Phim Đường Xưa Mây Trắng
NuHiepDeThuong 01.07.2006 23:03:07 (permalink)
Kiệt tác "Đường Xưa Mây Trắng" tức "Theo Gót Chân Bụt" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được quay thành phim.







Hình từ trái sang phải : Đại đức Thích Pháp Ấn - Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Một vị thị giả - Ni Sư Thích Nữ Chân Không - và Một sư cô tại Festival Cannes ở Pháp hôm 23-5-2006. (AFP/Getty Images)



[CANNES / Pháp / 23.05.06 / PSTH] Doanh gia truyền thông người Ấn, ông Bhupendra Kumar Modi, sẽ thực hiện một cuốn phim về cuộc đời Đức Phật, theo tin báo Hollywood Reporter hôm Thứ Ba.

Nội dung cuốn phim nói tiếng Anh này dựa vào cốt truyện tác phẩm có tên Đường Xưa Mây Trắng hay Theo Gót Chân Bụt, của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một quyển sách được dịch ra hàng chục thứ tiếng và có số phát hành rất lớn tại Âu - Mỹ.

Ông Modi nói với báo chí tại Cannes rằng : "Tôi muốn làm phim này từ nhiều năm rồi. Tôi khám phá ra cuốn sách mới 2 năm thôi và nó biến đổi đời tôi, và tôi cảm thấy tôi phải chia sẻ hạnh phúc của tôi với thế giới."

Michel Shane, một trong những nhà sản xuất phim này, nói, "Cuộc đời Đức Phật đầy cảm hứng và là câu chuyện tuyệt vời cần được kể lại. Chúng tôi mong đợi phim này sẽ là một anh hùng ca cho các thời đại như một phim Lawrence of Arabia cộng với Gladiator."

Đây là lần làm phim đầu tiên của nhà tỷ phú người Ấn sở hữu một hí viện 8 màn ảnh ở bắc Ấn Độ. Modi hy vọng cuốn phim này sẽ được chọn để khai mạc Đại Hội Điện Ảnh Cannes 2008.

Được biết, cuốn phim sẽ được quay tại các nước như Mỹ - Nhật Bản - Trung Hoa - Thái Lan - và Ấn Độ, với kinh phí dự trù ban đầu là 120 triệu Mỹ kim, con số phá kỷ lục về chi phí cho việc sản xuất 1 cuốn phim tại Ấn Độ.

Đặc biệt, Đức Đạt Lai Đạt Ma cũng đã ban phép lành và ngài sẽ đóng vai tư vấn cho cuốn phim. Với sự tham gia các tài tử thượng thặng trong thế giới điện ảnh quốc tế.

Trong một cuộc hội kiến riêng với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông Modi bày tỏ với Thiền sư rằng ông sẽ đề nghị các tài tử sang Làng Mai thực tập sống trong Chánh Niệm theo cung cách của thiền môn vào tháng 6 sang năm. Và ông còn ngỏ ý xin được tháp tùng với Thiền sư nếu Tăng thân Làng Mai có dịp hành đạo tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Cuối cùng, Doanh gia truyền thông, tỷ phú người Ấn, Bhupendra Kumar Modi người sẽ biến Kiệt tác Đường Xưa Mây Trắng thành phim đã hỏi tác giả của nó rằng :

- Xin Thầy cho biết tôi phải trả bao nhiêu tiền cho tác quyền ?

Tác giả trả lời :

- Tôi xin được hiến tặng tác phẩm này, và không lấy của quý vị một đồng, một xu. Tôi chỉ muốn những người làm phim, các nhà văn viết kịch bản, nghệ sĩ, diễn viên, nhà tài trợ, nhà sản xuất cùng chung sống với nhau tại Làng Mai một thời gian để có đủ điều kiện lột tả hết tuệ giác của Đức Bụt qua nghệ thuật điện ảnh. Đó là món quà mà chúng ta sẽ hiến tặng cho thế hệ tương lai, là thông điệp của tình thương và sự hiểu biết. Giúp cho người trẻ đủ sức vượt qua những hận thù, bạo động, hiểu lầm, v. v... và chung sống với nhau trong tình huynh đệ.

Thật là một điều bất ngờ đầy thú vị cho nhà tỉ phú cùng phái đoàn của ông, nhất là luật sư riêng của ông Modi vốn rất là "tiền bạc". Thiền sư nói thêm :

- Trong tương lai sau khi phát hành nếu có lời, tôi chỉ xin 1% tiền lời đó để hiến tặng cho trẻ em nghèo khổ tại Ấn Độ mà thôi.

Quả là một sự kiện chưa từng có đối với ông tỉ phú Modi cũng như nhà sản xuất phim Michel Shane. Tình thương và tuệ giác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm mềm trái tim của các nhà doanh nghiệp, ông Modi tiếp lời Thiền sư :

- Thưa Thầy, vậy thì phần tôi, tôi sẽ hiến tặng 1% cho trẻ em đói khổ ngoài nước Ấn của chúng tôi, ... (ngập ngừng, xúc động) ... như Việt Nam chẳng hạn.

Thế là "Hợp Đồng" bất bình thường này đã được hoàn tất vào hôm thứ ba 23.05.2006 tại Trung tâm Festival Cannes 2006, một trong những festival điện ảnh quốc tế hàng đầu.


Phùsa Tổng hợp - 25.05.2006


Nguồn : Buddhismtoday
#1
    NuHiepDeThuong 01.07.2006 23:09:56 (permalink)
    ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG LÊN PHIM

    Thường Đức


    Đại hội Điện ảnh Cannes năm nay bất ngờ xuất hiện một phái đoàn Phật giáo Việt Nam do sư ông Nhất Hạnh dẫn đầu góp mặt để ký một hợp đồng đặc biệt. Tin vui cho Làng Mai, tin vui cho đại gia đình Phật giáo Việt Nam ở quê nhà và hải ngoại : Nhà tỷ phú kiêm kỹ nghệ gia Bhupendra Kumar Modi của đại công ty quốc tế Mcorp Global – một công ty hội tụ các lãnh vực kỹ thuật thông tin, truyền thông, nghệ thuật giải trí của Ấn Độ đã chọn lựa cuốn sách bán chạy nhất thế giới “Đường Xưa Mây Trắng” ( ‘Old Path White Clouds’ ) của tác giả Nhất Hạnh để thực hiện thành phim với phí tổn dự trù 120 triệu Mỹ kim, một phí tổn lớn nhất trong lịch sử phim ảnh của Bollywood, Ấn Độ.

    Theo bản tin của Kristina Woo/IndieWIRE và Người Phóng sự Hollywood (the Hollywood Reporter) thì “Old Path White Clouds” là tác phẩm phóng thể về cuộc đời và cái chết của Đức Phật sẽ dễ dàng thành công khi chuyển thành một truyện phim bằng Anh ngữ. Cuốn phim vĩ đại này sẽ được các nhà đạo diễn và sản xuất phim lừng danh Michel Shane và Anthony Romano thực hiện, với các minh tinh thượng thặng được chọn lựa trong các vai trò dẫn đạo. Ngài Đạt Lai Lạt Ma sẽ được Modi mời làm cố vấn, và tháng 11 sắp tới sẽ bắt đầu những cảnh quay thử theo bảng danh sách của 5 quốc gia : Hoa Kỳ, Nhật, Trung quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

    Chừng 12 năm trước, qua sự hợp tác của Modi, tài tử gạo cội kiêm đạo diễn Mira Nair phải từ bỏ dự án làm một cuốn phim về Đức Phật sau khi biết đạo diễn Ý Bernado Bertolucci sẽ cho ra đời cuốn phim “Ông Phật Nhỏ” ( ‘Little Buddha’ ), do tài tử Keanu Reeves thủ vai Tất Đạt Đa. Dự án từ đó bị treo giò cho đến gần cuối thập niên 90s, Modi lại quyết tâm thực hiện ước vọng của mình, mời hai bậc thầy về điện ảnh Deepak Chopra và Shekka Kapur nối tiếp dự án. Tài tử điện ảnh Mỹ -một Phật tử, là Richard Gere đã đồng ý sẽ góp một phần tài chính, và người ta đề nghị sẽ chọn siêu sao Brad Pitt và nữ minh tinh Aishwarya Rai giữ các vai chính. Thế rồi, cuốn phim gặp phải những chống đối từ các tổ chức của Ấn giáo. Nhưng lý do chính làm dự án cuốn phim bị đình chỉ khi ông chủ của hệ thống truyền hình Chanakya và công ty Pinjar là Chandraprakash Dwivedi - nguời đồng thuận hợp tác với dự án, không muốn chọn Shekhar Kapur làm đạo diễn cuốn phim.

    Và lần này, Bhupendra K Modi đã quyết chọn Old Path White Clouds để thực hiện cuốn phim về Đức Phật và mời sư ông Nhất Hạnh đến dự Đại hội Cannes, nhân tiện ký hợp đồng làm phim.

