Chuyện lão hâm - tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 48 bài trong đề mục
PCT 25.07.2006 20:28:04 (permalink)
Cỏ may

Công việc đã vãn, báo cáo quý 2 và 6 tháng đầu năm cũng đã làm xong, trời thì nóng như đổ lửa, mọi người tranh thủ đi phép, kẻ lên rừng, người xuống biển, riêng Lan xin cơ quan cho nghỉ mấy ngày về quê ăn cưới đứa cháu. Chồng Lan, cũng như mọi khi, không bao giờ phản đối vợ điều gì, anh gọi điện nhờ người quen mua vé giường nằm cho vợ và tự mình đi mua sắm mấy thứ để vợ mang về quê.
Con tàu hối hả chạy trong đêm, mang nàng xa dần hiện tại, quay trở về thời thơ ấu, trở lại vùng quê nghèo lam lũ. Tiếng còi tàu như dục giã cái gì đó, như nguyện cầu một điều không bao giờ có được. Nàng lặng lẽ nhìn qua ô cửa sổ, thấy nhà cửa, xe cộ và những khuôn mặt người lướt qua. Những số phận xa lạ đang vội vàng xuôi ngược trong đêm, mỗi người một mục tiêu để đến.
Nàng có mục tiêu nào trong chuyến đi này? Một mục tiêu mơ hồ, dường như không tồn tại, có lẽ nàng muốn sống một mình, sống cho riêng mình một lúc nào đó chăng?
Sáng sớm tinh mơ, Lan từ từ bước ra khỏi nhà ga xép, nơi thậm chí chả ai thèm soát vé, mà nếu có người đứng soát vé, hẳn cũng sẽ nhận ra ngay cái Lan ngày trước nhà ở ngoài bãi, cái Lan nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng một thời.
May sao, không ai nhận ra nàng, kể cả tay xe ôm mặt đen nhẻm cùng cái xe cũng không kém phần đen đúa. Hắn làm nàng buồn cười khi vội vàng lấy cái mũ mềm đội trên đầu lau yên xe cho người đàn bà quý phái ngồi, mặc dù nàng đã quá quen với cảnh nhiều đàn ông sững sờ, lúng túng khi lần đầu tiên gặp nàng.
Quê hương hình như chỉ là hoài niệm. Quê hương trong nàng không phải là những gì nàng đang thấy: những căn nhà mới xây sơn phết lố lăng, bám dọc con đường cấp phối sẵn sàng tung đầy bụi mỗi khi có chiếc xe chạy qua. Những biển hiệu ngớ ngẩn đầy tính học đòi và tiếng loa truyền thanh đang oang oang phổ biến nghị quyết gì đó của Huyện…

Buổi trưa nàng bận đám cưới đứa cháu. Người ta dựng cái rạp có khung làm từ những ống nước và quây vải, trang trí hoa hoét. Tiếng nhạc xập xình từ mấy thùng loa giả đồ ngoại, nghe lùng bùng tiếng bass và nheo nhéo mấy bài anh anh em em đầy phản cảm.
Ông chú nàng mặt đỏ phừng phừng, cố xếp nàng ngồi cùng một mâm với các quan chức trong xã. Cả xã chỉ có nàng là thành đạt nhất, ngồi vào mâm chức sắc là hợp lý, tuy nàng chỉ là đàn bà. Mà mấy ông kia, tuy là quan xã nhưng cũng chỉ là mấy ông nông dân không hơn không kém, được ngồi với bà Phó Phòng tài vụ một cơ quan ngang bộ ở Thủ đô, mà bà này lại là vợ một ông giáo sư tiến sỹ có tên tuổi, nổi tiếng không riêng gì ở Việt nam mà cả trên thế giới…

Buổi chiều, nàng tranh thủ đi thăm bà con và hàng xóm, chia quà cho mọi người. Ở nhà quê việc này là rất quan trọng, chỉ cần bạn sơ ý để sai sót một tý gì đó, cả làng sẽ còn bàn tán chê bai hàng năm.

Buổi tối đến lúc nào không hay, cả nhà còn bận bên đám cưới, nàng tìm thấy mấy củ khoai lang lăn lóc dưới gầm chạn, quyết định nướng khoai ăn thay bữa. Không gì thú bằng nướng được củ nào, ăn luôn củ đấy. Khoai nóng rẫy tay, vừa thổi vừa ăn, nàng bật cười khanh khách như trẻ con. Xong rồi nàng ra giếng tắm. Cạnh giếng có quây mấy tấm phên, gọi là nhà tắm. Trăng đã lên đầu ngọn tre, còn mấy hôm nữa mới đến rằm, nhưng trăng đã khá sáng, ánh trăng lung linh chiếu lên cơ thể nàng, làm cho những đường cong trên cơ thể viên mãn của nàng càng trở nên huyền bí và thơ mộng. Giữa mùa hè mà nước giếng lạnh buốt, nàng dội từ đầu đến chân, khoan khoái cảm nhận cái mát lạnh của dòng nước và lặng lẽ ngắm những dòng trăng chảy dọc thân mình, từ bộ ngực đầy đặn và cứng mẩy xuống cặp đùi rắn chắc của một người đàn bà đẹp và có cuộc sống lành mạnh.
Nhìn xuống ngực mình, nàng bỗng nhớ lại cảm giác khó chịu xảy ra hơn mười năm trước. Thời gian đó chồng nàng đang đi làm luận án tiến sỹ ở nước ngoài, nàng một mình nuôi con. Nhiều người đàn ông tuởng đó là cơ hội để đến với nàng, thậm chí Hà, cậu bạn kém nàng hai tuổi cùng học đại học với nàng cũng tranh thủ những lần hội lớp, rỉ tai nói về mối tình đơn phương Hà ấp ủ bấy lâu nay. Nàng chỉ cười, không giận Hà, coi chuyện đó cũng là bình thường có thể xảy ra giữa những người bạn. Chỉ có một lần duy nhất, khi Lan đang cắm cúi với những con số thì ông trưởng phòng bước vào, đưa cho nàng bản tổng hợp số liệu tháng. Thấy không còn có ai trong phòng, ông trưởng phòng vừa nói lớn: “Cô xem lại chỗ này, hình như phải điều chỉnh một chút?” vừa thò tay bóp vú nàng. Nàng đờ người vì bất ngờ và giận dữ, không thể phản ứng gì. Ông trưởng phòng tưởng nàng ưng thuận, rà tay xuống phía bụng dưới nàng, tiếp tục nói to: “Chỗ này thì tôi thấy là ổn rồi đấy!”. Bằng một động tác mạnh mẽ đến bất ngờ, nàng gạt tay gã đàn ông khốn nạn kia ra, miệng rít lên: “Anh ra khỏi đây ngay!”

Cảm giác một bàn tay hôi hám chạm vào ngực mình bất chợt làm nàng rùng mình, vội vàng mặc quần áo, lững thững đi về phía đê, nơi hồi bé nàng vẫn lang thang thơ thẩn chơi một mình.

Ai cũng ghen tỵ với nàng. Nàng là mẫu hình của sự thành đạt và hạnh phúc. Học xong đại học, nàng được giới thiệu làm quen với một chàng kỹ sư học ở Nga về. Anh đẹp trai, con nhà tử tế, và anh cũng tử tế. Lấy nhau được mấy năm, khi nàng đang mang thai bé Nga (anh muốn đặt tên con như vậy để kỷ niệm nước Nga) thì anh đi nghiên cứu sinh. Ở Nga anh chỉ biết lo học và lo dành dụm tiền mua hàng gửi về cho nàng có điều kiện nuôi con. Hai người chỉ có một cô con gái, anh là con thứ nên cũng không bị áp lực phải có con trai. Anh nói đẻ thêm con thì em vất vả, sức khoẻ suy giảm, anh không muốn.
Anh là người trọn vẹn với gia đình, anh tận tuỵ với vợ con. Anh nhận thức đầy dủ trách nhiệm của mình, đầy đủ tới mức việc sinh hoạt vợ chồng anh cũng tuân theo một lịch biểu nghiêm ngặt. Vào những ngày có “chuyện ấy”, anh cạo râu, chà răng, xức nước thơm cẩn thận, bật một bản nhạc du dương và dịu dàng làm chuyện chăn gối.
Nàng tôn trọng anh và nàng chưa một lần có ý nghĩ gì về một người đàn ông nào khác. Anh biết điều đó và cũng rất tôn trọng, thậm chí tôn thờ nàng.
Chỉ có một điều không giống nhau giữa hai người, đó là nàng rất yêu thơ, còn anh thì không. Đối với anh, mọi việc phải trật tự và rõ ràng ngăn nắp. Công việc của anh là những công thức chặt chẽ, logic và anh sống theo một kỷ luật cứng nhắc. Nhạc thì anh chỉ nghe nhạc cổ điển. Và khi làm tình, anh làm theo một công thức có sẵn, không biến hoá và hình như không rung động.
Còn nàng, nàng rất thích đọc những vần thơ của Xuân Quỳnh, thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng nàng cũng làm thơ, chép vào một quyển sổ xinh xinh nhưng không cho ai đọc cả.

Trăng đã lên khá cao và nàng đã ra đến chân đê. Tìm một chỗ cỏ dày và sạch, nàng từ từ nằm xuống, ngửa đầu nhìn lên bầu trời mùa hè trong vắt. Trăng thanh khiết và dịu dàng. Những vì sao lấp lánh, như ngày xưa khi nàng còn bé và có thể sau này, khi không còn có nàng trên cõi đời này, thì những ngôi sao vẫn lấp lánh như vậy?

Gió mát từ sông thổi lên. Nàng cảm thấy dễ chịu và bỗng bật cười vì hai ống quần nàng bám đầy cỏ may. Đã lâu lắm, nàng không bị cỏ may xiên vào quần. Thay vì nhặt rút cỏ may, nàng thò tay vào túi, lôi điện thoại di động ra xem. Tin nhắn: “Anh yeu em. Anh ko the song thieu em. Hen gap em 7g o cho hom truoc nhe!.”
Nàng mỉm cười với cái điện thoại di động. Tin nhắn này nàng nhận được cách đây 5 năm, có ai đó nhầm số. Tất nhiên là không phải nhắn cho nàng. Nhưng không hiểu vì sao nàng không xoá tin nhắn đó, để nó lại như một kỷ niệm vu vơ về một cái gì đó huyễn hoặc. Thỉnh thoảng nàng lại mở ra xem một mình…

Trên đường về, hai ống quần nàng lại găm thêm nhiều cỏ may nữa.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.07.2006 09:31:52 bởi PCT >
#1
    tinhcuoimayngan 25.07.2006 21:53:43 (permalink)
    Khắp chốn giăng đầy hoa cỏ may
    Áo em sơ ý cỏ gặm đầy
    ...
    #2
      Trăng Quê 26.07.2006 00:44:15 (permalink)


      Trích đoạn: PCT
      ...

      Cỏ may

      Anh là người trọn vẹn với gia đình, anh tận tuỵ với vợ con. Anh nhận thức đầy dủ trách nhiệm của mình, đầy đủ tới mức việc sinh hoạt vợ chồng anh cũng tuân theo một lịch biểu nghiêm ngặt. Vào những ngày có “chuyện ấy”, anh cạo râu, chà răng, xức nước thơm cẩn thận, bật một bản nhạc du dương và dịu dàng làm chuyện chăn gối.
      Nàng tôn trọng anh và nàng chưa một lần có ý nghĩ gì về một người đàn ông nào khác. Anh biết điều đó và cũng rất tôn trọng, thậm chí tôn thờ nàng.
      Chỉ có một điều không giống nhau giữa hai người, đó là nàng rất yêu thơ, còn anh thì không. Đối với anh, mọi việc phải trật tự và rõ ràng ngăn nắp. Công việc của anh là những công thức chặt chẽ, logic và anh sống theo một kỷ luật cứng nhắc. Nhạc thì anh chỉ nghe nhạc cổ điển. Và khi làm tình, anh làm theo một công thức có sẵn, không biến hoá và hình như không rung động.
      Còn nàng, nàng rất thích đọc những vần thơ của Xuân Quỳnh, thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng nàng cũng làm thơ, chép vào một quyển sổ xinh xinh nhưng không cho ai đọc cả.

      Trăng đã lên khá cao và nàng đã ra đến chân đê. Tìm một chỗ cỏ dày và sạch, nàng từ từ nằm xuống, ngửa đầu nhìn lên bầu trời mùa hè trong vắt. Trăng thanh khiết và dịu dàng. Những vì sao lấp lánh, như ngày xưa khi nàng còn bé và có thể sau này, khi không còn có nàng trên cõi đời này, thì những ngôi sao vẫn lấp lánh như vậy?

      Gió mát từ sông thổi lên. Nàng cảm thấy dễ chịu và bỗng bật cười vì hai ống quần nàng bám đầy cỏ may. Đã lâu lắm, nàng không bị cỏ may xiên vào quần. Thay vì nhặt rút cỏ may, nàng thò tay vào túi, lôi điện thoại di động ra xem. Tin nhắn: “Anh yeu em. Anh ko the song thieu em. Hen gap em 7g o cho hom truoc nhe!.”


      .....


      Câu chuyện nhẹ nhàng như một bài thơ, đã lâu lắm rồi Trăng Quê không đựợc đọc những truyện ngắn viết kỹ đến từng câu chữ như vậy. Cảm ơn PCT rất nhiều!

      Đọc xong một câu chuyện mà kết thúc còn bỏ ngỏ khiến người ta cứ day dứt mãi về một điều gì đó không rõ ràng, mơ hồ và hư ảo!
      Là một người phụ nữ xinh đẹp và thành đạt với một ông chồng lý tưởng như hình mẫu, nàng còn cần gì nữa đây? Một gia đình tròn trịa, một cuộc sống êm ru...

      Có lẽ với nhiều người đó là niềm ao ước còn đối với Lan là gì nhi? Có chua chát quá không khi một người phụ nữ xinh đẹp lại nâng niu một tin nhắn vu vơ không phải cho mình?. Có lẽ nàng đã có quá nhiều thứ nhưng lại thiếu một điều bình dị nhất - tình yêu thực sự của một người đàn ông đối với một người đàn bà. Nàng đã giữ dòng tin nhắn như một báu vật của thời gian.
      Năm năm, thời gian không phải là dài nhưng đối với xuân sắc của một người phụ nữ thì là cả một quãng đời đã trôi qua. Ai biết rằng trong trái tim của một người phụ nữ sống trong nhung lụa không có sự khát khao một lời tỏ tình giản dị " Anh yêu em".
      Hạnh phúc trong đời là gì nhỉ, một mái ấm gia đình bình lặng với những đứa con hay là một tình yêu đích thực dù chỉ thoáng qua trong đời như một cơn " Say nắng". Sống bên cạnh một người chồng như được lập trình sẵn mọi hoạt động như vậy đã bao giờ Lan thực sự là một người đàn bà theo đúng nghĩa của nó!

