Nhatho_PhamNgocThai
-
Số bài
:
971
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 04.08.2006
|
RE: THƠ TÌNH CỦA PHẠM NGỌC THÁI
-
05.03.2007 11:56:40
NHỮNG THI PHÁP NGHỆ THUẬT CƠ BẢN ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG SÁNG TÁC CỦA " TUYỂN THƠ ĐẠI BÀNG " - Tác giả giới thiệu * Nghĩa là trong phần lớn các bài thơ hay của tôi, nhất là chân dung các thi phẩm đã có thể đạt tới là những kiệt tác thi ca !... thì hầu như đều được sử dụng bằng những thi pháp nghệ thuật cơ bản này.Trước hết xin nói khái quát ít nét về các trường phái thơ hiện đại thế giới - mà tác giả đã sử dụng làm thi pháp sáng tác trong Tuyển Thơ Đại Bàng. Tôi cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu ( để sáng tác ), đặc biệt là các trường phái thơ hiện đại ở châu Âu, từ những năm cuối thế kỉ XVIII đến thế kỉ XX. Như trường phái thơ lãng mạn Lamartin (1790-1869), được xem như là một hiện tượng thi ca vĩ đại trong lịch sử. Ông thuộc những người chủ xướng hàng đầu của trường phái thơ ca lãng mạn này. Nó gắn liền với tên tuổi các nhà thơ lớn khác như : H.Hainơ, A.Puskin, V.Huy-Gô, M.Lecmôntốp... mà sau này ảnh hưởng của họ đã phát triển rào rạt, rộ lên trong giai đoạn thơ mới ở VN. Cho ra đời những nhà thơ lãng mạn có tên tuổi của nước ta như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ, Bích Khê... Thơ lãng mạn nó không còn dừng lại ở cảm xúc miêu tả một cách khách quan như thơ hiện thực, mà nghiêng về những cảm xúc chủ quan của nhà thơ. Là thơ của tâm hồn, ra khỏi các qui phạm trói buộc của giáo huấn để tự bộc lộ mình. Tả "chân" sự vật bằng trực cảm, dựa vào tâm lý và chảy tràn cảm xúc theo tưởng tượng. Nó cũng phá vỡ mọi hình thức của dòng thơ cổ điển, thịnh hành ở Việt Nam thời Lê ( như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, tới Nguyễn Khuyến, Tú Xương...). Nếu như nhà thơ cổ điển là nhà kiến trúc, sử dụng thuộc tính chất liệu khách quan để xây dựng công trình thi ca, còn những yếu tố chủ quan hầu như không dùng đến - thì những nhà thơ lãng mạn lại phơi bày chiều sâu xúc cảm của tâm hồn. Tự chiêm nghiệm, tự ý thức về cái tôi đó ! Nghĩa là chất lãng mạn nằm trong cách cảm nhận biểu hiện thế giới, xã hội và con người qua cái tôi của nhà thơ ! Một quan niệm cực kỳ cởi mở, vô tư đối với đời sống và thế giới. Những dòng thơ lãng mạn đó thường là các dòng thơ cuồng say, rào rạt tuôn chảy theo cảm xúc. Nhưng cũng bởi vậy, nó lại mắc một nhược điểm là nhiều lời. Thiếu sự hàm xúc, cô đọng như dòng thơ cổ điển. Chính từ trên những yếu tố này: cần phải bổ khuyết, đối với cả dòng thơ lãng mạn cũng như cổ điển. Tôi đã sử dụng hoà nhuyễn nó trong quá trình sáng tác thơ của mình. Để tạo nên được nhiều những thi phẩm hay, xúc tích và sâu sắc, cùng nhiều kiệt tác cho Tuyển Thơ Đại Bàng đó. Vì cái nhược điểm của dòng thơ lãng mạn như thế , các nhà thơ sau đó lại đi tìm một cách biểu đạt mới cô đúc hơn: nên đã ra đời các trường phái thơ tượng trưng, sau nữa là trường phái thơ siêu thực... ( thơ siêu thực hay còn gọi là hậu kỳ của dòng thơ tượng trưng ). Tôi xin nói qua đôi nét về những dòng thơ tượng trưng này: Nhà thơ tượng trưng Bỉ Vecharơn (1887) đã nói: " Chủ nghĩa tượng trưng hiện đại đi từ cái cụ thể đến trừu tượng... ". Nó khác với chủ nghĩa tượng trưng cổ điển Hy Lạp trước đó là, đi từ trừu tượng tới cụ thể - Như Hecquin, tượng trưng cho sức mạnh. Thần Vênus, tượng trưng cho tình yêu. Nghĩa là chủ nghĩa tượng trưng hiện đại đi tìm kiếm những cái bí ẩn đằng sau những ngôn ngữ hình ảnh. Các biểu tượng được phục hiện từ trong thẳm sâu của tâm linh... để phản ánh, giải thích về bản chất của thế giới và cuộc sống , từ trong cảm giác và vô thức. Hay nói một cách khác: tượng trưng là sự thăng hoa của cảm giác và tri giác. Thí dụ như trong bài thơ Bẽn Lẽn của Hàn Mặc Tử: Trăng nằm sóng xoãi trên cành liễu Đợi gió đông về để lả lơi Hay là: Ô kìa ! Bóng nguyệt trần truồng tắm Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe Những hình tượng về người trinh nữ, thế giới của người trinh nữ ấy... làm xao động tâm hồn thi nhân, hiện lên qua cảm giác từ cái bóng nguyệt trên trời cao. Nhà thơ mường tượng, rồi từ trong khoái lạc bởi cảm giác ở một cõi vô thức nào đó, làm rung động trái tim ông mà tạo thành hình ảnh của thi ca !... Ở châu Âu khi đó, chủ yếu là khuynh hướng của hai trường phái thơ tượng trưng hiện đại cơ bản: 1) Thơ tượng trưng cảm quan tương ứng: Baudelaire (1821-1867) được mệnh danh là ông tổ của nền thơ ca hiện đại Pháp, chính là nhà tiên khu của trường phái thơ tượng trưng này. Với tập thơ Những Bông Hoa Ác nổi tiếng của ông, điển hình như bài Tương Ứng - Nó đã được hoà nhập kí ức cùng với sự thăng hoa của cảm giác và tri giác, mà tạo thành siêu cảm giác... Hàn Mặc Tử là thi nhân đã chịu ảnh hưởng chủ yếu loại thơ tượng trưng này của Baudelaire. Chính chùm thơ hay nhất của HMT như Đây Thôn Vĩ Dạ, Mùa Xuân Chín, hoặc bài Bẽn Lẽn mà ta đã phân tích trên... được tạo thành đều nhờ vào sự hoà quyện giữa thơ lãng mạn và các tố chất dòng thơ tượng trưng cảm quan tương ứng đó. 2) Khuynh hướng tượng trưng bằng trí năng: Cũng giống như Baudelaire nhìn nhận sự việc bằng biểu tượng, nhưng thơ tượng trưng tương ứng trí năng, không hoàn toàn bởi sự thăng hoa của cảm giác và tri giác nữa, mà biểu tượng được diễn tả theo phép loại suy. Tức là quan hệ tương đồng giữa hai sự vật được áp đặt một cách hợp lý, của tri thức trí tuệ và kinh nghiệm. Nhà thơ Pháp Stéphane Mallarmé (1842-1898) là người đứng đầu của khuynh hướng tượng trưng bằng trí năng này. Nhiều nhà thơ châu Âu lúc đó, ngay cả nhà thơ Mĩ nổi tiếng Walt Whitman (1819-1892), người sau này trở thành Đại thi hào của nước Mĩ cũng rất cảm phục ông. Cũng như Hàn Mặc Tử - Trong Tuyển Thơ Đại Bàng của tôi, những hình ảnh thơ tượng trưng mà tôi sử dụng: chủ yếu nghiêng về khuynh hướng tượng trưng cảm quan của Baudelaire. Bởi vì theo tôi, tượng trưng nhờ sự thăng hoa của cảm giác và tri giác , đó là thơ nhất ! Tạo cho thơ một sự huyền ảo, sinh động và sâu xa hơn. Cái mơ hồ nào đó khi gợi trong cảm quan ấy được biểu tượng ra trong tâm linh nhà thơ, nó thường tạo nên bề dày để nâng tầm vóc thơ lên, và cũng gần gũi với tâm hồn , trái tim người ta hơn. Tuy nhiên trong một số bài ( thí dụ như ở bài thơ Khóc Bên Hồ Núi Cốc ), tôi cũng đã sử dụng ít nhiều những hình ảnh của loại thơ tượng trưng bằng trí năng này của Mallarmé. Nhưng trong mỗi loại thơ thường lại có những nhược điểm của nó : Nếu tất cả các hình ảnh đều sử dụng toàn bằng thơ tượng trưng ( nghĩa là tượng trưng toàn phần ), thì thơ sẽ khó tránh khỏi sự khô cứng và hạn chế xúc cảm của người đọc. Rồi trở thành bí hiểm... làm cho các nhà thơ đi vào sự bế tắc và ngõ cụt. Ngay cả Mallarmé cũng vậy: vào giai đoạn cuối đời ông, ông đã đi đến một quan niệm hết sức cực đoan về thơ, để rồi ông đã sáng tác toàn những bài thơ thần bí kín mít. Những bài thơ mà chỉ những nhà thơ ấy mới giải mã được thế giới của họ. Nó không còn phải là thơ cho thế giới người đọc và nhân quần nữa. Như tôi đã nói ở trên, vào giai đoạn hậu kỳ của trường phái thơ tượng trưng, chính là giai đoạn thơ siêu thực đã ra đời ! Nhưng dù là chủ nghĩa tượng trưng toàn phần hay siêu thực toàn phần, sự thái quá tất yếu sẽ dẫn đến sự suy sụp. Như các nhà nghiên cứu đã tổng kết : chủ nghĩa tượng trưng là một hiện tượng chóng tàn. Cũng như chủ nghĩa siêu thực toàn phần, sau đó đã nhanh chóng bị sụp đổ. Mà không ít các nhà thơ ở châu Âu thời đó, cũng giống như Mallarmé đều rơi vào chủ nghĩa kín mít thần bí. Họ rơi vào thảm cảnh buồn nản, bế tắc và chán chường. Đó là kết cục tất yếu ! Bởi vì dù ở trường phái nào, cuối cùng cũng cần phải có sự cảm đồng của thế giới xung quanh, thế giới cuộc đời... thì khát vọng , tâm hồn nhà thơ mới có thể được giải thoát. Tuy nhiên, đánh giá về tầm vóc của thơ tượng trưng và siêu thực, như các nhà nghiên cứu lý luận đã nhận định: Chủ nghĩa tượng trưng tuy là một hiện tượng chóng tàn, nhưng giá trị của nó đã ảnh hưởng sâu xa tới thơ ca của toàn thế giới. Hay như Đông Hoài đã viết trong tập sách nghiên cứu về chủ nghĩa siêu thực thế kỉ XX ( NXB Văn học 1994 ) rằng: " Cho đến nay chủ nghĩa siêu thực chỉ còn là một vấn đề lịch sử. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó vẫn thấm nhuyễn và biến hoá trong thi ca và hội hoạ khắp nơi trên thế giới ". Hay như Maurice Nadeau, một nhà siêu thực có tầm vóc đẳng cấp ở châu Âu lúc đó cũng đã nói :" Sức chịu đựng của chủ nghĩa siêu thực là hằng cửu ". TRỞ LẠI VỚI TUYỂN THƠ ĐẠI BÀNG Trong những lần trò chuyện với nhà thơ và bình thơ Vũ Quần Phương ( hiện ông là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn VN ), tôi đã nói với ông : Về thi pháp thể hiện trong thế giới thơ tôi, đó là sự tổng hợp từ các trường phái thơ hiện đại của thế giới ! Trên cơ sở của dòng thơ lãng mạn ( với sự cô đọng , hàm xúc của thơ cổ điển phương Đông ) , kết hợp các yếu tố từ thơ hiện thực, tới thơ tượng trưng, siêu thực và thơ triết học... làm điều tiết khi xây dựng cấu tứ cho một tình thơ. Chính bởi vậy trong Tuyển Thơ Đại Bàng của tôi, đã tạo nên được nhiều các bài thơ hay... và không ít bài còn đạt tới giá trị là những kiệt tác ! Có thể liệt kê ra đây một số tình thơ tiêu biểu như : - Người đàn bà trắng....................... * Bài thơ thứ 38 + trang 3 - Sáng thu vàng * ---------- 32 + -------- - Em bán xoài ........................... * Bài thơ 18 + trang 2 - Khóc Bên Hồ Núi Cốc * ---------- 23 + --------- - Trước núi Mĩ Nhân (I) * ---------- 27 + --------- - Thông và Biển .......................... * Bài thơ 51 + trang 4 - Khóc Hàn Mặc Tử * ---------- 56 + -------- - Làm ma em vợ * ---------- 57 + -------- - Cô quét lá đêm hồ ..................... * Bài thơ 9 + trang 1 - Tiếng rúc chim đêm * ---------- 16 + --------- - Một góc Hồ Tây * ---------- 1 + --------- - Sáng xuân nay ......................... * ---------- 2 + --------- - Người con gái sông xưa............... * ---------- 4 + --------- - Thời áo trắng * ---------- 5 + --------- - Phố thu và áo trắng * ---------- 8 + --------- - Khoảng trôi trong lá .................... * Bài thơ 65 + trang 5 - Đi dưới những hàng đêm * ---------- 67 + --------- - Nỗi trăn trở người đi tìm vàng........ * Bài thơ 80 + trang 6 - Cỏ hoang * ---------- 75 + --------- - Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ * ---------- 86 + --------- - Em về biển * ---------- 95 + --------- - Chiều hoàng hôn ........................ * Bài thơ 99 + trang 7 Vân vân và vân vân. Trong tuyển thơ còn khá nhiều các tình thơ khác nữa cũng rất chí lý, sâu sắc và không kém phần hay. Tôi cũng đã đọc khá nhiều thơ thế giới qua các bản dịch: thì chưa thấy xuất hiện những thi nhân nào đã tổng hợp như thế ! Tôi đã nói với ông: Rất có thể Tuyển Thơ Đại Bàng của tôi, đã chẳng phải mở ra cho cả một trường phái thi ca lớn... trong các dòng thơ hiện đại của nhân loại đó sao? Tôi cũng có những cuộc trao đổi với ông Hữu Thỉnh (nhà thơ và là Chủ tịch Ban chấp hành Hội nhà văn VN hiện nay ), tôi đã có một số nhận định với ông: Nhìn vào tình hình thơ ca của đương đại VN trong mấy chục năm qua, mặc dù hàng năm vẫn có hàng trăm rồi hàng nghìn các tập thơ được xuất bản - Nhưng nhìn chung đó chỉ là các thứ thơ nổi nênh, chỉ để làm công tác văn nghệ phong trào, hoặc phục vụ cho việc cổ động văn hoá chính trị nhất thời. Hầu hết là các thứ thơ không có khả năng tồn tại, để có thể lưu lại được trong nền văn hiến ngàn năm Thăng Long của nước nhà. Nhìn vào bối cảnh xã hội tôi đã nói với ông: Có thể phải hàng nửa thế kỉ hoặc hơn nữa, nền thơ ca hiện đại của văn học VN , đã chắc gì có nổi một hoặc hai nhà thơ lớn như thời tiền chiến? Thế đã đành, song chỉ mong có lấy vài ba tên tuổi chân dung thi nhân thực sự, dù chỉ cỡ tầm tầm... chắc cũng còn khó? Và tôi cũng đã khẳng định với ông Chủ tịch Hội nhà văn VN rằng : Tuyển Thơ Đại Bàng của tôi có khả năng ôm trùm của một vũ trụ thi ca ! Mà chân dung của rất nhiều thi phẩm đạt tới là các bài thơ hay, kiệt tác... Không ít bài đã đi tới tột điểm của thi ca, ngang ngửa với các tầm bậc thi nhân có tiếng trong nhân loại. Tôi tin rằng : Một khi Tuyển Thơ Đại Bàng ấy đã được ( hoặc cá nhân và các tổ chức văn học trong nước hoặc ở nước ngoài ) mua bản quyền để xuất bản công bố rộng rãi trong toàn quốc cũng như Việt Kiều ở các nước, đồng thời tiến hành dịch thuật để truyền bá ra thế giới - Chắc rằng, Tuyển Thơ Đại Bàng sẽ là một tuyển thơ có tầm vóc của cả dân tộc và đất nước , sẽ góp một phần thích đáng để mang tầm chân dung thơ hiện đại Việt Nam nâng cao lên, vụt sáng lên trên bàu trời thi ca chung của toàn Quốc Tế !... Phạm Ngọc Thái ( Hà Nội - mùa xuân năm Đinh Hợi * 2007 )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.07.2008 12:19:34 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Đời hư, thực nhập nhoè lẫn lộn Đêm ái tình... ta nương ngủ trái tim hoang.
|