(url) Bernard Shaw
thuyduong 27.08.2006 12:31:18 (permalink)
Bernard Shaw


- Bernard Shaw được trao giải vì những sáng tác mang tính tư tưởng và chủ nghĩa nhân văn cao cả, đặc biệt là những vở kịch trào phúng đặc sắc, kết hợp với vẻ đẹp lạ thường của thơ ca. B. Shaw là nhà cách tân sân khấu lớn của thế kỉ XX, mà nổi bật là tác phẩm Nữ Thánh Joan. Ông coi chủ nghĩa hiện thực và lòng ham sống của con người là tiền đề cho những sự cải biến tích cực và luôn đấu tranh cho sự thiết lập một xã hội công bằng.

Bernard Shaw (26/7/1856 - 2/11/1950)

* Giải Nobel văn học 1925

* Nhà viết kịch Anh, gốc Ireland

* Nơi sinh: Dublin (Ireland)

* Nơi mất: Ayerst, Hertfrordshire (Anh)



George Bernard Shaw là con thứ ba trong một gia đình trung lưu theo đạo Tin lành, cha trước làm công chức sau chuyển sang buôn bán, mẹ là ca sĩ nghiệp dư. Lúc nhỏ B. Shaw học kém nhưng lại có khiếu về âm nhạc, sớm hiểu và yêu thích tác phẩm của các nhạc sĩ danh tiếng, học thêm về hội họa ở Dublin. 15 tuổi ông làm nhân viên tập sự, thủ quỹ cho một hãng bất động sản. Năm 1876, ông theo hai chị và mẹ đến London sinh sống, viết các bài phê bình âm nhạc cho các báo để kiếm tiền, tự học, quan tâm và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 1884 ông tham gia thành lập Hội Fabian (Fabian Society) - tổ chức của các trí thức Anh chủ trương quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường hòa bình.

Thời kì 1879-1883, B. Shaw viết tiểu thuyết đầu tay Non nớt và 5 tác phẩm khác nhưng chưa được in; cuốn Một người xã hội chủ nghĩa phi xã hội (viết năm 1884) là tiểu thuyết đầu tiên được in năm 1887.

B. Shaw được coi là cha đẻ của Kịch ý niệm, ông bắt đầu sáng tác kịch từ năm 1885, nhưng bắt đầu nổi tiếng với vở Những ngôi nhà của người góa vợ (1892). Đến năm 1903, kịch của ông chiếm lĩnh sân khấu Mỹ, Đức; năm 1904 chiếm lĩnh sân khấu trong nước. Ông càng nổi tiếng thêm khi vua Anh đến dự buổi biểu diễn vở Hòn đảo khác của John Bull (1904), sau đó kịch của ông lan tràn sang các nước Châu Âu.

B. Shaw được coi là nhà soạn kịch xuất sắc nhất nước Anh, ông muốn dùng nghệ thuật để thức tỉnh con người trước yêu cầu phải thay đổi trật tự tư sản với tất cả các thể chế và tập tục của nó. Ông nhấn mạnh đến chức năng giáo dục của sân khấu, nhưng xem chức năng giáo dục không phải là sự áp đặt từ phía nhà viết kịch mà là khơi dậy nhu cầu thẩm mĩ của chính khán giả. Những vấn đề gay gắt của xã hội đương thời như thế lực khuynh đảo của đồng tiền, các kiểu bóc lột, tình trạng nghèo khổ của người dân kéo theo các tệ nạn xã hội được phản ánh rõ nét trong kịch B. Shaw. Phong cách kịch của B. Shaw thiên về trào lộng, châm biếm, tìm đường đến chân lí thông qua những nghịch lí.

Ông đi du lịch nhiều nơi ở các nước Châu Âu, Châu Phi, Liên Xô... Trong 2 năm 1932-1933 ông đi vòng quanh thế giới, thăm Châu Mỹ và Nhật Bản.

