(URL) THƠ TÌNH CỦA PHẠM NGỌC THÁI
Bài thơ 73:
TRỞ VỀ
Đôi cánh chim trời quạt gió mây
Ta về non nước nước non đây
Nghe thu xào xạc rung mùa lá
Đông cũng hương đông lạ chưa này?
Ở chốn quê nhà bụi cát bay
Hoà bình mà tan mộng trăng say
Ta về bầu bạn cùng mưa gió
Lưu lạc - người ơi, gió cuốn thôi!
Ta về trọn cuộc đất cố hương
Với mộng ngàn thu gửi nhân gian
Đông Âu bão giật xiêu Thành Mác
Bốn bể chân trời lạc khói sương...
Berlin - cuối năm 1990 Bài thơ được viết ở nước ngoài vào cuối năm 1990, trong những ngày mà nhà thơ nhận được tin trở về đất nước. Một bài thơ có tính ngẫu hứng với niềm vui và tâm tình của nhà thơ:
Đôi cánh chim trời quạt gió mây
Ta về non nước nước non đây!
Hay là:
Ta về bầu bạn cùng mưa gió
Lưu lạc - Người ơi, gió cuốn thôi!
Thời kì đó Đông Đức bị mất vào tay Tây Đức. Sau đấy là sự sụp đổ của nước Nga Xô Viết cùng hàng loạt các nước XHCN khác ở Đông Âu. Dấu ấn lịch sử ấy đã được tác giả ghi nhận vào trong bài:
Đông Âu bão giật xiêu Thành Mác
Để rồi:
Bốn bể chân trời lạc khói sương...
Bài thơ đã được kết thúc ở đó và đây cũng chính là hai câu thơ sâu sắc nhất bài! Trên bàn cân thế giới - Thành trì XHCN bị nghiêng ngả, thần tượng về một nước Nga Xô Viết đã bị sụp đổ theo.
Cả bể nhân tình thế thái rơi vào cảnh đảo loạn, mịt mù sương khói...Không biết nên tin vào đâu? và đi về đâu?
Bốn bể chân trời lạc khói sương...
Song dẫu cảnh nhân tình thời thế có đảo điên đến thế nào? Như ở trong bài ta thấy nhà thơ cũng đã thốt lên:
Ở chốn quê nhà bụi cát bay
Hoà bình mà tan mộng trăng say...
Hình ảnh "bụi cát bay" đã nói lên những phức tạp xã hội còn đầy những cảnh bất công - Những năm sau chiến tranh, với tâm tình của người chiến sĩ giải phóng ngoài chiến trường... được trở về thành phố quê hương khi đã hoà bình: Ngỡ tưởng sẽ được sống một cuộc sống thanh bình êm ả, cùng bao nhiêu niềm hi vọng chứa chan?
Nhưng rồi cả giấc mộng trăng say ấy - đều tan vỡ!...Dù vậy, trái tim của nhà thơ vẫn thuỷ chung với cố hương - Nơi ấy là cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn của đời anh.Cho dù bao người cùng ra nước ngoài khi đó đã tìm mọi cách để ở lại phương Tây, nhưng anh vẫn kiên quyết trở về:
Ta về trọn cuộc đất cố hương
Với mộng ngàn thu gửi nhân gian.
Tấm lòng nhà thơ vẫn hướng về tổ quốc! Một bài thơ chỉ ngắn có 12 câu ngẫu hứng, nhưng đã bao quát cả cuộc sống con người cùng thế sự...Nỗi tình riêng chung gắn bó với nhau.
Trong một giai đoạn có thể ghi nhận như một cột mốc lịch sử đầy ý nghĩa xẩy ra đối với cả xã hội và thế giới! Để tạo nên một bức tranh tổng hợp trong bài thơ Trở Về này... mang được tầm vóc sâu sắc của một áng thi ca!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2011 22:28:59 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 74:
TIỄN NGƯỜI TRÊN ĐẤT KHÁCH
Đêm đất khách quê người rơi tuyết trắng
Em tiễn anh về lại quê hương,
Thôi rồi, gió lạnh con tim!
Tình theo lá rụng khói sương chân trời.
Đời con gái cũng hoa rơi!
Loài phù du giữa biển trời mênh mang
Tình như một bóng mây hoang
Đời em chiếc bách dập dềnh gió mưa.
Đường nhân thế mênh mông cỏ rối...
Tình của ta như gió thổi sương bay...
Cuộc đời mưa nắng, em ơi!
Phận bèo thôi cũng nổi trôi kiếp người.
Berlin * tháng chạp 1990 NHỮNG NHÀ XUẤT BẢN (HOẶC CÁ NHÂN)TRONG NƯỚC CÙNG QUỐC TẾ
NẾU NHẬN MUA BẢN QUYỀN XB" TUYỂN THƠ ĐẠI BÀNG " BẤT HỦ,
CÓ MỘT KHÔNG HAI NÀY!...XIN NGHIÊN CỨU VÀ LIÊN HỆ VỚI TÁC GIẢ
Bài thơ 75:
CỎ HOANG
Thuở ấy quê người đất khách
Trong buổi tha phương mưu tính cuộc đời
Tôi đã gặp những người con gái
Dẫu yêu kiều! Nhưng cũng bèo thôi...
(viết trong đám người xk lao động
ở châu Âu cuối thế kỉ xx)
Cô gái bay đi ngỡ làn mây dại
Trôi lang thang đầu bãi cuối giời
Em tự do như thể là cát bụi
Có đôi lần giời cũng khóc, mưa rơi...
Loài-lạc-thú phồn vinh hơn gió
Cơn Hồng Hoang thả cỏ xuân xanh
Em phá bỏ những đức qui kiềm chế
Yêu phanh phui, yêu đến tan tành!
Tôi nghĩ: thôi thế đã thoả lòng ham hố
Khoả thân mây đùa rỡn cả linh thiêng
Huống hồ buổi thường bán buôn đạo lý
Có dễ gì thân gái: trách chi em!
Hỡi Thiên Đường - Địa Phủ: Trần gian!
Loài người mãi sao tràn lan tội ác?
Ta từng ngợi ca chủ nghĩa nhân văn chân thiện nhất!
Em gái bay đi vẫn thích cởi truồng...
Ôi, cuộc bèo hoang trời đất trầm luân
Và bản chất muôn đời còn muông thú
Nhà chính khách cùng đứa du côn tranh thủ chơi thánh nữ
Em vũ ba lê trong thế giới hỗn mang
gieo hoa cấy linh hồn!
Nước Đức * cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX
Cỏ Hoang - Vừa để biểu thị cái chất hoang dã của người con gái,vừa muốn nói đến đám người xuất khẩu lao động ra nước ngoài, chẳng khác nào những đám cỏ hoang trên đất khách quê người:
Cô gái bay đi ngỡ làn mây dại
Trôi lang thang đầu bãi cuối giời
Em tự do như thể là cát bụi
Có đôi lần giời cũng khóc, mưa rơi...
Giời cũng phải khóc! Nghĩa là, cái tự do của em, thân phận em chỉ như cát bụi. Đây là những câu thơ siêu thực.
Hình ảnh bay lang thang thang đầu bãi cuối giời như một làn mây dại, ý nghĩa của nó để nói về sự nổi trôi của người con gái ấy, cũng như những kẻ phải tha phương cầu thực kia! Ta hãy trở lại với bốn câu thơ , mà tác giả lấy làm tựa đề cho bài:
Thuở ấy quê người đất khách
Trong buổi tha phương mưu tính cuộc đời
Tôi đã gặp những người con gái
Dẫu yêu kiều! Nhưng cũng bèo thôi...
Bài thơ muốn khái quát lên một cái hiện thực: bi kịch cuộc sống! Như ở trong bài Nỗi Trăn Trở Người Đi Tìm Vàng - Nhà thơ cũng phác hoạ về tính hiện thực của đời sống ấy:
Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ
Đứa mách qué lại vân vi dễ sống.
Thế là những hình ảnh trong sáng, ngây thơ của người con gái, đã phải đắm trong cái đám người hỗn tạp hoang dã... để trở thành nạn nhân của sự sống, rồi thả mình theo chiều gió cuốn:
Cơn Hồng Hoang thả cỏ xuân xanh
Em phá bỏ những đức qui kiềm chế
Yêu phanh phui, yêu đến tan tành!
Trong bối cảnh tha phương cầu thực - Thì những hình ảnh tự do thái quá của thứ tình yêu ấy, làm cho ta phải sởn gai óc. Đó chính là đáy cùng của cuộc sống , mà bằng con mắt hiện thực tác giả đã tạc nên. Mặc dù anh cũng từng biện hộ cho người con gái:
Huống hồ buổi thường bán buôn đạo lý
Có dễ gì thân gái: trách chi em!
Đó là tính nhân văn xã hội của nhà thơ. Sự xuống cấp của xã hội đã xô đẩy người con gái, cùng những đám người lao động kia đến thế! Ta hãy đến với đoạn thơ thứ tư của bài:
Hỡi Thiên Đường - Địa Phủ : Trần gian!
Loài người mãi sao tràn lan tội ác?
Ta từng ngợi ca tuyệt đỉnh chủ nghĩa nhân văn chân thiện nhất!
