Thi ca lìa sân khấu(Adam Zagajewski)
meocon_thongminh93 30.06.2006 23:17:20 (permalink)
Tuy nhiên sân khấu thế kỷ XIX, chắc tại mệt mỏi bởi tấm thịnh tình của các nghệ sĩ tôn vinh chủ nghĩa lãng mạn, đã lìa bỏ thi ca. Ibsen [1] chỉ còn viết kịch văn xuôi, bà Gabriela Zapolska của chúng ta viết kịch văn xuôi, Szaniawski viết kịch văn xuôi. Slawomir Mrozek viết kịch văn xuôi.

Sân khấu và thi ca vừa là đôi bạn vừa là hai kẻ đối kháng. Tình yêu giữa đôi bên thật lắm gian truân, lúc chia ly, khi thuận hoà, hẹn hò nhiều mà chối từ cũng không ít.

Thời nay thi ca đã lìa sân khấu. Trong các vở bi kịch của các kịch tác gia thời cổ đại và của Shakespeare thi ca đóng vai trò thống soái. Tất cả các nhân vật của Shakespeare đều say thơ, ngay đến đám đầy tớ thấp cổ bé họng nhất trong kịch phẩm của ông cũng toàn dân thi sĩ. Và, lạ thay, công chúng vốn thường hoài nghi lại tha thứ chuyện đó cho thi sĩ Anh quốc này, bởi họ cảm thấy các nhân vật của ông nói cứ như họ đang phát biểu tại phiên toà chung thẩm với tất cả bản lĩnh, tâm hồn, năng lực của mình, chứ không phải chỉ bằng ngôn từ giao tiếp thông thường hàng ngày. Họ nói cái họ khả dĩ, chứ không phải cái họ đã là.

Thế nhưng chúng ta biết rõ, họ là gì, và khoảng cách giữa cái mà con người khả dĩ là như vậy và cái mà con người đang là như vậy làm chúng ta choáng váng. Khoảng cách này có thể là thực chất của nghệ thuật sân khấu.

Tuy nhiên sân khấu thế kỷ XIX, chắc tại mệt mỏi bởi tấm thịnh tình của các nghệ sĩ tôn vinh chủ nghĩa lãng mạn, đã lìa bỏ thi ca. Ibsen [1] chỉ còn viết kịch văn xuôi, bà Gabriela Zapolska của chúng ta viết kịch văn xuôi, Szaniawski viết kịch văn xuôi. Slawomir Mrozek viết kịch văn xuôi. Chung cục bây giờ người ta toàn viết kịch văn xuôi và công chúng đã quen với những kịch phẩm như vậy. Họ không phản đối và thậm chí, có thể như vậy, những người đại diện của họ giật mình khi chợt nghĩ, có lẽ thơ nên trở lại kịch trường (có điều khi họ ngồi xem trong nhà hát Calderon, Shakespeare hoặc Slowacki thì chẳng thấy họ giật mình chi cả).

Hay tại vì các nhà thơ - chẳng hay biết chuyện đó - có chút phật lòng với sân khấu. Điều này thường được thể hiện trong phản ứng của họ đối với tình huống khi nam hoặc nữ diễn viên nói (đọc!) thơ của một nhà thơ hiện hữu hoặc quá cố. Các nhà thơ thường cho rằng, các diễn viên làm hỏng thơ khi họ diễn thơ thái quá. Nhà thơ đinh ninh trong bụng, thơ hay tựa con chim, một chú chim trời tự do, có thể vụt bay khỏi cành cây về phương vô định.

Còn người diễn viên thì lại định trước, thơ sẽ nhằm vào hướng nào, đi tới đâu, rẽ sang phố nào, vào quán cà phê nào, hút loại thuốc lá gì.

Các nhà thơ bảo rằng, thơ biểu đạt tự do của họ (và rằng, thơ là “vật đẹp nhất mà không có”) và rằng, sự tự do này còn có thể nghe thấy được trong sâu thẳm của thơ như là một không gian khoáng đãng.

Các diễn viên thường tước mất tự do của thi ca. Họ đặt thơ lên mặt đất, họ muốn cho người nghe đích mục sở thị kẻ đang đọc, và hiểu chính xác tác giả nhằm vào đâu. Khi đọc thơ của mình các nhà thơ đôi lúc quá vô tư (và họ bực mình khi bị trách móc là thờ ơ quá xá, khoảng cách quá lớn). Có tình trạng như vậy cũng còn là do, nhà thơ, người nói - đọc - thơ của mình còn để trong thơ những khoảng trống dành cho thơ chưa viết. Với các nhà thơ thì không bao giờ có bài thơ cuối cùng. Mỗi bài thơ đều là bài trước bài cuối cùng. Bài thơ cuối cùng có thể là một thảm hoạ. Thậm chí trên thực tế, bài thơ cuối cùng là bài thơ áp chót. Các nhà thơ đã qua đời chưa bao giờ viết bài thơ cuối cùng, họ để lại cho chúng ta các thi phẩm áp chót của mình, chúng ta chỉ có thể ức đoán bài thơ cuối cùng của các nhà thơ Herbert, Mandelsztam và Czeslaw Milosz [2].

