CHUYỆN VỀ CHÚNG TÔI
Thay đổi trang: 123 > | Trang 1 của 3 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 42 bài trong đề mục
HBD 07.09.2006 18:04:19 (permalink)
Chuyện về em gái tôi

Mấy năm rồi tôi mới có dịp về thăm quê. Ngỡ ngàng vì sự thay đổi nhanh chóng của một miền quê nghèo xứ Nghệ đầy nắng và gió lào. Con đường vào làng đã rải nhựa. Nhiều nhà mới xây, ngói đỏ ngói nâu đủ loại. Nhưng nhà nào cũng na ná giống nhau vì có nhiều mái nhọn nhô ra thụt vào theo kiểu nhà Thái. Đang cuối vụ gặt, trên đường phơi toàn rơm rạ; xe máy đi lại khó khăn bóp còi inh ỏi. Trên trời cao trong xanh không gợn mây một chú chiền chiện vỗ cánh dừng tại chỗ, cất tiếng hót lanh lảnh. Đây đó trên nóc một số nhà đã tỏa khói bếp chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Đang tần ngần trước ngõ ngôi nhà hai tầng mới xây của cô em gái trên mảnh vườn cũ của bố mẹ tôi ngày xưa thì một tiếng reo to cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Mẹ ơi, bác Đức về! Cháu chào bác ạ.
Chạy vội líu ríu ra mở cửa cổng đón tôi là Danh, con gái thứ hai của cô em gái. Tôi ngỡ ngàng phút chốc vì trước mắt không còn là đứa cháu mảnh khảnh đen nhẻm với mái tóc khô và ám nắng ngày nào. Danh bây giờ đã là một cô gái có nước da trắng hồng với vài ba mụn cá nhỏ trên đôi gò má hơi nhô cao trên khuôn mặt bầu bĩnh. Mái tóc của cháu bây giờ đen nhánh mượt mà và phủ dài xuống quá lưng trên một bờ vai thon thả. Thời gian quả trôi thật là nhanh. Trong tôi những ký ức của mười sáu năm về trước ập về một cách nguyên vẹn...

Nhà tôi có ba anh em. Anh trai tôi ra đời mười bảy năm sau ngày cưới của bố mẹ tôi giữa tiếng xì xào bàn tán trong xóm nghèo nhỏ bé. Sự ra đời của tôi sau đó bốn năm và của em gái bốn năm sau nữa đã chấm dứt hẳn các giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của anh trai tôi. Khác biệt với lũ trẻ con trong làng, cả ba anh em chúng tôi đều học rất giỏi. Chúng tôi rất thương yêu nhau trong tình thương vô bờ bến của bố mẹ đối với đàn con. Đặc biệt đối với anh trai đầu bố mẹ tôi đã dành cho một tình cảm khác thường, thứ tình cảm được nhân lên gấp bội bởi sự chờ đợi mỏi mòn trong mười bảy năm trời. Lúc đầu chúng tôi cũng có tí chút ghen tị, nhưng sự ghen tị đó cũng mất dần đi bởi cha mẹ cũng rất thương yêu chúng tôi, nhất là khi chúng tôi khôn lớn dần lên. Anh trai tôi lên cấp ba vào học chuyên toán và nhận được bằng đại học ở nước ngoài. Về nước anh ấy công tác trong một trường đại học lớn ở Hà nội. Còn tôi đang học dở năm thứ nhất ở đại học thì lên đường nhập ngũ khi chưa tròn mười tám tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, bởi khi ấy miền Nam đang có cơ hội được giải phóng sớm sau chiến thắng lịch sử Buôn Mê Thuột. Nhưng tôi đã không có cơ hội thử lửa ở chiến trường, bởi miền Nam được giải phóng quá nhanh. Kết thúc ba năm quân ngũ tôi quay trở lại trường cũ học tiếp và sau khi tốt nghiệp đã trở thành giảng viên của chính trường đó. Em gái tôi sau khi tốt nghiệp xuất sắc cấp ba trường huyện đã thi đỗ vào trường đại học sư phạm. Nhận bằng tốt nghiệp, sau ba năm giảng dạy ở miền núi xa xôi em xin được về dạy ngay cấp hai trường làng. Hai anh em trai chúng tôi đã rất phấn khởi khi có em gái về trực tiếp chăm sóc bố mẹ, khi mà ở quê chúng tôi thường xem đó là trách nhiệm chính của cánh con trai. Rồi em lấy chồng. Tuy chồng là người cùng làng, nhưng anh là con út của một gia đình đông con nên cả họ hàng và bản thân anh đã vui vẻ để vợ ở lại trong nhà với bố mẹ tôi. Vợ chồng em gái tôi cũng chỉ được gặp nhau mỗi năm vài ba lần bởi anh ấy cũng làm ở xa nhà trong một nhà máy xi măng có tiếng hồi đó. Rồi em gái tôi sinh con trai đầu lòng khi thai chưa tròn bảy tháng. Khi cháu hơn hai tuổi vào dịp nghỉ hè tôi ghé về thăm quê. Sau bữa cơm chiều em gái kéo tôi ra sau nhà và nhỏ nhẹ nói với tôi với vẻ lo lắng khác thường:
- Em có chuyện này muốn hỏi ý kiến anh. Em mới đi khám ở bệnh viện huyện bởi em thấy có một khối u ở bụng dưới, nó cứ lớn dần lên. Bệnh viện đã kết luận là khối u tử cung và cho giấy giới thiệu đi bệnh viện tỉnh để mổ cắt bỏ. Em lo quá, không biết u lành hay u ác tính. Nhỡ ra là ung thư thì...thằng Thân nhà em còn nhỏ quá. Làm sao bây giờ hả anh?
Tôi nhìn nhanh lên khuôn mặt của Thanh em gái tôi. Mấy giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má xanh xao dưới đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ của em.
- Hay là em có thai, liệu bệnh viện có nhầm không?
- Tuyệt đối là không phải có thai anh ạ. Em gái tôi trả lời rất nhanh như đã suy nghĩ từ trước - Ba tháng trước đây vì vỡ kế hoạch em đã phải đi nạo thai và để cho chắc chắn em làm không phải ở trạm xá xã mà ở bệnh viện huyện. Kể từ hôm đưa em đi phá thai đến giờ chồng em có về đâu.
Rồi em kể lại chi tiết cho tôi việc đi phá thai thế nào. Rằng khi biết có thai em đã điện cho chồng về. Họ đã bàn tính rất kĩ. Dẫu là con thứ hai nhưng đứa đầu chưa được năm tuổi thì khi đẻ đứa thứ hai thay vì được nghỉ sáu tháng có lương sẽ chỉ được nghỉ một tháng rưỡi và sẽ không có lương và một đồng phụ cấp nào cả. Đó là luật riêng của huyện nhà quê hương tôi, một huyện nghèo đói nhưng nổi tiếng vì việc hay tự tạo ra luật pháp riêng. Mới có một mụn con mà đã quần ống thấp ống cao kiếm sống huống hồ gì hai đứa con mà lại bị cắt lương, dù là đồng lương chết đói. Nhưng nếu phá thai thì lại cả một vấn đề. Bởi họ sợ cha mẹ tôi biết. Do muộn có con nên cha mẹ tôi cực kì phản đối chuyện đó. Chính cha mẹ tôi đã căn dặn từng cặp vợ chồng chúng tôi rằng phải rất cẩn thận để không bị nhỡ kế hoạch, để vừa là không vi phạm luật nhà nước, vừa không để rơi vào tình trạng khó xử vì họ sẽ can thiệp không cho đi phá thai. Tất nhiên là cũng có thể làm theo ý mình, nhưng tôi hiểu vợ chồng cô em gái không muốn làm cho cha mẹ tôi buồn. Và thế là sau khi gửi con cho bố mẹ tôi trông, họ âm thầm ra bệnh viện, bề ngoài cứ như là họ đi chơi nhà ai đó. Chỉ ngồi nghỉ non tiếng đồng hồ ở phòng ngoài trên chiếc ghế dài dành cho bệnh nhân chờ đợi sau khi một cặp hai bà y sỹ thực hiện nhiệm vụ của mình trong vòng hơn hai chục phút, chồng lại đèo vợ về trên chiếc xe đạp mà lốp bị vấn đến bốn năm chỗ. Đến nhà, em tôi toan lên giường nằm nghỉ thêm một tí thì bố tôi lại nhăn nhó rầy la họ:
- Chúng mày chỉ lo đi chơi thôi. Đám ruộng mà nhà trường cấp cho chúng mày hôm qua bố ghé thăm thấy đã khô cạn, lúa đã cháy sém vì gió lào rồi. Sao không tranh thủ khi chồng còn ở nhà hai đứa ra tát nước đi. Mai nó đi rồi thì mày lại phải mượn người. Cố tìm thêm hạt thóc mà ăn, chứ trông vào mười ba cân lương thực của mày thì toàn ngô với sắn, làm sao con mày nó nuốt được.
Thế là hai vợ chồng đứa em tôi lại phải đèo nhau đi. Em tôi nằm nghỉ trên tấm ni lông mang theo trải bên bờ, còn chồng thì hì hục bê từng chậu nước đổ vào ruộng. Xong chiều họ lại về như không có việc gì xảy ra.
Sợ bố mẹ tôi lo nên em tôi chưa kể gì về chuyện khối u cho ai cả. Đêm ấy tôi đã kể cho bố mẹ tôi nghe và bàn tính rằng tôi sẽ đưa em ra Hà Nội để mổ cắt khối u ở ngoài đó. Dĩ nhiên là bệnh viện trung ương sẽ tốt hơn rất nhiều, ngoài ra ở đó còn có ông anh trai nữa thì việc chăm sóc hậu phẫu sẽ thuận lợi hơn. Thế là ngay ngày hôm sau anh em chúng tôi khăn gói lên đường. Em tôi điện báo cho chồng để chồng tự ra Hà Nội sau. Ông anh tôi có quen một anh bạn bác sỹ có tiếng ở bệnh viện C, nên em tôi lập tức được chúng tôi đưa đến đấy. Ông bác sỹ còn cẩn thận mời thêm mấy bà bác sỹ bậc thầy khác để khám cho em gái tôi. Hầu như họ đều nghi vấn là Thanh có thai. Nhưng em gái tôi quả quyết là không có chuyện đó vì đã đi nạo thai rồi. Sau mấy phút phân vân nhóm hội chẩn hội ý và quyết định lên lịch mổ. Tuy nhiên ông bạn của anh tôi vẫn giữ ý kiến của mình là em tôi có thai. Hồi đó việc siêu âm chưa có nhiều như bây giờ, nếu xếp hàng thì còn hơn chục ngày nữa mới đến lượt. Ông đã giúp để em tôi được siêu âm sớm, chỉ sau một ngày chờ đợi. Kết quả là Thanh đã có thai được hơn bốn tháng. Ông cam đoan rằng thai phát triển bình thường và khuyên nên giữ lại vì thai đã to việc phá thai sẽ rất nguy hiểm, và vì đó mới là con thứ hai. Thế rồi hai vợ chồng lại khăn gói về quê với một nỗi lo khác. Như vậy là bệnh viện huyện quê tôi đã tiến hành ca nạo thai có một không hai trên thế giới và thật là hú vía nếu em tôi tiếp tục xuống bệnh viện tỉnh phẫu thuật và nếu ở đó lại vẫn chỉ có các bác sỹ như ở huyện... Cháu Danh của tôi quả thật là tốt số.
Gần ba tháng sau chúng tôi nhận được tin mẹ của chúng tôi bị ốm nặng. Hai anh em vội vã cắt phép về quê. Bà cụ bị cơn xuất huyết não nằm mê man không biết gì. Năm ấy trời lại rét đậm. Mấy anh em chúng tôi thay nhau túc trực chăm sóc cụ. Dù có bếp than bên cạnh nhưng lúc nào cũng cảm thấy rét. Hơn chục ngày đã trôi qua, chúng tôi đã sắp hết hạn phép mà bệnh tình của bà cụ chẳng thuyên giảm gì cả. Bố tôi bảo :
- Bố lo quá, chỉ sợ cái Thanh lại đẻ vào đúng lúc này thì khi các con đi rồi một mình bố không biết xoay xở làm sao.
Nỗi lo của bố tôi là có lý, vì em gái tôi đẻ đứa đầu cũng chỉ khi thai mới bảy tháng. Thanh động viên bố rằng em chưa đẻ ngay đâu, nhưng tôi hiểu trong thâm tâm em cũng lo lắm.
Sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, mới độ hơn bốn giờ sáng thì em tôi mếu máo đánh thức tôi dậy :
- Anh dậy đưa em đi nhà hộ sinh đi, em đau bụng quá. Có lẽ em đẻ mất.
Tôi vội vàng xách xe đạp ra sân, nhưng Thanh lại bảo rằng anh phải đi xe máy thì chắc mới kịp. Có lẽ dù đau đã lâu nhưng em cố nhịn. Ông anh tôi cũng thức dậy và ba anh em cùng đi trên một xe. Vợ của ông anh tôi là bác sỹ, do vậy anh cũng biết chút ít kiến thức về y học. Điều này làm tôi vững tâm hơn. Nhà hộ sinh của xã nằm ở trên đồi ngay đầu thôn, cách nhà tôi hơn một cây số. Đến nơi nhìn quanh chắng có một ai, anh tôi dìu em gái vào phòng hộ sinh, còn tôi chạy tìm cô y tá trực. Đánh thức cô ta dậy, tôi nhận được nhiệm vụ nhóm lửa luộc bộ đồ nghề đỡ đẻ của cô, còn cô tất tả chạy xuống nhà hộ sinh. Đang loay hoay chưa nhóm được lửa vì củi còn tươi mà bếp lại lạ thì cô y tá đã quay trở lại và thông báo rằng khi cô xuống đến nơi thì em tôi đã đẻ rồi. Người đỡ đẻ không ai khác lại chính là ông anh tôi. Cháu Danh của tôi lúc đó cả tã lót chỉ cân nặng một cân bảy trăm gam. Đến chiều thì chúng tôi đưa mẹ con Thanh về nhà, bởi dù khó khăn còn tốt hơn là ở lại nhà hộ sinh. Ở đó giường chiếu tồi tàn, hơn nữa vách lại trống tuyếch trống toàng, gió lạnh thổi hun hút rét đén thấu xương. Chúng tôi còn ở quê thêm một tuần. Trong thời gian đó anh tôi vừa là y tá vừa chăm sóc mẹ, vừa chăm mẹ con bé Danh. Còn tôi là anh nuôi của cả nhà. Rồi chúng tôi cũng phải ra Hà Nội. Em tôi đã phải dậy tự giặt giũ, nấu ăn, chăm sóc mẹ với sự giúp đỡ của ông bố già và sự đùm bọc của bà con lối xóm. Điều đáng nói hơn là đúng như luật của huyện nhà em tôi chỉ được nghỉ một tháng rưỡi không lương, không phụ cấp. Ngoài ra năm học đó em tôi chẳng có danh hiệu gì và việc tăng lương bị chậm đi một năm. Cũng chẳng ai nghĩ đến trong việc này lỗi thuộc về ai: chế độ, chính sách hay là hai bà y sỹ nạo thai, vợ chồng cô em gái hay là chính cháu Danh bé nhỏ của chúng tôi...

Nhiều lúc tôi tự hỏi rằng sau vài ba chục năm nữa nếu kể lại chuyện này liệu có còn ai tin không?
HBĐ
#1
    HBD 08.09.2006 20:43:28 (permalink)
    Ri ta
    Tôi quen Ri ta rất tình cờ. Hôm ấy tôi có việc đi ra ngoài thành phố, khi trở về thì đã xế chiều. Mới đầu tháng tư nhưng bầu trời đã trong xanh như dịp hè tháng bảy, tuy nhiên trên các cánh đồng và các con đường nhỏ trong làng tuyết vẫn còn chưa tan hết. Tuyết tan chảy ra lênh láng, đọng thành từng vũng lớn hai bên đường. Cây cối vẫn còn trọc lóc giơ cành xơ xác. Thỉnh thoảng trên một số cành bạch dương mọc ở vùng đất ẩm đã nhu nhú chồi, tuy nhiên chúng có mọc được ra sớm nhất thì cũng phải vào đầu tháng năm. Tới khúc quanh vào thành phố, nhìn thấy con đường nhỏ đi qua một làng ven đường, xa hơn là một quãng đồng. Nhìn những ngôi nhà tầng thành phố đã lấp ló phía sau, tôi nảy ra ý định đi tắt. Đó là ý định hoàn toàn bất ngờ nhưng xem ra là lô gíc bởi đèn báo xăng hết trong xe đã nhấp nháy, ngoài ra tôi cũng tò mò muốn biết tận mắt cảnh nông thôn Nga thế nào. Tuy nhiên tới quãng đồng thì tôi mới biết là có thể đã tính toán sai. Quãng đồng tuy ngắn, nhưng có một đoạn lầy lội, vết bánh máy kéo cày sâu xuống bùn. Tôi xuống xe lội tận nơi xem xét. Sau một lúc băn khoăn suy tính tôi vẫn quyết định đi qua, bởi nếu quay trở lại thì có thể xăng không còn đủ. Dù đã chọn lựa lối đi khả dĩ nhất nhưng khi ra đến giữa quãng đồng xe tôi vẫn bị sa lầy. Đi tìm mấy hòn gạch vỡ bỏ xuống, tôi lên xe rồ ga trồi lên tụt lại mấy lần nhưng vô hiệu. Bánh sau bên phải còn bị ngập xuống bùn sâu hơn. Tình thế thật là tuyệt vọng. Trời đã gần tối mà ở gần đây tôi lại chẳng quen ai cả. Có lẽ phải bỏ xe lại đây rồi đi bộ ra đường bắt xe về thành phố, sáng mai đến sớm tìm cách kéo lên vậy. Đang lắc đầu ngao ngán bởi sự rồ dại của mình thì một giọng con gái cất lên ngay sau lưng làm tôi giật mình:
    - Tại sao chú lại đi lối này? Phải hơn một tháng nữa thì xe con mới qua đây được. Thôi để cháu giúp chú vậy. Chú tìm thêm ít gạch đá bỏ vào dưới lốp, cháu sẽ đẩy hộ thêm phía sau may ra thì có thể lên được.