Em gái bay đi vẫn thích cởi truồng...
Khi nhà thơ nhìn thế giới, cái thế giới hỗn mang này (mà trong bài gọi là Cõi Trần Gian) : vừa là Thiên đường vừa là Địa ngục! Chính là nhà thơ đã nhìn bằng con mắt của những người lao khổ.Mỗi câu thơ đã là cả một vấn đề, bao hàm đời sống xã hội với con người trong đó.
Thế giới đó vẫn còn bao bất công tàn ác, đẩy họ vào những sự khốn cùng. Đoạn thơ có ý nghĩa khái luận về sự tồn sinh của nhân tình thế thái. Mà những chúng sinh trong đáy cùng của xã hội, mãi mãi là những kẻ phải gánh chịu. Dù là chiến tranh hay trong cả hoà bình.
Những kẻ cường quyền luôn chà đạp lên nhân tình bạo ngược. Đấy chính là chủ nghĩa nhân đạo đã được toát lên trong ý tưởng của bài thơ! Nhưng tôi xin gạch chân, phân tích sâu sắc hơn về câu thơ cuối đoạn:
Em gái bay đi vẫn thích cởi truồng...
Thực ra đây là hình ảnh một câu thơ tượng trưng, tác giả sử dụng để đưa tình thơ lên đến tột điểm! Nó chỉ để nói về cái khát vọng... và trong cái khát vọng ấy mang bản chất hoang dã của con người, nhất lại là người con gái trong đám cỏ hoang:
Em gái bay đi vẫn thích cởi truồng...
Câu thơ còn mang cả tính Đác Uyn.
Nhưng đến hai câu thơ cuối bài, ta mới thấy thái độ của nhà thơ được bộc lộ khá quyết liệt:
Nhà chính khách cùng đứa du côn
tranh thủ chơi thánh nữ
Em vũ ba lê trong thế giới hỗn mang
gieo hoa cấy linh hồn!
Vừa để phản ảnh một hiện thực - Nhưng trong thái độ nhân văn nhà thơ, đã chĩa mũi dùi vào đả phá những chính gia chỉ khoác lác, loè loẹt về đạo lý... thậm chí những kẻ mũ cao áo dài trong cảnh cỏ hoang này, còn loạn luân hơn cả đứa du côn! Đấy cũng là:
Cái thời buổi thường bán buôn đạo lý
Có dễ gì thân gái: trách chi em!
Và bởi vậy suy cho cùng - Cô gái cũng chỉ là thứ nạn nhân của cộng đồng xã hội trong bao kẻ khốn cùng đang phải tha phương này mà thôi! Bài thơ có ý thức phản ứng, tố cáo mang tính thời đại.
Để rồi tác giả hạ một câu thơ kết, đó là câu thơ hay cao nhất bài:
Em vũ ba lê trong thế giới hỗn mang
gieo hoa cấy linh hồn!
Cái vũ điệu ba lê (ý nói về sự vần vũ và thăng hoa biến hoá) mà người con gái "gieo hoa cấy linh hồn" ấy - Nghĩa là, em vừa là linh hồn sống, vừa là hương hoa thơm trái ngọt của trái đất cùng thế giới!
Câu thơ mang tính phủ định về sự ngang trái phi lý của thời đại... để kết lại toàn bộ tình thơ cỏ hoang này.
Bởi vì, chính những người con gái rất cỏ hoang ấy... mới là tình yêu và sự sống, để làm nên những giá trị tồn sinh bất tử của thế giới chúng ta! Mà thế giới đó vẫn đắm chìm trong đầy rẫy những hỗn mang , đang đầy đoạ lên những kiếp cảnh bụi bờ bèo dạt mây trôi...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.05.2011 12:22:58 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 76:
NHỮNG KỈ NIỆM BÊN CON
. Tặng con Phạm Bảo Long
(viết năm con lên 4 tuổi)
Vằng vặc sân đền...
Vầng trăng trong, mái chùa cong, bóng đa
Nhớ sớm sớm bố đèo con đường thênh thang gió hát
Chiều đón con qua đường lá vàng rơi
(cái tên phố mà con chưa thuộc)
Gió Hồ Tây thổi, gió Hồ Tây...
Cái bóng nhỏ lon ton
Bố dắt con ra hồ cá nổi
Bờ cỏ đẫm sương mai
Con đứng đợi, bố mò
Một nhúm tép cũng vui nhà, vui cửa.
Bố đã cùng con qua bao đường phố
Hiệu kem Bốn Mùa, quán phở Hoè Nhai
Cố Đô xưa - Hà Nội hôm nay
Trong ánh mắt con thơ: thành Thăng Long rêu phủ...
Quán báo thường ngày bố đưa con vào đó
Cổng chùa cũ giã nhàu mưa gió
Tường nhà cũng bạc mầu vôi.
Có cần chi nhiều lắm con ơi:
- Thế cũng đủ hai điều Thiện Mỹ!
Đời bình dị - Mái tường sạt đổ
Lẽ sống giản đơn, mâu thuẫn chất chồng.
Vằng vặc sân đền...
Vầng trăng trong, mái chùa cong, bóng đa
Bạc trắng nửa phương trời xa lạ.
Mẹ đã nuôi con những tháng năm nghèo khổ
Đi làm về chạy chợ kiếm thêm
Đêm cảm hàn không đủ sức ôm con
Ngày gượng dậy lo từng bữa gạo
Sáng vội đưa con đến trường mẫu giáo...
Nước mắt nhoà trên hồn trẻ ngây thơ!
Trăng vẫn đấy - Bố nửa vòng xa xứ sở
Quán - Cổng - Thành xưa... đứng quạnh thầm!
Cô hàng xôi sáng sáng rẽ qua luôn
Chậm ít phút là con ngóng đợi
Rồi những ngày sang ngoại
Đi trên cầu con chỉ con thuyền xa
Con chỉ con bò
Miệng ríu rít khoe
Gió thổi lộng bờ tre xanh doi cát
Sóng phù sa bóng nước hồn con.
Con chưa hiểu nhiều mai sẽ lớn khôn
Không chỉ có trăng trong còn nước mắt
Không chỉ có ngày vui còn cay cực
Cũng theo con lớn từng ngày.
Ôi, vầng trăng vằng vặc đêm nay
Những kỉ niệm êm đềm khao khát lạ!
Rồi mai mốt bố sẽ lại đưa con đường thênh thang thuở đó
Chiều đón con qua đường lá vàng rơi
(cái tên phố mà con chưa thuộc)
Gió Hồ Tây thổi, gió Hồ Tây...
Nước Đức * 1988
---------------------------
Bài thơ 77:
VẮNG TIN CON
Thư không đến nghe chiều im tiếng lá
Nhói giữa lòng tựa khúc chim than,
Mỗi buổi làm về vội nhòm khe cửa...
Gió lạnh phòng mà vắng tin con.
Cái rét mùa đông rền rĩ từng cơn
Ơi, ngọn lửa đã bao chiều vắng
Bố không thể sống thiếu con
Như cuộc đời thiếu nắng!
Sân đền cổ gạch mòn con vẫn thẩn tha chơi
Chiều nay thấp thoáng
Bút tháp nghiêng nghiêng bạc tường vôi...
Ngọn lửa cháy màu xanh sự sống
Con đi, về - lối phố đã quen hơi.
Con là gió, là hoa
Những hạt mưa tan miền cát bỏng
Bóng đa xanh ru giấc mộng chim muông
Cái phố nghèo với ít mái nhà dân
Giữa năm cửa ô...
Tiếng vó ngựa xưa còn dập dồn quan ải
Bờ hè nhỏ vẫn nhiều rác rưởi
Dấu cổ sơ - Thời đại chen nhau.
Trên thành phố châu Âu
Chiều vắng tin con trông về quê ấy!
Nước Đức * 17/1/1989
Bài thơ 78:
LỜI THIẾU PHỤ CHỜ CHỒNG
. Chồng nàng đi kiếm sống ở nước ngoài
Canh khuya trở giấc giật mình ai
Có tiếng rơi nghe tận thiên thai
Ngoài kia hoa lá nằm dại bóng
Trong em nép lại một nhành mai...
Nỗi nhớ ngày ngày vàng tin đợi
Bến vắng thuyền em ngóng trăng trời
Người xa dẫu bể đời trôi nổi
Sông vẫn phù sa sóng vẫn bồi...
Anh ra xứ khách kiếm vàng thanh
Để cả nghìn lo lại cho em!
Tiền bạc vốn sinh lòng trắc ẩn
Có vàng rồi người có còn không?
Mong manh hơi gió động bên rèm
Có nghĩa gì chăng cái thân em!
Người như trăng bể mò không đáy
Đò gái đã rồi khó thay sông?
Trai nào chẳng hám loài trái lạ
Lỡ dăm ba quả chứ đừng theo...
Giống độc cũng thường hay giả ngọt
Chẳng trái nào bằng trái em đâu!
Châu Âu * tháng 5/1990
Bài thơ 79:
KHOẢNG TRỜI PHÍA SAU
. Tặng anh Ngô Tất Hữu
(nhớ ngày anh ra tiễn ở sân bay)
Bóng anh lẫn trong hàng người như sóng
Biển ở sau lưng...cuộc sống rất gần...
