(url) Các bậc thầy văn chương thế giới: Henri Bergson
tieuboingoan 02.09.2006 22:36:32 (permalink)
Các bậc thầy văn chương thế giới:


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/6453/332ED3BF979B4989AD1E9CA40B0FD5DE.jpg[/image]


Henri Bergson


(VietNamNet) - Henri Bergson được trao giải vì sự nghiệp nghiên cứu văn học và triết học, đặc biệt là trong lĩnh vực triết học. Ông là cha đẻ của thuyết Trực giác có ảnh hưởng lớn đến văn học và triết học Pháp nói riêng và Phương Tây nói chung. Tác phẩm Tiến hóa sáng tạo là cuộc cách mạng mang ý nghĩa thời đại. Bergson đã đưa vào triết học tài hùng biện cho tư tưởng, cảm hứng và sự quan tâm đến giá trị và tính duy nhất không thể thay thế của cá nhân con người.




Giải Nobel văn học 1927

* Nhà văn, nhà triết học Pháp

* Nơi sinh: Paris (Pháp)

* Nơi mất: Paris (Pháp)


H. Bergson (1859-1941)
Henri Bergson là con một nhạc sĩ Do Thái quốc tịch Anh và một phụ nữ Anh. Từ nhỏ H. Bergson sống ở London, năm 8 tuổi sang Pháp và từ năm 21 tuổi ông trở thành công dân Pháp. Ông là học sinh xuất sắc của trường Condorcet, từng nhận phần thưởng danh dự về môn tu từ học và giải thưởng toán học.

Từ năm 1878, H. Bergson học trường Sư phạm, đỗ thạc sĩ Triết học. Năm 1889 ông bảo vệ luận án tiến sĩ với luận văn Các dữ kiện trực cảm của ý thức. Năm 1900 ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm bộ môn triết học Hy Lạp trường Quốc học Pháp (College de France). Năm 1914, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp và trở thành chủ tịch Viện Hàn lâm các khoa học chính trị và đạo đức.

Thời kì 1921-1926 ông làm chủ tịch Hiệp hội Hợp tác trí tuệ các quốc gia. H. Bergson tham dự nhiều hội nghị về triết học ở Pháp và nước ngoài, đăng nhiều bài trên các tạp chí Siêu hình học và đạo đức, Triết học, trao đổi nhiều thư từ với các nhân vật lỗi lạc trên toàn thế giới.Trong những năm đầu của thế kỉ XX, H. Bergson viết nhiều công trình khảo cứu cơ bản, mà quan trọng nhất là Tiến hóa sáng tạo (1907), có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với giới trí thức hàn lâm mà cả đông đảo dân chúng.

H. Bergson cho rằng: sự tiến hóa không đơn giản là quá trình thích ứng cơ học thụ động của các cá thể đối với môi trường sống, mà là một quá trình sáng tạo có định hướng. Việc nắm bắt và hiểu cuộc sống không chỉ dựa vào tư duy logic và phương pháp phân tích lí tính. Theo H. Bergson, chỉ có bằng lí hội trực giác (intuition) mới nắm được hiện thực, phải phân biệt “thời gian toán học” đo bằng đồng hồ và “thời gian trực cảm” (duree) của đời sống nội tâm luôn luôn vận động, không cắt ra từng mảnh được.

Về quan niệm sự sống, ông chủ trương thuyết sức sống, “sự tiến hóa sáng tạo” mà cơ sở là “đà sống” (élan vital). Các tác phẩm của H. Bergson lôi cuốn người đọc không chỉ bởi chiều sâu nội dung các vấn đề được trình bày mà còn vì văn phong sáng sủa, chính xác và uyển chuyển, đầy chất thơ làm cho ông trở thành một trong những bậc thầy của văn xuôi Pháp. Đặc biệt ông thường sử dụng hình tượng để diễn tả tư tưởng của mình, cho rằng hình tượng là một lời kêu gọi sự cộng tác sáng tạo của người đọc. Từ năm 1914, ông thường xuyên đi giảng ở các trường đại học ở các nước Âu Mỹ.

Năm 1927, H. Bergson nhận giải Nobel nhưng không thể đến dự lễ trao giải tại Stockholm. Trong thư ông viết thư gửi Viện Hàn lâm Thụy Điển có đoạn: “Kinh nghiệm lịch sử cho thấy sự phát triển công nghệ của xã hội không bảo đảm sự hoàn thiện đạo đức của con người sống trong xã hội đó. Sự tăng trưởng phúc lợi vật chất thậm chí là nguy hiểm nếu nó không được kèm theo những nỗ lực tinh thần thích hợp”.

