Tạp Văn của Thảo Hảo
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
HV09 07.08.2006 22:07:06 (permalink)
Cuối cùng là lè luỡi


- Lè lưỡi để làm gì?
- Ðể liếm ghế.
- Ghế gì?
- Ghế cô giáo.

Ai đọc mẩu đối thoại trên mà không hiểu thì đúng là chưa đọc báo Tiền Phong, số ra ngày 9.03.2003, với câu chuyện có thật sau mà tôi xin tóm tắt lại:

Cô giáo Phương Lan, 26 tuổi, dạy tiếng Anh, vào lớp, thấy ghế của mình đã bị trò nào vẽ đầy phấn. Cô nổi điên, không chịu để lớp thay ghế mới, không chịu để lớp lau ghế cũ, mà bắt thủ phạm phải tự ra khai báo và lau.
Thủ phạm không đầu thú.
Hình phạt của cô dành cho cả tập thể dung dưỡng tội phạm là: cả lớp lên liếm cho sạch ghế của cô.
47 học sinh lớp 7 của trường PTCS Liên Hoa, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã lên liếm sạch ghế cho cô.
Nhưng, cô chưa hả giận. Cô bắt bỏ phiếu kín khai báo thủ phạm. 47 cái phiếu thu về toàn phiếu trắng.
Cô tức giận ra lệnh: lên liếm ghế đợt hai, và không được liếm dối.
47 học trò lớp 7 lại lên liếm lần nữa, ngoan ngoãn.

Phần tôi, đọc xong, thấy giận cái "con" cô giáo kia 1, thì giận đám học trò kia 47 (bởi có 47 trò mà!). Giả sử tôi có con học trong cái lớp ấy, nếu đi học về cháu mách, bố mẹ ơi hôm nay con phải liếm ghế cho cô,
- Thế mày không dám bỏ ra khỏi lớp rồi lên mách ông hiệu trưởng à?
- Không ạ!
thì tôi ắt sẽ quật cho cháu nó một trận đến... thụt cả lưỡi vào. Bởi vì, cái nỗi xấu hổ có con mất dạy đánh thầy, làm sao bằng nỗi nhục có con ngoan ngoãn liếm ghế cô!

Và sau khi đánh con xong, phụ huynh (như tôi) sẽ nghiến răng trèo trẹo:
"Hừ hừ... hừ hừ... Ðể xem cái ngành giáo dục lần này xử ra sao, xử ra sao... Thật tức quá, giận quá, tức quá!..."

Rồi lật tung sách Ðạo Ðức của con mình ra, xem thử có bài nào dạy về lòng tự trọng hay không.

Lòng tự trọng, đó là cái mà từ nhiều năm nay, ngành giáo dục nước ta đã tước dần tước mòn của học sinh, khởi đầu bằng những việc tưởng như nhỏ.

Hồi bé, là lớp phó học tập, khi tôi làm bài, có trò ngồi bên luôn quay cóp. Tôi để yên cho chép nhưng rất khinh. Một lần, trò nhìn không rõ, còn nhấc cánh tay tôi lên. Tôi cáu, mắng: "Không có lòng tự trọng à!" Trò ấy giận, xin đổi chỗ, đến ngồi cạnh một trò khác dốt hơn tôi.

Ôi, cái thời hoàng kim ấy qua rồi! Cái thời mà trẻ con học giỏi học ngu rất phân minh, và nhận đúng những gì mình đáng nhận. Lòng tự trọng của trẻ con được kích thích, khi thước đo giá trị của chúng được rõ ràng.

Nhưng giờ đây, cuộc tỉ thí giữa học trò cũng đã hết. Ðề thi có khi còn được thầy cô cho biết trước. Có khi thầy cô lại còn đọc bài cho chép. Còn nếu mày không cho tao quay bài, mày để cho lớp tụt hạng thì mày chết với cô!

Và lòng tự trọng của lũ học trò chết dần, khi dễ dãi nhận những danh hiệu "giỏi", "xuất sắc" mà mình chưa đáng hưởng, khi ngoan ngoãn thủ tiêu "cái tôi" để làm theo văn mẫu, bài mẫu... Chúng trẻ con mà! Vả lại, có về nói với bố mẹ thì bố mẹ biết thế, nhưng cũng chẳng xui con mình bóp quả cam; tặc lưỡi nói con thôi chấp nhận sự giả dối đi, cho yên chuyện lên lớp.

