(URL) THƠ TÌNH CỦA PHẠM NGỌC THÁI
Bài thơ 98:
THIẾU NỮ VÀ TỐI VẮNG
Bóng thiếu nữ hiện về phố vắng
Chút tình nhè nhẹ lắng hơi sương,
Đời buồn tẻ, cát bụi đầy cuộc sống
Ta muốn lạc hồn ta vào mộng ảo yêu thương...
Tình như lá khô rơi xao xác
Đời chiều tàn... rêu bám khắp trái tim
Em tựa mảnh trăng rằm trinh khiết
Soi mơn man khát vọng sống trong anh.
Tối cứ tối - tháng ngày sau chiều vắng
Trôi về đâu? vất vưởng bến bờ đâu?
Hồn anh đã hư không, lòng thì tang trắng
Văng vẳng bờ xa cơn bão của tình yêu...
Thiếu nữ đi về trong gió thổi
Cuối mùa thu trời lạnh vào đêm,
Mảnh trăng sáng soi đời anh ảo vọng
Tiếng tơ lòng anh hát khúc ru em!...
Mùa thu 2005
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.12.2011 12:58:45 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 99:
CHIỀU HOÀNG HÔN
Hồn mây gió lang thang
Mà đầm đìa mưa bão
Đời - tư lợi không tham
Chán trò danh bốc hão!
Chưa đi đến tuổi già
Mà yêu hoàng hôn đỏ
Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...
Soi mặt nước xanh veo
Trầm tư và lặng lẽ
Đàn muỗi phố đã kêu
Quanh bàn nơi quán nhỏ
Chiều đang buông dần chiều.
Sợi tóc mình ngơ ngác
Có nên bạc hay không?
Tuổi trẻ sợ già nhanh
Giờ điềm nhiên đến lạ
Cái mầu hoàng hôn đỏ
Cháy như là khai sinh!
Ôi, hoàng hôn hoàng hôn
Trái tim là bất diệt!
Ngày mai anh có chết
Cũng nhẹ như lá vàng.
Mang suối tóc của em
Đi rồi yêu vĩnh viễn
Anh sẽ hoá rừng thông
Ngàn năm reo cát, sóng...
1/1/1994
Vào một chiều trước khi trời tối, bóng hoàng hôn chiếu hắt trên nền trời, qua làn mây xa đỏ rực. Nhà thơ đang ngồi trong một cái quán nhỏ bên phố, ngẫu cảnh ngẫu tình mà viết ra:
Chưa đi đến tuổi già
Mà yêu hoàng hôn đỏ
Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...
Sự xốn xang này là của mặt trời đỏ hay trong trái tim nhà thơ đây? Con người sớm yêu bóng chiều hoàng hơi cô liêu này, hẳn cõi lòng cũng đã đi vào độ sâu lắng của cuộc đời!
Nhưng đây là cảm quan trước cái mầu đỏ cháy rung rinh như sắp muốn nổ tung ra trong trời đất, hoà vào tâm trạng bồi hồi suy tư của nhà thơ mà cảm xúc ra:
Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...
Bắt đầu vào thơ nó đã tiên phá cho những sự bùng nổ của nội tâm tác giả - Sang đoạn thơ hai, có một cái gì đó hình như hơi đìu hiu, quạnh quẽ đã hắt lên trong hồn anh:
Soi mặt nước xanh veo
Trầm tư và lặng lẽ
Bóng nhà thơ đang thầm soi mình xuống mặt hồ nước xanh ngắt ấy. Đọc lên - Ta lại nhớ đến những câu thơ mang đầy tâm trạng u uẩn của nhà thơ Nguyễn Bính:
Mấy thằng bất nghĩa xin đừng tới
Để mặc thềm ta xanh sắc rêu...
Rõ ràng sự " trầm tư và lặng lẽ" này đã không hề còn trầm lặng. Xung quanh thì:
Đàn muỗi phố đã kêu
Quanh bàn nơi quán nhỏ
Chiều đang buông dần chiều.