Năm 1941, trong thời gian nước Pháp bị phát xít chiếm đóng, ông mất vì cơn xung huyết phổi tại nhà riêng; đám tang của một trong những vĩ nhân nước Pháp đã diễn ra đơn giản chỉ với khoảng ba mươi người bạn và các đồng nghiệp.

* Tác phẩm:

- Các dữ kiện trực cảm của ý thức (Essai sur les données immédiates de la conscience, 1889), khảo luận [Time and free will].

- Vật chất và kí ức (Matière et mémoire, 1896), khảo luận [Matter and memory].

- Cái cười (Le rire, 1900), tiểu luận [Laughter].

- Dẫn nhập siêu hình học (Introduction à la métaphysique, 1903), khảo luận [An introduction to metaphysics].

- Tiến hóa sáng tạo (L'Evolution créatrice, 1907), khảo luận [Creative evolution].

- Vấn đề nhân cách (Problem of personality, 1914), giáo trình.

- Ý nghĩa của chiến tranh (The meaning of war, 1914), bài báo.

- Sự tiến hóa của chủ nghĩa đế quốc Đức (The evolution of German imperialism, 1914), bài báo.

- Năng lượng tinh thần (L'Energie spirituelle, 1919), tiểu luận [Mind - energy].

- Hai nguồn của luân lí và tôn giáo (Les deux sources de la morale et de la réligion, 1932), khảo luận [The two sources of morality and religion].

- Tư tưởng và chuyển động (La Pensée et le mouvant, 1934), tiểu luận [Thought and motion].

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Năng lực tinh thần (nguyên tác: L'Energie spirituelle, tiểu luận), L. M. Cao Văn Luận dịch, NXB Đại học Huế, 1962.

- Ý thức luận (nguyên tác: Essai sur les données immédiates de la conscience, khảo luận), L. M. Cao Văn Luận dịch, NXB Đại học Huế, 1962.

- Vật chất và kí ức (khảo luận), L. M. Cao Văn Luận dịch, NXB Đại học Huế, 1963.

- Tiếng cười (hay lược khảo về ý nghĩa của hài tính), Phạm Xuân Độ dịch từ cuốn Le Rire, essal sur la signification du comique của Henri Bergson, Bộ Văn hóa - Giáo dục và Thanh niên xuất bản, 1974.

© Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây



Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Per Hallström, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Viện Hàn lâm Thuỵ Điển

Trong tác phẩm L'évolution créatrice (1907) (Tiến hoá sáng tạo), Henri Bergson cho rằng cái lâu bền nhất và thành công nhất của mọi hệ thống triết học là những gì bắt nguồn từ trực giác. Nếu tin những lời này, chúng ta sẽ thấy ngay làm thế nào ông có được những khám phá thành công và mang tính trực giác hầu mở ra cánh cổng đến với bước vào thế giới tư duy của ông. Phát hiện này được ông công bố trong luận án tiến sĩ Essai sur les données immédiates de la conscience (1889) (Tiểu luận về những dữ liệu trực cảm của ý thức).

Trong luận án này, thời gian không được quan niệm như một cái gì đó trừu tượng hay hình thức mà như một thực tại gắn bó chặt chẽ với cuộc sống và bản thân con người. Ông đưa ra thuật ngữ "khoảng thời gian" - một khái niệm có thể hiểu là "thời gian sống", tương tự như nguồn lực sống. Đó là một dòng chảy năng động, luôn phải chịu những biến thiên định tính và không ngừng tăng lên. Nó né tránh sự phản chiếu. Nó không thể gắn kết với bất kì điểm cố định nào, vì nếu làm như vậy nó sẽ bị hạn chế và không còn tồn tại nữa. Nó chỉ có thể được nhận biết và cảm nhận bằng một nhận thức nội quan và tập trung hướng vào nguồn gốc của nó.

Cái chúng ta vẫn gọi là thời gian, cái thời gian được đo bằng chuyển động của đồng hồ hay sự quay vòng của mặt trời, là một cái gì hoàn toàn khác. Đó chỉ là một hình thức được tạo ra bởi và phục vụ cho tâm trí và hành động của con người. Ở phần cuối một đoạn phân tích tinh tế nhất, Bergson kết luận rằng thời gian chẳng là gì ngoài một sự ứng dụng hình thức của không gian. Sự chính xác toán học, sự chắc chắn, sự hạn chế chiếm ưu thế trong địa hạt của thời gian, nguyên nhân khác biệt với hậu quả, và do đó mọc lên cái tòa nhà kia, một sự sáng tạo của trí óc mà sự thông minh của nó đã vòng quanh thế giới, dựng lên một bức tường vây quanh những khát vọng tha thiết nhất của tâm chúng ta hướng tới tự do.

