Đau Cột Sống, Xương Khớp
HongYen 12.08.2006 14:25:47 (permalink)
Đau lưng chữa nhiều không bớt, không biết bị bệnh gì?


10:10:00, 07/08/2006
BS Bạch Long

 
Bơi - môn thể thao được khuyến khích (Ảnh: gettyimages)

Hỏi: Tôi cao 1,66m, cân nặng 69 kg, 36 tuổi, lập gia đình cách đây vài tháng. Tháng 10/2002, tôi đã mổ nội soi cắt hạch thần kinh giao cảm tại BV Chợ Rẫy. Một tháng sau có cảm giác nóng buốt ngực phải, đi tái khám tại BV Chợ Rẫy, chụp phim không thấy gì, BS cho uống thuốc, bệnh bớt.
 
Sau khoảng 1 năm thấy ngực phải đau lại, gần đầu vú phải (cách khoảng 14-15 mm về phía trên vú) bóp thấy 1 cục u nhỏ, mềm khoảng bằng hạt gạo.

Ngoài ra thấy đau khớp xương sống (nhất là khi thời tiết thay đổi, giao mùa) đoạn giao nhau giữa 2 bả vai, ấn nhẹ nghe lạo xạo và có luồng cảm giác lan đến vùng có cục u nhỏ khoảng bằng hạt gạo này, đồng thời dưới gót chân phải có cảm giác nóng, đau khi giẫm chân mạnh. Tôi đến BV khám, chụp phim không có ảnh bất thường, được BS chẩn đoán đau TK liên sườn V, VI phải; cho uống các thuốc, vẫn không bớt. Tôi lại đến Trung tâm Y khoa Medic-TP.HCM khám, chụp film cũng không phát hiện ảnh bất thường, được chẩn đoán “Đau lưng”, cho toa thuốc uống 2 tuần cũng không bớt. Thời gian gần đây, khớp đốt sống nhức hơn (nhất là khi vận động mạnh, hít thở sâu), tần suất nhiều hơn về đêm, cục u ở gần vú lớn gần bằng hạt đậu xanh, mềm. Đi khám lại và được chẩn đoán “Đau lưng #N6”, cho toa thuốc uống trong 1 tuần vẫn không bớt. Tôi không biết mình bị bệnh gì. Rất mong bác sĩ cho lời khuyên. (KS Duong - Bình Phước)

Đáp: Trong một số trường hợp sau mổ cắt bỏ hạch giao cảm ngực để điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi, hen phế quản... có một số tác dụng ngoại ý không mong muốn như cảm giác nóng buốt, bừng đỏ nửa bên mặt do các rối loạn vân mạch mà bạn đã từng gặp, sau đó uống thuốc sẽ bớt. Hiện tại bạn còn mắc thêm chứng đau lưng.

Trên thực tế đau lưng có rất nhiều nguyên nhân như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, rối loạn tư thế cột sống, gù vẹo, ưỡn cột sống quá mức, viêm cột sống dính khớp, trượt cột sống v.v... Ngoài ra một số bệnh ngoài cột sống cũng gây chứng đau lưng như các bệnh trong lồng ngực, trong bụng như loét dạ dày tá tràng, sỏi mật..; các bệnh lý thuộc hệ tiết niệu như sỏi thận, viêm tuyến tiền liệt; các bệnh về thần kinh. Một nguyên nhân rất thường gặp là đau lưng do yếu tố tâm lý. Do vậy đau lưng là một trong các hội chứng rất thường gặp trong khi khám bệnh chung mà trong đó có tới 80% đau lưng không rõ nguyên nhân, phần đông đau lưng kéo dài dưới 2 tuần và tới 90% đau lưng chữa trị triệu chứng có hiệu quả mà không rõ được nguyên nhân đau lưng là gì. Nói như vậy để bạn có thể thấy việc chẩn đoán đau lưng do nguyên nhân gì nhiều khi không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên bản thân bệnh không tới mức quá căng thẳng như bạn lo lắng, có thể gửi tới bạn một vài lời khuyên trong trường hợp này để bạn tham khảo:

- Tư thế nằm nghỉ đầu hơi cao, chân hơi gấp, kê gối ở kheo chân.

- Chườm tại chỗ: chườm nóng, xoa bóp, kích thích điện bằng điện châm, tắm nóng, tắm bùn; lý liệu pháp nếu có thể.

- Thuốc: các thuốc giảm đau nên có chỉ định của bác sĩ, kết hợp với các thuốc giãn cơ; nếu quá căng thẳng có thể dùng thêm thuốc an thần. Cần lưu ý chế độ ăn uống đủ chất , dinh dưỡng hợp lý. Trong quan hệ tình dục nên điều tiết cho phù hợp với sức khỏe, tránh quá độ cho dù mới lấy vợ. Khi quan hệ vợ chồng, thấy tinh thần thoải mái, dễ ngủ, hôm sau sảng khoái, thể chất hưng phấn như vậy là phù hợp còn ngược lại thì nên điều tiết giảm hợp lý. Ngoài ra bạn có thể sử dụng thêm các sinh tố nhóm B, đặc biệt sinh tố B1, B6, B12 và các yếu tố vi lượng khác như kẽm, vitamin E nhằm chống lão hóa, nâng cao thể lực.

- Chú ý rèn luyện thể dục thể thao, tập các bài tập thư giãn cột sống để đỡ triệu chứng đau và phòng tái phát. Nên tập mỗi lần 10 phút, mỗi ngày 3-4 lần, tập từ từ rồi tăng dần theo bài tập sau:

+ Nằm ngửa, chân duỗi, gập chân vào ngực rồi duỗi ra; làm như vậy đối với chân còn lại, động tác giống như đạp xe đạp ở tư thế nằm ngửa.

+ Ngồi trên ghế, 2 gối gấp và dạng xa nhau, cúi người về phía trước tới khi đầu gần hoặc ở giữa 2 đầu gối sau đó ngẩng đầu tới khi tư thế thẳng.

+ Nằm ngửa, gối thấp, đầu thân nâng khỏi sàn bằng cách nắm vào đùi sau đó không cần rồi lại nằm xuống như lúc trước.

+ Tay giữ chiếc ghế hoặc tỳ vào bàn, ngối xổm (đầu gối gấp dưới 90 độ) rồi lại đứng dậy.

- Các biện pháp phòng ngừa thông thường:

+ Tránh nâng nặng, cúi liên tục, ngồi xổm, vặn người.

+ Giữ gìn cơ thể trong điều kiện tốt về thể lực, duy trì sức khỏe bằng luyện tập đều đặn các môn thể thao như đi bộ, bơi và các hoạt động giải trí thích hợp.

- Theo dõi sự tiến triển của bệnh và thông báo với bác sĩ điều trị để xác định nguyên nhân cũng như có bước điều trị phù hợp.

Riêng đối với khối u nhỏ ở ngực cũng cần theo dõi sự bất thường như tăng nhanh về kích thước, đau, nhiễm trùng… để làm các xét nghiệm kịp thời. Lưu ý cần có tâm lý tốt, tinh thần thoải mái sao cho khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ khắc chế được bệnh tật.

