Nhatho_PhamNgocThai
-
Số bài
:
971
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 04.08.2006
|
RE: THƠ TÌNH CỦA PHẠM NGỌC THÁI
-
22.09.2006 15:02:36
Bài thơ 57: LÀM MA EM VỢ Kính viếng hương hồn cụ Nguyễn Du. Em kết liễu! Tự giải thoát mình khỏi " kiếp" Chết thật hèn. Nhưng sống thế càng ôi, Anh thắp cho em một nén nhang đời Và lễ tạ: Nam-mô-di-Phật! Người sống đưa chân người chết đây Đầu bạc làm ma mái xanh này Mẹ, cha... queo quắt còn ham thọ Em nhởn thanh xuân lại vội quay. Em ơi : chữ Kiếp trước chữ Người! Sống cần cố gắng! Chết rồi thôi, Hãy đi - Yên nhé! Coi hết nợ... (*) Anh ở vì chưng trả nợ đời! Phạm Ngọc Thái 5/7/1998 (*) Nàng Kiều trẫm mình trên sông Tiền Đường nhưng lại được Giác Duyên vớt cứu - Theo thuyết bản mệnh của Phật giáo ở cụ Nguyễn Du: Nàng chưa thể chết... vì chưa trả hết nợ đời! --------- Làm Ma Em Vợ (LMEV) là một bài thơ khóc! Trước hết xin nói qua đôi bài thơ khóc có tiếng trong thi đàn của các thi nhân xưa. Hồ Xuân Hương đã viết hai bài thơ khóc về hai ông chồng. Thực ra bài Khóc Tổng Cóc không phải vì ông Tổng Cóc chết, chỉ vì chuyện vợ chồng tan vỡ đứt đuôi con nòng nọc đấy thôi: Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi! Thiiếp bén duyên chàng có thế thôi Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi. Qua đó bà than cho thân phận mình. Lời từ biệt một ông chồng chưa chết, hờn giận chê bai ông vô tích sự...Đã là chàng Tổng Cóc còn hèn kém nhu nhược. Bà nguyền rủa sự rẽ duyên của người vợ cả, cùng với những người nhà ông. Bà đã đem cả một xâu: nào nhái bén, nòng nọc, chẫu chàng chẫu chuộc ra mà giễu cợt. Lời nghe có vẻ cũng thống thiết , nhưng ý lại cay chua...Bài thơ mang tính bi hài. Còn bài Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường lời than có phần chân thành tha thiết, đủ thấy lòng bà cũng tỏ sự tiếc thương.Bà tiếc cái hạnh phúc ngắn ngủi sau 27 tháng chung sống được ông Phủ thương yêu, còn quí trọng như một người bàu bạn đồng cảm văn chương.Nào là: Cái nợ ba sinh đã trả rồi Chôn chặt văn chương ba thuớc đất... Rồi bà trách tạo hoá không công bằng: Cán cân tạo hoá rơi đâu mất Miệng túi càn khôn khép lại rồi. Bà phẫn xót cái phận bạc bẽo của mình nên giọng thơ có vẻ vẫn nhạo báng cõi đời. Nói chung hai bài thơ khóc của HXH , theo một cách nói: đó là hai tiếng thở dài khác nhau, tuy bộc lộ tính cách không kém ngạo ngược, nhưng nó vẫn chứa chất nỗi oán thán và chua chát cảnh thế gian. Lại bàn đôi lời về bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến (NK) - Cả thảy dài 38 câu. Viết từ nỗi đau tận cõi lòng , khi nghe tin người bạn tri kỷ (đương thời cùng thi đỗ khoa cử nhân với ông) đã mất. Áng thi viết như kiểu văn tế (điếu văn) bằng thể song thất lục bát. Giọng kể như lời tự sự bày tỏ lòng thương tiếc: Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau Kính yêu từ trước đến sau Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời? Cũng có lúc chơi nơi dặm khách Tiếng suối reo róc rách lưng đèo Có khi tầng gác cheo leo Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang... Từ bầu bạn văn chương đến sở thích đều tương đồng hợp ý nhau: Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân... Rồi ông than thời thế đảo điên, cảnh đời hoạn nạn phải từ bỏ quan trường, bạn bè vẫn cùng tri kỷ, lui tới thăm nhau chốn thôn hương: Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn Phận đẩu thăng chẳng dám tham trời...V.V... Nỗi thơ thống thiết, khi dùng cả tích xưa để nói tình thân giữa hai người: Giường kia treo cũng hững hờ Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn Câu trên kể về tình bạn rất thân giữa Trần Phồn và Từ Trĩ: Trần Phồn dành riêng cho bạn một cái giường, khi bạn tới thì mời ngồi, lúc bạn về lại treo lên!... Câu sau mựơn ý nói đến nghĩa tri âm giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ: khi Chung Tử Kỳ mất, Bá Nha đập nát cây đàn không gẩy nữa. Cứ thế theo nỗi lòng xót xa thơ ông trào ra, rồi chạnh nghĩ về sự cô đơn không có bạn: Rượu ngon không có bạn hiền Không mua không phải không tiền không mua... Khóc Dương Khuê là một trong ít bài thơ nổi tiếng nhất của NK - Tôi trích một số câu như thế, để làm cơ sở phân tích cho bạn đọc dễ nhận thấy, sự khác biệt nhau về cả cấu tứ cũng như thi pháp... Khi bình sang đến bài thơ khóc LMEV của PNT sau đây: Em kết liễu! Tự giải thoát mình khỏi "kiếp" Chết thật hèn. Nhưng sống thế càng ôi, Hai câu mở đầu này giống như những lời khóc van khi đưa đám trong dân gian của các bà, các cô...đối với những người thân hoặc các đức ông chồng : " Anh ơi! Sao anh không sống để suốt ngày rượu chè, suốt ngày cờ bạc, suốt ngày đánh con chửi vợ, anh ơi!". Ấy lúc sống thì rền rĩ, có khi mắng rủa nhau: Sao không chết quách đi cho rồi! Nhưng lúc chết thật thì lại khóc: Anh cứ sống tồi như thế cũng được, đừng chết mà bỏ vợ bỏ con mà đi có hơn không? Tôi ví như các bà, các cô khóc tang...là nói về giọng điệu ngôn cú, cũng như cách thức cảm xúc của tác giả để diễn đạt bài thơ khóc cho mang màu sắc, phong dáng dân gian. Chứ còn thơ có đạo của thơ, có nghĩa của thơ! Không thể khóc tuốt tuồn tuột tạp-pí-lù theo kiểu các bà , các cô được. Ta xem trong câu thơ hai, nửa vế đầu viết: " Chết thật hèn", nửa vế sau lại nói :"... nhưng sống thế càng ôi" ! Như thế là ngay trong một câu thơ, đã đưa ra hai nhận định về cái sống và sự chết của nó (tức là người em vợ): Hai nhận định này mang mâu thuẫn đời sống...Chết như nó thì dở , thì hèn, nhưng sống mà sống kém sống tệ như vậy thì... Nhưng đây là một câu thơ khóc trước vong linh em - Có thể trách nó về cái chết thì còn được, nhưng nếu đem cả cách sống tệ ra trách trước mồ mả em...lại thật là bất nhẫn! Tôi xin trích những lời của Hoài Thanh khi nói về Hàn Mặc Tử trong Thi Nhân Việt Nam - Kết thúc bài giới thiệu ông đã viết: " Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ chết rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn". Trở lại với bài LMEV ! Thế là lòng nhà thơ mâu thuẫn. Nhưng một bài thơ khóc tang thì phải nói đến cả nghĩa sống và cái chết của bài thơ đó! Huống hồ tính nhân bản trong thi ca, nó đòi hỏi phải đặt ra một giác độ, trách nhiệm của một con người trước xã hội, trước cộng đồng mình : Sống cần cố gắng! Chết rồi thôi... Bởi vậy để đỡ cho câu thơ khóc rất thật ấy, ngay hai câu sau đó: với nghĩa tử là nghĩa tận, đã thể hiện cái tâm và cái đạo của anh đối với người em. Những giọt nước mắt của nhà thơ đã nhỏ xuống , tình cảm anh xót xa mà thắp nén hương lòng, khấn cầu cho vong hồn em sớm được siêu thoát: Anh thắp cho em một nén nhang đời Và lễ tạ: Nam-mô-di...Phật! Trách là trách những người thân đang sống quanh không cứu vớt được nó? Trách thực tế cộng đồng không đủ sự nhân ái cần thiết đưa nó ra khỏi bờ vực thẳm? Nhưng thôi, dù sao thì em cũng đã chết rồi! Hãy để cho vong hồn em được an ủi, yên nghỉ nơi suối vàng. Nhưng ý tưởng bao trùm tình thi LMEV này, đã được tác giả khai phá phát sáng lên ngay từ trong câu thơ đầu. Tôi quay lại để bình xét về câu thơ thứ nhất ấy: Em kết liễu! Tự giải thoát mình khỏi "kiếp" Ba chữ "tự giải thoát" là tiếng kêu trong trời đất và xã hội, từ dưới đáy hạ tầng của lớp chúng sinh: Cuộc đời đến mức phải tự kết liễu để giải thoát mình ra khỏi "kiếp sống", thật là bi thương! Nhìn theo quan điểm nhân đạo: suy cho cùng nó cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương của xã hội mà thôi! Tiếng kêu chúng sinh đó đòi hỏi, thậm chí chất vấn...cả thượng tầng kiến trúc kia? Huống hồ cảnh đời còn bao thương tâm, bao oan nghiệt, phi lý bất công vẫn đè nặng lên lớp nhân quần lương thiện. Chữ "kiếp" đã được vọt trào ra chính vì nỗi đau đời đó! Đến câu thơ thứ chín, ta thấy nhà thơ còn nhắc lại chữ "kiếp" ấy một lần nữa: Em ơi! Chữ Kiếp trước chữ Người... Đứng trước bao cảnh đời còn vật vã khốn khổ, trong tâm khảm xót xa và ở trên bờ bến của nhân gian, để nhà thơ viết ra bài khóc tang này! Tôi bình sang đoạn thơ hai: Người sống đưa chân người chết đây Đầu bạc làm ma mái xanh này Cái lời tiễn người đã chết khi đưa ra mồ ra mả, nhưng ở đây nó ngược cảnh : đầu bạc lại làm ma mái đầu xanh... nghe rền rĩ như tiếng kèn đám ma. Đó là sự bi ai của cuộc sống ! Trong dân gian lắm khi cảnh gia đình lục đục , cha mẹ già hay ông bà tính khí trái nắng giở giời...thường rít lên rỉa rói con cháu: Đến con giun, con dế nó còn muốn sống nữa là con người? Tâm lý cảnh đời thường ấy đã được tác giả vận vào hai câu sau của đoạn thơ hai này, để nói lên nỗi xót xa bi thương đối với người em: Mẹ,cha...queo quắt còn ham thọ Em nhởn thanh xuân lại vội quay. Quay là quay lơ, lăn ra chết... đi liền với "nhởn thanh xuân" (nhởn nhơ tuổi thanh xuân) : nghĩa thơ có ý trào lộng, ngôn ngữ nhịp điệu hợp với sự cúng điếu của sự khóc tang. Lời than ấy giống như những người đi theo xe tang khóc viếng để đưa linh hồn kẻ chết về nơi chín suối. Nghĩa là, một cái chết tội tình đáng thương thay! Mẹ, cha đã phải chịu đựng bao nhiêu khốn khổ , tủi nhục đắng cay mà vẫn sống đó... Em còn trẻ, dù có cảnh đời thế nào đi nữa, cũng việc gì phải phẫn chí tìm cách quên sinh? Đôi nét về phong thi: từ lời cầu nguyện trong ý của đoạn thơ một phát triển sang đoạn thơ hai, nó khác với cái chết bởi tạo hoá mà bà HXH đã khóc ông Phủ Vĩnh Tường: Như kiểu bài tụng (theo thể thất ngôn bát cú). Bà nuối xót vĩnh biệt ông, trách trời trách đất...Rồi cám cảnh đời đen đỏ long đong đối với thân phận mình, bà than: Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi! Còn cái chết già của người bạn Dương Khuê mà NK đã khóc tang (như đã phân tích trên), mạch thơ chẩy dài theo một dòng cảm xúc, để kể cho ta về mội chuyện của hai người...và nhà thơ thương tiếc: Làm sao bác vội về ngay Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời Hay là: Sao vội vàng (bác) đã mải lên tiên v.v... Còn LMEV của PNT: tuy cũng dựa trên một nỗi đời cụ thể, nhưng nó có cấu trúc của một bài thơ tượng trưng,và còn nhuốm đầm sắc thái theo quan điểm của nỗi kiếp đoạn trường...chốn bể khổ dân tình của cụ Nguyễn Du. Để cho rõ hơn , xin phân tích sang đoạn thơ ba, cũng là đoạn thơ kết bài: Em ơi! Chữ Kiếp trước chữ Người... Sống cần cố gắng! Chết rồi thôi, Hãy đi - Yên nhé! Coi hết nợ... Anh ở vì chưng trả nợ đời! Lại nói về thân phận Kiều trong tác phẩm của cụ Nguyễn Du: trải qua bao khổ ải, nhục nhã ê chề phải trẫm mình xuống dòng sông Tiền Đường để chết, nhưng lại được Giác Duyên vớt cứu - Nàng chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời! Như thế món nợ Kiếp của Kiều, dù đã phải trải qua hai lần thanh lâu, mấy lần muốn tự vẫn không thành: Làm cho sống đoạ thác đầy Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi! (Kiều). Còn cái việc nàng đã được cụ Nguyễn Du cho tái hợp lại với chàng Kim Trọng để cuộc đời bi thảm của Kiều có phần kết hậu, âu đó cũng chỉ là món nợ đời cuối cùng mà nàng phải trả nốt đó thôi: món nợ tình ! Bởi 15 năm khổ ải định chết, chết không xong. Tới khi được Giác Duyên cứu sống lại rồi, Kiều chỉ muốn đem tấm thân đã "dơ" của mình: Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru? Để mà yên thân nơi cửa chùa: Đã đem mình bỏ am mây... Mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng Thế mà phận cũng có được yên đâu? Khi Kiều từ chối duyên tái hợp với chàng Kim kia, từng thốt ra than: Nói chi kết tóc xe tơ Đã buồn cả ruột mà nhơ cả đời... Thế mà Vương Ông vẫn còn trì triết , mắng con gái rằng: Tình kia, hiếu nọ ai đền cho đây? Vì "hiếu" đã phải bán cả tấm thân trong trắng , ngà ngọc của mình để chuộc cha. Với "tình" lòng vẫn thuỷ chung son sắt, cũng đành phải dứt duyên nhờ em là Thuý Vân thay mình!... Hiếu, tình sâu nặng đến thế? mà vãn chưa đủ trả!... Cuối cùng Kiều vẫn cứ phải đem cái tấm thân mình, như nàng đã nói: Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa... Để mà đền nốt cho chàng Kim! "món nợ kiếp người" tưởng cũng chỉ khổ đến thế là cùng? Trở lại với bài LMEV, câu thứ ba của đoạn thơ này là: Hãy đi - Yên nhé! Coi hết nợ... Cái nạn kiếp người nơi hạ tầng của chúng sinh thời nào mà chẳng khổ? Trải qua những thăng trầm bể ải trong nhân tình thế sự, chiêm nghiệm trong thẳm sâu tâm linh cuộc đời mình, thấm đẫm về chữ Kiếp luân hồi ấy... để nỗi thơ thương xót từ trong lòng tác giả đã trào ra: Em chết, là coi như đã trả hết nợ đời đó em! (Vì muốn nó cũng có sống lại được nữa đâu?)Đồng thời đó cũng là lời an ủi, xoa bớt nỗi đau xót cho vong hồn người em nơi chín suối. Mặt sau của bản thơ là tiếng kêu cứu xã hội, là tiếng khóc nấc bật ra từ trong khối cộng đồng của thời đại hiện đại này! Em ơi! Chữ Kiếp trước chữ Người... Ta trở lại với câu thơ đầu tiên: Em kết liễu! Tự giải thoát mình khỏi "kiếp" Thì đây cũng chính là tiếng khóc chung của nạn người! Lời khóc tang của bài LMEV này, là tiếng khóc bật ra từ trong nỗi kiếp nhân gian. Một mảng màu xám trên cái bình diện chung của hiện thực đời sống hôm nay: Anh ở vì chưng trả nợ đời! Anh còn phải sống tiếp, cũng chả sung sướng gì đâu? Cũng bao khổ nạn, mệt mỏi, ê chề...chẳng qua chỉ vì đời chưa hết nợ, trả hết nợ rồi anh cũng đi thôi! Bài thơ chỉ như một lời khấn cầu từ bi nơi cửa Phật, để thắp cho đứa em tội nghiệp, cùng những kẻ đáng thương đã sinh ra ở trên cõi sống trần ai đây... một nén nhang đời!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.10.2010 00:56:37 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Đời hư, thực nhập nhoè lẫn lộn Đêm ái tình... ta nương ngủ trái tim hoang.
|