TRUYỆN CỦA PHƯỚC AN
meocon_thongminh93 02.08.2006 14:03:17 (permalink)
TRUYỆN CỦA PHƯỚC AN


Tình thế và khả năng (hay là một chiều nắng đẹp)


Tôi bị một công an đưa vào trại tâm thần cuối một ngày nắng đẹp. Tại sao lại là công an thì chỉ vợ tôi mới biết. Và tại sao tôi lại vào trại tâm thần cũng chỉ vợ tôi mới biết. Cô ấy luôn biết phải làm gì vào những ngày nắng đẹp. Nhưng không hẳn đâu, vợ tôi chắc cũng không biết rõ lắm (từ rất lâu rồi cô ấy không rủ tôi làm những trò thú vị nữa, đã nhiều ngày nắng đẹp trôi qua một cách nhạt nhẽo, vô vị) cùng lắm cô ta chỉ biết là cần phải làm như vậy, và cần phải làm như vậy là để phục vụ cho một chỉ thị tối cao nào đó. Lúc bị người ta lôi đi tôi còn không kịp nhìn lần cuối cùng con người đã từng là cục cưng hai mươi năm qua của tôi.


NGUỒN TẤT CẢ CÁC BÀI LÀ :E-VAN.COM

Truyện được khiêng vào thư viện rồi đó Mèo Con. Cám ơn em nhìêu.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2006 12:22:22 bởi Chuột lắc >
#1
    meocon_thongminh93 02.08.2006 14:06:52 (permalink)
    Đường chân trời


    Cô đã chết rồi, tất nhiên thế. Mới chín tuổi và cô đã chết.
    Đó là một khối u trong não. Cô sống qua mùa hè
    và đến đầu tháng chín thì chết.
    Tim O’Brien – "Những cuộc đời sau khi chết"


    Cám ơn Mèo con nhé
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2006 12:26:30 bởi Chuột lắc >
    #2
      meocon_thongminh93 02.08.2006 14:07:39 (permalink)
      Ở nơi có màu đỏ


      Anh mở động mạch tay. Từ đó tuôn ra ồ ạt cay đắng, chua xót, tủi nhục, hận thù... đủ mọi tính từ mang sắc thái tiêu cực tồn tại trong vốn từ vựng. Tuôn hết cả ra, đầu tiên ồ ạt rồi sau đó từ từ, tuần tự bò ngoằn ngoèo từng dòng trên nền gạch rồi đọng lại thành vũng. Anh nhìn vũng tính từ lõng bõng đang dần trở nên sền sệt trong một màu đỏ u hoài không thể nào tả nổi. Màu đỏ này chưa xuất hiện trên tranh của Matisse, hay Picasso hay bất kỳ một bức tranh nào anh đã từng xem. Đã bao giờ anh thấy một màu đỏ nào kết hợp trong nó nhiều tâm trạng như vậy? Anh biết, chỉ vừa mới đây thôi, nó thuộc về anh, một phần cấu thành nên anh. Từng giây từng giây anh đang giải phóng nó ra khỏi cái nhà tù là cơ thể anh. Nó reo vui còn anh hoan hỉ. Nó từng sôi lên trong anh khiến anh điên cuồng hung hãn. Và tội ác đã được thực hiện như cách người ta dội gáo nước lạnh để làm dịu cơn sôi.



      Cô ngồi trên nền gạch, bất động, không chút cảm xúc, không sợ hãi, không đau đớn, không nhục nhã. Màu đỏ loang ra từ đó, cô biết, nó chảy ra từ đó, từ đó. Nó xác nhận tính chân thực của tất cả những gì vừa xảy đến với cô. Nó rời xa cô nhưng vẫn còn thuộc về cô bằng một đường dây mong manh, biến cô thành một cái nguồn vô tận. Ôi nghĩa mẹ. Mưa nguồn chớp bể sóng đại dương, không, trong lòng cô không có gì. Lặng như tờ. Tối mùa hè nằm ngang, màu đỏ chảy dọc và sâu trong cô là một lỗ đen nơi sẽ bùng lên vụ nổ big bang khởi đầu sự sống. Vũ trụ sẽ hình thành ngay từ tâm điểm của nó: một ngôi sao đỏ rực, mặt trời. Nó hầm nhừ cô bằng một thứ nhiệt độ tráo trở. Cô chín rục, như trái cây nẫu ra dưới nắng. Loang trong không gian những vết rách màu đỏ, rách nát và đỏ. Những vết rách từ nay không khép miệng lại nữa. Chúng sẽ không ngừng rền rĩ một điệp khúc đỏ.



      Bà tê liệt, cách cô gái chừng năm mét. Bà đã chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh đó. Nhiều lần bà định xông vào nhưng rồi vẫn tê liệt tại chỗ. Giờ đây cô gái đang bị vây bọc giữa một khối màu đỏ. Đỏ đến dễ sợ. Nó toả ra một xung lực mạnh đến mức đẩy bật bà ra ngoài mỗi lần bà định lại gần chìa một bàn tay cho cô gái, bàn tay đã đếm tiền trả cho hắn. Khuôn mặt bà trắng bệch, như thể bà định dùng màu trắng chống lại màu đỏ, hay chỉ đơn giản để lập lại sự cân bằng cho một thế giới đang hồng rực lên xung quanh bà. Bà chôn chân giữa tấm váy cưới trắng tinh khôi và tấm ga hồng trải giường nồng thắm trong ngày đầu tiên về nhà chồng. Có ngờ đâu cuộc đón nhận đó lại là sự khởi đầu cho việc chối từ nhiều năm sau. Bà đứng lại phía bên kia màu đỏ.



      Ông đứng sau bà. Ông đi theo bà, bà đi theo người đàn ông, người đàn ông đi theo cô gái. Họ làm thành một đường thẳng cho đến khi hai người đi đầu sụp xuống, bà dừng lại buộc ông cũng phải dừng lại. Ông thấy bà đờ ra như một pho tượng. Ông đứng nguyên tại chỗ, phía sau bà. Ông chờ pho tượng đổ xuống để dựng nó dậy. Nhưng pho tượng không đổ. Ông bèn quay về nhà.



      Tôi mở mắt. Xung quanh bóng đêm bâu lấy mặt tôi. Theo phản xạ tôi quay đầu lại phía có ánh sáng, tấm chăn làm vướng mắt, che mất một phần khung cảnh. Tôi thấy khuôn mặt thạch cao của cô gái đường nét đông cứng dưới ánh trăng lạnh. Tôi biết cô ấy đang lạnh dù cô không run. Mặt trăng đỏ ối lẽ ra đã sưởi ấm cho cô nếu giờ đây không phải mùa hè. Đêm khuya mẹ thường phủ lên người tôi một tấm chăn mỏng. Tôi thò tay giật giật tấm chăn kéo xuống và nhìn rõ hai đầu ti của cô nhô cao trong đêm. Nó làm tôi nhớ đến cơn đói đang gầm gào trong bụng. Tôi đang đói. Tôi đói. Tôi khóc oa oa, chân tay ngọ nguậy trong nôi. Lá cây phía trên đổ ụp vào mặt tôi. Mẹ không đến. Đây đâu phải là nhà tôi. Mẹ quên tôi rồi sao? Mẹ ơi, con ở đây. Oa oa...



      Dòng chảy ngoằn ngoèo trên mặt đất vẽ nên hình một cái miệng, cái miệng ngoác ra thành tiếng khóc. Và anh nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ bị bỏ rơi. Đó chính là tiếng khóc của anh hai mươi năm trước dưới tàn cây trên bậc thềm một ngôi nhà cao tầng. Sau này anh có biệt tài phân biệt chính xác những tiếng khóc trẻ con: đâu là khóc đói, khóc gắt ngủ, khóc đái dầm, khóc hờn, khóc vòi, khóc đòn oan, khóc sợ, khóc đau, khóc hận, khóc bị bỏ rơi. Anh đặc biệt nhạy cảm với tiếng khóc bị bỏ rơi, anh có thể phát hiện ra nó giữa trăm ngàn âm thanh khác rồi như tên bắn lao về phía nó góp thêm vào đó những giọt nước mắt để hoàn tất một trận khóc, vì những đứa trẻ bị bỏ rơi thường không đủ nước mắt, miệng chúng tiếp tục phát ra âm thanh sau khi mắt đã cạn kiệt.

      Lần đầu tiên anh thấy nước mắt màu đỏ, cả một đại dương trước mắt anh, màu đỏ. Người đàn bà ấy đã cho anh tiền, hơn thế, bà đã cho anh nỗi đau bị bỏ rơi của bà.



      Cô không ngờ điệp khúc đỏ ấy lại vang lên dưới dạng những tiếng khóc trẻ thơ. Nó nài nỉ cô, nài nỉ bản năng làm mẹ của cô. Cô thấy đói. Cô thèm ăn, thèm một cái gì đó âm ấm tuồn qua cổ họng xuống dạ dày, và hơi ấm sẽ lan toả khắp cơ thể. Cô lạnh, cô tìm quần áo. Cô đau, những cử động làm cô đau. Cô nghe tiếng khóc trong khi miệng không hề mở. Tiếng khóc phát ra từ đó ư, từ nơi màu đỏ đang chảy ra không ngừng ư? Khối cầu lửa trong cô chuyển động về phía dưới đồng thời tự quay xung quanh nó và bật lên nức nở. Cô nghĩ nó đã giữ tiếng khóc ấy hàng trăm triệu năm để chờ tới cái dịp duy nhất này mà xoa dịu cho cô. Nếu nước mắt của lửa có màu đỏ thì có gì lạ đâu. Cô ngồi yên dựa lưng vào tường chờ đợi sự kết thúc.



      Cuối cùng bà đã hiểu, những gì xảy ra không giống với những gì bà chờ đợi. Thay vì hả hê sung sướng, bà đã trả tiền để mua thêm một nỗi đau và một nỗi dày vò cho suốt những năm tháng còn lại. Từ nay về sau cô sẽ luôn kè kè bên cạnh bà trong trạng thái ấy, dập nát và băng lạnh. Cô sẽ là hình bóng của bà trong gương, sẽ ngồi đối diện bà đầu kia bàn ăn, sẽ là kẻ đồng sàng với bà, sẽ chọc thủng các giấc mơ buồn thảm trên cái giường lạnh lẽo vì đơn chiếc của bà. Đứng ở phía bên kia màu đỏ bà thầm thì với cô gái rằng bà muốn nhận cô làm con. Cùng lúc đó tiếng khóc trẻ thơ xuyên qua cõi u minh vọng đến với bà xác nhận rằng bà mới cho ra đời một đứa trẻ trong cơn nhục nhã. Bà tin thần linh đã chấp thuận điều bà mong ước nên mới biến tiếng khóc của cô thành tiếng khóc trẻ sơ sinh.



      Không có ai đến dỗ tôi, nựng tôi, không có bầu vú nào được ấn vào miệng tôi như khi tôi còn ở trong ngôi nhà xung quanh có tường trắng. Mẹ tôi không thể bỏ tôi lại nơi này, bà rất yêu tôi. Mẹ đang đi tìm tôi. Con ở đây. Oa oa... Nhưng mẹ đã không tìm tôi. Vì lẽ ra mẹ đã phải thấy tôi từ lâu. Chỉ cần tôi cất tiếng khóc là mẹ biết ngay tôi ở đâu. Mẹ biết tôi ở đây nhưng mẹ không đến, mẹ không đến. Tôi uống dòng nước đang chảy xuống miệng, nó mằn mặn chứ không ngọt như sữa. Tôi đói. Các người có nghe thấy không? Tôi đói. Có nghe thấy tôi không? Oa oa... Không hiểu tôi nói gì sao? Là tôi đang đói đây. Làm ơn đi. Đến với tôi đi. Tôi đói. Tôi biết thế giới này không chỉ có mình tôi. Đến với tôi đi. Oa oa...



      Đó là tiếng khóc bị bỏ rơi. Nó đang gọi anh đến với nó. Không phải là âm thanh phát ra từ đại dương màu đỏ, mà là tiếng khóc của một đứa trẻ có thật. Nó đang ở ngoài kia, trong bóng đêm, dưới tàn cây, như anh ngày ấy. Anh phải đến với nó. Trước mặt anh là Hồng Hải. Những con sóng đỏ lừ dâng cao chất ngất. Làm thế nào vượt qua những ngọn sóng đó. Đứa trẻ vẫn không ngừng cầu xin anh. Ai mở cho anh con đường xuyên qua biển đỏ đây? Anh muốn cứu sinh mạng một đứa bé ư? Vậy mà mới đây thôi anh đã làm hại một cô gái đến mức không chắc cô đã sống nổi. Và động mạch anh đã được mở ra. Tội lỗi đang thoát khỏi người anh. Anh nhẹ dần, nhẹ dần. Anh cảm thấy mình có thể sắp bay qua Hồng Hải để đến với tiếng khóc đang chờ anh phía bên kia.



      Màu đỏ đã khô nhưng tiếng khóc vẫn chưa dứt. Hình như nó không từ trong cô vang lên như cô vẫn tưởng. Thế mà cô đã nghĩ rằng nhờ nó nên cô mới bình tâm trở lại, mọi uất hận của cô đã theo tiếng khóc trút ra ngoài. Khóc cho vơi đi theo cái cách người ta vẫn thường nói. Và sự thực là cô đã vơi đi rất nhiều đến mức giờ đây cô có đủ can đảm đối diện với tai hoạ, và như vậy cô đã có thể vượt qua nó. Cô định vị được tiếng khóc ở dưới lùm cây, cách cô không xa. Đứa bé ấy, nó đã khóc giùm cô, và giờ đây nó đang gọi cô. Nhưng cô không đứng dậy được. Cô rách nát, rách nát tàn tệ. Cô không đứng dậy nổi. “Hãy chờ tôi, bé ơi, chờ tôi...”, cô thầm nhắn.



      Nhưng bà không biết liệu cô có chấp nhận bà, kẻ đã huỷ hoại cô? Vả lại làm sao bà có thể đối diện cô sau khi đã gây cho cô bao đau đớn như vậy?

      Điên rồ quá thể cái mong ước của bà. Bức tường đỏ chắn giữa cô và bà ngày một dày lên. Bà không còn cơ hội vượt qua nó. Tiếng khóc oa oa của cô đẩy bà lùi bắn lại phía sau. Bà nức nở: “ Cô đừng khóc như vậy nữa, hãy tha tội cho tôi, tha tội cho tôi”.



      Tôi đói. Oa oa oa...

      Tiếng khóc đói ấy, tiếng khóc bị bỏ rơi ấy xuyên qua cô, xuyên qua anh, xuyên qua bà, tỏa khắp không trung, chọc thẳng vào tim ông, một cục đá hình người đang ngồi câm lặng trên chiếc giường lạnh lẽo của vợ. Nó nắm lấy trái tim đá của ông lôi ông trở về với kiếp người, lôi ông ra khỏi nhà. Ông lao theo nó đến bên chiếc nôi nơi đứa bé đang phả vào mặt ông màu đỏ chói chang của tiếng khóc đang chảy thẳng từ tim ông vào miệng nó. Ông ôm lấy chiếc nôi, khắp nơi màu đỏ ùa về hóa giải tiếng khóc, biến nó thành nụ cười trẻ thơ vừa tìm thấy nơi nương tựa.


      #3
        meocon_thongminh93 02.08.2006 14:08:12 (permalink)
        KHOÁ
        Món quà Giáng Sinh bất ngờ cho cả người được tặng và người tặng

        -Em xin lỗi thầy, em về quê ôn thi nên không đến dự các giờ giảng của thầy được.

        -Sao cơ? Giữa chúng ta đâu có gì chung.

        Cô sinh viên kinh ngạc trước câu trả lời và nhìn thấy một ổ khoá lủng lẳng giữa hai hàng lông mày của thầy giáo, ngay chỗ bắt đầu sống mũi. Cô mở túi xách lục lọi tìm kiếm hồi lâu mà chẳng biết mình tìm gì, rồi cô chợt hiểu ra cô muốn một cái chìa khóa. Nhưng hôm nay vội quá cô đã để quên cả chùm ở nhà, vả lại cô cũng chưa bao giờ chuẩn bị đủ chìa khoá cho mọi trường hợp. Cái ổ khoá im ỉm giữa khuôn mặt đóng kín. Chủ nhà đã đi vắng rồi, phải về thôi, vì sẽ phải đợi đến bao giờ đây? Và đợi để làm gì?



        -Giữa chúng ta không có gì chung.

        Sao cô ấy không hiểu điều đơn giản này nhỉ? Người thầy ngạc nhiên. Cô ấy đã làm một việc vô nghĩa lý nhất: đến xin lỗi thầy. Cô có lỗi gì đâu khi với cô tri thức chỉ là phương tiện giúp cô đạt điểm cao trong kỳ thi, giúp cô toả sáng như một trí tuệ chất lượng cao thực sự. Và khi giá trị của tri thức được đo bằng điểm thì cô đâu cần phải đến dự những giờ giảng của anh. Cô sẽ không được gì vì học kỳ này không thi vào phần chương trình do anh phụ trách. Anh cũng chẳng mất gì vì tình yêu đối với tri thức, cũng như mọi thứ tình khác, có thể nào ép uổng được.

        Thỉnh thoảng anh bí mật dùng chiếc chìa khoá vạn năng mở một vài ổ khoá im lìm nối hai hàng lông mày trên những khuôn mặt kín bưng đang hướng về anh trong giờ giảng. Anh muốn biết mối tình với văn chương có gì khác nhau ở mỗi người. Nhưng anh thường do dự dừng lại trước những cánh cửa đã mở rộng. Anh sợ. Nếu anh gặp một mối tình quá mãnh liệt anh sẽ chết ngạt. Nếu đó là mối tình sâu sắc anh sẽ cảm thương. Nếu nó hời hợt anh sẽ tổn thương. Nếu nó bị cưỡng bức anh sẽ ngán ngẩm. Nếu gặp một kẻ bội tình anh sẽ đau khổ. Nếu không gặp gì cả anh sẽ choáng váng.

        Điều đáng kinh ngạc hơn cả là trường Đại học Ngư nghiệp của anh lại dạy văn cho sinh viên.

        Họ cần đến văn học để làm gì? Liệu văn học có thể làm tăng sản lượng cá? Tôm có nhờ đến văn học để đẻ nhiều trứng đâu. Và nếu như văn học có thể giải quyết êm thấm vụ kiện bên Mỹ về việc phá giá cá basa thì cũng đáng đưa vào chương trình.

        Nhưng đáng kinh hãi nhất là anh lại muốn họ phải yêu chính cái thứ vô tích sự đó.

        Cơn kinh hãi lên đến tột đỉnh khi một lần anh cho chiếc chìa khoá vạn năng vào ổ khoá màu vàng được lựa chọn rất ngẫu nhiên, xoay hai vòng sang phải mở toang cái thế giới đằng sau khuôn mặt khép kín của nữ sinh viên có đôi mắt sáng ngời và bắt gặp một mối tình y hệt mối tình của anh. Anh ngây dại cuống quít rút chìa khoá ra cắm vào ổ khoá giữa trán mình và giật tung ném mạnh nó vào không khí. Anh và cô ấy, cả hai cuống cuồng thám hiểm lẫn nhau. Cả lớp ý tứ cho sách vở vào cặp rồi rút ra ngoài. Tiếng lao xao vọng vào từ sau cánh cửa:

        -Lạ nhỉ? Sét không đánh từ cái nhìn đầu tiên.

        -Sét đánh vào cái nhìn thứ 203.

        -Không phải đâu, 2003.

        -Chắc đây chỉ là lần thứ tư thứ năm gì thôi. Thầy có mấy khi nhìn vào góc ấy.

        Chiều xuống cô sinh viên đến nhà thầy và họ cùng đàm đạo về văn học. Họ soi mắt vào nhau, người này thấy rõ trong mắt người kia niềm si mê của chính mình. Mọi người nghĩ họ say mê nhau. Còn họ biết rõ họ có cùng một đối tượng say mê, và chẳng mấy chốc đối tượng ấy khiến họ trở thành những tình địch không đội trời chung.

        -Cảm thụ văn học theo kiểu của em thật ngu ngốc, thế thì còn gì là văn chương nữa.

        -Còn thầy, nhận xét của thầy mới bất công làm sao. Sao thầy có thể kết luận thiếu căn cứ như vậy được.

        -Em phê bình văn học đầy cảm tính. Không có tí khoa học nào.

        -Thầy có biết rằng chụp mũ người khác như vậy là bất lương không? Thầy mang cân tiểu ly để cân cả một sự nghiệp đồ sộ như vậy, lương tâm thầy ở đâu?

        -Em bình tĩnh nào.

        -Thầy cũng bình tĩnh lại đi. Tình yêu của thầy chỉ mang đến sự huỷ diệt.

        -Còn em thì sao nào? Em mang đến cái gì? Sự báng bổ.

        Cơn cuồng nộ bốc khói trên đầu họ. Hai người ôm chặt cùng một niềm say mê ấy lăn xả vào nhau. Họ tống cơn giận dữ vào trong nhau, xé toạc lẫn nhau, cho đến lúc cả hai không còn gì ngoài sự trần trụi thuở lọt lòng. Nội tâm họ bị lộn trái ra ngoài. Có bao nhiêu phơi bày hết bấy nhiêu. Họ run rẩy. Cơn giá lạnh của sự thù địch cuốn họ lên giường. Họ vội vã lật tấm chăn bông, chui vào đó. Một cách thoát hiểm hiệu quả. Hơi ấm dần dần ủ họ vào sự bình tĩnh. Họ thanh thản trở lại và sững sờ nhận thấy mình đang ở tư thế kinh điển của những kẻ yêu nhau: vòng ôm xiết chặt, má kề má, tay trong tay, chân trong chân, mọi thứ đều ở trong nhau.

        -Sau này em sẽ làm gì?

        -Nuôi trồng thủy sản. Còn thầy?

        -Vẫn vậy thôi. Nuôi trồng tâm hồn.

        Kết quả của cơn cuồng nộ ngày hôm đó là một bé trai ra đời chín tháng sau. Nội tâm nó bị lộn trái ra ngoài. Trên mặt nó người ta đọc được những chỉ dẫn hết sức đầy đủ về số phận một đứa trẻ không cha và thiếu tình yêu của phái mạnh. Nó sống trong một môi trường âm tính. Những vòng tay và nụ hôn của bà, mẹ, dì, cô giáo mầm non đã thủ tiêu tính tự chủ nơi nó. Nó lễ phép, ngoan ngoãn và mềm mại như cây lúa. Và như cây lúa, nó được chăm bón chờ ngày trổ bông, đơm đòng, kết hạt.

        Người mẹ định hướng cho nó thi vào Đại học Ngư nghiệp, mong rằng ở đó tâm hồn nó được vun xới, và mong người vun xới tâm hồn sẽ nhận ra nó. Người đó hàng năm với chiếc chìa khoá vạn năng hết mở rồi đóng những cánh cửa im lìm. Thất vọng nối liền hy vọng đến rồi đi trong nỗi chờ đợi một cơn cuồng nộ mới. Nhưng sau cái lần duy nhất ấy mười tám năm về trước, anh chỉ còn thấy vô vọng.

        Cậu sinh viên ấy mang một cái ổ khoá to chưa từng thấy. Anh cũng chưa thấy một khuôn mặt nào bí hiểm như vậy. Nó khiến anh trở nên dè dặt, thận trọng. Thay vì ở trên lớp, anh mời cậu bé đến nhà chơi và đưa cái chìa khoá vạn năng của mình lên trán cậu với tất cả sự căng thẳng, tập trung cao độ. Nó không có tác dụng. Nó quá nhỏ so với ổ khoá. Lần đầu tiên trong suốt bao nhiêu năm dạy học của anh, nó trở nên vô dụng.

        -Em là ai?

        -Mẹ em nói thầy sẽ nhận ra em.

        -Mẹ em là ai?

        -Là một học sinh cũ của thầy. Mẹ em bảo em là con của một gia đình đầu rau.

        -Mẹ em là nhà văn sao?

        -Dạ không. Mẹ em làm nghề nuôi trồng thuỷ sản.

        -Thầy xin lỗi, phần lớn sinh viên của thầy đều làm nghề ấy. Sau này em sẽ làm gì?

        -Em chưa biết. Em không thích nuôi trồng thuỷ sản. Còn văn học, đối với em, giống như một cái ổ khoá không có chìa.

        Cậu vừa nói đến đây thì ổ khoá trên trán cậu rơi xuống đất. Thế là hết, không còn cách nào để mở vào thế giới của cậu giờ đây đã vĩnh viễn khép chặt. Người thầy nhặt nó lên và lẩm bẩm: đây chính là văn học sao?

        Anh yêu cậu sinh viên đó. Anh biết vậy. Yêu bằng một mối tình không lý giải nổi. Hàng tuần anh chờ đợi giờ lên lớp để nhìn cậu. Hai tuần một lần anh đợi cậu đến thăm anh mang theo món quà tôm cá của bà mẹ cậu gửi cho anh, còn anh gửi lại bà những lời cảm ơn mà nội dung có thay đổi chút ít. Cả hai, anh và mẹ cậu ấy, đều chờ đợi cái ngày anh sẽ nhận ra cậu là ai. Giờ văn cuối cùng ở lớp cậu. Anh dồn tất cả tâm huyết gắng xuyên qua vầng trán bí hiểm của cậu. Anh nhìn thấy, tại đó, trên khuôn mặt cậu, sự bất lực của chính mình. Anh thấy cậu giống mình khủng khiếp và anh ước sao cậu là con trai mình. Nhưng anh không muốn cậu đi vào cuộc sống với sự bất lực của người khác in dấu trên mặt. Anh lặng lẽ từ giã cậu, lặng lẽ gìn giữ cái ổ khoá cậu đánh rơi ở nhà anh, cậu không bao giờ biết đến nó. Đêm đêm anh đặt nó trên bàn, ngay trước mặt anh, âm thầm dùng ngòi bút mở nó ra từng tí một. Khi ổ khoá được tháo tung cũng là lúc anh hoàn tất cuốn tiểu thuyết viết tặng cậu sinh viên và người phụ nữ từng là học trò anh nhưng anh không còn nhớ nữa. Khoá, chính là cái tên mà anh đã đặt cho cuốn tiểu thuyết ấy. Cuốn sách được tung ra thị trường. Một chiến dịch quảng cáo rầm rộ khiến độc giả háo hức tìm mua. Họ lật trang đầu tiên thì thấy một ổ khoá nằm đó, câm lặng. Không thợ khoá nào đủ tài đánh nổi chìa cho ổ khoá đó. Cuốn sách, vì vậy, cho đến giờ vẫn chưa được mở ra.

        Cho đến giờ anh vẫn chưa hiểu vì sao mọi người lại nói với anh rằng họ không có chìa khoá để mở cuốn sách của anh và đề nghị anh giúp họ. Lúc đầu anh tức giận nghĩ là họ đang nhạo báng, đang đem anh ra làm trò cười, vì anh đi vào cuốn sách rất dễ dàng, không thấy một ổ khoá nào như họ nói, cả những cuốn anh có ở nhà, cả những cuốn họ mang đến cho anh. Để chứng minh anh không hề bị chế giễu, họ tự tay mở trang đầu tiên và chỉ cho anh: “đấy, ổ khoá đấy”. Anh nhìn theo ngón tay họ và đọc được từ KHOÁ viết hoa in đậm, tên cuốn sách. Anh nhẹ nhàng lật giở từng trang từng trang trước đôi mắt tròn xoe mở to đến mức lồi ra của họ. Nhưng cũng cuốn sách ấy khi ở trong tay họ thì những trang giấy ép chặt lại với nhau và họ cứ loay hoay ngay trước mặt anh. Anh đờ đẫn đứng nhìn, biết rõ không giúp gì cho họ được. Anh quên mất rằng mình là người có tài mở khoá. Anh đã sở hữu chiếc chìa khoá vạn năng lâu đến mức giờ đây nó nhập hẳn vào mắt. Chỉ cần mắt chạm vào bất cứ thứ gì, thứ đó lập tức sẽ được mở ra. Nhưng tiếc rằng quyền lực của nó rất hạn chế. Anh không thể mở hộ người khác được.

        Anh khóc cho những cuốn sách của mình. Bao nhiêu điều anh đã gửi gắm vào đó. Rốt cuộc, nó cũng câm nín như suốt một đời anh đã câm nín. Hy vọng và tuyệt vọng , rốt cuộc, có giá trị ngang nhau trên các kệ sách. Càng khóc mắt anh càng sáng hơn, quyền năng của chiếc chìa khoá trong mắt anh càng lớn hơn. Quyền năng đó cho phép anh nhìn rõ thế giới mục ruỗng xung quanh mình. Anh khóc, và khóc, và khóc. Với một mong muốn mãnh liệt là chiếc chìa khoá ấy phải lìa khỏi mắt anh, để anh có thể nhìn mọi thứ như tất cả những người xung quanh và được hạnh phúc như họ. Anh khóc vì biết rằng nếu anh nhìn mọi thứ giống những người xung quanh thì anh cũng không thể hạnh phúc như họ, vì anh sẽ không quên được những gì đã nhìn thấy.

        Giáng sinh. Hai tư tháng mười hai năm hai ngàn không trăm linh ba. Trên bàn có cuốn sách của anh và bên cạnh là cái ổ khoá của cậu sinh viên năm nào. Anh sẽ đọc lại nó lần cuối cùng rồi dùng ổ khoá kia khoá nó lại, vĩnh viễn. Những giọt nước mắt cuối cùng của anh sẽ đẩy chiếc chìa khoá ra ngoài. Anh sẽ vứt nó xuống bồn cầu, vĩnh viễn. Bằng cách đó anh sẽ bình đẳng với tất cả mọi người còn lại.

        Hai giọt nước mắt cuối cùng rơi xuống. Hai giọt nước mắt lớn nhất đời anh. Hai vật cuối cùng mà anh nhìn thấy. Chúng là hai con ngươi của anh. Chúng va vào ổ khoá, khiến nó mủn ra thành bột. Bột ấy cùng tiếng chuông nhà thờ phát tán khắp không trung. Mười hai giờ đêm. Người đàn ông bay vào trong cuốn sách mở rộng. Cùng lúc ấy, những cuốn sách khác của anh, nằm rải rác trên các kệ sách trong thành phố, giật mình để rơi xuống đất một ổ khoá treo phía sau trang bìa nhất. Sáng hôm sau sẽ có 950 cái ổ khóa bị vất vào sọt rác (cũng có thể chỉ có vài trăm thôi). Cũng sẽ bị vất vào sọt rác những tờ báo có đăng mẩu tin: một giáo viên văn trường Đại học Ngư nghiệp đột nhiên mất tích vào đêm Noel.

        Sáng hôm sau người mẹ sẽ dẫn cậu con trai đến gặp bố.

