BƯỚU ÓC
HongYen 09.06.2004 06:38:23 (permalink)
BƯỚU ÓC
(Brain tumor)

Nghĩ đến bướu óc, chúng ta ai cũng sợ. Mời quí độc giả đọc bài viết về bướu óc của BS. Nguyễn Quyền Tài, Giáo sư Truờng Đại học Y khoa Florida, Hoa Kỳ.

Người bệnh khai với bác sĩ: “Hơn tháng nay, tôi nhức đầu hoài. Buổi sáng mới thức dậy nhức nhiều, có khi khom xuống hay tằng-hắng cũng nhức. Càng ngày càng nhức hơn, có khi nhức cả buổi. Trước giờ đâu có khi nào nhức lâu như vầy”.

Triệu chứng bướu óc

Nhức đầu rất hay xảy ra, nhưng nếu kéo dài lâu ngày, lại kèm theo những triệu chứng khác như buồn nôn, ói mửa, mắt mờ, hoặc tay chân một bên yếu đi, nhức đầu có thể là triệu chứng của bướu óc. (Một số người bị bướu óc trong thời kỳ đầu không có triệu chứng nhức đầu). Ngoài nhức đầu và những triệu chứng kể trên, bướu óc có thể gây những triệu chứng sau đây:

· Động-kinh (seizure): tức người bệnh bị co giật toàn thân, rồi bất tỉnh trong một thời gian ngắn, hoặc có khi chỉ một tay hay chân co giật thôi, và người bệnh không bất tỉnh.

· Biến đổi tâm tánh và tình trạng tri-giác, trí nhớ kém đi.

· Thị-giác suy giảm, hay không còn thấy hết những gì trong tầm mắt.

· Miệng nói đớ, hay khó tìm lời để diễn tả tư tưởng.

· Ngửi không biết mùi, hoặc thính-giác kém (lãng tai).

· Mất cảm giác (tê), hoặc tay, chân một bên yếu đi.

· Mắt bỗng dưng lé.

· Đi đứng mất thăng-bằng.

· Đi tiểu trong quần.

Bướu óc còn có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến đổi khác nữa, tùy vị trí của bướu nằm đâu trong óc. Khi thấy có những triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Định bệnh

Những phương pháp quang ảnh sau giúp định bệnh bướu óc nhanh chóng:

Phim CT scan:
Phương pháp này hiện nay thông dụng nhất. Người bệnh được tiêm một chất thuốc qua đường tĩnh mạch để làm bướu óc hiện rõ hơn trên phim. Người bệnh chỉ cần nằm yên trong một thời gian ngắn trên bàn chụp ảnh.

MRI scan:
Người bệnh cần nằm yên lâu hơn, và một chất thuốc cũng được truyền qua đường tĩnh mạch để làm hiện rõ bướu trên phim. MRI scan có thể cho thấy những bướu nhỏ (dưới 0.5 cm) hoặc những bướu nằm tại vị trí gần đáy sọ mà phim CT scan không phát hiện được.


Những phương pháp quang ảnh giúp xác định vị trí và kích thước của bướu, và nhiều khi còn có thể giúp chúng ta đoán loại bướu, cũng như tính lành hay dữ của nó. Thêm vào đó, các phim quang ảnh cho thấy tầm mức sưng phù chung quanh bướu, và mức độ đè nén trên óc do bướu gây nên.

Các loại bướu óc

Cách phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) được dùng hiện nay sắp xếp các bướu óc tùy theo tế bào hay mô từ đó bướu xuất phát. Đại khái, chúng ta có thể kể: bướu xuất phát từ những tế bào của óc, từ màng óc, từ dây thần kinh sọ và ngoại biên, v.v., và những bướu chyển di, tức xuất phát từ một bướu ở một nơi khác trong cơ thể, rồi theo máu đến óc.

