Nấm mối kho nuóc cốt dùa dạc sãn miền tây
tuan hoang 30.07.2006 22:37:45 (permalink)
0
có ai dã tùng an nấm mối kho nuóc cốt dùa chua? tối không thễ nào quên duọc huong vị dó . Huong vị ngọt ngào và giay giay cũa nấm và béo cũa nuoc dùa nhu tan vào miệng , ôi còn gì ngon hon nũa huong vị dậm dà cũa quê huong!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.07.2006 22:39:55 bởi tuan hoang >
#1
    sunflower 30.07.2006 23:09:41 (permalink)
    0
    Dạo Net thấy bài này SF khiêng về cho bà con tham khảo , nghe tuan hoang diễn tả hấp dẫn quá chừng àh


    Nấm Mối Tây Nguyên


    Mùa nấm mối bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8. Lúc đó ở trong vườn, dưới mặt đất, nơi gò cao, có những tổ mối tròn bằng quả cam. Với thời tiết nóng ẩm lúc mưa lúc nắng xen nhau, con mối ở tổ tiết ra những chất đặc biệt tạo thành meo nấm. Meo nấm phát triển thành nấm, mới đầu nhỏ như đầu đũa có mũ nhọn xuyên qua đất mềm mọc lên. Người ta gọi đây là "nấm nứt đất", vì còn nhỏ nên không hái. Sau hai ngày, nấm nứt đất nở to ra gọi là "nấm búp". Nấm búp là giai đoạn có chất lượng ngon nhất, thơm giòn khi chế biến món ăn. Hai ngày sau, nấm búp nở to, cao lên thành nấm "tán dù". Nấm lúc này ăn cũng ngon những chất lượng giảm, dai hơn. Một ngày sau, nấm nở sẽ tàn. Nếu không có ai thu hái, mối và côn trùng sẽ ăn dần hết nấm tàn.


    Ở Tây Nguyên và cả ở Nam Bộ, mùa nấm mối đến, nhiều người rất thích. Người đi tìm nấm mối chỉ việc ghi ngày tháng âm lịch tìm được gò nấm mọc, năm sau đúng ngày tháng đó cứ đến gò tìm lại ắt sẽ gặp được nấm. Một gò nấm mọc trong vườn nhà ở Nam Bộ nhiều lắm cũng không quá 2kg. Còn gò nấm mọc trong rừng Tây Nguyên, có khi gần 20kg...


    Nấm mối là một loại đặc sản hương vị thơm ngon. Người nội trợ và thực khách sành điệu có trong ý niệm hàng chục món ngon chế biến cùng nấm mối như: Canh nấm mối nấu với nước cốt dừa lá cách, nấm búp kho tiêu với cá bống trứng, nấm mối xào chấm muối ớt, nấm búp to gói lá cách nướng, nấm mối xào thịt lợn - tôm, nấu lẫn với gan lợn, trứng cút...


    (Sưu tầm)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 31.07.2006 00:26:54 bởi sunflower >
    #2
      sunflower 31.07.2006 00:30:00 (permalink)
      0
      Nấm mối- Món Ngon Đầy Dược Tính.



      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/2997/E336FA7E8ADB4B1289DB8421BE8E0868.jpg[/image]


      Theo một số cư dân miệt Mái Dầm (Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang), nấm mối chỉ xuất hiện ở đây đúng vào sáng sớm mồng năm tháng năm âm lịch, rồi tàn ngay khi mặt trời vừa rạng . Vì là của hiếm nên mọi nhà phải thức thật sớm để tranh thủ hái những tai nấm mọc đầy các gốc tre còn man mát sương đêm.