BS Bạch Long

http://www.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2006/8/7/158029.tno
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.05.2007 23:30:50 bởi HongYen >
#1
    HongYen 16.08.2006 22:30:20 (permalink)
    Xin cho biết nguyên nhân, cách phòng và trị chuột rút chân ban đêm

    Thursday, June 23, 2005


    Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng

    Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết, của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.


    Chuột Rút Chân Ban Ðêm


    Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân, cách phòng và trị chuột rút chân ban đêm. (bác Huy, Tám, Bính, Nam, Calvin)


    Ðáp: Chân bị chuột rút (vọp bẻ) vào ban đêm, tiếng Anh gọi là “nocturnal leg cramps” rất thường gặp ở người lớn tuổi và không phải là hiếm gặp ở người trẻ hơn. Tuy gây khó chịu, mất ngủ, nhưng chứng này thường không nguy hiểm. Thường thì chuột rút chỉ kéo dài vài giây hoặc nhiều lắm là vài phút, nhưng sau đó triệu chứng ê đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày.

    Ở người lớn tuổi, thần kinh ở chân, nhất là vùng bắp chuối hoặc bàn chân thường trở nên “khó chịu”, dễ bị kích thích hơn. Ðiều này làm cho bắp thịt bị co bóp và đọng chất calcium ở trong các tế bào của các bắp thịt nhiều hơn, khiến cho chúng khó giãn ra hơn.

    Nguyên nhân thường gặp nhất của chứng chuột rút là không có nguyên nhân rõ ràng (idiopathic-tự phát). Ngoài ra, các nguyên nhân có thể gặp là:

    Sự thiếu nước và chất khoáng trong cơ thể như calcium, magnesium, sodium, potassium. Ðiều này có thể xảy ra sau khi thể dục, lọc thận, đổ mồ hôi quá nhiều mà không bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu, khi có bầu (có thể do thiếu chất Magnesium.)

    Ngồi lâu, tư thế của chân không thích hợp lúc nghỉ ngơi, sự giảm độ lõm cần thiết của lòng bàn chân (flat feet.)

    Bệnh tiểu đường, thiếu máu, hạ đường huyết.

    Ðôi khi, một số bệnh thần kinh như bệnh Parkinson, các bệnh về bắp thịt (myopathies), các rối loạn về thần kinh (neuropathies) cũng gây ra triệu chứng chuột rút.

    Việc đầu tiên là phải xem ta có bị các yếu tố nào như đã kể trên hay không, để tránh. Việc thiếu các chất khoáng có thể xác định bằng cách thử máu. Uống sữa hoặc một hai viên calcium mỗi ngày (nhớ uống nhiều nước khi uống calcium) cũng là điều tốt ở người lớn tuổi - dễ bị loãng xương -. Ở người lớn tuổi, cảm giác khát thường giảm đi, và do đó, có thể bị thiếu nước mà không biết. Nên nhớ uống đủ nước, đặc biệt là trước và sau khi tập thể dục.

    Những người ít vận động có thể thử ngừa chuột rút ban đêm bằng cách đạp xe đạp tại chỗ (stationary bicycle) một ít phút buổi tối trước khi đi ngủ.


    Các bài tập đơn giản làm căng (stretch) bắp chuối cũng có thể có ích.

    Một trong những cách đơn giản có thể làm tại nhà là đứng thẳng các tường khoảng một thước, giơ thẳng hai tay chống vào tường, rồi nghiêng người về phía trước, làm cho bắp thịt ở bắp chuối căng ra, giữ ở tư thế này khoảng 10-30 giây, lập lại khoảng 5 lần, làm như vậy bốn lần một ngày trong tuần đầu, sau đó mỗi ngày hai lần.

    Một số điều khác cũng có thể có ích là chườm nóng ở các bắp thịt bị ảnh hưởng, nhất là trước và sau khi tập thể dục. Cũng cần để ý mang giày vừa vặn và thích hợp. Người Việt Nam chúng ta thường mang săng đan hoặc giày ba ta đế phẳng mềm khi đi bộ, có thể làm cho bàn chân bị mất độ vòm cần thiết, cũng có thể gây ra chuột rút và đau bắp chuối hay các bắp thịt ở bàn chân. Chúng ta nên dùng các loại giày đi bộ đế cứng, loại tương đối tốt.

    Khi đã bị chuột rút, lắc lắc bắp thịt chỗ bị chuột rút rồi sau đó nâng cao chân lên cũng có thể giúp ích.

    Một số phương pháp đơn giản khác đôi khi cũng có thể giúp ích là đi tắm hoặc ngâm (trong bồn tắm) nước ấm hoặc xoa bóp bằng nước đá

    Nếu các biện pháp trên chưa đủ hiệu quả, một số thuốc có thể giúp ích. Thuốc thường được dùng nhất là “ký ninh” (Quinine - ở Việt Nam thường được dùng trị sốt rét) dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ.

    Ngoài ra, một số thuốc khác cũng có thể sẽ được bác sĩ cho dùng thử. Các thuốc này có thể là thuốc làm giãn bắp thịt, vitamin E, diphenhydramine, Verapamil, Chloroquine. Gabapentin... Các thuốc này thường chỉ dùng theo kinh nghiệm, chứ chưa được chứng minh một cách khoa học bằng các nghiên cứu. Có thuốc có hiệu quả ở người này nhưng lại không có hiệu quả ở người khác.

    Ðiều quan trọng là mỗi thuốc đều có thể có các tác dụng phụ nguy hiểm (tùy theo từng trường hợp riêng biệt) và được dùng ở liều thích hợp cho từng người và từng bệnh khác nhau. Nếu không được theo dõi bởi bác sĩ, không nên tự tiện dùng thuốc (dù) mua không cần toa bác sĩ hoặc “mượn” thuốc của người quen.

    Nếu thử các biện pháp không dùng thuốc mà vẫn chưa thấy bớt, ta nên đến bác sĩ để được thăm khám, thử máu, và được kê toa thích hợp.

    Nếu không chỉ là chuột rút thỉnh thoảng vào ban đêm, mà là đau, chuột rút thường xuyên khi đi bộ, đó có thể là triệu chứng của nghẽn các động mạch đến chân. Trong trường hợp này, cần đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.


    Thân mến,

    Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng

    (714) 531-7930

    nguyentranhoang@aol.com

    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=27398&print=yes
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.08.2006 22:32:06 bởi HongYen >
    #2
      HongYen 11.04.2007 09:07:36 (permalink)
       








      Thứ ba, 10/4/2007, 07:00 GMT+7




      Đau cột sống - bệnh của thời hiện đại

       
      Sự đau đớn ở lưng nhiều khi lại bắt nguồn từ cái bụng. Các quý ông bụng phệ rất dễ đau lưng bởi khi bụng tăng thêm 1 kg, cột sống đã phải chịu một trọng lực tương đương 5 kg.
       
