Thầy trò và... bãi rác [image]http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=32979[/image]
Lớp học của ông Kền
TTCN - Cả làng trên 1.000 người dắt nhau đi nhặt rác. Mỗi ngày hàng trăm tấn rác hôi thối được tha về biến cả làng thành... làng rác. Trẻ em mới lên 5-6 tuổi cha mẹ đã vứt cho cái bao tải và cây móc sắt đi nhặt rác từ tinh mơ đến tối mịt.
Chúng lớn lên mà trong đầu có một từ quan trọng nhất: rác! Dù chúng không biết viết nó thế nào. Cho đến khi chúng gặp được ông giáo già tên Phạm Văn Kền, ở phường Tràng Minh, quận Kiến An (thành phố Hải Phòng).
Năm 1991, ông bắt đầu biến nhà mình thành “học đường” đón những đứa trẻ nhặt rác trong vùng về học chữ. Một tấm bảng đen treo lên tường. Bên dưới mấy chục bàn ghế đóng tạm. Ông phải đến từng nhà nài nỉ. Thấy ông giáo tới, cha mẹ bọn trẻ còn vặn: “Chữ có đẻ ra tiền như rác không?”. Ông bảo: “Chúng không đi học, làm sao biết tính tiền, biết ký vào giấy kết hôn khi lớn? Tôi mời chúng đến nhà học miễn phí, không cần khoản đóng góp nào”. Nể ông giáo cứ “dai như đỉa”, cha mẹ bọn trẻ mặc cả: lũ trẻ có thể đi học nhưng mỗi tuần chỉ đi ba buổi, còn 11 buổi phải đi mổ rác để nuôi gia đình.
[image]http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=32981[/image]
Lớp học trên rác và ngôi trường trong mơ
Ba năm đầu, năm học nào căn nhà ông cũng chật cứng 30-40 học trò. Có đứa mới 6-7 tuổi, nhưng cũng có trò đã... 30-35 tuổi. Đó là những lớp học đặc biệt nhất trong đời ông: lớp học của những đứa trẻ nhặt rác có cái bụng đói cơm, cái đầu đói chữ. Chúng đông tới mức ngồi tràn cả ra bậu cửa. Học lớp ban ngày không xuể, ông mở cả lớp ban đêm. Đêm, tiếng bầy trẻ lại râm ran từ bãi rác xách đèn dầu về lớp học. Học không có nghỉ hè. Học cướp thời gian, vừa xong chương trình lớp 1 là nhảy ngay lên lớp 2. Tất cả chương trình đều do ông tự biên soạn. Một mình ông dạy cả ba lớp, dạy ba thứ căn bản nhất: chữ, số và nhân cách sống.
Đến năm 1994, lượng trẻ lượm rác kéo đến “tầm sư” quá tải khiến ngôi nhà ông hư nặng. Ủy ban Bảo vệ & chăm sóc trẻ em quận Kiến An mới giúp thêm ít tiền để ông “lên đời” ngôi nhà trong khu vườn cạnh chợ Tràng Minh để thầy trò chuyển ra đó. Từ đó lớp học của ông được gắn cái tên ”lớp học tình thương”- cái tên đầu tiên ở Hải Phòng. Lớp nằm sát chợ. Sáng nào bà con qua chợ cũng ngó vào xem đám học trò đang ngồi răm rắp đọc i, tờ.
Cái lớp học thật “khôi hài”: thầy đã 70, râu tóc trắng lưa thưa, còn lũ trò đứa mới lên bảy, kẻ đã 13, 14 lấm lem mùi rác... cùng ngồi tùm lum và bắt đầu tập đọc, viết những chữ cái sơ đẳng nhất. Những đứa trẻ mắt chữ “o” mồm chữ “i” căng thẳng uốn theo nét phấn nơi bàn tay thầy khẳng khiu như khúc củi. Và dần dần, những bàn tay trẻ chỉ quen cầm móc mổ rác đã có thể viết những chữ cái o, a, b, c nắn nót, có thể đánh vần tên của chính mình.
Ông nói: “Khi học bọn trẻ quên đi thân phận nhặt rác dù mùi rác còn theo chúng vào lớp học. Đứa nào trông cũng tội. Cha mẹ tử tế còn mua cho bút, vở. Nhiều đứa cha mẹ bỏ bê phải dùng tấm bìa nhặt từ bãi rác tập viết”. Vì ma lực của rác và áp lực của cha mẹ luôn giằng kéo lũ trẻ khỏi lớp học nên bọn chúng càng phải xả thân lượm rác để thỏa cơn khát học chữ. Hôm nào bọn trẻ cũng cắp theo sẵn bao tải tới lớp, để vừa tan học là chạy túa ra các bãi rác làm việc.
Chuyện ông già mở lớp tình thương đâu ngờ lại gây nên vụ xìcăngđan lớn bởi đúng lúc ông đang tìm cách nhét chữ vào đầu bọn trẻ thì Phòng giáo dục quận Kiến An đã... trót báo cáo lên thành phố thành tích cơ bản xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Đã “phổ cập” thì không thể lòi ra (và không thể để tồn tại) cái lớp tình thương mỗi năm chiêu nạp hàng chục đứa trẻ nhỡ tuổi chưa hề biết nửa chữ của ông Kền (!?). Suốt thời gian dài người ta ấm ức “phê” lớp học này làm giảm thành tích không chỉ của quận mà cả thành phố. Đó là lý do suốt 13 năm ngành giáo dục gần như bỏ rơi ông già và đám học trò nhặt rác. Thật may còn một nơi duy nhất đỡ đầu ông: Ủy ban Bảo vệ & chăm sóc trẻ em.
Ông Phạm Văn Kền trước lớp học tình thương cũ được xây ngay trên mảnh vườn cũ của ông
Những người này dù rất thương ông song họ chỉ biết hỗ trợ kinh phí giúp bọn trẻ, còn chương trình dạy ông giáo già phải lo. Theo qui định, những lớp phổ cập phải theo chương trình rút gọn nhưng phòng giáo dục không cho tài liệu nên ông đành dùng sách giáo khoa chung.
Mỗi năm mỗi lớp chỉ được... một cuốn giáo khoa duy nhất, nên thầy phải mang ”báu vật” ra cửa hiệu chụp thành nhiều bản để phân phối cho từng trò! Giấy, bút, phấn, bảng học sinh, ông giáo tự sắm giúp, một phần bằng tiền lương hưu, phần còn lại ông phải lang thang “xin” trên quận. Năm nào cũng xin, có người dè bỉu ông là “kẻ ăn mày cho lại những đứa ăn mày”. Ông nghe nhưng chẳng giận vì biết mình đang làm một điều có ý nghĩa.
Nhiều năm trôi qua, cái lớp học khốn khổ, bị miệt thị ấy cứ leo lét như ngọn đèn dầu trước bão. Hàng trăm đứa trẻ quăng đời vào rác đã biết cộng trừ nhân chia, đọc được tên các diễn viên trên tivi, ký được tên mình vào sổ đăng ký kết hôn, viết thư tỏ tình. Nhờ ông, chúng biết sống có tâm hồn, nhân cách hơn...
Cho đến một lần, sáu chuyên gia Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, đến thăm lớp học của ông già. Rồi sau đó Tổ chức “Tầm nhìn thế giới” xây tặng ông và lũ trẻ nhặt rác một ngôi trường trị giá trên 1 tỉ đồng ngay tại trung tâm phường Tràng Minh, vì thấy lớp học tình thương trên khu vườn của ông quá xập xệ. Ngôi trường trong mơ ấy đã làm bừng sáng cả ngôi làng ngập rác, làm bao người phải sững sờ. Nó tọa lạc trên khuôn viên rộng một mẫu gồm hai tầng, tầng trên là một hội trường, tầng trệt có hai phòng lớn dành cho học sinh từ lớp 1 - 5. Trường mới bắt đầu sử dụng từ đầu niên học 2003-2004, còn thơm vôi vữa.
[image]http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=32983[/image]
Ngôi trường chỉ có... hai thầy!
Tổng số học sinh hiện tại đang được xóa mù chữ (gồm từ lớp 1- 5) trong ngôi trường này là 42 em, trong số đó có cả trẻ nhặt rác của phường, quận khác. Từ khi có trường mới, sức khỏe ông thầy già 80 tuổi sút hẳn bởi đã 60 năm hít bụi phấn (trước khi nghỉ hưu ông có 40 năm làm giáo viên THCS).
Ngôi trường do Tổ chức "Tầm nhìn thế giới" xây tặng tháng 10-2003
Cấp trên điều thêm một cô giáo xuống “tiếp sức” lớp 4 và 5 (dạy hợp đồng) để ông đảm nhận lớp 1 và 2. Mỗi tuần ba buổi hai, tư, sáu. Những buổi còn lại ông vẫn dành thời gian cho lũ trẻ đi nhặt rác. Song giờ đây bọn chúng đỡ nhặt rác hơn vì đã được Tổ chức “Tầm nhìn thế giới” cứu trợ mỗi em 60.000 đồng/tháng (mỗi buổi học 5.000 đồng) để ràng buộc chúng đến trường. Riêng ông già cũng được “thưởng” 100.000 đồng/tháng, đó là khoản tiền ít ỏi duy nhất mà ông được trả công từ năm 2003 đến nay.
Lạ. Hiếm thấy nơi đâu bọn trẻ đi học đã không phải đóng góp gì lại còn được tiền. Và cũng vì chuyện “ngược đời” ấy mà từ khi có trường mới, tư duy người dân trong làng đã quay ngoắt 1800. Người ta đua nhau dẫn lũ trẻ đến xếp hàng trước nhà ông khóc lóc xin được vào trường “tầm nhìn” vì học ở đây vừa không mất tiền, hằng tháng lại còn có “lương”! Tất nhiên chỉ những gia đình quá khó khăn khiến lũ trẻ có nguy cơ thất học ông già mới nhận. Còn với các gia đình khá giả ông đều khuyên họ nên cho con đến trường công. Tuy vậy, nỗi đau vẫn bóp trán ông già. Khi lượng học sinh mù chữ xếp hàng chật kín cổng trường, sức ép quá tải bắt đầu nổ ra.
Ngày xưa, ông phải đến tận nhà năn nỉ chúng, bây giờ chúng tự kéo đến đón không xuể. Trong khi cả ngôi trường lớn chỉ có hai người (một đã quá già, một còn quá trẻ), nên ông chỉ dám giữ chân lũ học trò đến lớp 5 là đành cho chúng “tốt nghiệp”. Và sau khi cầm tấm bằng làm từ nước mắt của thầy, hầu như chúng lại quay về bãi rác - nơi chúng đã từ đấy bước tới trường.
Lý do: không trường THCS công hay tư nào chịu đón chúng để đào tạo tiếp, phòng giáo dục không công nhận lớp học này. Ông Kền chua xót: “Tôi có đủ chữ để dạy bọn trẻ học tới lớp 9, nhưng nếu tiếp tục giữ chúng thì không thể tiếp nhận thêm các lớp 1 và như vậy số trẻ mù chữ lại sẽ ùn đầy lên như rác!”. Chỉ có hai người “cõng” trên lưng cả mấy chục học trò làm sao kham nổi? Đó là sự bất lực đầy đau đớn sau bao nghị lực cao thượng của một ông già khi chính những người có trách nhiệm ở Hải Phòng lại dửng dưng.
ĐẶNG THÁI HUYỀN
Chủ Nhật, 13/06/2004, 08:00 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=36953&ChannelID=3