TRUYỆN CỦA LÂM THIẾU MAI
meocon_thongminh93 01.08.2006 12:32:07 (permalink)
Rãnh đen



Mưa, mưa trên những mái nhà lụp xụp, rách nát, nghèo nàn... cái nghèo thường trực của xóm này. Khu nhà tuềnh toàng, cũ kỹ men ngoằn nghoèo theo những rãnh nước đen tù đọng là nơi chui rúc của hàng trăm con người khốn khổ, tương phản hoàn toàn với thành phố hào nhoáng và giàu sang chỉ cần ngước mắt là nhìn thấy kia.

Những con người sống ở đây, ngày ngày đi khắp các ngõ ngách của thành phố kiếm sống... bạc phếch vì nắng, gió và mốc meo vì bụi thời gian. Những mảnh đời nhỏ bé, mong manh... Chẳng biết từ khi nào cái xóm nghèo ấy hình thành mà kiếp nghèo cứ đeo đẳng mãi, từ năm này qua năm khác... Trong xóm nhà nào cũng nheo nhóc trẻ con. Nghèo ngặt, họ chẳng biết làm gì hơn, cứ trông có nhiều con hơn để bươn chải, để kiếm sống đỡ đần... Mà sinh nhiều chứ trời nuôi đâu mấy, có đứa chưa kịp sinh ra đã chết, có đứa vừa mấy ngày, có đứa được vài tháng, đứa vài tuổi. Mỗi nhà trong xóm hình như nhà nào cũng có một đứa con chết non, chết yểu, mà chắc đâu những sinh linh ấy là khổ? Có khi chúng hạnh phúc sung sướng hơn vì không phải sống cuộc sống tù đọng, nghèo ngặt, chắp vá như thế kia.

Xóm nghèo, chiều nay lại có một nhà có con vừa chết... tiếng khóc cũng không còn để mà khóc nữa, hình như người ta quen với cảnh này... mà hình như cũng vì trời đang khóc giùm họ rồi? Họ còn rủa trời nữa, khóc làm gì những giọt nước mắt lạnh lùng ấy làm nhà họ thêm dột nát, ẩm ướt... Chiều nay mưa, và con bé ấy chết trong xó nhà, lạnh ngắt tím tái, như teo tóp hơn vì lạnh...

Đứa em nhỏ hơn, vừa hai tuổi khóc trong lòng con chị lạnh ngắt từ chiều đã khản tiếng, giờ ngủ vùi trong tay người mẹ bơ phờ vì phát hiện ra một đứa con nữa đã chết...

* * *

Mấy ngày này, trời mưa rả rích mãi... Mưa cái kiểu bất bình thường hơn cả những mùa mưa bất bình thường ở cái xứ này... Xóm vẫn tiếp tục cuộc sống đầy mùi cống rãnh đen ngòm của nó. Sáng sáng vẫn hàng trăm người lếch thếch chui khỏi những ổ chuột, những hang hốc để đến chập choạng đội mưa mà về. Điệp khúc "Ế... đây!!!" lặp đi lặp lại... Bắp luộc ế, chè ế, đậu phộng luộc ế, rồi bong bóng, tò he, chong chóng ế... Chiều mưa, mưa cứ dai dẳng tối trời tối đất, vì áp thấp nhiệt đới đâu đó ngoài biển Đông, vì bão đâu đó ngoài miền Trung. Những con người sống lầm lũi càng lầm lũi hơn. Xóm có lúc nóng hầm hập vì hơi người chen chúc trong hóc xó, giờ lại càng lạnh lẽo thê lương.

