Học văn không thể là sao chép!
Ngọc Lý 07.08.2006 10:30:47 (permalink)
.

Học văn không thể là sao chép!
1:51, 04/08/2006
Phạm Khải



Với phương pháp học văn, sử… theo kiểu "học vẹt" như hiện nay, thì khi không "trúng bài tủ", các em buộc phải tán hươu tán vượn lăng nhăng cũng là điều dễ hiểu. Mà nói về mặt này, đáng buồn thay, đến các bậc "trên cả giáo viên" cũng có khi còn phạm phải, huống hồ lũ học trò phải làm bài trước áp lực thời gian.

Có một giai thoại rất được lưu truyền trong làng văn. Nó cho thấy cái khó trong việc thẩm định văn chương. Chuyện kể về trường hợp nhà văn Nguyễn Khải hướng dẫn con trai làm đề tập bài văn "Phân tích tác phẩm "Mùa lạc" của nhà văn Nguyễn Khải". Mặc dù được "chấp bút" bởi chính người đã sáng tạo ra truyện ngắn đó, song kết quả là cậu con trai của nhà văn vẫn bị cô giáo đánh điểm rất thấp, với lý do… "Không hiểu ý tác giả".

Kết quả kỳ thi đại học năm nay, đặc biệt là chất lượng bài làm của thí sinh ở hai môn văn, sử đã trở thành đề tài của công luận suốt tuần qua. Có người nói đó là những chuyện cười… ra nước mắt. Riêng tôi, bên cạnh sự xa xót lại thấy chẳng có gì đáng… cười, vì thực tế hiện tượng này đã xảy ra từ nhiều năm rồi.

Hơn thế, theo như tôi nghĩ, với phương pháp học văn, sử… theo kiểu "học vẹt" như hiện nay, thì khi không "trúng bài tủ", các em buộc phải tán hươu tán vượn lăng nhăng cũng là điều dễ hiểu. Mà nói về mặt này, đáng buồn thay, đến các bậc "trên cả giáo viên" cũng có khi còn phạm phải, huống hồ lũ học trò phải làm bài trước áp lực thời gian.

Nói vậy là tôi lại nhớ tới lần tôi được lãnh đạo NXB Giáo dục mời giám định cho một tập bình thơ của nhiều tác giả, sau này được xuất bản dưới dạng sách tham khảo dành cho học sinh (và cả giáo viên). Các tác giả tham gia viết bài cho tập sách này số đông đều là các nhà sư phạm có tên tuổi, một số trong đó còn tham gia soạn thảo sách giáo khoa.

Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là ở một số trường hợp cụ thể, họ đã mắc những lỗi… khó hiểu và có phần ngây ngô tương tự những lỗi mà các báo dẫn dụ đợt vừa rồi. Dưới đây là trích đoạn những ý kiến phân tích, nhận xét của tôi gửi tới lãnh đạo NXB Giáo dục và được chấp thuận, để rồi khi sách in ra, những lỗi đó hoặc bị cắt bỏ hoặc được chỉnh sửa lại. Xin trích ra đây để bạn đọc tham khảo (chỉ xin không nêu tên cụ thể):

"Lời bình của… về bài "Đàn gà mới nở" có những đoạn rối rắm, lủng củng. Nói "đôi chân bé xíu, yếu ớt" thì được, chứ nói "đôi chân háu ăn" thì không chính xác".

"Ở bài thơ "Ngôi nhà" có hai câu: Em yêu ngôi nhà/ Gỗ tre mộc mạc. Tác giả ca ngợi vẻ đẹp thôn dã, mộc mạc, mà người bình viết: "Hình ảnh ngôi nhà hiện lên lung linh" là sai tinh thần của bài thơ".

"Từ điển Tiếng Việt định nghĩa hai chữ "thịnh soạn" nghĩa là (Bữa ăn) có nhiều món ngon và được chuẩn bị chu đáo, lịch sự. Ở bài bình bài thơ "Mùa thu của em", tác giả… nên bỏ chữ "Màu vàng thịnh soạn của hoa cúc". Dùng chữ như thế là không chuẩn".

"Ở bài bình của… về bài thơ "Tiếng hát người làm gạch", tác giả… nên xem lại đoạn: "Khi hòn đất hóa thân thành viên gạch: từ sự vô ích hóa thành một sản phẩm". Tất nhiên, hòn đất biến thành hòn gạch là một điều đáng quý, nhưng bản thân hòn đất, dù không thành hòn gạch, cũng không phải vô ích".

