Solokhov: Một số phận vinh quang và cay đắng
tieuboingoan 02.08.2006 10:40:01 (permalink)
Solokhov: Một số phận vinh quang và cay đắng


Tác giả:???

Mikhain Alêchxanđrôvich Sôlôkhôp sinh ngày 24 tháng 5 năm 1905 và vĩnh biệt bạn đọc năm 1984 thọ 79 tuổi.

Sôlôkhôp là bạn chiến đấu thân thiết của nhân dân ta. Ông nhắc tới Việt Nam từ năm 1949. Năm 1966 ông lên án: “Cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam hầu như là một trang nhục nhã nhất trong tiểu sử của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Nhà văn xúc động: “Tim ai - tôi nói về những người trung thực - không quặn đau vì những vết thương của nhân dân Việt Nam? Tim ai không giật thót vì tro tàn của những ngôi nhà thanh bình bị bom Napan thiêu cháy?” Ông kêu gọi các nhà văn, dư luận toàn thế giới : “Cần giúp đỡ và ủng hộ có hiệu quả cho nhân dân Việt Nam anh em, cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới”. (Toàn tập, Tập 8, trang 371).

Sôlôkhôp tự hào về dân Côdắc thượng võ, phóng khoáng đã sản sinh ra các lãnh tụ nông dân khởi nghĩa Radin và Pugatsôp. Đề tài chủ yếu xuyên suốt sáng tác của Sôlôkhôp là đời sống của dân Côdắc Sông Đông trong những năm đầu thế kỷ XX đầy ắp những biến cố lịch sử trọng đại. Sôlôkhôp suốt đời sống và sáng tác tại quê hương yêu dấu, quận lỵ Viôsenxcaia tỉnh Rôxtôp trên Sông Đông: “Tôi sinh ra ở Sông Đông, lớn lên ở đó, học tập, được đào luyện nên người, thành nhà văn và được giáo dục thành Đảng viên Đảng cộng sản vĩ đại của chúng ta. Và là một người yêu mến Tổ quốc vĩ đại hùng cường của mình, tôi tự hào nói rằng tôi cũng là người yêu mến vùng Sông Đông thân thuộc của mình” (Tập 8, trang 68).

Nhìn bề ngoài, cuộc đời Sôlôkhôp chói lọi hào quang. 17 tuổi đến Matxcơva, 19 tuổi in truyện ngắn đầu tay Cái bớt, 21 tuổi đã có tập Truyện Sông Đông và Thảo nguyên xanh (gồm cả thảy 21 truyện ngắn) được nhà văn lão thành A. Xêraphimôvich nhiệt liệt ngợi khen, 36 tuổi nhận giải thưởng Xtalin hạng nhất trao cho Sông Đông êm đềm (Sôlôkhôp đã hiến toàn bộ tiền thưởng cho Quỹ Quốc phòng chống phát xít Đức), 55 tuổi nhận giải thưởng Lênin khi Đất vỡ hoang ra trọn bộ hai tập (Nhà văn tặng tiền thưởng để xây trường ở trấn Karghinxcaia nơi xưa kia ông theo học), 60 tuổi đến Xtôckhôm nhận giải thưởng Nôben. Là đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô năm 27 tuổi, năm 56 tuổi là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô ở tuổi 34. Hai lần được thưởng Huân chương Lênin (năm 34 và 50 tuổi), hai lần được phong Anh hùng lao động XHCN (năm 62 và 75 tuổi), từng gặp gỡ và được các Tổng bí thư của Đảng ca ngợi tài năng và giúp tháo gỡ khó khăn để in tác phẩm. Từ 1929 Xtalin đã viết về “Nhà văn nổi tiếng của thời đại chúng ta, đồng chí Sôlôkhôp”. Còn Khơrutsôp thì năm 1961 về tận quê Sôlôkhôp mời “nhà văn Xôviết vĩ đại” cùng đi thăm nước Mỹ. Tuy không tán thành dự định của Sôlôkhôp tả các cuộc trấn áp năm 1937 (“đừng xát thêm muối vào vết thương”) năm 1969 Brêgiơnep vẫn cho in một số chương mới của tiểu thuyết Họ chiến đấu vì Tổ quốc.

ấy thế nhưng Sôlôkhôp là nạn nhân của một số âm mưu, vu cáo chính trị cực kỳ nguy hiểm. Năm 1929 N. Prôcôphiep viết bài “Những kẻ tạo ra thứ văn chương thuần tuý” kết tội Sôlôkhôp bợ đỡ phú nông và các nhân vật chống Xôviết. Ngày 5 tháng 11 năm 1929 Ban chấp hành Hội các nhà văn vô sản Bắc Capcadơ khẳng định rằng bài báo của N. Prôcôphiep chống lại Sôlôkhôp là “sự vu khống bỉ ổi nhất”.

Năm 1937 người ta sai I. X. Pôgôrêlôp, một người đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản, vu cáo Sôlôkhôp có âm mưu phiến loạn nhưng nể tình bạn nên Pôgôrêlôp báo cho Sôlôkhôp biết. Sôlôkhôp lập tức chạy về Matxcơva xin gặp Xtalin và được cuộc họp của Bộ Chính trị thừa nhận là vô tội.