Bàn tay anh vẫy gọi lúc đưa chân
Tạc vào trời xanh: kỷ niệm!
Đêm thu giấc quê người vắng tiếng cuốc kêu
Bóng anh tựa nghìn năm hiển hiện
Anh đứng trên cao áo bạc mầu.
Hai mươi năm: hai cuộc tiễn đưa nhau
Xưa ra chiến trường, nay quê người kiếm sống
Mẹ tiễn chiều mưa... anh đưa chân sớm nắng...
Với hai mầu mắt quê hương!
Vợ vội dắt con đến gần chỗ chồng hơn
Cửa sân bay mở...
Con trèo qua lan can sắt ríu rít ôm hôn:
- Bố về ngay hả bố?
Không thể nói dối con, chỉ biết ôm con vào lòng thêm chút nữa
Nước còn nhưng bố phải đi!
Con hãy quay về với mẹ con kia
Bố sẽ gửi hàng, gửi đồ
Cho mẹ con con qua những ngày nghèo khổ.
Em cũng về em nhé, với con!
Cứ bàng hoàng như thuở nước phân tranh
Thời trai trẻ dấn mình vào khói lửa...
Nếu lịch sử còn quay nhìn lịch sử:
Tấn-trò-đời-Ban-Dắc: chắc hồi sinh!
Bóng anh trên sân bay lặng lẽ đứng nhìn
"Khoảng trời phía sau" như một bi kịch cổ...
Nước Đức * 9/1988
Những tháng năm lang bạt xứ khách, quê người - Tôi lại nhớ về những hình ảnh thân thương nơi Tổ Quốc!
Buổi ấy, những người thân đã ra tiễn tôi đi ở sân bay. Rồi cả những kỉ niệm từ thuở còn chiến tranh đã rất xa, rất xa cũng trở về! Đó là những tình cảm da diết , máu thịt chốn cố hương... nơi chôn rau cắt rốn của đời tôi!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.04.2011 13:12:01 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 80:
NỖI TRĂN TRỞ NGƯỜI ĐI TÌM VÀNG
Tôi sống âm thầm trong một đoàn người hỗn hợp
Rời quê qua bên kia biển sóng
Kẻ tìm vàng - Người vì cảnh nghèo đi
Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ
Đứa mách qué lại vân vi dễ sống.
Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng?
Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên!
Ai mang bán vàng mười giữa phiên chợ đông? (1)
Tôi tìm chắt những bụi vàng như anh lính lê-dương
lọc sàng từng đống rác...(2)
Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác
Nhưng giá vàng tính cũng như nhau.
Nhìn cánh dơi đen xao xác trời chiều
Cứ để cho tất cả lãng quên!
Cây lý chiều xưa gió còn đưa lại
Bông đại ở quảng trường hương vẫn giăng tơ
Chút thơm thảo - Đoá phù du ngắn ngủi
Giả dại ở đời thường mà khôn lại trong mơ.
Rồi một ngày - Sẽ có một ngày qua
Những năm tháng không bẩn đấy!
Cũng rộm vàng khói cột...
Nhưng tôi đã có một thỏi vàng: thứ vàng rất thật!
Đánh một đoá hồng vàng tôi trao đứa con thơ
Người vợ quê hương mỏi mắt đợi chờ
Một chút nữa với bạn bè thân hữu...
Và khi đó tóc tôi có ngả mầu chút xíu
Dù cho tất cả đã quên tôi?
Nước Đức* Đêm 11/9/1989
(1) Mượn ý trong câu của một nhà thơ:" Còn ít vàng mười mang ra bán nốt!"
(2) Phỏng theo tích truyện Bông Hồng Vàng của nhà văn Nga Pau-Tốp-xki.
Vào những năm cuối cùng của thập kỉ 80 thế kỉ XX, các đoàn người xuất khẩu lao động ồ ạt đổ ra nước ngoài. Bối cảnh trong nước khá hỗn độn. Nền kinh tế xã hội sa sút. Đời sống dân tình, nhất là nhiều vùng quê rơi vào cảnh nghèo khổ đáng báo động.
Thế giới thì đảo loạn, ngả nghiêng. Dẫn đến tình trạng ít năm sau (sang thập kỉ 90) - Xô Viết Nga tan vỡ xẩy ra nội chiến. Phe phái đánh lộn lẫn nhau, hàng loạt nước XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ. Sương mù chủ nghĩa bao phủ bầu trời...
Như ở trong bài thơ Trở Về tác giả đã viết:
Đông Âu gió giật xiêu Thành Mác
Bốn bể chân trời lạc khói sương...
Bấy giờ nhà thơ còn là một cán bộ ngoại thương QT - Được sự điều động biệt phái từ trong nước ra nước ngoài, làm công tác quản lý một số đơn vị xk lao động kia.
Thực cảnh của đám người dân dã, hạ tầng của xã hội... đi tha phương kiếm sống và những kẻ tham vọng làm giầu , xô bồ ập vào trong anh.Những trăn trở tình cảm riêng chung trước một thực tế đầy phức tạp ấy, để một đêm nào đó - Bài thơ Nỗi Trăn Trở Người Đi Tìm Vàng (NTTNĐTV) đã ra đời:
Tôi sống âm thầm trong một đoàn người hỗn hợp
Rời quê qua bên kia biển sóng
Kẻ tìm vàng - Người vì cảnh nghèo đi
Tác giả vẽ lên một bức tranh, được khai thác cả bề diện lẫn bề sâu. Những lớp người này, phần lớn đều thuộc con em những gia đình nghèo khổ, tình cảm quê hương gắn bó cũng rất tha thiết.
Lòng họ nhiều khi thổn thức... Thông qua tiếng lòng của bản thân, tình cảm ấy được tác giả thể hiện. Song những cảnh tượng diễn ra nơi đất khách quê người cũng rất kinh khủng, đến mức đạo lý sống tưởng chừng như không còn chỗ để dung thân.
Như những đoàn quân ô hợp, những cảnh bèo dạt mây trôi... Nhiều nơi, nhiều chỗ tranh giành xô xéo, thậm chí dối lừa nhau làm ăn không kém gì cảnh chợ giời. Đạo đức bị tha hoá. Ít nhất về mặt tinh thần, nó đã thuộc vào hàng là những lớp người tận cùng đáy xã hội rồi:
Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ
Đứa mách qué lại vân vi dễ sống!...
Tạo thành một mảng xã hội của những người Việt Nam xa xứ. Ở đây anh đã phải lặng lẽ trăn trở sống. Lòng anh xa xót không yên:
Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng(?)
Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên!
Sử dụng những cụm từ như "giả dại", "làm ngơ" ,"mách qué","vân vi"... vẫn giữ được phong cách của dòng thơ trữ tình chính thống, bản sắc thêm đậm đà chất văn học dân gian.
Đoạn thơ đầu ta thấy hiện lên toàn bộ hình ảnh chân dung nhà thơ tự truyện - Giữa cái cảnh chợ giời nơi đất khách quê người, người đã phải hoá mình thành giả dại, ngây ngô, khi cười cợt, khi như một thứ trò người...để mà sống, nén mình nuốt cái "đạo lý có hoá thừa" kia đi!
Tâm hồn và lương tri người vò xé. Tiếng thơ từ trong trái tim đau bật ra mặn đắng hơn cả dòng nước mắt. Người tự nhận chìm mình như là không tồn tại, để lãng quên.Đó là sự mở đầu đầy bi hài của cuộc sống trong NTTNĐTV này!
Ta hãy nghe xem cái giá phải trả của những kẻ đi xk laođộng đó như thế nào:
Ai mang bán vàng mười giữa phiên chợ đông? (1)
Tôi tìm chắt những bụi vàng như anh lính lê-dương
lọc sàng từng đống rác...(2)
Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác
Nhưng giá vàng tính cũng như nhau.
Câu (1) - Sử dụng ý thơ của một nhà thơ :" Còn ít vàng mười mang ra bán nốt" ! "vàng mười"ở đây chính là thứ vàng của lương tâm.Nghèo cực quá thì đến cả tâm hồn cũng phải mang mà bán cho quỉ sứ!
Nền tảng xã hội quá thấp thì cá nhân làm sao có thể giữ cho mình trong sạch được? Huống hồ quan hệ cuộc đời còn có cả gia đình và những người thân - Sự mâu thuẫn thực tế giữa xã hội và con người ấy, đã đưa đẩy biết bao thân phận phải đánh đổi đi " một chút lương tâm"...
Nếu nhà thơ kia có lúc còn phải mang cả "một ít vàng mười" còn sót lại trong mình... ra phiên chợ người mà bán nốt - Thì hẳn cái thứ vàng kiếm được của đám người lao động, tha phương ở nước ngoài giá đổi còn chua chát hơn nhiều! Còn câu:
Tôi tìm chắt những bụi vàng như anh lính lê-dương
lọc sàng từng đống rác...
Phỏng theo tích truyện Bông Hồng Vàng của nhà văn Nga Pau-Tốp-xki: Có người lính lê-dương làm cận vệ cho một viên tướng Pháp. trong chuyến sang chiến trường Đông Dương, viên tướng ấy mang theo một cô con gái nhỏ.