Năm 1923, vở Nữ thánh Joan ra đời và được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của B. Shaw, hai năm sau ông được nhận giải Nobel Văn học. Vốn không ưa các loại giải thưởng, nghi lễ, B. Shaw không đến dự lễ trao giải; giải thưởng được trao cho Đại sứ Anh tại Thụy Điển. B. Shaw dùng tiền thưởng của giải thành lập Quỹ Văn học dành cho các tác giả viết kịch. Năm 94 tuổi, ông bị ngã gãy đùi trong khi làm việc trong vườn nhà và mất cuối năm 1950. Tác phẩm của ông đã được dịch nhiều sang tiếng Việt. Bạn đọc Việt Nam yêu thích những tác phẩm cũng như nhân cách của ông, với nhiều giai thoại về trí tuệ sắc sảo, hài hước và tài hoa của ông.

* Tác phẩm:

- Non nớt (Immaturity, 1879), tiểu thuyết.

- Cuộc hôn nhân không hợp lí (The irrational knot, 1880), tiểu thuyết.

- Tình nghệ sĩ (Love among the artists, 1881), tiểu thuyết.

- Nghề của Cashel Byron (Cashel Byron’s profession, 1882), tiểu thuyết.

- Một người xã hội chủ nghĩa phi xã hội (An unsocial socialist, 1884), tiểu thuyết.

- Con người của số phận (The man of destiny, 1885), kịch.

- Bạn chẳng bao giờ nói ra được (You never can tell, 1886), kịch.

- Tinh túy của chủ nghĩa Ibsen (The quintessense of Ibsenism, 1891), khảo cứu.

- Những ngôi nhà của người góa vợ (The widower's houses, 1892), kịch.

- Anh chàng hào hoa (The filanderes, 1893), kịch.

- Vũ khí và con người (Arms and the man, 1894), kịch.

- Candida (1897), kịch.

- Đồ đệ của quỷ (The devil’s disciple, 1896-1897), kịch.

- Những vở kịch dễ chịu và những vở kịch khó chịu (Plays pleasant and unpleasant, 1898), tập kịch (2 tập).

- Sự cải hóa của đại úy Brassbound (Captain Brassbound’s conversation, 1901), kịch.

- Caesar và Cleopatra (Caesar and Cleopatra, 1901), kịch.

- Nghề nghiệp của bà Warren (Mrs. Warren's profession, 1902), kịch.

- Con người và siêu nhân (Man and superman, 1903), kịch.

- Hòn đảo khác của John Bull (John Bull’s other island, 1904), kịch.

- Thị trưởng Barbara (Major Barbara, 1905), kịch.

- Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của người bác sĩ (The Doctor's dilemma, 1906), kịch.

- Lấy nhau (Getting married, 1908), kịch.

- Vở kịch đầu tay của Fanny (Fanny’s first play, 1909), kịch.

- Vạch trần Blanco Posnet (The shewing-up of Blanco Posnet, 1909), kịch.

- Misalliance (1910), kịch.

- Pygmalion (1912), kịch.

- Androcles và sư tử (Androcles and the lion, 1913), kịch.

- Suy nghĩ lành mạnh về chiến tranh (Common sense about the war, 1914), tiểu luận.

- Augustus thực hiện nghĩa vụ của mình (Augustus does his bit, 1917), kịch.

- Ngôi nhà trái tim tan vỡ (Heart break house, 1919), kịch.

- Trở lại Methuselah (Back to Methuselah, 1921), kịch.

- Nữ Thánh Joan (Saint Joan, 1923), kịch

- Cẩm nang về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản dành cho phụ nữ (The intelligent woman’s guide to socialism and capitalism, 1928), tiểu thuyết tường thuật.

- Chiếc xe táo (Apple cart, 1929), kịch.

- Xấu nhưng là sự thật (Too true to be good, 1931), kịch.

- Mắc cạn (On the rocks, 1933), kịch.

- Nữ triệu phú (Millionairess, 1936), hài kịch.

- Gã ngố từ đảo bất ngờ (Simpleton of the unexpected isles, 1934), kịch.

- Geneve (1938), kịch.

- Vào những ngày vàng son của vua Charles tốt bụng (In good king Charles’s golden days, 1939), kịch.

- Sổ tay chính trị cho mọi người (Everybody’s political what’s what, 1944).

- Bạc tỉ của Buoyant (Buoyant billions, 1946-1948), kịch.

- Shakes chống lại Shaw (Shakes versus Shaw, 1949), kịch.

