NHÀN ĐÀM VỀ VĂN HÓA
tieuboingoan 20.07.2006 20:46:00 (permalink)
Nhận diện những hiện tượng phản văn hóa


Phùng Hiển





Văn hóa là giá trị của mỗi người, thước đo trình độ phát triển của xã hội, cốt lõi của văn minh, nguồn giao cảm giữa các dân tộc. Văn hóa nằm sâu trong tất cả mọi quan hệ: ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp, lao động, gia đình và phẩm cách của con người. Người ta không những cần ấn no, ăn đủ mà còn cần ăn ngon, ăn có văn hóa. Mác đã từng nói rằng ăn ngốn ngấu bằng tay bốc vò xé thịt sống, khác với ăn có nấu nướng bằng đĩa, dao và bát đĩa. Lênin cũng phân biệt hai loại tình yêu, một loại gần với kiểu ăn uống thô tục và một loại có văn hóa. Người thường khuyên thanh niên, hay làm cho tình yêu trở thành có văn hóa. Ở đâu thiếu văn hoá thì cái lạc hậu, cái xấu, cái giả, cái sai, cái ác sẽ lấn át.

Trong thế giới hiện nay nhiều nước phát triển đã bước vào kỷ nguyên của văn hóa. Do quá trình vận động toàn diện của các quan hệ nhân tính, người ta nhận thức một cách sâu rộng rằng văn hóa là một trong những nguồn gốc cơ bản để phát triển tài nguyên, con người. Tuy nhiên để làm cho văn hóa trở thành cội nguồn của mọi phát triển xã hội, ở các nước phát triển hiện nay đang phát triển thành nhiều hoạt động chống lại những hiện tượng phản văn hóa. Việc làm ô nhiễm môi trường, nạn nghiện ngập ma túy, tệ bắt cóc con tin, thái độ tàn bạo giữa con người và con người, nạn gái điếm và trăm ngàn con bệnh xã hội khác là các mục tiêu của những chiến dịch khắc phục phản văn hóa, mở đường cho xã hội tiến về phía văn minh và hạnh phúc.

Ở nước ta, nhiều năm gần đây cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng.

Trong lao động, tệ làm giả, làm ầu đang là vấn đề nhức nhối chưa có phương cách hữu hiệu để ngăn chặn. Trong giao tiếp xã hội, ngoài những quan hệ trong sáng, tình nghĩa, hiện nay không ít các hiện tượng tàn bạo, tham nhũng, tham ô, cửa quyền, vô đạo đức làm vẩn đục tình người và đại nghĩa dân tộc. Những hiện tượng phản văn hóa này xâm nhập gì vào trong gia đình, phá vỡ nhiều chuẩn mực thiêng liêng mà cả ngàn năm mới xây dựng được nên nó. Các quan hệ anh em, cha mẹ, vợ chồng đang bị các phản văn hóa bôi đen và đe dọa phá vỡ sự ổn định có ý nghĩa nhân bản.

Nhận định và đấu tranh với các phản văn hóa không phải một việc đơn giản. Có những phản văn hoá lại nhân danh văn hóa, nhân danh chủ nghĩa nhân đạo tồn tại như những mẫu mực sống của một cộng đồng người nhất định. Ai cũng biết rằng tự do, trong ý nghĩa tuyệt đối của nó là văn hóa. Nhưng đã là tự do của sự trưởng thành, tự do của những con người gắn bó với tự do của đồng loại. Tự do chỉ giành cho mình, làm mất tự do của đồng loại, đó là một hiện tượng phản văn hóa. Cũng như vậy, tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ giao tiếp bao giờ cũng là phẩm cách văn hóa. Nhưng nếu hạ nhục quan hệ này bằng sự khúm núm, vì lợi ích nhỏ nhoi thì lại trở thành phản văn hóa. Trên một ý nghĩa rộng thì tình thương yêu con người bao giờ cũng là bản chất của văn hoá. Tuy nhiên, nếu tình thương yêu ấy không cổ võ tính tích cực trong con người mà ngược lại nó bao che cho tính lười nhác, độc ác thì tình thương ấy không trọn vẹn và vẫn pha yếu tố phản văn hóa.

Nhận diện các phản văn hoá không chỉ bằng tâm lý thường ngày có thể phát hiện được bản chất của nó. Để khắc phục được các phản văn hóa cần phải nâng nhận thức tới tầm lý trí, hòa nhập vào tư duy khoa học đạt tới sự trưởng thành của ý thức. Các phản văn hóa xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống và dưới rất nhiều diện mạo khác nhau. Biểu trưng đầu tiên của các hiện tượng phản văn hóa là nó đứng về phía cái sai, nhân danh cái sai, ủng hộ, cổ vũ cho cái sai, ra sức trấn áp, hù dọa cái đúng.

Sai đúng là một cặp phạm trù phân ranh giữa phản văn hoá và có văn hoá. Tuy nhiên thế nào là đúng, thế nào là sai lại không dễ chút nào. Đã có thời kỳ người ta cho rằng phản văn hóa vô sản ở Nga là đúng và Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc là không sai. Sau các cơn lốc lớn của lịch sử thì thái độ hư vô đối với truyền thống và sự coi trí thức, con người chi là công cụ, là phương tiện bị liệt vào các hiện tượng phản văn hoá. Ở nước ta, có một thời kỳ rất dài người ta cho rằng bao cấp là một hiện tượng nhân đạo và có văn hóa. Thế rồi, từ bao cấp, trong xã hội đã xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng phản văn hóa. Nạn quan liêu, tệ của quyền, sự lười nhác, các khát vọng và nguồn lực bị thủ tiêu đều thấy nguyên nhân từ bao cấp.

Trong xã hội, chúng ta dễ tìm thấy những hiện tượng lúc này thì đúng, lúc khác thì sai: thời điểm này là có văn hoá những thời điểm khác lại phản văn hóa. Ở trình độ dân trí còn thấp đã tuyên truyền, giáo dục đôi khi mang tính dậy bảo có thể vẫn được coi là có văn hóa. Song ở trình độ dân trí đã phát triển người ta không thể tuyên truyền giáo dục một cách đơn giản. Mọi sự đơn giản nhiều khi lại trở thành phản văn hóa.

