Tản mạn qua đêm
Hàn Lệ Nhân 01.09.2006 23:34:38 (permalink)
Chờ Mồng 2 tháng 9

(Tản mạn qua đêm 7)

Hàn Lệ Nhân



Tôi biết rõ có một nơi, còn sót lại trên mặt đất, một người chết tiếp tục thống trị hàng trăm triệu người sống. Dù muốn dù không, dù trụ ở bất kỳ góc độ nào, không ai có thể phủ nhận người khuất mặt đó thuộc thành phần ngoại hạng, đáng mệnh danh là danh nhân (vì có vô số người biết tới), tuy rằng có hạng danh nhân mà điều được lưu danh nhất thực chất lại chỉ là lớp hào nhoáng do đám thợ sơn khéo tay toa rập quết thành, chẳng khác gì "có những cuốn sách mà phần tốt đẹp nhất là cái bià trước", thậm chí vỏn vẹn cái tựa.

"Chân lý là nền tảng và duyên do của sự hoàn hảo và cái đẹp: Một sự việc, dưới bất kỳ trạng thái nào, chỉ có thể hoàn hảo đẹp nếu quả thật nó là tất cả những gì nó có thể là, và nếu nó có thể có tất cả những gì nó có thể có" (theo La Rochefoucauld). Tôi trộm nghĩ, xưa nay và mãi mãi sau này, có những điều tốt đẹp, chỉ thực sự tốt đẹp khi bản thân nó không tự hoặc được hay bị âm mưu phù phép thành toàn bích. Cái trâm mạ vàng được dùng nhiều, vụng về đánh bóng hoài chóng chầy cũng lộ bản lai diện mục.

Gác lại những quan điểm, định kiến, lỗi lầm, ân oán (nếu có), chỉ bình tâm giữ lại cương vị con người trần trụi cùng chung huyết thống máu đỏ da vàng, theo tôi, người khuất mặt kia gẫm cho cùng thật đáng thương vô vàn trong tình huống kẻ nâng thì như nâng trứng, người bứng thì như bứng cây. Vả lại "người chết vốn câm" cho nên:

1/ hoàn toàn mất khả năng thụ hưởng những lời tâng bốc đương sự tận mây xanh, thăng hoa đương sự thành thần, thành thánh, thành Đấng Tối Cao (nghĩa là tẩy hết chất phàm nhân) chi phối nhất cử nhất động của mỗi tín đồ và của cả tuyệt đại đa số phi tín đồ:

Con quỳ trước Bác mênh mông,
Tội nhiều chưa dám ngẩng trông cha già !
(Xuân Diệu, 19/05/1953)

2/ cũng như mất khả năng phản biện những lời biếm xiểm, vạch lá tìm sâu... cố lôi "thần thánh" xuống mặt đất để "thần thánh" phải và buộc phải là dúm đất như mọi dúm đất trên cõi ô trọc này:

Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
Ợ lên thum thủm cả tim gan !
(Nguyễn Duy, 5/1989)

3/ hoặc giả bất lực đối với ước nguyện sau cùng nhưng bất thành của "thần thánh", chỉ mong khi qua đời được hoả thiêu thành dúm tro, chia đều cho ba miền đất nước. (1)

Tôi không phủ nhận bản thân tôi là một trong vô số phàm nhân có hậu ý kéo "thần thánh" xuống mặt đất, trả lại bản lai diện mục "phàm nhân" cho "thần thánh". Trong sử xanh nước nhà, chưa bao giờ có hiện tượng kỳ quái như vậy. Cùng một không gian, cùng một thời điểm vĩ đại mà kẻ cười, người khóc. Cùng một ngày lịch sử trọng đại mà người người vừa khóc vừa cười. Tiền định hay...? Và trong phong tục tập quán di lưu trên dải đất hình chữ S, theo chỗ tôi biết, "chết mà chẳng được chôn" thật là ngoại lệ. Mong sao đây chỉ là ngoại lệ duy nhất. Hay biết đâu chẳng là bước đầu của một tục mới?

Một đất nước gồm 54 bộ tộc, nghe nói đều tinh anh, gộp thành trên dưới 80 triệu con người, thế mà do đâu lại đành đăng đẳng gục mặt dưới cái ách của dúm bộ-tộc-tổng-hợp thứ 55, núp sau tấm bình phong ngoại hạng và cái phong cách vốn không có thực – bị tùy tiện óp ép thành Tư Tưởng, thành "Giáo Lý ", sau khi thiên đường đỏ hoàn toàn sụp đổ trong thập niên 90 thế kỷ trước? (2) Ta phải lý giải, bóc tách ra sao sự chông chênh kỳ quặc giữa bề dày văn hiến và đời thường, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thần thánh thời chiến và quỷ ma thời bình? Phường tuồng cởi cái ách cũ để vác cái ách mới - mỗi thời mỗi nặng hơn - sao nó cứ đeo đẳng dân tộc mình không thôi? Chẳng lẽ tạo hoá đặc ban cho con dân Tiên Rồng cái nghề làm cách mạng bằng chính xác chết không có không được của đồng bào mình? Chứ liếc qua Đông Âu, sao họ vất bỏ cái kim cô "bách chiến bách thắng" nhẹ nhàng đến thế ! Ngó lại nước Đức, nhìn sang Triều Tiên, cũng là người trần mắt thịt mà họ có anh hùng quyết tử, bất cộng đái thiên giữa họ thế đâu.

─ Họ chỉ giỏi đánh giặc mồm !

─ Vâng, nên họ chẳng chết thằng cu, con hĩm nào cả !

*

Khi cái rìu đi vào rừng, cây cối trông thấy, bảo nhau:

─ "Cán nó vốn là đồng bào của chúng mình đấy" (thành ngữ Thổ nhĩ kỳ).

Cái rìu đỏ mặt trả lời:

─ Nhưng "nếu quí vị đóng chặt cửa đối với mọi nhầm lẫn thì sự thật sẽ mãi đứng ngoài cửa" (Rabindranath Tagore).

─ Còn nếu đằng ấy khư khư tiếp tay cho mọi nhầm lẫn thì đừng trách bọn tớ không biết im lặng !

─ Tôi cũng là nạn nhân bị bứng trước quí vị thôi. Bây giờ bị gán chặt vào miếng sắt nên có tên là cái rìu. Tranh luận kiểu chúng mình là tranh luận giữa hai đối tượng "ảo", nhắm sai thủ phạm, tổ chết dần chết mòn. Trăm sự cũng tại mấy lão-người-tiều-phu. Chính các lão mới là đối tượng "thực" để chúng mình đối kháng !

Hàn Lệ Nhân

(1) Thông báo số 151-TB/TW ngày 19 tháng 8 năm 1989 của Bộ Chính Trị tiết lộ: «Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hoả thiêu là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng (khoá III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam và hải ngoại, bè bạn quốc tế, có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Vậy là chuyện sửa đổi, cắt sén bản di chúc của Bác đã là sự thật, không chối cãi được nữa.» (Lịch sử Việt Nam, Nguyễn Thi, trang 472 – nxb Sudestasie, 1992). Xem thêm "Tài liệu mật...":
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/09/3B9D6114/

(2) Điều lệ Đảng Đại Hội II, 11-19/02/1951 ghi rõ : "chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, phong cách Hồ Chí Minh". Sau cơn "động đất" XHCN tại Liên Sô và khối Đông Âu năm 1990, cương lĩnh và điều lệ Đảng Đại Hội VII, 24-27/06/1991 sửa thành: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư Tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động..." (Từ điển Bách Khoa VN tập 4, nxb Từ điển BK, Hà Nội 2005, trang 705). Xem thêm:
http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=2&subtopic=2&leader_topic=77&id=BT1960659905
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2007 04:00:58 bởi Hàn Lệ Nhân >
#1
    Hàn Lệ Nhân 06.09.2006 19:44:04 (permalink)
    Viết văn việt ở xứ người
    (Tản mạn qua đêm 8)

    Hàn Lệ Nhân


    Nồi nước xúp reo sôi, lẫn trong tiếng máy hút hơi chạy vù vù với tốc độ số 3, song vẫn không hảm được mùi thơm tổng hợp ngào ngạt căn bếp khá rộng, vuông vắn, ngăn nắp. Ánh đèn néon trắng ngà toả xuống hai mái tóc đàn bà đang đối diện nhau trước cái bàn hình chữ nhật, mặt bàn lót gạch bông màu lửa, lỉnh kỉnh rau xanh, chai lọ đồ gia vị. Họ chuẩn bị bữa cơm tối. Mái tóc à la garçonne là cô con gái xinh đẹp, mới kết hôn năm ngoái, (nên còn chăm chỉ nhớ) cùng chồng về thăm gia đình cha mẹ ruột hầu như mỗi chiều thứ bảy. Mái tóc kẹp ngược sau ót – nếu xoả xuống, chắc tóc thề – là bà mẹ, sắc diện có thể chấm điểm trên trung bình chút đỉnh. Nhìn bà, người lạ khó tin con đầu lòng của bà đã 29 tuổi: Năm mười chín tuổi, mẹ về với cha.

    Cô con gái vừa nói chuyện với mẹ vừa chăm chú thái mỏng búp hoa chuối tim tím không-có-không-được cho món Bún bò Huế mà ông bố Bắc kỳ cục của cô thích nhất.

    - Sáng qua trong Métro, con có đọc một ô nhỏ trong mấy tờ truyền đơn của "SOS Racistes" (hội chống kỳ thị chủng tộc) như sau:

    "Có người nêu thắc mắc với nhà văn người Pháp gốc Bỉ, Félicien Marceau (*): - Ông là một nhà văn Bỉ ? Nhà văn sửa lại: - Tóm lại, tôi sanh ra tại ngoại ô thuộc Paris - Ngoại ô lớn chỉ cách Paris có 300 cây số."

    mà con chẳng hiểu gì cả.

    Tay lặt liền liền mớ rau, bà mẹ trả lời:

    - Mẹ dẫn thêm một trích đoạn khác, con sẽ hiểu rõ ngay: Trong một cuộc phỏng vấn trên Radio d'Asie (Đài Á châu) năm 1992, phóng viên Tô Vũ hỏi nhà thơ Ngân Đoài:

    - Ông sanh ra và lớn lên tại hải ngoại mà sao thích viết bằng chữ việt?

    - Đứng trên phương diện chữ nghĩa mà nói – Nhà thơ NĐ trả lời, tôi sanh và sống ở ngoại ô nhỏ của nước Việt; chín tại ngoại ô lớn của nước Việt !"

    - Ông nói rõ hơn được không ?

    - Ngoại ô nhỏ cách Việt Nam mỗi một làn ranh. Ngoại ô lớn cách Việt Nam độ nửa vòng trái đất !"

    Cô trưởng nữ ngắt lời:

    - Ngụ ý của hai mẩu đối thoại này phải chăng muốn nói rằng qua trung gian ngôn ngữ: không gian to nhỏ, ngắn dài là tùy tâm tưởng, ý niệm?

    - Chỉ đúng phân nửa thôi Bê. Bà mẹ vui vẻ trả lời. Félicien Marceau là người Bỉ thuộc vùng Wallonie (nói tiếng Pháp) thì chuyện ông cụ viết và thành công bằng tiếng Pháp là lẽ thường tình. Ý trong "SOS Racistes" là đừng kỳ thị địa phương, nghĩa là chauvin đó con. Còn câu trả lời của bác Ngân Đoài, ngoài phần chơi chữ, là nhắm vào văn tự, vì chữ Việt theo mẹ hiểu ý bác là phương tiện, là cái thuyền chẳng hạn để chở ngôn ngữ Việt tấp lên bờ sông Việt. Tâm tưởng, ý niệm Việt mà được chuyên chở bằng con thuyền Anh, con thuyền Pháp này nọ thì thường chỉ lơ lững giữa dòng hay lay hoay ở mép sông nhưng khó lên được bờ vì thiếu mùi nước mắm, thừa mùi phô-ma (fromage).

    - Con đã hiểu, cám ơn mẹ. Nhưng mẹ sous-entend (hàm ý) đến là buồn cười. Như chúng con..., xin lỗi mẹ, on est tous nés et adultes ici donc on pense à la française, c'est l'évidence, non? (chúng con sinh ra và lớn lên ở đây do đó chúng con suy tư theo lối Pháp, là lẽ đương nhiên chứ?, bà mẹ dịch lại cho cô con gái).

    - Dĩ nhiên, dĩ nhiên.

    - Ben, si on pense à la française donc on réagit ainsi aussi ! (Vậy, nếu chúng con suy tư theo lối Pháp thì chúng con cũng phản ứng theo lối Pháp thôi.).

    - Tất nhiên, tất nhiên. Bà mẹ gục gặc đầu. Cho nên bản thân mẹ, mẹ tập viết bằng chữ Việt là để giữ cách suy nghĩ theo lối Việt hầu may ra gửi gắm chút tâm tư bé mọn của mình lên được bờ sông Việt.

    Có tiếng bấm chuông. Bà mẹ ngừng tay, ngưng nói, ngước lên. Cuộc đối thoại bị gián đoạn. Cô con gái tự động ra mở cửa. "Đông cung Thái tử" của bố đi chơi thể thao về. Mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, áo quần lấm lem. Hai chị em ôm chào nhau, qua lại mấy cái hôn hai bên má, trao đổi gọn bằng tiếng Pháp. Theo nhau vào bếp. Chào mẹ bằng tiếng Việt xong, "Đông cung Thái tử" mở tủ lạnh tìm nước uống. Năm nay "Đông cung Thái tử" 24 tuổi, cao lớn như tây con, bô như ca sĩ Lam Trường. Hè năm tới là xong đại học ngành Tự Động Hoá cho xe hơi, mà trông như "còn bú tí". Và y như người ta bấm nút đổi đài: Đối thoại giữa ba mẹ con chuyển hẳn qua tiếng mẹ đẻ. Đấy là nguyên tắc bất thành văn do ông ngoại Bắc kỳ cục bày ra chẳng khác gì gia quy từ 10.000 ngày trước: Con cháu trong gia đình phải dùng tiếng Việt, ít ra mỗi khi có sự hiện diện của người lớn ! Gì chứ nghe nói tới chuyện văn chương chữ nghĩa Made in Việt Nam rẻ như bèo là "Đông cung Thái tử" tủm tỉm né, lỉnh đi tắm ngay. Chẳng là hồi còn nhỏ "ngài" là dịch giả xuất sắc của một lô câu nói dễ thương để đời, như "coi chừng cái ly nó té" (attention le verre va tomber), "con đã ngửi được mình gần đến nhà cậu Tuệ rồi" (j'ai senti qu'on arrive bientôt chez oncle Tuệ), "bài toán này cứng quá" (cet exercice est trop dur)... Mấy tiền bối dịch thật cỡ Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần, Phan Huy Đường, Dương Tường... Xin lỗi, quí vị còn thua xa !

    *

    - Nếu phải so sánh giữa chuyện các con đây được chào đời và chuyện viết của mẹ thì mẹ trả lời ra sao?

    - Rất đơn giản. Các con là tuyệt phẩm của bố và mẹ. Còn những gì mẹ viết ra hoặc là thành quả nhỏ nhoi của cá nhân mẹ, hoặc là của mẹ với... người khác !

    - Mẹ viết cho ai và theo mẹ viết là gì ?

    - Trước nhất, mẹ viết cho mẹ, kế đến viết đại để là cách tâm sự với những người ở xa, đa phần không quen biết, rằng họ không cô độc.

    - Thế người viết là ai ?

    - Người viết theo mẹ là "người xây nhà. Độc giả là người thuê ngôi nhà đó. Nhà xuất bản và phát hành là người thâu tiền nhà". Nay trên Internet, nói tổng quát là ba thành phần này đều phải chi nhiều ít, trực tiếp hay gián tiếp...

    - Thế nào là trực tiếp hay gián tiếp?

    - À, câu hỏi nầy khá đa. Trực tiếp là phóng tâm tài trợ mạng phí thường xuyên.Gián tiếp là trường hợp của độc giả, tuyệt đại đa số chỉ phải đóng thêm tí tiền điện trong nhà họ hay tiền café-internet ngoài phố.

    - Nghĩa là họ đọc chùa !

    - Chứ còn gì nữa. Đặc biệt thành-viên-tác-giả thì ủng hộ tùy tâm, tùy hỉ như... khi cúng dàng vậy...

    - M...ẹ...! Cô con gái kêu lên.

    - Chậc..., xin lỗi, xin lỗi Bê, mẹ lỡ "quẹo" bậy. Bà mẹ ngưng đường dao, đưa tay trái lên tự tát khẻ vài cái vào cái miệng hay trật rầy, tiếp:

    - Hẳn con cũng biết. Có khá nhiều trang Web Việt như Trinh Nữ, Đặc Trưng, Việt Nam Thư Quán, Thư Viện Việt Nam, Bến Sông Mây, Diễn Đàn Lê Văn Duyệt,... vì không có quảng cáo nên trên nguyên tắc mấy bác, mấy cô vừa là chủ nhiệm, chủ bút, kỹ thuật viên vừa là thành-viên-tác-giả chủ lực... và kiêm hầm bà lằng "trọng trách không tên", phải gồng mình chi trả cho Host Mỹ, Host Tây...v.v...

    - Mẹ này, sao mẹ không concentrer (tập trung) vào một thể loại?

    - Mẹ tập viết nhiều thể loại, nói trắng ra là thích gì viết nấy vì đối với mẹ, đó là những trò chơi khác nhau, giống hệt em trai con chơi nhiều môn thể thao vậy !

    - Nghĩa là sao ?

    - Nghĩa là khi chán hay bí ở thể loại này mẹ xàng qua thể loại khác.

    - Có người hỏi con, mẹ cũng đi làm như mọi người, vậy mẹ lấy thời giờ đâu để viết ?

    - Chủ yếu mẹ viết trong đầu, trong Méro khi đi làm. Trong lúc các con chơi games, nghe nhạc, hay đang yên giấc... mẹ ôm máy gõ gõ xoá xoá..., bỏ mặc bố con chèo queo ôm gối !

    - Vậy chẳng lẽ bố không cự nự sao?

    - Tránh sao khỏi nắng. Đàn ông mà. Song, yêu nhau là yêu luôn cái tật của nhau. Bố yêu mẹ nên chiều mọi sở thích của mẹ, cũng như mẹ yêu bố nên yêu luôn khói thuốc lá và sự luộm thuộm mang tên "nghệ sĩ" của bố. Bê à, con mới có chồng nên còn non kinh nghiệm. Chứ mẹ thấy, đàn ông người mình tuy khác cha khác mẹ, sao tâm tánh họ giống nhau lạ lùng. Chẳng khác gì mấy lần qua Mỹ, mẹ có mặc cảm lạc loài vì thấy mình hết còn giống các bà các cô đồng bào ruột thịt bên đó: Nghe nói cũng khác cha khác mẹ mà sao mặt mày họ giống nhau đáo để !

    - Ha ha ha...

    - Qua tài ứng dụng Silicon, qua các bàn tay tiên Âu Cơ, huyền thoại đồng bào dù sao cũng đã được xác minh với cơ sở vững chắc hẳn hoi - xác minh từng bước một, ít ra là một phần nhỏ của cái bọc trăm trứng chia đôi tức phần giới tính như mẹ. Tiếc rằng, thành tựu xác minh đó lại nằm ở Bolsa, nước Mỹ !

    - Há há há...Thôi đi bà ngoại, trở lại đề chính đi: Mục đích viết là gì hả mẹ ?

    - Thế mục đích của chơi games và nghe nhạc là gì ?

    - Là tiêu khiển.

    - Thì viết tài tử như mẹ cũng vậy thôi.

    - Có điều, những gì mẹ viết ra hầu hết đều đã được người xưa viết cả rồi.

    - Quá đúng, nhưng vì chẳng còn mấy người nhớ lời người xưa nên cần phải làm lại dưới một hình thức, một văn phong khác. Tư tưởng của cổ nhân là vốn quí nhưng không vì quí mà ta cam chịu làm nô lệ cho tư tưởng cổ nhân. Mỗi thời mỗi thế. Hơn nữa tất cả các chữ đều nằm trong tự điển bách khoa. Thay vì đọc bách khoa tự điển, người ta đọc sách báo nói chung, vì có cốt truyện, do đó mới có chuyện mỗi chữ mỗi khác qua mỗi người viết. Có người móc nó ra từ trong bụng, có người lấy nó từ túi áo, túi quần...

    - ... còn mẹ móc nó ra từ đâu?

    - Từ trong sách cổ nhân, rồi "ứng tấu, ứng tác" như cụ ông Trần Văn Khê thường nói với bố.

    - "Ứng tấu, ứng tác" là thế nào?

    - Là...là như nồi xúp trên bếp đó. Đấy. Thịt thà, xương xẩu, rau cỏ, ớt iếc; rồi bún, rồi mắm tôm, mắm tiếc... ai chẳng biết, đâu chẳng có. Vậy mà chỉ cần chút khéo "ứng tấu, ứng tác", khi thì thành Bún bò Huế, lúc là Bún Sáo Măng, Bún Thang, thậm chí, à hèm: Bún Xuông ! Và u ê các món phi-bún khác. Tất cả là tùy "tác giả" chọn, quyết định và chịu trách nhiệm chuyện ngon dở và, quan trọng nhất, tùy khẩu vị của mỗi người xơi. Trừ nhúm "lưỡi gỗ anh hùng, có hai con mắt chỉ dùng một con" ra thì chẳng ai hơi đâu dọi lúp, phân chất xem "tác phẩm bún" của mình có hiện thực, có thiếu tính mặn, thừa tính chua không !

    - Con chẳng biết mẹ muốn dẫn con đi tận đâu. Nhưng mục đích "ứng tấu, ứng tác" của riêng mẹ là gì?

    - Khuây khoả, nhẹ bớt cái đầu. Hì hì... và biết đâu chẳng vớ được tí danh hảo, đặc biệt thời gian sau này trên thế giới ảo Internet !

    - Nghĩa là sao, thưa mẹ?

    - Nghĩa là người chê cũng nhiều, người khen cũng lắm; duy người thông cảm và hiểu mình thì chưa có. Vả lại cá nhân mẹ chưa nhận được xu-teng tác quyền nào để hùn vào tiền vốn đi chợ Tàu mua bó ngò !

    Người nói, người nghe cùng sặc sụa cười tuông xu-pắp, át cả tiếng vù vù của cái máy hút hơi.

    - Tiện thể mẹ nói thêm là từ ngày Internet bùng nổ, nó đã tạo ra vô vàn cơ hội cho vô vàn cây viết mới, mẹ là một, mà vài năm trước đó "sân chơi" trên giấy hầu như chỉ dành riêng cho một số "văn tài" chiếu trên chiếu dưới.

    - Con không hiểu hết những gì mẹ viết, cô con gái tiếp. Nhưng con cảm thấy mẹ có lối viết "giương...tây, chích đông" entre deux lignes (giữa hai dòng chữ), đọc nhiều khi ngớ cả người, khó chịu dễ sợ. Vậy mà mẹ cứ dạy con khi làm luận văn, luận án phải nghĩ gì viết nấy.

    - Nghĩ gì viết nấy theo mẹ là đúng, là dễ nhất, là thật nhất. Không ai có thể viết, nói ngoài tầm suy tưởng hay tưởng tượng của mình. Bà mẹ nhấn mạnh. Nhưng Bê đừng nhầm với nói sao viết vậy à. Vì nếu viết y chang như ứng khẩu thì dẫu ứng khẩu như sông như biển, bài tốc ký đó, theo mẹ, cùng lắm cũng chỉ là suối thôi. Ngược lại, có người viết thật hay mà chẳng mấy khi nói trước đám đông, có thể do họ bị khớp, như cụ Balzac, cụ Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn. Dừng một lúc, bà mẹ tiếp: Về chuyện "giương tây, chích đông" này nọ, cái đó con phải thắp nhang hỏi ông ngoại, người đã chích con vi-rút đó vô bà ngoại, mới ra cớ sự là mẹ đó con ! Thời buổi này là thời buổi "lộng giả thành chân", chuộng cái giả hơn cái thật, thí dụ như... ờ... ờ, bà mẹ ngập ngừng, như cái mũi Estelle, cặp môi Loanna của... mẹ chồng con đó !

    - Ố là, lại "bẻ lái" nữa rồi – cô trưởng nữ cười híc híc. Bà mẹ bậm môi cười khục khục. Thôi, thôi...cho con xin, cho con xin. Méchante, va (mẹ xấu lắm), cô con gái nguýt yêu bà mẹ ưa ngoắt ngoéo. Mẹ thì... Ai lại chích bà xui như thế. Xuỵt, coi chừng ông con rể đi mua bia cho bố vợ về đó. Thế mẹ định viết đến bao giờ ?

    - Đến khi các con để tang mẹ !


    Hàn Lệ Nhân
    (tào lao từ những gì đọc & mang máng nhớ được)

    (*) Félicien Marceau, tên thật là Louis Carette, sinh ngày 16/09/1913 tại Cortenberg / Kortenberg, gần thủ đô Bruxelles, Vưong quốc Bỉ. Viết nhiều thể loại, nhập Pháp tịch năm 1936. Nhận được nhiều giải thưởng văn học: Giải Fondation Del Duca (1952), giải des Quatres Jurys (1953), giải Pellman cho vở kịch "Caterina" (1954), giải Interallié cho cuốn "les Élans du coeur" (1955), giải Goncourt cho cuốn "Creezy" (1969), giải Le Prince Pierre de Monaco cho toàn bộ tác phẩm (1974); giải Le Grand prix de la Société des auteurs cho toàn bộ tác phẩm kịch (1975), giải Jean Giono cho cuốn "La Terrasse de Lucrezia" (1993), giải Le Prix de Vendée và giải Le Prix Jacques Audiberti cho toàn bộ tác phẩm (1994)... Đặc biệt đắc cử vào Hàn Lâm Viện Pháp ngày 27/09/1975, thay thế ông hàn Marcel Achard (1899-1974). Năm 1979, vở kịch "l'Oeuf" (quả trứng) của ông đã được chính thức ghi vào mục lục của Hý Viện Pháp quốc (Comédie-Française).
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2006 16:36:40 bởi Hàn Lệ Nhân >
    #2
      Hàn Lệ Nhân 30.09.2006 16:41:09 (permalink)
      Văn hoá đối thoại

      Hàn Lệ Nhân


      Lời nói đầu:

      Trước, bài tùy bút này là một hình thức kiểm điểm cho bản thân tôi, qua khá nhiều năm tập viết và xưa, qua những cuộc "bút chiến" trên giấy, rồi từ vài năm trở lại đây trên thế giới ảo, "bàn loạn" với những "địch thủ" vô hình. Nhờ đó tôi mới nảy ra cái "chữ ký": "Đối thoại giữa chúng ta là lối đối thoại không chân dung, nghĩa là khiếm diện nhưng nhất định không khiếm nhã". Sau, từ lâu tôi có đọc một số sách Pháp ngữ về Culture Humaine (Học làm người), nay tuy còn nhớ lỏm bỏm vài điều mà cá nhân tôi thấy hay hay liên quan tới đối thoại, tôi thử viết lại như một bản ghi nhớ để từ rày răn mình hơn nữa trước khi đưa ra hay đón nhận một cuộc "bàn loạn" mới.

      Chủ ý của bài nầy là tản mạn về đối thoại trên Internet cho nên xin hiểu Nói / Viết, Nghe / Đọc ở đây có cùng một ý. Tóm lại, tôi ký tên bài này chỉ để chịu trách nhiệm tinh thần, chứ tôi không hề nhận là tác giả, vì những câu nào hay hay, cứ như rằng thuộc người khác – chắc chắn là như thế, song lâu quá tôi quên hầu hết gốc gác hoặc nói cách văn hoa là nó đã hoà vào máu, nên đâu dám chú thích bừa. Mong các bạn thể tất cho việc thiếu chi li trong phần ghi xuất xứ mà tôi vốn rất thận trọng.(HLN)

      *

      Ai cũng biết ngôn ngữ vốn giới hạn và thường là nguyên do gây nên hiểu lầm mà sự hiểu lầm dễ đưa tới những tình huống éo le, không đẹp. Nói vậy là vì trong đối thoại bất đồng quan điểm trên mạng, mỗi bên chỉ nghỉ đến điều họ muốn nói hơn là nghe người khác nói: Chúng ta cùng nói chẳng cùng nghe ! Trong khi đáng lý ra cần phải đọc thật kỹ, hiểu thật rõ những gì người khác phát biểu, rồi bình tâm thủng thỉnh hồi đáp thẳng vào đề, vào từng ý, từng đoạn mà ta cho là không tương thích với vốn liếng "lưu cửu" trong bụng trong đầu ta, nếu thực sự ta muốn đối thoại và muốn được người khác nghe ta. Mà "biết nghe tức là đã biết suy nghĩ" (1)

      Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ), điều 19 ghi rõ:

      "Mọi người đều có quyền tự do tư duy và ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền không bị gây khó khăn vì quan điểm của mình và quyền được tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông và qua mọi biên giới."

      mà Hiến Pháp nước nào, kể cả mấy nước độc tài còn sót lại trên trái đất, cũng có những điều khoản dựa theo ý trên. Có điều tôi để ý: TNQTNQ và Hiến Pháp của các nước tôi có đọc qua thiếu hẳn một tiểu tiết tối quan trọng cho tự do ngôn luận: Ta phải ngôn luận như thế nào? Đương nhiên tôi cũng có tạm hiểu tiểu tiết này chẳng liên quan gì tới hiến pháp, luật pháp. Ngôn luận như thế nào là phong cách thể hiện ý tưởng thuộc phạm trù luân lý đạo đức, tự giác tự trọng trong xã giao, trong đối thoại.

      Tôi không sợ nhầm lẫn khi khẳng định: Nói là đặc tánh của con người - vừa là phúc vừa là họa trời phú cho con người. Sinh vật nào cũng có lưỡi nhưng chỉ có cái lưỡi của con người là đa dụng khôn lường, mà đệ nhất dụng là nói, là lắt léo ! Bởi vậy phải để cho người ta tự do phát biểu, dẫu là phát biểu vụng về, dẫu là phát biểu những điều trái tai, hoặc những điều ta tự kỷ ám thị cho là vô ích hay ta ngay ngáy lo sợ có ảnh hưởng tiêu cực đến mớ tư tưởng "bất khả tư nghì", tai hại cho cái lý tưởng cao cả của ta mà quên rằng áp chế sự phát biểu của kẻ khác, dưới mọi hình thức, là bỉ lậu, là tự thú sự khiếm khuyết, thoái hoá của mình. Ai đã từng một lần đặt mình vào địa vị kẻ khác trong hoàn cảnh trớ trêu ắt sẽ giật mình khi đọc lại câu "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Khổng Tử) nghĩa là "ta không muốn điều gì thì đừng bắt người khác chịu điều đó", và nghe lại câu "Tôi nói thật với quí vị rằng, không thể nào chấp nhận được khi quí vị đòi hỏi cho quí vị những điều mà chính quí vị từ chối cho kẻ khác." (2)

      Thế giới đã và đang chuyển dần từ đối đầu qua đối thoại thì – tôi dặn lòng tôi, thay vì phủ đầu, vu khống, quy chụp, xuyên tạc, mạ lỵ... như vẫn thường xuyên xảy ra, ta nên cố gắng đi vào tâm ý của "đối phương", đi vào giám thức của "đối phương"; tỏ cho họ biết, qua phản hồi nhẹ nhàng nhưng cương quyết của ta, là ta đã đọc kỹ họ, nói lên những gì đang ray rứt lòng họ. Nếu có thể, khen những điều họ viết - nhiều ít tùy mức cảm nhận của ta, đồng thời ý nhị cho họ biết khen ngợi là sự lựa chọn chứ chẳng bao giờ là thoả hiệp.

      Những sơ suất xem ra "nhỏ nhặt" tôi gây ra thường là do chủ quan, lấc cấc, bộp chộp, kiểu "chạy trước đèn", "nói trước nghĩ sau", nhưng hậu quả lắm khi chẳng nhỏ tí nào. Mới đây tôi đã "mất" một bạn văn trên Net chỉ vì bị hiểu lầm mà tới nay tôi tạm gẫm là "Tôi hay nói những gì tôi không nên nói, khổ nỗi, tôi lại chẳng mấy khi nói những gì tôi cần phải nói" (3). Dù thế, tôi vẫn không hiểu nổi cái gọi là nghệ thuật của sự im lặng mà các triết gia Đông-Tây kim cổ cho là cao siêu hơn nghệ thuật nói. Cái cao siêu của nghệ thuật im lặng đắc dụng ở địa hạt nào tôi chưa biết chứ trên Internet, tôi tin là không đắt. Đã được liệt thành nghệ thuật, sự im lặng hẳn có cái lý, cái đẹp của riêng nó, nhưng nó có biết cho chăng, trong một không gian, một thời điểm nào đó nó vừa là nạn nhân, vừa là đồng loã của bất công, của bạo cường, của lừa bịp? Im lặng ở đây thật hợp với câu "mỗi chúng ta đều có đủ nghị lực để chịu đựng những khổ đau của kẻ khác", nhưng lại ngược hẳn câu nói táo tợn của Karl Marx (1818-1883):"chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình".

      Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi bắt gặp câu "không nói chẳng ai bảo câm". Câu này theo tôi nó chỉ đúng khi người bị mắng không biết mình nói gì: 1/ là do đương sự không thèm đọc bài chính hay chỉ liếc chéo cái tựa rồi cứ thế mà phang; 2/ là do đương sự chạy theo cái reply cuối cùng vốn đã lạc đề, lạc điệu từ đó đâm ra lạc đạn, kế đến là lạc lõng, lạc hồn. Nghệ thuật của sự im lặng ít ra cũng hữu dụng trong trường hợp nầy: không nói chẳng ai bảo câm !

      Với tôi, hay dở là do ta nói như thế nào, ứng xử như thế nào trong "trận địa", khi mà "hoàn cảnh không quan trọng, cách phản ứng trước hoàn cảnh mới quan trọng". Thậm chí, ở giữa lòng thời đại chiến tranh hình ảnh, chiến tranh nói láo, chiến tranh "vặt lá tìm sâu" mà trong một "trận bàn loạn", có một tiên sinh đầy thiện ý kín đáo khuyên riêng tôi: "Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh" nghĩa là "Vì không tranh với ai, nên không ai tranh với mình"(Đạo Đức Kinh, Lão Tử). Ý rằng tôi nên "buông cái cuốc cùn để thành bồ tát" !

      Trong "bàn loạn", tôi không ngại bị xúc xiểm, tôi nghĩ: kẻ xúc xiểm đồng nghĩa với kẻ đuối lý; nhưng tôi còn chút dị ứng với mấy chữ "thằng nầy, thằng kia", "bè lũ, tập đoàn", "phản động, bán nước" nghe nó trình trịch thế nào và tôi kỵ nhất cái giọng phán truyền, kẻ cả. Chính cái giọng này đã làm cho tôi bao lần nghĩ một đàng nói một nẻo. Cũng có thể tôi bị trúng bẩy khiêu khích, cố tình phá rối của "đối phương" đến mất bình tỉnh mà không biết. Nhưng, nạn nhân đầu tiên của sự phá rối, theo tôi, lại là Moderators vì khi tình hình coi mòi căng thẳng, Mods chỉ việc vô tư gọn nhẹ khoá bài hay xoá tuốt luốt thay vì chỉ cần nhín chút thời giờ xoá những replies "khiếm nhã", chứ ai đời bắt bàn dân thiên hạ phải gánh chịu sự hồ đồ của một hai "chuyên viên phá thối, chưa nói đã cười".

      Theo tôi, đừng bao giờ để lộ cho người ta ngờ rằng ta hợm hĩnh có lý hơn họ, hơn nữa, điều tối trọng là không nên sổ toẹt mọi quan điểm dị biệt vì Thuận ta là bạn ta, nhưng Nghịch ta lại là thầy ta !

      Trong bộ Nho Giáo của cụ Trần Trọng Kim (1883-1953), BGD-Trung Tâm Học Liệu xuất bản – Sàigòn 1971, ở phần phụ lục, tập hạ (từ trang 393) có đăng lại loạt bài "bút chiến" giữa cụ Trần và cụ Phan Khôi (1887-1959), trong thập niên 1930. Cụ Trần đã mở:

      [«Ông (cụ Phan) lấy lời rất thanh nhã và thành thực mà bày tỏ cái ý kiến của ông và chỉ bảo những điều mà ông cho là tôi (cụ Trần) đã lầm; thật tôi lấy làm cảm tạ lắm". "Người mình xưa nay vẫn chưa quen chịu người ta phê bình. Ai làm được quyển sách quyển vở nào, đem ra giới thiệu với công chúng, thì chỉ muốn khen, chứ không muốn người ta chê, rồi hễ thấy người ta bẻ bắt điều gì là mích lòng, và không hiểu rằng: "Người dạy ta mà phải là thầy ta, người trách ta mà phải là bạn ta". Bởi vậy người phê bình cũng không muốn phê bình, mà sự học cũng không tiến bộ được. Nay Phan quân không theo thói thường, cứ tự mình sở kiến thế nào, thì nói rõ ra như thế, để người bàn đi có người bàn lại, khiến cho sáng tỏ cái chân lý ra. Ấy là một cách phê bình chính đáng mà tôi rất lấy làm kính phục.

      Phan tiên sinh đã có lòng tốt đem sở kiến của mình mà bày tỏ cho tôi biết, vậy tôi xin lấy lòng thành thực đem cái sở kiến của tôi ra mà bàn lại với Phan tiên sinh. Vị tất lời bàn của tôi đã vừa ý Phan tiên sinh, song cái chủ đích không phải là ganh hơn ganh kém gì, chỉ cốt làm cho rõ cái chân lý ra mà thôi.]


      và khép lại:

      [«Dẫu thế nào mặc lòng, xem đó thì biết Phan quân với tôi đi hai con đường khác nhau. Thôi thì tiên sinh đã chia ra tả hữu, thì tiên sinh cứ đi đường tả, tôi cứ đi đường hữu, mong rằng một ngày kia ta cùng nhau tới một chỗ cao ráo sạch sẻ, tiên sinh thì đem cái tài năng của tây học, tôi thì đem những vật liệu của nước nhà, rồi hai ta cùng ra sức xây lấy một cái nhà thật đẹp theo kiểu mẫu rất mới, mà vẫn là nhà của ta, chứ không giống nhà của người. Lúc ấy ta cùng nhau cả cười rằng ta đi con đường khác nhau mà cùng tới một cái mục đích.

      Hai ta tuy không đồng, nhưng vẫn hoà được; cũng như tiên sinh thì thích đến nhà cô Logique mà tôi lại ưa nói chuyện ở nhà ta, thế mà ta vẫn theo cái chủ nghĩa Hoà nhi bất đồng kể cũng đã có phần hay lắm rồi.

      Phan tiên sinh đã có lòng tốt cho tôi được dự cuộc bàn chuyện thánh hiền và chuyện khoa học, thật là một sự may mắn cho tôi lắm. Tôi cứ tình thực đem cái sở kiến của tôi trình bày với tiên sinh. Phải trái thế nào đã có công luận quyết định.»]


      Có dịp các bạn nên tìm đọc toàn văn, không phí công đâu. Điều mà tôi tâm đắc nhất trong cuộc nghị luận này là hoả hầu hàm dưỡng qua cách phát biểu và sự tương kính của hai cụ.

      Cá nhân tôi từng tham gia một số "bàn loạn", từng theo dõi không ít cuộc "bút chiến" linh tinh đề tài trên mạng giữa các văn gia, chính khách, tiến sĩ, giáo sư... có danh có vọng hẳn hoi (chứ không phải nickname) và xin thú thật là chưa được hân hạnh thấy "trận" nào đạt được 40% của "trận" Nho Giáo, từ chữ nghĩa đến cung cách, nhất là cung cách. Tôi nhấn mạnh hai chữ cung cách vì tôi quan niệm cung cách hành văn trong nghịch cảnh lộ rõ bản ngã lẫn trình độ của tác giả, hệt như người say xỉn thường phơi bày bản chất thật của mình. Hèn chi có ông cụ nhà thơ người Pháp chẳng thèm gượng nhẹ khi phát biểu "người bác học chưa chắc là người có văn hoá". (4)

      Ông bà ta có dạy: "Cách cho nặng hơn của cho, cách nói thấm hơn lời nói", nhất là lời nói lại được song hành với phép lịch sự cơ bản. Ý thức được điều cơ bản chẳng mất tiền mua này, chóng chầy sẽ không còn chuyện kiêng dè, hạn chế trong bất cứ đề tài lành mạnh nào trên Net và tôi ngong ngóng cái bảng phi nầy, phi nọ sớm được xếp cất vào vang bóng một thời.

      Hàn Lệ Nhân
      (Tản mạn qua đêm 12)

      (1) Introduction à la culture personnelle, Henri Mavit (1913-)
      (2) Trích diễn văn của cố tổng thống Ai Cập, Anouar El-Sadate (1918-1981) trước quốc hội (Kneset) Israël ngày 20/11/1977).
      (3) Mượn ý của Jean Jacques Rousseau (1712-1778) trong "les Confessions".
      (4) La culture au cours de la vie, Désiré Roustan (1873-1941)
      #3
        Hàn Lệ Nhân 26.10.2006 21:51:55 (permalink)
        Văn hoá hạnh phúc

        (Tặng chị Bảy, Việt Dương Nhân)
        Hàn Lệ Nhân



        Kiếp người hình như chỉ ngay ngáy với chuyện sống thọ nhiều hơn là sống hạnh phúc, trong khi tất cả đều có thể san sẻ cho nhau tất cả để chung sống hạnh phúc, và tất cả đều biết rõ là chẳng ai có thể san sẻ cho ai cái trường thọ. Trong giao tế nói chung, câu cửa miệng luôn luôn là "sao, khoẻ không, phát tài chưa?"; lâu ngày gặp lại nhau, câu cửa miệng cũng là "trông còn trẻ ghê ta !"... Và đã có mấy ai thăm hỏi nhau "thế nào, ni lâu sống hạnh phúc không?"

        Gẫm lại cuộc sống của bản thân kể từ khi biết suy nghĩ, biết để ý tới người khác, đặc biệt quan tâm tới người khác phái, tôi có tự hỏi mình: Nếu còn độc thân mình có hạnh phúc không? Và tôi đã tự trả lời, dứt khoát: Sung sướng thì chắc có, hạnh phúc thì nhất định không !

        Hồi chưa qua đây học tiếp, trong gia đình tuy đông anh chị em, tôi được cưng chiều - quá mức. Suốt thời gian sống trong vòng đùm bọc của quyến thuộc, trên phương diện vật chất, so với các bạn đồng lứa, tôi là cậu ấm chính hiệu. Tất nhiên, bây giờ đầu đã khởi chấm phá muối tiêu, tôi mới tự giác nối thêm hai chữ "quá mức" vào, để khỏi tự thẹn trước hai thân từ trên tran nhìn xuống, chứ trước kia tôi cho đó là bình thường, là chưa đủ; trong khi xóm giềng ai cũng bảo tôi đã là rồng lại nhâm, lại "út vàng" thì là "sang", là "hạnh phúc chết đi được" ! Có thật vậy chăng? Và tôi lại tự trả lời, vẫn dứt khoát: Sung sướng thì chắc chắn có, hạnh phúc thì nhất định không !

        *


        Vậy sung sướng và hạnh phúc có sự khác biệt ?

        Theo tôi, quả đúng vậy: Ai cũng có thể tự tạo niềm sung sướng cho riêng mình nhưng hạnh phúc thì phải gồm ít nhất hai người, mà trong hai người bình thường, đàn bà quan trọng hơn, vì "đàn bà là tương lai của đàn ông" mà lị. Hơn nữa, hạnh phúc đích thực là làm cho người khác sung sướng. Nhà văn người Pháp, Marcel Achard có câu "người ta chỉ yêu những người đàn bà mà người ta làm cho họ sung sướng"; nhà văn cũng người Pháp, Châteaubriand có câu "hạnh phúc đích thực vốn giá rẻ; nếu nó đắt nghĩa là nó không phải từ một giống tốt".

        Không những có sự khác biệt giữa sung sướng và hạnh phúc mà, cũng theo tôi, còn có sự khác biệt hạnh phúc giữa đàn ông và đàn bà. Hạnh-phúc-đàn-ông là hạnh phúc thụ hưởng theo cảm nhận; hạnh-phúc-đàn-bà là hạnh phúc thụ hưởng theo những người mà nàng yêu và cho (2). Hơn nữa, còn có thứ hạnh phúc trong đau khổ ! Đấy, cứ hỏi mấy ông mấy bà nhà văn, nhà thơ ắt rõ: Có phải khi viết lại được một kỷ niệm buồn (ví dụ thế) là họ sung sướng, hạnh phúc không? Mà theo lẽ, cái hạnh phúc được ghi tâm, khắc cốt trong văn thơ nói chung (không dám chủ quan bàn chuyện ngoài đời), là thứ hạnh-phúc-đau-khổ chứ không hề là thứ hạnh-phúc-sung-sướng. Nguyễn Du "bất tử" là nhờ biết đạo diễn cho Kiều những cảnh huống éo le, chìm trong đau khổ. Hàn Mặc Tử "sống mãi" là nhờ những dòng chữ "đứt ruột xé gan" trong bệnh tật... Tôi nhớ không lầm đã từng gọi loại hạnh phúc này là "thú đau thương" trong một bài biên khảo khá dài về con mắt.

        Tôi có bà o hơn tôi ba tuổi, lối sống lứa đôi chẳng giống ai: 20 năm ở nhà nuôi 4 đứa con, mọi sự mọi việc trong gia đình êm ả trôi qua trong tinh thần cực kỳ "cộng sản": Vạn sự đều là của chung. Đến khi đứa con út bắt đầu vô trung học, tự lo liệu được rồi, bà quyết định đi làm và sự êm ả "cộng sản" bắt đầu nhú ra những chòm đá lởm chởm giữa dòng sông gia đình: Lương bổng do bà làm ra, bà chỉ lo tiền chợ, còn lại bà giữ rịt, giấu kín như mèo giấu... trong tài khoản ngân hàng của riêng bà. Tiền của do ông dượng tôi tạo được, gửi trong tài khoản ngân hàng, từ khi hai người gọi nhau là vợ chồng, ghi rành rành: của Ông và/hay của Bà. O tôi cho quan niệm sống của bà là thông minh, vì theo bà, bổn phận tự nhiên của chủ gia đình – đàn ông, là phải cáng đáng mọi chi tiêu trong gia đình. Biết chuyện, tôi thẳng thừng nói với bà: Vợ chồng mà o sống "thủ" như thế thì giỏi lắm cũng chỉ được thế nầy: Hoặc o là "quản gia" không công trong bếp, trên giường; hoặc o là khách trọ độc thân nên tháng tháng chỉ trả 1/6 giá tiền cho ngôi nhà gồm 6 người ! Hay nói như Tây là o "vừa muốn ăn bơ, vừa muốn thu tiền bán bơ". (Beurre et l'argent du beurre). Tóm lại, o chưa từng được là "vợ", từ rày o đừng than với mềng là o không có hạnh phúc và nhất là trước mặt người khác, đừng ra tuồng ta đây có hạnh phúc. Bà giận tôi ứa mật mấy tháng trời, cho là tôi "bênh người ngoài" ! Bà đơn phương chấm dứt ngang xương "hợp đồng" bất thành văn giữa bà và tôi: Trước khi bị "chích", nấu được món nào lạ, cứ như rằng bà réo bằng được tôi tới làm cobaye (vật thí nghiệm). Có điều bà đâu biết, bà xé hợp đồng thì tôi đã có "nội gián", "hậu cần vững chắc" là ông dượng vẫn lén mang đến tận nhà cho tôi "thí nghiệm" dài dài.

        Sau, qua một trận nằm bệnh viện chí tử, tặng lại trong đó nguyên cái tử cung; và chắc chắn nhờ thời gian thui thủi trong viện, nghe cái tivi độc thoại sao đó mà o tôi tự mở được cái luân xa gặm nhấm, nhiều hơn là do liều thuốc tôi "chích", bà nhận ra sự không hợp tình, không hợp lý của mình, nhận lỗi và quay 180°: Bỏ ra tất tần tật ! Sống lại nếp sống "cộng sản": Vạn sự là của chung. Bà mắng yêu tôi là "thằng cụ non đa sự nhưng có lý": "Không hẳn sự giàu có làm nên hạnh phúc mà là cách thức người ta dùng nó để tạo thành hạnh phúc" (3). Ông dượng thì khỏi nói, ông phát biểu trước mặt hai o cháu: "Kinh kệ, giáo lý nhà Phật chẳng ăn thua gì đối với o cậu, chỉ những lời "xóc óc" của cậu mới làm cho bả giật mình "giác ngộ". Tôi cười hóm: Đó là dượng nói chứ không phải mềng !

        Một bà dì ở tỉnh miệt miền Nam nước Pháp, có 5 người con đều đã trưởng thành, dạy mấy cô con gái: Để có hạnh phúc gia đình, các con phải tìm hết cách mà nắm đầu mấy thằng chồng; dạy mấy cậu con trai: Tụi bây phải làm thế nào để nắm đầu mấy con vợ ! Bà này lớn hơn tôi đến giáp rưởi, nên tôi đâu dám trực diện "xóc óc", tôi ra đòn "du kích", kể chuyện Mộc và Giáo cho bạn tôi - Hải Ý, nay là con dâu trưởng của bả, để có dịp họp mặt đại gia đình, cô tùy nghi "chích" bà gia, cảnh tỉnh ông chồng mà giữ lấy hạnh phúc của tiểu gia đình cô và may ra sì-tốp được cái triết lý sống "Mâu Thuẫn" trong gia đình mấy người kia. Tôi kể:

        «Có người làm nghề vừa bán mộc, vừa bán giáo. Ai hỏi mua mộc, anh ta khoe rằng: "Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng". Ai hỏi mua giáo thì anh lại khoe rằng: "Giáo này thật sắc, gì đâm cũng thủng. Có người nghe nói, hỏi:"Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác, thì sao nào?". (4)

        Không biết bạn tôi lựa dịp để ra chiêu vào lúc nào, nhưng rốt cuộc, "cái giáo của dì đâm vào cái mộc của dì" thật. Chẳng là sau đó ít lâu, một cô con dâu đầm và một cậu con rể người Lào của bà dì, buông bỏ lại tất cả, ngoéo nhau dung dăng dung dẻ đi lập tổ uyên ương khác ! Vì chưa cặp nào có tí nhau nên vụ việc cũng dễ được thông qua, dứt điểm.

        *


        Gần đây gặp lại, tôi có hỏi về cuộc sống mới của hai nạn nhân Mộc và Giáo. Cô đầm (cử nhân văn chương), bảo:

        - Trước kia, "hạnh phúc của mỗi chúng em là sự nín câm của đau khổ". (5)

        Chú Lào (chuyên viên tin học) thổ lộ:

        - Từ đó đến nay, hai đứa em đống ý với nhau là "cần phải tạo ra hạnh phúc để chống lại thế giới của khổ đau"(6), và chúng em cũng ý thức được rằng "cái trở ngại lớn nhất cho hạnh phúc là chờ đợi một hạnh phúc quá lớn"(7), nên muốn có hạnh phúc trong gia đình mới này chúng em cần phải tự khắc phục "nhìn nó như một phần thưởng chứ không như một mục đích".(8)

        - Có phải em muốn nói: hạnh phúc là phương tiện trong cuộc sống hầu đạt được lẽ sống?

        - Dạ không hẳn vậy ạ. Đạt được lẽ sống vẫn còn hàm ý của mục đích. Mục đích và phương tiện là cặp bài trùng, và anh cũng biết thừa là không phải phương tiện nào cũng "sạch" cả. Ví dụ phương tiện của bà dì anh dạy các em họ anh áp dụng với chúng em đấy.

        - Thế "nhìn hạnh phúc như một phần thưởng" theo hai em là sao?

        Cô đầm:

        - Là đứa này làm được gì cho đứa kia hạnh phúc thì sẽ được hưởng phần thưởng xứng đáng của chính cái hạnh phúc mà nó tạo ra cho đứa kia.

        - Nghĩa là phải ươm tưới hàng ngày?

        - Dạ, nói cách tương đối là vậy. Người Pháp quan niệm "le bonheur n'est jamais immobile" (hạnh phúc chẳng bao giờ bất động).

        - Anh không biết câu thành ngữ em vừa nói, nhưng chí lý quá.

        Chú Lào:

        - Hai đứa em đã từng đau khổ cùng một thứ đau khổ trong cùng một gia đình nên thấm thiá thế nào là bức khảm của hạnh phúc !

        - Em nói rõ hơn được không?.

        Cô đầm:

        - "Hạnh phúc không phải là một viên kim cương năm, bảy ca-ra mà là bức khảm gồm những viên đá nhỏ được lần hồi sắp đặt một cách hài hoà". Câu này em không nhớ học được ở đâu.

        - Những ý tưởng sâu sắc thế này, hai em mới biết hay đã biết từ trước? Nếu đã biết từ trước, hai em có từng nói qua với mấy đứa em họ của anh không?

        Chú Lào:

        - Dạ. Những ý tưởng này là do hai đứa em đọc được, trao đổi học hỏi lẫn nhau thời còn là em dâu, em rể của anh, do đó mới nảy sinh ra sự đồng cảm.

        - Dù thế nào, hai em mãi mãi là em của anh mà.

        - Dạ, hai em cám ơn anh. Đương nhiên, lúc trước bọn em cũng có nói qua rất nhiều lần với họ, nhưng anh ơi "đối thoại không thể diễn ra với một người không chủ ý tìm sự thật khi mà họ đã được nhồi và cất sẵn một và duy nhất một thứ sự-thật-ăn-liền trong bụng từ lâu", chỉ cần bị trái tai trái ý, tức khắc phản xạ, lồng lộng xù lông loạn tiễn tự vệ như con nhím bị kích động...

        *


        Gặp lại cô bạn Hải Ý, cô bảo:

        - Mình có kể cho chồng mình nghe, nghe xong Khánh hỏi mình móc đâu ra. Dĩ nhiên, mình đâu dại tiết lộ là do đằng ấy, nói là đọc trong báo biếu dưới Métro. Ổng yêu cầu đừng kể ra trước mặt mẹ ổng. Nhưng xem chừng ổng "thấm đòn" liền tù tì, thay đổi thái độ lần lần, bây giờ dễ thở quá rồi, nhưng hai đứa đồng ý với nhau là trước mặt bà già, Khánh vẫn đóng vai "phán truyền" cho vui lòng bả.

        Tôi cười:

        - Hắn mới là đối tượng chính, trước hết và sau cùng; đã được việc thì bà già kia đằng ấy kể làm chi.

        - Đâu đơn giản vậy. Khánh bảo mình đừng kể cho dì đằng ấy là sợ bả căm, hành mình thêm. Chứ chính Khánh là người rù rì câu chuyện Mộc và Giáo cho mấy đứa em và cả ông bố.

        - Ố là...Ai dè thằng Khánh lại là đứa "tuyên truyền, âm mưu lật đổ chính quyền"? Tuyết giữa tháng 7 thật rồi...

        Hải Ý cười toé loe một lúc, tiếp:

        - Cái khó của hai đứa mình là còn ở chung, Khánh là trưởng nam mà. Cái khó của mấy đứa em là đã lỡ dại mua nhà kề bên nhà ông bà bô. Như đằng ấy cũng đã thấy, nhà này cách nhà kia không quá 30 thước.

        - Ừ... sống gần nhau như thế mà khéo tổ chức, khéo giữ được sự tương kính thì hạnh phúc, sung sướng biết bao. Ngược lại, là địa ngục.

        - Sau vụ Laeksavanh (chú rể Lào) và Marine (cô con dâu Pháp), các thành viên trong Mộc Giáo Đảng chao đảo dữ dội, cự nự đảng trưởng cứ gọi là toe mướp. Nhất là cô Bích Vy, vợ dượng Laekavanh và chú Khang, chồng thím Marine.

        - Đảng trưởng phản ứng ra sao?

        - Thì bả ôm mặt khóc hu hu, bảo tất cả cũng chỉ vì quá lo cho hạnh phúc của các con, quá thương con.

        - Thương con mình mà hành con người khác? Chỉ muốn phe mình ngồi trên đầu người khác... Vậy mà siêng đi chùa quá thể... Ít Hạnh mà cứ mong cầu nhiều Phúc. A di đà Phật !

        - Thế mới là Mộc Giáo Đảng !

        - Còn phó đảng trưởng?

        - Lúy là người "sung sướng" nhất ! Vì được hoàn trả quyền lãnh đạo mà không mất giọt nước bọt, không cần đảo chánh, chẳng cần cách mạng. Ông cụ đúng là "ngậm miệng ăn tiền", tuy trả giá không rẻ gì. Nhưng ông cụ, bà cụ có hay không hạnh phúc trong tháng ngày còn lại, và các cặp kia trong những tháng ngày trước mắt, đó là chuyện khác, là chuyện của mỗi cặp.

        Ngưng một lúc, bạn tôi tủm tỉm, hỏi:

        - Mà này, thế ni lâu "quân sư" sống hạnh phúc không?

        - "Tán tụng hạnh phúc của mình nghĩa là giảm bớt nó đi"(9). Còn yếu đuối thở than nỗi bất hạnh chuyện lứa đôi là chưa thể gọi đó là bất hạnh, càng không thể là tuyệt vọng.

        - Đằng ấy muốn nói: Đủ nghị lực giữ im lặng, cắn răng chịu đựng nỗi bất hạnh mới thật là tuyệt vọng?

        - Mình nghĩ vậy. Vì thở than là để vơi bớt u uất trong lòng, đồng thời ẩn chứa sự mong tìm được lối thoát cho sự bế tắc, có thể từ một trung gian, người được nghe than thở chẳng hạn. Vả lại, "những gia đình hạnh phúc đều giống nhau mọi mặt; những gia đình đau khổ thì mỗi gia đình khổ đau mỗi cách." (10)

        Hàn Lệ Nhân
        (Tản mạn qua đêm 16, 13/10/2006)

        Ghi chú:
        (1) Charles Bonnet; (2) Choderlos de Laclos; (3) Miguel de Cervantès; (4) Hàn Phi Tử; (5) Jules Renard; (6) Albert Camus; (7) Bernard Le Bovier de Fontenelle; (8) Antoine de Saint-Exupéry; (9) Marcel Achard; (10)Lev Tolstoï.

        #4
          Hàn Lệ Nhân 05.11.2006 22:31:24 (permalink)
          Đọc lại thơ Bác
          Hàn Lệ Nhân


          Nàng Thơ mà biết nói năng,
          Mấy vần "kiệt tác" hàm răng chẳng còn !


          Tập Nhật Ký Trong Tù của thi-hào-Hồ-Chí-Minh, nxb Văn Hoá thuộc Viện Văn Học - Hà Nội 1960, gồm 113 + 1 bài thơ chữ Hán + bản dịch ra quốc ngữ [1], dày 252 trang - được coi là ấn bản "khung" cho các bản dịch Việt và ngoại ngữ sau này - có tổng cộng mười hai (12) chú thích do người dịch ghi thêm, nhưng chỉ có hai (2) chú thích về xuất xứ Hán thi. Hai chú thích này là:

          1/ [«Bài "Bệnh trọng" (Ốm nặng), trang 201:

          Hán văn
          Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt,
          Nội thương Việt địa cựu sơn hà;
          Ngục trung hại bệnh chân tân khổ,
          Bản ưng thống khốc khước cuồng ca.

          Việt ngữ
          Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh,
          Nội thương đất Việt cảnh lầm than;
          Trong tù mắc bệnh càng đau khổ,
          Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.


          Chú thích số 9, trang 246:

          "Hai câu đầu bài thơ này dựa theo hai câu:

          Ngoại cảm Hán thiên tân vũ lộ,
          Nội thương Hàn địa cựu sơn hà.


          trong bài "Trương Lương tố đa bệnh" của Hoàng Phan Thái tức đầu xứ Thái, một nhà nho huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chống chế độ quân chủ, bị xử tử đời Tự Đức".»]

          2/ [«Bài "Thanh Minh" (Tiết Thanh Minh), trang 215:

          Hán văn
          Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
          Lung lý tù nhân dục đoạn hồn;
          Tá vấn tự do hà xứ hữu?
          Vệ binh dao chỉ biện công môn.

          Việt ngữ
          Thanh minh lất phất mưa phùn,
          Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa.
          Tự do, thử hỏi đâu là?
          Lính canh trỏ lối thẳng ra công trường.


          Chú thích số 10, trang 246:

          Bài thơ này dựa theo một bài thơ nổi tiếng đời Đường:

          Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
          Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn;
          Tá vấn tửu gia hà xứ hữu,
          Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.»]


          HLN ghi thêm: Bài "Thanh Minh" này là của Đỗ Mục (803-852) đời Đường:

          Việt ngữ
          Thanh minh lất phất mưa phùn
          Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
          Hỏi thăm quán rượu đâu à ?
          Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài
          (Tương Như dịch)


          Trong bài tản mạn "Văn hoá thi ca, văn hoá thi hót", tôi đã chú thích bổ túc:

          3/ Bài "Khai Quyển" (Mở đầu tập nhật ký), trang 13:

          Hán văn
          Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
          Nhân vị tù trung vô sở vi
          Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
          Thả ngâm thả đãi tự do thì.

          Việt ngữ:
          Ngâm thơ ta vốn không ham
          Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
          Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
          Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.


          Câu đầu "lão phu nguyên bất ái ngâm thi" vốn là của Nghiêu Phu Thiệu Khang Tiết (1011-1077), đời Bắc Tống bên Trung Quốc. Hơn nữa, thời gian bị Tàu Tưởng bắt giam, ông Hồ mới có 52 tuổi (1890-1942), sao đã tiêu cực tự nhận là "lão phu"?, ngược lại, mới trên 50 mà đã tích cực tự phong là "cha gia dân tộc", cũng như là người Việt 100% mà bị nghi là "Hán gian" ! (bài Thế lộ nan 3 - Đường đời khó khăn 3, trang 21):

          Hán văn
          Trung thành ngã bản vô tâm cứu
          Khước bị hiềm nghi tố Hán gian
          Xử thế nguyên lai phi dị dị
          Nhi kim xử thế cánh nan nan.

          Việt ngữ
          Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng,
          Lại bị tình nghi là Hán gian;
          Xử thế từ xưa không phải dễ,
          Mà nay, xử thế khó khăn hơn.


          4/ Bài "Nạn Hữu Chi Thê Thám Giam" (Vợ người bạn tù đến thăm chồng), trang 72:

          Quân tại thiết song lý
          Thiếp tại thiết song tiền
          Tương cận tại chỉ xích
          Tương cách tự thiên uyên.

          Việt ngữ:

          Anh đứng trong cửa sắt
          Em đứng ngoài cửa sắt
          Gần nhau trong tấc gang
          Mà biển trời cách mặt.


          Bốn câu trong bài này vốn "mượn" từ bốn câu cuối trong bài Tương Giang (Sông Tương):

          Quân tại Tương giang đầu,
          Thiếp tại Tương giang vĩ,
          Tương tư bất tương kiến,
          Đồng ẩm Tương giang thuỷ.

          Dịch nghĩa:

          Chàng ở đầu sông Tương,
          Thiếp ở cuối sông Tương,
          Nhớ nhau mà chẳng thấy,
          Cùng uống nước sông Tương.


          Sách Tình Sử thời nhà Châu bên Tàu chép: Nàng Lương Ý yêu chàng Lý Sinh, sau phải xa nhau, xúc cảm làm thành bài Tương Giang. Trong Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, câu 365-366:

          Sông Tương một dải nông sờ,
          Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.


          (Bùi Khánh Diễn: Kim Vân Kiều, trang 58, nxb Sống Mới – Sàigòn 1971, và bản hiệu khảo Truyện Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, nxb Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội 1925, cũng ghi tương tự).

          Nay nhân đọc lại thơ chữ Hán của nhà thơ Hồ-Chí-Minh (1890-1969), tôi nhận thấy tác giả lẫn các dịch giả trong Viện Văn Học – Hà Nội (1960) vì quên hay sơ sót không ghi chú sự "vay mượn", nên mạo muội góp thêm vài chú thích may ra giảm bớt phần nào sự khuất tất về những "tác-phẩm-vĩ-đại" của một người, nghe truyền thông trong nước khẳng định đã được Unesco truy thăng là "danh-nhân-văn-hoá-của-nhân-loại" từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước; tuy nhiên truy thăng cao quí đó mang mã số thế nào, ai biết xin chỉ rộng lòng chỉ cho.

          5/ Bài "Trung Thu 2" (Trung Thu 2), trang 51:

          Hán văn
          Ngục trung nhân dã thưởng trung thu,
          Thu nguyệt thu phong đời điểm sầu;
          Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,
          Tâm tùy thu nguyệt cộng du du.

          Việt ngữ
          Trung thu ta cũng tết trong tù,
          Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu;
          Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,
          Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.


          Câu "Tâm tùy thu nguyệt cộng du du" có gốc từ câu "tâm tùy hồ thủy cộng du du" (tấm lòng theo với nước hồ xa xa) trong bài Tống Lương Lục (Tiễn Lương Lục) của Trương Thuyết (Trương Duyệt) đời Đường:

          Hán văn
          Ba Lăng nhất vọng Động Đình thu,
          Nhất kiến cô phong thủy thượng phù .
          Văn đạo thần tiên bất khả tiếp,
          Tâm tùy hồ thủy cộng du du .

          Việt ngữ
          Ba Lăng trông xuống Động Đình,
          Nước thu lai láng, núi xanh thập thò.
          Thần tiên dễ gặp được mô,
          Tấm lòng theo với nước hồ xa xa.
          (Trần Trọng Kim: Đường Thi, trang 354).


          Ngoài ra:

          6/ Bài "Đăng sơn" (Lên núi):

          Hán văn
          Huề trượng đăng sơn quan trận địa
          Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
          Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu
          Thệ diệt sài lang xâm lược quân.

          Việt ngữ
          Chống gậy lên non xem trận địa
          Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
          Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
          Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
          (Xuân Diệu dịch)


          Câu "Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu" có gốc từ câu "Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu" trong bài "Thuật hoài" nổi tiếng của Phạm Ngũ Lão (1255-1320):

          Hán văn
          Hoành sáo giang san cáp kỷ thu
          Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu
          Nam nhi vị liễu công danh trái
          Tu thính nhân gian thuyết Võ Hầu.

          Việt ngữ
          Vung giáo non sông trải mấy thu,
          Ba quân hùng hổ át sao Ngưu.
          Công danh ví để còn vương nợ,
          Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu.
          (Trần Trọng Kim dịch)


          7/ Bài "Phỏng Khúc Phụ" (Thăm Khúc Phụ):

          Hán văn
          Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
          Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hy.
          Khổng gia thế lực kim hà tại ?
          Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.

          Việt ngữ
          Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
          Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
          Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ ?
          Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
          (Đặng Thai Mai dịch)


          Câu "Khổng gia thế lực kim hà tại" vốn lấy từ câu "Các trung đế tử kim hà tại" (con vua trong gác giờ đâu tá?) trong bài "Đằng vương các tự" của Vương Bột (647-675) đời Đường:

          Hán văn
          Đằng vương cao các lâm giang chữ
          Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
          Họa đống triêu phi Nam phố vân
          Chu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
          Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
          Vật hoán tinh di kỷ độ thu
          Các trung đế tử kim hà tại
          Hạm ngoại Trường giang không tự lưu.

          Việt ngữ
          Bên sông đây gác Đằng Vương
          Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai ?
          Cột rồng Nam phố mây bay
          Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều
          In đầm, mây vẩn vơ trôi
          Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu
          Đằng vương trong gác giờ đâu ?
          Trường giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.
          (Trần Trọng San dịch)


          Trong bộ "Đại cương văn học sử Trung quốc" tập 2, trang 18 của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), nxb Nguyễn Hiến Lê - Sàigòn 1964, cũng có dịch nghĩa bài này.

          8/ Bài "Nguyên Tiêu" (Rằm tháng giêng):

          Hán văn
          Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
          Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.
          Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
          Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

          Việt ngữ
          Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
          Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
          Giữa dòng bàn bạc việc quân,
          Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
          (Xuân Thủy dịch)


          Câu "Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền" lấy từ câu "Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền" trong bài "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế (756-), đời Đường:

          Hán văn
          Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
          Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
          Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
          Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

          Việt ngữ
          1.
          Trăng tà chiếc quạ kêu sương
          Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
          Thuyền ai đậu bến Cô Tô
          Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
          (Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều, Tản Đà dịch)
          2.
          Trăng tà tiếng quạ vẳng sương rơi
          Sầu đượm hàng phong giấc lửa chài
          Ngoài lũy Cô Tô chùa vắng vẻ
          Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai
          (Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều, Trần Trọng San dịch)


          9/ Bài "Tặng Trần Canh đồng chí" - đại tướng cố vấn quân sự Trung Cộng, "sáng tác" năm 1950:

          Hán văn
          Hương Tân mĩ tửu, dạ quang bôi
          Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
          Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
          Địch lai phóng khứ nhất nhân hồi.

          Việt ngữ
          Sâm banh, rượu ngọt, chén lưu ly
          Toan nhắp tỳ bà ngựa giục đi
          Say khướt sa trường cười chớ vội
          Chẳng cho địch thoát một tên về.


          vốn "mượn" gần nguyên si từ bài "Lương Châu Từ" của Từ Vũ Vương Hàn (687-726) đời Đường:

          Hán văn
          Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
          Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
          Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
          Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

          Việt ngữ
          1.
          Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
          Toan nhắp tỳ bà đã giục đi
          Say khướt sa trường anh chớ mỉa
          Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
          (Trần Quan Trân dịch)
          2.
          Rượu bồ đào, chén dạ quang
          Muốn say đàn đã rền vang dục rồi.
          Sa trường say ngủ ai cười
          Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu !
          (Trần Trọng San, dịch)
          3.
          Rượu bồ rót chén dạ quang,
          Trên yên, sắp uống, nghe vang đờn tì.
          Say nằm bãi cát, cười chi?
          Xưa nay chiến địa, sống về những ai?
          (Nguyễn Hiến Lê dịch, sđd trang 208)


          Tôi không bàn về nội dung của những bài thơ chữ Hán lừng danh của tác giả họ Hồ, vì tôi không muốn hùa "khen phò mã tốt áo", khi mà trên mặt chính thống từ non nửa thế kỷ trở lại đây, các tác phẩm đó đã được đọc, được học và chỉ được độc quyền khen, khen càng sâu, càng xa, càng tốt rồi. Do đó, trong bài này, tôi chỉ "chú thích" trong khả năng có thể, phần thơ chữ Hán. Bài sau, bài sau nữa - khi hội đủ duyên – tôi sẽ "chú thích" phần thơ thuần Việt của tác giả Hồ-Chí-Minh, để xem tài "vận dụng sáng tạo" của ông "nhuần nhuyễn" cỡ nào trong việc nín thinh vay mượn từ Kiều và từ ca dao, thành ngữ Việt Nam. Nhưng dù sao, đêm nay cá nhân tôi vẫn đành tạm bằng lòng với câu nói để đời của nữ-ca-nhạc-sĩ-tài-danh Phương Uyên: "Copy là học tập lẫn nhau"[3], chứ biết làm sao bây giờ !