      Tuy nhiên, nấm mối không phải chỉ xuất hiện vào ngày Tết nửa năm tại Phú Hữu, mà có mặt ở nhiều địa phương khác, sau nhiều ngày “nực giông nực mưa”, trời ầm ào đổ mấy cơn mưa đầu mùa. Tiết trời mát dịu, nước mưa thấm vào đất, tạo nóng ẩm khiến từ các bụi tre, các ổ mối, các vườn dừa, nơi có rễ cây mục nhú lên những tai nấm có màu trắng hồng, bum búp, cao chừng 2cm. Nhỏ hơn nấm rơm một chút, nấm mối mọc từng giề, xinh xinh, “mát mắt”. Vậy là người ta mê mải hái trong niềm vui của một mùa nấm mới.


      Nấm hái về được người Phú Hữu dùng làm nhưn thay cho đậu xanh, giá, thịt ba rọi, tôm, để làm một món duy nhất đón Tết Đoan ngọ là bánh xèo. Nấm hái xong, đem về nhà, một người nhẹ tay rửa sạch. Một vài người khác lặt rửa rau sống. “Chuyên gia” đổ bánh, không ngừng tay cho vá bột màu vàng nghệ chan đều lòng chảo, đã tráng sẵn mỡ nước hoặc dầu ăn, phát ra tiếng kêu “xèo xèo” thật vui tai. Bánh đổ xong đem cúng, dọn xuống, cả nhà cùng ngồi bên nhau xúm xít ăn. Nhưng ngon nhất là những chiếc bánh vừa mới tráng, xông hơi nóng vào mặt, vừa giòn vừa béo vừa ngọt hòa trong vị đắng, chát, chua của các loại rau quả: cát lồi, đọt chiết, đọt sộp, đọt xoài, lá lụa, dưa leo... tươi non nõn.



      Ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, Tết Đoan ngọ là ngày vui lớn thứ nhì trong năm, sau Tết Nguyên đán. Thoát thai từ Trung Quốc, nhưng Đoan ngọ ở đây có ý nghĩa khác, đó là ngày tết giữa năm, hoàn toàn mang bản sắc văn hóa Việt: con cháu đi làm ăn xa đều tụ tập về nhà, cúng kiến tưởng nhớ ông bà cha mẹ. Trong niềm vui sum vầy ấy, người lớn vừa ăn uống vừa kể chuyện mình đã làm được một cách tốt đẹp trong thời gian qua, còn lứa trẻ thầm thì với nhau những buồn vui của tuổi mới lớn. Không khí ngày tết đầm ấm và... ngon ấy cứ diễn ra khi “đáo lệ”.



      Ở những nơi khác, nấm mối được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Ăn bắt ngây là nấm mối hầm đuôi heo. Ăn quên thôi khi nấm mối được hầm nước cốt dừa, lá cách. Dù món nào, các thức ăn này cũng tạo cho người thưởng thức cảm giác ngon miệng, khó quên. Múc một ít nước hầm đuôi heo cho vô chén, húp một miếng, “vị ngọt của đất” chan hòa khắp mặt lưỡi, mùi thơm của thịt xông lên mũi. Riêng nước um nóng hổi, bốc hơi, cho mặt lưỡi tê tê vị ngọt bùi, béo đắng, không món nào sánh bằng. Cũng với vị đắng thơm thanh thoát của lá cách, khi xào với nấm sẽ là món ngon. Màu xanh đậm của lá cách lẫn màu ửng hồng của nấm thoảng thơm khiến bụng dạ cồn cào. Gắp nhai sẽ thấy cảm giác giòn, xốp, mịn của các tai nấm cùng vị ngọt hòa vị đắng thơm của lá cách như thấm tận niêm mạc dạ dày. Cắn miếng ớt hiểm xanh, vị cay của nó như nốt nhạc điểm xuyết một cách “điệu đàng”. Ăn như vậy đã ngon, nhưng nấm mối ngon nhất là những tai búp. Cho hột đậu phộng làm nhân rồi lăn nhẹ tai nấm trên dĩa muối ớt, sau đó dùng lá cách gói lại. Nướng vừa chín tới, đây sẽ là một món ngon bảo đảm không nhà hàng nào có được!



