TẠP VĂN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ
meocon_thongminh93 27.07.2006 12:43:37 (permalink)
LỤC BÌNH (Tạp văn )


Quán đẹp, tên quán đẹp, ngó ra dòng sông đẹp. Đằng trước người ta quây rào tre giữ lại một đám lục bình đang trổ bông, cũng đẹp. Tôi đứng nhìn mãi những bông hoa tím co ro trong gió, trong chiều nắng tắt, quặn lòng, như gặp lại người bạn cũ.

Từ dạo con tôm lên ngôi, dài theo những dòng sông quê xứ đã xa vắng lục bình, mỗi khi có dịp đi đâu đó, gặp loại cỏ thuỷ sinh ấy, tôi mừng húm. Có điều, lần này, gặp bạn trong hoàn cảnh trái thường bởi lục bình trong nỗi nhớ, trong giấc mơ tôi lúc nào cũng trôi mênh mang trên một dòng sông nào, xa vắng. Lục bình mà bị cầm tù thì còn gì là lục bình nữa.

Con người ta có tật kỳ cục, chuộng cái đẹp nhưng không biết cách nuôi dưỡng cái đẹp. Hay tại tham lam nên cái gì cũng vơ vào mình. Lục bình, phần nào đó như ngựa ở thảo nguyên, chim trên trời, gió ngoài đồng, hợp với sự hoang dã và tự do. Chỉ long đong cùng sông nước, lục bình mới thể hiện hết bản chất, vẻ đẹp và sức sống của nó. Nên lục bình ở quán bờ sông ấy có lạ, có biếc đến đâu thì cũng không bằng lục bình của những buổi chiều nắng phai, gió cũng phai như nắng. Kẻ ngồi bên sông chờ đò muốn ứa nước mắt. Một ao lục bình không buồn như vậy, một đám lục bình vướng vào đám chà trên sông cũng chưa gọi là buồn, một về lục bình chậm rãi trôi gợi buồn ít thôi, nhưng bụi lục bình duy nhất, với một nhánh bông duy nhất, liu riu thiu thỉu trên mặt sông đầy, thì buồn chết giấc.

Đó là lần đầu tiên tôi phát hiện ra vẻ đẹp của nỗi cô đơn, sưu tập thêm một biểu tượng của cái buồn xứ sở, cùng với khói đốt đồng phơ phất dưới hoàng hôn, cùng với tiếng bìm bịp thăm thẳm theo con nước, bầy đom đóm leo lét trên rặng bần. Một vẻ buồn rất lạ, đằm sâu, nhưng không giam hãm con người, không tù đọng, không cùng quẫn. Cái buồn trãi dài, thông thống, mênh mông, cởi mở…

Có lần đi Kiên Giang, qua phà Tắc Cậu, tôi lại thấy ở lục bình một hình ảnh khác, rất “đời”. Nơi này gần cửa biển, lục bình từ các sông trôi đến dìu dập. Nhưng lạ, bầy đàn đông đúc, mà có vẻ tan tác cô đơn. Hăm hở trước biển khơi mà như dùng dằng nuối tiếc dòng nước cũ. Lựa chọn nhưng vẫn hoài nghi, hoang mang. Hay lục bình chỉ là lục bình thôi, chỉ tôi gởi tâm trạng của mình vào rồi thấy mình là lục bình trôi trôi ngơ ngác.

Tình cờ tìm tư liệu cũ, nghe bảo lục bình được nhập từ Braxin từ những năm 1905, tôi vẫn không nguôi được ý nghĩ trời sinh lục bình từ khi vùng đất này có sông. Lục bình làm sông trở nên dịu dàng, sâu sắc. Dù vậy, nhiều người, trong đó có anh bạn tôi, chê lục bình dở òm, tiêu cực, cam chịu sống đời lênh đênh vô định, không phương hướng. Anh bạn có tật mắc cười, là hay gán lý tưởng, tính chiến đấu cho bất cứ gì, bất cứ ai, lục bình cũng không ngoại lệ. Buồn miệng, tôi cãi chơi, lục bình đang sống theo lẽ tự nhiên, tụi mình dấn thân vào đời, bươn tới những đích nào đó cũng theo lẽ tự nhiên, của con người. Nói đến đó bỗng cồn cào nỗi hoài nghi, người ta sống với tham vọng chồng chất ngút ngất là thuận theo lẽ trời ư?

Và chiều nay, trong cái quán lạ bên dòng sông xa lạ, tôi hơi đắng đót bởi ý nghĩ, con người ta còn tự cầm tù mình bằng những ảo vọng ngông cuồng được thì sá gì đám lục bình hèn mọn này, sá chi con chim trong lồng kia… Thôi, trở vô bàn ăn sướng hơn. Mình cũng bị nhốt như đám lục bình đó, mắc gì tiếc thương cho chúng.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.07.2006 12:45:24 bởi meocon_thongminh93 >
#1
    meocon_thongminh93 27.07.2006 12:44:48 (permalink)
    NỬA ĐỜI NGƠ NGÁC





    Lúc rày mưa dữ quá, mưa nhâm nhi, rả rích cả tuần, đứa cháu nhỏ lật lịch, kêu lên, “Ui chao, tháng 7, hèn chi mưa liền tù tì, chắc là ông Ngưu Lang với Chức Nữ đang gặp nhau, dì Út ha?”. Nhỏ cháu lập luận ngây ngô, làm nó mắc cười, bởi nếu có Ngưu - Chức thật, thì lúc gặp lại họ cũng chẳng khóc lóc gì đâu. Xa bẵng nhau, mỗi năm gặp một lần, chỉ sợ ngượng ngập đến nỗi chỉ nói vài câu lạt lẻo, nhát gừng. Trong một năm rất dài đó, mỗi người gặp những biến cố khác nhau, làm những công việc khác nhau với những bạn bè khác nhau, có gì chung đâu mà nói. Yêu thương có cao như núi thì cũng bị mài mòn bởi thời gian, bởi những lo toan thường nhật. Nó vu vơ nghĩ thầm, suýt cất thành lời, nhưng nhìn vào đôi mắt trong vắt của đứa cháu, lại thôi. Ngước mặt nhìn mưa, bỗng nó có cảm giác bàng hoàng, ủa, tôi-trong-veo đã chết tự hồi nào ?