Những khát vọng này tìm thấy sự thoả mãn trong "thời gian sống": nguyên nhân và hậu quả ở đây hoà trộn vào nhau; không gì có thể thấy trước một cách chắc chắn, vì sự chắc chắn nằm trong bản thân hành động, đơn giản là trong chính nó, và chỉ có được bằng hành động này. Thời gian sống là lĩnh vực của lựa chọn tự do và những sáng tạo mới, lĩnh vực mà trong đó mọi thứ chỉ được tạo ra một lần duy nhất và chẳng bao giờ được lặp lại cùng một cách thức. Lịch sử của nhân cách bắt nguồn từ đó. Đó là địa hạt nơi trí óc, linh hồn, hay gọi cách nào khác cũng vậy, bằng cách vứt bỏ những hình thức và thói quen của sự hiểu biết, trở nên có khả năng nhận thức trong một nhãn quan nội tại sự thật về bản chất của chính nó cũng như về sự sống phổ quát vốn dĩ là một phần của bản thân chúng ta.

Trong những dẫn chứng thuần túy khoa học, nhà triết học không nói với chúng ta về nguồn gốc của trực giác này, cái có thể nảy sinh qua việc nắm bắt và xem xét một cách khéo léo kinh nghiệm cá nhân, hoặc có thể nhờ một khủng hoảng mang tính giải thoát của linh hồn. Ta chỉ có thể đoán rằng cơn khủng hoảng này sinh ra bởi bầu không khí nặng nề của sinh học duy lí, thứ sinh học từng thống trị cho tới tận cuối thế kỉ trước.

Bergson đã được nuôi dưỡng và giáo dục dưới ảnh hưởng của khoa học này, và khi ông quyết định cầm vũ khí chống lại nó, ông biết rất ít về những vũ khí của chính nó song lại hiểu rõ sự cần thiết và sự lớn lao nó có trong lãnh địa của mình, cấu trúc khái niệm của thế giới vật chất. Chỉ khi chủ nghĩa duy lí tìm cách cầm tù cuộc sống trong chiếc lưới của nó, Bergson mới tìm cách chứng minh rằng bản chất năng động và tuôn chảy của cuộc sống vượt qua những mắt lưới của nó mà không có một rào cản nào.

Thậm chí ngay cả khi tôi có thẩm quyền, trong ít phút tôi cũng không thể giải thích về sự tinh tế và phạm vi của tư tưởng Bergson. Điều này càng không thể thực hiện được đối với một người hiểu biết rất hạn chế về triết học và chưa từng nghiên cứu về nó.

Ở điểm khởi đầu, khi bàn đến trực cảm về thời gian sống, trong những phân tích của mình, trong khi phát triển khái niệm cũng như khi đưa ra một loạt dẫn chứng, Bergson mượn một cái gì đó từ bản tính năng động, tuôn chảy và hầu như không thể cưỡng lại của trực giác này. Ta phải theo từng chuyển động; mọi khoảnh khắc đều đưa ra một nhân tố mới. Ta phải theo kịp dòng chuyển động, cố gắng hết sức để lấy hơi thở. Rất ít thời gian để suy ngẫm, bởi vào khoảnh khắc chính ta trở nên tĩnh tại, ta mất hết mọi tiếp xúc với chuỗi suy luận duy lí.

Trong một luận văn sắc bén phi thường bác bỏ thuyết định mệnh, nhà triết học của chúng ta chứng minh rằng một người trí thức thông thường, mà ông gọi là Pierre, không thể đoán trước được cuộc sống của một người khác - một ông Paul, trừ khi anh ta có thể lần theo những trải nghiệm, cảm xúc và hành động tự giác của Paul dưới mọi hình thức của chúng, đến mức trở nên hoàn toàn đồng nhất với Paul như hai tam giác cân trùng khít lên nhau. Độc giả nào muốn hiểu hết Bergson chắc chắn phải đồng hóa đến mức độ nào đó với tác giả và phải đáp ứng được những yêu cầu to lớn về năng lực và sự linh hoạt của trí tuệ.

Điều này không có nghĩa là chẳng ích gì khi đi theo tác giả từng bước một, dù tốt hay xấu. Tưởng tượng và trực giác đôi khi có khả năng bay tới những nơi mà trí óc bị bỏ lại đằng sau. Không phải lúc nào cũng có thể quyết định liệu trí tưởng tượng bị quyến rũ hay trực giác tự nhận thức bản thân nó và để chính nó bị thuyết phục. Trong bất cứ trường hợp nào, đọc Bergson luôn đem lại nhiều bổ ích.