Những con muỗi cứ kêu vo ve ở ngoài đời, nó đốt ta đến là khó chịu. Nhưng khi được đưa vào trong thơ lại trở thành hình ảnh rất thi vị... Tạo cho Chiều Hoàng Hôn (CHH) nằm trên một bức phông cảnh đời rất thực, đời sống ấy đang thường nhật.
Những nét thơ phố này, cũng làm cho tình thơ thêm sống động và phong vị cảnh quan hơn. Đến đoạn thơ ba - Thì nỗi lòng sâu kín nhất từ lòng tác giả như mạch suối ngầm đã được bắn oà ra:
Sợi tóc mình ngơ ngác
Có nên bạc hay không?
Nhà thơ Trúc Thông khi bình thơ hay về bài CHH, đến đoạn này ông đã viết (xem trong tuyển Thơ Hay Có Lời Bình của NXB Thanh niên năm 2001, tr.200-208):
" Bài thơ được viết một mạch vì đã đi vào trúng mạch thơ dần dần đã hiện ra ở khổ thơ thứ ba:
... Tuổi trẻ sợ già nhanh
Giờ điềm nhiên đến lạ
Chính mạch đây rồi! Thơ lập tức vọt ra:
Cái mầu hoàng hôn đỏ
Cháy như là khai sinh!
Khai sinh cái gì? Khai sinh một thức ngộ:
Ngày mai anh có chết
Cũng nhẹ như lá vàng
Thật sung sướng, thật hạnh phúc khi tự mình thức ngộ, sở hữu một triết lý sống an nhiên, tự chủ, tự tin đến vậy. Coi chết không là gì, để sống đắm đuối hơn, mở rộng tình yêu, tình người đến vô biên :
Mang suối tóc của em
Đi rồi yêu vĩnh viễn
Chỉ là biểu hiện vừa cụ thể, vừa tượng trưng cho nhân tính phát triển cao chứ không phải khoanh vào một "em" nào. Người đã biết thức ngộ:
Trái tim là bất diệt!
Như trong bài thơ này, không thể cuồng say một cách ích kỷ đàn bà theo lối sở hữu và bạo hành ".
Xin trở lại với hình ảnh câu thơ nói về "sợi tóc mình ngơ ngác" - Nhân cách hoá mái tóc nhà thơ là câu thơ hay! Nó ấp ủ tâm tư thầm kín của tác giả chạnh nuối về tuổi trẻ... với cái tình cảm yêu đương trai gái say đắm thường tình ấy của cuộc đời. Khi nhà thơ tự hỏi:
Có nên bạc hay không?
Có nghĩa là chính đầu anh đã chớm bạc mất rồi! Phải chăng cũng giống như Xuân Diệu đã từng viết:
Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi... tình non sắp già rồi!
Nhưng không - Bên một chút buồn vừa thoáng qua lòng tác giả ấy, cái tình cảm luyến ái một thời... giờ theo mái tóc đã điểm gió sương cứ dần dần rời xa anh.
Ta lại thấy một mảng đời khác đang xô đến, vụt phá trong tâm hồn của nhà thơ! Đó chính là cái nửa cuộc đời chiều đang khai hoa kết trái, đầy niềm tin yêu đẹp đẽ:
Cái mầu hoàng hôn đỏ
Cháy như là khai sinh!
Để lòng tác giả bình thản lại, ung dung mà đón nhận tuổi hoa niên của đời mình.
Còn bàn về tiết tấu nghệ thuật - Cũng xin lấy lời của nhà thơ Trúc Thông đã bình :
" Đây là lối thơ cảm khoái theo thể năm chữ: Bắt đầu vào dần để gây không khí tịnh tiến như ông thầy bắt mạch. Sau khi mạch thơ đã vọt trào, tác giả viết tiếp thoải mái và vững vàng... ý,tình, hình ảnh, âm điệu đều hay, không quá bốc, vừa sung mãn đúng độ. Cổ thể nhưng ý tình hiện đại.
Song cảm xúc hiện đại đã làm Phạm Ngọc Thái quên phắt mình đang tuân theo lối thơ năm chữ , buột phá:
Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...
(câu này 7 chữ - và nhà bình thơ nhấn mạnh)
Sự nổi dậy của cảm xúc thơ thời đại mới nhắc nhở rằng: Trong khi tận dụng hết cái cổ điển của thể loại truyền thống, chúng ta có quyền cơi nới, biến động. Nhưng phải là tự do trong qui luật của nghệ thuật. Nghĩa là mức độ có tiết chế, hài hoà...".
Nhưng sở dĩ tác giả đã có một triết lý sống an nhiên, thanh thản như lời nhà bình thơ trên - Còn xuất phát từ một nỗi lòng sâu xa khác, mà ngay trong đoạn thơ làm tựa đề của CHH đã được cô đúc lại:
Hồn mây gió lang thang
Mà đầm đìa mưa bão
Đời - tư lợi không tham
Chán trò danh bốc hão...
Anh trở về với cuộc sống trong thanh tao yên tĩnh, để sống cho trọn hết nghĩa đời. Nếu có phải từ giã với cuộc sống ra đi... thì lòng anh cũng chỉ nhẹ thoảng như một làn gió bay, như bóng chiều hoàng dần tắt sau một ngày đã đốt hết mình để nắng.
Trái tim anh cũng đã đập trọn nhịp cho cái ngày đó:
Ôi! Hoàng hôn hoàng hôn
Trái tim là bất diệt!
Ngày mai anh có chết
Cũng nhẹ như lá vàng
Thực ra hình ảnh câu thơ như chiếc lá vàng rơi... đã mang ý nghĩa của sự vô vi cát bụi. Song điều đáng nói ở đây , bao trùm lên cả chính trị, khoa học, triết học - Là tình yêu và cuộc đời!
Chỉ có tình yêu trường cửu mãi không già... Nó đã được vụt lên trong bốn câu thơ kết bài, tạo thành một bức phông cảnh lớn nhất, hoàn bích nhất của CHH:
Mang suối tóc của em
Đi rồi yêu vĩnh viễn
Anh sẽ hoá rừng thông
Ngàn năm reo cát, sóng...
Đó cũng chính là bản tuyên ngôn của CHH - Là bài ca cuộc sống! Cát và sóng - Phải, trên biển cả mênh mang trường tồn vô định kia, bãi cát trải dài, nó vô vi xoá đi bao hạnh phúc lẫn khổ đau của con người... Nhưng ngàn năm thì sóng vẫn xô vỗ mãi lên bờ cát, vẫn thét gào như sự sống mãi mãi còn tồn tại.
Cát cứ xoá, sóng cứ gào vỗ trên biển cả - Đấy là cuộc đời! Hiện hữu và hư ảo... sắc sắc và không không. Bản tuyên ngôn về tình yêu trai gái bất hủ ấy đã kết lại tình thơ! Để mang CHH đi về phía mặt trời , mặt trăng của sự sống vĩnh hằng , bất diệt.
Ngôi nhà kì vĩ nhất thế giới, mở ra và khép lại - Là ngôi nhà có người con gái đi, về... và sống ở trong đó! Đến đây ta còn thấy CHH chính là bản tình xô-nát, vượt lên trên tất cả mọi đế chế, thần tượng cũng như những niềm tin Thánh Giáo khác.
Cuộc đời - Cuộc đời chỉ có cát, sóng với tình em biển cả! Cứ xô vỗ, cứ thét gào cào xé, say đắm dập vùi... cứ thế, và cứ thế muôn đời!...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.05.2011 12:09:23 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 100:
KHÚC MÙA THU
Mùa thu trôi theo bóng em đi
lá vàng rơi cuốn theo chiều gió
Em vẫn về nơi trái tim gõ cửa
Hồn anh bay trong đám mây qua...
Em mộng điều gì ở giữa canh khuya? Nơi bờ bãi cuộc đời sau ngày mệt mỏi
Nhớ những êm đềm cùng nhau thuở ấy
Nay mồ cỏ dại phủ thay hoa.
Mùa thu ơi!... gợi lại bến bờ xưa,
Bóng em đi dưới hàng cây xào xạc
Đôi mắt em ru khúc mùa thu thầm nhắc
Giữa đất trời chỉ có anh và em.
Tình hết rồi, thu đổ vỡ không gian
Cánh chim bay hoang, bàu trời giông tố
Anh gảy cung đàn thơ buồn nhớ
Và tiếng chuông chùa văng vẳng đâu xa...
16/8/2005
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.11.2011 17:28:33 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 101:
UỐNG CẠN MUÔN HỒN
Một mình nói chuyện với một mình
Vợ lại bảo rằng anh hơi hâm
Ta cười khà cái rồi nâng cốc
Uống cạn muôn hồn cả thế nhân!
Một tay vuốt nhẹ thơm tóc Phật
Bên này sờ soạng vén váy tiên...
22/2/1995
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.05.2011 12:11:52 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 102:
HOA TÌNH DĨ VÃNG
Em nhè nhẹ mong manh như sợi nắng
Dòng yêu thương dĩ vãng chảy về anh
Mắt em sáng làn da không thật trắng
Mà một thời... ta từng đã thương em!
Ta trèo lên ngọn Hoàng Liên Sơn với một mảnh trăng trên đỉnh núi
Xuống dưới trần làm kỉ vật tình yêu!
Người bạn gái tóc chớm hoa sương lòng ta còn nhớ mãi
Vẫn như hồi tuổi mười sáu trong veo
Tiếng ta vọng trong mịt mùng sâu thẳm
Về đây em đặt một nhành thơ...
Dẫu năm tháng em đã khác xưa nhiều lắm
Có hề chi! Bởi tình yêu là không bến không bờ.
Ta không ví em như đỉnh Hoàng Liên
Chỉ gọi thầm thì trong làn hương gió thoảng...
Suốt cuộc đời ta đi giữa thu bay
Sống cũng mộng và yêu cũng mộng
Một chút "hoa tình" ta hái tặng em đây!
16/7/2002
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.05.2011 13:27:25 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 103:
DẮT CON ĐI
.Tặng con trai Phạm Ngọc Bảo
(viết năm con lên hai tuổi)
Cha dắt con đi dưới hàng cây khuya
Phố của con thầm yên giấc ngủ
Ngôi chùa cổ và bóng đa cổ thụ
Phía hồ Tây se gió chớm đông về.
Tiếng lá bay xao xác vọng tàn thu
Buổi chiến tranh âm hao còn vẳng lại
Những bề bộn đời thường chiều mệt mỏi
Con là hạt ngọc của lòng cha!
Quê hương là mái nhà con ở
Có thiên nhiên với con người nữa
Ngày mai rồi con sẽ lớn khôn
Cha dắt con nghe những hàng cây râm ran.
Ru khe khẽ tiếng gọi thầm trong cỏ
Đất cựa mình hay hạt đang nứt vỏ?
Trên nhành cao động nhỏ một loài chim
Cuộc sống nào cũng từ mầm sống gieo lên!
Cha đã cấy cánh đồng chung xã hội
Gần trọn cuộc mai lại nhường con cấy,
Nói làm gì, con sẽ thấy con ơi:
Lẫn trong đá sỏi cuộc đời...
con hãy tự tìm lấy sắc hoa tươi!
8/12/1994
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.04.2011 13:15:27 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 104:
BÊN CHÙA TRẤN QUỐC
Nửa đêm gió trở chùa Trấn Quốc
Chân trời nứt toác chớp mây mưa
Ta đi lững thững bên bờ nước
Ngắm bóng chùa thiêng ngút ngàn xưa...
