Quảng Ngãi
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 19 bài trong đề mục
the_wall_a2 27.05.2004 01:47:43 (permalink)
Lễ hội


Lễ hội đua thuyền Lý Sơn
(07.02.2004, 03:01 am GMT+7)

Lễ hội đua thuyền truyền thống ở đảo Lý Sơn có những nét tương đồng nhưng đồng thời cũng có những nét dị biệt so với lễ hội đua thuyền ở Tịnh Long .


Theo các thư tịch cổ, thì người Việt ra khẩn hoang lập ấp ở Lý Sơn vào đầu thế kỷ XVII, muộn hơn ít nhất một thế kỷ so với ở đất liền. Trong gia phả của các dòng họ đầu tiên ra khai phá đảo, thì họ từ đất liền Quảng Ngãi ra khai phá, chứ không phải trực tiếp từ Bắc vào đảo. Gia phả của nhiều dòng họ này còn cho biết, nhiều người có gốc từ Huế, vào Quảng Ngãi định cư ở Rừng Lăng, sau chuyển xuống vùng Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Kỳ... bây giờ, trước khi ra định cư ở đảo. Như vậy, lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn có thể đã có mối quan hệ nào đó với lễ hội ở Tịnh Long, hoặc xa hơn nữa, là Huế. Theo văn tế cúng "bát tổ" (8 vị tổ) và "thất tộc" (7 vị tiền hiền), thì lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn bắt đầu từ năm 1826, nghĩa là trên 100 năm sau khi những người Việt đầu tiên ra định cư ở đảo. Điều này không có gì là khó hiểu. Phải có một thời gian lâu dài dành cho việc khai khẩn, ổn định chỗ ở, dân số phát triển đủ đông, người ta mới có thể tổ chức một lễ hội cộng đồng qui mô, đòi hỏi nhiều công của cũng như trình độ nghệ thuật cao như đua thuyền.

Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn có thể xuất hiện sau lễ hội người Tịnh Long, cũng không thể thu hút nhiều người ở vùng khác đến như Tịnh Long, vì Lý Sơn là một đảo nhỏ, cách đất liền 25 km. nhưng chắc chắn việc đua thuyền ở đây có quy mô và qui củ hơn nhiều. Lý Sơn có 2 đơn vị hành chính ngang nhau là 2 xã trước kia là Bình Vĩnh và Bình Yến, sau lập huyện đổi lại là Lý Vĩnh và Lý Hải) và mỗi xã đều hình thành 4 thuyền, đủ bộ "tứ linh" (long, ly, qui, phụng). Các thuyền cũng đặt ở nơi am miếu để thờ cúng: ở xã Lý Vĩnh, thuyền long thờ tại miếu Hoà Lân, thuyền phụng tại lăng Cồn, thuyền ly tại Dinh chàm, thuyền qui ở lăng Nghĩa Tự. ở xã Lý Hải, thuyền long thờ ở lăng Cồn, thuyền ly đặt ở Trung Hoà, thuyền qui ở Trung Yên, thuyền phụng ở dinh Tam Toà. Cũng như ở Tịnh Long, thuyền đua ở Lý Sơn có dáng thon dài, ngang nơi rộng nhất 1,4 mét, dài 9,5 mét; trước kia thuyền được làm bằng khung gỗ, mê tre (tất nhiên có trát đầu rái); sau này mê tre được thay bằng mê nhôm hoặc đuya ra, vừa bảo quản được lâu, vừa đỡ được sức cản của nước hơn. Trên thuyền các phần được trang trí công phu hơn ở sự chạm khắc (chứ không chỉ vẽ như ở Tịnh Long). Khi ghe được đưa đi hạ thuỷ, người ta cũng tổ chức cầu cúng vào đêm trước, sáng sớm trước khi đua và sau khi đua, để tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh. Hàng năm vào rằm tháng Bảy, cúng tế các vị tiền hiền, người ta cũng tổ chức đua thuyền, nhưng chủ yếu vẫn là đua thuyền vào dịp đầu xuân, kéo dài 4 ngày, từ mồng 4 đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Mỗi thuyền đua có từ 18 đến 20 người, trong đó có người Đập then (còn gọn là lái nhịp) và Tổng lái (đội trưởng). Cũng như ở Tịnh Long, mỗi thuyền đua ở Lý Sơn đều có một đồng phục riêng tùy thích, nhưng bao giờ các vận động viên cũng chít khăn đỏ trên đầu. Cách tính điểm đua cũng tương tự như ở Tịnh Long, tuy nhiên trường đua ở đây dài hơn (từ 800 đến 1000 mét) và kéo dài ngày gấp đôi ở Tịnh Long. Tất nhiên, sự thắng bại trong cuộc đua tùy thuộc ở toàn đội, ở sự khoẻ mạnh, dẻo dai của các thành viên trong đội; nhưng ở đây không thể không kể đến người lái nhịp và tổng lái. Người lái nhịp đứng ở giữa thuyền, giữ một trọng trách lớn, là phải dùng then (thanh tre) đánh nhịp rõ to để các thuyền viên bơi đúng theo nhịp. Nhiệm vụ của người đạp then nặng nề ở chỗ, phải đứng ở giữa thuyền, giữ được thăng bằng và phải bằng sức vóc mà liên tục đánh nhịp. Nhịp đánh thưa quá thì thuyền đi chậm, nhặt quá có thể làm các thuyền viên đuối sức, nhịp không đều thì dẫn đến chuệch choạc. Một khi nhịp đã vừa mà có thuyền viên không theo đúng nhịp, gây lực cản thì phải kịp thời phát hiện để thay bằng người khác. Tổng lái là người đứng ở cuối thuyền quan sát đều khắp, đồng thời đảm đương nhiệm vụ lái thuyền. Thuyền đua ở biển có đặc điểm là thủy truờng không êm như ở sông, bởi vậy, tổng lái vừa phải nhắm thẳng đến cột tiêu, đồng thời phải lượn tránh sóng. Đến giáp cọc tiêu rồi phải bẻ lái thế nào đó để không phải mất công vòng rộng, lại không quá gấp thuyền dễ bị chòng chành và nhọc công sức của thuyền viên. Cách quyên góp để tổ chức hội đua thuyền cũng tương tự như ở Tịnh Long, nhưng việc tập dượt để chuẩn bị đua lại hoàn toàn khác. Nếu như để bước vào cuộc đua chính thức, các thuyền viên ở Tịnh Long phải bỏ ra nhiều ngày tập dượt, thì ở đây chỉ cần vài ba ngày. Khi cả đội tập luyện, đội trưởng sẽ xem xét mực ghe để có thể thay thuyền viên cho vừa, mực ghe vừa rồi thì tập cho nhịp nhàng và quen tay. Sở dĩ chỉ cần ít ngày tập luyện bởi những người tham gia đua thuyền đều là những người hàng ngày đánh bắt cá trên biển, rất thông thạo với nghề đi biển.