Theo bài viết, đến nay được coi là cuối cùng, về học thuyết L'évolution créatrice của Bergson, nhà văn bậc thầy đã viết nên một bài thơ hùng vĩ đầy ấn tượng, một luận thuyết về nguồn gốc vũ trụ bao quát một phạm vi rộng lớn với sức mạnh không mệt mỏi, mà không làm mất đi một thuật ngữ khoa học chính xác nào. Đôi khi không dễ gì thu lợi từ những phân tích thấu suốt của tác phẩm hay từ chiều sâu của tư duy; nhưng ta luôn luôn tìm ra mà chẳng chút khó khăn một ấn tượng mĩ học mạnh mẽ từ nó.

Bài thơ, nếu nhìn từ khía cạnh đó, chính là một loại kịch phẩm. Thế giới được tạo nên bởi hai xu hướng đối nghịch. Một xu hướng đại diện cho vật chất, xu hướng mà theo nhận thức của chính nó, đang đi xuống; xu hướng thứ hai là cuộc sống với cảm xúc tự nhiên về tự do và sức mạnh sáng tạo bất diệt của mình, xu hướng này ngày càng hướng tới ánh sáng của tri thức và những chân trời vô tận. Hai thành tố này hoà lẫn với nhau, là tù nhân của nhau, và sản phẩm của sự hợp nhất này được phân nhánh theo nhiều cấp độ khác nhau.

Sự khác biệt cội rễ đầu tiên được tìm thấy trong mối quan hệ giữa thế giới thực vật và động vật, giữa hoạt động hữu cơ bất động và chuyển động. Nhờ mặt trời, thế giới thực vật dự trữ năng lượng mà nó chiết xuất được từ vật chất trơ; động vật thì không cần làm nhiệm vụ cơ bản này bởi nó có thể lấy năng lượng được tích trữ trong thực vật, từ đó nó giải phóng cái lực dễ bùng nổ một cách đồng thời và theo tỉ lệ phù hợp với nhu cầu của nó.

Ở một cấp mức độ cao hơn trong chuỗi tiến hóa, thế giới động vật sống nhờ việc ăn thịt chính thế giới động vật, và nhờ sự tập trung năng lượng này nó có thể tăng cường sự phát triển của mình. Vậy các quá trình tiến hoá ngày càng trở nên đa dạng và sự chọn lọc không bao giờ thừa: bản năng được sinh ra đúng vào lúc xuất hiện những cơ quan mà nó sử dụng. Trí năng cũng tồn tại ở giai đoạn phôi thai, nhưng trí óc vẫn thấp kém hơn so với bản năng.

Ở con người, đỉnh cao của chuỗi sinh vật, trí tuệ trở thành yếu tố chủ đạo và bản năng trở thành thứ yếu song không biến mất hoàn toàn; nó vẫn tiềm ẩn trong ý thức, hợp nhất mọi sự sống trong dòng "thời gian sống", nó hiển hiện trong thị kiến trực giác. Những bước khởi đầu của trí tuệ còn khiêm nhường và hạn chế. Trí tuệ chỉ được thể hiện thông qua xu hướng và khả năng thay thế những công cụ hữu cơ bằng những công cụ nảy sinh từ vật chất bất động và khai thác chúng bằng một hành động tự do.

Bản năng nhận thức được rõ hơn mục đích này nhưng, mặt khác, mục đích này vẫn còn rất hạn chế; ngược lại, trí tuệ gắn với những nguy cơ lớn hơn, nhưng cũng có xu hướng hướng tới những mục tiêu rộng lớn hơn, những mục tiêu được thực hiện nhờ văn hoá vật chất và xã hội của loài người. Tuy nhiên, một nguy cơ không thể tránh khỏi vẫn tồn tại: trí tuệ, vốn được tạo ra để hành động trong thế giới không gian, có thể bóp méo hình ảnh của thế giới bằng phương thức thu được từ khái niệm của nó về cuộc sống và có thể làm ngơ trước bản chất năng động trong nội thể nó và sự tự do vốn vẫn điều khiển mọi biến đổi không ngừng của nó. Do vậy mới có khái niệm mang tính cơ giới và chung quyết về một thế giới bên ngoài được tạo ra nhờ những sự chinh phục của trí tuệ trong khoa học tự nhiên.

Tiếp đó, chúng ta nhận thấy mình bị dồn vào ngõ cụt không lối thoát, không nhận thức được về tự do của tâm thức và mất hết mọi nguồn sống mang trong mình, trừ khi chúng ta cũng có khả năng trực giác khi lần ngược trở lại nguồn gốc ban đầu của chúng ta. Hẳn ta có thể áp dụng với cái trực giác này, điểm trung tâm trong học thuyết Bergson, lối diễn đạt rực rỡ mà ông dùng để chỉ trí tuệ và bản năng: con đường hiểm nghèo hướng tới những khả năng rộng lớn hơn. Trong giới hạn hiểu biết của nó, trí tuệ sở hữu sự chắc chắn logic, nhưng trực giác, vốn năng động như mọi thứ thuộc về thời gian sống, rõ ràng tự mãn nguyện với cường độ của sự chắc chắn mà nó có.

Đó là vở kịch: sự tiến hoá sáng tạo được phơi bày, và con người nhận thấy mình bị đẩy lên bục sân khấu bởi cái élan vital (đà sống) của cuộc sống phổ quát mà y không thể kháng cự và buộc phải hành động, một khi y nhận thức được về tự do của mình, có khả năng tiên đoán và thoáng thấy con đường dài vô tận từng được đi qua, với viễn cảnh một cánh đồng bao la dẫn tới những con đường khác. Con người sẽ chọn con đường nào trong số đó?

Trên thực tế, chúng ta chỉ mới ở đoạn mở đầu của vở kịch, và hầu như không thể khác được, đặc biệt nếu ta xét đến khái niệm của Bergson rằng tương lai chỉ được sinh ra vào thời điểm [chúng ta] sống trong nó. Tuy nhiên, ngay trong đoạn mở đầu này vẫn còn thiếu một cái gì đó. Tác giả không nói gì với chúng ta về ý chí cố hữu trong nhân cách tự do, về cái ý chí quyết định hành động và có khả năng lần theo những đường thẳng xuyên ngang qua những đường cong không thể đoán trước của nhân cách này. Hơn nữa, ông cũng không nói gì về vấn đề cuộc sống bị chi phối bởi sức mạnh ý chí, về sự tồn tại hay không tồn tại những giá trị tuyệt đối.

Bản chất của cái đà sống (élan vital) không thể đảo ngược là gì, sự tấn công quyết liệt của cuộc sống chống lại tính ì của vật chất đó, cái mà, theo cách diễn tả cừ khôi và táo bạo của Bergson, một ngày nào đó có lẽ sẽ chiến thắng cái chết? Nó sẽ biến chúng ta thành cái gì khi nó đặt dưới chân chúng ta tất cả năng lực trần tục?

Cho dù chúng có phức tạp đến đâu, ta cũng không thể thoát khỏi những vấn đề này. Liệu có phải đúng vào thời điểm tận tiến đến giải pháp, nhà triết học vẫn ngập ngừng và táo bạo giống như tác phẩm của mình trước đó và ngày càng tìm kiếm được nhiều khả năng phong phú hơn?

Vẫn còn một số điều cần làm sáng tỏ. Có phải Bergson tìm cách chấm dứt tính nhị nguyên của hình ảnh thế giới mà ông đưa ra trong khi tìm một loại élan vital áp dụng cho vật chất? Chúng ta chẳng biết gì về điều này, nhưng chính Bergson đã trình bày rằng trên nhiều điểm, hệ thống của ông chỉ là một phác thảo và những nhà tư tưởng khác cần phải hợp tác để hoàn tất nó về chi tiết.

Dẫu vậy, chúng ta biết ơn ông vì một thành tựu quan trọng: bằng một đoạn văn, Bergson đã phá tung cánh cổng của chủ nghĩa duy lí, ông đã giải phóng một động lực sáng tạo vô giá, mở ra một con đường lớn dẫn vào hải phận của thời gian sống, vào một môi trường mà trong đó tâm thức con người có khả năng tái khám phá tự do của nó và vì vậy được tái sinh.

Nếu những nét chính trong tư tưởng của ông chứng minh rằng chúng đủ sáng suốt để hướng đạo tâm hồn con người, chắc chắn trong tương lai Bergson sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng hiện nay của ông. Là nhà tạo phong cách và nhà thơ, ông không thua kém bất kì một nhà văn cùng thời nào. Trong quá trình tìm kiếm chân lí hoàn toàn khách quan, tất cả khát vọng của ông đều được thổi vào làn sóng cổ vũ của tinh thần tự do, phá vỡ xiềng xích nô dịch mà vật chất đã áp đặt lên, tạo không gian cho chủ nghĩa lí tưởng.

Thanh Loan và Tân Đôn dịch
Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính

Henri Bergson (18/10/1859-4/1/1941)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2006 11:48:30 bởi TTL >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9