          Hàn Lệ Nhân
          (Tản mạn qua đêm 17)

          ----------------------
          Ghi chú:
          [1]
          - [«Bản dịch đầu tiên của Nhật ký trong tù được Viện Văn học cho xuất bản vào năm 1960. Bản dịch này có nhiều ưu điểm, nhưng từ 1960 đến nay thì những bài thơ dịch của Bác đã được bổ sung đầy đủ, mới đầu có 114 bài nhưng sau đó đã đủ 133 bài.»] (Vietnamnet) và (SKHCN-ĐồngNai.):

          http://www.vnn.vn/giaoluu/2003/5/12158/

          http://www.dost-dongnai.gov.vn/ttchitiet.asp?idd=864

          - [«Trong hơn 13 tháng bị “đá qua đá lại” 18 nhà lao của bọn Tưởng, Bác đã viết tập “Nhật ký trong tù” gồm 134 bài thơ (kể cả bài “Mới ra tù tập leo núi”), là tập thơ bằng chữ Hán cuối cùng trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng tư duy nghệ thuật của nó chủ yếu lại thuộc một loại khác so với truyền thống..»] ( Quân Đội Nhân Dân ):

          http://72.14.221.104/search?q=cache:rO9WH3u8-UoJ:[url]www.quandoinhandan.org.vn/60nam/So1/178.htm+%22nh%E1%BA%ADt+k%C3%BD+trong+t%C3%B9%22&hl=fr&gl=fr&ct=clnk&cd=8[/url]

          [2] [«Ngày 27/08/1950, Trần Canh (Chen Gen, 1903-1961) tới bản doanh của VM ở Thái Nguyên, gặp ông Hồ và Lã Quý Ba. Ông Hồ ôm hôn Trần Canh và đọc một bài thơ do chính ông sáng tác để chào mừng và ca ngợi Trần Canh.»] (Hứa Hoành: Huyền thoại & sự thật...):
          http://www.vietnamdaily.com/index1.php?c=article&p=14242

          [3]
          http://vietnamnet.vn/diendan/2004/04/58154/
          http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=27836&ChannelID=10
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2007 03:41:27 bởi Hàn Lệ Nhân >
          #5
            Hàn Lệ Nhân 05.05.2007 03:59:10 (permalink)
            Lại đọc thơ Bác
            Hàn Lệ Nhân
             
            Khen ai khéo tạc bình phong,
            Ngoài long, lân, phụng trong lòng gạch vôi !
            (Ca dao VN)

             
            Ngoài cuốn Nhật Ký Trong Tù mà tôi đã say mê đọc đâu vài chục lần, tôi còn đọc nhiều, rất nhiều thơ thuần Việt của thi-hào-Hồ-Chí-Minh, kể cả hàng hàng lớp lớp những sách, những bài "nói-thẳng-nói-thật" về thi tài của một người vừa là "tượng trưng cho thời đại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam", vừa nghe nói là "danh-nhân-văn-hoá-của-nhân-loại", do đó đương nhiên "Thơ của Người là ánh sáng của cuộc đời hiện tại và mãi mãi là cuốn sách chỉ đường cho tương lai". Tôi chịu khó "rà" thật kỹ "Thơ Người" cũng chỉ mong sao "rút" ra kỳ được chút "đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" làm vốn lận lưng trong quá trình tập viết. Rốt cuộc, điều tôi "rút" ra được là thế nầy: Đọc riết buộc tôi để ý và nảy ra chút thắc mắc, trong cùng một con người "vĩ đại" mà sao phần thơ chữ Hán của Người lại có trình độ cao vượt bứt phần thơ thuần Việt, từ ngôn ngữ, ý tứ cho đến cấu trúc, văn phong..., đến nỗi nếu không biết trước tất cả là của cùng một tác giả (nhờ cái chữ ký như một thương hiệu bất khả chê), thiệt tình đố ai mà ngờ.
             
            Ai tò mò đặt Nhật Ký Trong Tù kèm phần Việt ngữ, cạnh phần thơ thuần Việt của thi-hào-họ-Hồ, sự chông chênh lạ lẫm sẽ lộ rõ đến ngỡ ngàng, ngẩn ngơ rồi hoang mang, bàng hoàng: Phải chăng đó là nguyên do tác-giả-đa-tài-đa-ngôn-ngữ đã không tự dịch thơ mình ra tiếng mẹ đẻ hầu "nhân dân lao động anh hùng" dễ thưởng thức và dễ học tập, học thi hơn, mà cứ mặc ai "muốn dịch sao cũng được"? [1]
             
            Trường hợp xấp ngữa này làm tôi tự động liên tưởng tới hai nhân vật trong bộ chưởng Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung:
             
            «Có hai anh em sinh đôi giống nhau như tạc từ mặt mày đến tiếng nói và dáng điệu là Cừu Thiên Lý (có bản dịch gọi là Cừu Thiên Trượng) và Cừu Thiên Nhận. Ông anh Cừu Thiên Lý ngo ngoe vài chiêu thức đuổi ruồi nhưng cực giỏi việc bịa đặt lừa đảo;  ngược hẳn ông em là Cừu Thiên Nhận, bang chủ Thiết Chưởng Bang, võ công trùm đời, đặc biệt môn Thiết Chưởng và môn khinh công nên được quần hào võ lâm mệnh danh là Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu (tay sắt nổi trên nước). Trong thời gian Cừu Thiên Nhận ẩn tích trau luyện "Ngũ Độc Thần Chưởng" chờ Hoa Sơn Luận Kiếm kỳ 2, Cừu Thiên Lý lợi dụng có tướng mạo giống em nên thường mạo danh để mà mắt bàn dân thiên hạ ròng rả hơn 20 năm trời... mà không ai phân biệt được giả chân, cho đến khi bị Quách Tỉnh điểm huyệt "thiên đột" (huyệt nhột và ngứa), chịu không thấu Cừu Thiên Lý bèn cung khai ngọn nguồn...» [2].  Ôi, cũng như nếu không bị Internet "điểm huyệt" thì mấy ai biết được ai đó đích thực là ai...
             
            Tôi cũng có để ý thấy, không hiểu nguyên do sâu và xa nào đã khiến thi-hào-họ-Hồ lẫn các phê-bình-gia-văn-học XHCN, trước sau, lấp la lấp lửng xem nhẹ tênh phần chú thích sự vay mượn ý tứ của thiên hạ, của nhân dân. Phần thơ chữ Hán của thi-hào-họ-Hồ, tôi đã tự nguyện trong khả năng hạn hẹp chú thích bổ túc một phần nhỏ trong bài "Đọc Lại Thơ Bác", đêm nay, như đã hứa, xin tiếp tục cho trọn nghĩa "xung phong" góp phần đưa "châu về hợp phố ".
             
            A. Bổ túc phần thơ chữ Hán (Nhật Ký Trong Tù, Hồ-Chí-Minh, Viện Văn Học – Hà Nội, 1960)
             
            1/ Bài Giải trào (Nói cho vui), trang 105:
            Hán văn
            Ngật công gai phạn trú công phòng,
            Quân cảnh luân ban khứ hộ tòng;
            Ngoạn thủy du sơn tùy sở thích,
            Nam nhi đáo thử diệc hào hùng !
             
            Việt ngữ
            Ăn cơm nhà nước, ở nhà công,
            Binh lính thay phiên để hộ tùng;
            Non nước dạo chơi tùy sở thích,
            Làm trai như thế cũng hào hùng!

             
            Câu "Nam nhi đáo thử diệc hào hùng" vốn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778-1858) trong bài "Kẻ Sĩ":
            ......
            Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
            Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
            Trong lăng miếu ra tài lương đống,
            Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương.
            Sĩ làm cho bách tuế lưu phương,
            Trước là sĩ, sau là khanh tướng.
            Kinh luân khởi tâm thượng,
            Binh giáp tàng hung trung.
            Vũ trụ tri gian giai phận sự,
            Nam nhi đáo thử thị hào hùng.
            Nhà nước yên mà sĩ được thung dung,
            Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch...
            (Theo sách "Đạo làm người của Nguyễn Công Trứ" của Vũ Ký,
            trang 173, nxb Kim Ý - Sàigòn 1962).

             
            2/ Bài "Nhập Tĩnh Tây huyện ngục" (Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây), trang 17:
             
            Hán văn
            Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm,
            Thiên thượng tinh vân trục vũ vân;
            Tinh vũ phù vân phi khứ liễu,
            Ngục trung lưu trú tự do nhân.
             
            Việt ngữ
            Trong lao tù cũ đón tù mới,
            Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;
            Mây mưa, mây tạnh bay đi hết,
            Còn lại trong tù khách tự do.

             
            Câu "Thiên thượng tinh vân trục vũ vân" vốn là anh em song sinh với câu "Giang thượng tinh vân tạp vũ vân" trong bài "Đỗ Công Bộ Thục Trung Ly Tịch" của Lý Thương Ẩn (831-858) đời Đường:
             
            Hán văn
            Nhân sinh hà xứ bất ly quần
            Thế sự can qua tích tạm phân
            Tuyết Lĩnh vị quy thiên ngoại sứ
            Tùng Châu do trú điện tiền quân
            Toạ trung túy khách diên tĩnh khách
            Giang thượng tinh vân tạp vũ vân
            Mỹ tửu Thành Đô kham tống lão
            Đương lô nhưng thị Trác Văn Quân
            (Toàn Đường thi Quyển 539 - bài 90, theo Xích Bích Kiều)
            http://www.thuvienvietnam.com/article-559--0-0.html
             
            Việt ngữ
            Đời người có chỗ nào không có sự chia ly?
            Vì chiến tranh nên mới tạm xa nhau
            Tuyết Lĩnh chưa trở về người sứ giả ngoài ngàn dặm
            Tùng Châu còn dừng lại vị điện tiền tướng quân
            Trong bàn tiệc người say còn mời rượu người tỉnh
            Trên mặt sông đám mây trong xen lẫn với đám mây tạp
            Rượu ngon ở Thành Đô không xua đi được tuổi già
            Nhưng trong quán rượu vẫn còn Trác Văn Quân đứng bán .
            (Tiệc rượu chia tay với Đổ Phủ ở Thục trung, TinhNguyenVien01 dịch nghĩa
             
            http://www.thuvienvietnam.com/modules.php?name=Forums&file=viewtopic&t=1908&start=0 

             
            B. Chú thích phần thơ thuần Việt của thi-hào-Hồ-Chí-Minh
             
            1/ Trong cuốn tài liệu mỏng "Lời Di Chúc của Chủ tịch Hồ-Chí-Minh" – Hà Nội 1969, trang 9, có câu:
             
            "Còn non, còn nước, còn người,
            Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay",

             
            làm tôi ngờ ngợ, nhớ tới cụ Tiên Điền cũng có câu:
             
            Còn non, còn nước, còn trời,
            Còn về, còn nhớ đến người hôm nay.
            (Kim Vân Kiều, câu 557-558, Bùi Khánh Diễn,
            nxb Sống Mới – Sàigòn 1971).

             
            2/ Trong bài Ca Sợi Chỉ, câu 3 và 4:
             
            Mẹ tôi là một đoá hoa
            Thân tôi trong sạch tôi là cái bông
            Xưa tôi yếu ớt vô cùng,
            Ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời.

             
            làm tôi liên tưởng tới:
            1.
            Trơ như đá, vững như đồng,
            Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
            (Kim Vân Kiều, câu 2521-2522, sđd, trang 223)
             
            2.
            Ta đây như cây trong rừng,
            Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
            (Thi Ca Bình Dân VN, tập 2, trang 467, Nguyễn Tấn Long & Phan Canh, nxb Sống Mới, Sàigòn 1969)

             
            Qua hai câu:
             
            Mạnh gì sợi chỉ con con,
            Khuôn thiên biết có vuông tròn hay không.

             
            Tôi lại mang máng nhớ trong Kiều có câu:
             
            Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
            Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay.
            (Kiều, câu 411-412)

             
            3/ Trong "Thư gửi luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam )", đề ngày 06/09/1967, có hai câu:
             
            Đến ngày thống nhất nước nhà,
            Bắc Nam sum họp thì ta vui lòng !

             
            làm tôi nhớ tới đoạn Thúy Kiều dựa oai Từ Hải để oán trả ân đền:
            .......
            Sao cho muôn dặm một nhà,
            Cho người thấy mặt là ta cam lòng.

            (Kim Vân Kiều, câu 2435-2436, sđd trang 218)

             
            4/ Trong bài "Tặng các cụ lão du kích":
             
            "Tuổi cao chí khí càng cao,
            Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.

            Sẵn sàng tiêu diệt quân thù,

            Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng".

             
            Hai câu "Tuổi cao chí khí càng cao, múa gươm giết giặc ào ào gió thu", sao mà chẳng mấy khác với:
             
            Giã nhà đeo bức chiến bào,
            Thét roi cầu vị ào ào gió thu.
            (Chinh Phụ Ngâm, câu 23-24, Đặng Trần Côn
            & Đoàn Thị Điểm).

             
            5/ Vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Hằng Phương có đem biếu nhà-thơ-chủ-tịch-Hồ-Chí-Minh mươi quả cam và được Hồ chủ tịch đáp tạ bằng thơ:
             
            Cảm ơn bà biếu gói cam,
            Nhận thì không đáng, từ làm sao đây !
            Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
            Phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai.
            (Cảm ơn người tặng cam, HCM)

             
            Câu "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", đã đến lúc phải trả lại cho dân gian Việt Nam:
             
            1.
            Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
            Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
            2.
            Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
            Uống nước sông nầy nhớ suối từ đâu.
            3.
            Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
            Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
            4.
            Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
            Có bát cơm đầy, nhớ đến nhà nông.
            Đường đi cách bến cách sông,
            Muốn qua giòng nước, nhờ ông lái đò!
            5.
            Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
            Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay, giần sàng.
            (Thi Ca Bình Dân VN, Nguyễn Tấn Long & Phan Canh,
             nxb Sống Mới 1969)

             
            và câu "phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai" lại là của cụ Tố Như:
             
            Thương vui bởi tại lòng này,
            Hay là khổ tận đến ngày cam lai?
            (Kim Vân Kiều, câu 3209-3210, sđd trang 262)

             
            6/ Một lần vĩ-nhân-xứ-Nghệ trở về thăm làng Sen, trong bài phát biểu có câu:
             
            Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
            Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình !

             
            thế rồi từ đó, hai câu này "phải" thuộc tác quyền của Bác-Hồ: "người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết (Phạm Văn Đồng). Tuy nhiên, câu "Quê hương nghĩa nặng tình sâu" vốn nằm trong ca dao từ vạn đại:
             
            1.
            Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
            Thấy hoa gạo đỏ rủ nhau cùng về.
            2.
            Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
            Đất quê chôn chặt “nhúm nhau” của mình.
            (Thi Ca Bình Dân VN, sđd);

             
            và  ai hơi hơi thuộc Kiều, chắc chắn sẽ bị / được chưng hửng vì "nói rứa mà nỏ phải rứa" khi câu "Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình", lại cũng của cụ Nguyễn Du, thác lời Thúy Vân trong cảnh Kim-Kiều tái ngộ:
             
            Những là rày ước mai ao,
            Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình !

            (Kim Vân Kiều, câu 3069-3070, sđd trang 254)

             
            7/ Trong bài "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi vĩ đại của bản lĩnh và trí tuệ VN" có câu:
             
            [«Bác Hồ nói:
             
            "Nay tuy châu chấu đấu voi,
            Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra".»],
             
            http://www.vnuhcm.edu.vn/congtac/so 73-74/01.htm 

             
            là hoàn toàn không đúng sự thật, nếu không muốn nói là Bác đã nhận vơ rất tự nhiên, rất vô tư, vì từ ngàn xưa ca dao ta đã lưu truyền hai câu:
             
            Nực cười châu chấu đá xe,
            Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.

             
            8/ Trong một bức thư gửi cho "ngụy binh", đề ngày 15/01/1951, Hồ chủ tịch có câu:
             
            Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
            Con Hồng, cháu Lạc phải thương nhau cùng !

             
            và báo giới Miền Bắc cứ buộc cho là do Bác "phát minh", trong khi kho tàng ca dao đã di lưu từ bảy mươi đời:
             
            Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
            Người chung một nước phải thương nhau cùng !

             
            9/  Trong bài "Sáu Mươi Tuổi":
             
            Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,
            Trần mà như thế kém gì tiên.
            (HCM)

             
            thì ca dao đã có:
             
            1.
            Ăn được ngủ được là tiên,
            Không ăn, không ngủ là tiền vất đi !
            2.
            Ăn được, ngủ được là tiên,
            Kém ăn biếng ngủ, mất tiền thêm lo.

             
            10/ Trong cuốn Về Giáo Dục Thanh Niên, bài Khuyên Thanh Niên, HCM, trang 87, nxb Thanh Niên - Hà Nội 1977, được mào đầu bằng 4 câu thơ, với ghi chú "Thơ Hồ chủ  tịch, nxb Văn Học - Hà Nội 1967, trang 37":
             
            Không có việc gì khó,
            Chỉ sợ lòng không bền.
            Đào núi và lấp biển,
            Quyết chí ắt làm nên.