Một túp nhà tả tơi, chằng tứ bề là bao nhựa, bao xi măng, vá víu ngượng nghịu bằng lòng nhòng dây nhợ, dây kẽm... Mớ cột kèo tưởng có dỡ ra mà chụm chắc cũng chẳng chín nổi nồi cơm. Con bé bán vé số nằm bẹp đã mấy ngày vì cảm sốt. Cái bệnh gặp hoài, tự miễn rồi tự khỏi của người nghèo. Đứa nào khỏe thì có dang nắng cả ngày, dầm mưa cả buổi cũng chẳng sao cả. Gặp đứa èo uột thì cũng xui xẻo lắm mới phải nằm bẹp một chỗ. Nói xui xẻo lắm là vì có sổ mũi, nhức đầu thì cũng ráng lết thân đi làm chứ không lấy gì mà ăn. Mà mang cái bộ mặt đỏ ửng, đừ đừ ấy ra đường có khi càng dễ cầu xin được lòng thương của thiên hạ, biết đâu xin được ly nước chanh, có khi nhờ thế mà mau khỏi. Nhưng lần này thì con bé xui thiệt, không có nước chanh và cũng chẳng lết đi nổi nữa... Nó cảm nắng, người hâm hấp sốt, thuốc thang không, ngấm bệnh mấy ngày, lại nuốt không trôi thứ cơm cứng nấu bằng gạo hẩm nên không gượng dậy nổi.

Chiều đó, trời mưa... con bé nằm nhà, được cho nghỉ một buổi bán vé số. Trước khi đi má nó dặn coi trời mưa thì nhớ hứng nước để còn xài. Chiều, trời mưa thật, nó lui cui lo hứng nước. Thì ở cái xóm này, nước đen tù đọng, toàn rác rưởi, nắng thì hun hầm cả đầu, mưa thì lẹp nhẹp, bầy nhầy, dân nghèo - dù ở sát thành phố cũng chẳng biết nước máy khử clo là cái quái gì, nước dùng không là nước mưa trời cho thì cũng phải đi xách ở chỗ khác thiệt xa. Mùa này, mỗi ngày trời mưa cho một vài cơn, chịu khó hứng cũng có cái để xài. Con bé hâm hấp sốt, người nóng ran, lại ủ người trong mớ bùi nhùi nên mồ hôi ướt đẫm. Mưa xuống như một sự cám dỗ, nó vừa hứng nước vô xô vừa hứng mưa lên người nó... Mưa làm dịu cơn sốt của nó... Mưa vực nó tỉnh khỏi cơn mê mệt mỏi. Nhưng con nít còn khờ, chỉ biết làm dịu cơn nóng mà không biết rằng để nước ngấm thì chỉ có bệnh thêm thôi. Rồi con bé bệnh nặng thêm thật. Tối đó nó sốt mớ, sốt sảng, nóng hầm hầm... Mà ba má nó thì cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài phương thuốc gia truyền trị bách bệnh của dân nghèo là nước gừng, nước gừng và nước gừng...

Con bé nằm nhà thêm vài bữa. Mỗi chập chiều tối lại tái diễn cảnh nhà nheo nhóc, mọi người tha những thứ đã tha đi khắp thành phố từ sáng về... Điệp khúc ế lặp đi lặp lại. Con bé Hai, con bé Ba, mấy thứ bánh nướng còn mãi, mỗi ngày một cong lên giảnh trét. Thằng Tư đánh giày thì cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, trời mưa lẹp nhẹp ai hơi nào đánh giày... Má nó ôm thúng đậu phộng luộc về, bán được lưng lưng, đem đậy lại đó, để sáng sớm luộc lại đi bán tiếp... Mọi bận, má nó cắp nách thúng đậu đầy có ngọn, tay kia còn xách theo bịch đậu phộng chừng năm kí mà bán hết trơn, bữa nay thì... Ba nó về với xe chong chóng ủ rũ, nhăn nheo thêm vì trời mưa.

Chiều tối, bữa cơm hẩm, ăn với rau muống luộc - thứ rau già chát xơ xẩu trồng cũng gần đâu đó thông với rãnh nước đen thui này, chấm một thứ nước mắm mặn chát cỡ con chuột rớt vô cũng khỏi sống. Thằng Tư cả ngày lếch thếch ngoài phố mệt bã cả hơi mà nuốt cơm không vô. Nó khèo khèo má nó:

- Cho con ít hột đậu phộng ăn đỡ nghen má!!!

Má nó hứ một tiếng: “Mày ăn thì mốt mày nhìn được không?”

Thằng nhỏ lại gằm mặt xuống nuốt cả cơm lẫn sạn lẫn hạt lép hạt ương. Nó biết má nó cũng đã đi thất thểu cả ngày nay như nó thôi.

