(url) Nguyễn Nhật Ánh: 'Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của các em'(ANH VÂN)
meocon_thongminh93 13.08.2006 12:21:06 (permalink)
"Chuyện xứ Lang Biang" của Nguyễn Nhật Ánh

Một ngôi trường pháp thuật đầy huyền bí, nhóm phù thủy nhí với sứ mệnh cao cả, chống lại thế lực Hắc ám Bastu - bộ sách 4 tập "Chuyện xứ Lang Biang" của Nguyễn Nhật Ánh đang thu hút rất nhiều độc giả thiếu niên. VnExpress có cuộc trò chuyện với nhà văn.

- "Chuyện xứ Lang Biang" tập 3 kết thúc với nhiều gay cấn, nhiều nút thắt chưa được mở, kích thích bạn đọc muốn có ngay cuốn 4. Vậy bao giờ anh hoàn thành tập 4?

- Tôi đang cật lực làm việc để có thể ra mắt tập 4 trong dịp hè này như đã hứa với độc giả. Nhưng có quá nhiều tình tiết trong 3 tập trước phải giải quyết nên tập 4 có lẽ sẽ kết thúc không đúng như dự kiến. Hy vọng trong tháng 7, Chuyện xứ Lang Biang tập 4 sẽ đến với các em.

- Tại sao nhà văn chỉ dừng lại ở tập 4 mà không tiếp thêm tập 5, 6, 7?

- Theo diễn tiến của câu chuyện, Chuyện xứ Lang Biang lẽ ra phải kéo dài 6 tập. Lúc đầu tôi cũng định sẽ viết đến tập 6. Nhưng bộ truyện này lấy quá nhiều thời gian của tôi. Tôi không ngờ để viết một tập tôi phải mất một năm trời. Viết 6 tập phải bỏ ra 6 năm. Trong khi để hoàn thành 45 tập Kính vạn hoa tôi chỉ tốn có 7 năm. Hơn nữa, tôi đang thích thú với một tác phẩm khác đang viết dở, đó là lý do tôi quyết định Chuyện xứ Lang Biang 4 sẽ là tập cuối cùng.

- So với bộ truyện "Harry Potter", trong "Chuyện xứ Lang Biang", cái chết và cái ác không bao giờ bị đẩy đến tận cùng. Đôi khi tác giả dùng giọng văn hài hước làm cho nó nhẹ nhàng hơn. Dụng ý của anh là gì?

- Viết cho trẻ em, tôi quan niệm không nên viết quá nặng nề. Nhà văn phải là trụ đỡ tinh thần của các em, giúp các em yên tâm và vui sống. Trẻ em khác người lớn, tâm hồn mỏng manh, trong sáng như cây non, nhận thức chưa chín, kinh nghiệm sống chưa có, đem giông bão đến cho các em để làm gì? Mới đây, có 5 em học sinh ở Hải Dương rủ nhau tự tử chỉ vì bị bố mẹ mắng mỏ, cho thấy tâm hồn các em non nớt, dễ vỡ như thế nào. Hơn nữa, thực tiễn cũng đã chứng minh: trong bộ truyện viết cho tuổi mới lớn của tôi, hai tác phẩm hơi nặng nề Mắt biếc và Đi qua hoa cúc chỉ có người lớn thích, còn các em không thích bằng những tác phẩm khác.

- Tại sao trong "Chuyện xứ Lang Biang", nhà văn không xây dựng một hình tượng anh hùng - phù thủy độc lập kiểu Harry Potter mà lại là lóc nhóc một lũ phù thủy nhí đi đâu cũng có hội?



- Trong tất cả các tác phẩm viết cho trẻ em của tôi, dù là truyện sinh hoạt hay truyện giả tưởng, tình bạn là một yếu tố quan trọng và luôn được đề cao. Đó là lý do tôi không chủ trương xây dựng nhân vật anh-hùng-cá-nhân. Hai nhân vật chính Nguyên và Kăply trong Chuyện xứ Lang Biang dù trở thành chiến binh giữ đền cũng đâu có đánh lại ai. Chính tình bạn mới giúp cho các nhân vật của tôi vượt qua khó khăn và nghịch cảnh.

- Ông thày Akô Nô trong "Chuyện xứ Lang Biang" tập 3 "Chủ nhân núi Lưng Chừng" là một nhân vật quá dễ thương. Ở ông thày phù thủy - trẻ con này có nét nào được lấy từ anh? (Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng vốn là một nhà giáo và anh từng nói trong tâm hồn mình có một chú nhóc).

- Giáo sư Akô Nô là một trong những nhân vật được các em yêu quý. Dĩ nhiên tôi và Akô Nô chỉ giống nhau ở chỗ nghịch ngợm, ngoài ra không có điểm gì chung. Tuy truyện viết chủ yếu cho trẻ em, nhưng Chuyện xứ Lang Biang có chứa tầng nghĩa khác. Akô Nô là biểu hiện cho bi kịch về khát vọng của con người.

Con người luôn khao khát sự hoàn thiện nhưng không bao giờ đi đến đích - vì khoảng cách gần như không thể xóa nhòa giữa lý tưởng và thực tại. Một nhân vật thánh thiện và tinh khiết như Păng Sur thực ra chỉ là biểu tượng có tính chất tôn giáo. Khi cô đạt đến sự tuyệt đối, cô trở nên hầu như không có thực. Cô hóa thành trong suốt và chỉ có thể nhìn thấy qua một tấm gương. Đó là tấm gương khát vọng của mỗi chúng ta. Akô Nô không hiểu điều đó nên ông tìm cách giải quyết bản ngã của con người bằng biện pháp cơ học để rốt cuộc rơi vào một tình cảnh vô cùng oái oăm.

- Trong tất cả những truyện viết cho tuổi teen và thiếu nhi, "Chuyện xứ Lang Biang" gây cho anh cảm xúc, cảm hứng như thế nào?

- Đây là tác phẩm mà tôi phải phát huy tối đa sức tưởng tượng và tính tổ chức. Phải viết sao cho hay, cho hấp dẫn mà vẫn bảo đảm tính logic, đặc biệt khi tình tiết quá nhiều và quá rắc rối. Mặt khác, truyện phải vui vẻ, nhẹ nhàng, không nhiều yếu tố gây sốc và không đi chệch khỏi yêu cầu giáo dục. Đó là điều mà nhà văn Rowling có thể không cần quan tâm.

- Trước khi series truyện "Harry Potter" xuất hiện, có bao giờ anh nghĩ mình sẽ viết truyện phù thủy?

- Truyện tranh thì có nhưng truyện chữ thì không. Tôi phải cảm ơn bà Rowling và Nhà xuất bản Trẻ về điều này. Khi các em say mê Harry Potter, tôi nghĩ: Thì ra ở Việt Nam đang thiếu loại truyện này. Thế là tôi thử viết. Tôi bắt chước ông Cao Thắng, thử xem người Việt Nam có đúc súng như Tây được không.

- Sau "Chuyện xứ Lang Biang", anh tiếp tục với đề tài nào?

- Tác phẩm tiếp theo sẽ là bút ký của một chú Cún. Cuốn này mỏng thôi, nhưng là một kiểu viết mới mẻ đối với tôi. Sau đó nữa thì… chỉ có trời mới biết.

- Nếu có người khẳng định, từ "Chuyện xứ Lang Biang", văn học thiếu nhi Việt Nam đã ghi một dấu mốc mới, anh nghĩ sao?

- Tôi không rõ lắm, và cũng không quan tâm đến điều này. Tôi chỉ mong cùng với Chuyện xứ Lang Biang, nhiều nhà văn khác sẽ cho ra đời các tác phẩm có nội dung và cách thể hiện phong phú, đa dạng và hấp dẫn để con cái chúng ta có nhiều thứ để chọn lựa. Và để trên mặt bằng chung, truyện Việt Nam sẽ từng bước giành lại thị phần đang bị truyện dịch nước ngoài chiếm lĩnh.

- Anh dự đoán thế nào về "Harry Potter" 7?

- Tôi đọc cả 6 tập Harry Potter nhưng thực ra những tập sau không để lại ấn tượng gì cho tôi, thậm chí đọc xong tôi quên mất truyện viết gì. Tôi chỉ thích ba tập đầu tiên. Tập 4 bố cục tuy khập khiễng nhưng vẫn có chi tiết đáng nhớ. Tôi có cảm giác nhà văn Rowling càng viết càng đuối. Những chi tiết phi lý xuất hiện ngày càng nhiều và có vẻ như bà bắt đầu không kiểm soát được đường đi của câu chuyện.

Nhưng tôi nghiêng về cách lý giải này hơn: Rowling muốn kết thúc Harry Potter theo ý đồ có sẵn nhưng trong quá trình sáng tác, bà đã để câu chuyện trượt đi quá xa, bây giờ phải vất vả gom lại và buộc phải xuất hiện những sơ sót. Trẻ em mong chờ tập 7 có lẽ với lý do để xem rốt cuộc mọi chuyện sẽ được giải quyết như thế nào. Riêng với tôi, Harry Potter đã chấm dứt ở tập 4.

Anh Vân thực hiện
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2006 12:00:10 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9