NHIỀU MƯA TRONG NẮNG TRONG TRƯỜNG SƠN - Nguyễn Việt Hà
cavat 23.08.2006 12:30:29 (permalink)
NHIỀU MƯA TRONG NẮNG TRONG TRƯỜNG SƠN

Ghi chép của Nguyễn Việt Hà

Tôi nhận lời mời tham gia đoàn tiền trạm du khảo văn hóa xuyên dọc Trường Sơn do hãng phim truyện Việt Nam và công ty quảng cáo Á Châu đồng tổ chức. Cơn mưa đỏng đảnh hình như không phải của mùa hè Hà Nội lang thang cùng theo đến Hòa Bình. Tại đây, hơn ba mươi năm trước từng đoàn từng đoàn bộ đội hiếm râu ria nhiều khuôn mặt bụ sữa hồn nhiên một niềm tin bước vào cuộc chiến. Cái Land Cruiser giảm số nhẹ nhàng trèo dốc. Anh chàng quay phim có phong cánh rất Pháp ngồi cạnh tôi uể oải đưa mắt trượt dọc theo triền đèo Dốc Kun, quen quá, phim Việt Nam khi quay cảnh Trường Sơn đều loanh quanh lấy bối cảnh vùng này. Mọi người bắt đầu tranh cãi về xuất phát điểm của con đường mòn huyền thoại. Tôi nhìn dẫy núi xa mờ, không biết đấy có phải đã là Trường Sơn. Tôi cố nhớ lại sách giáo khoa địa lý phổ thông và đột ngột bị cắt nhớ bởi mấy cảnh chiến tranh từ một phim nào đó. Anh đạo diễn gầy gò tóc muối tiêu quyết định vượt ngã ba Mãn Đức theo đường Vụ bản Nho quan rồi cắt qua rừng vườn quốc gia Cúc Phương. Vẫn mưa. Vòng vèo một lúc lại thấy quốc lộ một. Núi đã chạy thật xa và mon men lại gần không phải là chuyện đơn giản. Thì đành theo đường đã thuộc. Từ Đồng Hới vào bến đò Phong Nha là cả một buổi trưa nắng gắt. Tới cầu Xuân Sơn, cách đây vài tháng tưng bừng lễ khai trương con đường mòn Hồ Chí Minh hiện đại, mọi người lục tục xuống. Đám công nhân mặt đen vất vả tò mò nhìn hai máy quay phim. Chang chang nắng gắt với những vạt sườn trọc, tôi theo phó chỉ huy thi công tới sát mép bờ sông Son ngắm nghía cái máy đang nhào trộn bê tông. Kỹ sư Nghĩa gốc Hà Nội luôn điềm đạm trước ống kính Be ta cam, chắc đã được quay phim chụp ảnh nhiều. Mẫu trí thức đẹp trai tài hoa xa gia đình lăn lộn với công trường luôn là nhân vật chính của tiểu thuyết Việt Nam trong suốt những thập kỷ sáy bẩy tám mươi. Văn học kêu gào đổi mới liệu những nhân vật này có còn không. Tôi đã hứa mồm là viết lời bình cho một phim tài liệu về Trường Sơn. Cảnh đầu dự định là một đám ma người Tà Ôi bợt bạt đi trong mưa trôi ngược qua những người lính trẻ đang làm đường. Tôi hỏi tướng Đổng Sĩ Nguyên, cựu tư lệnh bộ đội 559, ngoài nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn còn những nơi nào sẽ được coi là nơi lưu giữ ký ức về con đường Trường Sơn. Ông bảo, chính phủ đã ra quyết định công nhận cả con đường mòn Hồ Chí Minh là di tích lịch sử. Sắp tới từ Tân Kỳ tới ngã ba Lộc Ninh có 33 điểm đặt tượng đài hoặc bia. Khi nhớ về những người đã khuất mỗi người mỗi cách nghĩ, cái cảm giác ngợp lạnh thiêng liêng khi tôi vào nghĩa trang liệt sĩ Đông Hà qùi xuống làm một lễ. Cả tầm mắt ngun ngút bạt ngàn những ngôi mộ chạy vĩnh viễn như không thể đếm được. Tôi buồn hơn và hiền hơn khi thắp hương trong nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện đơn sơ rìa núi. Những phần mộ quét vôi trắng xàm xạm qua nhiều nắng gió. Ở nghĩa trang Trường Sơn người ta đang granitô xanh đỏ từng ngôi mộ. Đã là hy sinh thì không cần người sống phải tô mầu. Tôi nhìn núi và núi nhìn tôi. Vài sợi mưa ngòn ngọt. Mưa ở núi và mưa ở phố rất khác nhau. Mưa ở núi xanh hơn, đầm đậm một mầu hoài cũ.

Lịch trình chính thức của chuyến du khảo văn hóa xuyên Trường Sơn chắc sẽ phải bỏ nhiều cung đường. Từ A Lưới về Huế, đường 49 xấu khủng khiếp. Nhiều ki lô mét, đất đá nhào nát lổn nhổn. Xe sang trọng chạy duy nhất trên đoạn đó chỉ thấy Toyota Land Cruiser. Chúng tôi rời Khe Sanh rẽ đường chín vào cầu Đắc Rông khởi điểm của đường 14. Cầu treo mới với sắt với thép đẹp lạ kỳ giữa hoang vu đại ngàn. Một nét giao thoa hùng vĩ của xưa và nay. Cô bé trưởng phòng đối ngoại tên Hạnh đi giám sát chương trình nghẹn ngào. Dừng ở bản Tà Rụt, dự định nơi đây vào ngày 3 tháng 8 sẽ tổ chức cuộc giao lưu với bà con người dân tộc. Anh chàng quay phim hào hứng lia máy theo hai mẹ con thiếu phụ gùi chuối miệng ngậm tẩu gỗ dài bịt bạc. Tôi lững thững đi ra cầu treo sau bản. Lòng sông rộng vừa đủ cho cảm hứng hoang sơ. Sáu bẩy đứa trẻ cởi truồng mắt đen lay láy đang nô đùa bơi lội. Tôi đứng trên thành cầu gào lên hỏi tên, chúng ngơ ngác nhìn chắc không hiểu tiếng Kinh. Giống như cô bé Hạnh, tôi nghẹn ngào. Bỗng bọn trẻ con đồng thanh hát “Khi ta đến bên nhau tình yêu dối lừa”. Có đường có điện là có văn minh. Tôi quay về cái xe Land Cuiser, hộp cát xét ở xe văng vẳng “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người”. Tôi thở dài ngước cao nhìn núi. Khe khẽ có mưa. Du khảo văn hóa là tìm cái lạ và những cái lạ chỉ còn trong cổ tích. Vài đống lửa đốt cỏ gianh bập bùng trên sườn núi trong hoàng hôn muộn sót nhợt nhạt vệt nắng. Dưới thấp hơn một con đường mới mở đỏ khè, những người làm đường đang cào đất im lặng không có tiếng nhạc./.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9