* * *

Lầm lầm lì lì là nét mặt đặc trưng của dân xóm này, khổ quá họ cũng chẳng hơi nào mà cười nữa. Có hồi có nhà khá nhất xóm “tậu” - nói là tậu cho sang chớ cũng là mua rẻ ở hàng lạc xoong đâu đó được cái ti vi - tệ hết cỡ nhưng khả dĩ còn coi đài được. Tối tối cũng rổn rảng, xình xang được chút chút, con nít lu bu xúm tới, người lớn cũng ham vui ghé vô. Coi ba hồi chụp ba hồi dựt, mà có coi cũng đỡ ghiền. Nhưng coi gì thì coi, coi phim, coi ca nhạc toàn thấy người ta giàu sang, quần áo lòe loẹt, ăn uống thừa mứa... Ngó lại mình chỉ thấy tủi thân. Nghe chuyện súng bắn, bom nổ ở đâu đâu nước ngoài thì chẳng hiểu gì hết, mà coi lại sân khấu ca nhạc, phim ảnh của xứ mình cũng thấy cách xa vời vời. Nghĩ buồn cười, cái cô gì xinh xinh trên kia cứ bày cho người ta cách giảm cân, chống béo phì mà cái đám người ngồi coi thì hình như người nào cũng thiếu ăn. Trên kia bày muốn mặc đẹp thì lựa quần áo ra làm sao, mà đám ngồi coi thì áo bạc phếch, nhăn nheo, dơ hầy. Tới bữa kia, chương trình gì không biết... người ta may một cái áo trắng to tổ bố, to chắc dư sức trùm cả cái xóm bầy nhầy, lẹp nhẹp này được thì ông già Ngác nổi điên, cầm luôn cái chai đựng rượu của ổng ném vô ti vi nghe cái chảng:

- Tổ mẹ nó chớ, lũ này miếng áo rách còn hổng có đặng xài, chúng nó làm cái con mẹ gì may cái áo đó cho gián gặm chắc à...!!!

Tối thui. Im bặt. Lũ trẻ hoảng sợ khóc thút thít, người lớn cũng thừ người ra vì câu nói của lão Ngác điên mà nghe cũng đúng phận mình ghê. Đến nhà chủ cái ti vi cũng chẳng nói lời nào than thở, cũng chẳng còn hơi nào tiếc của - dù cái của tuy cà bụp cà rẹt vẫn là sang nhất xóm. Ai cũng biết là lão Ngác hổm nay tức âm tức ỉ nhiều chuyện rồi... Lão cứ kề rề cà rà than thở:

- Chớ tụi bay coi, cái ghế zầy, đủ cái mông tao ngồi chớ bộ dựng ghế xong lên ngồi cao hơn nóc nhà sao mà người ta làm cái ghế cao tới năm bảy thước để lập kỷ lục hả tụi bay???

- Chớ mà...

Ông Ngác gàn, ông Ngác điên, xóm này vẫn gọi thế... vì ông già lẩn thẩn hay ngồi triết lý cái sự đời. Lần này thì không ai gọi ông điên cả vì coi mòi ông nói có lý thật. Có cái ti vi được coi hình, nghe tiếng ồn ả được chút chút, nhưng coi xong lại tủi thân tức phận. Dẹp cái ti vi rồi, có buồn chút đỉnh nhưng thôi thà ngủ sớm bữa sau còn đi làm sớm...

* * *

Con bé nằm đứ đừ ở nhà, bệnh chẳng giảm đi chút nào! Cả xóm ban ngày đi hết, còn lại chỉ có tiếng chó cấm cẳng, tiếng mấy thằng xì ke vạ vật chúi nhủi vào hóc nào ngủ đại, tối chiều có người về lại lết xác đi. Xóm này nghèo nhưng được cái không nhà ai có người nghiện. Nghèo kiết, nghiện gì nổi... Dân nghiện là mấy thằng dư cơm ở đâu, coi không có ai chui vô trốn nắng, có khi quăng kim tiêm ra đó rồi chuồn thôi. Đụng lão Ngác lão chửi cho chạy thục mạng. Nắng chang, hơi nóng hầm hập bốc lên từ rãnh nước đen ngòm ngập ngụa rác. Con bé nằm nửa mê nửa tỉnh. Trong lòng nó, trong tâm hồn còn non nớt ngây thơ của nó vẫn thường trực nỗi lo, không kiếm được vài đồng bạc còm thì... Giấc mơ của nó chẳng khi nào bình yên... Nó mơ thấy mưa, mưa như trút, mưa đến mức nước ngập lênh láng, ngập gần hết cả cái xóm nghèo xác xơ của nó. Mà mơ chi mơ ác không biết, bệnh mà không bình tâm được thì bệnh đời nào khỏi chớ...

Thế là ngày đó trời mưa thật, mưa ảo não, mưa thê lương, mưa như trút. Trời đất càng ngày càng không hiểu nổi. Vì xứ này có khi nào có mưa như thế đâu? Mưa đã khó kiếm ăn mà quần áo, dép guốc, rồi nhà cửa cũng mau hư, mau nát. Lại càng khổ thêm lên mấy bận. Mấy đứa chị đứa anh, rồi ba má nó lần lượt kéo về cái nhà rách. Thúng đậu phộng lại chỉ bán được lưng lưng, đem đậy lại đó, để dành luộc lại mai bán tiếp. Thằng Tư lại khèo má:

- Cho con ít hột nhai cơm má...!!

Thằng nhóc cũng dư kinh nghiệm để biết rằng má nó cũng chẳng giữ mớ đậu lâu hơn nữa đâu. Mà đậu nấu để lâu còn ngon lành gì, bán hoài không hết không trả vốn cho người ta được mà ăn hết gạo thì có hơn gì, nhà nó cũng có khi ăn đậu phộng trừ cơm chớ chưa na!

Má nó cũng chia cho mỗi người nửa lon đậu, coi như lỗ sáu ngàn - hơn hai kí gạo nát chớ bộ. Vậy mà, mấy đứa nhỏ lột đậu trộn với nước mắm ăn ngon lành, coi bộ nuốt cơm còn nhiều hơn nữa à!

Con bé ốm thì vẫn không ăn nổi, thế là má nó lột đậu đem giã dập, lấy ít cơm nấu cho nó chén cháo. Cháo đậu phộng ngọt và béo hơn cơm chớ. Con bé ăn được một chén, coi bộ tỉnh hơn được một chút.

Sáng ra, má chúng nó lại bê thúng đậu được luộc lại mấy nước bốc khói nghi ngút đi. Nghĩ cảnh mấy đứa con ăn uống kham khổ, mới xúc để lại cho con nhỏ ở nhà lon đậu:

- Coi ăn rồi mớm cho em nó ăn nghen con!

Con bé giữ lon đậu, canh cho đứa em nó ăn thiệt. Đứa nhóc hai tuổi, biết gì, có cái gì nhá được là cười toét, gặp thứ bùi bùi ấm ấm cũng ăn vô tư. Hai đứa chị em ốm nheo ốm nhách như nhau, nhìn coi dễ thương mà cũng thiệt tội nghiệp.

* * *

Chiều nay trời mưa nhưng không mưa nhiều như hôm trước, coi bộ đồ bán được... Chiều nay, xóm này người ta cũng về sớm hơn, nghe rổn rảng thiệt vui.

Má nó về, cắp cái thúng khua cái lon trống rỗng hiếm hoi mấy bữa nay. Ngó thấy đứa nhỏ hai tuổi nghẹo đầu ngủ mệt trong lòng chị, chạy lại bồng thì đứa nhỏ khóc ngằn ngặt không dỗ được, lay con chị dậy coi dùm đứa em thì con chị đã lạnh ngắt rũ xuống từ đời nào rồi! Con bé chết... Má nó lạnh cả người, chẳng khóc nổi nữa... Chị cũng từng mất một đứa con trước đứa này rồi... Cứ nghĩ đứa này cứng cáp chắc sống được, cũng quên đi cái chết của đứa kia mà đẻ thêm đứa út.

Con bé chết, lão già Ngác qua, day mặt hỏi:

- Thiệt khổ, chớ sao cho nó ăn đậu phộng luộc chi dậy con?