Hồ phủ bèo xanh nước loang rêu
Giống má phù du nổi cũng nhiều
Gió quất trời Âu nào ai khóc? (**)
Thơ cũng như chùa tự nhiên siêu!
Hà Nội - năm 1991
(**) Giai đoạn này hàng loạt nước XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ, nhưng nghe tin ấy lòng người cũng dửng dưng!
Bài thơ được viết vào năm xẩy ra nhiều sự kiện chính trị bạo loạn trên thế giới: Phe XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ , thế thái nhân tình như lạc vào màn sương khói...
Ở trong nước - Tình hình xã hội cũng nhiều phức tạp. Kinh tế thì sa sút, thấp kém. Dân tình nhiều nơi rơi vào cảnh nghèo khổ, cùng quẫn. Đạo lý và nhân cách xã hội thì xuống cấp. Cảnh đời lại đẻ ra thêm nhiều ngang trái, bất công.
Tệ nạn quan cách từ bé cho đến cấp cao tham nhũng nhung nhúc như những giống phù du, tầm gửi ăn bám, bọn cơ hội nẩy sinh nhan nhản.
Ác thiện nhập nhèm, lòng tin giảm sút. Lúc này càng nhiều người đi chùa chiền hương khói: Người ta lễ Phật để cầu phúc cầu may, mong cho cuộc sống yên bình. Những người có đức vị tha, giàu lòng nhân ái...thì qui mình nơi cửa Phật để tĩnh tâm.
Từ thôn quê tới thành phố nghi ngút khói hương, hướng cả tâm linh vào cõi Phật. Một mảng của đời sống hiện thực đã được tràn vào trong thơ, bởi chính tác giả cũng ở trong tâm trạng ấy!
Anh sống ẩn mình qui an ở cõi thiền - Để rồi trong một đêm mưa gió, bài thơ Bên Chùa Trấn Quốc (BCTQ) đã ra đời:
Nửa đêm gió trở chùa Trấn Quốc
Chân trời nứt toác chớp mây mưa
Ta đi lững thững bên bờ nước
Ngắm bóng chùa thiêng ngút ngàn xưa.
Nhưng tại sao lòng anh lại tĩnh lặng đến thế? Phần do cuộc đời va vấp, trải nghiệm cũng nhiều, anh không còn hay bùng nổ như thưở còn trẻ. Cách nhìn nhận của tác giả về thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc và điềm tĩnh hơn.
Cứ đọc bài thơ Viết Sau Đám Xe Tang - Khi anh bàn về thế sự thì đủ biết:
Cuộc cờ ấy theo thời như hội
Vàng đỏ trắng đen... thay sắc luân hồi
Từ anh nhà thơ tới đứa ăn mày
Mấy ai tránh nổi trò sấp ngửa?
Phần khác, ở khía cạnh nào đó anh đã có ảnh hưởng theo quan niệm Phật! Lãng quên, dường như tác giả bàng quan thờ ơ với tất cả... đi vào chiều sâu lặng lẽ:
Ngắm bóng chùa thiêng ngút ngàn xưa
Ở nơi đó là nhân bản và thánh thiện! Có lẽ về phương diện chủ đạo khuynh hướng tôn giáo trong cuộc sống cũng như thi ca của nhà thơ - Đã mang theo một quan điểm có tính thần thánh đối với cả vũ trụ, trong thế giới và xã hội con người.
Tôi quay trở lại để phân tích thêm một số nét nữa của đoạn thơ đầu :"Một đêm gió trở..."- Nghĩa là vào cái giai đoạn giao thời , giấp gianh. Hai chữ " nửa đêm" ý là như thế! Nhưng nhìn ra địa cầu, thế giới kia :
Chân trời nứt toác chớp mây mưa
Chớp mây mưa nhằng nhịt làm cho chân trời nứt toác , chính là bối cảnh đảo loạn , hỗn độn của nền chính trị thế giới. Còn trong đoạn thơ hai, có một câu ta cần lưu ý:
Gió quất trời Âu nào ai khóc?
Tại sao lại: "...nào ai khóc?" - Đó chẳng qua cũng chỉ là hệ nhân quả tất yếu mà thôi! Bố ác thì con không thể thương được!...Sở dĩ cả hệ thống XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ, trước hết do chính nó trì trệ và thậm chí... ở một phương diện nhất định còn bị thoái hoá.
Như câu châm ngôn: Dân đẩy thuyền đi nhưng dân cũng lật thuyền - Cho nên cả thế giới lao khổ nhìn những thành trì ấy bị sụp đổ mà vẫn thản nhiên, không ai khóc và không ai thương tiếc cả!
Bởi vì sau khi giải phóng đất nước ( tôi vẫn đang nói về các nước XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ) , cái thành trì ấy lại đẻ ra đầy rẫy những bất công và tệ nạn... người dân lại vẫn là những nạn nhân khốn khổ.
Nhưng những xã hội mới thay đổi kia liệu có phải đã thực sự là của dân chưa? Hay cũng chỉ lại rơi vào cảnh nội chiến tương tàn - Thì đó thuộc về một phạm trù khác, mà bài thơ BCTQ này không đề cập đến.
Bài thơ chỉ phục lại mấy nét thời thế, có tính hiện thực của một giai đoạn trong xã hội cùng thế giới mà thôi! Như Lê Nin Người từng nói: Làm cách mạng đã khó, nhưng bảo vệ và giữ vững được thành quả cách mạng còn khó hơn!...
Bài thơ bao phủ màu bóng Phật... và có thể coi đó như một bài bình luận cô đúc về thế sự. Không chỉ tôn sắc "chùa" mà nhà thơ còn đề cao cả chân giá trị thánh thiện của thi ca:
Thơ cũng như chùa tự nhiên siêu!...
Lịch sử và xã hội dù có thăng trầm biến đổi - Nhưng mãi mãi chùa cũng như thi ca sẽ là những giá trị bất hủ vĩnh hằng, mà tác giả đã lấy đó để kết lại trong dòng thơ cuối cùng này!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2011 12:39:23 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 105:
CHỈ CÓ TÌNH EM
LÀ KHÔNG BUỒN
Không có em cuộc sống buồn đến chết
Kéo ngày dài bằng một chú bò hoang
Lạc vườn em trĩu trịt trái hoa thơm
Tình hanh khô anh ra lá khắp thân cành...
Hiện đại - Văn minh
Người - quỉ đua tranh, giả - thật thịnh hành
Lịch sử tốc hành
Dấu ở bên trong nhiều thứ hàng rất nhảm
Vui phù du, độc dược cũng ra hoa
Nội chiến nước Nga (*) Tang tóc châu Phi
Châu Mĩ, châu Âu
Đoạn đầu đài chó sói đẻ nhiều hơn chim bồ câu trắng.
Hãy mang đôi bầu tí em tưới cho loài người say mụ mẫm
Yêu hôn mê hạnh phúc đến tưng bừng
Hội nghị bàn vuông lại đến bàn tròn
Sự tồn tại của thế giới con người nhiều khi như vô lý?
Chỉ có tình em chẳng bao giờ buồn cả.
Điều có lý nhất của ông Hoàng đế Napôlêông
Là những đêm tối trời
Đội nón mê
Trốn phu nhân đi tìm nhân tình vui thú! (**)
Hà Nội * 1/4/1995
(*) Vào đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX hàng loạt các nước XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ, nước Nga rơi vào cảnh nội chiến tương tàn.
(*) Trong tác phẩm "Chiến tranh và hoà bình" - Đại văn hào L.Tônxtôi đã từng nói về Napôlêông: Ông đã lên đến tột đỉnh vinh quang bằng máu của hàng vạn thanh niên Pháp!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.12.2011 11:09:33 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 106:
VẦNG TRĂNG TRONG NỖI NHỚ
Thành phố giờ vắng bóng trăng xưa
Em vẫn về bên anh trong nỗi nhớ
Ru nhau giấc ngủ
Trăng không còn, toàn ảo đấy em ơi!
Xưa em tuổi trăng tròn
Anh cùng em dưới vòm trời đêm dịu mát
Em vào trăng, trăng hoá em
Anh không biết vầng trăng nào đã mất?
Đến hôm nay tóc người nhuốm bạc
Nhớ nhau qua bóng trăng mờ...
Ai đó động bên mình, giật thột!
Khẽ đẩy vợ ra rồi, thiêm thiếp lại vào mơ...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.05.2011 12:39:44 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 107:
NHỮNG CÂU THƠ ĐỘI KHĂN TANG
Những câu thơ bay trắng ngang đầu
Người với người sao không thể chỉ yêu nhau?
Đến chó sói cũng thay màu chủ nghĩa
Chúng đội lốt nhân sinh, hoá rắn trăm đầu
Ở lẫn với ta và giảng kinh như Phật...
Đâu là bến bờ - ôi, bể thẳm nhân dân?
1989
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.12.2011 00:05:23 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 108:
BÀI THƠ CHIỀU THÁNG CHẠP
Chiều tháng chạp anh ngồi nghĩ ngợi...
Mùa còn đông gió thổi mây qua
Trời mưa nhỏ hơi nhờn nhợt tái
Cuộc đời trôi có những ý nghĩa gì?
Ngày xuân đến hoa đào đua nở
Bầy chim cùng cây cỏ tất xanh tươi
Người này sướng nhưng người kia lại khổ
Những lòng tốt trên đời sẽ được mấy - người ơi?
Con người với con người: Có khi còn ác hơn chó sói? (**)
Chùa chiền là nơi tụ hội để qui tâm!
Mình bước dưới bóng đa cổ thụ
Lòng lãng khuây chút vị hương thầm.
Bao bang phái từng so găng đọ sức
Từ đôi bàn tay trắng muốt của Napôlêông
Đến cả cuộc chiến tranh cứu nước
Cuộc chiến nào chả tổn hại nhân dân!?
Có lẽ chúng ta là loài ác nhất!
Niềm vui thú vô biên là quấn quít âm dương
Như anh và em - ta trao nhau không tưởng tiếc
Sống rất lành rồi nghĩ đến các phát minh.
Chỉ nên coi các gam thời như kiểm nghiệm
Thế giới của tình yêu không cần có cường quyền!
Còn cường quyền còn sinh ra quỉ sứ
Hãy bay nhiều, nhiều hơn hương khói phật đền...
Đừng nghĩ cổ nguyên sơ chỉ toàn cổ hủ
Chính tạo hoá đã nghén thai cho ta
Bao mẫu tượng về xã hội thần tiên.
Anh bước dưới dòng sương chiều tháng chạp
Thấy loài người cắn xé mãi lẫn nhau
Nhỡ nếu một ngày nổ tung trái đất?
- Thôi, hãy yêu nhau mà sống đến bạc đầu!
Bếp nhà ai hình như đang đỏ lửa
Em có nghe sóng vỗ dưới chân cầu...
Mùa đông 1994
(*) Trong tác phẩm Đoạn Đầu Đài nổi tiếng, nhà văn Nga Ai-Ma-Tốp đã cảnh báo trước nhân loại về con người hiện đại rằng: Con người còn ác hơn chó sói!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2011 22:57:24 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 109:
ĐỜI VÀ... VỢ
Đêm yên ắng chỉ vài con chuột rúc
Bóng đa xanh như trúc ngủ sân chùa
Trăng nằm khóc trên thềm côi cút
Sư trầm mình lẻ chiếc tụng nam-mô! Con nợ tối nay vừa đòi tiền tháng
Mình muốn trốn lên chùa, vợ kéo áo đung đưa...
Đời đã khốn nạn chưa?
Hà Nội * 10/3/1995
Nghe nói , ngày xưa thi sĩ Tản Đà đã có thời tìm đường lên núi tu tiên, nhưng rồi ông lại phải quay trở lại cõi trần để chịu cảnh đoạ đầy. Nàng Kiều đã nhẩy xuống trẫm mình dưới dòng sông Tiền Đường... nhưng vẫn không thể chết: Vì chưa trả hết nợ đời!
Đời - Âu cũng chỉ là cuộc kéo co bùng nhùng tội nghiệp để cố mà lo lấy manh áo, miếng cơm...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.05.2011 00:44:39 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 110:
VIẾT DƯỚI CHÂN ĐÀI HOÀN VŨ
Đời cũng nhẹ như là mây dạt
Lo miếng cơm làm việc trần gian
Tôi tiễn ông lên dàn hoả táng
Ngọn khói kia để nói gì chăng?
Làn lửa đỏ liếm ông vào cõi thế...
Thời gian chưa tắt một tàn nhang
Mặt ông trắng, chòm râu ông cước trắng
Còn đó đây một nắm tro tàn
Đời chỉ thế có gì quan trọng
Đừng cao siêu cũng đừng quá coi xoàng.
Mai ta chết, các bạn bè thân hữu
Bọc thiên nhiên mà đọc điếu văn
Đại bàng vỗ... cánh rợp trời mưa gió...
Trong không gian vào mãi xứ vô biên
16/1/1993
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2011 12:45:23 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 111:
VIẾT SAU ĐÁM XE TANG
Đừng ai khóc khi đưa ta tới đó
Ta muốn nghe tiếng người cười theo tiễn
một vong linh
Nhớ vứt cho ta thêm nắm cỏ xanh
Những đêm mát ta còn ngắm trăng thanh
nghe gió thoảng.
Đời thi sĩ có nằm trong đất lạnh
Hương hồn ta vẫn hoà ngát hồn hoa,
A ha! Này trời cao với đất bao la
Ta đã xây cho ta một tượng đài ngút ngát!
Ngồi suy ngẫm đôi ba thế sự
Cuộc cờ người bên thắng bên thua
Ván bài kia tuy kết hôm qua
Hôm sau đã thấy bàn cờ mới.
Cuộc cờ ấy theo thời như hội
Vàng đỏ trắng đen... thay sắc luân hồi
Từ anh nhà thơ tới đứa ăn mày
Mấy ai tránh nổi trò sấp ngửa?
Hồn thanh tịnh ta vào trong trăng gió
(dẫu chút lòng trắc ẩn chửa hết tan)
Nhớ vứt cho ta thêm nắm cỏ xanh
Những đêm mát ta còn ngắm trăng thanh,
nghe gió thổi
Và nghe tiếng của lá vàng rơi trên mộ...
1/5/1992
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2011 12:53:00 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Bài thơ 112:
BÀI CA NGƯỜI LÍNH TRẬN
Có giây phút anh ngồi nhớ lại
Những sớm chiều quấn quít bên em
Người lính trận trở về khu phố nhỏ
Em dịu dàng như thể một vầng trăng
Bao năm xa lên đường đi chiến đấu
Ngày thăm nhà gặp gái nhỏ thân thương
Làn da mát thơm hương như trái táo
Cứ sâu vào khoét mãi trái tim anh!
Anh nhớ lại, làm sao anh quên nổi
Những tháng năm đã chẳng còn em,
Bản xô-nát ánh trăng cũng thôi không hát!
Trôi dần vào dĩ vãng xa xăm
Lời của tình yêu em đem trao kẻ khác
Khi anh đi bài xô-nát bay theo...
Người lính trận lại về tìm gái nhỏ
Nhưng còn đâu hình trinh nữ chiêm bao?
Cả thân thể cuộc đời em nữa
Với gã chồng giầu tẻ nhạt buồn teo
Dù hắn có trăm đồ thứ quí
Liệu có mang cho em được bóng trăng treo?
Anh lính trận giờ già rồi trong phố nhỏ
Xoa mãi lòng người con gái năm nao...
12/1996
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.04.2011 13:31:51 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: