54 dân tộc Việt Nam

Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 61 đến 61 trên tổng số 61 bài trong đề mục
Tác giả Bài
Quang Khôi
  • Số bài : 618
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 14.12.2006
  • Nơi: Hà Nội Sài Gòn
Người Thủy, bộ tộc 100 người ở Việt Nam - 04.06.2007 21:14:03
Thứ Hai, 04/06/2007, 08:03 (GMT+7)

Người Thủy, bộ tộc 100 người ở Việt Nam
 
 






Thầy mo Mùng Văn Lủ đang nói “lời tiên tri” của hòn đá thiêng - Ảnh: Q.ViệtTT - Đó là bộ tộc chỉ còn hơn 100 người - được xem là ít nhất trong cộng đồng các dân tộc VN. Hiện họ đang sống trong vùng rừng sâu thuộc tỉnh Tuyên Quang. Đã có lúc bộ tộc này có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Từ thị xã Tuyên Quang, tôi tìm đường vượt núi về Chiêm Hóa, rồi vượt thêm gần 40km đường đèo dốc xuyên qua các cánh rừng vào thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang. Mấy lần suýt bị lạc lối nơi rừng sâu. Đến cuối ngày, khi mặt trời đã chìm sau đỉnh núi, những mái nhà tranh ẩn mình trong sương chiều hiện ra: bản người Thủy là đây. Chiều đại ngàn thâm u tĩnh mịch, nhưng người dân đi rừng vẫn chưa về. Đám con nít thấy khách lạ, đứng lấp ló sau bậu cửa. Ở ngôi nhà giữa bản, thầy mo Mùng Văn Lủ đang ngồi một mình hướng mặt về núi.
 
Quá khứ đau thương
 





Theo ông Hà Văn Viễn, nguyên cán bộ nghiên cứu Ban dân tộc miền núi tỉnh Tuyên Quang - người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về dân tộc Thủy, người Thủy ở Trung Quốc là một dân tộc thiểu số sống rải rác ở Quảng Tây. Họ có mặt ở VN từ hàng trăm năm trước và được xem là cộng đồng thiểu số ít nhất trong đại gia đình các dân tộc VN. Trong biên khảo các dân tộc Trung Quốc của tác giả Y Quân, NXB Bắc Kinh năm 1958, dân tộc Thủy có truyền thống văn hóa rất lâu đời.
Trong ký ức của già bản người Thủy, nguồn cội xa xưa chỉ còn được truyền lưu qua lời kể của tổ tiên. Khoảng sáu, bảy đời trước, cha ông người Thủy ở Thượng Minh ngày nay sống ở Quý Châu, Trung Quốc. Ngày ấy giặc loạn lạc nổi lên triền miên đã khiến một số người Thủy quyết định ly hương. Hành trình lưu vong cực kỳ khắc nghiệt, cả bộ tộc hàng ngàn người đến được vùng rừng núi Hà Giang, VN chỉ còn khoảng 80 hộ với vài trăm người, số còn lại đã bỏ xác trên đường đi tìm đất sống.
Cụ Bàn Văn Kim, 74 tuổi, già nhất bản người Thủy ở Thượng Minh, ngồi rít điếu cày nhả khói như sương, kể lại lời của cha ông trong những ngày đầu đến VN: Do ngôn ngữ, tập tục khác hẳn các dân tộc địa phương ở Hà Giang nên nhóm người Thủy lúc bấy giờ sống co cụm biệt lập. Họ dựng vợ gả chồng quanh quẩn trong bản làng. Chính tình trạng hôn nhân cận huyết, đói kém và bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc đã làm người Thủy chết dần chết mòn. 80 hộ đến được Hà Giang chỉ còn 9-10 hộ rồi lưu lạc dần đến xã Hồng Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) ngày nay.
Đêm dần xuống, che phủ bản làng bộ tộc Thủy vào bóng tối của núi rừng. Bên bếp củi lập lòe ẩn hiện mặt người, thầy mo Mùng Văn Lủ lấy ra hòn đá thiêng. Theo ông, bộ tộc Thủy luôn tin tuyệt đối các vị thần thánh, ma rừng, ma núi để sinh tồn và mọi chuyện đều được xin “lời tiên tri” của hòn đá thiêng. Hòn đá được các thầy mo có uy tín trong bản chọn từ đá núi cao hoặc dưới lòng sông suối, nơi chưa có dấu chân người để tránh bị ô uế, mất linh thiêng.
Lễ cầu đá thiêng mà tôi được chứng kiến là buổi thầy mo Lủ đang tìm lời “tiên tri” cho một vụ mùa mới của mình. Nhà ông có hơn 2.000m2 ruộng bên dòng suối, là nguồn cung cấp lương thực chính của gia đình sáu miệng ăn. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, thầy mo Lủ ngồi xổm quay đầu về núi phía mặt trời mọc. Ông đặt hai khuỷu tay trên hai đầu gối, còn hai bàn tay đan chặt vào nhau. Hòn đá thiêng được buộc vào một đầu sợi chỉ, đầu sợi chỉ kia treo trên ngón tay. Buổi lễ bắt đầu bằng lời lầm rầm khấn vái của thầy mo, lẫn lộn giữa ngôn ngữ Thủy cổ xưa được các đời cha ông truyền lưu lại và ngôn ngữ mới của thời đại thầy mo đang sống. Hòn đá thiêng treo dưới sợi chỉ đung đưa khi thầy mo đọc đến tên vị thần núi. Mọi người trở nên xôn xao vì tin thần linh đó đã hiển linh...
Ở Thượng Minh, ai cũng biết gia đình ông Lý Văn Triệu. Không phải vì ông có cô vợ trẻ Bàn Thị Tài là trưởng thôn, mà còn là người lưu giữ trong trí nhớ nhiều lịch sử buồn vui của bộ tộc mình. Chỉ tay lên những ngọn núi cao mù sương, ông Triệu tâm sự: “Nếu không có cuộc hạ sơn năm 1961, có lẽ bộ tộc Thủy lưu vong của chúng tôi đã không thoát khỏi nạn diệt vong”.
Thoát khỏi nguy cơ diệt vong, bộ tộc Thủy bắt đầu hồi sinh. Số trẻ sinh ra đã nhiều hơn số già lão chết đi. Các cuộc hôn nhân cận huyết cũng bị loại trừ để bảo tồn nòi giống. Hiện nay, bộ tộc người Thủy ở Thượng Minh đã có 18 mái nhà với hơn 100 người.
 
