(url) Vũ Đình Giang

Tác giả Bài
Ngọc Lý
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.08.2005
(url) Vũ Đình Giang - 14.06.2006 10:30:18
.

Vũ Đình Giang:
Làm lạ hóa những điều bình thường





Nhà văn trẻ Vũ Đình Giang



"Tôi nghĩ rằng trong văn chương, sự trải nghiệm về mặt suy nghĩ quan trọng hơn sự trải nghiệm sinh học. Những sáng tác của tôi dạo sau này tập trung hẳn vào khai thác khía cạnh cô đơn của những người trẻ đô thị. Đó là vấn đề muôn thuở rồi, tôi chỉ góp thêm vài góc nhìn mới", nhà văn trẻ Vũ Đình Giang chia sẻ.

* Chào Vũ Đình Giang. Chúng ta lại hội ngộ cùng với sự xuất hiện của 16m2 (tập truyện ngắn, NXB Trẻ 2005) - tập sách thứ 7 của bạn vừa trình làng. “16m2”, đó không đơn thuần là một câu chuyện để kể mà dường đã biến thành một nỗi ám ảnh?

- Quả đúng như bạn nghĩ, nó đã trở thành nỗi ám ảnh, ít nhất là trong khoảng thời gian tôi viết truyện này. Tôi biết có nhiều người đã đi đi về về, sống, làm việc, yêu đương…, sinh ra và chết đi trong những “16m2” mà không hề ý thức được sự tồn tại kỳ lạ của nó. Tôi thường tự hỏi vì sao chúng ta cun cút làm lụng, dựng xây tất cả mọi thứ chỉ để nhốt mình trong những “16m2”?

Và cái khát vọng được nằm chết thong thả dưới một bầu trời đầy mây, ngập tràn ánh nắng… hay một vũ trụ lấp lánh sao có phải là điều điên rồ? Và rồi, tự một sự vốn rất bình thường trong đời sống của tất cả mọi người bao đời nay, qua góc nhìn của tôi đã biến thành cái bất thường. Trong chừng mực nào đó, không gian hẹp của 16m2 cũng là một ẩn dụ cho sự chật hẹp của tâm hồn. Chính điều này mới thật đáng sợ.

* Đọc những tác phẩm bạn viết thì dường như “chuyện phố phường” là đề tài ruột? Các nhân vật quẩn quanh với “16m2” của mình, không ngổn ngang các loại máy móc thì cũng vè vè chuột gián và những con chuột rinh rich cười chờ vụn bánh mì rơi, những bữa cơm văn phòng triền miên… Tôi không biết nên gọi tên là gì vì có cả lạc quan lẫn bi quan, cả thất vọng lẫn tràn trề khát vọng trong những câu chuyện phố phường ấy…

- Dù có hài lòng hay không trong cái không gian đô thị ồn ã và đa diện, nhưng tôi phải thừa nhận chúng là phần không thể tách rời trong đời sống của mình. Thay vì tỏ ra tránh né, tôi mạnh dạn sử dụng chúng như một background sinh động để chuyển tải những ý đồ sáng tác.

Tôi thấy kha khá người cứ hay chê là chuyện phố phường thì vụn vặt, tạp nham, chật hẹp, cá nhân chủ nghĩa… Thật ra đó chỉ là cái vỏ bề ngoài thôi. Chính bản chất phức tạp mới kích thích người viết khám phá nhiều hơn là sự đơn giản một chiều.

Tôi nghĩ rằng trong văn chương, sự trải nghiệm về mặt suy nghĩ quan trọng hơn sự trải nghiệm sinh học. Những sáng tác của tôi dạo sau này tập trung hẳn vào khai thác khía cạnh cô đơn của những người trẻ đô thị. Đó là vấn đề muôn thuở rồi, tôi chỉ góp thêm vài góc nhìn mới.

Tôi luôn nhủ mình cứ nên tiếp tục làm lạ hoá những điều bình thường, vẫn tốt hơn lao vào những đề tài quá lớn hoặc xa lạ, mà mình không thấu đáo, để rồi viết ra những trang giả tạo thiếu thuyết phục! Bởi đích đến cuối cùng của những trang viết chính là sự chia sẻ của độc giả kia mà.

* Vậy là viết để giải mã chính mình hay…?

