HỘI ĐỒNG THI ĐUA , khúc biến tấu của Dân biểu tranh năng và Lục súc tranh công
phantien 14.08.2006 22:59:32 (permalink)
Phan Bá Tiến
Sau nhiều tháng năm “mải mê” chạy theo thành tích, những người lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục mới có dịp “hồi cố” những bước chân mà họ đã đi qua. Chợt giật mình vì phát hiện ra rằng, cứ tưởng thân thể kia khoẻ mạnh, hoá ra, từ lâu đã mắc một căn bệnh trầm kha được chẩn đoán là “căn bệnh thành tích”. Căn bệnh này cũng như đa số căn bệnh khác mà loài người mắc phải là qua con đường “khẩu nhập” (không phải tửu nhập) cho nên “ ngôn” phải “xuất”.
Vậy mà gần 20 năm trước, một nhà giáo có biệt hiệu là Tú Nhút, học theo cách của các bậc tiền bối Tú Xương, Tú Mỡ, “sống chết vì nghề” đã phát hiện ra căn bệnh đó. Tiếng nói của ông lúc đó lạc vào giữa những tiếng hô vang khẩu hiệu, công kênh thành tích. Ông trở thành con người của “thiểu số”, cô độc, một mình một bóng giữa đêm trường của căn bệnh thành tích. Giờ đây, đất nước sau 20 năm đổi mới, đổi mới được nhiều điều, ông mới đem chẩn trị của mình ra công bố. Âu cũng cố góp thêm cho đời một góc nhìn về căn bệnh.
Dựa theo Lục súc tranh công của dân gian và Dân biểu tranh năng của Tú Mỡ, tác giả đã tái dựng cuộc họp Hội đồng thi đua ở một trường THPT nọ. Chân dung các nhân vật được vẽ ra ở đây, do vậy, gắn liền với những con người cụ thể ở một ngôi trường cụ thể. Nhưng không chỉ có vậy, những con người đó, phần nào đại diện cho tầng lớp ưu tú của một nền giáo dục mà bệnh thành tích đã “xơ hoá” đến tận lời ăn tiếng nói của họ.
Bút pháp hài hước, giễu nhại giọng điệu của các nhận vật đã làm cho câu chuyện thêm lý thú. Từng con người cao giọng kể về thành tích của mình, bộ phận mình lần lượt được hiện ra. Một Hiệu trưởng biết “phát động” phong trào, khích lệ mọi người trong Hội đồng kể hết công lao để có mà ghi giúp ta ngầm hiểu không kể sẽ không có được gì về thành tích; một Hiệu phó dám “tử vì đạo”: gan phổi ruột lòng xin bày ra, làm việc nhà nhiều hơn việc trường nhưng sợ vợ: thái rau khi mổ lợn còn xin vợ được mấy miếng lòng; một Thư kí Hội đồng “ toan tính” suốt đêm khuya những con đen đỏ; một Chủ tịch Công đoàn với “những việc cỏn con”,”đầu đuôi thì chẳng có, ngọn nguồn thì cũng không”, nhưng rất biết trước vì tập thể, sau một lòng ….tôi vì tôi,; một Bí thư Đoàn trường, lo cho nề nếp nhà trường, vì thế hệ trẻ “xuân tuổi xuân” mà dám chấp nhận: mất ăn , mất ngủ, áo quần cũng chẳng tự do.
Ta cũng gặp ở đây những Tổ trưởng chuyên môn khi kể thành tích của mình chỉ là liệt kê tên các môn học mà tổ (đương nhiên là thế) phải dạy. Vậy mà giọng kể công của họ thật hào sảng” chỉ một mình tổ chúng tôi lo”. Tổ trưởng Tự nhiên, hợm mình khi lên lớp chuẩn bị đầy đủ các bài trong sách giáo khoa (giáo viên nào chẳng vậy, chuẩn bị như thế nào, dạy như thế nào mới đáng nói). Tổ trưởng Xã hội thì tuôn ra cả một đoạn hát dặm, lặp đi lặp lại điệp khúc : Ai hơn thầy Ngoại ngữ/ Ai giỏi hơn thầy Ngoại ngữ ? Hài hước hơn nữa là kiểu con gà tức nhau tiếng gáy. Hai tổ trưởng cạnh tranh nhau, không ai chịu nhường ai. Nếu Tổ trưởng Tự nhiện kích động : Hội đồng ta sáng suốt, biết ai người to công, thì Tổ trưởng xã hội cũng không chịu kém cạnh: Công tổ tôi hỏi thử / Kém tổ Tự nhiên nào đâu nào !/Bấy lâu tôi ấp ủ ước ao/ Được Hội đồng phán xét, thấp cao cho tỏ tường. Kiểu cạnh khoé, bài xích, chỉ trích lẫn nhau đó, người đọc nghĩ nó khó có ở môi trường những người có “tâm hồn cao quý” làm nghề trồng người.
Ta cũng còn gặp trong bài một Tổ trưởng hành chính biết “diễn chèo”. Bằng kiểu nói lối, chị ta đã cho mọi người biết “ nỗi lòng” của những người trong tổ mà, “nói ra thì quả thật bẽ bàng” nhưng cũng cố nói để xin được đ ể “sổ vàng …công ghi công”. Thật bẽ bàng, chứ ở một nhà trường thì lấy đâu tiền cho thủ quỹ mỏi miệng đếm, lấy đâu lắm số liệu để kế toán mướt mồ hôi, vv và vv…
Điều hài hước cuối cùng tưởng đã hết, nhưng Hiệu trưởng thật là người biết tổ chức, lãnh đạo, khéo léo sắp xếp công việc:
Hội đồng ta cứ việc luận bàn
Văn thư đi mua tiếp dăm mươi (50) sổ vàng để kịp ghi công.
Đúng là công cao như núi, dài như sông nên sổ vàng của trường không ghi hết, phải mua tiếp dăm mươi (50) cái.
Ngày xưa, Nguyễn Trãi tố cáo tội ác của giặc Minh: “Chặt hết trúc Nam Sơn, khó ghi hết tội” thì ở đây, chắc chắn người đọc tự dưng giật mình liên hệ.
Cả Hội đồng hân hoan cất giọng, người nghe, không ai không nhớ câu ca dao họ dựa vào đó để phóng tác :
Trăm năm bia đá còn mòn
Ngàn năm công ấy hãy còn,… hãy còn ngàn năm !
Thành tích ấy của nhà trường, công lao ấy của nhà trường, cái kiểu thi đua ấy của nhà trường, quả là bia miệng ngàn năm!
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả khúc biến tấu ấy !


