TIỂU THUYẾT :CUỐN SỔ LỚN
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 55 bài trong đề mục
meocon_thongminh93 14.08.2006 20:44:37 (permalink)
CHƯƠNG 1

Đến nhà Bà Ngoại

Agota Kristof, Hoàng Ngọc Tuấn đang dịch

Chúng tôi đến từ Phố Lớn. Chúng tôi đã đi suốt đêm. Đôi mắt của Mẹ đỏ ngầu. Mẹ mang một hộp các-tông lớn, và hai anh em tôi mỗi đứa mang một va-li nhỏ đựng quần áo, cộng với cuốn từ điển to kềnh của Bố mà anh em tôi thay nhau ôm cho đỡ mỏi tay.

Chúng tôi đi bộ rất lâu. Nhà Bà Ngoại ở xa trạm xe lửa, tận đầu bên kia của Phố Nhỏ. Ở đây không có xe điện, xe buýt hay xe ô-tô. Chỉ có vài xe vận tải của quân đội chạy loanh quanh.

Người qua đường không nhiều, phố này yên tĩnh. Chúng tôi có thể nghe tiếng bước chân của mình; chúng tôi bước đi trong im lặng, Mẹ đi chính giữa, hai đứa tôi hai bên.

Trước cổng vườn của Bà Ngoại, Mẹ bảo:

— Đợi mẹ ở đây.

Chúng tôi đợi một lát, rồi chúng tôi đi vào trong vườn, bước quanh ngôi nhà, và bò xuống dưới một khung cửa sổ nơi chúng tôi có thể nghe những giọng nói. Giọng của Mẹ:

— Ở nhà con không còn gì nữa để ăn, không bánh mì, không thịt, không rau, không sữa. Không có gì cả. Con không còn nuôi nổi lũ trẻ nữa.

Một giọng khác nói:

— Vậy là mày nhớ đến tao. Suốt mười năm, mày không hề nghĩ đến tao. Mày không bao giờ đến thăm, mày không bao giờ viết thư.

Mẹ nói:

— Má biết tại sao mà. Tại con thương ba của con.

Giọng kia nói:

— Ừ, và bây giờ mày mới nhớ rằng mày cũng có một người mẹ. Mày mò đến đây để đòi tao giúp đỡ.

Mẹ nói:

— Con không đòi hỏi bất cứ cái gì cho con hết cả. Con chỉ muốn mấy đứa con của con sống sót qua cuộc chiến này. Phố Lớn bị dội bom suốt ngày suốt đêm, và không còn thức ăn nữa. Người ta sơ tán trẻ con về miền quê để ở với ông bà hay với kẻ lạ, bất cứ nơi đâu.

Giọng kia nói:

— Thế thì đem gửi chúng cho kẻ lạ, bất cứ nơi đâu.

Mẹ nói:

— Chúng là cháu ngoại của má cơ mà.

— Cháu ngoại của tao? Thậm chí tao cũng không biết chúng là ai. Có mấy đứa?

— Hai. Hai đứa con trai. Sinh đôi.

Giọng kia hỏi:

— Thế thì mày đã làm gì với những đứa khác?

Mẹ hỏi:

— Những đứa khác nào?

— Lũ chó cái mỗi lần đẻ bốn hay năm con chó con. Mày giữ một hay hai đứa, còn những đứa kia, mày trấn nước cho chết hết.

Giọng kia cười thật to. Mẹ không nói gì cả, và giọng kia hỏi:

— Ít nhất chúng cũng có cha chứ? Mày đâu có lấy chồng, tao biết mà. Tao đâu có được mời ăn đám cưới.

— Con có lấy chồng. Bố lũ nhỏ đang ở ngoài mặt trận. Đã sáu tháng nay con không có tin tức gì về anh ấy.

— Thế thì mày có thể xoá sổ nó được rồi.

Giọng kia lại cười, Mẹ bắt đầu khóc. Chúng tôi chạy ra cổng trở lại.

Mẹ bước ra khỏi nhà với một bà già.

Mẹ nói với chúng tôi:

— Đây là Bà Ngoại của các con. Các con sẽ ở với bà một thời gian, cho đến hết chiến tranh.

Bà Ngoại nói:

— Có thể là một thời gian dài. Nhưng tao sẽ bắt bọn chúng làm việc, mày đừng có bất bình. Thức ăn ở đây cũng không phải là miễn phí.

Mẹ nói:

— Con sẽ gửi tiền cho má. Trong hai cái va-li kia, có quần áo của lũ trẻ. Trong thùng các-tông, có khăn trải giường và mền. Ngoan nhé, hai đứa nhóc. Mẹ sẽ viết thư cho các con.

Mẹ hôn chúng tôi và vừa ra đi vừa khóc.

Bà Ngoại cười rất lớn và nói với chúng tôi:

— Khăn trải giường, mền! Sơ-mi trắng và giày đánh bóng! Tao sẽ dạy cho bọn mày biết đời là gì, chính tao!

Chúng tôi thè lưỡi ra trêu Bà Ngoại. Bà cười còn to hơn nữa và đập hai tay bôm bốp vào hai bên hông.

[còn tiếp nhiều kỳ]
NGUỒN :tienve.com

---------
Dịch từ nguyên tác Pháp văn, "L'arrivée chez Grand-Mère", chương đầu tiên trong Agota Kristof, La Grand Cahier (Paris: Éditions du Seuil, 1986).
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.11.2006 10:48:31 bởi meocon_thongminh93 >
#1
    meocon_thongminh93 15.08.2006 13:56:36 (permalink)
    CHƯƠNg 2
    Nhà Bà Ngoại



    Từ những ngôi nhà cuối cùng ở Phố Nhỏ đến nhà Bà Ngoại mất năm phút đi bộ. Sau đó, không còn gì khác ngoài con đường đầy bụi đất, đi một quãng ngắn thì bị một cái rào chắn ngang. Không ai được đi quá cái rào chắn này, ở đó có một ông lính đứng gác. Ông ấy có một cây súng máy và cái ống nhòm, và khi trời mưa, ông vào núp mưa trong một trạm gác nhỏ. Chúng tôi biết bên kia cái rào chắn, khuất trong cây cối, có một căn cứ quân sự bí mật và đàng sau căn cứ ấy là biên giới và một đất nước khác.

    Nhà Bà Ngoại nằm giữa một khu vườn, cuối khu vườn ấy là một con sông, rồi đến rừng.

    Khu vườn trồng đủ thứ rau đậu và cây ăn trái. Tại một góc vườn, có một chuồng thỏ, một chuồng gà, một chuồng heo, và một cái lán cho bầy dê. Chúng tôi đã thử cưỡi lên lưng con heo to nhất, nhưng không thể nào ngồi vững được.

    Bà Ngoại đem rau đậu, trái cây, thỏ, vịt, gà ra bán ngoài chợ, cùng với trứng gà, trứng vịt và phô-mai sữa dê. Heo thì bán cho ông đồ tể, và ông ấy trả bằng tiền mặt, nhưng cũng trả bằng thịt sườn và xúc-xích xông khói.

    Trong vườn cũng có một con chó để rượt kẻ trộm và một con mèo để bắt chuột nhắt và chuột lớn. Chúng tôi không được cho con mèo ăn, để nó luôn luôn đói.

    Bà Ngoại còn có một vườn nho ở bên kia đường.

    Chúng tôi đi vào nhà xuyên qua căn bếp rộng và ấm. Ngọn lửa cháy suốt cả ngày trong lò củi. Gần cửa sổ, có một cái bàn to tướng và một băng ghế hình góc vuông. Chúng tôi ngủ trên băng ghế đó.

    Từ căn bếp có một cửa lớn dẫn vào buồng của Bà Ngoại, nhưng cửa ấy luôn luôn được khoá lại. Chỉ một mình Bà Ngoại vào buồng đó ban đêm, để ngủ.

    Còn một phòng khác có thể đi vào thẳng từ ngoài vườn, khỏi cần qua căn bếp. Đây là phòng trọ của một sĩ quan ngoại quốc. Cửa phòng cũng được khoá lại.

    Dưới nền nhà, có một hầm đầy những thứ để ăn, và dưới mái nhà, có một gác xép nơi Bà Ngoại không còn trèo lên nữa từ khi chúng tôi cưa mất một nấc thang làm bà đã bị ngã đau. Lối vào gác xép ở ngay trên khung cửa lớn của phòng ông sĩ quan, và chúng tôi trèo lên đó bằng một sợi thừng. Đó là nơi chúng tôi giấu cuốn sổ tập làm văn, cuốn từ điển của Bố và những đồ vật khác mà chúng tôi buộc lòng phải giữ kín.

    Chẳng mấy chốc chúng tôi chế tạo một chiếc chìa khoá mở được tất cả các cửa, và chúng tôi đục những cái lỗ trên sàn gác xép. Nhờ chiếc chìa khoá, chúng tôi có thể tự do chạy quanh quẩn trong nhà khi mọi người đều đi vắng, và, nhờ những cái lỗ, chúng tôi có thể quan sát Bà Ngoại và ông sĩ quan trong phòng của mỗi người, mà không làm họ nghi ngờ.

    #2
      meocon_thongminh93 15.08.2006 13:57:17 (permalink)
      chương 3

      Bà Ngoại



      Bà Ngoại của chúng tôi là mẹ của Mẹ chúng tôi. Trước khi đến sống trong nhà bà, chúng tôi không hề biết Mẹ chúng tôi lại còn có một bà mẹ.

      Chúng tôi gọi bà là Bà Ngoại.

      Người ta gọi bà là Mụ Phù Thuỷ.

      Bà gọi chúng tôi là "đồ chó đẻ".

      Bà Ngoại thì nhỏ nhắn và gầy. Bà phủ một tấm khăn choàng đen trên đầu. Y phục của bà màu xám sậm. Bà mang những đôi giày lính cũ kỹ. Khi thời tiết dễ chịu, bà đi chân trần. Mặt bà đầy những nếp nhăn, những nốt ruồi nâu và những cái mụt cóc có lông mọc ra. Bà không còn răng, ít nhất là không còn chiếc răng nào trông thấy được.

      Bà Ngoại không bao giờ tắm rửa. Bà chùi miệng bằng góc chiếc khăn choàng đầu khi bà ăn xong hay uống xong. Bà không mặc quần lót. Khi bà muốn đái, bà chỉ dừng lại ở bất cứ nơi nào, dang hai chân ra và đái xuống mặt đất ngay bên dưới cái váy. Dĩ nhiên, bà không đái trong nhà.

      Bà Ngoại không bao giờ cởi quần áo. Chúng tôi đã rình xem bà trong buồng ngủ vào ban đêm. Bà cởi một cái váy ra, lại có một cái váy khác ở bên dưới. Bà cởi áo khoác ra, lại có một cái áo khoác khác ở bên dưới. Bà đi ngủ như thế. Bà không cởi chiếc khăn choàng đầu.

      Bà Ngoại ít nói. Trừ ban đêm. Ban đêm, bà lấy ra một cái chai trên kệ tủ, và nốc thẳng từ cổ chai. Chẳng mấy chốc, bà bắt đầu nói một thứ tiếng mà chúng tôi không biết. Đó không phải là thứ tiếng của những quân nhân ngoại quốc, đó là một thứ tiếng hoàn toàn khác.

      Bằng thứ ngôn ngữ vô danh đó, Bà Ngoại tự tra vấn và trả lời. Đôi khi bà cười, đôi khi bà nổi giận và gào thét. Cuối cùng, hầu như lúc nào cũng vậy, bà bắt đầu khóc, bà lảo đảo bước vào buồng, bà ngã gục lên giường, và chúng tôi nghe bà thổn thức mãi đến khuya.




      ---------
      #3
        meocon_thongminh93 16.08.2006 08:28:28 (permalink)
        CHƯƠNG 4
        Công việc



        Chúng tôi phải làm một số công việc nào đó cho Bà Ngoại, nếu không thì bà không cho chúng tôi ăn và bà để chúng tôi ngủ ngoài trời.

        Đầu tiên chúng tôi không chịu vâng lời bà. Chúng tôi ngủ ngoài vườn, chúng tôi ăn trái cây và rau đậu sống.

        Buổi sáng, trước khi mặt trời lên, chúng tôi thấy Bà Ngoại ra khỏi nhà. Bà không nói gì với chúng tôi. Bà đi rải thức ăn cho bầy gia súc, vắt sữa dê, rồi đem chúng đến bờ sông và cột chúng vào một cái cây. Rồi bà tưới vườn và hái rau, hái trái, chất lên một cái xe cút kít. Bà cũng bỏ thêm vào đó một rổ đầy trứng, một chiếc lồng nhỏ đựng một con thỏ và một con gà hay một con vịt với hai chân bịt trói vào nhau.