- Những truyện ngụ ngôn bịa đặt (Farfetched fables, 1950), kịch.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Sô Bớcna. Truyện ngắn, Xuân Oanh dịch, NXB Văn Học, 1964.

- Kịch Bớc-na So (gồm các vở: Ngôi nhà trái tim tan vỡ, Nữ thánh Jan, Chiếc xe táo), Bùi Ý - Nguyễn Vĩnh - Nhữ Thành dịch, NXB Văn Học, 1975.

- Chiếc xe táo (kịch), Nhữ Thành, NXB Ngoại văn, 1985.

- Cô gái da đen đi tìm đức Chúa trời, Đông Jăng thanh minh, Xuân Oanh dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

- Serenade, Linh Tâm dịch, in trong Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel, NXB Văn Học, 2004.

© Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây



Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Per Hallström, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Viện Hàn lâm Thụy Điển


Ngay từ những tiểu thuyết thời trẻ, George Bernard Shaw đã bộc lộ chính những quan điểm về thế giới và thái độ đối với những vấn đề xã hội mà ông vẫn duy trì từ đó đến nay. Đó là một rào chắn vững chắc hơn cả giúp ông chống lại những lời buộc tội triền miên, coi ông là người thiếu trung thực và chỉ hành động như một chú hề chuyên nghiệp trong sân chơi dân chủ. Ngay từ đầu, niềm tin của ông đã chắc chắn đến mức dường như chính tiến trình phát triển chung, vốn chẳng có ảnh hưởng nhiều đến ông, đã đưa ông đến diễn đàn nơi mà giờ đây ông có thể đứng trên đó phát biểu với chúng ta. Những ý tưởng của ông có cái gì đó của một thuyết cấp tiến logic trừu tượng, vì vậy tuy chúng chẳng có gì mới mẻ, nhưng nhờ ông, chúng có một sự rõ ràng và rực rỡ mới. Trong ông, những ý tưởng này hoà lẫn với sự hóm hỉnh, hoàn toàn không tôn trọng bất cứ kiểu qui ước nào, và sự hài hước vui nhộn nhất - tất cả tập trung lại thành một sự quá đà hầu như chưa từng có trong văn chương.

Điều khiến mọi người bối rối hơn cả chính là nét vui nhộn ầm ĩ của ông: họ sẵn sàng tin rằng toàn bộ câu chuyện là một trò chơi và một niềm khao khát được giật mình thảng thốt. Chẳng đúng một chút nào khi chính Shaw có khả năng tuyên bố một cách công bằng hơn rằng thái độ bất cần của ông chỉ là một mưu mẹo: ông phải lừa phỉnh cho mọi người cười để họ không thể nảy ra ý định treo cổ ông. Nhưng chúng ta biết rất rõ rằng bất kì điều gì xảy ra cũng không làm cho ông hoảng sợ mà từ bỏ tính bộc trực, và ông chọn vũ khí cho mình chính bởi chúng phù hợp với ông cũng như vì chúng mang lại hiệu quả cao nhất. Ông đã sử dụng chúng với sự chắc chắn của thiên tài, dựa trên một lương tâm tuyệt đối tĩnh tại và một niềm tin trung thành.

Ông sớm trở thành nhà tiên tri về các học thuyết cách mạng, với những giá trị rất khác nhau, trong các lĩnh vực thẩm mĩ học và xã hội học, và ông nhanh chóng giành được cho mình một vị trí đáng kể với tư cách nhà tranh luận, diễn giả tiếng tăm và nhà báo. Ông đặt dấu ấn của mình lên sân khấu Anh như một đối thủ của Ibsen và kẻ thù của truyền thống nông cạn kiểu Anh lẫn kiểu Pháp. Ông bắt đầu sáng tác kịch rất muộn, ở tuổi ba mươi sáu, để có thể thoả mãn những nhu cầu mà ông đã khơi ra. Ông viết kịch với sự vững vàng bản năng, dựa trên niềm tin chắc rằng ông có nhiều điều để nói.