    Tôi ngoảnh lại. Một cô gái xinh xắn khoảng mười lăm tuổi người tầm thước đã đứng ngay sau lưng tôi tự lúc nào. Một cô gái thuần Nga. Mái tóc dài màu nâu nhạt hơi xoăn phủ dài xuống gần mông. Mấy sợi phía trước bay phất phơ trên khuôn mặt trái xoan với cái mũi nhỏ xinh xắn không quá cao như ở nhiều người Nga khác. Đôi môi mỏng được tô son hồng một cách vụng về. Bộ ngực tròn căng phồng sau lần áo len mỏng màu tím nhạt bó chặt lấy vòng eo thon và vóc dáng nhỏ nhắn. Chiếc váy ngắn màu đen phủ lên đôi chân thẳng sau lớp vớ dài màu da. Nhưng gây ấn tượng nhất cho tôi là đôi mắt. Sau bộ lông mi cong vút là đôi mắt xanh biếc màu da trời, tuy trong sáng nhưng không che được nét buồn phảng phất trong đó. Phải nói là cháu rất đẹp, cái đẹp riêng hòa với cái đẹp mơn mởn vốn có của tất cả các cô gái Nga tuổi mười lăm mười bảy.
    Tôi lúng túng làm quen, và được biết cháu tên là Ri ta, cháu sống với ông bà ngoại ngay xóm trước mặt. Sau khi cùng với tôi bê thêm mấy hòn gạch vỡ cho vào dưới lốp, Ri ta ra sức đẩy phía sau trong khi tôi mở cửa đứng ngoài xe thò chân vào rồ ga, còn vai cũng ghé vào thành xe đẩy. Bánh xe quay tít, bùn cuộn bắn ra phía sau ào ào, nhưng rốt cục xe cũng chẳng lên được. Tôi ái ngại nhìn Ri ta, bùn đã lấm hết từ chân tới đầu. Ri ta nói với tôi:
    - Để cháu về nhà bảo ông cháu mang máy kéo ra. Chú đứng đợi vậy nhé.
    Tuy thật là phiền nhưng không còn cách nào khác nên tôi đồng ý. Tôi nhìn cháu đi về mà thấy ái ngại. Chắc là cháu sẽ bị ông bà mắng cho một trận bởi hơi đâu mà lại đi giúp một người không quen biết ngoài đường, hơn nữa đó lại là một người nước ngoài. Tôi chờ nhưng ít hy vọng cháu quay trở lại. Thế nhưng chỉ hơn mười lăm phút sau một chiếc máy kéo từ từ lăn bánh đi về phía tôi. Trên xe có cả Ri ta. Đến chỗ tôi, cả hai nhảy xuống. Ông của Ri ta là một ông già người nhỏ thó, xương xẩu. Tầm vóc ông chỉ bằng người Việt Nam cao trung bình. Tôi dự đoán ông gần bảy mươi tuổi. Tôi chào, bắt tay ông và giới thiệu tên mình. Ông nói:
    - Tôi là Xasa, ông già Xasa. Cứ gọi Xasa là đủ. Còn anh là người Việt Nam?
    Tôi trả lời phải.
    - Ngày xưa lúc vợ tôi làm công nhân trong nhà máy hóa chất cũng có rất nhiều người Việt nam làm ở đó. Có mấy cô cũng đã đến nhà tôi chơi. Một người trong số đó rất thân với bà nhà tôi. Cô ta tên là Hòa. Đã lâu chúng tôi không nhận được tin tức gì của cô ấy cả. Chỉ biết cô ấy sống ở Hải Phòng. Chúng tôi cũng thường kể với Ri ta về những kỷ niệm ngày xưa này.
    Vậy là tôi có thể chút ít giải thích về sự nhiệt tình của Ri ta. Ngoài lòng tốt vốn có của cô, chắc hẳn cô còn có cảm tình nhất định đối với người Việt Nam thông qua các câu chuyện kể của ông bà.
    Nói rồi ông lùi máy kéo lại sát vào đầu xe tôi, xong lấy dây cáp ra. Tôi móc vào và ngồi lên xe. Chiếc máy kéo khẽ rùng mình một tý rồi nhẹ nhàng kéo xe tôi qua khỏi chỗ lầy lên chỗ khô ráo. Thế mà đầu tiên là tôi, sau còn cả Ri ta nữa hỳ hục mãi mà không làm gì được. Thật là may cho tôi quá, chắc là khi ra khỏi nhà ngẫu nhiên tôi đã bước ra bằng chân phải!
    Cuộn dây lại trả ông già xong tôi nói lời cảm ơn và móc túi ra lấy năm chục rúp, số tiền khi đó có thể mua được hai chai rượu đưa cho ông già và nói là để ông mua dầu ma dút chạy máy kéo. Ông già đẩy tay tôi ra cười to thoải mái và nói:
    - Chàng trai trẻ ơi, ông cháu tôi giúp cậu lúc khó khăn chẳng với ý định lấy tiền đâu. Đó là chuyện nhỏ mà, cậu đừng bận tâm. Mà trời còn sớm chán, mời cậu ghé nhà tôi chơi để bà nhà tôi còn có dịp hỏi thăm về người bạn. Bà ấy vừa nấu nồi xa-ma-gôn ngon tuyệt. Hãy ghé vào làm với tôi vài chén đi.
    Quả thực là lúc đấy tôi thật sự lúng túng. Nếu trả lời không thì thật bất nhã trước thịnh tình của ông già, nhưng nếu đồng ý thì cũng bất tiện. Tôi đã làm phiền cả hai ông cháu, nếu ông lấy tiền thì đã là một nhẽ. Lẽ nào tôi lại vào để phiền cả bà phải tiếp đón tôi nữa, vả lại quần áo của tôi bùn đất nhem nhuốc. Tôi tìm cách khoái thác:
    - Thôi có lẽ để lúc khác, chẳng hạn vào chủ nhật này. Hôm nay tôi còn có việc bận, nhưng tôi nhất định sẽ đến thăm.
    Tôi nói vậy và cũng nghĩ như vậy. Tôi tự nhủ rằng sẽ đến thăm để cảm ơn ông cháu Ri ta. Và rồi sau khi chỉ dẫn cặn kẽ cách đến nhà cho tôi, hai ông cháu lên xe đi về. Còn tôi vuốt tạm bùn trên áo quần và lấy giẻ lau những vết bẩn trên xe. Để xe bẩn thế này mà vào thành phố thì thế nào cũng bị mất tiền cho cánh công an giao thông. Họ nhìn thấy chúng tôi, những người nước ngoài, nhất là dân châu Á thì thường ách xe lại kiểm tra bắt bẻ đủ điều để kiếm tiền phạt. Dĩ nhiên là muốn thoát khỏi phải vào nhà băng nạp tiền phạt và sau đó đến đồn cảnh sát giao thông đợi hàng tiếng đồng hồ để lấy lại bằng lái xe thì tốt nhất là cho tiền vào túi riêng của ngài cảnh sát. Nếu không có vướng mắc gì như lốp hơi bị mòn hay phanh tay làm việc không được tốt v.v, thì cuối cùng xe bẩn cũng là một lý do: lý do làm mất mỹ quan thành phố. Khi tôi nổ máy xe thì máy kéo của ông già đã khuất sau ngôi nhà đầu tiên của xóm. Nhưng niềm vui của tôi đã không có được lâu. Chỉ đi được non nửa cây số thì xe hết sạch xăng. Ra đến đường cái còn gần hai cây số nữa. Hơn nữa để mua được xăng thì còn cần phải có can và lại không được là can nhựa. Lấy đâu ra bây giờ. Cuối cùng tôi nghĩ cũng chỉ còn cách là lại vào nhà ông già để nhờ cậy tiếp. Nếu ông có xăng để mua lại thì tốt, nếu không thì mượn tạm cái can vậy. Đúng như chỉ dẫn của ông già tôi tìm đến ngôi nhà sơn màu xanh nằm cạnh nhà hai tầng đang xây dở. Nhà ông mái lợp tôn, dài nhưng thấp; trên nóc nhà một ống khói to nằm chệch về bên trái một tí. Tôi nhìn quanh, các nhà ở đây đều na ná giống nhau và nhà nào cũng không được đánh số cả. Nếu như ông già không chỉ dẫn kĩ và không có nhà xây dở bên cạnh thì chắc tôi phải tìm lâu mới ra. Bờ rào gỗ vây quanh mảnh vườn con. Trong vườn phía trước nhà một gốc táo già tỏa tán rộng chen lấn với một cây khác nhỏ hơn mà lúc đó tôi đoán là cây mận bởi chúng chỉ trơ cành không nhận biết được. Một chú chó ngao to nằm cạnh ngõ phía trong bờ rào đang lim dim ngủ. Cỡ này mà xông vào cắn xé ai thì phải nói là hết đường chạy. Tôi chột dạ nghĩ vậy và rón rén đi lại sát cánh cửa cổng bằng sắt để bấm chuông. Thấy động nó lao ra sủa to lên mấy tiếng, hai chân trước bắc lên bờ rào. Tôi hoảng hốt lùi lại mấy bước, nhưng thấy nó bị xích hơn nữa nó lại thôi sủa ngay và ngoắt đuôi mừng nên thấy yên tâm. Ra mở cửa là một người đàn bà tuổi trạc ngoài sáu mươi, khổ người nhỏ và không to béo như những bà già Nga khác. Bà mặc bộ quần áo vải xanh công nhân, chắc là còn tất bật làm gì đó trong bếp. Khuôn mặt phúc hậu toát lên sự hiền lành và dễ gần. Chắc thời con gái bà cũng xinh lắm, và Rita đã thừa hưởng được nhiều từ ren của bà ngoại. Nhìn thấy tôi bà gật đầu chào xong vội vã quay trở vào gọi ông già. Như vậy là ông cháu cũng đã kịp kể cho bà về chuyện của tôi. Ông bước ra mở cửa và cười rất sảng khoái:
    - Tôi đã bảo mà, vội về làm gì. Chắc hết xăng rồi phải không? Thôi chuyện đó nói sau. Đi vào với tôi làm mấy chén xa-ma-gôn đã, tôi đang ngồi uống một mình buồn lắm đây.
    Nói rồi nắm tay tôi kéo xềnh xệch vào nhà. Trong phòng con cạnh bếp trên bàn một chai rượu chỉ mới vơi một tí nằm cạnh một đĩa dưa chuột muối, một đĩa với mấy khoanh giò mỏng và hai lát bánh mỳ đen để lên trên cùng với một cốc nước lọc to. Bảo tôi tháo giày ra và sau khi đưa cho tôi đôi dép đi trong nhà ông bước lại bàn và rót thêm một ly rượu nữa. Tôi thấy khó xử quá, bởi xe còn nằm ngoài kia, hơn nữa nếu uống rượu thì chốc nữa làm sao mà về; tôi sẽ chẳng có đủ tiền phạt để nạp cho cảnh sát giao thông. Như hiểu ý của tôi, ông già nói:
    - Đừng bận tâm đến chuyện xe. Ta chỉ làm vài chén thôi, sau đó tôi sẽ chở cậu ra. Xe của tôi ngay ga ra trước nhà, và xăng thì cũng đã có sẵn trong can rồi. Cậu có thể nghỉ lại ở nhà tôi, sáng mai về sớm cũng kịp chán. Còn nếu dứt khoát muốn về thì tôi sẽ chở cậu về. Cậu đừng lo, bọn cảnh sát giao thông không làm gì tôi đâu; họ đã nhẵn mặt tôi rồi.
    Thế là tôi chẳng còn cớ gì để chối từ nữa. Tôi ngồi vào bàn của ông và cụng ly. Tôi đã suýt sặc vì không ngờ rượu nặng độ đến vậy. Ông cười bảo tôi rằng thứ xa-ma-gôn này tự nấu nên lấy cao độ, chứ chẳng như loại rượu nhà nước nấu bán đâu. Rượu này vừa rẻ, lại vừa ngon.
    Chúng tôi uống mỗi người ba ly, xong ông già ra ga ra lấy xe và can xăng mười lít chở đến chỗ xe của tôi. Ông bảo:
    - Tôi cho anh vay xăng nhé. Hôm nào có điều kiện thì ghé thăm và trả lại cho tôi. Mà cậu cũng phải xem mà sửa cái tính lơ đễnh ấy đi. Phải dự trù các tình huống chứ bất trắc xẩy ra thì có lúc sẽ còn vất vả hơn hôm nay đấy. Cứ học tôi đây này, cậu thấy tôi còn có cả xăng dự trữ trong can nữa.
    Quay trở lại nhà thì cả bà cả cháu đã ngồi bên bàn đợi chúng tôi. Trên bàn còn thêm mấy món ăn nữa, đặc biệt là món xalát ngô và cá rán tẩm bột. Chắc bà làm thêm để đãi khách. Và rồi chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi kể chuyện về cuộc sống bây giờ ở Việt Nam, về bản thân tôi. Rằng tôi hơn mười lăm năm trước nhận tấm bằng đại học tại Mátxcơva, nay mới có dịp quay trở lại để học nghiên cứu sinh. Còn ông bà kể về gia đình họ. Họ sinh ra và lớn lên ở tỉnh bên cạnh và cùng học phổ thông với nhau. Tình yêu cũng nảy nở khi còn ở dưới mái trường. Cả hai rủ nhau đến đây làm công nhân ở nhà máy hóa chất, rồi cưới nhau, rồi đẻ con, rồi mua ngôi nhà này. Nay thì họ đã về hưu. Họ có hai cô con gái. Rita là con gái đầu lòng của cô chị. Cháu đã ở với ông bà từ khi cháu chưa đầy hai tuổi. Nay Rita đã mười sáu và đang học lớp mười. Còn vợ chồng cô con gái thứ hai cũng ở ngay trong thành phố. Câu chuyện đưa đẩy đã làm cho ông già uống nhiều hơn thường ngày, có lẽ ông đã say. Còn tôi cũng chuếnh choáng. Bởi vậy khi tan cuộc thì ông già đã không thể thực hiện lời hứa là đưa tôi về. Tôi đành ngủ lại trên chiếc đi văng ở phòng ngoài, sau đó sáng dậy mới trở về trường. Nhưng cũng từ ngày đó trở đi tôi thường ghé thăm gia đình ông và dần dà trở nên thân thiết với cả nhà. Tôi thường giúp Rita giải bài tập toán mỗi khi tôi có mặt, còn cháu uốn nắn tôi nói tiếng Nga cho đúng, giới thiệu cho tôi về các ca sĩ Nga mà cháu ngưỡng mộ, tập nhảy cho tôi v.v. Và tôi cũng đã giải thích được điều mà tôi có nhận xét từ đầu rằng trong mắt cháu chứa đựng một nỗi buồn thường trực. Rita là sản phẩm của tình yêu vội vàng của bố mẹ cô. Sau khi Rita mới được sinh ra thì bố cô bỏ mặc mẹ con cô để đi với một người đàn bà khác. Còn mẹ cô cũng phải lòng một người đàn ông khác. Ông ta không chấp nhận để mẹ cô mang Rita theo. Bởi vậy để nhận được tình yêu cho bản thân thì mẹ cô đành phải gửi Ri ta cho ông bà ngoại khi cháu chưa đầy hai tuổi. Và thế là Rita lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà ngoại, thiếu hẳn tình thương của bố và cả của người mẹ.