Các diễn viên vẫn không hề hay biết những vần thơ chưa viết ấy (các nhà thơ cũng không, tuy nhiên họ luôn luôn linh cảm chúng). Cho nên các diễn viên họ đọc những vần thơ cuối cùng, chứ không phải những vần thơ áp chót.

Rất có thể các diễn viên đọc thơ có chút mủi lòng khi cảm thấy họ cũng mắc lỗi khi sân khấu ruồng bỏ thi ca.

Và họ nghĩ: một khi sân khấu ruồng bỏ thi ca thì bây giờ chúng mình cho thêm vào thi ca một chút sân khấu. Họ nghĩ - khi trên sàn diễn nhà hát chúng ta diễn kịch văn xuôi thì chúng ta cần xin lỗi thi ca và cho thêm vào đó một nhúm đầm đậm sân khấu. Họ cúi khom tựa các cụ già lưng còng, hoặc đứng thẳng người như những chàng trai sức dài vai rộng, họ nói giọng của kẻ độc tài hoặc của một ông chủ nhà băng phá sản.

Chúng ta thêm vào thơ, - các nghệ sĩ nghĩ bụng, - một nhân vật ăn xin hoặc một thủ lĩnh bình dân, một bà già hoặc chú bé nhiều ham muốn. Chúng ta sẽ giúp đỡ nhà thơ, nhà thơ nghèo rớt mùng tơi, trong tay chỉ có giấy và mực, chúng ta thêm sự sống cho nhà thơ, chúng ta rắc thêm sự sống vào phép ẩn dụ của họ.

Mà biết đâu không phải vậy - có thể các diễn viên cũng có phần bực mình với thi ca về chuyện thi ca đã rời bỏ kịch trường, rằng sàn diễn bây giờ trơ trụi và tự nhiên, thuần gỗ đến nỗi, chiếc bàn đặt trên sân khấu chỉ thuần là chiếc bàn, chứ không phải là một vật màu nhiệm, là lâu đài trung cổ đến độ cái chậu thau chỉ là cái chậu thau, chứ không phải là chốn quần tụ những giấc mộng ban mai, còn áo choàng của diễn viên kéo lê thê trên sàn diễn, chỉ cuốn bụi, chứ đâu phải mộng mơ.

Nếu vậy, nếu - không hay biết điều đó - họ có phần bực mình với thơ, thì họ sẽ, một cách vô thức, làm hỏng đi ít nhiều những vần thơ họ đọc, tước mất sự khoáng đạt và cái áp chót của thi ca.

Nếu mà chúng ta không có thi ca, họ tưởng không bao giờ họ nghĩ vậy, thì thà các nhà thơ cũng đừng có thi ca.

Có điều đó chỉ là chuyện tranh cãi giữa hai người yêu nhau. Sân khấu và thi ca là cặp tình nhân đang cãi nhau. Nhiều chua chát, đổ lỗi cho nhau, một chút lệ rơi, một chút thở dài và một chút diễu cợt.

Có thể một ngày nào đó hai bên rồi sẽ thuận hoà. Có thể thi ca rồi sẽ quay về với sân khấu, còn sân khấu bước ra từ thi ca.

Cầu mong được vậy.

Cầu mong thi ca quay lại với sân khấu.

***

Chú thích:

* Phát biểu của nhà thơ Adam Zagajewski tại Lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học sân khấu Krakow, Ba Lan.

[1] Ibsen Henrik, 1828-1906, kịch tác gia Na Uy. Gabriela Zapolska (1857-1921) - nữ nhà văn Ba Lan, nhà phê bình sân khấu, diễn viên nổi tiếng, từng biểu diễn tại Krakow, Lwow; năm 1892-94 là diễn viên của nhà hát Théâtre Libre ở Paris, nổi tiếng về viết hài kịch. Szaniawski Jerzy (1886-1970), kịch tác gia nổi tiếng của Ba Lan. Mrozek Slawomir, nhà văn, kịch tác gia đương đại Ba Lan. Rất nhiều truyện ngắn và truyện cực ngắn của ông đã được dịch sang tiếng Việt. (ND).

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9