Theo phong cách ngẫu hứng này, ông bắt đầu tạo ra những cái mà ở chừng mực nào đó có thể xem là một thể loại kịch mới, cần được đánh giá theo những nguyên tắc đặc thù của nó. Sự mới lạ của nó không nằm ở cấu trúc và thể loại. Từ kiến thức sâu rộng và được đào tạo bài bản về sân khấu, ông nhanh chóng và không mấy khó khăn đạt đuợc mọi hiệu quả sân khấu mà ông thấy cần thiết cho mục đích của mình. Nhưng, phong cách thẳng thắn mà ông sử dụng để đưa ý tưởng của mình vào thực tế hoàn toàn là phong cách của riêng ông; tính hiếu chiến, sự linh động và đa dạng trong các ý tưởng của ông cũng không thể tìm thấy ở người nào khác.

Ở Pháp, George Bernard Shaw được mệnh danh là Molière của thế kỉ XX. Sở dĩ như vậy vì chính Shaw tin rằng ông đang đi theo những khuynh hướng cổ điển trong kịch. Nhắc đến chủ nghĩa cổ điển, ông muốn nói đến thiên hướng biện chứng và hợp lí của trí óc và sự đối lập với bất cứ cái gì được gọi là chủ nghĩa lãng mạn.

Ông bắt đầu với cái mà ông gọi là Plays Unpleasant (1898) (Những vở kịch khó chịu). Ông đặt tên như vậy vì chúng khiến cho khán giả phải mặt đối mặt với những vấn đề khó chịu, những cái giả vờ đem lại cho khán giả trò giải trí vô tư lự hay sự khai tâm uỷ mị mà họ vẫn mong đợi từ sân khấu. Những vở kịch này nhấn mạnh vào những lạm dụng nghiêm trọng - sự bóc lột và lạm dụng thân xác những người nghèo khổ, trong khi bản thân những kẻ lạm dụng đó vẫn ra sức duy trì hình ảnh đáng kính về mình trong mắt mọi người.

Đặc điểm nổi bật trong các tác phẩm kịch của Shaw là sự khắc nghiệt xã hội học mang tính chính thống của ông đối với cộng đồng, không hề bị ảnh hưởng bởi định kiến và được kết hợp với sự thấu cảm tâm lí đích thực khi ông đề cập đến từng cá nhân phạm tội. Thậm chí, trong những tác phẩm đầu tay đó, lòng nhân đạo, một trong những đức tính tốt đẹp nhất của ông, cũng được thể hiện một cách rõ ràng và trọn vẹn.

Plays Pleasant (1898) (Những vở kịch dễ chịu) làm phong phú thêm đề tài mà ông lựa chọn. Về tổng thể, chúng có cùng mục đích như những vở kịch trước nhưng giọng điệu đỡ nặng nề hơn. Một trong những vở kịch đó đã giúp ông rạng danh lần đầu tiên. Đó chính là Arms and the Man (Quân đội và con người), một nỗ lực chứng tỏ sự tầm thường của chất lãng mạn anh hùng và lính tráng, đối lập với cái công việc tỉnh táo và buồn tẻ là đem lại hoà bình. Xu hướng theo chủ nghĩa hoà bình của tác phẩm đã giành được sự tán thành nồng nhiệt từ khán giả, hơn cả sự cổ vũ mà ông từng được đón nhận. Trong Candida, một thể loại thuộc Doll's House (Nhà của Búp bê) với kết thúc có hậu, ông đã tạo ra một tác phẩm mà suốt một thời gian dài luôn là sáng tác giàu chất thơ nhất của ông. Lí do chủ đạo là trong vở kịch này, một phụ nữ mạnh mẽ đến siêu phàm, đối với ông - vì những nguyên do mà ta không lí giải nổi - đã trở thành một mẫu người bình dị với tâm hồn phong phú, ấm áp và dịu dàng hơn bất cứ trong vở kịch nào khác.

Trong Man and Superman (1903) (Phàm nhân và siêu nhân), ông trả đũa bằng cách chỉ ra rằng, phụ nữ, do bản tính thực tế rất kiên định và không che đậy của mình, đã bị số mệnh buộc phải trở thành một siêu nhân, người mà sự xuất hiện đã được người ta tiên đoán và thiết tha mong mỏi từ lâu. Lời giễu cợt thật buồn cười, nhưng dường như người tạo ra nó xem vấn đề là ít nhiều nghiêm túc, ngay cả khi ta xét đến tinh thần phản kháng của ông về sự tôn thờ của nước Anh xưa kia đối với vị nữ thánh hiền dịu này.