- Vâng, tôi cũng thấy như vậy! Một hành trình tự nhận thức. Càng viết, tôi càng thấy mình giống như bị dẫn sâu vào một đường hầm bí ẩn, chỉ có đi vào chứ không thể lùi ra. Tình trạng đó khiến mình phải tập thói quen nhận diện rõ ràng mọi thứ trong tăm tối, đồng thời kiểm soát nỗi sợ hãi và dè dặt bước chân nếu không muốn sa lầy…

Thói thường, ai cũng quen và thích với sự rực rỡ ngoài ánh sáng, nhưng chính sự ấy làm cho người ta dễ say nắng, và hạn chế tầm nhìn. Bởi khi nhìn vào đường hầm, họ chỉ thấy một hốc đen ngòm. Nhưng nếu ở bên trong, mình sẽ được khám phá nhiều thứ lắm, cả trong lẫn ngoài.

Viết còn là sự giải toả mình. Không biết người khác viết thì sao, chứ riêng tôi, khi hạnh phúc, tôi sẽ bận rộn hưởng thụ nó, lo “vui chơi nhảy múa”, chứ chẳng thể ngồi kỳ cạch gõ chữ. Nhưng trong chừng mực nào đó, sự đau khổ đã được trộn lẫn vào nỗi đam mê phù phiếm mà ta hay gọi là khoái cảm với con chữ.

Mỗi sáng thức dậy, tôi luôn hoài nghi về năng lực lao động của mình, tôi luôn tự hỏi cái sản phẩm ngày hôm qua tôi làm ra, kỳ thực nó có phải là một mớ giẻ rách thảm hại không. Có lẽ sự hoài nghi về bản thân đã thúc đẩy tôi tiếp tục làm việc. Và nó tạo ra những câu chuyện tràn ngập sự bất an, pha trộn lạc quan lẫn bi quan, cả thất vọng lẫn tràn trề khát vọng, như bạn nói!

* Này tôi mục ruổng từ đêm trước, Đêm dài còn lại một mình tôi, Xua mây vào khói… những nhan đề truyện thật ấn tượng. Hẳn là bạn phải tốn nhiều suy tư?

- Tôi luôn tận dụng vào khoảng thời gian di chuyển xe trên đường đi làm mỗi ngày để chìm vào suy nghĩ. Đằng nào cũng mất công viết, thôi cố nghĩ thêm cái tựa hay hay để gây cảm hứng cho người đọc - một thủ thuật ấy mà! (cười). Thật ra, kỹ năng đặt tựa là cả một vấn đề. Đôi khi nó lột tả gần như trọn vẹn ý tưởng hoặc chủ đề của truyện.

* Rất nhiều cuốn sách của bạn tôi bắt gặp dòng chữ này: thiết kế Vũ Đình Giang. Có vẻ như bạn sẽ không thể yên tâm nếu không tự trình bày cốn sách của mình?

- Ồ, đấy là căn bệnh nghề nghiệp. Kiểu “tận dụng nguyên liệu có sẵn” cho tiện. Giống như một người mẹ có con nhỏ, đôi khi rất mệt nhưng cứ thích chăm con cho yên tâm! (Dù lắm khi chăm rất vụng)

* Có nên tách bạch Giang ngoài đời với Giang lúc “nhập đồng” cùng chữ nghĩa không nhỉ…

- Tôi sống lặng lẽ, chỉ thực sự hoạt bát khi trao đổi làm việc. Không giỏi giao tiếp, luôn né tránh đám đông nhưng vô cùng phấn khích trước những trò “điên rồ”. Pha trộn giữa nỗi muộn phiền, đen tối, bọc trong lớp vỏ hài hước bên ngoài. Khả năng kiểm soát mình rất kém. Hình như văn tôi cũng phảng phất các đặc tính này…

* Tôi rất thích thú cách bạn dùng phép so sánh trong sách, nó thường có những sự đối lập về màu sắc, đường nét… Một “hệ quả” của “dân Mỹ thuật” khi cầm bút chăng?

- Nhiều người nhận xét như vậy nên tôi cũng… chấp nhận!

* Tôi tò mò tự hỏi cuốn sách Một nấm mưa trên ngôi nhà Mondrian (Vũ Đình Giang in chung với Phan Hồn Nhiên) - mà bạn đã “chơi ngông” vì dám bỏ ra cả một đống tiền, tự thiết kế một cuốn sách chẳng giống ai, tự lo phát hành… đã thu lại kết quả như thế nào?

- Chúng tôi đã chơi “trò chơi điên rồ” ấy một cách say mê và nghiêm túc, và đã hiểu ra được nhiều thứ về mặt nghề nghiệp. Rằng văn chương thỉnh thoảng cũng nên được “trình diễn” dưới một hình thức khác, để tránh nhàm chán. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là hiệu quả của con chữ.