        Mùa Giáng sinh 2003

        #4
          meocon_thongminh93 02.08.2006 14:08:34 (permalink)
          Làng


          Bên sông là làng. Làng ôm lấy dòng sông nằm cong dấu hỏi. Dấu chấm khoanh tròn một trăm ba mươi tư nấm mộ , nghĩa địa tách ra một đoạn phía cuối làng đầy nghi hoặc. Những ngôi mả lùm lùm tròn tròn đắp bằng đất cỏ đang dần dần cao lên và dạng tròn biến mất thay vào đó là hình vuông hình chữ nhật của xi măng vôi cát. Làng trong lòng tôi lúc nào cũng tồn tại dưới dạng một dấu chấm hỏi.

          Suốt những năm học cấp một hè nào tôi cũng được gửi về quê từ ba tuần đến một tháng. Kết quả của mùa hè đầu tiên là trở lại trường với cái đầu trọc lóc. Rơm rạ đã tặng tôi món quà sài lở, tôi nhìn đám tóc mẹ cắt rơi xuống như rơm tự hỏi bao nhiêu lần cắt tóc mới đủ vun thành một đống như đống rơm trước cửa nhà bà? Tôi bới một lỗ trong đống rơm chui vào nằm khoanh tròn ở đó trong đầu tua lại (tua lại, từ này thực ra chưa có trong vốn từ vựng của tôi hồi đó, mãi đến năm tôi học lớp 11 ba tôi mới mua được một cái đài cũ) câu chuyện mẹ kể về sự tích ông đầu rau. Tôi theo chú chăn trâu ngoài cánh đồng rộng, chúng tôi chơi ở nghĩa địa mặc trâu gặm cỏ thoải mái trên những chiếc giường của người chết. Tôi thắc mắc những giấc mơ nào sẽ đến trong những chiếc giường như vậy. Lúc đó con trâu giương mắt lên nhìn tôi, nó phì vào câu hỏi ngu độn của tôi. Cặp sừng như đôi dấu hỏi úp vào nhau. Đừng hỏi gì hết, đã đến đây rồi, đã ở đây, cứ như vậy mà sống. Có gì đáng phải hỏi đâu. Thời gian quay vòng hết đêm lại ngày, từ xuân sang hạ qua thu về đông, làng vẫn thế, rơm rạ vẫn thế, những dấu hỏi trên đầu trâu vẫn không quay ngược ra ngoài. Gió nghĩa địa thổi lồng lộng, tôi cố nghe xem ông nội tôi có nhắn gì không vì ba vẫn bảo ông bà thường gửi lời trong gió. Có lần ba đưa tôi đến thăm vườn cũ của ông nội giờ đã thuộc về người khác, mỗi lần nhắc đến cái vườn đó ba đều khóc, phải nhiều năm sau tôi mới hiểu được một nửa những giọt nước mắt của ba mà cũng chưa chắc đã hiểu được đến một nửa. Có lẽ ông nội đang mơ vì ông chẳng nói gì. Gió thổi sự chờ đợi của tôi dạt về phía núi Hồng Lĩnh. Buổi chiều cưu mang nó và tôi thấy nỗi chờ đợi của mình biến thành làn hơi mỏng viền quanh làng, mọi người gọi đấy là khói lam chiều. Từ “khói lam chiều” sau này, với tôi, sẽ mang trong nó gánh nặng của niềm hoài cố dai dẳng. Tôi đứng bên chiếc giường ông nội, chếch bên trái một chút là giường bà nội. Ông bà tôi đang ở dưới kia, ông bà có biết đến sự chờ đợi của tôi? Ông bà có mơ thấy tôi không? Những giấc mơ nằm ngang hơi lệch nhau. Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn thấy bà ngoại của mẹ về trong lúc ngủ, dặn mẹ phải làm những việc gì đó. Tôi chưa bao giờ mộng thấy ông bà nội. Tôi đã chờ đợi giấc mơ đó rất nhiều năm. Những năm đó gộp lại cũng dài bằng cái buổi chiều tôi đứng bên giường ông bà chờ nghe những lời thì thầm trong gió. Vì không nghe thấy một lời nào nên tôi hy vọng mình đang có mặt trong giấc mơ của ông bà. Ông bà có thấy tôi là một đứa con gái có cái đầu trọc lóc không nhỉ? Làng tôi không có chùa, cả xã này, cả huyện này, cả cái tỉnh này không còn một ngôi chùa nào nữa, vậy nên tôi không thể, không biết cách đồng nhất cái đầu trọc của tôi với cái đầu đáng kính của tăng ni. Tôi chỉ thấy cái đầu trọc đó thật gớm ghiếc và mong sao ông bà không mơ thấy tôi vào lúc này. Tôi muốn hoãn giấc mơ của ông bà đến năm sau, lúc đó chắc tóc tôi cũng đã mọc được kha khá.

          Chú tôi đã thôi chơi đáo với đám bạn. Chú đặt tôi lên lưng trâu, con trâu vẫn tiếp tục phì vào sự ngu độn của tôi, hai chú cháu thủng thỉnh đi về làng, hai cái ngu độn trên lưng một niềm khinh bỉ sự ngu độn. Nhưng lúc đó tôi không cảm nhận mọi việc theo cách ấy, lúc đó tôi ngoái lại nghĩa trang lần cuối cùng và cầu mong ông bà sang năm hãy mơ đến tôi.

          Trở lại trường, nhờ cái đầu lởm chởm mà tôi ít bị bọn con trai cùng lớp đánh và doạ nạt. Chúng nó thường nhè lúc cô giáo không có trong lớp, thẳng tay phang mạnh cán chổi lên lưng bọn con gái, hoặc chờ sẵn một góc nào đó trên đường đi học về, nhảy xổ ra túm tóc chúng tôi giật mạnh. Lúc lũ nhóc con giở ngón võ ngoa ngoắt phản công lại thì chúng cười hề hề : “Bố tao bảo làm con gái phải để cho con trai nó trêu”. Một lần tôi khóc, còn một lần tôi giằng lấy cái chổi và nện thẳng vào lưng thằng con trai đứng trước mặt rồi chờ nó khóc, nhưng nó ré lên cười ầm ĩ. Mái tóc tua tủa chổng ngược lên trời khiến tôi được bọn chúng nó xếp cùng hội cùng thuyền. Cũng có lúc tôi thấy hài lòng với những gốc rạ trên đầu mình.

          Những mùa hè tuần tự qua đi trên cánh đồng vào mùa gặt. Tôi nén cơn sợ đỉa để lội ruộng gặt lúa với mọi người, tôi không muốn bị nhìn như một đứa trẻ thành phố. Nhưng rồi tôi đã tự phản bội mình khi hét vung lên, giẫm lung tung làm bẹp cả một đám lúa rộng vì nhìn thấy một con đỉa đen dài nằm vắt ngang bắp chân. Màu đen của nó làm chân tôi trắng hơn. Tất cả mọi người đứng thẳng lưng cười hết cỡ, còn tôi gập cong người lại vừa la vừa khóc. Con đỉa không thèm để ý đến cảnh tượng ấy, nó vẫn nằm yên ở đó, trên bắp chân tôi. Tôi vớ lấy cái liềm để gạt nó xuống. Dì tôi giữ tay tôi lại. Dì dùng tay gỡ con đỉa ra, nhẹ nhàng như không. Làm sao dì có thể... Tôi không bao giờ biết được. Từ đó về sau tôi không xuống ruộng nữa. Con đỉa ấy, nó đã cười vào nỗi sợ hãi của tôi. Nụ cười màu đỏ. Máu chảy từ vết đỉa cắn đỏ tươi. Nụ cười chuyển màu xám ngoét, dì tôi lấy bùn trét vào vết cắn. Bùn đã ngăn không cho máu chảy.

          Chiều về dì đưa tôi ra bờ sông giặt quần áo. Tôi không dám xuống nước, gì bảo: “Ngốc ạ, những chỗ nước chảy như thế này không bao giờ có đỉa”. Khuôn mặt gì tôi có mùi lúa chín, tay dì có mùi nước sông, tóc dì xoăn, khô và có mùi rơm. Tôi thấy dì giống nàng lọ lem nhưng gì không bao giờ là chủ nhân của ba hạt dẻ. Tối đến dì đưa tôi đi xem biểu diễn văn nghệ. Tôi đứng sát cái sân khấu bằng đất, một mình, nghểnh cổ nhìn dì hát đò đưa, ví dặm với những bạn diễn khác. Muối ba năm muối đang còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay. Cái bồ muối của bà tôi trên giàn bếp có lẽ phải ba năm mới dùng hết. Mà chưa hết thì dì đã đi lấy chồng. Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở. Anh đến bến đò thì đò đã sang sông. Anh đến bên em thì em đã lấy chồng. Sau khi gì lấy chồng không có người đàn ông nào nói với dì như vậy. Tôi cũng chẳng biết dì có mong muốn điều đó không, chỉ có tôi thỉnh thoảng tự hỏi, trong số bạn diễn với dì những năm ấy, có ai muốn hát tặng dì câu hát đó? Anh đến giàn hoa hoa đến thì thì hoa phải nở. Anh đến bến đò đò đầy thì đò phải sang sông. Đến duyên em thì em phải lấy chồng. Những câu ấy dì đã hát trước khi lấy chồng. Từ lúc chàng hoàng tử đưa dì về túp nhà tranh ngoài bờ luỹ thì sân khấu, âm nhạc, dân ca chỉ còn là một giấc mơ thời thiếu nữ, thời thiếu nữ ngắn ngủi của gì được đo bằng mấy bài dân ca gộp lại. Những lọn tóc xoăn rủ xuống bên má dì theo hình dấu hỏi. Bao giờ tóc dì mới thôi hỏi? Những câu hỏi có mùi rơm mùa gặt. Chẳng tu từ tu tiếc chi đâu nhưng cũng chẳng có câu trả lời nào để gỡ cho chúng thẳng ra. Mớ kiến thức ngôn ngữ tôi học được ở trường đành bất lực trước câu hỏi của dì. Thế nên tôi đã dùng chiêu lảng tránh, định áp dụng một cách triệt để mà không nổi, vì chạy đâu cho thoát khỏi chúng mỗi lần gặp dì. Có ai đó ngoài tôi nhìn thấy những dấu hỏi trên trán dì? Nếp nhăn tuổi ba mươi khiến nụ cười của dì không giống như nụ cười của những người con gái thành phố ba mươi tuổi chưa chồng hay những người phụ nữ ba mươi tuổi sống trong cảnh nhàn hạ chồng thành đạt con ngoan.

          Tôi tự cho mình là người làng. Nhưng rồi đây sẽ không ai biết gì về tôi. Tôi không sống ở làng. Cũng không có tên trong gia phả. Dòng họ tôi không ghi tên con gái vào gia phả. Sẽ chẳng có một vết tích nào của tôi lưu lại ở làng. Cũng như rồi đây sẽ chẳng còn vết tích nào của mái tranh được lưu giữ trên xứ sở này.

          Vùng quên lãng ở trí não tôi chưa phong toả được những giọt nước rỏ xuống từ mái tranh trong những ngày mưa vào cái thời tôi chưa thể nào cảm nhận hết chiều sâu của nỗi buồn rỉ ra từ hiên nhà. Thành phố giờ đây tuyệt nhiên không còn một mái tranh nào nữa. Có phải đã đến lúc cả dân tộc thôi cảnh đói nghèo trong rơm rạ rồi không? Và trong xi măng cốt sắt gạch hoa người ta đã hết biết đến nghèo đói hay thực tế vẫn còn tiếp tục cứ phải đói nghèo trong một cái gì đó? Những giọt nước tròn rụng xuống làm đứt cái phần đuôi dấu hỏi và ném những thắc mắc thời thơ ấu của tôi lên mặt đất vốn chỉ quen im lặng trước mọi nghi vấn. Nó sẽ giữ bí mật về những mái tranh, bí mật về một chất liệu mỏng manh dễ cháy dễ mục nát dễ bị tàn phá bốc dỡ bởi gió lốc bão tố. Chất liệu đó hiện tại chưa hoàn toàn trở thành kỷ niệm. Tôi còn có thể nhìn thấy nó trong mỗi chuyến xa thành phố. Nó và khói lam chiều tạo nên một hợp âm đặc biệt của bản nhạc quê thỉnh thoảng vẫn tấu lên những khúc lạ lùng trong lòng một kẻ từng lớn lên dưới mái tranh như tôi. Màu sắc của mái tranh và bầu trời trước khi mưa dường như có sự thông đồng, một sự thông đồng u ám không mang tính vĩnh cửu vì nó liên tục được làm mới lại trước mỗi cơn mưa và được rửa sạch cuốn trôi theo những dòng chảy nối liền ẩm mốc tre pheo với ẩm mốc nền gạch.

          Tôi thực sự hoang mang khi một hôm ra phố nhìn thấy xung quanh tôi, trên những nóc biệt thự, trên tầng thượng những toà nhà cao tầng, trên những ngôi nhà hộp diêm... đâu đâu cũng có mái tranh. Và họ, những con người ấy, họ sống giữa những bức tường, trên nền gạch hoa hay cao cấp hơn, trên nền gỗ, tất cả họ đều ở dưới mái tranh. Tôi hoảng loạn vì ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư, những ngày tiếp theo tôi đều nhìn thấy một cảnh tượng y xì như vậy. Nếu tôi nói ra điều đó cho bất kỳ ai, tôi cũng sẽ bị cho là tâm thần. Họ sẽ lập tức đưa tôi đến Trâu Quỳ. Cũng có thể họ cho là tôi miệt thị họ, lúc ấy nguy hiểm hơn vì họ sẽ đem tôi đến cảnh sát. Vào ngày mưa, những ngôi nhà kiến trúc theo lối cổ truyền, hay theo lối hiện đại hoặc hậu hiện đại đều chẳng khác gì nhau, đều nhỏ xuống đất những chấm tròn tí tách từ giọt gianh.

          Tôi phải gặp bác sĩ tâm lý. Tôi hiểu rõ như vậy. Tôi mới ba mươi tuổi, sức khoẻ bình thường, chỉ hơi hay hoài cố một chút, làm sao có thể mắc bệnh tâm thần được. Nhưng dù thế nào cũng cần được giúp đỡ.

          Tôi đẩy cánh cửa một căn phòng nằm sâu trong ngõ vừa nhỏ vừa tối. Tôi vượt qua phòng đăng ký, vì đã gọi điện thoại trước cho bác sĩ, để vào thẳng phòng khám. Bác sĩ đứng dậy đón tôi. Ông ta, ông bác sĩ, đứng trước mặt tôi trong chiếc áo tơi.

          Là một người đồng bệnh. Tôi nhận ra ngay một người đồng bệnh. Kia, cái mái tranh của tôi đã được lợp quanh người ông ấy, với một kỹ thuật chuẩn xác và khéo léo. Một cái áo tơi mẫu mực. Ông ta hẳn rất an toàn dưới bất cứ cơn mưa nào. Chẳng có loại sơn nào, kể cả sơn nippon, chẳng có loại tấm lợp nào, kể cả tấm lợp ausnam, cũng chẳng có loại áo mưa hiện đại nào sánh kịp với nó. Tôi vẫn còn kịp đặt cho mình một câu hỏi: ông ta kiếm đâu ra một cái áo tơi như vậy ở thời buổi này? Lý trí tôi còn sáng suốt đến thế ư?

          Giữa chúng tôi có một cái bàn, sau lưng tôi là cánh cửa. Tôi không biết nên quay lại bước ra cửa hay tiến lên và ngồi xuống trước cái bàn. Ông ta bảo:

          - Mời chị ngồi. Chị hãy nói tất cả những gì chị muốn nói.

          -Thưa bác sĩ, tôi có bệnh y hệt như ông.

          Ông ta nhìn tôi, sự thông cảm trong mắt ông ghim chặt tôi xuống ghế trong một trạng thái đờ đẫn băng giá.

          - Chị mắc bệnh thật rồi.

          Ông ta ngồi xuống. Tôi thật không hiểu làm sao ông ta có thể ngồi xuống trong một chiếc áo tơi như vậy.

          - Có cái gì đó làm chị sợ phải không?

          Chắc ông ta thường xuyên hỏi bệnh nhân câu này. Ông ta chưa biết rằng với tôi thì không cần phải giấu giếm làm gì, tôi có thể hiểu được vấn đề của ông, tôi có thể chia sẻ với ông, thậm chí nếu cần có thể an ủi ông trong trường hợp bà vợ ông không có khả năng đó.

          - Thưa bác sĩ, ông tìm được ở đâu cái áo tơi đẹp như vậy?

          Ông ta mở to mắt, kinh hoảng, nhưng rồi lập tức nở một nụ cười mà chỉ một bác sĩ tâm lý mới có:

          - Chị thấy cái áo blu trắng này của tôi đẹp thật sao?

          Ôi trời! xin ông, ông không phải ngại ngùng với tôi đâu, chúng ta đồng bệnh mà. Tôi muốn nói với ông ta ....

          Cửa mở, cô thư ký thò đầu vào:

          - Bác sĩ có điện thoại.

          - Xin lỗi, chị chờ tôi một phút.

          Tôi chờ. Không có gì để nhìn trong căn phòng này, tôi đành ngước lên mái nhà. Rui mè ở đây mục nát quá rồi. Mái nhà cũng vậy, mưa lớn chắc thể nào cũng dột. Đột nhiên tôi hiểu ra vì sao ông ta phải mặc áo tơi mà tiếp bệnh nhân. Để đề phòng trời mưa. Tôi nhớ hôm nay mục dự báo thời tiết trên tivi, cô phát thanh viên truyền hình giọng uể oải thông báo có mưa rải rác từ trưa đến chiều tối. Bây giờ là mười một giờ hai mươi. Chắc sắp mưa rồi. Không hiểu có dột ở chỗ tôi đang ngồi? Nếu dột tôi chẳng có áo tơi như ông ta để chống đỡ. Tôi phải về. Tôi không thể ở lại đây được nữa. Với lại ông ta cũng là một bệnh nhân như tôi thì làm sao chữa được bệnh cho tôi. Chúng tôi cùng là người làng, cùng sống trong một ngôi làng. Có vậy thôi, cần gì phải phức tạp hoá vấn đề.

          Đi qua bàn thư ký. Một bác sĩ mặc blu trắng đang nghe điện thoại đứng quay lưng lại nên không nhìn thấy tôi. Cô thư ký gọi với theo:

          - Chị chờ một chút, bác sĩ nói chuyện sắp xong rồi.

          Vừa lúc đó ông bác sĩ đặt máy xuống, nhưng tôi vẫn mở cửa bước ra ngoài. Ông ta không phải là bác sĩ của tôi, ông không mặc áo tơi.

          Ra khỏi ngõ nhỏ và tối, tôi đi thêm một đoạn thì đến vỉa hè xi măng. Đại lộ rộng thênh thang trước mặt. Trời bắt đầu mưa. Nước bắt đầu rỏ tong tong từ mái gianh những ngôi nhà cao tầng xếp thành dãy dài trên vỉa hè. Tôi đang đi giữa ngôi làng thân thuộc. Những chú trâu vàng đứng rất thể thao trong các cửa hàng sang trọng, phía sau cửa kính bóng lộn. Chúng hân hoan chào đón SEA GAMES 22. Sừng của chúng không còn giống hình dấu hỏi. Và chúng cũng thôi không phì vào nỗi ngu độn của tôi nữa.




          #5
            meocon_thongminh93 02.08.2006 14:08:53 (permalink)
            Nỗi buồn chết người


            Bạn đã từng biết đến một nỗi buồn chết người? Bạn có thể nói về nó như thế nào? Đó là khi bạn mang trong mình cái chết, khi bạn đối mặt với cái chết, khi bạn kề cận bên cái chết, khi nỗi buồn làm bạn chết, khi nỗi buồn ủ cái chết trong lòng bạn, khi nỗi buồn khắc cái chết lên thái dương bạn, khi cái chết choàng lên vai bạn tấm voan đen, khi cái chết lùa tử khí vào phổi bạn, khi nó cầm tay bạn dẫn vào lãnh địa của nỗi buồn, khi cơn hấp hối thổi tắt niềm vui sống trong bạn, khi bạn vật vờ trong một khu mộ địa tuyệt vọng, khi bạn muốn nhập khẩu chốn âm ti?

            Nỗi buồn mở toang bạn ra, nó đi vào trong bạn và cư ngụ luôn ở đó. Bạn trở thành ngôi nhà của nó. Nó sở hữu bạn. Nó nhập tịch vào quốc gia bạn. Nó mang đến miền đất hoang bạn cơn giá lạnh, nỗi sợ hãi, chúng tập hợp thành cư dân của bạn. Liên minh giữa nỗi buồn và sự sợ hãi phát triển nhanh hơn tốc độ gió lốc, nó tàn phá các thành quách tim phổi thận mật vốn cố kết hết sức vững chắc, nó dâng lên cao và làm suy yếu não bộ bạn.

            Bạn mở toang bạn để lùa chúng ra ngoài nhưng không dễ gì tước bỏ quốc tịch của chúng. Chúng thách thức bạn, đưa luật quốc tế ra doạ bạn, không thể tìm đủ lý do để đuổi chúng đi. Những nỗi sợ hãi ẩn sau gương mặt cái chết, luồn sâu vào từng thớ thịt, xây cất nhà cửa, định cư và khai thác bạn cạn kiệt. Chúng đẻ ra một đám con có tên tuyệt vọng. Chúng biến máu bạn thành nước tắm và nước sinh hoạt. Chất thải của chúng làm tắc nghẽn các động mạch, tĩnh mạch. Công tác vệ sinh trở nên một cực hình. Hai quả thận phải làm việc quá sức suốt ngày phải đau đớn, cộng thêm vào đó nỗi lo già trước tuổi. Tim hoạt động liên tục mà không tài nào cung cấp đủ cho nhu cầu vô độ của đám cư dân tham lam đang ầm ầm đẻ ra một lũ cơ hội. Đến đây bạn tự thấy mình mâu thuẫn. Nỗi buồn và sự sợ hãi có thể sinh ra tuyệt vọng chứ làm sao đẻ được kẻ cơ hội? Nhưng rồi bạn mỉm cười chứng kiến những kẻ cơ hội ấy lại tiếp tục cho ra đời một đàn đống tham nhũng, chúng quyết tâm dồn bạn tới chỗ khánh kiệt, chúng may túi ba gang vơ vét nhét đầy những quả khế ngọt ngào niềm yêu sống của bạn.

            Bạn ráo riết tổ chức một chiến dịch chống tham nhũng. Bạn tập hợp những thành phần liêm khiết nhất, trong sạch nhất. Đầu tiên là theo phương thức bỏ phiếu bầu chọn, nhưng nhanh chóng bạn nhận ra tính vô hiệu của phương thức đó, bạn không thể tìm thấy sự thống nhất trong các lá phiếu. Vậy là bạn đành chọn lấy một cách cảm tính. Tim, theo ý bạn, yếu đuối và dễ động lòng trắc ẩn. Lòng(,)dạ(dày) vốn hay thay đổi dễ bị tấn công. Phổi hời hợt nông cạn thiếu chiều sâu. Thận không có tầm chiến lược. Mật đa nghi hẹp hòi. Xương sống rường cột quốc gia nhưng quá cứng nhắc không cận nhân tình. Rốt cuộc chỉ có óc là có thể tin tưởng mà giao phó cho trách nhiệm làm trưởng ban chống tham nhũng.

            Óc ngày đêm tính toán lập kế hoạch tác chiến để cuối cùng hiểu rằng không thể quét hết được cả lũ đông đúc đang nhung nhúc bám vào từng đường gân thớ thịt, chúng còn theo máu phát tán khắp cơ thể. Phương cách được xem là hữu hiệu nhất: thanh toán tên trùm tham nhũng. Hắn trú ở nơi quan trọng nhất: quả tim của bạn. Óc chỉ thị cho tim phải bóp nghẹt nỗi buồn chết người. Phương pháp điều khiển từ xa như vậy hợp thời và nhanh gọn, chỉ có điều thiếu sự bàn bạc trao đổi. Và tim đã không có cách nào để trình bày cho óc hiểu tính chất nguy hiểm của biện pháp bóp nghẹt nỗi buồn. Tim cứ thế thực thi như một người lính trung thành và giàu tinh thần kỷ luật. Tim cố sức bóp, bóp, bóp và nổ tung trong khi nỗi buồn vẫn còn nguyên. Nó ở lại đó, trên khối lầy nhầy đỏ thắm nát bét vốn từng là quả tim bạn.


            #6
              meocon_thongminh93 02.08.2006 14:09:21 (permalink)
              CON CHỮ


              Một hôm bên ngưỡng cửa cái chết, thấy Ka đứng đó, đối diện, ở đầu kia ngưỡng cửa, nói: sống là tự huỷ diệt còn viết là để tái tạo cuộc sống từ đống đổ nát của sự huỷ diệt ấy.

              Nhìn qua bên kia cánh cửa, ở đó những mảnh vụn của đống đổ nát mang hình con chữ. Những con chữ đã chết. Ka nhặt một chữ lên, tức khắc nó sống dậy. Tự hỏi nếu bước qua ngưỡng cửa, cái gì sẽ được nhặt lên, ... hay là mảnh vụn mang hình con chữ?

              #7
                meocon_thongminh93 02.08.2006 14:10:14 (permalink)
                Điện thoại


                Điện thoại để đầu giường, chỉ cần nhấc máy lên và alô xin "Tư vấn tâm lý tình cảm" là tất cả sẽ thoát ra khỏi cái cơ thể còm cõi 36 kilô của tôi, tất cả sẽ thốc ngược từ dưới lên và ộc ra đằng miệng, rồi chảy ồ ồ vào cái lỗ tai đang hết sức thông cảm ở đầu dây phía bên kia

                "Chị ơi, em sẽ giết. Rồi sau đó..."

                "Em sẽ chết, phải không?"

                "Không phải, em không chết được, đã tám năm rồi mà em không chết được."

                "Chị hiểu, chị nghe em đây, em nói đi, chị đang nghe em đây."

                Và tôi sẽ dốc hết, dốc hết. Thật dễ chịu khi nghe một giọng đầy quan tâm chị hiểu chị đang nghe em đây. Nhưng khoảng cách từ cánh tay tôi đến cái máy điện thoại đặt đầu giường là khoảng cách của tám năm kể từ hồi tôi mười bốn tuổi, không có cách gì để chạm được vào nó, mặc dù biết chắc rằng chỉ cần nhấc máy lên, một phút thôi, thậm chí chưa đến một phút, là tôi có thể gặp công an hoặc các dịch vụ hỗ trợ. Sao ông ta lại sơ hở đến mức cho lắp điện thoại trong cái phòng gần như biệt lập này. Không phải ông ta chủ quan mà chính là ông ta tự tin, từ lúc có điện thoại cho đến tận bây giờ, chỉ có mình ông ta sử dụng nó, ông ta biết chắc tôi bị tê liệt trước nó như tôi đã tê liệt trước ông ta trước tất cả những gì thuộc về ông ta những gì gợi đến ông ta. Tôi ở trong căn phòng này nhưng chỉ có ông ta mới thực sự hiện diện nơi đây, còn tôi tôi là không khí lấp đầy phổi ông ấy là nguồn nước phục hồi tuổi thanh xuân cho cái thân xác đã sắp tới ngưỡng già nua ấy là thức ăn ních đầy cái dạ dày ham hố ấy tóm lại là dưỡng chất cho cái sinh vật đáng nguyền rủa ấy từ tám năm nay, nhưng tôi không là gì cả chỉ là một khoảng trống giữa các đồ vật trong phòng (thật y như những nhân vật của Robbe-Grillet mà tôi đang được học ở học kỳ này, tôi là một hiện hữu-vắng mặt [présent-absent] song tôi không vắng mặt với người khác mà vắng mặt với chính tôi với chính cái tôi của tôi, nhiều lúc tôi muốn nhìn thấy nó, thấy gương mặt của cái tôi ấy muốn nghe giọng nói của cái tôi ấy muốn sờ vào hình hài nó muốn dùng dao cắt xẻo một phần cơ thể nó để xem nó có đau không, tôi hoàn toàn bất lực, không thể chạm được vào nó không thể chạm được vào khoảng-không-tôi, hàng ngày tôi nhìn cái khoảng-không-tôi ấy và chờ đợi cái tôi của tôi hiện hình, tôi hình dung nó xuất hiện trước hết như một hình bóng mờ ảo rất khó nắm bắt tận sâu trong không gian n chiều rồi nó hiện lên dần dần cho đến khi có thể phân biệt một hình hài có đường nét và càng ngày những đường nét càng lộ rõ đến mức có thể định hình định tính định danh, song cho đến nay tất cả mới chỉ là tưởng tượng, tôi chỉ biết một điều là tôi vẫn chưa thôi chờ đợi, rồi một hôm tôi nhận ra rằng duy nhất chỉ có nó, sự chờ đợi ấy, là thuộc về tôi, nghĩa là tôi sở hữu sự chờ đợi của mình) một khoảng trống đủ làm thoả mãn hắn ta, không có gì thuộc về tôi không có gì đễ xác định tôi là tôi. Nhưng cái khoảng trống là tôi lại đông đặc một khối cứng và chắc. Nếu tôi có thể bay hơi được như không khí tôi sẽ thoát ra ngoài bằng khe cửa sổ bay vút lên vòm trời xanh trên kia (cái vòm xanh cao và sâu trên ấy chưa bao giờ là của tôi), nếu tôi có thể tan chảy được như nước thì tôi sẽ luồn ra ngoài qua khe cửa chính đổ ào xuống thang băng qua phố phường trút xuống dòng sông. Tại sao các tế bào của tôi lại kết dính vững chắc đến vậy, tại sao các tế bào của tôi không bị phân huỷ tan rã và bốc mùi hôi thối, như vậy hắn sẽ ghê tởm mà tránh xa tôi ra. Hắn tìm thấy niềm vui thú gì ở cái thân xác khô héo 36 kilô của tôi mà các bộ phận đã tàn lụi trước khi kịp bung nở chẳng bao giờ còn bung nở được nữa.

                Một lần tôi đã hỏi mẹ: "Mẹ còn chờ gì nữa?"

                "Mẹ không phải là mẹ."

                "Và con cũng chẳng phải là con."

                "Khi tám năm ròng..."

                Một khối đau khổ man dại trong mắt ngăn không cho mẹ ngẩng đầu lên, tôi thèm được nhìn vào đôi mắt ấy, tôi thèm được đôi mắt ấy nhìn vào tôi một lần để thấy sự đau khổ nỗi dày vò của tôi, tức cũng chính là nỗi thống khổ của bà.

                "Mẹ không muốn làm gì sao? Chưa bao giờ mẹ muốn làm một điều gì để chấm dứt chuyện này sao? Báo cho họ hàng? Báo cảnh sát?"

                "Con biết rõ vì sao mẹ không thể làm gì được."

                "Con không biết con không biết con không biết."

                Về phần mẹ, tôi vừa hiểu vừa không hiểu tại sao mẹ chấp nhận một tình trạng như vậy cho mẹ và cho con gái mẹ, tại sao mẹ chịu đựng sự nhục nhã khổ sở ấy, sự khổ sở tăng lên gấp bội vì tôi là con gái mẹ. Còn về phần mình, tại sao tôi chấp nhận? Tôi sợ cho mẹ, phải chăng đó là lý do lớn nhất cho đến lúc này. Và cho đứa em gái sắp đến mười bốn tuổi của tôi, đứa em gái cùng mẹ khác cha với tôi, tôi vừa là chị vừa là dì ghẻ của nó, một căn phòng biệt lập, y hệt như căn phòng tôi ở đây, và cũng chính trong ngôi nhà này, đang chờ đợi nó. Ông ta sắp giằng nó khỏi vòng tay mẹ để ném nó vào cái chốn sẽ biến nó thành một khoảng trống giữa các đồ vật, bên cạnh khoảng-không-tôi sẽ có thêm khoảng-không-nó, sẽ chỉ duy nhất mình tôi nhìn thấy cái khoảng-không-nó ấy. Tôi nhìn thấy nó tám năm sau cũng y hệt như tôi bây giờ, mà có lẽ không cần đến tám năm, có khi chỉ một năm thôi, có khi không đến một năm.

                Tôi lại nhìn cái điện thoại. Nếu một sinh viên đại học năm thứ ba như tôi mà không thể nhấc nổi một cái máy điện thoại, không biết bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào thì đó là lỗi tại ai? Báo công an ư? Thì chẳng lẽ lại báo cho chính ông ta sao, ông ta chẳng phải là công an sao? Mẹ đã chọn ông ta vì muốn được bảo vệ và ông ta đã bảo vệ chúng tôi theo cách đó để cho không một nguy hiểm bên ngoài nào có thể tác động được đến chúng tôi, không một thế lực nào có thể bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà này mà không trút bỏ toàn bộ sức mạnh ở ngoài cửa, không một thế lực nào đủ sức mạnh bắt chúng tôi mở miệng, bắt chúng tôi mở toang những bí mật nhục nhã của mình.

                Tôi nhìn vào khoảng-không-tôi và chờ đợi. Tôi sẽ bỏ học hôm nay ngày mai ngày kia thậm chí sẽ bỏ hẳn nhưng tôi sẽ đợi, đợi cho đến khi nào khoảng trống ấy được lấp đầy thì thôi (như thế có dễ hơn việc nhấc máy điện thoại lên không, tôi không biết không cần biết) vì đến trường đối với tôi là một giấc mơ tự do không thành nhưng ngày lại ngày vẫn phải mơ đúng sáu tiết trên giảng đường ở đó tôi là một hiện hữu-vắng mặt giữa bao nhiêu người ngồi quanh, tôi mong có một ai đó sẽ nhìn thấy tôi và cái khoảng-không-tôi cùng một lúc nhưng đó lại là một giấc mơ tri âm không thành, mọi người hẳn đã đem hàng vạn lý do để cắt nghĩa cho cái khối 36 kilô kỳ cục là tôi nhưng không mảy may một bình luận nào đến được với tôi mà giả sử tôi có biết được chăng nữa thì nó cũng không mảy may làm thay đổi tình trạng khốn cùng của tôi, "sự khốn cùng của con người là cơ hội của Chúa", chẳng biết Nguyễn Việt Hà đã dẫn câu này ở phần nào trang nào dòng nào trong kinh thánh, tôi là một cơ hội của Chúa nhưng Chúa đã chối từ cơ hội này. Tôi biết nhờ có Chúa con người được nội cảm hoá triệt để thành nhân cách tự do và duy nhất, con người được hoán cải tận chốn sâu thẳm nhất của bản thể, con người trở thành một linh hồn có giá trị tuyệt đối và nhờ đó có thể thoát khỏi mọi ràng buộc vào nhóm và cộng đồng, thoát khỏi mọi ràng buộc. Tôi học được điều đó trong sách. Tôi còn biết rằng, với Sénèque, điều quan trọng là tự mình thành chính mình, phải sung sướng về bản thân mình; với Michel Foucault, nghệ thuật sống phục tùng nguyên lý phải quan tâm đến bản thân mình. Nếu tôi có thể biến những sức mạnh trong sách thành sức mạnh của tôi. Nhưng tất cả những từ đó đều xa lạ với tôi, những nghệ thuật sống, tự do, bản thân, quan tâm, chính mình, dù tôi có lặp lại hàng trăm lần thì với tôi chúng hoàn toàn vô nghĩa, chúng là những từ rỗng, mỗi từ là một khoảng không mà tôi chẳng thể lấp đầy. Ông ta thậm chí không hề phản ứng khi tôi liên tục lảm nhảm : chính mình, bản thân, bản thân mình, cho tới lúc không còn đủ sức để lảm nhảm nữa.

                Tôi nhìn vào khoảng-không-tôi và chờ đợi. Hôm nay đã là ngày thứ mười tôi bỏ học. Tôi nhìn thấy một vết nứt giữa khoảng-không-tôi và nó dần dần bị xé rách để lộ một hình hài mơ hồ trần trụi (chắc cũng trần trụi như tôi khi lọt lòng mẹ, trần trụi và trong vắt, có lẽ không dính tí bụi nào), mắt tôi từ đây không rời hình hài đó nữa. Ngày thứ mười lăm tôi nghỉ học, hình hài càng hiện rõ càng mất vẻ trần trụi, tôi có thể nhận thấy cái váy rất quen thuộc nhưng không nhớ được tôi đã mặc nó hồi nào (nhưng tôi đã từ tám năm nay không còn biết gì về bản thân mình thì làm sao còn nhớ được mình đã từng mặc cái váy nào). Ngày thứ hai mươi, phía sau hình bóng giờ đã định hình rõ nét là khoảng không chói sáng, mái tóc dày và dài phủ lấy bờ vai, tôi chưa bao giờ có mái tóc như vậy (tóc tôi chưa bao giờ để xoã, lúc nào cũng bị buộc gọn sau gáy, bị cầm tù bởi những cặp tóc to màu xám những cặp tóc của tôi lúc nào cũng chỉ có một màu duy nhất, màu xám), không thể trông thấy gương mặt, như khi ta nhìn ngược sáng, khuôn mặt chìm trong bóng đen. Ngày thứ ba mươi, khuôn mặt vẫn chìm trong bóng đen, vậy ra tôi không thể biết được gương mặt cái tôi của tôi như thế nào hay sao? Ngày thứ năm mươi, sau thất bại ở những nỗ lực cuối cùng, tôi nhắm mắt lại, và khi tấm màn đen của hàng mi buông xuống, gương mặt bí ẩn kia đột ngột sáng rực lên. Tôi thấy gương mặt em tôi trong mái tóc của nó (đúng là mái tóc của nó, và cả chiếc váy cũng là của nó). Tôi đã nhìn thấy em tôi trong khoảng-không-tôi.

                Điện thoại để đầu giường, tôi nhấc máy lên và alô.




                #8
                  meocon_thongminh93 02.08.2006 14:10:58 (permalink)
                  VĨNH AN

                  Vĩnh An hai tháng tuổi có đôi mắt của một thiên thần. Vĩnh An sáu tháng tuổi có khuôn mặt của thiên thần nhưng mắt không nhìn ai hết. Vĩnh An mười sáu tháng tuổi có cái miệng thiên thần nhưng không nói gì hết. Phước An ba tuổi có trái tim thiên thần ôm em hỏi em rằng Vĩnh An có nhìn thấy chị không. Vĩnh An suốt đời sẽ không nhìn thấy gì và không nói gì nhưng cả hai chị em đều biết rằng Vĩnh An nhìn và nói bằng trái tim của Phước An.



                  #9
                    meocon_thongminh93 02.08.2006 14:11:23 (permalink)
                    Sao và Đất


                    Hắn thoát khỏi cơn cuồng nộ tăm tối, lọt ra ngoài qua lỗ hổng của hàng rào chè mạn. Hắn chạy. Hắn thù đám sao trên trời. Quá nhiều sao cho một kẻ chạy trốn như hắn. Một cái bóng trắng trên đường xô vào hắn mà trong cơn hoảng loạn hắn đã đẩy bắn vào bụi cây bên đường nhưng không một tiếng kêu nào thốt lên. Cái bóng trắng lồm cồm bò dậy, một cử chỉ mơ hồ như muốn nói với hắn rằng đừng sợ (nếu hắn đừng sợ được thì tốt biết mấy) nhưng hắn cứ thộn mặt ra không biết nên dừng lại hay tiếp tục chạy. Hắn nhào lên phía trước với một phản xạ chỉ có trước nguy hiểm. Cái bóng lao theo hắn lạnh toát lốm đốm phấp phới tơi tả. Hương đây. Hương. Hắn biết cô ta. Một cô gái thuộc thành phần cơ bản. Cô ta muốn bắt hắn. Không, cô ta muốn chỉ cho hắn một chỗ an toàn. Phải, hắn đã đi học quá lâu, không còn thuộc vùng này nữa hay vì đầu óc mụ mị nên chi đi trên quê cha đất tổ mà cứ tưởng một vùng nào mới lần đầu đặt chân đến.

                    Hắn thấy cái bóng trắng lọt vào một cái ngõ rồi mất hút trong đó như bị hút vào một hành lang địa ngục. Hai hàng tre dày đặc không để cho một tia sáng nào lọt qua. Hắn chui vào theo. Cô ta nắm lấy tay hắn. Hai người mò mẫm đi. Một lớp vải đen bưng lấy mắt hắn, cái giọng rít róng của bà thím chĩa vào ông nội hắn: “Hắn ức hiếp tôi, hắn là địa chủ nòi, hắn bắt tôi hầu đủ một năm ba trăm sáu mươi ngày. Nhà có mấy cái bát đẹp không bao giờ tôi được dùng đến. Còn thằng kia (là cha hắn) cậy được học vài chữ ra điều khinh thường chúng tôi. Chả gì thì tôi cũng là em dâu hắn. Tôi mà không nai lưng ra quần quật thì hắn lấy đâu cái bỏ vào mồm mà đọc sách. Đốt hết mẹ nó đi. Các ông cứ xử mạnh vào”. Ông nội hắn câm lặng nhìn cô con dâu thứ tay giơ lên nhịp theo từng câu nói. Tử khí từ cái nhìn loang ra đẩy hắn núp sâu vào góc. Bóng đen dày thít chặt lấy hắn. Rồi hắn lại nhìn thấy sao. Hình như họ không bị đuổi theo. Một con chó xồ ra. Không phải tại hắn, không phải tại hắn cố ý gây tiếng động, tại sao cô ta có thể nghĩ như thế. Không, cô ta không nghĩ như thế. Cô chạy như một cái bóng, kéo cả hắn theo. Ra đến cánh đồng, họ dừng lại, thở. Hắn hỏi:

                    -Tại sao cô giúp tôi?

                    -Tôi không biết. Có thể vì anh là người duy nhất trong làng được học hành.

                    -Cô muốn đi học ư? Nếu chúng ta thoát được, tôi sẽ dạy cô học.

                    -Số tôi không được học.

                    Hắn ôm cô, vòng tay trống hoác.

                    -Chúng ta không có thời gian.

                    Hắn nhìn cánh đồng rộng.

                    -Không, đi hướng này.

                    Cô ta rẽ trái, men theo bờ luỹ dày. Gió thổi lộng ba phía. Họ tới làng bên. Hắn biết rõ làng này, nhưng giờ đây, hắn không còn nhớ nổi tên làng nữa. Có vẻ ít rậm rịch hơn làng hắn. Không có địa chủ ư? Hay đã xong rồi. Họ lại chui vào con đường tối thui dưới vòm tre ken dày. Chẳng khác gì con đường bên làng hắn quánh đặc bưng bít hăm doạ ngạt thở. Tiếng tim hắn cũng thình thịch như thế, không to hơn, không nhỏ hơn. Không nhanh hơn, không chậm hơn. Ra khỏi cái hành lang địa ngục thì tiếng thình thịch bỗng trở thành một nguy cơ thế chỗ một cách hoàn hảo vào cái bóng đêm vừa thù địch vừa an toàn vừa chế nhạo vừa che chở hắn. Thình thịch, thình thịch theo bước chân hắn. Hắn lại nhìn thấy sao. Hình như hắn đang say. Không hắn đang sống vào cái giai đoạn không ai có thể say được. Có nhiều thứ để say, ngoại trừ sao trời. Bên phải, bên trái, bên phải, bên trái, ngôi sao bản mệnh ngoằn ngoèo trên đầu, con đường hai người đi chen vai ngoằn ngoèo dưới chân. Bên phải, bên trái, thình thịch, thình thịch, thình thịch bên phải, thình thịch bên trái. Thình thịch đằng trước, thình thịch đằng sau. Không có ai ngoài hắn và cô ta. Vậy mà hắn sợ, nỗi sợ làm hắn tan loãng, làm hắn chảy nhão ra bên cạnh cái bóng trắng toát của cô ta. Làm sao cái bóng trắng nhẹ tinh như vậy mà tiếng thìch thịch lại nặng trịch đến thế?

                    Cái tĩnh lặng tuyệt đối làm hắn nghẹt thở. Vậy là hắn đã để lại sau lưng tất cả: ông nội, bố hắn, bà thím, địa chủ, cố nông, tiếng chó sủa, nỗi sợ, bóng tối, tiếng thình thịch, tất cả đã kết thúc. Chỉ còn sao trên trời và cái bóng trắng dịu dàng ngay bên cạnh phập phồng trong tiếng thở gấp gáp đang dịu dần. Hắn đã được giải thoát, là vì hẳn hắn đã được sinh ra dưới một vì sao tốt, hắn được bảo trợ, chỉ có số mệnh là đáng kể. Số mệnh đã muốn hắn được bình yên vô sự.

                    Hắn và cô ấy đã được bình yên vô sự trong một cái hố. Một cái hố đào vội ngay tức thì cực kỳ thích hợp với những hình thức tuyên án không cần xét xử. Ánh sáng đỏ quạch của những ngọn đuốc đảm bảo cho cái hiện thực mà hắn không thể chối bỏ bằng cái cách quen thuộc của hắn, tức là cho rằng đấy chỉ là một giấc mơ. Những lời tra hỏi trượt ra khỏi cái đầu bướng bỉnh đang cố tìm lại những vì sao hấp hối dưới ánh đuốc. Sự im lặng đần độn của hắn hẳn làm phát rồ những kẻ tra khảo. Và hắn bị đẩy xuống hố cùng với người bạn đường, bản án đã được phán quyết, nhanh gọn và hiệu quả.

                    Tristan và Iseult, trong đầu hắn thoáng hiện lên mấy từ đó. Mấy tiếng cười khùng khục trong cổ hắn. Cô ta không có mái tóc vàng cũng chẳng có bàn tay trắng. Chữ biết vừa đủ để không phải điểm chỉ vào đơn từ. Cô ta đã nói gì? Không cô ta chẳng nói gì cả. Sao cô ta không nói gì để thoát khỏi cái hố này, cô ta không có lý gì để ở lại đây, họ biết rõ mà, sao họ vẫn đẩy cô vào cái huyệt lẽ ra chỉ dành riêng cho hắn. Nhưng có thật là họ biết không nhỉ? Họ biết điều gì và không biết điều gì? Họ có biết rằng nếu giữa hắn và cô ấy có tình yêu thì hắn sẽ chẳng mong gì hơn vì Tristan và Iseult cũng chỉ cần có vậy. Trong cái hố này, không có tình yêu, chỉ có oan uổng, phi lý. Hắn cảm thấy cái chết đã dâng ngập đến cổ. Hắn nhận ra xẻng đất đầu tiên hắt xuống đầu hắn vì một cục đất đã che mất ngôi sao. Rồi ngôi sao lại hiện ra, biến mất, hiện ra, biến mất, hiện ra, biến mất... Chân hắn giờ đây đã là đất. Đất không lọt được vào giữa háng hắn. Hai bắp đùi dính chặt vào nhau. Chỉ có chỗ ấy là da thịt, da thịt địa chủ, còn lại là đất. Đất mẹ bao bọc hắn trong cái ôm tử thần. Đất mẹ dịu dàng. Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh. Hắn bắt đầu nghẹn thở. Hiện ra, biến mất, hiện ra, biến mất, hiện ra, biến mất... Cái của quý của hắn cũng đã bị chẹt giữa những cục đất. Chính đất này đã làm sinh sôi bao mùa màng bội thu. Đất này đã nuôi dưỡng bao thế hệ. Hắn đã lớn lên trên đất này. Hắn nghĩ đến con hắn, đứa trẻ đáng ra cũng sẽ lớn lên trên sự màu mỡ của những hạt đất đang lấp dần sự sống của hắn, đứa trẻ có lẽ sẽ uống dòng sữa trên bộ ngực mỡ màng của cô gái đang sát ngay cạnh hắn nhưng đã bị tách khỏi hắn bởi lớp đất ngày một dày hơn lên dày hơn lên dày hơn lên. Con hắn. Hai từ đó khiến trái tim hắn mủn ra và dương vật hắn trỗi dậy, nó bật lên chống lại lớp đất đang mỗi lúc một nén chặt xung quanh nó. Nó phóng thẳng cường tráng mạnh mẽ nóng hổi như một mũi dùi khoan thẳng vào lòng đất. Tiếng la hét hoảng loạn bên tai hắn. Iseult tóc đen, miệng cô ta đầy đất thì phải, tiếng kêu nghèn nghẹt. Một con giun phóng ra từ tiếng kêu, chu du trên cái mũi thanh tú, rồi hành trình kết thúc dưới một xẻng đất nặng. Giun ơi, vĩnh biệt mi. Hiện ra, biến mất, hiện ra, biến mất... Nhịp điệu ngày càng nhanh hơn, dồn dập hơn. Hắn chưa biết tình yêu là gì thì còn nói chi đến chuyện làm tình. Hắn không hiểu chuyện gì đang xảy dưới đó với cái biểu tượng nam tính của hắn, với cái dụng cụ truyền giống của hắn. Nó hoạt động nhịp nhàng với cái nhịp điệu của những xẻng đất đang rơi xuống đầu hắn. Đất thít vào ôm chặt lấy hắn vòng ôm cay nghiệt và dịu dàng. Hắn đẩy sâu vào đất, đất cũng nóng hổi mơn trớn hắn. Hắn lặng lẽ hưởng cái hạnh phúc không ai có thể ngờ ấy. Đất đồng loã với hắn đẩy hắn lên địa vị của kẻ thắng cuộc. Đất sẽ gìn giữ nguồn sinh lực dồi dào chưa một lần hao phí của hắn. Hắn đưa mắt tìm những vì sao đang hiện ra biến mất dưới những xẻng đất trong khi vẫn tiếp tục hoạt động với một cường độ mà không một đàn ông nào có thể đạt tới. Hắn bắt đầu làm cho đất trở nên ẩm ướt rồi nhão ra bằng thứ chất lỏng bỏng rÊt, hỗn hợp của tình yêu và nỗi sợ hãi trương phình trong hắn. Không còn tiếng kêu gào nữa. Cổ hắn cũng không quay được nữa. Miệng cô ta bây giờ ở đâu? Trên hay dưới mặt đất? Chắc bên trong và bên ngoài cái miệng ấy đều đầy đất. Đất. Bộp. Đất. Bộp. Hiệnra, biếnmất, hiệnra, biếnmất ... biếnmất ... biếnmất ... biếnmất.

                    Những ngôi sao đã biến mất. Xung quanh hắn chỉ còn có đất và đêm đen. Người ta đã tước đi của hắn những ngôi sao và trả hắn về với đất. Hắn là con địa chủ thật đấy nhưng hắn chỉ biết có sách vở, xưa nay chưa hề biết thế nào là làm chủ đất đai, hoá ra làm chủ đất đai là thế này đây. Tinh trùng của hắn đang chảy vào mạch đất. Hắn không thể hình dung nổi liệu sự kết hợp giữa con người và đất sẽ hoài thai nên cái gì nhưng hắn vẫn hy vọng nguồn sống của hắn sẽ không uổng phí.

                    Thật thế, tinh trùng của hắn gặp những hạt đất mềm mịn kết thành nang bào. Chúng lớn dần lên thành những quả trứng có vỏ dày cứng. Tất cả trứng tập trung vào một chỗ và chín thập niên sau cựa mình trỗi dậy. Mặt đất mở ra. Một người đàn bà nông dân mông to ngực nở lưng ong quảy đôi quanh gánh đi ngang qua, bà nhặt toàn bộ chỗ trứng ấy và đếm được một trăm quả. Đó là người đàn bà vô sinh bị chồng ruồng rẫy sống trong một túp lều trơ trọi dưới rặng tre bên triền sông gần ngôi miếu đổ mà hàng đêm lũ chó hoang vẫn đến đấy họp đàn trong nỗi sợ của bà. Ngày hôm sau bà đã là mẹ của một trăm chàng trai ưu tú.

                    Tất cả chỉ trong một giây trước khi hắn hoàn toàn thuộc về đất -- người yêu trong bóng tối thiếu những vì sao.



                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9