Phép biến chứng của cái đúng và cái sai, cái văn hóa và cái phản văn hóa không thể do ý muốn chủ quan mà nó dựa trên cơ sở khoa học. Khoa học cùng tuyến với cái đúng và đúng về phía văn hóa, phản khoa học là cùng tuyến với cái sai cũng là hiện tượng phản văn hóa. Đúng sai là dựa trên cơ sở khoa học, đồng thời là nền tảng vĩnh cửu của chân lý. Nó mang cả ý nghĩa nhân văn lẫn chủ nghĩa nhân đạo và đạt tới tầm nhân loại. Khoa học là của chúng, là chân lý cho mọi người. ọi sự vận động của lịch cử, như qúa trình lao động, giao tiếp dựa trên cơ sở khoa học là dựa vào cái đúng. Và tất yếu nếu mọi hoạt động phản khoa học đều là sai trái.

Đúng - sai trong quan hệ nhân tính được soi rọi từ các giá trị khoa học là cơ sở đầu tiên phân ranh giữa văn hoá và phản văn hóa trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Xưa nay dân tộc ta được coi là một dân tộc có nền văn hóa sâu bởi vì chúng ta luôn đứng về phía chính nghĩa mà chống phi nghĩa. Hiện nay thời đại mới đòi hỏi chúng ta phải đặt chủ nghĩa yêu nước trên nền tảng khoa học và giao lưu quốc tế của thời đại. Khoa học sẽ phát triển các giá trị truyền thống, tăng trưởng tính hiện đại của văn hóa và khắc phục dân cư phản văn hóa bất kể nó có từ nguồn gốc nào.

Phản văn hoá thường xuất hiện từ cái sai, cái phản khoa học, chống lại công lý và chân lý. Pháp luật là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, phát triển các giá trị văn hóa và khắc phục các hiện tượng phản văn hoá. Pháp luật là cùng tuyến với cái đúng. Nó là ngọn đèn soi rọi những nơi ẩn nấp của cái sai, phát hiện mầm rễ của các phản văn hóa. Xây dựng một nền khoa học mạnh, lấy Nhà nước pháp luật làm trung tâm, mở mang trình độ dân trí là một trong những giải pháp khắc phục các phản văn hóa.

Biểu trưng thứ hai của các hiện tượng phản văn hóa: thường đứng về phía cái ác chống lại cái thiện. Thiện và ác từng là cặp phạm trù nữa phân ranh giữa văn hóa về phản văn hóa. Làm điều thiện là có văn hoá và làm điêu ác là phản văn hóa.

Tuy nhiên, đạo đức của con người vốn là sản phẩm của các lợi ích. Lương tâm, vinh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm, ý nghĩa cuộc sống đều gắn với các lợi ích giai cấp. Hoạt động giải phóng của những người lao động nhằm thoát ra khỏi mọi áp bức bóc lột được giai cấp vô sản coi là hợp đạo đức, có văn hóa, nhưng lại bị giai cấp bóc lột cho là vô đạo đức, phản văn hóa. Lấy chuẩn thiện - ác để đánh giá một hiện tượng văn hóa và phản văn hoá, trong cuộc sống hiện nay phải xuất phát từ quyền lợi giai cấp. Cái có lợi lợi cho giai cấp tiến bộ thường được lịch cử xác nhận là có văn hoá. Những cái phục vụ cho giai cấp phản động thường là những hiện tượng phản văn hóa. Nền đạo đức bạn lực, chém giết của bọn phát xít và bọn phân biệt chửng tộc không thể là thước đo của các giá trị văn hóa ở thời đại ta. Nó chính là nguyên nhân làm xuất hiện các phản văn hoá mà loài người tiến bộ lên án.

Cái thiện, cái ác ngoài nội dung giai cấp, nó bao chứa tính chất thời đại. Tính chất của các phản văn hoá gắn chặt với các thời đại sản sinh ra nó. Trước đây người ta nhuộm răng đen, ăn trầu, tách mình ra khỏi lao động chân tay được coi là người quân tử. Trong thời đại cũ, người có văn hoá được xác định từ số của cải mà họ có. Người giàu thường được coi là có văn hoá và người nghèo được coi là thiếu, hoặc vô, hoặc phản văn hóa. Nhưng ở thời đại ta hiện nay, chuẩn đạo đức đã khác trước. Trước hết nó không phải là đạo đức chấp nhận. Các chuẩn thiện - ác của phản văn hóa có gia tăng. Tục thờ cúng tổ tiên, nhớ ơn ông bà, thành kính với những người đã có công giáo dục và giáo dưỡng, đã có người cho là phản văn hoá nó mang tính hành lễ, dị đoan. Ngược lại tục trai gái hôn nhau ở công viên, bến tàu trong các nước phương Tây được coi là hiện tượng văn hóa, nhưng ở người Ấn Độ và một số nước khác thì đó là hiện tượng phản văn hóa!

Tuy có khác nhau về chuẩn đạo đức xác định văn hóa và phản văn hóa ở một số dân tộc khác nhau, nhưng trong chiều sâu của các quan hệ đạo đức là có tính nhân loại. Ở đâu thì cái thiện, hòa bình, hữu nghị, sự quan tâm đến con người, lương tâm, vinh dự cũng đều là cái thiện, đại biểu cho văn hoá, ở đâu thì cái ác, cái giả, sự tàn bạo, các quan hệ mất nhân tính, vô luân, không có lương tâm cũng bị coi là các hiện tượng thiếu văn hóa, vô văn hóa và phản văn hoá.

Cái thiện thường quang minh, chính đại, cái ác thường châm biếm, ngàn hóa lẩn quất trong cái thiện và lợi dụng cái thiện. Cái ác cũng có sức sống bất tận như cái thiện: Nó hiện diện ở mọi thời và mọi người. Cải ác là ngọn nguồn của mọi phản văn hóa. Dù phản văn hóa nấp dưới dưới hình thức nào, nhưng hễ ta tìm thấy cái đuôi ác độc của nó thì không dễ bề trốn tránh.

Cặp phạm trù thứ ba phân ranh giữa văn hóa và phản văn hóa là cặp phạm trù đẹp – xấu. Cái đẹp là tiêu biểu của văn hóa và cái xấu là đặc trưng của phản văn hóa.

