Đau Cột Sống, Xương Khớp
HongYen 12.08.2006 14:25:47 (permalink)
Đau lưng chữa nhiều không bớt, không biết bị bệnh gì?


10:10:00, 07/08/2006
BS Bạch Long

 
Bơi - môn thể thao được khuyến khích (Ảnh: gettyimages)

Hỏi: Tôi cao 1,66m, cân nặng 69 kg, 36 tuổi, lập gia đình cách đây vài tháng. Tháng 10/2002, tôi đã mổ nội soi cắt hạch thần kinh giao cảm tại BV Chợ Rẫy. Một tháng sau có cảm giác nóng buốt ngực phải, đi tái khám tại BV Chợ Rẫy, chụp phim không thấy gì, BS cho uống thuốc, bệnh bớt.
 
Sau khoảng 1 năm thấy ngực phải đau lại, gần đầu vú phải (cách khoảng 14-15 mm về phía trên vú) bóp thấy 1 cục u nhỏ, mềm khoảng bằng hạt gạo.

Ngoài ra thấy đau khớp xương sống (nhất là khi thời tiết thay đổi, giao mùa) đoạn giao nhau giữa 2 bả vai, ấn nhẹ nghe lạo xạo và có luồng cảm giác lan đến vùng có cục u nhỏ khoảng bằng hạt gạo này, đồng thời dưới gót chân phải có cảm giác nóng, đau khi giẫm chân mạnh. Tôi đến BV khám, chụp phim không có ảnh bất thường, được BS chẩn đoán đau TK liên sườn V, VI phải; cho uống các thuốc, vẫn không bớt. Tôi lại đến Trung tâm Y khoa Medic-TP.HCM khám, chụp film cũng không phát hiện ảnh bất thường, được chẩn đoán “Đau lưng”, cho toa thuốc uống 2 tuần cũng không bớt. Thời gian gần đây, khớp đốt sống nhức hơn (nhất là khi vận động mạnh, hít thở sâu), tần suất nhiều hơn về đêm, cục u ở gần vú lớn gần bằng hạt đậu xanh, mềm. Đi khám lại và được chẩn đoán “Đau lưng #N6”, cho toa thuốc uống trong 1 tuần vẫn không bớt. Tôi không biết mình bị bệnh gì. Rất mong bác sĩ cho lời khuyên. (KS Duong - Bình Phước)

Đáp: Trong một số trường hợp sau mổ cắt bỏ hạch giao cảm ngực để điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi, hen phế quản... có một số tác dụng ngoại ý không mong muốn như cảm giác nóng buốt, bừng đỏ nửa bên mặt do các rối loạn vân mạch mà bạn đã từng gặp, sau đó uống thuốc sẽ bớt. Hiện tại bạn còn mắc thêm chứng đau lưng.

Trên thực tế đau lưng có rất nhiều nguyên nhân như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, rối loạn tư thế cột sống, gù vẹo, ưỡn cột sống quá mức, viêm cột sống dính khớp, trượt cột sống v.v... Ngoài ra một số bệnh ngoài cột sống cũng gây chứng đau lưng như các bệnh trong lồng ngực, trong bụng như loét dạ dày tá tràng, sỏi mật..; các bệnh lý thuộc hệ tiết niệu như sỏi thận, viêm tuyến tiền liệt; các bệnh về thần kinh. Một nguyên nhân rất thường gặp là đau lưng do yếu tố tâm lý. Do vậy đau lưng là một trong các hội chứng rất thường gặp trong khi khám bệnh chung mà trong đó có tới 80% đau lưng không rõ nguyên nhân, phần đông đau lưng kéo dài dưới 2 tuần và tới 90% đau lưng chữa trị triệu chứng có hiệu quả mà không rõ được nguyên nhân đau lưng là gì. Nói như vậy để bạn có thể thấy việc chẩn đoán đau lưng do nguyên nhân gì nhiều khi không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên bản thân bệnh không tới mức quá căng thẳng như bạn lo lắng, có thể gửi tới bạn một vài lời khuyên trong trường hợp này để bạn tham khảo:

- Tư thế nằm nghỉ đầu hơi cao, chân hơi gấp, kê gối ở kheo chân.

- Chườm tại chỗ: chườm nóng, xoa bóp, kích thích điện bằng điện châm, tắm nóng, tắm bùn; lý liệu pháp nếu có thể.

- Thuốc: các thuốc giảm đau nên có chỉ định của bác sĩ, kết hợp với các thuốc giãn cơ; nếu quá căng thẳng có thể dùng thêm thuốc an thần. Cần lưu ý chế độ ăn uống đủ chất , dinh dưỡng hợp lý. Trong quan hệ tình dục nên điều tiết cho phù hợp với sức khỏe, tránh quá độ cho dù mới lấy vợ. Khi quan hệ vợ chồng, thấy tinh thần thoải mái, dễ ngủ, hôm sau sảng khoái, thể chất hưng phấn như vậy là phù hợp còn ngược lại thì nên điều tiết giảm hợp lý. Ngoài ra bạn có thể sử dụng thêm các sinh tố nhóm B, đặc biệt sinh tố B1, B6, B12 và các yếu tố vi lượng khác như kẽm, vitamin E nhằm chống lão hóa, nâng cao thể lực.

- Chú ý rèn luyện thể dục thể thao, tập các bài tập thư giãn cột sống để đỡ triệu chứng đau và phòng tái phát. Nên tập mỗi lần 10 phút, mỗi ngày 3-4 lần, tập từ từ rồi tăng dần theo bài tập sau:

+ Nằm ngửa, chân duỗi, gập chân vào ngực rồi duỗi ra; làm như vậy đối với chân còn lại, động tác giống như đạp xe đạp ở tư thế nằm ngửa.

+ Ngồi trên ghế, 2 gối gấp và dạng xa nhau, cúi người về phía trước tới khi đầu gần hoặc ở giữa 2 đầu gối sau đó ngẩng đầu tới khi tư thế thẳng.

+ Nằm ngửa, gối thấp, đầu thân nâng khỏi sàn bằng cách nắm vào đùi sau đó không cần rồi lại nằm xuống như lúc trước.

+ Tay giữ chiếc ghế hoặc tỳ vào bàn, ngối xổm (đầu gối gấp dưới 90 độ) rồi lại đứng dậy.

- Các biện pháp phòng ngừa thông thường:

+ Tránh nâng nặng, cúi liên tục, ngồi xổm, vặn người.

+ Giữ gìn cơ thể trong điều kiện tốt về thể lực, duy trì sức khỏe bằng luyện tập đều đặn các môn thể thao như đi bộ, bơi và các hoạt động giải trí thích hợp.

- Theo dõi sự tiến triển của bệnh và thông báo với bác sĩ điều trị để xác định nguyên nhân cũng như có bước điều trị phù hợp.

Riêng đối với khối u nhỏ ở ngực cũng cần theo dõi sự bất thường như tăng nhanh về kích thước, đau, nhiễm trùng… để làm các xét nghiệm kịp thời. Lưu ý cần có tâm lý tốt, tinh thần thoải mái sao cho khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ khắc chế được bệnh tật.

BS Bạch Long

http://www.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2006/8/7/158029.tno
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.05.2007 23:30:50 bởi HongYen >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9