Tôi rất mừng vì không đến nỗi bị dè bỉu cho cuộc chơi đó. Ở khía cạnh kinh tế cũng lời một ít - xem như tự trả món tiền nhuận bút và công thiết kế hậu hĩnh. Tuy nhiên, nếu sau này có điều kiện và thấy cần thiết, chúng tôi sẽ “chơi” theo một hình thức khác.

* Mạnh dạn in email vào sách của mình để nghe phản hồi từ phía độc giả. Điều gì có ý nghĩa nhất mà bạn thu lại được cho mình sau việc làm táo bạo này?

- Tôi nhận được sự chia sẻ hào hứng của độc giả trẻ. Có nhiều người trước đây chẳng bao giờ quan tâm đến văn học, nhưng do bạn bè thuyết phục, đọc thử, rồi sau đó âm thầm đi… mua tiếp những cuốn khác của tôi! Họ viết mail, nhận xét nhiệt tình, có những ý nằm ngoài biên độ văn chương, nhưng nó chứng tỏ cho mình thấy rằng không phải văn học “ê” đâu, chẳng qua mình không biết cách thu hút độc giả.

Tôi học được cách lắng nghe từ nghề thiết kế: sáng tác là chuyện chủ quan, nhưng quyền tiêu thụ nó là của khách hàng. Nếu ai đó là thiên tài hoặc vĩ nhân, thì ắt thiên hạ tự tìm đến chiêm ngưỡng. Còn đằng này, tôi ý thức rõ là mình chỉ là người sáng tác bình thường, vậy thì cái mà anh ta cần, đơn giản chỉ là sự cộng hưởng của người đọc. Điều đó, trong thời buổi quá nhiều thứ hấp dẫn hơn văn học, chẳng phải là khó khăn lắm sao?

* Cá tính của bạn sẽ thể hiện rất rõ khi bạn cầm bút. Điều này là lợi hay hại – theo bạn?

- Tôi nghĩ, trong sáng tác, điều đó là có lợi. Tôi và Phan Hồn Nhiên giống nhau ở một điểm, là xem việc viết lách giống như hội hoạ. Phong cách là cái mà tác giả phải chú tâm xây dựng và theo đuổi một cách có ý thức. Mình viết như thể mình vẽ chân dung mình một cách không nhầm lẫn. Và như thế, mỗi người đều có một gương mặt riêng, dấu hiệu riêng để nhận dạng.

Khi bạn đi xem triển lãm, có thể bạn không thích vì bức chân dung xấu, hoặc nó có một gam màu đặc biệt khiến bạn khó chịu, nhưng chắc chắn nó vẫn ghi vào trí nhớ của bạn hơn là xem một bức chân dung nhàn nhạt không gây cảm xúc.

Cảm xúc không nhất thiết phải là nỗi hân hoan hoặc sự hài lòng, nó bao gồm cả tâm trạng u uất, thái độ giận dữ, thậm chí chán ghét! Cho nên, tôi hy vọng những trang viết có cá tính của mình tạo được ít nhiều cảm xúc! Tuy nhiên, tôi cũng đang học cách tiết chế để tránh lạm dụng, sẽ gây nhàm chán hoặc phản cảm (đây chính là cái hại).

* Hình như có lúc bạn tuyên bố: tôi sẽ dừng viết trong một thời gian. Thực hư thế nào vậy?

- Tôi thấy rõ ràng mình đang bắt đầu lặp lại, nên quyết định dừng hẳn vài năm. Phải có độ lùi cần thiết để dọn dẹp “mớ giẻ rách” mà mình đã tạo ra, và cũng để tích lũy cho có cái gì đó nén chặt mình lại. Thực sự, ai làm sáng tác cũng biết rõ là để mới hơn, khác hơn ngày hôm qua, khó ghê lắm! Nhưng cũng phải thử mình.

Vả lại, từ đây đến hết năm sau, tôi còn phải hoàn thành một công việc dài hơi khác. Sau đó cũng phải quẩn quanh chuyện kiếm sống, và cố gắng đọc thêm nhiều sách. Cách đây một năm, cũng trên trang báo này, tôi có nói đại ý rằng dự định viết tiểu thuyết chắc phải sau 30 tuổi. Bây giờ tôi vẫn giữ nguyên ý định đó. Tôi hy vọng mình có thể viết một cuốn gây chút ấn tượng. Giữa “hay” và “ấn tượng”, tôi thích chữ sau hơn!



Theo Văn Nghệ Trẻ

________

Truyện của Vũ Đình Giang tại Việt Nam thư quán

.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 04:10:43 bởi TTL >