BA KỊCH BẢN NGẮN PHẠM NGỌC THÁI 1- Cánh cửa quốc tế 2- Chuyện ở quán gốc đa 3- Mối tình hoa hồng bạch 1. CÁNH CỬA QUỐC TẾ Kịch ngắn NHÂN VẬT: 1. Ông Hoàng Chuyên viên ngoại thương Việt Nam
2. Thanh Trợ lý giám đốc Công ty VN
3. Smit Giám đốc Công ty Tư bản Nhật
4. Andrây Côhen Giám đốc Công ty Tư bản Pháp
5. Gien Ny Nữ phóng viên báo Quốc tế
6. Hippy Cô bán hàng ở hotet Hồng Kông
7. Martin Nữ ca sĩ
Cùng một số khách ăn chơi tại quầy hàng của khách sạn.
Kịch xẩy ra tại một khách sạn của người Việt Nam
ở Hồng Kông thời nay.
MỞ MÀN Tại một hotel Hồng Kông. Vắt vẻo ngồi trên quầy bán hàng là cô nhân viên Hippy béo tốt, son phấn và cám dỗ. Phía dưới, mấy tay chơi đang ngồi chè chén, bia rượu. Nữ ca sĩ Martin dáng điệu uyển chuyển hát lượn qua các bàn. Bên này là lối cửa ra vào. Bên kia một cửa khác thông vào trong. Nhìn ra một hành lang. Theo hành lang có đường lên gác thượng. Nhạc rộ. Ca sỹ Martin đang hát, thỉnh thoảng có tiếng trêu của các gã tay chơi.Gien Ny, một nữ phóng viên xinh đẹp bước vào khách sạn. Cô đưa mắt nhìn quanh rồi tiến về phía Hippy. GIEN NY - (chào) Good morning Hippy! Họ vẫn chưa đến đây cơ à? HIPPY - (lắc đầu) Chắc là chị Gien Ny hôm nay có một cuộc phỏng vấn quóc tế quan trọng? (Hippy chỉ về phía bàn ghế còn để trống. Trên bàn có đặt một lọ hoa đẹp) Bàn khách dành cho họ đấy! Đã được đặt từ hôm qua, nhưng sáng nay chưa thấy quan khách tới. GIEN NY - Quan khách đến đây hôm nay có những ba nước cơ đấy! Cả Á và Âu. Trong đó có cả ngài chuyên viên, thương gia Việt Nam của chúng ta. Hãy tiếp đón họ cho cẩn thận, Hippy nhé! HIPPY - Em biết rồi. Thì chính người đại diện của công ty Việt Nam đến đây đặt tiệc, nói là để tiếp khách quốc tế mà lị. Chúc chị Gien Ny sẽ có một bài phóng sự thật kêu, đăng trên trang nhất báo Quốc tế đấy! GIEN NY - Thôi, chào Hippy! Chị cũng đi đây. Lát nữa chị sẽ quay lại. (Tiếng gọi rượu từ đám khách chơi. Hippy mang rượu tới. Gien Ny đi ra phía cửa thì gặp một thanh niên Việt Nam ăn mặc lịch sự bước vào – Đó là Thanh.) THANH - Ô… good morning Miss Gien Ny! GIEN NY - Good morning (bắt tay). Anh cũng biết tên tôi? THANH - Một nữ phóng viên xinh đẹp và nổi tiếng như cô Gien Ny, có quan khách ngoại giao nào đến Hồng Kông mà lại không biết? Nhưng dù đã sang sinh sống ở Hồng Kông, cô Gien Ny vẫn là một thiếu nữ Việt Nam đấy! GIEN NY - (cười) Cám ơn anh đã nhắc khéo. THANH - Tôi xin tự giới thiệu: Tôi là Thanh, trợ lý của giám đốc công ty Việt Nam. Tôi sang Hồng Kông lần này là để giúp việc cho ông chuyên viên Hoàng. GIEN NY - (ngắt lời) Xin lỗi… THANH - Sao cô Gien Ny vội vã thế? Mời nữ phóng viên vào trong này đã… (Thanh chỉ về phía bàn có đặt lọ hoa và hỏi Hippy): - Chắc kia là bàn đặt tiệc của chúng tôi? HIPPY - Đúng vậy. Xin mời ngài! GIEN NY - (với Thanh) Để lát nữa quan khách đông đủ cả, tôi sẽ quay lại. (Gien Ny đến gần cửa chợt lưỡng lự, quay lại hỏi Thanh): - Nghe nói, các ông đến Hồng Kông lần này còn để gặp công ty tư bản Nhật, giải quyết một vụ bị tổn thất hàng hoá lớn lắm? THANH - (chột dạ) Ấy… cô Gien Ny đừng đưa vấn đề đó lên báo chí. Nếu không thì??? Chả là, chúng tôi cũng đang tìm cách tháo gỡ, nên không muốn làm rùm beng. GIEN NY - Thế!... Ngài Smit giám đốc công ty Nhật đã đồng ý nhận hàng cho các ông chưa? THANH - (lắc đầu) Còn găng lắm! Ông chuyên viên Hoàng vẫn đang tiếp tục thương thuyết với họ. ( thái độ Thanh có vẻ dò hỏi) Nói thật là… tôi vội về đây cũng có ý muốn tìm cô Gien Ny, nhờ trợ giúp!? GIEN NY - ủa, liệu tôi có thể làm được gì để giúp cho các ông? THANH - Chúng tôi biết ảnh hưởng của nữ nhà báo Gien Ny, đối với các thương gia quốc tế ở Hồng Kông này là rất lớn! Nhất là… được sự mến mộ của nhiều quan chức các công ty tư bản Nhật. GIEN NY - Các vị đánh giá quá cao về tôi, làm tôi xúc động quá! THANH - Hãy dùng ảnh hưởng của Gien Ny…. GIEN NY - Để làm xúc động trái tim ngài giám đốc Smit! Có phải ý anh trợ lý Thanh muốn nói với tôi như thế không? THANH - Nếu một khi giám đốc Smit đã có thân tình với cô Gien Ny rồi – Thì tôi tin: việc ông ta nới tay chấp nhận cái lô hàng của chúng tôi, sẽ không còn là vấn đề khó khăn. GIEN NY - Nghĩa là… tôi cần phải đóng vai một người tình, theo mỹ nhân kế của các ông? THANH - Thời gian có ít, tôi xin đi vào việc ngay! Ông giám đốc công ty của chúng tôi ở Việt Nam, đã hứa là sẽ không để cho cô Gien Ny bị thiệt. GIEN NY - Tôi muốn biết tôi sẽ được gì nào? THANH - Một khoản tiền đô la đáng kể sẽ được chuyển vào tài khoản của cô Gien Ny, tại ngân hàng Hồng Kông này. Nếu cô làm lay chuyển được trái tim của Ngài giám đốc Smit, nhận lại lô hàng cho chúng tôi? GIEN NY - (cười lớn) Nghĩa là, tôi cần phải ngủ với ngài giám đốc Smit? Cần thiết nữa, thì ngủ với tất cả ban hội đồng quản trị của công ty tư bản Nhật? THANH - Đó lại là tài của cô Gien Ny! Ông giám đốc công ty Việt Nam của chúng tôi, đã hứa là sẽ rất sòng phẳng. GIEN NY - (phẫn kích) Thôi đi! Một nữ phóng viên báo quốc tế biến thành kẻ đi làm trò tình dục kế, để kiếm chác lấy một món hời béo bở? THANH – Việc làm của Gien Ny còn thể hiện tinh thần vẫn yêu quê hương đất nước, đối với những người Việt Nam… tuy đã ra sống ở nước ngoài. GIEN NY - (sẵng giọng) Các anh không thể mang những quan hệ tình cảm với quê hương đất nước, áp đặt cho chúng tôi làm cái trò dơ dáy ấy được. THANH - Đấy là cô Gien Ny cứ suy diễn ra thế chứ? Chúng tôi nào… Mà, nếu có phải dùng chút nữ tính để cứu một sự tổn hại lớn cho quốc gia, tôi nghĩ cô Gien Ny cũng nên làm. GIEN NY - Cứu cho quốc gia khỏi bị tổn hại, hay là để cứu cho mấy ông trong ban lãnh đạo các người khỏi bị mang tội? Thôi, xin chào anh trợ lý! (Gien Ny đi ra đến cửa, song quay lại nói nhỏ vào tai Thanh): - Các anh vẫn chả hiểu gì về tư bản? Cho dù tôi có ngủ với ông giám đốc Smit đi chăng nữa. Cũng chẳng vì tình cảm với tôi mà họ chịu thiệt hại, nhân nhượng cho các anh đâu! Làm ăn kinh tế mà lại cứ lèm nhèm, vô nguyên tắc như mấy ông, thì ngang bằng… phá hoại! (với Hippy) bye-bye Hippy! HIPPY - Bye-bye chị Gien Ny! (Gien Ny ra khuất. Nhạc rộ lên. Martin hát. Tiếng trêu đùa của mấy tay chơi. Thanh chán chường ngồi phịch xuống ghế) THANH - (một mình) Cái con nữ phóng viên cao đạo. (ít phút sau, chuyên viên Hoàng từ ngoài cửa bước vào) Ô. HOÀNG - Anh Thanh này! Tôi nhìn thấy, như cô nữ phóng viên Gien Ny vừa ở đây đi ra. Chắc là anh đã có tác động?... THANH - Tôi đã nói rã cả bọt mép mà chẳng ăn thua gì. Ô. HOÀNG - Người ta chịu giúp thì tốt, còn không… cũng không thể trách người ta được. THANH - Thế còn việc ông thương lượng với ngài Smit? Ô. HOÀNG - Cũng hết cách. (không khí trầm hẳn. Chuyên viên Hoàng ngồi xuống ghế rót rượu ra uống.) THANH - Thế mà ở trong nước lại cứ ca ngợi: chuyên viên Hoàng là một nhà ngoại thương tài ba? khả năng giao thiệp quốc tế rất giỏi? Ô. HOÀNG – (hơi gắt) Không phải lỗi do tôi. THANH - Tất nhiên. Nhưng dù sao thì… trước khi đi, ông cũng đã được giám đốc công ty là chú tôi… giao trách nhiệm việc tới Hồng Kông lần này. Ô. HOÀNG - Anh là cháu của ông giám đốc. Vừa chân ướt chân ráo về công ty, làm ngay cái chức trợ lý. Là một trong những người phụ trách về quản lý kinh doanh, các anh hời hợt thiếu trách nhiệm, đến mức để cho thời hạn giao hàng quá chậm trễ so với hợp đồng. Bị công ty tư bản Nhật từ chối không nhận hàng. Mới gây ra sự tổn thất tiền của như thế này! Anh còn nói cái gì? THANH - (xuê xoa) Dù sao, ngài chuyên viên cũng là bạn thân thiết của chú tôi cơ mà? Ô. HOÀNG - Bao nhiêu lần tôi khuyên giải chú anh về việc cất nhắc, sử dụng người. Nào, chú anh có nghe? THANH - Bây giờ ngài chuyên viên có trách cứ đến mấy, sự việc cũng đã thế! Tốt nhất là suy nghĩ để tìm cách cứu. Ô. HOÀNG - Nhưng người ta nhất định không chấp nhận, thì cứu bằng cách nào? Chỉ còn cách là bỏ ra bán rẻ, bán tháo cho dân ở trong nước. Lấy lại được đồng nào hay đồng đó. THANH - Nếu thế thì chú tôi sẽ bị kỷ luật cách chức giám đốc. Bị đuổi về nhà mất. Ô. HOÀNG - Chưa phải đi tù, vẫn còn là cái phúc. THANH - Thôi… tôi xin ngài chuyên viên đừng nản lòng. Tìm mọi cách mà cứu? Ô. HOÀNG - Cứu cả chính anh… cùng một bầy đoàn thân tín, mà chú anh lôi kéo vào trong ban lãnh đạo nữa… chứ gì? THANH - (lúng túng) Thì… thì… (vừa lúc ấy giám đốc Smit xuất hiện ở cửa khách sạn) Ô. HOÀNG - Ô kìa, giám đốc Smit đã đến rồi! Chúng tôi đang chờ ngài! (đón khách) SMIT - Good morning! Còn dở chút công việc phải giải quyết nốt ở công sở, giờ mới tới dự tiệc với các ông được. THANH – (kéo ông Hoàng ra nói nhỏ) Ông chuyên viên nhớ nhé! Dù sao thì vẫn phải cố thuyết phục ông ta, may ra vẫn còn… Ô. HOÀNG - (gạt đi) Anh không phải dậy tôi! (quay lại gọi cô bán hàng) Miss Hippy, two champagne please! (cho 2 sâm banh) HIPPY - (quay gọi vào phía trong) Two champagne please! (một anh bồi đi ra đặt lên bàn hai chai sâm banh. Thanh lùi lại phía sau. Có tiếng chuông điện thoại ở quầy) HIPPY - (nghe điện thoại) Vâng, tôi xin báo ngay ạ! (với ông Hoàng) Thưa ngài chuyên viên Việt Nam! Điện thoại ở sân bay báo về cho ngài: nói là, ông giám đốc công ty tư bản Pháp Andrây Côhen đã đến sân bay. Ngài cho người ra đón ạ! THANH - (lại phía ông Hoàng) Để tôi thuê xe của khách sạn ra đón ngài Andrây Côhen! Ô. HOÀNG - Đường phố Hồng Kông đông xe cộ, chú ý lái xe cho cẩn thận. (Thanh chào Smit rồi vội đi ra) SMIT - Người Việt Nam ở Hồng Kông hay từ nơi khác đến đây, thường hay tới hotel này! Ô. HOÀNG - Bởi vì, đây là khách sạn của người Việt Nam sang sống ở Hồng Kông. Từ ông chủ khách sạn đến nhân viên: như cô bán hàng Hippy, cô ca sĩ Martin… đều là người Việt Nam! SMIT - Ô kê! Hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện thật thoải mái bằng tiếng Việt Nam, tiếng mẹ đẻ của các bạn. Tôi đã từng sống và làm việc nhiều ở Việt Nam, nên thông thạo tiếng Việt Nam không kém gì tiếng Nhật Bản. Ô. HOÀNG - Giữa tôi và ngài Smit, chúng ta đã quá biết về nhau. SMIT - Chốc nữa, cả ông Andrây Côhen đều là những bạn thương gia quen cũ, chúng ta lại có dịp hàn huyên. Ô. HOÀNG - Thị trường Nhật và khối liên minh châu Âu, đều là hai thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn đối với Việt Nam chúng tôi. SMIT - Xu thế của ngành dệt may bây giờ là liên doanh sản xuất và kinh doanh thương mại quốc tế! Ô. HOÀNG - Đúng như vậy! Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường, nên cánh cửa quốc tế của chúng tôi cũng rộng mở. SMIT - May every thing be happy! (cầu chúc cho mọi sự tốt đẹp) Uống đi ông chuyên viên. Một lần nữa, chúng ta cạn cốcđể chúc mừng cho cuộc gặp gỡ này! (chạm cốc vui vẻ. Nhạc rộ. Ca sĩ Martin uốn éo hát lượn qua bàn của họ.) SMIT - (chỉ về phía cô ca sĩ) Ông Hoàng thấy thế nào? Ô. HOÀNG - Một cô ca sĩ xinh đẹp, giọng hát cũng rất hay! (chuyên viên Hoàng rót một ly sâm banh mời Martin. Cô ca sĩ đón ly rượu, nghiêng mình cảm ơn và tiếp tục hát qua các bàn khác. Smit mải ngắm cô ca sĩ, chuyên viên Hoàng khẽ gọi đến mấy lần vẫn không để ý.) Ô. HOÀNG - Ngài Smit!... Ngài Smit!... SMIT - Cô ca sĩ Việt Nam đẹp thật! Ông chuyên viên cứ ngắm kỹ cô ta mà xem, cả thân hình mềm mại rất hoà nhập với dáng điệu uyển chuyển. (ông Hoàng vẫn đăm chiêu suy nghĩ, không để ý đến lời Smit) Ô. HOÀNG - Vì tình hữu hảo Nhật-Việt và quan hệ quốc tế lâu dài. Cũng vì sự thân thiện riêng đã có giữa tôi và ngài… Tôi vẫn mong ngài giám đốc Smit xem xét, để chấp nhận lại lô hàng vừa rồi? SMIT - (chợt hiểu. Phá lên cười) Thì ra ông chuyên viên vẫn lẩn quẩn nghĩ về cái lô hàng, mà công ty Nhật buộc phải từ chối không nhận vừa qua? Ô. HOÀNG - Dù sao thì… về chỉ tiêu kỹ thuật hàng may mặc, vẫn được công ty Việt Nam đảm bảo chất lượng tốt đấy chứ!? Chỉ do chúng tôi sơ ý giao hàng bị…hơi chậm… SMIT - Vấn đề là ở chỗ đó. Hàng may gia công mà giao hàng chậm, quá hạn so với hợp đồng. Thị trường Nhật bị lỗi thời, hết mốt. Có bán hạ giá, dân Nhật họ cũng không mua đâu. Ô. HOÀNG - Thế cho nên… tôi mới phải sang tận Hồng Kông này để thương thuyết với ngài Smit? Nếu các ngài không nhận hàng, thì thiệt hại lần này đối với công ty của chúng tôi lớn quá! SMIT - (cười) Nhưng tiền bạc mà công ty các ông bị tổn thất, là tiền bạc của nhà nước Việt Nam mất, đã có nhân dân Việt Nam gánh chịu. Cùng lắm thì ông giám đốc công ty chỉ bị… cách chức. Mọi sự vẫn chả sao? Ô. HOÀNG - Nói như ngài Smit như thế thì… SMIT - Mà biết đâu... Ông giám đốc công ty Việt Nam, lại có thân thiện nhiều với các quan chức cấp trên… ông ta sẽ được thuyên chuyển sang một tổ chức khác, rồi lại được đề bạt làm cái chức vụ phó, vụ trưởng rất oách nào đó? Ô. HOÀNG - Tôi đang chóng cả mặt mà ngài Smit vẫn còn giễu cợt. SMIT - Tôi nói thật chứ không giễu cợt đâu. Nếu vì quí và nể chuyên viên Hoàng để nhận lô hàng đó? Nghĩa là, công ty Nhật sẽ phải chấp nhận tổn thất hàng triệu đô-la về phần mình. Kinh doanh kiểu như thế, trước sau cũng sẽ bị phá sản. Khi ấy chúng tôi phải tự bắn vào đầu mình mà tự sát. Ô. HOÀNG - (thở dài) Thế thì biết làm như thế nào? (vừa lúc đó, nữ phóng viên Gien Ny xuất hiện ở cửa) SMIT - (reo lên) Cô phóng viên nhà báo xinh đẹp Gien Ny đến với chúng ta, kìa! (gọi) Miss Gien Ny! GIEN NY - Oh, very happy to meet you again dear sirs! (rất hân hạnh được gặp lại các ngài) SMIT - (với ông Hoàng) Đây là cô Gien Ny, nữ phóng viên của toà báo Quốc tế tại Hồng Kông! GIEN NY - Ngài Smit không cần phải giới thiệu. Tôi cũng đã có dịp được làm quen với ông Hoàng. ( ông Hoàng tiến lại bắt tay thân mật chào Gien Ny) SMIT - À, thì ra các vị cũng đã biết nhau. GIEN NY - Xin lỗi! Tôi đã làm gián đoạn câu chuyện của các ngài. SMIT - Không sao. Mời cô Gien Ny vào đây cùng uống rượu với chúng tôi. (Smit rót một ly sâm banh đưa mời Gien Ny): Chắc là tôi và chuyên viên Hoàng sắp có vinh dự được cô phóng viên hành hạ? GIEN NY - Đúng thế, thưa ngài Smit! Xin được phỏng vấn ngài? SMIT - Chúng tôi rất vui được làm vừa lòng Gien Ny. GIEN NY - Thưa ngài giám đốc: Bí quyết nào đã giúp cho công ty Nhật của ngài trở thành một trong những công ty tư bản nổi tiếng nhất thế giới? SMIT - Các bậc tiền bối đã truyền lại dậy con cháu rằng: Muốn công ty hay quốc gia luôn phát triển, thì phải tìm người giỏi hơn mình để làm lãnh đạo. (quay sang phía ông Hoàng) Như ông chuyên viên đã biết: Ông chủ của công ty này không phải là tôi! Rất tiếc là hôm nay ông ấy đang có cuộc viễn du sang các nước phương Tây, nên không đến để hội ngộ với các vị được. Tôi chỉ may mắn được ông chủ tin cậy mời về làm giám đốc công ty. Ô. HOÀNG - Theo như tôi biết, ngài được ông chủ rất tin cẩn giao toàn quyền điều hành mọi công việc của công ty? SMIT - Không tin nhau thì làm kinh doanh thế nào được. GIEN NY - Bởi vì, ngài Smit là một nhà kinh doanh thương mại quốc tế tầm cỡ, tài ba! SMIT - (cười) Đấy là bí quyết thứ nhất, thưa cô phóng viên xinh đẹp! GIEN NY - Thế còn bí quyết thứ hai, thưa ngài? SMIT - Không lôi kéo anh em họ hàng vào trong tổ chức để chia nhau phần lãnh đạo. Chúng túng thiếu, có thể giúp chúng ít tiền. Tuyệt nhiên không được vì tình thân, dòng họ… mà kéo nhau vào. Nó chỉ làm hỗn loạn tổ chức công ty, đi đến chỗ bị phá sản, diệt vong thôi! GIEN NY - Thật là những bí quyết đáng được trân trọng. SMIT - Cái tệ nạn: hễ ông cha làm một chức quyền lớn, thì họ hàng con cháu lôi bè, kéo đảng để chiếm hết quyền này, chức khác. Rất tệ hại! Rất tệ hại! Đó là một sự phá hoại chứ không phải xây dựng, phát triển đâu. GIEN NY - (với ông Hoàng) Thưa ngài chuyên viên Việt Nam! Ngài nghĩ như thế nào về ý kiến của giám đốc Smit? Ô. HOÀNG - (lúng túng) Thì… bây giờ ở Việt Nam cũng đang sửa đổi. GIEN NY - Xin có sự chất vấn nho nhỏ với ngài về vấn đề này? Ô. HOÀNG - Cô Gien Ny cứ hỏi. GIEN NY - (quay về phía Smit) Rất cám ơn ngài Smit! SMIT - Gien Ny cứ tự nhiên. GIEN NY - (với ông Hoàng) Tôi nghe nói: Hậu quả xẩy ra đối với lô hàng mà công ty Việt Nam đã gia công vừa rồi, để công ty Nhật từ chối không nhận hàng – Lỗi cũng do tệ nạn thuộc về ban lãnh đạo công ty, phải không ạ? Ô. HOÀNG - À… à… về phía lãnh đạo công ty cũng đã tién hành kiểm điểm… SMIT - Chuyên viên Hoàng nói đúng! Chủ yếu là do lãnh đạo. Chứ… những ngày sang Việt nam, tôi đã xuống trực tiếp các phân xưởng sản xuất hàng gia công. Phải nói là, tôi rất có thiện cảm với anh chị em công nhân. GIEN NY – (với Smit) Ngài thấy những công nhân Việt Nam thế nào ạ? SMIT - Thật là những con người lao động đầy thông minh, sáng tạo. Họ rất cần cù, chịu khó làm việc. Ô. HOÀNG - Cám ơn lời khen của ngài Smit! SMIT - Này, nhưng tiền công những sản phẩm hàng gia công… mà lãnh đạo đã trả cho công nhân còn ít quá thì phải? Ô. HOÀNG - (ấp úng) Vấn đề này… SMIT - Tiền hàng gia công phía Nhật Bản đã trả cho công ty rất sòng phẳng, nhưng lãnh đạo Việt Nam lại khấu trừ quá nhiều, rồi mới trả cho công nhân? Ô. HOÀNG - Ngài Smit cũng phải thông cảm, có rất nhiều khoản mà công ty phải chi phí xung quanh những sản phẩm gia công ấy. SMIT - (cười lớn) Chuyên viên Hoàng muốn giảng giải cho tôi về điều kiện cần tổ chức kinh doanh đó sao? Ô. HOÀNG - Tôi đâu có ý múa rìu qua mắt thợ. SMIT - Nếu lãnh đạo ăn bớt tiền của công nhân nhiều quá. Công nhân phải lao động với một giá quá rẻ mọn. Như thế không khuyến khích được sản xuất đâu? GIEN NY - (với ông Hoàng) Nghĩa là ở Việt Nam chúng ta, vẫn còn tình trạng ở một số xí nghiệp hay công ty – Lãnh đạo ăn chẹn hoặc bóc lột công nhân, phải không ạ? Ô. HOÀNG - Không thể giải thích một cách đơn giản được đâu, cô Gien Ny ạ! GIEN NY - (với Smit) Thưa ngài giám đốc Smit! Theo tôi được biết, giá nhân công lao động ở Việt Nam hiện nay vẫn thuộc vào loại rẻ trên thế giới. Thí dụ như đem so với giá thuê nhân công Nhật Bản, thì các ngài phải trả tiền công cho công nhân Nhật Bản cao hơn nhiều? SMIT - Đúng là giá thuê nhân công ở Việt Nam cũng rẻ hơn nhiều nước trên thế giới. Nhưng ta không thể coi họ như những kẻ hành khất, rớt cho họ những đồng tiền công quá thấp, mà lại đòi hỏi họ làm việc với tinh thần và ý thức cao nhất được. (quay lại phía ông Hoàng) Ông chuyên viên có đồng ý với tôi như thế không? Ô. HOÀNG - Thì chúng tôi vẫn đang đổi mới. SMIT - Ồ tất nhiên! Tất nhiên! Quy luật là phải phát triển để tồn tại, nếu không là chết! GIEN NY - (nói riêng với ông Hoàng) Ngay như cái anh trợ lý mà tôi đã được nói chuyện ban nẫy, nghe nói… là cậu cháu ruột ông giám đốc công ty của các ông. Chả có tư cách gì cả? Ô. HOÀNG - (cắt ngang) Chúng ta không nên đem vấn đề nội bộ riêng ra để chất vấn ở đây! (Gien Ny cười mỉm rồi lảng sang chuyện khác) GIEN NY - Rất cám ơn các ngài đã giành cho báo Quốc tế chúng tôi một cuộc phỏng vấn quí giá. (chào ông Hoàng rồi quay lại phía Smit): Thank you very much, good-bye Mr.Smit! (hôn gió) MARTIN - (chạy đến) Chị Gien Ny! GIEN NY - Ô, chào Martin! How are you? (sức khoẻ em thế nào?) MARTIN - Beautiful! (tuyệt vời)… Lần nào đến hotel này chị Gien Ny cũng nhảy với em. Chị Gien Ny nhảy một vũ điệu quốc tế với em đi? (một gã tay chơi tiến gần đến quầy chỗ Hippy. Hắn gọi một cốc rượu rồi lả lơi đùa rỡn với Hippy. Một gã say khác nói hướng về phía Martin): GÃ SAY - (gọi) Martin! Lets sing! Sing as sweet as you are Martin! (Hát đi! Hát cho thật hay vào Martin!) (hắn tiến đến đút một đồng bạc vào áo trong cô ca sĩ. Cả bọn cười ồ. Martin đập vào tay gã) GIEN NY - (Với Martin) Gien Ny cũng đang ngứa ngáy tay chân đây. Nào, nhảy đi! (quay về phía ông Hoàng và Smit): - Xin lỗi các ngài! SMIT - Cô Gien Ny cứ tự nhiên! (nhạc. Gien Ny và Martin nhảy. Không khí sôi động, say sưa. Smỉt thì đắm say nhìn Gien Ny khiêu vũ. Ông Hoàng vẫn trầm ngâm suy tư uống rượu. Lúc này từ ngoài cửa tiến vào hai người khách mà không ai để ý: Đó là Andrây Côhen và trợ lý Thanh) ANDRÂY CÔHEN - (nhìn Gien Ny nhảy. Vỗ tay) Hoan hô! Gien Ny múa đẹp lắm! (nhạc dừng. Martin tiến lại phía bàn của đám khách chơi rót rượu uống. Gien Ny thôi khiêu vũ quay lại phía Andrây Côhen) GIEN NY - Ô, chào ngài Andrây Côhen! Very happy to meet you again dear sir! (rất hân hạnh được gặp lại ngài!) ANDRÂY CÔHEN - Tôi cũng rất vui được gặp lại Gien Ny! MARTIN - Ôm hôn đi Gien Ny! Hôn cho thắm thiết vào! HIPPY - (Phụ hoạ) Hôn đi! Hôn đi! ANDRÂY CÔHEN - Lần này Gien Ny có theo tôi về Pháp không? GIEN NY - Chả lẽ ông vẫn sống độc thân? ANDRÂY CÔHEN - Tôi vẫn chờ em Gien Ny! (vừa nói Andrây Côhen vừa tiến lại chào Smit cùng chuyên viên Hoàng. Họ bắt tay nhau thân mật) Ô. HOÀNG - Chào ngài giám đốc công ty tư bản Pháp! ANDRÂY CÔHEN - (với ông Hoàng) Nhận được điện báo của chuyên viên Hoàng, tôi lập tức thu xếp công việc của công ty Pháp, rồi đáp máy bay đến Hồng Kông ngay. Ô. HOÀNG - Cũng đã gần mười năm rồi mới gặp lại ngài. ANDRÂY CÔHEN - Khi đó buộc phải đình lại. Tạm dừng quan hệ hợp tác với công ty Việt Nam, rút về pháp. Tôi cũng rất tiếc. Ô. HOÀNG - Chỉ bởi vì trình độ kỹ thuật may hàng xuất khẩu của công ty Việt Nam, khi đó có phần còn non yếu. SMIT - Tôi xác nhận: Kỹ thuật may mặc của công ty Việt Nam hiện nay đã rất khá. Nếu như lần này họ tổ chức ban lãnh đạo lại cho tốt, thì cả công ty Nhật với Pháp cùng đầu tư liên doanh với công ty Việt Nam để sản xuất hàng may quốc tế! Ô. HOÀNG - Rất cám ơn thịnh tình của các ngài! (quay về phía cô bán hàng) Miss Hippy, three whisky please! (cho 3 whisky!) HIPPY - (gọi vào trong) Three whisky! (một người bồi bàn mang rượu ra đặt lên bàn) Ô. HOÀNG - (với Andrây Côhen) Lần này, công ty Pháp đồng ý quay trở lại liên doanh với công ty Việt Nam chúng tôi chứ? ANDRÂY CÔHEN - Nếu không, tôi đã không gấp rút sang Hồng Kông để gặp gỡ chuyên viên Hoàng. (CôHen quay về phía Smit): - Mặc dù tôi biết công ty của họ, vừa để xẩy ra một vụ tổn thất hàng may gia công khá lớn với công ty Nhật của ngài. SMIT - Do bộ máy quản lý lãnh đạo còn hơi tạp. Nhưng về kỹ thuật làm hàng may của nhiều công ty may Việt Nam bây giờ, ta có thể yên tâm được. ANDRÂY CÔHEN - (với ông Hoàng) Phải sửa! Phải sửa thật kiên quyết! Chuyên viên Hoàng đồng ý với tôi như thế chứ? Ô. HOÀNG - sẽ không còn tái diễn những sai phạm như thế nữa đâu, các ngài cứ yên tâm. SMIT - Nào! Hãy nâng cốc chúc mừng cho những liên doanh hợp tác quốc tế giữa Pháp-Nhật-Việt ngày càng triển vọng tốt đẹp! Ô.HOÀNG - Việt Nam chúng tôi sẽ còn mở nhiều những mối liên doanh quốc tế trên mọi lĩnh vực: như du lịch, hải sản, viễn thông, công nghiệp, nông-lâm- nghiệp, hầm mỏ, v.v… ANDRÂY CÔHEN - Ô kê! Ô kê! Các công ty tư bản Pháp rất sẵn sàng. SMIT - Đó cũng chính là xu thế phát triển kinh tế thương mại toàn cầu của thế giới hiện nay. (chạm cốc vui vẻ) GIEN NY - (bước lại) Thưa ngài giám đốc công ty tư bản Pháp Andrây Côhen! Xin được phỏng vấn ngài? ANDRÂY CÔHEN - Xin mời Gien Ny! GIEN NY - Ngài có thể cho biết: các công ty tư bản Pháp nói riêng và liên minh châu Âu nói chung, đánh giá đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang đó như thế nào? ANDRÂY CÔHEN - (cười) Các doanh nghiệp may của Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều. Để có nhiều hàng đẹp, hàng tốt và nhiều hàng cao cấp mà giá thành còn phải hạ nữa… Thị trường quốc tế là phải cạnh tranh! Cạnh tranh rất quyết liệt! Ô. HOÀNG - Nhưng những năm qua kim ngạch xuất khẩu hàng may Việt Nam vào EU vẫn tăng trưởng đấy chứ!? Điều đó chứng tỏ năng lực và kỹ thuật sản xuất của Việt Nam chúng tôi, cũng đã dần bắt kịp được thị trường thế giới! ANDRÂY CÔHEN - Thí dụ như hàng Trung Quốc họ xuất khẩu vào EU chẳng hạn: Có những mặt hàng may mặc của họ, có khi phẩm chất còn thấp hơn so với hàng Việt Nam các bạn. Nhưng họ lại vẫn đánh bạt được Việt Nam? Bởi vì giá hàng của họ rất hạ, rất rẻ. Và các bạn còn nhiều những đối thủ láng giềng khác nữa đấy! Như Phi Lip Pin, Thái Lan, Inđônêxia… Đồ may của họ rất đẹp! Lại thích ứng với mốt thị trường rất nhanh, rất sinh động. Dân tiêu dùng châu Âu rất chuộng. GIEN NY - Thế còn những chính sách thiện chí đối với Việt Nam - về phía chính phủ các nước EU như thế nào, thưa ngài? ANDRÂY CÔHEN - EU vẫn là một thị trường lớn, một thị trường rất quan trọng… luôn mở cửa chào đón hàng dệt may Việt Nam. Hiện tại và càng quan trọng hơn trong tương lai. (Andrây Côhen quay về phía ông Hoàng) Nhưng yêu cầu của khách hàng châu Âu thường rất cao. Các công ty may Việt Nam phải cẩn thận. SMIT - Người tiêu dùng hàng may Nhật Bản cũng khá khó tính. Đặc biệt về mốt thời trang. Giới trẻ họ rất nhậy bén. Quảng cáo các mốt thế giới trong những thành phố Nhật Bản quay đến chóng mặt. Sản xuất hàng xuất khẩu vào Nhật Bản phải rất kịp thời. Chậm trễ, hết mốt sẽ không còn người mua. Các bạn sẽ phải chấp nhận những tổn thất không nhỏ - Như lô hàng gia công vừa rồi? Ô. HOÀNG - Bài học này chúng tôi sẽ không bao giờ quên. GIEN NY - Với tư cách một nữ nhà báo, xin chúc cho quan hệ liên doanh hợp tác của các ngài thành công tốt đẹp! (nhạc rộ lên. Không khí vui vẻ cùng với tiếng hát của Martin) GIEN NY - Bây giờ Gien Ny xin chụp vài pô ảnh về cuộc gặp gỡ quốc tế của các ngài, để đăng trên trang báo Quốc tế. HIPPY - Chị Gien Ny đưa khách lên tầng gác thượng mà chụp ảnh. Trên đó có thiên nhiên, có đầy đủ phông cảnh và cả vườn hoa nữa đấy! GIEN NY - Phải đấy, xin mời các ngài lên trên tầng thượng! HIPPY - (chỉ cho khách) Các ngài đi theo đường hành lang ấy ạ! MARTIN - (chạy lại) Chụp cho Martin vài kiểu ảnh,chị Gien Ny! GIEN NY - Chị chụp cho khách đã. Lát nữa chị sẽ chụp riêng cho Martin. GÃ SAY - (đến chỗ Martin) Cứ về theo anh Martin! Về với anh, anh sẽ thuê một gã thợ ảnh tầm cỡ, chụp cho em toàn nuy. MARTIN - Đồ nỡm, đây không thèm. (cả đám khách cười ồ) GÃ SAY - (đến bên Hippy) Rót rượu cho anh, cô em! Con bé ca sĩ nó không đi với anh, thì em đi với anh vậy! Ôi, bộ ngực phóng túng của em, ngon như trái táo tây. HIPPY - (hẩy tay gã ra) Có muốn gẫy tay không thì bảo? (cả bọn lại cười) GÃ SAY - Cô em làm gì mà đáo để thế! (đám quan khách lần lượt đi ra phía hành lang lên tầng thượng. Chuyên viên Hoàng đi sau - Trợ lý Thanh từ nẫy vẫn lầm lì ngồi riêng một chỗ rót rượu uống, lúc này tiến về phía ông Hoàng) THANH - (gọi) Ngài chuyên viên, xin ngài dừng lại ít phút! Ô. HOÀNG - Có chuyện gì vậy anh Thanh? THANH - Tôi thấy ông toàn bàn với họ về liên doanh với hợp tác? Ông chả quan tâm gì đến chuyện giải quyết lô hàng gia công đã bị Nhật từ chối ? Thế là là… nghĩa là như thế nào? Ô. HOÀNG - Anh đi theo để giúp việc cho tôi, hay anh định chỉ thị cho tôi đấy? THANH - Tôi chỉ xin nhắc lại… Ô. HOÀNG - Tôi cũng đã thuyết phục hết cách rồi, nhưng không cứu được. Ngay khi còn ở trong nước, tôi biết cũng không hy vọng. THANH - Sao ông không từ chối đừng đi, để cho người khác sang đây? Đằng này ông lại nhận với chú tôi… Ô. HOÀNG - Tôi nhận chỉ thị trực tiếp của đồng chí bộ trưởng, chứ không phải riêng của chú anh! Trọng tâm là phải ký bằng được hợp đồng liên doanh với công ty tư bản Nhật và Pháp, để mở rộng cánh cửa sản xuất kinh doanh quốc tế! THANH - Nhưng cứu vụ bị tổn thất vừa rồi, cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng? Ô. HOÀNG - Nhiệm vụ là phải tạo cơ hội để phục hồi và phát triển công ty! Còn lỗi tại mình gây ra, người ta không chấp nhận thì phải chịu. Không thể vì thế mà bất cần, rũ tuột tất cả đi được. THANH - Thế này thì ông giám đốc – chú tôi, chết chắc rồi!?... Tôi chắc cũng sẽ chết theo luôn. Ô. HOÀNG - Chú anh sẽ được trên chiếu cố có nhiều công lao, cùng lắm thì bị đình chỉ công tác, về hưu. Còn anh, chú đã được tha thì cháu chắc cũng chỉ xuống làm công nhân, có gì mà chết! THANH - Nói như ông… còn nước mẹ gì nữa. (Gien Ny quay lại giục ông Hoàng) GIEN NY - Mời ngài chuyên viên lên chụp ảnh, tất cả đang chờ ngài. Ô. HOÀNG - Tôi sẽ lên ngay! (ông Hoàng vội vã theo Gien Ny đi khuất.) THANH - (một mình lẩm nhẩm) Ta phải điện ngay về trong nước, báo cho chú ta biết tình hình mới được. (Hippy cũng vừa ở phòng trong trở lại bên quầy) THANH – (gọi) Hippy! Cô Hippy! HIPPY - Ông gọi em ạ? THANH - Phòng gọi điện thoại quốc tế của khách sạn, ở đâu cô nhỉ? HIPPY - (chỉ vào trong) Ông cứ đi theo lối này vào trong đó. Phòng điện thoại có treo biển đấy, ông vào mà gọi! (Thanh vào khuất. Lớp quan khách vừa chụp ảnh cũng từ trên tầng thượng xuống) SMIT - (vừa đi vừa nói với ông Hoàng) Hy vọng những năm tới, công ty của bạn cũng như ngành dệt may Việt Nam, sẽ đạt được sự phát triển thật mỹ mãn. ANDRÂY CÔHEN - Liên minh châu Âu cũng dành nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Mong rằng Việt Nam sẽ thắng lợi trong cuộc cách mạng kinh tế thị trường. Ô. HOÀNG - Chúng tôi vô cùng cảm kích trước thiện chí của những công ty tư bản các ngài. SMIT - Chốc nữa, mời chuyên viên Hoàng và ngài Andrây Côhen về trụ sở của công ty tư bản Nhật. Chúng ta sẽ đi đến phần bàn cụ thể, về kế hoạch liên doanh với công ty may của Việt Nam. GIEN NY - Xin chúc cho các ngài đặt được quan hệ quốc tế cao cả và hữu nghị. (nhạc rộ. Martin hát. Một lát, Thanh hớt hải từ phòng điện thoại chạy ra) THANH - (với ông Hoàng) Tôi vừa gọi điện thoại về trong nước. Ô. HOÀNG - Có tin tức mới à? THANH - Xin mời ông chuyên viên ra ngoài này! (Thanh kéo ông Hoàng ra ngoài phía hành lang, rồi nói tiếp): Chú tôi nói: báo lại với ông chuyên viên rằng - Nếu công ty Nhật không chấp nhận lại lô hàng gia công, thì cũng không cần thiết quan tâm đến việc liên doanh hợp tác gì hết! Ô. HOÀNG - Các anh gây ra tội. Không đưa các anh ra truy tố trước toà, thế đã là quá nhân đạo. Nay vì cá nhân, các anh muốn phá cả công ty à? Cho tất cả tan nát theo các anh, thì các anh mới thoả à? THANH - Chú tôi nói, ông cứ về nước… tội vạ đâu chú tôi chịu. Ô. HOÀNG - Nhiệm vụ Bộ giao cho tôi, tôi phải hoàn thành. Nếu cần thì anh cứ về trước, tôi phải ở lại để thực hiện những hợp đồng liên doanh. (nói xong ông Hoàng quay trở lại phía mọi người. Thanh bực bội đi ra phía cửa khách sạn) THANH - (lảm nhảm) Cái lão này, chẳng ra cái gì! (ra khuất) Ô. HOÀNG - (với khách) Tôi xin thay mặt cho công ty Việt Nam, cám ơn tinh thần hữu nghị hợp tác của các ngài! ANDRÂY CÔHEN - Chúng ta nâng cốc vì sự phát triển trong hoà bình của nền kinh tế thế giới! SMIT - Chúc cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam được tốt đẹp! (mọi người chúc tụng trong tiếng nhạc. Andrây Côhen tiến về phía Gien Ny) ANDRÂY CÔHEN - Chuyến này Gien Ny có đồng ý theo tôi về Pháp không? GIEN NY - Ngài muốn em theo ngài về ở hẳn bên Pháp à? Em còn phải suy nghĩ? MARTIN - (phụ họa) Về làm bà phu nhân Andrây Côhen đi, chị Gien Ny! (lại phía Andrây): Hay là, nếu chị Gien Ny không đi, ngài cho em theo ngài về Pháp vậy? Suốt ngày em sẽ hát cho ngài nghe! HIPPY - (cũng tiến lại) Em đồng ý theo ngài Andrây Côhen đấy! Em sẽ hầu hạ ngài. Chị Gien Ny mà không theo ngài thì thật uổng. ANDRÂY CÔHEN - Đừng đùa nữa Hippy! HIPPY - Em tình nguyện về ở với ngài thật mà. Em sẽ làm phu nhân cho ngài. Ngài thấy đấy, bộ ngực nở nang này của em bao nhiêu người thèm khát. MARTIN - (với Hippy) Này thôi, cô đừng đòi tranh của người ta! MỘT GÃ - (lại kéo Martin)Cô em theo anh, anh nhận cô em làm phu nhân. MARTIN - Bỏ ra, đồ khỉ. GÃ SAY - (hát) “Anh theo nàng về quê…” (gã kéo Martin đi…) MARTIN - (nói với lại) Ông Andrây Côhen! Nếu ông đồng ý thì cứ gọi em nhá! (theo gã say ra khỏi khách sạn) MỘT GÃ - (với Hippy) Còn cô em thì phần anh. (Hippy ngúng nguẩy đi vào trong. Gã cũng ra) GIEN NY - (với mọi người) Chào các ngài, em đi đây! ANDRÂY CÔHEN - (nói với theo) Tối nay, tôi sẽ đón Gien Ny ở đâu? GIEN NY - Ở nơi mọi lần ngài vẫn đón em ấy! (khách khứa tản ra hết. Chỉ còn lại 3 người thương gia) SMIT - May every thing be happy! (chúc cho mọi sự tốt đẹp!) … và chuyến đi của chuyên viên Hoàng thắng lợi! (chạm cốc) ANDRÂY CÔHEN - Phải, đã thay đổi không thể thay đổi nửa vời. Thiên niên kỷ mới, tư duy mới. SMIT - Nào, bây giờ thì xin mời các vị về công ty Nhật. Chúng ta sẽ bàn bạc để tiến hành kí kết hợp đồng! (Mọi người vui vẻ. Thanh lảo đảo từ ngoài vào. Hắn nhìn cảnh tượng lắc đầu đi về phía hành lang) THANH - (than vãn) Thế này thì hết cách gỡ rồi! (nói như hét lên): Hết cáh gỡ rồi. Chết chắc rồi, chú ơi!... (Hắn thiểu não bước ra. Ngoài cửa Martin trở lại, vừa đi vừa hát trong tiếng nhạc hoạ) HẠ MÀN. 2.
CHUYỆN Ở QUÁN GỐC ĐA Kịch ngắn PHẠM NGỌC THÁI NHÂN VẬT : 1. Anh Phạm Nhà thơ - chồng chị Phạm
2. Chị Phạm Bán bún - vợ anh Phạm
3. Vũ Nhà thơ - Tổng biên tập báo "Ngày mai"
4. Đức Nhà phê bình lý luận văn học. Trẻ tuổi nhất.
5. Cô bán báo
Chuyện xẩy ra tại thành phố
MỞ MÀN Vào một buổi sáng tại quán bán bún của chị Phạm. Dưới gốc cây đa lớn gần hồ. Thụt vào trong phố một chút. Quán ở cạnh một ngôi nhà trông thấy cửa sổ. Bên trong cửa sổ đặt một chiếc bàn điện thoại. Lúc này cũng đã gần trưa. Chị Phạm thôi không bán hàng nữa, đang thu dọn đồ cho vào một chiếc xe đẩy. CHỊ PHẠM - (vẻ sốt ruột. Dừng tay trông về cuối phố lẩm bẩm) Không biết chạy chọt có được không? Đi từ tờ mờ sáng đến giờ. Người ta bán hết cả buổi hàng, vẫn chưa thấy về! (chị quay lại dọn tiếp, thì anh Phạm vào) CHỊ PHẠM - (vội đến hỏi chồng) Thế nào, con và xe máy đâu? Trông điệu bộ của bố nó thế này, chắc là lại không giải quyết xong việc với công an rồi? ANH PHẠM - Cứ có ba triệu nộp cho họ thì xong tất. CHỊ PHẠM - Nó chỉ mắc mỗi cái tội phóng xe máy nhanh, làm cái gì mà phải nộp phạt những ba triệu? ANH PHẠM - Không phải mỗi tội phóng xe máy nhanh, mà là phóng xe tốc độ cao! Có khi, người ta còn bắt tù giam ấy chứ? CHỊ PHẠM - Ừ thì phóng xe tốc độ cao! Nhưng nó chỉ đi có một mình. Lại vào ban đêm thanh tịnh, vắng người. Đúng là cái thời buổi, vớ được là các ông ấy chém. ANH PHẠM - Con mình mắc tội thì mình phải chịu. CHỊ PHẠM - Để cho anh mở mắt ra mà nhìn vào thực tế, trăm bề hỗn loạn. Còn anh thì... ANH PHẠM - Mẹ nó lại sắp... CHỊ PHẠM - Chứ lại không à? Sống phải có thực tế một tý, để vợ con nó nhờ. Lúc nào cũng mơ mộng. Ta sẽ là nhà thơ vĩ đại. Như người ở trên mây. Vĩ đại đâu chẳng thấy? Vợ con anh đang chịu sống khốn khổ, khốn nạn đây này. ANH PHẠM - Ơ... mẹ nó hay nhỉ? Con mình mắc tội, công an họ bắt nộp phạt. Liên quan gì đến chuyện thơ phú của tôi? CHỊ PHẠM - Tôi hỏi bố nó? Nếu nhà không giàu nhưng cũng dư dật một chút tiền bạc, hoặc bố nó có tý địa vị xã hội? thì chuyện đơn giản như thế này, một câu nói với công an, họ sẽ vị nể là xong. Con cũng được họ thả về, xe lại được trả lại.Việc gì đến mức bắt phải nộp phạt? ANH PHẠM - Nói thế thì vô cùng... CHỊ PHẠM - Anh thì... sống hôm nay chẳng thèm nghĩ đến cái thực tế của hôm nay. Cứ thản nhiên… phớt tất. Còn nghĩ đến việc lưu danh sử sách cơ? Thế nên vợ con mới khổ. ANH PHẠM - (lúng túng) Thì tôi... CHỊ PHẠM - (than vãn) Lấy đâu ra ba triệu để mang ra công an nộp phạt bây giờ? (anh Vũ vào) VŨ - Nào, đến hàng chị Phạm để xin bát bún riêu buổi sáng đây? CHỊ PHẠM - Kìa, anh Vũ! Định ăn bún của nhà em mà sao anh đến muộn thế? Cũng còn vài bát nữa mới hết, nhưng vãn khách... em đang dọn hàng về. VŨ - Quán của chị Phạm có vẻ bán đắt hàng nhỉ? CHỊ PHẠM - Nếu không đắt hàng thế thì… một cái quán tận trong hẻm, em nuôi nổi làm sao được cả ba bố con anh ấy? Gia đình bốn miệng ăn. Trông tất cả vào cái quán bún riêu dưới gốc cây này đấy, anh ạ! VŨ - Chị Phạm giỏi lắm! (với anh Phạm) Dẫu mai sau ông có thành đại nghiệp, hoặc một thiên tài gì... gì đó? thì cũng phải nhờ vào sự vất vả làm ăn, với cái tài bán bún riêu của chị ấy đấy! ANH PHẠM - Vẫn, vẫn... tôi vẫn biết thế! CHỊ PHẠM - (với anh Vũ) Chán lắm anh ạ! Người đâu như người cổ đại. ANH PHẠM - Mẹ nó lại sắp... VŨ - (với anh Phạm) Thời buổi thị trường. Ông cũng nên sống thực tế một chút thì tốt hơn. CHỊ PHẠM - May quá, nước dùng pha bún em vẫn chưa đổ đi, rau sống vẫn còn, để em làm cho anh một bát. VŨ - (ngăn lại) Thôi, chị cho phép để lúc khác. Sáng tôi cũng ăn vài miếng bánh, uống tách cà phê rồi ! (với anh Phạm) Vừa đăng báo cho ông bài thơ! Tôi từ toà soạn tạt về đây, đưa ông tờ báo để ông mừng. ANH PHẠM - Thế à! Đăng trên báo "Ngày mai" của ông ấy à? Mà, ông cho đăng bài thơ nào thế? (anhVũ giở trang đăng bài thơ… rồi đưa báo cho anh Phạm) VŨ - Thì bài thơ mấy hôm nọ ông đưa cho tôi xem ấy! Tôi thấy cũng hay hay. Về toà soạn tôi cho đăng luôn. ANH PHẠM - À… à... thì ra cái bài thơ "vợ bán ế bún"? (chị Phạm đang dọn hàng, nghe vậy giật mình ngẩng lên) CHỊ PHẠM - Tôi bán ế bún mà anh cũng đem làm thơ, rồi lại cho đăng cả báo à? ANH PHẠM - Ông Vũ ông ấy đăng lên báo, chứ tôi đâu có bảo? VŨ - Đây, đây... lại có cả tiền nhuận bút nữa đây! Tiện thể tôi đem đến cho ông luôn. Lần này tôi đưa cho chị ấy nhé! (Vũ đưa phong bì tiền cho chị Phạm) CHỊ PHẠM - (vui vẻ) Lại có cả tiền nhuận bút cho em nữa cơ đấy? Cứ thế này thì... phấn khởi quá! ANH PHẠM - Mẹ nó thì... cứ có tiền là vui. CHỊ PHẠM - Không có tiền thì anh sống bằng cái gì để làm thơ? VŨ - Bài thơ hay bởi vì nó rất đời, ông ạ! Mới lại... chỗ thân quen, cảm thông với nỗi khó nhọc của chị Phạm. Đáng lý, một bài thơ ở báo "ngày mai" của tôi tiền nhuận bút chỉ có đôi trăm. Nhưng đây là một bài thơ hết sức xúc động, tôi đã duyệt tăng tiền nhuận bút lên cho ông thành 300.000 đồng đấy! CHỊ PHẠM - Chỉ mỗi bài thơ mà được những 300.000 đồng. Kể cũng đã anh nhỉ? Lãi bằng cả buổi bán hàng của em. VŨ - Không thể so sánh thế được? Tiền chất xám mà chị. CHỊ PHẠM - (hỏi chồng) Mà anh vừa nói, nhan đề của bài thơ là gì ấy nhỉ? VŨ - "vợ bán ế bún". CHỊ PHẠM - Phải!... Phải !... " vợ bán ế bún ". (với chồng) Thế thì , bố nó cứ ngày ngày lấy ngay cái hàng bún của tôi mà làm thơ. Đem đăng báo mà lấy tiền nhuận bút. Này, có khi lãi hơn cả thơ tình đấy? Chẳng hạn, mai bố nó viết bài "vợ bán đắt bún". Ngày kia bố nó lại viết "vợ bán không đắt cũng không ế ". Ngày kìa bố nó lại... ANH PHẠM - Thôi… thôi… thôi... mẹ nó định đem thơ của tôi ra làm trò đấy à? CHỊ PHẠM - Trò là trò thế nào? (với Vũ) Em nói thế cũng có lý chứ, anh Vũ nhỉ? VŨ - Ờ ờ ờ.... CHỊ PHẠM - Anh Vũ đọc thử cho em nghe bài thơ "vợ bán ế bún", em nghe xem thơ của chồng em viết về em như thế nào? (lẩm nhẩm đọc) "Vợ bán ế bún”, cái tên đề nghe cũng thấy hay. VŨ - Được. Để tôi đọc. ANH PHẠM - (ngăn lại) Thôi, ông đừng đọc bài thơ ấy ở đây. (với chị Phạm) Thế, mẹ nó quên ngay cái sự cố xe máy và con đang bị giữ trên công an rồi à? CHỊ PHẠM - Quên làm sao được. Lúc nẫy nhìn thấy anh Vũ đến là tôi nảy ngay ra ý nghĩ, nhưng chưa kịp nói. (nói riêng với chồng ) Bố nó... cứ đem ngay cái việc đó mà nhờ anh Vũ. Anh ấy lên đồn cảnh sát nói giúp một câu, có khi là xong đấy? ANH PHẠM - Xong là xong thế nào? Anh Vũ thì cũng làm văn học như tôi. Đằng kia là chính quyền, làm sao anh ấy giải quyết được? CHỊ PHẠM - Anh Vũ sao lại giống anh được? Bố nó chỉ là một anh nhà thơ chân cò, chân vạc... Đằng này, anh ấy là ông tổng biên tập báo. Nghe nói, lại còn có chân trong Ban chấp hành của Hội nhà văn Việt Nam nữa. Có vai, có vế. Địa vị xã hội hẳn hoi. Mà... công an họ nể các nhà báo lắm! ANH PHẠM - (lưỡng lự) Nhưng tôi vẫn thấy... VŨ - Hình như anh chị đang gặp rắc rối chuyện gì? Liệu tôi có thể giúp đỡ được không nào? CHỊ PHẠM - (với chồng) Bố nó cứ nói thẳng với anh ấy đi? ANH PHẠM - Ừ thì nói. Thằng con lớn của tôi đêm qua chẳng hiểu buồn chán cái gì, nửa đêm mà nó còn lôi xe máy ra ngoài phố phóng bạt tử. Thế là bị công an bắt. Họ quy nó vào tội phóng xe tốc độ cao! CHỊ PHẠM - Sáng sớm hôm nay công an họ gọi điện thoại đến nhà, gia đình em mới biết. ANH PHẠM - Họ bắt quá đi chứ! Hành động của nó có khác gì một thằng điên? VŨ - À, thanh niên bây giờ... CHỊ PHẠM - Lúc nẫy nhà em cũng đã lên đồn để xin cho cháu và xin xe máy về. Nhưng công an họ bảo: Cứ mang ba triệu lên nộp phạt rồi lấy xe máy, đưa con về mà giáo dục. VŨ - Thế thì phiền phức quá nhỉ? ANH PHẠM - Ông bảo, hoàn cảnh như gia đình nhà tôi? Mẹ nó buôn bán vỉa hè. May ra vặt mũi cũng chỉ vừa đủ đút miệng, thì lấy đâu ra ngay ba triệu? Con cái bây giờ toàn làm khổ bố mẹ. CHỊ PHẠM - Anh thì chỉ biết đứng đấy mà kêu!... Sao không mang cái tiếng là ông nhà thơ của anh, lên đồn cảnh sát mà làm việc với họ? Toàn sống hão. ANH PHẠM - Thì, tại nó chứ tại tôi à? CHỊ PHẠM - Nhưng anh là bố nó. Anh phải có trách nhiệm giải quyết. VŨ - Anh chị đừng cãi vã nhau nữa. Ta sẽ tìm cách xoay xở? ANH PHẠM - Hay là... Ông lên đồn nói giúp một câu? VŨ - (xua đi) Không xong. Không xong. Tôi va chạm thấy nhiều cái tình cảnh bây giờ, tôi biết. Chỉ có mang tiền đi mà nói!... Nước bọt, không ăn thua. CHỊ PHẠM - Dù sao anh cũng có vai vế, lại quan hệ nhiều với những người có quyền chức. VŨ - Nén bạc mới có thể đâm toạc được tờ giấy mà chị. CHỊ PHẠM – (đay nghiến chồng) Anh đã mở mắt ra mà nhìn vào cái thực tế chưa? ANH PHẠM - Mẹ nó lại sắp sửa... VŨ - Cũng chỉ còn cách xoay lấy ba triệu mà nộp phạt cho xong đi! (giở ví) Ở đây tôi có vét hết cũng chưa đủ một triệu. CHỊ PHẠM - Bác bảo em buôn bán cò con... Ngay đến ba trăm còn khó. Chạy đâu ra hơn hai triệu nữa? VŨ - Tôi chưa nói hết. (với anh Phạm) Hay là, tôi cùng anh đến mấy tay nhà thơ, nhà báo quen biết. Vay mỗi người một ít để lo cho xong chuyện đi vậy? ANH PHẠM - Tôi chả vay tiền ai bao giờ. Chẳng hiểu có được không? Hay là lại... VŨ - Mà cũng không được thật. Vay cho ai còn dễ... chứ, vay cho ông Phạm thì… chắc chẳng tay nhà thơ, nhà báo nào chịu bỏ tiền ra cho ông vay đâu? ANH PHẠM – Sao ông lại nói thế? Ra tôi là loại người đểu cáng lắm hay sao? Đến nỗi họ lại khinh ghét tôi như vậy? VŨ - Không phải ông đểu cáng. Ông còn là người tử tế, đứng đắn nữa là khác. ANH PHẠM - Thế thì tại sao?... VŨ - Chỗ anh em tôi cứ nói thật. Từ khi ông tung ra cái tập bình thơ, rồi tuyên bố: Ta là nhà thơ vĩ đại nhất Việt Nam!... Bây giờ, trong làng văn thơ báo chí, người ta ghét ông. Có hỏi vay cho ông? chắc là họ cũng từ chối. ANH PHẠM - Tôi tuy tuyên bố là nhà thơ vĩ đại nhất Việt Nam. Nhưng đâu có nói xấu bọn nhà thơ các ông? Cũng không tranh giành địa vị với ai? Cả ông nữa, ông cũng cứ tuyên bố đi! Ai cấm? CHỊ PHẠM - (với chồng) Ối giời ơi!... Anh là anh gàn dở. Kiếm miếng ăn nuôi con còn chẳng đủ. Anh lại còn tuyên bố mình vĩ đại nhất! Để cho họ thêm ghét ra. Có khốn khổ tôi không? ANH PHẠM - Việc thơ phú mặc tôi, không việc gì đến mẹ nó. CHỊ PHẠM - Đấy! Ông lấy thơ mà nuôi hai đứa con của ông? rồi chạy lấy mấy triệu, mang lên công an mà đón nó về. ANH PHẠM - Thế, nó là con tôi chứ không phải con bà? CHỊ PHẠM - Thì mỗi người nuôi một đứa. ANH PHẠM - Tôi quen làm thơ, chứ có biết đi buôn đâu nào? CHỊ PHẠM - Nhưng cái việc mà ông tuyên bố " là nhà thơ vĩ đại nhất " ấy?... là hâm tột độ, hâm củ tỷ nhà ông ra rồi. Vợ con khốn khổ theo ông. ANH PHẠM - Vâng, tôi hâm, tôi hâm củ tỷ. (nói lửng lơ) Ăn được cái hâm của tay này còn khó. CHỊ PHẠM - Thì ông mở mắt ra mà nhìn. Nó rành rành ra đấy! Bây giờ có muốn vay mỗi người vài trăm, người nào họ cũng ghét. Có ai chịu cho ông vay đâu? VŨ - (chợt reo lên) Thôi, anh chị đừng cãi nhau nữa. Tôi nghĩ ra cách rồi. CHỊ PHẠM - (vội vã) Thì em cũng chỉ trông vào bác mà lỵ. Thế, bác nghĩ ra cách gì giúp vợ chồng em? VŨ - (với anh Phạm) Ông đưa tờ báo cho tôi! May quá, vừa đăng cho ông bài thơ đúng lúc cần có việc. Tôi sẽ đưa ông lên gặp tay quận phó… (với chị Phạm) Tay quận phó công an này tôi quen biết. Nếu được anh ta giúp, chỉ cần anh ta nói một câu xuống đồn, thì… vụ này giải quyết dễ như bỡn. CHỊ PHẠM - Đấy! Em đã bảo mà, có quyền hạn như bác Vũ... ANH PHẠM - Nghĩa là, ông lấy tờ báo này để làm công tác ngoại giao? VŨ - Vì tờ báo này có đăng bài thơ của ông! ANH PHẠM - Ông nói về bài thơ "Vợ bán ế bún " của tôi? VŨ - Bài thơ ra đời thật là hợp thời, đúng cảnh. Tôi quan hệ nhiều ngoài xã hội, tôi biết. Đọc bài thơ này của ông, tất người ta sẽ mủi lòng. Khi ấy chỉ cần kể lể thêm đôi điều, họ sẽ cảm thông ngay. ANH PHẠM - Tức là người ta sẽ rủ lòng thương hại?... mà tha con và trả lại xe máy cho vợ chồng tôi? VŨ - Cảnh mình khó khăn phải chịu nhẫn một tý ông ạ! Đừng mặc cảm nhiều quá. CHỊ PHẠM - Bài thơ nhà em viết về cái việc em bán ế bún, hoá ra lại được nhiều cái lợi... bác Vũ nhỉ? Nhưng liệu anh quận phó ấy có cảm động thật mà giúp? Em chỉ sợ… VŨ - Chị Phạm chưa biết đấy! Bài thơ này anh Phạm viết hay lắm. Vừa thực tế lại rất xúc động. Tuy chưa được gọi là một kiệt tác thi ca, nhưng cũng không kém phần bất hủ. ANH PHẠM - (với khán giả) Kiệt tác với chả bất hủ… cái con khỉ? CHỊ PHẠM - Đấy, tôi đã bảo với bố nó rồi! Cứ viết ngay vào cái việc bán bún của tôi, có phải hơn không nào? Vừa có tiền, lại được mọi người quý. Lại chả nhanh nổi tiếng, vĩ đại hơn cả cái thứ thơ tình... mà bố nó hay viết ấy chứ? ANH PHẠM - Vâng. Khi ấy thì thơ tôi làm… toàn mùi bún riêu và mắm tôm của bà mà thôi. VŨ - Bây giờ tôi với ông đi ngay để gặp tay quận phó. Xe máy tôi gửi ngoài kia, tôi sẽ đèo ông đi. ANH PHẠM - Thì tôi cũng đành theo ông. VŨ- Chị Phạm cứ yên tâm. Anh em chúng tôi đi một loáng là về ngay. ( Vũ và anh Phạm ra khuất ) CHỊ PHẠM - (nói một mình) Bố nó là chúa gàn. Viết thơ về vợ bán bún… lại sợ thơ không bất hủ? (chị Phạm vui vẻ dọn hàng tiếp. Đức vào) ĐỨC - Chào chị Phạm! Tôi vừa gặp hai ông ở đầu phố. Các ông ấy đã kể cho tôi nghe mọi chuyện xẩy ra rồi! CHỊ PHẠM - Chào chú Đức! Đấy, chú xem: Cuộc sống kiếm miếng cơm đã vất vả mà chả lúc nào hết chuyện? Mệt mỏi lắm chú ạ! ĐỨC - Chị đúng là người vợ kiểu vợ ông Tú Xương, Nguyễn Khuyến. ( Đức cảm hứng ngâm thơ): Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi đủ năm con với một chồng… CHỊ PHẠM - Đấy là ngày xưa dễ đẻ, dễ nuôi. Bây giờ đẻ thì vẫn dễ đẻ, nhưng lại cực kỳ khó nuôi chú ạ! Bà Tú Xương thì nuôi cả năm con với một ông chồng, dễ như không. Chứ tôi, chỉ nuôi có một ông chồng nhà thơ với hai đứa con, là đã toé phở ra rồi! Nếu năm đứa, có mà đưa nhau… xuống lỗ. ĐỨC - Nhưng anh Phạm cũng là người tốt tính đấy chứ chị? Tuy không kiếm ra tiền, nhưng anh ấy cũng không phải là người không quan tâm tới vợ con đâu? CHỊ PHẠM - Thì tôi có nói là anh ấy không tốt đâu. Mọi người vẫn bảo tôi, thời buổi bây giờ lấy được ông chồng không cờ bạc, rượu chè, không trai gái, đĩ bợm... cũng đã là cái phúc rồi! Nghĩ thế, tôi cũng đỡ tủi thân. ĐỨC - Chị nói đúng. Bao nhiêu cảnh gia đình tan nát chỉ vì những ông chồng rượu chè, cờ bạc. CHỊ PHẠM - Trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì... ĐỨC - Nghĩ được vậy, chị sẽ thấy lòng thanh thản hơn. Ô kìa ! Hai ông ấy đã về rồi. (anh Phạm và Vũ vào) CHỊ PHẠM - (hỏi dồn chồng) Thế, anh quận phó ấy… có chịu giúp cho nhà ta không? ANH PHẠM - May ra thì... VŨ - Nếu trước đây mà ông cứ nghe lời tôi, có phải bây giờ mọi việc sẽ đỡ phiền toái hơn không? CHỊ PHẠM - Nghĩa là… việc vẫn không xong? VŨ - (với Đức) Cũng chỉ tại cái tập thơ mà ông ấy tự phát hành… rồi tuyên bố mình là nhà thơ vĩ đại nhất ấy mà? Đức còn nhớ chứ? ĐỨC - Tôi nhớ. Nhưng mà làm sao? VŨ - Chỗ nào ông ấy cũng biếu tặng! Đến tay quận phó, biết người vi phạm luật lệ là con anh Phạm? Hắn cũng ghét. Tôi vừa trình bầy hoàn cảnh, anh ta đã gạt phăng đi và chối đây đẩy. CHỊ PHẠM - Lại vì cái lời tuyên bố “mình vĩ đại… " khỉ gió ấy của anh? Bây giờ gặp cảnh... mang vạ vào thân. Anh đã thấy thấm thía chưa? ANH PHẠM - Thì mẹ nó cứ để cho anh Vũ nói rõ đầu đuôi câu chuyện đã nào? CHỊ PHẠM - Còn nói cái gì nữa? Lấy đâu ra ba triệu để nộp phạt bây giờ, hở ông Phạm ơi ! (chị Phạm túm lấy chồng mà lay) ĐỨC - Chị Phạm cứ bình tĩnh. Có gì ta sẽ tìm cách gỡ? CHỊ PHẠM - Gỡ gì? Người đâu mà sống trong thời buổi bây giờ, thánh thần chẳng ra thánh thần, quỷ không là quỷ. Cứ hâm hâm dở dở... ANH PHẠM - Có hâm thế mới đấu nổi cái đương đại tùm lum, ù xoẹ này đấy? CHỊ PHẠM - Đấy, lại còn nói như thế nữa chứ? VŨ - Chị Phạm cứ để tôi nói tiếp đã. Nhưng may quá... nhờ có bài thơ "vợ bán ế bún" mà lại gỡ được chuyện. CHỊ PHẠM - Anh Vũ nói thế nghĩa là... VŨ - (với anh Phạm) Ông thấy tôi bầy cho ông một chưởng… đã độc chưa? Những nước cờ đời này, là tôi sành điệu lắm! ANH PHẠM - Phải! Ông sành điệu, ông thạo đời. CHỊ PHẠM - (ngơ ngác) Ơ... VŨ - (cười với chị Phạm) Chả là thế này. Khi tay quận phó kiên quyết từ chối không chịu giúp. Thấy tình thế cam go, tôi liền tế nhị biếu ngay anh ta tờ báo... CHỊ PHẠM - Tờ báo mà anh đã đăng bài thơ "vợ bán ế bún" của nhà em á? VŨ - Chính thế! Rồi lại khéo léo giở trang báo ra… lật đến chỗ có bài thơ. Tôi vừa chỉ cho tay quận phó thấy, vừa thong thả đọc cho anh ta nghe... ĐỨC - (giọng hơi hài hước) Thế là anh quận phó liền… tâm phục, khẩu phục, tỏ thiện chí yêu mến nhà thơ Anh Phạm của chúng ta ngay? VŨ - Đức nói rất đúng. Nghe xong bài thơ, tay quận phó vỗ đùi đánh đét một cái… gật đầu khen mãi. Nào là... bài thơ viết mùi mẫm, đáng yêu, đáng trân trọng lắm! CHỊ PHẠM - Thế rồi, anh quận phó đã đồng ý tha cho con của em… về rồi chứ ạ? ANH PHẠM - Và sẽ cho mang cả xe máy về nữa. Anh ta nói, cứ về nhà ngồi chờ điện thoại. Anh ta báo xuống đồn công an, can thiệp giúp. CHỊ PHẠM - Nghĩa là… vẫn phải chờ? VŨ - Tôi biết, cấp trên mà đã chỉ đạo… thì cấp dưới sẽ nghe theo. CHỊ PHẠM - Nếu như thế thì tốt quá! Tốt rồi! Em đã bảo mà... có anh Vũ đã ra tay giúp thì... (với chồng) Thế, bố nó có cho anh quận phó số điện thoại của nhà ta không? À quên, số điện thoại mà ta nhờ kia kìa!... (chị Phạm vừa nói vừa chỉ tay vào chỗ cửa sổ của căn nhà cạnh đấy. Có đặt một chiếc điện thoại trên bàn) ANH PHẠM - Cho rồi. Tất nhiên là tôi phải cho số điện thoại nhà bác hàng phố mà mình vẫn nhờ. ĐỨC - (nói thủng thẳng) Bài thơ "vợ bán ế bún" vớ vẩn của anh Phạm, không khéo lại trở thành nổi tiếng? CHỊ PHẠM - Sao chú Đức lại nói là “vớ vẩn”? Thơ anh ấy mà đã viết về "bún"... của tôi, thì tất là phải hay rồi! ĐỨC - Tôi đùa ông anh một tý ấy mà... (với anh Phạm) Lại có một tờ báo khác cũng đăng thơ của bác đây! ( Đức rút lấy ra một tờ báo đưa cho anh Phạm ) - Báo văn học của Hội nhà văn in đàng hoàng đấy! ANH PHẠM - Báo Hội nhà văn mà các ông ấy cũng chịu in thơ của tôi à? Bài thơ nào thế? ĐỨC - Thì vẫn là bài thơ "vợ bán ế bún" đó! CHỊ PHẠM - Khi tôi bán bị ế bún, nhưng sang thơ của bố nó... đăng báo, hoá ra lại đắt hàng. Hay thật đấy bác Vũ, chú Đức nhỉ? ANH PHẠM - Chỉ có mỗi bài thơ "vợ bán ế bún" tôi viết lăng quăng, đưa cho hai ông đọc cho vui. Thế mà, liền một lúc lại in liền hai báo? CHỊ PHẠM - Các báo khác mà biết!... Có khi bẩy, tám, mười báo họ in liền một lúc ấy chứ? ĐỨC - Thì, bác đưa cho xem bài thơ. Tôi đọc thấy cũng hay. Mới mang thử đến báo Văn học. Ai dè, các ông ấy liền chộp ngay lấy, khen lấy… khen để… Thế này mới là thơ chứ! Rồi cho đăng báo liền. VŨ - Bài thơ hay thì ai cũng thích. (với Đức) Có phải thế không nhà bình luận văn học? ANH PHẠM - Không thể nào hiểu nổi? không thể nào hiểu nổi? CHỊ PHẠM - Có gì mà không hiểu nổi? Bố nó cứ làm thơ, nhưng thơ cũng phải có thực tế một chút. Đừng có thơ tình, thơ tọt... làm gì nữa. Là sẽ vĩ đại ngay ấy mà! (chợt nhớ ra hỏi Đức) - Thế... cái báo văn học ấy họ có cho tiền nhuận bút không, hả chú Đức? ĐỨC - Có chứ! Báo nào mà chả có nhuận bút. Nhưng đây là tờ báo tôi lấy trước. ( với anh Phạm ) Còn nhuận bút, một tuần nữa bác đến toà soạn mà lấy. CHỊ PHẠM - Tiền nhuận bút ở báo "ngày mai" của bác Vũ, bác ấy trả những 300.000 đồng cơ đấy! ĐỨC - Báo văn thì không được cao như thế. Mỗi bài thơ chỉ được 100.000 đồng thôi. CHỊ PHẠM - (chép miệng) Kể ra, trả thế có phần hơi rẻ mọn. Nhưng thôi, cũng tốt chán. Còn hơn là chẳng có đồng nào. ANH PHẠM - Mẹ nó chỉ được cái việc... CHỊ PHẠM - Ông nhớ… từ nay tiền nhuận bút in thơ phải liên tục mang về đưa Tôi đấy! Không rồi lại ỉm đi, vợ con chẳng biết đấy là đâu? ANH PHẠM - Có đăng được khối thơ đấy... mà đòi liên tục. CHỊ PHẠM - Tôi vẫn chưa biết bài thơ bố nó đã viết về bún bánh của tôi nó hay thế nào, mà lại được nhiều báo đăng như thế? Bố nó đọc thử cho tôi nghe xem nào? ANH PHẠM - (xua tay) Thôi! Để lúc khác. Từ sáng đến giờ chưa có cái gì vào bụng. Tôi đang đói cồn cào lên đây này. Mẹ nó xem còn bún không? Làm cho anh em chúng tôi mỗi người một bát bún riêu nóng, ăn cho ấm cái bụng đã. CHỊ PHẠM - Còn bún. Vẫn còn bún. Để em hâm nóng nước dùng, làm cho mỗi anh một bát. Chả mấy khi các anh đến hàng em? VŨ - Cũng nhân thể còn phải chờ tay quận phó công an điện thoại xuống. Chị Phạm có lòng thì chúng tôi xin thưởng thức. Nghe nói, hàng của chị nổi tiếng lắm? CHỊ PHẠM - Cũng nhất nhì mấy phố này đấy anh ạ! Em làm xong ngay rồi đây. Còn hai chai bia Hà Nội, các anh uống một chút cho vui. (Chị Phạm dọn bún lên bàn, sau đó chị đi về chỗ xe đẩy, nói tiếp): - Các anh cứ ngồi ăn uống. Em tranh thủ đẩy cái xe đồ này vào nhà. (chị quay sang nói với chồng): - Có điện thoại của anh quận phó, bố nó nhớ bảo tôi nhé! ANH PHẠM - Mẹ nó cứ đẩy xe hàng về nhà đi, có điện thoại tôi sẽ báo. (chị Phạm đẩy xe vào lối trong. Ba người ngồi rót bia, ăn uống, nói chuyện vui vẻ) ĐỨC - Uống đi hai bác! Ngồi ăn bún, uống bia... lại nhớ tới cái bài thơ " Uống rượu với Tản Đà" của Huyền Trân... (ngâm): Cụ hâm rượu nữa đi thôi ... Rót đau lòng ấy vào đau lòng này, ... Tôi say? Thưa cụ chưa say, ... Cái say nhân thế thì say nỗi gì? ... Rót đi, rót rót đi thôi ... Lời say sưa mới là câu chân tình. VŨ - Ông lại biến tấu cả thơ của thi sỹ Huyền Trân rồi? Cái câu thứ ba mà ông trích để ngâm ấy phải là: Tôi say? thưa, trẻ chưa đầy... Chứ không phải là: Tôi say? thưa cụ chưa say... ĐỨC - Thì... tôi biến tấu đi một tý, cho nó hợp cảnh với chúng ta mà lỵ. ANH PHẠM - Nghe những lời tâm huyết, tri kỷ của các bậc xưa - lại nghĩ đến cảnh thơ phú viết lung tung, bát nháo của những nhà thơ bây giờ…mà thấy buồn. VŨ - Các ông, toàn là những gái goá đi lo chuyện triều đình? Thôi, ăn bún đi kẻo nguội hết, mất cả ngon. ĐỨC - Không biết ăn bún riêu, mắm tôm… mà uống với bia Hà Nội thế này, có đúng vị không nhỉ? VŨ - Bây giờ cái gì mà chả pha trộn lung tung tứ mẹt. Ai mà biết được, đúng vị hay là không đúng vị? ANH PHẠM - Cái món rau sống này, bà xã nhà tôi phải chọn người mua cẩn thận lắm! Tránh cái nơi không đảm bảo vệ sinh. Các ông cứ yên tâm mà ăn. ĐỨC - Cụng cốc lần nữa đi, các bác! Cảm xúc thế này, bác Phạm ứng khẩu cho ra một bài thơ thật mùi, để anh em chúng tôi thưởng thức? ANH PHẠM - Phải ăn đã, mình đang đói. Nào cụng! ( Họ cụng cốc. Vừa lúc đó, có tiếng rao của một cô gái bán báo ngoài phố vọng đến) TIẾNG RAO: “Báo ơ!... Báo ơ!... Báo Văn số đúp. số báo đặc biệt đây! Một vụ xì-căng-đan tai tiếng... đang xẩy ra trong hội văn chương đây!” CÔ BÁN BÁO - (tiến ra rao) Lời lên án của nhà thơ Trần Mạnh... xung quanh vụ chửi bới của nhà văn Nguyễn Thiệp đối với các nhà văn, nhà thơ đây! VŨ - Vụ này đang ầm ĩ. Để tôi mua tờ báo. ĐỨC - Sáng nay tôi có tạt đến toà báo, cũng đã được xem rồi. CÔ BÁN BÁO - Chào mấy chú! Báo Văn số này hay lắm, các chú mua đi? VŨ - Ờ, lấy cho một tờ. ( cô gái vừa đưa báo vừa chăm chú nhìn Vũ) CÔ BÁN BÁO - (với Vũ) Em trông chú quen quá! Đúng rồi, em nhận ra rồi. Chú là nhà thơ…em vẫn thường nhìn thấy trên ti vi. ĐỨC - (với khán giả) Cô ta gọi là chú nhưng lại xưng… “em”? CÔ BÁN BÁO - Thì em nghe người ta bảo: các nhà thơ không có tuổi. Dẫu có già...vẫn chỉ thích được con gái gọi là "anh" xưng "em" mà lị! (với Đức) Cả anh nữa, em thấy cũng quen quen… Phải rồi, anh cũng thường hay lên ti vi. Chỉ có anh này? (chỉ anh Phạm) em thấy hơi là lạ... ANH PHẠM - Thì tôi có lên ti vi bao giờ đâu. ĐỨC - Anh ấy cũng là nhà thơ đấy! CÔ BÁN BÁO - Ôi, Hôm nay em được gặp toàn những nhà thơ. Em thấy vinh dự quá! Báo hôm nay hay lắm, cứ mỗi khi nhà thơ, nhà văn các anh cãi chửi nhau… là báo bán chạy ầm ầm. Văn thơ các anh càng phê nhau nhiều… bọn bán báo chúng em càng kiếm. Hai anh có mua không ạ? ANH PHẠM - À, chúng tôi có rồi. CÔ BÁN BÁO - Thôi, em chào mấy anh. Em đi bán báo đây! (rao tiếp) Báo ơ! Báo ơ!... Báo văn số đặc biệt... một vụ xì-căng-đan tai tiếng đang xẩy ra trong hội văn chương đây! (cô bán báo đi khuất) ĐỨC - Nào, xin các bác tiếp tục. Uống đã!... Ăn đã!... (họ lại tiếp tục cụng cốc vui vẻ ) ANH PHẠM - Kể ra, cái ông nhà văn Nguyễn Thiệp dùng những từ “vô học”, “gian manh” để phê các nhà văn, nhà thơ chúng ta… thì cũng có phần quá đáng. VŨ - Để tôi đọc cho các ông nghe một đoạn báo của nhà thơ Trần Mạnh đã viết. (đọc to): " Sở dĩ nhà văn Nguyễn Thiệp chửi bới như thế, đều có dụng tâm, xuất phát động cơ là chửi có thưởng... (dõng dạc) … Ít nhất trong vòng 15 năm qua, hội chứng chửi của anh - tức là nói về nhà văn Nguyễn Thiệp đấy - Là có hệ thống, có cân nhắc tính toán hẳn hoi. Cứ mỗi lần Nguyễn Thiệp chửi xong, cũng nhận được vài ba lời mời đi du lịch nước ngoài, không phải mất tiền. Chắc là lần này, anh ta lại hơi bị bận vì sắp phải sang Âu-Mỹ "? ĐỨC - Đó cũng chỉ là một sự trục lợi. ANH PHẠM - Cả nhà thơ Trần Mạnh, chắc gì đã không phải là không trục lợi? Nhà văn Nguyễn Hoàng chẳng đã từng lên tiếng về cuộc chạy chọt để đi Mỹ của Trần Mạnh năm 2002 là gì? ĐỨC - Nhưng ai đời… cái ông nhà văn Nguyễn Thiệp ấy lại bảo: bây giờ các nhà văn, nhà thơ là vô học, gian manh? Cũng có phần hơi bậy, nên Trần Mạnh mới viết bài đả lại. ANH PHẠM - Nguyễn Thiệp nói thế... cũng không phải là không có cái lý đâu? Nhà văn , nhà thơ của chúng ta bây giờ cũng nhộm nhoạm, tạp-pí-lù thật! VŨ - (cười) Bác Phạm nói như thế nghĩa là, tuy không phải là tất cả… nhưng phần lớn các nhà thơ, nhà văn bây giờ cũng hầm bà làng... vớ vẩn? ĐỨC - Suy cho cùng, nhiều đọc giả họ đã phê phán Hội văn chương của chúng ta cũng là đáng. Thôi, tiếp tụcuống bia đi hai bác! VŨ - (giơ cái cốc không) Nhưng hết bia rồi… còn đâu mà uống? ĐỨC - Em sẻ cho bác một nửa này. (san bia cho Vũ) ANH PHẠM - Hai ông uống nốt cả chỗ bia của tôi đi, tôi đủ rồi. ( Anh Phạm trút bia đều cho hai người, rồi đứng lên thẩn tha như người lãng du, quên sự đời) VŨ - (với Đức) Nào, uống đi! Nhà phê bình văn học trẻ tuổi. Trăm phần trăm đấy nhé! ĐỨC - Đây là loại ra sống tinh khiết nhất. Bác Vũ đừng sợ. Ăn nốt đi bác, kẻo phí. ANH PHẠM - (ngâm thơ): Thiên hạ đảo điên chỉ chữ "tiền"... Anh đi làm thánh mãi cao thiên. (chị Phạm từ trong lò dò đi ra) CHỊ PHẠM - (bĩu môi) Làm...thánh... mãi cao thiên? Có mà đi Tây thiên thì có! Không có cái hàng bún của tôi, thì anh có muốn làm quỷ cũng khó, chứ đừng nói là thánh? ANH PHẠM - Ăn uống no say. Tôi mới ngâm nga thơ phú một tý!... Chưa chi mẹ nó đã... CHỊ PHẠM - Thế, đã có điện thoại của anh quận phó gọi xuống chưa? Anh phải quan tâm tới cái việc đang xẩy ra với con cái chứ? ANH PHẠM - Thì vẫn. Tôi với hai anh ở đây vẫn đang chờ? VŨ - Cám ơn chị Phạm đã cho anh em chúng tôi một bữa bún riêu và bia. Ăn uống thật là đã. (đúng lúc có tiếng chuông điện thoại từ nhà bên, qua cửa sổ vọng ra ) ANH PHẠM - Điện thoại của mình đấy! Mẹ nó thiêng thật, vừa nhắc đến là có điện thoại liền. TIẾNG NGƯỜI - (gọi từ trong nhà) Có điện thoại của anh Phạm này! ANH PHẠM - (đi tới cầm điện thoại) Vâng, cảm ơn bác. TIẾNG NGƯỜI - Khi nào anh chị về, nhớ khép hộ lại cái cánh cửa sổ nhé! ANH PHẠM - Bác cứ yên tâm, chúng tôi sẽ đóng cửa sổ lại cẩn thận. ( nói chuyện qua điện thoại): - Vâng ạ!... Đồng chí quận phó nói về bài thơ "vợ bán ế bún" của tôi ấy ạ? Vâng, cảm ơn đồng chí đã quá khen. Bài thơ chưa được hay đến thế đâu ạ. VŨ - Tôi đã bảo ngay mà. Bài thơ đã hay thì ai cũng phải khen! Tay quận phó này mà đã khen thế, thì việc chạy chọt ăn thua rồi. (với chị Phạm): - Chuyến này anh chị Phạm phải thưởng cho tôi đấy! CHỊ PHẠM - Chúng em sẽ không để cho bác Vũ thiệt. VŨ - Nói thế thôi. Giúp anh chị giải quyết xong vụ nan giải này, tôi cũng thấy nhẹ cả người. ANH PHẠM - (tiếp tục nói chuyện qua điện thoại) Thế cơ ạ!... Cả anh em công an ở trên đồn cũng hết lời ca ngợi bài thơ của tôi cơ à? Đồng chí làm tôi xúc động quá! VŨ - Nếu thơ tôi mà được người ta khen như thế thì… tôi cũng phải xúc động mà chết ngất đi ấy chứ! ĐỨC - Chuyện này phải viết vào biên niên sử mất thôi. ANH PHẠM - (tiếp tục điện thoại) Thưa đồng chí quận phó! Thế còn việc?... đã xong rồi ạ! Cám ơn đồng chí quá!... Vâng, gia đình tôi sẽ lên ngay ạ. Chúc đồng chí ngày càng mạnh khoẻ và tiến tới! (anh Phạm bỏ máy điện thoại) CHỊ PHẠM - Nghe bố nó nói chuyện trong điện thoại thì... ANH PHẠM - Xong rồi!... Xong rồi!... Không phải mất tiền mà chỉ nhờ có mỗi bài thơ của tôi. CHỊ PHẠM - Và công của bác Vũ đã đăng báo cho bố nó bài thơ đó nữa chứ! ANH PHẠM - Ừ, đúng là nhờ công của anh Vũ. Thế bây giờ mẹ nó lên đồn đón con và mang xe máy về, hay là tôi đi nào? CHỊ PHẠM - Tôi cũng dọn xong hàng rồi, để tôi đi. Bác Vũ và chú Đức cứ ở lại chơi với nhà em nhé! Em đi một nhoáng là về ngay. (chị Phạm đi ra… còn ngoái cổ lại nói với chồng): - Tôi đã bảo rồi! Bố nó cũng nên rút kinh nghiệm về cái việc làm thơ? Từ giờ trở đi, bố nó cứ bún, bánh… của tôi mà sáng tác. ĐỨC - (nói theo) Chúc chị Phạm đi giải quyết mọi việc được thuận lợi nhé! (chị Phạm ra khuất) ANH PHẠM - (với Đức) Nhà bình luận thơ ca này? Thế, liệu có đúng là cái bài thơ "vợ bán ế bún" của mình hay thật không? ĐỨC - (cười) Nhà thơ Anh Phạm đang bị cảnh tình làm cho mê man, sung sướng quá rồi hả? ANH PHẠM - Thì các ông cũng thấy đấy! Là tác giả của bài thơ được mọi người ca ngợi đến thế, ai mà chả xúc động? VŨ - Nó hay!... Bởi vì nó hoà hợp với cảnh đời. Thấm vào lòng người. Ông nhà thơ Anh Phạm ạ! Không phải phân vân gì hết. (bỗng lại có tiếng rao của cô bán báo ) CÔ BÁN BÁO - (vừa đi tới vừa rao) Báo ơ!... Báo ơ!... Báo Văn của Hội văn chương chính cống. Có đăng bài thơ nổi tiếng "vợ bán ế bún" của nhà thơ Anh Phạm đây!... ĐỨC - (ôm chầm lấy anh Phạm) Ôi, bác Phạm! Nhà thơ Phạm! Thế là bác trở thành nhà thơ vĩ đại rồi! VŨ - Chúc mừng ông! Chúc mừng sự thành công rực rỡ trong đời thi ca của ông. Để hoà cảm với niềm sung sướng cùng thi hữu, tôi xin ôm hôn thắm thiết cả hai ông. ( họ ôm chầm lấy anh Phạm hôn lấy hôn để) ANH PHẠM - Bỏ ra!... Hai ông không bỏ tôi ra, kẻo tôi ngạt thở mà chết bây giờ? CÔ BÁN BÁO - (tiến lại phía họ) Em lại chào các anh!... Mỗi anh mua cho em một tờ. Báo của Hội văn chương số mới nhất đấy, các anh ạ. Hay lắm! Có đăng bài thơ... VŨ - Chúng tôi biết rồi! Cô không cần phải quảng cáo nữa. CÔ BÁN BÁO - À, vâng. Các anh là nhà thơ, chắc cũng là bạn của nhà thơ Anh Phạm? Ôi, giá em được gặp nhà thơ Anh Phạm đang nổi tiếng ấy?. Dù chỉ một lần… thì dẫu chết em cũng không oán thán. ĐỨC - (chỉ anh Phạm) Thế cô có biết ai đây không? CÔ BÁN BÁO - (nhìn anh Phạm) Anh này ấy ạ? Em biết rồi. Anh ấy cũng là một nhà thơ. Nhưng... VŨ - Chính là nhà thơ Anh Phạm mà cô đang ao ước được gặp đấy? CÔ BÁN BÁO - Ôi... nhà thơ Anh Phạm đây ạ? (cô gái xúc động nói như hét): - Tôi đã được gặp nhà thơ Anh Phạm rồi! Tất cả ơi... Thật là vinh dự cho em quá! Em đã được gặp... ANH PHẠM - (ngăn lại) Thôi… thôi đi cô! Có gì mà cô cứ làm như là... CÔ BÁN BÁO - Cả thành phố đang ca ngợi bài thơ của anh đấy! Vì nhờ có bài thơ "vợ bán ế bún" nổi tiếng này, mà em bán được bao nhiêu là báo. ĐỨC - (với cô gái) Thế, số báo có đăng bài nói về sự đả nhau... giữa ông nhà thơ Trần Mạnh với nhà văn Nguyễn Thiệp, cô đã bán hết rồi à? CÔ BÁN BÁO - Còn thừa khối. Em đem trả lại cho toà soạn rồi. Bán chững lại, em chẳng muốn lấy thêm nữa. ĐỨC - Tại sao thế? Tưởng các nhà văn, nhà thơ càng cãi nhau nhiều, thì cô càng bán được nhiều báo? CÔ BÁN BÁO - Nhưng rồi đọc mãi thấy các nhà văn, nhà thơ cứ cãi chửi nhau hoài… chẳng ra đâu vào đâu? công chúng họ cũng chán. Chẳng thèm đọc báo nữa. ĐỨC - À, ra thế!... CÔ BÁN BÁO - (với anh Phạm) Anh đã được đăng bài thơ hay như thế! Mua cho em mấy tờ nhé, để tặng bạn bè? ANH PHẠM - (đếm tiền) Ừ, thì để xem còn đủ tiền mua luôn cả chục tờ... (cô gái xếp báo đưa cho anh Phạm) ĐỨC - Bác Phạm phải mua hết cả chồng báo này để tặng người thân, cũng bõ ấy chứ! ANH PHẠM - Từ từ thôi!... Đừng quá xá!... VŨ - (với cô bán báo) Bây giờ cô lại bán được nhiều báo, là nhờ có bài thơ "vợ bán ế bún" của nhà thơ Anh Phạm hả? CÔ BÁN BÁO - Đúng như vậy đấy ạ! Tuy thời buổi thị trường, nhưng công chúng họ vẫn được thèm nghe một bài thơ hay! Lâu nay thơ ca vẫn in nhiều, nhưng toàn thơ chán lắm! May mà... (bỗng anh Phạm lảo đảo chực ngã) ĐỨC - (vội chạy lại đỡ) Kìa, bác Phạm! Nhà thơ làm sao thế? ANH PHẠM - (lắp bắp) Tôi... tôi... đau... tim... VŨ - Chết!... Quen ông đã lâu mà không biết ông lại bị đau tim? Ông bị mắc chứng bệnh đau tim này từ bao giờ thế? ANH PHẠM - Hôm... hôm… hôm nay tôi mới bị đau. CÔ BÁN BÁO - Em biết rồi! Vì bài thơ hay quá. Được nhiều người ngưỡng mộ, nên… anh ấy xúc động. Trái tim không chịu đựng nổi, mới bị đau. ĐỨC - (với anh Phạm) Vấn đề bây giờ là... bác phải thật bình tĩnh. Đừng nên xúc động quá! ANH PHẠM - Thế này thì… tôi phải giảm tuổi thọ đến mười năm mất thôi! VŨ - Viết được một bài thơ hay như thế thì... có chết ngay cũng đáng. Chỉ giảm tuổi thọ có mười năm, bõ bèm gì? (cô bán báo chạy lại săn sóc. Vuốt ngực cho anh Phạm) CÔ BÁN BÁO - Hay là để em đọc bài thơ "vợ bán ế bún" cho anh nghe lại nhé! Có khi... nghe lại bài thơ hay của mình, bệnh tình của anh đỡ cũng nên? Em chỉ rao bán báo, mà cũng đã thuộc cả bài thơ rồi đấy! Em biết khối người mua báo, họ đã học thuộc ngay. ANH PHẠM - (xua tay) Thôi… thôi… không cần đọc. Tôi đỡ rồi, cảm ơn cô! (với Vũ và Đức): - Các ông ơi! Thật không ngờ bài thơ viết vớ vẩn mà lại có tiếng vang như thế. Khéo tôi sung sướng đến chết non mất? ĐỨC - Ấy, nếu thế thì bác phải mua gấp ngay một bộ quan tài để phòng sẵn đấy. Kẻo nhỡ chẳng may bị chết đột ngột, mới đi mua thì cập rập quá! ANH PHẠM - Đức nói chí phải. VŨ – Đăng được một bài thơ hay cho ông, lại nổi tiếng như thế!... Khéo rồi tôi cũng theo ông mà chết non mất thôi. Hay là… mình cũng sắm một bộ quan tài để phòng sẵn đấy, Đức nhỉ? ĐỨC – Bác Vũ cẩn thận lo cho mình chu đáo như thế… thì còn gì bằng. ANH PHẠM - Nhưng sắm một bộ quan tài bây giờ cũng không phải là ít tiền. Tôi… VŨ – Ông chưa có tiền chứ gì? Để tôi sắm luôn hai bộ cho cả tôi và ông luôn thể. ANH PHẠM - Thế thì phiền anh Vũ quá! VŨ – Không có gì! Chuyện vặt. (với Đức) Hay là… Đức cũng nên phòng sẵn một bộ, mình mua luôn thể? ĐỨC – Không ạ!... Các bác có tuổi rồi có chết ngay cũng chẳng sao. Em còn trẻ, chẳng dại gì mà em lại chết theo các bác. ANH PHẠM – (với Vũ) Thôi. Đức nó chưa muốn chết non với mình, thì ta cũng đừng nên ép. VŨ – Không muốn chết thì thôi. CÔ BÁN BÁO - (vui vẻ) Gặp được nhà thơ Anh Phạm rồi. Thế là em đã mãn nguyện. Khéo em… cũng chết non như hai anh mất thôi! ĐỨC - Thì cô cũng mua luôn một bộ quan tài để sẵn đấy!... Tiện thể cùng một công mua, nhờ bác Vũ đây mua luôn cả ba bộ? VŨ – Không hề hấn gì! Ba bộ thì ba. CÔ BÁN BÁO - Nhưng em còn quá trẻ! Mới lại… nói thật với các anh là, em chưa được biết mùi đời. Bây giờ mà chết đi thì phí quá! Các anh ai cũng được nếm mùi đời cả rồi, chết đã đành. Còn em? Thội, em chả dại. Chào các anh, em đi bán báo đây! (ngoái lại nói to) Em chả chết non nữa đâu! (cô vừa ra vừa tiếp tục rao) Báo ơ!... Báo ơ!... Báo Văn của Hội văn chương quốc gia chính cống. Có đăng bài thơ nổi tiếng "vợ bán ế bún" của nhà thơ Anh Phạm , tên tuổi đang lẫy lừng đây. Mua mau kẻo hết! (cô gái ra khuất) ĐỨC - (với anh Phạm) Cô gái trẻ trông xinh xinh dễ thương là… bác Phạm thật là người hạnh phúc! (chị Phạm có vẻ hốt hoảng bước vào) ANH PHẠM - (vội tới) Kìa mẹ nó!... Sao lại hốt hoảng thế? CHỊ PHẠM - Tôi đã lên đến đồn công an. Họ bảo tha cho con rồi… và còn cho nó mang cả xe về. ANH PHẠM - Thế là tốt chứ sao. Nhưng chưa thấy nó về? CHỊ PHẠM - Đã gặp được nó đâu. Người ta bảo: được thả, nó nhảy lên xe và phóng mất tiêu rồi! ANH PHẠM - Chắc con nó đi đâu đấy, rồi nó về. Thấy mẹ nó hốt hoảng… tôi cứ tưởng lại xẩy ra chuyện gì? CHỊ PHẠM - Nhưng tôi vẫn thấy lo. Với cái tính khí của nó, rồi nó lại gây ra chuyện này, chuyện khác mất thôi? VŨ - Chị Phạm đừng lo xa quá! Chắc cu cậu được thả ra… sướng quá, phóng vi vu một chút rồi về ngay thôi mà. Thế là ổn rồi. Miễn là mình giải quyết xong việc với công an. CHỊ PHẠM - (thở dài) Con với chả cái... (bỗng có tiếng điện thoại) ANH PHẠM - Để tôi nghe! ( cầm điện thoại) A lô! À, ra là con đấy hả? (quay lại nói với vợ) Không phải là điện thoại của công an. Con nó gọi về, mẹ nó ạ! CHỊ PHẠM - Thì bố nó cứ nói chuyện với con, xem có chuyện gì xẩy ra không nào? ANH PHẠM - (nghe điện thoại) Sao? Con lại bị bắt à? Nhưng ở đồn công an nào mới được chứ? Bố nghe rõ rồi. Đồn công an Gầm Cầu!... Nhưng tại sao con lại bị bắt? Vì tội vượt đèn đỏ à! Thế có khổ không? Thì con lựa lời mà nói khó với các chú công an tha cho vậy. Nhất quyết không được à? Họ bắt nộp phạt những một triệu cơ à? Lấy đâu ra tiền để nộp phạt bây giờ hả con? Thôi…thôi… bố biết rồi. Bố đang ốm đây, con không cần nói nữa! (anh Phạm bỏ máy điện thoại) CHỊ PHẠM - Tôi nghe rõ cả rồi! Chồng ơi là chồng? Con ơi là con?... Thế này thì tôi đến chết quách đi cho xong. ANH PHẠM - Tại con nó… sao mẹ nó lại nói tôi? CHỊ PHẠM - Thì cũng bởi anh lúc nào cũng chỉ mải thơ phú… không chịu răn đe con cái, mới nên nông nỗi này? ANH PHẠM - Mẹ nó hay nhỉ? CHỊ PHẠM - Tôi hay thế đấy? Tôi... chỉ muốn chết quách đi cho đỡ khổ. ĐỨC - (với chị Phạm) Thôi, chị ạ! Chị hãy cứ bình tĩnh. Cũng đành phải tìm cách để cứu cháu và chuộc lại xe máy về vậy. (thở dài) Cổ nhân đã chẳng từng nói: Đời là cái nợ đồng nần mà... CHỊ PHẠM - Các anh xem! Hết chuyện này đến chuyện khác. Lần trước nó vừa bị bắt vì tội phóng xe tốc độ cao. Bây giờ nó lại mắc vào tội vượt đèn đỏ? (quay lại phía chồng) Hay là... bố nó lại làm bài thơ nữa, cũng về "bún" của tôi ?... để lại phải nhờ bác Vũ đây đăng báo. Rồi đem thơ lên công an mà xin cho con nó về? ANH PHẠM - Ối… mẹ nó làm thơ của tôi cứ như trò hề ấy? Mới lại, văn chương không thể gượng ép và vụ lợi được. Thơ của tôi cũng chỉ rung cảm trước vẻ đẹp của cuộc sống, chứ đâu... VŨ - Đúng đấy chị Phạm ạ! Thơ ca không thể giả tạo được. (thở dài) ĐỨC - Suy rộng ra: Nếu cha, anh... mà không sống cho tử tế, cho cẩn thận? Thì… mai đây, con trẻ chúng nó sẽ đua nhau vượt đèn đỏ hết! HẾT KỊCH
3.
MỐI TÌNH HOA HỒNG BẠCH Kịch ngắn NHÂN VẬT: 1- Ông Ngọc Đại tá về hưu, góa vợ.
Khoảng 65 tuổi.
2- Bà Hồng Mẹ của Đông, góa chồng.
60 tuổi
3- Ông Đức Em trai bà Hồng, nhà giáo.
4- Đông Con trai bà Hồng, chồng của Hạnh.
Cán bộ công nhân viên chức nhà nước.
5- Hạnh Vợ Đông, buôn bán.
6- Hoa Con dâu ông Ngọc.
Nhân viên nhà nước.
Kịch xẩy ra tại thành phố - Thời
hiện tại.
MỞ MÀN ( Một buổi sáng mùa thu mát mẻ, tại nhà bà Hồng . Gian nhà ngoài làm phòng khách của một gia đình thành phố tương đối khá giả, có kê một bộ salon tiếp khách. Bà Hồng từ ngoài cửa đi vào, lau chùi dọn dẹp, sau đó lôi ra một lọ hoa bé xíu bằng sứ... lau sạch sẽ, cho nước rồi đặt lên bàn. Bà đi lại bồn chồn như đang chờ một ai đó? ) BÀ HỒNG - (khẽ thở dài) Cũng chẳng biết rồi có thu xếp ổn thỏa không? Thôi thì, mặc cho số phận. HẠNH - (ngoài cửa vào ) Mẹ! Nhà con vẫn chưa về hả mẹ? BÀ HỒNG - Chắc là chưa, mẹ cũng vừa đưa cháu Thắm đến trường mẫu giáo về. Cái con bé, bà đã dẫn vào lớp giao cho cô giáo, cứ nằng nặc đòi mua một phong kẹo mới chịu để cho bà về. HẠNH - Tại bà cứ chiều cháu quá, nó được thể càng nhõng nhẽo. BÀ HỒNG - Ồi, trẻ con! Đứa nào mà chẳng hay vòi vĩnh. Nhưng có việc gì mà sáng ra vừa mới dọn hàng, con đã bỏ chợ về nhà vậy? HẠNH - Con về để gọi nhà con. BÀ HỒNG - Mấy ngày nay anh ấy được nghỉ phép năm, cứ để anh ấy ngủ cho đẫy mắt. HẠNH - 7,8 giờ sáng rồi còn sớm sủa gì nữa đâu ạ! BÀ HỒNG - Thì nhà cũng đâu có công việc gì mà cần anh ấy phải dậy sớm. HẠNH - Con đang có món làm ăn. Nhân tiện anh ấy được nghỉ phép, phải tận dụng mà chạy thêm hàng. Buôn bán mà gặp món khách thế này, không nhanh chân, thì đứa khác nó nẫng tay trên ngay. Để con vào gọi nhà con dậy! BÀ HỒNG - Ừ! Nhà cũng hết cả tăm, mẹ chạy ù ra phố mua, mẹ sẽ về ngay. ( Nói rồi bà Hồng đi ra cửa, Hạnh vào nhà trong. Lát sau Đông và Hạnh ra. Đông đi sau, vừa đi vừa cài mấy cái cúc áo ) ĐÔNG - ( càu nhàu ) Mang tiếng được nghỉ phép năm mà... muốn ngủ muộn một tý cũng không được thoải mái. HẠNH - Bây giờ vẫn chưa phải là muộn chắc? ( làm lành ) Có chuyện làm ăn, em mới phải chạy từ chợ về đây để gọi mình. Nếu không thì... có ngủ đến sáng mai, cũng chẳng ai thèm đụng đến. ĐÔNG - Chuyện gì? HẠNH - Có khách đặt mua một số vải. Mình lấy cái Dream chở em lên chợ Liên Hiệp, em vơ đủ số lượng để giao cho khách. Xong mình về lại tha hồ mà ngủ. ĐÔNG - Tưởng chuyện gì quan trọng. HẠNH - Không quan trọng à? Chỉ một chuyến hàng này cũng kiếm bằng cả tuần đi chợ đấy! ĐÔNG - Thế cái người áp tải hàng có được sơ múi gì không đấy? Hay chỉ là vừa phải nai lưng ra mà thồ, vừa tốn tiền xăng. HẠNH - Lần này em sẽ chi tiền, bồi dưỡng tử tế. Thôi, đi kẻo muộn. ĐÔNG - Muốn đi thì ngựa thồ cũng cần phải có cái gì ăn lót dạ buổi sáng, mới có sức mà kéo chứ? HẠNH - Ra quán em khao, mình muốn ăn bao nhiêu thỏa sức. ĐÔNG - Thì cũng để cho người ta uống chén nước, hút điếu thuốc cho tỉnh táo. Đâu sẽ có đó, việc gì phải vội! HẠNH - Ôi dời!... Làm ăn mà cứ dềnh dàng như cánh đàn ông các anh thì... chỉ có xơi tóp mỡ. ( nói vậy, nhưng vẫn lại phía bàn rót nước cho chồng ) HẠNH - ( tiếp ) Đây, nước mẹ pha sẵn rồi đấy, mời chàng uống! Còn thuốc thì vừa đi vừa hút cũng được. ĐÔNG - ( rút thuốc châm lửa hút ) Sáng nay mẹ pha trà sớm quá hay sao mà nguội tanh hết cả? HẠNH- Có anh ngủ dậy muộn thì có. Sáng nào mẹ chẳng pha sẵn cho anh như thế! ĐÔNG - Thì được nghỉ phép mà lị. HẠNH - Có cậu con trai, tóc đã chớm bạc rồi mà mẹ vẫn chăm như con nít ! ( giọng hơi chua ) Nếu nay mai mà để cho bà đi lấy chồng thì... không biết ai sẽ có thời gian mà chăm sóc cho phò mã? ĐÔNG - Chỉ nói xằng. Mẹ nói chơi thế đấy, không có chuyện đó đâu! HẠNH - Nói chơi à? Thế, anh có biết cái gì đây không? ĐÔNG - Cái lọ hoa chứ còn cái gì? HẠNH - Ai chẳng biết là cái lọ hoa, nhưng để làm gì anh có biết không? ĐÔNG - Cô buôn bán nhiều quá hóa mụ mẫm. Lọ hoa thì để cắm hoa chứ còn để làm gì? Cô toàn hỏi những chuyện lẩn thẩn. HẠNH - Này, đây còn lâu mới lẩn thẩn nhé! Lọ hoa này chỉ để cắm hoa " hồng bạch ", mà chỉ cắm độc một bông thôi! ĐÔNG- Thì hồng bạch, hồng đen, hồng vàng... hoa gì mà chẳng được. HẠNH - Chứng tỏ anh chẳng biết những chuyện gì đang xẩy ra trong nhà này. Người đâu mà cứ như người ngoài chợ? ĐÔNG - Thì trong nhà có hàng trăm việc vụn vặt, ai hơi đâu mà để ý. HẠNH - ( dài giọng ) vụn vặt... Đáng lý với một việc trọng đại như thế, bà già phải hỏi ý kiến của anh mới đúng chứ? ĐÔNG - ( ngớ ra ) Sao mẹ lại phải xin ý kiến của anh? Về việc gì? HẠNH - Lại còn việc gì? Anh đúng là người rừng. ĐÔNG - À... hiểu! Hiểu! Mẹ cũng có nói, nhưng chỉ sơ sơ thôi. Này, mẹ thử lòng mình đấy, làm gì có chuyện đó. HẠNH - Nghĩa là, nếu có chuyện đó thật thì mình nhất định không đồng ý chứ? ĐÔNG - Tất nhiên! Tất nhiên là không! Già sáu mươi tuổi đầu rồi, ai lại tính cái chuyện đi lấy chồng. Có mà để cho thiên hạ họ cười vào mũi. Mà này, thế mẹ cũng nói với cô như thế à? HẠNH - Em thì là cái quái gì, chỉ là cô con dâu. Khi bà già đã muốn, em có ngăn chắc bà cũng chẳng chịu nghe. Bà chỉ sợ ông con trai thôi! Nhất định là mình không được đồng ý cho mẹ rời khỏi cái nhà này, để theo cái ông đại tá về hưu ấy đấy! ĐÔNG - Tất nhiên không đời nào. HẠNH - Thế thì em hết lo rồi. Nếu như không có mẹ chăm nom công việc gia đình cho mình, mới rảnh rang mà kiếm tiền. Một bà mẹ già bằng ba mẫu ruộng, anh hiểu không? ĐÔNG - Hiểu! Nhưng... thế chẳng hóa ra mình giữ mẹ lại, chỉ vì mình tính toán ích kỷ à? Không được nói như thế, người ta sẽ chê bai mình lợi dụng mẹ. HẠNH - Thì vợ chồng, em nói cho mình biết thế! Mới lại, cái thời buổi này mà không tính toán, thì có khối mà mở mày, mở mặt lên được. ĐÔNG - Biết thế. Biết thế. Nhưng vẫn phải nói cho có... nghĩa là, có vẻ vẻ một tý, kẻo thiên hạ chê cười. HẠNH - Mặc xác thiên hạ, nhà nào thì biết nhà ấy, việc ai người ấy lo. ĐÔNG - Thôi, thôi. Có gì đâu mà cô cứ suy diễn làm cho chuyện thêm to tát. Thế có đi chợ nữa hay không, để anh còn vào nhà ngủ tiếp? HẠNH - Ấy chết, có chứ! Mà này, mình xem đây này? ĐÔNG - Lại còn chuyện gì nữa đấy? HẠNH - ( bước tới cầm bình hoa khẽ nghiêng, ít nước rớt xuống bàn ) Cứ nhìn đây thì biết! Chắc hôm nay thế nào ông ấy cũng mò đến. ĐÔNG - Ông nào mò đến? HẠNH - Ông Ngọc! Cái ông đại tá, người tình của bà già nhà này chứ còn ông nào? Cứ sáng nào bà già đem rửa cái lọ hoa này tử tế, là đến chiều về thế nào cũng đã được cắm một bông hoa hồng bạch. Hừ, hai ông bà già còn lãng mạn hơn cả bọn thanh niên. ĐÔNG - Có khi chỉ là chuyện tặng hoa bình thường, em cứ hay soi mói. HẠNH - Có anh ít để ý thì có. Mọi việc xẩy ra ở cái nhà này, chẳng cái gì lọt khỏi mắt của đứa này. Anh phải biết tình cảm của hai ông bà già đã sâu sắc, thắm thiết lắm rồi đấy! ĐÔNG - Thế... sâu sắc, thắm thiết đến độ nào? HẠNH - Có một buổi sáng thấy mẹ cũng rửa lọ hoa như hôm nay, nửa buổi chợ… em liền để cho chúng nó trông hộ hàng, chạy về nhà xem thử? Quả nhiên, em bắt gặp hai ông bà già đang tình cảm với nhau. ĐÔNG - Cô cứ kể như là chuyện tình kiếm hiệp. HẠNH - Thì còn tha thiết hơn cả kiếm hiệp ấy chứ. Hai ông bà già ngồi sát vào với nhau như thế này này... Tay cầm tay, chân khoèo chân. Mình chưa bắt được hai ông bà già ôm hôn nhau nữa thôi. ĐÔNG - Đến thế thì quá đáng lắm. Em phải tìm cách ngăn cản lại chứ! Để người ngoài biết thì còn ra cái thể thống gì? HẠNH - Có anh đi mà ngăn. Mà nghe đâu, ông đại tá nhất quyết đón bằng được bà già nhà ta về bên ấy với ông ta. Mà bà già nhà mình thì yêu quá mất rồi! ĐÔNG - Dẫu thế, nhưng mẹ có đi đâu thì cũng phải được sự đồng ý của anh! Không làm gì có chuyện đó. Nhất định anh không để chuyện đó xẩy ra. Mà mẹ nói với em như thế à? HẠNH - Mẹ không nói, nhưng cái Hoa con dâu ông đại tá, nó nói hết với em. ĐÔNG - Cô ta đến tận nhà này, gặp em để nói? HẠNH - Em vẫn đưa hàng đến cơ quan của nó luôn, nên mới quen biết nó. Hôm nọ, chính nó nói với em như thế! Mà ý của vợ chồng chúng nó cũng không muốn để cho bà mẹ mình về bên đó đâu. ĐÔNG - Về là về thế nào được! Để anh hỏi bà già cho cụ thể. HẠNH - Anh phải ngăn cho bằng được đấy! Nếu để bà già mà đi lấy chồng, là mình gay lắm. ĐÔNG - Căn bản là giữ lấy cái danh dự, cái tư cách. HẠNH - Căn bản là không có ai trông nom nhà cửa, quét dọn, rồi cả chuyện rửa ấm pha trà buổi sáng cho anh. ĐÔNG - Chuyện vặt, pha trà thì có thể mình pha lấy. HẠNH - Lấy ai giặt giũ quần áo chăn màn? Ai cơm nước? Lại còn ai sẽ đưa con Thắm đến trường mẫu giáo? Ai đón nó về? Cái việc nhà, việc cửa này... ai quán xuyến để mình rảnh rang buôn bán kiếm tiền? ĐÔNG - Nếu chỉ có việc ấy thì... cùng lắm là thuê một con ở? HẠNH - Nhưng có bà mẹ già lo vẫn hơn! Anh mà để mẹ đi lấy chồng thì... có khối mà được ăn no, ngủ kỹ. ĐÔNG - Nhưng đã bảo là đừng có hở cái giọng như thế ra! Phải biết giữ ý tứ, có người ta lại tưởng... HẠNH - Chẳng có tưởng gì hết. Dứt khoát là anh không được đồng ý để bà già ra khỏi cái nhà này. ĐÔNG - Thì dứt khoát. Nhưng, có lẽ mình làm thế thì hơi phải tội? HẠNH - Tội là tội cái gì? Còn son trẻ gì đâu... ĐÔNG - Mình làm thế cũng hơi quá đáng! Nếu ông đại tá thực tình thương mẹ... Mà xem ra ông đại tá ấy cũng có nhân cách đáo để đấy chứ? Hai bên cùng góa: Ông ta góa vợ, mẹ mình thì góa chồng, mình cố tình ngăn cách thì... HẠNH - Anh thay đổi ý kiến cứ như là thay áo. Tôi đã bảo không, là nhất định không. ĐÔNG - Ừ, thì nhất định không! HẠNH - Còn bây giờ, anh hãy lấy chiếc Dream để chở vợ anh lên chợ Liên Hiệp mua vải cho khách. Ra phố , đến ngay nhà hàng bún ốc nổi tiếng của bà Lý Sự kém mắt, tôi sẽ khao anh một bữa ăn sáng cho thật nhòe. ( Họ ra khuất. Bà Hồng từ cửa bước vào ) BÀ HỒNG - ( một mình ) Chúng nó đi cả rồi ! ( thở dài ) Chả biết nên nói với các con thế nào nữa. Nhưng sao lần này ông ấy đến muộn thế? ( bà định vào nhà, ông Ngọc mặc bộ quân phục cũ, tay cầm ba bông hồng bạch từ cửa bước vào ) ÔNG NGỌC - Kìa bà Hồng ! ( nhìn quanh ) Bọn chúng nó đi vắng cả rồi à? BÀ HỒNG - Phải! Chả lẽ chúng nó phải ngồi ở nhà, chờ ông đến báo cáo rồi mới được đi chắc? Gớm, sao mà hôm nay ông đến sớm thế? ÔNG NGỌC - Mọi khi, cứ ra ngay đầu phố đã thấy hàng hoa, tha hồ mà chọn. Hôm nay... BÀ HỒNG - Chắc cái người bán hoa họ cũng nghỉ phép năm như thằng Đông nhà này? ÔNG NGỌC - Vẫn đầy người bán hoa. Nhưng chẳng có hàng nào bán hoa hồng bạch. BÀ HỒNG - Thế, tay ông cầm hoa gì vậy? ÔNG NGỌC - Cũng vẫn là hoa hồng bạch, nhưng phải đi mấy phố... mãi mới tìm mua được mấy bông này đấy! Này, bà cắm vào lọ đi. BÀ HỒNG - Mọi khi ông mua có một bông, lần này ông phá lệ à? Những ba bông. ÔNG NGỌC - Thế, bà không nhớ hôm nay là ngày gì hay sao? BÀ HỒNG - Ông bảo là ngày gì? ÔNG NGỌC - Nào bà đã già đến mức độ nào đâu mà lú lẫn vậy. Hôm nay là ngày sinh nhật của bà, bà cũng không còn nhớ? BÀ HỒNG - Thế ra ông còn nhớ cả đến ngày sinh nhật của tôi à? ÔNG NGỌC - Tôi làm sao mà quên được. Ấy mới thế mà đã 5-6 chục năm qua rồi nhỉ? Thoắt cái mình đã già, chẳng trách tụi trẻ nó mau khôn. BÀ HỒNG - Mấy năm trước không thấy lần nào ông mang hoa đến? ÔNG NGỌC - Khi ông nhà còn sống thì phải giữ gìn. Sau này thì lại không muốn cho con cháu nó hiểu sai về mình. Mấy năm trước không phải vì tôi không muốn mang hoa đến, mà vì tôi giữ ý, mới lại kỷ niệm cũ đã xa xôi quá... Trước đây tôi có biết cái tình của bà giành cho tôi ra sao đâu? BÀ HỒNG - Bây giờ thì ông nghĩ khác rồi phải không? ÔNG NGỌC - Nghĩ khác đã lâu rồi. Cứ ngồi mà nhớ lại cái thưở bà cắp sách tới trường, ngày nào tôi cũng qua nhà để gọi bà đi học. Nhất là năm cuối cấp, mình cứ bàng hoàng như đánh mất một cái gì lớn lắm! ( có thể có cảnh hồi tưởng lại - tùy đạo diễn ) BÀ HỒNG - Thưở đó sao mà đẹp thế ông nhỉ? ÔNG NGỌC - Hồi trẻ bà đẹp lắm ! Tôi, tôi cũng phải mê mẩn nữa là... BÀ HỒNG - Còn bây giờ chắc là tôi xấu lắm? ÔNG NGỌC - Với tôi, bao giờ bà cũng là cô Hồng 16 tuổi trẻ đẹp ngày xưa. Bà vẫn đẹp tuyệt! BÀ HỒNG - Ông đừng có mà khéo nịnh. ÔNG NGỌC - thưở ấy đến ngày sinh nhật của bà, lần nào tôi chả đem tặng cho bà một bông hoa hồng bạch. BÀ HỒNG - Nhưng hôm nay ông lại đem đến những ba bông? ÔNG NGỌC - Nghĩa là ta phải sống gấp ba lần, bù lại những ngày ta xa nhau, ta mất mát... bà hiểu không? BÀ HỒNG - Ông chỉ nói gở. Đấy là cái duyên, cái số chưa được gần nhau. Nhưng rồi ông có vợ, tôi cũng có chồng, ai có phận người đó ! ÔNG NGỌC - Thì hôm nay cái duyên, cái phận chả đến với tôi và bà rồi còn gì. Này, nhưng sao bà không bảo vợ chồng thằng Đông nó làm một chút gì đó, dù không to tát, nhưng cũng gọi là để kỷ niệm ngày sinh nhật của mẹ? BÀ HỒNG - Có ông nhớ chứ con cái chúng nó nhớ gì đến ngày sinh nhật của mẹ? Cũng chỉ âm thầm vậy thôi, ông ạ! ÔNG NGỌC - Ấy thế mà ngày sinh nhật của con cái chúng nó, thì chúng nó cứ tổ chức linh đình như là ngày cưới. ( thở dài ) Mình cũng chẳng tỵ nạnh với các cháu, nhưng con cái ngày nay đối với bố mẹ... BÀ HỒNG - Cũng chả trách chúng nó làm gì. ÔNG NGỌC - Bà nói đúng. Mình chăm sóc con cái, chứ mong chi chúng chăm sóc lại mình? ( ngập ngừng ) Ta thương nhau, chăm sóc lấy nhau vậy bà ạ! BÀ HỒNG - Nhưng ông ngồi ra xa một tý... xa thêm tý nữa, kẻo người ta cười chết! ÔNG NGỌC - Ai cười? Chỉ có tôi với bà, ai biết mà cười. BÀ HỒNG - Nhưng ông cũng chưa được phép làm như thế! Ông... ông là ông chỉ vội. ÔNG NGỌC - Tôi đã chờ cái ngày này lâu quá rồi! Bây giờ thì bà đã là của tôi. BÀ HỒNG - Ai đã là của ông? Rõ dơ! Ông thế này, nhỡ tụi trẻ nó về thì ngượng mặt. ÔNG NGỌC - Thế thì sang tháng, tới giờ lành tháng tốt, tôi sẽ đón bà về bên đó sống với tôi. Khi đó ta tha hồ thoải mái... BÀ HỒNG - Chết…tháng tới thì mau quá, chưa được. Còn chán thời gian, việc gì phải gấp. ÔNG NGỌC - Ta mà không gấp thì già quá mất, bà ạ! BÀ HỒNG - Già thì cũng già rồi. Tôi với ông về với nhau chẳng qua là thương nhau, để chăm sóc, đỡ đần nhau. Có... Có phải giống như tụi trẻ đâu nào? ÔNG NGỌC - Đành thế! Nhưng tình cảm của tôi và bà có thua gì chúng nó đâu? BÀ HỒNG - Ông nhẹ nhẹ cái tay một tý... Tôi nói cho ông biết, còn là nhiều vướng mắc lắm đấy! ÔNG NGỌC - Vướng mắc cái gì? Vướng gì thì nhất định tôi cũng lấy bà! Em nhất định sẽ là vợ anh! BÀ HỒNG - ( kêu ) Giời ơi! Ông cứ thế này thì... Ông bỏ tay ra! ÔNG NGỌC - Sao bà... bà không anh em một tý cho nó tình cảm? Chả lẽ em không muốn... BÀ HỒNG - Không phải là không muốn, nhưng các con chúng nó chưa nghe! Mới lại, tôi thấy nó ngượng ngượng thế nào ấy? ÔNG NGỌC - Việc gì mà phải ngượng. Tôi còn yêu em hơn cả ngày xưa ấy chứ! BÀ HỒNG - Hồi trẻ khác. Bây giờ chẳng hóa ra mình cưa sừng làm nghé à? ÔNG NGỌC - Mặc kệ đời, miễn là ta thương nhau. BÀ HỒNG - Ông cũng mãnh liệt vừa vừa chứ ! Già gần 70 mươi tuổi đầu rồi mà... ÔNG NGỌC - Còn kém 5 tháng nữa tôi mới đầy 66 tuổi ! BÀ HỒNG - Thì 66 cũng là gần 70. ÔNG NGỌC - Chưa đến 66. BÀ HỒNG - Thì chưa đến 66. Nhưng ông nhớ: lúc đông người giữ lấy cái mồm, cái miệng... đừng có quen cứ anh anh em em ngọt xớt như thế? ÔNG NGỌC - Bà không phải dậy. Nhưng nhất định là bà phải về sống với tôi đấy! BÀ HỒNG - Nhưng... nhỡ chúng nó không đồng ý thật? ÔNG NGỌC - Đến bây giờ mà bà vẫn loanh quanh như thế thì hỏng! Hỏng rồi! Không được, chúng nó không đồng ý cũng không được. Có tôi bà lo gì? Tôi sẽ chăm sóc bà suốt đời. BÀ HỒNG - Thế cũng không được. Chúng là con trai, con dâu tôi, tôi làm sao có thể... ÔNG NGỌC - Nghĩa là bà không thương tôi? BÀ HỒNG - Không phải thế đâu ông ạ! Ông nghĩ về tôi như thế phải tội, tôi khóc lên đây này... ÔNG NGỌC - Thôi em lau nước mắt đi! Ta sẽ bàn nhau... mà tìm cách vậy. BÀ HỒNG - Còn anh chị bên nhà, đã chấp thuận để tôi về bên ấy với ông à? ÔNG NGỌC - Với tôi thì chúng nó không dám cãi. Tôi đã tuyên bố với chúng nó, là sẽ đón bà về ở với tôi. Nhà ở cũng là tiêu chuẩn của tôi! Với cái lương đại tá của tôi thì, cả bà và tôi ăn tiêu cũng chưa hết! Không phải nhờ vả đến chúng. BÀ HỒNG - Như thế cũng chưa được ông ạ! Cuộc sống còn nhiều vấn đề lắm, mình làm sao bỏ qua được các con? ( lúc này, ông Đức - Em trai bà Hồng bước vào ) ÔNG ĐỨC - Chào anh! Chào chị! Hôm nay bác Ngọc rảnh rang lại sang thăm chị Hồng em? ÔNG NGỌC - Tôi thì rảnh rang cho tới lúc vào sáu tấm ấy chứ? Hưu trí mà lỵ. BÀ HỒNG - Hôm nay cậu Đức không phải lên lớp dậy học à? ÔNG ĐỨC - Hôm nay em không có tiết dậy ở trường, tranh thủ sang thăm chị và các cháu. ( lại gần lọ hoa )Nhìn thấy mấy bông hoa hồng bạch này, em đoán ngay là bác Ngọc tặng chị. ÔNG NGỌC - Thấy tôi ở đây nên chú đoán mò chứ gì? ÔNG ĐỨC - Bác vẫn còn giữ thói quen của những kỷ niệm ngày xưa! BÀ HỒNG - Cả cậu cũng vẫn còn nhớ những kỷ niệm ấy đến thế cơ à? ÔNG ĐỨC - Chả có kỷ niệm nào là em quên. Hồi ấy anh chị vẫn còn đang đi học với nhau, cứ vào ngày này, là các bạn trai, bạn gái của chị lại kéo đến đầy nhà... để chúc mừng sinh nhật của chị, vui tới nửa đêm. Mà anh Ngọc là người em có nhiều thiện cảm nhất. ÔNG NGỌC - Vì thế nên hôm nay chú cũng đến để chúc mừng sinh nhật của chị Hồng chứ gì? ÔNG ĐỨC - Em mang cả quà sinh nhật cho chị Hồng đây này. ( Ông Đức lấy ra một tấm vải may áo quàng lên vai bà Hồng ) BÀ HỒNG - Vải đẹp quá! Nhưng với chị thì hơi trẻ, vải này chỉ để may áo cưới là hợp. ÔNG ĐỨC - Thì em cũng mục đích tặng chị để may đồ cưới mà lỵ. BÀ HỒNG - Cưới!... Cưới!... Cậu nói quàng, nói ghép, làm chị ngượng chín cả mặt. ÔNG ĐỨC - Cháu Hạnh sang nhà em, nó kể cho vợ chồng em nghe hết rồi. Chuyện của anh, của chị... BÀ HỒNG - Bằng này tuổi đầu lại còn tính chuyện cưới xin? Cậu nói thế mà thiên hạ nghe được, họ đồn đại thì chị chỉ còn nước chui xuống đất. ÔNG NGỌC - Dẫu không cưới xin, nhưng tôi cũng sẽ làm mâm cơm để đón bà ấy về bên nhà sống với tôi đấy chú ạ ! Ý chú Đức thấy thế nào? BÀ HỒNG - (gạt đi ) Đã có chuyện gì đâu nào. ÔNG NGỌC - Chú ấy đã biết rồi, bà còn dấu diếm làm gì? Cứ nói toạc ra để xem ý kiến chú Đức thế nào? ÔNG ĐỨC - Nếu anh chị có ý định như thế thì tốt quá đi ấy chứ! Em là em tán thành cả hai tay. ÔNG NGỌC - Bà thấy chưa? Chú Đức đã nói như vậy, việc gì bà còn phải phân vân. ÔNG ĐỨC - Thời đại văn minh, tân tiến. Không cần phải thủ cựu, e dè như chị. Cốt yếu là lo cho cuộc sống của chính mình được yên ả, tốt đẹp chị ạ! ÔNG NGỌC - Chị của chú còn thiếu cứng rắn lắm! ÔNG ĐỨC - Tuy chị đã nghỉ hưu, nhưng cũng đã là một nhà giáo nhiều năm, tư tưởng của chị cần phải cách mạng, cần phải tư duy mới. ÔNG NGỌC - Là nhà giáo có khác! Chú nói chí lý, chí lý, sâu sắc lắm. ÔNG ĐỨC - (cười ) Thì em bắt đúng vào tim đen của anh rồi còn gì? ÔNG NGỌC - Nói thật với chú Đức: Mấy năm trước, tôi tuy vẫn đi lại bên này để trò chuyện, thăm hỏi bà ấy... Nhưng tôi chưa nghĩ đến việc này. Tất nhiên, về tình cảm tôi vẫn mến chị của chú từ hồi còn trẻ. Nhưng thời gian qua, tôi thấy mấy đứa bên này nó tận dụng bà mẹ già quá đáng quá! Bà ấy cặm cụi làm suốt ngày chẳng khác gì con ở. Bà ấy cũng nên về ở với tôi mà hưởng một chút sung sướng lúc tuổi già? ÔNG ĐỨC - Được bác mà nghĩ cho chị em như thế, em cũng thấy yên tâm. BÀ HỒNG - ( với ông Đức ) Thế ý của cháu Hạnh lúc nói chuyện với cậu mợ, nó cũng nhất trí như thế à? ÔNG ĐỨC - Em nói thật nhé ! Xem ý tình... thì cả hai vợ chồng nó không muốn để chị về sống với anh Ngọc đâu? ÔNG NGỌC - Chúng nó không muốn cũng không được. BÀ HỒNG - Thế thì... chưa thể quyết định như ông nghĩ được đâu? Với lại... ÔNG NGỌC - Bà còn với lại... với liếc gì nữa, bà nhiều lý do quá! BÀ HỒNG - Ơ hay, thì ông cũng phải để cho tôi nói chứ! Chưa về với ông mà ông đã " cả vú lấp miệng em " như thế, giá chừng mai sau tôi về thật, có khi ông ăn thịt tôi chắc? ÔNG NGỌC - Phải chờ đến mai sau, thì có mà rụng hết răng... bà ạ! BÀ HỒNG - Rụng hết răng thì thôi. ÔNG ĐỨC - ( dàn hòa ) Thì anh Ngọc đã nói gì với chị quá đáng đâu nào! Nào, bây giờ chị nói đi: Ý của chị thế nào? BÀ HỒNG - Lại còn cháu Thắm , con gái của vợ chồng thằng Đông nữa cậu ạ ! Cháu nó còn bé quá, mà nó quyến bà nó lắm! Tôi mà sang ở với ông ấy bên đó, thì ai chăm sóc nó? Lòng chị không đành. ÔNG NGỌC - Thì có ai cấm bà đi lại bên này để thăm nom cháu đâu? BÀ HỒNG - Nhưng... ÔNG ĐỨC - Em nghĩ chị cần phải lo cho cái thân của chị. Cháu thắm còn có bố mẹ nó . Chị già rồi, cuộc đời cũng không sung sướng gì, nên nghĩ một chút cho mình chị ạ! ÔNG NGỌC - Đấy, chị của chú suốt đời cứ nghĩ lẩn quẩn như thế đấy! ÔNG ĐỨC - Thực ra, thì tình ý của chị em... cũng không phải là không muốn về sống với anh, nhưng chị ấy còn e ngại đấy thôi! ÔNG NGỌC - Tôi là tôi... chỉ muốn chăm sóc cho bà ấy đỡ khổ. BÀ HỒNG - Có tôi chăm sóc, hầu hạ ông thì có! Chưa chi đã ra vẻ?... ÔNG ĐỨC - Thì hai anh chị đều chăm sóc cho nhau. Em có đề nghị thế này… ÔNG NGỌC - Chú nói nghe xem nào? BÀ HỒNG - Nhưng nếu không hợp với tôi, thì dứt khoát tôi không chịu. ÔNG NGỌC - Thì bà cứ để yên nghe chú ấy nói, xem nào? ÔNG ĐỨC - ( với ông Ngọc ) Vấn đề này cũng hết sức tế nhị! Bốp chát quá như anh, có khi hỏng việc. ÔNG NGỌC - Nhưng nếu con cái chúng nó cứ nhất quyết không đồng ý thì sao? Ta chịu à? ÔNG ĐỨC - Anh cứ yên tâm. Nhưng bây giờ, theo em thì anh cứ tạm lui gót về nhà, em sẽ tìm cách khuyên nhủ các cháu. ÔNG NGỌC - Thôi được... tùy chú! Nhưng dù sao thì mình quyết định, vẫn cứ phải là chính. ÔNG ĐỨC - Em biết rồi, anh cứ yên tâm như thế nhé! BÀ HỒNG - ( với ông Ngọc ) Ông làm cứ như ai cũng như ông ấy? ÔNG NGỌC - Cả như bà thì... chẳng bao giờ làm được việc gì. BÀ HỒNG - Chỉ có thế thôi! Ông không cần thì thôi! ÔNG ĐỨC - Thôi! Hai bác cứ để mọi việc em sẽ liệu liệu lo cho chuyện được êm. Em tin là mọi việc rồi cũng sẽ xong thôi! Kìa, hình như chúng nó về đấy. Bác Ngọc về bên nhà đi, có bác ở đây... thêm khó nói chuyện. ÔNG NGỌC - Chú nhớ qua nhà báo cho tôi biết tin! ÔNG ĐỨC - Xong việc, em sẽ chạy sang nhà bác ngay. ( Ông Ngọc ra khuất ) ÔNG ĐỨC - ( với bà Hồng ) Hai chị em mình cũng vào nhà trong đi! Em phải bàn bạc với chị trước, rồi sẽ tìm cách nói chuyện với chúng nó sau. ( Nói xong, ông Đức và bà Hồng bước vào nhà trong. Lúc này: Hạnh với Hoa - Cô con dâu ông Ngọc, từ ngoài phố đi vào ) HOA - Chị Hạnh này, em thoáng thấy có ông nào từ đây đi ra, trông cứ hao hao như bố chồng nhà em ấy? HẠNH - Chả ông bố chồng nhà cô thì nhà ai vào đây, ( lại gần lọ hoa ) Cứ nhìn mấy bông hồng bạch này là tôi biết ngay! HOA - Bố chồng nhà em thích hoa hồng bạch lắm hả chị? Thế mà chả bao giờ em thấy ông mua hoa hồng bạch mang về nhà. HẠNH - Không phải là ông thích hoa hồng bạch, mà là bà thích hoa hồng bạch. Ông mua để tặng bà! Sáng nay tôi thấy bà già rửa lọ hoa sớm lắm, tôi đoán ra ngay! Y như rằng... HOA - Tình cảm của ông bà già còn tươi trẻ thật đấy! HẠNH - Cái mốt bây giờ là ông bà già thì thích hoa hồng bạch, thích chuyện tình ái, gió trăng... Còn bọn trẻ thì, cơ bản là thích nhiều tiền. HOA - Nhưng tình cũng quan trọng lắm chứ chị! HẠNH - Quan trọng thì vẫn cứ phải là có nhiều tiền. Không có tiền thì tất cả đều hết quan trọng! Thế, hôm nay cô Hoa cũng nghỉ phép à? HOA - Em quyết định xin nghỉ hẳn một ngày làm việc, để ra chợ tìm gặp chị. HẠNH - May cô đấy, đến sớm một tý nữa thì không gặp. Tôi và anh ấy vừa xuống chợ Liên Hiệp mua ít hàng, tôi về đến đây thì gặp cô. HOA - Anh ấy đi đâu rồi hả chị? HẠNH - Còn tạt vào quán bia, chắc cũng chỉ tý nữa là về. Cô Hoa tìm gặp tôi chắc có chuyện hệ trọng? HOA - Thì vẫn là chuyện…em và chị đã trao đổi mấy bữa trước đấy! HẠNH - Nhưng lần này thì cấp bách lắm rồi phải không? HOA - Hôm qua ông bố chồng em đã tuyên bố: sẽ đón bà già bên này về bên em ở hẳn. Nghĩa là ông bà già nhất quyết sẽ lấy nhau đấy chị ạ! HẠNH - Sao hai cô chú bên đó không tìm cách ngăn ông ấy lại? HOA - Ồi, ông bố chồng em mà đã nói... thì ai mà dám ngăn. HẠNH - Thì cứ không đồng ý cho ông già lấy vợ nữa là xong? HOA - ( Lắc đầu ) Không đồng ý cũng không được đâu, nếu ông mà lại nổi cáu lên thì... HẠNH - Ông ấy ghê đến thế kia à? HOA- Đối xử không cẩn thận, ông già lại chẳng tống cả vợ chồng em ra khỏi nhà ấy chứ! HẠNH - Ông ấy cũng to đấy nhỉ? HOA - Cấp bậc đại tá cơ mà chị. HẠNH - Cấp bậc nào thì cũng mặc ông ấy, tôi quan tâm làm gì. Tôi nói to, là nói đến cái quyền hành của ông ấy trong gia đình? HOA - Nhưng cấp chức quan trọng lắm, cấp càng cao thì lương bổng lại càng cao! HẠNH - À, thì ra thế !Với cái lương đại tá về hưu, hàng tháng thế nào mà ông bố chồng lại chả cho vợ chồng cô được ít nhiều? HOA - Ông chỉ giữ lại một ít để tiêu, còn thì đưa cho vợ chồng em tất. HẠNH - Và một khi bà già bên này đã về với ông già bên ấy, thì ắt vợ chồng cô cũng phải mất teo cái xuất trợ cấp hậu hĩnh ấy của ông già? HOA - Thì chị tính, nếu ông già đã có bà già thì... vợ chồng em còn sơ múi gì? Lương tháng của ông già, bà già lại không quản hết ấy chứ! Mà vợ chồng em đều là cán bộ, nhân viên nhà nước... khoản tiền đỡ hàng tháng của bố chồng em quan trọng lắm ! HẠNH - Cũng biết tính toán đáo để đấy chứ! HOA - Chị bảo, cuộc sống này mà không tính toán thì chết. HẠNH - Cái ăn đã đành lại còn chỗ ở? Nghe nói, hiện nay nhờ có tiêu chuẩn của ông già: Vợ chồng cô được một cơ ngơi ở rộng rãi lắm? HOA - Thêm một bà già coi như thêm một hộ khẩu: Thế nào ông già cũng cắt mất của bọn em một phòng! Thật là... HẠNH - nghĩa là vợ chồng cô cũng nhất trí là kiên quyết không để cho hai ông bà già lấy nhau? HOA - Nhưng bọn em chả dám nói với bố chồng em như thế đâu! Đang sống thoải mái, tự nhiên lại phải rước thêm một bà mẹ chồng... HẠNH - Thế tôi thì sao? Tôi chả đang sống trong cảnh con dâu mẹ chồng là gì! Sao tôi vẫn thoải mái? HOA - Chị khác, ông cụ nhà ta không còn, thì có một bà mẹ già như nhà chị hóa ra lại càng có lợi, có người đỡ đần việc nhà, việc cửa... rảnh rang mà làm ăn. Thế chả tốt hơn à? Đằng này... HẠNH - Nghĩa là: ta tìm cách ngăn không cho hai ông bà già lấy nhau. Người nào cứ ở nguyên vị trí của người ấy, thì cả tôi và cô đều có lợi? HOA - Chị nói rất hợp ý em ! Thế em mới phải sang để bàn với chị. HẠNH - Nhưng vợ chồng cô là có lợi hơn vợ chồng tôi đấy nhé ! HOA - Em biết tỏng đi rồi, chị tính toán cũng vào loại siêu! Thế nhá, chị em mình cứ thống nhất với nhau như thế nhá? Anh chị kiên quyết không cho bà già về bên em là xong. ( Đông đã về từ trước... nhưng cứ im lặng nghe chuyện của hai người phụ nữ, lúc này mới bước tới ) ĐÔNG - ( với Hoa ) Vợ chồng tôi không đồng ý để mẹ tôi sang nhà cô ở với ông bố chồng cô, nhưng không phải theo cái kiểu tính toán ích kỷ của cô! HOA - Dạ, anh về! Anh về từ lúc nào mà chúng em không hay biết? ĐÔNG - Cô cần phải có những ý nghĩ cho đúng đắn với các bậc cha, mẹ mình? HOA - Ông anh ăn nói có vẻ đạo lý gớm nhỉ? ĐÔNG - Cái thói con dâu mà chỉ tính toán có lợi cho mình thì vứt đi! Này, tôi nói cho cô biết: Sở dĩ tôi không muốn để cho mẹ tôi đi lấy chồng thêm một lần nữa, là vì phải giữ lấy cái nề, cái nếp của một gia đình có gia giáo. Với lại, cũng không muốn mẹ tôi sang đó sẽ phải khổ hơn ... HOA - Em tưởng, bà mẹ anh mà vớ được một người như ông bố chồng của em, thì lại không sướng quá đi ấy chứ? Bằng chuột sa chĩnh gạo! ĐÔNG - Nghĩa là, cô khinh vợ chồng tôi không nuôi nổi mẹ già, nên mới đẩy đi phải không? Cô, cô không được phép... HOA - Em chỉ nói sự thật. ĐÔNG - Sự thật là vợ chồng cô tính toán, ích kỷ bản thân. HOA - Thế dễ vợ chồng anh thì không tính toán với bà mẹ già của mình? HẠNH - Ai cũng tính toán. Nhưng cách tính toán của vợ chồng tôi nó hợp lý , hợp tình. Còn cô, căn bản chỉ là cầu lợi cho bản thân. HOA - ( cười to ) Nghe cả hai anh chị nói sao mà tử tế tệ! ĐÔNG - Cô cười cái gì? Mẹ tôi không thể sang đấy ở với thứ con dâu như cô. Tôi sẽ không để cho cô lợi dụng, hành hạ bà già! HOA - Sao nghe nói ở nhà này bà già làm cũng tối mày, tối mặt? HẠNH - Đấy không phải là phận sự của cô, cô đừng có chõ vào nhà người ta. HOA - Bà già ở với chị cũng quá bằng con ở! HẠNH - Có về bên cô mới là con ở thì có. HOA - Ở với anh chị là con ở. HẠNH - Ở với vợ chồng cô là con ở. HOA - Ở với chị, với anh! Với chị, với anh! HẠNH - Có với cô, với cô thì có! ĐÔNG - Có im mồm tất cả đi không nào? HẠNH - Đấy, anh xem: nó nói mới thật buồn cười? HOA - Có chị buồn cười thì có. Anh cũng buồn cười thì có. Người ta đến nói chuyện hẳn hoi... HẠNH - Cô dám nói vợ chồng tôi không phải là hạng người hẳn hoi hả? Này, đây nói cho mà biết... HOA - Thì đây cũng bảo cho mà biết đấy! Này, hiền thì hiền đấy, nhưng nếu bắt nạt đây là không xong đâu. Ra cái vẻ... HẠNH - Cô bảo ai ra vẻ? HOA - Tôi bảo chị, tôi bảo anh! HẠNH - Có cái nhà cô ra vẻ thì có. HOA - Nhà chị! HẠNH - Nhà cô! HOA - Nhà chị, nhà anh, nhà chị, nhà anh... ĐÔNG - Thôi! Thôi!...Tôi xin lép vế với cả hai bà rồi! HẠNH - ( tức tối ) Nói cho mà biết: Nhà này có bớt đi một người, sẽ lại càng rộng lên. Bên đấy, mà thêm một người sẽ phải chật chội đi. HOA - Đã thế thì tôi cũng nói cho chị biết: Có một bà mẹ chồng chịu thương, chịu khó như bà già nhà chị - nếu sang nhà tôi, vợ chồng tôi sẽ càng được nhờ, càng nhàn. HẠNH - Này, đừng có mà cái thói định ăn dưng, ăn không như thế? Bà già nhà tôi có sang đó, là để ở với ông già bên đó, chứ không phải là để hầu hạ hai cô, cậu? Đừng có mà lợi dụng! HOA - Chúng tôi không lợi dụng. HẠNH - Như thế là lợi dụng ! HOA - Có chị lợi dụng thì có. HẠNH - Vợ chồng cô lợi dụng. HOA - Anh chị lợi dụng. ĐÔNG - Thôi, thôi, thôi... Hai bà im đi! Im ngay đi! Trời ơi, thế này thì tôi phát điên lên mất! Nhà cô kia, đi đi! Về đi!... HOA - Đây cũng không thèm ở với cái thá nhà anh, nhà chị nữa! ( định ra ). HẠNH - ( nói theo ) Đã thế thì đây không để cho bà già sang bên ấy nữa, xem cô làm được cái gì? HOA - Nhưng ông già nhà tôi cứ lấy bà già về bên tôi, thì chị ngăn được à? HẠNH - Nhất định là tôi sẽ không cho bà già nhà tôi sang bên đó đấy! HOA - Tôi cam đoan là có! HẠNH - Nhất định không! HOA - Có. Nhất định có! Thế nào cũng có!... ( Hoa vùng vằng rồi đi ra khỏi nhà ) HẠNH - Xéo đi cho rảnh mắt ! ( chỉ còn lại hai vợ chồng Đông ) ĐÔNG - ( thở dài ) Hôm nay là cái ngày gì mà xui xẻo thế không biết? HẠNH - Thì cũng tại anh! Người ta với nó đã ăn dơ với nhau rồi... câu chuyện đã xong xuôi đâu đấy, êm ru... Ở đâu về, lý thuyết hão? ĐÔNG - Tôi cũng xin cả cô! Vâng, tôi lý thuyết! Nhưng có bà nào tử tế hơn bà nào đâu cơ chứ? ( Lúc này ông Đức từ trong nhà đi ra ) ÔNG ĐỨC - ( chỉ vào buồng ) Mẹ các cháu đang nằm khóc trong nhà ấy! ĐÔNG - Cậu đến lúc nào mà chúng cháu không biết? ÔNG ĐỨC - Các cháu không bắc ngay cái loa phóng thanh mà thông báo cho cả phố biết? Cậu và mẹ các cháu ở nhà trong, nghe tiếng các cháu cãi nhau mà thấy xót xa. ĐÔNG - Cô đã thấy tai hại chưa? HẠNH - Thôi đi ông! Lại còn chì chiết người ta. ĐÔNG - Nếu cậu đã biết, nhân tiện có cậu ở đây cháu cũng xin hỏi ý kiến cho nó quang minh, chính đại. Theo ý cậu: Nên giải quyết việc của mẹ cháu với ông đại tá về hưu ấy thế nào ạ? ÔNG ĐỨC - ( thở dài ) Còn như thế nào nữa? Cứ cái cảnh vừa diễn ra trong cái nhà này, thì đến cậu cũng chẳng biết nên nói như thế nào? ĐÔNG - Chúng cháu cũng biết chúng cháu có tội! HẠNH - Nhưng cái con Hoa ấy nó tội nhiều hơn! Tự nhiên nó... ĐÔNG - Cô không bớt mồm, bớt miệng đi một tý, thì sợ bị thiệt à? HẠNH - Nhưng không nói, ruột tôi nó tức anh ách. ÔNG ĐỨC - Các cháu có biết hôm nay là ngày gì không? HẠNH - ( nhanh nhảu ) Dạ, thưa cậu: Hôm nay là ngày thứ 5 ạ ! Thế nào, trên vô tuyến tối nay cũng có chương trình thể thao bóng đá quốc tế, trích đoạn. Cháu biết cậu mê xem bóng đá lắm! ĐÔNG - Hay là, Tối nay cậu ở đây xem bóng đá với vợ chồng cháu? ÔNG ĐỨC - Nhà cậu không có vô tuyến truyền hình chắc? ĐÔNG - Cháu biết cậu vừa sắm cái JVC mới cứng! HẠNH - Chiều nay cháu sẽ làm một bữa ra trò thết cậu? ÔNG ĐỨC - Còn bụng dạ nào mà tiệc với tùng hả cháu? Hôm nay là ngày sinh nhật của mẹ cháu, mà không đứa nào quan tâm đến mẹ cả? ĐÔNG - Thế mà mẹ cháu cấm nói cho chúng cháu biết! Nếu biết, cháu đã làm một bữa thật thịnh soạn để mời cả họ hàng. ÔNG ĐỨC - Thế đấy! Các cháu đã chúc mừng ngày sinh nhật của mẹ , bằng một câu chuyện... không khác gì của bọn bán tôm tép ngoài chợ? ( bà Hồng từ nhà trong thất thểu đi ra ) BÀ HỒNG - Các con ơi! Các con không cầm ngay con dao đâm cho mẹ một nhát vào cổ, có khi còn dễ chịu hơn? ( trong lúc tất cả đang sững sờ không biết nên xử trí thế nào? Thì ông Ngọc ôm một bó hoa hồng bạch to tướng, hớn hở từ ngoài phố đi vào ) ÔNG NGỌC - ( không để ý tới mọi người ) Bà Hồng ơi, hoa hồng bạch chính cống đây! May quá, vừa đi đến cuối phố tôi gặp ngay một chị bán hoa, mà toàn hoa hồng bạch Đà Lạt. Thế là tôi mua hết ráo để mang về cho bà. Loại này là quí lắm! ( lúc này ông mới để ý đến mọi người ) Hình như vừa có chuyện gì xẩy ra ở đây ? Tại sao mọi người lại... BÀ HỒNG - Còn hoa Đà Lạt với chả Đa Lát làm gì nữa hả ông? Thôi số của ông, của tôi nó như thế, thay đổi làm gì nữa cho đau lòng. ÔNG NGỌC - Nhưng xẩy ra chuyện gì mới được chứ ? ( quay về phía ông Đức ) Sao lúc nẫy chú nói sẽ dàn xếp mọi việc êm xuôi ? ÔNG ĐỨC - Nào, em đã nói được chuyện gì đâu! ÔNG NGỌC - Thế thì tại sao mặt người nào cũng như đưa đám cả thế này ÔNG ĐỨC - Cô Hoa: cô con dâu của anh vừa sang đây... vừa cãi lộn nhau với vợ chồng các cháu nhà này ? Làm cho.... ĐÔNG - Cậu cứ nói ! Cháu có tư cách hẳn hoi, chứ đâu có đi cãi nhau với con bé ấy ? HẠNH - Có cô con dâu nhà ông sang đây quấy rối nhà tôi thì có ? ÔNG NGỌC - ( quay về phía bà Hồng ) Nghĩa là chúng nó đã cãi nhau về việc của tôi và bà? HẠNH - Nhưng không phải do tôi! ĐÔNG - ( can vợ ) Cô cũng đừng nên nói xen vào nữa thì hơn! ÔNG ĐỨC - Dù sao thì các cháu cũng tính toán ích kỷ quá! Chẳng đứa nào để ý quan tâm, chăm sóc đến mẹ già. ĐÔNG - Cậu cứ nói... ÔNG NGỌC - Tôi hiểu cả rồi! Bà cầm lấy bó hoa ( đưa bó hoa cho bà Hồng ), để tôi về cho con Hoa một trận! ( vừa lúc đó Hoa hớt hải từ ngoài phố bước vào ) HOA - Ba... con đi qua phố thoáng nhìn thấy ba mua hoa, con quay lại gọi, nhưng ba đi nhanh quá con không theo kịp. ( lưỡng lự giây lát ) Ta về nhà đi ba! ÔNG NGỌC - ( quắc mắt ) Cô về nói với chồng cô: Thu dọn ngay đồ đạc, quần áo ở phòng trên... dọn hết xuống căn phòng cuối cùng. Tôi chỉ cho hai anh chị một căn phòng ấy thôi! Từ nay tôi sẽ ăn riêng, không liên luỵ gì đến anh chị nữa? HOA - ( sợ hãi ) Dạ, nhưng sao thế ạ? ÔNG NGỌC - Không sao với giăng gì cả. Về ngay! Cô đi về ngay nhà, đừng làm cho ba nóng mắt! HOA - Dạ, con về. Con sẽ bảo nhà con như lời ba nói, nhưng... ÔNG NGỌC - Có về ngay không nào? HOA - Vâng, con về ngay đây ạ! ( Hoa bước ra khỏi nhà... miệng lẩm bẩm nói lúng búng gì đó, vẻ không vui ) ÔNG NGỌC - ( nói theo) Nhớ là phải dọn ngay hết ở phòng trên xuống phòng dưới, anh chị được hưởng như thế là đã quá tốt rồi! ( Rồi ông quay lại nói với bà Hồng ) Bà cũng ở đây chờ tôi! Tôi phải về nhà cho chúng nó một trận. không được, ta không thể chịu thua chúng nó được! ( ông định đi ) BÀ HỒNG - ( ngăn lại ) Ông đừng nóng tính mà xử sự với các con khắc nghiệt thế! Trẻ cậy cha, già cậy con. Mai đây ông ốm đau, chúng nó oán trách ông, nó bỏ mặc ông thì khổ thân, ông ạ! ÔNG NGỌC - Thì tôi và bà chăm sóc cho nhau, không cần chúng nó. BÀ HỒNG - ( lắc đầu )........ ÔNG ĐỨC - ( cũng ngăn ông Ngọc ) Anh đừng làm thế! Quyền lợi cả nhà cửa và tiền bạc của anh... trước sau cũng chỉ để cho con cái. Khi còn trẻ, còn sức thì chăm sóc các con, đến khi già... ( thở dài. Rồi ông Đức quay lại nói với vợ chồng Đông và Hạnh ): Còn đời các cháu nữa đấy! Đừng để con cái mai sau chúng coi thường bố mẹ? ĐÔNG - Nhưng cháu, cháu có làm điều gì... HẠNH - Chẳng qua là tại con Hoa tất! ÔNG NGỌC - Chả lẽ tôi và bà kết cục... chà, cái màu hoa hồng bạch này, nó cũng trắng xoá như màu nước lã ấy hả bà? BÀ HỒNG - Ông cứ nghĩ thế, sao lại là nước lã? Dù thế nào thì tôi vẫn nghĩ đến ông, ông vẫn nghĩ đến tôi! ÔNG NGỌC - Nghĩ đến như thế thì cũng bằng không. ÔNG ĐỨC - Em cũng chẳng biết phải nói với anh, chị như thế nào? ( rồi ông đi lại gần phía Đông và Hạnh ): Cậu vẫn hy vọng các cháu sẽ có ý nghĩ thật tốt, để giải quyết việc gia đình cho được thoả đáng và tốt đẹp nhất! ( với bà Hồng ) Trời cũng sắp mưa, em xin phép em phải về. ( ông Đức vội vã ra khỏi nhà ) ĐÔNG - Để cháu, cháu sẽ tiễn cậu. HẠNH - Phải đấy, anh và em cùng đi tiễn cậu Đức về nhà. ( vợ chồng Đông cũng ra khuất. Sân khấu chi còn lại hai ông bà già ) ÔNG NGỌC - Không, không thể chịu như thế được! Tôi đã từng đánh Tây, đánh Tàu, dẹp Nam, dẹp Bắc... Chả lẽ bây giờ tôi chịu thua mấy đứa trẻ? Bà cũng phải cương quyết lên! Tôi sẽ về nhà cho chúng nó một trận, để chúng nó biết thân, biết phận. ( lại định đi ) BÀ HỒNG - ( ngăn lại ) Đánh giặc thì ông giỏi, nhưng giải quyết việc nhà mà làm như kiểu ông thì sẽ tan nát hết!... Rồi đời ông sẽ ra sao? ÔNG NGỌC - Vậy tôi phải làm như thế nào? Tôi thấy mình bơ vơ quá, bà ơi!... BÀ HỒNG - Ông cứ nghĩ quá thành ra thế ! Tôi thấy anh chị bên nhà cũng tốt và có hiếu với ông đấy chứ? ÔNG NGỌC - Lúc nào tôi cũng thấy mình cô đơn. BÀ HỒNG - Con cái tuy cũng có lúc chúng cạn nghĩ, nhưng chưa phải là tệ lắm đâu ông ạ! Mình cứ thương chúng, rồi chắc chúng cũng sẽ chẳng phụ mình ? ÔNG NGỌC - Nhưng như thế thì tôi không bao giờ có thể có được bà? Tôi mãi mãi không có bà. BÀ HỒNG - Mình cũng phải tự an ủi lấy mình thôi! Cứ nghĩ là đã giành cho con, cho cháu... thì rồi lòng mình cũng sẽ nguôi ngoai đi. ÔNG NGỌC - ( nóng nẩy ) Tôi... tôi chỉ muốn quên hết! Lại muốn như thưở nào, năm nào, lại xông pha ra trận... ( vừa lúc Đông và Hạnh bước vào nhà. Đông ôm một bó hoa hồng nhung rực rỡ. Hạnh tay xách một túi đồ nhỏ gói bằng giấy đẹp, như quà mừng cưới hoặc sinh nhật ) ĐÔNG - Mẹ! Chúng con sơ ý quá, mải làm ăn nên quên khuấy đi mất, hôm nay là ngày sinh nhật của mẹ! Đây là bó hoa hồng nhung chúng con mua mừng sinh nhật của mẹ. Mẹ có thấy hoa đẹp không mẹ ? BÀ HỒNG - Đẹp! Hoa đẹp lắm con ạ, nhưng... ĐÔNG - Mẹ không muốn nhận hoa hồng nhung của chúng con hay sao? Hay với mẹ chỉ có hoa hồng bạch? BÀ HỒNG - Không phải thế đâu con ạ ! Mẹ nhận, mẹ nhận hoa của các con. HẠNH - Nhưng con thấy mẹ có vẻ miễn cưỡng? BÀ HỒNG - Mẹ vui, mẹ vui... hoa hồng nhung của các con rực rỡ lắm! Nhưng hoa hồng bạch với mẹ...( bà vẻ hơi bối rối ) cũng là một kỉ niệm ấm áp trong cuộc đời. ( Bà gượng vui, quay lại nói với ông Ngọc ) Hoa hồng nhung của các con cũng đẹp lắm phải không ông? ÔNG NGỌC - Vâng, đẹp! HẠNH - Nhân ngày sinh nhật của mẹ, con cũng xin tặng mẹ một món quà kỷ niệm. BÀ HỒNG - Gớm, các con lại bầy vẽ quá... cho tốn kém! HẠNH - Chắc mẹ sẽ không từ chối quà của con? BÀ HỒNG - Ồ không. Của các con cho mẹ một tý gì cũng đều quí giá! Nào, con dâu mở ra cho mẹ xem là quà gì nào? ( Hạnh bóc phong giấy bọc ngoài, lấy ra một chiếc hộp nhỏ ) BÀ HỒNG - Ôi, chuỗi hạt đá xanh đẹp quá! HẠNH - ( đeo chuỗi hạt vào cổ mẹ ) Con tặng mẹ chuỗi hạt đá xanh này, để mẹ . đeo trong những ngày lễ tết hay hội hè. Con thấy những bà có tuổi . rồi, họ cũng thường thích loại hạt đá này lắm! BÀ HỒNG - Sao con tiêu tốn tiền thế ? Mẹ... thế nào cũng được mà. (bà quay về phía ông Ngọc ) Ông nhìn tôi đeo chuỗi hạt này có đẹp không ? ÔNG NGỌC - Bây giờ thì bà còn cần gì đến tôi nữa? BÀ HỒNG - Ông đừng nói thế! Tình cảm của tôi đối với ông không gì thay đổi được, nhưng đối với các con... ÔNG NGỌC - ( nóng nẩy ) Bà không cần phải nói nữa, tôi cũng hiểu. ĐÔNG - Thưa bác, chúng cháu cũng có lỗi với bác! Thỉnh thoảng rỗi rãi mời bác cứ đến chơi với mẹ cháu ạ? HẠNH - Đúng như thế đấy ạ! Sang năm vào ngày này: sinh nhật của mẹ cháu, chúng cháu lại mời bác đến nhà. Cháu sẽ làm cỗ thật to... và sẽ mua một cái lọ hoa to hơn, để cắm những bông hoa hồng bạch của bác tặng mẹ cháu. BÀ HỒNG - Đấy, tôi đã nói với ông: các con chúng nó đối xử cũng có đến nỗi tệ lắm đâu? ÔNG NGỌC - Có hoa " hồng bệch " bà ạ! ĐÔNG - Mùa hè tới cháu sẽ tổ chức gia đình đi tắm biển, bác cùng đi với mẹ cháu cho vui? ÔNG NGỌC - Không dám! Không dám!... BÀ HỒNG - Các con nó chu đáo như thế, được ra biển nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ít ngày cũng thích lắm, ông ạ! ÔNG NGỌC - Tôi... Tôi hơi mệt. Tôi xin cáo lỗi về nhà? ĐÔNG & HẠNH - ( đồng thanh ) Mời bác trở lại nhà ạ! BÀ HỒNG - Để tôi đưa chân ông một đoạn. ÔNG NGỌC - ( gạt đi ) Khỏi cần bà đưa tiễn, tôi về lấy một mình cũng được! ( ông Ngọc ra khuất, bà Hồng nhìn theo tần ngần ) BÀ HỒNG - ( với Đông ) Mẹ cảm thấy như chính mình có lỗi! Như thế có hơi quá đáng quá với ông ấy không, hả các con? ĐÔNG - Cuộc đời là thế mẹ ạ, đành phải chấp nhận thôi !... CẢNH KẾT KỊCH ( Vào một chiều hôm trên đường phố, dọc theo một bờ hồ lớn. Có những dãy hoa bên hồ và những bóng cây to, dưới bóng cây đặt một chiếc ghế đá. Bóng hai ông bà già thong thả đi bên nhau. Họ dừng lại nhìn ra phía hồ rồi ngồi xuống chiếc ghế đá, thủ thỉ chuyện trò. Tiếng họ vọng lên trong chiều... ) ÔNG NGỌC - Bà có thấy con cái bây giờ chúng cũng ích kỷ quá không? Chúng chỉ tính toán được lợi cho cuộc sống của chúng, nào có tâm lý... nghĩ gì đến bố mẹ của chúng đâu? BÀ HỒNG - Thôi ông ạ! Ở phương Đông mình cũng chưa phải được thoải mái như bên Tây. Tôi tuy không thể sang để ở hẳn với ông, nhưng ngày ngày vẫn có thể gần gũi chuyện trò, thỉnh thoảng đến chiều lại ra hồ đi dạo với ông như thế này...cũng đã là sự khuây khoả để vợi đi nỗi buồn đối với tôi rồi! ÔNG NGỌC - Bà nghĩ thế thì tôi cũng phải chiều như thế, biết làm thế nào được? ( thở dài ) Đêm đến tôi vẫn thấy mình cô quạnh lắm! BÀ HỒNG - Thì tôi có vui gì hơn ông đâu? Có điều, đã giành gần hết cuộc đời cho con cháu rồi, thì thôi, còn sống được năm tháng nào nữa ta cũng giành nốt cả cho con cháu vậy, ông ạ! ( Bà Hồng ái ngại nhìn ông Ngọc, giọng bà thủ thỉ ): Sương đã xuống nhiều rồi, tôi cũng thấy hơi lạnh. ÔNG NGỌC - Lạnh thì bà ấp hẳn vào người tôi đây này! ( dừng lại giây lát ) Bà đã thấy ấm hơn chưa? BÀ HỒNG - Tôi cũng thấy dễ chịu hơn nhiều rồi. Những giây phút ở bên ông, là tôi thấy mình không còn cô đơn! ( Rồi họ im lặng. Bóng hai ông bà già ấp bên nhau trong bóng hoàng hôn đang đổ dần xuống, rồi tối hẳn. Trên trời sao đang lên!... Tiếng nhạc có lời hát cất lên một khúc ca buồn, phảng phất nỗi hắt hiu )./. MÀN TỪ TỪ HẠ TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐÃ XUẤT BẢN * Có một khoảng trời 1990
* Người đàn bà trắng 1994
* Rung động trái tim 2009
* Hồ Xuân Hương tái lai 2012
* Phê bình & tiểu luận thi ca 2013
* Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại 2014
* Thơ tình sinh viên của Phạm Ngọc Thái 2015
KỊCH BẢN SÂN KHẤU ĐÃ SÁNG TÁC: * Bản án dưới mồ - Kịch dài
* Số phận những hòn đá tảng - Kịch dài
* Mối tình hoa hồng bạch - Kịch ngắn
* Chuyện ở quán gốc đa - Kich ngắn
* Cánh cửa quốc tế - Kich ngắn
SẮP TỚI SẼ RA MẮT: * Chiến tranh và tình yêu - Tiểu thuyết, dày 500 trang
Ngoài ra viết nhiều bài lý luận phê bình thi ca, chân dung văn học… về các mảng thơ văn nói chung - Đăng trên các báo Quốc gia và những trang mạng Việt ở khắp thế giới.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.10.2017 16:01:24 bởi Nhatho_PhamNgocThai >