc sau 25 năm là đảng viên. (Bà còn được phép làm lao công một thời gian trong trụ sở Hội Nhà Văn Trung Quốc, trước khi bị đày đi lao cải và ngồi tù cho đến năm 1975.)

- Chỉnh huấn văn nghệ tại Liên Xô, Ba Lan, CHDC Đức.

- Tạp chí Bách Khoa ra đời tại Sài Gòn.

1958

- Ngày 6/1, Bộ Chính Trị BCHTƯĐLĐVN ra nghị quyết số 30 NQ/TU về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ.

- Ngày 10/1, báo Văn số 36 (số cuối cùng) đăng truyện ngắn Ông Năm Chuột của Phan Khôi.

- Tháng 2, lớp học „đấu tranh tư tưởng“ với 272 văn nghệ sĩ đảng viên tham dự.

- Từ 3/3 đến 14/4, Trần Dần tham dự lớp học „đấu tranh tư tưởng“ tại Thái Hà Ấp với 304 cán bộ văn hoá văn nghệ tham dự.

- Ngày 4/6, hội nghị ban chấp hành Hội Liên Hiệp VHNTVN họp tổng kết cuộc đấu tranh chống Nhân Văn-Giai Phẩm.

- Ngày 5/6, nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Nhân Văn-Giai Phẩm.

- Ngày 30/6, Trần Trọng Văn, con trai Trần Dần ra đời.

- Ngày 2/7, bầu ban chấp hành mới của Hội Nhà Văn, tổng thư ký là Nguyễn Đình Thi.

- Ngày 7/7, thông báo kỷ luật các văn nghệ sĩ đã tham gia Nhân Văn-Giai Phẩm. Trần Dần bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn và đình chỉ xuất bản trong thời hạn 3 năm.

- Từ 22/8 đến 2/1959, Trần Dần đi lao động cải tạo tại nông trường Chí Linh cùng với Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử Phác.

- Nhất Linh ra tờ Văn Hoá Ngày Nay tại Sài Gòn.

- Mao Trạch Đông phát động chiến dịch Đại nhảy vọt.

- Pasternak, nhà văn xô viết đầu tiên được trao giải Nobel, song không được sang Thụy Điển nhận giải thưởng.

1959

- Trần Dần viết Sắc lệnh 59 (thơ), Con tầu xã hội (thơ), 17 tình ca (thơ).

- Bắt đầu viết Cổng tỉnh (thơ-tiểu thuyết).

- Tháng 11, Trần Dần được phân công dịch tại ga-ra Hội Nhà Văn cùng với Lê Đạt, Phùng Cung, Nguyễn Khắc Dực.

- Ngày 10/12, khai mạc phiên toà xử Thụy An và Nguyễn hữu Đang (cả hai bị kết án 15 năm tù).

- Phan Khôi qua đời.

- Cách mạng Cu Ba với Fidel Castro và Ché Guevara thắng lợi. Hemingway, G.García Márquez chào mừng cách mạng Cu Ba.

1960

- Từ 19/3 đến 11/5, Trần Dần đi lao động cải tạo tại khu gang thép Thái Nguyên cùng với Lê Đạt. Sau đó về Hà Nội nghỉ phép.

- Từ 13/6 đến 18/8, Trần Dần lại đi lao động cải tạo tại Thái Nguyên. Sau đó ốm nặng.

- Hoàn thành Cổng tỉnh (xuất bản lần đầu năm 1994).

- Từ đó sống âm thầm tại Hà Nội bằng nghề dịch sách, đứng ngoài mọi sinh hoạt văn nghệ chính thống.

- Miền Bắc hoàn thành kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế văn hoá (1958-1960).

- Xung đột Trung-Xô bắt đầu.

1961

- Miền Bắc bắt đầu kế hoạch xây dựng XHCN 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

- Ngày 13/8, CHDC Đức xây bức tường Berlin.

- Trần Dần viết Đêm núm sen (tiểu thuyết).

1962

- A. Solshenizyn xuất bản Một ngày trong đời Ivan Denissovitch.

1963

- Ngày 7/7, Nhất Linh tự tử tại Sài Gòn.

- Đảo chính tại Sài Gòn. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết.

- Trần Dần viết Jờ Joạcx (thơ).

1964

- Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh quân sự tại Việt Nam.

- Mỹ ném bom miền Bắc lần thứ nhất.

- Nhà thơ Josip Brodski bị kết án về tội ăn bám, tức hoạt động văn học ngoài phạm vi của Hội Nhà Văn Liên Xô.

- Trần Trọng Vũ, con trai út của Trần Dần ra đời.

- Trần Dần viết Mùa Sạch (thơ, xuất bản lần đầu năm 1998), Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết).

1965

- Sholokhov được trao giải Nobel.

- Trần Dần viết Một ngày Cẩm Phả (tiểu thuyết).

1966


- Mao Trạch Đông phát động cuộc Đại Cách Mạng Văn Hoá.

- Ché Guevara ly khai với Fidel Castro.

1967

- Đại Hội các nhà văn Tiệp Khắc công bố thư ngỏ của Solshenizyn gửi Đại Hội các nhà văn xô viết.

- B. Russel, J-P. Sartre, Peter Weiss tham dự Diễn Đàn Việt Nam tại Stockholm.

- Trần Dần viết Con trắng (thơ-hồi ký).

1968

- Mùa xuân Praha. Ngày 21-8, Liên Xô can thiệp quân sự vào Tiệp Khắc. Hàng loạt văn nghệ sĩ Tiệp Khắc rời khỏi đất nước, phần lớn giới trí thức bị treo nghề.

- Phong trào sinh viên và trí thức cánh tả phương Tây phản đối Mỹ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.

- Hồi ký Về tiến bộ, chung sống hoà bình và tự do tư tưởng của A. Sacharov xuất bản.

- Tổng tiến công quân sự Tết Mậu Thân tại các thành phố lớn miền Nam.

- Trần Dần viết 177 cảnh (hùng ca lụa).

1970

- A. Solshenizyn được trao giải Nobel.

1973

- Hiệp định Paris về việc chấm dứt can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam.

1974

- A. Solshenizyn bị bắt và trục xuất khỏi Liên Xô.

- Trần Dần viết Động đất tâm thần (nhật ký-thơ).

1975

- A. Sacharov được trao giải Nobel.

- Ngày 30/4, chính phủ Dương văn Minh đầu hàng. Hàng loạt văn nghệ sĩ miền Nam di tản. Văn học Việt Nam hải ngoại ra đời.

1976

- Mao Trạch Đông qua đời.

- Ngày 2/7, nước Việt Nam thống nhất, đổi tên thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

1977

- Đặng Tiểu Bình được phục hồi, phát động chiến dịch Bốn hiện đại hoá tại Trung Quốc.

- Chiến dịch bài trừ người Hoa tại Việt Nam.

1978

- Trần Dần viết Thơ không lời - Mây không lời (thơ-hoạ).

1979

- Trần Dần viết bộ tam Thiên Thanh - 77 - Ngày ngày.

- Chiến tranh biên giới Việt-Trung.

1980

- Nhà văn Tiệp lưu vong C. Milosz được trao giải Nobel.

- Trần Dần viết bộ tam 36 - Thở dài - Tư Mã zâng sao.

1983

- Trần Dần bị xuất huyết não lần thứ nhất.

1985

- Gorbachev được bầu làm tổng bí thư ĐCS Liên Xô.

1986

- Tháng 12, Đại Hội VI ĐCSVN ra nghị quyết về chính sách „Đổi Mới“.

- Dương Thu Hương viết Những thiên đường mù.

1987

- Ngày 6/7/12, tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn văn Linh họp với gần 100 các nhà hoạt động văn hoá Việt Nam tại Hà Nội.

- Nguyễn Tuân qua đời.

- Nguyễn Huy Thiệp viết Tướng về hưu.

- Trần Dần viết Thơ mini.

1988

- Hồ Phong được phục hồi danh dự.

- Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,... được mời tham gia sinh hoạt văn học trở lại. Tháng 5, Trần Dần vào Huế gặp gỡ đồng nghiệp và bạn đọc.

- Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh tử nạn.

1989

- Tháng 6, thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, phong trào dân chủ tại Trung Quốc bị đàn áp đẫm máu.

- Bức tường Berlin sụp đổ.

1990

- Dương Thu Hương bị bắt giam 6 tháng.

- Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh.

1991

- Trường ca Bài thơ Việt Bắc được xuất bản tại Hà Nội, NXB Tác Phẩm Mới.

- Bùi Ngọc Tấn hoàn thành bộ hồi ký Chuyện kể năm 2000.

1994

- Tiểu thuyết-thơ Cổng tỉnh (1960) được xuất bản tại Hà Nội, NXB Hội Nhà Văn.

- Lê Đạt xuất bản Bóng chữ.

1995

- Cổng tỉnh được trao giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam.

1997

- Trần Dần từ trần hồi 10 giờ 30 sáng ngày 17-1 tại Hà Nội.

1998

- Tập thơ Mùa sạch được xuất bản tại Hà Nội, NXB Văn Học.


Nguồn: Tiền Vệ
(Trích từ cuốn Trần Dần – Ghi, 1954-1960, Phạm Thị Hoài biên tập, nxb td memoire, Paris, 2001, với một ít sửa chữa)

Trần Dần trên Tiền Vệ

Một đoạn trích từ Trần Dần -"Ghi" - talawas

Xổ bụi - tạp ghi của Nam Dao

Tư liệu về nhà thơ Trần Dần

Phạm Thị Hoài - Thủ lĩnh trong bóng tối

Chuyện văn nghệ sĩ đi chiến dịch Điện Biên
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2006 11:48:52 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9