(url) Wladyslaw Reymont
thuyduong 27.08.2006 12:34:20 (permalink)
Wladyslaw Reymont


Wladyslaw Reymont được trao giải trước hết vì tác phẩm mang tính sử thi dân tộc - tiểu thuyết Những người nông dân - vừa mang đậm bản sắc văn hóa Ba Lan vừa có tính điển hình nhân loại cao độ. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và mang lại cho nhà văn danh tiếng thế giới.


Wladyslaw Reymont (6/5/1867-5/12/1925)

* Giải Nobel Văn học 1924

* Nhà văn Ba Lan

* Nơi sinh: Kobiele Wielkie (Ba Lan)

* Nơi mất: Warszawa (Ba Lan)



Wladyslaw Reymont tên thật là Wladyslaw Stanislaw Rejment, con một nhạc công đại phong cầm nghèo ở làng quê. Ông biết đọc và viết năm 6 tuổi, 9 tuổi đã am hiểu văn học Ba Lan đương đại cũng như văn học nước ngoài dịch sang tiếng Ba Lan. Trước khi trở thành nhà văn, ông từng làm nhiều nghề khác nhau để sống: diễn viên sân khấu, phụ thợ may, công nhân, gác ba-ri-e đường sắt, thậm chí đã gọt tóc đi tu nên ông hiểu biết rất nhiều về những người cùng khổ trong xã hội. W. Reymont say mê sáng tác, tranh thủ thời gian viết rất nhiều kịch, thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn... nhưng rồi xé bỏ hầu hết. Năm 26 tuổi ông lên Warszawa và thực sự bắt đầu sự nghiệp viết văn, tập sách đầu tiên viết theo đơn đặt hàng của một tạp chí là Hành hương đến Núi Sáng (1895) được dư luận chú ý.

W. Reymont là nhà viết tiểu thuyết hiện thực phê phán, đi sâu vào những đề tài nông thôn, có lập trường cách mạng tư sản yêu nước, được mệnh danh là “Homere của sinh hoạt làng quê”. Truyện ngắn đầu tay Cái chết (1893) miêu tả cảnh nghèo khổ thê thảm và sự bóc lột tàn tệ mà người nông dân Ba Lan phải chịu. Ông theo chủ nghĩa tự nhiên, có nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn chủ nghĩa tượng trưng. Với biệt tài quan sát và miêu tả trau chuốt, tác giả của nhiều tập truyện ngắn và những thiên phóng sự trác tuyệt, W. Reymont được đánh giá là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Ba Lan cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Thành công đầu tiên của ông trên con đường văn nghiệp là tiểu thuyết Đất hứa (1889), phản ánh nạn tham nhũng, tình trạng bóc lột công nhân và những vụ làm ăn không minh bạch tại khu công nghiệp vải sợi ở Lodz. Đây là lần đầu tiên một cuốn tiểu thuyết đề cập đến những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh từ sự phát triển công nghiệp của một thành phố Châu Âu. Năm 1900 W. Reymont bị chấn thương vì tai nạn đường sắt phải nằm liệt cả năm. Ông bắt đầu viết tác phẩm lớn nhất được trao giải Nobel là Những người nông dân (1904-1909) - bộ tiểu thuyết 4 tập thể hiện sức mạnh bản năng của nhân dân, có lối viết tinh tế, giàu chất thơ về một làng quê với những con người giản dị, chất phác. Năm 1924 W. Reymont được nhận giải Nobel, nhưng do bị bệnh ông không đến dự lễ trao giải, chỉ gửi một bức thư, trong đó viết: “Trong năm 1922, 1923 tôi bị đau tim. Tôi còn nhiều điều để nói, rất muốn nói, nhưng liệu cái chết có cho phép không?”. Một năm sau ông mất ở Warszawa.

* Tác phẩm:

- Hành hương đến Núi Sáng (Pielgrzymka do Jasnei Gory, 1895), phóng sự.

- Đào hát (Komedjantka, 1896), tiểu thuyết.

- Gặp gỡ (Spotkanie, 1897), tập truyện ngắn.

- Chất men (Fermenty, 1897), tiểu thuyết.

- Lili (1899), truyện vừa.

- Đất hứa (Ziemia obiecana, 2 tập 1899), tiểu thuyết.

- Công bằng (Sprawiedliwie, 1899), truyện vừa.

- Một lần (Pewnego dnia, 1900), truyện ngắn.

- Trước bình minh (Preed s’witem, 1902), truyện ngắn.

- Trích nhật kí (Z pamietnika, 1903), truyện ngắn.

- Những người nông dân (Chlopi, 4 tập, 1904-1909), tiểu thuyết.

