(url) GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH "TÔI MÙ"CỦA NGUYỄN THANH TÚ

Tác giả Bài
meocon_thongminh93
  • Số bài : 1087
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.06.2006
  • Nơi: Hải Phòng
(url) GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH "TÔI MÙ"CỦA NGUYỄN THANH TÚ - 13.08.2006 13:11:16
Tên sách: Tôi mù?
Tác giả: Nguyễn Thanh Tú
NXB Hội nhà văn và Công ty Đông A


Cuốn tự truyện của Nguyễn Thanh Tú, một cô gái mắc bệnh Glô-com bẩm sinh. Trải qua 10 lần mổ, cô gái nhỏ phải chấp nhận mang một đôi mắt bằng nhựa.

Tên sách: Tôi mù?
Tác giả: Nguyễn Thanh Tú
NXB Hội nhà văn và Công ty Đông A

Thanh Tú trở thành một cô gái mù bắt đầu từ năm 15 tuổi. Cô cảm thấy bất hạnh mặc dù mẹ và hai chị gái rất mực chiều chuộng. Sự khao khát nhìn thấy ánh sáng không ngừng trỗi dậy trong cô. Cho đến khi Tú gặp thày Bình vốn là một nhà văn cùng thời với Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên, Dương Tường… Thày Bình đã hướng dẫn, dìu dắt Tú và những người mù khác bằng những phương pháp dưỡng sinh đơn giản. Nhưng có lẽ, sự hiệu nghiệm phải được đo bằng niềm tin và khao khát “nhìn thấy” sự vật, con người một cách mãnh liệt.

Cuốn tự truyện Tôi mù? kể lại một cách trung thực những gì đã diễn ra trong quá trình tập luyện để nhận biết được đồ vật mà không cần dùng đến đôi mắt của Tú và những người trong Hội người mù. Người đọc sẽ thấy những tên tuổi khá quen thuộc như họa sĩ Phan Cẩm Thượng, GS Vi Huyền Đắc, GS Phan Nhật Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải trong cuốn tự truyện này.

Cả câu truyện dấy lên sự đồng cảm, từ thân phận con người, đến những người tàn tật, và cụ thể là những người mù. Tú nói: “Những người mù như tôi, không biết ai khổ hơn ai…”. Số phận của những người mù được Tú kể lại như những kiếp sống chịu thiệt thòi và bất hạnh. Cho dù Thanh Tú có được may mắn hơn những người khác ở cuộc sống vật chất không đến nỗi thiếu thốn nhưng trong tâm hồn, sống mà không phụ thuộc vào ai, có lẽ, đó mới là vấn đề.

Câu chuyện cuộc đời Tú không có nhiều tình huống gì đặc biệt nhưng dường như có cả một bầu giông tố bên trong. Giọng điệu trong tự truyện chỉ đều đều, đơn thuần để kể lại quá trình nhận thức, tự chữa bệnh cho mình và mọi người, về những mối quan hệ giữa Tú và thày Bình, giữa Tú và mọi người. Chỉ thi thoảng, người đọc mới nhận ra những trăn trở, dằn vặt “hàng ngày phải đối mặt với những lúc còn tăm tối, va quệt, quờ quạng, sống theo thói quen trì trệ của người mù làm tôi thấy đau đớn. Sự đau đớn cả thể chất, cả tinh thần rình rập, trở đi trở lại. Tôi vẫn phải quằn quại vượt qua mình mỗi ngày, mỗi giờ”.

Thời gian đầu luyện tập, Tú nhìn một con gà trống, lại đoán ra anh thanh niên, nhìn bà chủ quán, lại đoán nhầm ra con chó. Nhưng Tú thừa hưởng sự hài hước, sống như vô vi của người thày, một người thày cô đơn, người thày mà Tú thấy như cỏ cây, như nước, khí trời hoà nhập với tất cả, tạo nên sự sống mới ở chính những con người đầy bệnh tật mù loà. Tú như được tiếp sức bởi sự hồn nhiên, biết “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Điều này thật khó khăn, Tú từng lo lắng cho những người mù khác khi nhìn lại được, lại có một số khả năng đặc biệt hiếm, những người chỉ biết nghĩ đến mình, lại đầy ham hố, thèm khát tranh đoạt tiền bạc, danh vọng sẽ ra sao? Liệu họ có sống một cuộc đời bình thường lương thiện như mọi người khác? Cô có thể đoán chữa được bệnh với độ chính xác 70% nếu so sánh với phương pháp chuẩn đoán và chữa trị Tây y, chỉ rõ khuyết tật trong nội tạng người, và hướng dẫn các phương pháp tập dưỡng sinh chữa bệnh.

Những quan niệm của Tú, một cô gái mù cũng rất khác biệt. Theo cô, chân lý vô cùng đơn giản, song thông thường, mọi người tìm hiểu chân lý theo những tiêu chí có trước của mình, của cộng đồng. Đó là cách tốt nhất để xa rời chân lý. Cũng như sự thật chỉ có một. Nhưng ai cũng nhìn sự vật, sự việc theo cách riêng của mình, nên chẳng bao giờ thấy được sự thật.

Liệu cái lối thoát mà Tú và người thày của mình tìm tới, và lường trước rằng, cho dù nó có kéo dài hàng chục năm hay cả cuộc đời có trở thành hiện thực hay không? Cô gái Nguyễn Thanh Tú đã tìm thấy và tự nhủ rằng: "Phải chờ đợi. Tôi đã không mất hy vọng nhìn thấy ánh sáng, và tôi đã có nó. Trở thành người có nhiều cái để cho, tôi sẽ có kết quả mong muốn".

Tên truyện là một câu trần thuật thông báo vấn đề. Nó là một câu hỏi, một sự hoài nghi, có thể trả lời yes/no. Tôi mù? Câu kết thúc cuốn tự truyện cũng là một câu hỏi: “Bạn có chia sẻ niềm tin đó với tôi không? Bạn có cho rằng tôi còn là người mù?” Câu hỏi đặt ra cho độc giả, cũng là câu hỏi tự chiêm nghiệm cho bản thân mình. Thanh Tú đang sống, cô đang sống cuộc đời của cô, dẫu là cuộc đời của một người thiếu đôi mắt. Cuộc sống với cô là đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng, hãy đem cái gì mình có, giúp ích cho mọi người. Đó là một cuộc sống có ích. Những câu hỏi như khẳng định chính: tôi không mù. Còn bạn thì sao? Cái gì là con đường đích thực của mình? Chúng ta hãy thử tìm con đường đó.

Nguyễn Lan Anh

NGUỒN:E-VAN.COM
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2006 11:58:01 bởi TTL >