      Bác sĩ Prem Pillay, chuyên gia thần kinh -cột sống thuộc tập đoàn y tế Parkway Singapore, cho biết tỷ lệ mắc bệnh về cột sống đang ngày càng tăng, bởi cách sống hiện đại tác động quá nhiều đến cơ quan này. 
       
      Nhờ Internet, con người có thể giải quyết nhiều công việc mà không cần đi lại quá nhiều. Việc ngồi cả ngày bên máy tính dễ gây hại cho cột sống nếu tư thế không đúng. Việc ngồi không thẳng sẽ gây đau lưng, việc ngửa cổ lên hay cúi xuống do màn hình đặt không đúng tầm mắt sẽ gây đau cổ.
       
      Lối sống tĩnh tại khiến con người dễ béo phì. Ở đàn ông, khi có tuổi, bụng sẽ to ra, nhất là những người hay uống bia và nhậu. Trọng lượng của cái bụng sẽ làm cơ thể mất cân bằng, làm tăng gánh nặng cho cột sống. Bác sĩ Pillay cho biết, khi bụng tăng 1 kg, cái lưng sẽ phải chịu một áp lực đương đương 5 kg.
       
      Hiện nay, việc đi lại bằng ô tô ở các thành phố lớn đã khá phổ biến. Điều này làm tăng nguy cơ đau lưng do ngồi lái xe quá lâu. Ghế xe không tốt, đường xóc, sự rung lắc... đều là những yếu tố làm cột sống bị tổn thương.
      Một trong các bệnh cột sống hay gặp nhất trong xã hội hiện đại là thoát vị đĩa đệm - có chức năng như một chiếc giảm xóc cho cột sống. Theo thời gian, những tác động kể trên khiến đĩa đệm sẽ dần bị mất nước, co lại, rạn nứt hoặc thoát vị, chèn ép vào các dây thần kinh và gây ra các cơn đau. Khi đó, bệnh nhân sẽ thấy đau và tê ở 2 chân. Nhiều người ra sức xoa bóp chân bằng dầu hay rượu mà không biết rằng vấn đề bắt nguồn từ cột sống.
       
      Không nên tùy tiện massage
       
      Massage là một trong các liệu pháp hỗ trợ điều trị tổn thương cột sống. Liệu pháp này cũng rất phù hợp với sở thích của người châu Á trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nếu massage không đúng kỹ thuật thì thậm chí còn làm có thể làm cho tổn thương nặng hơn.
       
      "Một nam bệnh nhân của tôi từng để cô nhân viên massage đứng lên lưng và ấn ngón chân vào đốt sống cổ nghe 'cục' một cái. Sau đó, ông ta không thể cử động được nữa" - bác sĩ Pillay kể. Do đó, nếu muốn massage như một biện pháp trị liệu, bạn nên đến các cơ sở y tế, nơi kỹ thuật viên vật lý trị liệu đã được đào tạo về chuyên môn này.
       
      Bác sĩ Pillay cũng khuyên người bệnh không lạm dụng thuốc giảm đau. Về lâu dài, thuốc này sẽ gây hại cho gan, thận, dạ dày trong khi nguyên nhân chính ở cột sống ngày một trầm trọng.
       
      Các tổn thương trên ở cột sống trước hết sẽ được bác sĩ điều trị bằng thuốc tùy theo nguyên nhân. Ở trường hợp nặng, dùng thuốc và vật lý trị liệu không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc việc phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật cột sống hiện nay rất ít gây tổn thương, đặc biệt là kỹ thuật nội soi vi phẫu. 
       
      Để phòng ngừa các bệnh ở cột sống, điều cần nhất là luôn giữ tư thế thẳng để duy trì đường cong tự nhiên của cột sống. Đối với những người làm việc văn phòng, phải ngồi trước máy tính nhiều, nên giải lao sau mỗi giờ làm việc, dành vài phút làm những động tác kéo giãn cột sống. Nên tập luyện thể dục thể thao đều đặn, đặc biệt môn bơi và các môn thể dục dưới nước rất tốt cho lưng.
       
      Hải Hà
       
      #3
        HongYen 06.05.2007 23:33:52 (permalink)
        Nhiều sai lầm trong điều trị bệnh xương khớp, cột sống
        Thứ Hai, 30/04/2007, 07:07 (GMT+7)

        TT - Đây là nhận định của GS-TS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Khớp học VN, bên lề hội thảo cập nhật các tiến bộ trong điều trị bệnh thoái hóa khớp vừa diễn ra tại Hà Nội.
         
        GS Ân nói: Những sai lầm này có nguyên nhân từ cả thầy thuốc và bệnh nhân. Nhiều thầy thuốc đang thực hiện điều trị bằng cách tiêm thuốc bừa bãi vào thẳng các khớp. Cách điều trị này khiến nhiều bệnh nhân có mủ, vi trùng ở trong khớp, có người tử vong vì mủ. Ngoài thị trường hiện cũng có nhiều thuốc đông y dạng cao đơn hoàn tán, nhưng thực ra là sử dụng cả tân dược tán nhỏ trộn thành thuốc “gia truyền”, chủ yếu tân dược đem trộn thuộc nhóm chống viêm, giảm đau, đang gây tác hại lâu dài và nặng nề cho bệnh nhân như viêm dạ dày, loét dạ dày, phù, huyết áp, loãng xương... Vừa rồi chúng tôi cũng phát hiện một loại thuốc dạng đông y nhập khẩu từ Malaysia có trộn cả tân dược.
         
        GS Ân lưu ý khi bị đau xương khớp, cột sống trước hết là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tiêm tùy tiện vào khớp và cột sống. Vừa qua có rất nhiều bệnh nhân bị phù do uống đông dược chữa đau xương khớp. Có những trường hợp người biến dạng, giữ nước không đi lại được. Hỏi ra mới biết bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc đông y, thời gian có thể kéo dài đến 2-3 năm, ngưng thuốc lại bị đau. Trong khi thuốc lại chứa tân dược nhóm chống viêm - giảm đau, lẽ ra phải uống có liều lượng, chỉ định rõ ràng.
         
        Thật ra gai đôi cột sống là chuyện bình thường, nhưng hiện nay cứ có gai đôi là tìm cách điều trị, thậm chí uống thuốc, dán thuốc cho “rụng” gai đi. Chỉ nên đến bác sĩ để được điều trị chứng gai đôi cột sống nếu có những triệu chứng như đau, hạn chế vận động, biến dạng xương khớp...
         
        Về những yếu tố có thể dẫn đến căn bệnh này, giáo sư Ân cho biết: Theo thống kê, người mắc bệnh thoái hóa khớp tăng dần theo tuổi, ở lứa tuổi trên 25 tỉ lệ là 12% nhưng tỉ lệ người mắc bệnh nhiều nhất là nhóm trên 50 tuổi. Tuy nhiên, 90% những người trên 40 tuổi bắt đầu có biến đổi của xương khớp nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng. Béo phì là một trong những yếu tố có liên quan đến các bệnh thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối và khớp bàn tay: nguy cơ thoái hóa khớp gối và khớp bàn tay ở người béo phì tăng gấp bảy lần so với người mảnh mai. Việc tăng cân quá mức cũng đồng nghĩa với tăng các triệu chứng của bệnh. Có những nghiên cứu cho thấy khi cân nặng giảm 5kg cũng là giảm một nửa nguy cơ thoái hóa khớp gối.
        LAN ANH
         
        http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=199044&ChannelID=12
        #4
          HongYen 12.08.2007 09:41:21 (permalink)
          Chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser

           
          Đưa laser qua ống thủy tinh vào đốt đĩa đệm.
           