             
            thì từ xưa thật là xưa, ca dao tục ngữ Việt Nam đã dạy:
            1.
            Người có chí thì nên,
            Nhà có nền thì vững.
            2.
            Ai ơi không chóng thì chầy,
            Có công mài sắt, có ngày nên kim.
            3.
            Trời nào có phụ ai đâu,
            Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
            4.
            Ai ơi giữ chí cho bền,
            Mặc ai xoay hướng, đổi nền mặc ai.

             
            Và nếu truy thêm chút đỉnh sẽ gặp mùi cổ thi Trung Quốc:
             

            Hán văn
            Tạc sơn thông đại hải
            Luyện thạch bổ thanh thiên
            Thế thường vô nhân sự
            Nhân tâm tự bất kiên.

             
            Việt ngữ
            Sớm sớm lên đỉnh núi
            Đội đá vá trời xanh
            Bền gan không nản chí
            Việc khó cũng thành công.

             
            11/ Trong bài “Mười chính sách của Việt Minh”, có câu:
             
            Trên vì nước, dưới vì nhà,
            Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.
            (Thơ Hồ Chí Minh, nxb Văn Học – Hà Nội, 1970)

             
            thì trong Kiều đã có câu song sinh:
             
            Trên vì nước, dưới vì nhà,
            Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
            (Kiều, câu 2483-2484)

             
            12/ Trong bài «Về vũ trang đấu tranh», nhà-thơ-lớn-của-dân-tộc họ Hồ «sáng tác» :
             
            Đàn bà dễ có mấy tay,
            Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan.

             
            Còn cụ Tố Như Nguyễn Du có câu :
             
            Đàn bà dễ có mấy tay,
            Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan.
            (Kiều, câu 2359-2360)

             
            Vậy chẳng biết ai đạo thơ ai ?
             
            13/ Cũng trong cuốn sách Về Giáo Dục Thanh Niên nói trên, trang 104, bài  Nói Chuyện Với Nam Nữ Thanh Niên Học Sinh Các Trường Trung Học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội), có dẫn câu:
             
            [«Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà»]
             
            phiá dưới ký tên Hồ Chí Minh.
             
            Câu dẫn này – tuy không là thơ - lại làm tôi sửng sốt thực sự, vì tôi tin quyết ai có chút tò mò về thế giới ngoài Việt Nam đều biết hai năm rõ mười, câu nói nầy là của cố Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy (1917-1963), trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/01/1961 tại Washington:
             
            «Đừng hỏi dân tộc đã làm gì cho anh, mà nên hỏi anh đã làm gì cho dân tộc» [3]
             
            (Don't ask what the country can do for you, but ask what you can do for the country." / "Ne vous demandez pas ce que votre pays peut faire pour vous, mais demandez-vous ce que vous pouvez faire pour votre pays", 20/01/1961).
             
            http://fr.wikipedia.org/wiki/John_Fitzgerald_Kennedy
             
            Rồi từ sự sửng sốt trên, tôi nhớ lại đã có lần nêu ra trong một vài bài viết khác về tầm tự trọng của một số "danh nhân" ở xứ ta, hơn nửa thế kỷ qua, qua việc nhận vơ trí tuệ của người làm của mình, chôm chỉa từ một câu nói đến hai dòng thơ qua nguyên bản nhạc... và tôi chỉ muốn gào lên, gào to lên sao cho vọng về tận khởi điểm của 4.000 năm văn hiến mà tôi hằng tự hào từ hồi mới lớn ! Nay, tiện thể xin ghi gom lại một lần cuối:
             
            14/ Câu nói "từ dân, do dân, vì dân" ký tên Hồ-Chí-Minh vốn là phát biểu của Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865), sau trận chiến Gettysburg ngày 19 tháng 11 năm 1863:
             
            "...and that government from the people, by the people, for the people"
            http://showcase.netins.net/web/creative/lincoln/speeches/gettysburg.htm
             
            "La démocratie, c'est le gouvernement du peuple, par le peuple, pour le peuple" (A. Lincoln)
            http://www.evene.fr/citations/auteur.php?ida=151&p=2
             
            15/  Câu "mười năm trồng cây, trăm năm trông người" ký tên Hồ-Chí-Minh vốn là quốc sách của Quản Di Ngô từ thời Chiến Quốc bên Tàu:
             
             "Nhất niên chí kế mạc như thụ cốc, Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân" (Kế sách một năm không gì bằng trồng lúa, kế sách mười năm không gì hơn trồng cây, kế sách trăm năm không gì hơn trồng (giáo dục) người).
             
            Ngoài xã hội, vô nhà người mà không xin phép, không gõ cửa đồng nghĩa với tà tâm "ăn trộm"; vô nhà người, mượn tài vật mà không ngỏ lời là "ăn cắp". Trong văn nghệ, mượn ý tứ của người mà không ghi xuất xứ là "nhận vơ". Chân thường nhân "ăn cắp", "ăn trộm" cái xấu hổ chân thường nhân riêng chịu, không lây lan cho ai. Ngụy vĩ nhân "nhận vơ" cái xấu hổ trở nên "vĩ đại", hơn nữa tiếp tục nhồi nhét đồ "nhận vơ" vào đầu trẻ nít, thanh thiếu niên; duy ý chí "nặn cục đất ra ông Táo", quanh co ngụy biện cho "đồ nhận vơ", cái xấu hổ sẽ thành "vĩ đại" trong cái "vĩ đại", chóng chầy cũng biện chứng thành cái "bình thường" của nhà nhà, cho khít với luật chơi "thượng bất chánh, hạ tắc loạn", hay:
             
            Người trên ở chẳng chính ngôi,
            Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.
            Người trên ở chẳng được cao,
            Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên.
            (Ca dao VN)

             
            Hàn Lệ Nhân
            (Tản mạn qua đêm 18)
             
            Ghi Chú:
            [1]http://danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=comments&op=Reply&pid=71094&sid=1163&mode=nested&order=0&thold=0
             
            [2] Lược theo Anh Hùng Xạ Điêu tập VI, trang 182-186, nguyên tác Kim Dung, bản dịch Phan Cảnh Trung & Đà Giang Tử, nxb Hương Hoa – Sàigòn, 1964.
             
            [3] Trong cuốn Tôn Giáo và Dân Tộc, Lý Chánh Trung, trang 16, nxb Lửa Thiêng – Sàigòn 1972, có dẫn câu này và cũng ghi rõ là của JF Kennedy.
             
            #6
              Hàn Lệ Nhân 12.05.2007 00:04:27 (permalink)
              "Lịch sử" Tư Tưởng Hồ Chí Minh
               
              Hàn Lệ Nhân

               
              Cho tới tháng Tư 2007, Việt Nam dưới sự lãnh đạo ưu việt của ĐCSVN quang vinh có tổng cộng bốn bản Hiến Pháp: 1946, 1959, 1980 và 1992.
               
              Hiến Pháp VNDCCH-1946 được sửa đổi lần thứ nhất vào năm 1959, tại sao ?
               
              – Trước thành tựu to lớn trong chính sách Cải Cách Ruộng Đất quá ghê rợn khiến toàn Miền Bắc sôi sục vùng lên, Chủ tịch Hồ Chí Minh bèn buộc lòng đẩy TBT kiêm trưởng ban CCRĐ Trung ương là ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu ra làm bia "hy sinh". Ông Trường Chinh bị cách chức nhưng được "hạ cánh an toàn". (Hai năm sau [1958], ông Trường Chinh trở lại làm phó thủ tướng, chủ tịch Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội [1960-1981]… rồi Tổng Bí Thư lần thứ nhì, kế vị ông Lê Duẫn qua đời (năm 1986). Ông Hồ Chí Minh sụt sùi, nghẹn ngào rơi lệ đọc diễn văn thú nhận "sai lầm", "xin lỗi" nhân dân Miền Bắc, hứa "sửa sai" và cho "sửa đổi" Hiến Pháp hầu xoa dịu quốc dân cùng lúc chống giữ chế độ.
               
              Hiến Pháp VNDCCH / CHXHCNVN-1959 được sửa đổi vào năm 1980, tại sao ?
               
              – Năm 1979, trong lúc CSVN đánh chiếm xứ Miên Cộng ở phía Nam (1979-1989) thì ở phía Bắc, Tàu Cộng đưa quân qua "dạy cho Việt Cộng" bài học thứ nhất, do đó « tình hữu nghị Việt-Trung đời đời bất diệt »  đã được hiến định thành bản kết án « bọn bá quyền Trung Quốc và bè lũ tay sai của chúng ở Kampuchia ». Thực chất của việc sửa đổi Hiến Pháp lần nầy là phe thân Nga thanh trừng phe thân Tàu trong nội bộ ĐCSVN, đồng thời vừa ve vuốt dân chúng bằng hàng loạt mỹ từ như Dân Chủ, Tự Do…nhưng chưa bao giờ được áp dụng.
               
              Hiến Pháp CHXHCNVN-1980 được sửa đổi vào năm 1992, tại sao ?
               
              – Điều 38, bản Hiến Pháp-1980 ghi : «  Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam ».
               
              Cuối năm 1991, chế độ CS muôn năm sụp đổ (chỉ sau 74 năm hiện hữu) và trong khi Liên Bang Sô Viết rã thành 12 mảnh, thì ở Tây Âu 12 mảnh khác hợp lại thành một. Sự phá sản toàn diện của XHCN tại Nga và Đông Âu là nhát Búa-Liềm chí mạng đối với ĐCSVN « bách chiến bách thắng », nhất là trên phương diện « tư tưởng chỉ đạo ». Ngày Chết của cơ sở tư tưởng chỉ đạo Marx-Lênin tại thành trì Liên Sô vĩ  đại lại là ngày Nghén của Tư Tưởng Hồ Chí Minh khởi từ bản Hiến Pháp CHXHCNVN-1992, được thông qua « để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới ».
               
              Năm chữ Tư Tưởng Hồ Chí Minh không hề có trong ba bản Hiến Pháp 1946, 1959 và 1980.
               
              Tư Tưởng Hồ Chí Minh
               
              Câu rằng « dưới ánh sáng (đã lịm) của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng (mới ló) Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (ngụ ý trụ giữ chế độ) trong thời kỳ quá độ (ngụ ý thời kỳ khủng hoảng toàn diện) lên chủ nghĩa xã hội (tức chủ nghĩa tư bản với ngụy danh Kinh tế thị trường định hướng XHCN) ;
               
              Câu rằng « lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hành động » chỉ xuất hiện từ 1992: "Lịch sử" Tư Tưởng Hồ Chí  Minh thực sự được bắt đầu như  thế. Nhưng TTHCM là gì ? Các cán bộ lý luận chính trị mọi cấp được chỉ thị phải ráo riết động não, vận dụng mọi cách, cấp bách "sáng tạo" ra bằng được "nội dung" cho cái tựa TTHCM, trong cơn đại địa chấn tư duy đang lao thẳng vào Ba Đình.
               
              Trong tạp chí Cộng Sản số 435 (03/1992) có bài « Để tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành kim chỉ nam cho hành động », ký tên Song Thành, có nội dung cực kỳ « lúng túng, gượng gạo ». Lúng túng là phải, gượng gạo cũng đúng thôi vì « khó quá », vì từ hồi cậu Ba dưới Bến Nhà Rồng biến thành Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bắc Bộ Phủ, cho đến ngày chấm hết của chủ nghĩa Marx-Lênin ở Liên Sô, cả thế giới và ở Việt Nam nói riêng, có ai nghe nói tới cái tựa Tư Tưởng Hồ Chí Minh ?
               
              Cán bộ Song Thành lý giải « cũng như mọi sự vật mới ra đời, Tư Tưởng Hồ Chí Minh không phải ngay từ đầu đã được thừa nhận và khẳng định ». Lời của tác giả Song Thành hoàn toàn hợp lý, hợp lẽ. Đúng vậy, chủ nghĩa Marx đã phải trần thân kinh qua nhiều biến thiên chính trị,  kinh tế, xã  hội… trên thế giới mới được « thừa nhận, khẳng định » và áp dụng tại Nga năm 1917,  nghĩa là 34 năm sau khi Karl Marx qua đời, năm 1883. Có điều, chủ nghĩa Marx có cuốn Tư Bản Luận (Das Kapital / Le Capital) làm nền tư tưởng cho phong trào Cộng Sản quốc tế, còn Tư Tưởng Hồ Chí Minh dựa vào trước tác, bút tích nào của nhân vật có tên họ khai sinh là Nguyễn Sinh Cung / Nguyễn Tất Thành ?
               
              Tôi đã rà đọc đâu mươi lần « Hồ Chí Minh Toàn Tập » và riêng bản thân tôi nhận thấy phần « sâu sắc » hầu hết nằm trong những bài huấn thị, diễn văn, những lời kêu gọi thông thường, chấm phá cơ man trích đoạn, vay ý mượn tứ của người khác nhưng triền miên lơ đãng quên ghi xuất xứ. Chẳng lẽ Tư Tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ được rút ra từ ruột Nhật Ký Trong Tù (1), Thơ Chúc Tết… hoặc từ « Vừa Đi Đường Vừa Kể… » « Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của  Hồ Chủ Tịch » mà tôi u mê không thấy ? Còn nếu « tinh thần tự lực, tự cường » là « cốt lõi của Tư Tưởng Hồ Chí Minh » như lời ông Trần Đình Hoan (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trả lời báo VietNamNet-21/05/2003, thì tội nghiệp cho hai chữ Tư Tưởng dăm phần, tủi cho Tư Tưởng Marx bội phần, nhưng bù lại con Rồng, cháu Tiên càng vững tin, hãnh diện và bái phục tinh thần tự lực, tự cường từ ngàn xưa của hai Bà Trưng, một Bà Triệu...!
               
              Ni lâu tôi thường xuyên "tham quan" các trang Web chính thống của ĐCSVN để tiếp tục theo dõi bộ sậu quan tham phù phép biến tu hú ra phượng hoàng, để rình xem họ kiên trì mày mò xác lập Tư Tưởng Hồ Chí Minh ra sao, tới đâu rồi nhưng cá nhân tôi vẫn không "cầu thị" được gì ngoài nỗi chua xót rằng họ, ĐCSVN, vẫn trường kỳ khinh nhờn trình độ dân trí của con dân nước Việt vốn đã có bề dày « mấy nghìn năm lịch sử » và năm chữ Tư Tưởng Hồ Chí Minh huyễn hoặc được lòng vòng lòng thòng bằng ê hề vải vụn bấu víu từ áo Marx-Lê-Mao, Stalin… và u ê « công dân giáo dục », « đạo lý làm người » nồng mùi…Nho Giáo cấp phổ thông, có thể tóm gọn nhưng không sợ thiếu trong tám chữ Cần Kiệm Liêm Chính Chí Công Vô Tư, mà đặc biệt trong hiện tình đất nước, vẫn chỉ có giá trị trên giấy ấy vì có « học mà  không hành » nên « càng học tập càng tăm tối » (Phạm Trần). Tuy nhiên, TTHCM, theo họ, « có hạn chế » song nhất định « không có sai lầm » ! Nhưng, một cách cụ thể - dù tương đối - TTHCM đích thị là gì thì chưa thấy ai « tinh lọc », « hệ thống hoá » để nó « sải bước cùng thời đại ». Chẳng biết rồi đây phải truy tìm tận cõi nào khác.
               
              Như vậy :
               
              * Phải chăng « ở đây sự kiên định còn có dáng dấp của các nhà nho e ngại đụng chạm đến những tín điều đã (lỡ) dấn thân phụng sự và có thể là những lợi ích nhất thời (?)...» (Dương Trung Quốc, TTK Hội Khoa Học Lịch Sử VN, Đại biểu Quốc Hội-XI CHXHCNVN: Đóng góp ý kiến văn kiện ĐH-X, 12/05/2005). 
               
              * [ «Phải chăng đây chỉ là một cách dễ dãi để che giấu thất bại về tư tưởng, che giấu một sự bất lực trong tư duy: dùng những tên tuổi gắn liền với nhiều thắng lợi lịch sử để.… đi ngược lại con đường những người ấy đã vạch ra ?
              - Phải chăng tư tưởng Mác-Lênin không những không có khả năng ngăn chận những sai lầm, thất bại của những đảng cộng sản cầm quyền, nó còn không có khả năng rút kinh nghiệm, phân tích, vạch ra những nguyên nhân thất bại, vạch ra đường lối mới để tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên phải thêm vào đó Một cái Tên để khơi ý !»] (Phạm Huy Đường: đọc sách Tư Tưởng HCM và Con Đường Cách Mạng VN, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên, nxb Chính Trị Quốc Gia, HN 2000)
               
              Theo chân và thánh hoá một lãnh tụ vĩ đại cỡ cụ Hồ Chí Minh suốt thời gian tròm trèm nửa thế kỷ mà mãi đến 23 năm sau ngày "Người" qua đời (1969) người ta mới rục rịch rì rầm rồi rôm rả rộn rạo rồi ríu ra ríu rít phát giác ra rằng « Bác vô vàn kính yêu » của người ta có...Tư Tưởng ! Quả là chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật, rất xứng đáng được đưa vào chương trình Chuyện Lạ Việt Nam XHCN !
               
