Ăn, mặc, ở, đi lại:
Hai miền cùng mặc kiểu gần giống nhau: Áo cánh (miền Bắc), áo bà ba (miền Nam). Tuy nhiên, ngoài Bắc chọn màu nâu, Nam Bộ chọn màu đen. Phụ nữ Bắc Bộ vấn khăn, trùm khăn mỏ quạ, phụ nữ Nam Bộ thì chải tóc, búi tóc sau gáy và quấn khăn rằn (tiếp thu từ người Khơ Me).
Nhà cửa của người Việt ở Nam Bộ và Bắc Bộ đều nhà trệt. Nhưng, nhà Nam Bộ có cấu trúc "hai gian ba chái", đa số xây cất sơ xài, tạm bợ, bằng tre, nứa, phên vách, lợp lá dừa và họ ít chú ý đến xây dựng, mua sắm, mặc... mà chủ yếu dồn vào việc chi tiêu ăn uống.
Nhà cửa của người Việt ở Bắc Bộ thường kiên cố, quy củ theo khuôn viên, thường "5 gian", 2 gian đầu hồi là buồng ngủ của vợ chồng và để đồ, còn 3 gian giữa là nơi thờ cúng, sinh hoạt chung. Tâm lý của họ là lo củng cố nhà cửa "thứ nhất làm nhà..." và "an cư mới lập nghiệp".
Các món ăn khác nhau rõ rệt: Ở Bắc Bộ từ lâu, việc ăn đã thành nghi thức: Ăn cưới, ăn khao, tiếp khách, ăn cỗ... tính chất giao tiếp thể hiện rõ trong ăn uống (ăn trông nồi, ngồi trông hướng, lời chào cao hơn mâm cỗ, sống về mồ mả chứ không vì cả bát cơm, miếng ăn là miếng nhục...).
Nam Bộ thì không cầu kì, tỉ mỉ, không đi vào thưởng thức tinh tế của lối sống, cách ăn theo kiểu người Huế hay người Bắc Bộ. Họ thiên về dư dật, phong phú, ít chú ý đến cách nấu, cách bày, tới mĩ cảm trong ăn uống. Người Nam Bộ ăn nhiều, ăn no, ăn thoải mái. Trong khi ăn, họ quan tâm đến quan hệ con người với con người, chứ ít chú ý đến thiên nhiên, cảnh đẹp... nơi ăn, uống như Huế...
Người Nam Bộ ưa ăn hàng quán, người Huế và người Bắc Bộ ưa ăn cùng gia đình, trong khung cảnh gia đình, do kinh tế phát triển và nhân tố đó góp phần tạo nên sắc thái riêng trong giao tiếp ăn uống của người Việt ở Nam Bộ.
Về đời sống tinh thần, tính cách và tâm lý:
- Nếu người Việt ở Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của Nho giáo, những lề thói, khuôn phép, những phân biệt thứ bậc, tôn ti trong gia tộc và ngoài làng xã khá nặng nề, thì người Việt ở Nam Bộ điều này phần nào bớt phiền toái và nhẹ nhàng hơn. Ở đó, ảnh hưởng của Nho giáo trong đời sống tinh thần thường thể hiện trong giáo dục, quan hệ thầy trò, nề nếp gia phong...
- Người Việt ở Bắc Bộ rất hiếu học với ước vọng đổi đời nên nảy sinh tâm lý yêu kính người có học và ưa sống nội tâm.
- Người Việt ở Nam Bộ ít có ước vọng đổi đời bằng chữ nghĩa, họ không ưa trầm tư, suy ngẫm mà sống cởi mở, chan hòa, ưa hành động hơn là nghĩ ngợi. Ở họ, thứ phương tiện giao tiếp chính là nói và truyền miệng: Nói vè, nói thơ, nói tuồng, ca cải lương... nên người dân Nam Bộ rất ưa ca hát, thích ca hát.
- Do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện tự nhiên nên người dân Bắc Bộ cần cù, vượt khó, tính cố kết cộng đồng cao, tuy nhiên giữa cá nhân với cá nhân thì thường "bon chen, kèn cựa", bình quân, đồng loạt, cào bằng... hay suy tư, nội tâm và ít bộc lộ nên đời sống ít sôi nổi, nên khó khăn trong tiếp thu cái mới.
- Người Việt ở Nam Bộ thì ý thức cộng đồng, từ gia tộc đến làng xã có phần suy kém hơn, ở họ sớm khẳng định cá nhân và cá tính. Họ chú ý đến bản thân nhiều hơn là chú ý đến người khác, nên ít bon chen, ít quan tâm đến dư luận. Họ ưa mạo hiểm, thích phiêu bạt nay đây mai đó, coi nghĩa khí làm đầu, thích kết bạn huynh đệ với những người có nghĩa khí, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tiền tài. Mến khách, sẵn sàng nhường áo xẻ cơm khi quý trọng, thông cảm. Họ cư xử chan hòa, dễ kết thân, hòa đồng, không sỹ diện, trung thực, thẳng thắn, ít rào đón, vòng vo, thích kết thân với bạn bè chè chén, ăn chơi xả láng, ồn ào. Sẵn sàng tiếp nhận cái mới, nhạy cảm với cái mới nhất là việc làm ăn và vui chơi giải trí...