      Có lẽ người viết đã cố giữ cho giọng văn thật bình thản ở đoạn kết mà sao người đọc vẫn xót xa làm vậy! Nỗi xót xa này như thể phi lí bởi xót xa cho số phận một con búp bê trong những tấm vải màu sặc sỡ, những áo xiêm đủ loai...
      Người đàn bà trong Lan có lúc nào thức dậy hay chỉ là chút thư giãn trên cánh đồng quê hương với những ánh trăng vàng mơn man trên da thịt. Liêu Lan có biết buồn không?
      Một người bạn của tôi nói rằng đàn ông thì có đủ loại, người ham danh, người hiếu sắc, người thích tiền bạc, kẻ thích ăn chơi. Nhưng phụ nữ thì chỉ có hai loại mà thôi: phụ nữ được yêu và phụ nữ không được yêu! Cái lí sự nghe qua có vẻ buồn cười mà sâu sắc vì chỉ khi được yêu phụ nữ mới tỏa sáng và hạnh phúc thực sự. Chỉ khi được yêu phụ nữ mới trở thành người đàn bà theo đúng nghĩa.
      Có lẽ tác giả đã là một người quan sát thật sâu lắng mới hiểu thấu tâm can của nhân vât. Cái tin nhắn mà bất kể người phụ nữ nào được yêu cũng có thể nhận hàng ngàn lần còn với nàng thì là một báu vât nâng niu. Không phải vì nàng xấu xí đến mức không được yêu. Nàng đẹp là đằng khác nhưng để giữ một gia đình êm ấm, một ông chồng giàu sang danh giá nàng đành hy sinh tất cả mọi thói quen, niềm đam mê của mình. Âu đó cũng là cái giá của cuộc đời. Khoác lên mình cái vẻ đẹp mỹ miều quý phái, sang trọng nhưng chẳng để làm gì, chẳng cho ai.
      Vậy đẹp mà làm gì? Chắc có người sẽ bảo " no cơm ấm cật" không hiểu cái bọn đàn bà còn muốn gì hơn nữa?

      Có lẽ đó là nỗi khát khao được đam mê và được yêu thương...

      Đọc xong câu chuyện của PCT mà tôi cứ lan man mãi, chợt nhớ bài thơ rất hay của Xuân Quỳnh về loài hoa Cỏ may chép lên đây để tặng mọi người.

      Hoa cỏ may

      Cát vàng, sông đầy cây ngẩn ngơ
      Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
      Tên mình ai gọi sau vòm lá
      Lối cũ em về nay đã thu

      Mây trắng bay đi cùng với gió
      Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
      Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
      Thơviết đôi dòng theo gió xa

      Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
      áo em sơ ý cỏ găm đầy
      Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
      Ai biết lòng anh có đổi thay?

      Xuân Quỳnh

      Chuyện của PCT rất nhẹ nhàng, rất lô gic giống như một cơn gió thoảng qua mà lắng sâu dịu nhẹ...dịu nhẹ giữa đêm hè...
      Lần đầu tiên Trăng Quê thấy PCT xuất hiện trên diễn đàn nhưng đã thật sự cảm kích về một câu chuyện đẹp với lối viết văn chuẩn xác từng câu chữ. Mình mong rằng rồi đây các câu chuyện của PCT được mọi người đón đọc trong thư quán này và trong Thư viên On line.
      Thật vinh dự cho những ai được thưởng thức câu chuyện của bạn
      !
      #3
        PCT 26.07.2006 16:45:17 (permalink)
        Ba cái lá ngón

        Năm đó nó mới 7 tuổi, học lớp 2 trường làng. Nó thường lang thang chơi thơ thẩn một mình bên cái ao bẩn thỉu mà hồi đó đối với nó là cả một thế giới đầy âm thanh và màu sắc. Nó đào một cái hố, bịt miệng lỗ bằng miếng mo cau, căng sợi dây rồi lấy que chống lên cái mo cau, thế là nó có được chiếc đàn đầu tiên trong đời. Lấy que tre bật lên sợi dây, cái đàn phát ra những âm thanh ngớ ngẩn mà nó cảm thấy thật vô cùng kỳ diệu.

        Có những lúc nó nằm ngửa trên nền đất ẩm ướt, qua kẽ là, nhìn lên bầu trời, thấy những đám mây tạo ra những hình thù huyền ảo theo trí tưởng tượng của nó: ông tiên râu dài, con chó cong đuôi chạy, bà già còng lưng gánh lúa....Nhưng chỉ trong phút chốc, các hình ảnh huyền ảo kia bỗng biến mất, nhường bầu trời cho những đám mây như mấy cái đụn rơm xấu xí.

        Nó có người bạn hơn nó 10 tuổi – chị Mơ. Chị ở xóm trên, chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Thỉnh thoảng đi làm đồng về, chị ngồi nghỉ dưới cây phượng nhà nó, lấy nón quạt bay bay mấy lọn tóc mà trước đó còn bị mồ hôi dính chặt trên trán. Chị hay dúi cho nó, khi thì mấy quả dại, lúc thì mấy quả sim tím, có lần chị cho nó con cua đồng với cái mai đầy thình thù kỳ bí. Đổi lại, nó hay hái các thứ hoa thơm tặng chị, mùa nào thức nấy: hoa bưởi, hoa lan, hoa cau. Chị Mơ không thích hoa nhài, không biết vì sao, mặc dù hoa đó rất thơm.

        Chị biết cách gội đầu bằng nước thơm do chị tạo ra từ những bông hoa nó tặng chị, và lúc nào người chị cũng tỏa ra một hưong thơm dịu nhẹ, vừa dễ chịu vừa lạ lẫm.

        Tình bạn giữa hai chị em đang yên thấm, bỗng xuất hiện một nhân vật mới, anh bộ đội chuyển ngành với chiếc răng vàng lấp lóe nơi cửa miệng. Anh này từ đâu đến chứ không phải người vùng này, anh nói giọng bắc nghe rất dịu dàng và ngọt ngào.

        Vào những đêm sáng trăng, đám thanh niên thanh nữ trong làng tụ tập trên sân đình để anh Răng vàng dạy hát. Anh biết nhiều bài hát mới, cả một số bài hát Liên Xô hay lắm. Vừa hát, anh vừa điệu nghệ vê dây đàn Măngđôlin, mái tóc dài xõa một bên trán, trông thật quyến rũ.

        Chị Mơ cũng hay dán chặt mắt vào anh Răng vàng. Còn anh Răng vàng thì mỗi lần ngân cao giọng hát, anh lại tình tứ đảo mắt về phía chị Mơ, ánh mắt lấp lánh dưới đám tóc rủ, còn cái răng vàng thì lấp lánh bên khóe miệng.

        Kết cục là hai người cưới nhau. Hôm đám cưới chị Mơ, khi chị đang trang điểm trong buồng, nó tìm cách lẻn vào, đổ ra bàn cả một vốc hoa bưởi. Chị cười, mặt đỏ hồng, bỏ mấy cái kẹo cau vào túi nó rồi dục nó về.

        Trong đám cưới, anh Răng vàng lên hát mấy bài, có bài song ca cùng chị Mơ. Cả làng ai cũng khen hai người đẹp đôi. Riêng nó thì cảm thấy buồn, từ nay chắc gì chị Mơ còn cho nó quà nữa?

        Hai tháng trôi qua, một hôm nó đang đuổi bắt chuồn chuồn cạnh bờ ao thì bỗng nghe có người thất thanh: ”Con Mơ ăn lá ngón chết rồi!”.

        Không hiểu vì sao, nó chỉ nhận thức được hai tiếng “lá ngón”, còn thông tin về cái chết của chị Mơ dường như không đập vào tâm trí nó. Nó đứng lặng, nhớ đến lời dặn của mẹ “Lá ngón cực độc, mày ăn phải một lá là chết ngay!” Rồi nó ngồi bệt xuống đất, từ từ hiểu là chị Mơ đã ăn lá ngón chết rồi.

        Mới cưới nhau được hai tháng, anh Răng vàng bỏ về Vinh theo một cô gái khác. Đau đớn và tủi hổ, chị Mơ tìm đến ba cái lá ngón!

        Hôm đám ma chị, nó không dám đến gần. Từ xa nó nhìn thấy đám đàn ông xúm nhau khiêng cái quan tài gỗ mộc đi dọc đường làng và nghe tiếng khóc chửi của mẹ chị Mơ vọng theo: “Sao mày nỡ cướp cái quan tài của tao hở cái con Mơ bất hiếu kia!?”

        Bây giờ nó mới cảm thấy ngạt thở và đau đớn. Chị Mơ đã chết thật rồi và người ruột thịt duy nhất của chị chỉ tiếc thương cho cái quan tài mà thôi.

        x
        x x

        Nó lặng lẽ chui qua vườn nhà hàng xóm, bứt hoa bưởi đầy một vạt áo. Trở về góc vườn quen thuộc, nó gỡ vứt cái mo cau mặt đàn của nó, cẩn thận trải ba cái lá ngón xuống dưới đáy hố rồi từ từ thả từng bông hoa bưởi lên trên. Những bông hoa bưởi trắng ngần, mềm mại, thơm ngát năm chồng lên nhau, ngây thơ không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng. Khi đã cho hết số hoa vào hố, nó để cho dòng nước mắt chảy dài trên má, hít thở hương thơm quen thuộc của hoa bưởi lần cuối cùng rồi dùng tay cào đât lấp kín cái lỗ thùng đàn của nó hồi nào. Đó là nấm mồ chôn tuổi thơ của nó.

        Cho đến tận bây giờ nó vẫn không sao hiểu nổi: cuộc đời và hạnh phúc của một người con gái lại không bằng ba cái lá ngón hay sao?

        Bây giờ trên trời vẫn đầy những hình thù kỳ quái, song nó không thấy có ông Bụt nào hết.
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.07.2006 09:33:17 bởi PCT >
        #4
          khoitam 26.07.2006 18:28:44 (permalink)
          Hồn anh như hoa cỏ may
          Một chiều cả gió bám đầy áo em


          Nguyễn Bính
          #5
            Trăng Quê 26.07.2006 22:43:00 (permalink)

            Nó lặng lẽ chui qua vườn nhà hàng xóm, bứt hoa bưởi đầy một vạt áo. Trở về góc vườn quen thuộc, nó gỡ vứt cái mo cau mặt đàn của nó, cẩn thận trải ba cái lá ngón xuống dưới đáy hố rồi từ từ thả từng bông hoa bưởi lên trên. Những bông hoa bưởi trắng ngần, mềm mại, thơm ngát năm chồng lên nhau, ngây thơ không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng. Khi đã cho hết số hoa vào hố, nó để cho dòng nước mắt chảy dài trên má, hít thở hương thơm quen thuộc của hoa bưởi lần cuối cùng rồi dùng tay cào đât lấp kín cái lỗ thùng đàn của nó hồi nào. Đó là nấm mồ chôn tuổi thơ của nó.


            Cốt truyện của PTC hay nhưng buồn quá! Mong sao câu chuyện này đừng có thật bởi số phận của một người phụ nữ chỉ bằng ba cái lá ngón thôi sao?
            Bạn viết rất xúc tích và mình mê truyện ngắn của bạn. PCT post tiếp đi nhé. Hình như theo quy định bạn phải viết tên dưới bài viết thì phai?
            Tùy bạn thôi...
            #6
              PCT 27.07.2006 21:34:05 (permalink)

              Người đàn bà xa lạ

              Đó là tên bức tranh nổi tiếng của hoạ sỹ Kramskoi, trên đó có hình người đàn bà trẻ với cặp mắt to huyền bí dường như nhìn xuyên qua kẻ ngắm tranh, đến một nơi xa xăm nào đó. Tôi xin mượn tên bức tranh để đặt tên cho bài viết mà tôi muốn tặng một người bạn từng du học ở Leningrad nhân ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.

              Một tối mùa đông cuối thập kỷ 80, tôi lặng lẽ rời khách sạn, đi dạo dọc bờ sông Neva, con sông đang ngầm chảy dưới làn băng tuyết trắng. Khoan khoái hít sâu cái không khí trong lành và dễ chịu của mùa đông nước Nga, tôi muốn tìm một chút thư giãn sau mấy ngày làm việc căng thẳng, đồng thời tranh thủ ngắm thành phố xinh đẹp do Pie Đại đế xây dựng nên với nhiều cung điện và tượng đài nổi tiếng mà tôi đã một lần ghé qua mười mấy năm trước đó.


              Trên con đường vắng, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng bước chân mình lạo xạo trên tuyết. Tiếng lạo xạo đó đã trở thành kỷ niệm của những năm du học, trở thành một phần tuổi trẻ của tôi. Thỉnh thoảng một chiếc taxi lao vội, phá tan trong chốc lát sự yên tĩnh của con đường ven sông, xẹt lên vỉa hè những vệt tuyết bẩn. (Người ta phải rải cát vàng ra đường để chống trơn vào mùa băng giá).

              Trong cái tĩnh lặng ấy, tôi dễ dàng nhận ra một người phụ nữ đã lớn tuổi, vai hơi nghiêng vì phải xách một túi đồ khá nặng, lầm lũi bước những bước chân đều đặn cùng một hướng đi với tôi. Tôi rảo bước đến gần bà, đề nghị:

              - Cho phép tôi được xách giúp bà một đoạn?
              - Cảm ơn ông, tôi tự lo được. Bà già ngước cặp mắt to nhìn tôi, thoáng một chút nghi ngại.

              Tôi hiểu được sự ái ngại của bà. Thời gian gần đây tình hình trật tự trị an của Liên xô xấu đi, người dân phải cảnh giác hơn với người lạ, đặc biệt là những người vùng Trung Á, nơi trình độ dân trí thấp hơn phần châu Âu của Liên xô.

              - Thưa bà, tôi là người Việt nam. Hơn nữa tôi đoán túi đồ của bà không đáng để kẻ cướp quan tâm.
              - Vậy xin phiền ông, ông tốt quá. Bà già bật cười trước cách diễn đạt của tôi, trao cho tôi túi đồ khá nặng, chắc là toàn những lọ mứt trái cây, dưa chuột muối và táo. Người đàn bà Nga nào chả hay xách những thứ đó?


              - Ông mới ở Việt nam sang hay làm việc ở đây?
              - Tôi mới đến Leningrad được ba ngày, tôi là phiên dịch.
              - Đúng rồi, ông nói tiếng Nga hay lắm.
              - Cảm ơn bà có lời khen, tôi chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình.
              - Thế ông lưu lại khách sạn nào?
              - Khách sạn Tháng Mười, thưa bà.
              - Ồ, thế thì đoàn các ông là đoàn cấp cao rồi. (Tôi không tìm thấy một chút mỉa mai nào trong giong nói của bà).

              Chỗ này tôi phải nói thêm với bạn đọc là ở Liên xô cũ thành phố nào, tỉnh nào cũng có khách sạn Tháng Mười, đó chính là nhà khách của Đảng CSLX, nơi người khách nhiều khi chỉ phải ký “bông” chứ không phải trả tiền cho mọi dịch vụ hảo hạng.

              - Vâng, theo một nghiã nào đó. Tên tôi là Th., bà có thể gọi là Victo cho dễ phát âm.
              - Tôi là Liubov Petrovna, tôi là giáo sư trường Múa Lenningrad đã về hưu. Ở Việt nam ông có biết hai học trò của tôi là Thuỷ và Cường không?
              - Thật là một bất ngờ thú vị: tôi cùng học dự bị với hai người này, hiện họ là cán bộ chủ chốt của Trường Múa Việt nam.
              - Họ chẳng hề thư từ gì cho tôi cả, giọng bà lộ ra một chút xíu trách móc mà có lẽ bà đã cố dấu đi.
              - Mong bà thứ lỗi và thông cảm. Đất nước chúng tôi trải qua hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, việc liên hệ với người nước ngoài đôi khi mang lại ít nhiều bất lợi.
              - Tôi cũng đoán thế, chứ không bao giờ chúng nó có thể quên tôi. Giọng bà ấm trở lại. Thôi chết, ông có đi cùng đường với tôi không, có thể tôi đã làm phiền ông nhiều quá?
              - Không sao, tôi chỉ đi dạo, đường nào cũng là đi dạo. Vả lại rất vui được nói chuyện với bà, bà làm tôi nhớ đến bà giáo kính mến của tôi.


              Cứ thế, chúng tôi một già một trẻ vừa đi vừa trò chuyện. Tôi lấy làm tiếc vì mình ít hiểu biết về lĩnh vực Ba lê, ít biết những tên tuổi nổi tiếng trên sàn múa nước Nga và thế giới. Biết đâu bà Liubov Petrovna từng là một solist nổi tiếng hay là một nhà giáo đã đào tạo nhiều tài năng cho các sân khấu của châu Âu?

              Tôi nói với bà về Việt nam, về công cuộc đổi mới vừa bắt đầu. Bà nói về “cải tổ” mà theo bà không rõ sẽ đưa đất nước Nga đi về đâu. Tôi kín đáo quan sát khuôn mặt nhẹ nhõm, dáng đi khoan thai và thanh thoát của người vũ công về già. Tôi không dám hỏi bà đi đâu một mình và trở về khuya khoắt trong cô đơn. Đó là phép lịch sự. Bà hỏi thăm tôi về gia đình, về các con tôi, không hẳn là vì phép lịch sự.

              Không hiểu do đâu tôi bỗng nhắc đến bức tranh Người đàn bà xa lạ, nhắc đến những tiểu thuyết có nhiều diễn biến gắn với Xanh Peterburg, rồi chúng tôi nói về danh hài Raikin của Leningrad. Bà tỏ ra là một người trò chuyện thú vị.


              Bà bất ngờ dừng lại trước cửa một nhà chung cư:
              - Tôi đã về đến nhà rồi, cảm ơn ông đã giúp đỡ. Chân thành chúc ông luôn hạnh phúc!

              Tôi hiểu lời chúc của bà, chỉ những người ở tuổi bà mới ngộ rằng hạnh phúc là cái quan trọng nhường nào cho một đời người.

              - Thay mặt tất cả những học trò Việt nam của bà và tự đáy lòng xin chúc bà mạnh khoẻ và mọi điều tốt đẹp nhất.

              Bà chìa tay cho tôi bắt, bàn tay mảnh mai nhưng rắn chắc.


              Theo con đường ven sông tôi lững thững quay về khách sạn. Thỉnh thoảng một đôi tình nhân đi chơi về muộn, nàng ngả hẳn vào chàng như lấy thêm hơi ấm...

              Dừng lại trước cửa khách sạn, tôi châm thuốc hút. Tính tôi là vậy, bao giờ cũng hút một điếu thuốc để ghi nhận một sự kiện sau này sẽ trở thành kỷ niệm khó quên.

              Đúng như thế thật, mỗi khi tôi nhớ Liên xô, nhớ nước Nga thì trong bao nhiêu hỗn độn của ký ức, bao giờ cũng hiện về hình ảnh người đàn bà xa lạ bên dòng sông Neva, người phụ nữ Nga mà số phận đã cho tôi được gặp, cho tâm hồn tôi một lần được trú ngụ trong cái hiền hoà và nhân hậu của người Nga.

              Câu chuyện giống như trên có thể xảy ra không ít lần với mỗi người trong chúng ta, nó cũng chẳng có gì đặc biệt đáng viết ra cho người khác đọc. Song cuộc đời chúng ta lại đặc biệt ở chỗ nó được ghép lại bởi những sự kiện thoạt nhìn rất đỗi bình thường.



              <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.07.2006 09:38:41 bởi PCT >
              #7
                PCT 28.07.2006 09:47:30 (permalink)
                Cây đa thôn Vĩ Hậu

                Đúng ra thôn Vĩ Hậu là tên trước đây, từ khi huyện được nâng thành quận, xã thành phường thì nó được đổi thành Tổ dân phố số 25 phường DV. Được vài ba năm, người ta vẽ lại địa giới phường, nó lại mang tên tổ khác của phường khác. Chỉ khổ mấy người thích thăm viếng các sếp phường, chưa kịp đủ mặn mà thì lại phải đi tìm cửa khác.

                Cũng giống như các thôn làng Bắc Bộ, Vĩ Hậu có cây đa. Cây đa có tự bao giờ không ai biết, nó được ai đó trồng lên hay chim tha hạt về thả xuống đó - không ai hay. Bây giờ nó đã là một cây với rất nhiều thân, tán lá xum xuê vươn ra mọi hướng.

                Chuyện tôi muốn kể có liên quan đến tán lá cây đa.
                Số là người dân ngoại thành có một cách đô thị hóa rất nhanh và hữu hiệu: bán bớt một phần đất, lấy tiền xây nhà đúc, mua TV, xe máy tủ chè sập gụ. Mọi thứ đều mới cả, tủ chè sập gụ cũng mới nhưng giả cổ. Thoắt một cái, sau mấy tháng ông bà trồng rau đã biến thành người Kẻ Chợ, bóng bẩy không kém ai. Thằng con trai học mãi không hết Phổ thông cưỡi @ phóng vè vè, tóc vàng rơm, nay không đứng bán “Kết quả đêêêê…!” đầu ngõ nữa mà hình như bán cái bột trắng mịn hơn mì chính…

                Một tay trung niên tên là Thảo mua lại miếng đất bên cạnh cây đa. Chuyện đó cũng bình thường thôi, 70% hộ dân ở Vĩ Hậu là đám mới tậu đất xây nhà, ngày xưa gọi là dân ngụ cư. Anh mua đất? Anh hãy lên Phường chạy con dấu xác nhận mua bán rồi thì cứ việc xây. Đội quy tắc quy téo đến hò hét một chốc, anh hãy xì cái phong bì ra, chúng nó sẽ cười tươi và lễ độ như muốn làm con rể anh, anh cứ tự nhiên xây tiếp! Thiết kế nhà, khỏi cần! Kiểu nhà hình ống ở Việt nam đã được hoàn thiện đến mức mấy anh thợ xây thuộc nằm lòng, nói sơ sơ mấy câu là họ làm được tất. Với lại thử tính xem có mấy cái nhà dân xây mà bị sập? Hầu như không có, tuyền nhà của công thì mới hay sập thôi. Hôm rồi ở Băc Ninh có cái tượng đài gì đó, khánh thành chưa được 2 giờ thì sập bố nó tường. Rõ là vừa buồn vừa cười!

                Nhưng cái tay trung niên Thảo này lại gặp rắc rối ngay từ khi bắt đầu động thổ. Có mấy cành đa thò sang không gian đất nhà hắn, thường thì chỉ cần nói với hàng xóm một câu rồi cho thợ chặt đi. Khổ nỗi cây đa lại là của chung, nằm trên đất của Trụ sở Tổ dân phố. Phàm đã là của chung thì làm gì có chủ? Bởi vậy hắn cứ cho thợ chặt mấy cái cành đã lâu nay đung đưa trên đất nhà hắn theo quy luật tự tìm ánh sáng của loài cây.

                Trong thôn, à quên tổ, có lão Đại, người bé tý, cao không hơn thước rưỡi, nặng không quá 40 ký. Chắc bố mẹ lão có cái tính hài hước nên mới đặt lão tên là Đại. Ngoài cái tên Đại ra, ở lão toàn tiểu cả, đặc trưng nhất là cái tính tiểu nhân.

                Lão Đại mò sang nhà ông Tổ trưởng dân phố, hấp háy con mắt:
                - Bác Tổ trưởng ơi, thằng cha Thảo nó chặt cây đa làng mình rồi!

                Ông Vạn Tổ trưởng người Nghệ an, chẳng biết vì lẽ gì mà bỏ quê cha đất tổ ra đây làm Tổ trưởng, có người xấu bụng nói ông cố kiết làm Tổ trưởng để vợ ông chiếm được chỗ bán hàng thơm nhất đầu ngõ, còn con ông thì buôn bán vật tư xây dựng, xe chở cát sỏi chạy rầm rầm trong ngõ không ai dám kêu.

                Dù sao thì ông cũng là Tổ trưởng, là quan dân chứ không phải kẻ tầm thường như lão Đại, nên ông thủng thẳng ra trụ sở xem thực hư thế nào. Trung niên Thảo vừa thấy quan đầu tổ, vội vàng chạy sang trụ sở (cũng là “hàng xóm” của hắn), móc bao Vina mời sếp:
                - Chào bác, sáng em sang bác nhưng bác đi vắng, báo cáo bác hôm nay chọn được ngày lành tháng tốt, em làm cái thủ tục động thổ ạ. Mời bác ăn điếu thuốc.
                Ông Tổ trưởng nói giọng Nghệ pha một vài từ bắc, nặng như hòn đá tảng:
                - Đáng ra ông phải nói với Tổ một câu về việc chặt cành đa.
                Thảo gãi tai:
                - Đúng là nhà em có khuyết điểm, em muốn làm cho kịp giờ. Mý lại em nghĩ chặt vài cái cành không có ảnh hưởng gì cả.
                - Thôi ông đã trót làm thì làm đi, ông tổ trưởng nói ậm ừ rồi bỏ về nhà.

                Lão Đại không theo ông Tổ trưởng mà chạy sang nhà đồng chí Bí thư:
                - Bác Bí thư ơi, thằng cha Thảo nó chặt cây đa làng mình rồi! Nhưng cái nhà ông Tổ trưởng không xử lý gì hết, thế có chết không chứ?!

                Ông Hảo Bí thư là dân Vĩ Hậu gốc, mấy đời sống ở đây, nghe nói thế mặt ông tái đi. Tôi nói mặt ông tái đi là nói cho có chuyện, chứ mặt ông lúc nào cũng tái, không thể tái hơn được nữa. Đó là do nhiều năm sốt rét rừng, những cái năm ông làm bên Địa chất, len lỏi khắp các xó xỉnh rừng núi Tây bắc. Bây giờ đã nghỉ hưu, chi bộ có hơn chục người, toàn dân hưu trí, đùn đẩy bắt ông làm bí thư, chứ thực tình ông không rành công tác đảng lắm.

                May là công tác đảng ở địa bàn cũng không phức tạp, ngoài việc phổ biến nghị quyết, thu đảng phí, tham gia các cuộc họp của dân phố thì cũng chẳng có việc gì nhiều.
                Vứt cái điếu cày chưa kịp châm lửa hút, ông Hảo chạy vội ra Trụ sở, lão Đại lon ton bám theo.

                - Ai cho phép anh chặt cây đa làng này? Anh có biết cây đa này có đã bao nhiêu đời nay rồi không? Anh có biết cây đa là thần phù hộ cho cái làng này ăn nên làm ra, mở mày mở mặt hay không mà anh dám chặt nó?

                Ông Hảo nói liền một dây rồi hụt hơi không nói được nữa. Lão Đại nói đế vào như kiểu lên chùa tụng kinh, khi sư ông đuối hơi thì các con nhang phật tử phải tụng to thêm lên:
                - Cái này là gay lắm, đụng đến long mạch làng này rồi trời đất ơi.

                Chắc chắn lão Đại không hề biết cái long mạch có liên quan gì đến cây đa hay không, nhưng cứ nói cho được việc thì cần gì phải đúng mới nói?

                Trung niên Thảo hơi bị bất ngờ trước thái độ của ông Bí thư, hắn nói rất dịu:
                - Thưa bác Bí thư, như vậy là em sai rồi, bây giờ các bác có phạt thế nào em cũng xin chịu.
                - Phạt hả, phạt bao nhiêu cho bù lại những thiệt hại to lớn mà anh mang lại? Trước mắt tôi quyết định, ông Hảo ưỡn ngực, phạt anh ba mươi triệu. Trong vòng 3 ngày phải nộp đầy đủ.

                Trung niên Thảo vâng vâng dạ dạ, hẹn sẽ chồng tiền nghiêm chỉnh. Nhưng quá 3 ngày, không thấy hắn động tĩnh gì, ông Hảo lại ra trụ sở:
                - Nhà Thảo kia, hôm nay là ngày thứ mấy rồi?
                - Bác ơi, em biết hôm nay là quá hạn nộp phạt rồi, nhưng cảnh xây nhà phải đi vay xuôi mượn ngược, em lấy đâu tiền nộp các bác bây giờ?
                - Ông nói đùa đấy à, có tiền làm nhà thì phải có tiền nộp phạt.
                - Hay các bác cho em khất đến khi xây xong em nộp cả thể? Trung niên Thảo gãi tai.
                - Bốn năm tháng nũa ông mới xây xong nhà, bấy giờ mức phạt sẽ là 50 triệu, không phải là 30 mươi triệu như bây giờ đâu!.
                - Vâng em xin chấp nhận ạ.
                - Không nói xuông, ông phải làm giấy cam kết nộp phạt.
                Trung niên Thảo vào xé một tờ trong quyển sổ theo rõi công trình, viết rõ ràng:
                Hà nội ngày … tháng … năm …
                Tôi Nguyễn văn Thảo, làm nhà trên đất hợp pháp của tôi, có trót dại chặt một số cành đa vươn sang không gian đất nhà tôi. Nay theo ý kiến ông Bí thư tổ dân phố, tôi xin cam kết nộp đầy đủ số tiền phạt theo pháp luật hiện hành.
                Ký tên – Nguyễn văn Thảo
                Rồi nộp cho ông Hảo Bí thư. Ông này cất kỹ vào túi, quay về nhà ngồi hút thuốc lào.

                X
                X X

                Mấy tháng sau, nhà trung niên Thảo đã xây xong, 4 tầng một tum, sơn phết lòe loẹt đúng kiểu model đời mới. Thảo mời tất cả bà con hàng xóm, các vị chức sắc của tổ dân phố đến dự lễ tân gia. Ông Vạn Tổ trưởng và ông Hảo Bí thư cũng có mặt.

                Mượn dịp đã ngà ngà say, ông Hảo nhắc chủ nhà về việc nộp phạt. Trung niên Thảo cười tươi tắn:
                - Ấy chết, về việc đó em phải mời hai bác với bác Đại một bữa đặc biệt, không thể lẫn lộn vào ngày hôm nay được.

                Ông Vạn với ông Hảo không muốn dây dưa kéo dài, riêng lão Đại nghe nói được chén thêm bữa nữa thì vui mừng ra mặt:
                - Ông cứ làm bữa thịt chó cho nó dân dã, nhé?

                Mấy hôm sau, Trung niên Thảo sai con ra quán Cây Cọ mua đủ các món chó, bày đầy một mâm. Thảo sang tận nhà ba vị chức sắc của tổ mời sang nhắm rượu (đúng ra thì lão Đại chả có chức vụ gì, nhưng người đời thường hay sợ những thằng đâm bị thóc chọc bị gạo, tôn trọng nó một tý đỡ hại về sau).

                Thịt chó ngon, miếng riềng ngon, bát mắm tôm thơm phưng phức, rượu nếp sủi tăm, mấy thứ đó đi với nhau như các bè trong dàn hợp xướng, nâng lên hạ xuống đan quyện vào nhau, làm nên bữa tiệc vô cùng khóai khẩu.

                Khi môi đã mềm, không khí đã thân mật dễ chịu, Thảo mới từ từ mở cánh cửa tủ chè giả cổ, trân trọng lôi ra một cục gói giấy báo mà thoạt nhìn ai cũng biết ngay là gói tiền:
                - Em đã chuẩn bị số tiền nộp phạt như đã hứa. Dưng cơ mà em đề nghị các bác cho em xem cái văn bản pháp luật hiện hành quy định về phạt việc chặt cành đa vươn sang đất nhà em. Có văn bản thì em mới nộp ạ.

                Ông Hảo vội moi trong túi ra tờ cam kết của trung niên Thảo, đọc đi đọc lại đoạn “tôi xin cam kết nộp đầy đủ số tiền phạt theo pháp luật hiện hành”, rồi đớ người ra không biết nói gì.
                Lão Đại lầu bầu cái gì không rõ, còn ông Vạn Tổ trưởng thì lắp bắp rặc giọng Nghệ an (mỗi khi cáu lên, ông Vạn không nói pha giọng bắc được):
                - Mi chượi cha bầy choa, mi ịa lên trốc bầy choa!
                X
                X X
                Chuyện cây đa chỉ có thế. Cây đa vẫn to cao xanh tốt. Thôn Vĩ Hậu vẫn ngày càng to đẹp hơn nhờ có thêm nhiều nhà mới rất modern như nhà trung niên Thảo.
                #8
                  PCT 29.07.2006 10:07:15 (permalink)
                  Phượng
                  (8/6/2004)

                  Giữa tháng 5 vừa rồi Tân phải đi công tác Hạ Long một tuần, đúng vào dịp có đợt gió mùa đông bắc, trời mưa xậm xịt dai dẳng chán ngán không thua gì cái khuôn mặt ông chủ tọa hội nghị. Tất cả mọi người ăn ở hội họp ngay trong khách sạn và do trời mưa nên ít ai ra ngoài đi chơi, phần nữa là ai cũng nhiều lần đi Hạ Long rồi, không còn có hứng khám phá cái mới. Trước khi Tân đi một người bạn nói nửa đùa nửa thật: “Bác phải viết một cái gì đó về Hạ Long nhé, cho dù về một cục than đen cũng được”. Thế mà Tân chả thấy một cục than nào, hạ Long bây giờ đường sá to đẹp, xây cất khang trang sạch sẽ, cầu treo qua Gòn Gai đang được thi công.

                  Gần đến ngày về thì trời hửng nắng, cái nắng sau đợt mưa kéo dài bao giờ cũng rực rỡ, làm cho ta hơi một chút choáng ngợp. Tân một mình rời khách sạn, đi dạo thơ thẩn không chủ đích dọc bờ biển, xa xa là một lũy đảo bao bọc hàng đòan tàu thuyền các loại xuôi ngược, chúng để lại vệt bọt trắng phía sau như vẽ một bức tranh động trên nền một bức tranh tĩnh. Tân sực nhớ đến bài thơ “Thuyền và biển” của nữ sỹ Xuân Quỳnh. Bài thơ rất hay, Tân thích nó hơn bài “Biển” của Xuân Diệu. Chị Xuân Quỳnh ơi, chị dùng hình tượng thuyền và biển để nói về sự gắn kết mang tính chất sống còn trong tình yêu, nhưng Tân xin hỏi chị, biển có một mà thuyền thì rất nhiều? Buồn quá phải không chị, cuộc sống và mọi điều thuộc về nó chỉ là tương đối.

                  Với những suy nghĩ vẩn vơ như thế Tân thong thả bước về khách sạn, không muốn đi bằng lối cũ, anh vòng về phía sau khách sạn, nơi đường hẹp và ít đồ trang trí hơn. Đến gần khách sạn anh bỗng đứng sững lại, đăm đăm nhìn vào cây phượng vĩ đỏ rực, đỏ đến lóa mắt. Kỷ niệm xưa với những tình cảm khó tả kéo về ngập tràn trong anh, Tân lặng lẽ ngồi lên hòn đá bên vệ đường, để cho lòng mình trở về với Phượng.
                  x
                  x x
                  Hai mươi năm trước, ngày ngày đạp xe đi làm qua một ngã ba gần đê La Thành, chỗ người ta trồng toàn cây xà cừ, loại cây thân gỗ phát triển rất nhanh, mau cho bóng mát. Bỗng có lần bão quật đổ cây xà cừ ở ngay ngã ba, nó nằm kềnh ra đường. Chờ mãi chẳng thấy Công ty cây xanh đến thay cây khác, mấy nhà gần đó bảo nhau tự kiếm một cây con về trồng vào cái hố sâu hoắm do cây xà cừ để lại mà người qua đường sử dụng như một hố rác.

                  Tân để ý đến cây phượng ấy từ khi nó chỉ là một cây bé nhỏ khẳng khiu, bọn trẻ con hay vít cong xuống để chơi như một thứ trò chơi vỉa hè. Thế mà nó vẫn lớn và lớn khá nhanh, bốn năm năm sau đã xòe bóng mát cho mấy bà đồng nát ngồi phân loại hàng hóa mỗi chiều.

                  Rồi nó bói lứa hoa đầu tiên, rụt rè có mấy cành lốm đốm đỏ. Tháng 5 năm ấy ngày ngày hai lần đi qua ngã ba Tân đều đạp xe chầm chậm để ngắm cây Phượng của mình, lòng vui vui vô cớ.

                  Một trong những lần ngắm hoa ấy, Tân xuýt đâm xe vào một người phụ nữ đi chiều ngược lại. Cả hai vội vàng xin lỗi rồi ai đi đường nấy. Tân chỉ thóang thấy đôi mắt nàng rất to, đen và bí ẩn.

                  Khoảng một tháng sau Tân lại nhìn thấy thiếu phụ mắt đen, nàng làm ở đâu mà sáng thì ra khỏi thành phố và chiều thì vào nội thành? Rồi ngày hôm sau Tân bắt gặp mình tự nhiên đi chậm lại lúc đến gần ngã ba, như có ý tìm nàng.

                  Dần dần Tân tìm ra lịch biểu đi làm của nàng và anh căn giờ của mình sao cho luôn gặp được nàng ở ngã ba cây phượng. Có phải vì thế mà anh thầm đặt tên cho nàng là Phượng chăng?

                  Thời gian đầu Phượng không hề biết có người để ý đến mình, nàng cắm cúi đạp xe, buổi sáng thường vội vã hơn một chút. Buổi sáng nàng phải lo cơm nước, đưa con đi nhà trẻ nên vội, Tân tự kết luận như vậy.

                  Rồi linh giác của một người đàn bà đã cho phép nàng nhận ra người đàn ông xuýt đâm xe vào mình ngày nào. Hai cặp mắt gặp nhau rồi quay ngay sang hướng khác. Cả một tuần liền Tân không đổi áo sơ mi, mặc riết một cái để Phượng dễ nhận ra anh trong đám người đi ngược lại.

                  Cứ thế, hôm nào gặp được Phượng là Tân thấy lòng mình yên ả cả ngày, hôm nào không thấy Phượng trên đường đi hoặc về thì Tân cứ bồn chồn lo lắng: nàng ốm hay nàng đi công tác, mà nàng có hay phải đi công tác không? Hình như nàng dạy ở Đại học Sư Phạm, dạy học chắc ít phải đi xa...

                  Một thời gian dài sau đó, hai người không chỉ nhìn nhau mà còn hơi gật đầu nhè nhẹ như chào, có lần Phượng còn hơi mỉm cười, nụ cười cũng bí ẩn như đôi mắt sâu thẳm của nàng.

                  Khi đã có xe máy Tân vẫn dùng xe đạp, anh nói với anh em trong cơ quan: “Đạp xe thay tập thể thao!”. Chẳng qua là anh sợ đi xe máy nhanh quá, anh không kịp nhìn thấy Phượng. Cho đến khi Phượng đi xe Honda 82-89, cái xe nhỏ nhắn xinh xinh như Phượng thì anh mới dùng xe máy, tuy vậy, đến ngã ba cả hai người đều chạy xe chầm chậm để kịp nhìn thấy nhau.

                  Có lần Tân phải đi công tác xa mấy tháng, lần gặp Phượng cuối cùng trước khi đi, anh vẫy vẫy tay như tạm biệt. Phượng có hiểu động tác ký hiệu của anh không? Câu hỏi ấy không rời khỏi anh suốt mấy tháng xa Hà nội. Ngày đầu tiên đi làm sau đợt công tác, anh mặc bộ com-lê, thắt ca-vat đàng hoàng như thầm gửi đến Phượng lời giải thích “thời gian qua tôi đi công tác, em có hiểu không?” và anh thóang nhìn thấy một cái gì đó như niềm vui trong ánh mắt Phượng.

                  Mười mấy năm trôi qua, việc thoáng gặp Phượng mỗi ngày đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Tân. Rồi ngày ấy, một ngày tháng 5 đã đến.

                  Tân chầm chậm cho xe chạy đến ngã ba. Anh thấy Phượng đang dựng xe đứng dưới tán hoa phượng rực rỡ, mắt dõi nhìn về phía anh. Không hiểu vì sao anh dám dừng xe, đến gần bên Phượng.

                  - Chào anh, em nghĩ rằng em phải gặp anh và nói với anh điều này. Tay Phượng mân mê chiếc chìa khóa xe, trên khóe mắt hình như có ngấn lệ. Ngày mai cả nhà em chuyển hẳn vào Sài gòn sinh sống...

                  Tân đứng lặng người, anh bất ngờ trước việc nàng chủ động gặp anh, càng bất ngờ hơn trước thông báo của nàng. Sau một phút chần chừ, Tân dựng xe máy cạnh gốc cây phượng, trèo lên cây bẻ một cành đầy những bông hoa đỏ thắm gài vào giỏ xe của Phượng:
                  - Chúc chị luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Hãy luôn nhớ Hà nội nhé!

                  Phượng nhìn anh với đôi mắt biết ơn và hai người lặng lẽ chia tay. Cho đến mãi sau này Tân vẫn không biết nàng cảm ơn mình về điều gì, về cành hoa phượng hay về việc anh đã không mời nàng vào quán giải khát gần đó uống một ly nước mơ chùa Hương?
                  x
                  x x
                  Như ngày nào, bất cần biết thiên hạ nghĩ gì, Tân tụt giày trèo lên cây Phượng, chọn một cành nho nhỏ nhưng nhiều hoa giống như cành anh đã tặng Phượng năm xưa, mang về treo đầu giường khách sạn.
                  #9
                    PCT 30.07.2006 09:37:51 (permalink)
                    Chuyện lão Hâm lãng đãng mùa thu Hà nội
                    (Viết 10/2003, sửa 11/2005)

                    Đúng 5 giờ 30 lão tỉnh dậy. Ngày nào cũng vậy, như một thói quen, nhưng không phải thói quen của lão mà là thói quen của con chim khiếu nhà bên cạnh. Vào giờ đó nó hót vang trời, chào đón một ngày mới tươi đẹp. Còn theo thói quen của chính lão, lão cười thầm con chim thơ ngây kia bị nhốt chặt trong lồng, ăn lương khô uống nước lã mà vẫn hót vui như hội.

                    Từ suy nghĩ đó, lão bắt gặp cái hâm hâm của lão. Khác những người hâm bình thường, lão tự biết mình hâm và thực sự vui sướng mỗi khi nhận ra tình tiết hâm mới của mình. Thật ra lão có tên có họ đàng hoàng, nhưng bây giờ chảng ai gọi lão theo cái tên khai sinh khá mỹ miều của lão nữa mà chỉ gọi gọn là Hâm. Lâu lâu quen rồi lão chả thèm phật ý nữa, và mọi người chỉ còn biết cái danh hâm mà quên đi cái bản tính hâm của lão.

                    Vươn vai vặn vẹo cái thân hình cao hơn tây gầy hơn ta thay cho việc tập thể dục, lão thò tay bật TV chờ xem bản tin sáng. Đêm qua thức xem đá bóng, đối với tuổi của lão kể cũng hơi quá tải. Vài năm gần đây lão đã không thức xem bóng đá đêm nữa rồi, chẳng qua vì thằng bạn phải đi làm ca hoàn thiện công trình phục vụ SG22 gọi điện thoại bắt lão phải xem để sáng nay kể lại cho nó.

                    Vừa đánh răng, vừa coi TV, lão vừa nghĩ vơ vẩn sao Chính phủ không có một Dự án cấp Nhà nước, theo đó gom những thằng to con khỏe mạnh bắt lấy những con khỏe mạnh cao to cho chúng nó đẻ ra một thế hệ cao to khỏe mạnh nuôi ăn học bóng đá thì tuyển VN đâu có phải nhọc nhằn đá tầng một chống lại bọn chơi bóng bổng tầng hai?

                    Xiêm áo chỉnh tề, đầu láng qua một chút gôm bọt (từ bé bộ phận bất trị duy nhất trong cơ thể lão là tóc), lão lên xe máy đi làm, trong đầu vẫn còn vương vấn giai điệu giọng hót của con khiếu nhà hàng xóm.

                    Qua Công viên Thủ Lệ, lão hít một hơi thật sâu. Có cái công viên này lợi hại thật, không khí trong và dịu hẳn đi. Hà nội mình là một trong những thủ đô hiếm hoi trên thế giới có nhiều hồ và công viên. Anh Sài Gòn to thế mà chỉ có mỗi cái hồ Con Rùa, to không hơn con rùa là bao nhiêu. Quý cái công viên thế nhưng lão cũng bật cười thầm: lão mới vào Thủ Lệ đúng có hai lần, một lần tham gia lao động XHCN đào hồ, một lần đưa hai mẹ con cô bạn Sài Gòn ra chơi đi xem Bách Thú (Bách Thú ngày trước trong vườn Bách Thảo, phía trên Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính Phủ), còn lại có cho tiền lão cũng chẳng dám vào. Thủ Lệ là vương quốc của những vấn nạn xã hội, nơi chúng nó chích choác, mua bán thứ mà đáng ra con người chỉ để hiến tặng cho nhau. Nhìn đám xe đạp nước hình con thiên nga to đùng nằm xếp bên nhau, vươn cái cổ cong thanh cao lên trời, lão nẩy ra ý muốn hỏi các cô thiên nga nhìn thấy gì trong công viên mà đến tận bây giờ các cô vẫn trong trắng vậy?

                    Đến ngã tư khách sạn Daewoo, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, lão quặt phải, rồi lại quặt phải lần nữa, bỏ lại sau lưng đám người chen nhau đứng đợi đèn xanh. Lão lại cười thầm khi thấy trong cuộc sống, định nghĩa về đường thẳng “là đoạn ngắn nhất nối hai điểm” không phải lúc nào cũng đúng.

                    Dọc đường Kim Mã, lão không còn chạy xe nữa. Dường như cả dòng xe cộ cuốn lão đi như cuốn một cánh bèo. Ngước mắt nhìn dọc suốt phố, à không đại lộ chứ, (ngày trước đường Kim Mã đi Câù Giấy có hai hàng cây hai bên, sau mở rộng đường sang một bên thành ra có hàng cây chạy dọc ở giữa, theo định nghĩa thì đây là đại lộ có cây xanh, sang lắm đấy) lão thấy một đám mây bụi mờ mờ trên đầu đoàn xe chen chúc nhau, như thể cả phố đang nổi lửa nấu cơm chiều, khói lam chậm rãi lan tỏa. Lão Hâm lại đưa ra câu hỏi: đố ai biết được Thành phố Thủ Đô đang áp dụng công nghệ lọc sạch không khí kiểu gì. Rồi lão tự trả lời: kiểu cổ điển, bằng lá phổi của dân Hà nội và những hàng cây xanh đang vươn cành vuốt ve tán tỉnh nhau. Có phải vì thế một thằng bốc phét nào đấy mới tán “Hà nội linh thiêng và hào hoa”?

                    Loay hoay một chốc, lão đã đến gần chỗ phố Hàng Cháo (dân tỉnh khác đừng đến đây tìm cháo nhé, bây giờ toàn bán đồ điện, đồ kim khí thôi) đâm ra Nguyễn Thái Học. Lão còn lạ gì chỗ này, thằng Hà nội nào không biết chỗ này, không phải vì hay đi ăn cháo mà vì đây là lối vào khu cửa 8,9,10 của Sân Hàng Đẫy. Ngày nào cũng qua đây mà lần nào lão cũng trở về với kỷ niệm một lần duy nhất lão được đá bóng trên sân này. Đó là ngày 19/5/19…, có cái lễ hội gì đó của học sinh Hà nội (lão không nhớ vì mấy ngày đó lão còn sức đâu mà biết đến chuyên ngoài bóng đá), trong chương trình có trận giao hữu bóng đá Học sinh HN - Học sinh HP. Hồi đó lão bắt gôn đội trường cấp III Chu Văn An nên được gọi vào đội tuyển HS thành phố (oai chưa!). Được gọi, được tập một lần trên mặt sân Hàng Đẫy, nhưng hôm đá chính thức lão phải ngồi dự bị. Bắt chính cho đội HSHN là một “anh” đang chơi đội trẻ của Trường Huấn luyện (hồi đó đội tuyển QG được gọi là đội Trường Huấn luyện Trung ương). Tự biết sức mình không đủ tầm bắt chính, lão không ức, chỉ băn khoăn sao các thầy cô trên Sở GD mà cũng ăn gian nhỉ?

                    Nghi thức lề mề thế nào mà đến 11 giờ mới bắt đầu trận đấu. Trước đó 10 phút, hai đội ra sân khởi động, nhìn đám Hải Phòng chạy, lão hoa cả mắt, thằng nào thằng nấy to con đen chùi chũi. Thằng bạn cùng trường chạy lại rỉ tai: “Bọn nó là đội Xi măng trẻ đấy mày ạ”.

                    Đúng lúc đó loa phóng thanh của sân vận động vang lên: “Đội HSHP gồm 18 em học sinh đều là học sinh chăm ngoan, trong đó có 11 em là học sinh giỏi và tiên tiến”. Hai phút sau loa lại hùng hồn thông báo: “Đội HSHN gồm tất cả là học sinh tiên tiến và học sinh giỏi”. Giời đất ơi, mới khởi động mà sao lão như bị chuột rút thế này! Bọn trường khác lão không biết chứ bọn trường CVA có được nửa thằng nào là HSTT đâu mà dám nói là tất cả?

                    Vào trận, đội Xi măng, à quên, đội HSPH ào lên tấn công, quân HN bị nhốt chặt trong vòng cấm địa, không thằng nào biết mặt vòng trung tâm méo hay tròn. Kết quả là giữa hiệp một HSHP dẫn 1-0. Lọ mọ thế nào mà trung phong Hiền (anh này học lớp trên, cùng CVA với lão) san bằng được tỷ số vào phút gần chót hiệp 1.

                    Sau đó Ban tổ chức thông báo vì lý do thời tiết (đang giữa trưa nắng tháng 5), để đảm bảo sức khỏe cho các em HS, không đá tiếp hiệp 2 nữa. Hú vía!

                    Nhớ đến đây, lão cười thầm (người hâm hay cười thầm lắm) chê dân tình hay chửi mấy cụ nhi đồng gian lận tuổi, bọn chúng nó đâu có biết dân ta có truyền thống gian lận bóng đá từ lâu rồi.

                    Bỏ bẵng thời gian học đại học xa Hà nội, không xem đá bóng trên sân Hàng Đẫy, còn sau đó chiều Chủ nhật nào có giải hạng A là lão luôn có mặt. Lão chuyên trị vào cổng số 10B, cổng dành riêng cho Ban tổ chức và hai đội bóng thi đấu ra vào. Lão quen Đức xồm, nhân viên bảo vệ cửa này nên chẳng bao giờ phải mua vé, vả lại với thân hình cao lêu đêu và khuôn mặt ngố tầu giống thủ môn Trần Văn Vĩnh, người ta tưởng lão là vận động viên.

                    Vào sân ngồi bên đường pit, giữa đám công an, bảo vệ, phóng viên, người nhà Sở TDTTHN và người nhà của người nhà của những người kể trên, lão rất khoái. Đám này có những thông tin mà kể cả bọn nhà báo cũng chả biết, ví như có lần lão ghé tai hỏi người ngồi bên cạnh “Sao thằng Ph. tròn hôm nay đá chẩy thế nhỉ?”, người kia mỉm cười tinh quái: “Nếu tối hôm qua ông bắt gặp vợ ông đi với giai, ông có thể đá được như nó bây giờ không?”.

                    Cổng 10B có một nhân vật rất đặc biệt, đó là sư ông chùa Hàng Cót (chùa này nằm cạnh rạp Đại Đồng). Không biết sư ông có đệ tử nào bên Sỏ TDTT mà trận nào ông cũng ngồi đúng một số vé, ngay cạnh lối hai đội ra sân thi đấu. Ông luôn tươi tỉnh, khuôn mặt đôn hậu sáng bừng lên mỗi khi có một pha bóng đẹp. Ông không chửi tục như đa số người xem, giờ giải lao ông mở tay nải mời mọi người chung quanh ăn nào oản nào chuối, hay đáo để. (Nam mô a di đà phật, con kính lạy Đức Phật đại từ đại bi đừng ghép con vào tội chỉ điểm. Mấy lại hơn 2.600 năm trước khi Phật tổ từ bỏ ngai vàng, giác ngộ giáo lý để cứu độ chúng sinh, làm gì đã có bóng đá để ghép nó vào ái hay nộ. Do đó tăng ni phật tử hâm mộ bóng đá là không phạm giới. Chả những thế, có anh Roberto Batgio cầu thủ Ý nổi tiếng cũng rất mộ Phật đấy).

                    Vẩn vơ trong đầu những kỷ niệm bóng đá, lão nhận thấy mình đang phải dừng lại ở ngã tư Nguyễn Thái Học – Lê Duẩn. Khiếp thật, lại ngựa xe như nước áo quần như nêm. Dân Hà nội mình đi xe không gấu bằng dân Sài Gòn, nhưng được cái hơn là thằng nào thằng nấy cũng loi choi chen chen lấn lấn. Mấy cái xe buýt chất lượng cao lao rầm rầm như chỗ không người. Hèn gì bệnh viện Xanh Pôn luôn quá tải.

                    Bên kia ngã tư mấy chú cảnh sát giao thông đang tất bật phạt những kẻ vi phạm. Thương các đồng chí ấy thật, suốt ngày hít bụi khói. Lão chỉ phải hít mỗi ngày hai quệt mỗi quệt 30 phút mà tưởng đã đứt hơi. Mà không biết các chú có được hưởng chế độ độc hại không nhỉ? Năm 1992 lão thấy ở Băngcôc bọn CSGT đeo mặt nạ phòng chống hơi độc. Sao ta không cho đeo, vừa bảo vệ sức khỏe cán bộ vừa thấy cái mặt của các chú ấy ưa nhìn hơn nhiều?

                    Với nỗ lực tối đa, lão Hâm vượt qua đoạn Phan Bội Châu rẽ về Hai Bà Trưng, Hỏa Lò sáng loáng tòa Tháp Hà nội đập vào mắt. Quả thực Hà nội lố nhố một vài điểm cũng hiện đại ra phết. Con xe 100 phân khối của lão phải dừng lại trước Chợ 22-12, đầu giờ sáng các chị cán bộ Bộ CN và nhiều cơ quan gần đó tranh thủ ra chợ nhiều quá làm tắc nghẽn mất một chốc. Dân HN đến lắm thằng hâm như mình, lão lại nghĩ, chính quyền thành phố đặt tên cho chợ đàng hoàng, dân lại cứ gọi là chợ Âm phủ. Khiếp bỏ mẹ, ấy vậy mà nghe nói trong chợ có quán cầy tơ bảy món ăn được lắm. Liên tưởng câu nói của đệ tử Cây Còn: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có mà ăn?” lão thấy hay hay.
                    Nhân cái đầu hâm của lão chuyển địa chỉ sang lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, lão lại thấy thương cho các nhà phê bình, các nhà văn hóa đang không ngớt kêu cứu “thị hiếu thấp, văn hóa lùn” nhưng người ta vẫn cứ bỏ tiền mua vé đi nghe “Con gái nói có là không”.

                    Loay hoay lão đã đến cuốí phố Trần Hưng Đạo, con đường dài, thẳng và đẹp nhất Hà nội. Lão biết đâu đó trên đường Phan Huy Chú có nhà bác Phúc “vổ”, trước đá hậu vệ tuyệt chiêu luôn. Có tờ báo đăng (thỉnh thoảng ta phải tin báo chí một tí) đến cả bọn “tây” cũng ngán Phúc vổ. Bây giờ bác ấy khổ lắm, bị chấn thương cột sống do tai nạn giao thông nằm một chỗ, thời oanh liệt nay còn đâu!

                    Lơ đãng nhìn các hàng quán ven đường, lão thán phục nền thương mại vỉa hè phát triển vào loại nhất thế giới của Hà nội chúng ta, một nền thương mại làm cho người ta phải sống chết với vỉa hè. Các lực lượng trật tự đô thị dù có cố gắng mấy cũng chẳng làm sao vãn hồi trật tự và giải phóng vỉa hè nổi, khi chưa có nền thương mại phát triển như các nước công nghiệp hóa.

                    x
                    x x

                    Vừa đến cổng cơ quan, lão đã thấy cô bé văn thư hớt hơ hớt hải: “Xếp tìm bố hai lần rồi đầy!”. Chết thật, mình đến đúng giờ, hắn còn đến sớm hơn. À phải rồi, mấy đứa thối mồm bảo gần đây vợ sếp có “kép” trong Sài Gòn, bà ấy đi công tác SG suốt nên sếp hay đi làm rất sớm.

                    - Mời ông ngồi, sếp khoát tay lịch sự, sức khỏe ra sao?
                    Cái này mới là gay đây, khi người ta gọi mình lên đầu giờ sáng, lại hỏi sức khỏe ra sao thì đúng là hỏi thăm sức khỏe rồi.
                    - Cảm ơn sếp, cũng bình thường.
                    - Hà hà, không bình thường đâu, tối qua anh thức xem đá bóng chứ gì, nhìn cặp mắt anh là tôi biết ngay.
                    - Dạ, có, tôi xem trận Dinamo Kiev – Arsenal, lão ái ngại trả lời.
                    - Anh không xem trận Lacơmơchiiiiv – Intơ à (sếp phát âm từ Lokomotiv đúng giọng chuẩn các cửa hàng đồ cũ ngoại ô Matscơva). Thế là anh mất nửa đời người rồi (Ô hay, lão nghĩ, mình chỉ còn may lắm là một phần ba đời người, sếp đòi thu một nửa, biết lấy đâu ra mà bù cho sếp đây?). Hôm qua Lacơmơchiiiiv làm chấn động cả thế giới, đập thằng Intơ chết tươi ăn gỏi, tiền đạo Lacơmơchiiiiv tra tấn thằng gôn Ý ẹ đến phát nôn ọe ra. (Đúng là ngôn ngữ của những người mê bóng đá!)
                    - Dạ, tôi không xem, nhưng ngay trong lúc tường thuật DK-Ars thằng ESPN có thông báo kết quả trận Loko-Inter tôi cũng sướng điên lên (Mình cũng phải ma lanh một tý mới được, lão thầm nghĩ, mình quên mất là hắn học trường Đường sắt Matscơva, trên đời này lão chỉ mê có mỗi một đội là đội Loko. Nhưng sao lão học đường sắt mà lại về làm sếp cơ quan mình nhỉ, cơ quan mình chẳng dính dáng tý gì đến các thể loại đường: đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không, thậm chí đường ... tiết niệu?).
                    - Đúng, phấn khởi thật, nhất là trong lúc bọn OlempicVN nhà ta xơi tái bọn Cao ly, niềm vui tăng lên gấp bội. Thôi ta đi làm cốc bia đi, nhân dịp này tôi chiêu đãi anh, tôi biết cả cơ quan ta có mỗi mình anh là sành điệu bóng đá nhất.

                    Chết thật, mới sáng ra đã uống bia, cả ngày làm sao làm việc được. Nghĩ vậy lão vội vàng thưa:
                    - Nhưng tôi phải làm gấp cái tài liệu chiều qua sếp giao.
                    Không ngờ sếp tươi tỉnh nói như hát (đúng là niềm vui của sếp đang vô cùng tận):
                    - Không sao, làm sau cũng được mà, đất nước của ngàn quán bia, đang sục sôi khi thế hào hùng. Ta ra Lan9 đi!

                    May sao, số lão Hâm hay gặp may, thằng Gồ xô cửa chạy vào. Thằng này luôn giữ được bản sắc văn hóa từ thời tổ tiên chúng ta làm nhà chưa có cửa đóng kín, nó chẳng bao giờ gõ cửa bất kỳ phòng ai, kể cả phòng sếp:
                    - Tuyệt vời, trên cả tuyệt vời! Lokomotiv muôn năm! Lần này Lokomotiv sẽ đoạt Cup vô địch của những nhà vô địch! ...

                    x
                    x x

                    Lững thững đi xuống cầu thang lão còn nghe vọng theo tiếng hai thầy trò sếp hân hoan bình loạn trận bóng đi vào lịch sử. Về đến phòng, lão nghe thấy tiếng cửa xe ôtô của sếp đóng đánh sầm. Vậy là, lão hiểu rằng (tuy hâm nhưng đựơc cái lão không chậm hiểu) trong danh sách lên lương cuối năm nay sẽ lại không có tên lão, thay vào đó là tên thằng Gồ.
                    Pha ấm chè Thái, bấm nút khởi động máy vi tính. Trong khi chờ đợi chè ngấm và con Pentum đời đầu của lão ì ạch khởi động như đau đẻ, lão lãng đãng nhìn ra cửa sổ. Trên ban công nhà bên cạnh, một cây mai tứ quý đang ra hoa. Đẹp quá, những cánh hoa vàng nuột như màu áo đội Arssenal, sau khi rụng hết những cánh màu vàng, những cánh màu đỏ thẫm hiện ra như màu áo đội MU.
                    Thay vì soạn bản tài liệu như đã hứa với sếp, lão di chuột đến Media Player. Cả gian phòng tràn ngập những âm thanh dịu dàng của khúc nhạc mùa thu...
                    #10
                      PCT 31.07.2006 11:16:55 (permalink)
                      Chuyện cây cầu làng lão Hâm
                      (17/08/2004)

                      Hà nội vào thu, những cơn nắng gắt dùng dằng không chịu bỏ đi, còn cô nàng Cúc Vàng vẫn còn e thẹn chưa ló mặt. Cứ vào những lúc chuyển mùa thế này lão Hâm lại bâng khuâng nhớ quê, cái quê mà có bầu lão làm trưởng thôn hoặc cho tiền lão cũng chẳng về sinh sống, thôi đành phó mặc mấy sào vườn ông bà để lại cho mấy đứa cháu muốn làm gì thì làm. Quê hương đúng là chùm khế ngọt thật, nhưng ta là người chứ không phải là chim, không thể sống cầm hơi bằng vài dăm quả khế mỗi ngày.

                      Lão lại sực nhớ một bài hát nữa (Giòng sông tuổi thơ) có câu “quê hương ai cũng có một dòng sông êm đềm” (bài này giai điệu cũng tây tây, có phải đạo nhạc không nhỉ?) vì làng quê lão nằm ngay bên sông. Con sông bé thôi, to hơn con kênh Nam Bộ một chút.

                      Hồi bé lão phải đi đò qua sông đến lớp học. Ôi, lắm kỷ niệm chung quanh chuyện đi đò lắm, kể ra quá dài dòng, tôi chỉ xin kể một chuyện một lần đò bị lật do chở quá tải và do ông lái trót làm vài ba ly rượu trắng trước đó. Vừa rơi xuống sông, lão Hâm lặn sâu rồi ngoi lên cách chỗ con đò nằm sấp khoảng mươi mét, thấy dăm bảy cái đầu người làng đang thò thụt trên mặt nước. Là dân vùng trũng, ai cũng biết bơi nên mọi người từ từ tìm cách vào bờ được, duy có con bé Tĩn cùng lớp với lão là không biết bơi, đang giã gạo một chỗ. Lão Hâm bơi đến gần con bé, chưa kịp làm gì thì đã bị nó túm chặt, dìm lão cùng chìm xuống nước. Trong đầu lão loé lên lời dặn của cha: “Trong trường hợp như thế con hãy túm vào chỗ kín của đàn bà”. Lão thao tác nhanh gọn và thấy ngay kết quả. Con Tĩn buông lão ra, hai tay thu về che chỗ đặc trưng giới nữ của mình. Cho chắc ăn, lão Hâm đấm thêm vài quả vào ngực Tĩn cho nó ngất xỉu đi rồi vòng ra sau lưng cô bé, từ từ bơi ngửa dìu nó vào bờ.

                      Mấy chục năm sau, trong một lần tham gia đoàn quy hoạch phát triển cụm cơ khí huyện (thời kỳ mỗi huyện là một pháo đài XHCN) về làm việc với huyện nhà, lão được bà Nguyễn thị Ngọc Tĩnh phó Chủ tịch huyện tiếp và làm việc. Cô bé Tĩn ngày nào cứ nằng nặc kéo lão về nhà ăn cơm, giới thiệu hai cô con gái Bích Thuỷ và Thanh Thuỷ giống hệt mẹ. Đặt tên con là Thuỷ để kỷ niệm một ngày sông nước? Lão Hâm tủm tỉm với câu hỏi đó trong lòng.

                      Chuyện lật đò hết lần này đến lần khác làm dân làng bức xúc, càng bức xúc nữa là buộc phải sang bên kia sông mới ra được huyện lộ, ách tắc giao thông thế thì làm sao làng ta đi lên bằng chị bằng em được. Người nhà quê sẵn sàng mất hết mọi thứ, trừ cái “bằng chị bằng em”. Làng bên có người sắm được cái máy khâu con bướm, làng mình chưa ai có - tức! Làng mình có anh bộ đội phục viên mở cái tran-xi-to kêu oang oang, làng chúng nó chưa ai có – khoái!

                      Thế là người ta đi dần đến ý tưởng làm cầu. Khốn nạn là ý tưởng thiên tài ấy nó không sinh ra trong đầu các vị bô lão cũng như chính quyền thôn mà nó lại đẻ ra từ miệng thằng Tèo chăn vịt: “Làm mẹ nó cái cầu mà đi cho sướng!”. Ông trưởng thôn tóm ngay lấy câu này, biến thành ý tưởng của mình, liền tập hợp bộ tứ, mời các vị cao niên cùng tham gia, sau một hồi ní nuận rông dài, ông tóm lại:
                      - Làng ta phải xây một cây cầu sang sông, ý các cụ thế nào?

                      Khốn nạn, lại khốn nạn nữa, dân nhà quê đã không bàn thì thôi, hễ bàn thì đếch bao giờ bàn xong. Cầu ư? Tiền đâu mà làm? - Tiền dân đóng góp, kết hợp xin thêm Xã, Xã không có ta xin Huyện, chú Tân làng mình làm thư ký Ủy ban huyện chẳng nhẽ không ra tay giúp làng à? - Thế xây cầu gì, cầu tre, cầu gỗ, cầu gạch hay bê tông cốt sắt? Giời ạ, cứ thống nhất chủ trương làm cầu rồi sẽ bàn tiếp chuyện làm cầu gì sau! - Ông bảo tôi ngu hả, cầu bê tông cốt thép dân làng không đủ tiền đóng góp, may ra làm cái cầu tre, mỗi nhà góp dăm cây tre là được. Bàn thì phải bàn cụ thể, bàn khơi khơi như các ông tôi đxx thèm bàn nữa!

                      Cứ thế hết dăm bảy đêm ngồi bàn đến lúc gà sắp gáy, hút hết mấy chục gói thuốc lào, các vị chức sắc làng lão Hâm mới tạm đi đến kết luận:
                      1. Làm cầu.
                      2. Tiền tới đâu làm cầu tới mức đó.

                      Gần 8 tháng sau dân làng vẫn còn nhiều người chưa đóng tiền. - Nhà tôi trên răng dưới catút, đợi khi nào có tiền tôi sẽ nộp. - Dưng cơ mà ngày xưa đóng thuế theo suất đinh, sao bây giờ các ông thu theo khẩu? Nhà tôi toàn con gái, tôi chỉ đóng một suất thôi! (Thằng ngu, con gái thì nó tung cánh bướm mà bay qua sông chắc?). - Tôi không có tiền tôi đóng bằng công có được không? – Các ông vẽ chuyện làm cầu, thu tiền của dân mang đi buôn trâu thì sao?.... Vô thiên lủng các thứ lý sự, nghe điếc cả tai.

                      Bỗng dưng ở đâu trên trời rơi xuống một ông bỏ quê đi từ năm một chín bốn mốt, lù lù dẫn xác về làng. Của đáng tội đúng là ông này trên trời đi xuống thật, đi máy bay từ Pari về không là đi trên trời à? Ông mặc com-lê, đầu mũ phớt, to béo hồng hào, lác đác vài người già trong làng nhận ra ông là người mấy chục năm trước đã bán mình đăng lính sang Pháp đánh nhau với phát-xít để bảo vệ nước mẹ Phơ lăng xa. Bây giờ già rồi, đất nước ta cũng cởi mở đôi chút, ông về thăm quê cha đất tổ.

                      Được biết làng quê dự định làm cây cầu qua sông, ông tình nguyện tài trợ toàn bộ số tiền xây cầu. Nghe sướng cả tai, ấy vậy mà không phải vậy!

                      Một số đồng chí không chịu: “Lão ấy mấy chục năm đi phục vụ đế quốc sài lang, có tiền cũng chỉ là tiền của bọn tư bản nó xí cho. Dân ta đánh Pháp đuổi Mỹ, không nhẽ bây giờ chịu nhục ngửa tay xin tiền đế quốc ư?”. Thế là lại họp, lại bàn thêm một tuần nữa mới đi đến giải pháp kiểu cong queo: “Ông N có hảo tâm đóng góp xây dựng quê hương, số tiền này hoàn toàn do nhân dân trong làng quyết định sử dụng vào việc gì có ích nhất”. Quyết thế để đề phòng trường hợp ông N đòi ghi tên mình lên cầu thì hoá ra ta tuyên truyền cho tư bản à?

                      Ông cựu lính tẩy hứa miệng vậy chứ ông có cầm tiền mặt theo người đâu. Về tới Pháp quốc, ông gửi điện cho ông trưởng thôn: “Các bác phải thuê thiết kế cây cầu, thuê họ tính toán hết bao nhiêu tiền, tôi sẽ gửi cho các bác, cộng thêm 5% chi phí phát sinh. Đề nghi các bác cho biết tôi phải gửi tiền cho ai, số tài khoản bao nhiêu, ngân hàng nào để tôi chuyển tiền về cho làng”.

                      Bỏ mẹ thật, nó cho tiền mà đòi hỏi nhiều thứ phi lý quá. Dân nhà quê lấy đâu ra cái tài khoản? Nhỡ ông nào có tài khoản ông ấy đxx cho rút ra xây cầu thì sao? Mí lại thằng cha này ky bo kẹt xỉn quá thể, ở Việt nam chi phí phát sinh trong xây dựng thường không dưới 30-40%, nó chỉ cho có 5% có đểu không!?

                      Cuối cùng thì tiền cũng về đến làng, cuối cùng thì cái cầu bê tông cốt thép ngời ngời cũng được xây xong, nghe đâu còn dự ứng lực gì đó nữa, đếch biết bọn xây dựng nó cho cái gì vào trong cầu để dự ứng, chắc là để tính thêm tiền, còn lạ gì bọn xây dựng nhà mình nữa!

                      Thế là kể từ ngày đó, không bao giờ còn xảy ra chuyện đắm đò qua sông, chẳng bao giờ còn chuyện con bé Tĩn nào đó suýt chết đuối. Bây giờ dân làng lão Hâm có thể phi xe máy (xê-cơn-hen thôi!) chạy vèo một phát lên huyện oai chẳng kém gì dân các làng khác!

                      Ấy vậy nhưng cái gì mới và hay luôn kéo theo rất nhiều chuyện rắc rối, khi nào có thì giờ, tôi xin chép tiếp chuyện cây cầu làng lão Hâm cho bà con đọc tiếp, tất nhiên những chuyện vớ vỉn ấy chỉ có ở làng quê lão Hâm thôi, những nơi văn minh đô hội thì người ta giải quyết công việc chóng vánh và lịch sự lắm.

                      Ở trên tôi viết là cây cầu đã xây xong, nói vắn tắt vậy cho nhanh chứ ai cũng hiểu là khối con quác quác, con gâu gâu và con ỉn ỉn đã phải hy sinh tính mạng vì công cuộc xây dựng cây cầu. Người ta liên hoan lu bù, nhân dịp gì đó (ví dụ họp bàn việc đền bù cây ổi mọc hoang ở bờ sông mà thằng Tèo nhận là của nó) hoặc chả nhân dịp gì sất. Thời gian thi công cây cầu lão Hâm bận công việc ở Hà nội nên cũng chẳng biết rõ lắm các chi tiết, mà nếu có biết tôi cũng chẳng chép vào đây làm gi cho tốn mực.

                      Cầu xây xong, ai cũng phấn khởi, chả có công có việc gì cũng đi qua đi lại cây cầu dăm lần cho nó sướng, nhưng chỉ sang ngày hôm sau là đã sinh chuyện. Trên làn da trắng bóc của cây cầu, một đứa có chữ nhưng mất dạy nào đó đã dùng than đen viết một dòng to tướng “Đ. mẹ thằng Y”, một đứa biết viết khác viết thêm vào đằng trước mấy chữ nữa thành ra “Đ. mẹ thằng nào đ. mẹ thằng Y”. Ông trưởng thôn chạy sấp chạy ngửa kiếm nước vôi bôi lên dòng chữ nọ, vừa làm vừa chửi đ. mẹ thằng nào mất dạy viết bậy lên cầu. Từ đó ngày nào ông trưởng thôn cũng đi tuần cầu dăm ba lần, đề phòng trẻ con viết vẽ bậy.

                      Cầu đi vào hoạt động được khoảng một tháng thì có mấy anh lục lộ đến đóng vào hai đầu cầu hai cái biển “Cầu 19+300”. Mấy thằng trẻ con chăn trâu hớt hải chạy ngay về báo với trưởng thôn, trưởng thôn dắt hai anh dân quân chạy ra xem sự thể thế nào thì mấy ông lục lộ đã rút lui từ lâu. Trưởng thôn quát mấy thằng chăn trâu:
                      - Đứa nào đóng mấy cái biển này vào đây?
                      Trẻ trâu ú ớ:
                      - Hình như mấy bác giao thông công chính.
                      Trưởng thôn rít lên:
                      - Sao chúng nó dám đặt tên cầu của chúng ông là “Cầu 19+300”?
                      Ông trưởng thôn ra lệnh cho dân quân gỡ bỏ hai cái biển vứt xuống sông. Tần ngần nhìn cây cầu, ông trưởng thôn gãi đầu:
                      - Dưng cơ mà cái cầu này đã có tên đếch đâu?

                      Thế là lại họp thâu đêm để bàn thống nhất đặt tên cầu. Mỗi ông đưa ra một cái tên, tên nào cũng mỹ miều, tên nào nghe cũng có ý nghĩa, và như mọi khi, đếch ông nào chịu thua ông nào. “19/5 ngày sinh của Bác mà các ông không chấp nhận à, lập trường tư tưởng của các ông có vấn đề! Thành Công các ông cũng không thích ư? Thôi thế thì lấy mẹ nó tên thôn ta mà đặt tên cho cầu, đúng thực chất là thôn ta tự đứng ra xây cái cầu này v.v. và v.v.”.

                      Người nhà quê có thói quen cãi nhau không xong thì mời người ngoài vào phán xử. Ông trưởng thôn đích thân lên toà báo tỉnh, tìm gặp phóng viên Xuân Nồng xin ý kiến. Ông Xuân Nồng chỉ là phóng viên thường nhưng lại là vĩ nhân của tỉnh, rất được mọi người kính trọng. Chả biết ông tài giỏi đến mức nào, chỉ biết trong các cuộc họp của Ủy ban ND tỉnh, ông Chủ tịch tỉnh khi bắt đầu bài phát biểu, trong đoạn văn kính thưa thường kéo dài đến 8 phút của ông bao giờ cũng không quên “Kính thưa nhà báo Xuân Nồng kính mến”.

                      Nghe ông trưởng thôn giãi bày xong, nhà báo Xuân Nồng hạ bút cho hai chữ “Tình nghĩa” kèm theo lời giải thích:
                      - Tình nghĩa đây là tình cảm của đồng bào Việt nam ở nước ngoài với quê hương làng xóm, vừa là để cảm ơn và động viên người ta tiếp tục giúp đỡ trong nước, đúng không? Tình nghĩa cũng là tình làng nghĩa xóm, là nhịp cầu nối những bờ vui, tới các làng khác, xã khác trong toàn tỉnh và cả nước, càng đúng nữa phải không? Tình nghĩa là cái quan trọng nhất trên đời, các ông cứ đặt tên cầu là “Tình nghĩa” đi, tôi tin chắc thiên hạ sẽ phục các ông sát đất.

                      Cái gì chứ được thiên hạ phục sát đất thì dân làng lão Hâm đồng ý ngay và kể từ đó cầu được mang tên “Tình nghĩa”.

                      Lo chuyện làm cầu, đặt tên cầu, rồi trông coi cầu một thời gian ông trưởng thôn gầy tọp hẳn đi, má hóp, hai hốc mắt trũng sâu. Ông thất bại trong cuộc đua không ngang sức: trẻ con viết bậy – ông trưởng thôn xoá - trẻ con lại viết bậy. Kết quả là những dòng chữ tôn vinh nền vô giáo dục cứ tự nhiên tồn tại, chỉ còn nắng mưa phụ giúp ông trưởng thôn một tay xoá mờ những khẩu hiệu kiêu hùng kia thôi.

                      Lại còn chuyện có người viết đơn lên Thanh tra tỉnh đề nghị tổ chức thanh tra xem trong việc xây dựng cầu có chuyện tư túi mờ ám nào không. Quả là rách việc!

                      Bà vợ ông trưởng thôn rên như cháy đồi: “Ông vác tù và hàng tổng chẳng được một đồng xu cong nào mà sao ông cứ hành hạ cái thân cái đời ông thế hả ông ơi, ông có mệnh hệ nào mà nằm xuống thì mấy đứa con ông ai nuôi? Ông ơi là ông ơi!”
                      Lão hàng xóm nghe thấy vậy nói đế thêm:
                      - Lọ đỗ chưa đầy ông ơi!

                      Rốt cuộc ông trưởng thôn phải đưa ra ý kiến thành lập tổ bảo vệ cầu. Lúc đầu không ai đồng ý, đơn giản là lấy tiền đâu trả lương cho đám này, mà bảo người ta làm không công thì ...hơi bị khó đấy! May thay (ở đời may hơn khôn, các cụ bảo thế), một lô cầu to đùng trong cả nước ra đời, Chính phủ cho phép thu lệ phí qua cầu. Ông trưởng thôn ký ngay một quyết định kể từ ngày nọ tháng kia, Thôn sẽ thu lệ phí qua cầu, trừ người dân có hộ khẩu trong thôn. Cũng theo quyết định đó, sẽ thành lập một Ban Quản lý cầu gồm 3 người chia nhau làm ba ca trong ngày có nhiệm vụ thu phí nói trên. Hà hà, kể từ đó mỗi lần về quê lão Hâm đều phải xuống xe mua vé qua cầu, cái thằng bán vé lại chính là cháu gọi lão bằng cậu!

                      Một lần có ông cán bộ Trung ương có việc đi qua cầu, nghe lái xe bảo phải dừng lại mua vé, ông nhảy ra khỏi xe hỏi thằng cháu lão Hâm:
                      - Các chú thu tiền theo quyết định nào, của cấp nào?
                      Thằng cháu bê ra cái quyết định của ông trưởng thôn đặt trong khung kính trông như cái bằng khen, ông cán bộ Trung ương lắc đầu lè lưỡi: ”Quá trời!”.

                      Một thời gian sau, xuât hiện bất hợp lý: Ban Quản lý cầu chỉ có 3 người là không đủ, chí ít phải có 5 người vì người lao động làm việc theo Bộ Luật Lao động, có thì giờ làm việc thì giờ nghỉ ngơi đàng hoàng, được nghỉ phép nghỉ lễ, được cả ốm đau v.v. Cứ như thế biên chế Ban QL cầu phình to dần, một số lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, làm nhà ngay hai bên chân cầu. Tiếp theo là xuât hiện nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trạm xá, quán ăn, tiệm may... và rồi hình thành thị trấn “Cầu Tình nghĩa” của làng lão Hâm lúc nào không ai hay! Bây giờ nó còn sầm uất và oai oách hơn chính cái thôn đẻ ra nó rất nhiều.

                      Mỗi lần buâng khuâng nhớ quê, lão Hâm cũng không còn biết mình nhớ cái gì nữa: làng quê thủa thơ ấu với con đò ngang hay “Phố Cầu” nhộn nhịp hôm nay?
                      #11
                        PCT 01.08.2006 13:10:06 (permalink)
                        Chuyện lão Hâm tham gia đào tạo tài năng trẻ
                        (12/01/2004)

                        Mới đầu giờ buổi sáng, theo thói quen lão Hâm nhâm nhi cốc nước chè Thái pha vừa độ, lim dim mắt ngắm nhìn làn khói thuốc từ từ bay lên và tan dần như cái hư ảo của cuộc đời này thì cục mobi của lão rung bần bật trong túi quần.
                        - Bác Hâm đấy à, bác có bận gì không? Giọng Sếp ngọt ngào. Sếp có thói quen dùng điện thoại di động mọi nơi mọi lúc, khi có điện thoại cố định ngay bên cạnh và cả khi đối tượng gọi chỉ cách Sếp mươi bước chân.

                        Lão phân tích rất nhanh: thứ nhất gọi đến máy bạn lại hỏi bạn đấy à là một câu nói không chứa thông tin, thứ hai là lính không bao giờ được phép bận với cấp trên mà Sếp hỏi có bận không thì lại càng không có ý nghĩa thông tin. Duy nhất chữ “bác” là cần phân tích. Khi Sếp gọi bạn là ông, bạn hãy coi chừng, gọi là anh thì cứ mạnh dạn làm việc, gọi là bác thì ắt là Sếp muồn nhờ cậy gì đây, còn gọi là cụ thì bạn có thể đách cược với người khác là mình sắp về hưu (tất nhiên Sếp chả bao giờ mày tao với ai). Lần này Sếp gọi là bác, giọng có mùi kẹo dừa, ổn thôi!

                        - Hâm đây ạ, lão trả lời vừa tròn vành rõ chữ vừa không tỏ ra xu nịnh cấp trên, điều này Sếp đã thừa biết.
                        - Bác pha chè chưa, tôi có ít chè móc câu, bác lên tôi uống đi!

                        Lên thì lên, một phút sau lão đã được Sếp bắt tay thân mật, bàn tay Sếp mềm và lạnh như không có xương và không có máu chảy trong đó. Cũng bàn tay đó bóc bao 3 số rồi châm lửa cho lão:
                        - Hà hà, đêm qua bác có xem bóng đá không?
                        - Không ạ, tôi gõ nốt mấy trang dự án, muộn rồi nên đi ngủ mai còn đi làm sớm. Nói thế này là khôn, lão thầm nghĩ. Nếu mình nói có tuổi rồi, sức khỏe không cho phép thì hóa ra nhắc nhở Sếp cho mình về hưu. Tớ hâm nhưng tớ chả dại!
                        - Hôm qua thằng Chelsea lại thua thằng Liverpool 0-1. Bác bình luận sao về chuyện này?
                        - Dạ, thua là phải thôi, đâu phải cứ có nhiều tiền là vô địch được.
                        - Trời ơi, bác Hâm, Sếp vỗ đùi. Tôi hoàn tòan đồng ý với bác. Bác nói ra lời nào cũng chứa đựng triết lý sâu xa cả, ở gần bác quả là tôi học được rất nhiều điều.

                        Thế ư, lão Hâm nghĩ thầm (các bạn chắc đã quen với việc lão rất hay nghĩ thầm), vậy là Sếp ngụ ý Sếp kém tớ, sao Sếp không làm đơn xin từ chức và giới thiệu tớ lên thay Sếp?

                        - Đúng tiền không phải là tất cả, ở đời nhiều khi tiền không bằng tình, tiền không mua được tình, bác Hâm nhỉ? Sếp nở nụ cười tròn trịa, tươi tắn thành thật và thân tình.

                        Ơ tòan chữ T à? Đúng thôi, Tình và Tiền đều là T cả. Tình và Tiền dẫn đến các tình huống tòan T: tơ tưởng, thèm thuồng, tan tành, thất tán, tương tàn, thê thảm, tù tội hoặc ngược lại: tươm tất, thành tựu, tốt tươi, thơm thảo, thăng tiến,...Nhưng mà Sếp muốn gì ở tớ nhỉ, tiền tớ chẳng có, tình thì ...pêđê à?

                        Như đọc được ý nghĩ trong đầu lão Hâm, Sếp cười thêm tý nữa:
                        - Nghe nói bác có ông bạn thân là chỗ thân quen với Giám đốc Sở TDTT Thành phố? (Khá khen cho Sếp giỏi điều tra!)
                        - Hình như chúng nó có học cùng phổ thông, đá bóng với nhau. Sau này ông ấy làm to, bạn tôi ít qua lại nên thân dần thành sơ.

                        Ông bạn của lão Hâm đi bộ đội về không nghề nghiệp, xoay ra làm chuyện vệ sinh môi trường, ngày trước gọi là đổ thùng. Dần dần khấm khá, mở công ty tư nhân chuyên hút bể phốt mang tên Niềm vui cho mọi nhà.
                        - Chết, các bác kỹ tính quá. Các đồng chí lãnh đạo sống là chí lý chí tình lắm đấy. Không có gì bằng tình bạn thủa hàn vi, dân ta có chuyện Lưu Bình Dương Lễ bác cũng biết rồi đấy.
                        - Thế ... Sếp cần gì ạ? Lão xé toang hàng rào vòng vo của Sếp.
                        - À, tôi có chuyện này, chuyện Tình bác Hâm ạ. Tôi có anh bạn thời học sinh, như các bác với ông Giám đốc Sở TDTT ấy. Bây giờ bác ấy đang làm chuyên viên (ý là cũng như tớ chứ gì!), hoàn cảnh hơi khó khăn (Sếp có biết tớ cũng khó khăn không?). Tôi luôn tìm cách giúp đỡ (Sếp quý hóa quá!). Bác ấy muộn con, được mỗi thằng cu năm nay 7 tuổi. (Liên quan gì đến chúng tớ, muốn tớ đến kèm nó học miễn phí hay ông bạn tớ đến làm vệ sinh môi trường cho nó?). Được biết bên Sở TDTT đang mở lớp năng khiếu bóng đá, đào tạo tài năng trẻ cho tương lai.
                        - Cậu quý tử ấy đá hay lắm ạ? Lão Hâm đi thẳng vào thực chất, tính lão vốn thế.
                        - Ừ... cái ấy thì tôi không rõ, mình làm gì có thì giờ xem bọn nó đá bóng mà biết. Nhưng cái đó không quan trọng, có công mài sắt có ngày nên kim, ngày trước tôi học đâu có giỏi, thế mà bây giờ cũng không đến nỗi. (Thế cơ đấy!) Khà khà... Bác ấy có bàn với tôi xin cho cháu vào lớp năng khiếu bóng đá, đỡ tiền nuôi ăn, đỡ phải lo nó lêu lổng ngoài đường, tôi thấy cũng hợp tình hợp lý. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là bác, nghĩa là chỉ có bạn bác mới giúp được việc này.
                        Thấy tôi ngần ngừ, Sếp nhanh tay rút từ trong ngăn kéo ra một phong bì:
                        - Cái này để các bác lo chi phí dọc đường, hì hì...
                        (Chi phí dọc đường ư? Nghĩa là mọi con đường đều cần lộ phí? Sếp ơi, phải thừa nhận khoản này thì tớ là học trò ngu của Sếp, lời Sếp nói mới là chân lý, lời tớ nói lâu lâu có tý tẹo triết lý thôi, nay tớ xin rút lui ý kiến lên thay Sếp, xin lỗi Sếp nhiều nhé!)
                        - Bác lấy xe ôtô của tôi mà đi cho tiện.

                        Lão Hâm gọi điện cho ông bạn Niềm vui, 30 phút sau ông này chạy xe đến, thế là lão Hâm ta cùng bạn chễm chệ xe hơi đi một quãng đường vẻn vẹn 300m đến Sở TDTT thành phố. Gã thường trực cơ quan cau có y như như đang lên cơn đau dạ dày:
                        - Sếp đang họp.
                        Thì đúng quá rồi còn gì nữa, việc của các sếp là họp, nếu không họp hóa ra là sếp đang chơi à, Lão Hâm nghĩ bụng. Chần chừ một chốc, Niềm vui bạn lão rút cục gạch trong túi ra, chui vào chỗ khuất để ông đi qua bà đi lại không nhìn thấy cái mobi siêu dày của hắn (ngày nạp pin 2 lần) gọi về nhà nhờ vợ lục tìm số điện thoại di động của ông Giám đốc Sở.

                        - Alô Niềm vui đấy à, lâu lắm không thấy cậu gọi, hôm hội trường thì tớ lại đang bận tối mũi vào cái Si Gem. Cậu đang ở đâu đấy?
                        - Đang ở thường trực nhà ông đây, nó éo cho vào, bảo ông đang họp.
                        - Được, được, tớ sẽ bảo nó.

                        Nửa phút sau, gã thường trực chạy ra góc khuất tìm Niềm vui, mặt tươi như chiêu đãi viên hàng không:
                        - Kính các bác ạ. Giám đốc mời các bác lên. (Lại lên!)

                        Phòng Giám đốc to và đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, máy điều hòa chạy êm hơn quạt thông gió của con PC đời chót chét đen chùi chũi nằm cạnh bàn làm việc rộng thênh thang 2 cặp vợ chồng già nằm vẫn vừa...
                        Ông Giám đốc vui vẻ và lịch sự mời hai lão ngồi (lão Hâm gửi một nửa cái bàn tọa của mình lên chiếc ghế bành êm vô tả, nửa còn lại lão treo trên không khí), hỏi thích uống loại nước gì, mở nắp hộp thuốc lá Con mèo ra mời. Chẳng nói chẳng rằng, Niềm vui móc túi, ném cái phong bì dày dày Sếp lào Hâm đưa như ném con Phăng teo xuống mặt bàn nước. Giám đốc hơi sững sờ rồi phá lên cười ngặt nghẽo:
                        - Niềm vui ơi là Niềm vui ơi, mày vẫn y như ngày xưa! Má Giám đốc hơi ửng hồng như thể vừa được uống ly rượu bổ, ly rượu tình bạn trong sáng thủa thiếu thời.

                        Niềm vui không vòng vo Tam Quốc, nói thẳng mục đích cuộc viếng thăm đột ngột. Rất chóng vánh, ông Giám đốc nhận lời, ghi họ tên chú nhóc con ông bạn của Sếp lão Hâm vào quyển sổ bìa da mềm mại. Ông Giám đốc hỏi thăm Niềm vui tình hình những người bạn học cùng lớp rồi chuyển sang nói về các phương hướng công tác của Sở TDTT năm nay, giọng điệu và thái độ y như đang báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy. Đấy mới là đỉnh cao của phép lịch sự, lão Hâm nghĩ vậy.

                        Bất thình lình Niềm vui đứng dậy chào ra về, lão Hâm luyến tiếc nhấc nửa cái bàn tọa ra khỏi chiếc ghế bành êm như được độn toàn lông mèo. Biết tính khí Niềm vui, ông Giám đốc không bất ngờ, cười thoải mái, vơ cái phong bì bị bỏ quên nãy giờ đút vào túi quần bộ đội bạc màu của Niềm vui. Gã này phớt tỉnh đi ra làm cho lão Hâm phải lẽo đẽo chạy theo sau.


                        Hai anh em lên xe ra về. Nghe tin được việc, chú lái xe hứng chí bật cassette:
                        “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
                        Nghe dịu nỗi đau của Mẹ...”


                        Lào Hâm bâng khuâng không biết mình đang buồn hay vui. Giải quyết xong việc Sếp nhờ cậy thì vui, nhưng buồn vì không biết bao giờ bóng đá thành phố mình mới cất cánh được, khi các trường đào tạo tài năng trẻ đã biến thành các nhà trẻ chứa con cháu của một số người gửi gắm.

                        X
                        X X

                        Sáng hôm sau, đang chuẩn bị pha ấm chè như thường lệ, lão Hâm nghe thấy tiếng ồn ào trên tầng 2, điều chưa bao giờ xảy ra. Chạy vội lên, lão thấy rất nhiều anh chị em trong cơ quan đứng chật kín phòng làm việc của Sếp, thi nhau ca ngợi Sếp đầy lòng nhân ái. Mặt Sếp rạng rỡ pha chút khiêm tốn. Hóa ra tối hôm qua TV thông báo Sếp của lão Hâm đã đóng một số tiền kha khá cho Quỹ ủng hộ người nghèo.

                        Lững thững tụt xuống tầng một, lão Hâm cười sảng khoái:
                        - Bố cái anh Niềm vui!
                        #12
                          PCT 02.08.2006 12:39:32 (permalink)
                          Phạm Ngọc Cảnh – người viết bài thơ tình hay nhất

                          Tối hôm qua tôi dự đám cưới con một người bạn bên ngành thể thao, ngồi cùng mâm với Cảnh và mấy ông bạn già khác. Ngắm khuôn mặt đẹp trai với mái tóc đã thưa và hói của Cảnh, tự nhiên tôi muốn viết về anh.

                          Trước hết phải nói ngay là anh chỉ trùng tên với nhà thơ - nhà văn Phạm Ngọc Cảnh, anh chưa hề làm một câu thơ nào, nhưng như tiêu đề bài này, anh đã viết nên bài thơ tình bất hủ bằng chính cuộc đời mình.

                          Hiện nay anh đang là Trưởng Bộ môn môtô xe đạp của Sở TDTT Hà nội, ở Seagames 22 vừa qua, Việt nam dành được 7 huy chương xe đạp thì quân anh chiếm 4. Anh từng đạp xe xuyên Việt với nhóm cựu chiến binh Mỹ, trong đó có một người hiện đang ra tranh cử Tổng thống. Có người nói đùa: “Cha này mà lên Tổng thống thể nào cũng mời cậu sang Mỹ dượt xe đạp!” Anh chính là người đã được các bạn Mỹ mà anh đã kết thân qua những ngày cùng nhau “leo đèo lội suối” tặng 6 chiếc xe đạp địa hình để trang bị cho thể thao Hà nội (không ít tiền đâu nha!)

                          Thời học sinh anh rất nghịch và gan lỳ. Có lần đang giờ kiểm tra thì chiếc súng đầu van xe đạp trong túi quần của anh bị cướp cò, một bên đùi bỏng rộp, anh vẫn thản nhiên, mặt tỉnh bơ như không có gì xảy ra.

