(URL) THƠ TÌNH CỦA PHẠM NGỌC THÁI
NHỮNG NHÀ XUẤT BẢN (HOẶC CÁ NHÂN) TRONG NƯỚC CÙNG QUỐC TẾ - NẾU NHẬN COM MĂNG XUẤT BẢN " TUYỂN THƠ ĐẠI BÀNG " CÓ MỘT KHÔNG HAI NÀY, XIN NGHIÊN CỨU VÀ LIÊN HỆ VỚI TÁC GIẢ .
Bài thơ 17:
TRONG MƯA
Mưa rơi nhẹ như là tóc ấy
Giống dải lụa mềm quấn nỗi buồn bay
Mưa rơi khẽ như hoa vậy
Vỗ vào đêm hoá các nốt đàn gày!
Em có thầm nghe mưa bay ngoài đó
Em có buồn khi gió thổi đêm đêm,
Đứng trong mưa hồn anh tràn bão tố
Mưa rơi vào anh...tan ra nơi em xa không?
Em bước nhẹ!...những tháng năm hoang dại,
Về bên anh mái tóc rối tơi bời
Anh hôn mãi những giọt mưa em thuở ấy
Dẫu chỉ thấy còn bong bóng vỡ đầy môi...
Phạm Ngọc Thái
1992
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2010 11:00:27 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 18:
EM BÁN XOÀI
( kỉ niệm nhớ đêm đến Nha Trang
những ngày sau chiến tranh ) *
- Anh trai mua xoài cho em đi?
Nha Trang! Ta nhớ Nha Trang!
Em bán xoài đi đêm trên cát trắng
Bãi biển chập chờn kiếp đời các cô gái lang thang
Dưới hàng dừa se sẽ gió ru êm
Dãy cột đèn đứng đêm côi lạnh.
Xoài em chín...đêm tàn canh em đón khách
Giọt thơ buồn như ngọc sương rơi,
Em bán xoài thơm! Em bán xoài thơm!
Biển to lớn - Bóng em nhỏ thẫm
Linh hồn treo ngoài thế giới em đi
Trên những cành dừa hay trong đám mây qua?
Thế giới em đi Vòng Thiên La Địa Võng
Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi...
Xoài em thơm! Hương toả mát thân người,
Ai mua xoài?
Còn ai có mua em?
Các cô gái đi đêm như các cột đèn
Bóng nuốt lẫn vào bờ cát ấy...
Biển ru ta và ta ru em
Dưới hàng dừa xứ sở gió ngàn năm .
Phạm Ngọc Thái
1992
------------------
Vào mùa hè năm 1975, những ngày sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng: Tôi cùng với một nhóm sĩ quan quân giải phóng từ Sài Gòn đến thành phố Nha Trang. Buổi tối đó chúng tôi ra thăm biển và đã gặp những cô gái bán xoài.
Một em gái trẻ rất dễ thương, thân hình bó lẳn trong chiếc áo cánh chẽn mềm mỏng tới mời tôi...Không hiểu sao lúc đó tôi lại từ chối? Nhưng rồi bao năm tháng qua đi, hình ảnh người con gái ấy cứ đọng mãi , in sâu vào kí ức tôi thành một kỉ niệm.
Ngót hai mươi năm sau, tới một ngày những xúc động xưa lại quay về...Và bài thơ Em Bán Xoài (EBX) đã ra đời từ đó:
Em bán xoài đi đêm trên cát trắng
Bãi biển chập chờn kiếp đời các cô gái lang thang
Đó là những thân phận nổi trôi sau một cuộc chiến tranh, những kiếp đời cát bụi...Những kiếp đời ấy thật nhỏ bé, côi cút trong cả biển sống đầy sóng bão chỉ muốn nuốt chửng lấy nó:
Biển to lớn - Bóng em nhỏ thẫm
Linh hồn treo ngoài thế giới em đi
Trên những cành dừa hay trong đám mây qua?
Đó là những thân phận lạc loài , linh hồn gần như không có nơi bám víu. Cái thế giới mà các cô gái đang đi, đang sống trong đó thật hãi hùng giống như Vòng Thiên La Địa Võng...Sống hôm nay không biết đến ngày mai:
Thế giới em đi Vòng Thiên La Địa Võng
Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi
Mặc dù sự tồn tại của thế giới đó, chính phải nhờ vào vị thơm của những trái xoài và hương mát của những người con gái kia!Thế mà ngay sự tồn tại của em cũng vật vờ cát bụi:
Ai mua xoài?
Còn ai có mua em?
Tôi cứ nhìn mãi vào bóng biển xanh đêm đó: thế giới biển vừa dạt dào sóng vỗ vừa sâu thăm thẳm... Cái thăm thẳm đến hãi hùng. Biển càng to lớn mênh mang bao nhiêu, thì bóng hình những người con gái bé nhỏ ấy càng yếu ớt bấy nhiêu! Còn bóng của những chiếc cột đèn đứng trong đêm thành phố cũng thật côi lạnh, đã được khắc hoạ ở trong những câu thơ đầu,giờ lại nhập hoà vào thân phận với những người con gái trôi nổi...để rồi cùng vô vi trong cát bụi cuộc đời:
Các cô gái đi đêm như các cột đèn
Bóng nuốt lẫn vào bờ cát ấy...
Như thế là những thăng trầm của lịch sử và xã hội loài người, nó cũng chỉ giống như chiếc túi càn khôn bủa vây, vùi lấp đám dân lành tội nghiệp.
Bài thơ được kết thúc trong những lời ru, sự cảm đồng của hàng dừa quê hương cùng với nỗi lòng của nhà thơ bên người con gái bán xoài:
Biển ru ta và ta ru em
Dưới hàng dừa xứ sở gió ngàn năm...
Ba chữ "xứ sở gió..." nó vừa diễn tả sự da diết gắn bó của thiên nhiên,trời đất quê hương với con người... nhưng đồng thời vừa như có cái gì đó thật hoang lạnh vô tình?...Làm cho tình thơ vừa thân yêu mà xa xót, đậm màu sắc triết học: như những nhân chứng của lịch sử thật lạnh lùng.
Thơ từ những hình ảnh hiện thực đã chuyển sang màu siêu thực, để cuối cùng chỉ thấy có bờ cát trắng là tồn tại!!! Với những giọt buồn của nhà thơ đã rỏ lên những thân phận và linh hồn của những cuộc đời:
Xoài em chín! Đêm tàn canh em đón khách
Giọt thơ buồn như ngọc sương rơi
Thân phận của dân gian nghìn năm đó chăng?
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2010 11:23:33 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 19:
LIÊN KHÚC HẸN TRĂNG
Khúc I
Canh khuya chẳng ngủ được
Người có ngắm trăng đâu
Bật dậy nhòm cửa sổ
Trăng dãi sáng đêm thâu
Khúc II
Không phải không yêu trăng
Đã từ lâu từ lâu
Lao vào lo bể sống
Mặc trăng tủi trên đầu
Khúc III
Biết đời như cõi mộng
Tiếc những vần thơ trăng!
Con thuyền trôi giữa sóng
Thôi, đành hẹn vài năm...
2 giờ đêm 7/5/2001
___________________________________________________________________________
___________________________________________________________________________
NHỮNG THI PHÁP NGHỆ THUẬT CƠ BẢN SỬ DỤNG
TRONG SÁNG TÁC " TUYỂN THƠ ĐẠI BÀNG "
Tác giả giới thiệu
Nghĩa là trong phần lớn các bài thơ hay của tôi, nhất là chân dung các thi phẩm đã có thể đạt tới là những kiệt tác thi ca !... thì hầu như đều được sử dụng bằng những thi pháp nghệ thuật cơ bản này.
Trước hết xin nói khái quát ít nét về các trường phái thơ hiện đại thế giới - mà tác giả đã sử dụng làm thi pháp sáng tác trong Tuyển Thơ Đại Bàng.
Tôi cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu ( để sáng tác ), đặc biệt là các trường phái thơ hiện đại ở châu Âu, từ những năm cuối thế kỉ XVIII đến thế kỉ XX. Như trường phái thơ lãng mạn Lamartin (1790-1869), được xem như là một hiện tượng thi ca vĩ đại trong lịch sử. Ông thuộc những người chủ xướng hàng đầu của trường phái thơ ca lãng mạn này. Nó gắn liền với tên tuổi các nhà thơ lớn khác như : H.Hainơ, A.Puskin, V.Huy-Gô, M.Lecmôntốp... mà sau này ảnh hưởng của họ đã phát triển rào rạt, rộ lên trong giai đoạn thơ mới ở VN. Cho ra đời những nhà thơ lãng mạn có tên tuổi của nước ta như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ, Bích Khê...
Thơ lãng mạn nó không còn dừng lại ở cảm xúc miêu tả một cách khách quan như thơ hiện thực, mà nghiêng về những cảm xúc chủ quan của nhà thơ. Là thơ của tâm hồn, ra khỏi các qui phạm trói buộc của giáo huấn để tự bộc lộ mình. Tả "chân" sự vật bằng trực cảm, dựa vào tâm lý và chảy tràn cảm xúc theo tưởng tượng. Nó cũng phá vỡ mọi hình thức của dòng thơ cổ điển, thịnh hành ở Việt Nam thời Lê ( như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, tới Nguyễn Khuyến, Tú Xương...).
Nếu như nhà thơ cổ điển là nhà kiến trúc, sử dụng thuộc tính chất liệu khách quan để xây dựng công trình thi ca, còn những yếu tố chủ quan hầu như không dùng đến - thì những nhà thơ lãng mạn lại phơi bày chiều sâu xúc cảm của tâm hồn. Tự chiêm nghiệm, tự ý thức về cái tôi đó ! Nghĩa là chất lãng mạn nằm trong cách cảm nhận biểu hiện thế giới, xã hội và con người qua cái tôi của nhà thơ !
Một quan niệm cực kỳ cởi mở, vô tư đối với đời sống và thế giới. Những dòng thơ lãng mạn đó thường là các dòng thơ cuồng say, rào rạt tuôn chảy theo cảm xúc. Nhưng cũng bởi vậy, nó lại mắc một nhược điểm là nhiều lời. Thiếu sự hàm xúc, cô đọng như dòng thơ cổ điển.
Chính từ trên những yếu tố này: cần phải bổ khuyết, đối với cả dòng thơ lãng mạn cũng như cổ điển. Tôi đã sử dụng hoà nhuyễn nó trong quá trình sáng tác thơ của mình. Để tạo nên được nhiều những thi phẩm hay, xúc tích và sâu sắc, cùng nhiều kiệt tác cho Tuyển Thơ Đại Bàng đó.
Vì cái nhược điểm của dòng thơ lãng mạn như thế , các nhà thơ sau đó lại đi tìm một cách biểu đạt mới cô đúc hơn: nên đã ra đời các trường phái thơ tượng trưng, sau nữa là trường phái thơ siêu thực... ( thơ siêu thực hay còn gọi là hậu kỳ của dòng thơ tượng trưng ). Tôi xin nói qua đôi nét về những dòng thơ tượng trưng này:
Nhà thơ tượng trưng Bỉ Vecharơn (1887) đã nói: " Chủ nghĩa tượng trưng hiện đại đi từ cái cụ thể đến trừu tượng... ". Nó khác với chủ nghĩa tượng trưng cổ điển Hy Lạp trước đó là, đi từ trừu tượng tới cụ thể - Như Hecquin, tượng trưng cho sức mạnh. Thần Vênus, tượng trưng cho tình yêu.
Nghĩa là chủ nghĩa tượng trưng hiện đại đi tìm kiếm những cái bí ẩn đằng sau những ngôn ngữ hình ảnh. Các biểu tượng được phục hiện từ trong thẳm sâu của tâm linh... để phản ánh, giải thích về bản chất của thế giới và cuộc sống , từ trong cảm giác và vô thức. Hay nói một cách khác: tượng trưng là sự thăng hoa của cảm giác và tri giác. Thí dụ như trong bài thơ Bẽn Lẽn của Hàn Mặc Tử:
Trăng nằm sóng xoãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hay là:
Ô kìa ! Bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
Những hình tượng về người trinh nữ, thế giới của người trinh nữ ấy... làm xao động tâm hồn thi nhân, hiện lên qua cảm giác từ cái bóng nguyệt trên trời cao. Nhà thơ mường tượng, rồi từ trong khoái lạc bởi cảm giác ở một cõi vô thức nào đó, làm rung động trái tim ông mà tạo thành hình ảnh của thi ca !... Ở châu Âu khi đó, chủ yếu là khuynh hướng của hai trường phái thơ tượng trưng hiện đại cơ bản:
1) Thơ tượng trưng cảm quan tương ứng:
Baudelaire (1821-1867) được mệnh danh là ông tổ của nền thơ ca hiện đại Pháp, chính là nhà tiên khu của trường phái thơ tượng trưng này. Với tập thơ Những Bông Hoa Ác nổi tiếng của ông, điển hình như bài Tương Ứng - Nó đã được hoà nhập kí ức cùng với sự thăng hoa của cảm giác và tri giác, mà tạo thành siêu cảm giác...
Hàn Mặc Tử là thi nhân đã chịu ảnh hưởng chủ yếu loại thơ tượng trưng này của Baudelaire. Chính chùm thơ hay nhất của HMT như Đây Thôn Vĩ Dạ, Mùa Xuân Chín, hoặc bài Bẽn Lẽn mà ta đã phân tích trên... được tạo thành đều nhờ vào sự hoà quyện giữa thơ lãng mạn và các tố chất dòng thơ tượng trưng cảm quan tương ứng đó.
2) Khuynh hướng tượng trưng bằng trí năng:
Cũng giống như Baudelaire nhìn nhận sự việc bằng biểu tượng, nhưng thơ tượng trưng tương ứng trí năng, không hoàn toàn bởi sự thăng hoa của cảm giác và tri giác nữa, mà biểu tượng được diễn tả theo phép loại suy. Tức là quan hệ tương đồng giữa hai sự vật được áp đặt một cách hợp lý, của tri thức trí tuệ và kinh nghiệm.
Nhà thơ Pháp Stéphane Mallarmé (1842-1898) là người đứng đầu của khuynh hướng tượng trưng bằng trí năng này. Nhiều nhà thơ châu Âu lúc đó, ngay cả nhà thơ Mĩ nổi tiếng Walt Whitman (1819-1892), người sau này trở thành Đại thi hào của nước Mĩ cũng rất cảm phục ông.
Cũng như Hàn Mặc Tử - Trong Tuyển Thơ Đại Bàng của tôi, những hình ảnh thơ tượng trưng mà tôi sử dụng: chủ yếu nghiêng về khuynh hướng tượng trưng cảm quan của Baudelaire.
Bởi vì theo tôi, tượng trưng nhờ sự thăng hoa của cảm giác và tri giác , đó là thơ nhất ! Tạo cho thơ một sự huyền ảo, sinh động và sâu xa hơn. Cái mơ hồ nào đó khi gợi trong cảm quan ấy được biểu tượng ra trong tâm linh nhà thơ, nó thường tạo nên bề dày để nâng tầm vóc thơ lên, và cũng gần gũi với tâm hồn , trái tim người ta hơn.
Tuy nhiên trong một số bài ( thí dụ như ở bài thơ Khóc Bên Hồ Núi Cốc ), tôi cũng đã sử dụng ít nhiều những hình ảnh của loại thơ tượng trưng bằng trí năng này của Mallarmé.
Nhưng trong mỗi loại thơ thường lại có những nhược điểm của nó : Nếu tất cả các hình ảnh đều sử dụng toàn bằng thơ tượng trưng ( nghĩa là tượng trưng toàn phần ), thì thơ sẽ khó tránh khỏi sự khô cứng và hạn chế xúc cảm của người đọc. Rồi trở thành bí hiểm... làm cho các nhà thơ đi vào sự bế tắc và ngõ cụt.
Ngay cả Mallarmé cũng vậy: vào giai đoạn cuối đời, ông đã đi đến một quan niệm hết sức cực đoan về thơ, để rồi ông đã sáng tác toàn những bài thơ thần bí kín mít. Những bài thơ mà chỉ những nhà thơ ấy mới giải mã được thế giới của họ. Nó không còn phải là thơ cho thế giới người đọc và nhân quần nữa.
Như tôi đã nói ở trên, vào giai đoạn hậu kỳ của trường phái thơ tượng trưng, chính là giai đoạn thơ siêu thực đã ra đời ! Nhưng dù là chủ nghĩa tượng trưng toàn phần hay siêu thực toàn phần, sự thái quá tất yếu sẽ dẫn đến sự suy sụp.
Như các nhà nghiên cứu đã tổng kết : chủ nghĩa tượng trưng là một hiện tượng chóng tàn. Cũng như chủ nghĩa siêu thực toàn phần, sau đó đã nhanh chóng bị sụp đổ. Mà không ít các nhà thơ ở châu Âu thời đó, cũng giống như Mallarmé đều rơi vào chủ nghĩa kín mít thần bí. Họ rơi vào thảm cảnh buồn nản, bế tắc và chán chường.
Đó là kết cục tất yếu ! Bởi vì dù ở trường phái nào, cuối cùng cũng cần phải có sự cảm đồng của thế giới xung quanh, thế giới cuộc đời... thì khát vọng , tâm hồn nhà thơ mới có thể được giải thoát.
Tuy nhiên, đánh giá về tầm vóc của thơ tượng trưng và siêu thực, như các nhà nghiên cứu lý luận đã nhận định: Chủ nghĩa tượng trưng tuy là một hiện tượng chóng tàn, nhưng giá trị của nó đã ảnh hưởng sâu xa tới thơ ca của toàn thế giới. Hay như Đông Hoài đã viết trong tập sách nghiên cứu về chủ nghĩa siêu thực thế kỉ XX ( NXB Văn học 1994 ) rằng: " Cho đến nay chủ nghĩa siêu thực chỉ còn là một vấn đề lịch sử. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó vẫn thấm nhuyễn và biến hoá trong thi ca và hội hoạ khắp nơi trên thế giới ".
Hay như Maurice Nadeau, một nhà siêu thực có tầm vóc đẳng cấp ở châu Âu lúc đó cũng đã nói :" Sức chịu đựng của chủ nghĩa siêu thực là hằng cửu ".
TRỞ LẠI VỚI TUYỂN THƠ ĐẠI BÀNG
Trong những lần trò chuyện với nhà thơ và bình thơ Vũ Quần Phương ( Ông là Chủ tịch Hội đồng thơ HNVVN - K.7). Tôi đã nói với ông : Về thi pháp thể hiện trong thế giới thơ tôi, đó là sự tổng hợp từ các trường phái thơ hiện đại của thế giới ! Trên cơ sở của dòng thơ lãng mạn ( với sự cô đọng , hàm xúc của thơ cổ điển phương Đông ) , kết hợp các yếu tố từ thơ hiện thực, tới thơ tượng trưng, siêu thực và thơ triết học... làm điều tiết khi xây dựng cấu tứ cho một tình thơ.
Chính bởi vậy trong Tuyển Thơ Đại Bàng của tôi, đã tạo nên được nhiều các bài thơ hay... và không ít bài còn đạt tới giá trị là những kiệt tác ! Có thể liệt kê ra đây một số tình thơ tiêu biểu như :
- Người đàn bà trắng....................... * Bài thơ thứ 38 + trang 3
- Sáng thu vàng * ---------- 32 + --------
- Em bán xoài ........................... * Bài thơ 18 + trang 2
- Khóc Bên Hồ Núi Cốc * ---------- 23 + ---------
- Trước núi Mĩ Nhân (I) * ---------- 27 + ---------
- Thông và Biển .......................... * Bài thơ 51 + trang 4
- Khóc Hàn Mặc Tử * ---------- 56 + --------
- Làm ma em vợ * ---------- 57 + --------
- Cô quét lá đêm hồ ..................... * Bài thơ 9 + trang 1
- Tiếng rúc chim đêm * ---------- 16 + ---------
- Một góc Hồ Tây * ---------- 1 + ---------
- Sáng xuân nay ......................... * ---------- 2 + ---------
- Người con gái sông xưa............... * ---------- 4 + ---------
- Thời áo trắng * ---------- 5 + ---------
- Phố thu và áo trắng * ---------- 8 + ---------
- Khoảng trôi trong lá .................... * Bài thơ 65 + trang 5
- Đi dưới những hàng đêm * ---------- 67 + ---------
- Nỗi trăn trở người đi tìm vàng........ * Bài thơ 80 + trang 6
- Cỏ hoang * ---------- 75 + ---------
- Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ * ---------- 86 + ---------
- Em về biển * ---------- 95 + ---------
- Chiều hoàng hôn ........................ * Bài thơ 99 + trang 7
Vân vân và vân vân. Trong tuyển thơ còn khá nhiều các tình thơ khác nữa cũng rất chí lý, sâu sắc và không kém phần hay.
Tôi cũng đã đọc khá nhiều thơ thế giới qua các bản dịch: thì chưa thấy xuất hiện những thi nhân nào đã tổng hợp như thế ! Tôi đã nói với ông: Rất có thể Tuyển Thơ Đại Bàng của tôi, đã chẳng phải mở ra cho cả một trường phái thi ca lớn... trong các dòng thơ hiện đại của nhân loại đó sao?
Tôi cũng có những cuộc trao đổi với ông Hữu Thỉnh (nhà thơ và là Chủ tịch Ban chấp hành Hội nhà văn VN hiện nay ), đã có một số nhận định với ông: Nhìn vào tình hình thơ ca của đương đại VN trong mấy chục năm qua, mặc dù hàng năm vẫn có hàng trăm rồi hàng nghìn các tập thơ được xuất bản - Nhưng nhìn chung đó chỉ là các thứ thơ nổi nênh, chỉ để làm công tác văn nghệ phong trào, hoặc phục vụ cho việc cổ động văn hoá chính trị nhất thời.
Hầu hết là các thứ thơ không có khả năng tồn tại, để có thể lưu lại được trong nền văn hiến ngàn năm Thăng Long của nước nhà. Nhìn vào bối cảnh xã hội tôi đã nói với ông: Có thể phải hàng nửa thế kỉ hoặc hơn nữa, nền thơ ca hiện đại của văn học VN , đã chắc gì có nổi một hoặc hai nhà thơ lớn như thời tiền chiến?
Thế đã đành, song chỉ mong có lấy vài ba tên tuổi chân dung thi nhân thực sự, dù chỉ cỡ tầm tầm... chắc cũng còn khó?
Và tôi cũng đã khẳng định với ông Chủ tịch Hội nhà văn VN rằng : Tuyển Thơ Đại Bàng của tôi có khả năng ôm trùm của một vũ trụ thi ca ! Mà chân dung của rất nhiều thi phẩm đạt tới là các bài thơ hay, kiệt tác... Không ít bài đã đi tới tột điểm của thi ca, ngang ngửa với các tầm bậc thi nhân có tiếng trong nhân loại.
Tôi tin rằng : Một khi Tuyển Thơ Đại Bàng ấy đã được ( hoặc cá nhân và các tổ chức văn học trong nước hoặc ở nước ngoài ) đảm nhận xuất bản, công bố rộng rãi trong toàn quốc cũng như Việt Kiều ở hải ngoại, đồng thời tiến hành dịch thuật để truyền bá ra thế giới:
Chắc rằng - Tuyển Thơ Đại Bàng sẽ là một tuyển thơ có tầm vóc của cả dân tộc và đất nước , góp một phần thích đáng để mang tầm thơ hiện đại Việt Nam nâng cao lên, vụt sáng lên trên bàu trời thi ca chung của toàn Quốc Tế !...
Phạm Ngọc Thái
Mùa xuân năm Đinh Hợi * 2007
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.12.2011 12:03:06 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài 20:
TRĂNG LẶN
Trăng đã chán trời nên đi mất
Cứ hững hờ tiêng tiếc phân vân...
Em có chán anh giống vầng trăng không biết?
Mất trăng rồi còn lại trời đêm.
Biển vỗ vào anh - Biển vỗ vào em
Em hoá đá, để sóng ghềnh ôm mãi!
Năm tháng nắng mưa: đá vẫn còn nguyên đấy,
Anh phong ba. Anh nhẫn nại suốt đời.
Bài thơ tình còn viết em ơi!
Đá vẫn đá - Người vẫn người : không thể khác!
Biển hư vô cả những khi cầm bút
Xé rách lòng cho cánh thơ bay.
Mất một vầng trăng lại mọc một vầng trăng
Sóng khốn khổ hôn mãi hòn đá trắng!...
Phạm Ngọc Thái
9/11/1993
-------------------
Nói là "trăng" mà là không trăng! Trăng không mọc vì trăng chán trời...không biết em có chán anh giống vầng trăng kia không (?)
Trăng đã chán trời nên đi mất
Cứ hững hờ tiêng tiếc phân vân...
Và nàng đã hoá thành đá - Để biển cả tình yêu và sóng ghềnh của lòng chàng...cứ vỗ mãi, hôn mãi quanh cái hòn đá trắng ấy:
Năm tháng nắng mưa:
Đá vẫn còn nguyên đấy!
Anh phong ba. Anh nhẫn nại suốt đời.
Cuối cùng tác giả lại quay về với hình tượng vầng trăng: Nhưng đó không phải là vầng trăng của trời, mà chính là Vầng Trăng Em - soi mãi trong hồn chàng!... Nghĩa là, nàng không chỉ biến thành đá - mà còn hoá ra trăng!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2010 11:44:48 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 21:
DÒNG SUỐI TÌNH XƯA
Dòng suối tình xưa ta trong vắt
Em là gì... ta không gọi được tên?
Ơi, người con gái thời xa lắc
Con tim chiều tà máu còn chảy quanh em
Ta cúi uống mãi dòng nước ấy
Như con nai ngơ ngác sừng già
Chợt kêu thét nơi rừng hoang rối loạn
Em đã về như một bông hoa!
Dòng suối tình xưa ta thơm ngát
Gương thiên thai không một vết mờ
Trăng cũ đưa mơ lòng sao đổ nát
Hương vẫn tràn môi vẫn dấu ngày xưa.
Con trâu cuộc đời - Thời gian con sóc
Đã dẫm tan dòng suối đó mất rồi!
Em có nghe sợi tóc đêm đang đổi khác
Ta bàng hoàng dần hoá bóng ma chơi.
Rồi hoảng hốt cả tiếng cười, tiếng khóc
Của chính anh và của chính em
Còn đâu nữa dưới tro tàn tan tác
Thôi! Ngủ đi em, hồn thiếu nữ xa xăm...
20/2/1995
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.06.2011 11:34:13 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 22:
ĐÊM TÓC ĐÁ
Thơ dân gian *
Nửa đời tóc hoá thành đá cả
Rụng vãi thềm...đầy phủ quanh trăng...
Nhớ một thuở cùng bao trinh nữ
Mà nay gò mả ma rừng.
Tai nghe tóc ve bên bà gái goá
Nhặt câu thơ rơi... lệ lã chã mùa thu!...
Có của nhà - Vẫn còn ham tơ nhú
Ngồi chẳng yên (!) Hồn dạ cứ vi vu...
Trên kia nguyệt không quần như đã
Đêm thơm chùa...trắng dã tấm thân nga...
Trinh tiết thời nay em mở cửa:
NGAI VÀNG CÒN DƯỚI CÁI EM TA!
Phạm Ngọc Thái
1994
----------------------
Ta hãy nghe câu thơ thứ năm:
Tai nghe tóc ve bên bà gái goá
Thực ra nó chỉ là câu thơ viết chơi cho sướng, nói cho thích thơ: Cái mái tóc một thuở nào cùng dan díu với bao nàng trinh nữ xinh đẹp (câu thơ 3), giờ đây đành phải rời bỏ...chỉ ve vãn bên các bà gái goá hay gái dòng gì đó.Buồn đến chảy nước mắt và đau xót...Nhưng nối tiếp với câu thơ sau đó - thì thơ lại thật là thi ca :
Nhặt câu thơ rơi...lệ lã chã mùa thu!
Giọng thơ uyển chuyển và khá phong hoa! Mặc dù nó mô tả những dòng nước mắt đang lã chã rơi xuống mùa thu của đất trời, mà lại tạo thành tứ thơ thật hay:
Tai nghe tóc ve bên bà gái goá
Nhặt câu thơ rơi... lệ lã chã mùa thu!...
Sự chuyển đổi giọng và nhịp của những câu thơ như thế mang rất nhiều tính nhạc, kết hợp cùng với nghĩa thơ để gây một âm hưởng xôn xao... chứa chất và rung cảm từ trong trái tim của tình thơ, nâng thi phẩm lên thành một bản thơ trữ tình!
Những câu thơ rơi!... được tác giả nhặt lên ấy, hoà với những dòng lệ đời chảy xuống mùa thu xao xiết buồn - Một mùa thu của ái tình mơn trớn và khao khát vuốt ve: để tạo ra cả một Đêm Tóc Đá lãng mạn đến vô biên!...
Bài thơ vừa mang phong cách viết chơi vừa ẩn chứa một nỗi tình đời! Nếu ngẫm suy trong câu thơ cuối cùng để kết thúc bài thơ:
NGAI VÀNG CÒN DƯỚI CÁI EM TA!
Thì thế giới của tình thơ còn hàm ngụ cả ý về nhân tình thế sự!...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2010 11:48:25 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 23:
KHÓC BÊN HỒ NÚI CỐC
Anh đã đến bên Hồ Núi Cốc
Gửi hồn theo dòng nước trôi thây...
Gió gào thét trong lặng chìm tim óc
Em khoả thân nằm trên bóng bến xưa bay.
Nước mắt nàng Công khóc tan ra suối
Cốc chết bên Sồi lại hoá thành non...(*)
Nhưng để làm gì khi tình vô vọng (?)
Chút hương nàng vẫn ấm Khoảng Đời Con.
Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ
Mà miệng còn muốn cắn Vú Người Yêu!
Ôi! Hồ núi cứ xanh rì muôn thuở
Máu ta đổ đầy cho tạo hoá tạc phù điêu.
Anh đến bên Hồ Núi Cốc giữa chiều
Thơ rỏ đôi hàng. Lệ tràn một chén.
Khóc chuyện tình xưa là khóc mình lắm lắm
Mai chết rồi làm nước tắm cho em...
Phạm Ngọc Thái
( Hồ Núi Cốc - đêm 9/7/1997 )
(*) Huyền thoại kể: Nàng Công ( con gái quan lang dân tộc ) thương nhớ chàng Cốc khóc mà chết! Nước mắt nàng chảy thành suối nay biến ra hồ. Chàng Cốc (chỉ là một tiều phu đốn củi) thương nàng Công cũng chết dưới gốc cây Sồi, hoá thành non bao bọc lấy hồ - nên mới có tên gọi Hồ Núi Cốc!
------------------------ Vào một đêm mưa gió, không gian hồ núi huyền thẳm hoang dại và vô tận.Con người cô đơn! Từng làn gió rít vút qua ngàn, mưa táp trên mặt hồ nước mênh mang màu xanh thẫm.Niềm hạnh phúc lớn nhất của đời anh là được sống bên nàng: một niềm đam mê man dại.
Trời ơi! Có phải chăng con người sinh ra trên thế gian này, chỉ có tình yêu gái trai là bất diệt? Toà Thượng Đài ngự trị cả trên triết học và chính trị! Tâm hồn và thể xác hoà quyện nhau đưa anh về cõi cực lạc vô biên - Khóc Bên Hồ Núi Cốc (KBHNC) được dựng lên bên câu chuyện tình cổ của nàng Công, chàng Cốc bất hủ trong truyền thuyết vọng về...
Chính giữa đêm mưa gió đó tình thi diễm lệ ấy đã ra đời!
Lamartin - thi sĩ thuộc trường phái thơ lãng mạn Pháp (1790-1869) đã viết bài thơ tình Hồ -A-Đờ nổi tiếng thế giới! Hình ảnh người đàn bà rền xéo lên tâm hồn và trái tim thi sĩ mà vang động khắp không gian:
Xin giữ lại trong hiu hiu ngọn gió / Trong âm vang xao động mãi hai bờ / Trong gương mặt nguyệt hằng có vầng trán bạc / Đang toả lan dìu dịu sáng trên hồ/...Hay là: Ôi thời gian, hãy ngừng bay. Và những giờ tươi đẹp / Vội vàng chi, thôi cuồn cuộn đi nào / Cho ta kịp hưởng trọn niềm diễm tuyệt / Của những ngày ta kì diệu ngọt ngào/...
Sở dĩ tôi trích một số trong bài thơ dài 52 câu của ông, để bạn đọc nhìn ra dung dáng và phong cách cảm xúc - Khi phân tích về bài KBHNC ta sẽ thấy: tuy cùng thuộc loại thơ tình lãng mạn, tình yêu với người đàn bà rền xiết trên hai mặt hồ...nhưng giữa hai bài thơ đã được ra đời cach nhau đến hơn hai trăm năm này, thi pháp thơ của chúng cũng rất khác biệt nhau.
Gọi là KBHNC nhưng bài thơ không phải là một tiếng khóc, nó là khúc tình ca! Dù khúc tình ca ấy trào ra từ một nỗi tình bi. Viết thế cho có vẻ đượm màu sắc lâm ly mà thôi:
Anh đã đến bên Hồ Núi Cốc
Gửi hồn theo dòng nươc trôi thây...
Hồn chàng theo dòng nước cuốn đến với nàng. Thiên nhiên đang bao trùm sự lạnh lẽo hoang vắng. Giờ anh đứng đây nhìn ra dòng nước mênh mang trôi dạt kia, chỉ còn lại một thế giới trong anh vô vi và trống rỗng.
Mà cái "thây" nó cũng đang trôi về phía vĩnh cửu đấy chứ? Biểu tượng "trôi thây" đã dược thăng hoa từ trong cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ, để mở đầu cho bản tình luyến ái gái trai ngàn năm vô bến vô bờ. Xin bình tiếp câu ba:
Gió gào thét trong lặng chìm tim óc
Trong cái tiếng gió mưa cào xé đất trời kia (bên ngoài) , lại đang bao bọc cả một thế giới tĩnh lặng đến rùng mình của tim óc con người (bên trong) : chúng cùng chứa đựng một khát vọng mãnh liệt tột cùng cả thể xác và tâm hồn tình yêu trong nó! Để đẩy nỗi thơ đi đến điểm cực đại, mà bắn vọt ra một bức tranh hoành tráng hoàn bích nhất về nàng:
Em khoả thân nằm trên bóng bến xưa bay...
Ta chạnh nhớ tấm thân nàng Kiều được Nguyễn Du mô tả :
Rõ màu trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên.
Nhưng bức tranh Nguyễn Du mô tả là bức tranh mĩ miều có thật của Kiều đang khoả thân trong khi tắm, còn bức tranh khoả thân của KBHNC chỉ là bức tranh ảo: bởi ấn tượng từ trong kí ức, với một niềm khao khát cồn cào của trái tim nhà thơ bật ùa ra.
Ta thấy tác giả không tả một nét gì trên thân thể nàng, thế mà nàng vẫn hiển hiện lên vẻ đẹp không kém kiêu sa. Hình ảnh người đàn bà đã được tháo gỡ, bóc ra nõn nà trong trắng khắc hoạ trên nền trời Hồ Núi Cốc: "...trên bóng bến xưa bay"...
Thần sắc ảo mà vẫn sống động và man dại.Tình thơ tuy có bạo loạn nhưng trong sáng. Rõ ràng đây là một khúc tình ca chứ đâu phải là một bi kịch tình? Đó là sự bùng nổ của ánh sáng và sự sống muôn đời.
Những yếu tố cảm xúc này theo thi pháp của dòng thơ tượng trưng hiện đại Pháp cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX hoà phối trong dòng thơ lãng mạn...để hình ảnh ngôn ngữ, ý tình thơ được hàm xúc cô đọng.
Chứ không viết chảy tràn theo tình cảm...mà các trào lưu của các trường phái thơ lãng mạn đã có ở châu Âu từ thế kỉ XVIII về trước đó ( Người tiêu biểu là nhà thơ Lamartin như đã trích dẫn trên. Tuy nhiên bài thơ Hồ-A-Đờ của ông cũng đã lấp lánh không ít những hình ảnh tượng trưng ).
Sang đoạn thơ hai là sự gắn bó giữa câu chuyện huyền thoại xưa với câu chuyện tình nay , nói về cái chết chung tình của một đôi trai gái:
Nước mắt nàng Công khóc tan ra suối
Cốc chết bên Sồi lại hoá thành non...
Mối tình đôi trai gái ấy đã bị các quan lại và lễ giáo phong kiến ngăn cấm. Họ đã quyết quên sinh để giữ trọn lòng chung thuỷ sắt son. Nàng thì biến ra hồ nước còn chàng lại hoá thành non! Không có tình yêu tất cả trở nên vô nghĩa.
Tình yêu gái trai là nơi trú ngụ , ý nghĩa tồn tại của cuộc đời ta:
Nhưng để làm gì khi tình vô vọng (?)
Chút hương nàng vẫn ấm Khoảng Đời Con!
Tôi xin phân tích đôi nét về ba chữ " khoảng đời con " - Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết bốn câu thơ:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát Cuộc Đời Con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
Cách nhìn như vậy của ông xuất phát trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định. Ba chữ "cuộc đời con" mang theo những quan niệm của hệ thống tư tưởng đang bao trùm lúc đó - Ba chữ Khoảng Đời Con của bài thơ KBHNC này vì thế đã ra đời : để phản ảnh một quan niệm khác, về nhân sinh cùng thế giới quan của nó!
Trong bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ F.K.Đaglargia với nhan đề Tình Yêu, chỉ vẻn vẹn có bốn câu thơ ngắn:
Yêu, có nghĩa
Là cùng người yêu
Chia đều
Trái đất thành hai nửa.
Nghĩa là, hai người yêu nhau là cả trái đất, là tất cả! Còn nhà thơ Nga M.Lermôntốp (1814-1841) bằng một cách nói khác trong thi ca, đã ví về tình yêu bất hủ đối với người đàn bà:
Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
Lật mặt kia của hình ảnh thơ thì ý cũng có nghĩa như:
Chút hương nàng vẫn ấm Khoảng Đời Con!
Không có sự ấm áp trong tình yêu của người đàn bà mang lại cho những "khoảng đời con" ấy!... thì thử hỏi: sự sinh tồn trên trái đất này để làm gì? Không có sự phát quang, bùng nổ hay tiến bộ xã hội nữa! Nó tạo thành máu chảy, sáng tạo và cả huỷ diệt - Mặc dù tác giả có đặt câu hỏi:
Nhưng để làm gì khi tình vô vọng (?)
Đó chẳng qua chỉ là một tiếng than thở hắt ra mà thôi. Người than cho câu chuyện tình trong trời đất của nàng Công, chàng Cốc hay là than cho mình? Mượn tình xưa để nói nỗi đời nay, ý tình cứ rền xiết lên nhau như hai câu thơ khác trong đoạn thơ bốn:
Thơ rỏ đôi hàng. Lệ tràn một chén.
Khóc chuyện tình xưa là khóc mình lắm lắm
Cảm xúc thơ cứ tràn ứa mà đẫm lệ. Tôi bình sang đoạn ba, là đoạn thơ máu thịt nhất của bài:
Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ
Mà miệng còn muốn cắn Vú Người Yêu!
Ôi! Hồ núi cứ xanh rì muôn thuở
Máu ta đổ đầy cho tạo hoá tạc phù điêu.
Khi mưa gió phủ táp xuống miền hồ núi, ta nghe như tiếng câu chuyện tình xưa nghiền xé vang lên:
Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ
Tình đời là một dải băng tang trắng ư? Tình yêu gái trai cho ta bao nguồn suối yêu thương hạnh phúc, song cũng gieo lên cuộc đời những bất hạnh đớn đau.
Chẳng thế mà Lamartin (cũng trong bài thơ Hồ-A-Đờ ) đã thốt lên:
Hãy yêu nhau, hãy yêu! Khắc giờ đang vụt biến
Vội vàng lên cho hưởng trọn giờ vui
Thời gian không có bờ, con người không có bến
Thời gian trôi đi, đời người mau qua thôi!
Trong bài thơ KBHNC tác giả khoác lên cả không gian kia một dải băng tang trắng: Nghĩa là, trời đất cũng để tang linh hồn và trái tim son sắt của tình yêu! Nói về thi pháp của cả 4 câu thơ trong đoạn thơ ba này: ba câu thơ ảo (câu 1-3 và 4) là thơ trìu tượng, để nuôi một câu thơ thật, thật và rất đời! Chính là câu thơ 2 trong đoạn:
Mà miệng còn muốn cắn Vú Người Yêu!
Hình ảnh thơ đã động tới cái chốn linh thiêng ấy, có thể sờ mó, xoa nắn được...Nhưng tôi xin tạm dừng ở đây để bình những câu thơ ảo trước (câu 1 đã bình trên):
Ôi! Hồ núi cứ xanh rì muôn thuở
Máu ta đổ đầy cho tạo hoá tạc phù điêu.
"Máu ta đổ đầy..." là biểu tượng nói về tình yêu! Thơ ngả sang màu siêu thực: cái bóng xanh rì muôn thuở của non ngàn, với "bức phù điêu" đã được tạc lên trên nền thiên nhiên kì vĩ kia, là bởi máu và nước mắt tình của những đôi trai gái tắm vào trong nó !
Nghĩa là thơ không dừng lại để than vãn cho sự tan vỡ của cuộc tình, cả trong bất hạnh đau thương nó cũng tô đẹp, là bản tình ca bất hủ trong vũ trụ cũng như cuộc sống con người.Chỉ có tình yêu trường cửu mãi không già...
Đoạn thơ ba như một bức hoạ dựng sững giữa trời. Trên nền thảm xanh ảo huyền của hồ núi, có cả băng tang và máu chảy...
Bằng một cách định nghĩa thi ca Chế Lan Viên đã viết:
Anh phải mang tiếng hát từ bờ này sang bờ kia đấy
Bờ bên kia hư ảo - Bờ thơ
(trích di cảo - Bờ bên kia )
Nhưng sự hư ảo ở đây phải là cái hư ảo thấm đầy huyết, đầy hồn, đầy sự sống và ma lực trong thế giới thơ của nó!
Xin trở lại để nói tiếp về câu thơ 2 của đoạn - Nếu không có Vú Người Yêu thì thử hỏi: Hồ núi có xanh thắm hơn thế nữa, thiên nhiên có đẹp hơn thế nữa... để làm gì? Cả chiến tranh và hoà bình trong thế giới này, nếu không có Vú Người Yêu thì loài người gây ra nó cũng để làm gì?
Cắn Vú Người Yêu là một hình tượng rất đời thực được đưa vào trong thơ, hình ảnh thơ đọc vẫn không thô, không sượng...(như trên đã nói: ba câu thơ ảo để nuôi một câu thơ thật)-Viết được câu thơ như thế là một thành công trong thi ca của tình thơ KBHNC! Nỗi tình , hình ảnh thơ như tia lửa hạt nhân bùng nổ để cháy cả hoàn cầu...Nó sẽ còn sống mãi để đưa bài thơ đi xa ca giữa bến bờ Thi!...
Viết xong bài thơ KBHNC này, tôi biết rằng: Tôi đã đi đến tột đỉnh thi ca của đời tôi mất rồi! Cứ cho là tôi vẫn còn có thể viết ra những tình thơ hay khác, Nhưng hay hơn Hồ Núi Cốc thì chắc là không !?
KBHNC sẽ mãi mãi là bản tình ca man dại bất hủ và, tôi cũng đã hoàn thành sứ mạng của Sự Nghiệp Thế Giới Thơ Tôi!
Đến đây tác giả chỉ xin nói thêm đôi chút nữa về câu thơ cuối cùng của bài:
Mai chết rồi làm nước tắm cho em...
Xuân Diệu thì nói rằng:
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Còn đây, tác giả lại viết : "Mai chết rồi..." thậm chí cả kiếp sau nữa, chỉ làm một dòng nước tắm cho em!...
Con người có thể làm bao chuyện phi thường - lên cả vũ trụ mà chinh phục sao Hoả, sao Kim cùng các vì sao. Bao nhiêu phát minh khoa học vĩ đại, sáng chế ra cả những tên lửa xuyên lục địa, bom nguyên tử đầu đạn hạt nhân để tiêu huỷ hoàn cầu...
Ấy thế mà! Phải, ấy thế mà: liệu có gì còn có thể cao xa hơn là làm một dòng suối mát, một hồ nước xanh, hay thậm chí chỉ là một bồn nươc trong nho nhỏ...để mà kì cọ tắm rửa thoả thuê cho cả cuộc đời và thân thể của người yêu?
Đấy, nhà thơ của bài Khóc Bên Hồ Núi Cốc này chỉ xin được kết tình thơ ở đó!...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2010 12:01:57 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 24:
TRÁI EM
Em xinh như nguyệt mọc đêm đêm
Ấp ủ hoa thơm khắp thân mình
Vẫn biết trong em loài trái lạ
Anh vào đó hái: có được không?
10/2000
Tôi đã gặp gỡ quen biết với một người con gái. Có một buổi - Cô gái nhất định đòi tôi phải tặng thơ! Trong lúc xuất thần tôi đã viết luôn 4 câu thơ này để tặng em và có ý muốn hỏi (?) Người con gái chỉ mỉm cười...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.04.2011 01:19:13 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 25:
TIẾNG HÁT ĐỜI THƯỜNG
Trong một phố nghèo có người vợ trẻ
Vẫn đón con: đi - về... như thường lệ
Vóc em thanh cũng thể mùa xuân
Đôi mắt em : đôi mắt ấy màu đen.
Ngôi nhà nhỏ bên đền
Gốc đa, quán báo
Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon
Đêm hồ nước trăng soi
Chiều lá me lá sấu
Cung thành xưa dấu đại bác còn. (*)
Ôi quê hương!
Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội
Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi
Chưa tối đã khêu đèn bê mẹt thuốc rao đêm
Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội.
Miền đã theo tôi vào suốt Trường Sơn
Hành quân rừng già võng treo sườn gió...
Ai biết chiều nay người vợ trẻ
Đứng mong chồng bên đứa con thơ
Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu!
Tuyết bạc quê người... xứ sở mưa cau...
Đi đâu, đến đâu: Nhớ về phố ấy!
Đôi mắt em buồn cho bài hát anh ca
Con sẻ hót mênh mông đồng nước
Người hát rong hát vui sân ga
Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát
Anh hát cho đời !
Anh hát em nghe !...
Phạm Ngọc Thái
( nước Đức , tháng 2-1989 )
(*) Dấu đại bác tại cổng thành Thăng Long phía Bắc - Khi quân Pháp đổ bộ vào đánh chiếm Thủ Đô.
---------
Truyền kể lại rằng trong một khu phố nhỏ, có một người vợ trẻ cùng với đứa con thơ... ngày tháng chờ người chồng nay ra đi nơi đất khách quê người vì miếng cơm manh áo -
Tiếng Hát Đời Thường (THĐT) là một bài thơ về quê hương! Những hình ảnh quê hương được gợi lên rất thân thuộc, nhưng vẫn mang được tính điển hình khái quát.
Như ở đoạn thơ hai - Từ hình ảnh căn nhà bên ngôi đền cổ quanh năm rợp bóng đa chùa, cái quán báo thường ngày trong phố, đến cảnh sóng nước Hồ Tây... đã được gợi lại bằng câu chuyện cổ của nàng Thị Lộ từng bán chiếu gon đã gặp ông Nguyễn Trãi !...
Những hình tượng mà người ra đi ở phương trời xa thường hay nhớ về chốn quê nhà: những đêm trăng hồ, những chiều lá sấu lá me rơi...đến cả chiếc cổng đá của cung thành cố đô xưa vẫn còn in dấu đại bác - Từ cái thời bọn giặc Pháp bắn vào...Thành Thăng Long thất thủ, tổng đốc Hoàng Diệu đã phải thắt cổ để tuẫn tiết.
Đó là một bức tranh quê. Tiết tấu thơ xúc tích mà đầy chất trữ tình.Cả những hình ảnh sinh sống hàng ngày trước đây cũng được nhà thơ nhớ lại:
Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội
Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi
Chưa tối đã khêu đèn bê mẹt thuốc rao đêm
Ngày hai bữa, bửã nào cũng vội.
Người chồng ấy dẫu tận phương trời xa, nhưng lòng vẫn nhớ về nơi có người vợ trẻ và đứa con thơ đang trông đợi:
Tuyết bạc quê người... xứ sở mưa cau...
Đi đâu, đến đâu: nhớ về phố ấy!
Cái miền quê mà một thuở nào cũng đã từng theo anh ra trận, trên bước đường của người chiến sĩ giải phóng quê nhà:
Miền đã theo tôi vào suốt Trường Sơn
Hành quân rừng già võng treo sườn gió...
Và bài thơ đã được kết thúc trong nỗi lòng hiu hắt của người đang lưu lạc nơi đất khách quê người...như những tiếng nói dân gian để làm cho tình thơ quê hương càng tha thiết và có thể trở thành một bài ca truyền miệng:
Đôi mắt em buồn cho bài hát anh ca
Con sẻ hót mênh mông đồng nước
Người hát rong hát vui sân ga
Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát...
Cái tiếng hát đời thường ấy - Đó có thể là một khúc đàn dạo của người hát rong trên sân ga, tiếng rao của một em bé bán báo, hoặc tiếng gọi đò trên quãng sông trong một đêm thanh vắng...
Cái tiếng hát đời thường ấy máu thịt như người vợ quê ta, như bà mẹ già tóc bạc, như nồi khoai củ sắn ngày tám tháng ba, và cũng có khi ánh lên niềm vui bên bếp lửa hồng cùng những người thân.
Ngày ngày ta vẫn từng nghe ở đâu đấy vọng lên thảng thốt... để rồi bay đi lẫn vào trong cát bụi cuộc đời !...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2010 12:24:46 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 26:
KHÚC HÁT NGƯỜI THA PHƯƠNG
Đi về đâu cuối chiều
Khi xung quanh vắng lặng
Con thú nào lạc bạn
Hoảng hốt giữa đồi nương
Suối róc rách bìa rừng
Cứ kêu hoài chân vực
Một thành phố quê hương
Hiện lên trong đáy mắt.
Ôi cuộc đời nghèo xác
Nằm chết giữa tình thương
Có người vợ hiền lành
Với con tôi ở đó...
Chiều nay trong nắng đỏ
Bước lang thang mình tôi
Khúc buồn như chim bay
Hỡi người tha phương ơi!
Đi về đâu cuối chiều
Đời xa nước cô liêu?
Nước Đức * 4/9/1988
Trong những ngày xa nước nhớ về chốn cố hương - Chiều đó tôi lang thang một mình trên xứ sở quê người, trong lòng buồn hiu hắt tái tê:
Chiều nay trong nắng đỏ
Bước lang thang mình tôi
Tôi cứ bước đi thẫn thờ và lẩm nhẩm đọc mãi một bài thơ đã xa xưa của Hồ Dzếnh. Có lẽ cũng trong tâm trạng cảm hoài đó mà âm điệu của tiếng thơ ông đã tràn vào...dậy lên bao cảm xúc trong nỗi lòng tôi:
Tiếng buồn vang trong mây...
Khói huyền bay lên cây.
( Chiều - Hồ Dzếnh )
Nỗi đời tôi và nỗi đời ông có thể rất khác nhau, nhưng tiếng lòng trong thơ nhiều khi vẫn cảm được sang nhau!...Bởi thế tôi đã viết bài thơ 5 chữ này, có chỗ âm hưởng cũng na ná như bài "chiều" 5 chữ của thơ Ông:
Khúc buồn như chim bay
Hỡi người tha phương ơi!
(Khúc Hát Người Tha Phương )
Đó là tiếng hát cô liêu, lạc lõng của một kẻ xa quê!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.04.2011 12:35:52 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 27:
TRƯỚC NÚI MỸ NHÂN (1)
Núi Mỹ Nhân nằm giữa biển Nha Trang gần Hòn Chồng. Truyền kể: Nàng Mỹ Nhân
nằm ở đó nhiều năm tháng chung thuỷ chờ chồng, đi đã không về...
*
Bờ Hòn Chồng, quán gió, một trưa chiều
Anh đứng dưới bóng dừa xứ sở
Nghe cả biển , tình yêu và đời vỗ...
Nhúm cỏ lòng xé rách bụi thơ bay.
Em nằm đây, em hỡi! Em nằm đây,
Làm núi đợi ngàn năm cùng với bể
Tình yêu vỗ muôn đời trong sóng vỗ
Không vấn vương bụi bặm cõi trần đời.
Cho anh hôn lên đôi Vú Đá tơi bời
Dầm dãi nắng mưa ru em trong giấc ngủ!
(xin lỗi những mảng đời ta đang có
Đôi lúc thèm được bám rêu xanh).
Gió hút Hòn Chồng bể sóng mênh mông
Ta! Con chim đã trúng bao vết đạn
Dừng chân nghỉ bên bờ xanh hữu hạn
Chốn vô cùng ta muốn hỏi Mỹ Nhân?
Bóng nàng nằm trơ mãi cái nước non
Lòng nguyệt tỏ tháng năm mòn đá sỏi
Niềm vĩ đại lại vô cùng man dại
Cây Thánh Giá Cuộc Đời anh đặt dưới chân em!
Nếu có thể sống chung đầu bạc răng long
Anh nguyện với nàng cả đời vui thú
Hồ yêu tinh và đàn bà nơi trần thế
Vừa là tiên vừa là quỉ: nàng ơi!
Cô gái bán hàng trong quán gió chơi vơi
Cứ nhìn khách đôi mắt tròn đen láy
Đã kể tôi nghe chuyện về nàng Mỹ Nhân thuở ấy!
Nghe trong chiều
gió cuốn bụi đường bay...
Phạm Ngọc Thái
1994
Đứng trên Hòn Chồng vào buổi sớm mai, khi mặt trời lan toả những ánh nắng vàng rực rỡ...nhìn ra một dải núi nằm giữa biển Nha Trang. Ngươì ta thấy nổi lên đôi gò núi , trông giống như đôi gò vú của một nàng thiếu nữ.
Nàng đang ngả mình phơi nắng. Triền núi xanh thoai thoải làm nên thân thể nàng.Khe núi xanh chạy dài xuống mặt sóng như mái tóc nàng xoã xuống biển: Ngươì Sài Gòn lên chiêm ngưỡng cảnh đẹp, gọi là Núi Mỹ Nhân!
Nàng Mỹ Nhân đã nằm ở đó chung thuỷ chờ chồng - Chồng nàng là một tướng cướp trẻ của đạo quân cướp bể. Trong một chuyến đi, thuyền bè của họ đã bị bão biển đánh đắm. Xác họ dạt vào bờ và hoá thành bãi sỏi đá.Hiện vẫn còn dấu tích tại đó:
Bờ Hòn Chồng quán gió một trưa chiều
Anh đứng dưới bóng dừa xứ sở
Nghe cả biển, tình yêu và đời vỗ...
Nhúm cỏ lòng xé rách bụi thơ bay.
Cái bóng nàng Mỹ Nhân vẫn nằm ở đó để làm một tượng thần trong trắng, giữa chốn đời thường bụi bặm, xô bồ này mà tạc vào năm tháng:
Tình yêu vỗ muôn đời trong sóng vỗ
Không vấn vương bụi bặm cõi trần đời
Sau những ngày giải phóng miền Nam, người chiến sĩ giải phóng đã qua đây - Anh còn là một nhà thơ! (bài thơ được anh nhớ lại để viết vào gần 20 năm sau đó). Vừa là sự minh chứng của lịch sử, vừa là sự trải nghiệm chốn dâu bể trong đời người.
Những thương tích chiến tranh, dù bao bom đạn đã bắn vào thân thể anh cũng chỉ là nỗi đau thể xác. Nhưng nỗi đau nơi nhân tình thế thái này...đã bắn vào cả trái tim, tâm hồn anh còn đau đớn nặng nề hơn!
Đó mới chính là vết đạn ngàn thu bao giờ lành lại được? Cho nên dừng chân nghỉ lại trước bờ biển sóng mênh mông, ngước nhìn đỉnh núi Mỹ Nhân kia, anh mới thốt lên rằng:
Ta! Con chim đã trúng bao vết đạn
... Chốn vô cùng ta muốn hỏi Mỹ Nhân?
Anh muốn ngả vào lòng nàng, trong vòng tay êm ái của tình yêu nàng - Phải, chỉ có nàng! Chỉ có tình yêu của người đàn bà mới xoa bớt được vết thương sâu nhói tận trái tim anh:
Cho anh hôn lên đôi Vú Đá tơi bời
Dầm dãi nắng mưa ru em trong giấc ngủ!
Anh ru nàng và nàng ru anh! Nhưng trong cuộc đời thực này, tình yêu của nàng Mỹ Nhân âu lại cũng chỉ là mộng ảo? Dẫu vậy, anh vẫn muốn ngủ trong tình yêu ấy, để quên hết đi chốn nhân tình thế thái, quên hết đi cái cõi đời mệt mỏi, hỗn loạn và đầy rẫy những lo âu:
Xin lỗi những mảng đời ta đang có
Đôi lúc thèm được bám rêu xanh...
Đến đây, tôi xin đi sâu phân tích vào đoạn thơ thứ 5 của bài:
Bóng nàng nằm trơ mãi Cái Nước Non
Lòng nguyệt tỏ tháng năm mòn đá sỏi
Niềm vĩ đại lại vô cùng man dại...
Hình ảnh của đỉnh núi Mỹ Nhân nằm mãi giữa biển khơi xanh, chờ người chồng đi xa mãi mà không trở về...Tình của nàng chỉ có vầng nguyệt tháng năm soi tỏ. Dù sông cạn đá mòn nàng vẫn thuỷ chung.
Ôi! Sự hoang dại tạo hoá chẳng phải là đỉnh cao hùng vĩ muôn đời trong thế giới hỗn mang mà chúng ta đang sống hay sao? Đó cũng là chính kiến của nhà thơ trứơc thần tượng vĩnh hằng của đỉnh núi Mỹ Nhân!
Nghĩa là, sự thần tượng về tình yêu với người đàn bà sinh ra trong cõi thế gian này. Nó đã được tác giả dồn nén vào trong câu thơ cuối đoạn:
Cây Thánh Giá Cuộc Đời anh đặt dưới chân em!
Nhà thơ không phải là người theo tôn giáo, nhưng hình tượng Cây Thánh Giá Cuộc Đời cần hiểu theo nghĩa tượng trưng.
Người Nhật thì đặt thanh gươm trên đầu người đàn bà. Người Pháp lại đặt thanh gươm dưới chân người đàn bà!...Cho nên, nhà thơ mới phát biểu quan niệm , chính kiến của mình trong sự tồn tại thế giới :
Cây Thánh Giá Cuộc Đời anh đặt dưới chân em!
Nó còn biểu hiện một sự phản ứng mãnh liệt của tác giả, trước thực tại của thế giới con người đầy rẫy những bạo lực phi lý, còn nhiều dã tâm mãnh thú nữa.
Đến đây tình thơ đã được đẩy cao lên và mang tầm thời đại. Hình ảnh thơ bốc lửa và cháy sáng! Cùng với đoạn thơ thứ 6 , là hai đoạn thơ trung tâm cốt lõi nhất của bài.
Tôi xin phân tích tiếp về đoạn thơ thứ 6:
Hồ yêu tinh - và đàn bà nơi trần thế
Vừa là tiên vừa là quỉ :nàng ơi!
Đàn bà - Đúng là cuộc sống không thể thiếu được họ! Thiếu họ, cuộc đời ta sẽ trở nên hoang tàn vô nghĩa. Nhưng chính đàn bà cũng đem đến cho ta bao mệt mỏi? Có nhiều khi ta chỉ muốn vào quách trong chùa để đi tu, cho cuộc đời được sống yên.
Có họ và không có họ đều dở cả - Họ là thiên đường trong cuộc đời ta , nhưng đồng thời cũng là âm phủ!...Họ vừa là linh hồn, là tiên nữ, lại vừa là quỉ dạ xoa...
Chả trách , thi sĩ Tản Đà đã từng một thời tìm đường lên núi tu tiên, để dứt bỏ chốn hồng trần. Nhưng rồi ông vẫn lại phải quay về với cõi đời thường ấy, để sống tiếp cuộc đời chán chường với bao nỗi đoạ đầy.
Vì lẽ đó - Đứng trước đỉnh núi Mỹ Nhân thanh cao kia, nhà thơ mới thốt lên:
Nếu có thể sống chung đầu bạc răng long
Anh nguyện với nàng cả đời vui thú!
Hình ảnh đoạn thơ chan chứa tình yêu, làm cho bài thơ mang sâu sắc tính đời và gắn liền vào trong cuộc sống, để tình thơ Trước Núi Mỹ Nhân thật sự trở thành một thi phẩm hoàn bích và viên mãn!...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2010 12:35:51 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 28:
TRƯỚC NÚI MỸ NHÂN (2)
Em nằm trong tiếng sóng vỗ bao la
Làm núi đợi ! Lặng im cùng năm tháng
Tình yêu ấy hoá tượng thần trong trắng
Khi thế giới ta thay đổi đủ sắc màu
Bóng em nằm vời vợi cao siêu
Chối bỏ hư danh và không tính toán!
Thiên thai ấy - Cuộc sống xô bồ này
Đâu là lẽ sống?
Máu trong người với đá: thứ nào hơn?
Em là cái đích cuối cùng ta hướng đến triệu năm
Triệu năm nữa chắc chỉ là ảnh ảo
Tình yêu văn minh: gia tốc hợp, gia tốc tan...
Đỉnh núi Mỹ Nhân ơi,
Ta quấn lên đầu nàng thêm một vành khăn trắng!
Ta từng yêu em ta cả tâm hồn bão loạn
Để cuối cùng thân số vẫn cô đơn!
Ta từng say bằng thứ rượu whisky choáng váng
Tỉnh lại rồi xin quì gối trước sơ nguyên.
Ta đã yêu em cả trong phản bội
Với tình yêu không thể gì đánh đổi
Vì trần đời là thế: nàng ơi!
Chỉ có mỗi trái tim
Vừa hoá đá cho thơ...ta vừa phải làm Người!
1994
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.05.2011 12:47:26 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 29:
NHỚ VỀ CÔ GIÁO CŨ
-Kính tặng cô giáo chủ nhiệm
Đinh Thị Kim Thanh !
*
Xóm chiến tranh...thời thơ sơ tán học
Lớp cũng là một mái nhà gianh
Sân trăng sáng như lòng cô đằm thắm
Soi vào em bao nỗi ân tình.
Nhớ thuở ấy em còn trẻ quá
Tuổi hồn nhiên qua trang vở học trò
Như người mẹ hiền từ cô dìu dắt
Ở cái làng Cầu Ấu (*) đã xa xưa.
Sông bến đưa đò cô chèo giữa nắng mưa
Lớp lớp quá giang chúng em đi biền biệt
Có những phút quay lặng nhìn lòng thổn thức
Kỉ niệm về như bày sáo lang thang.
Gió vẫn đang reo trên đồi thông Mỏ Thổ (*)
Sông Máng trong xanh (*) nước chảy qua cầu
Ba mươi năm trôi tóc cô đã bạc
Tóc em giờ bóng hạc cũng vờn nhau.
Biết tin cô thôi không còn lên lớp nữa
Đánh tan giặc về em làm một nhà thơ.
Sương trên mái tóc cô rơi xuống đầu em hoá lệ
Và đời người, Cô ạ !
Ngỡ cơn mơ...
Phạm Ngọc Thái
1997
(*) Những địa danh ở Bắc Giang - Thời còn chiến tranh phá hoại bởi không quân Mĩ,
chúng tôi đã đến sơ tán để học.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2010 12:39:27 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 30:
TÌNH YÊU VÀ MẶT NẠ
Người với người vẫn phải đeo mặt nạ sống chung nhau
Chỉ có tình yêu mới cứu nổi ta thôi!
Anh dắt em trở về nơi thiên thai
Chỉ có lá cây cùng gió thổi
Những bông hoa còn thẹn thùng bối rối
Cuộc sống trinh thơm vẻ hoang sơ.
Mắt em trông xa bờ cỏ xanh lơ
Chải mái tóc xưa bằng lá chanh, lá sả
Hồn vẫn mát thơm như núi lạ
Thoả lòng trai anh ngụp lặn trong em
Anh hôn lên đôi môi hồng rực ánh hoàng
Nụ hôn thật khuôn mặt ta cũng thật
Chiếc mặt nạ ta phải mang giữa đời thường để sống
Anh xé vứt đi rồi khi ta sống trong nhau!
Xã hội cứ văn minh thời đại cứ cao siêu
Chiếc mặt nạ ta phải đeo lại dày thêm một tí...
Sự trung thực đã trở thành ấu trĩ
Trở thành miếng mồi cho kẻ khác hại ta.
Tâm hồn ta luôn phải lấy màn che
Để hở quá - đời sẽ lừa hại ta như tội lỗi,
Vậy đấy em yêu, bởi vì ta cũng cần tồn tại
Người với người cùng phải đeo mặt nạ sống chung nhau?
Ở bên em hồn anh ngợp những ánh màu
Lòng thanh thoát như chú bé chăn trâu trên đồng cỏ
Ta mới được thấy mình thực sự
Được sống thanh tao và ý nghĩa trên đời.
Chỉ có tình yêu mới cứu nổi ta thôi!
Và chỉ có yêu em lòng ta trong mát lại
Chiếc mặt nạ cả đời ta bức bối
Vứt nó đi ta sẽ bị vùi dập suốt đời.
Ôi, lạ kỳ thay thế giới con người?
Làm mặt nạ trung thu cho trẻ chơi thuở nhỏ
Còn mặt nạ đời thì phải đeo thực sự
Từ lúc lớn khôn cho tới lúc xuống mồ.
Chiếc mặt nạ này: vàng, xanh, đỏ...thật đủ trò
Ta đeo mãi hoá quen lại tưởng mình mặt thật
Ta đòi hỏi người cũng phải đeo - không thể khác,
Vì ta không tin có sự trung thực bền vững ở trên đời...
Chỉ có nụ hôn em rửa sạch tội lỗi con người
Chỉ có bờ môi em không ố bẩn
Và chỉ có trái tim ta, em ơi - còn sạch trong nguyên vẹn
(Con người với con người vẫn phải đeo mặt nạ để sống chung)
Chỉ có tình yêu anh và em: dầu bờ bãi vẫn vô cùng...
9/4/1995
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2011 22:11:42 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 31:
ĐÊM THU SƯƠNG
Trăng đi chếch về phía dòng sông vắng
Tiếng con chim bay ngang cắn vào khoảng xanh trong...
Đêm thu sương...trăng không vàng mà bạc
Gió khuya khoắt men hàng phố thức
Với mấy người quét rác quét trong đêm
Những ngôi nhà chẳng biết có bình yên?
Đêm thì hoang - Sông cách sông
Lá liễu em đong khắp thân em
Mắt em như liễu ngang cành liễu
Máu chảy đầy trăng: em biết không(?)
Thu 1992
Bỗng trên trời tiếng một con chim lẻ loi bay ngang qua, nó kêu " cắt " lên xé rách cả không gian. Tiếng con chim lạc ấy như cũng xé rách cả lòng người. Con chim đó đã vào thơ! Tạo thành âm vọng của cả tình thơ Đêm Thu Sương này :
Trăng đi chếch về phía dòng sông vắng
Tiếng con chim bay ngang
cắn vào khoảng xanh trong...
Trong cái màu trăng trắng bàng bạc đi chếch ở lưng trời về phía bên kia của con sông - Chỉ có tiếng chổi tre của những người quét rác đêm, cùng nỗi cô đơn của nhà thơ hoà trong làn gió khuya là thao thức.
Từ một khoảng không gian bao la hiu hắt, đến đây tác giả đi vào khoảng không gian gần gũi đời sống, để tạo nên một phông cảnh vũ trụ trời đất và cuộc đời... và cuối đoạn thơ tác giả đã buông ra một câu hỏi:
Những ngôi nhà chẳng biết có bình yên?
Hỏi ngôi nhà, hỏi đường phố - Nhưng chính bởi lòng nhà thơ đã bồn chồn không yên: Anh đang nhớ đến một người con gái!
Sang đoạn thơ thứ ba thì toàn bộ hình ảnh , chân dung của người con gái ấy đã được hiện lên...đầy ấn tượng nhưng lại chìm trong màu sắc của dòng thơ tượng trưng:
Đêm thì hoang - Sông cách sông
Lá liễu em đong khắp thân em
Mắt em như liễu ngang cành liễu
Từ đôi mắt tới dáng hình nàng được mô phỏng trong khối tình mơ mộng của nhà thơ: cái bóng mắt như liễu lại vắt ngang cành liễu...và tấm thân em cũng như nhành liễu thướt tha v.v...
Cái dáng liễu được khắc hoạ thành hình tượng thơ ấy : để nói về sự nhỏ nhắn , xinh xắn và duyên dáng của người con gái. Chính cách tả này đã tạo cho Đêm Thu Sương thêm vẻ huyền ảo trong thi ca! Để khi kết bài - Nỗi tình da diết của nhà thơ đã được bộc lộ trong một câu thơ chứa đầy chất siêu thực:
Máu chảy đầy trăng...
em biết không (?)
Nghĩa là nỗi nhớ mong ấy đã được nhà thơ gửi lên tận bóng trăng kia - Cái bóng trăng đang đi chếch về phía dòng sông vắng, nơi người con gái mà anh đã gặp! Nàng sống ở đó, bên kia của dòng sông...Máu vẫn tràn chảy trong trái tim tha thiết của nhà thơ vào đêm thu sương! Khi anh đang khắc khoải mong nhớ về nàng...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.04.2011 13:15:18 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 6 bạn đọc.
Kiểu: