CHỮA VIÊM MŨI DỊ ỨNG BẰNG ĐÔNG Y DƯỢC
chialy1904 15.08.2006 18:07:20 (permalink)
CHỮA VIÊM MŨI DỊ ỨNG BẰNG ĐÔNG Y DƯỢC

Lương y HUYÊN THẢO

Viêm mũi dị ứng (Allergic rhinitis) là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm, phản ứng lại với các tác nhân gây dị ứng, dẫn tới “Phản ứng dị ứng” (Allergic reaction); Biểu hiện bởi một số chứng trạng điển hình như: Ngứa mũi, hắt hơi liên tục từng tràng dài, ngạt mũi, nước mắt nước mũi chảy dàn dụa, kèm theo ngứa mắt, ngứa họng, ho và có thể sốt nhẹ.

Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) là loại bệnh dị ứng thường gặp nhất. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 20 năm qua, số người mắc các bệnh dị ứng tăng gần gấp đôi, trong đó VMDƯ đứng vị trí hàng đầu. VMDƯ có liên quan đến một số bệnh dị ứng toàn thân như chàm (eczema), đau nửa đầu (migraine), nổi mề đay (urticaria)… Nếu không được điều trị kịp thời, rất có thể dẫn tới những biến chứng như viêm xoang, viêm tai giữa, hen phế quản…

Trong Đông y, bệnh VMDƯ có tên là tỵ cừu; tỵ là mũi, cừu là tắc, rỉ nước. Theo Đông y, tỵ cừu có thể do ngoại tà (tác nhân gây bệnh từ bên ngoài) hoặc nội nhân gây nên. Ngoại tà chủ yếu liên quan tới nhân tố môi trường và thời tiết khí hậu. Nội nhân phần nhiều do chức năng tạng phủ mất điều hòa, chủ yếu là 3 tạng Phế, Tỳ và Thận bị thương tổn. Trên lâm sàng, hiện tại thường chia VMDƯ thành một số loại hình sau, để tiến hành biện chứng thi trị:

PHẾ HƯ PHONG HÀN

Biểu hiện: Bình thường, người phế hư (tạng phế suy yếu) thường sợ gió, sợ lạnh, dễ bị cảm mạo, hơi vận động một chút là vã mồ hôi. VMDƯ đột nhiên phát tác khi gặp gió lạnh, biểu hiện bởi các chứng trạng: Ngứa mũi, hắt hơi liên tục từng tràng dài, mũi tắc, chảy nước trong, sợ lạnh, mặt trắng nhợt, ho khạc ra đờm trắng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù (nổi, ấn nhẹ tay đã thấy).

Phép chữa: Bổ phế cố biểu, phát tán phong hàn.

Bài thuốc tiêu biểu (Hoàng kỳ quế chi tân di thang):

- Thành phần: Sinh hoàng kỳ 20g, sinh bạch truật 10g, phòng phong 10g, quế chi 6g, bạch thược 6g, tân di (bọc lại sắc) 6g, sinh khương 5g, đại táo 6 trái, trích cam thảo 6g.

- Cách dùng: Sắc với 1.000ml nước, đun sôi, sau đó cô nhỏ lửa tới khi còn khoảng 450ml, chia 3 lần uống sáng trưa chiều, lúc đói bụng. Mỗi ngày 1 thang, liên tục 7 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục liệu trình khác, tới khi khỏi.

PHẾ TỲ KHÍ HƯ

Biểu hiện: Ngứa mũi và hắt hơi liên tục. Bệnh thường phát tác vào buổi sáng và giảm nhiều vào buổi trưa, buổi tối; mũi tắc, niêm mạc mũi sưng thũng, nước mũi chảy đầm đìa - trong hoặc trắng nhớt, khứu giác giảm, kiểm tra thấy xương xoắn ở hai bên phù nề, trắng nhợt hoặc đen xạm, một số trường hợp trong mũi xuất hiện thịt thừa. Bệnh kéo dài lâu ngày, hay tái phát. Thường ngày hay có cảm giác nặng đầu, chóng mặt, tinh thần kém tỉnh táo, hơi thở ngắn, chân tay bải hoải, kém ăn, bụng trướng đầy, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhợt, rìa lưỡi có vết răng, rêu lưỡi trắng.

Phép chữa: Bổ ích phế tỳ, khư phong lợi khiếu.

Bài thuốc tiêu biểu (Sâm kỳ tân di thang):

- Thành phần: Hoàng kỳ 24g, đẳng sâm 15g, bạch truật 10g, cam thảo 6g, trần bì 9g, đương quy 10g, thăng ma 6g, sài hồ 6g, phục linh 10g, phòng phong 6g, thương nhĩ tử 6g, tân di (bọc lại sắc) 6g, bạch chỉ 6g, cát cánh 6g.

- Cách dùng: Nước 1.200ml, sắc còn 450ml, chia 3 lần uống sáng trưa chiều, lúc đói bụng; mỗi ngày 1 thang. Uống theo từng liệu trình, mỗi liệu trình 7-10 ngày, giữa các liệu trình nghỉ 3-5 ngày.