                          Lúc đã đi làm ở Viện Hoá, anh xách xe ôtô của Viên trưởng đi chơi, tông luôn vào bục công an chỉ đường. Dù đã van vỉ đủ kiểu mà tay công an (bây giờ gọi là cảnh sát giao thông) vẫn không tha phạt tiền, tức khí anh chỉ thẳng vào mặt tay công an chửi thề:
                          - ĐM mày, tao thề có trời cao đất dày, tao sẽ…
                          - Ông sẽ cái gì? Tay công an đặt tay vào bao súng.
                          - Tao thề tao sẽ là …bạn thân của mày!
                          Sau giờ làm việc ngày hôm sau, anh mò đến cổng 86 Lý Thường Kiệt (Trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông HN) đứng chờ tay CA kia, và sau nhiều lần chèo kéo, anh mời được “đối thủ” đi uống bia. Từ đó hai người chơi thân với nhau, tối hôm qua đồng chí Thượng tá Cảnh sát cũng ngồi cùng mâm với bọn tôi.

                          Cảnh là một người có tính cách đặc biệt như thế đấy. Anh nói chuyện có duyên, thích khôi hài. Chỉ có một điều lạ là anh không có bạn gái (thời thanh niên), không lấy vợ (lúc đã qua đầu 3 tiến dần đến đầu 4). Mỗi lần đám bạn chúng tôi tán gẫu, hễ đề tài chuyển sang chuyện đàn bà con gái là anh đánh lảng, chuồn đi chỗ khác. Một vài người giới thiệu em gái hay người quen cho anh, anh chỉ đỏ mặt từ chối. Chúng tôi cứ nghi là anh bạn đẹp trai này “súng ống có vấn đề”. Mãi đến năm 2002 chúng tôi mới sững sờ, khi anh thông báo làm đám cưới với cô Hy, một người đàn bà Triều Tiên mà anh đã đem lòng yêu từ năm 1967. Mối tình kết trái sau 35 năm đơm hoa gian truân chờ đợi!

                          Là con của một cán bộ có hạng ở Bộ Ngoại giao (bố anh từng làm Đại sứ VN tại Bungari), anh được Nhà nước cho sang Triều Tiên học ngành hoá, cùng năm với nhạc sỹ Thanh Tùng.

                          Năm 1972, trước khi về nước anh hứa với cô là anh sẽ làm mọi cách, vượt qua mọi rào cản để cưới cô, cô hứa sẽ chờ đợi anh mãi mãi. Họ đâu có luờng truớc đuợc là trời đất đã dành cho họ một thử thách khủng khiếp kéo dài gần hết tuổi yêu đương của một đời người!

                          Cô công nhân Triều Tiên bị “tổ chức” trấn áp, ép gả cho một người đàn ông Triều, bị phía Triều tiên chính thức thông báo cho phía VN là cô đã chết v.v. khi “tổ chức” biết cô yêu một người Việt nam, mà người Việt nam, trong con mắt của họ, dường như đã làm ảnh hưởng tới uy tín của lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành, vì Việt nam đã thống nhất đất nước, còn Triều Tiên thì không làm được việc đó.

                          Khoảng giữa những năm 90, Sở TDTT Hà nội mời một nhóm chuyên gia võ thuật Triều Tiên sang VN huấn luyện, Cảnh được bố trí làm phiên dịch. Anh nhận lời làm phiên dịch một phần vì yêu thể thao, một phần vì muốn tìm cơ hội sang Triều Tiên tìm người yêu. Mãi đến cuối năm 2001, nhờ sự can thiệp trực tiếp của Chủ tịch nước Trần Đức Luơng trong một chuyến đi thăm chính thức Tiều Tiên, phía Triều Tiên mới đồng ý cho Cảnh sang đón cô dâu về VN làm đám cưới.

                          Giám đốc Sở TDTT HN Hoàng Vĩnh Giang cho mượn nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức làm địa điểm tổ chức đám cưới, toàn bộ cán bộ công nhân viên của Sở có mặt đông đủ mừng hạnh phúc cô dâu 54 tuổi, chú rể 53 tuổi. Một đám cưới độc nhất vô nhị ở đầu thế kỷ 21!

                          x
                          x x

                          Hôm qua, ông bố chú rể trách Cảnh:
                          - Sao chú không cho cô Hy đến để tôi giới thiệu với mọi người?
                          - Nhà em bây giờ bán hàng cho một cửa hàng Hàn Quốc, phải 8 giờ tối mới được về.
                          Tôi hỏi:
                          - Cô ấy nói tiếng Việt sõi chưa?
                          - Học chính thức được 7 tháng rồi, bây giờ nghe và nói cũng tàm tạm, đi đâu tôi không phải làm phiên dịch nữa. Năm vừa rồi chúng tôi đã đi Điện Biên Phủ, vào Nam bộ, lên Đà Lạt chơi.

                          Vợ chồng Cảnh rất hay được bạn bè mời cơm. Có lần Hy khóc: “Các anh chị hay lừa em, bảo mời cơm mà thấy toàn thịt với cá!”. Thực ra cô ấy khóc vì ở quê hương cô, một năm may lắm được 2 lần ăn thịt.


                          Chuyện này Đài truyền hình VN đã làm một phóng sự rất cảm động, có báo còn viết “Một mối tình xuyên thế kỷ”. Tôi chỉ viết từ góc độ một người bạn đời thường của Cảnh.

                          Tôi muốn nói: xung quanh ta, bên cạnh ta có thể có những người thực sự cao đẹp mà nhiều khi ta không biết, nhiều khi ta vô tình coi thường họ, làm khó dễ họ, thậm chí xử tệ với họ.

                          Khó ai học tập được Cảnh để “phá kỷ lục” chờ đợi 35 năm, nhưng cái gương tình yêu chung thuỷ của cặp Cảnh – Hy thì mãi mãi ngời sáng! Cuộc đời anh là một bài thơ tình bất hủ!

                          Viết thêm: Chuyện này tôi viết cách đây 2 năm, gần đây được biết cô Hy trên đường đến cửa hàng bị một cành cây rơi trúng người, Cảnh sợ quá, không cho vợ đi bán hàng nữa.

                          8/2006
                          #13
                            PCT 03.08.2006 20:25:06 (permalink)
                            Chuyện nhà lão Hâm xem đá bóng hay Nồi cháo gà vào đêm sinh nhật


                            Thông thường gia đình nào cũng có nội lệ, nhà hão Hâm có một cái lệ bất di bất dịch, đó là vào những dịp có sự kiến bóng đá quốc tế sôi động thì mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ phục vụ một mục tiêu duy nhất: xem và bình luận bóng đá.

                            Trước khi khai mạc Euro 2004 mấy ngày, lão Hâm thay 2 cục pin cho cái điều khiển từ xa, leo lên mái nhà kiểm tra, gia cố dây và cột ăngten. Thế mà vẫn chưa yên tâm, lão còn van nài ông bạn Giám đốc một Công ty chuyên kinh doanh UPS để mượn một bộ lưu điện công suất lớn về đặt chình ình giữa nhà đề phòng khi ông nhà đèn ngứa tay cúp điện ngang xương.

                            Lão xoa tay, khoái chí nói với vợ:
                            - Sếp tớ còn không dám bắt tớ đi công tác vào dịp Ơrô, mẹ con đồng chí phải biết điều một tý đấy nhá!

                            Biết điều theo ý lão là lão phải được miễn giảm các công việc đã được phân công cho lão nhiều năm nay: lau nhà, bơm nước, đổ rác, giặt quần áo, tưới cây. Vì lão xem bóng đá gần như trọn cả đêm, ngày đi làm, chiều về kềnh cang một giấc cho khỏe để khuya lại xem tiếp, làm gì có thì giờ làm những việc theo sự phân công lao động xã hội?

                            Mụ vợ lão, một người đàn bà tuyệt diệu ở chỗ không bao giờ ghen với tình yêu bóng đá của chồng. Lão chỉ cần nói “có ông Bỉm bé xíu trong Sài gòn ra rủ đi nhậu” là có thể đi vô tư đến mấy giờ về cũng được vì mụ biết ông Bỉm bé là thành viên Diễn đàn bóng đá. Có lần vô tình nhìn thấy trên điện thoại di động của lão có tin nhắn của “Uotmi”, mụ hỏi:
                            - Ướt mi là em nào thế?
                            - À, một nick trên Diễn đàn ấy mà.

                            Nghe vậy mụ chả nói năng gì nữa. Trước thềm Ơrô Mụ bàn với Nguyên, cô con gái út, phân chia công việc đỡ đần cho bố trong suốt thời gian có truyền hình trực tiếp các trận bóng của Euro.

                            Nguyên giống bố nhiều hơn giống mẹ, ấy là người ngoài bảo thế. Riêng lão thì lão thấy cô bé giống mẹ nhiều hơn, từ cái nết cười (con gái đâu mà cười suốt ngày!) cho đến nết ăn, cao như người mẫu mà ăn không bằng lão ăn gắng. Riêng nết mê bóng đá thì đích thị là gen của lão. Ai đời nó mê đến nỗi thuộc làu làu tên tất cả các cầu thủ các đội tham dự Ơro 2004, mấy anh Quang Tùng với Quang Tèo cứ gọi là xách dép đuổi theo không kịp. Nó mê đến nỗi nó bắt thằng người yêu đến lau nhà hộ nó vì nó phải lau thay bố. Tuy nhiên cũng phải nói thêm là nó chỉ mê những cầu thủ đẹp dzai, trước đây thì là R. Batgiô (lúc anh này đá hỏng quả phạt đền nó khóc ướt nguyên cả cái vỏ gối), bây giờ là Becks, Totty… Còn những anh đá hay mấy thì hay nhưng răng thỏ hoặc răng đi trước môi lả lướt theo sau thì nó chẳng mấy quan tâm, cái anh Kahn mặt chó ngao thì nó đặc ghét. Tóm lại vì lý do đó nó mê đội Ý mà lão Hâm vẫn thường trêu, gọi là Ý ẹ.

                            Ở trên đời này có nhiều điều không lý giải nổi. Nguyên mê bóng đá bao nhiêu thì tên người yêu của nó lại ghét bóng đá bấy nhiêu, đúng là ghét của nào trời trao của đó. Nhưng vì Nguyên (và cả bố Nguyên) nên anh chàng này không dám bày tỏ sự kỳ thị đến ghê sợ của nó đối với bóng đá.

                            Thế là tối tối hai bố con ra phòng khách ngồi xem bóng đá với nhau. Nguyên làm một gói hạt dưa tí tách luôn mồm còn lão Hâm khư khư bao thuốc lá. Sốt ruột khi “đội nhà” chưa ghi bàn, lão làm một điếu, đội nhà làm bàn rồi, sướng quá, lão cũng xơi thêm điếu nữa. Vừa xem vừa bình luận, phân tích, phỏng đoán, cay cú, hò reo như hai thằng trẻ con.

                            Chiều hôm nay đi làm về lão Hâm đã thấy Cao, người yêu của Nguyên đang lúi húi lau nhà.
                            - Cháu chào bác, hình như bác hơi gầy đi?

                            Thằng xỏ lá, lão nghĩ thầm. Cao biết lão không thích béo, nhưng hỏi vào dịp này thì rõ là ngụ ý bố già ham thức đêm xem bóng đá nên gầy tọp đi. Đến lúc mày chính thức làm con rể tao chắc mày còn xỏ xiên biết nhường nào?

                            - Bố ơi, hôm nay anh Cao xin phép bố được cùng xem football, được không ạ? Con bé nhận thấy bố hơi phật lòng nên vội vàng lấp liếm.
                            - Thế à, càng vui chứ sao? Mẹ khỉ, chú mày biết gì về bóng đá mà đòi xem! Lão Hâm nghĩ thầm như vậy.

                            Cao là một thanh niên gia giáo, học giỏi, không biết bia rượu thuốc lá. Có được chàng rể như vậy thời nay không phải dễ, ít nhất thì nó cũng không lấy trộm thuốc lá của mình. Nói chung lão Hâm cảm thấy quý Cao, nếu không quý cũng chẳng được, thời buổi này con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, chi bằng ta cứ quý nó cho được việc.

                            X
                            X X


                            Như những tối trước đó, mụ vợ lão Hâm rút về buồng, viện cớ thức đêm nhiều tiền đình sẽ có vấn đề. Lão Hâm không chấp cái người thấy đội nào làm bàn cũng hoan hô ấy. Có lần đội ruột của lão bị thủng lưới, mụ vợ lão gào lên sung sướng:
                            - Vàaaaao rôì!
                            - Vào vào cái gì, bà ủng hộ đội nào hở?
                            - Tôi chả ủng hộ đội nào sất, tôi ủng hộ bàn thắng.
                            Xem đá bóng kiểu đó thì đi ngủ đi còn hơn!

                            Lão, Nguyên và Cao chia nhau ba chỗ thuân lợi trước màn hình TV. Trận đấu bắt đầu được 5 phút, anh chàng Cao không giữ được mình, ôm con gấu bông ngủ một giấc ngon lành, má hồng như má trẻ con. Lão hâm liếc xéo về phía Nguyên:
                            - Nó xin phép đến xem đá bóng hay đến ngủ?
                            Nguyên cười trừ, mắt vẫn không rời màn hình. Trận Ý-Đan Mạch không hay, đội Ý bao giờ cũng bắt đầu giải với một hai trận làng nhàng, sau đó, như người châu Âu có câu thành ngữ “Sự ngon miệng đến dần cùng bữa ăn”, họ đá hay dần lên khi vào sâu giải.

                            Gần hết hiệp một, đội Ý có một pha hỏng ăn, Nguyên thét lên:
                            - Mẹ kiếp, đá kiểu gì đấy!?
                            Anh chàng Cao giật mình tỉnh giấc, ngơ ngác nhìn Nguyên:
                            - Em vừa chửi tục à?
                            - Đâu, em gọi anh dậy đấy, sắp giải lao rồi!
                            Anh chàng Cao dụi mắt, lừ đừ đi xuống bếp.

                            Hết hiệp 1, lão Hâm rút điếu thuốc lá, định ra ban công hút thì nghe tiếng mụ vợ cười khì khì:
                            - Ông đừng hút thuốc vội, đợi con mang cháo gà lên ăn.

                            Ái chà, mụ này hôm nay tâm lý thật, giải quyết cả khâu cháo gà bồi dưỡng xem đêm thế này thì thế giới này mụ đúng là nhất, lão Hâm nghĩ như vậy trong khi anh chàng Cao khệ nệ bê nồi cháo gà bốc hơi thơm phức đặt giữa phòng khách. Nguyên múc cho mỗi người một tô còn mụ vợ lão Hâm thì rót cho lão một ly rượu cẩm:
                            - Nào, ông xem cháo gà hôm nay có ngon không? Thái độ mụ có cái gì đó úp úp mở mở rất đáng nghi.
                            - Ngon tuyệt, ai nấu thế này?
                            - Bố đoán xem?
                            - Việc gì phải đoán, không mẹ thì con!
                            - Hoan hô, bố nhầm rồi, anh Cao nấu!
                            - ?!
                            - Anh Cao đi chợ mua gà về làm thịt và nấu xong từ trước khi bố đi làm về cơ!
                            Có việc gì xảy ra thế này, mọi người làm cái trò gì trêu lão thế? Thấy bộ mặt ngơ ngác của lão Hâm, mụ vợ lão vui vẻ cười:
                            - Hôm nay là ngày gì ông biết không?
                            - Hôm nay Ý đá với Đan Mạch!
                            - Giời ạ, hôm nay sinh nhật con Nguyên!
                            - Chết thật rồi, bố quên khuấy đi mất!

                            Đến lúc đó chú chàng Cao mới lôi ra một bó hoa hồng tuyệt đẹp, bông nào bông nấy đầy đặn trịnh trọng trao cho Nguyên. Hai mắt Nguyên long lanh sung sướng.

                            Lão Hâm gào tướng lên giữa đêm khuya:
                            - Happy birthday!
                            #14
                              Ct.Ly 04.08.2006 02:49:45 (permalink)
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 48 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9