Tuy không thu hút được dân nhiều địa phương khác đến, nhưng để đổi lại, những ngày đua thuyền thật sự là những ngày hội của người dân toàn đảo. Cùng với tiếng trống giục, cờ phất là tiếng reo hò vang dậy suốt dọc bờ biển, trong những ngày đầu xuân khiến không khí ắng lặng hàng ngày đã hoàn toàn được xua tan, thay vào đó là niềm vui tươi, phấn chấn. Người ta tin rằng những thuyền đua thắng cuộc thì việc làm ăn trong năm sẽ được khấm khá, phát đạt và gặp nhiều may mắn.

Lớp tín ngưỡng xa xưa của lễ hội đua thuyền có thể là tín ngưỡng thờ mặt trăng, nếu cần tìm ở một tầng sâu hơn sẽ là tín ngưỡng thờ thần biển, nhưng hiện tại, lớp tín ngưỡng ấy đã nhạt nhoà. Vì vậy, trên lát cắt đồng đại, lễ hội đua thuyền chỉ còn lắng đọng niềm tin tín ngưỡng của người dân.

Lễ hội đua thuyền hàng năm ở Tịnh Long và Lý Sơn, ngoài những ý nghĩa như đã nói, còn là nơi tập luyện và thử thách sự dẻo dai, rèn luyện ý chí, kích thích con người phấn đấu vươn lên làm ăn, xây dựng quê hương giàu đẹp.
#1
    the_wall_a2 27.05.2004 01:48:55 (permalink)
    Đã lâu lắm rồi, từ những đêm liên hoan trong rừng, bài hát “nhớ đàn xe nước” của nhạc sĩ Vân Đông, với câu hát réo rắt, gợi nhớ, gợi thương: “… Ta nhớ quê ta có núi Ấn có sông Trà”.
    Phải nói rằng, Quảng Ngãi là tỉnh được “trời ban” cho một địa thế kỳ vĩ, có núi, có sông, có biển… đẹp như một bài thơ. Tiềm năng du lịch ở đây rất lớn.

    Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng duyên hải miền Trung, lưng tựa vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông, phía bắc giáp Quảng Nam, phía nam giáp Bình Định, phía tây nam giáp Kon Tum. Bờ biển Quảng Ngãi dài 135 km, ngoài khơi có đảo Lý Sơn. ở vào vị trí chính giữa của đất nước (cách thủ đô Hà Nội 883 km), Quảng Ngãi có quốc lộ 1A chạy qua tỉnh, quốc lộ 24A nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên, Lào và vùng đông bắc Thái Lan.

    Địa hình có 4 vùng: vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng hải đảo. Các sông chính chảy qua tỉnh là sông Trà Khúc, sông Trà Bồng, sông Vệ.

    Đứng trên Núi Thiên Ấn, được ngắm toàn cảnh “núi Ấn, sông Trà” người quản trang mộ cụ Huỳnh ân cần chỉ cho du khách: trước mặt kia là núi Thiên Bút, bên tay trái có ngọn núi Thiên Nghiên. Vậy là cái “thủ tục hành chính” gồm bút, nghiên mực để “ký tên” và sau đó sang đây “đóng dấu' (Thiên Ấn) đã được tạo hóa sắp xếp từ ngàn xưa rồi!
    Nếu bạn đặt chân đến dãy núi Trường Sơn thì bạn hãy ghé vào Thác Trắng.
    Vùng giáp núi và biển ở Quảng Ngãi rất đặc biệt và được chú trọng đầu tư vào du lịch là Thành phố Vạn Tường tuy chỉ mới tiến hành xây dựng nhưng đây là một địa điểm hứa hẹn không thể bỏ qua.
    Vùng biển Quảng Ngãi có thể được xếp vào các bải biển đẹp nhất nước ta như Bãi biển Sa Huỳnh hoặc cửa biển Sa Cần, Bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp, Bến Dung Quất.
    Thị xã Quảng Ngãi được xây dựng trên bờ sông Trà Khúc. Từ xa xưa đã có những bánh xe nước to lớn quay suốt ngày đêm, vừa tô đẹp cho phong cảnh, vừa cấp nước cho các ruộng lúa, ruộng mía, nguyên liệu làm ra các loại đường cát, đường phèn, đường phổi, mạch nha, kẹo gương nổi tiếng đất nước. Cách thị xã khoảng chừng 7km về hướng đông bắc là Thành Châu Sa.
    Đặc sản ẩm thực của vùng đất miền Trung đầy nắng gió này củng rất đa dạng, phong phú và củng rất ngon mà không thể bỏ qua như: Don, Cá Thài Bai sông Trà, Dưa hấu Bình Sơn, hay Bắp Sông Trà, và còn Mắm cá Ghim, Ốc Tượng Lý Sơn, Gỏi cá Cơm, hoặc món được chế biến từ cánh đồng tỏi Lý Sơn - món Gỏi Tỏi, Bánh Khô Mè xứ Quảng, những món ngon vùng này không sao kể hết được.
    Bên dòng sông Trà thơ mộng củng là nơi tổ chức Lễ hội Đua thuyền ở Tịnh Long là lễ hội tưng bừng rộng thoáng trên vùng sông nước, ngoài ra còn cóLễ hội đua thuyền Lý Sơn - một vùng đảo biển và một số lễ hội khác như "lễ hội Nghinh Ông" là các lễ hội tiêu biểu của vùng đất rất giàu tiềm năng du lịch, được thiên nhiên ban tặng địa thế kỳ vĩ như vậy.
    #2
      the_wall_a2 27.05.2004 01:52:55 (permalink)
      Suốt nhiều thế kỷ, Dung Quất là vùng đất miền Trung nghèo khó và tách biệt. Nhưng trong vài năm trở lại đây, Dung Quất lại thay đổi nhiều nhất so với cả nước. Nhà nước đã đầu tư xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam và khu công nghiệp phức hợp trọng điểm kinh tế của khu vực miền Trung.

      Biển quanh năm nơi đây hiền hòa, bới dãy núi Nam Trâm và mũi CoCo là hình vòng cung che chắn gió, thuận lợi cho ngư trường khai thác quanh năm.



      Dung Quất cách huyện ly Bình Sơn 18 km đường bộ; 20 km đi thuyền dọc theo sông Trà Bồng trong xanh thơ mộng "Nước trong xanh soi tóc những hàng tre". Địa danh nơi đây dã gắn liền với lịch sử. Chuyện kể rằng năm Tân Mão (1471) vua Lê Thánh Tông đưa đại binh vào đây để chinh phục quân Chiêm, dân làng dâng lên nhà vua nhiều đặc sản, đặc biệt loại rong biển sống bám ở bãi đá ngầm có màu nâu sẫm, đem nấu chín cô đặc như mật đường, ăn mát dịu, vua gọi là rau cần. Ngày nay dân địa phương gọi chệch âm rau câu, rau xoa.

      Đến Dung Quất bạn ngồi lên chiếc xuồng nhỏ, thả trôi lững lờ dọc ven bờ, nhìn bao quát vùng biển xanh biết mênh mông. Nổi lên giữa dòng sông là Hòn Bà, Hòn Trà, xa hơn là Hòn Ông giống như một người khổng lồ nằm ngắm bể đông. Đến Hòn Ông, bạn có dịp quan sát tổ của loài di, cùng nghe tiếng hót của nhiều loài chim biẽn vang trên những mõm đá.