PHẾ THẬN DƯƠNG HƯ

Biểu hiện: Ngứa mũi, tắc mũi, hắt hơi nhiều, bệnh hay phát khi thời tiết lạnh, buổi sáng và buổi tối nặng hơn ban ngày. Người bệnh thường ngày thích ấm, sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện trong dài, đại tiện phân lỏng loãng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm tế (chìm, nhỏ).

Phép chữa: Ôn bổ phế thận.

Bài thuốc tiêu biểu (Phụ quế tân di thang):

- Thành phần: Phụ tử chế (sắc trước) 6g, nhục quế (cho vào sau) 3g, sơn dược (sao) 10g, hoàng kỳ (nướng) 15g, đẳng sâm 15g, bạch truật (sao) 10g, sơn thù nhục 10g, ngũ vị tử 6g, đỗ trọng 10g, phòng phong 6g, tân di (bọc lại sắc) 6g, cam thảo (nướng) 6g.

- Cách dùng: Nước 1.200ml, phụ tử sắc trước ít nhất 1 giờ, sau đó mới cho các vị thuốc khác vào, riêng nhục quế trước khi bắc ra khoảng 5 phút mới cho vào; sắc còn 300ml, chia 2 lần uống sáng chiều, lúc đói bụng; mỗi ngày 1 thang. Uống theo từng liệu trình.

PHẾ THẬN ÂM HƯ

Biểu hiện: Ngứa mũi, tắc mũi, hắt hơi nhiều, từng tràng dài, bệnh hay phát khi thời tiết nóng, buổi sáng và buổi tối nặng hơn ban ngày. Người bệnh thường ngày hay chóng mặt, tai ù, hay quên, tinh thần khó tập trung, ngủ ít, có cảm giác nóng ở lòng bàn chân bàn tay (ngũ tâm phiền nhiệt), chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế xác (nhỏ, nhanh).

Phép chữa: Bổ ích phế thận.

Bài thuốc tiêu biểu (Kim thủy chỉ cừu thang):

- Thành phần: Đẳng sâm 15g, thục địa 12g, thiên môn đông 12g, câu kỷ tử 10g, hồ đào nhục 12g, phúc bồn tử 10g, kim anh tử 12g, kha tử 8g, tân di (bọc lại sắc) 6g, tế tân 6g, cam thảo (nướng) 8g.

- Cách dùng: Nước 1.000ml, sắc còn 300ml, chia 3 lần uống sáng trưa chiều, lúc đói bụng; mỗi ngày 1 thang. Uống theo từng liệu trình.

PHẾ VỊ UẤT NHIỆT

Biểu hiện: Ngứa mũi, hắt hơi, mũi rỉ nước, xương xoắn mũi sưng thũng, sắc hồng nhạt hoặc đỏ thẫm. Thường kèm theo những chứng trạng toàn thân như miệng khô, phiền nhiệt, họng ngứa, ho, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi khô, vàng mỏng.

Phép chữa: Thanh tuyên phế khí.

Bài thuốc tiêu biểu (Tân di thanh phế ẩm):

- Thành phần: Hoàng cầm 8g, chi tử 12g, thạch cao 20g, tri mẫu 8g, tang bạch bì 15g, tân di (bọc lại) 6g, tỳ bà diệp 12g, thăng ma 8g, bách hợp 10g.

- Cách dùng: Nước 900ml, sắc còn 300ml, chia 3 lần uống sáng trưa chiều, lúc đói bụng; mỗi ngày 1 thang. Uống theo từng liệu trình.

NHỮNG BÀI THUỐC LƯU TRUYỀN TRONG DÂN GIAN

Một số bài thuốc kinh nghiệm, lưu truyền trong dân gian, dùng cho tất cả các thể VMDƯ:

- Bài 1: Dùng thương nhĩ tử (quả ké đầu ngựa) một lượng thích hợp, sao tới khi có màu xám, tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, liên tục trong 2 tuần (một liệu trình), nghỉ vài hôm lại uống tiếp. Thông thường sau 2-3 liệu trình, đại đa số bệnh nhân phản ứng dị ứng được cải thiện rõ rệt hoặc bệnh ít phát tác hơn trước. Một số bệnh nhân sử dụng bị tiêu chảy, đau đầu nhẹ, mệt mỏi, cần ngừng sử dụng.

- Bài 2: Lấy vài củ tỏi, giã nát, vắt lấy nước cốt rồi trộn với dầu vừng (dầu mè) hoặc mật ong theo tỷ lệ 1/2 (1 phần nước cốt tỏi 2 phần dầu vừng). Rửa sạch mũi bằng nước muối, lau khô, dùng bông y tế tẩm nước thuốc, luân phiên nhét vào từng lỗ mũi, để bông thuốc trong lỗ mũi 10-15 phút rồi bỏ ra.

- Bài 3: Dùng trái hoặc lá cây tiêu lốt, phơi hoặc sấy khô, tán bột. Lấy chút bột hít, hoặc dùng bông tẩm bột thuốc luân phiên nhét vào từng lỗ mũi, ngày 2-3 lần; có tác dụng phòng dị ứng và giảm hắt hơi.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9