              Hàn Lệ Nhân
              (Tản mạn qua đêm 22)
               
              Ghi chú:
              (1) Xem "Đọc lại thơ Bác" và "Lại đọc thơ Bác" (HLN)
               
              Tài liệu tham khảo chính :
              -         Hoàng Lê Khổng Doãn Hợi : Chủ nghĩa Mao không có Mao (nxb Thông Tin Lý Luận, HN 1982)
              -         Hồ Chí Minh Toàn Tập (nxb Sự Thật, HN 1978)
              -         Nguyễn Hữu Nghĩa : Dọn Đường Về Nước (nxb Làng Văn, Canada 1992)
              -         Bốn bản Hiến Pháp của VNDCCH / CHXHCNVN
               
               
               
               
               
               
               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.05.2007 00:10:48 bởi Hàn Lệ Nhân >
              #7
                Hàn Lệ Nhân 13.05.2007 17:26:20 (permalink)
                Miếng trầu Xã Hội Chủ Nghĩa
                Hàn Lệ Nhân

                 
                 
                Thiếu thời, quanh tôi có nhiều cụ già nghiện ăn trầu, mỗi cụ có một khẩu vị khác nhau, riêng một cụ gốc hoàng phái có tật ăn trầu sao đó mà trong xóm gọi cụ là mệ Nhơi. Hỏi ra mới biết mệ ni mỗi sáng chỉ têm duy nhất một miếng trầu rồi cứ thế thủng tha thủng thỉnh bỏm bẻm miếng trầu cánh phượng đó cho tới trước khi đi ngủ mới buộc lòng nhả vất đi. Gần đây gặp lại, cụ cho biết sau 1975 đời sống quá khó khăn túng bấn, cụ phải bỏ thú ăn trầu. Tôi nêu thắc mắc về chuyện nhơi trầu của cụ lúc trước. Cụ cười bảo "mỗi miếng trầu mệ têm công phu và nghệ thuật lắm con ơi, nhai đi nhai lại hoài tuy biết nó đã hết cốt nhưng têm miếng khác mệ sợ bị phản vị nên thà nhơi bã cho chắc ăn, lúc cần thêm tí vôi cho có vị nồng, cũng như…". Cụ ngập ngừng, ngó trước ngó sau, bỏ lửng câu nói rồi lụ khụ đi vào trong, mang ra mấy cái bánh gai mời tôi, lái qua đề tài khác.
                 
                Hai tuần sau, tôi đến chào từ giã cụ, nhân thể nhờ cụ giải thích cho hai chữ "cũng như" chấm chấm chấm. Cụ cười móm mém một hồi, nhe mấy cái răng nửa trắng nửa đen còn trụ lại, hóm hỉnh nói "loạ chưa tề, thì con muốn 'cũng như' ra răng tùy con thôi !"
                 
                Triết lý ăn trầu đến là buồn cười của mệ Nhơi ám ảnh tôi dai dẳng, nhất là hai chữ "cũng như" bị bỏ lửng. Tôi đã thử linh động "vận dụng sáng tạo" triết lý ăn trầu của mệ Nhơi vào khá nhiều tình huống cụ thể nhưng thấy không ăn khớp, không vừa ý, mãi cho tới khi bắt gặp những điều kỳ lạ trong sách trong báo, trên đài trên mạng, tôi mới vỗ đầu kêu lên ba tiếng Ơ-rê-ka, vui mừng có lẽ còn hơn nỗi vui của nhà bác học Newton khi ông nhìn trái táo rơi mà khám phá ra nguyên lý Vạn vật hấp dẫn (l'attraction universelle). Các định luật Newton nói chung đều đã được phân giải rạch ròi, thực nghiệm và ứng dụng trên toàn cầu cho tới nay và những tháng năm trước mặt. Còn ba tiếng Ơ-rê-ka của tôi vỏn vẹn là cái đuôi XHCN trong các nhóm chữ, các câu nói chẳng hạn như:
                 
                Tổ quốc XHCN, vì mầm non tổ quốc XHCN, nền giáo dục XHCN, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN, pháp chế / pháp quyền XHCN, lao động XHCN, tài sản XHCN, yêu nước XHCN, có đạo đức và lối sống XHCN, trí thức XHCN, thi đua XHCN, có tác phong XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN, dân chủ XHCN, tự do XHCN, Hiến pháp XHCN… và đặc biệt nhất đối với tôi là mấy chữ "Con người mới XHCN"
                 
                vì, tôi nghĩ, mọi thứ có dính cái đuôi XHCN nêu trên đều trở nên lung linh vô nghĩa nếu không có Con người mới XHCN !
                 
                Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ «muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa» (HCM tuyển tập 1, trang XXI, nxb Sự Thật, HN 20-04-1980). Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn có nguyên cuốn Xây Dựng Nền Văn Hoá Mới, Con Người Mới Xã Hội Chủ Nghĩa (nxb Văn Hoá, HN 1977) [1]. Nhưng trong di bút của hai vị lãnh đạo tối cao của ĐCSVN đều không hề lưu lại một định nghĩa đặc thù vượt trội nào, cụ thể khác biệt ra sao so với phẩm đạo đức bình thường trong Tam giáo đồng nguyên, cho câu hỏi :
                 
                - Thế nào là Con người mới XHCN ?
                - Dựa vào chuẩn mực nào để được phát bằng khen Con người mới XHCN ?
                - Đã có ai là Con người mới XHCN sau gần tám mươi năm "trồng người"?
                - Đại đại lão tướng công Võ Nguyên Giáp đã "đắc đạo" thành Con người mới XHCN chưa ?
                - Con số 1.160 nam thanh nữ tú bị "tạm giữ" trong vụ đột kích vũ trường New Century tại Hà Nội hôm 28/04/2007 là nhân hay là quả của nền giáo dục xây dựng Con người mới XHCN ?
                 
                Xin nhắc lại, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn, Chủ nghĩa xã hội chưa "hoàn toàn thắng lợi" trên trọn mảnh đất có hình cong chữ S; khi Chủ nghĩa xã hội "thắng lợi hoàn toàn" (1975) thì Bác đã không còn từ khá lâu (1969). Còn khi TBT Lê Duẩn không còn (1986), Việt Nam XHCN đang hồ hởi liệt liệt oanh oanh trong chế độ Tem Phiếu - Bao Cấp, chưa có cái gọi là Đổi Mới, chưa có Kinh tế tư bản định hướng cộng sản (1992)! Vậy rõ ràng bác Hồ, bác Lê (và những bác kế vị sau này) thuần "tiếp thị" bán chỗ trên trời từ dưới đất.
                 
                Cái đuôi XHCN được / bị gắn vào sau mỗi nhóm chữ, mỗi câu nói đơn giản lược dẫn nêu trên, theo tôi, chỉ đắc địa ở chỗ các tác giả đó đã rực rỡ thành công cấy, tạo được sự tù mù, sự hoang mang trong đại chúng và vô tình làm tôi trực nhớ lại mẩu chuyện này:

                Phó giáo sư chính trị học Made in ex-CCCP khảo hạch cùng một lúc ba quan thí sinh chuyên tu tại chức thi lấy bằng cấp 2 XHCN, với một và duy nhất một câu hỏi: Hai cọng hai là mấy?
                 
                Thí sinh A trả lời: 4.
                Thí sinh B trả lời: 3.
                Thí sinh C trả lời: 5.
                 
                - Ai đáp trúng ?
                - Đương nhiên là thí sinh C. Phó giáo sư trả lời.
                - ! ! !
                 
                Phó giáo sư nghiêm chỉnh lý luận:
                 
                - Câu trả lời của thí sinh A biểu hiện niềm kiêu hãnh và nỗi lạc quan trí thức tiểu tư sản. Câu trả lời của thí sinh B phản ánh nỗi chao đảo bi quan đối với Tư Tưởng Hồ Chí Minh, đáng phạt tội. Còn câu trả lời của thí sinh C, dù đã đưa ra một đáp án không chính xác nhưng đã biểu lộ được định hướng chính trị xác thực mà Đảng và Nhà Nước mong cầu: Lạc quan: sai, bi quan: cũng sai, chỉ có hoang mang là trúng !
                 
                Triết lý ăn trầu của mệ Nhơi làm tôi liên tưởng tới bản chất duy ý chí (hay tính ngoan cố) của Đảng và Nhà Nước CSVN, đồng thời xui tôi nhớ tới nhà văn Vũ Hạnh khi ông viết (cái đuôi XHCN) là «đứa con đẻ của lý trí nhất thời, đã bị lý trí khước từ và nếu còn được tồn tại ở mức độ nào là nhờ nó được nuôi dưỡng ở lòng tự ái nhiều hơn».[2]
                 
                Nền giáo dục XHCN hiện hành ở nước ta cho tôi nhận định về Con người mới xã hội chủ nghĩa như sau:
                 
                Trong xã hội XHCN ưu việt người ta không thể nào có cùng một lúc ba đặc tánh sau đây:
                 
                - Vừa là một cán bộ cộng sản trung kiên;
                - Vừa là một người chân thật; và
                - Vừa là một người thông minh.
                 
                Ấy vì:
                 
                1/ Nếu là một người chân thật và thông minh thì không thể là cán bộ cộng sản trung kiên.
                 
                2/ Nếu là một kẻ thông minh đồng thời là cán bộ cộng sản trung kiên thì không thể chân thật.
                 
                3/ Còn nếu là một cán bộ cộng sản trung kiên và chân thật thì người đó không thể thông minh. [3]
                 
                Mấy đảng cộng sản cầm quyền cuối cùng trên thế giới vẫn còn khá nhiều lạc quan để «có một tương lai trường xuân bất lão» như khẳng định của sáng lập viên Chủ tịch đầu tiên của nước VNDCCH. Tiêu chuẩn hàng đầu của sự lạc quan đó là tất cả đều có cùng một ưu điểm rập khuôn trong việc duy ý chí củng cố thành công một Bộ Chính Trị, một Nhà Nước và một Quốc Hội bao gồm những nhân-vật thừa bản năng dũng cảm gỗ đá và sự tỉnh táo sắt thép để đăng đẳng chịu đựng sự trì trệ của đất nước và mọi thống khổ trong câm nín của tuyệt đại đa số đồng bào họ.
                 
                Tôi tin chắc chắn họ là những người hiểu tận tường hơn ai hết rằng chế độ cộng sản là «chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng. Sở dĩ chế độ nầy mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng. Hễ cái chế độ nầy vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất của nó là một lỗi lầm lịch sử… Chế độ nầy là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp.» [4] Do đó «yêu nước là phải từ bỏ (cái đuôi) Xã Hội Chủ Nghĩa. Lúc nầy và bây giờ»[5].
                 
                Thần thông quảng đại, biến hoá khôn lường cỡ Tôn Ngộ Không mà vẫn bị lộ bản lai diện mục là Mỹ Hầu Vương chỉ vì những phép mầu nó có không sao cắt được cái đuôi khỉ.
                 
                Hàn Lệ Nhân
                (Tản mạn qua đêm 23)
                 
                Ghi chú:
                 
                [1] «Con người xã hội chủ nghĩa là con người có phẩm chất cao quý thể hiện nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, trung thành vô hạn với sự nghiệp của giai cấp và dân tộc, sống và làm việc theo tinh thần làm chủ tập thể: "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". […] Vì vậy, con người xã hội chủ nghĩa phải là con người có trình độ văn hoá, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, hiểu biết và vận dụng được các quy luật của xã hội và tự nhiên, kế thừa và phát triển sáng tạo mọi thành tựu văn hoá và khoa học mà loài người (!?) đã tích lũy được bằng tinh lực của hàng ngàn thế hệ.
                 
                Con người xã hội chủ nghĩa là con người có lòng yêu nước nồng nàn, có tình thương yêu sâu sắc đối đồng bào, đồng chí, có chí khí quật cường, bất khuất, có tinh thần độc lập, tự do "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", là con người thấm nhuần chủ nghĩa anh hùng cách mạng chẳng những trong sự sáng tạo, xây dựng xã hội mới ; con người ấy cũng là con người thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa quốc tế vô sản [6], biết kết hợp đúng đắn lợi ích chân chính của dân tộc với lợi ích chung của phong trào công nhân quốc tế, chống mọi khuynh hướng dân tộc hẹp hòi và sô-vanh nước lớn.
                 
                Con người xã hội chủ nghĩa của nước ta không những phải hấp thụ được những thành tựu mới nhất của nền văn minh (tư bản) hiện đại, mà còn phải kế thừa và phát triển những đức tính tốt đẹp tiêu biểu cho tâm hồn của con người Việt Nam được hun đúc suốt bốn ngàn năm lịch sử » (Lê Duẩn: Xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, nxb Văn Hoá, Hà Nội 1977, trang 119-122. Sách in 21.000 cuốn, giá tiền Bắc: 0đ 70; giá tiền Nam: 0đ 56).
                 
                [2] Câu nầy nhà văn Vũ Hạnh dùng phê bình thể thơ Tự Do.
                 
                [3] trích Hàn Lệ Nhân, “Ba Mâu Thuẫn”, Cười Xả Hơi Cả Nước.
                 
                [4] Karl Marx: Contribution to the critique of Hegel’s philosophy (theo Nguyễn Hữu Liêm: Dân chủ pháp trị, nxb Biển Mới – USA,1991, trang 347).
                 
                [5] Nguyễn Hữu Liêm: sđd, trang 347.
                 

                [6] Xem thêm để đối chiếu với thực tiễn: Danh sách những nhà vô sản
                #8
                  Hàn Lệ Nhân 21.05.2007 20:40:07 (permalink)

                  Lời xưa bây giờ
                  Hàn Lệ Nhân

                   
                  Mai sau dù có bao giờ…
                  Câu văn thuở trước, đâu ngờ hôm nay !
                  (1)
                  (Tố Hữu)

                   
                  Lịch sử nhân loại di lưu vô số thể loại trường cửu, trong đó có những câu nói. Có thứ trường cửu đôi khi bị tan biến trong chốc lát như nguyên cái nóng vào hè dễ chịu mấy tuần qua bị cuốn mất bởi cơn giông sáng nay. Tuy nhiên, khi cơn giông qua đi cái nóng lần hồi quay trở lại độ vài giờ sau, khác hẳn với sự đột tử của chủ thuyết cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu: Một đi không trở lại hoặc giả tôi tin rằng là con người, đúng nghĩa của danh từ, không ai mong nó trở lại. Giấc mơ đỏ cho một Thế Giới Đại Đồng thế là đã thực sự trở thành giấc mộng…đen.
                   
                  Nhân loại sa thải chủ thuyết Marx vì xuyên qua thực nghiệm bằng xương máu của con người đã xác minh nó bất cập đối với con người, nó hũy hoại con người. Do đó, một chính quyền còn tiếp tục núp sau tấm bình phong của một lý thuyết đã bị thải hồi, theo tôi là một chính quyền bất nhân tâm vì nếu đắc nhân tâm thì chính quyền đó đâu cần phải thường trực dùng tới bạo lực - khoác áo luật pháp 'chí công vô tư', đặc biệt đối với những gì «"khác lạ" so với nhận thức quen thuộc của mình». Dù «thật ra "khác lạ" không đồng nghĩa với chân lý nhưng cũng không đồng nghĩa với sai lầm; và quyền lực, số đông không đồng nghĩa với chân lý». Hơn nữa, một chính quyền «tự cho mình là kẻ độc quyền chân lý, tự cho mình không bao giờ phạm sai lầm; "cấm" phạm sai lầm […] là thái độ thô bạo, phản khoa học, phản ảnh một trình độ văn hoá hạn hẹp, thấp kém» ( Hoàng Tuệ: Vấn đề tiếng Việt trong Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943 của Đảng, trong cuốn 50 Năm Đề Cương Về Văn Hoá VN, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1995, trang 172).
                   
                  Báo Công An mạng, ngày 04/05/07 có đăng bài "Sử dụng ODA hiệu quả, Việt Nam bắt đầu thoát khỏi nghèo đói" (2) làm tôi nhớ đã có ghi trong sổ tay những dòng chữ sau đây:
                   
                  «Trong chế độ xã hội chủ nghĩa một ngày tiến bộ bằng hai mươi năm. Nhân dân và thanh niên các nước anh em, nhất là Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên (Bắc Hàn) đang thực hiện điều đó. Kế hoạch 7 năm xây dựng chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô đang tiến lên vùn vụt. Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc đã căn bản hoàn thành trước thời hạn ba năm. Triều Tiên đã hoàn thành kế hoạch 5 năm trong hai năm rưỡi. Nhân dân ta, trước hết là thanh niên ta, phải có quyết tâm học tập và theo kịp nhân dân và thanh niên các nước anh em.
                   
                  Các cô, các chú có quyết tâm để Bác báo cáo với Trung Ương là mỗi đoàn viên thanh niên lao động sẽ trở thành một thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa không ? (Tiếng trả lời: Thưa Bác quyết tâm ạ !)».(trích Những Lời Kêu Gọi của Hồ Chủ Tịch, nxb Sự Thật, Hà Nội 1962, tập VI, trang 62-65)
                   
                  Nếu quả thật "trong chế độ XHCN Một Ngày tiến bộ bằng HAI MƯƠI NĂM" như lời Bác bốc kích thì hậu sinh chúng ta thử len lén làm con tính: 2007-1962 = 45 năm ; 45 năm x 365 ngày = 16.425 ngày; 16.425 ngày x 20 năm = 328.500 lần tiến triển, vượt cả tốc độ siêu âm thì lý ra và ít ra 3 triệu đảng viên đâu thể nào trụ đôi chân trên mặt đất được nữa, Bác ơi !
                   
                  Vậy mà 2007 ta chỉ mới "bắt đầu thoát khỏi nghèo đói" thì cái cỗ máy kinh tế XHCN khoa học Made in VN hẳn phải được vận chuyển bằng nước sông Hồng, nước sông Hương, nước sông Sàigòn hay trong nhất thời bằng nước bọt của kẻ cuồng ngôn !
                   
                  Thường tình, bất cứ ở đâu, thời nào việc giáo dục-đào tạo hoặc trồng-đúc người đều cần và phải là quốc sách ưu tiên số 1. Tôi cũng như mọi người hằng quan tâm tới chương trình "trồng người" của ông cụ họ Hồ vĩ đại, rồi từ 15 năm qua "dưới ánh sáng của Tư-Tưởng-Hồ-Chí- Minh", nền giáo dục x-h-c-n cớ chi lại là "ngôi nhà sắp đổ" ? (3)  Xin thưa:
                   
                  -      Vì «người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình…» […]. «Điều gì có thể rèn luyện được cho học sinh biết suy nghĩ, biết phân tích thì người ta không dạy ở nhà trường. Vấn đề nào có liên quan đến chính trị, xã hội và có thể làm cho người ta tỉnh ngộ đều bị bóp méo và xuyên tạc đi.» ( Trích Hồ Chí Minh:"Đây ' công lý ' của thực dân Pháp ở Đông Dương" (viết năm 1926), nxb Sự Thật, Hà Nội 1962, trang 73-77).
                   
                  Theo dõi việc hành pháp bấy lâu nay, tôi xiết cảm thương cho Luật, tội nghiệp cho những đầu óc trí thức ngủ trên cán cân công lý x-h-c-n quá ! Tôi không thể không suy nghĩ, không thể không nảy ra kết luận rằng một bộ quốc luật bất chấp Hiến pháp phải được đặt tên là bộ luật Tarzan. Một toà án mang tính đảng là một toà án gồm những con bú dù xhcn mắc «bệnh ý chí chủ nghĩa, bệnh chủ quan nóng vội, bệnh giáo điều máy móc» (Nhà thơ Cù Huy Cận: Bản sắc văn hoá dân tộc, sđd, trang 131). Tôi lại thêm một lần vô duyên ray rứt, lẩn thẩn đặt câu hỏi: Trong mỗi phiên xử theo đơn đặt hàng trước như mấy vụ mới đây mà chúng ta đều biết, chẳng hiểu các vị quan toà cao quí kia đêm đêm về họ có ngủ yên không? Rồi bỗng dưng tôi trực nhớ tới trường hợp của «Ông Phan văn Trường (4), một nhà báo Việt Nam, đã bị hai năm tù vì ông đã có tội đăng lại một bài của báo Nhân Đạo (L'Humanité, Paris) bàn về sự "Đoàn kết huynh đệ với Cách Mạng Trung Hoa»; «hai anh em ông Vương gia Hội và Vương gia Ngãi ở Trung kỳ đã bị kết án một người ba năm tù, một người hai năm, chỉ vì có tội là bày vào tủ hàng sách của các ông quyển Tiểu sử Tưởng Giới Thạch. Một học sinh 17 tuổi bị giam cho đến tuổi thành niên vì đã làm bài thơ "Chiêu hồn nước"». (trích Hồ Chí Minh: Đông dương khổ nhục (viết từ 1921-1926) đăng lại trong Về giáo dục thanh niên, trang 22, nxb Thanh Niên, Hà Nội 1977).
                   
                  Hai chính quyền, hai nền kinh tế, hai nền giáo dục, hai nền công lý cách nhau non 80 năm, thử hỏi ai chẳng thấy "sự tiến triển, lòng khoan hồng độ lượng" khác nhau ra sao. Rõ ràng cái bọc trăm trứng chưa tiêu hoá được tí nào bài học lịch sử và tôi dám cười khẳng định "tư tưởng" trong 2 bài Văn Hoá Nước Biển và Văn Hoá Dân Chủ của tôi có "nguy cơ" hàm giá trị "trường cửu".
                   
                  Hàn Lệ Nhân
                  (Tản mạn qua đêm 24)
                   
                  Ghi chú:
                  (1) Nguyên văn là "Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay", trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du, tập Ra Trận - Thơ Tố Hữu, Tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường, trang 182, nxb Giáo Dục Giải Phóng, HN 1974)
                   
                  (2) http://www.congan.com.vn/home/van_de_hom_nay/2007/05/mlnews.2007-05-04.1025888312
                   
                  (3) http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1798
                   
                  (4) Luật sư Phan Văn Trường là một trong Ngũ Long Paris, thập niên 1910, gồm các ông:
                   
                  1/ Phan Văn Trường, 2/ Nguyễn Thế Truyền, 3/ Phan Chu Trinh, 4/ Nguyễn An Ninh và 5/ Nguyễn Tất Thành (HCM); khi viết báo cả năm người cùng ký chung một bút danh là Nguyễn Ái Quấc (với chữ ấ, theo giọng Nam = Nguyễn Le Patriot). Theo "tác giả" Trần Dân Tiên, ông Phan Văn Trường là người cưu mang ông Nguyễn Tất Thành lúc ông nầy mới chân ướt chân ráo qua Pháp "tìm đường cứu nước" (1911) sau khi thất bại trong việc xin xuyên qua cổng trường Thuộc Địa và ông Trường cũng là người dạy tiếng Pháp cho "soạn giả" cuốn Le Procès de la Colonisation Française (Bản án chế độ thức dân Pháp), «gồm những tài liệu chống Pháp, trích trong những sách của Pháp viết để ở thư viện quốc gia» tuy bấy giờ «ông Nguyễn (HCM) không đủ tiếng Pháp để viết. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên…những bài báo». (trích Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, nxb Sự Thật 1986).

                  #9
                    Hàn Lệ Nhân 26.05.2007 17:50:11 (permalink)
                    Hoá thân
                    Hàn Lệ Nhân

                    Cuối triều Hùng Vương thứ 18, có hai chị em nòng nọc sống quấn quýt bên nhau giữa một cái đầm lầy. Nào ngờ trong một cơn giông tố, hai chị em nòng nọc bị cuốn bay ra hai nơi, cô chị bị văng tuốt ra sông Mékong, cô em rớt xuống một miệng giếng bỏ hoang cách đầm không xa. Hai chị em lạc mất nhau từ đó. Không lâu sau, nòng nọc chị hoá thân thành ếch, sống đời sống lưỡng hệ / lưỡng cư tự nhiên bình thường; nhớ em nhớ chốn cũ thì chỉ việc tót lên bờ, thả mắt trông trời nhìn đất bao la, ngày đêm mặc lòng một mình buông tiếng hoài thương, thỉnh thoảng hợp xướng với các đồng loại chung quanh. Dưới giếng, nòng nọc em cũng đứt đuôi thành ếch, nhớ chị nhớ cảnh xưa thì trồi lên mặt nước đọng, nghếch nhìn ô trời vành vạnh, ngáp ngáp mươi cái lại ngậm mồm úm xuống ngay. Chẳng là hồi mới rụng đuôi, theo bản năng ếch em đã nhiều lần thử nhảy bám vào gạch quanh bờ giếng, phơi cho biết cảm giác đệ nhị hệ ra sao, song không thể vì gạch đã đóng rêu trơn tuột không sao bấu được, nói chi chuyện leo thoát khỏi giếng, do đó lâu ngày ếch em đinh ninh kiếp ếch uyên nhiên vốn chỉ cần có tí lăng quăng, chút muỗi mòng dằn bụng để sinh tồn..., vậy là quá đủ; hoàn toàn không biết cõi khô, cái nắng là gì. Sự tích ếch sông, ếch giếng khác biệt nhau duyên do khởi từ đó.
                     
                    *

                    Hai chị em chúng tôi có mấy năm học chung lớp trong trường Sơ. Phần tôi may mắn được sự quan hoài của một sơ tên Marie-Paule, đến từ Quảng Bình. Sự quan hoài này chẳng mảy may tại tôi không học giỏi như cô em và đa số các bạn cùng lớp, mà nay nghiệm lại, hoàn toàn nhờ cái tánh lơ đãng xuất hồn của tôi khi thường xuyên dỏi mắt ra cửa sổ trong giờ đứng lớp của sơ. Nhiều lần sơ hỏi nhỏ tôi "em mê mẩn nhìn ra cửa sổ để tìm cái chi?". Lúc đầu tôi giữ ý, e lệ trả lời qua quýt, sau thấy sơ cũng hơi khá đặc biệt, tôi bèn thố lộ rằng "em ngó ra cửa sổ để nương theo đôi cánh Lamartine, Musset… đẩy hồn em vút lên, vút lên cao hoà vào khung mây, hoá thân thành cọp, thành rồng trong văn giới mai này". Nghe cái mộng một tấc thấu trời, sơ trố mắt nhìn con nòng nọc dễ thương hồi lâu, nhưng rồi tủm tỉm nhìn ra mông lung, nói «cái mộng của em tương tự cái mộng của sơ lúc đã nhập thân Kinh Thánh, quyết định hiến tấm băng tâm cho Chúa Cứu Thế năm sơ 21 tuổi. Bấy giờ sơ cũng chắc mình 'sẽ' hoá thân thành một Mẹ Teresa da vàng. Kể ra…cũng đẹp».
                     
                    Mấy hôm sau, sơ đem bài ngụ ngôn La grenouille qui veut se faire aussi grosse que le bœuf (Con ếch muốn làm to bằng con bò) của Jean de Lafontaine ra dạy và dặn cả lớp học thuộc lòng và trả bài trong tuần tới. Người đầu tiên bị sơ gọi lên khảo bài lại chính là con nòng nọc đang kể lại câu chuyện! Trả bài xong, tôi hào hứng phát biểu cảm tưởng «Con Ếch muốn thành con Bò trong chốc lát, thưa sơ, hào khí đó đáng noi theo lắm chứ. Dẫu kết cuộc phải trả một giá rất đắt». Sơ cười nụ cho tôi 8 điểm/10, lập lại câu nói «kể ra…cũng đẹp»!
                     
                    Xong trung học, em tôi quyết định ở lại lập gia đình. Tôi đến chào giã biệt sơ Marie-Paule để sang Pháp học tiếp. Tiễn tôi ra tận cổng trường, sơ cầm tay tôi nói «thế nào con nòng nọc dễ thương của sơ cũng 'sẽ' đứt đuôi hoá thân thành ếch trong thi đàn nay mai». Đến năm 1981, ngay đêm ông François Mittérand thuộc đảng Xã Hội đắc cử tổng thống nước Pháp, như một số đồng hương khác, vợ chồng mới cưới chúng tôi hốt hoảng hoá thân ù qua Mỹ tị nạn lậu, ấy là do sự tự kỷ ám thị đánh đồng hai chữ Xã Hội với cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, cũng như lâu nay người ta đã nhơn nhơn không biết ngượng, đồng hoá chống độc tài đảng trị là phản quốc, phản dân; yêu nước là phải gắn liền với yêu xã hội chủ nghĩa; đụng đến nội xâm, mó tới sự thật bầy nhầy của các đầy tớ nhân dân là bôi nhọ lãnh đạo, là tiết lộ bí mật quốc gia; hó hé đòi những thứ mà dưới sự lãnh đạo của đảng -  bằng xương máu của nhân dân, đã đấu tranh đòi lại được từ thực dân đế quốc là bị vu, quy 'diễn biến hoà bình', là phá hoại sự 'ổn định' của đất nước…, là bóc lịch !
                     
                    Sau cuộc đổi đời ở Đông Dương non năm năm, bố bu chúng tôi lần lượt theo nhau hoá thân thành cát bụi, 'bay theo đường dân tộc đang bay' trong sự bình đẳng của hai chữ túng quẫn chung cả nước; em gái tôi được chọn đi học đại chương trình đại học của chế độ mới. Mười năm đầu cùng nhau sảng dưới ánh sáng chỉ đạo của các cụ râu, em tôi bóp bụng lên tiếng cầu cứu: Cứ ba tháng một lần vợ chồng tôi gửi chui số tiền chắt bóp về giúp gia đình cô em gái, vốn đã có chút danh làm tôi bộc nhân dân, cọng tí quyền là phó trưởng phòng gì đó.
                     
                    Ở Pháp rồi ở Mỹ, con nòng nọc dễ thương của sơ Marie-Paule không những không chịu đứt đuôi để thành ếch tây hay ếch mẽo mà, qua phép mầu boat people, lại hoá thân ra nòng nọc mít, có kỳ khôi không chứ. Nhà tôi an ủi: «Thôi, không thành được ếch đầm, ếch mẽo thì em cố luyện thành ếch mít đặc, rồi gồng thành bò ta coi mòi vừa dễ dàng hơn, vả cũng được lắm chứ». Con nòng nọc việt bắt đầu 'chuyên tu tại chức' từ đó, nhưng rắp ranh 'cú nhảy vọt' một phát một chuyển hoá thành…cọp, thành rồng, dứt khoát vất phăng giai đoạn quá độ thành ếch nghĩa là để khỏi vướng phải cái ngụ ngôn truyền kiếp của ông cụ Lafontaine; hơn nữa ai lại hoài công tu luyện mà chỉ để thành ếch rồi thành bò dù bự như bò bắc Mỹ, khi mà xưa nay lịch sử văn học thế giới làm gì có thứ ếch văn học, bò văn chương, nghe chẳng văn hoa tí tẹo nào.
                     
                    Hai chị em chúng tôi hẹn gặp nhau tại Bangkok vào đầu thế kỷ XXI, nhân chuyến em tôi tháp tùng phái đoàn qua Thái Lan thương thuyết về mậu dịch song phương. Hơn hai mươi năm xa cách, chị em không vì thế mà nhạt nghĩa tình cùng một lỗ chui ra, khi gặp lại. Duy điều làm tôi bứt rứt, canh cánh khó chịu là trong em gái tôi rõ ràng có hai con người tách biệt: Một, khi hai chị em nằm gác chân nhau thủ thỉ chuyện quá khứ, chuyện gia cảnh. Hai, khi lan man qua đề tài có mùi đất mùi nước, mùi tệ đoan xã hội từ sau cuộc đổi đời, đặc biệt khi có mặt dăm thành viên trong phái đoàn, nhất là khi có sự hiện diện của người đàn ông mà em tôi khúm núm gọi là thủ trưởng. Nghĩ cũng tức cười, ai đời mọi 'thành tựu to lớn' họ chớm có hôm nay (sau 20 năm định hướng) đều đến từ tụi 'tư bản bóc lột, giãy chết', ấy thế mà em tôi nói riêng, mới ngoài 40, nhập đồng hoá thân thành con ểnh ương bị kích động, phùng mang lồi mắt sổ toẹt tất tật điều gì có liên quan tới hai chữ Tư Bản với một ngôn từ, một luận điệu hao hao na ná trong vô số sách, báo trên giấy hay trên mạng mà tôi thường xuyên theo dõi bao năm nay. Đến nỗi dù muốn dù không tôi cũng bị ghi vào đầu rằng dường như những điều họ nói ra đều được vuốt kèm tính từ xã hội chủ nghĩa. Hỏi tại sao cứ nhất định phải có cái đuôi đó, thay vì trả lời gọn thẳng, họ luân phiên xàng xê quan họ một hơi rồi có cùng một kết luận huề vốn: Phải hoá thân thành dân xã hội chủ nghĩa mới thấm nhuần được cái đuôi vạn năng kỳ bí đó! Nghe họ hoả mù, thiệt tình là vẹt ca nhưng riêng tôi phải công nhận: Ba láp, song 'kể ra…cũng đẹp' và càng quay quắt nhớ sơ Marie-Paule, chẳng biết nay trôi dạt về đâu, còn hay mất.
                     
                    *

                    Trong khoảng thời gian tương đối dài hợp tình hợp lý sau thế chiến thứ 2, đó đây lần lượt nảy sinh một hai con rồng, ba bốn con cọp, nghe nói đều tiệm tiến hoá thân từ giun đất, từ mèo rừng bình thường. Mười năm sau cuộc tương tàn Đông Dương 2, trong một cái hố bom B52 người ta thấy xuất hiện một con nòng nọc có cái đầu năm cánh. Theo chu kỳ phát triển tự nhiên, con nòng nọc lạ hoá thân thành ếch nhưng hậu-cần vẫn lủng lẳng cái đuôi sần sùi, dị hợm. Các nhà sinh vật học bèn hội ý tạm đặt con nòng nọc lạ vào họ Ếch Có Đuôi, Vixi-Urodela. Ếch Vixi-Urodela (VU) nhân danh đủ thứ để tiếp tục tự phong vương trong cái ao B52, hoá thân thành ếch vô số sản sau lớp da vô sản. Với cái đuôi quái đản cọng bí chiêu Hàm Mô Công, ếch VU triệt tiêu mọi ếch nhái chẫu chàng không chịu khuất phục. Đặc điểm khác của ếch VU là lối kiếm ăn khác đời, cứ nhảy hai cú tiến lại có một cú lùi (vì vướng cái đuôi dị dạng), nhưng cứ uệch uệch rằng chỉ một cú phình là nó 'sẽ' hoá thân to bằng bác bò xiêm!
                     
                    Có con ếch chúa qua nhiều năm nằm tịnh khẩu tu luyện chờ ngày hoá thân thành thánh, nghe VU một tấc thấu trời bèn nghĩ bụng «con bò chú mày vẽ quả là to bằng mười con bò do tớ dự phóng ngày xưa», rồi cảm khái khai khẩu thành bài vè như sau:
                     
                    Nghe vẻ nghe ve
                    Nghe vè con ếch
                    Ước mong giống hệt
                    Cao lớn như bò
                    Cái bụng phình to
                    Chắc kêu lớn tiếng
                    Ếch bèn gợi chuyện
                    Cùng với con bò
                    "Xin bác chỉ cho
                    Nhờ đâu bụng lớn?"
                    Bò nghe như giỡn
                    Nhưng cứ trả lời:
                    "Chú hãy hít hơi
                    Thật nhiều vào phổi
                    Sẽ to như thổi
                    Chú ráng thử coi."
                    Ếch khoái đua đòi
                    Nên càng mê tít
                    Lấy hơi ráng hít
                    Cho bụng căng phình…
                    Bỗng nghe cái "bình"!
                    Ếch lăn ra chết.
                     
                    Thế nên mới biết
                    Cứ sính tranh giành
                    Đố kỵ ghét ganh
                    Huênh hoang tinh tướng
                    Vẽ vời ảo tưởng
                    Chỉ tổ hại thôi
                    Các đầy tớ ôi
                    Đừng quên chuyện ếch!
                    (Theo sưu tầm của Lê Thu Quỳnh)
                     

                     
                    Hàn Lệ Nhân
                    (Tản mạn qua đêm 25)

                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9