          Laser được 2 bác sĩ Mỹ là Choy và Ascher dùng để chữa bệnh này lần đầu tiên vào năm 1987. Sau khi dùng laser đốt cháy một phần đĩa đệm, áp lực trong đĩa đệm giảm xuống làm cho khối thoát vị nhỏ lại, không còn chèn ép để gây đau nữa.
           
          Phương pháp trên gọi là PLDD (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Percutaneous Laser Disc Decompression, nghĩa là giảm áp lực của đĩa đệm bằng laser xuyên qua da). Trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20, PLDD phát triển rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước tiên tiến. Gần đây, do sự phát triển mạnh của nội soi, đặc biệt là phương pháp nội soi Yeung, sự ưa thích PLDD đã giảm xuống ở Mỹ và một số nước phát triển khác.

          Nhiều công trình nghiên cứu của các bác sĩ nổi tiếng trên thế giới chứng minh rằng PLDD là phương pháp chữa bệnh rất tốt. Tuy nhiên, PLDD chỉ có hiệu quả nếu đĩa đệm thoát vị còn chưa xé rách dây chằng dọc sau (nằm phía sau của đĩa đệm). Còn nếu dây chằng dọc sau của bạn đã bị rách thì tốt nhất tìm một cách chữa bệnh khác. Việc nhận biết khối thoát vị đã xé rách dây chằng này hay chưa không phải là dễ dàng, cần có những bác sĩ giàu kinh nghiệm trong cả khám chữa bệnh thoát vị đĩa đệm và áp dụng PLDD.

          Trong kỹ thuật này, người bệnh nằm nghiêng trên bàn mổ (nếu làm PLDD ở lưng) hoặc nằm ngửa (nếu làm PLDD ở cổ). Bác sĩ sát trùng và xác định nơi chích kim trên máy chiếu X-quang. Sau khi gây tê, họ sẽ chích kim từ ngoài da vào đĩa đệm. Một sợi dây bằng thủy tinh nối với máy phát laser được luồn qua kim tới đĩa đệm. Laser sẽ đốt cháy một phần đĩa đệm. Khi đốt, người bệnh sẽ có cảm giác nóng và tức nhẹ ở nơi đốt, gần cuối sẽ có cảm giác nóng chạy dọc theo tay hoặc chân.

          Thời gian làm PLDD là khoảng 15 phút cho một đĩa đệm. Sau đó, người bệnh nằm nghỉ khoảng 1-2 giờ và về nhà trong ngày. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, một số người bị đau do quá trình viêm gây ra, sau khi dùng thuốc sẽ hết. Thường thì sau một tuần, họ có thể đi làm lại được; nhưng phải 3 tháng sau mới có thể đánh giá được chính xác kết quả PLDD.

          Chữa bệnh thoát vị đĩa đệm bằng PLDD đơn giản, ít đau đớn, không cần gây mê; người bệnh tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đặc biệt là không phải nằm viện. So với mổ hở, biến chứng của PLDD ít gặp hơn rất nhiều và thường cũng không nặng nề. Một số bệnh nhân đau tăng lên đột ngột trong lúc làm PLDD do khi đĩa đệm bị đốt cháy, khói chưa kịp thoát ra làm cho khối thoát vị to thêm, gây chèn ép nhiều hơn. Nếu chọn lựa đúng bệnh nhân để làm PLDD và kỹ thuật này được thực hiện tốt thì tỷ lệ này chỉ chiếm 1/1.000 trường hợp.

          Nhiều người bệnh e ngại rằng tia laser và tia X phát ra khi làm PLDD sẽ gây hại cho cơ thể. Thực ra, laser nếu được sử dụng đúng cách và đôi mắt có bảo hiểm tốt thì được coi là vô hại. Về tia X, bạn hãy yên tâm. Mặc dù được áo giáp che chở nhưng những bác sĩ làm PLDD cho bạn sau một thời gian sẽ lãnh lượng tia X cao gấp nhiều lần so với lượng mà bạn hấp thụ trong 1 lần nằm trên bàn mổ. Và nếu họ vẫn còn đủ khả năng làm PLDD cho bạn thì có nghĩa là lượng tia X mà bạn nhận chưa đủ để gây ra chuyện gì cả.????

          PLDD cũng có một số nhược điểm nhất định. Đây là một phương pháp kén chọn bệnh nhân. Nhiều trường hợp được điều trị bằng PLDD vẫn còn có thể chữa được bằng thuốc và vật lý trị liệu. Ở những bệnh nhân này, PLDD giúp rút ngắn thời gian điều trị, tăng khả năng chữa hết bệnh và đặc biệt là giảm số lượng thuốc đưa vào cơ thể.

          Khả năng chữa hết bệnh của PLDD mặc dù cao hơn nhiều so với dùng thuốc và vật lý trị liệu nhưng lại thấp hơn so với mổ hở hoặc nội soi.

          BS Võ Xuân Sơn, Bệnh viện Chợ Rẫy
           
          http://www.ykhoanet.com/khop/09_108.htm
          #5
            HongYen 12.08.2007 09:45:13 (permalink)
            Cơ hội mới chữa thoát vị đĩa đệm
            11:07:00, 06/01/2007

             
            Ảnh: Google
             
            Đau lưng luôn là nỗi ám ảnh của người lớn tuổi hoặc người lao động nặng. Đau lưng có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng ngại nhất là tình trạng thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ), chủ yếu gây đau vùng thắt lưng, cản trở hầu như mọi sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân. Điều trị TVĐĐ có nhiều phương cách.


            Thời gian gần đây, y học hiện đại đã mang đến cho bệnh nhân nhiều cơ hội mới.

            Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
            Đĩa đệm (ĐĐ) là chiếc gối đệm đàn hồi có dạng như một thấu kính lồi chêm vào giữa 2 đốt sống nhằm tạo sự uyển chuyển cho cột sống trong các động tác xoay, nghiêng, ưỡn, cúi... Đồng thời, ĐĐ còn là vật hộ thân giúp cột sống phân tán trọng lực và lực đè ép từ bên trên do khiêng vác vật nặng và chống rung lắc cho cơ thể. Để thực hiện được các chức năng trên, ĐĐ có một cấu tạo đặc biệt gồm nhân nhầy, bao quanh là các vòng sợi và dây chằng, TVĐĐ hình thành khi vì một lý do nào đó (lão hóa, thoái hóa, chấn thương...) các cấu trúc vòng ngoài xuất hiện “lỗ mọt” hay rách hẳn, mở đường cho nhân nhầy thoát ra chảy vào ống sống hay lỗ tiếp hợp, chèn vào búi thần kinh, gây ra hiện tượng đau thắt lưng dai dẳng. TVĐĐ hay xảy ra ở vùng thắt lưng lan xuống mông, chân, thường được gọi là đau thần kinh tọa.