      Chệch về hướng tây là bãi tấm Khe Hai, mực nước sông phẳng lặng, bờ cát trải dài trắng mịn ôm choàng dãy phi lao xanh mượt vi vu gió hè. Từ dây bạn xuôi thuyền đến mũi CoCo, đây là bãi đá ngầm trông giống như đàn vích trườn mình ra biển. Men theo bãi đá, bạn chỉ cần một phiến đá mỏng để khẩy ốc, hàu; thú vị hơn, bạn có chiếc cần câu, lấy ốc tia đập nhỏ làm mồi câu cá hanh, cá săn bông trong hốc đá, sẽ có món nướng, luộc đậm đà hương biển và cững không quên chọn hang đá, gốc dương mát dịu đắm mình trong cảm giác thư thái. Bên cạnh là Bãi Bóng, Bãi Xếp, Bãi Lớn, Bãi Nhỏ còn nguyên vẹn vẻ đẹp sơ khai kỳ thú. Nếu còn thời gian, bạn đổ bộ vào Hòn Cóc dưới chân núi Nam Trâm, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi vách đá thắng đứng như bức tường thành uy nghiêm thách thức cùng thời gian. Cạnh bãi biển có khe nước ngọt, ngư dân đi khơi thường về đây nghỉ ngơi lấy nước. Chiều trời gát núi từng đàn khỉ kéo về uống nước và nhặt thức ăn từ các loại sinh vật biển.

      Hằng năm vào ngày 4 tết âm lịch, ngư dân thường tỏ chức lễ hội đua thuyền, thuyền được khắc biểu tượng bốn linh vật : Lân, Long, Qui, phượng với nhiều hoa văn rực rỡ. Khi tiếng trống khai cuộc, những đôi tay vạm vỡ rám nắng đồng nhịp bước lên trong tiếng cổ vũ reo hò cuồng nhiệt, cờ trống vang đậy cả góc vịnh.

      Cụ Tuyết Điểm cảm xúc Vịnh :

      Xanh nước xanh trời núi cũng xanh
      Mây bay cá lội tựa như tranh,
      Một thời gót ngọc từng lưu bước
      Mà chẳng bao giờ muốn nổi danh
      Che chở nàng tiên ngủ giấc ngon
      Để nay Dung Quất đẹp nét son
      Quanh năm sóng vỗ mòn chân đá
      Mà dáng Nam Trâm mãi mãi còn.

      Nhờ giao thông thuận lợi, chỉ cần 20 phút dọc theo trục đường Bình Hiệp hoặc Dốc Sỏi là đặt chân đến Dung Quất. Lượng khách tham quan Dung Quất ngày càng đông, song vẫn còn tự phát, hiếu kỳ. Do vậy một số ít khách du lịch cỏn lúng túng nơi ăn nghỉ và giải trí.

      Thiết nghĩ ngành du lịch Quảng Ngãi sớm có kế hoạch đầu tư khai thác bảo tồn cảnh quan môi trường để mai đây Dung Quất không những là khu công nghiệp mà còn là điểm hẹn của khách thập phương.
      #3
        QVPT 27.05.2004 17:39:20 (permalink)
        chào bạn TW A2 Chắc TWA2 lsống ỡ Quãng ngãi nhỉ? QV cũng từng có dịp ghé thăm Quãng Ngãi ở đó có nhiều danh lam thắng cảnh rất đẹp. Như : Đào Lý sơn, Bãi biển Mỹ khê , bãi biển Sa huỳnh...Ngoài ra còn có các danh thắng khác như : Thành châu xa là một ngôi thành cổ của người chăm. Chen lẫn giữa phong cảnh núi rừng và biển cả đó là Thành phố vạn tường là một thành phố mới đuợc thiết kế với một kiến trúc hiện đại sẽ là một diểm dừng chân lý tưởng trong tương lai.

        Ở Quảng Ngãi nỗi tiếng với các món ăn đặc sản được chế biến từ cá như: Gỏi cá cơm , hoặc là mắm ca ghìm....

        các đặn sản khác như : Kẹo mạch nha , đường phổi là những đặc sản được ưa thích nhất. Đặc biệt là bánh nổ thường đường làm vào những dịp lễ tết.

        QV hy vọng sẽ có dịp ghé thăm Quãng ngãi một lần nữa. lúc đó phài nhờ TWA2 làm guider nha
        < Sửa đổi bởi: quang vu -- 27.5.2004 12:40:10 >
        #4
          the_wall_a2 28.05.2004 23:41:08 (permalink)

          QV hy vọng sẽ có dịp ghé thăm Quãng ngãi một lần nữa. lúc đó phài nhờ TWA2 làm guider nha

          Tất nhiên rồi QV ạ!TW rất vui khi có một người bạn phương xa ghé thăm đất quê của mình!Chỉ sợ QV chê nơi nghèo hèn này thôi à!
          #5
            the_wall_a2 28.05.2004 23:42:50 (permalink)

            Từ thị xã Quảng Ngãi, theo quốc lộ 1A đến cây số 11 đi về phía đông đường đến mũi Ba Làng An (Ba Tân Gân, Battangan) chừng 5 km, rẽ sang tay trái là Đường lên núi Thình Thình.

            Núi Thình Thình cao khoảng 168m so với mặt biển, nằm trong địa phận 2 xã Bình Tân, Bình Thạnh huyện Bình Sơn. Núi cấu tạo như một chú cá sấu khổng lồ, phía đông và phía tây chênh nhau chạy dài theo dãy núi Phượng Hoàng, phía bắc cắt trũng chạy đến mũi Ba Tân Gân. Trên đỉnh núi bằng phẳng rộng khoảng 4 ha có một ngôi chùa tên "Viên Giác tự".

            Chùa được dựng trên núi Thình Thình nên nhân dân địa phương quen gọi là Chùa Thình Thình. Chùa dựng năm 1920 do Hòa Thượng Tân Cang khai sơn lập chùa. Từ đó đến nay chùa đã trải qua 3 lần trùng tu, lần mới nhất 1990.

            Chùa có diện tích khoảng 500m2 bao gồm vườn chùa, sân chùa, tháp, nhà Đông Tây. Chánh điện, nhà khách. Tát cả được bao bọc bằng hàng rào cây cổ thụ.


            Trung tâm tổ chức các nghi lể của chùa là gian giữa. Chánh điện được trang trí nội thất như sau : hàng trên thờ Phật Thích Ca, tả hữu là Như lai bồ tát, hàng dưới ở giữa thờ Chuẩn đề 18 tay, tả hữu có Thờ Địa Tạng, Tiêu Diêu Bồ tát. Phía sau điện thờ các tăng ni quá cố. Trước cửa chùa có tấm biển rộng 1.2 m sơn son thếp vàng đề chữ "Viên Giác tự".