Vở kịch vĩ đại tiếp theo của ông, Major Barbara (1905) (Thị trưởng Barbara), có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Nó bàn luận về vấn đề liệu cái ác cần phải bị đánh bại theo cách xuất phát từ bên trong, từ tinh thần hy sinh hoan hỉ và mang tính tôn giáo, hay bằng cách bên ngoài, [nghĩa là] xóa bỏ tận gốc rễ sự nghèo đói, nền tảng của mọi tệ nạn xã hội. Nhân vật của Shaw, một trong những nhân vật nữ sáng chói nhất, kết thúc bằng sự thoả hiệp giữa quyền lực của đồng tiền và quyền lực của đội quân Cứu rỗi. Dòng tư tưởng ở đây chuyển vận bằng một sức mạnh lớn lao, và, một cách hết sức tự nhiên, với hàng chuỗi nghịch lí. Vở kịch không nhất quán, nhưng nó nêu lên một quan điểm mới mẻ và rõ ràng đến bất ngờ về niềm vui và chất thơ của cuộc sống với niềm tin thiết thực. ở đây, Shaw, một nhà duy lí đã thể hiện mình tự do hơn và hào hiệp hơn bình thường.

Thời gian không cho phép chúng ta nói về tiến trình cuộc vận động của ông ngay cả trong những tác phẩm nổi bật hơn:. Có lẽ nói thế này là đủ khi nói; không có một mảy may dấu vết gì của chủ nghĩa cơ hội, ông quay vũ khí chống lại tất cả những gì ông cho là thành kiến ở bất cứ nơi nào có thể tìm thấy nó. Cuộc tấn công táo bạo nhất có lẽ là trong Heartbreak House (1919) (Ngôi nhà trái tim tan vỡ). Ông tìm cách thâu tóm toàn bộ vào trong tác phẩm của mình - luôn dưới tinh thần hài hước - mọi sự hư hỏng, giả tạo và bệnh hoạn đang sinh sôi nảy nở tại một quốc gia thuộc nền văn minh tiên tiến, đùa cợt với những giá trị trọng yếu, sự xơ cứng của lương tâm và chai đá của trái tim, với một thiên kiến phù phiếm về nghệ thuật và khoa học, chính trị, săn lùng tiền bạc và tán tỉnh dâm tục. Nhưng, do sự thừa thãi về vật chất hay do khó khăn trong việc nhìn nhận nó một cách vui vẻ, tác phẩm đã suy giảm thành một nhà bảo tàng những thứ lập dị với những dáng hình tựa bóng ma của một chủ nghĩa tượng trưng hư ảo.

Trong Back to Methuselah (1921) (Trở lại Methuselah), Shaw có một bài luận mở đầu thậm chí còn xuất sắc hơn bình thường, ngoài cách thể hiện luận đề bằng nghệ thuật kịch của ông, rằng con người cần phải sống nhiều hơn gấp mấy lần số tuổi tự nhiên của mình thì mới mong có đủ cảm quan để điều khiển thế giới của hắn, chẳng được trang bị gì ngoài chút ít hi vọng và chút ít niềm vui. Dường như tác giả đã phóng đại kho tàng ý tưởng của mình tới mức làm tổn hại năng lực sáng tạo hữu cơ của ông.

Nhưng sau đó, Saint Joan (1923) (Nữ thánh Joan) đã khiến chúng ta phải thảng thốt về đỉnh cao năng lực thơ ca của ông. Đặc biệt trên sân khấu, nơi tất cả những gì giá trị nhất và cốt lõi nhất của vở kịch đều nổi bật và bộc lộ sức nặng thực sự của chúng, ngay cả với những phần có thể gây chống đối. Shaw không vui ở những bài tiểu luận trước của ông trong vở kịch về đề tài lịch sử; điều này là tự nhiên, bởi ông đã ngẫu nhiên kết hợp trí thông minh dồi dào và nhanh nhạy của mình với sự dứt khoát thiếu tưởng tượng lịch sử và cảm quan về thực tại lịch sử. Thế giới của ông thiếu một chiều kích, đó là chiều kích thời gian, điều mà, theo những lý thuyết mới nhất, không thể không có tầm quan trọng đối với không gian. Điều đó dẫn đến một sự thiếu tôn trọng đáng tiếc đối với tất cả những gì từng xảy ra, và một xu hướng miêu tả moị thứ như là đối lập hoàn toàn với những gì kẻ phàm nhân xưa kia thường tin tưởng hay nói đến.