    Câu hỏi đó làm nó bần thần cả buổi. Thật khó chịu khi một thứ đã từng thuộc về mình, gắn bó với mình, nhưng rồi nó tan biến lúc nào mình không biết.

    May mà còn lại một vệt ký ức long lanh, không ngắn không dài, vừa đủ để nó nhớ rằng, mình đã từng có một quãng đời thơ ngây, mơ mộng, ngông cuồng. Mỗi khi nhớ lại, nó thường buột miệng kêu lên, thời điên. Có điên mới tin mưa tháng Bảy là nước mắt tương phùng; tin vào những truyện cổ tích có cô gái nghèo lấy chồng hoàng tử, hay nghĩ đơn giản nàng Kiều rốt cuộc hạnh phúc với người yêu. Buồn cười, là quãng ấy, nó tốn biết bao nhiêu nước mắt vì thương cho những thân phận người, những chuyện tình trái ngang, lận đận trong… phim. Tệ hơn, là nó tin có ngày Cổ Thiên Lạc sẽ… yêu mình. Vào năm hai mươi hai tuổi, nó còn làm một việc ngông cuồng khác, khi đặt tên cho quyển sách đầu tay là “Ngọn đèn không tắt”. Chắc nụi. Đáng ra phải là “Ngọn đèn chưa tắt” hay “Ngọn đèn sẽ tắt”, bởi chẳng có gì là miên viễn, là bất biến hết (đèn lại càng không).

    Dân gian có lý khi ghép từ “dại” đi ngay phía sau chữ “nhỏ”. Phải mất nhiều năm nó mới rút ra kết luận đó. Những cảm nhận của ngày xưa giờ đổi thay ngoay ngoắt. Như thể nó đã sống cuộc đời khác. Nó cười nhạo câu cuối cùng (hay xuất hiện) trong các truyện cổ tích, “hai người cùng nhau sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long”. Nó cảm nhận được cái cay đắng tủi buồn khi Kiều về với Kim Trọng, khi nàng đã lưu lạc trầm luân, đã yêu người khác thật lòng, đã tan nát vì chia biệt và đổ vỡ thì làm sao tỉnh bơ sống với chồng của đứa em, người mà mười lăm năm trước có gặp sơ sơ, nói nói cười cười, lấy nước mây ra hứa hẹn, cùng lắm là nắm tay nhau được… một lần. Nó nổi quạu khi nghe kể sau bao năm bị chồng cho người ta… mượn, Châu Long lại cười ngỏn ngoẻn trở về mà trái tim không hề lung lay, thương tổn. Nó nghi ngờ những mối tình xuyên qua kiếp này, kiếp sau, sau nữa, ai mà kiên nhẫn dữ vậy?! Nó nghĩ giá trị của những lời thề hẹn chỉ như chọi cục đá xuống ao bèo. Nó ngờ ngợ khi thấy đôi trai gái đi qua, không biết cuộc tình này được bao lâu, chưa chắc có đám cưới… Nó dửng dưng, nguội ngơ trước những khóc, cười của người đời, bởi cảm xúc vừa nhen nhóm đã tắt rụi bởi ý nghĩ, thấy ngoài mặt cười, khóc vậy, thân thiết vậy nhưng chưa biết lòng dạ làm sao à nghen.

    Tất cả những thứ đó cho nó một cảm giác, mình khôn ra rồi. Có điều, cuộc sống dạy chậm rãi quá, nhẩn nha quá. Tốn mười năm, nó chỉ học được vài bài học thí dụ như “không có gì là mãi mãi”, như “đừng mù quáng tin vào cảm xúc” hay “yêu phải để dành”. Nó rất nôn nóng được học nhanh nữa, để chứng tỏ bản lĩnh, sự già dặn của mình.
    Bữa nay, nó nhận ra mình buồn quá, khôn mà buồn. Biết nhiều mà buồn. Tỉnh táo mà buồn. Trãi đời mà buồn. Ngoái lại thì thời vui nhất đã bỏ đi lâu rồi, từ lúc hoài nghi lên ngôi.

    Nó bỗng thèm được như đứa cháu, nhìn mưa tháng Bảy nẫu nuột mà lòng vui, vì biết cữ này có đôi lứa gặp nhau, trên trời.

    #2
      meocon_thongminh93 27.07.2006 12:46:08 (permalink)
      Những thiên thần mắc đọa

      Chiều nào bà mẹ cũng dẫn con ra công viên bên bờ sông, chỗ chị hay tụ tập đánh cầu lông với bạn bè. Nhẹ nhàng đặt đứa bé lên băng đá, mẹ chạy quanh, lúc che mặt cút hà, lúc lại giả đò trợt té. Đứa trẻ bị giảm thiểu năng trí tuệ, nên ngờ nghệch, có khi cũng nhoẻn cười, nhưng ánh mắt dại mông mênh. Chị hay đứng đằng xa, lén nhìn cảnh đó mà xót thương, bởi cảm giác, đang quấn quýt bên con nhưng bà mẹ ấy như cô đơn chơi vơi dưới nắng chiều. Day qua day lại, chị thấy nhiều người cũng ngẩn ra ngó hai mẹ con họ, và cũng như chị, họ giấu giếm cái nhìn của mình, mắt đậu vào bâng quơ. Dường như ai cũng sợ mình sẽ không kềm chế ánh mắt thương hại, như nhát roi quất vào lòng bà mẹ, vốn đã đau.

      Bất giác, chị nhớ cái quãng thằng con bị chứng biếng ăn, chị đã mệt mỏi như thế nào. Thằng nhỏ ốm nhom, nhẹ hều, cái đầu to quá khổ so với thân mình đẹt ngắt, nhiều bữa bưng chén cơm nguội ngơ đuổi theo nó hàng giờ đồng hồ, chị khóc ròng. Không hoàn toàn vì thương con, đôi lúc, chị nhận ra, chị đang thương cho niềm kiêu hãnh của mình. Chị còn không muốn chở con ra đường chơi, sợ người ta quở, nuôi con gì ốm nhách.

      Xấu hổ vì ý nghĩ đó, chị chậc lưỡi, tự nhủ, người ta ai cũng vậy. Bà mẹ nào cũng mong đứa con mình thật bụ bẫm và xinh đẹp. Không thì cớ gì lúc mang bầu, nhiều bà mẹ treo hình những cô cậu bé béo múp míp trong phòng ngủ (những mong đứa nhỏ mình sinh ra sẽ giống hệt vậy). Không thì cớ gì mẹ phải tần tảo dành dụm mua sữa Pháp, sữa Mỹ với hy vọng nhỏ con mình ú quây y như… quãng cáo trong ti vi. Không thì cớ gì một vài người giữ trẻ bất lương đã cho thuốc tăng trọng vào thức ăn, để đám trẻ vùn vụt tăng cân, vừa được tiếng thơm vừa thoả mãn lòng hãnh tiến của những bà mẹ.

      Chị nhớ hồi nhỏ mình cũng xấu đau xấu đớn (bây giờ thì đã bớt xấu chút đỉnh), hẳn má buồn lắm. Hỏi má, má cười, đẹp không phải là niềm tự hào duy nhất. Má vui vì chị bốn tuổi đã biết đọc sách báo, năm tuổi đòi quét nhà, sáu tuổi biết lon ton xách thùng tưới rau… Má nói, miễn con mình là đẹp. Chị không tin.

      Nhưng nghề báo đã đứa chị đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Có lần, chị đến T, vùng đất nghèo, xơ xác những di chứng chất độc màu da cam. Hoàn cảnh có khác nhau, bọn trẻ cũng mang dị tật khác nhau nhưng những bà mẹ trong xóm thì có chung ánh mắt, ưa nhìn xuống, lầm lũi, tủi cực. Cái cười cũng rụi ngọn từ khi đứa con ra đời, héo hắt khóc trên tấm khăn. Có đứa nguyên vẹn đến năm, mười tuổi, mẹ vui được quãng đó, rồi một bữa con nhìn mẹ, cái cười ngờ ngệch hiện ra trên khuôn mặt xanh xao. Tóc bạc chảy tràn trên mái đầu của người mẹ trẻ. Chị muốn ôm ghì người phụ nữ ấy vào lòng, khi bà mẹ vẫn đưa cái nhìn trìu mến bọc lấy thằng bé đang nằm mút ngón chân trên giường, khoe, Út Cưng hiền khô hà, nó đeo tui hỏng rời, hễ đi vắng chút xíu là nó nhớ, thấy thương lắm.

      Cái nhìn vừa sâu nhói, vừa chan chứa thương yêu đó chị vẫn gặp trên khắp ngã đường. Bởi khi đậu xuống chiếc nôi ấm áp của người, một ít thiên thần đã bị mắc đọa. Tình mẫu tử bị thử thách nghiệt ngã và dai dẳng. Nhà hàng xóm cũng có một đứa con tật nguyền, nhiều bữa bên đó mở tiệc, chị thấy họ nhốt thằng bé không hoàn hảo vào phòng, giấu biệt. Tình thương không đủ mạnh để lấn áp sự mặc cảm, lòng kiêu hãnh bị tổn thương.

      Nhưng nhiều người đã vượt lên những ám ảnh tầm thường. Như bà mẹ ở công viên chiều. Đoán được cái nhìn ái ngại của mọi người đối với mình, nên một bữa, người mẹ cầm tay đứa bé, ngoắc lia lịa, rối rít nói thay con “Cô ơi, chú ơi, bữa nay Ti mặc áo mới nè, nhìn Ti xem có đẹp không?”.

      Thái độ chủ động của bà mẹ khiến mọi người trở nên nhẹ nhỏm. Họ vẫy tay gọi đứa bé, họ lại chỗ bán hàng rong, mua vài cây kẹo dúi vào tay nó. Thằng bé ngây ngô nhoẻn cười, ngọng nghịu nói theo mẹ hai chữ cảm ơn. Bà mẹ cũng cười, hạnh phúc khi con được người đời yêu thương như một đứa trẻ bình thường. Mặt trời cũng rạng rỡ cỡ vậy, là cùng…

      Chị nghiêm cẩn như đang đứng trước một kỳ quan.
      #3
        meocon_thongminh93 27.07.2006 12:46:55 (permalink)

        MẶT TRỜI XA LẮM









        - Nghe cấp trên tới đây gặp dân, tôi mừng húm. Vậy là mặt trời xuống gần dân rồi.


        Ông già nói câu đó trong không gian hầm hập hơi người, dưới nắng trưa nóng rẫy. Vài người cười ồ, ông già Bảy bữa nay nói chuyện bày đặt nói văn chương. Buổi tiếp xúc cử tri đang nặng nề như dãn ra. Có vẻ nhẹ nhõm, nhưng điều đó rõ ràng là ảo giác. Và tôi, một trong những “mặt trời” nghe sống lưng lạnh buốt, nuốt vội ngụm nước mà chực nghẹn, vì xấu hổ, vì cảm nhận trong lời ví von tếu táo của ông già có sự chua xót, đắng cay (*).


        Vì được chạm tay vào một sự thật, là người dân đã coi chúng tôi là những kẻ xa cách, như đây không phải là đại diện của mình, như chính quyền không phải của mình. Suốt những ngày gặp gỡ, đôi lúc tôi có cảm giác chúng tôi như những sứ giả đứng bên này sông, nom rất lạc lõng. Người dân thì ở bên kia sông, và chúng tôi nhoáng nhoàng bắc tạm một nhịp cầu, tạm cứu vãn và tạm níu lại, nói ba điều bốn chuyện.


        Để rồi lại mịt mù tăm cá. Nguyên nhân làm cho sự xa nhau đến nông nỗi này thì thấy ngời ngợi trước mắt. Đơn giản, là có nơi, có lúc đại diện của chính quyền không chịu (hay không muốn ?) đối thoại với dân, càng chẳng có văn hóa đối thoại. Bà con không được coi như chủ, như người thân, như anh em ruột thịt đã đành, tệ hơn, chẳng được đối đãi như... ông bạn nhậu. Không thân tình, nhưng ít ra, gặp giữa quán cũng ới một tiếng, uống với nhau ly rượu, trao đổi vài câu xã giao, lúc này làm ăn sao, vợ con sao? Chỉ khoảnh khắc nhỏ nhoi, vậy mà nhiều bà con hiếm khi có cơ hội.


        Ba ngày gặp bà con, tôi viết đầy mười tám trang giấy. Về đọc lại thấy buồn, thấy chuyến công tác của mình vừa rồi sao tuyệt vọng giống như đi vá tầng... ozone. Không phải, là đi đắp vá lòng dân đã thủng, đã đau nhiều chỗ. Những vụ tiêu cực lớn vỡ ra như nhọt, dân thấy sốc như bị một nhát chém, đã đành. Có lỗ thủng không đáng... Thí dụ, đất nhà dân, ông bưu điện không nói không rằng, nhào vô đào cái hào bằng sải tay, đặt đường cáp quang, cũng không thèm hé môi nửa lời, cắm cái bảng đỏ chót “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm...”. Gì kỳ vậy, dân phản ứng, đất của tui mà... Thí dụ, bà con làm hồ sơ chính sách người có công với cách mạng thiếu một vài thủ tục, chẳng ai hướng dẫn để đối tượng bổ sung, chờ không được, bà con lặn lội đi hỏi thăm thì chính sách ấy hết hạn giải quyết lâu rồi. Gì kỳ vậy, dân ngửa mặt lên trời, kêu thảng thốt (vậy chớ lỡ làng hết rồi, không kêu trời, biết kêu ai). Thí dụ, quy hoạch khu công nghiệp trên ngàn héc ta mà bà con đi mua đồ ở tiệm tạp hóa, lật tấm giấy báo gói củ cải muối ra mới biết, quy hoạch ngay trên đất mình. Tong tả lại đằng xã hỏi thì được trả lời, trên đài có đưa tin, bộ hỏng đón nghe sao? Dân ngẩn ngơ, gì kỳ vậy, không lẽ suốt ngày tui ôm cái ti vi để coi mấy ông nhà nước có nhắn gì không? Thí dụ, làm lộ nông thôn, có chỗ chia theo tỷ lệ Nhà nước 6, dân 4; ấp bên kia lại theo tỷ lệ 7/3, dân ấm ức, gì kỳ vậy, bộ bên kia là con ruột, tụi tui con ghẻ sao?


        Những việc như thế có kể tới Tết cũng chưa hết. Quyền lực tạo ra cảm giác, ta là người trên trước, cao quý, và ý nghĩ đó đẩy người dân vào thế yếu, chẳng được trọng thị như một đối tác ngang hàng. Cách biệt được đào thành hố, thành hào. Bắt đầu bằng những rạn nứt nhỏ, rồi lâu ngày, vết thương chảy máu từ những việc hết sức tủn mủn, nhỏ nhặt, đôi khi... lãng nhách. Bởi chính quyền chỉ cần bỏ ra chút thời gian, cử người giáp mặt với dân, trao đổi ngắn gọn, gút mắc sẽ được gỡ, mọi việc sẽ đơn giản, đầm ấm hơn nhiều. Văn hóa đối thoại đã bị bỏ quên vì một chút dùng dằng, tiếc thay. Nguy hiểm hơn, là cái cảm giác buộc làm theo lệnh của Nhà nước mà không được hiểu, không được nói, và cảm giác bị cai trị, rất gần.


        Không phải tự nhiên, không phải vì khái niệm địa lý mơ hồ mà bà con gọi lãnh đạo chính quyền là người “ở trển”. Nên ai đó đừng nghe vậy rồi mừng thầm, vô tư bảo, bữa nay chúng tôi “xuống” dân. Chuyện lên, xuống này sẽ làm mối quan hệ giữa chính quyền và dân trở nên lạt lẽo và xa cách. Mặt trời sẽ xa lắm, sợ ánh sáng không đủ để cây cỏ đơm bông.


        (*) Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là đại biểu
        Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau

        #4
          meocon_thongminh93 27.07.2006 12:47:28 (permalink)
          MÓN NỢ KHÔNG THỂ ĐÒI


          Mẹ đi đằng trước, con lẽo đẽo theo sau, buổi chợ sớm mai thưa người nhưng chộn rộn vì những câu hỏi ríu ran của thằng nhỏ. Mẹ ơi, con cá gì mà có cái mỏ dài quá vậy, thằng con chỉ tay vào con... vịt, hỏi. Nhưng khi mẹ trả lời đấy là con vịt, nó giãy nảy, con vịt phải có lông chứ. Dằng dặc sau đó là những câu hỏi khác, tại sao con cá kia lại nằm im re, vì sao nó chết, ai làm nó chết. Tại sao cọng rau này màu tím còn rau kia màu xanh. Mẹ vẫn nhẫn nại trả lời con và diễn đạt làm sao cho giản dị, dễ hiểu. Chỉ câu hỏi: “Mẹ ơi, tại sao người ta đem bán cá em bé? Sao người ta không cho cá em bé đi học mẫu giáo mà ăn thịt tụi nó làm chi, tội nghiệp...”, mẹ phải ngẩn ra rất lâu, phân vân tìm câu trả lời.