            Trước sân chùa có tháp lục lăng cao 7m là phần mộ của Hòa Thượng Thích Diệu Quang . Một chuông đồng đúc từ năm 1920 nặng 120kg, khắc 4 chữ Xuân-Hạ-Thu-Đông . Mùa nào đánh theo chữ khắc trên chuông.

            Một đoạn đường dài gần 3 km, rộng 4m, vượt đèo quanh co lên chùa Thình Thình. Đường này do hai Phật tử Lê Châu va Hồ Văn Mân ở Thị xã Quảng Ngãi phát tâm đứng ra chủ xướng lo về mặt chi phí. Phần trắc địa và kỹ thuật do đạo hữu Nhựt, kỹ sư Công chánh đảm trách, về thi công cơ giới do đạo hữu Hai Quyên đảm nhận. Con đường hoàn tất vào tháng 8/1990, tạo cho việc vãng cảnh và lễ chùa được dễ dàng.

            Quanh các qua núi cỏ tranh mọc dày, màu xanh dưới chân núi hiện lên tươi sáng vào những ngày trời trong xanh. Sườn núi phía tây giáp thôn Tham ấn xã Bình Thanh là một rừng cây cổ thụ với nhiều gỗ quí : lim, tràm, chò v.v…Ngoài ra còn có một số động vật quý hiếm như cò trắng, tê tê, rắn, khỉ, nhím, gà rừng, mang, nai, heo rừng v.v. . .

            Thình Thình từ góc độ nào cũng thấy hiện lên đủ màu sắc: đỏ nâu bazan, màu trắng đất bị phân hóa chứa nhiều sắt, kao-lanh, đất đá xốp tổ ong pha đất phèn axit. Màu xanh cây cỏ chung quanh tạo cho núi một chiếc áo hoa mang dáng vẻ riêng biệt, không giống bất cứ miền đất núi nào ở Quảng Ngãi.

            Chùa Thình Thình nằm ở trung tâm mặt bằng rộng 4 ha. Cách về phía tây 20m có một khu đất l000 m2. Chính trên khu đất này, đi đến đâu cũng phát ra âm thanh to nhỏ khác nhau. Càng đi về phía giiếng trong chùa, tiếng càng kêu to (giếng sâu 2Om).

            Ông Huỳnh Văn Nhự, một du khách đã đào 4 lỗ, mỗi lỗ rộng 0,6m sâu 0,5m cách đều 50 m. Càng đến trung tâm lỗ đào, tiếng càng kêu to. Lời giải đáp "thình thình" đã tìm được: "thùng rỗng kêu to".

            Thình Thình là một thắng cảnh, một quần thể giàu có về động vật cảnh sắc thiên nhiên, một nơi du lịch hấp dẫn.

            (Trích Non nước xứ Quảng - Theo Huỳnh Văn Nhựt và Cao Thị Hồng Hạnh)
            (Nguồn QuảngNgãidotnet)
            #6
              the_wall_a2 28.05.2004 23:46:45 (permalink)
              Cổ Lũy Cô Thôn gắn liền với núi Phú Thọ . Núi cao 41 m so với mặt biển. Trên núi còn phế tích thà nh Chà m như thành Bàn Cờ, thành Hòn Vàng được xây cất cách đâ y hơn 10 thế kỷ. Phế thành nầỵ là kỳ công văn hóa Chà m. Họ đã đắp lũy đất dài, đã cải tạo quả đồi tự nhiên trở thành vuông và phẳng để từ đó ốp gạch và xây thành.

              Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (1909) của Cao Xuân Dục, Trần Xáng, Lưu Đức Xứng thì núi Phú Thọ ở phía đông huyện Chương Nghĩa (nay là Tư Nghĩa đông giáp cửa Cổ lũy, bắc giáp sông Trà Khúc. Niên hiệu Tự Đức thứ 10(1857) đã đắp pháo đài trên núi để phòng giặc biển. Phía tây có Kỳ Bàn (Bàn Cờ) hình tròn, trên đỉnh bằng phẳng rộng cỡ 1 ha, bốn bên có đá bày ra như bàn cờ nên gọi tên ấy.

              Núi Phú Thọ có hang động sâu 5m, rộ n g 2 m, dài ước 400m, quanh năm có nước chảy róc rách, rêu phong bám chặt vào hang động tạo nên cảnh trìu tịch.

              Trước hang có chùa bằng đá thiên nhiên tạo dựng

              Chùa Hang có 3 tảng đá lớn kê đỡ mái trên nóc đồ sộ, dịn tích 10 m2 vươn ra như một máng vòm tạo nên vẻ đẹp của ngôi chùa. Hang đá rộng, có hai cửa ra vào.

              Cấm Bầm Buông có phiến đá gác trên tảng đá lớn. Có người đã sử dụng một nhạc cụ thô sơ gõ vào và đá phát lên tiếng kêu như chuông trống.

              Một du khách, Ông Huỳnh Văn Nhự đến quan sát núi Phú Thọ và tả lại :

              Ở trên núi Phú Thọ có một hòn đá to nhìn đối diện từ ngoài tựa như tượng phục (voi quỳ). Đồng bào địa phương gọi là hòn Vàng.

              Bên trái có hòn Trống, bên phải có hòn Chiêng khi gõ vào nó vang lên âm thanh dìu dặt vang động một vùng. Tôi đã đưa khúc tre mời anh Cao Văn Giàn đánh trước mỗi chiếc một hồi ba tiếng, sau đó đến lượt tôi. Tôi đánh như anh Giàn đã đánh. Tức thì từ trong trong đá câm lặng kia phát ra những âm thanh như một nhạc cụ vừa hài hòa, uyển chuyển, vừa chất phác đơn sơ, tinh tế, huyền ảo.

              Tiếng trống, tiếng chuông cao vút, tỏa rộng, ngân dài êm êm như muốn đưa người trần vào cõi vô tận.

              Còn nữa, "Đường lên trời" là hang đá dài ngoắt ngoéo thích hợp cho các cặp tình nnân trong lứa tuổi yêu nhau mà còn e ấp.

              Hiện nay, núi Phú Thọ và chùa Hang suốt cả mùa hạ đã có nhiều đồng bào địa phương và du khácn ngoài tỉnh về thăm cảnh đẹp thiên nhiên.

              (Theo Non nước Xứ Quảng)
              #7
                the_wall_a2 28.05.2004 23:52:30 (permalink)
                CHÙA HANG LÝ SƠN
                (Thiên Khổng Thạch Tự)

                Đặt chân lên đảo Lý Sơn, đi tiếp 5km về phía đông nam, qua một con đường độc đạo cheo leo, bên vách núi, bên biển, với thế núi cao dần lên cho đến bên kia triền đồi, rồi tụt xuống hơn 40 bậc tam cấp bằng đá vừa mới được tôn tạo là đến chùa Hang.

                Chùa Hang là hang động lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m.

                Ngay dưới chân tam cấp sân chùa thoáng mát, một tượng Quan Âm được xây cao giữa hồ sen nhìn ra biển, chung quanh là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm.

