Học văn không thể là sao chép!
Ngọc Lý 07.08.2006 10:30:47 (permalink)
.

Học văn không thể là sao chép!
1:51, 04/08/2006
Phạm Khải



Với phương pháp học văn, sử… theo kiểu "học vẹt" như hiện nay, thì khi không "trúng bài tủ", các em buộc phải tán hươu tán vượn lăng nhăng cũng là điều dễ hiểu. Mà nói về mặt này, đáng buồn thay, đến các bậc "trên cả giáo viên" cũng có khi còn phạm phải, huống hồ lũ học trò phải làm bài trước áp lực thời gian.

Có một giai thoại rất được lưu truyền trong làng văn. Nó cho thấy cái khó trong việc thẩm định văn chương. Chuyện kể về trường hợp nhà văn Nguyễn Khải hướng dẫn con trai làm đề tập bài văn "Phân tích tác phẩm "Mùa lạc" của nhà văn Nguyễn Khải". Mặc dù được "chấp bút" bởi chính người đã sáng tạo ra truyện ngắn đó, song kết quả là cậu con trai của nhà văn vẫn bị cô giáo đánh điểm rất thấp, với lý do… "Không hiểu ý tác giả".

Kết quả kỳ thi đại học năm nay, đặc biệt là chất lượng bài làm của thí sinh ở hai môn văn, sử đã trở thành đề tài của công luận suốt tuần qua. Có người nói đó là những chuyện cười… ra nước mắt. Riêng tôi, bên cạnh sự xa xót lại thấy chẳng có gì đáng… cười, vì thực tế hiện tượng này đã xảy ra từ nhiều năm rồi.

Hơn thế, theo như tôi nghĩ, với phương pháp học văn, sử… theo kiểu "học vẹt" như hiện nay, thì khi không "trúng bài tủ", các em buộc phải tán hươu tán vượn lăng nhăng cũng là điều dễ hiểu. Mà nói về mặt này, đáng buồn thay, đến các bậc "trên cả giáo viên" cũng có khi còn phạm phải, huống hồ lũ học trò phải làm bài trước áp lực thời gian.

Nói vậy là tôi lại nhớ tới lần tôi được lãnh đạo NXB Giáo dục mời giám định cho một tập bình thơ của nhiều tác giả, sau này được xuất bản dưới dạng sách tham khảo dành cho học sinh (và cả giáo viên). Các tác giả tham gia viết bài cho tập sách này số đông đều là các nhà sư phạm có tên tuổi, một số trong đó còn tham gia soạn thảo sách giáo khoa.

Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là ở một số trường hợp cụ thể, họ đã mắc những lỗi… khó hiểu và có phần ngây ngô tương tự những lỗi mà các báo dẫn dụ đợt vừa rồi. Dưới đây là trích đoạn những ý kiến phân tích, nhận xét của tôi gửi tới lãnh đạo NXB Giáo dục và được chấp thuận, để rồi khi sách in ra, những lỗi đó hoặc bị cắt bỏ hoặc được chỉnh sửa lại. Xin trích ra đây để bạn đọc tham khảo (chỉ xin không nêu tên cụ thể):

"Lời bình của… về bài "Đàn gà mới nở" có những đoạn rối rắm, lủng củng. Nói "đôi chân bé xíu, yếu ớt" thì được, chứ nói "đôi chân háu ăn" thì không chính xác".

"Ở bài thơ "Ngôi nhà" có hai câu: Em yêu ngôi nhà/ Gỗ tre mộc mạc. Tác giả ca ngợi vẻ đẹp thôn dã, mộc mạc, mà người bình viết: "Hình ảnh ngôi nhà hiện lên lung linh" là sai tinh thần của bài thơ".

"Từ điển Tiếng Việt định nghĩa hai chữ "thịnh soạn" nghĩa là (Bữa ăn) có nhiều món ngon và được chuẩn bị chu đáo, lịch sự. Ở bài bình bài thơ "Mùa thu của em", tác giả… nên bỏ chữ "Màu vàng thịnh soạn của hoa cúc". Dùng chữ như thế là không chuẩn".

"Ở bài bình của… về bài thơ "Tiếng hát người làm gạch", tác giả… nên xem lại đoạn: "Khi hòn đất hóa thân thành viên gạch: từ sự vô ích hóa thành một sản phẩm". Tất nhiên, hòn đất biến thành hòn gạch là một điều đáng quý, nhưng bản thân hòn đất, dù không thành hòn gạch, cũng không phải vô ích".

"Bài bình của… về bài thơ "Đất nước" có câu: "Nhìn trời cao, gặp gương mặt trẻ thơ rạng rỡ như vừa thay áo mới". Sao lại có gương mặt trẻ thơ ở đây, và sao lại thay áo mới ở trên mặt? Phải vì người bình thấy nói trời thu thay áo mới đã nhìn ra trời có gương mặt trẻ thơ. Thật là sai lầm. Ta đều biết, đây là một bài thơ viết cho người lớn, được trích dùng để dạy các em về tình yêu quê hương đất nước chứ không phải bài thơ viết cho trẻ em".

"Từ câu thơ Tiếng suối trong như tiếng hát xa trong bài "Cảnh khuya" của Bác Hồ mà tác giả liên tưởng ra là "Bác Hồ liên tưởng tới âm hưởng hùng tráng vang ngân trong tiếng hát của đoàn quân chiến thắng"" thì xa quá! Bình thế, làm mất cái hay của câu thơ. Tiếng suối văng vẳng, xa xăm, nghe quyến rũ, huyền bí, sao ví với tiếng hát hùng tráng của đoàn quân chiến thắng được? Vả chăng, nếu vậy thì hà tất Bác phải hạ câu hỏi: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ, để mà trả lời Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".

Hiện dư luận hết sức đồng tình hoan nghênh khi trong lễ phát động cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" tại TP Hồ Chí Minh ngày 31/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày lộ trình thực hiện đề án cải cách theo 3 bước, mà bước thứ 3 được xem là khâu "đột phá" của phương pháp giảng dạy, đó là không đọc - chép. Nghĩa là phải rèn luyện cho học sinh biết tự học, biết tư duy, chứ không chỉ thuần túy thầy đọc gì, học sinh chép nấy như hiện nay. Tôi cho rằng, đây là một điều hết sức cần thiết, bởi những điều tôi vừa dẫn chứng đã cho thấy: Trong cảm thụ văn chương nghệ thuật, không phải lúc nào các thầy cũng… đúng!

Cho nên, nếu có trách các em một, ta hãy trách mình… mười


Phạm Khải
Nguồn: cand.com
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.08.2006 10:33:34 bởi Ngọc Lý >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9