Con bé bệnh hổm nay, ăn uống kham khổ, thuốc men không có, trời thì lúc lạnh lúc nóng, nắng oi nồng, mưa hầm hập... Đụng cái mớ đậu này, phát ách rồi chết... Ông già an ủi:

- Thôi số nó chết, coi như hết kiếp à con... Coi như cũng được ăn bữa ngon trước lúc chết!

Trời thì mưa! Chớ mưa chi không biết nữa, mưa cho dột nhà nát cửa dân xóm này mới chịu sao?

= = =

Nghe như một câu chuyện cổ tích xa xưa nào đấy. Nghe như một câu chuyện ở một vùng heo hút nào đấy. Nghe như một câu chuyện trong sách của một nhà văn nào đấy. Một câu chuyện kết thúc không có hậu. Nhưng nó xảy ra mới đây thôi, gần đây thôi, gần lắm... Ngay ở cái xóm nghèo lụp xụp, rách nát, chỗ cái rãnh đen ngòm đầy những rác mà cũng gần gần mé đó thả đầy rau muống để mỗi sáng lại cắt lên hàng trăm bó xanh mơn mởn đem lên chợ thành phố đó.
#1
    meocon_thongminh93 01.08.2006 12:32:47 (permalink)
    Nhật ký


    Em kể cho tôi nghe: Hôm nay em ở nhà chán quá, nên em đã chạy khắp một vòng thành phố để tìm người quen, nhưng chẳng gặp ai cả! Em dừng lại dưới gốc cây me trước cổng trường, chờ hoài chẳng thấy người quen… Em tìm người quen, nhưng người quen ở số nhiều mà chẳng có ai chung đường cả!

    Tôi tin em nói thật vì tóc em còn vướng đầy lá me. Nhưng em ngố quá, hôm nay lớp em không có giờ học thì em tìm ai?

    Em kể cho tôi nghe: Hôm nay em buồn vì chỉ có một mình. Em chạy ra phố, phố đông người và em hít bụi. Nhưng vui quá, nắng làm da mặt em rát bỏng… Người đông nên chẳng thấy cô đơn. Em đi trong dòng xe cộ như thấy mình đi cùng đường với cuộc sống.

    Em có biết là có những nỗi cô đơn đến rợn ngợp giữa người đông không?

    Em kể cho tôi nghe: Em ngồi quán cà phê một mình. Uống cà phê đen trong khi gã bồi cố mời em coffee for woman. Em ngồi trong góc quán nhìn chiều xuống, rọi trên con thuyền nhỏ trên chiếc hồ nước cạn. Em ước em thành tí hon để ngồi vừa chiếc thuyền đó rồi bay thẳng lên mây.

    Ôi, nếu tôi là kẻ chèo thuyền tôi sẽ chèo đưa em lên tận sông Ngân. Khi nào em muốn xuống tôi sẽ đánh đắm thuyền chứ không đem bán.

    Em kể cho tôi nghe: Hôm nay trời mưa nhưng em không mặc áo mưa, cũng chẳng che dù. Em thích mưa dù mưa làm em lạnh… Vì mưa che mờ không gian, em không nhìn thấy điều mình muốn nhưng chắc chẳng phải là vì nó không đến.

    Em ngây thơ quá đi thôi. Em bắt đầu ho rồi mà vẫn cứ dầm mưa… Mưa làm cho ngón tay dài của em lạnh toát và tê buốt rồi kìa!

    Em kể cho tôi nghe: Em đã lang thang suốt ngày trong những cửa hàng bán sách. Em không mua cuốn sách nào cả… nhưng cũng đã đọc được khá nhiều chuyện hay. Có một nàng công chúa có hàng nghìn gương mặt để chẳng lặp lại mình. Có một câu chuyện về cọng hành cứu rỗi linh hồn người khỏi địa ngục… Có một đóa linh lan nở thành… cổ tích.

    Em kể nhiều chuyện quá, nhưng tôi vẫn thích nghe, vì đó là cổ tích của tâm hồn em - chẳng thể nào tìm thấy được thế giới thứ hai như thế.

    Em kể cho tôi nghe: Tối hôm qua em đã ngủ khi trăng tròn chiếu sáng cả chiếc giường của em. Em không biết nét mặt em dưới trăng sẽ như thế nào… Nhưng em đã nghe được những người trong trăng hát, áo lụa bay trong gió lộng… sáng lắm, sáng rạng cả giấc mơ em.

    Em đã ngủ rất ngoan mà không biết tôi đã gom hết đom đóm để soi giấc mơ em. Tóc của em dưới trăng đẹp như mây, sáng như tuyết vậy.

    Em kể cho tôi nghe: Em đã đi dọc bãi biển suốt buổi chiều cho đến tận hoàng hôn mà không tìm thấy chiếc vỏ ốc màu tím mà em làm mất. Em muốn lao mình vào đại dương vì sóng đẹp quá, cứ xô vào bờ mời em cùng đi. Em không nắm được nước, nhưng nước thì ôm được em đấy.

    Tóc em vẫn còn hơi mặn của biển. Tôi biết em yêu biển, nhưng em hãy rủ tôi cùng đi với.


    ***

    Hôm nay em giận vì tôi đã nhớ toàn bộ những gì em kể. Em không muốn tôi nhớ thì em biến tôi thành cuốn nhật ký của em làm gì. Em trẻ con nên ngại bị nhắc lại những chuyện ngớ ngẩn của mình. Nhưng tôi đã nói với em: Những câu chuyện của em tuyệt vời vì nó đã cho tôi sống, không chỉ với buồn vui, thương ghét của mình mà còn của lòng em nữa. Tôi được sinh ra với một cuộc đời, nhưng nhờ em tôi sống gấp đôi cuộc sống… Tôi phải ghi nhớ hết tất cả mọi điều kỳ diệu em đã cho tôi. Em cười… và lại kể cho tôi nghe: Hôm nay, em cãi nhau với một gã cuồng.

    Ừ, em cứ kể đi, tôi sung sướng vì đã trở thành một nhân vật dù rất nhạt mờ trong cuốn nhật ký mà tôi đã viết giùm em.

    #2
      meocon_thongminh93 01.08.2006 12:33:48 (permalink)
      Anh hoa



      Đêm khuya tĩnh lặng, Kiều nâng đàn lên. Khúc nhạc mê ly vẫn chứa nhiều tâm sự, nhưng nghe êm ái, đầm ấm, thanh thoát lạ kỳ. Nàng thấy lòng mình thanh thản, sáng trong.
      Chưa đọc truyện Kiều ta chỉ thấy
      “ba sao giữa trời”
      Khi đọc xong ta mới biết thương
      “nửa vầng trăng khuyết”

      - Tế Hanh -

      I

      Gian phòng lớn màn gấm trướng là, sáng rỡ màu giàu sang phú quý. Ánh nến lung linh làm nhảy múa bóng khóm mẫu đơn đài các. Hương trầm thoáng bay, cây đàn im lìm trên vách, mỗi dây đều căng lên như oán hận điều gì. Thúc Kỳ Tâm hãy còn bần thần, thảng thốt vì bị Hoạn Thư bắt gặp ở Quan Âm các. Có lẽ chàng ta nuối tiếc những tháng ngày hạnh phúc bên nàng Kiều, thương xót cho số phận Kiều nhi thì ít, mà sợ hãi cơn ghen của vợ thì nhiều. Hoạn Thư thì vẫn cười cười nói nói ngọt ngào, một điều chàng, hai điều thiếp… Thúc Sinh như đang bị bủa vây…

      Hai đứa a hoàn Xuân Hoa, Thu Nguyệt nhẹ nhàng bẩm lên:

      - Thưa tiểu thư, Trạc Tuyền đã lấy cắp chuông vàng khánh bạc trốn đi rồi ạ!

      - Nàng Kiều! – Thúc Sinh thảng thốt .

      Hoạn Thư vẫn cười nói như không: “Ta biết rồi! Chẳng là đã bảo nàng ta “cao chạy xa bay” là gì? Kìa Thúc lang! Mất một ít đồ lễ, đáng gì mà tiếc!”

      - À không…, chỉ là không còn người chép kinh.

      - Hoa nô… à không, Trạc Tuyền quả là người tài sắc – Hoạn Thư cười nụ, lòng tấp tểnh mừng thầm, thấy Thúc Sinh lén đưa tay gạt lệ, chợt thốt lên: “Đêm nay trăng hạ tuần mong manh quá… đáng thương!

      II

      Từ Hải cân đai lộng lẫy, hàm én mày ngài uy phong ngồi trên mình ngựa, trông con đường gấm hoa trước mặt. Xung quanh chàng là quân tướng kiêu hùng, cờ bay ngạo nghễ, chiêng trống rộn vang. Mấy phát súng lệnh vang lên, cỗ kiệu phượng loan đã đến trước thành. Thấp thoáng bóng nàng Kiều xúm xít cung nga, thể nữ. Lòng Từ rộn lên niềm vui mừng khôn xiết. Nàng Kiều tuy tiều tụy hơn nhưng nụ cười thì tươi tắn lạ thường. Nụ cười đẹp nhất mà Từ từng thấy. Một năm đã qua, chàng hãnh diện làm trọn lời hứa với người tri kỷ.

      - Kiều nương, ta đem cả giang san đến với nàng!

      Mắt chàng say đắm ngắm giai nhân, lâng lâng nghe lời thỏ thẻ: “Chờ đợi tưởng đã mỏi mòn… nay thì chàng rồng đã gặp mây…”

      *

      * *

      Kiều tẩn mẩn ngắm cành phù dung nhỏ bé. Có phải đây là những tháng ngày thực sự yên ổn? Ân oán trả xong, nàng đã sống hạnh phúc bên Từ Hải năm năm qua. Trận gió thoảng qua, cánh hoa rơi lả tả. Lá rụng về cội… lúc này nàng càng thêm đau đáu nỗi nhớ cố hương, nhớ cha mẹ. Kiều lướt nhẹ tay trên những dây đàn – khúc nhạc ngày xưa làm một người “ngơ ngẩn sầu”… chợt nhớ những lời đẩy đưa khi sáng, chợt thương phận mình bèo nước lênh đênh, biết đâu rồi gặp lại mẹ cha, được yên ổn suốt đời… nếu…! Trăng lên, tròn viên mãn in bóng cành phù dung chiều tàn lên vách gấm. Là trăng mười lăm…!

      - Tiếng đàn hôm nay sao buồn thế? Nàng lo lắng điều gì chăng? – Nghe giọng Từ Hải vỗ về thật ấm áp.

      - Từ công!... Thiếp nhìn bóng trăng mà nhớ cố hương, trông gốc hòe mà nghĩ đến huyên đường… - nàng sụt sùi - Hay là…

      Từ Hải hét lên: “Hàng thần lơ láo!”.

      - Cũng là công danh… Hoàng Sào nào phải trượng phu!

      Đêm càng sâu, lời thổn thức càng nhỏ dần… Bóng trăng mờ dần về phía tây, dường như Từ Hải đã xiêu lòng!

      *

      * *

      Nàng Kiều bồn chồn bước qua bước lại trong căn phòng lộng lẫy màn bát tiên. Từ công vẫn chưa quay trở lại. Lòng nàng thấp thỏm vừa lo lắng, vừa hy vọng. Nàng giật mình, nhìn mấy đứa a hoàn hốt hoảng:

      - Phu nhân ơi… tướng công…

      Hoa phù dung tan tác bay…

      Kiều như người mất hồn, nàng chạy về phía tiếng reo hò hỗn độn. Tà áo lất phất bay, vương vất cánh hoa. Đau đớn: “Từ công ơi! Thiếp hại chàng rồi!”. Nàng gào lên: “Từ công chàng không thể chết! Người anh hùng không thể chết…” và kiệt sức nàng gục xuống giữa đám đông hỗn loạn. Những ý nghĩ quay cuồng: nào là rộng bước thanh vân, nào là xênh xang ngôi mệnh phụ, phu quý phụ vinh, rỡ ràng cha mẹ… Bao nhiêu mơ ước chẳng lẽ đành vỡ nát bởi mưu sâu chước hiểm họ Hồ?