                Chùa Hang thì hang có từ ngnìn xưa nhưng chùa được xây dựng dưới triều Vua Lê Kinh Tông, được thủy tổ Trần tiền hiền ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng Lý Hải, Lý Vĩnh xưa.

                Chùa Hang thờ Phật còn có tên Thiên Khổng Thạch Tự (Chùa Đá Trời Sinh). Vào bên trong, lòng hang sâu rộng, bề dài 24m, trần hang cao 3,2m, diện tích 480m2. Nội thất được bài trí : Bàn thờ giữa thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc, bên trái thờ sư tổ Đạt Ma, bên phi thờ 12 Diêm vương. 3 vị Đức Thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa: Trần Công Thành, Trần Công Tlền, Trần Công Quân và 7 vị tiền hiền làng Lý Hi. Ở đây, các bệ thờ được tạo tác từ các nhũ đá tự nhiên ở nền hang, rồi nghệ thuật hóa thành các khám thờ.

                Hàng năm các ngày Tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản, Vu Lan, ngày giỗ các vị tiền hiền, nhân dân địa phưng tới hành lễ, chiêm bái. .

                Từ chùa Hang đi tiếp về hướng nam, vượt qua khỏi sườn núi đá dựng đứng như lũy thành chạy dài đến hàng 500-600m là đến hang Câu, hang động cuối cùng trong hệ thống hang động ở Lý Sơn.

                Hang Câu rộng và cao như mái vòm khổng lồ của một tháp cổ nào đó ở Ai Cập, Ấn Độ. Trên trần hang, vách hang chim nhạn làm tổ. Đây là giống chim cánh trắng, Đuôi trắng, dài hơn chim giẽ. Suốt ngày chim săn mồi ở biển, bay về trần hang gọi bầy tới ăn. Suốt ngày tiếng chim ríu rít…

                (Theo Đoàn Bích)
                #8
                  the_wall_a2 28.05.2004 23:59:17 (permalink)
                  VÂN PHONG TÚC VŨ

                  Từ thị trấn Sơn Tịnh đi theo tỉnh lộ 5B đếnTrà Bồng có một hòn núi tên là Vân Phong. Núi này phía đông giáp xã Tịnh Giang, tây giáp huyện Sơn Hà, tây bắc giáp huyện Trà Bồng và kéo dài thành hình vòng cung đến Tuyền Tung.

                  Một du khách đã tả về Vân Phong Túc Vũ trong tháng 9.1991 như sau:

                  "... Núi cao vời vợi, cây cỏ xanh tươi. Đây là một dĩ rừng tự nhiên trải qua bao biến hiên và chiến tranh đã phục hồi.
                  Tôi đi vào những ngày "tháng tám nắng rám trái bưởi" ấy mà nơi đây khí hậu mát mẻ.

                  Quan sát trực tiếp Núi Vân Phong, hay thật, tại đây - ngay huyện Sơn Tịnh lại có một vùng núi có không khí Đà Lạt với độ cao chừng 500m so với măt biển. Núi nuốt mây lúc sáng tinh mơ. Những chòm mây trắng xốp bay là là bay qua đỉnh núi khi gặp sức cản tự dừng lại rồi lan tỏa quanh hòn núi, tựa như dãy Alpe có tuyết phủ quanh năm.

                  Ở đây có một số hang động khi ánh sáng mặt trời xuyên qua gửi vào một màu trắng nhạt, thạch nhủ cấu tạo thanh cột đá màu xanh rỗng.

                  Tôi lấy vật cứng đập nhẹ vào và nghe được một âm thanh "buông buông" dìu dặt phát ra.

                  Nếu ta đứng ở đầu núi Một nhìn vào thấy núi Vân Phong tựa chú nai rừng đang dứng ghếch mõm xem cảnh.

                  Vào một hoàng hôn trong vắt, Vân Phong treo lơ lững tên nền trời bãng lãng, dúng là suốt ngày cảnh sắc đổi thay liên tục. Hiện tượng này do bức xạ của năng lượng mặt trời bị khúc xạ tầng khí quyển bình lưu rồi khuếch tán tạo thành các sắc màu huyền ảo, lung linh. Chính những sắc màu này tạo cho Vân Phong cảnh sắc kỳ vĩ."

                  (Theo Non nước Xứ Quảng)
                  #9
                    the_wall_a2 29.05.2004 00:06:47 (permalink)
                    Bến cũ giờ đây cảnh cũ tàn
                    Hà Nhai đâu đó sóng còn vang
                    Lối qua vắng vẻ sông cùng nước
                    Nẻo thuộc đìu hiu xóm với làng
                    Chạnh nhớ bồi hồi hư lẫn thực
                    Ngùi thương da diết hợp rồi tan
                    Tuồng đời biến đổi màn vân cẩu
                    Tiếng gọi đò ai vọng thế gian

                    Bùi Phúng, 1995

                    Bến Hà Nhai (thuộc Ngân Giang, Tịnh hà, Sơn Tịnh) xưa là một bến đò ngang ở Tả ngạn sông Trà Khúc. Thời ấy, trên bến nhà cửa đông dúc, chợ quan liền nhau. Trên sông vẳng tiếng ca của ngư dân hòa với tiếng hát của mục đồng từ đồng lúa xanh tươi lại.

                    Hàng Ngày vào buổi chiều, người đi chợ, kể đi đốn mía từ Xuân Phổ bên kia sông dùng đò qua lại, tại nên cảnh saong nước rộn ràng.

                    (Hiện nay dòng sông đổi hướng, khúc sông xưa đã khô cạn, bên đò xưa bị lồi lấp, không còn; chỉ còn trong trí tưởng và lòng hoài cổ).

                    (Theo Non nước Xứ Quảng)
                    #10
                      the_wall_a2 29.05.2004 00:08:47 (permalink)
                      LONG ĐẦU HÝ THỦY

                      Núi Long Đầu ở làng Phú Nhơn (nay thuộc xã Tịnh Long, Huyện Sơn Tịnh) có hình núi khuất khúc từ Tham Hội (Huyện Bình Sơn) ở phía Bắc, chạy dài đến giáp sông Trà Khúc

                      Ngọn nước chảy đến đầu núi kích thíc vào các mõm đá, làm cuộn lên những đợt sóng nhỏ, có âm thanh tưởng tượng như rồng giỡn nước nên gọi là Long Đầu Hí Thủy.

                      Theo giai thoại do các bô lão trong miền kể lại thì "thời Bắc Thuộc Cao Biền đã cưỡi diều giấy quan sát địa hình, địa vật nước ta. Khi thất cảnh Long Đầu Hí Thủy, viên Tiết độ sứ này đã hạ xuống và chem đứt long mạch".

                      Gò núi bằng đá sỏi, gặp mùa mưa, nước xới xả chảy ra đỏ ối và dân chúng gọi đó là máu đầu rồng bị Cao Biền chặt đứt chảy ra.

                      Núi Long đầu bị đào đất để làm đường thời Pháp thuộc nên ngày nay chỉ còn là dấu vết mờ nhạt của một thắng cảnh xa xưa.