      Có thưởng thức nấm mối rồi mới biết đây là loài nấm cho ta vị ngọt “ăn đứt” vị ngọt của nấm rơm, nấm mèo. Ngẫm kỹ mới biết nhờ sự “hoang dã” của nó, còn hai loại nấm kia là sản phẩm công nghiệp sản xuất đại trà! Ăn nấm mối (cũng như hơn 100 loài nấm ăn được khác), người ta còn được tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống sự lão hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch... Quả là một thức ăn tuyệt vời vì vừa “sạch” vừa ngon vừa có dược tính.


      ( Nguồn: Du lịch Việt Nam)
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 31.07.2006 00:31:10 bởi sunflower >
      Attached Image(s)
      #3
        deplao 01.08.2006 11:12:35 (permalink)
        0

        Chôm ở Thanh Nien

        Tôi thích gọi là "núm mối" hơn là nấm mối vì đơn giản ở quê tôi không ai kêu bằng "nấm" mối cả. Tôi có người quen ở Sài Gòn về quê nhằm mùa núm, anh nói với má anh thèm "nấm" mối, má cười, mầy muốn ăn "núm" mối thì má kiếm được chứ "nấm" mối xứ này đâu có.


        Nói nấm mối cũng kiểu cách như nói con chó nó đi tiểu vậy, không giống ai. Sau này khi ngộ ra anh tự trào như vậy. Gần đây có người lý sự rằng kêu bằng "nấm" mới đúng vì trong chữ "nấm" có dấu "^" giống như hình tay núm? Tôi không biết điều đó đúng hay sai. Tôi chỉ kêu theo cách gọi nhà quê của má tôi, của ông tôi, của những dì bảy, thím ba, của nơi sinh tôi ra và ở đó tôi được ăn những tay núm ngọt ngào đầu tiên trong đời.

        Những ngày cuối tháng sáu âm lịch này khi trời đã bớt mưa và bớt hẳn đi những cơn gió núm nhức mình tôi mới giựt mình, trời ơi, gần hết mùa núm rồi. Cái cảm giác đó quen lắm mà cũng lạ lắm. Mất cái mà mình tưởng chừng không bao giờ mất. Có câu chuyện thiền kể rằng một vị tướng quân mỗi sáng ông tự tay pha một chén trà, nói đây là chén trước chưa từng và rất có thể chén trà sau cũng không. Sau đó vào một buổi sáng ông bị ám sát. Ở đời thường vậy, có khi ta bỏ đi những chén trà thực tại hạnh phúc mà không hay. Nhớ mới đây thôi, hồi đầu tháng năm, khi những cơn mưa nồm rả rích kéo về, tôi điện cho anh Lê Hoàng Dũng (Hội Văn nghệ Bến Tre) vốn là một "nhà núm học": Có núm rồi anh Dũng ơi ! Anh cười: Mắc lắm mà cũng chơi bậy ít tay để thưởng thức hương vị núm đầu mùa. Biết đâu cuối mùa, núm còn mà mình không còn. Nhớ hồi tết này, trong bữa cơm thân mật đầu năm, anh đãi tôi món núm xào lá cách. Đó là điều tôi không thể ngờ, dễ gì mà có núm mùa này. Anh cười: núm này anh đông lạnh để dành. Mà sao tôi có cảm giác y như núm tươi, ngọt ngào và thơm lừng... mùi núm, chắc có bí quyết gì đây.

        Theo "nhà núm học" Lê Hoàng Dũng, núm mối thường mọc ở những bờ vườn dừa có nhiều tàu dừa mục. Dưới mặt đất độ vài tấc là ổ mối cỡ cái gáo dừa, bên trong là ổ núm, gọi là cái phổi, đàn mối ở trong đó luôn luôn giữ cho ổ núm khô ráo và nhiệt độ ổn định. Những tay núm dưới đất chui lên từ những ổ mối đó... Không biết mối tiết ra chất men gì mà núm mối ngon ngọt lạ lùng. Cái ngọt của núm mối là sự tổng hợp giữa cái ngọt phàm phu của thịt cá và cái ngọt thánh thiện của rau củ. Ngọt thâm trầm và bền bỉ. Núm mối có thể làm nhiều món: kho khô, gói lá cách nướng, nấu cháo, làm bánh xèo... Nhưng có một nguyên tắc chung là tránh dùng nhiều gia vị làm mất đi hương vị độc đáo của nó. Cho nên món ngon nhất mà cũng lãng phí nhất là núm mối xào. Món này chỉ cần bắc chảo lên cho lửa riu riu, để một ít dầu, đợi dầu sôi cho núm vào và ngồi nghe mùi núm thơm lừng. Chỉ nêm vào một chút muối ớt. Đúng điệu là ớt hiểm còn xanh cay nồng, đâm hơi dập dập thôi. Và thức chấm của núm xào vẫn là muối ớt, nhưng là muối ớt đâm hai lần: lần đầu vài trái ớt chín đâm thật nhuyễn, tạo ra cho muối một màu đỏ au, lần sau đâm lại thêm vài trái ớt tươi không cần nhuyễn lắm thế là trong muối ớt có hai màu xanh đỏ, có hai vị mặn cay. Cái vị mặn mặn cay cay kia hình như làm dậy thêm cái ngọt ngào đằm thắm của núm. Ngồi bên dĩa núm xào bốc khói, cùng những người chòm xóm hoặc bè bạn phương xa, nhắm nháp ly rượu đế trong cơn mưa nhẹ hạt mà dai dẳng là cái thú của người miệt vườn, tận hưởng món quà quý mà đất trời ban tặng.

        Hồi xưa, vào thế kỷ trước, người ta thường đi kiếm núm mối trên bất kỳ miếng vườn nào, bất kỳ của ai (gọi là đi nhổ núm) từ khuya. Đi kiếm núm và nhổ núm cũng là một thú vui, "ham như ham núm " là một thành ngữ mà người Bến Tre nào cũng biết. Khi gặp ổ núm còn nhỏ hoặc mới nứt đất thì lấy tàu dừa hoặc tàu chuối đậy lại làm dấu thì coi như của mình, xác lập ngay quyền sở hữu mà không cần giấy xanh, giấy hồng gì cả, sau đó thỉnh thoảng ghé ngang thăm chừng, thấy núm búp thì nhổ. Ai tham lam nhổ núm của người khác đã xí phần thì hàng xóm chê cười, coi như ăn cắp. Điều này chắc cũng nằm trong phạm trù "văn hóa dừa" đã nghe nhiều người đề cập tới. Hồi đó, ở xứ dừa, dừa trên ngọn là dừa của mình, rụng xuống đất là dừa của bá tánh, ai lượm cũng được, cho nên có những người chuyên đi lượm dừa rụng. Có chủ vườn khi thấy có người vô vườn mình lượm dừa còn chỉ chỗ dừa rụng đêm qua cho người ta lượm vì biết người ta quá khổ. Lối hành xử hào sảng đầy tình người thuở ấy bây giờ thật hiếm hoi. Mới đây thôi, trong mùa núm vừa rồi, ở Phong Mỹ vì giành giật một ổ núm mà xảy ra một án mạng giết người, chuyện nghe thật đau lòng.

        Mùa núm này sao có nhiều chuyện buồn vui. Như rất vui khi bạn bè phương xa tấm tắc khen về những bữa tiệc vui mà chủ lực là những món núm quê. Còn buồn là khi vì mải mê câu chuyện mà bạn hờ hững đến vô cảm để chén đũa lạnh tanh. Ăn núm cũng phải tận hưởng những giây phút hiện tại "tại đây và ngay bây giờ". Khi về thăm má bệnh nằm hơn mấy tháng nay, má biểu đứa cháu kho núm cho tôi ăn cơm. Nằm bên giường mà má thấy tôi ăn chiếu lệ, má hỏi núm không ngon sao con, tôi nói ngon chứ má mà lòng quặn thắt, không biết mùa núm năm sau tôi có còn hạnh phúc ngồi bên má nữa không!


        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9