Từ ngàn xưa, dânt ộc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới đã rất yêu cái đẹp. Từ tình cảm lớn đối với cái đẹp, nhân dân Việt Nam đã hình thành một nền văn hóa cổ truyền đầy những mỹ tục và tập quán nền nã. Tình yêu đối với cái đẹp là cơ sở quan trọng để khắc phục cái xấu. Trong trường kỳ lịch sử, cuộc đấu tranh giữa cái đẹp và cái xấu diễn ra trên bình diện văn hóa và phản văn hoá. Nhân dân, các lực lượng tiến bộ đứng về phía cái đẹp, xây dựng cuộc sống có văn hoá, đấu tranh chống cái xấu, phủ định các phản văn hóa. Các truyện nôm, truyện cười đều phản ánh các mâu thuẫn giữa cái đẹp và cái xấu và kết cục của nó văn hóa được khẳng định và phản văn hóa bị phủ định.

Gần đây, trong xã hội chúng ta, cuộc đấu tranh giữa văn hoá và phản văn hoá biểu hiện trên bình diện đẹp – xấu diễn ra rất quyết liệt. Tuy nhiên, có một hiện tượng nhiều người dễ nhận biết là cát đẹp đang lẩng tránh dần, có chỗ nó để mặc cho cái xấu hoạt dạng. Trong lao động người ta thả sức làm hàng giả và ít chú ý đến việc hoàn thiện như quan hệ lao động. Trong giao tiếp, rất nhiều thị hiếu thấp hèn xuất hiện. Sự ăn mặc lố lăng cùng với ngôn từ thô thiển và sở thích sặc mùi con buôn hầu như thỏa sức hoành hành bất chấp mọi dư luận. Nó đang ăn sâu vào mối quan hệ giữa con người với con người, đến các gia đình, vào cả bàn thờ ông bà ông vải, gia nhập vào nhân cách cá nhân, gõ cửa để tổ chức chính trị và ngồi chỗm chệ giữa tâm hồn nhà nghệ thuật - người sáng tạo ra cái đẹp.

Không hiểu làng người ta đã nhân danh văn hóa nào mà phủ định truyền thống, bác bỏ lịch sử, kích dâm, bạo loạn và nguyền rủa tổ quốc, nhân dân mình? Không hiểu người ta vì cái đẹp gì mà nêu ra những chuẩn của các quan hệ văn hóa trước hết là tiền và quyền? Cái đẹp hiện nay đang bị tấn công tứ phía bởi các phản văn hóa. Bộ mặt len luốc của cái xấu đang bôi bẩn trên đường phố, nó làm méo mó các công trình kiến trúc, nó làm mất hết ý nghĩa văn hóa ở các công viên, nó làm cống rãnh tràn trên mặt đường, rác rưởi ùn giữa nơi công cộng và các hành động khả ố diễn ra công khai trước mọi người. Cần nhận diện và có biện pháp tích cực nhất chống các phản văn hóa này. Nó sẽ là chất thải gây độc đến toàn bộ sự phát triển sâu xa nhất của xã hội cho mãi tới mai sau.

Cái sai - ác - xấu là ba mụ phù thuỷ biến hóa, tàng hình ẩn sâu vào các quan hệ của con người. Nó là nguyên nhân của một phản văn hóa, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Nó sẽ bị bị hiện nguyên hình gớm ghiếc khi chiếc gương kỳ diệu của cái đúng, cái tốt, cái đẹp soi vào.

Tuy vậy, dù nó có hiện hình là những con quỷ ác độc thì còn cần phải có ngọn lửa thần kỳ của kỷ cương xã hội, khoa học, pháp luật và của sự phát triển dân trí mới thiếu dốt được nó. Mỗi xã hội văn minh và ổn định bao giờ từ lòng sâu của nó cũng thiết lập một cơ chế điều chỉnh phát triển văn hóa và hạn chế đến mức thấp nhất các phản văn hóa. Cơ chế đó là sự tương tác mạnh mẽ giữa lao động trí óc và lao động chân tay, thiết lập Nhà nước pháp luật hùng mạnh, xây dựng nền khoa học tiên tiến, giải phóng các năng lực sáng tạo, hình thành nên dân chủ có chất lượng cao, mở rộng thông tin làm nẩy sinh các giá trị văn hóa có tính chất nhân bản trên cơ sở một nền giáo dục tiên tiến. Cơ chế này vận hành dưới ánh sáng của chế độ chính trị tiến bộ, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội sẽ trong sạch dần, văn hóa sẽ đón đỡ mọi sự phát triển và đẩy các phản văn hoá ra khỏi các quan hệ nhân tính làm cho con người ngày càng tin, càng yêu và càng hiểu biết lẫn nhau hơn.

Theo Tạp chí Triết học

#1
    tieuboingoan 20.07.2006 20:49:42 (permalink)
    Văn hoá học là gì?


    A. Ia. Phlier (Từ Thị Loan dịch)





    Văn hoá học là khoa học hình thành trên vùng tiếp giáp của các tri thức xã hội và nhân văn về con người và xã hội, nghiên cứu văn hoá như một chỉnh thể toàn vẹn, như một chức năng đặc biệt và như tính tình thái của tồn tại con người.

    Mặc dù xuất xứ của thuật ngữ văn hoá học gắn liền với tên tuổi nhà nhân học văn hoá Mỹ L. White, tên gọi đó không bắt rễ được trong khoa học Tây phương, mà trong 2-3 thập kỷ gần đây đã phát triển mạnh mẽ ở Nga. Việc làm rõ sự tương đồng trực tiếp giữa Văn hoá học Nga với cách phân loại các khoa học được thừa nhận ở nước ngoài là rất phức tạp, bởi vì khác với truyền thống Nga gắn khái niệm văn hoá trước hết với thực tiễn và mảng đề tài nghệ thuật và giáo dục, trong truyền thống khoa học phương Tây hiện tượng đặc biệt văn hoá được hiểu thiên về ý nghĩa xã hội-dân tộc học. Xuất phát từ đó, ở châu Âu và Mỹ, được coi là những khoa học cơ bản về văn hoá là: nhân học văn hoá và xã hội (theo cách phân loại Nga - là cái gì đó trung gian giữa xã hội học, dân tộc học và tâm lý học), xã hội học thuần tuý, nhân học cấu trúc (ở Nga người ta sẽ gọi đó là ngôn ngữ học tâm lý dân tộc), lịch sử văn hoá mới (tổng hợp lịch sử lối sống với tâm lý học lịch sử dân tộc), ký hiệu học và ngôn ngữ học hậu cấu trúc (chủ nghĩa hậu hiện đại) v.v.