Trong Nữ thánh Joan, trí óc mẫn tiệp của Shaw vẫn nuôi dưỡng quan điểm giống như trước về đại cục, nhưng trái tim nhân hậu của ông đã tìm thấy ở nữ anh hùng một điểm cố định trong một thế giới bấp bênh, từ đó [ông] có thể đắp nên xương thịt cho những dáng hình tưởng tượng. Với sự chính xác đáng ngờ, ông đã đơn giản hoá hình ảnh của cô, nhưng ông cũng khiến cho những đường nét còn lại trở nên sống động và tươi tắn lạ thường, và ông cũng phú cho Nữ thánh Joan khả năng lôi cuốn đám đông. Tác phẩm đầy sáng tạo này có vị trí ít nhiều riêng biệt như một phát hiện về chủ nghĩa anh hùng trong một thời đại khó có thể coi là thuận lợi cho chủ nghĩa anh hùng đích thực. Chỉ một sự thật thực là tác phẩm không thất bại đã đủ làm cho nó nổi bật; và sự thật rằng nó đã có thể đạt những thành công vang dội trên toàn thế giới trong truờng hợp này là bằng chứng cho giá trị nghệ thuật của nó.

Nếu từ góc độ này nhìn lại những tác phẩm hay nhất của Shaw, ở nhiều nơi, ẩn dưới vẻ bông đùa bất chấp, ta sẽ dễ nhìn thấy hơn một cái gì đó thuộc cùng một chủ nghĩa lí tưởng như đã đuợc thể hiện trong nhân vật Nữ thánh Joan. Sự phê phán xã hội của ông và nghệ thuật mô tả quá trình phát triển của nó dường như hợp lý một cách quá trần trụi, được suy nghĩ quá vội vàng, bị đơn giản hoá một cách quá thiếu hữu cơ; nhưng cuộc đấu tranh của ông chống lại những quan niệm truyền thống không có cơ sở vững chắc và chống lại những tình cảm truyền thống hoặc giả tạo hoặc nửa vời, đã chứng minh cho mục đích cao quí của ông. Còn nổi bật hơn thế nữa là chủ nghĩa nhân đạo của ông; và những đức hạnh mà ông trân quý một cách điềm nhiên theo kiểu của ông - đó là tự do tinh thần, lòng trung thực, lòng can đảm và sự trong sáng của tư tuởng – có quá ít những nguời bảo vệ vững chắc trong thời đại chúng ta.

Những gì tôi vừa mới phát biểu chỉ là những nét phác hoạ về sự nghiệp của Shaw. Tôi chưa nói nhiều về những lời mở đầu - đúng hơn là những chuyên luận - được viết ở phần lớn các vở kịch của ông. Những phần hay nhất trong số đó thể hiện sự rõ ràng, nhanh trí và tài hoa vượt bậc. Chính những vở kịch này mang lại cho ông vị trí một trong những nhà viết kịch xuất sắc nhất trong thời đại chúng ta, còn những lời mở đầu đó khiến ông ngang hàng với một Voltaire của thời đại chúng ta - nếu chúng ta chỉ nghĩ những gì hay nhất của Voltaire. Từ góc độ một phong cách đơn giản và thuần khiết, chúng dường như đem lại một cách diễn tả siêu tuyệt và cổ điển theo cách của mình về những tư tưởng và những cuộc luận chiến của một thời đại mang đầy khẩu khí báo chí, và, quan trọng hơn, chúng củng cố thêm vị trí nổi bật của Shaw trong nền văn học Anh.

Tại lễ trao giải, đại sứ Anh, Ngài Arthur Grant Duff thay mặt Shaw đã bày tỏ lòng cảm kích đặc biệt đối với việc nhà văn Shaw được trao giải thưởng Nobel và cho rằng sự kiện này sẽ thắt chặt mối giao lưu văn hoá giữa Thụy Điển và Anh quốc.

Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2006 05:10:10 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9