Những bài thơ tôi yêu
Khải Nguyên 01.07.2006 13:47:59 (permalink)

Lời ru với anh
Lý Phương Liên

Chim bằng ngoan của em ơi
Đêm nay ngon ngủ sáng mai lên đường
Em ngồi nhìn ngắm yêu thương
Cho no mắt nhớ ngày thường chim bay

Em muốn anh như bàn tay
Xoè ra là gặp
Chim bằng trời biếc
Chim bằng con trai
Ngủ ngon anh nhé sáng mai lên đường

Ở nhà bên cạnh người thương
Để chim nghỉ cánh dặm trường đường xa
Lồng con phòng hẹp đôi ta
Chim bằng chẳng thể quanh ra quẩn vào

Xa anh nỗi nhớ làm sao
Chân đứng tổ kiến, lòng chao lá cành
Ước gì em buộc cánh anh
Buộc cánh anh
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu

Trời rộng chim reo
Mắt em mai sớm dõi theo chim bằng
Nỗi nhớ trong lòng
cho chim cánh gió,
Cho ngày nắng nỏ
Chim bay
Ngủ ngon anh nhé đêm nay
Để mai suốt tháng ngày có em.


Anh xin được một lần, để hoá thân thành "người đàn ông" của riêng em. Lời ru đằm thắm, thiết tha, dung dị, dịu dàng và tha thiết quá! Có tiếng lòng em gửi vào trong đó, đúng không? Có nhịp đập con tim yêu của người mẹ, người chị, người em trong lời ru ấy. Hơn hết, là tình em mênh mông, sâu thẳm, vỗ về, an ủi anh vào một đêm yêu đương, để ngày mai - bắt đầu với một chuỗi ngày dài nhung nhớ:

Xa anh nỗi nhớ làm sao
Chân đứng tổ kiến, lòng chao lá cành...


Lời ru em đã đưa anh vào giấc ngủ rất nhẹ nhàng mà thẳm sâu... Anh ngủ. Ừ, anh đã ngủ rồi - giấc ngủ ngọt lành, bởi, có tình em gửi vào trong lời ru tha thiết, có đôi tay em nhẹ nâng chiếc quạt mềm, khe khẽ thôi, vừa đủ để mang ngọn gió lành đến cho giấc ngủ anh...

Lời ru em thẩm thấu vào trong anh nồng nàn, sâu sắc. Mai anh lên đường, hành trang anh mang theo là tình yêu, nỗi nhớ, với niềm thương, với lời ru dịu dàng, đằm thắm của em!

Anh yêu lắm "người đàn bà" trong em, bởi anh nhận ra - em đã hiểu đàn ông bọn anh như cánh chim trời, chẳng thể sống trong căn phòng nhỏ hẹp, anh tự tin như thế, em ý thức được như thế và cuộc sống chồng vợ là như thế, phải không?

Chim bằng trời biếc
Chim bằng con trai


Em, người đàn ông của riêng em thật hạnh phúc. Người đó đã có em - Một người đàn bà đẹp, người đàn bà với mơ ước giản dị nhưng thật lớn lao và sâu sắc:

Em muốn anh như bàn tay
Xoè ra là gặp...


Ừ, anh sẽ là người đàn ông làm cho mơ ước ấy của em thành hiện thực. Anh xin hứa sẽ mãi là đôi bàn tay của em, luôn bên em vỗ về, an ủi; luôn bên em chia sẻ ngọt ngào, đắng cay; luôn bên em để đôi bàn tay ấy luôn cầm nắm con sào đưa con thuyền tình "em - anh và con" cập bến bờ hạnh phúc, nghe em!
#1
    Khải Nguyên 01.07.2006 13:56:38 (permalink)

    Em ra xứ Bắc quê người
    (SaMacTim)

    Em học quen dần những tiếng "lắm cơ,
    Ừ nhỉ, dạ vâng, ứ thèm, nỏ chịu"
    Em tập đánh vần bằng giọng miền Nam nũng nịu
    Để bước ra làm cô gái nội thành