- Kẻ mơ mộng (Marzyciel, 1910), tiểu thuyết.

- Ma cà rồng (Wampir, 1911), tiểu thuyết.

- Năm 1794 (Rok 1794, 3 tập, 1913-1918), tiểu thuyết.

- Phía sau mặt trận (Za frontem, 1919), truyện ngắn.



* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Số phận (truyện ngắn Ba Lan chọn lọc), Lê Bá Thự dịch, NXB Văn Học, 2000.

- Con chó cái (tập truyện ngắn chọn lọc), Nguyễn Viết Lãm dịch, NXB Hải Phòng, 1998.





Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển


Per Hallström, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Viện Hàn lâm Thuỵ Điển


Loại tiểu thuyết theo trường phái tự nhiên, đặc biệt thể loại kế thừa từ Zola ở Pháp là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của người Ba Lan. Reymont đã thừa nhận rằng ý tưởng cuốn sách của ông được khơi gợi từ La Terre, không phải vì ông ngưỡng mộ cuốn tiểu thuyết đó, mà vì La Terre đã gợi trong ông lòng căm phẫn và sự phản kháng. Ông đã thấy trong đó một loại tính cách dập khuôn, bị bóp méo và lỗ mãng của tầng lớp xã hội, tầng lớp đã đưa nôi nuôi dạy ông và ông cũng đã từng yêu mến nó bằng tất cả lòng nhiệt thành được ấp ủ bởi những kỉ niệm ấu thơ. Ông hiểu tầng lớp xã hội này từ vốn kinh nghiệm phong phú của mình, từ chính trong lòng nó một cách tường tận - không giống như Zola, chỉ thông qua những tìm tòi vội vàng kiểu nhà báo theo một chương trình được thảo sẵn với những kết quả được nhận định trước. Ông mong muốn miêu tả xã hội đó đúng như thực tế vốn có, không bị bóp méo bởi các học thuyết. Nhưng Zola có ảnh hưởng quyết định tới sáng tác của ông theo một cách hoàn toàn khác và tích cực hơn. Chlopi (1904-09) (Những người nông dân), ở phiên bản hoàn thiện nhất mà ta có, hầu như không thể cảm thụ được nếu không nắm bắt được những bài học mà Reymont tiếp thu từ toàn bộ tác phẩm của Zola - những mô tả đi sâu vào tìm hiểu môi trường, hiệu quả âm thanh của dàn đồng ca, sự trung thực tuyệt đối, sự hoà hợp giữa thiên nhiên bên ngoài với đời sống con người. Tuy nhiên, thực ra Chlopi không phải chỉ là một tiểu thuyết theo trường phái tự nhiên mà còn mang đậm nét sử thi - tự nhiên về phương pháp nhưng lại có qui mô của một thiên anh hùng ca.

Đối với chúng ta, việc những người hiện đại thâm thúy thuý ghi nhận một bài thơ kể chuyện như một thiên anh hùng ca đã đủ để coi nó là một sự hoàn hảo và hoà hợp, một ấn tượng chung về khoảng lặng, dù cho những đoạn khác nhau trong cuốn sử thi có thể chứa đầy những khổ đau và những cuộc tranh đấu. Không dễ thể hiện hiệu quả này dưới dạng một khái niệm, bởi chỉ có cảm xúc mới cảm nhận được. Bài thơ đạt hiệu quả bởi lẽ tất cả mọi yếu tố của cuộc xung đột, vật lộn dần dần dịu xuống trước chúng ta, giống như những ngọn sóng cuốn vào nhau; những vòng tròn không bao giờ tiến đến chân trời tĩnh lặng bao quanh bài thơ; cuộc vật lộn không đặt câu hỏi và cũng chẳng than vãn vượt quá giới hạn đó. Thế giới trước mắt chúng ta là một thế giới có định hình và có nền móng không thể lay chuyển, nhưng đó không phải là một thế giới chật hẹp và tù túng. Nó đủ rộng để con người tự thể hiện mình thông qua những hành động nằm trong phạm vi năng lực của họ. Vì vậy nên bài thơ mới hài hoà đến thế. Dù cho hạnh phúc có được ghi nhận, nỗi khổ đau vô phương cứu chữa thì sự thiên lệch giữa hiện thực sẵn có và những đòi hỏi cao hơn về mức độ lí tưởng cũng không nằm trong đó, hay ít nhất ta cũng không thể nhận thức được nó. Bi kịch cay đắng dai dẳng nhất, bi kịch mà từ bên trong đã toả ra một năng lượng đập tan sinh vật thành các mảnh vỡ, vẫn chưa được tạo ra. Những nhân vật mà chúng ta nhìn thấy vẫn vẹn toàn, giản đơn và chuyển động trong một thể duy nhất. Dù cho các nhân vật to lớn hay nhỏ bé, tính cách của họ tốt hay xấu, thì họ đều mang một dáng vẻ tươi đẹp mềm dẻo và hoành tráng.