"Bài bình của… về bài thơ "Đất nước" có câu: "Nhìn trời cao, gặp gương mặt trẻ thơ rạng rỡ như vừa thay áo mới". Sao lại có gương mặt trẻ thơ ở đây, và sao lại thay áo mới ở trên mặt? Phải vì người bình thấy nói trời thu thay áo mới đã nhìn ra trời có gương mặt trẻ thơ. Thật là sai lầm. Ta đều biết, đây là một bài thơ viết cho người lớn, được trích dùng để dạy các em về tình yêu quê hương đất nước chứ không phải bài thơ viết cho trẻ em".

"Từ câu thơ Tiếng suối trong như tiếng hát xa trong bài "Cảnh khuya" của Bác Hồ mà tác giả liên tưởng ra là "Bác Hồ liên tưởng tới âm hưởng hùng tráng vang ngân trong tiếng hát của đoàn quân chiến thắng"" thì xa quá! Bình thế, làm mất cái hay của câu thơ. Tiếng suối văng vẳng, xa xăm, nghe quyến rũ, huyền bí, sao ví với tiếng hát hùng tráng của đoàn quân chiến thắng được? Vả chăng, nếu vậy thì hà tất Bác phải hạ câu hỏi: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ, để mà trả lời Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".

Hiện dư luận hết sức đồng tình hoan nghênh khi trong lễ phát động cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" tại TP Hồ Chí Minh ngày 31/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày lộ trình thực hiện đề án cải cách theo 3 bước, mà bước thứ 3 được xem là khâu "đột phá" của phương pháp giảng dạy, đó là không đọc - chép. Nghĩa là phải rèn luyện cho học sinh biết tự học, biết tư duy, chứ không chỉ thuần túy thầy đọc gì, học sinh chép nấy như hiện nay. Tôi cho rằng, đây là một điều hết sức cần thiết, bởi những điều tôi vừa dẫn chứng đã cho thấy: Trong cảm thụ văn chương nghệ thuật, không phải lúc nào các thầy cũng… đúng!

Cho nên, nếu có trách các em một, ta hãy trách mình… mười


Phạm Khải
Nguồn: cand.com
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.08.2006 10:33:34 bởi Ngọc Lý >
#1
    HongYen 11.08.2006 22:58:58 (permalink)
    11 Tháng 8 2006 - Cập nhật 09h24 GMT


    Bài văn điểm 10 là 'bản sao'


    Học sinh có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống giáo dục khiếm khuyết


    Bài thi văn duy nhất đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam năm nay vừa bị phát hiện là giống một bài mẫu trong cuốn “Kiến thức cơ bản văn học 12”.
    Thí sinh Hoàng Thùy Nhi đã được điểm 10 cho bài văn của cô trong kỳ thi vào Đại học Đà Nẵng.

    Ông Lương Vĩnh An, cán bộ chấm thi thứ nhất cho bài văn, ban đầu được dẫn lời nói: "Tôi chưa thấy học sinh nào có tư duy mạch lạc, sáng tạo hay đến như thế”.

    Hội đồng chấm thi đã chấm điểm 10 cho bài văn, trả lời ba câu hỏi, trong đó câu có điểm số cao nhất (5 điểm) là phân tích bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh.

    Văn mẫu

    Nhưng chỉ vài ngày sau khi phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về sự kiện, thì nay người ta thấy nội dung bài văn của nữ sinh ở Quảng Trị được viết gần giống như đúc với một bài văn mẫu.

    Bài văn mẫu này đã in trong cuốn “Kiến thức cơ bản văn học 12” của các tác giả Tạ Đức Hiền, tiến sĩ Lê Thuận An, PGS Nguyễn Kim Hoa, ấn hành cuối năm ngoái.

    Vụ việc một lần nữa khơi dậy những chỉ trích về "nạn học vẹt, chạy theo sách mẫu" trong nền giáo dục Việt Nam.

    Phát biểu với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hà, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TP. HCM, than rằng ngay cả giám khảo của các kì thi nay cũng "ngán ngẩm vì đọc quá nhiều bài na ná nhau rút ra từ bộ đề."

    Theo ông, "để xoa dịu (hay đánh lừa) dư luận, người ra đề thường chấp nhận giải pháp đổi mới nửa vời hoặc đổi mới giả vờ. Đề thi và đáp án năm nay chính là một sự nửa vời, một sự giả vờ như thế."