    Ba năm trước đây, ấn bản “Đường Xưa Mây Trắng” bằng Anh ngữ : Old Path White Clouds được phát hành và nhanh chóng trở thành ‘best-seller’ với một triệu ấn bản được bán ra ở Bắc Mỹ. Một thời gian ngắn đã được thế giới biết đến với sự yêu chuộng sau khi cuốn sách đuợc dịch ra trên 20 ngôn ngữ khác nhau. Nhà bình luận phim Arthur J. Pais ở Nữu Ước cho rằng, Old Path White Clouds là một sáng tạo tổng hợp về cuộc đời Đức Phật từ các nguồn sử liệu Pali, Sankrit và Hoa ngữ. Đó là tác phẩm dễ dàng truyền cảm với mức độ rộng rãi cho thế hệ mới. Tạp chí Library Journal nhận xét : Đây không phải là công trình mang tính học giả, nhưng nó đã diễn giải một cách chân thật "hành trình giác ngộ" của Phật Thích Ca từ những nguồn sử liệu quan trọng. Đó là cuốn sách hiện đại và tuyệt phẩm dâng tặng một nhập môn cho những ai còn mới mẻ với đề tài và cung hiến những sát-na bất chợt cho những sinh viên nghiên cứu nghiêm túc về Phật Giáo.

    Nhà tỷ phú đầy thế lực Modi tâm sự : Old Path White Clouds gợi ra những hình ảnh đơn giản về cuộc đời của Đức Phật là một liều thuốc để xoa dịu nỗi khổ đau trong thời buổi cuộc sống nhân loại bị xé nát bởi chiến tranh và ngập tràn khủng bố. Tôi muốn làm một cuốn phim về cuộc đời của Đức Phật từ nhiều năm rồi. Hai năm truớc đây, tôi đọc được cuốn sách này và đã thay đổi cuộc đời tôi, và lòng tôi dâng tràn niềm chia xẻ hạnh phúc này với thế giới. [ "Modi believes Buddha's life and his examples could ease the burden of living in our war-torn and terrorism-filled times..."; to Hollywood Reporter, Modi told: "I've wanted to do this film for several years now. I discovered the book two years ago and it changed my life, and I felt it was up to me to share my happiness with the world." ]

    Giao điểm xin chúc mừng và cảm ơn Trời Phật đã đem tin vui đến riêng cho sư ông Nhất Hạnh và tập thể Phật tử tu sĩ Làng Mai và cho đại gia đình Phật giáo Việt Nam và thế giới.

    Thursday, May 25, 2006 (Trích từ Giao Điểm)


    ___________

    Nguồn : Giao điểm
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.07.2006 23:14:29 bởi NuHiepDeThuong >
    #2
      NuHiepDeThuong 01.07.2006 23:13:49 (permalink)

      Nguồn : Buddhismtoday

      ___________________


      Thiền Sư Nhất Hạnh ký hợp đồng phim “Ðường xưa mây trắng” mà không lấy tiền bản quyền!

      Tiểu Ký (Người Việt)


      Riêng ông giám đốc sản xuất Michel Shane (từ Hollywood) và người viết phân cảnh (script writer) từ cuốn Ðường Xưa Mây Trắng sẽ phải tới Làng Mai ở hai tuần lễ để biên soạn và đưa tác giả duyệt ngõ hầu diễn tả đúng với của ý của người viết cuốn sách. Michel Shane cho báo chí biết ông muốn làm cuốn phim thành một thiên “anh hùng ca vĩ đại.” Thiền Sư Nhất Hạnh đề nghị nhóm người thực hiện cuốn phim sẽ sinh hoạt với tăng đoàn Làng Mai như một gia đình lớn, tập hạnh lắng nghe và dùng ái ngữ để thông đạt những ý kiến bất đồng nếu có. “Khi có thể hiểu nhau, thương nhau và chung sức làm phim, chúng ta mới có thể cống hiến cho thế hệ tương lai những tuệ giác của Bụt, Buddha.”



      (Michel Shane ngồi bên trái và Dr. Modi ngòi bên phải Sư Ông
      phía sau: quý thầy và quý sư cô đến tham dự)






      Mong ước của tác giả Nhất Hạnh là các tài tử có cơ hội học được hạnh đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười trong ý thức chánh niệm và đạt được một chút thực chất của hiểu biết, thương yêu thấm nhuần trong lòng họ. Như vậy, khi đóng vai Bụt hay các nhân vật chung quanh ngài, các tài tử có thể thực sự biểu lộ được uy nghi, chánh niệm và lòng từ ái, chứ không chỉ đóng “giả bộ” là diễn tả được cách hành xử của người tu (pretend to be mindful, compassionate, pretend to respect fine manners). “Mấy người viết truyện phim, đạo diễn, người điều hành v.v.. cũng cần có những phẩm chất tu tập trong họ mới có thể đóng góp về phương diện này cho công trình thực hiện cuốn phim.” Vì vậy, cả đoàn người làm phim sẽ phải vừa tu tập vừa thực hiện công tác nghệ thuật này.