Nhà văn Ba Lan đã có được Chlopi bằng cách đó, và ông đã đạt được nó, chắc chắn nhờ việc ông đã chọn được một đề tài biết tự hướng tới thể loại may mắn này cho dù ông được đào tạo theo phong cách hiện đại, một phong cách hiếm khi hứa hẹn mục tiêu như vậy. Có lẽ, bản thân ông không tìm kiếm thể loại này, bởi những tác phẩm còn lại của ông đều thuộc thể loại khác, nhưng khi nó tự đến với ông trong quá trình sáng tác, ông đã hiểu và tuân theo những qui luật của nó. Chỉ riêng điều này, ông đáng được ngợi ca và tôn vinh.

Trong điều kiện nguyên sơ, và có lẽ chỉ trong tàn dư của những điều kiện đó, những nông dân Ba Lan trong tác phẩm của ông mới có được bản chất giản đơn, một nghệ thuật dùng từ cổ trong bối cảnh của họ mà nghệ thuật sử thi đòi hỏi - một giá trị thẩm mĩ lớn lao mà chỉ đạt được với cái giá của những khiếm khuyết xét trên những phương diện khác. Những nhân vật này hầu như không có cái mà người ta thường gọi là cá tính. Trong số những người đàn ông chỉ có một vài người có được phần nào đặc điểm của một cá tính, thể hiện ở khả năng tư duy cũng như tính quyết đoán, song quá trình tạo nên phẩm chất đó của họ cũng chẳng gợi được điều gì ngoài đôi chút cảm phục. Tính cách của con người bao gồm tính tự kỉ, tinh thần trách nhiệm, nắm bắt lấy cái đúng, hiếm khi phát triển vượt quá ngưỡng cảm giác đại trà mơ hồ. Những gì chúng ta thấy về đời sống nhận thức chỉ là cái sân chung của làng quê, không phải là dinh cơ của cá nhân được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì thế, chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều từ phụ nữ nhất là nhân vật Hanus, một phụ nữ sau khi đã trải qua những thử thách đau đớn, tính mềm dẻo trong bản chất của cô trở nên gắn kết lại tạo thành một tinh thần trách nhiệm cứng cỏi.

Thực sự gần như không thể tìm thấy một cơ sở đạo đức nào trên dải đất trũng bao quanh con sông đang lững lờ trôi. Nhiệt huyết nảy sinh từ ý chí của những người đàn ông giống như một trận cuồng phong trong bụi lau, chúng rạp xuống trước những luồng gió, và một tia chớp loé lên soi sáng mọi thứ. Lòng trung thực là một cái gì đó không chắc chắn, có lẽ phần nhiều bởi nó không có bầu khí quyển tự do để phát triển. Từ xa xưa, dân tộc này đã phải tự vệ chống lại sự đàn áp của những kẻ chiếm giữ đất đai mà họ đang sinh sống. Cuối cùng, đất đai đã trở thành tài sản của họ, họ đã giành được phần thưởng từ bọn ngoại lai, những kẻ phải miễn cưỡng trao trả lại linh hồn cho họ. Sự thụ động, thuyết định mệnh và chất hóm hỉnh khờ khạo, những cái được phát triển trong những người anh em đồng giao Slaves ở phương Đông dưới những hoàn cảnh tương tự, không có một vị thế nào trong tính khí Ba Lan. Thay vào đó, tại đây, chúng ta gặp một nỗi sợ hãi khác thường mà không ở đâu khác nó lại có thể là tính cách của người nông dân. Và sự sợ hãi đó đã sẵn sàng bộc lộ thành những hành động bạo lực và cuồng điên. Tất cả những ngược đãi không đủ làm đè bẹp lòng tự hào của họ, lòng tự hào đó hoà lẫn với lòng kiêu ngạo, nó dễ bị tổn thương, thiếu cân bằng và không thể góp phần làm tăng chân giá trị của con người. Tính nết của họ thay đổi như tính khí trẻ con: sự thẳng thắn, tình cảm dễ bị xáo trộn, tinh thần hăng hái không dễ lay chuyển. Những đức tính này hướng tới nguồn tài năng không bao giờ cạn kiệt, và trên tất thảy, chúng làm tăng sức mê hoặc, sự quyến rũ của vẻ đẹp cao quí.

Nhà thờ đã gìn giữ thành phố làm nơi ẩn náu cho họ. Họ gắn bó với nhà thờ với một tình yêu sâu sắc, lòng mộ đạo, và sự sùng kính. Qua nhà thờ, họ hi vọng ngày nào đó sẽ tổ chức lễ cứu thế và lễ biến hình và, dưới góc độ thơ ca, họ đã góp phần đem lại những điều tốt lành đó. Bằng cách liên tục nhấn mạnh đặc điểm này, Reymont đã giữ cho cuốn sử thi của mình một bầu không khí tươi đẹp.

Chẳng cần nhọc công, ông đã tìm thấy tia sáng của chủ nghĩa anh hùng mà một sử thi cần có, mặc dù chủ đề không đem lại cho ông những nhân vật anh hùng. Chủ nghĩa anh hùng chỉ có thể được tìm thấy trong mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ, sâu sắc với đất đai, mảnh đất đã đem lại cũng như đã lấy đi cuộc sống của họ, thổi vào những cuộc chiến cũng như tình yêu của họ một cái gì đó lớn lao từ năng lượng tự nhiên. Sự bề thế và vĩ đại của một thiên anh hùng ca cũng được hiện lên qua những nét bút đơn giản của thiên tài trong quá trình sáng tác, cái đã được đúc kết thành một vòng tuần hoàn các mùa: mùa thu, mùa đông, mùa xuân và mùa hè. Trong những đoạn thơ có âm hưởng cân bằng, đem lại nét tương phản cũng như sự hài hoà trong bài ca hoành tráng ngợi ca cuộc sống. Và khi năm tháng quay đủ một vòng quanh những bước thăng trầm của số phận một con người, nó lại tiếp tục phát triển trong trí tưởng tượng của chúng ta dưới những điều mới lạ và những tái diễn liên miên. Khi mô tả hành động cao trào, những tình tiết mà ông sử dụng không chỉ xuất hiện một lần: chúng có một giá trị điển hình. Dù cho chúng bình dị hay nồng nàn thiết tha, bão táp dữ dội hay vui tươi nồng nhiệt, tất thảy đều chuyển thành giai điệu của "Công việc và Ngày làm việc" trong thế giới của người nông dân Hesiodic. Họ mang trong mình cái xông xáo của tuổi trẻ bất diệt trên trái đất .

Sự đơn điệu có khuynh hướng làm giảm giá trị cuốn tiểu thuyết viết về người nông dân mặc dù những tình tiết quá dài dòng đã được né tránh bằng hàng loạt những tư liệu cơ động. Sự thống nhất về thể loại đã được kết hợp với năng lực khác thường cũng như màu sắc tươi sáng trong bức hoạ sử thi. Những mô tả tính cách nhân vật trong diễn biến đầy kịch tính của họ đã được chú trọng phần nào. Tất cả đều tạo ấn tượng về hiện thực được miêu tả một cách trung thành và có lẽ chỉ có một ngoại lệ, đó là nhân vật nữ chính Jagna, biểu tượng cho một nhân vật kiểu mẫu. Nhưng biểu tượng này lại hết sức hài hoà về mặt thơ ca. Trên thực tế, đó chính là thơ ca của mảnh đất Ba Lan và người phụ nữ nông thôn Ba Lan. Tất cả ma lực của tự nhiên, tiến trình hoạt động câm lặng của những động lực tự nhiên, tính mềm dẻo và trí tưởng tượng, lòng khát khao cái đẹp, sự thiếu trách nhiệm đều phát triển mạnh mẽ, gây độc hại và bị làm hoen ố cũng như bị chà đạp vào những giai đoạn phiền toái và tội lỗi. Nàng là hiện thân của mọi tội lỗi mà Reymont lột tả về dân tộc mình, cho dù ông yêu mến họ. Đồng thời, nàng cũng là hiện thân của tất cả những phẩm chất tuyệt vời và đáng giá trong bản chất con người. Ông đã biến nàng trở thành nhân vật bi hùng trong tác phẩm của mình. Và nếu, cũng như ở bất kì nơi nào khác (có lẽ do sự yếu lòng trước những dòng đời mà ông miêu tả), ông không đưa ra được lời phán quyết rõ rệt, ông cũng không cho phép giảm độ căng thẳng của bi kịch.

Tóm lại, cuốn sử thi này được khắc hoạ với nghệ thuật hoành tráng, quả quyết, mãnh liệt. Nó sẽ có một giá trị vững bền và được đặt lên bục cao danh dự, không chỉ trong phạm vi nền văn học Ba Lan mà còn trong toàn bộ lĩnh vực văn học hư cấu đã tồn tại dưới một hình thái nổi bật và hoành tráng.

Tân Đôn dịch
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2006 05:08:32 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9