            Phương pháp chẩn đoán
            Một thầy thuốc kinh nghiệm có thể xác định TVĐĐ qua thăm khám lâm sàng, nhưng để chẩn đoán chính xác cần nhìn qua phim X-quang hay bổ sung chụp cản quang, ghi điện cơ... Hiện nay, người ta còn sử dụng CT scan hay MRI (cộng hưởng từ) khá hiệu quả trong việc chẩn đoán.

            Điều trị TVĐĐ thắt lưng
            Tùy thuộc mức độ nặng - nhẹ (chủ yếu căn cứ vào lượng nhân nhầy thoát ra nhiều hay ít và mức độ chèn ép thần kinh), các thầy thuốc sẽ dành cho bệnh nhân những can thiệp vừa phải trước, sau đó tùy tình hình sẽ lựa chọn biện pháp triệt để hơn. Lần lượt gồm có:

            - Kéo giãn cột sống thắt lưng bằng giường kéo:
            Mục đích làm giảm áp lực đè lên các đốt sống thắt lưng mở đường cho nhân nhầy quay trở lại vị trí cũ. Giường kéo là một thiết bị chuyên dụng nhưng không phức tạp lắm, áp dụng nguyên lý đơn giản là cố định phần trên thân thể, phần dưới nối với hệ thống ròng rọc có treo quả cân nặng để duy trì lực kéo thường xuyên và từ từ. Trọng lượng quả cân sẽ tăng dần theo thời gian, đôi khi người ta dùng chính sức nặng của bệnh nhân làm lực kéo (nằm trên giường dốc xuống).

            Ngoài ra, các thầy thuốc còn thêm vài trợ giúp như xông hơi thuốc, áp nhiệt, chiếu tia hồng ngoại, xung điện... nhằm mục đích giãn cơ, giảm đau. Mọi chi tiết về chỉ định, kỹ thuật, thời gian kéo sẽ được áp dụng cụ thể cho từng bệnh nhân. Những trường hợp thoát vị bán cấp hay mạn tính thường là lựa chọn của biện pháp này.

            - Tiêm nội đĩa đệm:
            Tác động vào chính ĐĐ với mong muốn thu nhỏ hay tiêu hẳn khối thoát vị để giảm áp lực căng phồng, giải phóng sự chèn ép của nó vào thần kinh. Biết được thành tố chính của nhân nhầy là một loại protein, nhiều chất tiêu đạm thịnh hành được mang ra dùng như chymopain (trích xuất từ một giống đu đủ), collagenase (men tiêu collagen)... Tuy có vẻ khả thi nhưng cho đến nay, nhiều thầy thuốc thường e dè biện pháp này vì những tai biến sốc phản vệ nguy hiểm. Gần đây, người ta đã tính đến việc tiêm máu tự thân của chính bệnh nhân vào ĐĐ với cùng mục đích trên nhưng có thể tránh được hiện tượng phản vệ.

            - Phẫu thuật đĩa đệm:
            Lựa chọn sau cùng có tính triệt để, nhất là sau khi các biện pháp bảo tồn thất bại, mở đường vào thẳng ĐĐ và lấy đi khối thoái vị.

            - Laser điều trị:
            Rất may là “cánh tay” ngày càng dài ra của laser đã vươn tới lĩnh vực điều trị TVĐĐ, triển khai vào thập niên 80 và ngày càng thâu tóm mọi ưu điểm mà các thầy thuốc mong muốn. Không ngoài cung cách phá hủy cấu trúc nhân nhầy giải phóng chèn ép (laser điều trị giảm áp đĩa đệm cột sống xuyên da - Percutaneous Laser Disc Decompresion - PLDD), các bác sĩ dùng kim chuyên dụng chọc vào ĐĐ và gửi theo nó một sợi quang học dẫn đường năng lượng bức xạ từ máy phát laser (loại Nd-YAR) vào khởi hoạt hiện tượng quang động làm bốc cháy và bay hơi một phần nhân nhầy.

            Ít tai biến, không “động dao, động kéo” nhiều, thời gian hồi phục nhanh, PLDD thường được chỉ định trong khá nhiều trường hợp, trừ khi kèm theo thoát vị là nhiều tổn thương nặng nề khác như rách dây chằng ĐĐ, khối thoát vị quá to hay có các bất thường của cột sống liên quan... thì không còn cách nào khác là phẫu thuật để giải quyết trọn gói.

            Sau cùng,  biện pháp nội khoa hỗ trợ như giảm đau, giảm cứng cơ, vật lý trị liệu... luôn được áp dụng song song. Với các cứu cánh trên cùng với sự hợp tác tích cực của bệnh nhân, đa số các trường hợp đau thắt lưng do TVĐĐ đều đạt kết quả khả quan. Vấn đề còn lại là thời gian, tổn phí nằm viện... có thể trở thành trở ngại lớn với bệnh nhân nghèo  là một trong những đối tượng mà bệnh đau thắt lưng hay “viếng thăm” nhất.

            Anh Tuấn
            (ĐH Y khoa Hà Nội)
            #6
              HongYen 15.10.2007 02:29:04 (permalink)
              Thứ Năm, 11/10/2007, 07:38 (GMT+7)

              Cái lưng đau






              Tập dưỡng sinh giúp ngăn ngừa đau lưng - Ảnh: T.T.Dũng
              TT - Nhiều bạn đọc than phiền lưng đau, từ rêm rêm ở cột sống, cứng không cúi được đến nhức không chịu nổi phải nằm liệt giường.




              Nghe đọc nội dung toàn bài:





              Bệnh xuất hiện từ trẻ đến già; không phân biệt giới, nghề nghiệp. Bài viết này giải đáp phần nào thắc mắc của bạn đọc.
              Nước ta là nước nông nghiệp, tốc độ cơ khí hóa chưa cao, truyền thông về bệnh lý cột sống và cách phòng tránh còn hạn chế, nên có thể nói "không đau lưng không phải người VN". Tại Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, số người đến khám và điều trị đau lưng năm 1997 chiếm 2,5% trong tổng số bệnh nhân.
              1.001 lý do