          Nhưng không thể lờ đi, vì thằng con ngước con mắt đầy vẻ xót thương nhìn mẹ, như chờ đợi, như van xin, như cầu cứu. Trong cái thau gần đầy nước, hàng triệu con cá con (mà thằng nhỏ xem như bạn đồng trang lứa với nó) đang chen chúc nhau đớp không khí một cách tuyệt vọng. Lứa cá nhỏ hơn đầu đũa này thường là từ 15-30 ngày tuổi, người ta gọi là rồng rồng. Hơi giống trẻ con, lúc mới chào đời rồng rồng có màu đỏ, và ngả sang đen khi chúng lớn dần lên. Lúc ấy, chúng sẽ từ bỏ cái tên cúng cơm của mình, xúng xính với tên mới: cá lóc.


          Rồng rồng được cá mẹ sinh khi trời bắt đầu rải xuống những sợi mưa. Nước hớn hở dâng lên, tắm mát những ao, đìa đã mỏi mê vì những ngày khô kiệt. Sấm chớp vẫn lừ đừ, gầm gừ trong những đám mây nặng trĩu nước. Sa mưa! Những nụ mầm mới bắt đầu nhú lên trên những cọng rau muống, rau đắng, rau ngổ... già nua. Những sinh vật của ruộng đồng như cá, ếch... vào mùa sinh sản. Lúc này, trong ao hay xuất hiện những bầy rồng rồng - những quầng đỏ lâm nhâm trên mặt nước, to như cái nia, di chuyển lấp lánh, nhịp nhàng.


          Đây cũng là khoảng thời gian mẹ đi chợ, hay thấy lòng buồn rợn ngợp. Đầu chợ là cá rồng rồng, cuối chợ cũng cá rồng rồng. Trên nền chợ đẫm nước, bên mớ rau đồng xanh non, là những con ếch, nhái đã bị lột da tuyệt vọng chắp tay lạy lia lịa, ọc ạch nhảy trên mâm, na cái bụng trứng lặc lè. Ai cũng có thể nhìn thấy muôn vạn hạt trứng nhỏ lấm tấm bên trong. Dài theo lối đi, người ta bày bán mấy con cá lóc ốm nhom vật vờ bên cạnh lũ cá rô, cũng lép kẹp, chỉ bụng là quá khổ vì phải bọc lấy trứng. Cá quãng này ăn không béo, nhiều nhớt, tanh, thịt cứng, dai nhách. Dường như lũ cá đã cố ép xác, tự làm mình xấu đi, già đi, nhếch nhác, xóa dấu của sự hấp dẫn để bảo vệ lũ con sắp chào đời nhưng cũng không thoát khỏi bàn tay của con người.


          Nhưng giữa chợ đời, chẳng mấy ai để tâm mà cám cảnh cho phận rồng rồng, cho con cá... có bầu, như mẹ. Hay ai cũng thấy bất nhẫn, nhưng họ cũng im lặng làm ngơ, như mẹ. Khi lấy đũa gắp mớ rồng rồng kho tiêu thơm lựng, họ cũng thấy áy náy, quá nhiều sinh vật mất cơ hội sống chỉ vì một miếng ăn của con người? Hay họ vô tư, chẳng nghĩ gì cả, bằng chứng là những sinh vật tội nghiệp ấy đã bị tận diệt hết sa mưa này đến sa mưa khác, bất chấp lệnh cấm của chính quyền (cũng phải, ngang nhiên bày bán mà có thấy ông chính quyền nào lên tiếng đâu, mắc gì phải sợ).


          Mẹ đắn đo rất lâu, mẹ sợ suy nghĩ kia được nói nên lời sẽ là quá tàn nhẫn đối với đứa trẻ. Cuối cùng, mẹ nói, tại bà con mình còn nghèo. Vì nghèo, nên phải dầm mình kéo từng bầy rồng rồng, lội ròng rãi trên khắp đồng bãi tìm bắt từng con nhái, con ếch để đổi lấy ít gạo. Vì nghèo, nên đang cạy cơm cháy bữa sáng đã lo ngay ngáy bữa chiều, hơi sức đâu nghĩ tới tương lai xa vời. Và vì bụng chưa no, nên những gì người ta rao trên đài, nào là phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn hệ sinh thái... chỉ là những ngôn ngữ xa vời.


          Mẹ buộc phải nói những điều quá phức tạp, đối với thằng con năm tuổi. Nhưng đó là câu trả lời bao dung nhất, ít đau đớn nhất... Chắc chắn, lớn lên nó sẽ hiểu. Chỉ sợ, lúc đó, những sản vật của ao đồng trở thành hàng quý hiếm. Và vĩnh viễn thằng con không biết âm thanh ếch, nhái kêu ran ngoài đồng sau mưa, cảnh cá rô, thác lác ục sôi dưới đìa mùa hạn, tiếng cá lóc táp lụp bụp như dừa rụng xuống ao.

          Tất cả những thứ ấy, như một món nợ mà lớp con cháu không thể đòi lại từ những thế hệ đi trước. Có trả nổi đâu mà đòi...


          #5
            meocon_thongminh93 27.07.2006 12:47:55 (permalink)
            SỐNG ĐẦY


            Đề tài trong buổi cà phê sớm nay là một người bạn ở Thới Bình vừa mới bị tai nạn giao thông. Chị ấy giờ nằm im re một chỗ do chấn thương cột sống. Sẽ bình phục, có điều hơi lâu, bác sỹ nói chừng ba tháng mới mong ngồi dậy. Mọi người tần ngần nói, kiểu này chắc phải tổ chức đoàn đi thăm.

            Trong đám người, chỉ tôi là chưa biết chị nhiều. May mắn, nghe tên chị, tôi cũng nhớ được người phụ nữ nhỏ nhắn, gò má hơi cao, da ngăm ngăm, tóc ngắn, hay cười. Thấy loáng thoáng đôi ba lần, tôi và chị chỉ kịp gật đầu chào rồi thì chìm lịm trong không khí đám tiệc, hội họp. Kiểu đó thì có gặp nhau hàng trăm lần cũng không gọi là gặp.

            Anh họa sỹ thì khác, dù bốn năm rồi chưa chào chị nhưng anh đã “gặp” trong ký ức của mình. Lần đó anh về Thới Bình tổ chức triển lãm, chị đi te te qua, phụ giúp anh treo tranh xong, quây quần ngay tại phòng tranh nhậu tưng bừng. Tối mịt chị mới ngẩn ngơ, “Hồi sáng nhỏ em dâu nhắn về bên má chế ăn bánh xèo, nhưng nghe em tới Thới Bình không lẽ chế để em một mình…”. Nhắc kỷ niệm đã xa thẳm hơn một ngàn ngày mà giọng anh họa sỹ vẫn còn xao xuyến, “bà chế đó chơi dễ thương quá chừng”.

            Giới văn nghệ sỹ hay chia ra hai dạng người, hoặc chơi được, hoặc không. Và chị thuộc hàng “chơi được”. Khách tới, ngay lập tức sẽ được thưởng thức những gì quý nhất, ngon nhất của nhà chị. Trong lòng Một - phóng viên, là hình ảnh chị giăng mùng sẵn rồi ngồi đợi cửa mỗi khi nó về Thới Bình săn tin. Sáng sau mới mở con mắt ra, Một đã thấy chị dọn nồi cháo trắng với ơ cá bống kho còn nghi ngút khói. Với Hai, đạo diễn phim tài liệu, cái tên chị đi kèm với mùi… mắm lóc dậy động cả góc lòng. Chị làm mắm khéo, con cá chắc nụi, từng thớ thịt đỏ au được bọc bởi một lớp thính gạo thơm lựng. Thứ mắm này đem chiên không bị vỡ ra, chỉ khi ta đụng đũa vào mới biết nó đã mềm rục từ hồi nào. Biết Hai ưa mắm chết bỏ không thôi, chị hay gởi cho. Những bữa đi làm về, thấy gói mắm lóc treo ngoài cửa, Hai biết chị từ Thới Bình lên, có ghé qua nhà.

            Cứ vậy, mỗi người góp một vài câu, họ lục lọi trong miền nhớ những câu chuyện hết sức ngộ nghĩnh. Nhân vật chính vẫn là chị. Nhan sắc chẳng phải là mặn mà lắm, chức vụ cũng lèng èng ở một phòng ban cấp huyện, nhưng chị lại làm người ta nhớ lâu. Ba, phóng viên của Đài truyền hình tỉnh kể, “Hồi còn làm lính của chị ở Thới Bình, có một lần tui nhậu say quá trời đất, không thèm đi trên đường, tui nhảy xuống lội sông về nhà, tội bà chế, cũng nhào xuống nước bơi theo, sợ tui chết chìm. Vừa lội bì bỏm, vừa chửi, vậy mà gần một cây số tui mới chịu leo lên bờ”.

            Theo Mười, nhà văn, thì chị đã nghĩa khí từ hồi nhỏ. Từ nhà tới trường ngót năm cây số, Mười với chị học cùng nhau. Những bữa ba chị tan sở, gặp hai đứa dọc đường, ba chị rề lại biểu chị lên xe đạp ba chở về. Chị lắc đầu, “Ba để con đi bộ với nhỏ Mười cho vui”. Nhà chị khá giả, Mười thì nghèo, nhưng đi chơi chung, không bao giờ chị mặc áo đẹp hơn, chạy xe sang trọng hơn. Lớn hơn một chút, chị cũng để Mười có người yêu trước, chị mới chịu… yêu. Vụ va quẹt vừa rồi Mười đi chung chị, hai đứa té văng hai nơi, chị quýnh quáng biểu người đi đường, “Lại đỡ cho nhỏ đó dùm, khỏi lo cho tui…”. Rốt cuộc, Mười chỉ trầy xước sơ sơ, còn chị đau nặng. Chuyển qua ba bảy bệnh viện. Cuối cùng chị được về nhà. Mười có tới thăm rồi, kể, trên giường bệnh có tới hai điện thoại, một chồng hồ sơ giấy tờ cao ngệu, chị nằm ở đó mà điều hành công việc ở cơ quan gọn hơ. Còn viết được hai kịch bản ngắn để chuẩn bị cho hội diễn sân khấu quần chúng. Mười nói, chỉ thiếu cái máy vi tính (treo đòng đưa) trước mặt nữa thôi, chị đã biến cái giường gầm chân cầu thang ấy thành… phòng làm việc. “Người gì, hễ làm là quăng nguyên con vô, làm bất kể chết”, Mười chặc lưỡi, giọng như khen ngợi, như than thở cho con bạn. Lại như so bì, bởi ít ai được như chị, chơi hết mình, làm hết mình.

