Tổ Chức Y Tế Thế Giới: WHO
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 22 trên tổng số 22 bài trong đề mục
HongYen 23.01.2008 21:14:54 (permalink)



Đài Loan không được tham dự các cuộc họp y tế của WHO



21/01/2008



Đài Loan bị ngăn cản không được tham dự những cuộc họp về các vấn đề y tế quan trọng của Tổ chức Y Tế Thế Giới do áp lực từ phía Trung Quốc. Bộ trưởng y tế Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế giới đã ký một biên bản ghi nhớ năm 2005.
 
Phía Đài Loan nói rằng theo thỏa thuận này, tất cả những vấn đề y tế có liên quan đến Đài Loan đều phải thông qua Trung Quốc, rồi Trung Quốc sẽ thông báo cho Đài Loan. Chính phủ Đài Loan nói rằng thủ tục hành chính rườm rà như vậy có thể làm mất thời giờ và chậm trễ cả tháng trời.
 
Theo người đứng đầu ngành y tế Đài Loan thì đến lúc đó có thể là đã quá muộn. Chủ tịch Liên Hội các Nhà Chuyên Nghiệp ngành Y tại Đài Loan, ông Wu Shu-Min đang có mặt tại Geneve để báo động cho cộng đồng thế giới về những mối nguy do gạt bỏ Đài Loan ra ngoài lề những vấn đề y tế toàn cầu.
 
Ông nói với đài VOA rằng đây là vấn đề về an toàn sức khỏe và quyền về y tế, chứ không phải là một vấn đề chính trị.
 
Bác sĩ Wu nói rằng Đài Loan biết rằng nếu thông qua con đường này thì trong trường hợp có chuyện gì xảy ra, nhất là như hiện tại với bệnh cúm gia cầm, là điều không tránh khỏi, thì hệ thống báo cáo, thông tin này sẽ phải rất minh bạch và cởi mở. Hệ quả của biên bản ghi nhớ này khiến cho Đài Loan không thể tham gia được các cuộc họp có tính cách kỹ thuật đối với bệnh cúm gia cầm.
 
Cụ thể như hồi tháng 9, Đài Loan nhập khẩu bắp non từ Thái Lan. Sản phẩm này có thể đã bị nhiễm một loại vi trùng gây bệnh đường ruột. Nhưng ông cho biết Trung Quốc không hề thông báo cho Đài Loan, cho đến 10 ngày sau khi Đài Loan được tổ chức Y Tế Thế Giới thông báo cho biết.
 
Ông cho biết Đài Loan quả là may mắn vì lứa bắp non mà Đài Loan nhập khẩu không bị nhiễm khuẩn. Ông nói thêm có thể là lần tới Đài Loan sẽ không được may mắn như vậy.
 
Ông nêu lên rằng nếu như Đài Loan không được thông báo kịp thời về mối đe dọa của một chứng bệnh thì Đài Loan không thể nào có hành động để kịp phòng ngừa hầu chặn đứng cho bệnh khỏi lan sang các quốc gia khác.
Ông nói vì thế nếu có bệnh gì xảy ra trong tương lai thì nó sẽ nhanh chóng lan tràn sang các nước khác, nhất là các quốc gia láng giềng. Nhưng với việc đi lại trên khắp thế giới diễn ra thường xuyên thì chứng bệnh ấy sẽ có ảnh hưởng thực sự đến bất cứ nơi nào có chuyến bay trực tiếp hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến việc di chuyển. Ông Wu cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ phải chịu hậu quả nếu không giúp cho Đài Loan được trực tiếp tham gia vào tổ chức Y Tế thế giới.
 
Theo lời bác sỹ Wu thì dân số Đài Loan là 23 triệu. Khi xét tới vấn đề y tế thì cộng đồng thế giới tự đặt mình vào một hiểm họa khi quay mặt làm ngơ không đếm xỉa đến Đài Loan.
 
http://www.voanews.com/vietnamese/2008-01-21-voa6.cfm
#16
    HongYen 07.02.2008 04:46:30 (permalink)
    Ngày Ung Thư Thế Giới
    04/02/2008
     

    Các cơ quan y tế quốc tế cho hay thế giới sắp sửa rơi vào một đại dịch ung thư toàn cầu. Các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy: trong năm 2005, có 7 triệu 600 ngàn người thiệt mạng vì bệnh ung thư. Họ dự báo rằng số người chết vì ung thư và những ca bệnh ung thư sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới, nếu các nước đang phát triển không nhanh chóng có hành động để ngăn chận tệ nạn hút thuốc lá và điều trị cho bệnh nhân. Từ trụ sở chính của Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneve, thông tín viên Lisa Schlein gởi về bài tường thuật sau đây nhân Ngày Ung Thư Thế Giới mùng 4 tháng hai. 
     






    Diễu hành kỷ niệm Ngày Ung Thư Thế Giới ở Mexico City. Các số liệu của WHO cho thấy trong năm 2005, ung thư đã cướp đi sinh mạng của 7 triệu 600 ngàn người Những đoạn phim quảng cáo thuốc là vốn rất thịnh hành ở Mỹ trong những năm trước, giờ đây đã không còn được cho phép thực hiện. Những lệnh cấm tương tự cũng đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia công nghiệp giàu có.
     
    Ông Peter Boyle, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, nói rằng cần ra sức ứng phó với nạn hút thuốc lá.
     
    Ông Boyle nói: "Hút thuốc lá quả thực là một vấn đề lớn mà chúng tôi đang phải đối phó trong lãnh vực y tế công cộng vào thời điểm này."
     
    Ông Boyle cho biết thêm rằng ung thư là một vấn đề có tầm cỡ thế giới, và các nước đang phát triển cùng với các quốc gia công nghiệp tân hưng là nơi mà các ca bệnh ung thư gia tăng với tỉ lệ cao nhất. Đây cũng là những nơi được dự kiến sẽ xảy ra hơn 70% các ca tử vong vì ung thư.
     
    Theo ông Boyle, những người hút thuốc lá - cũng như những người hút tẩu và xì gà, có nhiều rủi ro mắc các chứng ung thư phổi, dạ dày, thận, tử cung, và máu.
     
    Ông Boyle nói: "Nếu xu thế hút thuốc hiện nay không thay đổi, chúng ta có thể dự kiến 150 triệu ca tử vong liên quan tới thuốc lá trong 25 năm đầu của thế kỷ này. Từ năm 2025 đến năm 2050, tác động của nạn hút thuốc bắt đầu trong nửa sau của thế kỷ 20 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình sẽ bắt đầu hiện rõ, và chúng tôi dự kiến sẽ có đến 300 triệu ca tử vong trong thời kỳ này. Nếu xu thế này vẫn tiếp tục, số người chết vì thuốc lá trong nửa sau của thế kỷ 21 sẽ lên tới 500 triệu người."
     
    Các chuyên gia cho hay: từ 20 đến 30 năm sau khi hút thuốc bệnh ung thư mới phát. Vì số người ở các nước đang phát triển bắt đầu nghiền thuốc lá khoảng vài thập niên sau khi hiện tượng này xuất hiện ở các quốc gia phát triển, cho nên số tử vong vì ung thư ở các nước này chưa tỏ lộ hoàn toàn.
     
    Ông Boyle cho biết rằng có một yếu tố đáng phấn khởi là vẫn còn đủ thời giờ để ngăn chận những ca tử vong đó.
     
    Ông Boyle nói: "Việc ngưng hút thuốc làm giảm thiểu mối rủi ro mà quí vị đã có qua việc hút thuốc. Và càng bỏ thuốc lâu chừng nào thì sự giảm thiểu rủi ro càng nhiều chừng đó và càng tiến gần tới mức độ của một người cả đời không hề hút thuốc."
     
    Tổ chức Y tế Thế giới cho biết 1/3 các ca bệnh ung thư là có thể ngăn ngừa được và 1/3 tất cả các chứng bệnh ung thư là có thể chữa trị, nếu được phát giác sớm. Họ nói thêm rằng xạ trị là cách chữa trị có hiệu quả và có chi phí vừa phải đối với 50% các bệnh nhân ung thư.
     
    Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế - một cơ quan của Liên hiệp quốc chuyên theo dõi các hoạt động hạt nhân, đang tham gia một kế hoạch có tên 'Chương trình Nguyên tử phụng sự Hòa bình' để hỗ trợ cho các nước trên thế giới trong lãnh vực điều trị bằng bức xạ. Tuy nhiên, theo ông Massoud Samiel, Giám đốc Chương trình Xạ trị Ung thư của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, thế giới hiện nay còn thiếu hơn 5 ngàn máy xạ trị, và hầu hết những người ở các quốc gia đang phát triển cần tới cách điều trị này không có cơ hội tiếp cận với các máy đó.
     
    Ông nói thêm như sau: "Tình trạng thiếu đầu tư cho việc chẩn đoán và phát giác sớm cũng mang lại một hậu quả là các bệnh nhân đến chữa trị quá trễ. Vì vậy, ngay cả trong trường hợp có máy xạ trị người ta cũng khó lòng được cứu sống. Vì không có các chương trình kiểm tra, không có các chương trình phát giác sớm, cho nên khi người bệnh tới được các trung tâm xạ trị thì thường là quá trễ."
     
    Ông Samiel nói rằng khi bệnh ung thư bước vào thời kỳ cuối thì nhân viên y tế chỉ còn một cách duy nhất đểø giúp cho bệnh nhân là làm giảm bớt sự đau đớn của họ mà thôi.
     
    Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế dang thực hiện các dự án thí điểm tại Albanie, Nicargua, Sri Lanka, Tanzania, Việt Nam và Yemen. Mục tiêu của cơ quan này trong vòng 3 tới 5 năm sắp tới là giúp cho các quốc gia vừa kể xây dựng các chương trình cấp quốc gia để phòng ngừa và chữa trị ung thư.
     
    Liên minh Quốc tế Chống Ung thư là một trong các tổ chức tham gia chương trình này. Năm nay, họ cũng sẽ phát động một chiến dịch toàn cầu để tạo ra cho trẻ em những môi trường sống không có khói thuốc lá. Giám đốc Liên minh Quốc tế Chống Ung thư, bà Isabel Mortara cho biết: việc phô nhiễm với khói thuốc lá, bất kỳ là ở mức độ nào, cũng là một điều rất nguy hại.
     
    Bà Mortara nói: "Có khoảng 700 triệu trẻ em trên thế giới thường xuyên phải hít khói thuốc. Các em này bị phô nhiễm với những sự nguy hại nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm tình trạng sinh thiếu cân, suyễn, sưng cuống phổi, viêm phổi... Một cuộc nghiên cứu mới đây cũng cho thấy xác xuất trở thành người nghiện thuốc lá ở các em lớn lên trong những gia đình có người hút thuốc lá cao gấp đôi những em bé mà cha mẹ không hút thuốc."
     
    Theo bà Mortara, có nhiều người, kể cả những người làm nghề bác sĩ và y tá, không nhận thức đầy đủ về sự nguy hại của nạn hít phải khói thuốc lá từ người khác, thường được gọi là 'hút thuốc bị động'. Bà nói rằng các nhân viên y tế và những người hoạch định chính sách cần phải được giáo dục về mối đe dọa này, ngõ hầu họ có thể thực hiện những hành động cần thiết để giảm bớt số người chết vì ung thư trên thế giới.

     
    http://www.voanews.com/vietnamese/2008-02-04-voa37.cfm
    #17
      HongYen 22.04.2008 10:49:09 (permalink)




      NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH, DVM . Việt Báo Thứ Bảy, 4/19/2008, 12:02:00 AM
       
       
      Nên Thay Đổi Cách Sống Để Sống Khỏe, Sống Thọ... 
       









      Thể dục là cần thiết


      Ngành y tế của các quốc gia kỹ nghệ nói chung đang đối đầu thường xuyên với tình trạng cần phải gia tăng ngân sách sức khỏe một cách liên tục.
       
      Để giải thích, các nhà khoa học cho biết rằng, có thể có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chẳng hạn như sự kiện con người càng ngày càng sống lâu hơn xưa, cho nên càng về già thì bệnh tật cũng phải nhiều hơn so với lúc trước...
       
      Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và US Surgeon General, có đưa ra nhận xét đáng cho chúng ta suy nghĩ... Hai tổ chức này cho biết, là sự kiện con người càng ngày càng thọ, sống dai hơn xưa hay lão hóa tốt chỉ là một trong nhiều lý do mà thôi, nhưng thật ra nó không đóng một vai trò đáng kể trong vấn đề làm gia tăng y tế phí.
       
      Chính cách sống của chúng ta mới thật sự là vấn đề cần phải được mọi người quan tâm đến.
       
      Những số liệu mới nhất của Tổ chức y tế Thế giới cho thấy, thì những bệnh thường hay gặp trong dân gian như bệnh tiểu đường type II, bệnh béo phì, bệnh cao máu, những bệnh về mạch vành và một vài loại bệnh cancer thường được xem như là những bệnh có liên hệ mật thiết tới cách sống của chúng ta, thí dụ như ù lì thiếu vận động, dinh dưỡng không đúng, lạm dụng thuốc lá và lạm dụng rượu. Chỉ riêng bốn nguyên nhân vừa kể cũng đủ làm gia tăng ngân sách y tế của Hoa kỳ lên hơn 60% một năm.
       
      Cơ quan The Center for Disease Control and Prevention gần đây có đưa ra một phúc trình không mấy lạc quan cảnh giác mọi người về vấn đề béo phì và dư cân do việc ăn uống không cẩn thận, không đúng phép dinh dưỡng cộng thêm sự thiếu vận động có thể sẽ trở nên những nguyên nhân chính của tử vong tại Hoa kỳ.
       
      Riêng trong khoảng muời năm từ 1990 đến 2000, chỉ riêng hai nguyên nhân vừa kể cũng đã làm tăng tổng số tử vong từ 14 lên 16,6%. Đây là một sự gia tăng mạnh nhất trong số tất cả nguyên nhân gây tử vong tại Hoa Kỳ.
       
      Nói rõ ra là không phải chỉ có vi khuẩn mới hại chúng ta, nhưng quan trọng hơn thế nữa là chính cách sống của chúng ta đã giết chúng ta.
      Theo các nhà khảo cứu của Harvard Medical School cho biết, phản ứng thường tình của các bác sĩ trước một dịch bệnh mạn tính (bắt nguồn từ tình trạng béo phì chẳng hạn), là họ tìm cách đem áp dụng các kỹ thuật tân kỳ nhất về chẩn đoán và trị liệu nhằm mục đích ổn định những khía cạnh lâm sàng quá rõ rệt.
       
      Đây có nghĩa là trị ngọn chớ không trị tận gốc của vấn đề.
      Nghiên cứu đã cho biết có sự liên quan mật thiết giữa một nếp sống thiếu vận động với sự xuất hiện của những bệnh mạn tính tại các quốc gia kỹ nghệ.
      ...The reaction of the biomedical establishment to the epidemic which has primarily been to apply modern technologies to stabilize overt clinical problems (e.g., secondary and tertiary prevention). Because this approach  has been largely unsuccessful in reversing the epidemic, we argue that more emphasis must be placed on novel approaches such as primary prevention, which requires attacking the environmental roots of these conditions. In this respect, a strong association exists between the increase in physical inactivity and the emergence of modern chronic diseases in 20th century industrialized societies...
      Thật vậy, một trong nhiều phương cách phòng ngừa cấp một có thể bắt đầu bằng việc cho tăng thêm giờ thể dục tại các trường tiểu học và trung học.
      Được vậy, nếp sống của giới trẻ sẽ được cải thiện tốt đẹp thêm hơn và sẽ giúp các em có một thói quen trở nên linh động hơn trong đời sống.
      Đây cũng là ý kiến của Tổ chức Y Tế Thế Giới, đã khuyến cáo ngành giáo dục về sự lợi ích của việc cần phải cho tăng thêm giờ thể dục tại các học đường./.
      Tham khảo:
      Frank W Booth et als: waging war on modern chronic diseases: primary prevention through exercise biology; J. Appl. Physiol vol.88,issue 2,774-787,Feb 2000.
       
      http://jap.physiology.org/cgi/content/abstract/88/2/774
       
      Montreal, April 18, 2008



       NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH, DVM
       
      http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=127027
      #18
        HongYen 01.06.2008 22:49:02 (permalink)



        WHO yêu cầu cấm tất cả các hình thức quảng cáo thuốc lá


        01/06/2008



        Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO kêu gọi các chính phủ các nước cấm quảng cáo thuốc lá. Mục đích của việc này là để bảo vệ cho giới thanh thiếu niên không rơi vào thói ghiền thuốc mà theo tổ chức quốc tế này thì đó là nguyên nhân có thể sẽ gây ra hàng tỉ trường hợp chết sớm của trong thế kỷ này. Tổ chức của Liên hiệp quốc đưa ra lời kêu gọi này trong Ngày Thế Giới không hút thuốc. Thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật từ trụ sở WHO ở Geneve sau đây.
         






        Cấm hút thuốcWHO nói rằng các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy các hình ảnh quảng cáo thuốc lá càng được phô bày ra trước mắt giới trẻ nhiều chừng nào, thì có phần chắc họ sẽ càng bắt đầu hút thuốc sớm chừng ấy và càng ít có thể bỏ được thói quen này.
         
        Theo các quan chức WHO thì mặc dù như vậy chỉ có 5% dân số thế giới tiếp cận với các chương trình cấm quảng cáo, khuyến mại và bảo trợ thuốc lá.
         
        Bác sĩ Douglas Bettcher, Giám đốc đặc trách về Sáng kiến Không Hút thuốc của WHO, nói rằng 95% dân số còn lại nhìn thấy nhan nhản các hoạt động tiếp thị của công nghiệp thuốc lá.
         
        Ông Bettcher nói: "Công nghiệp thuốc lá vẫn tiếp tục phổ biến sản phẩm độc hại này. Các công ty thuốc lá chi ra hàng chục tỉ đôla để tiếp thị sản phẩm của họ, và hàng chục tỉ đôla một năm, trên khắp thế giới, để phát triển nghiên cứu và tiếp thị thuốc lá đến giới trẻ, nhất là trong các nước đang phát triển."
         
        WHO nói rằng phần lớn những người hút thuốc bắt đầu hút trước tuổi 18, và hầu như 1 phần 4 trong số này bắt đầu hút trước 10 tuổi. WHO nói rằng các công ty sản xuất thuốc lá nhắm thu hút giới trẻ bằng cách liên kết một cách giả dối, sản phẩm này với các đức tính như vẽ quyến rũ, năng lực và sự khêu gợi.
         
        Bác sĩ Bettcher nói rằng công nghiệp thuốc lá quảng cáo sản phẩm này trong phim ảnh, trên Internet, trong các tạp chí thời trang, trong các buổi hòa nhạc và các cuộc tranh tài thể thao nhằm lôi cuốn giới trẻ sử dụng sản phẩm của họ.
         
        Ông nói rằng công nghiệp này còn biến giới trẻ thành những bảng quảng cáo biết đi. Ở nơi nào các công ty này không thể quảng cáo, thì họ cho in các biểu tượng thuốc lá trên các đôi giày ống, áo sơ mi và các đồ dùng cá nhân khác.
         
        Theo ông thì thành phần phụ nữ trẻ và thiếu nữ đặc biệt có nguy cơ bị nhắm vào và bị rơi vào bẫy bởi các kỹ thuật tiếp thị rất năng động này.
        Ông Bettcher nói: "WHO đề nghị cấm toàn bộ các hình thức quảng cáo, vì nếu như cấm tất cả các hình thức quảng cáo tiếp thị và các chương trình bảo trợ của công nghiệp thuốc lá thì chắc chắn số tiêu thụ sản phẩm này sẽ giảm. Có những bằng chứng cho thấy các nước đề ra lệnh cấm, cưỡng bách thi hành và bảo đảm là tất cả các công ty thực thi các lệnh cấm này, thì số tiêu thụ thuốc lá giảm 16% so với các nước không áp dụng các lệnh cấm như vậy."
         
        WHO nói rằng mỗi năm trên thế giới khoảng 5,4 triệu người chết sớm vì các chứng bệnh liên quan đến hút thuốc lá, 70% trong số này là ở các nước đang phát triển. Và tổ chức này dự trù số tử vong sẽ tăng lên 8,3 triệu vào khoảng năm 2030.
         
        WHO cảnh báo rằng nếu đà hút thuốc như hiện nay cứ tiếp tục thì trong thế kỷ này có thể có đến 1 tỉ người chết vì các chứng bệnh liên quan đến hút thuốc lá.
         
        http://www.voanews.com/vietnamese/2008-06-01-voa5.cfm
        #19
          HongYen 20.10.2008 11:53:10 (permalink)



          WHO kêu gọi các nước áp dụng chính sách chăm sóc sức khỏe cơ bản


          14/10/2008










          Tổ chức Y tế thế giới, gọi tắt là WHO, kêu gọi chính phủ các nước chấp thuận các chương trình chăm sóc y tế cơ bản và bảo hiểm y tế đồng bộ như là các phương sách tốt nhất để cải thiện sức khỏe và cứu nhiều mạng sống.

          Bản phúc trình hằng năm WHO đưa ra hôm nay cũng kỷ niệm năm thứ 30 của Hội nghị Alma-Ata, là hội nghị đã đưa vấn đề chăm sóc y tế cơ bản vào trong nghị trình chính trị Thế giới.

          Một giới chức cao cấp của WHO, Trợ lý tổng giám đốc đặc trách nghiên cứu dữ kiện và thông tin Timothy Evans, cho biết bối cảnh y tế trên thế giới trong 30 năm qua nói chung là có tiến bộ.

          Theo ông Evan, nếu trẻ em chết ở tỷ lệ như năm 1978, thì sẽ có 16,2 triệu em chết trên toàn cầu vào năm 2006. Trên thực tế chỉ có 9,5 triệu em tử vong.

          Ông Evans cũng nói rằng chăm sóc y tế cơ bản thích hợp nhất để đối phó với một loạt nguy cơ mới liên hệ tới các chứng bệnh kinh niên ngày nay.

          Bản phúc trình nói rằng những cách biệt về tuổi thọ giữa các nước giàu nhất và các nước nghèo nhất nay vượt quá con số 40 năm.

          Bản phúc trình cũng cho biết 60 triệu phụ nữ trên toàn cầu sẽ sinh con trong năm nay mà không được sự trợ giúp y tế nào.

          http://www.voanews.com/vietnamese/2008-10-14-voa39.cfm
          #20
            Như Ý P 08.12.2008 07:52:00 (permalink)

            WHO công bố giới hạn an toàn của melamine
            06-12-2008 23:53:08 GMT +7

            Trước những lo ngại trong cộng đồng quốc tế ngày càng tăng liên quan tới vụ bê bối thực phẩm “bẩn” chứa melamine ở Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5-12 đã công bố giới hạn an toàn của việc sử dụng hóa chất công nghiệp này trong thực phẩm.
             
            WHO biết “Mức hấp thụ hằng ngày cho phép” (TDI) đối với melamine là 0,2 mg/kg thể trọng. Điều này có nghĩa là một người nặng 50 kg có thể hấp thụ 10 mg melamine mỗi ngày. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh melamine “không nên có trong thực phẩm”, mặc dù một dư lượng nhỏ đôi khi không thể tránh khỏi.
            Tr. Đ

            http://www.nld.com.vn/tintuc/suc-khoe/248307.asp
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.12.2008 07:54:43 bởi Như Ý P >
            #21
              Như Ý P 20.12.2008 09:05:25 (permalink)



              WHO: Luật mũ bảo hiểm của VN cứu hàng ngàn sinh mạng


              15/12/2008


              Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho hay đạo luật của Việt Nam buộc phải mang nón bảo hiểm đã cứu được hơn 1,000 sinh mạng kể từ khi được ban hành một năm trước đây. Tuy nhiên, theo tổ chức vừa kể, đạo luật này vẫn còn nhiều kẽ hở cần được hoàn chỉnh.







              Tổ Chức Y Tế Thế Giới đang làm việc với chính phủ Việt Nam trong việc soạn thảo luật lệ phạt người lớn chở trẻ em nhưng không đội mũ bảo hiểm cho các em
              Hôm thứ Hai đánh dấu một năm ngày ban hành đạo luật buộc mọi người đi xe gắn máy đội nón bảo hiểm.

              Thông tấn xã AP trích đăng lời tuyên bố của Tổ Chức Y Tế Thế Giới dựa vào một phúc trình của Ủy Ban An Toàn Giao Thông cho hay trong năm vừa rồi số tử vong vì tai nạn xe cộ ít đi chừng 1,400 người, và số người bị thương nặng cũng giảm đi 2,200 người, so với cùng thời gian này của một năm trước đó.

              Gần 13,000 người chết vì tai nạn lưu thông năm ngoái, trong đó đa số xảy ra trong nhũng tai nạn có dính líu tới xe gắn máy, phương tiện lưu thông phổ thông nhất tại Việt Nam.

              Trong bản tuyên bố, ông Jean-Marc Olive, đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Việt Nam, nói rằng nhờ đạo luật bó buộc mang nón bảo hiểm mà có thêm nhiều người bảo toàn được mạng sống để đón Tết với gia đình.

              Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng ca ngợi chính phủ Việt Nam trong việc cho phép cảnh sát phạt những người đi xe gắn máy nhưng không cài nón bảo hiểm đúng cách.

              Tổ chức này đang làm việc với chính phủ Việt Nam trong việc soạn thảo luật lệ phạt người lớn nào chở trẻ em trên xe gắn máy nhưng không đội nón bảo hiểm cho các em.

              http://www.voanews.com/vietnamese/2008-12-15-voa12.cfm
              #22
                Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 22 trên tổng số 22 bài trong đề mục
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9