              Cúi thẳng đầu gối
              Để phòng ngừa đau lưng xin chú ý những điểm sau đây: không nên bắt trẻ lao động nặng để tránh tổn thương cột sống; khi cần khiêng đồ nặng cột sống phải thẳng, nâng vật nặng từ từ; mang giày đế thấp, thoải mái, tránh mang giày cao gót thường xuyên; giảm cân nếu bị béo phì.
              Khi làm việc ở tư thế ngồi hay đứng cứ mỗi hai giờ nên đi lại vươn vai tập thể dục để đầu óc thoải mái và cột sống chuyển động nhịp nhàng. Trẻ ngồi học trong tư thế thẳng, không ngoẹo đầu sang một bên tránh vẹo cột sống.
              Nếu hút thuốc lá thì nên cai bởi theo các nhà khoa học tại Trường ĐH Harvard: hút thuốc lá làm giảm lượng máu đến vùng cột sống và gây thoái hóa đốt sống thắt lưng sớm. Nằm ngủ nghiêng sang một bên, gối thấp, không nằm sấp.
              Những bài tập như cúi thẳng đầu gối, tay chạm ngón chân cái, múa kiếm, thái cực quyền, dưỡng sinh đều  làm tăng tuần hoàn máu đến cột sống giúp phòng chống đau lưng hữu hiệu.
              Nhìn chung đau lưng có 1.001 lý do từ đơn giản đến phức tạp. Do giãn dây chằng chiếm 70-75% trường hợp: bạn đứng lệch nâng vật nặng như tủ, bao gạo, cánh cửa, tảng đá, tập thể thao không đúng cách… dây chằng một bên cột sống bị kéo căng quá độ, gây đau dữ dội ở vùng cạnh xương sống.
              Do tổn thương đĩa đệm thường xảy ra ở tuổi trung niên trở lên. Căn bệnh đau lưng tuổi trung niên còn gọi là thoái hóa đốt sống. Đĩa đệm là mô sụn nằm giữa các đốt sống. Theo năm tháng đĩa sụn bị hao mòn, biến dạng, trở nên gồ ghề. Các đốt sống bình thường di chuyển trên bề mặt sụn mềm, trơn nhẵn, nay bị cọ xát nên ta cảm thấy "rêm rêm", nếu bề mặt sụn có chỗ khuyết đến mức đốt sống đè vào dây thần kinh thì lưng đau lan xuống mông, bắp chân và tới tận bàn chân. Đó là đau thần kinh tọa.
               
              Có trường hợp phải lao động từ nhỏ khi cột sống chưa phát triển hoàn chỉnh cũng gây thoái hóa đốt sống thắt lưng là nguyên nhân gây đau nhức triền miên. Vì đau nên người ta đi trong tư thế cứng lưng, hoặc nghiêng sang một bên hi vọng đỡ đau hơn.
              Do loãng xương xảy ra với phụ nữ mãn kinh. Đặc biệt với những phụ nữ không có thói quen tập thể dục thì hiện tượng loãng xương càng trầm trọng. Loãng xương gây đau ở lưng, dọc các xương, lớp trẻ thường nói "bà già đau lưng" là vậy. Loãng xương nhiều có thể gây biến dạng cột sống làm "bà già còng lưng". Loãng xương cũng là căn bệnh thoái hóa đốt sống nên cái đau kể như triền miên, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống.
               
              Thoát vị đĩa đệm: đĩa đệm mòn, yếu một bên, tủy sống vốn mềm nên chỉ cần một chút bị kẹp vào đĩa đệm, đốt sống chuyển động ép lại gây đau từ thắt lưng lan xuống bàn chân.
               
              Đau lưng có thể do viêm xương khớp, có thể do di căn ung thư, có thể do bệnh trong nội tạng như đau dạ dày, viêm ruột, sỏi thận, bệnh của tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt. Đau lưng có thể do viêm cột sống trong bệnh viêm cột sống cứng khớp. Người béo phì hay bị đau lưng hơn người bình thường vì phần thắt lưng chịu sức nặng từ trên đè xuống…
              Đông Tây kết hợp.
               
              Khi bị đau lưng, việc đầu tiên là nằm nghỉ. Tuy nhiên cũng không nên nằm ì ra hàng tuần. Có người vì động tác mạnh, kéo căng cột sống, cơ bị đau chỉ cần nghỉ thư giãn, uống thuốc giảm đau hai ngày là giảm. Những ngày sau đó nên đi lại vận động nhẹ nhàng.
               
              Chườm nóng và xoa bóp được xem là biện pháp hữu hiệu. Báo cáo của BS Quan Vân Hùng, Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM năm 2006, cho thấy 30 bệnh nhân có dấu hiệu hẹp khe khớp, xơ hóa dưới tấm sụn và xương sống có gai, tất cả được xoa bóp, day ấn huyệt thì 90% giảm đau ngay trong những ngày đầu tiên, bệnh nhân có thể cúi dễ dàng (95%).
               
              Theo tin TTXVN ngày 25-9 "Các nhà khoa học Đức thuộc Trường đại học Ruhr University Bochum cho thấy gần 50% số bệnh nhân được chữa đau lưng bằng thủy châm hoặc điện châm đều cảm thấy giảm đau sau đó vài tháng. Ngược lại, chỉ 25% số bệnh nhân điều trị bệnh bằng phương pháp uống thuốc theo đơn của bác sĩ, hoặc các liệu pháp khác như xông hơi và matxa cảm thấy khá hơn". Do đó, họ cho rằng châm cứu hiện nay là giải pháp chữa bệnh hiệu quả nhất và có triển vọng cao đối với những bệnh nhân bị đau lưng mãn tính.
               
              Tuy nhiên muốn chữa đau lưng hữu hiệu tốt nhất vẫn là phối hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại: châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt + thuốc giảm đau, bổ sung sụn cho cơ thể sẽ giải thoát cơn đau nhanh chóng hơn.
               
              BS LÊ THÚY TƯƠI
               
              http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=223712&ChannelID=12
               
               
               
              #7
                HongYen 12.11.2007 10:23:45 (permalink)







                Thứ bảy, 10/11/2007, 09:30 GMT+7




                Đau thần kinh tọa phần lớn không cần mổ
                 





                Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống.
                Chứng thần kinh tọa khiến bệnh nhân khổ sở bởi những cơn đau dữ dội. Có đến 4/5 số ca bệnh có thể chữa bằng thuốc mà không cần phẫu thuật.
                 
                Đây là một hội chứng rất thường gặp ở tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ, nhất là những người lao động chân tay. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh (chiếm 60-90%). Một số trường hợp còn do có các chất trung gian hóa học gây viêm.
                 
                Triệu chứng điển hình là xuất hiện đau sau một sự gắng sức, khởi đầu là đau lưng. Vài giờ hoặc vài ngày sau đau tiếp tục tăng và lan xuống mông, khoeo, cẳng bàn chân theo dường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau có khi âm ỉ nhưng thường là dữ dội, tăng lên khi ho, hắt hơi, cúi và giảm khi nằm yên trên giường cứng, gối co lại.
                 
                Bệnh nhân có cảm giác kiến bò, tê cóng hoặc như kim châm ở bàn chân. Một số người bị đau ở hạ bộ và đau khi đại tiểu tiện.
                 
                Các biện pháp chữa đau thần kinh tọa bao gồm:
                 
                Điều trị nội khoa: Bệnh nhân cần bất động trong giai đoạn đau cấp tính và vận động sớm ngay khi đau giảm nhằm tăng khả năng của cơ cột sống. Có thể kết hợp vật lý liệu pháp: Dùng nhiệt, xoa nắn chỉnh hình, điện xung, sóng ngắn, châm cứu, kéo giãn cột sống. Ngoài ra, bệnh nhân được dùng thuốc chống viêm giảm đau và một số thuốc khác.
                 
                Điều trị can thiệp: Bao gồm tiêm Chymopapaine vào đĩa đệm làm tiêu nhân nhày (gần đây ít được dùng do dễ gây dị ứng, vôi hóa đĩa đệm), giảm áp đĩa đệm bằng laser, lấy nhân nhầy qua da bằng tay. Gần đây, ở Việt Nam bắt đầu ứng dụng sóng có tần số radio.
                 
                Phẫu thuật: Áp dụng cho các trường hợp đau rất nhiều, liên tục, không giảm khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giảm đau, liệt hay yếu các nhóm cơ liên quan đến thần kinh tọa... Gần đây kỹ thuật mổ nội soi được ứng dụng, giúp hạn chế tổn thương và nguy cơ xơ hóa sau phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật là 70-90%.
                 
                Phần lớn các trường hợp đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm có thể chữa khỏi bằng nội khoa bảo tồn; chỉ có khoảng 20% phải can thiệp và phẫu thuật.
                (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

                 
                http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2007/11/3B9FC2AA/
                #8
                  HongYen 14.06.2008 14:20:36 (permalink)
                  Thứ sáu, 13/6/2008, 00:12 GMT+7
                  Điều trị đau lưng bằng sóng radio
                   
                  Thay vì phẫu thuật, bệnh nhân đau lưng do hỏng miếng đệm giữa các đốt sống (thoát vị đĩa đệm) sẽ được chữa trị bằng phương pháp dùng sóng radio cao tần với giá khoảng 17 triệu đồng, gồm khâu chẩn đoán và chạy sóng.
                   






                  Đau lưng vì thoát vị đĩa đệm. Ảnh: Corbis.com.
                  Sau khi chẩn đoán đúng vùng đĩa đệm gây đau, đầu tiên các bác sĩ sẽ dùng kim đưa vào trong đĩa đệm. Tiếp theo, một luồng sóng radio cao tần có nhiệt độ 65oC sẽ được truyền vào đĩa đệm với mục đích hủy đầu thần kinh nhận cảm xúc, giúp bệnh nhân không còn cảm thấy đau.
                   
                  Theo bác sĩ Thái Thị Hoa, Trưởng Trung tâm điều trị đau, Bệnh viện FV, TP HCM, phương pháp này giúp bệnh nhân tránh được các di chứng vẫn thường gặp trong điều trị xâm lấn bằng phẫu thuật lấy đĩa đệm ra khỏi đốt sống. Đây cũng là cách chữa hiệu quả hơn so với phương pháp đốt bằng laser bởi bảo vệ nguyên vẹn đĩa đệm.
                   
                  Bệnh nhân điều trị bằng sóng radio sẽ không bị đau, ít biến chứng và có thể xuất viện ngay trong ngày. Một ưu điểm khác là bệnh nhân có thể khỏi hẳn bệnh trong thời gian từ 1 đến 2 năm.
                   
                  Sóng radio cao tần còn có thể khống chế tốt các bệnh lý mạn tính của vùng thắt lưng, cổ, đau thần kinh tọa, thần kinh ngoại biên... Tuy nhiên theo bác sĩ Hoa, phương pháp chữa này chỉ áp dụng trong những trường hợp thoát vị mới, chèn ép ít, không có các bệnh lý cột sống kèm theo.
                  Bác sĩ Jacques Bontemps, Trưởng Khoa Chẩn đoán và điều trị đau Bệnh viện Sainte Elisabeth - Namur, Bỉ, người chuyển giao kỹ thuật sóng cao tần radio tại Bệnh viện FV cũng khuyên, tuy phương pháp mang lại hiệu quả cao, nhưng khi bị đau lưng, tốt nhất trước hết người bệnh hãy đi khám tìm nguyên nhân. Sau đó uống thuốc kháng viêm, giảm đau, nếu vẫn không hiệu quả thì mới nghĩ đến chữa trị bằng sóng cao tần.
                   
                  Cũng theo ông Jacques Bontemps, sau khi điều trị bằng sóng radio, để thời gian tái phát chậm đến, bệnh nhân cần bỏ rượu, thuốc lá, giảm cân với những người béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý và tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên như đi bộ trên nền phẳng, bơi, đạp xe. Người bị thoát vị đĩa đệm cần tránh đi xe đường dằn xóc.
                  Tuy nhiên theo bác sĩ Jacques Bontemps, trị bệnh vẫn không hay bằng phòng bệnh. Để tránh mắc bệnh, cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng dẫn đến tật gù vẹo cột sống, là một trong những yếu tố gây thoát vị đĩa đệm.
                   
                  Người lớn tránh khiêng vác, bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Sau khi ngồi khoảng 1 giờ cũng nên đứng dậy nghỉ ngơi 5-10 phút, vừa bảo vệ mắt lại vừa giữ gìn đĩa đệm cột sống. Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức và kéo dài.  
                   





                  Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến gây đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng cũng như chân tay. Việt Nam có khoảng 17% người trên 60 tuổi bị mắc chứng đau lưng. Còn ở Mỹ, hằng năm có khoảng 2 triệu người phải nghỉ việc do đau thắt lưng. 
                  Đau thường tái phát nhiều lần, mỗi đợt kéo dài khoảng 1-2 tuần. Ban đầu triệu chứng đau chỉ âm ỉ, nhưng sau đó nếu không điều trị cơn đau sẽ trở nên dữ dội. 
                   
                  Nguyên nhân gây đau ở thoát vị đĩa đệm thường là do miếng đệm giữa các đốt sống vì một lý do nào đó bị viêm nhiễm, hoặc phồng to, vỡ chèn vào dây thần kinh gây đau. Theo các chuyên gia, việc chẩn đoán đúng nguyên nhân hay miếng đệm nào gây đau, cho đến nay vẫn là bài toán khó.

                  Thiên Chương
                   
                  http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/06/3BA034AD/
                  #9
                    quyenneo 15.06.2008 16:58:19 (permalink)
                    cảm ơn HY nhiều nha. những tài liệu này thật bổ ích.
                    hiện nay neo chưa có time nghiên cứu nhưng save lại mai mốt
                    nghiên cứu.
                    #10
                      Quang Khôi 01.04.2009 06:10:20 (permalink)



                      CHẾ ĐỘ ĂN TRONG BỆNH VIÊM XƯƠNG KHỚP THƯỜNG GẶP

                      25/08/2006

                       

                      Bệnh viêm xương khớp ngày nay đã trở thành vấn đề y khoa phổ biến, ước tính có khoảng gần 100 loại viêm xương khớp và chia làm 2 nhóm chính: Viêm xương khớp do thoái hóa và viêm xương khớp do viêm.



                      Việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc điều trị thường có nhiều tác dụng phụ, giá thành cao, hơn nữa còn liên quan đến sinh hoạt của bệnh nhân hàng ngày, vì vậy việc ứng dụng chế tiết dinh dưỡng và chế độ ăn uống hợp lý trong điều trị các bệnh viêm xương khớp có một ý nghĩa quan trọng, đã đạt được một số tiến bộ và hiểu biết đáng kể.
                       