    Thời gian thấm thoắt trôi đi. Hơn một năm sau Rita tốt nghiệp phổ thông và thi đậu vào đại học. Cháu chọn đúng trường mà tôi đang làm nghiên cứu sinh để thi vào.Từ đó chúng tôi càng thân thiết vói nhau hơn. Tuần vài ba lần cháu ghé vào kí túc xá thăm tôi, còn thứ bảy hàng tuần cháu lại đợi tôi để chúng tôi cùng về nhà cháu. Ri ta chuyển gọi tôi bằng bố. Cháu tâm sự với tôi rằng cháu chưa biết thế nào là tình thương của bố, cho nên cháu nghĩ tình cảm từ tôi chắc là cũng giống thế. Có lúc cháu lại bảo tôi như một người bạn tin cậy. Điều này tôi cũng cảm nhận được bởi cháu đã tâm sự với tôi tất cả những chuyện thầm kín nhất của mình. Ai tán tỉnh, ai theo đuổi cháu, còn cháu có cảm tình với người nào cháu đều thổ lộ với tôi, nhất là khi cháu bắt đầu yêu. Mối tình đầu của Rita không phải là bạn học cùng lớp, không phải là bạn cùng làng. Đó là một anh chàng mà cháu tình cờ quen trong một buổi sinh nhật của Lê na, là bạn gái thân nhất của cháu. Đó là một chàng điển trai, nhiều hơn cháu gần chục tuổi, tên là Xéc gây. Hôm sinh nhật đó tôi cũng có mặt. Tôi cũng cảm nhận được là tình yêu sét đánh đã đến với cháu. Nhưng tôi linh cảm một điều gì đó không ổn sẽ đến với Rita, linh cảm của một người lớn tuổi. Họ lập tức quấn quít lấy nhau, và đến cuối buổi sinh nhật thì hầu như cháu đã quên mất mục đích của cuộc vui, quên mất bạn gái Lê na thân thiết và cả tôi. Tan cuộc đã gần một giờ sáng cháu còn theo Xéc gây đi đến sàn nhảy chơi đến tận sáng sớm hôm sau. Tôi một mình về nhà ông bà ngoại cháu. Cả hai ông bà suốt đêm không ngủ được, bởi đó là lần đầu tiên cháu đi chơi cả đêm không về. Hôm sau đến tận chiều lúc ngủ dậy trên gương mặt cháu nét mệt mỏi còn hằn rõ nhưng trong đôi mắt lại phảng phất hạnh phúc. Cháu kể với tôi tất cả mọi chuyện xảy ra tối hôm qua sau khi chia tay với tôi và đúng như tôi linh cảm, cháu đã trao đời con gái cho anh ta. Nhưng điều làm tôi lo lắng hơn là khi cháu kể về lai lịch của Xéc gây. Hóa ra từ lâu cháu đã biết và ngưỡng mộ anh ta, nhưng nay thì mới có dịp tiếp cận. Xéc gây là con trai độc nhất của một gia đình khá giả. Anh ta bị đuổi học khi đang học năm thứ ba đại học bách khoa. Từ đó đến nay anh ta chỉ lêu lổng không chịu làm gì cả, hàng ngày đốt tiền của bố mẹ. Gần đây để đánh đổi lại việc anh ta chịu vào học tiếp một trường đại học tại chức, bố mẹ Xéc gây phải tậu cho anh ta một chiếc xe Auđi đời mới sang trọng. Ri ta còn kể cho tôi nghe rằng bố mẹ anh ta còn cố ép anh ta cưới vợ. Đối tượng là một cô gái đang học năm cuối của trường Đại học sư phạm, con nhà tử tế nhưng nghèo. Bố cô ta là bạn cũ của bố Xéc gây.
    Thời gian tiếp theo là những ngày tháng nặng nề đối với Ri ta. Hầu như sau đó cháu thường xuyên đi học với bộ mặt thiếu ngủ. Đầu tiên là do đi chơi với anh ta quá nhiều, mà đối với Xéc gây thì đêm lại là ngày. Sau thì còn nhiều chuyện khác. Một là khi Ri ta biết anh ta nghiện rất nặng. Bị xốc cháu đã định bỏ chạy khỏi tình yêu, nhưng không thoát nổi. Hai là khi cháu biết anh ta bắt cá hai tay: anh ta vẫn đi chơi với cô sinh viên sư phạm và nhất là việc anh ta cưới cô ta sẽ là sự thật. Điều này thật sự làm cho cháu choáng váng. Tất cả những điều này Ri ta giấu biệt ông bà, chỉ kể cho tôi nghe. Nhưng rồi bỏ mặc những lời khuyên giải của tôi, cháu vẫn lao theo cuộc tình như một con thiêu thân. Rita còn tự bào chữa rằng anh ta chỉ thực sự yêu cháu, còn quan hệ với cô kia chỉ là để bố mẹ anh ta an lòng và cấp tiền cho anh ta ăn chơi. Ngây thơ hơn là dần dần cháu cho rằng chính cô gái kia đã quấy phá tình yêu của cháu. Ri ta đã mu muội. Tôi hiểu và chỉ chờ đợi một phép thần nào đó sẽ giải thoát cho cháu. Hoặc là anh ta cưới vợ và Rita hiểu ra, hoặc anh ta tự nhiên trở thành người tốt và anh ta yêu cháu thực sự...
    Và phép thần đó đã đến nhưng với một hoàn cảnh mà không một ai trông đợi. Sau mấy ngày tết ăn chơi trác táng, anh ta bị sốc thuốc và chết. Anh ta đã bơm vào mình một lượng thuốc phiện quá liều. Rita khóc lóc vật vã mấy ngày liền. Trông cháu tiều tụy hẳn đi. Anh ta được chôn cất trong một nghĩa trang ven đường mà hàng ngày cháu đi học phải đi qua. Thời gian đầu ngày nào Rita cũng ghé vào thăm mộ. Những lần cùng với cháu từ trường về chơi nhà ông bà, lần nào tôi cũng ghé vào đợi cháu và yên lặng đứng nhìn cháu bỏ lên nấm mộ một vài bông hoa, nhổ mấy gọng cỏ, thì thầm với anh ta mấy câu gì đó...Tôi không thể giải thích được vì sao Rita đã yêu anh ta đến vậy. Tôi nghĩ rằng thời gian sẽ là phương thuốc nhiệm màu và Rita sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng thực tế không như tôi nghĩ. Từ đó Rita dửng dưng với đàn ông. Cháu tâm sự với tôi lửa tình trong cháu giờ tắt ngấm, cháu không thấy rung động trước một ai nữa. Cháu càng thân thiết và tin cậy tôi hơn. Lần lượt các bạn gái của cháu đi lấy chồng. Tôi đã cùng với cháu tham dự tất cả các đám cưới đó. Đến dự các đám cưới này các cô cậu đi thành từng đôi : hoặc đã thành vợ thành chồng, hoặc đang yêu nhau. Duy chỉ có Rita đơn độc, chỉ có tôi đi cùng như một người cha, một người bạn.
    (Còn tiếp)
    HBĐ
    #2
      HBD 12.09.2006 15:11:51 (permalink)
      Ri ta (tiếp)
      Một chiều thứ bảy, như thường lệ tôi cùng Rita từ trường trở về. Mới vào giữa tháng mười một mà tuyết đã rơi dày. Năm nay tuyết rơi sớm quá. Trên một số cây phong tán lá vàng vẫn chưa trút hết. Mỗi cơn gió mạnh kéo thêm một ít lá bay tứ tung lẫn với màu trắng của tuyết hòa với màu xám đục của bầu trời tạo nên cảnh sắc thật là ảm đạm. Đầu mùa việc thu dọn tuyết còn chưa vào nề nếp nên đường thật trơn. Chỉ hơn ba mươi cây số mà chúng tôi ì ạch mãi mới tới nơi. Hôm nay theo kế hoạch trước khi về nhà ông bà ngoại chúng tôi sẽ ghé vào căn hộ của mẹ Rita. Hôm nay là sinh nhật của Julia, cô bạn học thời phổ thông của Ri ta, họ mượn căn hộ này làm nơi tụ tập. Mẹ và em trai của Ri ta con của ông bố dượng quá cố đã về nhà ông bà ngoại từ chiều để nhường chỗ cho lũ trẻ. Tôi cùng Rita ghé vào một ki ốt ven đường để mua thực phẩm và hoa tặng sinh nhật. Khi móc túi trả tiền thì mới biết mình đã quên ví tiền ở trường không mang theo. Đã thế thì tất cả hộ chiếu giấy tờ xe, bằng lái xe và điện thoại di động đều không có hết. Vì vội thay cái quần mới để dự sinh nhật cô bạn của Ri ta cho “oách” nên tôi đã quên lấy từ quần cũ bỏ sang. Thật là hú vía, vì nếu dọc đường không may bị trạm cảnh sát giao thông nào đó dừng lại kiểm tra thì đã còn phiền hơn nhiều. Sau khi đã phải trả lại hầu hết số thực phẩm, số tiền ít ỏi còn lại trong túi Ri ta chỉ đủ để trả thêm cả tiền hoa. Chúng tôi rầu rĩ trèo tên tầng năm trong ngôi nhà sáu tầng được xây từ hồi Xít ta lin và chờ đợi hội bạn bè kéo tới. Nói là hội cho oách nhưng thực ra chỉ có Julia cùng bạn trai và vợ chồng mới cưới Lê na. Đây là số bạn bè thân thiết nhất của Rita.
      Ri ta bảo tôi:
      - Thôi bố đừng rầu rĩ nữa. Cháu sẽ gọi cho Lê na mang thêm tiền đi, chỉ có điều bố phải nhớ hôm nay bố là chủ chi nhé, tuần sau bố mang tiền đến trả lại cho Lê na là được rồi.
      Tôi phải giải thích là tiền cho buổi sinh nhật hôm nay thì Lê na lo đươc, còn giấy tờ tùy thân thì không có ai lo cho tôi được. Lỡ không may nhà chức trách hỏi thăm thì chỉ có cách vào cũi sắt trong đồn công an ngồi cùng với mấy gã say rượu cho đến khi có người mang giấy tờ tùy thân của tôi đến. Cách giải quyết thông thường để thay thế sự thiếu giấy tờ là đưa tiền cho các nhà chức trách sau một cuộc mặc cả tay đôi thì đã không áp dụng được rồi. Số tiền đó so với tài khoản ít ỏi của các cô sinh viên như Ri ta và Ôlia là không tưởng.
      Thôi thì cũng phải chịu bằng lòng với hoàn cảnh hiện có. Sau khi cùng Rita ăn tối đơn giản bằng mấy quả trứng ốp la cùng với khoanh bánh mì phết bơ và cốc nước chè đen chúng tôi ngồi luôn trong bếp và đợi hội bạn tới. Chờ gần hai tiến đồng hồ sốt cả ruột mà không thấy ai. Thật là xúi quẩy khi điện thoại bàn trong căn hộ lại hỏng không gọi được và điện thoại di động của tôi thì đã quên không mang theo. Một giờ trước Rita bằng mấy đồng tiền lẻ cuối cùng đã ra điện thoại công cộng gọi tới nhà của Lê na và Ôlia thì đều được các phụ huynh trả lời là họ đã ra khỏi nhà từ lâu. Chẳng còn cách nào khác chỉ còn kiên nhẫn và đợi vậy. Tôi thì cho rằng bạn bè của Rita dọc đường đã ngẫu nhiên gặp phải hội bạn khác nào đó nên đã thay đổi kế hoạch và quên mất chúng tôi. Ri ta thì bảo không đời nào có chuyện đó vì Rita là đứa bạn thân nhất của Lêna và Ôlia, vả lại nếu có vậy thì họ cũng sẽ đến đón chúng tôi đi cùng. Cháu lại lo lắng có thể có gì đó bất trắc cho bạn mình: Hồi trưa tại nhà thế nào gia đình cũng đã tổ chức sinh nhật, sợ rằng Julia đã quá say.
      Bỗng tiến chuông cửa réo rắt liên tục cùng với tiếng đấm cửa uỳnh uỵch và giọng đàn ông khiếm nhã gọi mở cửa. Mặc dù biết đấy không phải là hội bạn của mình nhưng Rita cũng buộc lòng phải mở cửa sau vài phút cùng tôi đắn đo suy tính. Cửa mở ra và ập vào là hai vị công an mặt mày dữ tợn. Việc đầu tiên họ làm là chìa tấm thẻ màu đỏ chứng minh mình là nhà chức trách và kiểm tra giấy tờ tùy thân của chúng tôi. Tôi không có, còn trong hộ chiếu của Ri ta thì đăng ký hộ khẩu lại là địa chỉ của ông bà ngoại và không thuộc vào phường này. Như vậy cháu cũng không chứng minh được mình là chủ nhà. Thế là cuộc thẩm cung bắt đầu. Tay già hơn đeo quân hàm trung úy kéo Rita xuống bếp còn tay trẻ hơn ngồi lại với tôi. Sau khi hăm dọa tôi một hồi hắn tỏ ý muốn giải quyết với tôi bằng tiền, tình tiết diễn đúng như những gì thường diễn ra khi các nhà chức trách Nga giải quyết các vấn đề khúc mắc với người Việt nam và Trung quốc trên đất họ. Nhưng tôi cũng chẳng có tiền nốt. Hắn thông báo tình tiết này với tay trung úy dưới bếp mà tôi cho là cấp trên của hắn. Sau khi nghe tay trung úy này thì thào mấy câu, hắn quay trở lại phòng và thông báo với tôi là láng giềng đã gọi điện ra đồn công an báo là chúng tôi đã làm ồn gây mất trật tự công cộng. Nay kiểm tra thực tế thì chúng tôi đã đến nhà người khác và không có giấy tờ tùy thân. Hắn bảo cách giải quyết duy nhất còn lại là phải đợi để tay trung úy lập biên bản với Rita về việc cô vi phạm các nội quy về trật tự công cộng sau đó đưa tôi ra đồn giải quyết. Thật là đen đủi, tôi đã quên cả giấy tờ và cả tiền. Chắc là phải vào cũi sắt ngồi cùng với mấy tay nát rượu lè nhè trong đồn công an đến sáng mai rồi. Thông thường ở cái xứ này mấy ông già nát rượu cứ uống đến say bét nhè, đến gục cả ra đường. Xe công an từ chiều tối cho tới khuya chạy tuần tra vòng quanh vớ được ai thì lôi lên xe cho về đồn nhốt vào cũi sắt chờ cho đến khi tỉnh rượu thì nộp phạt và được về nhà. Nếu không có tiền trong túi thì gọi điện bảo người nhà ra nộp phạt và đón về nhưng phải là sau khi đương sự đã tỉnh rượu hẳn. Mặc cho mấy lão say kêu gào đập phá suốt đêm, mọi việc thông thường chỉ được giải quyết sớm nhất là sáng hôm sau. Đó là cho những ngày làm việc, chứ gặp phải ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì có khi đến tận trưa chiều ngày hôm sau. Thật là bi đát cho tôi...
      Ngồi chờ hơn hai mươi phút nữa, tay trung úy đi ra bảo chúng tôi xuống đường trước đợi hắn. Đi ra cách nhà khoảng hơn năm trăm mét, đến một cửa hàng thực phẩm bán đêm, hắn cùng tôi ghé vào cho đờ lạnh. Tôi vô cùng sốt ruột và lo lắng cho Ri ta. Chỉ còn hắn và Rita ở lại trong căn hộ, liệu hắn có giở trò gì đồi bại với cháu không. Tôi đòi tay công an cùng tôi trở lại căn hộ nhưng tất nhiên là hắn không đồng ý. Hắn còn dọa tôi nếu còn tiếp tục giở trò gì đó với hắn dù chỉ là những đòi hỏi như thế hắn buộc lòng phải cùm tay tôi lại. Hắn nói và giơ cái còng số tám ra và thế là tôi phải ngoan ngoãn theo lời hắn.
      Hơn ba mươi phút sau, viên trung úy đến và cùng chúng tôi đi bộ về đồn. Tôi biết thừa là hắn không muốn gọi xe đến đón vì đang muốn mặc cả với tôi vì hi vọng là trong túi tôi có tiền nhưng tôi không muốn chi ra. Sau khi dọa dẫm một hồi và đưa ra đề nghị cách giải quyết “hòa bình” đó, được nghe tôi trả lời là không có tiền trong người, viên trung úy đã tự tay lục soát khắp người tôi để kiểm tra. Không kiếm được gì cả, đi tiếp thêm một quãng nữa hắn bắt đầu thông báo là Ri ta đã vi phạm các điều luật về an toàn trật tự xã hội: Đã đưa người “gian” không có giấy tờ như tôi đến nhà người khác và cùng với bạn bè gây mất trật tự cả khu nhà vào ban đêm. Tuy nhiên xét thấy Rita còn trẻ cũng như tỏ ra thật thà thành khẩn khai báo nên hắn đã chỉ lập biên bản cảnh cáo và bắt Rita ghi vào lời cam đoan sẽ không tiếp diễn. Hắn nói cũng vì lời cầu khẩn chân thành của Rita mà hắn thả tôi ra tại đây. Hắn còn có lời dọa dẫm tôi rằng nếu mày kể chuyện này với ai thì sẽ biết tay tao: tao không muốn người ta biết là tao đã thực thi công vụ theo phương diện tình cảm mà bỏ qua pháp luật....
      Quay trở về căn hộ, Ri ta mở cửa cho tôi và chạy ngay vào trong bếp nhằm che những giọt nước mắt của mình. Như vậy là thằng khốn nạn đã giở trò đồi bại với cháu. Máu sôi sục trong người tôi toan định đi thẳng đến đồn công an để làm rõ trắng đen, dẫu tôi có phải vào cũi sắt ngồi vài ba đêm. Nhưng Ri ta đã ngăn lại và bảo hãy chờ chốc nữa bình tĩnh cháu sẽ nói rõ sự tình. Thật bất ngờ khi cháu nói là chính cháu đã đồng ý với lời đề nghị với hắn với điều kiện là phải thả tôi ra. Tôi gầm lên rủa Rita sao mà khờ dại; tôi vào đồn một đêm thì có sao đâu, sao phải đánh đổi bằng cách cùng quẫn đó. Trong nước mắt Rita giải thích rằng cháu không thể để chúng lập tức đưa tôi về tỉnh lị, sau đó trục xuất tôi về nước ngay vì tôi không có giấy tờ, vì tôi phạm pháp... như lời thằng công an hăm dọa. Thật là đáng trách vì sự non nớt của Rita nhưng cũng thật đáng thương cho cháu. Cháu xin tôi đừng nói nữa để cháu khỏi phải hình dung lại những giây phút hãi hùng mà cháu đã phải nhắm mắt để chịu đựng con quỷ dâm dục đó hành hạ cháu. Cháu xin tôi đừng tới đồn công an để khiếu nại nữa vì cũng chẳng mang lại điều gì tốt lành hơn. Pháp luật trong tay họ, nói ra chỉ tổ thêm sự đàm tiếu của thiên hạ. Uất ức trong lòng nhưng tôi chỉ còn biết an ủi Rita và tự hứa với mình là sẽ quan tâm chăm sóc cháu nhiều hơn.