                      (Theo Non nước Xứ Quảng)
                      #11
                        the_wall_a2 29.05.2004 00:27:54 (permalink)
                        kẹo gương-Quãng NgãiKẹo Gương từ xưa chủ yếu được sản xuất ở Thu Xà (thuộc xã Nghĩa Hoà, Huyện Tư Nghĩa). Ngày nay có nhiều nơi sản xuất kẹo gương. Tục truyền, ông tổ nghề là người Trung Quốc và kẹo gương có nghĩa là kẹo pha lê, tiếng Quảng Đông gọi là kẹo thừng hay là "Poly-thừng".

                        Dụng cụ nấu ngày trước là chảo đồng, khiến đường dễ bị cháy, dính chảo, phải tốn nhiều dầu mỡ. Ngày nay người ta dùng chảo nhôm, chỉ cần ít dầu phụng làm cho hạ bọt khỏi sôi trào. Điều quan trọng nhât khi "thắng" (nấu) kẹo gương là không để đường ra cát, vì vậy không dùng vôi mà cần phải có mạch nha, chanh tươi. 1kg đường RS thường nấu với từ 50g mạch nha và vài trái chanh tươi. Nấu dùng nhiều mạch nha kẹo gương sẽ không trong, không giòn. Kẹo gương thơm ngon còn nhờ ở đậu phụng và mè rang. Đậu và mè được rang với kỹ thuật cao, chín mà không vàng, khi chà vỏ đều chín trắng.
                        Khi nấu đường cần "sên" đường thành nước sền sệt trộn thêm mạch nha với nước chanh vào chảo cho dễ nấu. Cho lửa cháy mạnh, đường và mạch nha điều tan ra, thỉnh thoảng khuấy cho khỏi sít. Bên cạnh đấy, trên 1 cái bàn mặt tôn thật phẳng, đổ sẵn nhân mè đã chà sạch vỏ. Đường chín, người thợ cho đậu phụng vào chảo trộn đều rồi đổ ra mặt bàn, đường tràn lên mè. Ba bốn người cầm đũa trài thật nhanh cho mỏng và điều, nếu đường nguội sẽ cứng. Trài xong dùng dao cắt thành miếng ngay, nếu đường nguội sẽ bị sứt, vỡ, miếng kẹo không được sắc. Gọi là kẹo gương vì cầm miếng kẹo soi lên ánh sáng, nó trong như gương, nổi lên những hạt mè và đậu phụng.
                        Kẹo gương vừa đẹp vừa ngon. Trong 1 đĩa có nhiều loại kẹo, thì kẹo gương là món hấp dẫn nhất.
                        Tuy nhiên, kẹo gương có 1 nhược điểm mà cho đến nay chưa khắc phục được. Nếu để lâu, kẹo sẽ dịu đi, dễ gãy vỡ, mè và đậu phụng dễ bị mốc.
                        Kẹo gương là 1 đặc sản ngon đặt biệt, nhưng chưa có bao bì bền đẹp, nên chưa thành hàng hoá rộng rãi trong nước và trên thế giới
                        #12
                          the_wall_a2 29.05.2004 20:53:53 (permalink)
                          Là một xã ở đông nam huyện Sơn Tịnh, Tịnh Long nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, gần sát cửa Đại Cổ Luỹ xưa vốn là một thương cảng chính, khá sầm uất của tỉnh Quảng Ngãi. Bởi vậy, bên cạnh nghề nông với ruộng vườn xanh tốt, cư dân Tịnh Long còn làm nghề trên sông, biển. Chắc hẳn đó là lý do sinh ra hội đua thuyền có từ nhiều thế kỷ trước. Xét về thuỷ trường thì đoạn sông Trà Khúc ở Tịnh Long nước êm, có độ sâu trung bình 2-3 mét, lòng sông phẳng. Phía bắc Tịnh Long có các đồi núi thấp, phía nam, nơi hữu ngạn, là Cổ Luỹ cô thôn, với các đồn Thạc Sơn, Bàn Cờ... Cùng tạo nên một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, một khung cảnh thiên nhiên lý tưởng cho một lễ hội tưng bừng rộng thoáng như lễ hội đua thuyền.

                          Hàng năm, cứ vào mồng bốn, mồng năm tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương cũng như dân ở nhiều xã khác kéo về Tịnh Long, đứng chật trên bờ sông mát rượi bóng cây cổ vũ náo nhiệt cho hội đua thuyền. Thế nhưng việc chuẩn bị cho cuộc đua đã được tiến hành từ vài mươi ngày trước. Từ khoảng giữa tháng chạp, trong khi đang bận rộn chuẩn bị đón tết nguyên đán, người Tịnh Long đồng thời cũng sửa soạn quyên góp tiền bạc, chọn vận động viên và tập dượt để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền đầu xuân. Tịnh Long có 4 thôn (An Lộc, An Đạo, Gia Hoà, Tăng Long), mỗi thôn hình thành một đội đua gồm trai tráng ở cỡ tuổi 18-35, mỗi đội đua có 22 đà công, thuỷ thủ, được nuôi ăn tập và phải chấp hành đúng nội quy cũng như những điều cấm kỵ khác.

                          Thuyền đua là loại thuyền đặc biệt, không giống thuyền thường, với dáng thon và dài để hạn chế tối đa lực cản của nước. Khi đóng thuyền, người ta phải chọn ngày lành tháng tốt. Thuyền đóng xong, được trang trí đẹp, từ đầu đến đuôi trang trí theo hình con vật trong tứ linh. Bốn thôn trong xã mỗi thôn có một thuyền đua, được trang trí theo hình Long (rồng), Ly (lân), Qui (rùa), Phụng (phượng). Hiển nhiên, thuyền đua gắn với tín ngưỡng của nhân dân và được thờ ở am miếu của thôn, hàng năm, đến kỳ đua mới được làm lễ hạ thủy, có cờ, trống rộn ràng và khi đua xong lại đưa về am miếu cùng với thủ tục như vậy. Trường đua có tổng diện tích khoảng 60.000m2 với chiều dài 500 mét, rộng 120 mét (chia làm 4 ô, mỗi ô rộng 30mét) cho 4 thuyền đua. Sau khi bốc thăm, đội trưởng đội đua thuyền về cọc tiêu qui định để chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh xuất phát. Trong mỗi thuyền đua có 15 đà công, thuỷ thủ, mặc đồng phục và ở tất cả các thuyền đều chít khăn đỏ. Khi có lệnh xuất phát, các thuyền lập tức lao lên. Tiếng trống giục liên hồi, tiếng reo hò vang dậy ở hai bên bờ sông, những chiếc nón huơ lên cao cổ vũ, tạo nên một không khí tưng bừng náo nức. Mỗi lần đua gồm 8 vòng với 4 km, chia thành hai đợt đua, khoảng giữa 2 đợt đua là thời gian nghỉ giải lao để đà công, thuỷ thủ lấy lại sức. Cách tính điểm là thuyền về nhất được 10 điểm, thuyền về thứ nhì được 8 điểm, thuyền về ba 6 điểm, thuyền về cuối cùng 4 điểm. Tổng cộng cả 2 ngày đua tài, thuyền nào có số điểm cao nhất sẽ giành phần thắng và các thuyền khác cũng tuỳ theo số điểm đạt được mà xếp hạng nhì, ba, tư. Ngày hội đua thuyền ở Tịnh Long thật sự là một hội vui xuân lành mạnh, tưng bừng náo nức của cư dân cả một vùng đất
                          (theo người Quảng Ngãi)
                          #13
                            the_wall_a2 29.05.2004 20:57:51 (permalink)
                            Hai quả núi đá tọa lạc hai bên cửa Sa Kỳ đông nam quận Bình Sơn. Đó là dãy đá thiên nhiên chận ngang qua cửa biển chỉ có một lối vào trong. Ở giữa có một tảng đá lớn nổi lên trông như một người ngồi, gần bên có một tảng đá in hình hai dấu chân người. Bên cạnh có hang đá lộ thiên.