    Ông Trần Phò, một giáo viên dạy văn ở TP. HCM, nói không nên trách học sinh mà cần thấy rằng đó là hậu quả của hệ thống giáo dục.

    "Điều tôi bức xúc là cách ra đề thi và chấm thi bao năm nay vẫn như cũ. Đó là cách đánh giá đầy mâu thuẫn và nguy hiểm. Nó đẻ ra hàng loạt người “giỏi mà không giỏi” và ngược lại."

    Trước khi vụ việc được phát giác, nữ sinh Hoàng Thùy Nhi đã được một số tờ báo ca ngợi, rằng cách học môn văn của em "rất khoa học."

    Gia đình em được ghi nhận có cuộc sống đạm bạc, và người bố đã rất hạnh phúc khi được tin con gái mình đạt điểm 10 trong kỳ thi đại học.

    Nay, khi bài thi được nhận diện như kết quả của cách ra đề, cách học lâu nay, dư luận chung xem người nữ sinh này chỉ là nạn nhân của một hệ thống giáo dục nhiều khiếm khuyết.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/08/060811_exam_paper.shtml
    #2
      HongYen 11.08.2006 23:11:42 (permalink)
      Bài văn điểm 10

      Hồi còn mày ghế nhà trường cũng đọc sách, cũng cố nhớ, nhưng quá nhiều môn chưa hẳn đã nhớ mạch lạc như thế.


      Hoàng Thùy Nhi,

      Riêng Thùy Nhi có trí nhớ dai và thông minh dù bài thi có trùng ý với một tác giả bậc thầy; vì rằng còn nhiều môn học khác cần phải hiểu và nhớ. Có lẻ đây là bài tâm đắt nên Thùy Nhi đã hiểu tường tận, có hiểu thì mới nhớ.

      Hồi còn đi học, khi làm bài văn thầy cô cho tìm tài liệu cả tuần, ngay cả đuợc sửa chữa bởi Tutor (Thầy Cô kèm, những người nầy có thể là Thầy Cô giáo có cấp bằng, Thạc sĩ.., hay chỉ là bậc đàn anh....); mà vẫn thấy thiếu sót.

      Mong ý kiến cá nhân của học sinh trung trung không làm nản lòng người đọc. Cám ơn
      #3
        TTL 12.08.2006 10:13:51 (permalink)
        Nhận diện các "thế lực thù địch" !

        Việt Hoàng


        "Câu chuyện sau đây được ghi lại trong một giờ học chính trị về chủ nghĩa Mác-Lênin tại một trường đại học trong nước"

        Thầy : Hôm nay thầy cho phép các em được tranh luận công khai về đề tài chính trị Việt Nam và thế giới, thầy sẽ cố gắng giúp các em nhận diện được các thông tin "trái chiều" và "độc hại" mà các thế lực thù địch vẫn tuyên truyền lén lút trên internet, mặc dù Đảng và nhà nước ta đã đặt tường lửa để ngăn chặn các trang web này nhưng chắc chắn có nhiều em ở đây vì tò mò nên vẫn cố tình truy cập vào đấy. Nào ! Các em bắt đầu đi ?

        Sinh viên : Thưa thầy, thế nào là các "thế lực thù địch" ạ ?

        Thầy : Thế lực thù địch là tất cả những kẻ mà chúng ta vẫn thường nghe, đó là bọn "dân chủ", "phản động cấp tiến", và cả đám dân đen bị xúi giục biểu tình, rồi đám công nhân đình công, nói chung là tất cả những kẻ chỉ trích chính phủ và nói xấu đảng.

        Sinh viên : Tại sao lại gọi là "phản động cấp tiến" ?

        Thầy : Phản động cấp tiến là những kẻ tiến bộ, có hiểu biết nhưng phạm vào cái tội là "cầm đèn chạy trước ô tô", thầy ví dụ như trường hợp nhà bác học vĩ đại Galilê. Khi ông ta khẳng định rằng trái đất quay quanh mặt trời, dù rằng điều đó là đúng và bây giờ ai cũng phải công nhận nhưng vào thời của ông thì nó là quá sớm vì khi đó chính quyền (Thiên chúa giáo) khẳng định rằng mặt trời quay quanh trái đất. Chuyện đa nguyên đa đảng ở nước ta vẫn là quá sớm, có lẽ một vài chục, hay vài trăm năm nữa nếu một lúc nào đó đảng ta thấy cần thiết thì đảng sẽ cho phép. Bây giờ là quá sớm, quá sớm ! Kẻ nào đòi hỏi điều này đều có thể bị qui cái tội "phản động cấp tiến" !