      *

      * *

      Năm đầu ngón tay vẫn còn nhức nhối, lòng đau đớn xót xa, Kiều hững hờ nhìn chiếc thuyền hoa, cũng nến đỏ, rượu nồng, cũng rèm châu, màn gấm… - đời nàng đã trải bao lần, mấy lần là hạnh phúc tân nương, mấy lần là ê chề gượng ép. Tiếng sóng triều vang dậy đùng đùng… Là sông Tiền Đường…!

      Kiều mở cửa khoang thuyền, ánh sáng rực rỡ hắt xuống như bị nuốt chửng vào dòng nước mênh mang, tràng giang lạnh lẽo. Ánh trăng dường nhợt nhạt, lẻ loi. Đã mười lăm năm rồi! Nàng chợt gọi to “Đạm Tiên! Ta đến với Từ công!” và buông mình theo tiếng sóng.

      Sóng gào ầm ào nuốt trôi tiếng hô hoán hoảng loạn và ánh sáng phù hoa hư ảo. Sóng Tiền Đường vỗ về người sắc sảo. Lòng Tiền Đường ôm trọn kiếp tài hoa. Nước Tiền Đường rửa sạch nợ đoan trường.

      III

      Trăng thượng tuần trong trẻo như chiếc liềm bạc treo giữa thinh không. Gió thoang thoảng mát dịu. Những vì sao nhìn xuống trần nhấp nháy. Bên cụm hải đường tươi tắn ngậm sương, nàng Kiều tư lự. Tất cả trôi qua như giấc mộng. Những ngày tủi hận chốn thanh lâu, những ngày giấm chua khổ nhục ở Vô Tích, những ngày vinh hoa cùng Từ Hải… và sóng bạc Tiền Đường. Đạm Tiên đã nói gì? “Rút tên khỏi sổ đoạn trường!”. Mười lăm năm, hạnh phúc đời nàng ở đâu? “Từ công ơi! Thiếp làm sao có thể phụ chàng lần nữa!”. Kiều tin vào thâm tâm mình. Nàng đã dứt khoát với Kim Trọng “đem tình cầm sắt, đổi ra cầm kỳ”. Những ngày kinh kệ giúp nàng hiểu ân oán nợ nần, phú quý vinh hoa rồi trôi đi như phù vân. Điều có thực là niềm tin của nàng vào hạnh phúc cuộc đời.

      Đêm khuya tĩnh lặng, Kiều nâng đàn lên. Khúc nhạc mê ly vẫn chứa nhiều tâm sự, nhưng nghe êm ái, đầm ấm, thanh thoát lạ kỳ. Nàng thấy lòng mình thanh thản, sáng trong.

      Kim Trọng và Vương Quan ngừng tay đặt cờ. Nghe tiếng đàn của Kiều cả hai bất giác thốt lên “Hiểu rồi!” - thế cờ rối đã được giải. Ván cờ kết thúc cả hai bên cùng hòa. Nàng Kiều vẫn là người sáng suốt. Hai chàng cùng ngước nhìn trời cao trong trẻo. Gió đêm đánh thức hương quỳnh cùng đi vào cuộc du hành tinh tế của trời đất, còn nghe nàng Kiều ngâm:

      “Tam tinh, phiến nguyệt tại thiên không.”

      *

      * *

      Có người kể rằng, nàng Kiều chưa dứt tiếng ngâm, cánh cửa lớn chợt mở toang. Một người cao lớn bước vào từ ánh trăng lộng lẫy. Râu hùm, hàm én, mày ngài lộ nét phong trần, cứng cỏi, đôi mắt ánh lên niềm vui khôn tả. Nàng Kiều ôm đàn, đặt tay lên chuôi gươm tráng sĩ. Gió đưa họ đi rất nhanh lẫn vào bóng trăng. Đêm tối thanh tĩnh, nghe tiếng đàn văng vẳng tự phương nào xa lắm:

      “Mười lăm năm trước, nàng ra đi mang nặng nợ hồng nhan. Mười lăm năm sau, nàng ra đi theo tiếng gọi của hạnh phúc. Hai người tri kỷ ấy đi rất xa, nơi nào chẳng rõ, đất trời mênh mông, chỉ biết rằng nơi họ đến là hạnh phúc…”

      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9