    Văn hoá học Nga hiện đại cố gắng kết hợp các khuynh hướng và phương pháp luận nghiên cứu văn hoá trên và một số khuynh hướng khác với truyền thống Nga trong nghiên cứu lịch sử tập quán, nghiên cứu tái cấu trúc huyền thoại và văn hoá-ngữ văn, nghiên cứu các quan điểm về kiểu loại lịch sử-văn hoá, với triết học và ý thức hệ trong chức năng khai hoá của văn hoá, với các tư tưởng triết học của “chủ nghĩa vũ trụ Nga” v.v… Có ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành Văn hoá học Nga là kinh nghiệm của ngành Phương Đông học Nga, giải quyết những nhiệm vụ tương tự trong việc tổng hợp các kiến thức khoa học xã hội với kiến thức nhân văn, nhưng thiên về lược đồ thu nhỏ có tính chất đất nước học hạn hẹp.

    Sự mở rộng các tiếp xúc khoa học và giáo dục quốc tế đã làm nảy sinh vấn đề chuyển nghĩa tương đương thuật ngữ Văn hoá học được chấp nhận ở Nga sang các thứ tiếng châu Âu và giải thích nội dung đầy đủ của nó. Văn hoá học Nga rõ ràng rộng hơn Nhân học (Anthropology) phương Tây, nhưng không bao trùm toàn bộ khái niệm Nhân văn (Humanitaria). Những định nghĩa kiểu: Cultural research hoặc Cultural studies chính xác hơn về mặt hình thức, nhưng ít giải thích được gì về bản chất. Cho đến nay vấn đề diễn giải quốc tế về Văn hoá học Nga vẫn chưa được giải quyết.

    Sự đa dạng của các định nghĩa khoa học và triết học hiện hành trên thế giới về văn hoá không cho phép viện dẫn khái niệm này như một biểu thị rõ ràng nhất về khách thể và đối tượng của Văn hoá học, và đòi hỏi một sự cụ thể hoá nó hẹp hơn và rõ ràng hơn kiểu: “Văn hoá, được hiểu như...”. Do đó văn hoá, với tư cách khách thể nhận thức của Văn hoá học, có thể được biểu thị như kinh nghiệm xã hội-lịch sử của con người thông qua việc chọn lọc, tích luỹ và áp dụng những hình thức hoạt động và tác động lẫn nhau, những hình thức ấy ngoài tính hiệu quả thực dụng còn được các tập thể người tiếp nhận nhờ giá trị và kết quả xã hội của chúng, được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với tiêu chí không làm hại cho sự đoàn kết của cộng đồng, được củng cố trong hệ thống các giá trị văn hoá, các qui tắc, chuẩn mực, truyền thống v.v., nghĩa là một hệ thống các “khế ước xã hội” nhất định, đảm bảo một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đặc tính tập thể của hoạt động sống của con người. Kinh nghiệm văn hoá-xã hội này được thể hiện trong hệ thống các qui định có tính điều chỉnh trực tiếp - đó là các phong tục, đạo luật, tôn chỉ, luân lý, đạo đức, nghi thức v.v… Chúng được vật thể hoá trong các đặc điểm đặc thù của công nghệ và sản phẩm (các kết quả) hoạt động của con người nhằm thoả mãn các quyền lợi và nhu cầu của cá nhân hoặc tập thể (xác định các phương thức được chấp nhận trong xã hội đó để thực hiện hoạt động nào đó và các tham số của kết quả thu được trong hoạt động ấy). Các kinh nghiệm văn hóa - xã hội là nội dung cơ bản của mọi phương thức giao tiếp giữa người với người và hình thành các đặc điểm ngôn ngữ và “mã văn hoá” của loại giao tiếp đó. Chúng xác định nội dung và phương pháp của quá trình xã hội hoá và văn hoá hoá nhân cách con người. Chúng được phản hồi và diễn giải trong các “văn bản văn hoá” của triết học, tôn giáo, các khoa học xã hội và nhân văn, văn học và nghệ thuật, tư duy xã hội, luật pháp và hệ tư tưởng, nghi lễ và nghi thức v.v… Chúng được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác qua truyền thống, phong tục, các định hướng giá trị, quy tắc v.v… và là cốt lõi nội dung của quá trình tái sản xuất xã hội trong cộng đồng, của các đặc điểm lịch sử-cụ thể mang tính địa phương trong các hệ thống và cấu hình văn hoá của chúng. Đó chính là văn hoá mà ở ý nghĩa đó Văn hoá học nghiên cứu nó.

    Trong trường hợp đó đối tượng nghiên cứu của Văn hoá học là khảo cứu nội dung, cấu trúc, tính năng động và cơ cấu hoạt động của kinh nghiệm văn hoá-xã hội qua các lược đồ thu nhỏ về khởi nguyên của nó, về sự lựa chọn và tích luỹ, cách sắp xếp hệ thống, thực hành điều chỉnh, tính biến dị, tính biểu cảm ngữ nghĩa, về thực tiễn lĩnh hội, sự hoàn thành và vi phạm của các cá nhân vào việc tái sản xuất có tính tiêu chuẩn kinh nghiệm đó cùng với sự phát triển sáng tạo, các phản hồi và diễn giải có tính công ước và tính tác giả v.v…, nghĩa là cuối cùng nhận thức được về “các khế ước xã hội” (được tạo nên nhằm liên kết mọi người và điều chỉnh các hình thức đồng tồn tại và đồng hoạt động của họ) đã sinh ra như thế nào, hoạt động ra sao, chuyển tiếp và diễn giải hoặc tự phát hoặc có mục đích như thế nào.

    Khác với phần lớn các khoa học xã hội và nhân văn, nhằm nghiên cứu lĩnh vực này hay lĩnh vực khác trong hoạt động sống của con người, phân biệt dựa theo đối tượng đặc thù của hoạt động ấy như: kinh tế, luật, chính trị, quân sự, nghiên cứu nghệ thuật, sư phạm và các khoa học khác, Văn hoá học thuộc nhóm các khoa học nghiên cứu, với tư cách khách thể, tất cả các hình thức và thể loại thực hành có mục đích trong hoạt động sống của con người (cả chuyên nghiệp, lẫn phổ thông), nhưng ở những bình diện được xác định chặt chẽ. Nhóm này bao gồm các khoa học lịch sử (bình diện di truyền-niên đại của tồn tại tập thể con người), tâm lý học (bình diện nguyên cớ tự bộc lộ của con người), xã hội học (các bình diện cấu trúc-chức năng và vai trò-hoạt động mang tính tích cực xã hội của con người), và văn hoá học (các bình diện giá trị-điều chỉnh và giao tiếp của hoạt động sống tập thể và cá nhân của con người).