Bướu cũng thường được phân ra hai loại, lành (benign tumor) và dữ (malignant tumor, còn gọi là ung thư), để giúp tiên lượng tiến trình của bướu. Việc định tính lành hay dữ của bướu chỉ có thể chính xác khi có khảo nghiệm mô học dưới kính hiển vi. Vì thế, ngoài các phim quang ảnh, việc định bệnh đôi khi cũng cần đến phương pháp sinh-thiết (biopsy), tức cần đến một cuộc giải phẫu để lấy một miếng bướu đem lát mỏng rồi nhuộm thuốc xem dưới kính hiển vi.

Nguyên nhân

Một số yếu tố được xem có thể gây ra bướu óc, như phóng xạ, các chất hoá học, đồ ăn thức uống, rượu, thuốc lá, chấn thương đầu, v.v.. Nhưng cho đến nay, các nghiên cứu chưa đưa ra được một kết luận nào chắc chắn.

Cũng may, bướu óc hiếm khi xảy ra, tuy làm người bệnh mất khả năng hoạt động nhiều hơn, so với các bướu ở những cơ quan khác. May hơn nữa cho chúng ta, người Á-châu ít bị bướu óc hơn những sắc dân khác.

Chữa trị

Hiện nay, những phương pháp điều trị bướu óc gồm có:

1. Giải phẫu cắt bỏ bướu:

· Trường hợp bướu lành, bác sĩ giải phẫu sẽ cố gắng cắt bỏ hết bướu, người bệnh kể như khỏi bệnh. Đôi khi bướu lành cũng tái phát, và cần phải giải phẫu lại.

· Trường hợp bướu dữ (ung thư), phẫu thuật không thể nào cắt bỏ hết tất cả các tế bào bướu, và những tế bào còn sót lại sẽ tiếp tục sanh sôi nảy nở. Vì thế, sau khi giải phẫu, người bệnh cần được trị liệu thêm bằng tia phóng xạ và bằng thuốc. Các bướu dữ thường tái phát sau một khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm.


2. Trị liệu bằng tia phóng-xạ (radiotherapy):

Phương pháp trị liệu này dùng nhiều kỹ thuật và sử dụng những tia phóng xạ thuộc nhiều loại khác nhau. Chuyên gia trị liệu phóng xạ sẽ tùy vào loại bướu mà quyết định áp dụng kỹ thuật nào.

3. Trị liệu bằng thuốc (chemotherapy):

Phuơng pháp này dùng thuốc uống hay tiêm qua tĩnh mạch để cố tiêu diệt hết những tế bào bướu dữ. Tuy nhiên, những loại thuốc này cũng gây ít nhiều độc hại cho người bệnh nên việc dùng thuốc cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chuyên gia trị liệu sẽ quyết định dùng loại thuốc gì, cho thuốc nhiều ít và trong khoảng thời gian bao lâu.

Một thuốc cũng thường được dùng cho bướu óc là dexamethasone. Thuốc thuộc loại steroids, có tác dụng làm giảm sưng phù phần óc chung quanh bướu. Thuốc hiệu nghiệm và tác dụng rất nhanh, tuy không làm tan bướu nhưng giúp cho óc bớt bị sưng phù, phục hồi các chức năng thần kinh và làm giảm các triệu chứng nhức đầu, tê yếu tứ chi, v.v.. Thuốc này dùng song song với các phương thức điều trị khác.

Tóm lại, việc điều trị bướu óc tùy vào loại bướu, vị trí và kích thuớc lớn nhỏ của bướu, cùng những yếu tố khác như tuổi tác và sức khoẻ tổng quát của người bệnh.

Như vậy, việc trị liệu bướu óc dữ và bướu óc lành có rất nhiều điểm khác biệt:

A. Bướu dữ:

· Nếu bướu dữ xuất phát từ những tế bào tại óc, và có thể cắt bỏ được, thì giải phẫu là bước đầu tiên. Sau khi giải phẫu cắt bỏ bướu đến mức tối đa (mà không làm người bệnh mất thêm chức năng thần kinh), tia phóng xạ và thuốc trị bướu sẽ được dùng để điều trị tiếp.

· Nếu bướu dữ thuộc loại chuyển di (mọc từ nơi khác trong cơ thể rồi theo máu đến óc), nhưng ảnh quang tuyến cho thấy chỉ có một bướu duy nhất trong óc, bướu óc có thể được cắt bỏ bằng phẫu thuật. Sau đó, người bệnh sẽ được tiếp tục điều trị bằng tia phóng xạ và thuốc. Nếu quang ảnh cho thấy có nhiều buớu chuyển di xuất hiện một lượt, thì phẫu thuật sẽ không giúp ích gì ngoài việc làm sinh thiết để định bệnh (mổ lấy một miếng bướu đem xem dưới kính hiển vi, hầu biết bướu thuộc loại nào). Một khi loại bướu đã được xác định rồi thì sẽ áp dụng phương pháp trị liệu bằng tia phóng xạ hay bằng thuốc tùy trường hợp.

Trong những trường hợp bướu dữ, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên. Hình quang ảnh sẽ cho biết khi nào bướu tái phát. Trong trường hợp bướu tái phát, phẫu thuật có thể được sử dụng một lần nữa để cắt bỏ bướu.

B. Bướu lành:

Mục tiêu là cắt bỏ hết bướu bằng phẫu thuật mà không làm cho bệnh nhân bị tê liệt hay mất một chức năng thần kinh nào. Nếu bướu tuy lành, nhưng đã ăn dính vào các bộ phận quan trọng của hệ thần kinh (như các mạch máu lớn, các dây thần kinh, hay trục não), thì việc cắt bỏ hẳn không thể thực hiện được. Trường hợp này, bác sĩ giải phẫu sẽ cố gắng cắt bỏ càng nhiều càng tốt; phần bướu còn lại sẽ được theo dõi bằng hình ảnh quang tuyến. Nếu bướu tăng trưởng trở lại, có thể dùng phẫu thuật để cắt bỏ lần nữa.

Bướu lành cũng có loại có thể trị bằng tia phóng xạ. Nếu không thể dùng phẫu thuật cắt bỏ hết được thì dùng tia phóng xạ để làm bướu nhỏ lại hoặc chậm tăng trưởng. Những bướu xuất phát từ tuyến-yên (pituitary gland, một tuyến nội tiết rất quan trọng nằm tại óc) tiết ra kích-thích-tố, có thể điều trị bằng thuốc mà không cần giải phẫu, trừ trường hợp bướu quá lớn khiến những cơ quan chung quanh bị đè ép.

Một số phương pháp trị liệu mới như thay đổi đặc tính di truyền của tế bào bướu (gene therapy) còn đang trong vòng thử nghiệm và mới chỉ được dùng cho một vài loại bướu tại các trung tâm nghiên cứu.

Tiên lượng bệnh

1. Bướu lành:

Bướu lành cắt bỏ hoàn toàn, ít khi tái phát và bệnh được trị dứt. Nếu không thể cắt bỏ hết, bướu lành có tái phát cũng tăng trưởng chậm, người bệnh có thể sống khỏe mạnh trong nhiều năm. Nếu bướu lành đã ăn vào các cơ quan thần kinh làm tê, liệt, mù mắt, điếc tai, v.v., người bệnh sẽ mất đi những chức năng đó.

2. Bướu dữ:

Bệnh không thể trị dứt được và sẽ tái phát. Trị liệu bằng tia phóng xạ và thuốc có thể gia tăng thời gian sống sót từ vài tháng đến vài năm.

Nhiều lúc, đứng trước người bệnh bị bướu óc không thể điều trị dứt được, người y sĩ chỉ còn cách giúp người bệnh sống thoải mái và bớt đau đớn trong những ngày còn lại trên thế gian.

Dù với đầy đủ những phương tiện điều trị tân tiến nhất, hiện tại, cũng chỉ một số bệnh có thể trị dứt mà thôi. Nhưng người y sĩ vẫn có thể tìm cách giảm bớt được những thống khổ thể xác và tinh thần của người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Quyền Tài

BS. Nguyễn Văn Đức.

Tài Liệu tham khảo:

Kaye AH, Laws Jr ER, Ed. Brain tumors. An Encyclopedic Approach. Churchill Livingstone, New York, 1995.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9