      Có hai điều băn khoăn với tôi lúc đó. Một là vì sao mấy đứa bạn của Rita mất hút. Về sau chúng tôi được biết là khi họ tới thì gặp ngay ở chân cầu thang bà cô khó tính của ông bố dượng của Ri ta. Bà ta cũng ở trong nôi nhà này, cùng một cầu thang nhưng ở ngay tầng một. Biết lũ bạn của Rita đến căn hộ cũ của thằng em trai đã chết của mình bà ta nổi cơn thịnh nộ đóng sập cánh cửa cầu thang không cho vào. Sau khi gọi điện nhiều lần cho chúng tôi cả đến máy bàn, cả đến máy di động không được, bất đắc dĩ họ đã phải ném đá lên cửa sổ nhà bếp nơi chúng tôi đang ngồi. Thấy rất rõ chúng tôi họ đã thay nhau gào to gọi. Tuy nhiên cửa đóng kín vì trời lạnh, cộng với tiếng tivi mở to đã khiến chúng tôi không nghe tiếng kêu của họ từ dưới đường. Thật không may hòn sỏi ném lên đã không tới cửa sổ nơi chúng tôi ngồi mà rơi vào cửa kính của tầng dưới. Mặc dù kính không bị vỡ nhưng chủ nhà đã gọi công an và lập tức các nhà chức trách đã tới.
      Một điều băn khoăn khác mà lúc đó tôi cũng thấy không tiện hỏi Rita. Đó là tôi lo sẽ có một thằng công an quái đản như vậy hình thành và lớn lên trong bụng cháu. Nhưng một tháng sau nhân lúc vui vẻ tôi đã hỏi Ri ta và câu trả lời đã xoa dịu sự lo lắng của tôi: Tay trung úy mang theo người không chỉ máy bộ đàm, súng ngắn, còng số tám mà cả bao cao su nữa.
      Thỉnh thoảng tôi và Rita vẫn liên lạc với nhau. Đến nay cháu vẫn chưa lấy chồng.
      #3
        HBĐ 28.09.2006 11:55:38 (permalink)
        Chuyện tình của tôi
        (Kính tặng các bạn gái nhân ngày Phụ nữ Việt nam 20/10)

        Tôi tình cờ gặp lại nàng tại một buổi bảo vệ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước tổ chức ở nhà máy điện Phả Lại vào một buổi sáng mùa thu.
        Để tăng tính “hấp dẫn” của báo cáo đề tài nghiên cứu mà tôi đã hao tâm tổn trí suốt 5 năm qua, Phó giám đốc phụ trách công nghệ của nhà máy đã “đạo diễn” để buổi báo cáo không tiến hành như thông lệ. Tôi đã không ra trình diện làm quen trước với các vị thành viên Hội đồng đáng kính của tôi. Khi Hội đồng nghiệm thu đã an toạ, sau bài phát biểu ngắn và lời giới thiệu của Phó giám đốc nhà máy (cũng là chủ tịch Hội đồng), tôi bước thẳng từ cửa sau phòng họp lên bục báo cáo. Ngước mắt nhìn lướt khắp hội trường, tôi sững sờ khi gặp phải ánh mắt của một thành viên hội đồng. Đúng là nàng rồi. Hơn hai mươi năm không gặp nhau, có già đi nhưng nàng không thay đổi nhiều. Vẫn khuôn mặt đấy, vẫn đôi mắt đấy. Nàng cũng đã lập tức nhận ra tôi. Phải mất một vài giây tôi mới trấn tĩnh lại. Tôi gửi riêng tới nàng một nụ cười thay lời chào. Nàng cũng ý nhị đáp lại tôi một nụ cười, báo là nàng cũng đã nhận ra tôi. Suốt cả buổi báo cáo, mặc dù đã hết sức cố gắng để dẹp xúc cảm trong lòng, nhưng tôi vẫn trình bày không được trôi chảy như các lần trước khi báo cáo cúng đề tài này ở hội đồng khoa học cấp cơ sở. Thỉnh thoảng nhìn lướt qua, tôi lại gặp ánh mắt nàng. Ánh mắt ấy mặc dù chan chứa lời động viên cho báo cáo của tôi, vẫn lộ ra một điều gì thảng thốt…
        ......
        Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo. Tuổi thơ của tôi gắn liền với kham khổ và cực nhọc. Bố tôi hy sinh trong chiến trường Tây Nam Bộ, khi ông chưa hề biết mặt tôi. Một tháng về phép trôi nhanh, bố tôi đã chia tay người vợ mới cưới để vào chiến trường miền Nam”. Hơn một năm sau ông mới nhận được thư của mẹ tôi báo là họ đã có con trai. Nhưng rồi chỉ khi tôi mới chưa đầy ba tuổi thì mẹ tôi đã trở thành vợ liệt sĩ. Một mình bà vò võ nuôi tôi lớn lên. Thiếu thốn cả vật chất và tình cảm của người cha, nhưng bù lại tôi đã nhận được tình thương yêu vô bờ bến của mẹ. Tôi vừa học phổ thông vừa giúp đỡ bà công việc đồng áng. Mặc dù tốt nghiệp phổ thông Trung học vào loại giỏi nhưng tôi đã không thể thực hiện mơ ước của mình. Thay vì vào học Đại học như các bạn trẻ cùng lứa, tôi quyết định ra Hà Nội xin việc làm để đỡ gánh nặng cho mẹ tôi. Ông chú họ đã xin cho tôi vào làm một chân thợ phụ ở một trạm biến thế điện. Tôi ở ngay trong nhà ông chú, trên tầng năm của một chung cư. Tối tối, sau khi hoàn tất các công việc trong nhà là tôi lại mang sách vở ra ôn tập. Tôi âm thầm thực hiện kế hoạch của mình nhằm đạt được ước mơ đã ấp ủ từ thuở nhỏ. Tôi tính sau vài ba năm làm việc, khi đã tự túc nuôi được mình và có tiền giúp đỡ mẹ thì sẽ thi vào lớp tại chức buổi tối của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đối diện với phòng của tôi, trong căn phòng tầng năm của ngôi nhà khác chung sân, tối tối cũng sáng đèn đến tận khuya. Chủ nhân là một cô gái trạc tuổi như tôi. Tôi đoán nàng là sinh viên của một trường Đại học nào đó. Mùa hè, thỉnh thoảng khi giải lao thư giãn đầu óc, để tìm kiếm chút gió trời tôi thường ra ban công đứng. Nàng cũng thường ra đứng ở ban công đối diện. Hai nhà chỉ cách nhau khoảng mười lăm mét. Tính tôi vốn nhút nhát và đa cảm. Hồi học phổ thông tôi chẳng bao giờ dám chủ động bắt chuyện cùng các bạn gái cùng lớp. Bởi vậy hàng tháng trời tôi chỉ đứng yên ngắm nàng, dù rất muốn bắt chuyện làm quen. Tôi theo dõi thấy hình như nàng cũng để ý đến tôi, bởi mỗi lần tôi ra ban công thì chỉ vài phút sau nàng cũng ra hóng mát. Nhiều lần tôi định hỏi chuyện, nhưng rồi tính nhút nhát của tôi lại chiến thắng. Tôi âm thầm thực hiện một kế hoạch khác để nhằm tiếp cận trực tiếp nàng. Giờ làm việc của tôi kéo dài từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều. Thường thường cứ khoảng bảy giờ kém mười lăm phút sáng là tôi rời nhà đến chỗ làm. Nàng lại đi sớm hơn tôi mười phút. Tôi quyết định đi làm sớm hơn để được gặp nàng. Thế là hàng ngày khi nàng dắt xe đạp xuống sân thì tôi cũng ra khỏi cầu thang. Vào khoảnh khắc bảy giờ kém hai lăm đấy...chúng tôi gặp nhau, chỉ nhìn vào mắt nhau...Rồi hàng trăm ngày sau vẫn vậy, chỉ say đắm nhìn nhau.
        Nàng rất đẹp. Làn da trắng với đôi mắt bồ câu luôn đượm vẻ buồn. Vẻ đẹp quý phái của nàng cùng với sự tự ti và xuất xứ nhà quê của tôi càng thui chột sự can đảm vốn đã ít ỏi của tôi. Hàng năm trời tôi đã gặp nàng như vậy. Từ trên phòng đi xuống đường, tôi quyết tâm sẽ nói với nàng gì đó, dù chỉ là một lời chào. Thế nhưng mỗi lần đối mặt với nàng thì sự dũng cảm của tôi lại tan biến, để rồi sau đó tôi lại tự nguyền rủa xỉ vả sự hèn nhát của mình.
        Có một lần, tôi cảm thấy môi nàng mấp máy như định nói gì đó với tôi, nhưng thấy tôi lúng túng nàng lại thôi. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nàng, chỉ thoáng thấy nàng chau mày như tỏ vẻ trách móc.
        Một thời gian dài tôi thấy nàng có vẻ buồn hơn. Buổi sáng khi gặp tôi nàng vẫn trao cho tôi ánh mắt tha thiết, nhưng tôi đọc được sự buồn bã và thất vọng trong đó. Cứ tối đến thay vì ra ban công đứng, nàng chỉ lẳng lặng ngồi tại chỗ trong phòng nhìn tôi. Tôi lo lắng cho nàng và cả cho mình. Có chuyện gì với nàng chăng? Tôi muốn làm một cái gì đó để an ủi tôi hay để giúp đỡ nàng...chính tôi cũng không thể phân biệt và nghĩ ra được. Thế rồi hàng ngày vì lo lắng, vì tương tư tôi càng nhút nhát hơn. Tệ hơn là tôi cũng trở nên buồn bã như nàng. Buồn vì nàng buồn, buồn vì sợ nàng không yêu tôi, chính tôi cũng không hiểu được mình.
        Rồi điều đó cũng được lý giải. Nàng lên xe hoa. Ngày cưới của nàng tôi đóng kín cửa phòng qua khe cửa nhìn sang. Tôi buồn đến chết lặng người. Khi thấy nàng ra ban công hồi lâu nhìn sang phòng tôi như muốn nói lời chia tay, tôi đã không cầm được nước mắt. Tôi nguyền rủa mình. Tôi thầm trách nàng sao vội lấy chồng. Nhưng dù thế nào thì tôi vẫn yêu nàng, yêu say đắm và mãi mãi.
        Thời gian sau đó nàng sang nhà chồng ở. Nhà chồng ở xa. Hoạ hoằn đôi lần khi về thăm bố mẹ mình, nàng lại ra ban công đứng nhìn sang. Ngồi trong phòng, tim tôi thổn thức. Như vậy là nàng vẫn yêu tôi. Còn tôi, sự nhút nhát vẫn chiến thắng. Tôi đã không dám ra ban công để nhìn vào mắt nàng như trước đây, mà chỉ trong phòng bâng khuâng tận hưởng hương vị tình yêu đau khổ trong lòng.
        Rồi tôi đỗ vào Đại học. Ban ngày tôi đi làm, tối tới trường. Gia đình ông chú bán căn hộ mua đất xây nhà mới. Nhận tấm bằng tốt nghiệp Bách khoa loại giỏi, tôi được phân công về nhà máy nhiệt điện Phả Lại công tác. Trước khi rời Hà Nội, tôi đã về đứng dưới sân nhìn lên phòng nàng. Tôi quẩn quanh ở đấy cả buổi hy vọng nàng về thăm bố mẹ, được chia tay với nàng dù chỉ là qua ánh mắt. Nhưng tôi đã không gặp may.
        Thời gian thấm thoắt trôi đi. Năm năm sau tôi mới có dịp về Hà Nội. Tới khu nhà cũ hỏi thăm thì biết bố mẹ nàng cũng đã bán nhà chuyển đi nơi khác. Thế là hết hy vọng được gặp lại nàng. Tuy nhiên ánh mắt và hình bóng của nàng thì vẫn mãi mãi theo suốt trong tôi.
        ......
        Buổi báo cáo dẫu nặng nề rồi cũng trôi qua. Sau khi nhận được những bó hoa tươi thắm, những lời chúc mừng nồng nhiệt của bè bạn và đồng nghiệp, tôi vội đi đến chỗ nàng. Nàng đã đứng sẵn ngoài hành lang đợi tôi.
        - Chúc mừng anh! Không ngờ em lại được gặp anh.
        - Anh cũng không ngờ. Đã hơn hai mươi năm anh chờ cái ngày này…Sao lại đúng là ngày hôm nay. Thật là hạnh phúc cho anh quá.
        Tôi ngỏ ý với nàng muốn cùng ra ngồi ở ghế đá trong vườn cạnh hội trường để tiện cho việc trò chuyện. Nàng đồng ý.
        Bây giờ tôi mới có dịp nhìn nàng kỹ hơn. Nàng vẫn đẹp! Chẳng khác nhiều ngày xưa. Vẫn đôi mắt và làn da ấy, vẫn vòng eo thon thả năm xưa.... Chỉ có điều bây giờ trong đôi mắt toát lên sự vững chãi và tự tin. Tuy nhiên nếu nhìn kĩ thì vẫn đọc được nét buồn phảng phất trong đó. Chúng tôi lại trìu mến nhìn nhau, sống lại như những ngày đã có. Lần này, thời gian đã giúp tôi có đủ can đảm để lên tiếng.
        (Còn tiếp)
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2006 09:23:23 bởi HBĐ >
        #4
          HBĐ 29.09.2006 16:04:00 (permalink)
          Chuyện tình của tôi
          (Kính tặng các bạn gái nhân ngày Phụ nữ Việt nam 20/10)
          (tiếp)

          Tôi hỏi nàng:
          - Em còn nhớ ngày xưa chúng mình ở phòng đối diện với nhau? Hồi đó nếu anh ngỏ lời thì em có chấp nhận yêu anh không?
          - Chẳng lẽ anh không nhận ra qua ánh mắt em ư? Em đã đếm từng giờ, từng ngày chờ mong anh nói ra điều đó? Sau đó lâu quá không thấy anh nói gì với em dù chỉ một lời xã giao, đôi khi em lại nghĩ chắc là em lầm. Phải chăng anh chỉ để ý ở em có điều gì đó khác thường chứ không yêu em?
          - Ôi, thật là ..- Tôi thốt lên – Anh quả thật là một thằng con trai hèn nhát. Đã bao lần lòng tự bảo lòng nhất quyết hôm nay phải nói với em mấy lời...nhưng rồi đều đã không thể. Mà sao em lấy chồng nhanh thế? Chẳng lẽ yêu anh mà em lại có thể dễ đi lấy chồng như vậy?
          Ngước cặp mắt đen nháy lên nhìn tôi, nàng bảo:
          - Em đã rơi vào tình cảnh buộc phải lấy chồng. Em là người đau khổ hơn anh. Anh còn có cơ hội yêu thương người khác rồi cưới họ làm vợ. Còn em, em đã phải lấy một người mà em không hề yêu.
          Tôi gầm lên:
          - Thế thì em phải lấy hắn làm gì? Thấy em lấy chồng anh cũng hận lắm mà!
          Nàng giải thích với tôi:
          - Vì em thương bố em, sợ ông ấy phải vào tù nên em đã cắn răng chịu. Em đã khóc ròng hàng đêm để rồi đi đến quyết định đó. Bố chồng em lúc đó là cán bộ có chức quyền, sinh mạng bố em nằm trong tay ông ấy. Hồi đó bố em làm thủ kho ở một kho hàng lớn toàn vải vóc quần áo đắt tiền. Trong một ca trực ông đã luống cuống làm đổ đèn dầu gây ra cháy. Vì say rượu không còn tỉnh táo nên ông đã loay hoay dập một mình mà không kịp thời kêu cứu. Hậu quả là đám cháy đã lan to thiêu trụi cả kho hàng. Để đánh đổi lại việc bố em không phải vào tù và nhà em không phải đền số hàng khổng lồ đó, em đã phải chấp nhận lấy con trai ông ta. Em biết hắn con nhà giàu nhưng lêu lổng chẳng chịu học hành gì. Hắn đã theo đuổi em từ lâu, nhưng bị em kiên quyết từ chối. Bố em biết em không yêu hắn cũng thương em lắm. Ông bảo cứ để ông vào tù chứ nhìn cảnh con gái yêu của mình phải khóc hàng đêm trước khi lấy chồng ông đau xót lắm. Em không đành lòng để bố em chịu cảnh tù đày, vả lại nhà em cũng lấy đâu ra tiền để đền lại số hàng hoá đã cháy đó, nên em đã nhắm mắt đưa thân. Chứ nếu không thì em đã… đợi anh nói lời yêu em rồi. Em biết anh nhút nhát nhưng em tin điều đó rồi cũng sẽ đến. Chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
          Thế là tôi đã rõ sự thể và càng tự trách mình. Tôi đã không hiểu gì về nàng dù tôi yêu nàng tha thiết. Nàng đau khổ vậy mà tôi không hề biết, không hề có được một câu an ủi, thậm chí còn thầm hận nàng. Tôi hỏi tiếp:
          - Thế rồi sau đó ra sao? Chồng con em bây giờ thế nào?
          Nàng khẽ thở dài rồi trả lời tôi:
          - Con gái em đã vào học năm thứ nhất đại học Bách khoa. Nó cũng chọn ngành điện theo mẹ nó và như vậy là cùng nghề với anh. Còn về em thì sau buổi bảo vệ đề tài của anh hôm nay, không nói thì anh cũng đã biết. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sỹ, em được giao trọng trách là trưởng khoa Hệ thống điện của trường đại học nơi em dạy. Em có tên trong hội đồng khoa học của Tổng công ti. Vì vậy em mới có cơ hội gặp anh hôm nay.
          - Thế còn chồng em?
