Không có khuôn mặt của cái ác
tieuboingoan 31.07.2006 19:34:42 (permalink)
Không có khuôn mặt của cái ác


Nguyễn Đình Tú





Thằng Tuân không dám nói điều ước của nó ra với ai cả. Người ta sẽ cười cho. Ông Thược cũng chẳng hỏi nó ước gì mỗi khi nó nhăm nhe muốn tâm sự với ông về điều ước của nó. Thế là nó cứ giữ kín trong lòng. Nhưng nó lại luôn bị ám ảnh về câu chuyện của ông Thược. Sao lại có thể yêu được con gái thủy thần nhỉ?


Thằng Tuân năm nay mười bốn tuổi. Nó là người thành phố. Đầu mùa hè trước, mẹ đưa nó về làng nhờ bác ruột nuôi hộ hai năm. Chỉ hai năm thôi, vì khi nó vào lớp mười, cũng là lúc bố nó hết hạn làm việc ở nước ngoài. Vả lại, mẹ nó bảo: “Đến lúc ấy về thành phố ôn thi đại học là vừa, không thiếu hụt kiến thức cơ bản cũng chả phải nhồi nhét sớm”. Khi gặp ông Thược lần đầu tiên, nghe ông Thược hỏi học lớp mấy, nó bảo: “Cháu học lớp mà có nhân, chia các đa thức và “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố ạ”. Ông Thược phì cười trước câu trả lời rối rắm của nó. Thực ra nó muốn nói rằng: “Cháu biết thừa nhà quê như thế nào rồi, đừng có nghĩ là cái gì cháu cũng không biết, cháu đã học về chị Dậu rồi đấy”.

Ông Thược sống một mình, chẳng vợ con, họ hàng gì cả. Ông trông coi nghĩa địa của làng, một khu mộ nằm sát bờ sông, mỗi quý xã trích cho ông vài yến thóc, còn ngoài ra, ông trồng thêm được thứ gì thì ăn thứ đó. Ông Thược xuất thân ra sao, thành phần thế nào, chỉ rất ít người biết. Bác thằng Tuân thì bảo: “Ông ấy học giỏi lắm, cả làng này chỉ mỗi ông ấy thuộc mấy nghìn câu Kiều. Có một thời làm thông ngôn cho Tây nữa đấy”.

Ông Thược gầy gò, quần áo toàn đồ cũ, cổ và tay áo sờn hết cả. Mỗi khi ông cười, lợi hở ra, nhìn rõ cả chân răng trắng đục. Nhưng giọng ông rất hấp dẫn khi kể chuyện, khê khê thuốc lào, chan chát nước chè, song có hồn, có cả nước mắt và lòng nhân ái thấm đẫm trong đó. Giọng ông đặc biệt lôi cuốn khi câu chuyện chuyển sang hồi bi kịch hoặc miêu tả những tình tiết ma quái, bí ẩn. Cả hai tông giọng ấy ở ông đều rất tự nhiên và nếu muốn ông có thể làm lũ trẻ con sợ vãi đái ra quần hay quay mặt đi chùi vội để giấu những giọt nước đang chực trào ra nơi khóe mắt. Một lần Tuân cùng thằng Sản, thằng Tính đang đứng trên tảng đá đen sát mép sông buông câu, ông Thược đi ra bảo: “Chúng mày đứng trên đầu cô thế hả, xuống ngay không đêm về cô vật chết bây giờ”. Cả bọn hốt hoảng, bỏ câu, chạy về căn lều của ông. Bên chiếc điếu cày, ông bảo: “ở cái làng này vật nào cũng linh thiêng, cũng gắn với truyền thuyết, chúng mày sớ rớ, chết có ngày”.

- Chứ không à? - Uống xong bát nước chè xanh thằng Tuân đưa cho, ông tiếp - Chúng mày cứ đi dọc mép sông mà coi, có kiếm được nổi hòn đá nào to bằng nắm tay không? Cả tỉnh này chẳng có lấy một hòn núi đá, không phải “cô” hóa làm sao tự nhiên có hình đá to như thế nằm đấy? Mà rõ là hình đàn bà ngồi hẳn hoi nhé, tóc thả dài trùm lưng, chính chỗ mày vừa giẫm lên đấy.

Ông Thược đang nói rất hăng, bất đồ đưa tay chỉ vào mặt Tuân:

- Cháu… Cháu không biết ạ!

- Đúng, thằng này ở thành phố nên không biết - ông Thược hạ giọng - Chứ thằng Sản, thằng Tính là chúng mày có tội lớn, cứ liệu hồn!

Không biết từ bao giờ sau mỗi câu chuyện ông Thược kể, thằng Tuân lại thấy lớn lên trong mình một điều ước. Chắp nhặt tất cả những chuyện của ông lại nó thấy rõ ràng dưới lòng sông kia có một thế giới riêng. ở đó có tất cả những điều kỳ diệu mà thế gian này không có, bằng chứng là những gì không thể lý giải nổi ở trên mặt đất này thì người ta lại thấy nó có mối liên hệ với dòng sông, với những vị thần ở dưới mặt nước kia. Vậy thằng Tuân ước gì?