Vượt qua núi thần linh
 
Cô gái Lý Thị Tuyên, 23 tuổi, có dáng người khỏe mạnh với ánh mắt lúc nào cũng lấp lánh cười, chỉ cho tôi xem những dãy núi cao như bức tường thành bao bọc thung lũng. “Tổ tiên của tôi tin rằng thần linh ngự trị trên các đỉnh núi đó, nên ít khi người già dám vượt núi”. Chuyện bắt đầu từ con đường vào bản mới được làm cách đây vài năm, và Tuyên là người đầu tiên vượt qua con đường này đi tìm tương lai.
Ngày đầu tiên Tuyên rời bản đi học, mẹ Bàn Thị Kim và cha Lý Văn Triệu lo lắng lắm. Họ nhờ đến hòn đá thiêng kêu gọi thần linh phù hộ cho con mình vì không biết bên kia dãy núi có những gì. Tuyên về tận Hà Nội theo học trung cấp tin học. Sau hai năm học, cô tốt nghiệp, ở lại Hà Nội làm việc một năm. Vừa rồi, mẹ đã kêu cô về xin làm cán bộ thông tin cho xã. Rồi Lý Văn Toản, em trai Tuyên, thi đậu đại học xây dựng, cậu em út cũng đang học lớp 8 xa nhà.
Từ tấm gương của chị em Tuyên, nhiều gia đình bộ tộc Thủy ở thung lũng Thượng Minh bây giờ đã cho con em vượt núi bước ra thế giới bên ngoài. Theo trưởng thôn Bàn Thị Tài, bản đã có thêm hai hộ ông Lý Văn Ngọc và Lý Văn Va đang cho con theo học ngành an ninh ở Thái Nguyên và Hà Tây. Qua mùa thi năm nay, một số gia đình sẽ tiếp tục cho con em rời khỏi bản làng, với niềm tin vượt qua các dãy núi thần linh để tìm kiếm tương lai cho bộ tộc mình.
Cuộc sống giữa thung lũng Thượng Minh đã đỡ khắc nghiệt hơn trên núi cao, nhưng khó khăn vẫn chưa dứt đeo đẳng bản làng người Thủy. Ông Bàn Văn Kim vẫn còn ám ảnh mãi những chuyến đi bộ vượt rừng hơn 40km ra chợ Chiêm Hóa mua muối. Mỗi lần đi chợ, ông phải đi bộ một ngày đường tóe cả máu chân. Với nhiều gia đình, hạt gạo làm ra chỉ đủ đắp đổi bữa ăn qua ngày. Việc học hành của con cái trông cậy vào những gùi hái lượm của rừng.
 
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=204063&ChannelID=89
..........Sáu Tỷ
...

Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 61 đến 61 trên tổng số 61 bài trong đề mục