          Tôi sốt ruột hỏi tiếp, khi thấy nàng chưa nói gì về chồng mình cả. Đó lại là điều tôi quan tâm nhất. Gặp nàng, trong tôi lại dấy lên hy vọng có điều kiện hiện thực hoá mối tình thầm kín nhưng lãng mạn năm xưa. Bản thân tôi cũng đang là thân gà trống nuôi con sáu năm nay. Sau khi về Phả Lại được năm năm, tôi đã yêu và cưới một cô công nhân cùng làm trong xưởng. Tuy không lãng mạn như năm nào, nhưng chúng tôi đã thật sự quan tâm yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi cũng có với nhau chỉ một cô con gái. Vợ tôi đã mất vì bị ung thư, khi con gái mới mười tuổi. Nay nếu có một người như nàng bù đắp hạnh phúc cho tôi và cùng tôi cháu chăm sóc cháu thì quả là điều ước trong mơ. Một mong muốn vô nhân tâm loé lên trong tôi: Tôi mong được nghe nàng trả lời là chồng nàng đã chết rồi…
          - Anh ấy hiện nay không có nghề nghiệp ổn định. Đã hai lần vào học trong các trường đại học khác nhau nhưng do không bỏ được thói ăn chơi đã nhiễm từ nhỏ nên anh ấy đều không tốt nghiệp. Khi bố chồng em sắp về hưu, để sử dụng lần cuối chức quyền của mình ông ấy đã đưa chồng em vào làm thủ kho hàng nơi bố em làm trước đây. Nhưng anh ấy đã không giữ được mình. Anh ấy đã lấy cắp hàng trong kho đi bán để thoả mãn các nhu cầu riêng cho bản thân vốn đã quen từ nhỏ. Bị đuổi việc, thậm chí còn phải vào tù sáu tháng. Chuyện đó xảy ra cách đây cũng đã mấy năm. Sau khi ra tù anh ấy đã tu tỉnh. Tuy nhiên cơ hội có việc làm tốt đã không còn. Nay anh ấy làm nghề xe ôm và giúp em thêm công việc nhà những lúc em bận đi xa như thế này.
          - Thế thì sao em không bỏ quách anh ta đi từ hồi mới cưới? Em có yêu anh ta đâu mà lại tự đày đoạ mình thế? – Tôi thấy xót xa cho nàng.
          - Anh đã biết rồi đấy. Vì bố em mà em mới lấy anh ta. Khi bố em bình yên vô sự rồi, nếu mình thay lời thì hoá ra là mình là kẻ lừa lọc. Vả lại khi đó em đã có thai; em không muốn con mình không có bố bên cạnh. Đó là những năm tháng nặng nề nhất của đời em. Một mình nuôi con, một mình lo toan tự học, bồi dưỡng chuyên môn cho kịp với đồng nghiệp, lại còn phải chăm sóc bố mẹ chồng..., vì anh ấy là con trai duy nhất của gia đình. Nhiều lúc khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi. Những lúc như vậy chính là lúc em nghĩ nhiều về anh, là lúc em lại quay về với những kỷ niệm năm nào với anh...Mà thôi, nói chuyện khác đi anh. Những gì thiếu thốn nhất, đau khổ nhất cả về vật chất và cả tinh thần thì em đều đã gánh chịu và đã vượt qua. Nay nhắc lại nữa làm gì. Thế còn anh, anh hãy kể cho em nghe đi.
          Tôi kể cho nàng nghe về quãng đời tiếp sau của tôi, về những diễn biến trong tâm hồn tôi sau khi nàng lấy chồng...Trong lòng tôi trào dâng những cảm xúc yêu đương giống như ngày xưa với nàng. Mùa hương toả ra từ thân thể nàng cộng với xúc cảm yêu đương chan chứa đã khiến tôi muốn ôm chầm lấy nàng, để được hôn lên đôi môi, lên mặt, lên mái tóc nàng...Tôi cầm bàn tay nhỏ nhắn của nàng bỏ vào lòng bàn tay tôi, những muốn chí ít ra cũng được vuốt ve bàn tay của nàng, được hưởng sự ấm áp từ nàng truyền qua, cái cảm giác mà tôi đã mong muốn có hàng chục năm nay.
          Nhưng nàng đã nhẹ nhàng gỡ bàn tay tôi ra. Nàng nói với tôi:
          - Anh ạ. Bao nhiêu cặp mắt đang nhìn mình. Anh hãy cố gắng trấn tĩnh, đừng xúc động quá. Hãy tự kìm nén lòng mình anh ạ. Em rất hiểu anh, vì chính nỗi lòng của anh cũng là nỗi lòng trong em. Nhưng em nghĩ chúng ta nên giữ nguyên những tình cảm và kỷ niệm giống như ngày xưa. Tình yêu đó mới thánh thiện hơn và cao đẹp hơn. Chính tình yêu đó đã nuôi sống em, giúp em đứng vững vượt qua khó khăn, qua các khủng hoảng trước đây. Em muốn trong lòng em mãi vẫn nguyên vẹn như vậy.
          Tôi nhìn nàng. Chắc là phải khó khăn lắm nàng mới nói ra được câu đó. Bởi qua đôi mắt của nàng tôi đã đọc được những rung động nơi con tim đang dày vò nàng. Nhưng nàng đã quyết. Tôi biết mình đã quá xúc động và đã có hành động thái quá. Một người con gái có nghị lực như vậy không dễ gì để tình cảm lấn át lí trí.
          - Khi nào có dịp lên Hà Nội anh nhớ ghé nhà em nhé. Em sẽ giới thiệu anh với chồng em và với con gái em. Chắc là con gái em sẽ mừng lắm khi có một người bác cũng làm cùng ngành. Biết đâu sau khi học xong cháu sẽ về chỗ anh công tác. Chúng mình lại có dịp gặp nhau nhiều hơn.
          Ngày hôm đó, sau bữa cơm chiều, nàng lại vội vã về Hà Nội để kịp cho buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp của sinh viên vào sáng hôm sau. Tiễn nàng lên xe, bốn mắt nhìn nhau, tim tôi lại nhói lên những kỷ niệm về tình yêu vĩnh cửu trong tôi. Mắt tôi nhòe đi khi dõi theo bóng chiếc xe ca xa mờ dần trong màn đêm đang buông xuống.
          Tôi khó nhọc quay về nhà. Trời đã tối hẳn, nhưng trong lòng tôi bừng sáng ngọn lửa tình yêu đã âm ỉ cháy suốt mấy chục năm qua.
          30.9.2006
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2006 09:24:16 bởi HBĐ >
          #5
            HBĐ 03.10.2006 08:38:48 (permalink)
            Tiểu phẩm

            “Nói không với tiêu cực“


            Sáu giờ chiều, trời sẩm tối. Đèn đã bật sáng trong căn phòng rộng gần hai chục mét vuông. Đồ đạc bày biện đơn sơ. Bàn tiếp khách nằm giữa căn phòng. Bên trái là lối đi vào bếp. Bên phải kê một chiếc bàn liền giá sách. Trên bàn, phía trái là máy tính, phía phải dưới tán đèn bàn là một chồng sách vở…Bàn thờ kê ở trung tâm. Trên bàn thờ, bức ảnh một người mặc quân phục viền khung đen để sau bát hương. Đĩa hoa quả để phía trái, bên phải là một lọ hoa hồng. Một phụ nữ hơn 40 tuổi đang thắp hương cắm lên bàn thờ. Cửa mở. Một cô gái tuổi ngoài hai mươi bước vào.
            - Con chào mẹ ạ. Hôm nay là giỗ bố, nhưng con đã về muộn. Con xin lỗi mẹ.
            - Có việc gì bận mà con về muộn thế? Đã hai mươi năm bố đi xa rồi. Nhanh vào tắm rửa thay quần áo rồi ra thắp hương cho bố, con ạ.
            - Vâng ạ.
            Cô gái đi vào một chốc, quay ra thắp hương cắm lên bàn thờ. Hai mẹ con chắp tay nhìn lên bàn thờ cung kính. Xong họ ra bàn ngồi.
            - Mẹ ơi, con về muộn hơn mọi hôm vì học xong bọn con còn phải tranh thủ duyệt lại tiểu phẩm lần cuối. Ngày mai trường con tổ chức buổi sinh hoạt nữ công, nhân ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt nam. Lần này sinh hoạt nữ công được cải tiến, sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.. Mỗi khoa phải tham dự một tiểu phẩm ngắn về chủ đề người Phụ nữ, mẹ ạ.
            - Con gái mẹ mà cũng được chọn làm diễn viên cơ à?
            - Ơ, mẹ ơi! Con gái của mẹ không những được tham gia mà còn được chọn vào vai chính trong tiểu phẩm đấy. Bạn bè ai cũng bảo con diễn đạt lắm đấy mẹ ạ. Mai mẹ có rỗi không? Mẹ đến dự động viên con gái mẹ nhé.
            Cô gái vừa nói vừa ôm lấy mẹ rất tình cảm.
            - Mai mẹ phải dự họp hội đồng khoa học nhà trường con ạ. Nhóm nghiên cứu của mẹ đang ở giai đoạn cuối hoàn thành đề tài “Chế tạo công tơ điện tử đa chức năng và hệ thống đo đếm điện năng từ xa”. Ngày mai hội đồng của trường sẽ duyệt lần cuối trước khi trình lên Tổng công ty. Mẹ là trưởng nhóm, nên không nghỉ được. Nếu mẹ xong việc sớm, thế nào mẹ cũng đến. Mẹ cũng muốn xem con gái mẹ trong vai trò diễn viên lắm chứ.
            - Mẹ hứa với con rồi đấy nhé. Theo sắp xếp thì khoa con sẽ biểu diễn cuối. Mẹ đến chắc kịp mẹ ạ. Xong mẹ còn phải khao con gái một chầu bún ốc nữa đấy.
            - Sắp lấy chồng rồi mà đang còn như trẻ con ấy. Mẹ không chỉ khao con gái mẹ, mà còn khao cả nhóm bạn con nữa…
            Con gái nhảy cẫng lên sung sướng…
            - Mà mẹ ơi, mẹ sắm luôn cho con một chiếc áo dài luôn đi. Mai con biểu diễn phải mặc áo dài. Hôm nay bọn con đi xem để thuê áo, chiếc áo con mặc ai cũng khen đẹp ơi là đẹp. Mặc vừa sít, cứ như là họ đo may cho con đấy. Họ vừa cho thuê vừa bán luôn, nếu ai thích mẹ ạ.
            - Con cứ làm như mẹ là vợ của Bin Gết tơ không bằng. Lương tháng này mẹ đã đóng học phí cả học kỳ cho con rồi, lại còn gửi về cho ông bà nội để kịp đong lúa mùa mà con. Ông bà chỉ có một mình bố con thôi. Bố con hy sinh rồi thì trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà thuộc về mẹ con mình. Mấy năm nữa ra trường, con cũng phải tiết kiệm mà giúp ông bà nữa con nhé. Mà thôi, con cứ thuê áo dài dùng tạm cho ngày mai. Đến tháng sau mẹ sẽ mua cho con.
            - Mẹ ơi. Nhà ta nghèo quá phải không mẹ…mà con hư quá mẹ nhỉ. Cái gì cũng đòi hỏi, trong lúc mẹ chỉ có một mình. Mà mẹ ơi, bác Phấn chắc yêu mẹ lắm đấy…. Con thấy mẹ cũng có cảm tình với bác ấy mà… Mẹ nhận lời bác ấy đi. Về đây, sớm hôm bác ấy sẽ đỡ đần nhiều cho mẹ đấy. Đi đâu con cũng thấy người ta ríu rít vợ vợ, chồng chồng… chỉ có mẹ một mình âm thầm thôi. Con ủng hộ mẹ cả hai tay đấy…Bây giờ con đã lớn rồi. Con hiểu mẹ đã hi sinh vì con nhiều rồi, con không giữ mẹ như ngày xưa nữa đâu.
            - Bố con mất đi khi con mới chập chững biết đi. Đã hai mươi năm qua mẹ sống một mình như vậy nuôi con…Nay thì con gái mẹ cũng đã trưởng thành thật rồi. Sang năm vào dịp này thì con sẽ là cô kỹ sư trẻ rồi đấy nhé. À, mà thôi, mẹ sẽ lấy chồng khi nào con gái mẹ cũng đã cưới chồng…
            - Mẹ hứa với con rồi đấy nhé. Nhất định là con sẽ cưới bác Phấn về cho mẹ..
            Cả hai mẹ con cùng cười… Bỗng có tiếng chuông cửa. Cô gái ra cửa đón khách.
            - Mẹ ơi, mẹ có khách này.
            Lan (con gái) dẫn khách vào. Đó là một chàng trai trạc 30 tuổi, xách theo một túi quà. Sau khi thủ tục chào hỏi được tiến hành xong, khách vào ghế ngồi. Lan rót nước mời khách và ý tứ xin phép vào phòng trong học bài.
            - Xin tự giới thiệu, tôi là anh họ của Thắng, học sinh lớp B5 mà cô giáo dạy ở đó. Tôi đến gặp cô vì chuyện học hành của Thắng.
            - Mời anh uống nước rồi ta nói chuyện….Tôi không những dạy mà còn là giáo viên chủ nhiệm của lớp đó nữa. Anh nói rõ cháu họ gì, vì trong lớp có những 4 Thắng cơ anh ạ.
            - Trần Văn Thắng cô giáo ạ.
            - Ồ, thế là Thắng kều, quê Quảng Ninh. Anh này lười học lắm đây. Toàn bỏ giờ đi đánh điện tử thôi. Đã mấy lần lớp họp phê bình… Tôi cũng đã ra chỗ Thắng trọ tìm bôn, năm lần mà lần nào cũng không có ở nhà. Lần cuối tôi phải đi vòng đến hơn chục điểm chơi game mới tìm được. Sau đó tại buổi họp, trước lớp Thắng đã tự đọc bản kiểm điểm và hứa khắc phục. Hứa thì hứa vậy chứ xem chừng cậu ta vẫn ham chơi lắm, chưa bỏ được đâu. Gia đình cần quan tâm đến cháu hơn anh ạ. Cả nhà trường và gia đình cùng phối hợp thì hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn, phải không anh?
            - Tôi cũng đồng ý với cô giáo. Chuyện giáo dục thì phải lâu dài… Nhưng nay tôi muốn nhờ cô trực tiếp giúp Thắng một việc.
            - Việc gì hở anh. Anh cứ nói. Nếu có thể giúp được gì thì tôi sẵn sàng.
            - Vốn là cháu vừa thi xong môn của cô phụ trách. Cậu ta nói với tôi là không làm được bài. Mấy môn trước cũng đã thiếu điểm cả rồi. Nay thiếu môn của cô giáo nữa thì chắc chắn rơi vào diện ngừng học. Tôi muốn cô giáo giúp cho cháu đủ điểm…
            - Ồ, tưởng việc gì chứ việc ấy thì không được đâu anh ạ. Việc thi cử là phải thực hiện đúng theo quy chế mà Bộ Giáo dục Đào tạo và nhà trường quy định, không thể làm khác đâu anh ạ
            - Tôi biết là có quy chế…Nhưng cô giáo vừa giảng dạy lớp đó, vừa là tổ trưởng bộ môn. Tôi nghĩ là cô giáo giúp được mà…- Vừa nói anh ta vùa móc túi lấy phong bì bỏ vào túi quà và đặt lên bàn – Gia đình sẽ không quên ơn cô giáo đâu
            - Đừng làm thế anh ạ. Tôi không nhận quà của anh đâu. Tôi cũng không có thói quen nhận quà kiểu này. Tôi đề nghị anh mang về. Hãy quan tâm trực tiếp đến việc học của Thắng thì hơn. Nếu có phải lưu ban thì cũng là bài học tốt cho cậu ta. Cứ như thế này thì vô hình gia đình lại nhiễm thêm cho Thắng thói quen thực hiện các hành vi tiêu cực… Cậu ta còn trẻ, điều này càng làm hại cậu ta hơn
            - Chà, cô giáo cứ nhận đi…ngoài xã hội giờ đều thế cả mà cô giáo. Có chút đỉnh gọi là thôi mà…. -
            Vừa nói anh ta vừa bỏ túi quà lên bàn (khác), rồi đứng dậy cáo từ ra về.
            Cô giáo cũng đứng dậy, đi lại bàn lấy túi quà, mang ra cửa trả lại anh ta.

            - Anh cầm về đi. Tôi nhắc lại là chúng tôi không vì tiền mà đánh mất phẩm chất của nhà giáo đâu anh ạ. Mong anh vui vẻ.
            Đóng cửa tiễn khách, cô giáo quay vào. Lan từ phòng trong đi ra.
            - Hoan hô mẹ. Ai cũng như mẹ cả thì chắc là Bộ trưởng mới của Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chẳng phải phát động phong trào “Nói không với tiêu cực” trong ngành giáo dục mẹ nhỉ?
            - Không phải mình mẹ đâu. Cả bộ môn, cả khoa và cả trường Đại học của mẹ, ai ai cũng đã và đang nói không với tiêu cực con ạ. Đấy là truyền thống của nhà ta, cả ngành mình mà con. Mà thôi, mẹ con mình vào ăn cơm đi. Mẹ đói lắm rồi.
            Cả hai cùng vào.