    Để mai lỡ có về làm dâu thảo "mẹ anh"
    Cũng được thương yêu như mẹ mình thuở nọ
    Khi đi quanh phố bàn chân như trong rọ
    Thầy, U ngoan, hiền như tiếng gió êm tai

    Thấy chưa!
    Gái miền Nam đâu đã kém chi ai
    Cũng học làm dâu cũng giỏi giang ghê đi chứ
    Hà Nội phước phần.
    Hà Nội tình tứ
    Mùa Thu dịu dàng, cho em lụy đi xa

    Rồi em sẽ quen dần với Phan Thanh Giảng, Đống Đa
    Thăm Hàng Vải mua lụa về may áo
    Sớm mai theo "mẹ" ra hàng Gai, hàng Gạo
    Bữa cơm chiều học món "chạo tôm" ngon

    Hà Nội em về dung dị lại môi son
    Trong chơn chất miền Nam
    Nghe mùa Thu ca hát
    Tiếng dân ca quê mùa thơm ngát
    Xứ Bắc quê người
    Em góp nhặt
    Quê Em!


    Khi đọc xong bài thơ, không nói, chắc hẳn ai cũng hiểu, đây là bài thơ, là tấm lòng, là tình yêu của một người con gái miền Nam yêu và thương một chàng trai Hà Nội. Tôi không có cái may mắn là chàng trai ấy, chỉ là một anh con trai Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội - đơn giản là thế. Nhưng khi đọc bài thơ này, thấy ấm lòng một cách lạ kỳ.

    Hẳn là họ rất yêu nhau, và hai người đã hứa hẹn đủ điều để tiến tới một cuộc hôn nhân hạnh phúc! Trong bài thơ không có 3 từ "em yêu anh", không có 2 từ "tình yêu", cũng không có 2 từ "hạnh phúc". Nhưng, ta nhận ra và cảm thấy tình yêu đằm thắm, dịu dàng, tha thiết và thiêng liêng nhưng đầy trách nhiệm của hai người, giữa hai người!

    Hạnh phúc như một lâu đài! Để có nó, người ta phải bắt đầu từ nền móng, từ những viên gạch đầu tiên. Ở đây, những viên gạch ấy chính là những điều khiến cô gái băn khoăn ngay từ những thứ tưởng như nhỏ nhặt nhất!

    Thường nói, "dạy con từ thủa còn thơ/dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về", hình như chàng trai có nói gì đấy với cô gái và chắc chắn cô gái đã biết lo lắng và quan tâm đến từng chi tiết, những vụn vặt tưởng chừng rất nhỏ của đời thường, để xây nên lâu đài hạnh phúc của chính mình, với người yêu mình và với gia đình "bên ấy!".

    Em học quen dần những tiếng "lắm cơ,
    Ừ nhỉ, dạ vâng, ứ thèm, nỏ chịu"
    Em tập đánh vần bằng giọng miền Nam nũng nịu
    Để bước ra làm cô gái nội thành


    Tình yêu của cô gái vô tư, trong trẻo và thật đáng yêu! Đọc thơ thấy "ghét" cái từ "lỡ" trong câu "để mai lỡ có về làm dâu thảo mẹ anh" - ghét nhưng thực ra là yêu, người ạ! Hình như, con gái miền Nam, gốc miền Nam "giỏi giang và kém chi ai", cứ thích nói ngược thì phải!

    Hà Nội phước phần.
    Hà Nội tình tứ
    Mùa Thu dịu dàng, cho em lụy đi xa


    Thì ra là thế... Tại Hà Nội đẹp, Hà Nội tình tứ, Hà Nội có phước phần nên cô gái quyết chí lấy chồng xa... Hà Nội hay trai Hà Nội nhỉ? Hình như tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2!? Chàng trai ấy chắc chắn là hội tụ những đức tính cần có của người đàn ông, hội tụ đủ đầy nét thanh lịch của trai Hà Nội và hơn hết, một Hà Nội linh thiêng và hào hoa đã gọi mời, đã gõ cửa trái tim và nâng nhẹ bàn tay cô gái ấy lên xe hoa ngày cưới. Điều này luôn thức ngủ cùng với họ, đúng không?

    Tôi thấy vui vui, khi bài thơ như lời tâm sự của cô gái có nhắc đến những địa danh của Hà Nội: Những Phan Thanh Giản, Đống Đa, Hàng Vải, Hàng Gai, Hàng Gạo... cô mường tượng cái ngày cô "về làm dâu nhà người", cô sẽ cùng mẹ chồng đi chợ, sắm sanh, tíu tít, hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Đến cả món ăn ngon của đất Hà Thành cô cũng biết - món "chạo tôm", thì anh con trai Hà Nội phước phần là phải (!).

    Tôi yêu nhất ở khổ thơ cuối, hội tụ đủ đầy tất cả...

    Hà Nội em về dung dị lại môi son
    Trong chơn chất miền Nam
    Nghe mùa Thu ca hát
    Tiếng dân ca quê mùa thơm ngát
    Xứ Bắc quê người
    Em góp nhặt
    Quê Em!


    Tình yêu ấy là tất cả. Anh - Em, miền Bắc - miền Nam, Hà Nội - Sài Gòn hay đâu đó của miền Nam đã, đang và sẽ hoà quyện làm một. Cái "dung dị" và cái "chơn chất" gặp nhau, giao cảm, giao hòa để "quê em", "quê người" là một, để mùa hạnh phúc tỏa hương, để thu Hà Nội là mùa cưới của đôi trai tài gái sắc ấy.

    Bất giác, tôi chợt nhớ tên của một câu truyện ngắn cũng chính là tên của một bộ phim truyện "Bao giờ cho đến tháng mười", tháng mười là thu đấy, thu Hà Nội - thu của tình yêu lứa đôi.

    Viết bài này, tôi nhớ đến tác giả của bài thơ, cô gái ấy chưa một lần ra thăm Hà Nội. Vậy mà, sao cô có được những tâm tư, những nghĩ suy, những khát vọng, những yêu thương dung dị, ngọt ngào, sâu lắng và thiêng liêng đến thế! Mong trai Hà Thành hãy nuôi và giữ mãi nét "thanh lịch" để ấn tượng về Hà Nội, về Người Hà Nội mãi đẹp trong mắt, trong tim của bạn gái gần xa...

    Xin chúc phúc cho hai người. Xin cảm cơn tác giả của bài thơ "Em ra xứ Bắc quê người", mong em sẽ là "nàng dâu hiền thảo" tương lai của "Hà Nội - linh thiêng và hào hoa"...
    #2
      Khải Nguyên 08.07.2006 06:37:35 (permalink)

      Mẹ của anh
      - Xuân Quỳnh -

      Phải đâu mẹ của riêng anh
      Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
      Mẹ tuy không đẻ không nuôi
      Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.

      Ngày xưa má mẹ cùng hồng
      Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
      Bây giờ tóc mẹ trắng phau
      Để cho mái tóc trên đầu anh đen.

      Đâu con dốc nắng đường quen
      Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
      Thương anh thương cả bước chân
      Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao

      Lời ru mẹ hát thuở nào
      Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:
      Nào là hoa bưởi hoa chanh
      Nào câu quan họ mái đình cây đa.

      Xin đừng bắt chước câu ca
      Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
      Mẹ không ghét bỏ em đâu
      Yêu anh em đã là dâu trong nhà

      Em xin hát tiếp lời ca
      Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
      Hát tình yêu của chúng mình
      Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng

      Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
      Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
      Chắt chiu từ những ngày xưa
      Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.


      Ở cõi đời này, lòng tin, sự biết ơn và trân trọng vẫn là một điều luôn luôn bất diệt. Chính trong sự bất diệt ấy, nhiều lúc đã nẩy ra nhiều cung bậc và hình thái khác nhau, nhiều khi, sự khác lạ lại làm cho chúng ta trăn trở, nồng nàn và đượm nỗi thảng thốt. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã làm nên điều khác lạ đó qua bài thơ "Mẹ của anh".

      Phải đâu mẹ của riêng anh
      Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
      Mẹ tuy không đẻ không nuôi
      Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.


      Những dòng thơ mở đầu là không còn là gợi, là tả nữa, ở đây là một sự khẳng định chắc chắn, dường như là sở hữu. Cái lạ chính là điểm này, chẳng biết rằng sau khi nghe được những lời như vậy, người chồng sẽ phản ứng ra sao. Nhưng có lẽ, anh ấy sẽ không ngạc nhiên như chúng ta, bởi để nói lên được điều này, hẳn người vợ phải là một người hết mực hiểu chồng. "Mẹ tuy không đẻ không nuôi; Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Không phải ơn sinh thành, cũng đâu phải ơn dưỡng dục, vậy mà sao phải "ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Phải chăng đó chính là những phút giây hạnh phúc nhất của người phụ nữ khi trong mình đang giữ trọn niềm tin.

      Ngày xưa má mẹ cùng hồng
      Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
      Bây giờ tóc mẹ trắng phau
      Để cho mái tóc trên đầu anh đen

      Đâu con dốc nắng đường quen
      Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
      Thương anh thương cả bước chân
      Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao.


      Em đang độc thoại nhưng cũng là em đang nói cùng anh, giãi bày cùng anh, một thế giới nội tâm không hề phẳng lặng, nỗi đan xen, niềm giằng xé cứ trào dâng như sóng xô bờ. Một thế giới câu chữ huyền diệu của những sự đối nghịch giữa quá khứ và hiện tại đã đưa anh, đưa em vào khoảnh khắc diệu kỳ của sự sống. Đây không phải là một sự đánh đổi mà là một điều tất yếu phải có trên cõi đời này. Nó cho chúng ta một linh cảm về sự khắc nghiệt của thời gian.

      Lời ru mẹ hát thuở nào
      Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:
      Nào là hoa bưởi hoa chanh
      Nào câu quan họ mái đình cây đa.


      Tấm lòng thơm thảo và đằm thắm của Xuân Quỳnh hiển hiện thật dung dị, chất chứa biết bao hoài niệm, những vần thơ khi đọc lên mới thấy thật tha thiết, lồng lộng tính nhân văn, giàu tình hữu ái của con người với con người. Tình yêu được nâng cánh, thăng hoa, hoà điệu trong từng cung bậc khát khao của những sẻ chia và nhân ái.

      Anh thật hạnh phúc, tôi và mọi người phải ghen tỵ với anh bởi những lời mượt mà, ý nhị và tình cảm cuốn hút lay động lòng người. Nỗi niềm cứ rưng rưng tự đáy lòng suy tưởng đến ý tứ của lời thơ.

      Xin đừng bắt chước câu ca
      Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
      Mẹ không ghét bỏ em đâu
      Yêu anh em đã là dâu trong nhà

      Em xin hát tiếp lời ca
      Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
      Hát tình yêu của chúng mình
      Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng.


      Thật sự hài lòng, đồng cảm với kiểu cách Xuân Quỳnh trong ý tứ ứng xử, đặc biệt là trong quan niệm về mẹ chồng – nàng dâu làm chúng ta nhận ra đúng nghĩa cuộc sống và hạnh phúc. Đúng là thế đấy! Phải có mẹ chồng rồi mới có chồng mình chứ! Thiết nghĩ, người vợ nào cũng biết hành xử như lời thơ của Xuân Quỳnh thì những bậc "nam tử" thật khó mà trả được hết nghĩa nặng tình sâu của những người vợ – người phụ nữ Việt Nam. Nếu trên đời này, thế giới đàn ông – thế giới người chồng đều có được những người vợ biết yêu thương chồng con và mẹ chồng hết mực như thế thì còn gì sung sướng hơn.

      Tình cảm ấy sao mà sâu đậm, cái nghĩa tao khang sao mà hạnh phúc. Nếu suy tưởng bằng ngôn ngữ điện ảnh qua lời thơ, chúng ta có thể hình dung ra từ nãy giờ Xuân Quỳnh như đang bên chồng vỗ về, thủ thỉ. Xuân Quỳnh có được tình yêu thương đằm thắm, thiết tha như vậy với chồng, với cả mẹ chồng mà không có một sự cách ngăn nào ắt hẳn Xuân Quỳnh - người vợ hiền, tôn thờ chồng với một đức tin về tình yêu nồng thắm và mãnh liệt, nếu không muốn nói là cực độ. Trong trái tim tha thiết và nhạy cảm ấy, tình yêu chưa bao giờ là đầy đủ. Cái khát tuyệt đối là cái khát về một tình yêu tuyệt đối, yêu bằng tất cả linh hồn. Và Xuân Quỳnh vẫn cứ đi tìm, cứ da diết về một tình yêu vĩnh cửu.

      Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
      Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
      Chắt chiu từ những ngày xưa
      Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.


      Mọi nhãn quan thơ ca thường có xu hướng phân lập cái thế giới sống động thành các đối cực. Và thế giới nghệ thuật được sáng tạo trong thơ, xét đến cùng, là sự tương sinh, tương khắc của các đối cực ấy. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hoá khôn cùng của chúng. Và rồi, người phụ nữ ấy coi hạnh phúc là yên lành suốt đời kiếm tìm, vun trồng và gìn giữ. "Giữa ngàn hoa cỏ núi sông", chị trở thành thi sĩ của tình yêu, đặt kỳ vọng vào tình yêu, điều ấy dường như là tất yếu. Bởi nếu không thì: "Biển chỉ còn sóng gió;… Em chỉ còn bão tố" mà thôi. (Thuyền và biển).

      Chắt chiu từ những ngày xưa
      Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.


      Tính tương sinh, tương khắc trong thơ Xuân Quỳnh, thiêng liêng hơn cả là tình yêu, là niềm khát khao được gắn bó với con người và cõi sống này đã hoà quyện để có được Xuân Quỳnh, một trái tim yêu da diết trong những đối cực khắc nghiệt ấy. Dĩ nhiên, yêu mẹ, biết ơn mẹ vì nhiều lẽ, nhưng chắc rằng chỉ có Xuân Quỳnh mới có được một suy tưởng độc đáo để thể hiện tình yêu: "Mẹ sinh anh để bây giờ cho em". Đó thuộc về linh hồn của Xuân Quỳnh. Bởi vì, ai chẳng có tổ ấm, nhưng đã mấy ai phát hiện ra nguồn thơ từ tổ ấm như vậy.

      Đặng Hải Triều
      #3
        Khải Nguyên 12.07.2006 20:57:55 (permalink)

        Hạnh phúc hình tròn

        Hạnh phúc tròn tròn lăn trên đất ngang
        Em đưa tay, vô tình em bắt được.

        Một phút buồn em ném về phía trước
        Để lại thấy mình trống rỗng, cô miên

        Hạnh phúc tròn tròn lăn trên dốc nghiêng
        Em vói tay, để rồi lại nắm được

        Em tinh nghịch ném xuôi con dốc ngược
        Hạnh phúc tròn tròn
        lăn lăn...
        xa...
        xa...

        Đến hạnh phúc cũng chẳng về đến lần thứ ba
        Em ngồi đợi...
        Em nhận ra...
        Quá muộn!

        L.M.


        Một bài thơ hay và khá tài tình

        Cái hay và cái tài tình ở đây chính là sự phát hiện mới trong thủ pháp dùng và chọn hình ảnh của "người thơ": "Hạnh phúc tròn tròn" lăn "trên đất ngang", trọn vẹn và đủ đầy quá, phải không? tôi bỗng chợt nhớ rằng ai đó đã nói và hôm nay được thấy ở đây - Hạnh phúc như một viên bi màu hồng.

        Cô gái ấy và "người thơ" vô tình gặp để có nhau trong đường đời. Vậy mà cô gái lại coi hạnh phúc, tình yêu như một thứ đồ chơi, một thứ trò chơi. Để rồi "một phút buồn" cô "ném" cái hạnh phúc mà cô đang cầm nắm trong tay "về phía trước" - thản nhiên, vô tình, hờ hững đến dửng dưng.

        Ừ, cái thứ trò chơi ấy thật hấp dẫn đấy chứ, bởi nó "tròn tròn lăn". Đẹp và lung linh, ném đi rồi, thấy trống rỗng, cô miên là phải. Cô hụt hẫng thực sự và... "với tay" để "ham chơi" thêm một lần nữa.

        Lần này thì hạnh phúc đảo chao, nghiêng ngả. Hình như là có "sóng", nên để viên bi tròn tròn dễ thương, tội nghiệp ấy cố "lăn trên con dốc nghiêng". Thật tội, lỡ sảy chân... rớt xuống... thì sao!?

        Đã là trò chơi thì chơi hoài cũng chán. Giữa lúc cái khối hình tròn ấy "lăn trên con dốc ngược", cô gái lại chán, lại "ném đi" trong thái độ đùa nghịch, vô tâm! Nên viên bi hạnh phúc chuội khỏi tay rớt xuống... để rồi lăn... lăn... rất... xa... rất xa!

        Lần này, cô gái ấy không thể "đưa tay", "với tay" được nữa, mất thật rồi! hình như cô đã nhận ra... Và, cô đã đợi chờ, đợi chờ trong vô vọng khi chợt hiểu - hạnh phúc đã rơi rớt khỏi tầm tay mình...

        Bắt gặp bài thơ hay, khá ấn tượng, muốn "gõ" cùng tác giả mấy nhịp, mấy phách để khúc nhạc buồn ta cùng nghe, cùng cảm nhận.

        Khoảng dừng bởi "nốt nhạc đen" và "dấu "gạch nhịp" trong 2 con tim đồng cảm. Xin được "hơn một lần lặng im" cùng L.M.

        #4
          Khải Nguyên 15.07.2006 12:27:28 (permalink)

          Đối với người, ta chỉ là kỷ niệm

          Đúng!
          Đối với người, ta chỉ là kỉ niệm
          là nỗi nhớ vô tình những lúc không vui
          là nỗi đau đã chôn vùi
          là... những gì không cần thiết
          giữ lại, và nuối tiếc!

          và đúng!
          Riêng ta, người là nỗi đau bất diệt
          là nhớ da diết trong tim
          là ngày tháng đi tìm
          (dẫu đã biết không bao giờ thấy được)

          Ta ước!

          Ta có thể hóa thân biến thành loài độc dược
          Cái loại vô tình, không sắc, không hương
          Như là cỏ đoạn trường
          Để có thể một lần là quên người vĩnh viễn
          (Dẫu phản ứng phụ,
          ta có thể hóa điên!)

          04/04/05
          GLT

          http://khungtroitim.com/showthread.php?t=1157

          Một đêm... tôi không ngủ được, trằn trọc mãi... lên net... vô tình gặp bài thơ "Đối với người ta chỉ là kỷ niệm" của GLT.

          Ban đầu - chỉ là sự tò mò... sau, tôi đã bị cuốn hút bởi bài thơ và... không biết là tôi đã đọc lại bao nhiêu lần nữa.

          Nhiều đêm, tôi vào lại... và cứ để như thế... cho đến khi...

          Ừ, bài thơ đã hạ gục tôi, không chỉ bởi nỗi đau của người con gái mà ở câu, từ, hình ảnh, ở trong nỗi niềm mà theo tôi không thể gì đem sánh được...

          Tôi đã từng nếm trải những nỗi đau, những mất mát của chính tôi - một thằng đàn ông. Và, tôi cũng đã từng hiểu phần nào nỗi đau của người thân, bè bạn và cả người dưng nữa - trong "nhân tình thế thái"... Tôi đã tự xoa dịu mình và xoa dịu cho người khác.

          Nhưng, ở bài thơ này thì khác, khác hoàn toàn. Nỗi đau bất diệt - Nỗi đau không thể chết. Biết là đau mà vẫn đi tìm - Nhưng không thể thấy, vì biết trước không bao giờ thấy được. Hơn hết, người thơ mong được hóa mình thành "loài độc dược" để tìm quên vĩnh viễn. Và, nếu không được thì cũng ước được làm "người điên" để quên.

          Ta ước!
          Ta có thể hóa thân biến thành loài độc dược
          Cái loại vô tình, không sắc, không hương
          Như là cỏ đoạn trường
          Để có thể một lần là quên người vĩnh viễn
          (Dẫu phản ứng phụ,
          ta có thể hóa điên!)


          Trong tôi, chợt vẳng nghe câu hát:
          "... Người điên không biết nhớ
          Và, người say không biết buồn
          ..."

          Ừ, có lẽ... ồ, không..., không phải. Không phải vì "người thơ" nghe bài hát này trước hoặc trong khi làm bài thơ này! Mà bởi nỗi đau đến tột cùng của "người con gái" khiến "người thơ" không chịu nổi... thèm ước được hóa mình thành loài độc dược - "nhánh cỏ đoạn trường" hay mọc vu vơ bên đường với chiếc áo mỏng manh để ai đấy ngu ngơ... chỉ quơ tay là hái được.

          Còn nỗi đau nào hơn thế!

          Cảm ơn "người thơ" đã cho tôi thêm một lần hiểu sâu sắc một nỗi đau - nỗi đau con gái!
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2006 19:48:24 bởi Khải Nguyên >
          #5
            Khải Nguyên 17.07.2006 19:32:47 (permalink)

            ĐÔI DÉP
            Tặng Công Tằng Tôn Nữ Ý Nhi (*)

            Vần thơ đầu anh viết tặng cho em
            Là vần thơ anh viết về đôi dép
            Khi anh nhớ ở trong lòng da diết
            Đôi dép tầm thường cũng viết thành thơ

            Hai chiếc dép gặp gỡ tự bao giờ
            Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
            Đi làm Cách mạng những nẻo đường xuôi ngược
            Từ Bắc vào Nam cát bụi cùng nhau

            Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
            Cùng chung chia sẻ sức người đời chà đạp
            Khi vinh nhục không đi cùng người khác
            Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

            Nếu một ngày một chiếc mất đi
            Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
            Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
            Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

            Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
            Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
            Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
            Mà trong lòng... nỗi nhớ Ý Nhi ơi!

            Đôi dép vô tư khăng khít bước song hành
            Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
            Chẳng hứa hẹn nhưng không hề phản bội
            Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

            Không thiếu nhau trên những bước đường đời
            Dẫu một chiếc ở mỗi bên phải trái
            Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại
            Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung

            Hai chúng mình thầm lặng bước song song
            Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
            Chỉ còn một là không còn gì hết
            Như anh và em... thương lắm Ý Nhi ơi!

            Tác giả Thuận Hóa

            (*) = Ý Nhi: Biệt động thành Huế, hy sinh mùa xuân năm 1968, khi vừa tròn 21 tuổi, để lại di vật là một đôi dép, đôi dép là nỗi nhớ niềm thương để Thuận Hóa viết nên bài thơ này.
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2006 19:38:48 bởi Khải Nguyên >
            #6
              Khải Nguyên 06.08.2006 11:55:45 (permalink)
              TRƯỚC BIỂN
              Vũ Quần Phương

              Biết nói gì trước biển em ơi!
              Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
              Cái hào hiệp ngang tàng của gió
              Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
              Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
              Cái giản dị sâu sắc như đời...

              Chân trời kia biển mãi gọi người đi
              Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
              Vầng trán mặn, giọt mồ hôi cay đắng
              Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

              Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
              Bay trên biển như bồ câu trên đất
              Biển dư sức và người không biết mệt
              Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa

              Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi..

              Em ơi em biển sâu rộng nhường kia
              Ai biết được tự nơi nào biển mặn
              Ôi hạt muối mang cho đời vị đậm
              Tự bao đời biển đã biết thương ta

              Anh lặng im trên cát trắng như mơ
              Trưa cô độc mặt trời lên chót đỉnh
              Chỉ còn anh với nghìn trùng sóng đánh
              Với nghìn trùng sâu lắng thương em!

              Chiều nay thôi, khi nước thủy triều lên
              Biển sẽ xóa đấu chân anh trên cát
              Đời thay đổi những buồn vui sẽ khác
              Vui buồn nào chẳng đậm lẽ thương nhau...

              Đến bao giờ anh được đứng cùng em
              Trước biển lớn cuộc đời thương cảm ấy
              Đêm trở gió, mấy lần cơn sóng dậy
              Chân trời nào đang có cánh buồm đi...

              Ôi cuộc đời sâu rộng nhường kia!
              Sâu như biển, rộng như chiều tít tắp
              Vị biển mặn đến quá chừng mặn chát
              Hạt muối đời hai đứa cắn chung nhau

              Anh hiểu vì sao con sóng sớm bạc đầu?

              Sóng bạc đầu, biển vẫn mãi tươi xanh
              Khi đã hết cuộc đời kia vẫn thế
              Cái lúc ta chẳng được chờ nhau nữa
              Gió vẫn vào thầm thì lá thông non

              Dưới bãi xa con sóng vẫn bồn chồn
              Vẫn chờ đợi một cái gì chưa tới
              Mặt trời lên những chân trời lại mới
              Những chân trời mờ ảo tuổi thơ ngây...

              Những cánh buồm lại rẽ sóng ra đi
              Gió còn trẻ và buồm đang khao khát
              Thuyền quăng lưới như bầy chim tha rác
              Mặt biển bằng vui như mái nhà ta

              Biết nói gì trước biển quá bao la
              Trước tất cả những điều đơn giản thế!
              Anh đứng lặng nghe ngấm vào chất bể
              Tiếng sóng dào trên một bãi dương xa...
              #7
                MèoCon_LCB 11.08.2006 09:52:54 (permalink)
                Tự cảm

                Khi nghĩ suy của chúng ta chìm vào nhau
                Em vẫn không thể hình dung về anh rõ rệt
                Đôi tay khờ dại của em chạm vào kí ức
                Mùa tình yêu trổ đoá hoa vàng

                Có điều gì không rõ miên man
                Mang em tới cánh rừng trí nhớ
                Anh tự ngàn xa xưa
                Anh bây giờ
                Em cũng không biết nữa
                Ai buộc chúng mình bằng sợi chỉ
                Mong manh

                Trả cho em nỗi buồn đã thuộc về anh
                Trả cho em ngày huy hoàng đã mất
                Lá đã vàng
                Chiều như lửa đã tan
                Ôi sự thật
                Xin muôn trùng ta phục sinh nhau

                Anh ở nơi nào có nghĩa gì đâu
                Ý nghĩ về anh mạnh bằng ngàn năm ánh sáng
                Em yêu anh không cần nhớ ra mình nữa
                Ngay cả tiếng cười cũng vỡ vào anh

                Bình Nguyên Trang
                #8
                  MèoCon_LCB 11.08.2006 09:53:42 (permalink)
                  NẾU


                  Nếu có lúc vô tình anh biết
                  Đã bao lần em gọi tên anh
                  Nếu có lúc vô tình anh biết
                  Hẳn anh không ngủ giấc yên lành



                  Em đã đến và rụt rè bên cửa
                  sao tim anh vẫn khép lạnh lùng
                  Để em đứng một mình lo sợ
                  Ngẫn ngơ hoài giữa cô quạnh mông lung


                  Em vẫn biết anh không hề có lỗi
                  mà với mình em cũng có trách đâu
                  nhưng cứ muốn : giá vô tình anh biết
                  Tiêng lòng em thầm gọi suốt đêm thâu.


                  Kiều Oanh
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9