Ðể rồi từ đó đến việc muốn cho yên chuyện thì liếm ghế, quả thật cũng không xa.

Ðấy là chuyện của học trò cấp nhỏ. Ðến sinh viên đại học, thì cái sự lôi thôi tự bằng lòng lại là một hình thức thiếu tự trọng khác.

Tôi nhớ có lần đi ngang một trường đại học lớn ở nước mình. Hông trường có những hàng cà phê "cóc", với các "cử nhân" tương lai ngồi đó, mà nhiều người trong số ấy, xin lỗi, trông nhem nhuốc, tối tăm. Trông họ rất "hãm" cả về quần áo lẫn thần sắc. Cứ nghĩ bụng, không biết đám sinh viên này thiếu một cái gì nhỉ?... Ừ, có lẽ họ thiếu sự kiêu căng về bản thân. (Tôi dùng chữ "kiêu căng" là mức hợm nhất đi, vô lối nhất đi, mức "chiếc áo" của ông "thầy tu" thôi đấy, chưa dám nói đến "kiêu hãnh", mà họ cũng không có được). Họ không thấy mình oai, không tự phục mình vì những gì mình đang có trong đầu. Họ chẳng làm cho đám thanh niên bán CD lậu bên đường ghen tị gì cả, vì cứ nhìn bên ngoài thì có gì khác nhau lắm đâu!

Ôi, cái sự kiêu hãnh về bản thân... Vì sao nó cứ dần teo tóp...
Còn nhớ khi bạn mới vào lớp 1 không? Bạn tự hào biết bao nhiêu phải không? "Con học lớp 1.", nói mà mặt nghiêm trang, không đùa đâu đấy! Cả gia đình "lợi dụng" sự kiêu hãnh này để ép bạn ăn thêm một bát cơm ("Mình lớp 1 mà!"), để nói bạn đừng trêu em ("Lớp 1 người lớn ai lại trêu em!")...

Rồi lòng kiêu hãnh ấy mất dần. Chẳng ai khuyến khích nữa. Thế rồi một ngày kia, cái đứa trẻ cách đây mới có bảy năm, bướng bỉnh nhưng đầy tự trọng khi bước vào lớp 1, qua bao nhiêu lửa luyện của một lối giáo dục, đã sẵn sàng cúi đầu liếm cái ghế sạch như lau.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.08.2006 22:08:44 bởi HV09 >
#16
    HV09 07.08.2006 22:08:10 (permalink)
    Đánh kẻ ngã ngựa