    Tính chất phức hợp vừa là khách thể, vừa là đối tượng như vậy của Văn hoá học quyết định kết cấu cũng vô cùng phức tạp của chính kiến thức văn hoá học. Về mặt tầng bậc, trong Văn hoá học có thể chia ra hai lĩnh vực nhận thức chính: Văn hoá học thuần tuý (ở nghĩa hẹp) - như một loại kiến thức tích hợp về hiện tượng toàn vẹn văn hoá trong thời gian lịch sử có thực và trong không gian tồn tại xã hội của nó - và nghiên cứu văn hoá - như tổng hoà các bộ môn khoa học riêng biệt, nghiên cứu các tiểu hệ thống riêng rẽ của văn hoá theo các lĩnh vực hoạt động chuyên môn (văn hoá kinh tế, văn hoá chính trị, văn hoá tôn giáo, văn hoá nghệ thuật và các văn hoá khác). Trong đó triết học văn hoá, như phương pháp luận giúp thấu hiểu bản chất siêu hình của văn hoá và để hình thành các nền tảng thế giới quan về cách hiểu văn hoá, bị hàng loạt các nhà văn hoá học loại ra khỏi hệ thống các khoa học văn hoá học đích thực, và gạt nó sang lĩnh vực triết học có những mục đích nhận thức khác với các khoa học xã hội, trong đó có Văn hoá học. Dĩ nhiên, các tiêu chí phân định giới hạn ở đây là vô cùng ước lệ; không ít các nghiên cứu về mặt lý luận trong lĩnh vực văn hoá được thực hiện ở vùng tiếp giáp giữa văn hoá triết học và Văn hoá học, dựa trên phương pháp luận tổng hợp, chứa đựng trong mình các yếu tố của cả hai lĩnh vực và hai phương pháp nhận thức cũng như phản hồi trí tuệ. Như vậy, Văn hoá học thuần tuý là một khoa học hoàn toàn kinh nghiệm chủ nghĩa, nghiên cứu những hiện tượng lịch sử-cụ thể của văn hoá và phát hiện những quy luật có tính tổng hợp về sự hình thành, hoạt động và biến đổi của các hiện tượng ấy.

    Cũng có thể có cách phân loại theo các khuynh hướng chính của Văn hoá học, trong đó chia ra Văn hoá học xã hội, nghiên cứu thiên về các cơ cấu chức năng, các qui trình và hình thức tổ chức và điều chỉnh văn hoá-xã hội của đời sống tập thể con người (các giá trị, quy tắc, phong tục, lối sống, công nghệ hoạt động, ngôn ngữ giao tiếp, các công cụ tái sản xuất xã hội của cá nhân và cộng đồng v.v.); và Văn hoá học nhân văn, tập trung vào nghiên cứu quá trình và hình thức tự nhận thức của văn hoá - các phản xạ sáng tạo bằng trí tuệ và bằng hình ảnh, các cách diễn giải những hiện tượng tự nhiên và xã hội của tồn tại, thể hiện trong các “văn bản văn hoá” bằng lời và không lời khác nhau. Hai khuynh hướng này của Văn hoá học còn khác nhau rõ rệt ở phương pháp luận nhận thức chủ đạo: ở trường hợp thứ nhất là phương pháp luận giải thích-hợp lý và ở trường hợp thứ hai là phương pháp luận diễn giải-miêu tả. ở đây cần phân biệt phương pháp nhận thức thuần tuý văn hoá học, nhằm hướng tới trước hết việc tái cấu trúc có tính phân tích “các nguyên tắc chơi” (“các khế ước xã hội”, các định hướng giá trị v.v.), chúng xác định các hình thức thực hiện hoạt động sống của con người, được chấp nhận trong cộng đồng đang nghiên cứu, và hướng tới phân tích bối cảnh văn hoá nhằm khảo cứu các khách thể nổi trội trong môi trường lịch sử-văn hoá của chúng, nhưng trong khuôn khổ các cách tiếp cận của phương pháp luận diễn giải-miêu tả lịch sử theo truyền thống. Mặc dù đã định hình trong khoa học Nga truyền thống cho rằng chính phân tích bối cảnh văn hoá là phân tích văn hoá học, điều đó về mặt phương pháp luận là không hoàn toàn đúng.

    Ngoài cách phân biệt Văn hoá học dựa theo khách thể và phương pháp luận, còn có thể có cách kết cấu dựa theo các mục đích đặc thù, các phạm vi đối tượng và các cấp độ nhận thức và khái quát. ở đây chiếm vị trí hàng đầu là cách phân chia Văn hoá học thành Văn hoá học cơ bản, nghiên cứu văn hoá với mục đích nhận thức lý luận và lịch sử về hiện tượng đặc biệt này, tạo lập hệ thống các phạm trù và các phương pháp nghiên cứu v.v…, và Văn hoá học ứng dụng, nhằm hướng tới sử dụng các kiến thức cơ bản về văn hoá vào mục đích dự báo, lập dự án và điều chỉnh các quá trình văn hoá cấp thiết, đến việc tạo lập các công nghệ đặc biệt để chuyển tải kinh nghiệm văn hoá và các cơ chế để đạt được mức độ phát triển phù hợp với các tiêu chuẩn văn hoá của hình thức này hay hình thức khác trong thực tiễn xã hội. ở đây, trong khuôn khổ Văn hoá học cơ bản lại có thể chia ra những khuynh hướng tuỳ theo đối tượng đã định hình nhiều hay ít, như nhân học văn hoá và xã hội - nghiên cứu văn hoá như một hiện tượng xã hội đặc biệt và nghiên cứu tính vi mô năng động xã hội trong sự hình thành và hoạt động của các hiện tượng văn hoá; như Văn hoá học lịch sử - nghiên cứu tính năng động vĩ mô trong sự hình thành và hoạt động của các “khế ước xã hội” trong hoạt động sống tập thể, cũng như nghiên cứu cách phân loại văn hoá-lịch sử các cộng đồng người; nhân học tâm lý - xem xét cá nhân con người như là “sản phẩm”, “người tiêu thụ” và “nhà sản xuất” văn hoá, cũng như nghiên cứu tâm lý học các động cơ văn hoá-xã hội, sự tự đồng nhất và tác động lẫn nhau giữa con người; ngữ nghĩa học văn hoá - nghiên cứu các đặc điểm và chức năng kí hiệu-giao tiếp của các hiện tượng văn hoá, sử dụng các phương pháp của ngôn ngữ học và ngữ văn học để “giải mã” và tái cấu trúc các khách thể văn hoá, với tư cách là các văn bản mang ý nghĩa (chính là điều mà cuối cùng đại đa số các nghiên cứu nhân văn về văn hoá hướng tới, mặc dù ngữ nghĩa học văn hoá, với tư cách một ngành khoa học, không chỉ hạn chế ở các phương pháp luận nhân văn), cùng một loạt các khuynh hướng nghiên cứu văn hoá chuyên biệt hơn. Trong mỗi bộ môn của Văn hoá học cơ bản có thể tách ra một vài cấp độ nhận thức và khái quát tư liệu: cấp độ lý luận đại cương, cấp độ tiểu hệ thống khách thể, cấp độ cụ thể hoá (các hình thức có tính khuôn mẫu, chuẩn mực...), cấp độ các cổ mẫu riêng lẻ của văn hoá. Trong Văn hoá học ứng dụng cũng hình thành các hướng nghiên cứu như: quản lý văn hoá, lập dự án văn hoá-xã hội, hoạt động bảo tồn văn hoá, phục hồi văn hoá-xã hội, các bình diện văn hoá-xã hội của giáo dục, công tác giáo dục văn hoá và thời gian nhàn rỗi, nghiên cứu bảo tàng, thông tin-thư viện và công tác lưu trữ v.v…

    Khác với Văn hoá học thuần tuý, các khảo cứu có tính nghiên cứu văn hoá có đặc trưng là trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động chuyên môn nào của con người, ngoài các mục đích và công nghệ nhằm đạt kết quả thực dụng chủ yếu, còn tồn tại một hệ thống các qui tắc và hiệu chỉnh có tính phi thực dụng, xác định các hình thức được xã hội chấp nhận để thực hiện hoạt động đó và tham số các kết quả của nó, xác định các ảnh hưởng mang giá trị xã hội của hoạt động ấy, xác định đạo đức chuyên môn và truyền thống nghề nghiệp trong giới các nhà chuyên môn, xác định kết cấu và hệ phương pháp của học vấn nghề nghiệp, các tiêu chí của tính chuyên nghiệp, các ngôn ngữ trao đổi thông tin nghiệp vụ v.v. Tổng thể các đặc điểm này tạo nên một hiện tượng như “văn hoá nghề nghiệp” trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của thực tiễn chuyên ngành (“văn hoá kinh tế”, “văn hoá quản lý”, “văn hoá triết học” v.v.), chúng tích luỹ trong mình các tham số chủ yếu về giá trị xã hội của lĩnh vực hoạt động ấy, thể hiện bình diện giá trị-xã hội của nó, các tiêu chuẩn chuyên môn nắm vững công nghệ v.v., điều này đòi hỏi phải nghiên cứu với tư cách một đối tượng độc lập cũng như giảng dạy loại “văn hoá nghề nghiệp” ấy cho đội ngũ cán bộ cần đào tạo.

    Viễn cảnh xã hội của Văn hoá học được thấy trước hết ở chỗ trong tiến trình của “cách mạng thông tin”, vốn đã bao trùm nhân loại từ nửa cuối thế kỷ XX và động chạm chủ yếu đến công nghệ điều khiển các quá trình sản xuất, giao tiếp và các quá trình khác trong hoạt động sống của con người, tất yếu sẽ đến giai đoạn “cách mạng” trong lĩnh vực dự báo và lập dự án, chúng đòi hỏi phải nâng cao hệ phương pháp điều khiển bất kỳ quá trình nào lên cấp độ hiệu quả mới. Trong số những quá trình quan trọng nhất của công việc này có nhiệm vụ lập dự án văn hoá và xã hội cho công tác điều chỉnh các quá trình phát triển văn hoá-xã hội, tính toán những tác động văn hoá-xã hội của các cách quản lý và các công nghệ đã áp dụng, duy trì sự thăng bằng kỹ thuật-nhân văn trong các hệ thống định hướng giá trị và tiêu chuẩn xã hội, tìm kiếm những phương pháp mới xã hội hoá và văn hoá hoá nhân cách con người, các phương pháp tái sản xuất xã hội hiệu quả hơn cho cộng đồng và bảo tồn các đặc điểm văn hoá đặc thù của chúng trong hoàn cảnh hiện đại hoá và đồng nhất hoá văn hoá-xã hội v.v. Chính là để giải quyết những nhiệm vụ này mà ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết các chuyên gia-các nhà văn hoá học có hiểu biết đầy đủ về các quy luật phát triển văn hoá-xã hội, quy luật nảy sinh và củng cố các cách tân, các phương pháp luận và phương pháp lập dự án và điều chỉnh văn hoá-xã hội, cũng như kinh nghiệm lịch sử trong cách tự tổ chức và tự điều chỉnh xã hội của cộng đồng.

    Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
    #2
      tieuboingoan 20.07.2006 20:51:35 (permalink)
      Văn hóa


      Phạm Toàn



      Chúng ta cần định nghĩa về văn hóa thật chặt chẽ, thật đầy đủ và nhất là định nghĩa đó phải đủ sức dẫn con người đi tới những hành động văn hóa. Đó là một cách làm đi từ gốc của vấn đề.


      Văn hóa là cái đối lập với tự nhiên

      Một quả núi tự nhiên mà có. Để mặc nó trong trạng thái tự nhiên, quả núi đó chưa là một công trình văn hóa. Khi con người bắt tay vào mở đường rồi tỉa tót cảnh vật để biến thành nơi sản xuất, cắm trại, du lịch, vui chơi giải trí khi đó con người đã biên quả núi từ trạng thái tự nhiên hoang dã thành những công trình văn hóa. Tùy trình độ, ta sẽ có nơi qủa núi kia, nào văn hóa nương rẫy, nào văn hóa du canh du cư và cả văn hóa định cư và tiêu dùng thời hiện đại nữa.