        Sinh viên : Thưa thầy em thấy có nhiều người bị qui tội là "phản động" ! Nên hiểu thế nào là "phản động" ?

        Thầy : Phản động hiểu một cách đơn giản là "chống hoặc ngăn cản lại sự phát triển theo chiều hướng tự nhiên, tiến bộ".

        Sinh viên : Thưa thầy, thế thì chính quyền Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo của đảng đích thực là phản động rồi ! Đảng chống lại kinh tế thị trường bằng cách nâng đỡ và bảo hộ cho các doanh nghiệp nhà nước, chống lại chuyện đa nguyên đa đảng, chống lại xã hội dân sự, tiêu diệt tất cả các tiếng nói đối lập... trong khi tất cả các nước trên thế giới vẫn đang làm như vậy ?

        Thầy : Em không được phát biểu lung tung như thế, người ngoài nghe được thì chết… thầy. Đấy là giọng điệu của các "thế lực thù địch". Đảng ta quang minh và sáng suốt nhất trên trần gian này nên không thể là phản động được. Các em đã học về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Mác-Lênin mà không nhận ra ai là "phản động" sao ? Chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin mới là chủ nghĩa đích thực và văn minh nhất, tiến bộ nhất mà loài người đang hướng tới. Tất cả những ai không chọn con đường này mới là phản động. Như vậy trừ Việt Nam và ba nước cộng sản anh em là không phản động còn lại đều là bọn phản động cả.

        Sinh viên : Thưa thầy ! Nếu đảng ta cho rằng các giá trị như tự do, dân chủ, nhân quyền này nọ là của bọn tư bản, là ngoại lai, lỗi thời và không thể chấp nhận được với Việt Nam thì chủ nghĩa Mác-Lênin cũng là một thứ chủ nghĩa ngoại lai đấy thôi ? Ông Mác là người Đức và ông Lênin là người Nga kia mà ?

        Thầy : Đúng là cái tự do, dân chủ, nhân quyền là sản phẩm của bọn tư sản đế quốc, chỉ có bọn đế quốc mới dùng được thôi còn người Việt Nam ta nhất định không dùng và không bao giờ dùng được mấy thứ nhố nhăng đó. Còn chủ nghĩa Mác-Lênin lại là chuyện hoàn toàn khác. Hai ông này mới đích thực là vĩ nhân, chủ nghĩa cộng sản mới đích thực là tương lai của loài người, khi đến đó mọi người sẽ sống trong một thế giới đại đồng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, có nghĩa rằng ai muốn làm việc thì làm ai không muốn làm thì thôi, muốn ăn gì ? dùng cái gì ? đi xe gì ? thì cứ việc. Bọn phản động nó cứ bảo láo lếu rằng đây là "bánh vẽ", các em không được tin chúng nó. Hơn nữa Bác Hồ kính yêu của chúng ta vất vả lắm mới đem được học thuyết tuyệt vời này về Việt Nam và khai sáng cho đám dân đen.

        Sinh viên : Thế thì theo thầy bao nhiêu lâu nữa mới đến ngày huy hoàng đó của chủ nghĩa cộng sản ? và nếu nó tốt đẹp như thế tại sao Nga và các nước Đông Âu khác lại từ bỏ nó ?

        Thầy : Em hỏi thế thì đến bố thầy cũng chịu. Thầy nghĩ kể cả ông Mác, ông Lênin cũng không biết được, hai ông cũng cứ tiên đoán bừa thế. Nhưng các em phải tin vào điều đó vì Bác của chúng ta, đảng của chúng ta đã bảo "ngày ấy" sẽ đến thì chắc chắn nó sẽ đến. Các em phải... kiên nhẫn, phải biết chờ đợi, phải biết hy vọng. Đời thầy thì không mong chờ được thấy ngày huy hoàng đấy rồi, đời các em thầy nghĩ cũng thế nhưng các em cứ tin đi, đời con, đời cháu… các em sẽ được chứng kiến thôi mà. Còn nhân dân các nước Đông Âu họ không kiên nhẫn và có một niềm tin sâu sắc như người Việt Nam ta nên họ đã vội vã từ bỏ con đường hạnh phúc để chạy theo tiếng gọi thấp hèn của chủ nghĩa vật chất mà bọn đế quốc mời gọi. Chủ nghĩa cộng sản ở các nước đó chỉ "tạm thoái trào" thôi. Một ngày đẹp trời nào đó nhân dân sẽ nhận ra bộ mặt thật của chủ nghĩa tư bản bẩn thỉu và xấu xa thì họ sẽ vùng dậy và đập tan chế độ theo đuôi đế quốc đó.

        Sinh viên : Vâng, chúng em sẽ chờ đợi và hy vọng. Và chúng ta phải đời đời biết ơn Bác, ơn đảng ?

        Thầy : Tất nhiên là như thế. Không có Bác và đảng thì chúng ta mất nước về tay bọn đế quốc lâu rồi. Em cứ bình tĩnh, khoan hãy phản đối. Thầy biết em định nói gì rồi. Em sẽ lý luận rằng bây giờ làm gì có nước nào bị làm thuộc địa hay bị xâm chiếm nữa chứ gì ? Thậm chí còn có ý kiến cực kỳ phản động cho rằng nếu không có đảng và Bác thì sẽ có đảng khác, bác khác. Không cần đánh nhau thì bọn đế quốc cũng phải trao trả độc lập cho chúng ta như các nước khác ở Đông Nam Á. Ấu trĩ hết chổ nói ! Vì Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo của Bác và đảng đã đánh tan hệ thống thuộc địa của bọn đế quốc nên chúng mới hoảng sợ trao trả chủ quyền cho các nước đã từng là thuộc địa của chúng. Theo thầy, trong công cuộc cách mạng vĩ đại này của đảng có một điều đáng buồn là Việt Nam và đảng ta làm để cho bọn khác hưởng "cốc mò cò xơi", các nước Đông Nam Á tự nhiên được hưởng lợi độc lập từ cuộc kháng chiến vĩ đại của đảng ta. Nếu không có Bác và đảng thì chúng ta vẫn mãi mãi là thuộc địa tay sai của đế quốc. Em thấy bọn Hàn Quốc hay Đài Loan chúng giàu có thật nhưng cũng chỉ tay sai của đế quốc Mỹ mà thôi.

        Sinh viên : Thế tại sao chúng ta lại đi làm thuê cho bọn tay sai này làm gì ? Sao không gọi chúng sang làm thuê cho ta ? Mà nhân dân mình muốn đi làm thuê cho chúng cũng không dễ, phải mất rất nhiều tiền mới đi được ?

        Thầy : Đây là chiến lược của đảng ta. Phải cử người sang đó lao động để xem xét và nghiên cứu xem chúng sẽ bị "giãy chết" như thế nào để đảng ta còn có biện pháp đề phòng. Hơn nữa cử người sang đó lao động là cơ hội để trao đổi văn hóa và truyền bá tư tưởng vĩ đại của Mác và Lênin cho giai cấp cần lao của các nước đó. Để họ còn biết mà đấu tranh chống lại bọn tư bản địa chủ bóc lột. Thật ra dân các nước đó họ khổ lắm mà họ có biết đâu ? Người Việt Nam ta sang đó sẽ mở mắt cho họ thấy bộ mặt thật của bọn đế quốc. Ngoài nghĩa vụ lo cho nhân dân Việt Nam tiến lên chủ nghĩa cộng sản, đảng ta còn có nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng là dẫn dắt các dân tộc khác cùng tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

        Sinh viên : Thế sao Việt Nam vẫn nằm trong những nước nghèo nhất trên thế giới ?

        Thầy : Chúng ta vừa đánh bại tên đế quốc đầu sỏ là Mỹ, đã phải quay sang đánh tên cộng sản đàn em láo lếu Pôl Pốt, tay sai của bọn Bắc Kinh. Rồi bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc. À ! Đấy là thầy nói trước đây chứ còn bây giờ thì quan hệ Việt Nam-Trung Quốc rất tốt đẹp, rất thắm tình đồng chí, anh em, là biểu tượng của tình đoàn kết vĩ đại của những người cộng sản. Cái vụ họ bắn chết ngư dân Thanh Hóa ấy à ? Họ nhầm thôi, đảng cũng bỏ qua vụ này rồi, có gì là nghiêm trọng đâu. Các thế lực thù địch tấn công chúng ta từ mọi phía, tàn dư chúng để lại cũng rất nhiều như nghiện ngập, đĩ điếm cờ bạc, rồi thiên tai bão lụt, rồi dân trí người Việt còn thấp, đất nước ta sống nhờ vào nông nghiệp là chính… Nói thật nếu đảng ta không thông minh và sáng suốt, tài tình linh hoạt chèo lái con thuyền quốc gia thì có lẽ bây giờ người Việt Nam ta thành người… thiên cổ hết rồi. Đừng bao giờ quên công lao trời biển đó của đảng.

        Sinh viên : Thưa thầy, thế tại sao các nước khác không có Bác vĩ đại và đảng sáng suốt mà sao họ vẫn sướng hơn chúng ta ?

        Thầy : Đừng có nhìn bề ngoài mà vội đánh giá một sự việc bên trong. Họ có cuộc sống giàu có và sung sướng thật đấy, nhưng đấy chỉ là hào nhoáng bên ngoài thôi. Bên trong họ khổ lắm. Bọn tư bản nó bóc lột nhân dân các nước đó rất tàn bạo và tinh vi nên các em chưa thấy đó thôi. Mình nghèo nhưng được cái tự do. Muốn làm gì thì làm, miễn đừng dây vào chính trị là được. Em thấy có ai sướng như dân mình không ? Uống rượu say vẫn lái xe máy, xe ô tô vù vù, có sao đâu ? Còn ở các nước khác là cảnh sát phạt rất nặng tội đó đấy ! Em hỏi vì sao Việt Nam sung sướng hơn mà không thấy thằng tư bản nào xin tị nạn cả mà chỉ có người mình chạy sang các nước đó sinh sống bất hợp pháp dù bị bắt bớ và khinh rẻ ấy à ? Bọn tư bản chúng nó là thế ! Cực khổ quen rồi, bị chèn ép đè nén quen rồi nên sang Việt Nam được tự do thoải mái quá đâm ra chúng nó khó chịu không ở được.

        Sinh viên : Thưa thầy, Việt Nam đã được những thành tựu gì lớn nhất từ trước đến nay để cả thế giới phải công nhận ạ ?

        Thầy : Các em không chịu đọc báo gì cả. Thành tựu vĩ đại nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam sau 31 năm giải phóng là đã có thành tích nổi bật trong việc xóa đói giảm nghèo, được Liên Hiệp Quốc công nhận và đánh giá cao, trong khi đó các nước tư bản chủ nghĩa đã không làm được điều này.

        Sinh viên : Vâng ! Em hiểu rồi và hiểu thêm là ở các nước tư bản dân họ có nghèo đói đâu mà phải chống ? Thế còn chuyện quan chức Việt Nam tham nhũng thì thế nào ạ ?

        Thầy : Chuyện đó ở đâu mà không có, kể cả ở Mỹ. Chúng ta đang thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa nên sẽ có những sự cố nho nhỏ, mà mấy ông tham nhũng đâu có nhiều, chỉ có những ông có chức lớn như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến mới có điều kiện tham nhũng nhiều như vậy, còn mấy anh công an giao thông ăn tiền vòi vĩnh là chuyện nhỏ, họ chỉ cải thiện thêm cho cuộc sống khó khăn của họ mà thôi, lương của họ làm gì đủ sống ? Em vẫn không quên câu nói "làm nghề gì ăn nghề ấy" chứ ? Mà thầy cũng không hiểu báo chí Việt Nam cũng làm rùm beng lên làm gì mấy cái chuyện này không biết ? để rồi các "thế lực thù địch" nó lợi dụng công kích. Mấy ông này "ăn tiền" mãi, rồi cũng đến lúc phải "no tiền" và sẽ không còn tham nhũng nữa, việc gì mà phải chống cho mất công. Mà nhiệt tình quá trong việc chống tham nhũng lại trở thành những kẻ "phản động cấp tiến" như ông Phạm Quế Dương ngay, em có biết vụ đó không ? À mà thầy quên, vụ đó "ta" chỉ xử kín nên làm sao các em biết được ?

        Sinh viên : Ngày xưa đảng kêu gọi "đánh Mỹ cứu nước" bây giờ lại mời Mỹ vào để xây dựng đất nước, thế là thế nào ạ ? Bố em từng khoác ba lô "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" cũng không hiểu nổi tại sao như vậy ? Trước đây đảng sai và bây giờ đảng đúng ạ ?

        Thầy : Đảng không bao giờ sai ! Trước đây, bây giờ và mãi mãi sau này. Các em hãy coi đây như một chân lý nếu các em muốn được… yên thân. Chúng ta đã đánh Mỹ và sẽ tiếp tục đánh Mỹ và bọn đế quốc đến cùng. Thế nhưng trong giai đoạn chủ nghĩa cộng sản đang thoái trào trên toàn thế giới, chỉ còn bốn nước cộng sản còn lại là trung kiên đến cùng với chủ nghĩa của Mác và Lênin. Trước tình hình khó khăn đó chúng ta phải tạm thỏa hiệp với chúng, mục đích là kêu gọi đầu tư để thu hút nguồn tiền vô tận của bọn đế quốc, học hỏi những kinh nghiệm làm ăn của chúng, tích lũy vốn để tăng cường cho quốc phòng. Chúng ta thắt chặt quan hệ một cách toàn diện với Trung Quốc, đăc biệt là về chính trị, tư tưởng để không xa rời con đường chính là tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

        Các em tưởng tượng thế này cho dễ nhé : chúng ta đang quyết tâm đi đến một cái đích rất quan trọng đó là chủ nghĩa cộng sản nhưng trên con đường khó khăn đó có lúc sẽ gặp phải chướng ngại vật, đó là sự phá hoại của bọn đế quốc và vì thế chúng ta phải tạm thời đi vòng theo con đường nhỏ cho dù có bụi rậm và khó đi, đó là con đường mà bọn tư bản vẫn đi, khi có điều kiện ta sẽ quay trở lại con đường cái chính thênh thang để đi tới bến bờ của hạnh phúc. Khi đó một mình chúng ta và ba nước cộng sản anh em tự do thoải mái đi trên con đường rộng lớn và thênh thang vì chỉ có một mình chúng ta mới đủ khôn ngoan để tìm cho mình một con đường đi tới hạnh phúc và vinh quang.

        Sinh viên : Thưa thầy…

        Thầy : Thôi, hôm nay đến đây là đủ, hôm sau thầy sẽ giải thích tiếp cho các em những vấn đề khác. Cái quan trọng nhất cần ghi nhớ là hãy tin rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là vô địch thiên hạ và đảng ta lúc nào cũng vĩ đại và sáng suốt. Điều này rất quan trọng vì nếu các em không còn tin vào những điều này thì những người như thầy biết… làm gì để sống. Bao nhiêu năm nay thầy chỉ biết đọc và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin. Thầy không có nghề ngỗng gì khác để mưu sinh. Tuổi thầy giờ cũng cao rồi, có muốn thay đổi cũng không còn thời gian nữa. Em nào không tin vào những gì thầy nói thì cũng vì thương thầy mà đừng phản đối làm gì. Sau này khi các em ra trường rồi thì cuộc sống sẽ làm các em mở mắt ra, khi đó các em muốn làm gì hãy làm, các em nhé !

        Việt Hoàng
        (Moskva) ghi lại

        http://www.thtndc.org./modules.php?name=Forums&file=viewtopic&t=218
        #4
          HongYen 14.08.2006 12:28:51 (permalink)
          Về bài văn điểm 10

          Cập nhật cách đây 14 phút
          Thanh Thảo

          "Ta phải đặt câu hỏi tại sao hàng chục vạn thí sinh cũng học nhưng không làm bài được điểm tuyệt đối mà chỉ có thí sinh này (em Hoàng Thùy Nhi) làm được. Vậy thì phải coi đó là điểm xứng đáng vì không phải ai cũng làm được". Ông Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT đã trả lời phỏng vấn như thế. Ông còn nói thêm: "Học vẹt được như em này cũng khó đấy!".

          Tôi tán thành quan điểm của ông Ninh, nhưng không vì thế mà tán thành cách dạy văn và học văn của Bộ GD-ĐT. Đúng là trong hệ thống dạy và học văn như hiện nay ở trung học, thì chuyện giáo viên ra đề thi như năm nay là hoàn toàn chấp nhận được, cũng như bài văn của em Nhi đạt điểm tuyệt đối là hoàn toàn xứng đáng. Phải biểu dương học sinh này, và biểu dương những người thầy đã chấm điểm tuyệt đối cho bài văn này, thay vì đưa ra những lý do phản bác "ngoài hệ thống".

          Đừng trách học sinh học theo những bài văn mẫu, ngược lại, phải khuyến khích các em học như vậy theo cách thi trường ốc hiện nay. Nếu chúng ta phủ nhận một bài văn (tôi đã đọc, và theo tôi, một người không đến nỗi dốt văn, thì bài thi của em Nhi là một bài thi hay, khi giới hạn thời gian thi chỉ là 180 phút, lại phải viết bài trong một môi trường có áp lực là phòng thi). Dĩ nhiên, ngoại trừ chuyện em Nhi "chép phao", mà điều này thì tuyệt đối không xảy ra, thì dù trong bài thi, em Nhi có "nhập tâm" một hay vài bài "văn mẫu" nào đó, thì không vì thế mà ta đánh giá khác về bài thi của em. Hãy đặt câu hỏi ngược lại, nếu bài thi điểm 10 của em Nhi là "không xứng đáng, là học vẹt, thiếu sáng tạo", thì hàng vạn bài thi văn đạt điểm... 0 hay điểm 1 trong kỳ thi này, chẳng lẽ lại là những bài văn "đầy sáng tạo, không học vẹt" ?

          Chúng ta đã có kinh nghiệm khá ê chề về trường hợp "bài văn lạ" trong kỳ thi học sinh giỏi Hà Nội năm ngoái, đừng để những chuyện ngớ ngẩn như thế lặp lại nữa ! Hãy nói đúng sự thật, và nếu cách dạy văn và học văn hiện nay là không thích hợp, thậm chí là sai lầm, hãy nói đúng vào những điểm sai lầm của "cái gốc" ấy.

          Đừng bao giờ hy sinh thầy giáo hay học sinh vì những sai lầm của ngành giáo dục. Tôi đồng ý là cách dạy văn và học văn ở ta hiện nay là "xưa nay hiếm" và "toàn thế giới hiếm", một cách dạy và học mà đến các cụ ta ngày xưa theo trường ốc trong các kỳ thi chữ Nho phải "lạy bằng cụ". Nó xơ cứng, giáo điều, và đặc biệt là hay lặp lại, rất dễ "đoán". Vì thế mới có cách học thầy đọc trò chép, mới có những bài "văn mẫu". Tôi nghĩ, chỉ có những "văn bản mẫu" chứ không thể có những "bài văn mẫu". Vậy mà chuyện đó là "chuyện thường ngày ở huyện" trong môn văn học ở xứ ta.

          Muốn thay đổi cách dạy và học này thực ra cũng không khó, nhưng phải thay đổi từ gốc. Thứ nhất, là phải dạy học sinh phổ thông cảm thụ văn học, thấy được cái hay cái đẹp từ một bài văn hay bài thơ, thay vì phải học "phân tích" hay trả lời những câu hỏi mang tính trắc nghiệm và chấm điểm đến từng 0,25 điểm, như cách chấm các môn học tự nhiên.

          Ngày chúng tôi học phổ thông, môn văn chưa bao giờ là môn khó học, và trong các kỳ thi cũng chưa bao giờ có những câu hỏi ngớ ngẩn như bây giờ người ta ra đề cho học sinh thi. Bởi học văn hay thi văn không hề là chuyện "đánh đố", chuyện "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành". Đó là một môn học đầy cảm xúc, lấy cảm thụ là mục đích, và là môn học mà thí sinh khi thi có khoảng trống tự do nhiều nhất để thể hiện mình. Dù một học sinh không giỏi văn, họ vẫn có thể viết được những dòng xúc động về mẹ mình, cha mình, em mình, bạn bè mình qua những bài văn đã học. Và nếu một bài thi văn học theo hướng "văn học là nhân học" như thế, nó sẽ dành rất nhiều cơ hội cho tất cả các thí sinh. Bởi học trò có thể quên tên một tác giả văn học (không đáng nhớ lắm) hay quên một "thủ thuật" nào đó khi phân tích (rất xơ cứng) một đoạn thơ hay đoạn văn, nhưng "cái gốc" của văn chương là tình người, là vẻ đẹp ngôn từ, thậm chí chỉ là một câu, một vài đoạn thơ hay văn xuôi khi nó "ấn" được vào xúc cảm, vào trí óc như trang giấy trắng của học trò, thì họ sẽ nhớ lâu lắm, và thực ra là có ích cho họ khi vào đời. Không phải là một "công cụ hữu ích" trực tiếp, nhưng là một cái nền mà từ đó, văn hóa "đọng lại, đậu lại" trong nhân cách, phong cách một con người trưởng thành.

          Thanh Thảo

          http://www.thanhnien.com.vn/Chaobuoisang/2006/8/13/158674.tno
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9