      Modi rất đồng ý với Thiền Sư Nhất Hạnh về điểm này. Ông cũng có ý làm một phim về cuộc đời Ðức Phật để nhân loại nhìn vào tấm gương “từ bi trí tuệ” của ngài mà giảm được các khổ đau, bớt chiến tranh, khủng bố.

      Nhà tỷ phú Ấn Ðộ B.K. Modi đã có ý định làm một phim về Ðức Phật từ 17 năm nay, theo lời ông nói. Ông đã bái yết Ðức Ðạt Lai Lạt Ma để thỉnh ý, cũng như đã tham khảo nhiều Phật tử khác, người Ấn Ðộ cũng như người ngoại quốc. Ông đã quyết định bỏ ra 120 triệu Mỹ kim để quay cuốn phim căn cứ trên cuốn Ðường Xưa Mây Trắng, sau khi ông được đọc cuốn sách này bằng tiếng Hindi (ngôn ngữ chính của Ấn Ðộ), cách đây hai năm. Ông cho biết cuốn sách đã chuyển hóa cuộc đời ông, một người theo Ấn Giáo - Hinduism; cho nên dù gia đình ông phản đối, ông cũng nhất quyết biến cuốn sách thành một cuốn phim có “giá trị để đời”, mong giúp nhiều thế hệ tương lai biết cách sống từ bi và trí tuệ.

      Sau khi biết tác giả Thích Nhất Hạnh vẫn còn tại thế, ông Modi đã liên lạc với nhà xuất bản Paralax lấy địa chỉ và gửi một luật sư tới Làng Mai (miền Tây Nam nước Pháp) để thương thuyết về bản quyền. Thiền Sư Nhất Hạnh đã từ chối không thảo luận những con số từ nửa triệu Mỹ kim được đưa ra, nhưng tỏ ý muốn gặp người có ý làm phim. Vì vậy ông Modi đã đến gặp ông thầy trong ba ngày, từ 27 tới 29 Tháng Ba vừa qua (2006). Sau cuộc gặp gỡ, Thiền Sư Nhất Hạnh tỏ ý muốn cúng dường chư Phật, không lấy tác quyền, chỉ đề nghị ông tặng một phần tiền thu lợi (1%) giúp cho các trẻ em đói khổ của xứ Ấn. Hiểu và cảm thông sâu xa được tâm nguyện này ông Modi rất cảm động, nên đã xin được góp thêm 1% nữa vào quỹ từ thiện giúp trẻ em đói ở khắp nơi, trong đó có Việt Nam.

      Ðường Xưa Mây Trắng là cuốn sách kể chuyện đời Ðức Phật Thích Ca qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Ðó là chú bé cúng dường cỏ bồ đề cho sa môn Tất Ðạt Ða tĩnh tọa suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Nhiều độc giả Việt Nam cho rằng Ðường Xưa Mây Trắng kể chuyện đời Ðức Phật mà hấp dẫn không thua gì truyện chưởng! Các độc giả quốc tế coi đó là cuốn sách đầy phẩm chất tâm linh khiến người ta phải đọc liền, trang này sang trang khác và thấy lòng chuyển hóa.

      Xuất bản lần đầu tiên bằng Việt ngữ năm 1988, sách Ðường Xưa Mây Trắng tiếp tục thuộc vào loại sách bán chạy nhất tại Bắc Mỹ và các xứ Âu, Á khác, đã dịch ra 20 ngôn ngữ khác nhau. Tại Trung Quốc, nhà nước Cộng Sản đã cho phép in và tái bản nhiều lần cuốn sách này bằng Hoa ngữ, từ khi họ chính thức thỉnh mời Thiền Sư Nhất Hạnh qua giảng dạy cho các tăng ni từ năm 1997 và nhiều lần các năm sau đó.

      Tờ báo chuyên điểm sách Library Journal viết: “Ðó là cuốn sách tác giả viết bằng trái tim của mình, dùng các nguồn tài liệu quan trọng (bằng tiếng Phạn và tiếng Hán) về cuộc đời Ðức Phật. Văn phong mới mẻ, đầy chất thơ của ông có thể làm say mê các độc giả sơ cơ cũng như các Phật tử thuần thành...”

      Tiến Sĩ B.K. Modi từ 31 năm qua, đã được coi là một công dân thế giới sau khi cơ sở của ông thiết lập nhiều hệ thống thông tin cao cấp cho Ấn Ðộ và quốc tế. Không chỉ góp phần vào việc phát triển kinh doanh, Modi có nguyện vọng phục vụ nhân loại qua những cơ sở kinh tế chú ý tới đạo đức nghề nghiệp và phục vụ cộng đồng. Là chủ tịch hội Maha Bodhi Society và nhiều tổ chức từ thiện khác, Modi mong gây dựng niềm tự tin cho dân Ấn, đồng thời cổ võ tình huynh đệ quốc tế, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc.

      Ông Modi rất năng động trong việc cổ võ sự hợp tác giữa những người khác văn hóa, khác tôn giáo và truyền thống, mong góp phần sớm chấm dứt các bạo động của xã hội ngày nay. Ông đã tổ chức nhiều hội luận khắp thế giới về hòa bình, chân lý, từ bi và bất hại. Modi được Ðức Ðạt Lai Lạt Ma coi là một người bạn tốt của ngài. Dự án cuốn phim về cuộc đời Ðức Phật đã được ngài ban phép lành, và ngài sẽ có mặt tại Hollywood vào ngày 11 Tháng Chín năm nay, khi cuốn phim về Ðường Xưa Mây Trắng chính thức được khởi công. Modi mời tác giả tham dự buổi ra mắt sắp tới đó nhưng không chắc Thiền Sư Nhất Hạnh qua dự được vì đã hứa hướng dẫn cho một khóa tu khác tại Âu Châu trong thời gian đó.

      Là một nhà kinh doanh tỷ phú Ấn Ðộ, có tài sản khoảng 2.4 tỷ Mỹ kim, Modi muốn làm cuốn phim về cuộc đời Ðức Phật từ nhiều năm qua. Ông tuyên bố với báo Hollywood Reporter: “Sau nhiều năm nuôi ý làm cuốn phim về Buddha, nay tôi mới có thể thực hiện mộng ước của mình. Tôi tìm được cuốn Ðường Xưa Mây Trắng từ hai năm qua, cuốn sách này đã thay đổi đời tôi và nay tôi nghĩ, phải chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi với cả thế giới.” Ðược biết cuốn phim này sẽ nhắm vào lớp khán giả 15 đến 25 tuổi.

      Tuy theo Ấn Ðộ Giáo nhưng ông Modi rất kính phục Bụt Thích Ca, là nhân vật có thật trong lịch sử, một đại sư của xứ Ấn Ðộ được loài người vô cùng tôn kính. Ông Modi đã từng được nhiều nhà Phật học danh tiếng đề nghị các “kịch bản” về cuộc đời Ðức Phật, theo truyền thống Nam tông có, Bắc tông có, nhưng cho tới nay, ông mới tìm được cuốn sách ưng ý làm nền cho tác phẩm điện ảnh đầu tiên do ông sản xuất. Ðây là lần đầu tiên ông bỏ vốn làm phim và ông đã sang ở Hollywood, lập một công ty, Buddha Films.

      Thiền Sư Nhất Hạnh nói với báo chí: “Bụt có thể không vui vì bị thần thoại hóa quá nhiều trong những thế kỷ qua. Cuốn phim nầy có thể giúp ngài trở lại hình ảnh một "Con Người như chúng ta.”



      #3
        So Luu Huong 21.07.2006 01:51:39 (permalink)
        1 cuốn sách rất hay, giàu ý nghĩa kể về cuộc đời 1 cậu trai đi theo đức Thế Tôn
        Mình rất tâm đắc hình ảnh gần cuối sách kể về lúc Phật chứng ngộ, mặt đất nứt nẻ, hoa xa la rơi quanh Phật...rất tuyệt vời, nói không bút nào tả xiết chắc hơi quá nhưng trong tâm mình dâng 1 cảm xúc rất lạ
        #4
          NuHiepDeThuong 22.07.2006 04:01:13 (permalink)
          Cảm ơn SLH đã ghé qua góp ý.

          NH cũng nhận thấy quyển ĐXMT thật là xuất sắc dưới ngòi bút của Thiền sư Nhất Hạnh.

          Xuyên qua tác phẩm nầy, chúng ta nhận thấy đức Phật chỉ là một con người, nhưng với ý chí, quyết tâm mạnh mẽ muốn thoát ly sinh tử, đã chứng nghiệm quả vị Niết Bàn.

          Đoạn cuối của tác phẩm đã làm NH tốn hết hai cái khăn giấy đó SLH a.

          NH cũng trông đợi để xem phim nầy, hy vọng phim sẽ hay như quyển sách.
          #5
            honghoavi 10.08.2006 17:22:00 (permalink)


            Trích đoạn: NuHiepDeThuong

            Cảm ơn SLH đã ghé qua góp ý.

            NH cũng nhận thấy quyển ĐXMT thật là xuất sắc dưới ngòi bút của Thiền sư Nhất Hạnh.

            Xuyên qua tác phẩm nầy, chúng ta nhận thấy đức Phật chỉ là một con người, nhưng với ý chí, quyết tâm mạnh mẽ muốn thoát ly sinh tử, đã chứng nghiệm quả vị Niết Bàn.

            Đoạn cuối của tác phẩm đã làm NH tốn hết hai cái khăn giấy đó SLH a.

            NH cũng trông đợi để xem phim nầy, hy vọng phim sẽ hay như quyển sách.



            @vi cũng thấy nhw vậy, ước gì được xem phim này sớm sớm nhỉ....

            honghoavi
            #6
              Ct.Ly 22.09.2006 17:42:30 (permalink)
              #7
                NuHiepDeThuong 02.11.2006 16:22:55 (permalink)
                Nguồn : giaodiem

                Tôi đọc Đường Xưa Mây Trắng


                Trần Chung Ngọc



                Vài Lời Nói Đầu:

                Tin cuốn Đường Xưa Mây Trắng của Thầy Nhất Hạnh sắp được quay thành phim là một tin mừng, không những cho người dân Việt Nam mà còn cho cả thế giới. Cuốn phim nầy chắc chắn sẽ làm cho thế giới hiểu nhiều hơn và rõ hơn về Phật Giáo. Và từ đó, những giá trị hòa bình, nhân bản và nhân chủ của Phật Giáo sẽ soi sáng thêm cho thế giới về một trong những tín ngưỡng và lối sống đạo đức cao đẹp nhất của nhân loại.
                Phật Giáo đang phát triển trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Âu Mỹ, nơi đây Phật Giáo đi vào một cách nhẹ nhàng, hiền hòa, với những bước chân vững trãi và thảnh thơi. Hy vọng cuốn phim sẽ mang lại thêm nhiều lợi ích cho mọi người trên thế giới, thế giới bớt đi hận thù và chiến tranh, kỳ thị sắc tộc, tôn giáo v..v….
                Tuy nhiên, cuốn phim có lột được hết những giáo lý sâu sắc của Đức Phật được Thầy Nhất Hạnh trình bày trong cuốn sách hay không lại là chuyện khác. Cách đây mười mấy năm, tôi đã đọc bộ Đường Xưa Mây Trắng ba tập khổ nhỏ do nhà xuất bản Lá Bối xuất bản.
                Bài giới thiệu sau đây về cuốn Đường Xưa Mây Trắng là bài tôi đã giới thiệu cùng các bạn trẻ trên diễn đàn điện tử SCV [Soc.Culture.Vietnamese] cách đây đã mười năm, năm 1996.
                Có nhiều điều tôi muốn thêm nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi lại thấy không cần thiết phải thêm bớt gì vào nội dung bài giới thiệu nầy.

                TCN



                Giới Thiệu Cùng Các Bạn Trẻ Cuốn Đường Xưa Mây Trắng Của Thầy Nhất Hạnh (1996)



                Tôi đã đọc cuốn Đường Xưa Mây Trắng (ĐXMT) ba lần. Lần đầu tôi đọc phớt như đọc truyện. Lần thứ 2, tôi đọc chậm hơn và để ý tới cách bố cục, xếp đặt chương mục, mạch lạc trong các tư tưởng, và lần thứ ba, vừa đọc vừa nghiền ngẫm, suy nghĩ về nội dung và cố ý tìm hiểu ý giữa các hàng chữ.

                Từ mấy năm nay tôi đã có ý định viết một bài về cuốn nầy, nhưng mỗi khi cầm tới bút hoặc ngồi trước màn huỳnh quang của máy điện toán, tôi lại thấy ngần ngại: Tôi có thể viết gì về cuốn sách nầy? Làm sao tôi có thể trình bày những cảm nghĩ trung thực của tôi? Nhưng sau cùng bài nầy cũng đã thành hình, có thể do nghiệp viết của tôi đưa đẩy, cũng có thể do một duyên nào đó, nhưng phần chính là vì tôi nghĩ rằng: tôi không nên tham lam giữ làm của riêng những cái hay, cái đẹp của Phật Giáo nói riêng, của nhân loại nói chung, mà có bổn phận chia xẻ, truyền bá chúng cho những người khác.

                Với chủ ý trên, tôi chân thành giới thiệu cùng quí bạn đạo cuốn ĐXMT của thầy Nhất Hạnh, vì về cuốn nầy, tôi có thể đưa ra không chút dè dặt một nhận xét tổng hợp ngắn: đây là một "tuyệt phẩm" mà mọi Phật tử, Tăng cũng như tục, đều nên đọc, vì cốt tủy của Phật Giáo được gói trọn trong đó, vì những cái hay cái đẹp nhất của Phật Giáo cũng ở trong đó, và nhất là, chính chúng ta cũng có mặt trong đó.

                Cuốn ĐXMT gồm 3 tập, 80 chương, hơn 1000 trang giấy. Với lối hành văn nhẹ nhàng, trong sáng, giản dị nhưng rất sống động và gợi cảm, tác giả đã đưa chúng ta về một bối cảnh lịch sử xa xưa, cách đây hơn 2500 năm, khi Bụt (Thầy Nhất Hạnh ưa dùng danh từ Bụt, nghĩa là người tỉnh thức (Buddha), thay vì dùng danh từ quen thuộc là Phật) còn tại thế, và dẫn chúng ta đi theo vết chân Bụt, từ ngày Đản sanh tới khi nhập Niết Bàn. Nhưng đây không phải là một cuốn tiểu sử Đức Phật như những cuốn tiểu sử khác, kể lại cuộc đời đức Phật theo thứ tự thời gian một cách tẻ nhạt, tuần tự nhi tiến. Tác giả đã dùng một cách bố cục đặc biệt, trình bày trước những việc xảy ra sau, rồi dùng kỹ thuật hồi chớp (flashback) để xen vào những việc xảy ra trước mà vẫn không mất tính chất liên tục và mạch lạc tư tưởng. Cách xếp đặt nầy có thể nói là làm cho độc giả không nhàm chán, mà trái lại, lại cảm thấy hấp dẫn, say mê và phải chú tâm nhiều hơn. Nhưng điểm đặc biệt hơn cả là tác giả đã dùng tiểu sử đức Phật để trình bày trọn vẹn giáo lý căn bản của Người, hay nói đúng hơn, phần giáo lý mà tác giả đã thuyết giảng truyền bá trong nhiều năm.

                Trình bày giáo lý của đức Phật thì đã có rất nhiều người, xuất gia cũng như tại gia, làm rồi. Nhưng trình bày Phật Pháp, ngay cả những vấn đề khúc mắc nhất trong đó, một cách trong sáng giản dị, dễ hiểu, thoải mái, tự nhiên như trong ĐXMT thì phải nói là, theo như tôi biết, chưa có ai, kể cả những học giả, đạo sư, cư sĩ nổi tiếng như Thomas Cleary, Edward Conze, Christmas Humphreys, Alan Watts, Louis de la Valée Poussin, Theodore Stcherbatsky, D.T.Suzuki, Lu K'uan Yu, Philip Kapleau v..v.. làm được như thầy Nhất Hạnh.
                Điều nầy cũng dễ hiểu, vì cách diễn đạt tư tưởng của một người đã hội nhập những Kinh điển Phật Giáo hiển nhiên phải khác những người hiểu Phật Giáo qua những khảo cứu thuần trí thức, hoặc qua vài ba kinh nghiệm bản thân. Phải là một người đã thể nhập giáo Pháp cộng với một bộ óc phong phú của một nghệ sĩ mới có thể suy diễn nghệ thuật chăn trâu (chương 2) cùng hình ảnh một khúc gỗ đang dật dờ trôi trên sông (chương 63) thành những tiêu chuẩn tu học cho người xuất gia; và đây chính là điểm làm tôi ngưỡng mộ và cảm phục tác giả dù cho tới ngày nay, tuy mong muốn, tôi vẫn chưa có cơ duyên gặp Người để học hỏi.

                Đọc ĐXMT không những chúng ta biết được tường tận cuộc đời đức Phật, những giáo lý căn bản của Người, mà còn biết được tình trạng xã hội Ấn Độ khi Phật còn tại thế. Nếp sống của đức Phật và các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Người hồi bấy giờ đã được mô tả thật là đẹp, quá đẹp, làm người đọc không khỏi bâng khuâng nuối tiếc khi nhìn vào hiện tình Phật Giáo nói chung, Phật Giáo Việt Nam nói riêng. Phải chăng không có gì thoát khỏi định luật vô thường? Nhưng nếu chính định luật vô thường cũng vô thường thì hiển nhiên chúng ta phải hy vọng và tin tưởng vào sự hưng khởi của Phật Giáo. Có thể sau một chu kỳ biến đổi, Phật Giáo sẽ lại trở về với giá trị tinh thần như thời Phật còn tại thế, tuy bề ngoài vật chất có nhiều thay đổi.

                Có thể nói mỗi chương trong ĐXMT là một bài thuyết pháp dưới dạng một câu chuyện nhỏ, một ký ức, một cảnh sinh hoạt v.. v.. Những bài thuyết pháp nầy trình bày khá đầy đủ những giáo lý căn bản Phật giáo, và dư đủ những chủ đề tu tập cho cả hai giới xuất gia và tại gia.
                Chúng ta sẽ thấy trong ĐXMT có đầy đủ những giáo lý căn bản quen thuộc như Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Vô Lượng Tâm, Bát Chánh Đạo, Vô Ngã, Vô Thường, Tính Không của Vạn Pháp, Nguyên Lý Tương Duyên, Tương Tức v..v.. cùng các phương pháp tu tập khác không kém phần quan trọng.
                Nếu chúng ta đã từng quen thuộc với những tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh thì chúng ta có thể thấy trong ĐXMT Thầy Nhất Hạnh đã gói ghém, xếp đặt khéo léo phần lớn Kinh sách đã xuất bản của Thầy, và đặt trọng tâm trên 2 chủ đề: Chánh Niệm và Tỉnh Thức, vì theo tác giả thì "Chánh Niệm là con đường duy nhất để thực hiện giải thoát và giác ngộ" và bí quyết của Chánh Niệm là "sống tỉnh thức từng giây từng phút" (Chương 18, trang 188-189).

                Từ bao giờ tôi vẫn cho rằng sách viết về đức Phật và Phật Pháp không phải để đọc chơi cho biết, vì cái biết để mà biết nầy, quả thực vô dụng nếu chúng ta không cố tâm học hỏi, tu tập để mang cái biết ra chứng nghiệm vào chính bản thân. Tùy theo khả năng mỗi người, chỉ cần có tâm học hỏi, chúng ta có thể học được rất nhiều khi đọc ĐXMT.
                Văn tự thế gian quả là hạn hẹp, thiếu sót. Tôi chỉ có vài lời ngắn ngủi để giới thiệu cùng bạn đọc một cuốn sách mà tôi cho rằng mọi Phật tử đều nên đọc, phải đọc. Đọc để mở mang kiến thức về Phật giáo cùng để hội nhập một lý tưởng cao đẹp nhất của nhân loại. Tôi không có cách nào dùng văn tự để truyền những cảm nghĩ của tôi cho người khác. Tôi cũng không trích dẫn những đoạn hay, có rất nhiều đoạn hay, trong ĐXMT vì tôi muốn để quí bạn tự mình đi vào thế giới của một tuyệt phẩm.
                Tuy nhiên, theo tôi thì có thể bạn sẽ thấy ĐXMT hay hơn nếu bạn đã ít nhiều quen thuộc với những tác phẩm đã xuất bản của Thầy Nhất Hạnh. Một số tác phẩm của Thầy đã được dịch ra tiếng Anh, nên đối với những bạn trẻ có đôi chút khó khăn khi đọc tiếng Việt hoặc cảm thấy tiếng Anh "sáng sủa" hơn, tôi đề nghị hãy đọc những cuốn sau đây trước khi đọc ĐXMT:

                - Trái Tim Mặt Trời. - The Sun My Heart
                - Từng Bước Nở Hoa Sen, Thi Kệ Nhật Dụng. Present Moment Wonderful Moment.
                - Kinh Quán Niệm Hơi Thở. - Breath! You are Alive.
                - Kinh Người Biết Sống Một Mình (Bản Làng Cây Phong xuất bản) - Our Appointment With Life.
                - Thiền Hành Yếu Chỉ. - Walking Meditation.


                Các bản tiếng Anh trên, cùng nhiều cuốn khác, và bản dịch cuốn ĐXMT - Old Path White Clouds - đều có bán ở các tiệm sách lớn như Borders và Barnes & Noble.


                Truyện Đường Xưa Mây Trắng - thư viện VNTQ

                http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237ntn1n4nmn31n343tq83a3q3m3237nvn
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9