                            Mỗi lần gió đưa sóng vỗ tràn vào hang đá, nước theo lộ thiên phun lên rất đẹp trông như một lò nấu rượu. Thạch cơ điếu tẩu là hàng cừ đá nổi lên ở cửa biển như người ngồi câu ở giữa giòng nước.

                            Theo lời khẩu truyền của người địa phương, ngày xưa lúc vùng nầy còn là bể có một ông khổng lồ gánh đá lấp cửa biển chỉ còn một đôi gánh nữa là xong. Nhưng vì có một gành đá quá nặng, khi bước chân qua cửa biển đòn gánh bị gãy, đá đổ hai bên cửa nầy thành hai quả núi. Dấu chân ông khổng lồ còn in rõ và hang đá là lò nấu rượu của ông.

                            (Theo Non nước Xứ Quảng)
                            #14
                              the_wall_a2 29.05.2004 21:02:04 (permalink)
                              Theo dòng lịch sử
                              Theo các nhà Sử học cũ thì vị trí miền Ấn - Trà ngày nay, xưa kia đời vua Thuỷ Hoàng nhà Tần, thuộc đất Tượng quận, đời Hán vua Võ Đế năm thứ 111 thuộc quận Nhật Nam. Cuối đời Đông Hán năm 192, viên Công Tào huyện Tượng Lâm là Khu Liên, nhân trong xứ có loạn, giết quan huyện lệnh, tự lập làm vua, dựng nước Lâm Ấn. Đời Tuỳ, vua Tùy Dương đế Đại nghiệp năm đầu, bình định quân Lâm Ấn, chia làm 3 châu Quảng Châu, Xung Châu, Nông Châu sau đổi quận Hải Âm; đời Đường đổi thuộc Sơn Châu; đời Tống (960 - 1278) thuộc Cổ Lũy động của Chiêm Thành.

                              Năm 1400, Hồ Quý Ly sai Hành Khiển Đỗ Mãn làm thuỷ quân Đô tướng đem 15 vạn quân đi đánh Chiêm Thành, gặp mùa nước lũ các cánh quân không liên lạc được, hết lương thực, năm 1401 phải rút quân về.

                              Tháng 3 năm 1402, Hồ Hán Thương lên ngôi, tháng 7 lại phong Đỗ Mãn làm Đỗ tướng, Nguyễn Vị làm Chiêu dụ sứ đem đại binh đánh Chiêm Thành.

                              Vua Chiêm - Ba Đích Lại sai tướng Chế Sất Nan cầm quân chống cự bị thua, sai cậu là Bố Điền dâng một con voi trắng, một voi đen và phẩm vật xin dâng Chiêm động (phần phía nam Quảng Nam ngày nay).

                              Vua nhà Hồ ép sứ giả phải đổi tờ biểu, buộc Chiêm Thành nạp cả động Cổ Luỹ nữa (phần phía bắc Quảng Ngãi ngày nay).

                              Họ Hồ chia đất Chiêm động và Cỗ Lũy động làm 4 châu : Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, trực thuộc lộ Thăng Hoa của nước Đại Ngu, ở đầu nguồn đặt trấn Tận Ninh cử Nguyễn Cảnh Châu làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa, bổ Chế Ma nô đa nan Cỗ Lũy huyện Thượng hầu để trấn giữa 2 châu Tư, Nghĩa.

                              Năm 1406 quân Minh sang xâm lược và thống trị nước ta: Hồ Hán Thương thua chạy. Nhân cơ hội này, Chiêm Thành đem quân chiếm lại Chiêm động và Cổ Lũy động.

                              Đời Minh thuộc (1407-1427) dưới quyền cai trị của Trương Phụ và Mộc Thanh, phủ Thăng Hoa tuy có đặt quan nhưng Chiêm Thành vẫn còn Trưởng lộ, nhà Minh chỉ ghi tên không mà thôi.

                              Đầu nhà Lê (1428) 2 châu Tư và Nghĩa tuy thuộc nhà vua nhưng chỉ trên danh nghĩa, không bị trực tiếp cai trị, vẫn ở ngoài vòng pháp chế. Để ngăn chận những vụ cướp phá của người Chiêm, triều Lê phải nghĩ đến việc đem đại binh chinh phạt.

                              Tháng giêng năm 1446, vua Nhân Tông sai Đô đốc Lê Thọ, Tổng quản Lê Khả, Thiếu phó Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Quân nhà Lê thừa thắng kéo đến Thị Nại. Tháng 4, quân Nhà Thọ đánh Trà Bàn thắng lớn, bắt vua Chiêm là Bí Cai, phi tần, bộ thuộc, ngựa voi, võ khí và hàng tướng đem về. Cháu của vua Bố Đề là Ma Ha Qui Lai đã hàng, sai bề tôi dâng biểu xưng thần nên được lập làm vua (1446-1449).

                              Năm 1467, vua Chiêm Trà Toàn đem quân quấy nhiễu Hoá Châu. Năm 1470, tháng 8, lại đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ, voi, ngựa, ra đánh Hoá Châu lần thứ hai. Kinh lược sứ Thuận Hoá là Phạm Văn Hiển chống cự không nổi phải cấp báo triều đình.

                              Vua Lê Thánh Tông quyết định thân chinh, trưng 26 vạn tinh binh, ban 24 điều lệnh, sai Thái sứ Định Liệt Thái bảo Lê Niệm làm Chánh lỗ tướng quân lãnh thuỷ quân đi trước. Ngày Tân Tỵ, vua cáo Thái miếu, thân xuất đại quân đi theo, đến miền Thiết Sơn (Nghệ An) gặp nhau. Năm 1471 vua đóng quân ở Thuận Hóa.

                              Đại quân đến cửa biển Tân Ấp (hiện Đại Ấp Tam kỳ). Ngày 5 tháng 2 vua Chiêm Trà Toàn sai em đem 6 viên tướng và 5.000 quân, 100 voi lẻn đến bức dinh trại. Vua Lê mật sai Tả du kích tướng quân Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiểm và Tiền phong tướng quân Lê Thế, Trịnh Văn Sái đem hơn 500 chiến thuyền, 3 vạn tinh binh ban đêm vượt biển vào cửa Sa Kỳ (thuộc Bình Sơn Quảng Ngãi) lập đồn lũy để chận đường về của quân Chiêm. Ngày hôm sau, vua đem hơn 1.000 chiến thuyền và 7 vạn tinh binh ra biển gióng cờ, đánh trống hò reo tiến tới, mặt khác tướng quân bộ binh Nguyễn Đức Trung đã đem quân chiếm các đường ven núi.