            02.10.06

             
            Đã mang vào thư viện
            Chúc HBD luôn vui
            Tình thân
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.05.2007 04:40:33 bởi Ct.Ly >
            #6
              HBĐ 19.03.2007 08:28:59 (permalink)
              CHUYỆN VU VƠ 
              Vu vơ đời lính
                Mình đi bộ đội khi còn 3 ngày nữa là hết tuổi nghĩa vụ quân sự. Các cụ bảo “tam ba bận”, quả không sai. Lần thứ nhất suýt đi bộ đội vào tháng tư năm 1975, khi đang học đại học. Lúc đó tuổi chưa đầy 18 nhưng nhưng mình đượcgọi nhập ngũ do tổng động viên vì có thời cơ thống nhất đất nước. Tuy nhiên, lúc mà chưa kịp lau khô nước mắt của cô bạn cùng lớp thì mình lại được hoãn vì người ta biết chắc đội quân này sẽ không kịp đi nhặt chiến lợi phẩm ở Sài Gòn. Lần thứ hai, lúc cả nước hát vang bài ca “quân xâm lược bành trướng dã man…”; sự việc lặp lại gần như cũ, chỉ khác là cô bạn xưa đã lấy chồng. Lần thứ ba thì tiễn mình đã có cả cô vợ trẻ bồng con 4 tháng tuổi. Đi cùng lứa biên chế vào cùng trung đội chỉ toàn “ông già” cỡ như mình. Thằng tốt nghiệp Bách khoa, thằng Tổng hợp…Nằm cùng phản với mình là Hải. Hắn học đại học xây dựng ở Đức vừa mới về nước, trước khi nhập ngũ thấy cưỡi Sim Sơn oai lắm. Hai thằng mình tối chẳng dám đi đâu vì quần áo quá mới. Dân chúng kháo nhau rằng nếu ra đường sẽ bị “xin đểu”, vì ma cũ bắt nạt ma mới. Mình và Hải phải gạ mãi mới đổi được một bộ, quần cho Hải và áo cho mình. Tuy nhiên vẫn nhận ra ngay, vì đâu chỉ có quần, có áo…, cả dép cũng mới. Bởi vậy đói lắm cũng chỉ dám ra cổng doanh trại mua vài thanh kẹo lạc rồi về.
                 Mấy hôm tập ngắm bia  cố định, nheo mắt mãi cũng chán nên chúng tớ nằm vậy tán chuyện với nhau. Tay trung đội trưởng mặt non choẹt qua lại gầm ghè quát tháo, nhưng chúng tớ lờ đi mặc hắn dùng cả chân đá đít. Hắn mới 22 tuổi. Học hết lớp 7, hai năm vào bộ đội, sau đó tốt nghiệp lớp hạ  sỹ  quan 18 tháng và ra luôn làm “thủ trưởng” bọn mình. Hắn bảo:
              -         Không có tài thì bù lại bọn mày phải gắng tập luyện đi chứ!
              Hải nóng mặt hỏi lại:
              -         Ông bảo chúng tôi không có tài? Kể cả mấy ông  cạnh tôi đây đi lính khi đang là giảng viên ở các trường Đại học?...
              Viên trung sỹ trả lời ráo hoảnh:
              -         Không có tài thì già rồi mới vào lính, còn nếu không thì đã thành chỉ huy như tao từ lâu rồi!
              Thể là Hải tịt ngòi. Làm sao mà trả lời lại được ý kiến của những chỉ huy có trình độ cao như vậy!
              Một tháng sau, khi hoàn thành khoá huấn luyện và đã bắn thông bò thạo, chúng tớ được điều đi đi đắp đê lấn biển. Cả đại đội ngủ đất trong lán làm bằng cây cói chiếu. Bốn trung đội quây quần quanh một cái sân mới đắp nhỏ nhoi, ở giữa là nhà bếp. Ban chỉ huy đại đội đóng trong nhà dân cách đó non cây số. Toàn quyền “cai trị” lính là bốn chàng trung đội trưởng đồng hạng. Trời mùa giữa đông, mới “tiểu hàn” qua, “đại hàn chưa tới” nhưng rét cắt thịt cắt da. Chúng tớ nằm sát vào nhau, nhưng nền đất, vách cói trống tuềnh trống toàng, mà chỉ có chăn đơn cứ ba người một chiếc (hai chiếc đã kịp biến thành lạc và rượu trên đường hành quân) nên rét cứ run cầm cập. Đã thế lại phải thay nhau gác canh mấy cái chảo quân dụng nhà bếp. Hải ta quen chăn êm đệm ấm bên Tây nên đến phiên vẫn chui vào ngủ, quên luôn cả bàn giao cho ca sau. Sáng ra viên Trung đội trưởng tập trung lại, thông báo nhà bếp mất một xoong to. Hắn ra lệnh cả trung đội phải tìm cho ra trong vòng 30 phút. Đồng không mông quạnh, lấy đâu ra kẻ trộm. Nhưng hắn giấu ở đâu thì cũng có trời biết. Hết hạn thời gian, hắn bắt tất cả nhảy xuống sông bên cạnh mò tìm. Cả tiếng đồng hồ, thằng nào thằng nấy tái xanh tái xám. Cuối cùng hắn bảo đó là bài học cho các ông: những người bất tài mà tưởng mình là giỏi…
                Ba ngày sau, đến phiên mình gác. Mình chẳng dám ngủ tí nào vì lại sợ anh em phải mò sông như lần trước. Sáng ra, vẫn thấy hắn hầm hè tập trung toàn trung đội thành một hàng ngay trước lán sau giờ tập thể dục. Mình lo quá. Lại có chuyện gì đây?
               Hắn bảo:  
              -         Đồng chí H có biết mình phạm lỗi gì không?
              Tôi trả lời không.
              Hắn lên giọng:
              -         Thế mà cũng gác. Đồng chí đã để chó đến ị ngay đầu hồi doanh trại.
              Hắn đưa hai cậu đầu hàng ra  thị sát chứng minh. Quay lại bảo:
              -         Hình thức kỷ luật không những cần cho đồng chí H mà còn cần cho cả trung đội để khỏi vi phạm lần sau. Đống chí H xúc phân lên một cái bìa cầm trong tay năm phút, sau đó đưa chuyền hết qua tay các thành viên khác của trung đội, mỗi người cầm hai phút. Phạt cơm sáng đồng chí H.
              Thực hiện xong hình phạt, trong đầu tôi loé lên ý nghĩ: Chả trách quân đội ta thắng Mỹ!
              (Còn nữa)
              #7
                HBĐ 19.03.2007 08:34:47 (permalink)
                Vu vơ đời lính (Tiếp)
                   Lại kể về chuyện gác đêm. Chuyện này truyền miệng trong lính như là một chuyện cười. Ông bố từ quê lên thăm con trai, vốn là lính mới tò te. Doanh trại không có nhà khách nên ông già sinh hoạt cùng trung đội. Tối đến cậu con trai nhường chỗ nằm cho bố trên phản gỗ, còn mình thì “hạ thổ” trên nền nhà để ngủ. Tối đó cậu ta phải gác một ca từ 1 giờ  đến 2 giờ sáng. Hết ca gác của mình, anh chàng ca trước mới đến vị trí ngủ của người sẽ phải thay mình và lay chân người nằm đó. Ông già lồm cồm ngồi dậy:
                -         Đi gác đi, đến giờ rồi!
                -         Tôi…tôi…cũng phải gác à? – Ông già hỏi.
                -         Thằng nào ăn cơm lính mà chả phải gác. - Cậu lính càu nhàu, đưa súng cho ông già rồi chui ngay vào vị trí của mình và ngủ.
                   Ông già nghĩ: Phải rồi, chiều nay mình có ăn cơm lính. Sao mà kỷ luật bộ đội khắt khe thế không biết; ăn có đúng một bữa cơm mà cũng phải gác. Nghĩ rồi ôm súng ra sân ngồi cho tới sáng, vì ông có biết thức ai thay mình đâu.
                   Ba tháng đắp đê lấn biển thật vất vả. Chúng tôi ăn ngày 3 bữa với tiêu chuẩn 1,2 kg gạo mỗi ngày mà vẫn đói. Nhưng rồi thời gian cứ trôi và mọi sự cũng qua đi. Chúng tôi được về phép một tuần, sau đó lại quay về đơn vị ở Bắc Thái huấn luyện tiếp để chuẩn bị lên chốt ở điểm nóng Vị Xuyên (biên giới với Trung Quốc). Tập tành thì ít, nhưng “lao động” thì nhiều hơn. Hình thức “lao động “ thật kỳ quặc: hôm thì mỗi người phải “làm ra” 10 viên gạch, hôm thì phải “làm ra” một cây tre…Tất cả đưa về, gạch để xây doanh trại, tre thì gom được nhiều thì gọi hội buôn tới mua. Tất cả tiền chia cho Ban chỉ huy đại đội.
                   Làm sao bây giờ!!! Nhớ lại buổi đầu tiên phải đi “sản xuất” tre, nhóm 4 thằng chúng tôi đi mỏi cả chân vào hết nhà này đến nhà khác, từ xóm này sang xóm khác để xin. Tất cả chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ở đâu người dân cũng tiếp đón chúng tôi như một lũ trộm. Đến trưa, mỏi mệt và lo lắng quay về doanh trại. Thời gian đã trôi đi quá nửa, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải nhận hình phạt nào đây? Chạy từ chân đồi lên đỉnh đồi 50 lần, hay dọn hết mấy nhà vệ sinh quanh đơn vị?...
                   Đang lo lắng thì cậu tiểu đội trưởng (lính cũ, quê Hải Phòng) cười bảo:
                -         Tôi đố các bố xin được đấy. Quanh đây có cả trăm trại lính, ngày nào cũng có kẻ mò đến xin, lấy đâu ra tre mà phục vụ các ông mãi được! Phải “chôm” thôi. Thôi, cứ ra quán khao tớ vài chén rượu rồi tớ giúp.
                  Chúng tớ hồ hởi ra mặt, bèn kéo chàng ra quán làm một chầu rượu và lạc rang, sau đó lên đường. Viên tiểu đội trưởng bảo phải nhất nhất theo sự phân công của y. Khi đến nhà nào đó nếu thuận lợi thì sau ám hiệu của y, tôi cùng với Hải có nhiệm vụ nói chuyện với chủ nhà ở phòng khách còn hắn với hai cậu còn lại sẽ “lo liệu”. Sau khi nhận được ám hiệu tiếp theo thì cứ việc chào chủ nhà và rút êm. Chúng tôi qua 4 đến 5 nhà rồi mà vẫn chẳng thấy y hành động gì. Khi tôi chưa hiểu sự tình thế nào cả thì chúng tôi đã vào nhà tiếp theo. Chủ nhà là một bà già ốm yếu hơn sáu mươi tuổi. Chúng tôi vào ngay phòng khách. Không đợi lời mời của chủ nhà, tất cả chúng tôi cùng ngồi vào bộ tràng kỷ sau nháy mắt ám hiệu của tay tiểu đội trưởng. Hắn bảo anh em đã mệt nên xin chủ nhà ngồi nghỉ một chốc. Sau khi rít thuốc lào mấy điếu, y nói nhỏ bảo tôi cố gắng ngồi lại khơi chuyện với chủ theo kế hoạch. Y đứng dậy chỉ vào tôi và Hải và bảo:
                - U ơi! Cho hai anh chàng này nghỉ thêm đây một chốc u nhé. Chúng con đi một chốc làm nhiệm vụ rồi quay lại đón hai cậu đó sau u nhé.
                 Nói rồi y và hai cậu khác đứng dậy đi ra khỏi nhà. Chưa đầy 5 phút sau, nhận được ám hiệu của y, tôi và Hải lại đứng dậy cáo từ chủ nhà. Khi đi chúng tôi đã không quên cảm ơn bà già chủ nhà đáng kính. Ra khỏi ngõ nhà kia chừng gần trăm mét thì gặp nhóm kia; tiểu đội trưởng tay cầm con dao rựa to (dùng để đi rừng đốn củi) cười nhăn nhở:
                -         Thế là hoàn thành khoảng 40% công việc. Bây giờ chúng ta đi tiếp; tiếp tục phân công nhiệm vụ như lần trước.
                   Qua vài ba nhà nữa, tình trạng lặp lại gần như cũ; chỉ khác lần này chủ nhà là ông già đã hơn 70 tuổi ở nhà một mình. Ông tiếp chuyện tôi và Hải với thái độ miễn cưỡng, nếu không muốn nói là ông đã muốn tống khứ chúng tôi đi. Ông lại còn có vẻ bồn chồn lo lắng nữa. Ra cổng đi hơn 100m thì tôi và Hải gặp nhóm kia với năm cây tre rõ dài. Tôi thật sự kinh ngạc. Viên tiểu đội trưởng giải thích:
                -         Có gì đâu, lần thứ nhất thì chúng tớ luồn cửa sau “chôm” cây rựa của bà già. Lần sau khi ông già đang hầu chuyện các cậu thì chúng tớ vòng ra vườn “ chôm” tre.
                -         Chả trách khi ngồi đấy chúng tớ nghe tiếng chặt cây sau nhà. Ông già đã đứng lên lại ngồi xuống…- tôi nói.
                -         Hì, ông già biết thừa là đang có kẻ trộm tre sau nhà, tuy nhiên lực bất tòng tâm.
                Tôi hỏi:
                -         Sao ông già không ra vườn xem nhỉ?
                -         Quả là lính mới! Ngây thơ quá!. Ông già cũng muốn ra lắm, nhưng lại sợ các cậu “chôm” gì đó. Trong nhà có nhiều thứ đáng giá hơn nhiều.
                 Ra là thế!
                 Từ đó tay tiểu đội trưởng (học dở cấp 3 thì vào lính; đã là Đảng viên kết nạp tại đơn vị trong khi ở nhà trước khi đi lính chưa được vào Đoàn vì thuộc thành phần “lêu lổng”) lãnh đạo nhóm chúng tôi trong mỗi lần đi “lao động” sau đó. Lần nào chúng tôi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong buổi sáng. Buổi chiều nhiều hôm còn kịp “chôm” sắn trong vườn nhà này và sang nhà khác đàng hoàng mượn nồi luộc ăn nữa.
                (còn nữa)
                 
                #8
                  HBĐ 20.03.2007 19:59:32 (permalink)
                  Vu vơ đời lính (Tiếp)
                  Hàng tuần, sau sáu ngày hoặc tập luyện trên thao trường, hoặc đi “lao động” như đã kể ở trên, cứ vào chủ nhật chúng tôi cũng phải lên rừng kiếm củi nhằm tăng thu nhập cho Ban chỉ huy cấp tiểu đoàn (bán lấy tiền bỏ túi). Rừng cách xa đơn vị 25 km, tối thiểu phải đạt 25 kg  củi mỗi người. Đối với những ai quen lao động chân tay thì chẳng thấm là bao với mức khoán đó, nhưng đối với những người “dài lưng tốn vải” như tôi thì đó quả là thử thách lớn. Nhưng lo phải nhận hình phạt nếu không hoàn thành nhiệm vụ luôn là động lực để chúng tôi cố gắng. Chiều chủ nhật, sau bữa cơm tối từng Đại đội tự cân để nhập củi cho tiểu đoàn tại sân nhà bếp. Nếu ai không đạt 25 kg củi theo quy định thì tập trung trước sân của tiểu đoàn và phải đứng đó cho đến khi đi ngủ vào lúc 9 h 30 tối. Đứng nghiêm ư? Phải rồi, nhưng không chỉ có thế; trên vai các “phạm nhân” phải cõng thêm những gánh củi đạt kỷ lục cân nặng nhất trong ngày của đơn vị. Bởi vậy chủ nhật dù tiếng là ngày nghỉ nhưng luôn là những ngày nặng nề nhất đối với chúng tôi.
                    Một chiều thứ bảy, để “tự bồi dưỡng” sức khỏe chuẩn bị cho cuộc đi rừng ngày mai, tôi với Hải đánh liều ra quán sau đơn vị đánh chén vài quả trứng vịt lộn (nói đánh liều vì rất dễ bị lính cũ chặn đường xin đểu hết tiền). Tại đó chúng tôi đã gặp nhóm lính Hà nội biên chế trong trung đội khác cũng đang chén anh chén chú. Câu chuyện qua lại, nhóm kia đã “nể” chúng tôi vì Hải đã từng du học ở Tây, còn tôi thì đã là giảng viên ở trường Đại học. Biết chúng tôi muốn về Hà Nội thăm người nhà nhưng không có cơ hội, Long (qua cách thể hiện tại quán tôi đoán y cầm đầu “bộ tam Hà Nội”) bảo:
                  -         Chuyện nhỏ! Mấy thằng em sẽ giúp các đại ca. Ngày mai thay vì việc đi rừng, mấy thằng em sẽ dẫn các đại ca về Hà Nội chơi.
                  Tôi nói:
                  -         Thế lấy đâu ra củi để nạp vào buổi chiều?
                  -         Các đại ca đừng lo. Mấy thằng em đã lo thì sẽ lo hết. Đến chiều cứ có củi cho các đại ca là được. – Long cười hềnh hệch trả lời.
                    Tôi nhìn vẻ tự tin của cả bộ ba Hà Nội và hiểu rằng họ không nói khoác.
                  -         Nhưng làm sao thoát khỏi vệ binh trung đoàn khi ra bến xe? Nếu họ tóm được thì có mà đào đất ba ngày ba đêm? (là hình phạt mà vệ binh tóm được khi đi đâu ngoài doanh trại không được phép - tất nhiên vệ binh chỉ kiểm tra ở thị trấn hoặc nơi bến xe bến tàu, chứ không kiểm tra ở cửa rừng) - Hải lo lắng hỏi.
                  -         Chuyện nhỏ! Sẽ đưa các đại ca đi đến nơi về đến chốn. – Long trả lời.
                  -         Nhưng bọn tớ không còn đủ tiền mua vé về Hà Nội.- Tôi nói.
                  -         Hề hề. Mấy thằng em đã bao là bao từ A tới Z, đừng lo.- Long khẳng định.
                    Sau khi cao hứng cùng “bộ ba Hà Nội” chạm cốc cạn mấy ly rượu sắn, tôi và Hải cáo từ về trước. Đi được một quãng xa Long còn gọi với theo dặn đừng quên đúng 6h30  sáng mai có mặt ở cổng sau doanh trại để lên đường.
                    Sáng hôm sau, năm chúng tôi cuốc bộ một tiếng đồng hồ thì tới bến xe thị trấn. Gặp  mấy chàng vệ binh trung đoàn, tôi đã thần hồn nát thần tính. Nhưng lập tức hoàn hồn ngay khi thấy Long bắt tay họ (chừng như rất thân thiện) và bảo:
                  -         Đưa mấy ông anh về Hà Nội chơi… Đến chiều tụi này sẽ làm thủ tục nhé.
                    Long dẫn chúng tôi đến một xe ô tô khách về Hà Nội, và nói với bác tài cho chúng tôi ngồi lên phía trên ca bin buồng lái. Long cũng quen lái xe?; thật là khó giải thích.
                  Long cùng các chiến hữu của mình đứng ngay cửa lên xuống và làm nhiệm vụ như là lơ xe phụ lái. Khách đông chen chúc đứng chật kín cả lối đi. Nhiều người phải bê đồ đạc đội lên đầu và đứng co mình chỉ trên một chân. Khách lên khách xuống, xe bò ỳ ạch, mãi rồi cũng tới Hà Nội. Chỉ có 60 km mà mất hơn hai giờ đồng hồ.
                    Xuống xe, Long bảo:
                  -         Các đại ca tự hành ở Hà Nội nhé. Đúng bốn giờ chiều có mặt ở đây để bọn này “áp giải” về.
                  -         Thế các cậu không về nhà à? – Tôi hỏi
                  -         Không đâu, bọn này sẽ theo xe này lại quay về Bắc Thái, đến 4 giờ chiều thì sẽ có mặt ở đây để đón các đại ca.
                    Đúng bốn giờ chiều y hẹn chúng tôi có mặt. Long lại đưa chúng tôi ngồi lên chỗ cũ, còn họ thì vẫn chen chúc trong đám hành khách phía sau. Tới bến xe ở Bắc Thái, sau khi Long dúi tiền làm thủ tục với nhóm vệ binh, chúng tôi lại rảo bước về đơn vị. Suốt chặng đường về tôi chỉ lo lo lắng về việc lấy đâu ra củi để nạp. Đang định hỏi Long thì vừa lúc y kéo chúng tôi vào một quán thị chó ven đường. Gọi đủ gần như 7 món và chai rượu sắn, chúng tôi nhâm nhi. Chẳng gì thì bây giờ trong túi tôi và cả túi Hải cũng đã có tiền từ khoản viện trợ xin được từ người nhà ở Hà Nội, bởi vậy khoản tài chính thì khỏi lo. Chỉ còn lại vẫn là chuyện củi. Như chừng hiểu được ý tôi, Long cười bảo:
                  -         Cứ yên tâm mà nhậu đi. Cứ về đến đơn vị thì đã có củi chờ sẵn các đại ca rồi.
                  Và đúng như Long nói, về đến đơn vị, Long kéo chúng tôi ra sau nhà bếp thì đã thấy hai cậu anh nuôi đang ngồi cạnh năm khúc củi to, toàn loại bảo đảm trên 25 kg. Long đưa tiền cho họ, còn củi thì được chúng tôi mang liền ra sân để cân, bởi cũng đã đến giờ cân củi.
                    Giờ thì tôi đã hiểu, mấy anh nuôi là người thực thi cân củi và họ làm kế hoạch ba. Chỉ còn vì sao bộ ba Hà Nội không về nhà mà vẫn có tiền chi tất, kể cả bữa nhậu thịt chó thì  không làm sao tôi giải thích được. Mãi sau này khi tôi có dịp đưa thắc mắc này hỏi Long thì mới được biết: họ “làm việc” khi chen lấn trên xe mấy lần quay đi quay về. “Chôm” là nghề của họ.
                  (Còn nữa)
                  #9
                    HBĐ 24.05.2007 10:13:52 (permalink)
                    NẾU KHÔNG ĐƯA TIỀN
                    Quân là nghiên cứu sinh cùng viện với tôi. Chiều thứ 7 hắn chở Hạnh và Đức đến tham quan “ốp” Mông cổ. Dạo này nghe nói ở đây có bán nhiều áo giả da Tàu, là thứ hàng hóa đang là “mốt” thời đó ở Nga. Ra cổng chuẩn bị lên xe về thì một toán ba chú công an ập tới. Viên trung uý hách dịch:
                    - Giấy tờ?
                    Quân đưa hộ chiếu của mình cho hắn, còn Hạnh và Đức trả lời quên ở nhà.
                    - Thế thẻ sinh viên đâu? – Viên Trung uý tiếp tục hạch sách.
                    Quân đưa tiếp thẻ NCS cho hắn kiểm tra. Chẳng nói gì thêm, hắn cầm luôn giấy tờ của Quân và bảo cả ba lên xe hắn giải quyết. Trên xe, Hạnh và Đức rút ngay mỗi người 50 rúp đưa cho hắn (khoảng 5$) và được xuống xe ngay. Còn lại mình Quân, hắn hất hàm hỏi:
                    - Còn mày?
                    - Tôi có giấy tờ đầy đủ sao lại còn phải đưa tiền? – Quân cự lại.
                    - Ai đảm bảo giấy tờ của mày là thật? Mày chống lại người thi hành công vụ hả! Bọn kia 50 rúp, còn nếu vậy mày giờ phải 200 rúp…
                    - Tôi không có tiền. Tôi là NCS, tôi có giấy tờ đầy đủ. Tôi không phạm pháp gì, hôm nay là ngày nghỉ tôi có quyền đi chơi – Quân nóng mặt tiếp tục cự lại.
                    - Ê ông NCS. Thế thì mời ông về đồn để kiểm tra độ thật giả của giấy tờ. – Viên Trung uý giữ lại hộ chiếu còn trả lại thẻ NCS cho quân và nổ máy xe.
                    Quân đưa chìa khoá xe của mình cho Đức và theo các chiến sĩ bảo vệ pháp luật về đồn. Hắn được tống ngay vào trong lồng sắt phòng chờ giải quyết. Mùi rượu cộng với mùi thức ăn nôn oẹ gây lợm mửa. Trong phòng tạm giam còn có ba ông già người Nga say rượu ngoài đường bị bắt đưa vào. Một trong số họ còn quá say kêu la chửi bới ầm ĩ. Thật là hết chỗ nói. Quân đã bắt đầu thấy hối hận, biết thế này lúc nãy đưa tiền bọn nó cho xong.
                    Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, viên trực ban đến giải phóng cho 2 vị say rượu có người nhà đến nộp phạt và bảo lãnh. Quân hỏi hắn:
                    - Còn tôi thì sao?
                    - Mày cứ chờ đấy. Còn phải kiểm tra xem hộ khẩu của mày thật hay giả. Mà mày biết rồi đấy, hôm nay là ngày nghỉ bên OVI (Công an quản lí hộ khẩu) có làm việc đâu.
                    Viên trực ban nói rồi đóng ngay cửa quay đi.
                    Đức đánh xe về và báo với tôi. Tôi biết việc này chỉ có thể giải quyết thông qua Viện, nơi tôi và Quân đang học, nhưng đang là ngày nghỉ. Tôi gọi điện cho ông giáo của tôi nhờ ông giúp đỡ. Rất nhiệt tình, ông hỏi tên đồn công an và khoảng 15 phút sau tôi gọi lại cho ông thì được biết ông đã gọi đến đồn can thiệp. Vậy là an tâm chờ đợi. Tuy nhiên khuya rồi cũng không thấy Quân về, tôi đinh ninh là hắn đã ghé vào chỗ bạn bè ngủ. Đến tối hôm sau vẫn không thấy Quân về, tôi bắt đầu lo lắng. Nhưng sáng mai là thứ hai rồi, phải cố chờ vậy.
                    Sáng hôm sau tôi đến viện từ rất sớm. Bà trưởng phòng NCS lập tức gọi điện đến đồn công an và Quân được thả ra. Hắn hỏi viên trực ban:
                    - Thế hộ chiếu tôi đâu?
                    - Hộ chiếu mày người ta làm mất rồi – viên trực ban trả lời - Đấy không phải phận sự của tao. Cần hỏi thì mày đến thủ trưởng của đồn mà hỏi.
                    Quân xin mãi mới gặp được viên phó đồn. Sau khi trình bày sự tình, gã đồn phó trả lời:
                    - Tôi cũng biết cậu đúng là NCS, tuy nhiên việc mất hộ chiếu là chuyện khác. Đó là sự không may mà thôi…
                    - Làm sao mà mất được - Quân tiếp lời – Chính ngài Trung uý cầm hộ chiếu của tôi đưa về đồn cơ mà? Ông có biết không, mất hộ chiếu làm lại rất khó khăn.
                    - Đấy là chuyện của ông, ngài NCS thân mến ạ. Tôi chỉ có thể cấp cho ông cái giấy chứng nhận rằng đúng là ông đã mất hộ chiếu nếu ông muốn.
                    Nói rồi đuổi Quân ra ngoài.
                    Quân trở về “ốp” và kể lại mọi chuyện. Hắn bảo sẽ làm đơn kiện. Tôi thì khuyên hắn nên đến đồn tìm thằng trung uý hôm trước mà thương lượng đưa tiền cho nó là nhanh nhất và ít chi phí nhất. Tôi cũng gặp tình thế gần tương tự. Chỉ có điều hôm đó là ngày thường và tôi chỉ phải ngồi cũi sắt trong đồn gần hai giờ đồng hồ để họ kiểm tra lại độ thật giả của giấy tờ. Thời gian hai tiếng đó là cái giá phải trả vì tôi đã không chịu đưa tiền cho nhà chức trách khi họ kiểm tra giấy tờ và đòi tiền. Quân không nghe tôi mà thực hiện theo cách của hắn. Sau hai tuần chạy đi chạy lại tốn bao tiền xăng và sức lực nhưng kết quả là Quân vẫn chỉ nhận được tờ giấy chứng nhận mất hộ chiếu có chữ ký của ngài đồn phó đáng kính kia mà thôi.
                    Cuối cùng thì Quân cũng phải tìm đến gặp viên Trung uý kia. Sau khi nhận 100$ hắn hứa sẽ cố gắng tìm và hẹn Quân đến gặp hắn sau 1 tuần nữa. Y hẹn Quân nhận được hộ chiếu của mình.
                    Công lý là như vậy đối với cảnh sát Nga thời sau khi Liên xô sụp đổ.

                    #10
                      HBĐ 24.05.2007 15:41:54 (permalink)
                      PHẢI CỐ GẮNG THI LẠI THÔI
                         Tôi đi dọc theo hành lang tầng hai của giảng đường A. Mấy phòng thi vừa thu bài ở ngay đầu hành lang. Cách đó một quãng, ba cô gái đang đứng tựa lan can nhìn ra sân tập thể dục và trò chuyện với nhau. Nhìn qua dáng điệu của họ, đặc biệt là cách họ cầm giấy bút trong tay, tôi biết họ vừa rời phòng thi. Tôi tò mò muốn biết nội dung cuộc trò chuyện giữa họ về việc thi cử nên đã dừng lại cách họ không xa và lắng nghe.
                      - Cậu làm bài thế nào?
                      - Cũng được. Nhưng tớ không hài lòng lắm vì tớ làm xong trước giờ, thế mà bây giờ kiểm lại mới thấy vẫn còn một chỗ tính toán sai. – Cô mặc áo phông có dáng cao cao và mái tóc xoăn rủ xuống trán trả lời – Còn các cậu thế nào?
                      - Tớ làm chán phèo. Thiếu điểm là chắc rồi. Các cậu đều biết đấy, tớ có ôn được gì đâu. – Cô mặc áo màu vàng và quần Jin rất mốt trả lời.
                      - Ai bảo yêu cho sớm vào! – Cô thứ ba mặc áo màu xanh với dáng người thấp nhỏ có khuôn mặt trái xoan và nước da trắng hồng nói - Chắc lại giận hờn nhau rồi không còn tâm trạng nào mà ôn thi nữa chứ gì?
                      - Cậu thì hơn gì tớ, cũng thấy yêu tít mít cái anh gì đồng hương của cậu bên Đại học Giao thông …Mà cậu làm bài thế nào?
                      - Tớ cũng làm chán lắm, bởi tuần rồi mẹ tớ ốm. Tớ phải vào viện chăm mẹ suốt, cũng chẳng có thời gian nhiều mà ôn tập. Phải đành thi lại vậy. – Cô áo xanh trả lời. - Mà cậu không “quay” được à?
                      - Tớ cũng định “quay” mấy lần, nhưng cô giáo coi thi nghiêm khắc quá. Đến lần thứ hai cô ấy nhắc nhở mình thì mình hết luôn ý định. Đành ngồi tự làm vậy, nhưng rồi cắn bút. – Cô mặc áo vàng quần Jin trả lời – Mà phòng cậu thế nào? Các thầy cô coi thi có chặt không?
                      - Phòng tớ ấy à – Cô áo xanh tiếp ngay lời – có mà con muỗi mắt cũng không lọt được qua mắt của hai thầy coi thi phòng tớ. Mà sao các thầy ấy coi chặt thế? Phải chăng là sau cái cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử của bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động mà các thầy ấy ngại rồi làm gắt hơn?
                      - Chẳng phải đâu các cậu ạ. – Cô áo phông từ nãy đến giờ im lặng nay mới lên tiếng – Các cậu thấy từ năm ngoái và năm trước nữa các thầy cô cũng coi thi chặt như vậy, có phải bây giờ mới thế đâu. Tại các cậu lần này không ôn được nhiều, không làm được bài rồi mới cảm giác vậy thôi.
                      - Ừ nhỉ. Tớ nhớ năm đầu khi học các môn của khoa Khoa học cơ bản và Khoa Mác Lê nin thì cũng vậy thôi. Khi đó cũng có ai quay cóp được gì đâu? Thực ra thì lúc đó tớ chỉ nghe mọi người nói lại thôi chứ tớ cũng chẳng để ý lắm vì tớ chỉ lo làm bài cho kịp giờ. Mà tại sao lần này tớ lại nảy ý định “quay” nhỉ? Từ nhỏ đến giờ tớ chưa hề có thói quen xấu ấy đâu – Cô áo vàng quần Jin nói.
                      - Như vậy là lần này các cậu làm bài kém rồi. Lan thì do “yêu” nhé còn Vân thì không may mẹ bị ốm (như vậy cô áo vàng quần Jin tên Lan còn cô áo xanh tên là Vân). Vậy là các cậu phải cố gắng lần sau thôi! Chỉ tiếc là năm ngoái các cậu còn được học bổng mà năm nay lại bi đát thế. – Cô áo phông nói.
                      - Thôi đành chịu vậy. Tớ thấy thầy giáo dạy môn này dạy dễ hiểu và rất chu đáo. Thầy có hướng dẫn ôn tập, thậm chí còn nhấn mạnh mấy chỗ cần đọc lại và ôn tập kỹ hơn. Lúc trên lớp tớ đều hiểu và nghĩ rằng không cần ôn thì cũng làm được, thế mà lúc vào thi thì tớ chỉ còn nhớ mang máng. Chán quá. – Cô áo vàng quần Jin buồn rầu nói - Chỉ thương bố mẹ tớ ở nhà thôi, cứ lăn ra làm để nuôi mình mà mình thì thật đoảng…
                      - Tớ cũng thế, chắc mẹ tớ biết thì buồn lắm rồi lại bệnh thêm. Tớ đành giấu vậy để bà yên tâm dưỡng bệnh. Chúng mình còn lần thi sau nữa, phải cố ôn tập thi lấy điểm thật cao bù cho lần này thôi. – Cô áo xanh nói.
                      ……
                      Đã nghe và hiểu hết câu chuyện của họ, tôi tiếp tục rảo bước đi để thực hiện công việc đã định của mình. Tuy nhiên trong tôi trào lên một niềm vui thoáng chút tự hào, bởi tôi là giáo viên của trường Đại học, nơi có những sinh viên sống chân thành, tình cảm và đầy nghị lực như vậy.
                      20.5.07
                      #11
                        HBĐ 26.05.2007 01:14:41 (permalink)
                        THỰC RA CHẲNG BẤT NGỜ
                           Chuông báo giờ bắt đầu buổi học sáng. Tôi bước vào lớp và thoáng ngạc nhiên khi thấy chỉ hơn nửa số học sinh có mặt và đa phần là nữ. Tuy nhiên sự ngạc nhiên nhanh chóng biến mất khi tôi chợt nhớ ra trận đấu bóng đá dành cúp C1 cao quý nhất châu Âu của năm vừa kết thúc cách đây vẻn vẹn có ba tiếng đồng hồ. Thay cho sự ngạc nhiên là chút bực bội bởi hôm nay tôi đã dặn lớp ôn tập để làm bài kiểm tra ngay từ tiết đầu. Vậy là các em đã quá mê bóng đá và bỏ bê chuyện học hành. Cũng là fan hâm mộ bóng đá, tôi cũng đã thức xem và vẫn đến đúng giờ. Phần vì thời tiết quá nóng bức ức chế, phần do bực bội vì vỡ lở kế hoạch kiểm tra của mình, tôi đã định lớn tiếng phê bình. Tuy nhiên khi tôi chưa kịp nói gì thì Vân, cô gái lớp trưởng ngồi ngay bàn đầu đã nhanh nhẩu đứng dậy:
                        -         Em thưa thầy. Em thay mặt các bạn xin lỗi thầy ạ. Em nghĩ là các bạn không bỏ học đâu, các bạn chỉ đi muộn giờ chút ít thôi ạ.