Trước khi bị tử trận, viên tướng còn kịp dặn lại người lính cận vệ của mình: Hãy mang cô con gái của ông về trao lại cho mẹ nó ở Pa Ri!
Trên đường về Pháp lênh đênh qua đại dương, bé gái ngây thơ cứ thầm ao ước có một Bông Hồng Vàng!... Bông hồng vàng chính là biểu tượng cho ước mơ hạnh phúc của cuộc đời bé gái!
Nhưng những tháng năm sau đó, cuộc sống cực khổ đã xô đẩy anh lính trở thành một người quét rác nghèo hèn, sống trong một túp lều xiêu vẹo dưới gầm cầu của ngoại ô Pa Ri!
Ngày ngày khi quét qua các cửa hiệu kim hoàn... người quét rác lại chắt vét lấy những nắm cấn rác có dính chút bụi vàng, mang về nơi mình ở. Năm này qua năm khác, dần dà anh ta cũng tích được một ít vàng, đủ để nhờ người thợ kim hoàn làm cho cô bé gái một bông hồng vàng nhỏ.
Cô bé ấy giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp ở Pa Ri! Trớ trêu, bông hồng vàng chưa kịp gửi đi cho cô gái, thì người quét rác đã chết trong đói nghèo và tủi nhục.
Xác anh nằm trên một manh chiếu mục, đầu vẫn gối lên bông hồng vàng nhỏ. Sau đó bị người thợ kim hoàn đến lấy đi mất, không đến được tay cô gái.
Vậy là - Thứ vàng mười lương tâm mà nhà thơ kia đã phải mang ra chợ người để bán, cũng như vàng của kẻ quét rác lăn lộn kiếm từ trong rác bẩn cuộc đời, với loại vàng mà đám người lao động làm thuê ở nước ngoài kiếm được:
Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác
Nhưng giá vàng tính cũng như nhau.
Nó đã phải đổi bằng cả phẩm giá, tuỉ cực và nhục nhã trong cuộc đời. Nếu lấy giá cả thị trường mua bán ra để tính (vàng nào cùng loại mà giá chả như nhau) - Đem cả ba thứ vàng đó đặt lên chiếc bàn giá của lương tri: thì chúng đều phải trả cái giá đổi như nhau mà thôi!
Câu thơ vừa hay với cách đem so sánh với giá chợ giời, lại vừa sâu sắc xót xa. Nó phục lại để điển hình cho một hiện thực xã hội đầy mâu thuẫn, nền đạo lý bị sa hoá. Dung lượng thơ có sức chứa tính thời đại rất lớn.
Đây là 4 câu thơ hay nhất bài! Như lời một nhà bình thơ đã nhận xét: Nó có thể đạt đến những câu thơ trở thành kinh điển!
Nhìn cánh dơi đen xao xác trời chiều
Cứ để cho tất cả lãng quên!
Nhưng nhà thơ không chỉ dừng ở đấy - Vì dù với lý do gì? Nếu trước mắt họ chỉ biết có vàng! Vàng!...Thì đám người lao động kia cũng chẳng khác bao so với những kẻ hám lợi đi đào mỏ vàng...
Không đâu! Thông qua sự trăn trở bản thân, tác giả đã khai thác rất sâu vào nỗi lòng tâm linh của họ. Đưa tính nhân bản cùng giá trị hiện thực thơ lên đến tột cùng:
Cây lý chiều xưa gió còn đưa lại
Bông đại ở quảng trường hương vẫn giăng tơ
Chút thơm thảo - Đoá phù du ngắn ngủi
Giả dại ở đời thường mà khôn lại trong mơ...
Sự khao khát những chiều hương lý trong kỉ niệm, nhớ đến những bông đại nơi quảng trường quê hương - Nỗi đau và tình thương yêu giằng xé trong lòng họ (những con người lao động), càng thấy sự phũ phàng thực tế mà những kẻ đi tìm vàng đã phải chịu đựng!
Kịch tính biết bao khi chính những con người lao động ấy, lại phải sống với nhau như hài kịch:
Giả dại ở đời thường mà khôn lại trong mơ...
Câu thơ điệp trở lại với hai câu 4 và 5 trong đoạn thơ đầu. Thật là một màn bi hài của xã hội và cuộc đời.
Bài thơ tuy là tự sự bản thân, nhưng đã trở thành đại diện cho một lớp dân sinh đông đảo nhất xã hội. Cuối cùng tác giả lý giải về mục đích mà những nỗi đời trớ trêu ấy đã phải chịu đựng:
Nhưng tôi đã có một thỏi vàng: thứ vàng rất thật!
Đánh một đoá hồng vàng tôi trao đứa con thơ
Người vợ quê hương mỏi mắt đợi chờ
Một chút nữa với bạn bè thân hữu...
Vậy nếu khi nhà thơ của NTTNĐTV này có phải tự chất vấn về mình:
Những năm tháng không bẩn đấy! Cũng rộm vàng khói cột
Thì cũng giống như cảnh nhà thơ kia đã viết:
Còn ít vàng mười mang ra bán nốt!
Làm sao ta có thể lên án được họ? (những kẻ đi tìm vàng) , vì chính họ đã phải đổi cả một phần nhân cách cần thiết chỉ vì lương tri! Bởi những việc làm của họ xuất phát từ lương tri của lương tri!
Khi NTTNĐTV được in lần đầu trong tập thơ Có Một Khoảng Trời (NXB Hà Nội 1990) - Trong lời giới thiệu của nhà thơ HHL đã nhận xét:
"...xa nước là một nỗi luôn ám ảnh người thơ nghĩ về số phận của những con người rời bỏ quê hương, gia đình và rời bỏ nhiều thứ khác trong những năm tháng của đời mình để đi kiếm sống. Bao nhiêu vật vã tưởng chừng như chính họ - Con người trong cuộc đi này khó có thể vượt qua nổi!...
Nhiều bài thơ trong tập Có Một Khoảng Trời bộc lộ rõ cái khả năng không yên ấy. Tình thi NTTNĐTV để rồi chính họ đã đánh mất bao nhiêu điều thường tình nhất... Những hình ảnh , cảnh tượng diễn ra kinh khủng những nơi của người đi kiếm sống ấy.
Đọc bài thơ nào tôi cũng thấy Thái hiện lên khá điển hình, những xúc động nhiều suy tưởng. Vấn đề thơ Thái đặt ra mang được cái tầm có ý khái quát cao, và nhiều câu thơ về số phận mỗi con người hiện nay? "
(trích trong lời giới thiệu tập thơ).
Chỉ với hơn hai mươi câu thơ - NTTNĐTV phục lại không khác gì một pho tiểu thuyết! Một Tấn Đời!...
Như lời một nhà phê bình khác đã nói: Bài thơ còn có khả năng trở thành một di sản văn học. Không phải chỉ vì sự hoàn bích độc lập của nó, mà còn vì ý nghĩa sâu sắc, giá trị nhân văn và tính điển hình xã hội... ở trong một giai đoạn có nhiều biến động thời đại phức tạp xẩy ra trên thế giới!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.05.2011 12:27:14 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 81:
NGẮM ẢNH CON Ở NƯỚC NGOÀI
Con như nhành non mới hé
Nước hồ Gươm xanh thể
Trời trong trong... không, mắt con trong hơn!
Bóng con ngồi bên mặt sóng hồ êm
Có tán lá trùm lên mát rợi
Chẳng cần phải nói
Cũng đủ muôn lời cho trời đất cùng nghe...
Dẫu ở xa con nửa vòng trái đất
Giấc ngủ bố mong con, lúc thức nhớ về con!
Con ngồi yên không thể nói gì hơn
Mắt thơ dại chăm chăm nhìn phía trước
Con nhìn bố - Bố nhìn con qua lần nước mắt
Hạnh phúc lắm con ơi, nên đau đớn chất đầy.
Bố xa con chỉ vì bát cơm thôi
Nhỏ mọn thế!.. Cao cao cũng thế!...
Con không nói, bố chẳng cần phải kể
Trời đất này xanh... không hẳn đã là xanh?
Đôi mắt con nhìn trong hơn những mầu trong
Con ngồi đó cao hơn toà tháp
Chỉ có con: con ơi hơn hết,
Bởi không đủ nuôi con nên bố đến quê người.
Bưng bát cơm đầy lại nghĩ bát con vơi
Bố cần cho con đâu phải cần cho bố
Sinh được ra con mà nuôi con không đủ
Trời xanh kia và hỡi đất xanh kia?
Bóng con ngồi nhỏ dại ngây thơ
Quanh con vẫn mầu ru êm ả...
Riêng lòng con lòng bố không êm!
Bố lặng nhìn con trên chiếc ảnh quê hương
Nước hồ Gươm - Nước hồ Gươm xanh lẻo
Êm dại quá! Con ơi, êm dại quá!
- Khoảng trời kia? Không, không... khoảng trời con!
Và không có khoảng trời nào cao xanh hơn
Bố đã đi quá nửa đời
Tóc cũng sắp chuyển sang mầu khác,
Những đêm thầm thì bố gọi về Tổ-quốc:
Con tôi!
Karl-Marx-Stadt 31/8/1988
Bài thơ 82:
BÀI CA XỨ SỞ
Con tầu vô tư cứ chạy
Qua cánh đồng nước Đức những hàng cây
Có một con tầu cũng đang chạy trong tôi
Tiếng nghiến rít trên đường ray máu rỏ!
Tôi muốn viết bài ca xứ sở
Không kêu than mà hát giữa lòng đau.
Quê hương tôi yêu! Tổ quốc tôi yêu!
Đất có nghèo đâu, sông núi có nghèo đâu?
Nền văn hiến cũng ngàn năm phong nhuỵ
Đến hoa lá bốn mùa mưa gió
Biển xanh trời... cá đầy khơi...
Tính mẹ cần cù từ buổi mới xa nôi
Khi chống gậy còn lựa từng bông thóc lép
Cha đánh giặc về lại bền tay cầy cuốc
Nắng xém ruộng chiêm lúa xanh đồng.
Em gái mười năm chung thuỷ chờ chồng
Bông hoa tặng ai hương xa vậy?
Cái cửa sổ ngỏ cô nhà hàng phố:
"Mà hương thầm thơm mãi bước người đi"! (**)
Con tầu tôi vẫn chạy lắc lư
Dẫy phố tôi lớn lên còn nhỏ nghèo lắm bụi
Ngôi chùa cổ mái cong vườn đầy cỏ dại
Bức tường ngăn nay đã xanh rêu.
Bóng mẹ còng một đời còng mãi
Thân cò khuya tần tảo những đêm đêm
Mẹ trở về, mẹ trở về trong nỗi cô đơn!
Thắp nén nhang chồng
Lấy nước mắt xoa lòng già héo.
Em ở lại với con ở lại
Anh ra đi: tấm áo bát cơm
Đau xé ruột vẫn đành rời đất!
Tôi đi giữa quê người
Những thành phố đèn nê-ông chói mắt
Nhớ quê nhà dãi nắng dầm sương
Giàu đất, giàu người, giàu bể, giàu non
Người ơi người tình thương đừng vợi cạn!
. Viết trên chuyến tầu lên Berlin 29/12/1988 (**) Thơ của Phan Thị Thanh Nhàn
Bài thơ 83:
ĐÓN TẾT TRÊN ĐẤT KHÁCH
Đồng chí bí thư nói với tôi:
- Anh hãy viết một bài thơ Tết!
Ra khỏi phòng gặp tuyết cứ bay bay
Em gái công nhân làm ở máy phay
Chuyện ríu ra ríu rít
Đã thấy xuân về quấn quít đâu đây...
Bóc tờ lịch biết là tết đến
Hoa đất người không nở nhiều như ở quê hương
Ít vị xuân sang nhiều nhạc nhẩy
Đón giao thừa này em có nhớ nhà không?
Đường-hợp-tác (**) em đi từ thuở còn mười bảy
Khi con tằm ăn hết cả nong dâu
Lúa con gái cũng đang thì lớn dậy
Làm khối trai làng ngơ ngẩn phía sau.
Thế đã ngót mười xuân rồi em nhỉ?
Kỉ niệm xưa vơi cạn ít nhiều
Em quen sài những đồ hoa mĩ
Ngồi đệm sa-lông nghe bản tình chiều
Câu chuyện trở về làng hoá thành xa lạ
Em biết quê vẫn nghèo như buổi em đi!
Dẫu nhiều đêm nhớ nhà em thầm khóc
Đau xót lòng ai tủi mái tranh quê...
Mùa xuân quê người không có hoa đào nở, em nghe!
Chỉ thấy tuyết bay trắng trời xứ lạ
Trong phòng em quất cũng không đơm quả
Chẳng rõ hoa gì đang nở đỏ ban công?
Mùa xuân 1989 (**) Đường Hợp Tác ở đây là đường hợp tác xuất khẩu lao động ra nước ngoài
Bài thơ 84:
NHÌN ẢNH NHỚ CON
Con ôm quả bóng tròn trong tay
Hoa lá là đây... sông núi đây...
Con đứng hình Héc Quyn thuở bé
Hai tay nâng cả địa cầu này.
Phông núi xa xa, mây cũng xa
Nốt nhạc bên con ấm chật nhà
Con cười trông dại như hoa vậy
Ánh mắt con trong cũng thật là...(**)
Nhân thế quây quần trước thơ sinh
Và kia tạo hoá đã nghiêng mình
Nghe trong tiếng lá mùa thu dậy
Vẫn bước chân con chạy rập rình.
Con đi sương biếc gió mây bay
Trái trĩu nhành say hoa đỏ cây
Con về lá rắc tràn mặt phố
Ai cũng đón con rạng rỡ cười.
Dẫu xa ngàn dặm vẫn gần con
Bố nhớ bố mong đã mỏi mòn
Lòng se sắt lại ngang trời, đất
Hoá thành đá vọng những nghìn non.
Ôi,nụ cười thơ! Ôi lá hoa!
Cứ hồn nhiên vậy cứ non tơ
Cứ trong như ngọc mềm như lụa
Và cứ hiền như tiếng mẹ ru...
Đêm thu nước Đức - 1989
(**) Những hình tả trên đều trong tấm ảnh con chụp ở quê hương gửi sang...
Bài thơ 85:
BÀN VỀ MỘT CUỘC RA ĐI
.Viết về những người xuất khẩu lao động
ở nước ngoài cuối thế kỉ XX
Cuộc đi này mai mốt sẽ bàn thêm
Dẫu từng bạc trăm đêm những mái đầu tóc bạc
Nơi điểm tựa của lòng ta: vợ con ta thao thức
Nơi ta còn có chỗ để yêu thương!
Một cuộc đi mà non nước ngả nghiêng
Lá đổ chiều gió cuốn
Trai gái kéo nhau, người người đưa tiễn
Họ cố quên những nỗi xót xé lòng.
Có cuộc đi nào như thế này không:
Ở đất người như chốn chợ giời
Chen nhau mua những món hàng ngoại quốc
Gửi về nuôi lấy người thương?
Một cuộc đi như thể lũ tha phương
Nước vẫn đó dẫu chẳng còn giặc giã
Kẻ vinh thân - Cũng nhiều nhà tan rã
Cây lương tri sương phủ kín mặt người...
Một cuộc đi như cảnh bèo trôi
Ai đêm trước còn đau không yên giấc
Nhận được thư con từ quê nghèo giục gấp
Cố sống hết ngày cũng quen thôi!
Chốn chợ giời: phường thật giả như ma chơi ngoài gò bãi
Cứ đêm đêm nhìn đom đóm lập loè bay
Cứ đêm đêm ta thao thức giấc mơ ngày
Nơi có mưa cau thu, lá me tháng hạ...
Gắng đợi ngày về không ao ước gì hơn!
Nước Đức * 9/1988
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.04.2011 12:53:21 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 86:
ANH VỌNG NGHE
TIẾNG EM HÁT BÊN HỒ
Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
Đôi mắt mùa thu ru êm ả
Ôi, hồ xưa... những đêm trăng lộng gió
Những đêm không chiếu không màn
Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
Em mãi còn kỉ niệm trong anh
Như hạnh phúc đời anh: Cái thực là hư cả,
Cái đã hư xưa mới chính thực là mình.
Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
Chiếu ở rất xa, qua hồn ta, trong mộng ủ Ôi, hư vô... sao quặn xiết lòng ta?
Hỡi đêm tàn!
Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...
2/1996
Người thiếu nữ ấy: đôi mắt nàng như cả bầu trời mùa thu gió! Trong những đêm trăng mơ mộng giữa trời. Đó là những kỉ niệm êm đềm tha thiết của một thời, đã trở thành lưỡi dao cào xé tim anh. Thật đẹp đẽ biết bao:
Những đêm không chiếu không màn
Những đêm trăng hồ em đã từng hát để ru anh. Là những đêm của tình yêu! Đời đẹp nhất, hạnh phúc nhất là những năm tháng - Anh với em sống trong màn trời chiếu đất.
Tiếng hát mà nhà thơ bàng hoàng nghe của người yêu xưa vọng đến, trong những đêm không chiếu không màn ấy: một tình cảm vừa lãng mạn, vừa hoang xơ. Mà ta thấy ngay ở đoạn thơ đầu:
Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
Đôi mắt mùa thu ru êm ả...
Tuy chỉ là những hình ảnh gợi lại , nhưng nó đã vẽ lên một phông cảnh thật da diết, máu thịt và đam mê. Sang đoạn thơ hai:
Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
Em mãi còn kỉ niệm trong anh
Như hạnh phúc đời anh: Cái thực là hư cả,
Cái đã hư xưa mới chính thực là mình.
Trong bụi cát, năm tháng đã qua đi vùi nó vào quá khứ. Đó là tiếng hát của tình yêu! Như vẫn còn đây hơi thở của nàng, đôi môi êm ấm của nàng... vang lên bên tai anh. Tình cảm trái tim anh đang sống lại một thời với người con gái.
Nếu như ở đoạn thơ đầu - Tác giả ghi lại những cảm xúc, sự thổn thức khi nhớ đến người yêu: Từ đôi mắt như cả một mùa thu xanh, ân ái những đêm không chiếu, không màn.
Thì đến đoạn thơ hai, tình thơ lại đi vào triết lý về mối quan hệ tình yêu và cuộc sống!Thực tại và ảo ảnh. Hiện tại và quá khứ. Cái quá khứ lại trở thành tồn tại trong tâm hồn và cuộc sống của chàng. Mãi mãi bất tử! Cho nên:
Như hạnh phúc đời anh: Cái thực là hư cả
Cuộc sống anh đang sống hôm nay chỉ là hư vô, trống rỗng. Đời sống anh đang tồn tại chính là tình yêu một thời đã có với em. Nó đã qua đi! Cái triết lý so sánh ấy, đã tạo nên một thứ lôgíc mang tính lập luận - Nhấn mạnh về ý nghĩa của tình yêu! Người đọc cũng dễ dàng cảm đồng với nhà thơ.
Anh Vọng Nghe Tiếng Em Hát Bên Hồ là một bài thơ tương đối hay. Mặc dù chỉ có 3 khúc, nhưng những khúc thơ liên kết với nhau, xoắn xít trong cảm xúc mà triết lý. Tạo nên sự sâu sắc của tình thơ.
Ta hãy nghe xem trong đoạn kết (tức là đoạn thơ ba), tác giả đã nói gì:
Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
Chiếu ở rất xa.
Qua hồn ta.
Trong mộng ủ.
Nghĩa là, giống như bóng mây trên bầu trời xanh cao vời vợi: Hạnh phúc của đời anh với người con gái, những giây phút ngắn ngủi thoáng đã trôi đi. Nó trở thành giấc mơ vĩnh cửu... sống mãi, ủ ấp cuộc đời anh.
Như những vì sao xa , chiếu rọi xuống tâm hồn và trái tim anh! Để cuối cùng nhà thơ đã thốt lên giữa cảnh đêm tàn, hoang vắng của màn trời về những dĩ vãng đã xa xưa:
Ôi, hư vô - Sao quặn xiết lòng ta
Hỡi đêm tàn!
Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...
Anh chỉ còn sống trong mộng ảo cùng với nỗi cô đơn!...
-------------------
Bài thơ 87:
HOA DẠI Em ngã xuống chân đài tình ái: Vì Nền Tự Do!
Và yêu hết một đời hoa dại: Làm Bão Tố!
Khi em tắm tình em bằng máu nóng
Tấm thân ngà nổi loạn phá hồn tôi
Tưới đẫm mật đôi môi như thú tội
Trái đào ương run rẩy hướng lên trời
Miền trinh trắng chưa ai khai phá
Cháy đỏ lên tan vào cõi hư không
Cả khát vọng lẫn đàn thú dại
Chạy đổ xô trong thế giới thiên thần.
Đôi mắt đẹp từ từ khép lại
Gió ngoài hiên cửa bước ríu chân
Trời sụp xuống trước một đồi trắng dại
Và thánh ca thánh thót dưới chân nàng...
Mùa đông 1990
--------------------------------------------------------
Bài thơ 88:
ĐƯA EM VỀ BẾN BỜ
Em nhìn anh giây phút ấy nói gì?
Mà mắt chớp hàng mi run nhè nhẹ...
Tình yêu đến từ bến bờ xa vợi
Hỡi con đò người con gái đang trôi!
Anh là biển khơi xanh cho em hát suốt đời
Là ánh hoàng chiều để tình em buông tím
Cái tiếng "...à ơi" bồng con vọng đến
Là mái nhà em ngủ giấc canh khuya...
Kia bóng trăng lên cao và giọt mưa đêm!
Đời con gái em là hoa là bướm
Đậu trên tay anh sẽ đẫm tình hương phấn
Đưa em về tổ ấm nhân gian.
Tình ở chốn vô vi đi vào bến hữu vi
Như em không anh cũng hoá thành xơ xác...
Em nhìn anh nói gì, anh thầm biết
Anh lái con đò đưa em sang sông!
Mùa đông 2000
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.05.2011 13:16:04 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 89:
ĐÊM TRĂNG HÈ
Đêm trăng sáng nhớ bạn làng
Ở mái nhà buông lẩn khói sương
Lá tre rụng đầy theo lối ngõ
Cảnh khuya đang xào xạc quanh thôn.
Người đứng trong trăng không buồn quá
Bóng đa chùa nghe gió khẽ reo reo
Không còn nhớ cả hoàng hôn tím, đỏ
Hứng từng dòng nguyệt rỏ uống cô liêu!
Trăng, trăng sáng và bạn làng nơi thôn dã
Vỡ xác hè, tuế tuế trăng!...
1992
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.03.2011 00:25:51 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 90:
TRONG BÓNG CÂY NGỦ ĐÊM
Anh thức dậy khi bóng cây còn ngủ
Lòng đơn côi chợt nhớ về em!
Những nhà ga như có ai mở cửa
Con tầu chuyển bánh đến xa xăm...
Quán cô quạnh suốt đời nghe gió hú
Trăng chết đuối rồi... trắng dại... đang trôi...
Mây lang thang dưới chân trời bão tố
Thầnh phố chìm trong đêm xa xôi.
Em trở lại mong manh như huyền thoại
Vuốt ve trái tim đau nhói của anh
Nghe xáo động âm vang thành phố
Bằng hồi chuông nơi Thánh Đường trắng trinh.
Trong bóng cây ngủ đêm
Có một loài hoa không ngủ
Loài-hoa-yêu xếp đầy cánh hoa đau
Hương đã theo anh và con tầu chuyển bánh
Đến vô cùng mà chẳng biết đi đâu?
Anh khốn khổ cầm tù con tim khốn khổ
Nó muốn bay đi được âu yếm như xưa
Tiếng quả lắc đồng hồ ném thời gian ra gò gió
Rồi hát ca trên các bãi vô vi
Trong bóng cây ngủ đêm
Nghe cả sinh sôi cùng tàn rữa
Bướm mộng mơ về đậu mắt môi em
Những ô cửa bật tung - Tiếng còi vẫn rú
Và con tầu chuyển bánh... một mình anh!
5/5/1994
Trong Bóng Cây Ngủ Đêm (TBCNĐ) là bài thơ được viết dưới các hàng cây còn đang ngủ - Nó có dáng dấp của loại thơ hoành tráng:
Anh thức dậy khi bóng cây còn ngủ
Lòng đơn côi chợt nhớ về em!
Trái tim nhà thơ giống như một con tầu chở đầy ắp tình yêu, con tầu ấy chuyển bánh chạy qua những cái quán cô quạnh trong tiếng gió hú, vầng trăng chết đuối đang trôi, và những làn mây lang thang ở chân trời... Qua cả thành phố vẫn còn chìm đắm trong đêm v.v...
Tình yêu của người trinh nữ năm xưa như:
Hồi chuông nơi Thánh Đường trắng trinh!
Xáo động âm vang cả thành phố, trở về như một huyền thoại... làm đau nhói trái tim của nhà thơ! Và giống như một loài hoa không ngủ: Đó là loài hoa tình yêu! Hương cứ bay xa mãi theo con tầu của trái tim anh:
Anh khốn khổ cầm tù con tim khốn khổ
Nó muốn bay đi được âu yếm như xưa
Tiếng quả lắc đồng hồ ném thời gian ra gò gió
Rồi hát ca trên các bãi vô vi.
Tình yêu ấy vô vi nhưng nó vẫn như cánh bướm bay về, mang đến cho cuộc đời anh cả sinh sôi cùng tàn rữa... Hương vị của tình thơ cũng thật thấm thía - Nói chung TBCNĐ là một bài thơ tình đằm thắm yêu thương!...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.04.2011 02:14:28 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 91:
VỀ NƠI CU CUỘI
Về nơi cu cuội vẫn ngồi
Để xem Hằng ở trên trời hở mông
Thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân
Nam mô di phật... nửa trần, nửa tiên
Trần vì tớ cũng thịt xương
Vẫn còn ham hố tí ti tiền vẫn ham
Tiên vì coi chuyện cõi trần
Nửa tuồng cổ, nửa tuồng tân, nửa chèo
Lo xong cơm áo đều đều
Lại về dưới bóng xanh rêu tớ ngồi
Nửa mắt tớ để nhìn đời
Nửa tai tớ để nghe lời... sáo ru
Chẳng kinh kệ cũng thân tu
Nửa hồn lãng tử lu bù làm thơ
Nửa trái tim kính gốc đa
Còn nửa ngã bẩy ngã ba giống loài...
Thương người nửa khóc nửa cười
Không yêu: Phải tội, yêu rồi hoá điên!
1995
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.05.2011 13:06:59 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 92:
ĐÊM KHÔNG NGỦ
Đêm không ngủ không buồn
Thành phố mùa đông quét lá
Thành phố của những ổ chim
Âm ỉ hót phù du...
Những con chim đã phải đeo kính trắng lớn hơn "số không"
Tối tối ra đường
Nhặt những hạt sấu, cánh hoa lơ đãng
Bước đi như không có chuyện gì.
Đêm không ngủ...
Thành phố không mưa, cũng không nghe ai khóc
Nhưng tiếng quét rất bé của lá
Con chim nghe rõ nhất.
Loài chim đó bay trên thành quách
Giữa tầng cao hát khúc đời thường
Dẫu trầm luân trong bụi cát vẫn coi thường
Không tơ luỵ vua quan, không lệ làng thời cuộc.
Đêm không ngủ - Phải, đêm nay mình không ngủ!
Đúng vào đêm tranh cử ở chính trường...
Chẳng biết dưới âm ty sẽ bàu ông Tổng bí thư nào
Để diễn tiếp màn trò của Diêm Vương?
4/10/1992
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.11.2011 00:44:48 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 93:
CÂY THẦM TIẾC BÓNG
Nàng đi mãi mà không trở lại
Gió bên đường kéo liễu hát trong mưa
Và mặt nước bi bô lời than thở
Chiều buông rèm tàn tạ nắng buồn mơ.
Anh ngắm liễu bên hồ càng nhớ bóng
Ai ru mình trong trăng sáng nép vào anh
Làn da trắng vòm ngực nàng hưng phấn
Tan tành rồi! Ôi mộng, thuở ái ân...
Người đàn bà ra đi không trở lại
Để cây thầm tiếc bóng hoá bơ vơ
Và gió nữa cũng giông cuồng rồ dại
Hồn thi nhân tan tác giữa hư vô.
Đôi mắt đẹp nàng dịu dàng đong trời biếc
Thân hoa thơm mà lại ủ bão dông
Anh tê dại cõi hồn hoang biền biệt
Bao sầu tư vương vấn các nẻo đường.
Người đàn bà ra đi không trở lại
Bãi cuộc đời cát bụi gió mưa
Hoa sẽ úa, nhị sẽ tàn và lụi
Một đời trôi theo năm tháng xô bồ...
9/7/2005
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.05.2011 12:33:31 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 94:
GỬI EM QUÃNG ĐỜI CHIỀU
. Tặng Thuận Vy - khi đọc tập thơ
"Giấc mơ ban mai" của em *
Anh lắng những dòng thơ mơ giấc ban mai
Lặng lẽ đón trái đời ngọt lịm
Hôn nhè nhẹ đôi môi hồng bịn rịn
Tình muôn đời - Hạnh phúc đẫm đầy tay.
Xin ào ạt lên dông bão của ta ơi!
Sóng cũng cấu vụn em đừng tiếc tưởng
Anh làm biển làm hồ cho em tắm
Thành phố chúng mình vui, em nhỉ? đón đôi ta!
Con thuyền tình khả ái với phong ba
Ta cúng nén hương thơm trái tim thời con gái!
Em Hoá Thánh dù cởi truồng không che đậy
Êm đềm trôi và nước mắt tuôn trào...
Biển rì rào! Biển vẫn rì rào!
Hàng thông anh reo hát lời vô tận
Ta dẫu chết nhưng hai trái tim không yên lặng
Anh yêu em không cần có áo quần.
Hãy ào ạt đi dông bão của tình em!
Sóng gào thét đừng bao giờ phẳng lặng
Vì tất cả rồi sẽ vào cõi vắng
Dầu anh có thương em vỗ tan bờ.
Hãy ào ạt lên cho cuồng loạn những dòng thơ!
Giây phút cuối ta ghì xiết lấy nhau, xé hư vô thành điên dại… 23/4/1999
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.04.2011 03:06:50 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 95:
EM VỀ BIỂN
Bờ Bãi Đời Người - Cuộc Sống Tình Yêu
Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân Phật tổ!
Ta cũng thể loài cua còng trong bể cả
Yêu thương nhiều hưởng đã bao nhiêu.
( Tặng K.A : người nữ sinh trường SPNN năm xưa,
quê hương thành phố biển ) Em về biển để vùi vào trong cát
Nỗi buồn nước mắt
Những nát tan vòm ngực đã thương đau.
Biển cứ vỗ tan... nát tình biển cả
Xô mãi bờ với lá thông reo,
Người thiếu nữ ấy dần thành cát trắng
Mang nỗi niềm không biết đã đi đâu?
Tháng năm trôi, tình cũ cháy như khêu
Dòng suối thần tiên nuôi đời ta mục ải
Đôi gót đỏ ánh mắt nhìn thơ dại
Đã thổi thành bão tố ở trong anh!
Hàng bạch đàn năm xưa còn đó
Anh còn đây, em hỡi! Anh còn đây,
Nhớ những buổi đón em bên cổng trường sinh ngữ
Tóc nửa bạc rồi chỉ thấy gió mưa bay...
Tóc nửa bạc rồi... tình vẫn đó , em ơi!
2/12/1993
Có lẽ sau khi tốt nghiệp trường SPNN, người nữ sinh đã trở về sống và công tác trên quê hương thành phố biển của em , để lại phía sau cả một mối tình dang dở - Với một:
Nỗi buồn nước mắt
Bài thơ kể lại câu chuyện về mối tình của người con gái đó đối với nhà thơ. Một mối tình đầy lệ!
Em về biển để vùi vào trong cát
Nỗi buồn nước mắt
Những nát tan vòm ngực đã thương đau.
Hình ảnh "cát" ở đây mang đầy màu sắc thơ siêu thực:
Em về biển để vùi vào trong cát
Nghĩa là - Dạt vào trong chốn gió bão cuộc đời. Cát bụi chân trời...Nó còn được tác giả khắc hoạ lại một lần nữa:
Người thiếu nữ ấy dần thành cát trắng
Một bãi cát cuộc đời trắng phau, vô vi. Tình yêu bị tan vỡ, người nữ sinh ấy ôm vết thương lòng ra đi! Biển - Là thành phố quê hương em.
Nhưng biển ở đây cũng là Bãi Biển Đời Người. Trở thành những biểu tượng "tình em biển cả", "biển cuộc đời" đầy sóng bão, người sống trong nó và... nó có thể nghiền nát con người:
Biển cứ vỗ tan... nát tình biển cả
Xô mãi bờ với lá thông reo
Người thiếu nữ ấy dần thành cát trắng
Mang nỗi niềm không biết đã đi dâu (?)
Biển tự quặn đau dâng ngập bến ngày đêm. Để rồi chính biển lại tự xé lòng mình thành tan nát. Nó khao khát về một thời dĩ vãng, khi hàng thông bên bờ vẫn vi vút gió reo:
Xô mãi bờ với lá thông reo
Cái hàng thông năm tháng đứng trên bờ biển hát, khắc khoải về người trinh nữ... Vừa như sự vô tình, vừa hữu tình của thiên nhiên, một cách thơ mộng mà xa xót lạnh lùng.
Sự nghịch lý ngỡ như vô tri giữa tạo hoá và bể tình đời đầy nước mắt - Như tình em năm tháng cào xé mãi không thôi! Người con gái đã đi không trở lại:
Mang nỗi niềm không biết đã đi đâu?
Tôi xin bình bốn câu thơ làm tựa đề của bài:
Bờ Bãi Đời Người - Cuộc Sống Tình Yêu
Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân Phật Tổ!
Ta cũng thể loài cua còng trong bể cả
Yêu thương nhiều hưởng đã bao nhiêu.
Như Puskin đã từng nói: Chỉ có tình yêu mới giết được thù oán!... Tình yêu của em đưa ta về nơi thánh thiện. Em chính là cả toà sen nát bàn Phật Tổ của đời anh! Thế mà trên Bờ Bãi Con Người ấy, thân phận em vẫn nổi chìm như kiếp rong rêu.
Thì ra, tình yêu không chỉ là hạnh phúc, mà còn là bi kịch đớn đau trong cuộc đời. Cái triết lý hình tượng của 4 câu thơ đã đạt đến điểm đỉnh, nó khái quát nội dung tư tưởng của toàn bài. Để đưa tấm phẩm bích Em Về Biển (EVB) , vào trong ngôi đền, miếu mạo của thi ca.
Đây là 4 câu thơ hay nhất bài - Đặt vương miện cho cả tình thơ! Tôi xin bình tiếp vào bài:
Tháng năm trôi. Tình cũ cháy như khêu
Dòng suối thần tiên nuôi đời ta mục ải
Đôi gót đỏ ánh mắt nhìn thơ dại
Đã thổi thành bão tố ở trong anh!
Tình cũ như ngọn đèn càng khêu càng cháy. Người con trai cũng như cây thông mỏi mòn mãi, năm tháng dần thành mục ải... Thì - Mối tình trong trắng thơ ngây, thơm mát như ban mai của người con gái xưa lại hiện về, xoa bớt nỗi đau của lòng anh.
Hình ảnh người sinh nữ âm thầm lặng lẽ mà cào xé, tưởng như những trận bão lòng không dứt.
Thi sĩ Bích Khê là một thi nhân có danh tiếng thời tiền chiến. Ông đã viết một bài thơ có tiếng tăm: Tranh Loã Thể - Khi ông miêu tả:
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?...
Hay là:
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
Nghĩa là, tất cả những khuất khúc, những nét đầy phong hoa ngọc thể của tấm thân người thiếu nữ chứa vô vàn châu báu:
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi
V.v...
Như Hàn Mặc Tử có nhận xét về ông: "Ở Tranh Loã Thể, sự trần truồng dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của trăng và của tuyết - Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì từ thực tế thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu".
Nói như thế để ta thấy rằng: từ sự thực thành chiêm bao, hay từ chiêm bao sang huyền diệu... là thế giới mộng mơ của người thi sĩ! EVB tuy không đi sâu vào miêu tả tấm thân bên trong của em , hồi ức chỉ phục lại những ấn tượng có tính điển hình qua các hình ảnh:
Đôi gót đỏ ánh mắt nhìn thơ dại
Hay vòm ngực tan vỡ của người yêu !... như ở trên đã phân tích. Sự trần truồng, dù đó là sự trần truồng trinh trắng, cũng đều không thấy xuất hiện trong bài thơ này.
Chỉ có những hương vị thơm tho nên thơ, thanh thoát được hiện lên. Đó là những hình ảnh mang đầy cảm xúc da diết , mộng mơ, năm tháng không phai nhoà trong anh.
Đời hiện hữu mà tình yêu lại là ảo ảnh - Cuộc sống chỉ còn là một bãi cát vô vi, trắng phau... để những trận bão gió lòng anh thổi mãi không thôi!
Đến đây một mảng thơ hiện thực được tràn vào, tình thơ lại càng thêm tha thiết:
Hàng bạch đàn năm xưa còn đó
Anh còn đây - Em hỡi! Anh còn đây,
Nhớ những buổi đón em bên cổng trường sinh ngữ...
Những buổi đón người yêu bên cổng trường - Nó gợi lại bao nhiêu kỉ niệm, để nói về một thời đôi trai gái đã say đắm yêu nhau. Bóng trăng huyền diệu thuở ấy, bước đi em nhè nhẹ, những chiếc lá rơi dưới chân khẽ khua lên xào xạc.
Ôi! Tấm thân của người con gái như một tảng thiên thạch trinh trắng vô vàn, cuốn hút cả những linh hồn. Chạm vào thiên thạch ấy, mọi sức mạnh đều tiêu tan mềm nhũn, để tan hoà thành nước.
Ánh mắt, đôi môi, cả cặp "tuyết lê" trắng ngần, trinh khôi của người thiếu nữ... tựa như đôi mỏm núi kì vĩ nhô lên làm nên luỹ thành sừng sững nghìn năm, và là thiên kiệt tác nhân sinh của loài người! Khi ta áp môi hôn, khi đôi bàn tay man dại của tạo hoá đặt vào đó : nó nóng hổi và huyền thoại...
Ta từng sống qua nửa thế kỉ, chứng nhận bao điều lớn lao cùng những điên đảo xẩy ra trong thế giới loài người - Để cuối cùng lại quay về, chỉ ngợi ca em bất tử hơn mọi thứ trên đời!
Thế mà, đời người như bóng câu bay qua trong vòm trời vô định, tất cả đều tan vỡ lẫn vào trong cát bụi cuộc đời:
Tóc nửa bạc rồi chỉ thấy gió mưa bay...
Tóc nửa bạc rồi! Tình vẫn đó - Em ơi!...
Tình thơ EVB đã được kết thúc ở đó. Mái tóc sương của nhà thơ soi xuống dòng sông vô cùng vô tận của thời gian, lẫn nhoà trong tiếng gió mưa phủ kín đất trời.
Ta khóc cho bể tình chính là để ngợi ca muôn năm bể tình ấy! Anh đã hát và hát mãi - Để rồi năm tháng qua đi... lặng lẽ mà héo úa, như những chiếc lá vàng rơi rụng xuống , phủ lên trên cuộc đời em một nấm mộ tình!...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.05.2011 12:30:48 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 96:
BÀ CHỦ QUÁN
Bà chủ quán giữa chiều sương nhạt tái
Bước đến bên những người khách và tôi
Trời ảo não bỗng nhiên bừng cháy
Nàng hoá trung tâm của cả chiều này.
Món chả cá Quán Nàng nổi tiếng
Nàng còn nổi tiếng hơn món chả cá kia
Có bao khách sững sờ khi đến quán
Cứ tiếc thầm lúc họ phải chia ly!
Cổ ba ngấn trắng hơn làn tuyết
Vòm ngực Nàng gờn gợn sóng thu ba...
Ai bảo xế tà? - Nàng đẹp hơn độ trước!
Thêm chuỗi dây chuyền vàng và chiếc váy thêu hoa...
Nghề kinh doanh là một công việc thiện
Vẻ kiêu sa viên mãn đến với nàng
Nâng trị giá bản thân: Hàm phẩm tước!
Một nửa công tạo của trời, còn nửa bởi giàu sang
Bà chủ quán bước ra ngoài đón khách
Bóng Nàng đi dẫm bẹp cả hoàng hôn...
20/12/1993
Vào một chiều quán nhợt nhạt, bỗng sự xuất hiện của bà chủ quán như có một ngọn lửa làm cho tất cả ấm nóng lên:
Trời ảo não bỗng nhiên bừng cháy
Nàng hoá trung tâm của cả chiều này
"Bà" giờ hoá thành "nàng" , giống như bài thơ tuy nói về quán xá lại hoá thành bản tình ca!...
Món chả cá Quán Nàng nổi tiếng
Nàng còn nổi tiếng hơn món chả cá kia!
Cách so sánh ấy mà lại để nói về vẻ đẹp của phụ nữ: hơi pha trộn kiểu găng-tơ, nó có hương của mùi cỏ, có vị của dân dã... tạo nên một hương sắc riêng - Tình mà vẫn đời, đời lại hoá tình pha trộn như hoá học. Rồi tác giả tả về vẻ đẹp của Nàng:
Cổ ba ngấn trắng hơn làn tuyết
Vòm ngực Nàng gờn gợn sóng thu ba...
Ai bảo xế tà? - Nàng đẹp hơn độ trước!
Thêm chuỗi dây chuyền vàng và chiếc váy thêu hoa.
Sở dĩ Nàng đẹp , Nàng sang trọng, vị trí Nàng cao lên được nhiều người chiêm ngưỡng: Bởi vì Nàng nhiều tiền, Nàng giàu.
Nhưng cái giá trị con người Nàng được nâng lên vì nhiều tiền của, giàu có ấy... Nó được tính theo phẩm hàm như: thiếu tá, trung tá, đại tá... Chứ không phải là tiết hạnh hay đức độ! Như tác giả đã triết lý:
Nâng trị giá bản thân: Hàm phẩm tước!
Sang đoạn thơ thứ tư, tác giả đã phát biểu thái độ nhân văn, cũng như chính kiến của mình đối với xã hội:
Nghề kinh doanh là một công việc thiện
Vẻ kiêu sa viên mãn đến với Nàng...
Nghĩa là anh ủng hộ cho việc nhờ kinh doanh lương thiện, buôn bán mà giàu có. Lại sang một khía cạnh khác - Anh tiếp tục triết lý về sắc đẹp của Nàng :
Một nửa công tạo của trời - Còn nửa bởi giàu sang.
Nàng đẹp lên vì giàu có, nhiều tiền đã đành - Nhưng nếu Nàng lại xấu như Thị Nở, thì có mà đắp đầy vàng vào người, có khi càng khó coi!
Từ phạm trù kinh tế duy vật, đến đây tác giả lại tràn sang cả lĩnh vực của sự thiên bẩm bởi tạo hoá v.v...Làm cho góc cạnh, ý tình thơ thêm giàu tính triết học, sinh động, sâu xa.
Nhưng hai câu thơ hay nhất bài chính là hai câu kết:
Bà chủ quán bước ra ngoài đón khách
Bóng Nàng đi dẫm bẹp cả hoàng hôn...
Nó mang mầu sắc thơ siêu thực. Chỉ cái bóng Nàng đi mà... "dẫm bẹp cả hoàng hôn" - Chà! Đồng tiền mới có sức mạnh làm sao?
Bài thơ đã đề cập đến ý nghĩa vật chất trong xã hội: Mối quan hệ giữa đồng tiền và con người! Cũng như trên đã nói - Vì thế mà tạo nên cái hay, mang một sắc thái riêng vẫn chan chứa chất tình đời của một tình thơ!...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.05.2011 13:01:37 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 97:
VẦNG TRĂNG CHE KHUẤT
Gió đưa mây bay qua vầng trăng
Che khuất khoảng trời sáng tỏ
Đời cũng thế: biết bao điều nhảm nhí
Thường lấp đi mặt nguyệt đêm rằm.
Qua song cửa bóng đa lồng mái phủ
Ngôi chùa con bên phố cầu kinh
Ôi, vầng trăng như cái ấy nữ sinh
Cứ trắng toát xoè tấm thân ngà ngọc.
Đêm nay nữa anh giật mình thức giấc
Chẳng hững hờ nhưng biết làm sao?
Chuyện áo cơm đành đổi cả trăng sao
Cứ lỗi hẹn, tháng năm dài vẫn bỏ.
Gió vẫn đưa mây qua vầng trăng tỏ
Thảo đôi dòng cho đỡ tiếc nguyệt ơi!
Ngày mai rồi sẽ đến một ngày thôi
Mái đầu anh cũng trắng như trăng vậy.
Và có thể dưới nấm mồ đầy cỏ dại
Mới thanh nhàn hưởng trọn ánh trăng soi...
Đêm 26/4/2002
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.04.2011 02:02:23 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: