Nhatho_PhamNgocThai
-
Số bài
:
971
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 04.08.2006
|
Re:(URL) THƠ TÌNH CỦA PHẠM NGỌC THÁI
-
02.03.2018 16:12:43
Chương III. CHUẨN BỊ VÀO CUỘC CHIẾN 1/. Viết theo phiên hiệu: Những đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam thường được viết bằng các phiên hiệu: - Tiểu đội gọi là “A” - Trung đội gọi là B - Đại đội - C - Tiểu đoàn - D - Trung đoàn - E - Sư đoàn - F 2/. Một số nhóm chữ dùng nhiều trong tiểu thuyết sẽ được viết tắt: - Quân giải phóng viết tắt là QGP ( Không phải chỉ Quân giải phóng địa phương, mà khi bộ đội tiến vào chiến trường miền Nam cũng gọi là QGP, hay có lúc gọi “Quân cộng sản Bắc Việt” – cũng chỉ là một ) - Chính phủ Việt Nam Cộng hòa viết tắt là Chính phủ VNCH - Quân lực Việt Nam Cộng hòa - QLVNCH 12- Đài phương Tây đưa tin: “Con hổ xám đã mất hút trong khu rừng rậm Hòa Bình”. “con hổ xám” là biệt danh mà họ gọi Sư đoàn 312 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lúc này, sư đoàn đã nhận được lệnh trực tiếp của Bộ quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chuẩn bị sẵn sàng ra chiến trường. Vào một đêm mùa đông năm 1967, diễn ra cuộc Tổng diễn tập cuối cùng trên qui mô lớn cả sư đoàn, với phương thức tác chiến hiện đại mà khi ấy có được. Trên một bình diện rộng, tương đối bằng phẳng chừng vài chục ki lô mét vuông. Nổi lên khoảng năm, sáu quả đồi nhỏ. Chính giữa là một cao điểm lớn, đỉnh nhọn hoắt. Các đống lửa đã được đốt lên trên mỗi quả đồi, vây quanh là những hàng rào dây thép gai, nhiều lớp. Đó chính là cứ điểm địch – Đúng hơn, đó là hệ thống trận địa “quân xanh” phục vụ cho cuộc tổng diễn tập. Đứng trên một độ cao, người quan sát sẽ thấy: Năm quả đồi hình thành một thế phòng ngự kiên cố. Những trận địa pháo, những ổ xe tăng, chi chit lô cốt địch… nổi lên như những chiếc nấm lớn. Trực thăng bay vè vè suốt đêm, thả những chùm pháo sáng chói mắt, soi mói từng bụi cây nhỏ. Thủng thẳng tiếng súng cầm canh, rồi im bặt. Đôi lúc rộ lên tiếng súng máy trên các cứ điểm, chúng thi nhau bắn. Xe tăng đồng loạt nổ động cơ… "con hổ xám" mà kẻ địch luôn dò xét từng bước chân ấy, đang tập dượt những nước bước cuối cùng để vọt lên vồ mồi. Về phía "quân đỏ" – 1 giờ sáng, lệnh khai trận được ban ra toàn sư đoàn. Ba phát pháo hiệu đuổi nhau bay lên bầu trời. Trên con đường Quốc lộ 12c, xe tăng bất ngờ xuất hiện. Nó gầm lên, mở hết tốc lực lao thẳng đến phòng tuyến "quân xanh". Pháo mặt đất từ các phía dồn dập bắn vào cứ điểm địch. Các trận địa cao xạ 37ly bật tung những lớp ngụy trang, khạc từng chùm đạn lửa lên trời, đuổi tốp máy bay trực thăng của quân xanh ra ngoài. Kèn tiến quân tò te, tí te vang lên! Một khu rừng thứ hai, từ trong mé rừng thiên nhiên rùng rùng chuyển động... rồi đứng bật dậy, di chuyển về phía trước - Đó là những tiểu đoàn bộ binh, trên lưng mỗi chiến sĩ đeo một vòng ngụy trang. Nếu khi cả đội hình nằm xuống, tưởng như đấy là một rừng cây lúp xúp. Ở Đại đội 5, đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 thuộc Sư 312 – Hạ sĩ Hoàng, một chiến sĩ súng máy đại liên cũng có mặt trong trận đánh diễn tập này. Đây là những trang nhật kí của anh, ghi lại một chặng đường hành quân mới nhất. * Mồng 5 tháng 11 năm 1967, Đêm trăng. Trời trở gió lạnh mà mồ hôi vẫn vã ra như tắm. Quần áo ướt sũng. Chúng tôi hành quân qua vùng đồi miền trung du. Một đồi sả ngút ngàn của nông trường nào đó. Vào quãng nửa đêm, cả đại đội đi theo một lối mòn nhỏ giữa đồi. Trên bầu trời, mây lởn vởn bay. Khi đám mây này vừa bay qua để lộ ra ánh trăng tỏa sáng, đám mây khác liền kéo tiếp đến che lấp bóng trăng đi, làm cho cảnh đồi đã trống trải lại mang màu hư ảo. Sương muối rơi nhiều. Mồ hôi vẫn cứ chảy thành dòng nhòe lên cả mắt, thấm xuống môi mằn mặn. Mấy đầu ngón chân tuy đã được bọc trong đôi giầy vải, vẫn bị tê cóng. Tiếng hát theo nhịp hành quân của các chiến sĩ đã yếu dần đi, anh nào cũng mệt rã. Quai ba lô xiết vào vai tê dại. Lưng muốn sụn xuống, phải mắm môi lại mà bước. Cả đoàn quân mờ mờ tiến trong đêm, lưng còng còng cõng những chiếc ba lô con cóc. Anh thì vác chiếc càng hay thân súng máy đại liên, người thì è vai mang khẩu hỏa tiễn DKB hoặc súng cối nặng trĩu. Đại đội 5 chúng tôi vẫn đi bám sát nhau, vượt sang đồi bên kia. Đồng chí chính trị viên đại đội và anh thượng sĩ - Quản lý hậu cần, đi cuối cùng đội hình làm nhiệm vụ thu dung. Cũng có vài ba chiến sĩ đã bắt đầu bị tụt lại sau hàng quân. Gần tới đỉnh đồi, bất giác tôi nhìn thấy cách con đường mòn khoảng vài ba chục mét, có một cô gái đang tựa người vào chiếc cổng tre đơn sơ. Tóc cô dài chấm ngang lưng. Bên trong cổng là một chiếc lán nhỏ, có hàng rào cũng đan bằng tre vây quanh. Cô gái đứng im lặng nhìn đoàn quân đi qua. Cả cô gái và chiếc lán hiện lên như hai cái bóng mờ đơn độc, hiu hắt trong màn sương giá lạnh. Tôi có cảm nhận lòng thiếu nữ đang se lại, vì nhớ tới một người thương nào đó? Có thể là hình ảnh người yêu của cô, một chiến sĩ mà chúng tôi chưa biết mặt. Ở một nơi nào đấy, anh cũng đang hành quân như chúng tôi đêm nay? Nhưng cũng có thể, anh đã ra chiến trường... Vẫn là hành quân trên mảnh đất quê hương, mà chúng tôi lại nhớ về quê hương và những người thân! Lòng tôi cồn cào nghĩ về em... “Thu thân yêu! Không biết giờ này em có thao thức để nhớ về anh, như người con gái kia không?”. Một cái gì thầm kín nhen lên, trong sự cảm đồng giữa cô và những người chiến sĩ. Cô cũng đang đi cùng chúng tôi trên một con đường, hướng về một hướng: khao khát, chờ đợi và hy vọng! Tôi nghĩ: Không phải chỉ có tiếng bom, pháo gầm nổ? Không phải chỉ có những lá cờ bay phần phật trên nóc cao điểm? Không phải chỉ có các làng mạc bị bom đạn tàn phá, những người đã ngã xuống và cả đoàn quân vẫn xông lên? – Bức họa về chiến tranh, không thể thiếu bức tranh này! Sang ngày mồng 6, Khoảng 3 giờ sáng, lệnh từ trên đầu hàng quân truyền xuống: "Đã đến chỗ trú quân"! Không có gì vui bằng tin này. Xương cốt hình như muốn vỡ ra. Những xúc thịt trong cơ thể đang tan rã. Mí mắt kéo sụp xuống, nặng chịch, không thể nào còn mở ra được nữa. Chân muốn khụy. Vừa đi vừa ngủ đã thành thói quen của lính. Chân cứ đi, mắt cứ nhắm nghiền, thỉnh thoảng choàng dậy đã thấy cách xa người đi trước gần chục bước. Vội chạy lạch bạch để bám sát đội hình. Thế lầ cả đoàn quân sau đó phải chạy theo. Nhìn ra xa, cách đường quốc lộ hơn trăm mét là một xóm nhỏ. Những chòm tre quây kín xóm như một hòn đảo xanh giữa cánh đồng. Gần chục dân quân, nam nữ thanh niên ra đón chúng tôi. Tiếng líu ríu của các cô nữ dân quân làm cho những tay chiến sĩ tỉnh ngủ. Chẳng liều thuốc nào bằng liều thuốc ấy? Dễ thường nó còn mạnh gấp mấy lần, so với những liều thuốc tư tưởng của các nhà chính trị. Đã thấy mấy cậu đi đầu đang ba hoa, tán tỉnh các em. Những tay chiến sĩ đi cuối hàng thì lại làu bàu, mắng mỏ... Chắc các anh chàng bực bội vì ở xa mấy em quá, không được xơ múi gì? Vào đến xóm. Mỗi "tổ ba ba" được dẫn vào một gia đình để trú quân. Chỉ kịp ra ao khỏa vội cái chân, trèo lên chiếc giường tre của gia đình nhường cho, lăn ra ngủ. Tỉnh dậy đã 11 giờ trưa. Nếu không có cậu trực ban đến thúc giục đi ăn cơm, có lẽ chúng tôi phải ngủ một mạch đến chiều. Ăn cơm về. Lúc này, chúng tôi mới để ý quan sát gia đình. Nhà chỉ có hai người, một bà già và cô con gái. Sau được biết, cô gái lại là con dâu của bà. Con trai bà cưới vợ được mươi ngày thì nhập ngũ, để lại người vợ hiền và ngoan ở nhà. Cô chủ thật niềm nở, dễ thương, ra hè ngồi đan nón nói chuyện với chúng tôi. Có "hơi nóng" của phụ nữ, nghe chừng cuộc sống thêm vẻ mặn mà. Cảm giác như mỗi tế bào trong thân thể chúng tôi đang teo thắt lại, nay có dịp nở bung ra. Câu chuyện đang sa đà, có phần hơi nhả nhớt… mà cô chủ cũng thấy thích thú. Phụ nữ ai chả thế? Thiếu “trống” thì dẫu đẹp mấy cũng xác xơ. Gặp các anh chiến sĩ mau mồm, mau miệng… lại có duyên tán tỉnh, em nào chẳng sướng. Khác nào đất hạn gặp mưa rào. Nụ hoa đang thì… lại gặp mấy con ong dại, mang đầy bầu phấn. Tiểu đội trưởng Tân từ nhà bên sang, bắt bọn tôi đi ngủ. Tuy còn tiếc rẻ cuộc nói chuyện với cô chủ, nhưng chúng tôi vẫn phải chấp hành mệnh lệnh, về giường nằm. Giấc ngủ rồi cũng nhanh chóng kéo những anh lính vào cõi mộng mơ. Không biết khi đó ông tiểu đội trưởng Tân, người thế chỗ chúng tôi… còn ngồi nói chuyện với cô chủ đến lúc nào? Xế chiều. Cô con dâu bà chủ nhà cùng rất nhiều anh chị em thanh niên và bà con thôn xóm, đưa chân chúng tôi ra tận sân hợp tác – Nơi toàn đại đội tập trung để chuẩn bị hành quân tiếp. Ngày mồng 10, Không biết con đèo chúng tôi hành quân qua hồi đêm, có giống Đèo Khế mà ông Tố Hữu đã viết trong thơ không nhỉ? Tôi nhớ mấy câu: Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế Gió qua rừng Đèo Khế gió sang Đi qua đèo như đi trong một cái thung lũng, hai bên có hai vỉa núi kẹp lại. Gió theo lũng thổi về quần quật, sương xuống lạnh cóng. Tôi lại nhớ tới hình ảnh người phụ nữ trong thơ ông: Nhà em con bế con bồng Em cũng theo chồng đi phá đường quan Đã bao đời nay, người phụ nữ thủy chung với chồng lại đảm việc nước non. Ngày 12, Hành quân qua một miền cỏ rộng, bằng phẳng như thảo nguyên. Trên vòm trời xanh, hàng ngàn những vì sao li ti mọc. Nhìn xa trong lưng chừng một dãy núi cao, có những ánh đèn lấp lóe hắt ra. Cách chúng tôi khoảng vài cây số. Nghe nói, đấy là những ngọn đèn của một xí nghiệp, hay công binh xưởng... di tản vào trong núi đá. Ồ, đất nước ngẫm bao nhiêu chuyện lạ! Ngay giữa lòng đất, ẩn mình trong trái núi... là những cỗ máy đồ sộ đang ầm ầm chuyển động. Bên trên rừng vẫn tỏ ra êm ái như giấc ngủ say của nàng thiếu nữ. Tôi nhớ tới bài thơ "lửa đèn" của nhà thơ Phạm Tiến Duật: ... Đêm tắt lửa trên đường Nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch Là tiếng những đoàn quân xung kích Đi qua Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch Bóng đêm ở Việt Nam Là khoảng tối giữa hai màn kịch Chứa bao điều thay đổi lớn lao Bóng đêm che rồi không thấy gì đâu Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ. Đất nước tôi đã đánh Mỹ như thế! Đoàn quân tiến sâu mãi vào trong đồng cỏ vắng. Đến một vùng đất bị cầy lên, cỏ bị xới tung, ngang dọc chi chít hằn những vết bánh xe xích. Trông cảnh tượng, người ta có cảm tưởng như ở đây vừa diễn ra một trận hồng thủy thời trung cổ? Hoặc có bầy mãnh thú náo đó đến đây quần lộn, đã đi xa, để lại những dấu vết quằn quại của những con thú bị thương... xé nát cả mảnh đất. Sau được biết, đó là dấu tích của một đoàn xe tăng, đã đến đây tập kết từ vài hôm trước. Chúng tôi hiểu rằng trong cuộc hành quân này, chúng tôi không đơn độc. Vẫn đi tiếp trong đêm. Phía xa, lại trông thấy một dãy đèn sáng. Chắc đấy là ánh đèn của một thị xã nào đó? Lòng tôi bồn chồn nhớ tới phố phường, nhớ những người thân. Nhìn cảnh hoang vắng tựa một vùng thảo nguyên: Tôi bỗng liên tưởng tới hình ảnh nàng Radđa kiêu kỳ và chàng Lôi-kô Rô-ba kiêu hãnh, trong câu chuyện của nhà văn Gorky: Khi nàng Radđa xinh đẹp nằm xuống thảo nguyên hoang dại, để nhận lấy lưỡi dao găm của chàng Lôi-kô Rô-ba đã cắm ngập trái tim mình – Nàng nói: "Em biết anh sẽ làm như thế!". Thảo nguyên mênh mông, mối tình cao thượng! Cái mơ và cái thực, hòa trộn trong tôi một cảm giác mạnh mẽ. Thu ơi! Em có phải là nàng Radđa xinh đẹp đó không? Nhưng không phải là để đón nhận lưỡi dao tình yêu, mà để đón nhận những nụ hôn cháy bỏng của anh, từ vùng đất hoang vắng này... theo gió gửi về cho em. Ngày 15, Cả trung đội súng máy đại liên nằm nghỉ trên sàn một chiếc nhà rông giữa bản. Cạnh nhà, có dòng suối nước chảy rí rách. Trời sập tối. Ở góc nhà, mấy cậu đang nằm chéo khoeo cất cái giọng vịt bầu, khò khè như ông lão mắc bệnh hen phát ra từ trong cổ họng nghe ư... ử... Ngồi dựa vào cây cột gỗ phía trái nhà, binh nhất Văn rút chiếc kèn ác-mô-ni-ca trong túi quần ra thổi. Chiếc kèn được bọc cẩn thận bằng một cái khăn tay. Đông nhất là tốp chiến sĩ đang vây quanh cô gái Mường. Cô gái có nước da trắng nõn nà, khuôn mặt tròn xinh xắn. Cảm giác như trong con người cô toát lên sự tươi mát và khêu gợi. Họ ngồi bên cạnh cái bếp lửa nhà rông đang cháy, sưởi ấm cho cả gian nhà. Trên bếp lửa, nồi bánh làm bằng bột mì đang sôi. Tôi nằm cạnh Văn, lắng nghe câu chuyện của tốp chiến sĩ và cô gái Mường. Nồi bánh sôi sùng sục, nước trào ra cả bếp. Cậu Thuyết vội vàng cầm chiếc vung vứt ngửa lên mặt sàn, rồi vẩy vẩy bàn tay bị bỏng. Cô gái với lấy đôi đũa, lật úp những chiếc bánh trên cùng sấp lại cho chín đều. - Tay mấy anh chưa quen bằng tay em đâu! Cô gái nhìn Thuyết đang ôm bàn tay xuýt xoa vì nóng, cười nói vui vẻ. - Anh ấy chỉ chưa quen cầm vung thôi, còn cầm cái khác thì... Một anh lính nói trêu cô gái. Một cậu khác mắng: - Lại sắp tán nhảm. - Ấy lầ mình muốn nói: Thuyết nó chưa quen cầm vung, nhưng bóp cò súng thì không chê vào đâu được. Cả bọn cười ồ. - Lính xạ thủ loại ưu của bọn anh đấy! - Em đùa tí thôi. Cô gái Mường lấy chiếc que sắt vẫn để cời than, khêu bếp lửa cho cháy to lên. Giọng của cô nhẹ nhàng rất dễ thương. - Mấy anh đi xa như thế này, chắc là nhớ người yêu lắm? - Bọn anh toàn lính "phòng không" cả. Họ tán. - Các anh cũng muốn tìm người để thương, để nhớ! Không biết mấy em gái Mường có ưng không? - Gái Mường xấu lắm, đần lắm, các anh chẳng ưng đâu? Mấy anh chỉ ưng gái Kinh thôi! Cô gái bản nghe chừng cũng thích những câu tán của lính. - Riêng anh, anh vẫn thích gái Mường! - Gái Mường xinh này! Trắng này! Gái Mường ngoan này! Ăn nói dễ thương này! Em giới thiệu cho mấy anh vài cô? Một anh khác nói chêm vào. Cô gái lắc đầu nguây nguẩy: - Em chịu thôi. Các anh bộ đội đòi hỏi cao lắm! - Cứ như em là được. Cô gái xấu hổ, má đỏ rựng. Tay vẫn cời than trong bếp, cô nói có vẻ hơi hờn dỗi: - Mấy anh nói chơi chơi… chứ yêu gì gái Mường chúng em? Mình miên man nằm nghĩ về Thu. Tiếng con suối bên cạnh nhà rông vẫn rí rách chảy, lại nhớ lúc đã cùng em trên phiến đá của con suối ven rừng… Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy toàn bộ tấm thân em. Tấm thân người con gái, vẻ đẹp của nó không bút nào có thể tả hết được. Ôi! Cái tòa thành kì vĩ và bất tử, mà Đại thi hào Nguyễn Du đã mô tả: Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên “Tòa thành” của em huyền diệu và lộng lẫy quá! Em có biết lúc đó, anh đã thấy hạnh phúc thế nào không? Đến bây giờ anh còn bàng hoàng, tưởng như mình vẫn đang ôm người yêu ngủ trong mơ… Ngày 17, Chúng tôi đi sâu vào rừng núi Hòa Bình. Một đêm mưa tầm tã, đơn vị hành quân qua bản khác. Các bà mế một tay cầm cành lá cọ, bản to như một chiếc ô che lên đầu, tay kia bưng những rổ bánh sắn và các dóng mía đã được tiện sẵn, phân phát cho từng chiến sĩ đi qua. Chúng tôi nhận bánh và mía, lặng lẽ cám ơn các mế rồi lại vội đi. Những cô gái Mường tuổi xuân mơn mởn, xinh tươi dứng chật bên đường đưa tiễn các anh lính trẻ. Qua miền đất lạ mà cảm thấy như mình đang đi giữa làng quê gần gúi, thân thương. Trong chiến tranh, đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số đã xích lại gần nhau hơn. Đấy là quê hương tôi! Ngày 25, Theo Tết cổ truyền, chỉ còn hơn tháng nữa là bước sang năm mới. Chúng tôi nhận được lệnh tạm dừng cuộc hành quân dưới một chân núi đá. Anh em vào rừng lấy tre nứa, dựng lán trại…chuẩn bị đón cái tết đầu tiên của đời lính. 13- Các đơn vị đều đã dựng lán trại xong. Vào một buổi sáng, các chiến sĩ lũ lượt rủ nhau tới bản xin cành đào về chơi tết. Mặt trời như hòn máu đỏ nhô lên cao, phủ một màu hồng loãng bay mơn trớn, là là từ mái nhà gianh này sang mái nhà gianh khác. Bản Mường nằm trên một thung lũng rộng, bằng phẳng. Những dẫy núi chạy quanh , thành đường viền như yên ngựa. Những vườn cây cọ, lá to vươn dài ra. Những vườn táo trái chín mọng nước, các cành sai quả vít cong xuống ngang mặt người. Những vườn hoa đào màu hồng, thơm ngát. Gió sớm thổi cuốn tung những cánh hoa mận trắng rắc lên các mái nhà, trông như những khuông vải hoa. Trong các vườn trái, đã thấy thấp thoáng bóng những chiến sĩ cùng nam nữ thanh niên trong bản. Một thiếu niên bản vận chiếc áo cánh nhuộm chàm, xoa tay lên nước thép của khẩu AK, nói với anh chiến sĩ đang khoác súng trên vai: - Đồng chí bộ đội, dậy mình bắn súng đi! - Khi nào em lớn, vào bộ đội, người ta sẽ dậy em bắn súng. Anh chiến sĩ nói với cậu bé như vậy. Ở chỗ khác. - Anh bộ đội! Em tặng hoa đồng chí, để đồng chí ăn tết cho ngon, đánh giặc cho giỏi. Đó là tiếng của cô gái bản trạc tuổi mười tám, đôi mươi, đang tỉa cành đào đưa cho các chiến sĩ. - Có đi xa cũng đừng quên thôn bản chúng em đấy! - Quên làm sao được mấy em! Mấy em cho tụi anh nhiều hoa, tụi anh nhớ càng nhiều. - Bộ đội khôn lắm chớ? Hết đào bản em thôi! - Giải phóng miền Nam rồi, bộ đội về miền xuôi sẽ mang nhiều đào lên cho các em. - Thật nhiều chứ? - Thật nhiều. - Khi nào miền Nam được giải phóng, chúng em sẽ về miền xuôi thăm bộ đội, bộ đội đón chúng em chớ? - Có chớ! Mùi sắn lùi, mùi thịt nướng, mùi cơm lam... từ trong các bếp lửa nhà sàn, tỏa ra thơm phức. Hoàng cùng với Hùng và Dong đi ngang qua một vườn táo chín. Những trái táo nũng nịu trên cành, va cả vào đầu các anh. - Chà, trông mới thật ngon! Dong xuýt xoa vẻ thèm khát. Anh chỉ những quả táo trên cành, nói với Hoàng: - Ta nếm thử chứ? - Đừng, của dân không xâm phạm. Hoàng nói. Hùng nháy mắt nhìn Dong, trêu: - Có thèm cũng chỉ được hít, được nhìn thôi! - Thèm đến rỏ nước miếng. Dong đến một cây táo, rung thật mạnh. Những cành táo xô vào nhau, chuyển động lan ra cả khu vườn. Những trái táo chín rơi xuống tứ phía. Hùng và Dong lao tới nhặt, phủi qua quả táo rồi cho lên miệng cắn ngon lành. Vừa ăn vừa xuýt xoa: - Không ăn cũng hoài của. Hoàng cũng thèm lắm, nước bọt kêu ừng ực trong cổ nhưng vẫn làm ra vẻ… Dong nhặt một trái táo to, vo tròn trong bàn tay cho sạch phấn bám ở vỏ, đưa Hoàng: - Ta nếm vài ba quả táo rụng thôi, chứ đâu có phải là lấy của dân. Ăn đi, không can gì. Hoàng cười, nói: - Tí nữa vào nhà, dân bản trẩy cho ăn thoải mái. Trong vườn không có người, sợ mang tiếng. Anh vẫn cầm trái táo Dong đưa, cắn ròn tan. Vị của trái táo hơi giôn giốt chua và ngọt, ăn vào tỉnh táo hẳn. Hùng thì nhấm từng tí như chuột chí. Dong lại nhai ngấu nghiến giống con cáo đói mồi, tấm tắc khen: - Người sắp chết mà vớ được trái táo này để ăn, có khi sống lại. Lúc này, họ mới nhìn ra cạnh vườn táo có một trái lều lợp gianh. Trong lều, dân bản đặt một chiếc cần cối giã gạo bằng nước. Dòng nước chảy theo đường máng dẫn từ trên núi cao về. Một cô gái Mường đứng bên cạnh chiếc cần giã gạo. Chắc cô đã trông thấy các anh từ lúc qua vườn? Cô gái Mường đang nhìn mấy anh chúm chím cười. Như bị mắc cỡ, cô cúi xuống chiếc cối vục một nắm gạo lên tay, thổi cho bay hết bụi cám. Họ ngẩn người đứng sững ngắm nhìn cô gái: Mái tóc đen mướt của cô búi gọn, trên bím cắm một bông hoa mận trắng, nhỏ xíu. Cô gái Mường mặc chiếc áo trắng ngắn, bằng loại vải mịn và mỏng, bó sát lấy thân hình thon thả. Gấu áo hơi thắt chẽn lại, tựa như liền với cạp của chiếc váy hoa may cầu kỳ. Họ tiến về phía người con gái bản. Hoàng lên tiếng trước: - Chào em gái bản. - Em chào các anh. Cô gái tươi cười để dộ hàm trắng đều, giọng vẫn đượm tuổi thơ. Dong nhìn cô gái ướm hỏi: - Bọn anh qua đây vào thăm bản, nhân thể xin bà con mấy cành đào cắm tết? - Các anh đóng quân ở lại đây có lâu không? - Lính các anh ở ngày nào, biết ngày ấy thôi! Hoàng đăm đắm nhìn người con gái, làm cho cô hơi ngượng ngùng. - Tết này mời mấy anh vào nhà em ăn tết? Các anh lên nhà em đi! Mấy anh đến chơi, chắc mế vui lắm. Họ theo cô gái đi qua một vườn đào, đến ngôi nhà sàn nhỏ, bước lên chiếc cầu thang gỗ bắc vào nhà. Một mế già đang ngồi bên cạnh bếp lửa, đặt giữa sàn. Tóc mế búi tó củ hành, đã bạc quá nửa. Bà mế cưới đón các anh, cái đuôi mắt của người già nheo lại. - Vào đây mấy con! Mế chỉ tay lên sàn chỗ gần bếp lửa, bảo các anh ngồi xuống. Tay mế cầm ống điếu cầy to bằng cổ chân, vê một điếu thuốc cho vào lõ rồi lấy mẩu than hồng trong bếp châm để hút. Ở đây, dân bản không hút thuốc bằng lửa. Họ nói, hút bằng than đượm hơn. Cô gái lấy chiếc gùi mây đang làm dở, ra ngồi cạnh khung cửa sổ đan tiếp. Từ chỗ cô ngồi trông thẳng sang vườn đào, qua một cái sân. Hút xong điếu thuốc, bà mế quay lên hỏi: - Mấy con quê ở đâu? - Chúng con ở Hà Nội. Hoàng trả lời mế. Anh ngước nhìn đến bên cửa sổ, nơi người con gái Mường xinh đẹp đang ngồi đan gùi. Bà mế kể cho các anh nghe về đứa con đầu của bà: "Nó là anh trai của cái Mỵ!" - Mế bảo vậy. Đến bây giờ các anh mới biết tên cô. - Thằng anh trai của nó cũng đi bộ đội như mấy con, tết này vừa tròn một năm. Nó cũng mới viết thư về báo tin cho mế và em gái biết, đơn vị nhận được lệnh lên đường khẩn cấp ra chiến trường. Tay vẫn cời bếp lửa cháy hồng lên, bà mế nghẹn ngào: - Nhiều lúc nghĩ đến nó, mế thấy thương thương, nhưng lòng mế vui, mế thấy tự hào. Đưa tay chỉ lên chiếc bàn thờ nhỏ, có một bát nhang đặt dưới bức chân dung một ông già đang ngậm tẩu, giọng mế rưng rưng: - Cha chúng nó không còn để trông thấy các con khôn lớn. Nếu biết, hẳn ông ấy phải vui sướng lắm! Theo như mế kể - Mỵ vừa mới học xong lớp y tá ngắn hạn ở trên tỉnh. Cô trở về làm việc tại nhà y tế địa phương, phục vụ bà con trong bản.Thỉnh thoảng cô lại tình cờ nhìn về phía Hoàng: cái anh chiến sĩ có mái tóc đen mềm, chải hơi thành sóng, trông dễ có cảm tình ấy! Sáng nay, như có dòng nước mát nào đó đã tưới vào tâm hồn trắng trong của người con gái bản. Bắt gặp Hoàng nhìn lại, Mỵ vội cúi xuống đan tiếp, má chín hồng như người vừa ra từ bếp lửa. Một cái gì rạo rực trong cô... Nghe lời mế, Mỵ dẫn các anh ra vườn, cắt cho mỗi anh một cành đào. Không hiểu sao, lần này cầm chiếc liềm để cắt cành, tay Mỵ cứ run run... Hoàng vội chạy đến giúp. Mỵ đưa liềm cho anh, miệng chỉ tủm tỉm cười. Khi tiễn chân các anh ra về, cô còn đứng nhìn theo mãi. Tới khi cái anh chiến sĩ trông đẹp trai mà cô vẫn chưa biết tên, quay đầu nhìn lại. Như người ăn vụng bị bắt quả tang, Mỵ e thẹn ù chạy lên nhà. Cô vẫn nhớ, mấy anh đã hứa sẽ vào thăm bản luôn. 14- Hoàng đã nhận thấy tai hại về sự sa đà tình cảm của anh với cô gái Mường. Tâm hồn trong trắng, thơ ngây của người con gái dân tộc, thanh suốt như chiếc tách pha lê. Sau những lần anh lui tới thăm bản, những lời mời đón, ngọt ngào trai gái – Mỵ đã ái mộ anh! Một tình cảm âm thầm, trinh khiết và tha thiết. Phải nói rằng, tuy chưa phải là một lâu đài tráng lệ với những ô cửa tò vò cao chót vót, hay đỉnh tháp hùng vĩ... Nhưng chính sự tươi mát của tâm hồn và tình lưu luyến như hương hoa của em, đã kêu gọi trái tim những người con trai vươn tới. Đã làm cho lòng ta say. Ngày ngày cô mong được gặp anh. Thời gian này đơn vị được nghỉ ngơi đón tết, anh em chiến sĩ rỗi rãi, tự do hơn. Họ cũng thường tranh thủ lui tới bản chơi và thăm hỏi bà con. Sáng nay anh lại đến. Đang đứng ở cửa ngóng, trông thấy bóng anh từ xa... cô chạy ra đón. Đôi trai gái dắt nhau đi trong vườn đào chi chít hoa, hương đào bay quanh... cảm giác như đến ánh sáng cũng chứa đựng những hương say. Không biết đó chỉ là hương của hoa hay cả hương của người? Mầu hồng của đào, mầu hồng của nắng... tắm lên làn da trắng mịn mà, trên khuôn mặt xinh xắn của cô gái Mường. Ánh mắt cô nhìn anh lung linh, tựa như đang có bản nhạc "tình yêu và cuộc sống" cất lên trong tâm hồn. Anh đứng ngây ra ngắm nhìn cái vẻ đẹp thơm dại như bông hoa rừng của cô gái bản. Cô nhìn anh hơi e thẹn, cúi xuống: - Sao anh cứ nhìn em mãi thế? - Đào đẹp quá em nhỉ! Hoàng nói và mỉm cười. - Anh thích cành nào? - Cành nào cũng đẹp. Họ đi qua những cành đào đung đưa như chào đón. Hoàng giơ tay ngắt một nhánh hoa nhỏ. Mái đầu của cô gái Mường khẽ chạm vào má anh. Anh thoảng nghe hơi thở của người con gái cũng thơm nhẹ như làn hương hoa. Hoàng đưa tay vuốt lại những sợi tóc tơ, cài nhánh hoa lên bím tóc. Mỵ lặng yên để cho anh cài hoa. Cô áp đầu vào ngực anh, nói nhỏ: - Anh Hoàng, em rất mến anh! Bông hoa mùa xuân trinh bạch quá! Ở đây... chính giữa vườn đào này, người con gái Mường là quầng sáng thần diệu, đầy sức quyến rũ bủa vây. Khi vòng tay anh kéo cô sát vào người, Mỵ có cảm giác như toàn thân cô đang đổ sụp. Lúc này, người con gái bản sẵn sàng gieo vào lòng anh, nếu anh muốn... Ai có thể cắt nghĩa được đầy đủ về tình luyến ái? Ai có thể phân được giới hạn tình yêu và sự cuốn hút của người con gái? Bắt đầu chỉ là ý nghĩ về sự chiêm ngưỡng, nhưng rồi chính cái đẹp trinh trắng ấy đã hấp dẫn anh... Hoàng tự hỏi: "Tôi thích em, đấy ư!" – Một cái gì bỗng day dứt trong anh? Anh lưỡng lự và giây phút rụt rè, không dám để thả mình tiến xa hơn. Nhưng rồi cái tuổi thanh niên hay khao khát và ham muốn được khai phá... Chao ôi! Lỗi lầm sao cũng tươi mát như thân thể và tâm hồn em vậy? Đóa hoa thơm của người con gái đang choán trong anh. - Mình có làm gì tồi tệ đâu? Anh tự biện bạch cho mình như vậy! Dẫu ta không thể dành cho em một tình yêu thực sự của hôn nhân, nhưng ta vẫn có những tình cảm rất đẹp đẽ với em cơ mà? Những tiếng nói vẳng lên trong anh... và ta lại thích có em? Lại muốn được hưởng những niềm say mê, khao khát của tuổi thanh xuân với em. Hoàng bàng hoàng. Anh ôm lấy người con gái, tưới những nụ hôn lên trán, lên môi, lên vòm ngực thơm như hương hoa núi rừng của người thiếu nữ mới lớn. Anh bế cô đặt xuống vườn đào. Cả anh và cô đều biết rằng: những giây phút ân ái, gần gũi như thế này, chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi. Rồi anh sẽ tiếp tục ra đi! Nhưng chính ý nghĩ đó... không phải để ngăn giữ, mà lại thôi thúc họ dành cho nhau nhiều hơn. Tiếng cô thầm thì: "Em đến với anh nhanh quá, phải không?". Khi đôi bàn tay của người chiến sĩ lần cởi tấm áo chẽn trắng, ra khỏi tấm thân trắng ngần và thơm mát. Cô khẽ giữ tay anh lại, nhưng rồi... lại để mặc anh. Khi anh cởi bỏ cả chiếc váy hoa ra khỏi cô – Trong cô chỉ nghe thấy tiếng nói thầm thì: Em yêu anh... chỉ vì em yêu anh... Dù một ngày nào đó em không còn được gặp anh nữa, thì giây phút này người con gái bản vẫn cho anh, giữ mãi mối tình đẹp đẽ với anh! Chiến tranh! Ngươi có ý nghĩa gì, khi đem so sánh với tâm hồn và thể xác trinh trắng của người con gái này? và chính đôi mắt của người con gái, đôi mắt như một bầu trời xanh, trong như dòng suối rừng... đang lên án ngươi! Ngươi muốn sự sống trên đời này phải vật vờ như bóng ma ư? Ngươi muốn hủy diệt cả tình yêu và cuộc sống, mà đấng thượng đế tối cao đã ban thưởng cho con người ư? Hãy nhìn đến người con gái xinh xắn, đáng yêu này – Ngươi sẽ thấy sự tồn tại của ngươi đáng nguyền rủa đến vạn lần? Anh ngắm nhìn ánh mắt ngây dại như giấc mơ xa của Mỵ. Hai tấm thân đã quyện vào nhau trong vườn đào. Cô run run và khẽ thốt lên: "Anh, em sợ!" – nhưng cả người cô vẫn uốn cong để ghì chặt lấy anh. Nhưng một tiếng nói nào đó từ trong trí não đã ngăn anh lại? - Không được! Anh không thể đi đến bước ấy. Bởi vì, anh yêu Thu! Nếu anh đi quá xa với người con gái bản này, anh sẽ có lỗi với Thu. Hoàng vội vàng đứng dậy, trước sự ngỡ ngàng của cô gái. Ánh mắt của cô như muốn nói với anh: Em cho anh mà, sao anh không chiếm đoạt em? Nhưng trong anh vẫn vang lên một tiếng nói kiên quyết: Không, anh không thể phản bội lại Thu! Hoàng bế Mỵ dậy... khẽ hôn lên tấm thân em lần nữa, rồi mặc áo và váy lại cho em. Mỵ vẫn ngạc nhiên không hiểu: Hay là, anh không thích cô? Người con gái bản lặng lẽ, những giọt nước mắt bỗng trào ra trong khóe mắt. Anh phân trần: - Anh không thể, dù anh rất mến em – Mỵ ạ! Anh nói như thể xin lỗi vậy. Anh cũng đã phải dùng hết lý trí để cưỡng lại những ham muốn mạnh mẽ của bản thân, nhưng Mỵ vẫn nhìn anh như có chút hờn dỗi và trách móc: - Anh không thích em ư? Hoàng âu yếm nói: - Không phải vậy đâu, em ạ! Anh rất thích em. Anh rất muốn, nhưng... Không để cho anh nói hết câu, cô căn vặn: - Vậy sao anh dừng lại... Anh không biết phải giải thích như thế nào? Anh không thể nói với cô rằng: Anh đã yêu một người con gái khác rồi, dù đó là sự thật. Hoàng đành chống chế: - Bọn anh sắp phải đi! Anh không thể ở lại đây với em được. - Thì em vẫn biết các anh phải đi... Giọng cô nghẹn ngào: "Nhưng em tình nguyện cho anh. Sao anh phải ngần ngại? Người con gái bản đã thuộc về anh rồi mà...". Cô bỗng ôm chầm lấy anh nức nở khóc: - Em sẽ đợi anh về! Phải cách xa anh thế nào, em cũng đợi... Sự bộc lộ tình yêu, hẹn hò của cô gái dân tộc hiền lành... làm cho Hoàng hoảng hốt. Tiếng khóc của cô thổn thức, nước mắt trào ra đẫm cả ngực anh. Tưởng như cả vườn đào kia cũng phải rung cảm trước tiếng khóc ấy. Nó cất lên từ trong thiên thai, trinh khiết và thơm hương như cánh hoa rừng mùa xuân. Một làn gió đưa về làm cho những cánh hoa bay lả tả... Cái dây cót của chiếc đồng hồ thời gian cứ thản nhiên quay. Thoáng chốc trời đã gần đứng bóng, cũng sắp trưa. Mỵ chỉ muốn thời gian thật chậm, để anh ở lại thật lâu với cô. Khi Hoàng từ biệt Mỵ ra về, anh vẫn chưa thể nào giải thích được cho cô hiểu? Anh chỉ biết hứa, tết này nhất định sẽ vào bản để thăm mế và cô. Họ cùng nhau đi ra khỏi vườn đào. Trên vòm trời, vài đám mây mềm mại đang trôi... 15- Sáng nay được ngày nắng ấm, các chiến sĩ trong đơn vị Hoàng kéo nhau ra suối tắm. Từ trên núi cao đổ xuống một dòng thác lớn, như một con trăn khổng lồ trong cơn quẫy đạp, quăng cả tấm thân đồ sộ của nó xuống núi. Thác nước tràn ra một khu hồ, từ đó trào vào lòng con suối không lớn lắm, nên nước chảy rất xiết. Những chỗ suối nông, nhấp nhô những phiến đá bị nước bào nhẵn, nhớp nháp rêu. Chỗ suối rộng và sâu cũng phải ngập ngang ngực. Người ta kháo nhau: Ngày xưa hồ này còn có tên gọi “Hồ tiên nữ”. Họ truyền kể một câu chuyện thần thoại về hồ. … Cứ chiều chiều có bẩy con chim phượng bay đến hồ để tắm. Khi đó giữa hồ còn có một hòn đảo. Giữa đảo nổi lên một chòm núi nhỏ. Trong núi có một chiếc hang cũng không sâu lắm. Một chiều… bẩy con chim phượng hạ cánh đỗ xuống đảo, hiện thành bẩy nàng tiên xinh đẹp. Bẩy nàng tiên vào trong hang để trút bỏ xiêm y, rồi thứ tự từ cô chị cả đến cô em út – gọi là nàng bẩy, bước ra khỏi hang xuống suối tắm. Tắm xong họ lên phơi mình trên đảo. Bẩy nàng tiên như bẩy tòa thiên nhiên, lồ lộ phơi mình trong sắc nắng hoàng hôn. Cái hoàn mỹ của mọi sự hoàn mỹ ngự trị trên da thịt các nàng. Hương thơm tỏa ra từ thân thể các nàng đã gọi những bầy chim khôn nhất, có tiếng hót hay nhất... bay đến đảo. Đẹp nhất là nàng Bẩy! Nàng nằm bên mé nước, tóc xõa xuống suối. Bầu ngực nàng hiện lên những nét trạm sinh động, tài hoa của tạo hóa. Nàng Bẩy lim dim mắt… nghĩ đến nơi trần thế? Giấc mơ của nàng mỏng manh như hơi thở. Niềm khao khát tình yêu ứa lên đôi môi nàng như nước mật ngọt của trái vả rừng. Nàng là tiên, nhưng vẫn là phụ nữ: Nàng không thần tượng sự trong trắng, tiết trinh - Nàng muốn hiến dâng! Nàng ao ước có một cuộc sống hạnh phúc và trăn trở ở cõi trần gian, hơn cuộc sống yên ả nhưng cô đơn, lạnh lẽo chốn thiên đình. Nàng khao khát được yêu, được biết mình đang tồn tại. Đàn bà: Họ là thực tại còn nàng là chiêm bao... Ý nghĩ ấy càng làm cho nàng Bẩy thêm buồn chán. Nhìn lên bóng nắng chiều – Nó cũng giống những năm tháng còn lại của đời nàng, lụi dần xuống núi. Nỗi khao khát về sự "hiến thân" truyền lan trong cơ thể nàng, nàng vùng dậy thét lên: - Tồn tại! Tôi muốn tồn tại! Tôi muốn sống. Tôi mu...ốn... số...n...g... Tiếng thét của nàng Bẩy làm cho bầy chim sợ hãi bay lên cao. Các nàng tiên chị thì nhìn em lo âu... Con suối mà các anh đang tắm, bên cạnh Hồ Tiên Nữ ngày xưa. Hòn đảo ấy qua nhiều năm tháng, đã bị thác nước và sóng hồ đánh tan đi mất. Các chiến sĩ khỏa trần ngâm mình trong dòng suối mát, cười reo như con trẻ. Dong vắt chéo chiếc khăn tắm màu cỏ úa, vừa kỳ cọ tấm lưng to bản vừa nói với Hoàng: - Này, cô bé trông cũng xinh tươi không kém gì nàng Bẩy? Ý Dong muốn nói đến cô gái Mường mà mấy anh đã gặp đôi lần khi vào bản. - Cũng khá. Hoàng làm ra vẻ thản nhiên đáp lại lời Dong, rồi nhào ra chỗ nước sâu ngụp lặn, lấy tay xoa vò mái tóc đang gội dở. Đám bọt xà phòng trắng lốp nổi lên mặt nước... bị sóng cuốn đi. Hùng thì đang nằm phơi mình trên một tảng đá ở chỗ suối nông, hai tay vắt qua đầu làm gối, nói lửng lơ: - Không khéo có người viết thư đến đơn vị kiện cáo, là lôi thôi đấy! Văn đang tắm gần đấy nói gióng lại: - Lo gì, lính là phải thế! Anh có ý ủng hộ sự thân tình của Hoàng với Mỵ. Thực ra, đồng đội của Hoàng cũng chỉ đoán già, đoán non ... trêu trọc anh cho vui. Họ vừa tắm vừa bàn tán đủ thứ chuyện, sôi nổi khắp mặt suối. - Này, tớ nói thật: con gái ở đây là có bùa mê đấy! "ăn" phải bùa mê thì khó mà gỡ? - Chậc, lính đất thánh. Cậu quê lắm! Dạo đó – lính Hà Nội, anh em đều gọi là "lính đất thánh"! Một chiến sĩ chỉ vào Thuyết, giọng trêu trọc: - Cứ nhìn thằng Thuyết đây! Cũng là lính đất thánh: khôi ngô, tráng kiện như thế mà... chiều qua nó leo lên tận lưng chừng núi, giở thư nhà ra đọc rồi khóc thút thít như con nít? - Nhớ bu chứ gì? - Thế đã phúc. Chắc em yêu ở nhà lại "tút" theo thằng cha nào rồi? - Chỉ nói bậy. Thuyết lúng búng vặc lại. - Bậy à? Cũng may bọn tớ đi tìm mấy bông hoa núi mới gặp, nếu không lại chẳng ngồi đến tối. - Hoa khôn trong bản thiếu gì mà đi tìm hoa núi, hả ông bạn? - À... bọn tớ thích chơi hoa dại. - Nghe đâu ra ngoài tết bọn mình về phép? Mỗi anh được giải quyết bốn ngày. - Chắc sắp đi? - Ồi, lính biết thế nào mà đoán trước? Đùng một cái, chẳng phép tắc gì... đi thẳng vào trong cũng nên. - Mẫn ơi! Cậu còn nợ bọn này một chầu khao đấy nhé! - Có tin mừng gì mà khao đấy? - Vợ nó viết thư lên đơn vị, báo tin vừa sinh con trai. Thằng cu kháu lắm! - Thế có "kháu" như anh dân quân xã không đấy? - Cần quái gì. Con người cũng như con ta, con xã hội cả… phải không cậu? - Chỉ nói nhảm. Tất cả cười ồ. Một anh chiến sĩ trẻ đã tắm xong, vừa đi về vừa ngâm bài thơ "lính mà em" – Cũng không biết tác giả bài thơ đó là ai? Em trách anh gửi thư sao chậm trễ? Em đợi hoài, sẽ giận cho xem Thư anh viết: anh nào đâu muốn thế, Hành quân hoài đấy chứ - Lính mà em! Anh gửi cho em một cành hoa dại Để làm quà, không về được em ơi! Không đi lễ nửa đêm cùng em nữa Thôi đừng buồn em nhé – Lính mà em! Ngày về phép anh hẹn em dạo phố Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm Em xót xa, đời anh nhiều gian khổ Anh mỉm cười rồi nói – Lính mà em! Qua phố nhỏ anh ghi dòng kỉ niệm Trời mưa mưa hai đứa đứng bên thềm Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím Anh quen rồi không lạnh – Lính mà em! Anh kể chuyện hành quân và gối súng Trăng trên đầu không đủ viết thư đâu Biên thư cho em, nét mờ chữ vụng Hãy hiểu giùm em nhé – Lính mà em! Ghét anh ghê chỉ được tài biện hộ Làm em càng thương nhớ thêm nhiều Em xa lánh những ngày vui trên phố Để nhớ người hay nói – Lính mà em! * Khi Văn rủ Hoàng ra về thì dưới suối cũng vãn người tắm, anh em đã về gần hết. Mấy hôm nay, Văn không khỏi ngạc nhiên vì sự thay đổi của Hoàng? Trong cuộc đời chiến sĩ đã bao kỉ niệm vui buồn có nhau. Nhưng rồi các cuộc hành quân liên tiếp, nhiệm vụ mới lôi cuốn họ vào. Sự thay đổi của Hoàng lần này, có gì đó hơi khác thường? Linh tính trong Văn báo cho anh biết, một cái gì "mới" xẩy ra với bạn mình. Hoàng nhớ gia đình chăng? Chắc không phải. Tình cảnh gia đình Hoàng, Văn hiểu lắm! Hoàng từng kể cho Văn nghe. Hay Hoàng nhớ Thu? Đúng thôi! Nhất là xuân đến, nhiều khi Văn cũng thấy lòng mình xốn xang. Hoàng còn có người yêu… chứ Văn, cuộc đời với anh mới mẻ quá! Anh chưa hề ý niệm rõ rệt về tình cảm ấy. Đôi lúc anh cũng vấn vương nghĩ đến một người bạn gái thủa học sinh, những kỉ niệm thời thơ ấu. Nhưng rồi tất cả qua đi. Cuộc sống đời lính sôi động, tất bật, mệt mỏi. Chẳng lẽ vì thế mà bạn anh thay đổi nhiều vậy ư? - Hoàng đã nhận được thư của Thu chưa? Văn hỏi. - Chưa. Hoàng trả lời gọn lỏn một tiếng như thế, dường như anh vẫn đang mải mê đuổi theo niềm tâm tư riêng của mình. Anh đã kể cho Văn nghe chuyện tình cảm của anh với Thu, nhưng chuyện mới này... với cô gái bản Mường xinh xắn, thì anh chưa thể kể được? Hay ít nhất là bây giờ anh chưa thể! Nếu biết, Văn sẽ nói gì với anh? Chắc lại chỉ vài câu vấn an bạn: Ồi, nghĩ làm gì nhiều! Lính mà... Không! Đây không còn phải là câu chuyện vui vẻ, bông đùa nữa. Nó sẽ trở nên khôi hài, thậm chí là "vô liêm sỉ", nếu anh coi đấy là một trò giải trí? Nhưng anh cần phải làm gì? Cứ mặc thế, ngày tháng sẽ qua đi ư? Thì mấy ngày nay, anh đã chẳng làm thế đấy sao! Anh đã tránh để khỏi gặp Mỵ... rồi anh sẽ đi xa... sẽ vào chiến trường... Anh có thể làm như thế, và anh biết rằng: dù không muốn thế thì anh cũng chẳng thể làm gì khác được nữa. Lương tâm anh bị cắn rứt? Hay là, nói thật với Mỵ mọi chuyện? Không, không thể được. Không nên làm như thế! Hoàng thấy chính anh chẳng khác gì kẻ phản bội cả hai người con gái? Hoàng cất tiếng hỏi bạn: - Văn nghĩ như thế nào về một tình yêu đúng đắn? Chẳng hạn, một sự san sẻ ngoài ý thức, có phải là sự phản bội không? Trầm ngâm giây lát, Hoàng lại nói như thể tự vấn mình: "Mà cũng không hẳn đã là ngoài ý thức?". - Mình chưa có kinh nghiệm trên lĩnh vực ấy! Văn nhún vai, ra vẻ muốn nói: "Cậu cũng biết đấy, mình đã có mối tình nào vắt vai đâu cơ chứ?". Nhưng Văn cũng thích tranh luận. - Mình nghĩ: Một tình yêu đúng đắn là sự nhất quán trong tư tưởng, lý trí và tình cảm. - Nhưng ai dám khẳng định rằng: Khi tôi đã yêu rồi, thì không được phép rung động trước bất cứ một hình ảnh nào? Một tình cảm nào? và chẳng lẽ: ngược nó là phản bội? Là thiếu nhất quán? Con đường của tình yêu còn bão gió hơn cả con đường chúng ta đang đi, Văn nhỉ! Hoàng triết lý một hồi. "À, thì ra thế! Thì ra sự thay đổi của cậu mấy hôm nay là thế đấy!" – Văn nghĩ vậy, nhưng không nói. Anh vui vẻ như người vừa khám phá ra một bí mật, lại sôi nổi tranh luận: - Ờ ờ... thì chuyện tình yêu của người đàn ông với người đàn bà là chuyện của riêng, rối rắm lắm, khó có thể giải thích? Nhưng mình cảm thấy cậu đang tự gây cho mình phiền toái đấy, Hoàng ạ! Hoàng lặng lẽ không nói gì. Văn nhìn bạn có vẻ dò xét, buông ra một câu triết lý chẳng ra đâu vào đâu: - Tại cậu đa cảm quá, và tính đa cảm có khi trở thành kẻ phản đồ của tình yêu đấy! Họ cũng đã về tới chỗ dựng lán trại, nơi đóng quân của đơn vị để đón tết. Một cái tết đầu tiên của đời lính trong khu rừng núi Hòa Bình này. 16- Mỵ ngồi im lặng hàng giờ bên chiếc cửa sổ bằng trúc, mắt bâng khuâng nhìn ra xa. Bà mế ngồi gần chỗ bếp lửa giữa nhà, bàn tay gầy guộc, run rẩy đẩy những thanh củi vào sâu trong đống than hồng. Ngọn lửa đỏ lưng lức bốc lên, lè lưỡi uốn mình như một chiếc câu liêm. Chốc chốc mế lại quay về phía con gái chép miệng. Nhìn sâu vào ngọn lửa, mế than thở: - Anh trai của con đi vào chiến trường không biết tình hình thế nào, vẫn chưa thấy báo tin về? - Đơn vị của anh con chắc vẫn còn đang đi trên đường Trường Sơn, nghe nói phải hai, ba tháng mới vào đến miền Nam, mà mế? Mỵ trả lời mế nhưng mắt cô vẫn đăm đắm nhìn về phía xa. Bà mế lại chép miệng: - Vắng nó, lắm lúc nhà cứ lạnh tanh như âm phủ vậy. - Mế! Còn con vẫn đang ở nhà với mế cơ mà. Cơn ho của bà mế lại nổi lên cắt ngang câu nói Mỵ. Mế úp bàn tay trái lên ngực mình, bàn tay phải nắm lấy cây cột bằng bương gần bếp, ho rũ rượi. Mỵ vội chạy lại đỡ mế. - Con đã bảo mế đừng hút thuốc nữa, mế không nghe! - Thiếu cơm cũng không khổ bằng thiếu điếu thuốc. Bà mế nói vậy. Mỵ vuốt ngực cho mế. Cái sức người già bị cơn ho giằng xé, lưng mế muốn gẫy gập xuống. Mỵ đỡ mế đứng dậy, đi ra phía ổ ngủ của mẹ con cô. Hồi tối, cô đã trải thêm một chiếc chăn chiên bằng dạ lên trên chiếu, cho mế nằm đỡ đau lưng. Mỵ đến bên bếp lửa, ngồi đúng chỗ mế vừa ngồi. Cô tiếp thêm đôi khúc củi vào bếp lửa. Dịu cơn ho, bà mế chắc cũng đã ngủ. Những dòng suy nghĩ lại miên man đến trong đầu Mỵ. Mới chỉ ít hôm trước, ý nghĩ về cuộc sống với cô còn thật đơn giản. Nó đơn giản như anh nông dân dắt trâu ra ruộng cầy, hết luống cầy này lại tiếp sang luống khác. Thế mà hôm nay... lòng Mỵ cứ bồn chồn không yên. Ở một người con gái như chiếc nụ hoa mới hé nở, khi chưa nếm trải cái ngọt ngào và cả sự đớn đau của tình yêu, tâm hồn còn trong như giọt sương buổi sớm mai. Tuy có lúc do sự nhạy cảm của cuộc sống, họ cũng khao khát một cảm giác mơ hồ, trừu tượng về sự âu yếm, vuốt ve của người con trai. Tình cảm và trái tim còn rất mềm mại, một chiếc gai non lỡ chạm vào cũng làm ứa máu. Nói chung, khi chưa được hít thở niềm sung sướng đến mê dại của yêu đương, thì họ cũng chưa bị co giật bởi một cơn sốt tinh thần nào. Chính lúc ấy, bất ngờ Mỵ đã gặp gỡ anh, và cơn sốt tình yêu dồn dập đến trong cô. Có lúc, Mỵ cảm thấy như nghẹt thở vì vui sướng. Tiếng chuông của trái tim người đàn bà đã vang lên trong Mỵ, ngân nga, ngân nga mãi... Ôi, buổi sáng với anh ở vườn đào hôm ấy! Mỵ làm sao có thể quên được. Từ thân thể đến tâm hồn người con gái của Mỵ, tựa như một cung đàn bỗng rung lên! Bàn tay anh đã đặt vào cung đàn của em, để hàng ngàn, hàng ngàn những âm thanh trầm bổng bay ra. Nó làm dao động mọi tế bào trong cơ thể, vọng vào rất sâu, rất sâu... len lỏi đến cả nơi thầm kín nhất. Làm cho Mỵ hạnh phúc! Tuy anh chưa chiếm đoạt cái linh thiêng, quí giá nhất của người con gái. Khi ấy Mỵ cũng thấy muốn... nhưng anh đã dừng lại. Nghĩ về chuyện đó, bất giác Mỵ thấy thèn thẹn... mặc dù chỉ ngồi một mình, lại tự cười thầm bên bếp lửa. - Ghét ghê! Người ta đã cho còn không muốn... Cô lẩn thẩn nói với chính mình, tay tiếp tục cời cho bếp lửa đêm đông cháy hồng lên với những dòng tâm tư thao thức. Như người ta nói: Người đàn ông nào đã chiếm được trọn vẹn tiếng chuông thứ nhất trong trái tim người đàn bà, có nghĩa là vĩnh cửu! Lần đầu tiên trong đời Mỵ được tận hưởng cái cảm giác khoái lạc, khi cả tấm thân anh trăn trở, dầy vò trên thể xác cô, dù anh chưa đi đến bước tận cùng. Nghĩ lại những giây phút ấy, niềm hoan lạc vẫn còn dấy lên rạo rực khắp người Mỵ. Ý nghĩ về thực tại chợt đến làm cho cô hoảng hốt: Chiến tranh! Phải, chiến tranh! Anh sắp ra chiến trường… Liệu cô còn có thể được gặp lại anh nữa không? Mặc dù cô biết mình sẵn sàng chấp nhận, hoàn cảnh nào... Mỵ cũng vui lòng trao tất cả cho anh. Một mình ngồi trong đêm vắng bên bếp lửa, cô gái vẫn mơ tưởng đến... cái cảnh trần truồng lăn lộn với người đàn ông ở vườn đào. Nó sẽ trở thành một kỉ niệm theo suốt cuộc đời cô. Tiếng con chim nào đó kêu nấc lên ở ngoài bìa rừng. Tự nhiên Mỵ lại thấy hơi run và lạnh... mặc dù ngọn lửa đỏ vẫn cháy bồng lên sưởi nóng cả gian nhà. Mấy hôm nay anh không vào bản, mai đã là 30 tết rồi! Anh đã hứa sẽ vào bản ăn tết với mế và Mỵ, bởi vậy cô nóng ruột chờ? Thời gian như kéo dài lê thê... Giọng khàn khàn của bà mế vừa thức giấc, giục con đi ngủ. Mỵ dập củi, chỉ để lại một bếp than hồng, rồi vào chiếc ổ bông nằm xuống bên cạnh mế. Một lúc, tiếng thở của người con gái bản đã đều đều. 17- Đã qua hai ngày tết vẫn không thấy anh đến? Anh đã hứa với cô, thế mà... Mỵ muốn giận dỗi và trách móc, nhưng có gặp anh đâu mầ trách cơ chứ? Bao ý nghĩ suy diễn cứ lẩn quẩn trong đầu óc, rồi cô lại tự thanh minh cho anh: "Chắc là có chuyện gì đột xuất ở đơn vị, nên anh không vào bản được". Hôm qua mồng 2 tết, yên trí thế nào anh cũng vào… nên Mỵ đã lùi sẵn mấy ống cơm lam bằng thứ gạo nương thơm nhất bản. Mế lại cho con gà trống béo nhất chuồng, để làm bữa đón anh. Suốt cả ngày chờ? cô đứng... cô ngồi... đến tận chập tối vẫn không thấy bóng dáng anh đâu. Khi đó, mế và cô mới dọn cơm ra ăn. Cô ăn nhả nhớt không thấy ngon miệng, mế thì suốt bữa chẳng nói câu nào. Cô cứ tự biện bạch với mình: Chắc hai ngày tết, các anh phải tổ chức vui xuân trong đơn vị, nên không vào bản được. Có lẽ anh cũng sốt ruột lắm? Anh cũng muốn vào với cô đấy, chứ không phải... Hôm nay là mồng 3 – Mỵ nghĩ, thế nào anh cũng vào. Cô lại hy vọng và chờ đợi! Thế mà... trưa đã đứng bóng, vẫn không thấy anh đâu? Cô gái bản ra cửa nhìn về phía rừng, ngóng đợi. Cô giận dỗi, đi đi... lại lại... dậm chân thình thình lên mặt sàn. Mế mắng: - Cha đẻ mày, lớn bằng ấy mà vẫn như con nít. Mắng thế, nhưng mế thương cô lắm! Mế còn mong cái anh bộ đội vào đây bữa trước, hơn nó nữa. Sự thôi thúc muốn được gặp lại anh, mạnh hơn nỗi e ngại. Cả bữa cơm trưa nay, cô cũng chỉ ăn qua quít. Ăn xong, Mỵ nói với mế: Cô muốn vào dơn vị thăm các anh bộ đội? Mế chỉ chép miệng, rồi bảo: - Ừ, con muốn đến chỗ các anh ấy thì cứ đi! Nhưng nhớ cẩn thận. Đừng về muộn quá, mế lo. Rửa bát đũa xong và uống vội chén nước. Bà mế chỉ kịp nghe hai tiếng: "Con đi"… bóng con gái mế đã ra đến ngoài đường bản. Nắng ngập trên con đường đất đỏ. Những cánh hoa mận trắng rơi phủ khắp đường, bay lên đuổi theo bước chân của Mỵ. Cô băng qua một nương rẫy lớn, những cánh cò bay nhanh về phía rừng. Núi đã ở trước mặt. Từ xa, Mỵ nhìn thấy thấp thoáng những chiếc lán tre mới dựng. Đó chính là nơi các anh bộ đội trú quân để ăn tết. Lúc này Mỵ thấy hồi hộp quá, trống ngực đập thình thình. Dừng lại giây lát để trấn tĩnh, cô mạnh dạn đi về phía dẫy lán đầu tiên, hỏi thăm đường đến chỗ của anh. * Vào những ngày đầu xuân Mậu Thân năm 1968 ấy, tin thắng lớn trên chiến trường miền Nam dồn dập bay ra miền Bắc. Nhà quân sự đứng bên tấm bản đồ theo dõi tình hình chiến sự từ các nơi báo về. Vừa nhận được tin giải phóng thành phố này, chưa kịp đánh dấu bằng những đường chỉ đỏ - Thì ở thành phố khác hoặc một đô thị nào đấy tại miền Nam, lại nhận được tin đã giải phóng. Trên khắp miền Bắc mọi người dân đều nín thở, đứng bên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, nghe tin chiến thắng. Những sư đoàn, trung đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam đều báo động, sẵn sàng cấp tốc lên đường vào chiến trường. Các chiến sĩ cũng nôn nóng muốn ra ngay mặt trận. Toàn Trung đoàn 209, gọi là "Trung đoàn mũ sắt" thuộc Sư 312, được mệnh danh là "Quả đấm thép của Bộ” đang đóng quân tại rừng núi Hòa Bình – Các đơn vị đều nhận được chỉ thị tổ chức cho anh em đón tết tại chỗ. Bộ đội không được đi đâu xa, đợi lệnh chuẩn bị hành quân tiến vào miền Nam. Đơn vị của Hoàng thuộc Đại đội 5 – Một đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209... nằm trong tình huống báo động ấy! Chính đó là lý do: các anh không thể vào bản ăn tết cùng bà con được. Khi Mỵ hỏi thăm vào đến đơn vị gặp anh, mới biết sự tình như thế! Mọi ý nghĩ oán thán của cô với anh tiêu tan hết. Cô lại tự giận mình vì đã vội vã trách anh. Mấy chiến sĩ cùng trong Tiểu đội súng máy đại liên với Hoàng, đã mang kẹo mứt... cả bánh trưng bộ đội tự gói ra đón mừng cô. Mỵ vui lắm, cười nói với các anh bộ đội không thấy chán. Mãi tới gần chiều, hai người mới tách riêng ra được, dẫn nhau lên núi ngồi nói chuyện. Họ ngồi bên nhau, trên một thân cây gỗ lớn đã bị đổ nằm giữa rừng. - Tết này bọn anh có lệnh cấm trại! Hoàng nói lại lần nữa. - Em biết rồi! Cô nhìn anh tủm tỉm cười. Cả hai đều thấy lòng nhẹ nhõm, khi mọi nỗi niềm riêng đều trở nên nhỏ nhoi, trước tình hình chiến sự đang diễn ra nóng bỏng. "Dù sao thì cũng không thể khác thế..." – Anh nghĩ vậy, với anh hay với cô... sẽ còn lại một kỉ niệm. Số phận của những riêng tư trong giờ phút này thật mỏng manh. Chiến tranh ào qua nó, không mặc cảm. Nghĩ thế, nhưng không biết vì sao sự gặp gỡ với Mỵ, vẫn làm cho Hoàng lúng túng. Anh không ngờ cô lại đến tìm anh? - Anh Hoàng đang nghĩ gì thế? Mỵ ngả đầu áp sát vào ngực Hoàng, ngước mắt nhìn anh hỏi. Bỗng nhiên Hoàng bật cười. - Anh Hoàng cười gì? - Đêm qua anh nằm mơ. - Anh mơ thấy gì? - Anh mơ thấy là... trưa nay anh gặp em! - Chỉ bịa, ghét anh ghê! Mỵ nũng nịu với người yêu. Cô quên hết sự trách móc, lòng đang trào lên một niềm vui khó tả. Lấy tay nhặt một cộng tre nhỏ, khô rơi trên đất... bẻ tanh tách, ném nó ra xa. Chợt nghĩ tới điều sắp phải xa anh, lòng cô lại bồn chồn. - Bao giờ thì anh phải đi? Mỵ hỏi. - Chắc cũng sắp. Hoàng trả lời vậy, nhưng bản thân anh cũng không hề biết rằng: chỉ còn bốn mươi tám tiếng đồng hồ nữa, anh đã phải lên đường. Chữ "sắp" của thì tương lai mà anh đã nói, sẽ trở thành thì "hiện tại". - Em cũng nghĩ là anh sắp đi. Giọng Mỵ trầm hẳn xuống, nghe rất nhỏ, có gì đang ứ nghẹn trong cổ cô. Bỗng tiếng kêu choe chóe của một con sóc màu hạt dẻ, phá tan sự yên lặng. Nó có chiếc đuôi xồm như cái phất trần, đang nhảy trên những cành cây trước mặt. Thoắt một cái, con sóc đã biến mất vào trong núi. - Đàn ông các anh thật tệ! Ghét anh ghê? Mỵ ôm ghì lấy anh. - Có phải tại anh đâu? Lệnh đấy chứ! - Em không biết. Khi chưa gặp anh, cô những muốn nói với anh thật nhiều. Thế mà, giờ cô lại chẳng biết nói gì. Bao nhiêu ý nghĩ miên man trong trí não Mỵ? Khi em biết rằng, em đã yêu anh! Thế là, những ngày tháng vô tư của em không còn nữa. Mới có ít ngày thôi anh nhỉ, vậy mà em cứ nghĩ như đã yêu anh từ lâu lắm! Ở bên anh, em thấy mình hạnh phúc. Em sung sướng. - Liệu rồi, em có còn được gặp lại anh nữa không? Cô cảm thấy hơi hoảng hốt. Hoàng không nói gì, chỉ ôm chặt cô vào lòng. Những giọt nước mắt không ngăn được trào xuống má cô. Nghĩ đến lúc phải xa anh, Mỵ tưởng chừng như không thể nào chịu nổi? Mặc dù cô cũng biết: yếu đuối lúc này, khi đất nước đang cần mình – Là không đúng! Nhưng chắc anh sẽ chẳng giận em đâu, phải không anh? Người con gái nào mà chẳng thế! Những lúc ấy, cô chỉ muốn gục vào anh mà khóc. Khóc được, cô thấy mình nhẹ hơn. Mỵ đắm đuối nhìn Hoàng, tha thiết biết nhường nào. Đôi mắt ấy như muốn nói: Hãy hôn em đi! Hãy ôm em như hôm ở trong vườn đào ấy? Rồi anh đi! Lúc này, chúng mình không nghĩ về chuyện gì khác nữa. Chỉ nghĩ đến, em đang ở bên anh. Chúng mình đang yêu nhau... Gặp lại được anh, em chỉ muốn theo anh ra mặt trận, sẽ cùng chiến đấu với anh. Em sẽ nấu cơm cho anh ăn, ru cho anh ngủ... Còn Hoàng, anh như sống trong mơ. Mà đâu phải là mơ, cô gái đang nằm trong vòng tay anh đấy! Người con gái trong trắng, xinh tươi, đáng yêu này. Ôi, đôi bàn tay? lý trí của ngươi thật tồi tệ. Nhưng lý trí mà làm gì? Những xúc động mãnh liệt cám dỗ anh phút này còn mạnh hơn. Chẳng có gì ngăn trở nữa, đôi bàn tay tham lam. "Anh là của em!..." – Tiếng của cô gái đang yêu, thầm thì ở bên anh. Hãy lấy ánh mắt của người con gái đang say đắm, trong biển cả tình yêu, thì mới thấy nó sâu xa, thăm thẳm đến nhường nào. Hoàng không thể nào nói nổi với Mỵ cái điều mà anh đã muốn nói với cô? Anh muốn thú nhận với người con gái bản rằng: Tình yêu giữa anh và cô, không dẫn đến một kết quả nào! Anh không thể nói với cô là, anh đã có người yêu rồi! Đâu có phải anh cố tình muốn lừa dối cô? - Không, không phải thế! Trong Hoàng bối rối với bao suy nghĩ... Những tiếng lá khô gặp cơn gió thổi đến, bay xào xạc dưới chân. Nhìn vào rừng cây mà Hoàng thấy mình cứ như đang nhìn đến một khoảng hư không nào đó. - Anh Hoàng đang nghĩ gì vậy? Mỵ vẫn áp đầu vào ngực anh và hỏi. Đôi mắt cô trìu mến nhìn anh như muốn nói: "Anh đã thấy rồi đấy! Cả tâm hồn, trái tim tình yêu, rồi sẽ cả cuộc đời em nữa... đã chẳng thuộc về anh đó ư?". Hoàng ngập ngừng: - Mỵ, anh đã yêu... Có cái gì đang thôi thúc trong anh phải nói ra, rằng... anh đã yêu một người con gái khác! Nhưng Mỵ lại cắt ngang ý nghĩ đó của anh. - Em biết rồi! Thì em cũng rất yêu anh mà... - Không phải thế. Ý anh muốn nói: chúng ta không thể kéo dài quan hệ với nhau hơn được nữa. Bởi vì... Mỵ lại lấy tay bịt miệng, không để anh nói tiếp. - Anh lại muốn nói là: vì đất nước có chiến tranh, anh phải đi ra chiến trường, chứ gì? Giọng cô trở nên sôi nổi và kiên quyết: - Anh đừng bao giờ có ý nghĩ ấy nữa nhé? Nếu không là em sẽ giận đấy! Em sẽ chờ anh trở về, dù năm – mười năm, hay hai mươi năm, em cũng chờ. Bóng nắng của rừng chiều nghiêng ngả. Cánh rừng có vẻ hơi chao đảo, nhưng rồi êm đềm trở lại. Mỵ thấy giờ đây tất cả với cô thật nhẹ nhõm, không nghĩ gì nữa, chỉ biết là cô đang ở bên anh. Cô kéo vòng tay anh ôm chặt lấy mình. Hoàng không còn tỉnh táo nữa. Những cảm xúc mạnh mẽ dâng trào trong anh. Rừng và núi che lấy họ. Cô kéo anh cùng nằm xuống thảm lá. Đôi mắt đáng yêu kia đang nhìn anh tha thiết đến chừng nào! Hoàng đã bị khuất phục hoàn toàn. Anh hôn lên môi, lên vú... và bàn tay người lính trẻ luồn qua lớp vải mỏng... xoa lên cả cái chỗ thiêng liêng, kín đáo nhất của cô. Mỵ bỗng vùng nhỏm dậy, tưởng cô từ chối không đồng ý với anh? Nhưng không phải vậy. Đôi bàn tay xinh xẻo của người con gái Mường tháo cởi dải thắt lưng bằng vải mềm vẫn quấn quanh cạp chiếc váy hoa, trút bỏ hết bộ đồ đang mặc ra khỏi người... để mở ra cả tấm thân trắng nõn nà. Một đấng thiên thai của tạo hóa đang lồ lộ trước mặt anh. Hoàng ngập ngừng: - Mỵ! Nhưng anh phải đi mà. Anh sợ em có thai? - Néu có thai, em sẽ sinh con cho anh. Mẹ con em sẽ chờ anh trở về! - Nhưng nếu em bụng mang, dạ chửa... bà con dân bản sẽ cười nhạo, chửi mắng em? Phải sống thế thì khốn khổ lắm, em ạ! - Không đâu. Biết em có thai với bộ đội, dân bản không trách mắng em đâu! Còn thương em nữa... Nhất là lại có con với các anh ra chiến trường. Cô kể: mấy năm trước, bản em có một chị có thai với một anh bộ đội cũng về đây đóng quân, rồi anh ấy ra tiền tuyến. Dân bản không những không mắng mỏ, khi chị ấy sinh con… bà con còn cưu mang để chị nuôi con nữa. Giờ cháu gái, con của chị đã được một tuổi. Cháu rất xinh và đáng yêu lắm! Người ta thường bảo: Con gái dân tộc đã yêu thì như giông bão, yêu điên dại, yêu không tiếc mình. Như con hươu, con nai núi băng qua nương, qua rừng tìm đến bạn tình! Cô kéo anh ghì sát vào mình… Chẳng thể nào cưỡng lại được nữa. Giây lát, một cảm giác tê dại lan truyền ra cả hai thân thể đang quấn xiết vào nhau. Cô uốn cong thân mình khẽ rên lên vì sung sướng, hạnh phúc dâng lên đến tột đỉnh! Lần đầu tiên cô đã được hưởng mùi vị của cuộc đời, với người con trai mà cô rất mực yêu thương. Khi mọi chuyện đã xong. Hoàng cứ nằm phủ phục mãi trên tấm thân lõa lồ của người con gái bản, cũng không biết là bao lâu nữa. Nhúm lông tơ mềm mại của cô vẫn đang cọ xát vào của anh kia - Ở nơi ấy vừa xẩy ra một vụ "động đất". Người con gái vẫn đang thấy run rẩy trong mình... Bóng chiều cũng đã tàn. Lúc này, Mỵ mới dịu dàng nói: - Đừng bao giờ quên em, nghe anh! Khi vào đến chiến trường, nhớ viết thư về cho em. Hoàng chợt nhớ lại chuyện cũ - Cả hai người con gái, hai miền quê và dân tộc khác nhau, đều đã cho anh cái cảm xúc say mê, ngây ngất của cuộc đời. Cái cảm giác khi với Thu thế nào nhỉ? còn đang nằm trên bụng người con gái bản, anh tự hỏi trong mình: Người con gái Hà Nội, nàng cũng đã yêu anh tha thiết. Với nàng - anh thấy rạo rực, đê mê khi lăn lộn trên tấm thân trần, tuyệt bích. Còn với người con gái Mường? Ôi, hương vị bông hoa dại núi rừng, em cũng ngọt ngào hương say của một đóa thiên thai. Cả hai lần đều cho anh một cảm giác không thể nào quên được. Lúc Mỵ khẽ đẩy Hoàng ra, hai chân anh vẫn còn quặp chặt lấy đùi cô. Như người tỉnh giấc mộng, anh bật dậy và nói: - Ta về thôi em! Anh sẽ đưa em ra tới bìa rừng, rồi phải quay lại. Đơn vị không cho phép anh đi xa quá! Cô mặc lại áo váy, rồi cùng anh trở về. Nhìn theo bóng Mỵ đã khuất qua nương để vào bản, Hoàng mới quay lại đi về phía lán của đơn vị. "Thế là mình vẫn chưa nói được với Mỵ điều đó..." – Anh tự nhủ với mình: Rồi chiến tranh sẽ cuốn đi tất cả… Lúc này, bài thơ "Lính mà em" mà người chiến sĩ đã đọc bên bờ suối bữa trước, lại văng vẳng bên tai anh: ....... Anh kể chuyện hành quân và gối súng Trăng trên đầu không đủ viết thư đâu Biên thư cho em, nét mờ chữ vụng Hãy hiểu giùm em nhé – Lính mà em! Ghét anh ghê chỉ được tài biện hộ Làm em càng thương nhớ thêm nhiều Em xa lánh những ngày vui trên phố Để nhớ người hay nói – Lính mà em!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2018 16:14:41 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Đời hư, thực nhập nhoè lẫn lộn Đêm ái tình... ta nương ngủ trái tim hoang.
|