Điều ước của nó thật đơn giản, ấy là một ngày kia nó sẽ được đặt chân xuống đáy sông. Nó sẽ cùng bọn thằng Tính, thằng Sản sục sạo vào những tòa lâu đài, sờ lên những báu vật, nhìn ngắm thỏa thích những nàng tiên cá thân hình uốn lượn, lấp lánh vảy vàng, vảy bạc. Và biết đâu chúng nó sẽ cứu được những người chết đuối, những cô gái bị quẳng xuống sông một cách oan uổng, những em bé chẳng may đang bơi bị chuột rút… Nhưng thằng Tuân biết điều đó sẽ chẳng xảy ra và những câu chuyện mà ông Thược kể vẫn muôn đời được dòng sông phủ lên mình một màu rêu phong huyền bí.

- Điều ước nào rồi cũng sẽ thành hiện thực. Hãy cứ ước đi cháu ạ! - Có lần ông Thược bảo với thằng Tuân vậy.

Và nó đã mạnh dạn hỏi lại ông:

- Trước đây ông đã từng ước gì?

Ông Thược trầm ngâm một lúc rồi trả lời:

- Hồi trẻ ông yêu một cô gái là con của thủy thần. Tình yêu ấy làm khúc sông này đẹp lên, biến những bãi sú thành thiên đường. Rồi trong một lần rượt đuổi nhau cô gái ấy chui vào đây và biến mất. Nhưng dẫu sao thì điều ước của ông cũng đã thực hiện được.

- Là gì ạ?

- Là được sống với dòng sông này, bờ bãi này và hàng đêm được gặp lại cô gái ấy, con gái của thủy thần ấy mà.

Thằng Tuân không dám nói điều ước của nó ra với ai cả. Người ta sẽ cười cho. Ông Thược cũng chẳng hỏi nó ước gì mỗi khi nó nhăm nhe muốn tâm sự với ông về điều ước của nó. Thế là nó cứ giữ kín trong lòng. Nhưng nó lại luôn bị ám ảnh về câu chuyện của ông Thược. Sao lại có thể yêu được con gái thủy thần nhỉ? Nó đem điều thắc mắc ấy về hỏi bác. Bác bảo: “Ông ấy lẩn thẩn, nghe làm gì những chuyện ấm ớ”. Nó lại hỏi bà. Bà bảo: “Cô ấy bơi lội giỏi lắm, ngày xưa là du kích xã, bị canô bắn dạt vào bãi sú. Ông ấy vớt lên nhưng không cứu được. Cô ấy chết, rồi ông ấy hóa ra như thế”.

Thật chẳng hiểu ra làm sao. Hôm nay trên đường ra đây với ông, thằng Tuân thấy mép nước sông đã cách xa hòn “đá chờ” hơn chục mét rồi. Ông Thược kể cho nó nghe câu chuyện về ba vị Thành Hoàng xong, liền hỏi:

- Mấy thằng kia đâu, sao hai, ba hôm nay không thấy chúng nó ra đây?

- Cháu không biết ạ, dạo này cả làng đang chống hạn, chắc chúng nó phải giúp nhà nên không đi được.

Ông Thược nhìn ra ngoài cửa. Sau những nấm mộ nhấp nhô kia là vệt đê dài chạy tít về phía bụi tre đầu làng. Khu mộ nằm sát bờ sông cũng đã mang những nét chấm phá của bức tranh hạn hán. Những bụi cỏ gai vàng khè, cây lá đang trút dần màu diệp lục thay vào đó là màu của nắng, của gió, của khô khát. Mấy giẻ khoai và lạc ông Thược trồng cũng đang gắng gượng vượt qua cơn khát, lòng sông mỗi lúc một đẩy xa bờ, thân già như ông Thược gánh được hai thùng nước về toát mồ hôi, tưới xong, chưa kịp quay đi đã thấy nước bốc hơi hết, chả thấm tháp gì.

- Gay đấy cháu ạ. Đời ông chưa chứng kiến một trận hạn nào như thế này. Dòng sông Văn mà hết nước thì đúng là không thể hiểu được!

Hồi đầu nghe mọi người nhắc đến hạn hán với những cái lắc đầu, chép miệng thằng Tuân không nghĩ là nó lại ghê gớm như thế này. Trông trời đất, trông mưa nắng là bản tính của người nhà quê. Ông Trời đâu có nhịn mưa được mãi. Rồi đồng ruộng lại đầy nước, nông dân lại thu thóc đầy bồ, chả chết một người nào! Thằng Tuân nghĩ thế. Người dân trong làng chắc cũng nghĩ thế.

Nhưng trời đã làm những điều mà mọi người không nghĩ đến.




#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9