    Một cúp bóng đá thế giới đã xong. Mọi người bải hoải quay lại công việc cũ. Cứ bốn năm một lần, người ta lại rút được thêm một vài bài học qua bóng đá. Năm thì "mất bò mới lo làm chuồng", năm thì "thà đánh người trước khi người đánh mình", năm lại "hai đánh một chẳng chột cũng què", nhưng có một thứ, lần cúp thế giới nào cũng có, mà cũng chẳng phải bài học, chỉ là một thực tế mà trong đời thường cũng vẫn gặp, lại gặp nhiều khi xem đá bóng (trên T.V hay đọc báo) ấy là "đánh kẻ ngã ngựa".
    Năm nay thì anh Hàn Quốc vào sâu tận những vòng trong. Nhớ những vòng ngoài, khi các anh hùng hục chạy trên sân và thỉnh thoảng ghi bàn thắng, bình luận viên suýt xoa như dõi theo một đội bóng của Hercule, lại còn dự đoán họ sẽ tranh trận chung kết. Rồi cũng chính những anh Hàn Quốc đó, vào vòng sâu và bắt đầu thua, mà thua oanh liệt đẹp mắt, chỉ vì đối thủ của họ giờ là những kẻ mạnh hơn; thì bình luận viên bẻ lái ngay sang hướng độ lượng mà cho rằng, những gì đội Hàn Quốc đạt được trước kia chỉ là nhất thời, họ nay "sức cùng lực kiệt", rằng đội Hàn Quốc đã "lạc quan tếu", rằng... nhiều thứ lắm, chỉ biết cuối cùng làm người xem như tôi hoang mang, bởi vì tôi vốn tin vào mấy anh bình luận viên, và khi anh thay đổi chính kiến quá nhanh, thì tôi bẻ lái theo không kịp. Lại hoang mang nữa vì nhìn ra trong đời hình như sẽ không có chỗ cho kẻ ngã ngựa. Khi bạn ngã, không có chuyện tại ngựa hôm nay cao hơn hôm qua, hay đường hôm nay xóc hơn hôm kia, mà người ta bắt buộc bạn phải nhận lỗi, tại hôm nay bạn cưỡi ngựa dở hơn mọi ngày. Có thể tôi coi không đủ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một anh bình luận viên nào bình luận trước một đội thua: "Họ chơi hay quá, chơi hay hôm cả mọi khi, nhưng đối thủ của họ quá mạnh. Thua thế này cũng là thắng rồi."
    Tôi nhớ có lần xem chương trình Yan Can Cook; Ông Yan băm tỏi rất nhanh, chặt thịt phăm phăm, đến khi bốc vào chảo thì ông làm rơi ra ngoài. Yan lập tức gân cổ lên, đại loại, ai mà chẳng có sai lầm, (chỉ xuống khán giả) cô cũng có sai lầm, anh cũng có sai lầm, sao tôi không được sai lầm? Tôi rất thích cái đoạn này, vì biết rõ là ông ấy đùa, nhưng ông ấy chỉ cho khán giả biết cách bảo vệ mình mỗi khi gặp sai lầm. Mình phải có một khoảng sai số để tự tha thứ cho mình. Mình phải trung thành với mình...
    Nhưng xem tường thuật bóng đá thì ngược lại. Bạn được học một nguyên tắc: thua tức là có lỗi, và chỉ nên ngả theo người mạnh. Bóng ào qua sân này, ta phải hồ hởi khen ngợi. Bóng ào ngược lại, ta phải đổi chiều ngay. "Ðã đến lúc đội X. phải xem lại mình," hay "Vâng, quả thực, tuổi tác, thưa các bạn, tuổi tác...", cũng là những nhân vật đó, trước đấy ít phút, ta mới khen là "đầy áp đảo", là "lão tướng đầy kinh nghiệm"... đại loại vậy. Nhưng, ta phải cứu lấy ta thôi, vì thế cờ đã đổi. Tí nữa bóng ào qua lại, ta đổi chiều cũng chưa muộn.
    Ngày trước tôi vẫn hay vào cơ quan mẹ tôi chơi. Trong cơ quan có một chị mà tôi rất ghét. Chị nói năng rất ngọt. Chị lại hay nịnh. Bác trưởng phòng mẹ tôi có vẻ thân với chị ấy. Tôi thấy chị ấy hay đùa với bác, gọi bác là "sếp" luôn miệng, và "dạ" thật to mỗi khi bác gọi.
    Thế rồi bác ấy đến tuổi về hưu. Nhưng bác ấy nhớ cơ quan và thỉnh thoảng vẫn đến chơi. Vả lại, đây là cơ quan về chữ nghĩa nên "hưu" nói chung cũng chỉ là một cái mốc hành chính, chứ về mặt công việc, quan hệ, thì vẫn thế. Người ta vẫn ngồi bàn chuyện với bác về sách vở, kiến thức. Chỉ có chị kia là không nói chuyện nhiều với bác nữa.
    Một buổi chiều, mẹ tôi nhờ tôi ngồi đánh máy công văn. Bác trưởng phòng ấy vào cơ quan, lúc ấy chỉ có tôi và chị "đáng ghét". Bác ấy tìm cái gì đó trên bàn chung mà không có. Rồi bác nói to, cái sổ điện thoại đâu rồi nhỉ? Chị kia ngồi im, không trả lời. Bác hỏi lần nữa, và nhìn vào cái gáy chị "đáng ghét" đang cúi xuống chăm chú làm việc. Chị không ngẩng lên. Thật không giống chút nào với ngày xưa, cái ngày chị có gì ăn cũng mang mời "sếp", thân thiết "bố bố con con"... Từ hôm ấy, tôi thấy bác ít vào cơ quan hẳn.
    Nói bác về hưu là "kẻ ngã ngựa" thì thật là quá đáng. Nhưng nói "ngã ngựa" thật ra cũng là dành cho những ai không còn trên lưng ngựa. Mà đâu đâu cũng gặp cảnh người-ngồi-ngựa-ngã-ngựa thế này. Thế nên tôi thích cái cách cổ động viên Hàn Quốc hô to rồi đồng loạt giơ tay ra sau mỗi tiếng hô, mặt nghiêm trang và đáng tin cậy, như bố mẹ giơ tay sẵn sàng đón con rơi từ trên lưng ngựa xuống, thấy mới nhân nghĩa làm sao. Lại nghe anh bình luận viên nói, người Việt Nam chúng ta phải học họ thôi. Anh nói đúng, nhưng nhiều khi các anh đã chẳng làm gương cho chúng tôi, từ đầu giải đến cuối giải, có gần một tháng thôi, người ta đã thấy các anh quật bao nhiêu là kẻ ngã ngựa.

    #17
      HV09 07.08.2006 22:10:07 (permalink)
      Để bóp (gần) chết lòng yêu nghề

      Ngày chủ nhật ở Hà Nội, lại là ngày lạnh nhất, bạn sẽ ngại ra đường (có thể vướng mắc không phải ở khâu phóng xe, mà là ở khâu thay quần áo). Nếu bạn có con nhỏ, khoảng dưới 6 tuổi; nó - bất chấp trời lạnh, nhèo nhẹo đòi đi chơi (và bạn bắt buộc phải đi, vì đã trót dại hứa), thì bạn chọn mục nào trong danh sách dưới đây ?
      về nhà ông bà ngoại
      về nhà ông bà nội
      đi siêu thị, vào khu trò chơi
      ra công viên chơi đu quay
      ra Lương Văn Can mua đồ chơi
      đi xem xiếc
      đi hội chợ với mẹ
      đi uống cà phê cùng với bố
      Danh sách có thể còn dài hơn nhiều, nhưng với một đầu óc chưa có con nhỏ như tôi thì chỉ dừng ở mức ấy. Và bởi vì "con cá lớn" của tôi không phải là làm thống kê cho một tổ chức gia đình - xã hội nào, mà là, tôi muốn bạn dẫn con bạn đi xem xiếc.
      Vẫn nhớ hồi bé, thỉnh thoảng vào những dịp đặc biệt ngoan, tôi lại được đi xem xiếc. Rạp bên hồ Hale. Trong cái nhà bạt vòm cao cao ấy đầy những người, ngồi chỉ lo rơi dép xuống những khe ghế gỗ. Nhạc rộn ràng, những đoạn gay cấn thì trống rền rền căng thẳng. Giữa chừng các tiết mục là hai anh hề chạy ra, hình như trong đó luôn có một anh khá béo. Xong đến xiếc thú, có tiết mục lớp học chó. Cô giáo chỉ số 1 là ẳng một tiếng, chỉ số 2 là ẳng ẳng 2 tiếng...
      Rồi vào miền Nam, đi xem xiếc trong Sở thú. Xiếc miền Nam lúc đó phổ biến là mô-tô bay. Giữa rạp là một cái ống to, quay càng lúc cành nhanh, xe phóng trên thành ống, mà trẻ con cứ bị ám ảnh là nếu ống ngừng quay thì cả người lẫn xe sẽ bị văng ra, tan xác trên mái bạt....
      Hơn 20 năm rồi tôi mới đi xem xiếc trở lại. Lại vẫn bên hồ Hale, vào những ngày mà người ta nói là lạnh nhất ở Hà Nội. Tay buốt hết. Lạnh từ trong lạnh ra, từ ngoài lạnh vào, ép mình ở giữa lập cà lập cập. Thế mà vào rạp xiếc, giờ đã là nhà xây đàng hoàng, nhìn một cái mà muốn rơi nước mắt: khách trong rạp chỉ lèo tèo vài hàng ghế, lại đa phần là người du lịch, Á với Âu; trẻ con rất ít, mà nhạc vẫn tưng bừng, đèn sáng trưng, diễn viên áo xanh áo đỏ, cười rất tươi, chéo chân chào khách. Trong rạp không có sưởi, lạnh không khác gì ngoài trời, khách như tôi mấy lần áo và găng vẫn còn run lẩy bẩy, ngại cả vỗ tay, và có vỗ cũng không to nổi vì tay tê cóng. Vậy mà diễn viên mặc phong phanh như muôn thuở, vẫn nhiệt tình trải hết tinh xảo này đến nguy hiểm khác, nào nhào lộn, phi ngựa, cưỡi voi..., mà tổng cộng số tiền bán vé cả rạp sáng hôm ấy thật không đáng để mà bất kỳ ai liều thân; giải thích được chăng chỉ có lòng yêu nghề và sự không đắn đo vì coi đó đã là nghiệp.
      Nhưng nghĩ kỹ thì, oái oăm thay, khi nước đã giàu hơn, rạp đã to hơn, trẻ con không cần ngoan bằng ngày xưa cũng có thể được đi xem xiếc, thì sao lòng yêu nghề của diễn viên lại bị đem ra thử thách như thế này? (Nghe nói) lương thì thấp, người xem thì ít. Lại biết không chỉ diễn viên người mà cả "diễn viên" thú cũng bị thử thách, khi đi ngang qua chuồng voi, thấy voi mốc meo gầy guộc, đứng trong chuồng tối tăm; chuồng chó, chuồng ngựa lạnh lẽo, và chó xiếc trông nhem nhuốc như mấy con chó... nhà tôi.
      Alphonse Daudet có một cái truyện ngắn về ông già làm nghề xay bột. Khi bắt đầu có nhà máy xay bột hiện đại hơn về làng thì cái cối xay gió của ông ế ẩm. Nhưng ông quá yêu nghề và không chấp nhận mình thua. Người ta vẫn thấy ông mỗi ngày cho la chở đi những bao bột và những cánh quạt cối xay vẫn quay đều. Rồi đến một hôm, người ta phát hiện ra, đó không phải là bột, mà là những bao thạch cao. Dân làng thương ông quá, lũ lượt đem lúa mì đến nhà máy của ông, để cái cối xay của ông được phục vụ những hạt lúa mì thực thụ.
      Lòng yêu nghề, lòng yêu nghề... đó là cái mà chúng ta vẫn hay nói, và muốn con cái của mình cũng có được cái phẩm chất đó, để sau này đời nó vui. Nhưng mà muốn nuôi được cái phẩm chất đó chắc cũng phải có sự động viên của cả cộng đồng, đừng để nó bị thử thách quá lâu mà nản, mà thui đi. Sự khổ luyện mỗi ngày của các diễn viên xiếc ở đây đúng ra phải được đền bù bằng tiếng vỗ tay của người lớn (chịu dẫn con đi), bằng sự nín thở của trẻ con (được bố dẫn đi), đó chính là thứ lương thực tinh thần để nuôi cho lòng yêu nghề đó không teo tóp.
      Thế đấy, nếu như mỗi người trong chúng ta chịu khó một năm dẫn con đi xem xiếc một lần, trước là để nó có được thú vui tuổi thơ, sau là mình ôn lại tuổi thơ của mình với nó, sau nữa (tí ti thôi cũng được), nghĩ việc này như mình đem bao bột của mình đến xay cho ông già vui, thì những buổi diễn xiếc như hôm nay đỡ đáng thương biết bao. Mà còn cao hơn nữa, nhìn tấm gương những nghệ sĩ xiếc, cái lòng yêu nghề trong chúng ta, lâu nay tưởng đã chết, biết đâu lại tự nhiên mà sống dậy thì sao!

      #18
        HV09 07.08.2006 22:11:19 (permalink)
        Giao trứng cho ác


        Hãy làm bài tập nhỏ này (*):
        Tìm từ trái nghĩa của các từ sau:
        Nàng dâu
        Chị dâu
        Con rể
        Chú

        Bạn chịu khó làm một tí, rồi hẵng đọc tiếp...
        Nếu bạn đang có con học lớp nhỏ, thì hãy luyện cho cháu làm những bài tập như trên, bởi vì, đề năm nay đã ra như thế rồi.
        Như báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 23.5.02, đã đưa tin: ngày 21.5.02, Sở GD-ÐT Cần Thơ ra đề thi tốt nghiệp tiểu học, trong đề có cái câu dễ thương sau: "Một hôm, Sẻ được bà ngoại gửi cho một chiếc hộp đựng đầy hạt kê." Rồi Sở ra một yêu cầu hóc búa là: tìm và ghi ra từ trái nghĩa với từ "bà ngoại" trong câu trên.
        Ðáp án của Sở là "bà nội".
        Cuộc tranh chấp giữa bà ngoại - bà nội, ai cũng biết, là một cuộc tranh chấp mang tính truyền thống gia đình, kiểu mẹ chồng - nàng dâu, anh vợ - em rể.
        Tôi có đứa cháu gái, mỗi lần về nhà chơi, bà ngoại thể nào cũng lén lút hỏi một câu: "Yêu bà nội hay yêu bà ngoại?" và các dì vẫn trêu nó: "Mày là thuộc bên nội, không phải bên ngoại," làm con bé tức đỏ mặt tía tai.
        Thế nên, xét về nguyên nhân tâm lý sâu xa, người ra cái đáp án trên hẳn không phải là vô lý, nếu không nói là quá đúng.
        Thế nhưng, đề ra ngày hôm trước, ngày hôm sau, cũng theo báo Tuổi Trẻ, Sở GD - ÐT Cần Thơ đã họp với các trường tiểu học. Tại đây, sau nhiều tranh luận, cuối cùng Sở đồng ý đưa thêm các đáp án là "ông nội", "ông ngoại".
        Vì sao lại là ông ngoại?
        Ông ngoại quả là địch thủ của bà ngoại, điều này rõ quá rồi. Những cặp vợ chồng già, suốt ngày câu mâu nhau, khiến những cảnh ông ngoại râu bạc khề khà chịu để cho bà ngoại tóc trắng chăm cho mình mà không gắt um lên, thật chỉ có trong những clip quảng cáo sâm hay trà thanh nhiệt. Thế nên Sở GD - ÐT Cần Thơ có cái lý của họ.
        Thế ông nội dính gì vào đây?
        Ðúng là ông nội thường chỉ liên hệ rất mờ mịt với bà ngoại, ông nghe nói về bà mà thấy xa xôi chẳng khác gì nghe về một bà bán hàng ngoài chợ. Ông sinh hoạt tổ hưu và chỉ đọc báo phần "Diễn đàn Bạn đọc" mỗi ngày cũng đủ bực mình với những điều chướng tai gai mắt trong xã hội. Ông lên thăm con trai mỗi hai tháng một lần để gấp máy bay cho cháu nội. Và trong suốt thời gian được con dâu chăm sóc, ông không bao giờ nghĩ đến mẹ của cô ta. Bà như một đám mây mù mịt, nếu bà có đến chơi, ông cũng chỉ hỏi vài câu lấy lệ rồi ông xem tiếp phần thời sự thế giới trên T.V. Ông cũng không quan tâm đến chồng của bà, tức là ông ngoại. Tóm lại, giữa ông nội và bà ngoại là không có thù oán, đối địch nhau. Cho nên, đáp áp cho từ trái nghĩa với "bà ngoại" là "ông nội" thì đã có nhiều phần không đúng.
        Tôi không thích đáp án này.
        Tuy vậy, xét về mặt "đối chan chát" thì đáp án này khả dĩ hơn cả.
        "Bà" đối với "ông"
        "Ngoại" đối với "nội",
        (làm tôi nhớ bài tập của tôi hồi bé tí là làm câu đối, tôi đã làm:
        "Chị mèo đi vào nhà
        Anh chó chạy ra sân" )
        Nhưng như thế, những đáp án "bà nội", "ông ngoại" là vứt đi à?