Thêm vào đó, suốt đời Sôlôkhôp bị đè nặng bởi lời vu cáo oan ức cho rằng ông ăn cắp văn của người khác! Năm 1929 nhiều kẻ cho rằng Sôlôkhôp sao chép cuốn SĐÊĐ (Sông Đông êm đềm) của X. X. Gôlôusep, bác sĩ sản khoa, nhà phê bình, bạn của nhà văn L. Anđrêep. Từ 1917 Anđrêep viết trong thư gửi Gôlôusep nói rằng ông đã vứt bỏ SĐÊĐ không in. SĐÊĐ của Gôlôusep là du ký và bút ký phong tục, trong đó tác giả chú ý tới thái độ chính trị của dân Sông Đông năm 1917, thường hay nhắc tới Kornilôp và Calêđin. Nhà văn A. Xêraphimôvich cho rằng Gôlôusep là “Con người đáng yêu nhất, người kể chuyện xuất sắc giữa bè bạn, nhưng hỡi ôi, là nhà văn rất xoàng xĩnh.....”. Tháng 3 năm 1929 báo Sự thật thành lập Uỷ ban điều tra về việc này gồm năm nhà văn do Xêraphimôvích đứng đầu. Uỷ ban đã công bố kết luận cho rằng câu chuyện hoang đường về việc Sôlôkhôp ăn cắp văn là “sự vu cáo nhỏ nhen”. Nhưng nhiều người vẫn không tin rằng một chàng trai 20 tuổi, ít học lại có thể viết ra một tác phẩm vĩ đại như thế và khi mà bản thảo quyển một và quyển hai SĐÊĐ bị mất thì việc vu cáo Sôlôkhôp ăn cắp văn lại rộ lên. Năm 1974 cuốn sách in tại Pari của Đ. (bút danh vắn tắt của I. Tômasépxcaia) nhan đề Dòng chảy của SĐÊĐ (Những câu đố của tiểu thuyết) với lời nói đầu của A. Xôngiênixưn mưu toan chứng minh rằng SĐÊĐ thuộc về cả Ph.Đ.Kriucôp (1870-1920) và M. Sôlôkhôp. Lý lẽ chính vẫn là vì lúc ấy Sôlôkhôp còn trẻ quá ! Năm 1977 một nhóm các nhà khoa học Bắc Âu gần gũi Uỷ ban xét giải thưởng Nôben đã dùng máy tính kiểm tra so sánh văn bản SĐÊĐ với các tác phẩm khác của Sôlôkhôp. Năm 1984 G. Hétxôn và ba nhà khoa học đã công bố kết quả công trình nghiên cứu của họ tại Ôxlô - thủ đô Na Uy khẳng định quyền tác giả của Sôlôkhôp và năm 1989 họ xuất bản cuốn sách Ai viết SĐÊĐ.

Cuối tháng 11 năm 1999 Uỷ ban di sản Văn học của M. Sôlôkhôp họp báo công bố một tin đặc biệt quan trọng: Đã tìm thấy bản thảo quyển một và quyển hai tiểu thuyết SĐÊĐ của Sôlôkhôp nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Tổng thống Nga V. Putin, người coi tác phẩm quý giá này là “tương lai, danh dự và lương tâm của nước Nga”. Đây là một sự kiện phi thường có tầm vóc thế giới bởi vì nó chấm dứt vụ vu cáo văn chương thâm độc kéo dài gần một thế kỷ, làm ngời sáng thanh danh của một thiên tài văn học Nga (xem Văn nghệ số 28, 29, 30 năm 2000 và Văn nghệ trẻ số 8 năm 2000).

Dù số phận long đong đến đâu, Sôlôkhôp vẫn dũng cảm đương đầu, vượt qua với một bản lĩnh kiên cường và một nhân cách cao thượng.

Số phận SĐÊĐ ở ngay Liên Xô cũng rất lận đận. Các nhà nghiên cứu chưa đánh giá đúng được nhân vật trung tâm Grigôri Mêlêkhôp vô cùng phức tạp, một điển hình văn học lớn của thế kỷ, sáng tạo độc đáo của Sôlôkhôp. Đáng chú ý là ngay từ đầu các nhà nghiên cứu đã xác định Grigôri Mêlêkhôp là một nhân vật bi kịch vì thấy nhiều nét tốt đẹp cao thượng của nó. Quá trình tiếp nhận SĐÊĐ là quá trình cắt nghĩa bi kịch của Grigôri Mêlêkhôp, đầu mối của mọi tuyến cốt truyện, trung tâm kết cấu, tiêu điểm thể hiện tư tưởng cơ bản của tác phẩm.

Vào giữa thế kỷ trước, cách đánh giá Grigôri Mêlêkhôp còn khá giản đơn. V. Ermilôp cho rằng hình tượng này không hợp quy luật. Kirpôtin: Grigôri lầm lạc vì dốt nát. L. Lêvin: Grigôri rơi vào bi kịch vì chủ nghĩa cá nhân, đi tìm hạnh phúc cá nhân. L. Gôpphensêre: Đầu đời Grigôri có tính điển hình vì gắn bó với nhân dân, cuối đời không điển hình vì xa nhân dân. Tiêu biểu cho cả thời kỳ này là quan điểm coi Grigôri là “kẻ tách rời nhân dân” tức là về cơ bản đây là nhân vật tiêu cực cần lên án.

Trong những năm 60, 70, các nhà nghiên cứu V. Pêtêlin, P. Biriucôp, P. Paliepxki tiến gần chân lý hơn khi cho rằng Grigôri Mêlêkhôp là điển hình của “người đi tìm sự thật” tiêu biểu cho văn học Nga và thế giới. Đó là điển hình của thời đại, tiếp nối Hamlet, Đôn Kihôtê, Phaoxtơ, Anđrê Bôncônxki, Pie Bêdukhôp, Mưskin v.v... Hai giáo trình Đại học của Liên Xô về văn học Xôviết của L. Ersôp và do A. Mêtrencô và X. Pêtơrôp chủ biên xuất bản vào những năm 80 đều cùng quan điểm này.

Các sách giáo khoa văn học Nga bậc Đại học của Liên bang Nga hiện nay cũng giữ quan điểm coi Grigôri là điển hình “Người đi tìm sự thật”: “Trong SĐÊĐ giải quyết hàng loạt vấn đề vĩnh cửu của con người, tình yêu, cuộc sống, lòng nhân đạo (...) Grigôri đã không tìm thấy sự thật, tình yêu” (“Văn học Nga thế kỷ XX”, NXB Giáo dục M. 2002). Sách “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX” (2003) của V. X. Baepxki viết: “Do tính cách của mình, Grigôri là người đi tìm sự thật”.

Từ cuối thế kỷ XX, SĐÊĐ được tiếp cận dưới góc độ thi pháp học. Đáng chú ý là “Thế giới nghệ thuật của Sôlôkhôp” (1978) của A. Khvatôp và “Thi pháp của M. A. Sôlôkhôp nhà tiểu thuyết” của V. M. Tamakhin (in ở Stavrôpôn, 1980). Sách gồm 7 chương (cốt truyện, kết cấu, phong cảnh, nghệ thuật sử dụng chi tiết, chân dung, lời người kể chuyện, lời các nhân vật).

Ba công trình ở Việt Nam về Sôlôkhôp hồi giữa thế kỷ trước đều dựa theo quan điểm các nhà nghiên cứu Xôviết những năm 50. Trong “Lịch sử văn học Xôviết” (1961) Giáo sư Mêlich - Nubarôp coi Grigôri là “kẻ tách rời nhân dân”. Bản dịch SĐÊĐ của Nguyễn Thụy ứng với lời giới thiệu dài và công phu (in năm 1959 và 1982) được đón đọc nồng nhiệt. Bài “Thử tìm hiểu Sôlôkhôp, một nghệ sĩ của cuộc sống và của thời đại” của Hoàng Trình (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 5 năm 1960) là công trình chững chạc ngang tầm thời đó. Tuy ca ngợi “Grigôri là một phát hiện trong văn học thế giới”, Nguyễn Thụy ứng vẫn coi đây là “một con người chọn lầm đường đời”, “hình tượng nổi bật nhất” của tầng lớp trung nông. Ông cũng dẫn ý kiến Lênin về hai mặt của người tiểu tư hữu. Hoàng Trình nói về một số trung nông “đã đi ngược chiều với lịch sử và chống lại nhân dân. Grigôri Mêlêkhôp là người đại biểu rõ nét và tập trung nhất của loại người lạc hậu này”, “một trung nông Côdắc trong thời nội chiến”.

Trong SĐÊĐ đã hai lần Sôlôkhôp nhắc tới “sự thật lớn lao của con người” mà các nhân vật yêu quý của ông đau khổ tìm kiếm. Năm 1965 ông phát biểu về sứ mạng của văn học trong lễ nhận giải Nôben: “Nói với bạn đọc một cách trung thực, nói với con người sự thật, đôi khi khắc nghiệt nhưng bao giờ cũng táo bạo, củng cố trong lòng người niềm tin ở tương lai, ở sức mạnh của mình có thể xây dựng tương lai đó”. Cũng năm đó một tờ báo ở Arhentina viết: “Sự thật - Cuộc đời - đó là châm ngôn chủ yếu của nghệ sĩ Sôlôkhôp”. Nhà văn Phần Lan M. Larni tin rằng: “Nhân vật chính của Sôlôkhôp chính là sự thật. Ông đáng được xếp vào Viện Hàn lâm những người bất tử”. Giờ đây SĐÊĐ được coi là tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Nga thế kỷ XX, phát hiện nghệ thuật trong văn học thế giới.



(Báo Văn nghệ)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.08.2006 09:55:37 bởi Chuột lắc >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9