        Bà đẩy xe cút kít ra chợ, cái đai xe quàng lên chiếc cổ khẳng khiu làm đầu bà gằm xuống. Bà lảo đảo dưới sức nặng. Những ổ gà trên mặt đường và những cục đá làm bà mất thăng bằng, nhưng bà cứ tiếp tục bước, hai bàn chân quặp vào trong, như con vịt. Bà đi lên phố, đến chợ, không nghỉ, không hề dừng xe cút kít một lần nào.

        Khi đi chợ về, bà nấu một nồi xúp với những thứ rau đậu không bán hết và làm các thứ mứt với những trái cây thừa. Bà ăn, bà đi nghỉ một giấc trưa ngắn trong vườn nho, bà ngủ một tiếng đồng hồ, rồi bà làm việc trong vườn nho hoặc, nếu ở đó không có việc gì làm, bà trở về nhà, bà bửa củi, bà cho gia súc ăn một lần nữa, bà đem mấy con dê về, bà vắt sữa chúng, bà đi vào rừng, mang nấm và củi đóm về, bà làm phô-mai, bà phơi nấm và đậu, bà xếp các thứ rau đậu khác vào lọ, tưới vườn một lần nữa, xếp đồ đạc vào hầm kho, và cứ thế cho đến khi đêm xuống.

        Vào buổi sáng ngày thứ sáu, khi bà ra khỏi nhà, chúng tôi đã tưới vườn xong. Chúng tôi bưng giùm bà những thùng nặng đựng đồ ăn cho heo, chúng tôi dắt lũ dê ra bờ sông, chúng tôi giúp bà chất đồ lên xe cút-kít. Khi bà đi chợ về, chúng tôi đang bửa củi.

        Trong bữa ăn, Bà Ngoại nói:

        — Bọn mày hiểu rồi đó. Cái ở với cái ăn, phải có làm mới có hưởng.

        Chúng tôi nói:

        — Không phải vậy. Làm lụng thì khổ sở, nhưng chỉ ngồi không mà nhìn người nào đó làm lụng, thì còn khổ sở hơn nhiều, nhất là người ấy lại già nua.

        Bà Ngoại cười khẩy:

        — Đồ chó đẻ! Bọn mày muốn nói bọn mày tội nghiệp cho tao hả?

        — Không phải đâu, Bà Ngoại. Chúng con chỉ tự thấy xấu hổ.

        Xế trưa, chúng tôi đi kiếm củi trong rừng.

        Từ giờ trở đi chúng tôi làm tất cả những công việc mà chúng tôi có thể làm được.




        #4
          meocon_thongminh93 18.08.2006 14:19:40 (permalink)

          CHƯƠNG 5


          Cánh rừng và dòng sông



          Cánh rừng thì rất lớn, dòng sông thì thật nhỏ. Để vào rừng, chúng tôi phải băng qua dòng sông. Khi nước không nhiều, chúng tôi có thể băng qua bằng cách nhảy từ hòn đá này sang hòn đá kia. Nhưng đôi lúc, khi trời mưa nhiều, nước lên đến hông, thì thứ nước ấy lạnh và đục ngầu. Chúng tôi quyết định dựng một chiếc cầu bằng những viên gạch và những miếng gỗ chúng tôi nhặt được quanh những ngôi nhà đổ nát vì bom.

          Chiếc cầu của chúng tôi vững chãi. Chúng tôi khoe nó với Bà Ngoại. Bà đi thử, rồi nói:

          — Tốt lắm. Nhưng đừng đi quá xa vào rừng. Biên giới ở gần đó, bọn lính sẽ bắn tụi mày. Và trên hết, đừng đi lạc. Tao sẽ không đi tìm bọn mày đâu.

          Trong lúc dựng cầu, chúng tôi thấy những con cá. Chúng trốn dưới những tảng đá lớn hay trong bóng rợp của những bụi rậm và những tàn cây đan vào nhau trên mặt sông. Chúng tôi chọn những con cá to nhất, chúng tôi bắt chúng và chúng tôi bỏ chúng vào cái thùng tưới cây được đổ đầy nước. Xẩm tối, khi chúng tôi mang chúng về nhà, Bà Ngoại nói:

          — Đồ chó đẻ! Làm sao bọn mày bắt được chúng?

          — Bằng tay. Dễ thôi mà. Chỉ phải đứng im và chờ đợi.

          — Vậy thì bắt cho thật nhiều. Nhiều chừng nào tốt chừng đó.

          Hôm sau, Bà Ngoại đặt cái thùng tưới cây lên xe cút-kít và đem bán những con cá của chúng tôi ở chợ.

          Chúng tôi thường vào rừng, chúng tôi không hề đi lạc, chúng tôi biết đi phía nào thì thấy biên giới. Chẳng mấy chốc, đám lính gác biết mặt chúng tôi. Họ không hề bắn chúng tôi. Bà Ngoại dạy chúng tôi phân biệt những loại nấm ăn được và những loại nấm độc.

          Từ rừng, chúng tôi vác những bó củi trên lưng để mang về, còn nấm và hạt dẻ thì bỏ vào trong rổ. Chúng tôi xếp củi dựa ngay ngắn vào những chân tường dưới hàng hiên và chúng tôi nướng hạt dẻ trên lò nếu Bà Ngoại không có mặt ở đó.

          Một lần, sâu trong rừng, cạnh một hố bom lớn, chúng tôi tìm thấy một người lính chết. Thân thể hắn vẫn còn nguyên vẹn, trừ đôi mắt bị mất vì lũ quạ. Chúng tôi lượm khẩu súng, những băng đạn và những trái lựu đạn của hắn: chúng tôi giấu khẩu súng trong một bó củi, nhét những băng đạn và những trái lựu đạn vào đáy rổ, dưới những cây nấm.

          Về đến nhà Bà Ngoại, chúng tôi cẩn thận gói những vật này vào trong rơm và trong những bao đựng khoai, và chúng tôi chôn chúng dưới cái băng ghế trước cửa sổ của ông sĩ quan.





          #5
            meocon_thongminh93 18.08.2006 14:20:18 (permalink)
            chương 6


            Sự dơ bẩn


            Ở nhà chúng tôi, trên Phố Lớn, Mẹ thường tắm rửa cho chúng tôi. Dưới vòi sen hay trong bồn tắm. Mẹ cho chúng tôi mặc áo quần sạch sẽ, Mẹ cắt móng tay cho chúng tôi. Để hớt tóc cho chúng tôi, Mẹ dắt chúng tôi đến tiệm hớt tóc. Chúng tôi quen đánh răng sau mỗi bữa ăn.