                           Thôi thì đành phải chịu vậy. Tôi gắng gượng nở nụ cười và hỏi chuyện xem có bạn sinh viên nữ nào theo dõi  trận đấu tối qua không. Điều làm tôi bất ngờ là có hơn nửa số sinh viên nữ trong lớp nói là họ cũng đã theo dõi cho đến phút cuối của trận đấu. Có mấy cô còn kể vanh vách tên các cầu thủ của cả hai đội. Quá là sửng sốt.
                           Rồi thì các fan bóng đá cũng lục tục kéo đến. Chừng mười phút sau thì buổi học cũng được bắt đầu. Tôi kiểm tra lại sĩ số và thấy chỉ vắng Hoan, cậu học trò học giỏi nhất lớp. Thoáng chút băn khoăn trong tôi, bởi Hoan là một trong những người chăm chỉ đi học nhất lớp, hầu như không vắng ngày nào. Học kì vừa rồi điểm tổng kết của Hoan đạt loại giỏi và cậu ta là một trong số ít ỏi sinh viên của lớp được nhận học bổng. Nay nếu tiến hành kiểm tra theo lịch định thì thiếu bài này cậu ta sẽ khó đạt điểm giỏi  đây. Phần vì do ưu ái cậu học trò cưng, phần vì những khuôn mặt mệt mỏi do thiếu ngủ của các fan bóng đá mà tôi đã quyết định hoãn bài kiểm tra chuyển tiến hành vào buổi học tới.
                           Buổi học đã trôi quá nửa tiết thứ hai. Tôi đang say sưa với bài giảng thì bóng một học sinh thấp thoáng ngoài cửa. Tôi nhìn ra thấy Hoan.
                        -         Thưa thầy em đến chậm, thầy cho phép em vào lớp ạ.
                        -         Sao em đến muộn thế? Em có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? – Tôi hỏi.
                        -         Dạ em  có chút rắc rối khi trên trường tới trường thầy ạ. - Hoan lễ phép trả lời tôi.
                        -         Em có dối tôi không đấy? Hay là em đã thức xem bóng đá rồi ngủ quên?
                        -         Dạ em không nói dối thầy đâu ạ. Thú thực là em cũng có xem đá bóng nhưng em vẫn dậy đúng giờ để đến lớp đấy ạ. Thực sự là em có chút rắc rối khi sắp tới trường …
                        -         Thôi em vào lớp học đi. Nhớ về ghi chép lại phần thầy đã giảng khi em đến muộn nhé.
                            Hoan trả lời vâng ạ và nhanh nhẹn về chỗ của mình. Tôi tiếp tục bài giảng và kết thúc nó muộn giờ một chút so với kế hoạch của giáo án vì đã vào chậm mất gần chục phút đầu giờ học. Bởi có những tiết sau của lớp khác nên tôi đã vội vàng rời lớp mà không kịp hỏi Hoan xem cậu ta đã gặp rắc rối gì trên đường. Tôi nghĩ bụng chắc là lại hỏng hóc gì xe cộ mà thôi, bởi cái xe máy cậu ta đi trông cũng “cà tàng” lắm.
                              Buổi trưa xuống bếp của trường ăn cơm thì suất ăn đã hết nên tôi cùng hai cô giáo Hằng và Minh ra quán cơm trước cổng trường. Khách ăn đã vãn, chỉ còn lác đác mấy người. Khi gần kết thúc bữa ăn thì chỉ còn chúng tôi và bà chủ quán. Bà ta đi đến chỗ chúng tôi và bắt chuyện:
                        -         Sao các thầy cô hôm nay đi ăn cơm muộn thế?
                        -         Chúng tôi cố tình đi  muộn đấy chị ạ. Có thế thì mới có thời gian trò chuyện với chị chứ. – Tôi trả lời với chút bông đùa.
                        -         Hôm nay trước cửa quán tôi mới sáng sớm đã có vụ tai nạn giao thông đấy các thầy cô ạ.- bà chủ quán tiếp tục câu chuyện.
                        -         Nguyên nhân làm sao hở chị? Có ai bị thương  không ạ? – Cô Minh vội hỏi.
                        -         Một cô gái đi từ phía trung tâm thành phố về, mới đến đầu ngã tư thì bị mấy thằng choai choai đi ngang quệt vào. Ba thằng ngồi trên một xe máy mà vẫn phóng vèo vèo. Thật là chẳng có một tí ý thức nào chấp hành luật giao thông. Đã thế sau khi gây tai nạn rồi còn bỏ chạy mất. - Chị chủ quán kể lại, giọng đầy phẫn uất.
                        -         Thế cô gái bị ngã có làm sao không ạ? – Cô Hằng hỏi
                        -         Cũng may mà không bị chấn thương ở đầu. Chỉ bị sây sát ở tay phải và đau nơi đầu gối, không thể đi được. May mà có cậu học sinh của trường các thầy vừa kịp tới giúp đưa vào bệnh viện. Cậu ấy nhanh nhẹn lắm. Sau khi đưa xe của cô ấy vào gửi chỗ tôi, cậu ta vội vã dùng xe của mình chở cô ấy đi. Hơn một giờ sau thì cậu ấy quay lại báo với tôi là cô gái bị nạn đã may mắn không bị thương vào phần xương, chỉ bị bong gân nên không phải nằm lại bệnh viện. Cậu ta đã đưa cô ấy về nhà, còn xe thì vẫn gửi chỗ tôi. Cậu ta nói chiều nay sẽ cùng bạn của cậu ấy mang xe về trả cho cho cô ta. Tội nghiệp cô bé, cô bạn cùng trọ thì đang đi thực tập xa thành phố, chỉ còn có một mình…
                        -         Thế chị cũng biết cậu sinh viên tốt bụng đó ạ? – Tôi hỏi.
                        -         Tôi không biết cậu ta học lớp nào, nhưng biết chắc cậu ấy là sinh viên của trường các thầy. Thường thì cậu ta ăn cơm trưa ở chỗ tôi. Con cái nhà ai mà hiền lành ngoan ngoãn và tốt bụng vậy. Có được đứa con như thế thì thật là phúc đức. – Bà chủ quán tấm tắc khen.
                        -         Tên của cậu ta là gì ạ? – Tôi hỏi.
                        -         Cậu ta tên là Hoan, Lê Minh Hoan. Có hôm cậu ta ra đây ăn cơm vẫn đeo thẻ nên tôi kịp nhìn và nay vẫn còn nhớ…
                          Vậy là chính cậu Hoan muộn học giờ sáng nay của tôi rồi. Như thế chút rắc rối trên đường sáng nay của cậu ta chính là việc giúp người bị nạn qua đường. Hoan hô Hoan, hoan hô cậu học trò cưng học giỏi của tôi…
                         
                          Ra về sau bữa cơm, tôi quên mất sự mệt mỏi do thức xem bóng đá đêm qua và do sáu tiết dạy của suốt buổi sáng. Tôi cũng quên luôn sự nóng bức của thời tiết. Trong tôi niềm vui về cậu học trò của mình đã lấn át hết tất cả. Tôi cũng tự nhủ thầm rằng may mà mình cũng đã quyết định đúng khi không cho lớp làm bài kiểm tra theo kế hoach đã định.
                        25.5.07
                         
                        #12
                          HBĐ 26.05.2007 21:54:16 (permalink)
                          NHẬN THƯ VỢ
                          Năm thứ nhất khi học nghiên cứu sinh ở Nga, tôi ở cùng phòng với Nam và Hải.
                          Nam cao kều, tóc xoăn tít (nên được gọi là Nam xoăn); còn Hải thì lùn mà đầu lại hói (nên gọi là Hải hói). Nam mồm liếng thoắng, Hải thì ngược lại rất kiệm lời, có khi cả ngày không nói lấy một câu. Nam tốt nghiệp Đại học ở Nga, còn tôi và Hải học trong nước. Tôi nhiều tuổi nhất, còn Hải trẻ nhất trong ba chúng tôi. Hải vừa cưới vợ được gần một tháng thì phải chia tay đi du học. Hắn và cô nàng chăm chỉ viết thư cho nhau lắm, hầu như đều đặn hàng tuần hắn nhận được thư nàng. Đêm đêm sau khi chúng tôi đã ngủ thì Hải còn ngồi lôi thư ra đọc và lại cặm cụi viết thư trả lời. Thư hắn viết cho vợ dài lắm, cứ ba bốn đêm thì mới hoàn thành một tác phẩm dày đặc những chữ ba bốn trang liền.
                             Một chiều thứ sáu, tôi từ trường về. Mới bước vào phòng thì thấy Nam đang ngồi ở bàn, trên tay là phong thư từ Việt nam gửi sang.
                          -         Mày có thư hả? Thế thì khao đi nhé! Đúng lúc quá, mai là ngày nghỉ rồi. Bọn tao chẳng cần nhiều đâu… chỉ mỗi thằng vài trăm gram là được rồi. 
                          Tôi nói vậy nhưng trong lòng thì mừng cho cậu ta. Chả là gần ba tháng rồi cậu ta chẳng nhận được thư nhà. Nếu hắn có thư thì việc cho cậu ta chúng tôi say tối hôm nay là việc đáng phải làm quá rồi.
                          -         Phải thư của em đâu, lại thư của thằng Hải đấy. Mà anh ơi, rượu em cũng đã mua rồi. Em có kế hoạch này hay lắm. Tối nay em sẽ khao anh…hơn cả rượu nữa kia. Chỉ có điều anh phải giúp em với, của em không đủ…- Nam trả lời tôi.
                          Tôi tiến lại gần. Hắn đang cố gắng cho mấy sợi tóc xoăn tít vào phong bì thư qua một cái lỗ kim ở phía sau. Không hiểu đã được bao nhiêu rồi, chứ trên bàn còn vài ba chục sợi nữa.
                          -         Mày cho tóc của mày vào đấy làm gì? – Tôi hỏi.
                          -         Không phải tóc đâu anh ơi, mà là các loại lông của em đấy. Em đã vặt trụi của em rồi mà chưa đủ. Anh phải bổ sung của anh một ít cho em thì mới đủ cơ số…
                          Tôi hiểu ngay sự tình và tất nhiên là đáp ứng ngay yêu cầu của Nam.
                            Hơn một giờ sau thì Hải về. Hai chúng tôi đã nấu xong, cỗ bày sẵn ra trên mấy tờ báo dưới sàn. Gọi là cỗ cho oai chứ học bổng nghiên cứu sinh, bữa cuối tuần thì cũng chỉ mấy khoanh giò cùng con gà luộc. Có chăng  khác hơn ngày thường là ngoài món bắp cải luộc còn có thêm mấy quả dưa chuột tươi (đang là mùa đông nên có thể xem là Nam đã chi rộng tay). Có thư vợ, Hải mùng ra mặt, định đọc liền.
                          -         Thôi đi, mày lại định để cho hai ông anh mày phải chờ à. Lại ăn đã xong rồi khuya đọc cho nó thấm; mày có lau nước mắt thì đỡ phải tránh mặt chúng tao. – Nam kêu lên.
                          Sau vài tiếng đồng hồ thì cái chai Stolitrnaja cũng lật nghiêng. Làm thêm ấm chè đen, rít mấy điếu thuốc nữa rồi thì tôi và Nam ai về giường người ấy. Giả vờ chui vào chăn nhưng cả hai chúng tôi đều hé mắt chờ kết quả.
                           Sau khi dọn xong đống bát đĩa cho vào xô bỏ ra nhà bếp, Hải quay về bàn và mở thư ra. Thấy ngoài thư như ngày thường còn có “quà đặc biệt của vợ”, hắn cẩn thận thu lại hết và gói vào trong một tờ giấy. Đọc thư xong, sau khi thận trọng ngoái lại nhìn chúng tôi và chắc chắn rằng chúng tôi đã “ngủ” thì hắn mới mở gói giấy ra. Trong tâm trạng rất “phê”, hắn ngắm nghía từng sợi một, xong dồn cả lại đưa lên miệng hôn lầy hôn để…
                           Tôi liếc sang Nam, thấy hắn đang cố nén cười trong chăn. Tôi cũng cười nhưng trong lòng pha chút hối hận: chúng tôi đã đùa hơi quá!
                          #13
                            HBĐ 27.05.2007 07:14:48 (permalink)
                            Hôm nay mới để ý và được biết mấy bài viết của mình được mang vào thư viện.
                            Cảm ơn thịnh tình của Ct.Ly và Ban Quản trị
                            Chúc VNTQ càng ngày càng mang thêm nhiều niềm vui cho độc giả.
                            Bùi Đức Hiền
                            #14
                              HBĐ 02.06.2007 16:53:22 (permalink)
                              CHÍNH HẮN CŨNG BẤT NGỜ
                              Thấm thoắt đã ba mùa tuyết trôi qua. Hải đã ra khỏi ký túc xá của trường thuê Kva (căn hộ) ở để đi làm thêm cho gần. Nam và tôi vẫn ở lại chỗ cũ, tuy nhiên chúng tôi chiếm cả blog. Tôi ở phòng bé, còn Nam ở phòng to. Nam đưa thêm anh bạn cùng hội làm ăn (tên là Minh) về cùng ở với mình. Chúng tôi vẫn bếp chung, ai về trước thì lo liệu cơm nước. Mỗi chúng tôi đều lăn ra làm thêm ngoài giờ đến trường. Nam đã trở thành “soái” đánh hàng Tàu hoặc hàng Thổ qua đường Ba Lan về giao cho các quầy hàng ở Xaliút 2 và Xaliút 3 bán. Nghiễm nhiên tôi cũng trở thành khách hàng của Nam và Minh vì tôi cũng bán hàng ở đó. Do công việc khác nhau nên ba chúng tôi thường không đi chung với nhau mặc dù đích đến vẫn là Xaliút. Nam và tôi dùng xe Nga, còn Minh sắm một chiếc Audi 80 bóng lộn. Nam và Minh giống nhau ở nhiều điểm; cả hai đều có khiếu nói. Nếu hai chàng mà diễn thuyết thì tất thảy chỉ có há hốc mồm ra mà nghe, cũng không thể phân biệt chuyện họ kể là thật hay bịa.
                                Một chiều, sau bữa cơm chúng tôi ngồi lại chuyện tầm phào. Hết chuyện làm ăn thì quay sang chuyện gái.
                               Minh bảo:
                              -         Nam ơi, mày có thích tao giới thiệu cho mày một em “cộng” không? (Từ chỉ chị em người Việt mình bên đó)
                              -         Thằng nào mà chả thích – Nam trả lời
                              -         Thế mày thích béo hay thích gầy?
                              -         Mày thừa biết sở thích của tao rồi còn hỏi. – Nam trả lời - Vợ tao giờ mập ú, tao chỉ khoái em nào gầy thôi.
                              Suy nghĩ một chốc, Minh bảo:
                              -         Tao quen em này, trẻ thôi. Người thì có lẽ hơi gầy một tí, nhưng theo tao vẫn hợp với mày. Tao giới thiệu, mày mồm mép một tý là tán đổ ngay.
                              Nói rồi hắn lục sổ tay tìm số gọi điện. Hắn gọi tới một “ốp” (kí túc xá) người Việt và qua phòng trực xin gặp Nga, người Thanh hóa. Mấy phút sau, đầu dây đằng kia đã có tiếng trả lời.
                              -         Chào em Nga xinh đẹp. Anh là Minh đây, em còn nhớ anh không?
                              -         Anh Minh hả. Sao lâu ngày chả thấy anh liên lạc gì với em. Cũng phải gần ba tháng nay rồi đấy…
                              -         Ồ, anh vừa về Việt Nam họp Quốc hội. Họp hành lâu quá nên mãi mới sang lại được. (Minh ta nói chuyện thì bịa cũng như thể là thật - Đại biểu Quốc hội gì thứ hắn, nhưng giọng thì trơn tru như thể đã là đại biểu vài ba nhiệm kỳ rồi). Còn em làm ăn thế nào?
                              -         Vợ chồng em làm ở chợ Vòm. Buôn bán dạo này “đuội” quá anh ạ. Mà này anh có để dành phần quà Việt Nam cho em không? (đuội: rất kém)
                              -         Hi hi, nhiều lắm. Có thế thì anh mới gọi điện cho em chứ? Mai qua lấy em nhé?
                              -         Thế gặp anh ở đâu? À mà này, dạo này anh có hàng gì không? Cho em “xu khôi” một ít về em bán với? (Xu khôi : mua chịu)
                              -         Hàng hoá ư? Ở anh thì lúc nào cũng nhiều như quân Nguyên. Mai em sang lấy quà rồi tiện thể xem thích loại gì thì đem về mà bán. Thống nhất nhé: trưa mai anh em mình gặp nhau tại hành lang tầng 2 trứơc cửa phòng 254 Xaliút 3  vào lúc 11 giờ nhé. (Là phòng tôi bán hàng)
                              -         Nhất định là em sẽ đến. Anh đừng sai hẹn nhé.
                              Cúp máy xong, Minh bảo:
                              -         Cậu đã nghe rõ rồi phải không. Mai đến đúng giờ nhé. Nhớ là chải chuốt cái đầu đi một tí, chứ lúc nào cũng bù xù như tổ quạ thế thì có đến ma cũng chẳng thể mê mày được!
                              Sáng hôm sau vào lúc 8 giờ tôi và Nam rời nhà cùng một lúc. Minh bảo:
                              -         Anh và Nam đi trước đi. Tôi có chút việc ở nhà giải quyết cho xong rồi tôi lên sau. Mà Nam ơi, cậu nhớ đúng giờ thì đến chỗ hẹn nhé, không thì em nó lại trách tao.
                              Mới hơn mười rưỡi, Nam đã đến chỗ tôi. Rõ ràng là hắn sốt ruột.
                              (Còn tiếp)
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > | Trang 1 của 3 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 42 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9