            Và sống hết mình. Thời gian của chị vì thế rất đầy. Lòng chị cũng đầy vì chật chội những yêu thương, cả đời làm người gieo hạt mà không quan tâm mình có gặt hái được không. Tôi chợt nghĩ, chắc chị chẳng bao giờ chào đón ngày mới bằng tâm trạng sợ hãi, chán chường. Chắc chị chẳng bao giờ tiếc nuối, than vãn khi ngày đi qua, tuổi đi qua.
            Dứt khoát đi Thới Bình thăm chị, đám người kết luận ngay khi tan buổi cà phê sáng. Tôi cũng đi. Và tôi nghĩ tới chuyến đi ấy bằng một nỗi xốn xang, như thể chị với tôi đã thân thiết tự hồi nào.

            #6
              meocon_thongminh93 27.07.2006 12:48:24 (permalink)
              SA MƯA







              Không khí ướt đầm vì mưa suốt đêm qua. Chợ xem xép nước. Người mua vắng ngắt. Kẻ bán trùm cao su im lìm như tượng trong làn mưa mờ đục. Gió như tiếng thở dài.

              Út Chín vẫn ngồi nép bên hông tường của quán cà phê, ngay đầu hẻm. Gối ép vào ngực, tay bâng quơ ngắt lá rau úa. Dáng ngồi không đổi, hệt như lần đầu tiên chị gặp nó, ở chỗ này. Chị nhớ, lúc đó, chị mừng quýnh, kêu giật giọng, “Ê, Út Chín!”. Con nhỏ thảng thốt quay nhìn. Và sự ngỡ ngàng, vui sướng trong mắt vụt tắt, nó cụp xuống, nói chị lầm rồi, tui không phải Út Chín.

              Không, dù con bạn bây giờ gầy gò quay quắt, dù khuôn mặt đã đen đúa sắt seo, dù nó không nhìn nhận, chị chắc chắn nó là Út Chín. Con nhỏ ở trong xóm ngoại chị ngày xưa, đã cùng chị rong ruỗi qua miền thơ dại. Đã cùng chị hái trái ô rô, đước, hái bông tra, bông lồng đèn… để chơi nhà chòi. Buổi trưa hai đứa trốn ngủ chém vè ra nhà xuồng búng thun. Có dạo hai đứa bỗng dưng mọc ghẻ, bị cạo đầu trọc lóc, cứ nhìn nhau hết khóc rồi cười. Có lần hai đứa đi kéo tép ở hào ranh sau vườn, xớn xác không thấy ổ ong đeo trên nhánh bình bát, Út Chín bị ong nghệ túa ra bu vàng đầu, chị nhào lại dìm nó xuống nước, kéo chạy lên bờ. Bứt cọng môn nước chấm vào những chỗ ong chích để lấy nọc, con bạn khóc vì đau, chị khóc, cũng vì đau.

              Làm bạn nửa chừng chị thôi ở với ngoại, về chợ. Lâu lâu cũng có người nhắc, ba Út Chín mất, sau nữa nghe Út Chín lấy chồng, rúc sâu trong đồng, trong những kinh rạch chằng chịt.

              Nhưng giờ Út Chín cúi đầu chối phắt, chị đành quay đi. Bỗng chị nhìn mình, thấy ngột ngạt vì đôi giày cao gót, quần màu kem sang trọng làm nổi bật chiếc áo hồng. Chân bước chần chừ, chị nghe loáng thoáng tiếng Út Chín, như đang phân bua với mấy chị bạn hàng, “em nghèo quá…”. Chị nghe ruột xót cồn cào. Chị quay lại chỗ Út Chín, mua bó rau, ngỏn ngoẻn nói mình lầm. Chị săm soi chê rau xấu rau già, chị cò cưa mặc cả.

              Buộc lòng. Để Út Chín có thể còn ngồi bán ở chợ này. Để mỗi ngày, chị được nhìn thấy bạn. Để đau lòng nhận ra, nó nghèo thật, nghèo quá (Có lẽ con nhỏ vẫn nghèo y như hồi cùng chơi chung, nhưng chị thì đã khác xưa rồi). Cái áo khoác ngoài lấm lem mủ chuối, đôi bàn tay gân guốc, những đầu móng tay còi cọc đen thui vì nhựa rau muống, bàn chân nhợt nhạt, tái xanh trên đôi dép Lào mòn vẹt đằng gót. Tất cả những cái đó nói chung một thứ ngôn ngữ: “tôi nghèo!”.

              Và trên chiếc thúng đựng rau bung vành, cái cân giá đã mòn khía… một cuộc mưu sinh tần tảo ngày ngày thầm lặng diễu qua. Nửa đầu mùa hạn thì mớ rau đắng đất, lọn rau muống chị mua còn xanh, sau đi qua Út Chín thấy mặt bạn trĩu lo âu bên mớ rau già, teo ngắt, đỏ au, nách lá ra bông. Chị biết, để tìm hái mớ rau đó, Út Chín đã rong ruỗi cả vạt đồng, tìm những đọt rau ấy mọc len trong cỏ ống, theo bờ mương, bờ ruộng đã sắp khô. Quá nửa mùa, Út Chín bán những con cá giăng lưới hay câu được, rồi sau chỉ thấy trong thau chất những con chuột đồng đã được lột da. Chị biết ao, vũng ở quê đã kiệt nước rồi.

              Điều đó có nghĩa việc kiếm sống của Út Chín nhọc nhằn hơn. Có những bữa đi làm về, chị thấy nhỏ bạn vẫn còn nấn ná bên mớ bắp chuối, năm ba trái bình bát chín dưới nắng trưa đổ lửa. Chợ tan rồi. Mà chị thì chẳng thể làm gì, chỉ có thể diễn mặt lạnh tanh, nhón ngón tay lăn tới lui mấy cái bắp chuối con con. Thoáng thấy cái nhìn tần ngần, day dứt, lầm lũi của bạn, chị bấm bụng hỏi, “Bớt không? Năm bắp bốn ngàn nghen?”