        Tóm lại, Sở GD - ÐT Cần Thơ đã chọn đáp án "từ trái nghĩa với bà ngoại" theo tiêu chí nào? Quan hệ xã hội hay đối chan chát?
        Bạn đã thấy tôi lẩn thẩn chưa? Ðó là nãy giờ tôi mới chỉ lảm nhảm viết một mình thôi đấy. Trong khi đó, xin nhắc lại, cả một Sở GD - ÐT Cần Thơ đã phải họp với các trường tiểu học trong địa phận Cần Thơ, tốn bao nhiêu giờ đồng hồ, uống bao nhiêu là nước, cãi bao nhiêu là lời lẽ, về một cái đề thi mà phải dùng cái từ trái nghĩa của "thông minh" để mô tả... thì bạn mới thấy mức độ lẩn thẩn của tôi so với độ lẩn thẩn của ngành sư phạm nước ta thật chẳng thấm tháp gì.
        Cứ tưởng tượng chừng đó con người, hàng ngày sẽ là người đưa con cái chúng ta vào khu vườn tri thức mênh mông và mới lạ, một hôm có thể tụ tập lại (theo lệnh triệu tập), để bàn bạc một cách nghiêm túc, xem từ trái nghĩa với bà ngoại là gì, mà kinh. Trong số những người dự cuộc họp như vậy, có mấy người coi chuyện đó là điên rồ, là ngớ ngẩn? Ðể đến nỗi sau cả một cuộc họp như thế, cái đề thi ấy vẫn giữ nguyên. Và hôm sau, thí sinh tiểu học vào phòng, ngơ ngác khi lần đầu trong đời biết được (bằng văn bản) là bà ngoại cũng có đối thủ.
        Hai chị em tôi học chung một trường, đứa trước đứa sau. Cả hai đứa đều học qua chung một số thầy, cô. Thỉnh thoảng ngồi nhắc lại, có những người chúng tôi xuýt xoa mãi, vì sự giỏi giang, uyên bác của họ. Những người thầy ấy, ngay trước khi bước vào trường sư phạm, họ đã là những học sinh rất giỏi. Họ chọn ngành sư phạm vì họ biết mình giỏi, và người giỏi hình như bao giờ cũng có một nỗi khao khát được đứng trên bục giảng, truyền lại những điều mình say mê cho những cái cây còn non, còn có thể uốn được.
        Nhưng hình như, cũng có những người bước vào ngành sư phạm vì trình độ của họ trái nghĩa với "giỏi", và họ chỉ có thể vào cái trường lấy điểm tương đối thấp này. Cái sự dốt đeo đuổi, ám ảnh họ, làm họ sợ rừng kiến thức. Họ phải giới hạn nó lại bằng những bài tập mẫu, bằng chép-nguyên-xi-mới-được-điểm-cao; Họ sợ nhất học sinh đi lang thang vào rừng, bứt về một bông hoa lạ và hỏi họ: "Cái gì đây?" Cái gì vượt quá sức họ là họ thấy nguy hiểm. Và đối với những con sâu của ngành sư phạm, không gì nguy hiểm hơn là sự sáng tạo, tự do tìm hiểu của học trò.
        Vấn đề của giáo dục nước mình, là hình như không có thuốc trừ sâu, nếu không nói rằng đây còn là môi trường cho sâu phát triển. Và với một nền giáo dục dung dưỡng cho những sự lẩn thẩn như đã dẫn chứng ở trên, thì việc đẻ con ra, ngoài những lo âu về tài chính, sức khỏe, nuôi nấng..., bạn còn phải tính đến một nỗi lo khác - nỗi lo "giao trứng cho ác" - là một ngày kia nó sẽ phải đến trường!
        (*) Ðáp án (theo phong cách Cần Thơ) là: Mẹ chồng , Em chồng , Mẹ vợ , Thím , Dượng
        #19
          HV09 26.08.2006 20:22:14 (permalink)
          Thử up
          #20
            saosangmo 13.09.2006 21:20:29 (permalink)
            Hi HV09,

            Mình đã đọc hết những bài bạn đăng, nhưng thời gian này hình như bạn ko vào VNTHuquan nữa thì phải.
            Mình thực sự thích những bài viết của Thảo Hảo, mong bạn post tiếp để mình và mọi người cùng được thưởng thức

            cảm ơn bạn
            #21
              Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9