HỘI ĐỒNG THI ĐUA
Tú Nhút
(Quang cảnh một phiên họp Hội đồng thi đua, đầy trang nghiêm. Hiệu trưởng khai mạc, kế tiếp là báo công của các thành viên Hội đồng)

Hiệu trưởng:
Thưa với các thầy
Mấy lời thưa với các thầy
Mới vừa khai giảng mà đến rày đã hết năm
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Hiến dâng cho tuổi trẻ âm thầm…. tim trái tim.
Lòng này giữ vững niềm tin
Phô ra cho hết nỗi niềm…. sau trước sau;
Xin các thầy cứ kể hết công lao
Để hội đồng ta có mà ghi vào… công sổ công.

Hiệu phó:
Tôi cũng xin thưa với hội đồng
Mấy lời xin thưa với Hội đồng
Tôi đây gan phổi ruột lòng xin bày ra.
Công việc nhiều mà chẳng dám kêu ca
Hai vai gánh nặng việc nhà với việc công
Thái rau, khi mổ lợn còn xin vợ được mấy miếng lòng
Xếp thời khoá biểu thì không được gì !
Nếu mà tôi có vị mình chi
Xin Hội đồng phán xét, có gì… vâng xin vâng

Thư kí Hội đồng:
Tôi cũng xin dâng
Thưa Hội đồng tôi cũng xin dâng
Nỗi niềm sau trước một lòng…. ngay thẳng ngay
Như ai tôi cũng chỉ có hai tay
Lắm công nhiều việc mà đến rày còn…mê say mê.
Ngại ngùng chi mình hạc xác ve
Một lòng toan tính, suốt đêm khuya,…suốt đêm khuya có ngại gì.
Còn như công trạng thì có kể mà làm chi
Hội đồng ta biết cho được ấy thì…. ơn cảm ơn.

Chủ tịch công đoàn :
Chẳng biết nói gì hơn
Tôi đây cũng chẳng biết nói gì hơn
Dẫu rằng vất vả… đâu có sờn …đâu có sờn, lòng son
Kể chi những việc cỏn con
Đầu đuôi thì chẳng có, ngọn nguồn thì cũng không
Nhưng tôi xin thư thật với Hội đồng
Trước vì tập thể, sau một lòng ….tôi vì tôi.
Sớm trưa mưa nắng ngược xuôi
Anh em ta biết cho được thì tốt, còn thì mặc trời…suy xét suy.

Bí thư Đoàn trường :
Tôi cũng chẳng vị mình chi
Bí thư Đoàn trường cũng chẳng vị mình chi
Một lòng một dạ chỉ vì xuân tuổi xuân.
Suốt năm, suốt tháng lại suốt cả tuần
Mất ăn , mất ngủ, áo quần cũng chẳng tự do.
Thưa các thầy, mấy lại các cô…
Một lòng vì tuổi trẻ thì có so đo mà làm gì
Công lênh kể cũng chỉ vì
Hội đồng ta rạng rỡ, có ích gì một mình tôi.

Tổ trưởng tự nhiên:
Chúng tôi cũng biết rồi
Thưa các thầy chúng tôi cũng biết rồi
Hội đồng ta sáng suốt, biết ai người to công.
Phần tổ tôi cũng xin khai trước Hội đồng
Năm qua giảng dạy chỉ một lòng vì học sinh.
Này Toán, này Hoá, này Sinh
Này Vật lý, này Kĩ thuật, chỉ một mình tổ chúng tôi lo.
Xét công chẳng có gì to
Cũng xin thay mặt tổ làm tờ kê khai.
Bản thân tôi cũng chẳng kể chi dài
Lên lớp thì chuẩn bị đầy đủ…. các bài trong sách giáo khoa.
Nếu mà tôi có nói chi ngoa
Cúi xin Hội đồng soi xét cho tha,… cho tha …phen này.

Tổ trưởng tổ xã hội :
Cũng xin thưa với các thầy
Phần tổ tôi cũng xin được giãi bày… giãi bày …tóc tơ
Tổ tôi đây một dạ tôn thờ
Văn thơ lai láng, bể hồ mênh mông
Cũng xin thưa thật với Hội đồng
Mặc dù không muốn mà kể công thì thật buồn
(Hát dặm)
Dám kể chi nhiều hơn
Văn chương và Chính trị
Ai đảm đương môn ấy ?
Lịch sử và Địa lý
Ai đảm đương môn này ?
Nối tiếng nói Đông –Tây
Ai hơn thầy Ngoại ngữ
Ai giỏi hơn thầy Ngoại ngữ ?
Bấm ngón tay tính đủ
Công tổ tôi hỏi thử
Kém tổ Tự nhiên nào đâu nào !

Bấy lâu tôi ấp ủ ước ao
Được Hội đồng phán xét, thấp cao cho tỏ tường.
Còn tôi đây chức vụ Tổ trương (trương, không dấu)
Chăm lo khuya sớm, dám thường khinh khi.
Cũng như ai, tôi có vị mình chi
Xin Hội đồng cân nhắc… để mà ghi…. để mà ghi ….sổ vàng.

Tổ trưởng hành chính :
Cũng thật bẽ bàng
Thưa Hội đồng nói ra thì quả thật bẽ bàng
Nhưng cũng xin được kể để sổ vàng, sổ vàng …công ghi công.
Chúng tôi đây đã dốc hết máu hồng
Tảo tần khuya sớm…một lòng…. một lòng vì trường ta.
Việc nhiều, nhiều việc mà ai có dám nề hà
Nếu kể ra cho hết, ắt là ghi mỏi tay
Sơ sơ cũng xin kể ra đây
Để Hội đồng ta nhìn nhận công này…. công này…. đâu đến đâu.
(Nói lối)
Này chị văn thư không lúc nào ngơi nghỉ
Này cô thủ quỹ mỏi miệng đếm tiền
Tính toán liên miên, kế toán mướt mồ hôi trán
Nồi niêu bát chạn, cấp dưỡng mặt mũi nhọ nhem
Chẳng thể bông phèng, bảo vệ thời giờ nghiêm ngặt
Liền tay sổ sách, mượn trả suốt ngày
Thư viện chính tôi đây, ai làm cho công ấy ?
Thôi sơ sơ chừng ấy
Hội đồng ta đã thấy, công của tổ tôi chưa ?
Chẳng quản đi sớm về trưa
Sá chi dầm mưa dãi nắng
Phải chi bánh ngoài xanh trong trắng
Mà bóc ra cho biết nếp hay lòn
Trăng kia còn có khi khuyết khi tròn
Hứa với Hôi đồng hai chữ, nguyện sắt son…sắt son… hết mình.

Hiệu trưởng :
Xét ra ai ai cũng có công lênh
Đúng ! Thưa các thầy, ai cũng có công lênh
Năm qua chúng ta đã hết mình
Dốc bầu nhiệt huyết lòng thành chứa chan
Hội đồng ta cứ việc luận bàn
Văn thư đi mua tiếp dăm mươi (50) sổ vàng để kịp ghi công.
Hiệu trưởng tôi cũng xin hứa với Hội đồng
Bước sang năm tới… vẫn một lòng …một lòng… sắt son.

Cả Hội đồng (đồng thanh):
Một lòng sắt son,
Một lòng sắt son.
Trăm năm bia đá còn mòn
Ngàn năm công ấy ….hãy còn,… hãy còn ….ngàn năm !





#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9