              Rồi mùa hạn nặng nề đi qua. Sớm nay sa mưa. Chị xách giỏ qua chợ, ngó Út Chín bỗng nhớ nao nao Út Chín. Nhớ cũng quãng này, hai mươi năm trước, chị với Út Chín rủ nhau đi mò rau muống chìm đìa, những cọng rau nằm dán dưới đáy ao, nước lên rau cũng cố vượt lên theo, cọng non nhuốt, trụi trơ. Nhớ hai đứa đi chận bắt những con cá rô ốm nhằng mình đầy nhớt đi loắn quắn trên liếp chuối. Nhớ cùng nhau đi bắt ốc lát trên đồng, ướt đầm đìa dưới mưa nhưng nụ cười vẫn nhoẻn ra trên đôi môi tái nhợt, cái cười ấm như than đang bắt lửa…

              Sớm nay, vẫn dầm chung cơn mưa, nhưng chỉ thấy trong nhau những bẽ bàng. Có một khoảng cách vô hình không với tới được…

              #7
                meocon_thongminh93 27.07.2006 12:49:20 (permalink)
                Con gái của người mẹ trẻ đã năm tuổi. Ngần ấy thời gian bà mẹ trẻ ngấm dần những trải nghiệm, rằng mang nặng đẻ đau không cực bằng đút cơm cho con bé, sau lại thấy cảnh lúp xúp cầm chén cơm rượt theo nhỏ con (vốn biếng ăn kinh khủng) không cực bằng dạy nó nhận thức việc tốt xấu ở đời.

                Bà mẹ nghĩ thế hệ mình còn nghèo, tất bật kiếm miếng ăn nên bỏ qua việc sống bặt thiệp, lịch sự, văn minh. Thôi để con nó làm những điều ấy thay mình (điều đó làm mẹ đôi lúc buồn cười, tham vọng mình lớn vậy sao, định cải sửa cả một thế hệ à?). Buổi sáng mẹ chở con đi học, mẹ dạy, “con đừng khạc nhổ ngoài đường, làm vậy người ta cười, nói mình không lịch sự”. Tức thời có chú ăn mặc tử tế chạy xe đằng trước ngoẹo đầu phun cái vèo, may mà né được nếu không bị gió tạt nước miếng vô mặt. Mẹ thấy… bối rối, lanh trí nói, “Đọ, như chú đó mọi người không ai thích hết”. Vẻ mặt nhỏ con có vẻ ngờ ngợ, có lẽ nó thấy kỳ vì nhiều người lớn không cần được yêu. Mẹ nhận thấy những bài học ngoài đường hay kèm theo… rủi ro. Mẹ nói với con rằng bỏ rác vào thùng mới ngoan, nên đứa bé khư khư cầm vỏ kẹo trong tay chờ mẹ chạy xe lòng vòng tìm cho được thùng rác. Qua mấy khúc đường đó, hai mẹ con thấy có một chị quét hắt rác từ nhà ra đường, một người thả lắt lay theo gió tấm giấy gói bánh mì, và ai đó đổ tháo ra đường một vũng… cặn heo. Mẹ thấy bất lực vì trong mắt con đầy hoài nghi. Khi rác được quăng vô thùng, con thở khì một cái, thỏ thẻ, “Mẹ thấy con giỏi không. Nhưng giỏi làm chi mắc công quá hà, mẹ”. Mẹ im lặng, thấy buồn.

                Ai đâu dè dạy con khó dữ vậy. Dặn con đừng nói lời thô tục, nên lần nào vợ chồng cặp bên vách đánh nhau, mẹ phải lật đật đi mở nhạc, vặn to volume cho át đi tiếng chửi thề xoi xói. Biểu con đừng quăng vỏ chuối, hay mảnh giấy xuống sông nhưng nước sông đã ngầu, lúc nhúc rác rưởi. Khuyên con giữ lời hứa, nó day lại nói, hôm trước đi thi bé khoẻ bé ngoan cô giáo biểu hát hay cô cho kẹo, “mà con đâu có thấy”. Rồi mai rồi mốt, bà mẹ biết việc dạy con sẽ dần dần khó khăn hơn. Làm sao để thuyết phục nó rằng ăn mặc kín đáo, giản dị là đẹp trong khi các cô gái đang vòng cổ vòng tay dây nhợ lòng thòng diêm dúa, ngược lại, áo quần thì chỉ một vài mảnh vải đắp thờ ơ, hở trước hở sau, hở trên hở dưới. Làm sao để con nó tin được rằng vẻ đẹp tâm hồn mới quan trọng khi người ta treo bảng rao, cần tuyển nhân viên, ngoại hình đẹp… Nói về sự sâu sắc của tâm hồn khi người đời đang nhìn nhau, đánh giá nhau bằng quần áo, trang sức, bằng xe, bằng nhà… không biết đứa con có nghe không. Nó có tin mẹ không khi mẹ nói về sự trung thực trong khi bạn nó quay cóp luôn luôn được điểm cao, xếp hạng đầu. Câu chuyện của mẹ về lòng nhân từ sẽ chìm lỉm giữa cảnh chiếc ô tô dấn ga cán bừa lên sọt cà chua – gia tài của người nông dân lỡ đổ ra đường, vì chở nặng. Chẳng ai đỡ giúp chiếc xe, hay nhặt giúp trái cà…

                Vậy mà, lái con tàu hoang dã thơ dại ấy về cái bến đầy hoa cỏ chẳng dễ dàng gì. Mẹ biết phải nỗ lực nhiều, nhưng chỉ tấm lòng người mẹ thôi không biết có chống chọi được với muôn mặt cuộc sống để dẫn dắt con mình vào con đường tử tế?

                #8
                  Ct.Ly 27.07.2006 16:27:02 (permalink)
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9