Buồn cho giáo dục nước nhà...
phantien 23.08.2006 16:45:41 (permalink)
Tạp cảm về giáo dục:
ĐẦU VÀO VÀ ĐẦU RA

Cách đây mươi mười lăm năm, khi chúng ta bước chân vào nền kinh tế thị trường “đầu vào, đầu ra” là những khái niệm mới, còn lạ lẫm với nhiều người. Rồi khái niệm đó quen dần, ngày càng được nhiều người sử dụng. “Đầu vào, đầu ra” không còn bó hẹp trong quy trình sản xuất, buôn bán của một sản phẩm nữa. Và hình như người ta ưa lạm dụng nó. Hầu như lĩnh vực nào của đời sống kinh tế- xã hội cũng có thể dùng. Giáo dục - lĩnh vực liên quan đến một sản phẩm quan trọng bậc nhất của bất kì xã hội nào, lĩnh vực con người - cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó.
Nếu như ở các lĩnh vực sản xuất, đầu vào của một sản phẩm là nguyên vật liệu thô thì đầu ra là sản phẩm được chế biến (hoặc chế tạo). Giá trị của sản phẩm được tăng lên qua quá trình sản xuất nhờ hàm lượng chất xám của con người được đưa vào sản phẩm. Ở lĩnh vực buôn bán, sản phẩm chỉ cần qua “đầu vào, đầu ra” giá trị đã tự đổi khác. Còn ở giáo dục, đầu vào cũng là con người, đầu ra cũng là con người, nhưng là con người được giáo dục. Vì vậy, về mặt lý thuyết, đầu ra của giáo dục phải là sự phát triển về lượng và chất của sản phẩm con người. Sản phẩm đó vừa có yếu tố hữu hình (thể chất), vừa có yếu tố vô hình (trí tuệ, tâm hồn).
Yếu tố hữu hình thì dễ nhận thấy, có thể “cân đo, đong đếm” nhưng xây dựng được thước đo để kiểm nghiệm yếu tố vô hình thì thật khó. Do vậy, việc đánh giá sản phẩm giáo dục vừa phải định lượng, vừa phải định tính. Mà những cái gì thuộc về định tính dễ nhuốm màu sắc chủ quan. Đầu ra của giáo dục, vì thế, thật khó kiểm soát.
Không kiểm soát nổi, tất cả cứ đổ lên đầu giáo dục, như vậy thì giáo dục có oan không ?

PHẦN CỨNG PHẦN MỀM


Từ những khái niệm của máy tính, “phần cứng, phần mềm” cũng dần được xã hội hoá, thậm chí người ta đã làm thơ về nó, rằng, “phần mềm bà để dành ông, cớ sao phần cứng ông không dành bà”. Chuyện phần cứng, phần mềm ngoài xã hội thời kinh tế thị trường thật phong phú muôn dạng, đủ các yếu tố bi, hài, và các cung bậc tình cảm ái, ố, hỉ, nộ.
Trong giáo dục, chuyện phần cứng, phần mềm bấy lâu cũng không xa lạ gì. Phần cứng là phần công khai, của dân, “dân biết, dân bàn”. Phần mềm là phần dành cho các xếp, bí mật, bất ngờ. Phần cứng vì công khai nên phải là đường ngang mực thẳng, đó là lối đi của trí tuệ, nhân cách. Chuyện tiêu cực ở phần này là khó. Phần mềm thường là phần nhạy cảm, tế nhị, đường tắt, ngõ ngang. Đó là lối đi của tiêu cực.
Đời một con người từ ngày bắt đầu bước chân đến trường là bắt đầu học làm quen với phần cứng phần mềm. Thôi thì đủ loại, nào là “trường điểm lớp chọn”, nào là “cô giỏi, thầy tài”, lên THCS và THPT thì lớp A, lớp C. Có trường không muốn có lớp B, lớp C thì đặt một loạt lớp A. Đủ từ A1 đến A.n . Tốt nghiệp THPT, thi vào Cao đẳng, Đại học thì ôi thôi, chuyện phần cứng phần mềm luôn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hết “loại hình”này đến “hệ” khác. Nào dân lập, tư thục, bán công đến công lập, nào trong chỉ tiêu và ngoài chỉ tiêu, nào chính quy và tại chức, nào cử tuyển và thi tuyển vv… và vv… Lắm “hệ” lắm “hình” như vậy nên cũng đẻ ra lắm kiểu phần cứng, phàn mềm. Nếu có học Đại học, Cao đẳng ra đi xin việc thì cũng thật lắm nỗi truân chuyên. Con dân chỉ biết phần cứng, phần mềm lại dành cho tầng lớp quý tộc mới hội đủ tiêu chuẩn “5 C” (con cháu các cụ cả). Thế là lại có thơ của hậu duệ Bút Tre, rằng :
Chính quy ngửa mặt mà trông
Mấy anh tại chức vào trong vòng rồi
Chính quy khóc đứng, khóc ngồi
Vì anh tại chức cướp nồi (cơm) của em.

Và, người ta lại tự thán: giá như đừng có phần mềm !

CAM KẾT VÀ CHỈ TIÊU

Ngành giáo dục đang rầm rộ triển khai cuộc vận động nói không với tiêu cực chống căn bệnh thành tích. Nói rầm rộ là vì ở cấp Bộ thì có kí cam kết gửi các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, ở tỉnh thì kí cam kết gửi lãnh đạo Tỉnh và Bộ, ở huyện thì có... cứ như thế, có thể coi cuộc vận động chính là kí cam kết. Từ trên xuống dưới, từ nhỏ đến to, ông Bộ trưởng cho đến mấy o, mấy chú học trò đều phải kí cam kết. Cam kết nào cũng “đồng tình, hưởng ứng”, “nhất trí, tán thành”, “kiên quyết, tích cực” nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích.
Nhưng hỡi ơi, có ai cam kết với các vị là không giao những chỉ tiêu, không giao những kế hoạch thiếu tính khả thi, thiếu điều kiện thực hiện cho các vị không !
Xin nêu mấy ví dụ : chỉ tiêu huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 ( những đứa trẻ sinh vào cuối năm đành phải đi học trước tuổi; những đứa suy dinh dưỡng (mà không dưới 30% trẻ nông thôn, miền núi suy dinh dưỡng) thì không thể đi học. Kết quả là, để có con số đẹp trên, cha mẹ chúng phải làm lại khai sinh.
Chỉ tiêu PCTHCS sẽ khó mà hoàn thành nếu không tuyển sinh hết trẻ hoàn thành chương trình Tiểu học. Mà huy động hết trẻ hoàn thành chương trình Tiểu học thì có bao nhiêu phần trăm chưa thực tế hoàn thành. Rồi chỉ tiêu tốt nghiệp THCS. Nếu dùng kết quả thực thì lấy đâu số học sinh dự tuyển sinh THPT. Đó là chưa nói tuyển sinh THPT lại đề ra chỉ tiêu huy động 70% số học sinh tốt nghiệp THCS . Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu tuyển sinh THPT cũng cứ đặt ra điểm sàn như tuyển sinh Đại học liệu rồi sẽ sao đây! Lúc đó có mấy chục phần trăm vào học THPT ?
Rồi nào là chỉ tiêu phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chỉ tiêu học sinh giỏi, giáo viên giỏi. Trăm thứ chỉ tiêu là thật, chỉ có điều thực hiện chỉ tiêu đó có thật hay không ? Kí cam kết thì dễ nhưng thực hiện các chỉ tiêu thì không dễ.

Nếu không thay đổi chỉ tiêu thì xin đừng cam kết vậy !


#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9