            Ở nhà Bà Ngoại, không thể nào tắm rửa được. Không có buồng tắm, cũng không có cả vòi nước chảy. Chúng tôi phải đi bơm nước giếng ngoài sân và mang vào bằng một cái thùng. Trong nhà không có xà-phòng, không có kem đánh răng, không có bột giặt.

            Mọi thứ đều dơ bẩn trong bếp. Sàn gạch đỏ, chỗ lồi chỗ lõm, dính vào hai bàn chân chúng tôi, cái bàn to tướng dính vào hai bàn tay và hai cùi chỏ chúng tôi. Lò nấu thì đen kịt vì cặn dầu, và bốn bức tường thì đen kịt vì bồ hóng. Mặc dù Bà Ngoại có dọn rửa, bát đĩa, thìa, dao vẫn không bao giờ thật sạch, và những cái chảo còn đóng một lớp chất dơ dày cộm. Những miếng giẻ lau bát thì ngả màu xám và có mùi hôi hám.

            Thoạt đầu, chúng tôi thậm chí không muốn ăn, nhất là khi thấy cách Bà Ngoại nấu nướng, không rửa tay và quẹt mũi vào tay áo. Thế rồi, chúng tôi chẳng còn lưu ý đến điều đó nữa.

            Khi trời ấm, chúng tôi đi tắm sông, chúng tôi rửa mặt và đánh răng với nước giếng. Khi trời lạnh, thì không thể nào tắm rửa đàng hoàng được. Trong nhà không có cái gì lớn đủ để đựng nước. Những tấm khăn trải giường, mền và khăn tắm đều biến mất. Chúng tôi chẳng bao giờ còn thấy cái thùng các-tông to lớn có đựng những thứ mà Mẹ đã mang đến đây.

            Bà Ngoại đã bán hết tất cả.

            Chúng tôi càng ngày càng trở nên bẩn thỉu hơn, quần áo chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi lấy quần áo sạch ra từ trong hai cái va-li dưới băng ghế, nhưng chẳng mấy chốc quần áo sạch cũng không còn. Những thứ chúng tôi mặc thì càng ngày càng rách rưới, giày thì mòn lủng. Lúc nào thuận tiện, chúng tôi đi chân trần và chỉ mặc quần lót hay quần dài ống. Lòng bàn chân của chúng tôi cứng lại, chúng tôi không còn cảm giác gì với những cái gai và những mảnh đá. Da chúng tôi sậm lại, ống chân và cánh tay chúng tôi mang đầy những vết xước, những vết cắt, những cái vảy mủ, những vết côn trùng chích. Móng tay móng chân chúng tôi, không bao giờ được cắt tỉa, bị gãy đi, và tóc chúng tôi, gần thành màu trắng vì bị nắng đốt, dài xuống đến vai.

            Hố xí thì ở cuối vườn. Không bao giờ có giấy. Chúng tôi chùi đít bằng những chiếc lá to nhất của những loại cây nào đó.

            Chúng tôi bốc ra cái mùi hỗn hợp của cứt bò, cá, cỏ, nấm, khói, sữa, phô-mai, bùn, đất sét, đất thịt, mồ hôi, nước đái, và mùi meo mốc.

            Chúng tôi hôi hám như Bà Ngoại.

            #6
              meocon_thongminh93 18.08.2006 14:20:47 (permalink)
              CHƯƠNG 7


              Bài thực tập cho thể xác cứng cáp



              Bà Ngoại thường đánh chúng tôi, bằng hai bàn tay xương xẩu, bằng một cái chổi hay bằng một miếng giẻ ướt. Bà kéo tai chúng tôi và túm tóc chúng tôi.

              Những người khác tát tai và đá đạp chúng tôi, thậm chí chúng tôi cũng không biết tại sao.

              Những cú đánh ấy gây đau đớn và làm chúng tôi khóc.

              Những lần té ngã, những vết xước, những chỗ đứt thịt, sự lao động, cái lạnh và cái nóng cũng gây đau đớn nữa.

              Chúng tôi quyết định làm cho thể xác chúng tôi cứng cáp hơn để có thể chịu đựng sự đau đớn mà không khóc.

              Chúng tôi bắt đầu bằng cách tát tai nhau, rồi đấm nhau. Thấy mặt chúng tôi sưng vù, Bà Ngoại hỏi:

              — Ai đánh bọn mày đấy?

              — Chính chúng con đấy, Bà Ngoại.

              — Bọn mày đánh nhau à? Tại sao?

              — Chẳng tại sao cả, Bà Ngoại. Đừng lo, đó chỉ là một bài thực tập.

              — Một bài thực tập? Bọn mày khùng thật rồi! Cũng chẳng sao, nếu bọn mày lấy đó làm vui...

              Chúng tôi cởi trần truồng. Đứa này thay phiên quất đứa kia bằng dây nịt. Chúng tôi nói theo từng cú quất:

              — Không đau.

              Chúng tôi quất mạnh hơn, càng lúc càng mạnh hơn.

              Chúng tôi đút bàn tay vào lửa. Chúng tôi dùng dao cắt vào sườn chúng tôi, cánh tay chúng tôi, ngực chúng tôi, và đổ cồn lên những vết thương. Mỗi lần làm thế, chúng tôi nói:

              — Không đau.

              Sau một thời gian, chúng tôi thực sự không còn cảm giác gì nữa. Đó là một kẻ nào khác bị đau, một kẻ nào khác bị phỏng lửa, bị cắt đứt da, chịu đựng hành hạ.

              Chúng tôi không còn khóc nữa.

              Khi Bà Ngoại nổi giận và gào thét, chúng tôi nói:

              — Đừng gào nữa, Bà Ngoại, hãy đánh đi.

              Khi bà đánh chúng tôi, chúng tôi nói:

              — Đánh nữa đi, Bà Ngoại! Xem này, chúng con đưa cái má bên kia cho bà, như trong Thánh Kinh đã viết. Bà Ngoại cứ đánh thêm vào cái má bên kia.

              Bà đáp:

              — Cầu cho quỷ nó bắt bọn mày cùng với cái Thánh Kinh và những cái má của bọn mày!

              #7
                meocon_thongminh93 20.08.2006 12:42:18 (permalink)
                chương 8

                Ông tuỳ phái

                Chúng tôi nằm trên băng ghế hình góc vuông ở trong bếp. Đầu chúng tôi chạm nhau. Chúng tôi chưa ngủ, nhưng mắt chúng tôi nhắm lại. Có ai đẩy cửa vào. Chúng tôi mở mắt. Ánh sáng của một chiếc đèn pin làm chúng tôi loá mắt. Chúng tôi hỏi:

                — Ai đó?

                Một giọng đàn ông đáp:

                — Không có sợ. Các bạn không có sợ. Hai người các bạn là hay tôi nhiều uống quá?*

                Ông cười, ông thắp cây đèn dầu trên bàn và tắt đèn pin. Bây giờ chúng tôi có thể thấy ông rõ ràng. Ông là một người lính ngoại quốc, không cấp bậc. Ông nói:

                — Tôi là tuỳ phái của đại uý. Các anh làm cái gì đó?*

                Chúng tôi nói:

                — Chúng tôi sống ở đây. Đây là nhà của Bà Ngoại.

                — Các anh cháu ngoại của Mụ Phù Thuỷ? Tôi chưa bao giờ thấy các anh. Các anh ở đây từ lúc nào?*

                — Được hai tuần nay.

                — À! Tôi thì đi phép về nhà của tôi, trong làng tôi. Cười nhiều.*

                Chúng tôi hỏi:

                — Làm sao ông nói được ngôn ngữ của chúng tôi?

                Ông nói:

                — Mẹ tôi sinh ở đây, trong nước các anh. Đến làm việc trong nước tôi, hầu bàn trong quán rượu. Gặp cha tôi, cưới với. Khi tôi nhỏ, mẹ tôi nói với tôi tiếng các anh. Nước các anh và nước tôi, là những nước bạn. Đánh kẻ thù cùng nhau. Hai anh đến từ đâu?*

                — Từ Phố Lớn.

                — Phố Lớn, nhiều nguy hiểm. Bùm! Bùm!*

                — Vâng, và không còn gì để ăn.

                — Ở đây, tốt để ăn. Táo, heo, gà, đủ thứ. Các anh ở lâu? Hay chỉ nghỉ hè?*

                — Chúng tôi ở đây đến khi hết chiến tranh.

                — Chiến tranh sớm hết. Các anh ngủ ở đây? Ghế trống, cứng, lạnh. Mụ Phù Thuỷ không muốn đem các anh vào phòng?*

                — Chúng tôi không muốn ngủ trong buồng Bà Ngoại. Bà ngáy và bà hôi hám. Chúng tôi có mền và khăn trải giường, nhưng bà đã bán mất rồi.

                Ông tuỳ phái lấy nước nóng từ cái vạc trên lò và nói:

                — Tôi phải chùi phòng. Đại uý cũng đi phép về tối nay hay sáng mai.*

                Ông đi ra. Vài phút sau, ông trở lại. Ông mang cho chúng tôi hai cái mền xám của quân đội.

                — Không bán cái đó, Mụ Phù Thuỷ già. Nếu bà ấy quá tệ, các anh nói cho tôi. Tôi, bùm, bùm, tôi giết.*

                Ông lại cười. Ông đắp mền cho chúng tôi, tắt đèn, và rời phòng.

                Ban ngày, chúng tôi giấu hai cái mền trên gác xép.

                #8
                  meocon_thongminh93 20.08.2006 12:43:27 (permalink)

                  CHƯƠNG 9
                  Bài thực tập cho tâm hồn cứng cáp



                  Bà Ngoại nói với chúng tôi:

                  — Bọn chó đẻ!

                  Người ta nói với chúng tôi:

                  — Lũ con của Mụ Phù Thuỷ! Đám con của đĩ!

                  Những kẻ khác nói:

                  — Đồ ngu xuẩn! Quân đầu trộm đuôi cướp! Bọn hỗn láo! Đồ lỗ đít! Lũ bẩn thỉu! Đồ heo! Bọn mạt hạng! Lũ con hoang! Đồ cứt són! Quân chết tiệt! Nòi sát nhân!

                  Khi chúng tôi nghe những chữ đó, mặt chúng tôi đỏ lên, tai chúng tôi lùng bùng, mắt chúng tôi cay xót, đầu gối chúng tôi bủn rủn.

                  Chúng tôi không muốn đỏ mặt hay bủn rủn nữa, chúng tôi muốn quen với những lời nhục mạ, những chữ gây tổn thương.

                  Chúng tôi ngồi xuống đối diện nhau bên cái bàn trong bếp, nhìn thẳng vào mắt nhau, chúng tôi nói càng lúc càng nhiều chữ tàn độc hơn nữa.

                  Một đứa nói:

                  — Cục cứt! Cái lỗ đít!

                  Đứa kia nói:

                  — Đéo cái lỗ đít! Thằng con hoang!

                  Chúng tôi tiếp tục nói như thế cho đến khi những chữ ấy không còn chạm vào não chúng tôi nữa, thậm chí không còn chạm vào tai chúng tôi nữa.

                  Chúng tôi thực tập cách này chừng nửa giờ mỗi ngày, rồi chúng tôi ra ngoài đi bộ trên các đường phố.

                  Chúng tôi chọc cho người ta xúc phạm chúng tôi, và chúng tôi nhận thấy rằng bây giờ chúng tôi đã đạt đến trình độ bất chấp mọi thứ.

                  Nhưng còn có những chữ cũ.

                  Trước kia mẹ vẫn thường nói với chúng tôi:

                  — Các con cưng của mẹ! Các con yêu quý của mẹ! Niềm vui của mẹ! Các con bé bỏng dễ thương của mẹ!

                  Khi chúng tôi nhớ đến những chữ đó, mắt chúng tôi đầy lệ.

                  Những chữ đó, chúng tôi phải quên, vì bây giờ không ai nói những chữ như thế với chúng tôi và vì hồi ức của chúng tôi về những chữ đó là một gánh nặng quá sức chịu đựng.

                  Thế rồi, chúng tôi bắt đầu thực tập theo một cách khác.

                  Chúng tôi nói:

                  — Các con cưng của mẹ! Các con yêu quý của mẹ! Mẹ yêu các con... Mẹ sẽ không bao giờ xa các con... Mẹ sẽ không bao giờ yêu ai ngoài các con... Mãi mãi... Các con là cả cuộc đời của mẹ...

                  Trước sức mạnh của sự lặp lại, những chữ này dần dần mất ý nghĩa của chúng, và sự đau đớn chất chứa trong chúng cũng nguôi đi.

                  #9
                    meocon_thongminh93 22.08.2006 12:52:16 (permalink)
                    CHƯƠNG 10

                    Trường học



                    Chuyện này xảy ra cách đây ba năm.

                    Lúc ấy vào buổi tối. Bố mẹ chúng tôi nghĩ chúng tôi đang ngủ. Trong một phòng khác, họ nói về chúng tôi.

                    Mẹ nói:

                    — Chúng nó không chịu xa nhau.

                    Bố nói:

                    — Chúng sẽ chỉ xa nhau trong giờ học mà thôi.

                    Mẹ nói:

                    — Chúng không chịu.

                    — Chúng sẽ phải chịu. Điều đó cần thiết cho chúng. Mọi người đều nói như thế. Các giáo viên, các nhà tâm lý. Thoạt đầu sẽ có khó khăn, nhưng chúng sẽ quen với điều đó.

                    Mẹ nói:

                    — Không, không bao giờ. Em biết chúng nó mà. Chúng nó chỉ là một người và cùng là một người.

                    Bố nói lớn tiếng hơn:

                    — Nói cho đúng, vậy là không bình thường. Chúng nghĩ cùng một điều, chúng làm cùng một việc. Chúng sống trong một thế giới khác. Trong một thế giới của riêng chúng. Mọi sự như thế là không lành mạnh lắm. Thậm chí nó làm anh lo lắng. Đúng thế, chúng nó làm anh lo lắng. Chúng nó thật kỳ quặc. Chẳng ai biết chúng nó suy nghĩ cái gì. Chúng nó quá già dặn so với tuổi chúng nó. Chúng nó biết quá nhiều.

                    Mẹ cười:

                    — Anh sẽ không phiền trách chúng vì sự thông minh của chúng đấy chứ?

                    — Chẳng có gì đáng buồn cười cả. Tại sao em lại cười?

                    Mẹ trả lời:

                    — Trẻ sinh đôi bao giờ cũng có vấn đề, nhưng điều đó chẳng phải là một bi kịch. Mọi thứ rồi sẽ đâu vào đấy cả thôi.

                    Bố nói:

                    — Đúng, mọi thứ sẽ đâu vào đấy nếu chúng ta chia cách chúng nó ra. Mỗi cá nhân phải có một cuộc sống của riêng mình.

                    Vài ngày sau, chúng tôi bắt đầu đến trường. Mỗi đứa ở một lớp khác nhau. Cả hai đứa đều ngồi hàng ghế đầu.

                    Chúng tôi cách xa nhau bằng cả chiều dài của nhà trường. Khoảng cách ấy thật quái dị, nỗi đau đớn không thể chịu nổi. Giống như người ta cắt mất nửa thân thể của chúng tôi. Chúng tôi mất thăng bằng, chúng tôi chóng mặt, chúng tôi té xuống, chúng tôi bất tỉnh.

                    Chúng tôi tỉnh dậy trong chiếc xe cứu thương đang chở chúng tôi đến bệnh viện.

                    Mẹ đến tìm chúng tôi. Mẹ mỉm cười và nói:

                    — Các con sẽ ngồi chung một lớp kể từ ngày mai.

                    Về đến nhà, Bố chỉ nói với chúng tôi:

                    — Những thằng giả đò!

                    Chẳng bao lâu sau đó, ông ra mặt trận. Bố là một phóng viên, một đặc phái viên chiến trường.

                    Chúng tôi đi học được hai năm rưỡi. Các thầy giáo rồi cũng ra mặt trận; các cô giáo đến dạy thay cho họ. Sau đó, trường đóng cửa vì có quá nhiều lần báo động và máy bay thả bom.

                    Chúng tôi đã học đọc, viết, làm toán.

                    Ở nhà Bà Ngoại, chúng tôi quyết định tiếp tục học mà không cần thầy, chỉ tự học.

                    #10
                      meocon_thongminh93 22.08.2006 12:52:56 (permalink)
                      CHƯƠNG 11
                      Mua giấy, sổ chi chép và bút chì



                      Ở nhà Bà Ngoại, không có giấy, cũng không có bút chì. Chúng tôi đi tìm trong một cửa hiệu gọi là: "Tiệm Sách và Dụng Cụ Văn Phòng". Chúng tôi chọn một xấp giấy, hai cây bút chì và một cuốn sổ lớn dày. Chúng tôi đặt tất cả những thứ đó lên cái quầy thu ngân trước mặt người đàn ông mập mạp đang đứng bên kia quầy. Chúng tôi nói với ông ấy:

                      — Chúng cháu cần những vật này, nhưng chúng cháu không có tiền.

                      Ông bán sách nói:

                      — Cái gì? Nhưng... chúng mày phải trả tiền.

                      Chúng tôi lặp lại:

                      — Chúng cháu không có tiền, nhưng chúng cháu tuyệt đối cần những vật này.

                      Ông bán sách nói:

                      — Trường đóng cửa. Không ai cần vở hay bút chì nữa.

                      Chúng tôi nói:

                      — Chúng cháu học ở nhà. Chỉ riêng chúng cháu tôi, chúng cháu tự học.

                      — Bảo cha mẹ chúng mày cho tiền.

                      — Bố chúng cháu đang ở ngoài mặt trận, còn Mẹ chúng cháu đã ở lại Phố Lớn. Chúng cháu sống ở nhà Bà Ngoại, bà cũng không có tiền.

                      Ông bán sách nói:

                      — Chúng mày không thể mua bất cứ thứ gì mà không trả tiền.

                      Chúng tôi không nói gì nữa, chúng tôi chỉ nhìn ông bán sách. Ông cũng nhìn chúng tôi. Trán ông ướt đẫm mồ hôi. Một lát sau, ông quát lên:

                      — Đừng nhìn tao như vậy! Đi đi!

                      Chúng tôi nói:

                      — Chúng cháu sẵn lòng phụ trợ cho một số công việc nào đó để đổi lấy những vật này. Tưới vườn cho ông, chẳng hạn, nhổ cỏ dại, khiêng hàng hoá...

                      Ông bán sách lại quát lên:

                      — Tao không có vườn! Tao không cần chúng mày! Và trước hết, chúng mày nói năng bình thường không được sao?

                      — Chúng cháu vẫn nói năng bình thường mà.

                      — Ở tuổi chúng mày mà lại nói: "sẵn lòng phụ trợ", nói năng như vậy là bình thường, hả?

                      — Chúng cháu nói một cách chính xác.

                      — Quá chính xác, đúng thế. Tao không ưa cái lối nói năng của chúng mày chút nào! Cả cái lối chúng mày nhìn tao nữa! Xéo ngay!

                      Chúng tôi hỏi:

                      — Ông có nuôi gà không, thưa ông?

                      Ông bán sách chặm mồ hôi trên khuôn mặt trắng nhợt bằng một chiếc khăn mùi-soa trắng. Ông hỏi chứ không quát tháo:

                      — Gà? Tại sao gà?

                      — Tại vì nếu ông không có gà, chúng cháu có thể đem biếu ông một số trứng để đổi lấy những vật dụng mà chúng cháu không thể thiếu được.

                      Ông bán sách nhìn chúng tôi, không nói một lời.

                      Chúng tôi nói:

                      — Giá trứng tăng từng ngày. Ngược lại, giá giấy và bút chì thì...

                      Ông bán sách ném xấp giấy của chúng tôi, hai cây bút chì của chúng tôi, cuốn sổ của chúng tôi về phía cửa và gào lên:

                      — Cút ngay! Tao không cần trứng của chúng mày! Lấy hết các thứ ấy đi, và đừng trở lại nữa!

                      Chúng tôi lượm các vật dụng ấy một cách cẩn trọng và chúng tôi nói:

                      — Rất tiếc, chúng cháu buộc lòng phải trở lại khi chúng cháu đã dùng hết giấy và bút chì.

                      #11
                        meocon_thongminh93 24.08.2006 12:31:15 (permalink)

                        CHƯƠNG 12


                        Việc học của chúng tôi



                        Để học, chúng tôi có cuốn từ điển của Bố và cuốn Thánh Kinh mà chúng tôi tìm thấy ở nhà Bà Ngoại, trên gác xép.

                        Chúng tôi có những bài học về chính tả, cách làm văn, tập đọc, tính nhẩm, đại số và những bài luyện trí nhớ.

                        Chúng tôi sử dụng từ điển để sửa lỗi chính tả, để tìm định nghĩa, nhưng cũng để học thêm những chữ mới, những từ đồng nghĩa và phản nghĩa.

                        Chúng tôi dùng Thánh Kinh để tập đọc, tập viết ám tả, và luyện trí nhớ. Vì thế chúng tôi đã học thuộc lòng nhiều trang Thánh Kinh.

                        Đây là cách chúng tôi tiến hành một bài tập làm văn:

                        Chúng tôi ngồi tại bàn trong bếp với xấp giấy có kẻ ô, hai cây bút chì, và Cuốn Sổ Lớn. Chỉ có hai đứa chúng tôi.

                        Một đứa nói:

                        — Đề bài của anh là: "Đến nhà Bà Ngoại".

                        Đứa kia nói:

                        — Đề bài của anh là: "Công việc của chúng tôi."

                        Chúng tôi bắt đầu viết. Chúng tôi có hai tiếng đồng hồ để xử lý đề tài và có hai tờ giấy để viết nháp.

                        Sau hai tiếng đồng hồ, chúng tôi trao đổi những tờ nháp của mình, đứa này sửa lỗi chính tả cho đứa kia bằng cách tra từ điển và viết xuống ở cuối trang giấy: "Tốt", hoặc "Không tốt". Nếu "Không tốt", chúng tôi ném bài văn vào lửa và chúng tôi cố gắng xử lý đề tài đó một lần nữa trong buổi học kế tiếp. Nếu "Tốt", chúng tôi có thể chép bài văn vào Cuốn Sổ Lớn.

                        Để quyết định là "Tốt" hay "Không tốt", chúng tôi có một quy tắc rất đơn giản: bài văn phải trung thực. Chúng tôi phải miêu tả cái gì có thật, cái gì chúng tôi thấy, cái gì chúng tôi nghe, cái gì chúng tôi làm.

                        Ví dụ, không được phép viết: "Bà Ngoại giống như Mụ Phù Thuỷ"; nhưng được phép viết: "Người ta gọi Bà Ngoại là Mụ Phù Thuỷ."

                        Không được phép viết: "Phố Nhỏ thì đẹp", bởi Phố Nhỏ có thể đẹp đối với chúng tôi nhưng xấu đối với người khác.

                        Cũng thế, nếu chúng tôi viết: "Ông tuỳ phái thì dễ thương", đó không phải là sự thật, vì ông tuỳ phái có thể có những ác ý mà chúng tôi không biết. Do đó chúng tôi chỉ viết: "Ông tuỳ phái cho chúng tôi vài cái mền."

                        Chúng tôi viết: "Chúng tôi ăn nhiều quả hạnh", chứ không viết: "Chúng tôi yêu những quả hạnh", bởi chữ "yêu" là một chữ không chắc chắn, nó thiếu sự chính xác và sự khách quan. "Yêu những quả hạnh" và "yêu Mẹ" không có nghĩa giống nhau. Dạng thức thứ nhất chỉ một vị ngon trong miệng, và dạng thức thứ hai diễn tả một xúc cảm.

                        Những chữ định tính các xúc cảm thì rất mơ hồ. Tốt hơn nên tránh dùng chúng, và hãy chú tâm vào việc miêu tả các vật thể, con người, và chính mình, nghĩa là miêu tả trung thành các sự kiện.

                        #12
                          meocon_thongminh93 27.08.2006 12:55:39 (permalink)
                          CHƯƠNG 13
                          Bà hàng xóm và đứa con gái



                          Bà hàng xóm của chúng tôi là một người đàn bà ít tuổi hơn Bà Ngoại. Bà ở với đứa con gái trong cái nhà cuối cùng của Phố Nhỏ. Đó là một cái nhà lụp xụp mục nát, mái nhà thủng nhiều chỗ. Chung quanh nhà ấy có một mảnh vườn, nhưng nó không được chăm sóc như vườn của Bà Ngoại. Không có gì mọc ở đó trừ cỏ dại.

                          Bà hàng xóm ngồi suốt ngày trên một chiếc ghế trong vườn và nhìn thẳng về phía trước, nhìn cái gì chẳng ai biết. Ban đêm, hay khi trời mưa, con gái bà nắm tay dắt bà vào nhà. Đôi lúc, đứa con gái quên bà hay không có ở nhà, thì bà ngồi đó suốt đêm, bất kể thời tiết.

                          Người ta nói bà hàng xóm của chúng tôi bị điên, bị mất trí từ khi người đàn ông làm cho bà có thai đã bỏ rơi bà.

                          Bà Ngoại nói bà hàng xóm của chúng tôi chỉ đơn giản là lười biếng và muốn sống nghèo khổ chứ không chịu làm lụng.

                          Đứa con gái của bà hàng xóm không cao to hơn chúng tôi nhưng nó hơn chúng tôi vài tuổi. Suốt ngày, nó đi ăn mày trên phố, trước những quán giải khát, tại những góc đường. Ở chợ, nó lượm những thứ rau đậu và trái cây thối rữa mà người ta vất bỏ và nó mang về nhà. Nó cũng ăn cắp bất cứ thứ gì có thể ăn cắp. Nhiều lần chúng tôi đã phải đuổi nó ra khỏi vườn lúc nó đang rắp tâm ăn cắp trái cây hay trứng gà.

                          Một lần, chúng tôi bắt quả tang nó đang uống sữa bằng cách bú vú những con dê.

                          Khi nó thấy chúng tôi, nó đứng lên, chùi miệng vào mu bàn tay, bước lùi lại, và nói:

                          — Đừng đánh tao!

                          Nó nói thêm:

                          — Tao chạy nhanh lắm. Tụi mày không bắt được tao đâu.

                          Chúng tôi nhìn nó. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy nó ở khoảng cách gần. Nó có một cái môi sứt, mắt nó lé, mũi nó chảy nước thò lò và nơi khoé hai con mắt đỏ lừ của nó dính ghèn vàng khè. Chân tay nó đầy những cái mụn nước.

                          Nó nói:

                          — Tên tao là Sứt Môi. Tao thích sữa.

                          Nó mỉm cười. Răng nó đen.

                          — Tao thích sữa, nhưng tao thích nhất là bú cái vú con dê. Sướng lắm. Nó vừa cứng lại vừa mềm.

                          Chúng tôi không nói lời nào. Nó bước đến gần.

                          — Tao cũng thích bú một thứ khác nữa.

                          Nó giơ tay ra, chúng tôi lùi lại. Nó nói:

                          — Tụi mày không muốn à? Tụi mày không muốn chơi với tao à? Tao rất muốn. Tụi mày đẹp trai quá.

                          Nó cúi đầu xuống, nói:

                          — Tao ghê tởm tụi mày.

                          Chúng tôi nói:

                          — Không, chị không ghê tởm chúng tôi.

                          — Tao biết rồi. Tụi mày còn nhỏ quá, nhút nhát quá. Nhưng, với tao, tụi mày không cần phải xấu hổ. Tao sẽ dạy cho tụi mày nhiều trò chơi vui lắm.

                          Chúng tôi nói:

                          — Chúng tôi không bao giờ chơi.

                          — Thế thì cả ngày tụi mày làm gì?

                          — Chúng tôi làm việc, chúng tôi học.

                          — Tao, tao ăn xin, tao ăn cắp và tao chơi.

                          — Chị cũng bận rộn chăm sóc cho mẹ của chị nữa. Chị là một cô gái tốt.

                          Nó vừa nói vừa bước đến gần chúng tôi:

                          — Tụi mày thấy tao tốt à? Thật không?

                          — Thật. Và nếu chị cần bất cứ thứ gì cho mẹ của chị hay cho chị, chị chỉ cần hỏi chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho chị trái cây, rau đậu, cá, sữa.

                          Nó bắt đầu gào lên:

                          — Tao không cần trái cây của tụi mày, cá của tụi mày, sữa của tụi mày! Tất cả những thứ đó, tao ăn cắp được. Cái mà tao cần là tụi mày thương tao. Không có ai thương tao. Ngay cả mẹ tao. Nhưng tao cũng không còn thương ai nữa. Kể cả mẹ tao, kể cả tụi mày! Tao ghét tụi mày!

                          #13
                            Ct.Ly 02.09.2006 01:16:33 (permalink)
                            #14
                              meocon_thongminh93 04.09.2006 14:53:58 (permalink)
                              CHƯƠNG 14
                              Tập ăn xin



                              Chúng tôi mặc vào những thứ áo quần dơ dáy và rách rưới, chúng tôi cởi giày ra, chúng tôi bôi lem luốc mặt mũi và hai bàn tay. Chúng tôi đi ra đường. Chúng tôi dừng lại, chúng tôi chờ đợi.

                              Khi một viên sĩ quan ngoại quốc đi ngang qua trước mặt chúng tôi, chúng tôi nhấc tay phải lên chào và chìa tay trái ra. Thường thì viên sĩ quan cứ tiếp tục đi qua, không dừng lại, không thấy chúng tôi, không nhìn chúng tôi.

                              Rốt cuộc cũng có một viên sĩ quan dừng lại. Ông nói điều gì đó bằng một thứ tiếng mà chúng tôi không hiểu. Ông hỏi chúng tôi. Chúng tôi không trả lời, chúng tôi đứng bất động, một tay nhấc lên, tay kia chìa ra trước mặt. Thế rồi ông lục lọi trong túi quần, ông đặt một đồng xua hay một mẩu sô-cô-la lên bàn tay dơ bẩn của chúng tôi, và ông vừa bước đi vừa lắc đầu.

                              Chúng tôi tiếp tục chờ đợi.

                              Một người đàn bà đi qua. Chúng tôi chìa tay ra. Bà nói:

                              — Tội nghiệp lũ trẻ. Cô không có gì cho các cháu.

                              Bà vuốt tóc chúng tôi.

                              Chúng tôi nói:

                              — Cảm ơn.

                              Một bà khác cho chúng tôi hai trái táo, một bà khác nữa lại cho vài cái bánh bít-quy.

                              Một bà đi ngang qua. Chúng tôi chìa tay ra, bà dừng lại, bà nói:

                              — Bọn mày đi ăn xin mà không xấu hổ à? Về nhà tao, có những việc nho nhỏ dễ dàng cho bọn mày. Bửa củi, chẳng hạn, hay quét sân. Bọn mày to xác và mạnh đủ để làm những việc như vậy. Sau đó, nếu bọn mày làm tốt, tao sẽ cho bọn mày ăn xúp và bánh mì.

                              Chúng tôi đáp:

                              — Chúng tôi không muốn làm việc cho bà, thưa bà. Chúng tôi không muốn ăn xúp của bà, cũng không muốn ăn bánh mì của bà. Chúng tôi không đói.

                              Bà hỏi:

                              — Thế thì tại sao bọn mày ăn xin?

                              — Để biết nó có cảm giác thế nào và để quan sát phản ứng của người ta.

                              Bà vừa bước đi vừa gào lên:

                              — Bọn ranh con lưu manh bẩn thỉu! Lại còn hỗn láo nữa!

                              Lúc đi về, chúng tôi vất bỏ những trái táo, những mẩu bánh bít-quy, sô-cô-la, và những đồng xu vào đám cỏ cao ven đường.

                              Cái vuốt tóc thì không thể nào vất bỏ được.

                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 55 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9