                      Biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm xương khớp:

                      Viêm xương khớp do thoái hóa:
                      - Thoái hóa khớp là một tình trạng mất cục bộ sụn khớp kèm theo phản ứng tăng sinh của xương dưới sụn, bờ của khớp và có sự thay đổi về X-quang bao gồm: hẹp khe khớp, xơ hóa xương dưới sụn kèm theo nang xương và gai xương.
                      - Bệnh lý thoái hóa này liên quan tới lứa tuổi, và thường xảy ra ở khớp gối, khớp háng và đốt sống. Thường biểu hiện.
                      - Đau khi vận động, khi thay đổi tư thế, đau âm ỉ tại chỗ và giảm đau khi nghỉ ngơi.
                      - Giảm biên độ của khớp khi cử động, có cảm giác khớp bị lỏng lẻo.
                      - Khớp có thể sưng và đau quanh khớp hay có thể nghe tiếng lạo xạo ở khớp.
                       
                      Viêm khớp do viêm
                      Đây là một loại bệnh hệ thống với tình trạng viêm xảy ra ở nhiều khớp, thường là những khớp nhỏ của bàn tay, cổ tay và bàn chân, có khi ảnh hưởng đến các khớp gối, khớp háng.
                      Bệnh khởi phát thường âm thầm với tình trạng phù nề, đau đớn và cứng khớp lúc thức dậy buổi sáng, gây hạn chế vận động và biến dạng khớp.
                      Triệu chứng đau cố định và ngày càng trầm trọng. Những triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, đau cơ và cảm giác khó chịu ở cơ thể. Trong các bệnh ở loại nhóm này, bệnh gout là bệnh thường gặp và liên quan nhiều đến chế độ ăn.
                       
                      Gout là một bệnh viêm xương khớp còn gọi là bệnh thống phong, bệnh do sự lắng đọng của tinh thể urate bên trong khớp, thường gặp ở nam giới.
                      Biểu hiện của bệnh:
                      Bệnh biểu hiện bởi cơn đau cấp tính, phù nề và tình trạng kích thích cao độ tại khớp, cơn đau đầu tiên thường ở ngón chân cái, ở gót chân, sau đó bao gồm các khớp mắt cá, khớp gối, khớp mu bàn chân, nhưng cũng có thể gặp ở khớp cổ tay và các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, các khớp lớn như khớp hông, khớp vai, cột sống hiếm khi bị ảnh hưởng.
                       
                      Ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng trong bệnh viêm xương khớp
                      Quá trình viêm xương khớp là quá trình tạo thành các sản phẩm hoạt hóa sinh học của các acid béo, đó là Prostaglandin và Leucotriene dẫn xuất từ acid béo thiết yếu. Acid Arachidonic; các dẫn xuất hoạt hóa này có thể thay đổi thành phần acid béo trong thức ăn.
                      Acid Arachidonic là thành phần của Phospholipid màng tế bào là cơ chất của men Cyclooxygenase và Lipooxygenase.
                      Cyclooxygenase là men hoạt hóa acid béo tạo thành Prostaglandin và Thromboxane, hai chất này kích thích phản ứng viêm và thúc đẩy kết dính tiểu cầu, Prostaglandin E gây giãn mạch, xung huyết, tăng cảm giác đau.
                       
                      Sử dụng thức ăn từ hải sản, dầu cá có chứa acid béo kép không no type  n-3 bao gồm acid Eicosopentaenoic (EPA, C20:5) và acid Docosahexaenoic (DHA, C22:6) có thể thay thế acid Arachidonic của màng tế bào. Hai acid EPA và DHA cũng là cơ chất cho men Lipooxygenase để tạo thành Leucotriene B5 - LTB5 ít kích thích viêm và ít gây dính tiểu cầu hơn là Leucotriene B4 dẫn xuất từ acid béo thiết yếu Arachidonic. Bữa ăn sử dụng từ dầu cá thay mỡ đã được chứng minh trong một số công trình lâm sàng là có tác dụng giảm đau và giảm sưng khớp.
                       
                      Chế độ ăn trong một số bệnh viêm xương khớp thường gặp
                      1. Người béo phì thường kèm thoái hóa khớp, cho nên người béo phì cần giảm cân, cân bằng chế độ ăn kiêng từ từ để làm giảm tối đa những chấn động trên khớp.
                      2. Người có tình trạng dinh dưỡng kém mà bị viêm đa khớp dạng thấp, nên ăn nhiều hơn bình thường bằng cách ăn thành nhiều bữa nhỏ (bữa phụ) để dung nạp tốt hơn.
                       
                      3. Bệnh gout
                      Cần có chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, hạn chế tối đa chất đạm để làm giảm lượng acid uric trong máu, tinh thể uric lắng đọng trong khớp như:
                      * Gan, thận, tim, trứng cá, cá trích, cá mòi, thịt bò, thịt gà lôi, chim bồ câu, ngỗng, sò...
                      * Đặc biệt không dùng chất đạm này chung với bia, rượu mạnh hoặc rượu vang đỏ.
                      * Các loại đậu, cây họ đậu, măng tây, súp lơ, nấm.
                      * Tránh uống rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chocolat.
                      * Tránh dùng mỡ động vật.
                       
                       
                      Nên dùng:
                      - Ăn nhiều rau, trái cây tươi, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
                      - Nên dùng dầu đậu nành, dầu hạnh nhân.
                      - Tập thể dục đều đặn.
                      4. Bệnh thoái hóa khớp và viêm đa khớp dạng thấp cần ăn:
                      - Thịt heo, thịt gia cầm (gà, vịt, bò) cá biển, tôm, cua, sò.
                      - Ngũ cốc: lúa mì, lúa mạch...
                      - Bổ sung thêm: vitamin D, B, K, folic acid, calcium, sắt có chứa trong các loại rau.
                      - Dùng các loại dầu chứa acid béo omega 3 như: dầu đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ô-liu...
                       
                      Tóm lại, viêm xương khớp là loại bệnh ngày càng phổ biến và trở thành mối quan tâm của ngành y tế nước nhà. Việc điều trị chủ yếu hiện nay vẫn sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid và gluco corticoide.
                      Các thuốc kháng viêm không steroid gây giảm tổng hợp Prostaglandin nhờ ức chế men Cyclooxygenase.
                       
                      Corticoid ức chế hoạt hóa men Phospholipase A2 gây giảm giải phóng acid béo thiết yếu Arachidonic từ màng tế bào, do đó giảm sản xuất Prostaglandin, Thromboxane A2, và giảm viêm.
                      Từ cơ chế trên có thể điều chỉnh được bằng chế độ ăn, góp phần đạt được kết quả điều trị như mong đợi.



                      BS.TRẦN QUỐC LONG
                       
                      http://www.vietnet.com.au/details.php?nid=1151
                      #11
                        Chuyển nhanh đến:

                        Thống kê hiện tại

                        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                        Kiểu:
                        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9