                              Quân Chiêm liệu chống cự không nổi giày xéo nhau, tan vỡ bỏ chạy về Trà Bàn, đến núi Mộ Nộ ở phía tây cửa Sa Kỳ gặp quân Lê Hy Cát, quân Chiêm hoảng hốt chạy ngang lên núi cao, bỏ lại người, ngựa, lương thực đầy đống. Bấy giờ vua Lê Thánh Tông đến Thể Cần (cửa Sơn Trà hiện nay, đông bắc quận Bình Sơn) cho binh tiến đánh, chém hơn 300 đầu, bắt sống hơn 60 người. Được tin em thua, Trà Toàn sai một người trong hoàng gia đến xin hàng. Vua Lê cũng sai sứ giao thiệp nhưng vẫn tiến binh. Ngày 27, vua thân xuất đại quân đánh Thị Nại, chém hơn 100 người. Ngày 28, vua tiến binh đến Trà Bàn, ngày 29 đến dưới thành, vây mấy vòng, sai quân làm thang leo lên. Ngày Mồng 1 tháng 3 hãm thành Trà Bàn, sai quân leo thang vào phía cửa Đông chém hơn 4 vạn, bắt Trà Toàn và hơn 3 vạn người, ngày mùng 2, ban sư.

                              Chiếm được Chiêm đô Trà Bàn vua Lê Thánh Tông tổ chức lại việc cai trị các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa từng lọt vào tay Chiêm Thành từ thời Minh thuộc. Vua cho người Chiêm đầu hàng là Ba Thái làm Đồng tri phủ Đại Chiêm, Đa Thuỷ làm Thiêm Tri phủ, lại sai Đỗ Tử Qui làm Đồng tri châu coi việc quân, dân ở Đại Chiêm, Lê Ỷ Đà làm tri châu Cổ Luỹ.

                              Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), tháng 6, vua Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành vừa chiếm lại đặt đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Đạo Thừa tuyên nầy là 1 trong số 13 đạo thừa tuyên trong nước, thống lãnh 3 phủ, 9 huyện trong đó có phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện: Bình Dương (sau đổi thành Bình Sơn), Mộ Hoa, (đời Thiệu Trị đổi Mộ Đức) và Nghĩa Giang (năm Thành Thái chia đất Nghĩa Giang nhập vào huyện Nghĩa Hành và phủ Tư Nghĩa).

                              Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) vua Thánh Tông cải chia nước làm 13 xứ, đổi thừa Tuyên làm xứ, mỗi xứ đặt sở Thủ ngữ Kinh lược sứ.

                              Xứ Quảng Nam lãnh 3 phủ, 9 huyện trong đó có phủ Tư Nghĩa gồm có 3 huyện: Nghĩa Giang 12 tổng, 93 xã; Bình Sơn 6 tổng, 70 xã; Mộ Hoa 6 tổng, 5 xã.

                              Tháng 10 năm Mậu Ngọ 1558 đời vua Anh Tông, Đoạn quận công Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hoá, năm 1570 kiêm lãnh trấn Quảng Nam.

                              Năm Hoằng Định thứ 5 (1604) cải đặt và đổi tên các khu vực hành chánh Thuận Quảng, đổi phủ Tư Nghĩa thành Quảng Nghĩa phủ đặt chức tuần vũ, khám lý nhưng cũng thuộc Quảng Nam dinh.

                              Đời Nguyễn Tây Sơn (1788-1802) cải đặt và đổi tên các khu vực hành chánh Thuận Quảng, đổi phủ Tư Nghĩa thành Hoà Nghĩa phủ.

                              Năm 1802, vua Gia Long khôi phục Hoà Nghĩa phủ đặt tên là Quảng Nghĩa dinh, các chức quan cai trị gọi là Lưu thủ, Cai bộ, Ký lục.

                              Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia đặt tỉnh hạt, đổi trấn làm tỉnh. Trấn Quảng Nghĩa đổi thành tỉnh Quảng Nghĩa và đặt 2 ty Bố án (Bố chánh và Án sát) thống thuộc với Quảng Nam. Năm 1834 lại gọi là Nam trực tỉnh.

                              Năm Thành Thái thứ 2 (1890) ngoài 3 huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa và Mộ Đức thuộc phủ Tư Nghĩa thời Nguyễn, thực dân Pháp đặt thêm 3 châu: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ thuộc Nghĩa Định Sơn Phòng. Năm 1900 triệt bãi Sơn Phòng, đổi 3 châu ấy làm 3 huyện do tỉnh kiêm quản đặt chức Tuần vũ, bổ chức Bố chánh, cai trị 1 phủ : phủ Tư Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Đức Phổ gồm tất cả 24 tổng, 426 xã, thôn ấp, trại.

                              Từ 1909 đến cuối của triều Nguyễn (1945) miền Trung châu Quảng Ngãi được chia thành 4 phủ : Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức : 2 huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ gồm 21 tổng, 403 làng. Miền thượng được chia thành 4 nha : Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ với 27 tổng, 199 "nóc"; miền Trung duyên hải có nha Lý Sơn 2 làng.

                              - Từ ngày 9-3-1945 đến 19-8-1945 tổ chức hành chánh không đổi mấy, chỉ thay đổi trên danh từ: Tuần vũ gọi là tỉnh trưởng, ở huyện gọi là huyện trưởng, chức Chánh, Phó sứ thời Pháp do một cơ quan hiến binh Nhật đảm trách.

                              - Từ ngày 19-8-1945 đến ngày 1-11-1954 (ngày hội nghị trung giả quyết định chuyển giao quyền cai trị trong khuôn khổ hiệp định chuyển giao quyền cai trị trong khuôn khổ hiệp định Genève (ngày 20-7-1954)

                              Thời kỳ đầu của cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân năm 1945, tỉnh Quảng Ngãi được đổi tên là tỉnh Lê Trung Đình, phủ Tư Nghĩa đổi thành phủ Nguyễn Thụy(Sụy), xã Chánh Lộ lấy tên xã Nguyễn Viện v.v... Về tổ chức, lập liên xã, bỏ các làng cũ. Nhưng, sau một thời gian thay danh hiệu tỉnh, huyện , tổng, xã đều lấy lại tên cũ. Các phủ, huyện, nha trong tỉnh đều gọi tên thống nhất là huyện, gồm tất cả 10 huyện, tổng, 124 liên xã. Đảo Lý Sơn nhập vào huyện Bình Sơn nhưng năm 1952 bị quân Pháp chiếm đóng sát nhập hải đảo vào thị xã Đà Nẵng.

                              (còn nữa...)
                              Theo non nước xứ Quảng
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 19 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9