      Con sông là một vật có sẵn trong trạng thái tự nhiên. Con người đắp đê để nắn dòng nước hung hăng, rồi còn đắp đập, xây cống, đào kênh mương dẫn nước về cánh đồng trong mùa khô, khi đủ sức còn chặn các dòng làm nhà máy thủy điện. Khi đó những công trình đê điều, thủy lợi điện lực được coi là công trình văn hóa. Đó là những công trình của năng lực người làm thay đổi con sông từ trạng thái tự nhiên hoang dã thành những sản phẩm khác cần thiết cho con người.

      Những con tằm từ xửa xưa vốn có trong tự nhiên. Chúng bò leo lên cây dâu cũng mọc tự nhiên để ăn lá dâu. Chúng sinh sôi tự nhiên cũng nhanh mà khi bí bệnh dịch thì chết cũng nhanh. Đến khi con người tìm cách nuôi tằm, trồng dâu, ươm tơ, dệt vải, những công việc tằm tang của con người được coi là thành tựu văn hóa. Vì thế mà trong ngôn ngữ các nước phương Tây, từ "văn hóa có nghĩa gốc là "trồng trọt”. Theo nghĩa đó họ có "nghề nông" thành ra như là "văn hóa đồng ruộng”. Rồi họ cứ thế mở rộng ra để có "văn hóa tằm tơ”, "văn hóa cây ăn quả”, “văn hóa rừng", "văn hóa cá"... để rồi phân biệt được như Cicéron ngay từ thời La Mã cổ đại giữa agricultura (văn hóa vật chất nông vi bản) và animi cultura (văn hóa tâm linh), hoặc phân biệt như Kant vào thời khai sáng thành "sự thoả mãn cái lý tính người" và bất kể là dạng văn hóa nào thì cũng đều có thể quan niệm như Hegel coi cái loài người đã có được ấy là nhờ Bildung (đào tạo, huấn luyện, gây dựng).

      Có thể tìm thấy vô số thí dụ để tiếp tục chứng minh “văn hóa là cái đối lập với tự nhiên". Dĩ nhiên chẳng ai dại gì mà hiểu “đối lập” theo nghĩa “chống lại”. Và như ta thống nhất thêm rằng “tự nhiên" ở đây có nghĩa là trạng thái hoang dã khi chưa có bàn tay con người đụng vào. Từ đó nghĩ rằng ta có thể bổ sung định nghĩa khái niệm văn hóa là mọi thứ con người làm ra để cả con người lẫn môi trường sống đều không còn là cái tự nhiên hoang dã nữa.

      Văn hóa bắt đầu từ việc tạo ra các giá trị vật chất

      Trước hết là tạo ra cái ăn. Không no bụng thì chỉ có cái chết đón đợi ở cuối đường hầm. Có cái ăn rồi còn phải có cái để ở. Có cái để ở thì có cái gia đình, hoặc có cái gia đình thì phải có cái để ở, cả hai cách hiểu đều chẳng sai. Có gia đình thì rồi có quan hệ cộng đồng. Và có quan hệ người thì có những định giá mà thoạt kỳ thủy hẳn chỉ là những đánh giá sơ sài nhất: to nhỏ, dài ngắn, béo gầy, rồi tiến tới tốt xấu, thiện ác...

      Thế rồi, để duy trì các giá trị vật chất con người phải tìm cách truyền đạt cách làm ra các giá trị cho thế hệ sau. Cái nhu cầu no bụng tạo ra việc dạy nhau làm ăn. Đời sống cộng đồng ở mọi thứ bậc đòi hỏi tạo ra việc dạy nhau sự ăn ở. Công việc giáo dục chính là sự nghiệp văn hóa của con người nhầm làm cho thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước, hy vọng "con hơn cha nhà có phúc".

      Giáo dục tự khởi nguyên không hẳn chỉ là ngọt ngào, có khi giáo dục còn tiến hành cả theo cách hăm dọa (địa ngục, quỷ sứ, vạc dầu...) nhưng nhiều khi dùng cách khuyên răn bằng những tấm gương nhân nghĩa. Tôn giáo như một thiết chế "cai quản" phần tâm linh đã ra đời như thế đó. Vì vậy cũng có thể coi tôn giáo như là công trình văn hóa của con người. Bên cạnh đó còn có những thiết chế khác làm thăng hoa những phương diện tường đâu như tầm thường "trời sinh ra thế”, trong đó có sự sở hữu mọi vật. Đất đai vốn được sở hữu theo cách khoanh vùng tự nhiên của động vật đã tiến lên thành những dạng "sổ đỏ" khác nhau và việc "đăng ký" các tài sản khác nhau cũng mang những dạng về khác nhau làm phong phú cho cái văn hóa sở hữu của con người.

      Sức khỏe và sự dũng mãnh của con người vốn sẵn có trong trạng thái tự nhiên. Khi con người nhận thức được rằng sức khỏe, sức mạnh cơ thể có những đóng góp kỳ lạ cho đời người thì sẽ xuất hiện cách ca ngợi cái đẹp thân thể và lòng dũng cảm qua các cuộc thi thể thao. Khi đó thể thao và tranh tài cũng trở thành công cuộc văn hóa. Mấy anh nghệ sĩ lẻo khoẻo không thi thao được thì đóng góp bằng cách tạc tượng các dũng sĩ. Tranh tượng, múa hát rồi thơ ca kịch truyện... cũng tham gia vào nuôi dưỡng tình cảm người, để con người thoát ra hoàn toàn khỏi trạng thái tự nhiên hoang dã.

      Còn cái này nữa mới hay, chuyện sinh đẻ con cái và chuyện chết. Trong tự nhiên hoang dã cách sinh sản của con người cũng hệt như của con vật. Cung cách kéo dài nòi giống dạng động vật trong trạng thái tự nhiên được làm đẹp thêm và thiêng liêng hơn nhờ những thiết chế sau này được đánh giá là đậm tính văn hóa người. Muốn cho sự sinh sản mang một ý nghĩa trong cuộc sống còn của mình phải trân trọng sự sinh sản đó và đã xuất hiện những nghi thức kết hôn. Tục kết hôn khiến cho sự sinh sản thành thiêng liêng, không chỉ là hành vi tính giao như động vật nữa. Với cái chết của con người cũng vậy. Chết tai nạn, chết bệnh, chết già, biết bao nhiêu cách chết. Nhưng với người chết, không quẳng xác đi nữa, thậm chí không đem ăn "cứu đói" nữa, mà lại nghĩ ra tức tiễn đưa, an táng, thỏa mãn cả tình cảm lẫn sự vệ sinh môi trường. Thay đổi cách đối đãi với sự sống và sự chết đó cũng là văn hóa.

      Thế nào là người có văn hóa?

      Nhớ lại cách đây dăm chục năm trên Việt Bắc, anh nuôi kiếm được nhiều mảng rừng lại bẫy được còn cầy vào bữa có tiếng reo: "Hôm nay ăn văn hóa cao". Cách dùng từ "văn hóa như thế lại là một thái độ văn hóa phù hợp với định nghĩa khoa học về văn hóa. Nó xua đi cách hiểu không đầy đủ rằng “có văn hóa" chỉ là được học hành, và "văn hóa cao" là bằng cấp cao. Định nghĩa đó không sai hẳn, nhưng thiếu đầy đủ. Vậy thế nào là con người có văn hóa?

      Ta thử phân tích một trường hợp về người có văn hóa trong nến văn hóa lúa nước vùng ĐBSH chẳng hạn. Những con người đó phải làm gì để sinh sống và phát triển trong môi trường lúa nước kia?

      Trước hết con người vùng ấy phải làm ra lúa để tự nuôi sống mình. Thế mà lúa luôn bị lụt sông Hồng hoang dã đe dọa. Phải đắp đê giữ ruộng và mở rộng diện tích gieo cấy. Chỗ cao làm hai vụ có khi còn thêm vụ màu, chỗ trũng làm một vụ chiêm. Chỗ đất tôn cao hơn cả làm nơi ở quây quần thành các làng. Lũy tre bao quanh làng như cái thành vừa chống cướp, vừa chống lụt phòng khi ngộ nhỡ đê vỡ. Thế rồi trong làng sinh ra những điều lúc khởi đầu ít ai ngờ đó lại là văn hóa, cái hương ước chẳng hạn. Đó là những quy định chung với nhau để theo đó mà sống. Tại sao? Vì vua quan ở xa, chỉ bà con mình gần nhau, "trong họ ngoài làng", luật lệ chính mình ước định vời nhau. Cuộc sống ấm no ổn định trong làng khiến con người có thời giờ nghĩ những chuyện kể như Sơn Tinh, Thuỳ Tinh, đời này đời khác thưởng thức thành tựu văn hóa chống lũ lụt của mình đúc thành thần thoại. Rồi múa rối thì cũng có múa rối nước. Ngày hội thì có thi đua thuyền. Cũng ngày hội thì có thi giã gạo nấu cơm đồ xôi nặn bánh, thưởng thức thành tựu lúa gạo của mình. Rồi còn vẽ tranh cùng thưởng thức cảnh cá chép ngắm trăng, gà lọn cả tôm cua ốc đủ hết.

      Trong nền văn hóa ấy, con người hành động tạo ra các giá trị văn hóa, thay vì chỉ hưởng thụ thành tựu văn hóa cha ông để lại, và cũng không hướng vào chỉ một chuyện học hành và bằng cấp. Thế nhưng tại sao lại vẫn cứ có những hiểu nhầm coi "văn hóa" chỉ là học hành, đỗ đạt, bằng cấp, danh vị?

      Nguyên nhân như sau thôi. Một nền văn hóa bao giờ cũng bắt đầu bằng những thành tựu vật chất, thậm chí từ cái đút miệng cho no bụng. Không sống nổi trên đời thì làm gì có gia đình, chùa chiền, thời trang, luật pháp, thơ ca, múa rối, bóng đá... này nợ? Nhưng một nền văn hóa không thể chỉ toen hoẻn là cái vật chất hai tay đút miệng. Nền văn hóa đó bắt buộc phải phát triển lên và truyền lại đời đời. Việc truyền lại phải tiến hành nhanh gọn và tiết kiệm thông qua các biểu trưng. Mạnh mẽ và dễ thực hiện nhất là biểu trưng ngôn ngữ, lời nói chẳng mất tiền mua song lại chuyên chở toàn bộ kho tàng làm ăn sinh sống của con người. Chữ viết ra đời ghi lại kinh nghiệm và tư tưởng thành sách có sức chứa nặng hơn và giữ gìn được lâu hơn. Rồi sách được đem dùng trong nhà trường. Lâu dần người ta hiểu nhằm sách và trường học là gốc của văn hóa. Lẽ ra học ở sách xong thì đem vận dụng vào đời. Nhưng thể chế xã hội khiến con người chỉ dùng thi cử là đủ tiến thân, xã hội sẽ coi hễ ai bụng chứa nhiều sách là có văn hóa cao.

      Học giỏi, tước vị cao, buôn bán giỏi, tiền nhiều nhưng không làm gì cho quê hương đất nước, thì thua hẳn người nông dân làm ra nền văn hóa lúa nước. Bạn đã khi nào chú ý đến những cơn đường làng lát gạch vô cùng đẹp và bền ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam chưa? Đó là những con đường do người dân góp xây dựng. Có người góp vì có của ăn của để. Có người góp khi cưới vợ, khi đỗ đạt. Cũng có người buộc phải góp coi như nộp phạt vì đã vi phạm hương ước (chửa hoang chẳng hạn). Lâu dần, thành ra cả một hệ thống đường làng đi vào làng ngóc ngách cho ông già, bà cả đỡ lấm chân, cho con nít nô đùa không vấp ngã, cho trai gái gánh lúa về làng được nhanh. Văn hóa lúa nước có đấy!

      Rất kỳ cục là nhiều "nhà văn hóa” cứ thích mở đầu phiên diễn thuyết bằng câu cửa miệng rằng "có tới vài trăm định nghĩa về văn hóa”. Thực ra thì định nghĩa dù có thể có một. Một khái niệm gốc. Ngòai ra, tùy góc độ nghiên cứu, phạm vi và giới hạn nghiên cứu mà có thể có những định nghĩa phát sinh. Nhưng đã nói tới "phát sinh", có nghĩa là đã nhận rằng có cái định nghĩa gốc.

      Theo Tạp chí Tia Sáng

      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9